Thursday, September 30, 2010

Bà Nuôi và chị Rita

Bà Nuôi gọi chi Rita là chị Pasta. Cũng may là bà Nuôi chỉ nói với mình chứ chưa thánh thót “Patta ơi” lần nào. Thay vào đó, mỗi lần có chuyện gì cần trao đổi với chị Rita, bà Nuôi toàn “ây ây, này này, hí hí hí”. Thế là chị Rita tự hiểu là bà Nuôi có ý gọi.

Chị Rita và bà Nuôi bắt đầu đùn đẩy công việc cho nhau. Chẳng là về lý thuyết thì có chị Rita là bà Nuôi được giải phóng hoàn toàn khỏi công việc lau chùi nhà cửa, các phòng tắm và là quần áo. Thế nhưng tất nhiên phòng, nhà tắm và quần áo của bà Nuôi thì bà Nuôi phải tự làm, chứ chẳng nhẽ mình thuê chị Rita đến quét dọn phòng, chùi rửa nhà tắm và là quần áo cho cả bà Nuôi nữa. Thế nhưng ban đầu bà Nuôi lại tưởng thế, và mình vì ko để ý nên cũng mãi mới can thiệp.

Bên cạnh công việc lau chùi và là quần áo, chị Rita cũng phải làm thêm một số việc chính ra là của bà Nuôi nhưng vì bà Nuôi ko biết đọc nên hướng dẫn rất khó, và bà Nuôi thì cứ quên trước quên sau, ví dụ phần chùi rửa đồ bạc. Vì thế mình mới bảo bà Nuôi giúp chị Rita một phần công việc là lượt, chỉ để lại những cái khó là cho chị ấy thôi. Thế mà cứ lúc nào chị Rita đến là mình thấy bà Nuôi mang nguyên cái sọt đồ cần là đến giúi vào tay chị Rita, cười hí hí làm nhiều khi chị Rita rất bất mãn. Mình lại đành phải can thiệp.

Ngoài ra thì hai người này khá thân nhau. Bà Nuôi rán bánh buổi sáng, chị Rita tò mò ngó vào. Bà Nuôi mang bánh ra mời, chị Rita khen ngon rối rít nhưng ko dám ăn nhiều sợ béo. Lần nào chị Rita lau chùi phòng vệ sinh của mình chị ấy cũng phải trèo lên cân cân thử. Cái cân của mình có bà Nuôi hay trèo lên nhất, rồi đến chị Rita, rồi đến chàng, rồi mới đến 3 mẹ con mình trèo lên cân cho vui là chính. Còn 3 người kia lần nào trèo lên xong trèo xuống cũng thở ngắn thở dài than béo.

Bà Nuôi ái mộ phong cách ăn mặc xì tin của chị Rita. Lần nào chị ấy đến bà Nuôi cũng ra vuốt hông vuốt mông chị ấy khen ngợi nức nở. Chị Rita chỉ nói được tiếng Ý, bà Nuôi chỉ nói tiếng Cần Thơ. Nhiều khi nghe hai người này nói chuyện với nhau mà mình cứ bấm bụng cười. Cứ ông nói gà bà nói vịt nhưng sau đó bà Nuôi lại chạy ra khoe mình “tôi là tôi hiểu hết, chỉ có điều tôi ko biết trả lời lại thế nào”. Lại làm mình nhớ hồi đi làm phim, có một chú Special Effects người VN, tiếng Anh một chữ bẻ đôi ko biết, thế mà ngồi tâm sự thở than cả buổi sáng trên một cái gốc cây cụt với một thằng người nước ngoài tiếng Việt một chữ bẻ đôi ko biết.

Hội làm ở cửa hàng dược gần nhà cứ lần nào thấy bà Nuôi là mồm chúng nó nhách ra tận mang tai. Không biết chúng nó sướng vì vớ được khách sộp hay buồn cười vì bà Nuôi nhiều mối lo về sức khỏe quá. Hết nám da, nhức đầu, đau chân tay giò cẳng cột sống, rụng tóc, tháng trước mình đi nghỉ về thì bà Nuôi bảo có khả năng đau dạ dày còn giờ là đến mắt nhìn ko rõ. Được cái bà Nuôi đã từ bỏ khóa chữa nám da cấp tốc sau khi mất tiền oan đến 3 lần mà mấy vết nám trên mặt vẫn ko cải thiện được tị nào.
Hôm nọ chàng cho Lê La đi chơi. Mình bắt mang bà Nuôi đi cùng vì sợ chàng một mình ko kham nổi hai khỉ đột. Chú Bình Nguyên yêu cầu bố lấy xe thể thao chạy cho đã. Chắc chàng ko có vợ ngồi kèm nên tăng ga bạt mạng, Bà Nuôi đi về mặt xanh như đít nhái “cái xe trông như cái hột vịt mà chạy dữ trời ta ơi”.

Monday, September 27, 2010

New York New York

Tối thứ 7 đi ăn tối theo lời mời của vợ chồng Justice Massaro, chánh án tòa án tối cao New York. Hai ông bà sang Rome theo lời mời của tổ chức nào đó và tranh thủ muốn gặp lại vợ chồng mình.

Ngồi nói chuyện trên trời dưới biển, mới chợt nhận ra rằng mình đã vắng mặt gần hai mùa tiệc tùng của New York. New York vẫn thế, vẫn những gala dinners, receptions, parties, tại nhà riêng ấm cúng hay trong những venues tráng lệ. Những ông nghị già vẫn date những người phụ nữ trẻ hơn nhiều tuổi, vài ông chồng già ko bao giờ đi cùng vợ già mà luôn xuất hiện cùng các cô thư ký trẻ đẹp, các vị phu nhân đeo đồ trang sức lộng lẫy phong cách lịch thiệp, những nhà ngoại giao cứ đến rồi đi.

Hơn một năm nay bận rộn với cuộc sống mới ở Rome quá, ko có thời gian nào ngồi nhớ lại. Mùa tiệc tùng của NYC thường bắt đầu vào tháng 9 và kết thúc vào tháng 3. Hết mùa tiệc ở ngoài thì lại tiếp tục mời khách liên tục ăn tối ở nhà trước khi bắt đầu kỳ nghỉ hè. Năm nào cũng quay như chong chóng như thế. Một năm trôi qua rất nhanh.

Ai cũng bảo có công việc gì mà sướng thế, ko phải đi làm, chỉ việc son phấn ăn mặc đẹp để đi ăn ngon, được săn đón mời mọc, lại còn hay được gặp những nhân vật nổi tiếng thường chỉ được thấy qua báo đài, đã thế lại còn có lương.

Cứ nói thế thôi, chứ thật ra chả sung sướng gì. Vào mùa tiệc ở New York, đêm nào cũng phải đứng sừng sững trên giày cao gót vài tiếng đồng hồ, lưng đau ê ẩm và chân nổi chai. Ngồi ở bàn tiệc kể cả là có được ăn ngon thì cũng chả sung sướng gì. Vì không mẫu mực thì còn gì là chất nghệ. Người Tây dùng dao thìa dĩa. Mình thì chỉ quen đũa. Dùng đũa thì mình nhã ko biết đường nào mà kể, nhưng cứ động đến dao thìa dĩa là phải tập trung, không thì thành cánh gà tẩm bột rán ngay. Tức là cầm dao dĩa mà hai cánh tay lại không khép vào sườn, mà lại xập xoè như cánh gà công nghiệp, thì còn gì là chất nghệ? Chưa kể, khi uống nước, môi có bóng son hoặc bóng mỡ đến nhường nào cũng phải nhớ mà chấm đi hoặc khẽ khàng nhấp vào thành cốc sao cho ko để lại vết. Uống nước xong mà thành ly lại lem nhem vệt môi tròn tròn thì… làm sao còn đáng mặt phu nhưn?

Còn chưa kể nhiều khi gặp những nhân vật cực phê. Một lần, mình được hân hạnh ngồi cạnh một chị to béo mặc chiếc áo đen kết nhiều hạt cườm lóng lánh cánh tay xẻ lên tận vai, hở cả hai cánh tay béo núc ních. Chị ấy ngồi hết một ghế rưỡi, tức là mình còn nửa ghế. Nhiều bàn tiệc ở NYC cứ xếp khách ngồi như cá hộp. Lúc ăn món chính chị ấy ăn một hơi hết tảng thịt bít tết nói ko ngoa to bằng hai bàn tay người lớn chắp lại và dầy khoảng 3 phân. Ăn xong chị ấy ngó sang phía bên kia, vị khách đó vì lý do gì đó ko có mặt, lấy dĩa xỉa luôn phần thịt của ông ấy mang về đĩa mình đánh chén tiếp.

Một lần khác, bàn tiệc ko hiểu sao lại vắng một khách. Bà già ngồi kế đó miệng thì khoe không ngừng bố bà ta nói được 11 ngoại ngữ, bản thân bà ta nói được 9 ngoại ngữ, tay thì ngoắc cậu phục vụ gói phần đồ ăn của vị khách vắng mặt cho vào túi để bà ta mang về nhà.

Phong cách kém đẹp mắt chỉ là một chuyện. Tại các buổi tiệc đó ngại nhất khi gặp phải những contact hunters, là những người chuyên đôn đáo chạy vạy kết thân. Mình tự biết mình ko phải kiểu người đặc biệt dễ thương, đặc biệt hòa đồng, đặc biệt hiểu biết hay duyên dáng hóm hỉnh thú vị để mà người ta phải xúm vào kết bạn. Tóm lại, nếu người nào đó có đến làm quen, xin số điện thoại gọi ời ời rồi mời đi ăn uống này nọ thì chắc chắn chỉ là muốn thiết lập quan hệ để còn nhờ vả khi cần. Có lúc họ làm quen trực tiếp với chàng, có lúc họ lại chọn vợ chàng để làm quen. Vì họ rất biết nếu đã là bạn của mình rồi, nhờ mình để mình bảo chàng làm có khi còn được việc hơn nhờ thẳng chàng. Vấn đề ko có gì đáng nói nếu như ko có nhiều người rất buồn cười, săn đón rủ rê kết thân mãi ko được là quay ngoắt 180 độ luôn thậm chí chả buồn tế nhị, làm cái sự lịch sự xã giao mỗi khi gặp của mình trở nên thừa ơi là thừa.

Khi rời New York mình ko duy trì mối quan hệ nào. Mình vốn ko hứng thú với những người muốn kết bạn với mình chỉ vì mình là vợ chàng chứ ko phải vì mình là mình. Mà nói thế thì từ giờ đến cuối đời chắc mình khó kết bạn với ai được, vì những người gặp gỡ tiệc này tiệc nọ, họ làm quen chả qua vì muốn bắc cầu tới chàng, chứ mình trên răng dưới dép làm chóa gì có cái gì thú vị để làm quen.

Thế nên ko nhớ người NYC thực dụng thái quá, chỉ nhớ NYC với taxi màu vàng, nhà chọc trời, những phù hoa, công viên trung tâm mẹ ngồi ngắm con vui đùa những buổi chiều. Nhớ NY nhất là khi mùa giáng sinh đến, các cửa hiệu trang hoàng giáng sinh lộng lẫy, và những bài hát giáng sinh phát liên tục trên một kênh FM nào đó, giọng hát êm ả của Nat King Cole chestnuts roasting on an open fire...

Sunday, September 26, 2010

Đàn ông Ý lượm lặt

1. Tối chủ nhật chồng báo trước với vợ “tuần tới này anh sẽ bận choáng váng bận kinh khủng, em thông cảm cho anh nhé”. Vợ chả lạ gì cái tật quan trọng hóa vấn đề của chồng “vâng, tức là em ko thể nhờ anh làm hộ việc gì đúng ko?”. Khái niệm bận của chồng rất khác với khái niệm thông thường, vì 1h đêm vẫn ngồi mải mê online chat chit với mấy thằng nghiện Porsche; sáng 9h sáng vẫn nằm trên giường nhìn lên trần nhà ánh mắt rất trống trải và chưa thể quyết định có nên dậy đi làm hay ko; đá bóng đảm bảo một tuần 3 buổi; tuần này lại thêm một buổi đi đua ô tô; tối về ăn tối xong lại phải xem một bộ phim cho đầu óc thư giãn; chưa kể bạn bè ới lúc nào là đi được lúc ấy ngay cả trong giờ làm việc; chỉ có vợ cứ động nhờ cái gì là thấy chồng kêu bận. Vợ cả tin thấy chồng bảo bận thì cơm bưng nước rót dâng lên tận miệng, con cái nhà cửa các việc lặt vặt ko để chồng phải động tay, xong thấy chồng bận kiểu thế thì rụt rè bình luận “với em một người có nhiều thời gian giải trí như thế thì ko thể là một người bận bịu” thì lại bị chồng dỗi bảo em ko coi trọng công việc quan trọng của anh.

2. Ra bãi biển, cứ dừng xe mở cửa ra một cái là chồng có điện thoại, mà có điện thoại một cái là đang làm gì cũng bỏ đấy nghe cái đã. Đứng đợi thì nắng mà nhất là ko biết ông điện thoại đến lúc nào nên mình toàn phải dẫn con đi trước. Thế là mình hai tay dắt hai con đi, một vai đeo túi đồ chơi cát kềnh càng, vai kia đeo túi nặng trịch đựng nước uống sữa đồ ăn nhẹ quần áo thường quần áo bơi và phao bơi của con (vì một lần để lại nhờ chồng vác hộ và chồng đã quên). Hôm nào ko có gió thì còn đỡ, hôm nào gió to thì đến là loay hoay vì mũ mẹ mũ con bay tá lả. Ngoảnh lại thấy chồng nhởn nhơ đằng sau có khi đến 100m, nếu ko đi người không thì đích thị là khoác cái ba lô đựng mỗi đồ cá nhân của bản thân, tức là không đựng gì vì thấy cứ gặp gió là cái ba lô lại bay lên phần phật. Trông cứ phi logics như một con bọ ngựa đực.

3. Một lần trong kỳ nghỉ hè, ông con thay vì gọi mẹ cho đi ăn sáng thì lại bò ra gọi bố. Thế là chàng phải dậy lúc gần 8h sáng cho con ăn. Cũng có làm gì to tát ngoài nướng miếng bánh mỳ rồi phết tí mứt, rồi ngồi ngủ gật cạnh con chờ nó ăn được 5 phút thì cô giúp việc đã ra tiếp quản. Thế mà chàng phải vào giường ngủ tiếp đến gần 11h sáng vẫn chưa lại sức. Gọi mãi ko chịu dậy vì “sáng nay anh phải dậy sớm cho con ăn”. Thế này mà phải như vợ đêm nào cũng phải dậy mấy lần cho con ăn, cho con đi vệ sinh, thì có lẽ chàng phải đi bệnh viện điều trị bệnh suy nhược cơ thể mất.

4. Gần nhà có một tiệm giặt là. Không hiểu sao rất nhiều ông già tụ tập. Suốt ngày thấy một bà già mặc váy hở nách cặm cụi khâu khâu là là, còn các ông già chỉ ngồi đánh cờ, chơi bài, tán gẫu, ngắm gái qua lại. Mấy tuần trước thấy các ông già bỏ đánh cờ, có lẽ vì có trò tiêu khiển mới là một con vẹt. Lần nào đi qua cũng thấy con vẹt đang nói véo von. Mà nếu nó ngưng mỏ một cái là một ông già nào đó lại huýt huýt chọc chọc cho nó nói tiếp.


Hôm qua, đi qua tiệm giặt là thấy mấy ông già lại ngồi đánh cờ như thường lệ, và cái biển giao thông gần đó có dán thông báo mất vẹt.

Wednesday, September 22, 2010

22/9/2010

Dạo này bố con Bình Nguyên có trò chơi mới là trò đua ô tô. 3 bố con 3 cái ô tô đua miệt mài, hò hét tranh cãi hăng hái lắm. Cứ chiều chiều là Lê La lại ngấp nghé ở cửa ngóng bố về để còn đua ô tô. Hôm nọ bố lách cách mở khóa, ngó đầu vào vừa tinh nghịch kêu lên “evviva” thì Lê La chạy ào ra. Chú Bình Nguyên nhảy xổ vào bố trước với quả trán dô cứng như thép và hàm răng nhe nhởn. Bố chú chả kịp né, chỉ kịp kêu “ouch” và nhăn nhó ôm cái chỗ mà ai cũng biết là chỗ gì ấy. Bố con chú Bình Nguyên giống nhau, thiện chí đầy mình nhưng lóng ngóng đến mức toàn gây thiệt hại đau thương cho người khác.
Rồi 3 bố con lôi ô tô ra đua. Chỉ sau 5 phút mẹ nghe tiếng chú Bình Nguyên khóc nức nở. Lý do là vì đua với bố chú bị thua suốt. Lila thì ko kể vì bé chẳng cạnh tranh, hai tên kia đi một đường bé cứ đi một đường khác và bị hai tên kia dè bỉu là “đồ con gái”. Mình thấy chú Bình Nguyên khóc lóc khổ sở thì bảo “anh cho con thắng một vài lần đi”. Chàng bảo “ko, nó muốn thắng anh thì nó phải giỏi hơn anh chứ”, rồi quay sang con ôn tồn phân tích “Ale, nếu con muốn thắng thì con phải giỏi, nếu muốn giỏi thì con phải tập luyện. Như bố đây này, bố luyện phi ô tô suốt ngày bố mới phi giỏi thế chứ”. (lại còn khuyến khích con luyện phi ô tô suốt ngày nữa thì mình đến bó tay). Tuy nhiên bất kể những lời lẽ phân tích gan ruột của bố, chú Bình Nguyên vẫn khóc nức nở “papa shấu, papa ko cho Lê thắng mamma ơi”. Nói mãi con chả nín khóc, chàng ngao ngán “trong cái thế giới nhiễu nhương này, ngay một thằng trẻ con 4 tuổi cũng ko chịu cố gắng mà cứ muốn mình giỏi nhất”. Mình bảo “thôi anh ơi, có cái trò chơi vớ vẩn này làm gì mà phải nhiều triết lý đến thế”, “ơ sao em lại bảo nó là trò chơi vớ vẩn, đây là ĐỜI em hiểu ko, ta học được rất nhiều điều từ một trò chơi nhỏ thế này”. Đời mới chả đoạn, nẫu ruột. ĐỜI thêm được 1 vòng nữa thì chàng lại chạy ra mặt tức tức “thằng Ale nó chơi ăn gian em ạ, nó ko đi theo vòng mà nó đi đường tắt, bé tí đã ăn gian rồi”.
Cả tuần nay chàng bận túi bụi vì phải tổ chức cuộc thi nâng bậc cho hội nhân viên trong Bộ đang làm việc tại Rome, tức là cho hơn 3000 người, tối om vẫn chưa thấy về nhà. Mình đành lãnh trách nhiệm đua ô tô cùng Lê La trước giờ đi ngủ. Công nhận con trai chơi ăn gian thật. Nhưng mình cũng có cách. Mình bảo “Lê mà chơi ăn gian mẹ ko chơi nữa”. Lần thứ hai mình định đi ngủ thật, chú Bình Nguyên cuống lên bảo “Mamma đua tiếp với Lê đi Lê ko chơi ăn gian nứa”. Thế là xong, có cần giáo huấn lý sự gì nhiều đâu.
PS: Sáng sớm hôm nay chạy qua cái clinics gần nhà làm xét nghiệm tampone rettale hôm qua chưa làm được. Con bé ngồi trực ở đó lại hỏi một câu lãng xẹt “phân đâu?”, điên hết cả lòng mề.

Tuesday, September 21, 2010

Chó đen giữ mực

Mấy hôm trước qua trung tâm y tế gần nhà hỏi các thủ tục lấy máu và xét nghiệm cho 3 tháng cuối của thai kỳ. Gặp một chị rất đon đả, giải thích tường tận, thái độ thân thiện. Về nhà mà cứ tấm tắc mãi với chồng rằng ở những chốn đó gặp được những người đó mình thật là may mắn.

Đúng như lời chị ấy căn dặn, mình chạy ra hiệu thuốc mua cái lọ để lấy mẫu phân (P) rồi hí hửng mang đến trung tâm y tế. P có thể lấy từ tối hôm trước hoặc sáng hôm sau. Mình hoan hỉ vô cùng vì lấy ngay buổi sáng. Fresh thế ko thể fresh hơn, kết quả tha hồ mà chính xác nhá.

Ở quầy trả tiền, nhân viên bảo ở đây chúng tôi ko làm xét nghiệm P này. Bảo ơ chị có nhầm ko, có một chị ở phòng thử máu hôm nọ bảo với tôi là các chị có làm xét nghiệm đó. Kiểm tra đi kiểm tra lại, đứng mỏi cả chân, kết quả là chúng tôi ko làm.

Mình cụt hứng, đi sang phòng thử máu, tay vẫn cầm khư khư cái lọ P. Bụng vẫn hy vọng gặp được cái chị đon đả hôm nọ xem có gỡ gạc được cái gì ko, chứ bắt con nhà người ta mang cả lọ P đến rồi lại bắt mang về là sao. Vào phòng thử máu, lấy máu xong bà nhân viên ở đó thấy mình đã choáng váng mà cứ cầm khư khư một cái gì đó mới hỏi “chị mang theo cái gì thế, đồ ăn à?”. Bà ấy hỏi thế vì máu lấy hơi nhiều trong khi mình lại ko được ăn uống gì từ đêm qua nên hơi choáng. Bảo “tôi mang theo P”, “Sao lại P?”, “thì tôi phải làm cả xét nghiệm tamponale rettale nữa, hôm nọ có chị ở đây dặn tôi phải mang theo P để làm xét nghiệm đó”, “ko cái đó chúng tôi ko làm”.

Hết hy vọng, tiu ngỉu đi về tay vẫn cầm khư khư lọ P, như chó đen giữ mực.



Mình đã nghi ngay hôm chị kia hướng dẫn. Vì xét nghiệm này chính là xét nghiệm GBS, Group B Streptococcus, mình đã làm hai lần hồi trước khi sinh Lê La ở bên Mỹ, có cần phân phiếc gì đâu. Nghi nhưng chả dám hỏi lại vì ở Ý khác hoàn toàn ở Mỹ. Ở Mỹ công nhận mọi việc thật dễ dàng. Đủ loại xét nghiệm chỉ cần chạy qua lại giữa văn phòng bác sĩ và một phòng lab là xong, trừ những cuộc kiểm tra quan trọng thì đi bệnh viện. Ở đây, bác sĩ thỉnh thoảng lại đưa ra một danh sách các xét nghiệm phải làm, cái thì có thể làm ở trung tâm y tế gần nhà, cái thì phải ra phòng lab tư nhân, cái thì phải sang clinics tư nhân, cái thì phải đi bệnh viện, chạy như đèn cù. Mà bệnh viện thì lúc nào cũng quá tải. Gọi đặt hẹn Monitoraggio tức là non-stress test, kiểm tra nhịp tim thai nhi thông qua tần suất cử động, nó cho mình cái hẹn cuối tháng 12. Bảo giờ là giữa tháng 9, tôi chỉ còn vài tuần nữa là đẻ rồi, nó bảo “tôi biết làm sao được, lịch kín rồi, chỉ có cuối tháng 12 thôi chị có đặt thì đặt”. Chuối.

Mình thì đã sợ lấy máu mà chúng nó lấy máu của mình cứ nhoay nhoáy. May lần này làm sao chúng nó chưa có cái trò trích máu từ đầu ngón tay rồi bóp mạnh cho máu từ đầu ngón tay nhỏ giọt xuống tấm kính, chứ ko chắc mình chết hẳn. Hồi mang bầu Lila phải lấy máu kiểu này. Lấy máu xong mà mình cứ đứng trước cửa bệnh viện khóc hơn nửa tiếng ko nín được.

Cố gắng làm đủ các xét nghiệm bác sĩ yêu cầu, chỉ mong bé sinh ra khỏe mạnh thôi đấy bé ạ. Chứ còn nếu làm cho mẹ thì mẹ trốn lâu rồi. Đời có mấy tí mà cứ phải hành xác dư lày

Sunday, September 19, 2010

Lila 36

 
Mình vừa mở cửa vào nhà thì bà Nuôi chạy ra “cô ơi con Lila nó cầm cái này nó ký thằng Ale lủng sọ đấy cô ạ”. Mình quay sang cái mặt lì lì của con gái “sao bé lại đánh anh hả bé, bé đánh anh là bé ko ngoan đấy nhé, mẹ giận đấy”. Thấy Lila mắt nhìn xuống đất liếc qua liếc lại sắc như dao, điệu bộ rõ là lì lợm ương bướng. Còn chú Bình Nguyên thì đính chính “ko phải là cái này, mà là cái này mamma ơi”, nói đoạn chú chạy đi lấy miếng gỗ Lila dùng đánh vào đầu chú mang về minh họa cho mẹ thấy.
Khổ thân chú Bình Nguyên hiền lành bị em gái ức hiếp đủ đường. Hai anh em chơi đuổi nhau trong nhà, chạy một lúc em gái ngoay ngoảy đi thẳng ra ghế sofa vừa đi vừa bảo anh “Giờ thì La ngồi đọc sách vì La chạy quá mệt rồi. Lê hiểu chưa?”. Chú Bình Nguyên năn nỉ cỡ nào em gái cũng ko thay đổi quyết định, làm chú mặt ngắn tũn như cái bơm. Chơi cùng nhau mà chú cứ bị lâm vào tình thế hết sức bị động phụ thuộc thế này mẹ chú ái ngại cho chú quá.
Đi ngoài đường, anh vừa bỏ tay mẹ nhảy chân sáo một cái là em the thé nhắc ngay “Lê, ko được đi lun tun ô tô chẹt chết”.
Hôm nọ chả hiểu chú Bình Nguyên nói cái gì mà mình nghe Lila sửa gáy anh lập tức mặt rất cong cớn “Lê ko được nói như thế nhá, la ko thíc”.
Thỉnh thoảng Lila làm cái gì ngoan, mình tấm tắc “con gì mà yêu thế mà ngoan thế”, là bé nhận ngay tắp lự “Lila”. Lúc nào làm cái gì mình ko bằng lòng, mình lẩm bẩm “con gì mà hư thế ko biết”, thì bé cũng trả lời ngay “Ale”, nếu thằng anh tình cờ đang xớ rớ gần đó. Còn nếu mà xung quanh ko có ai ko đổ cho ai được thì trả lời mẹ gọn lỏn “hông bít”.
Thỉnh thoảng mẹ gọi “con mắm của mẹ đâu ra đây mẹ ôm tí nào”, là bé lũn tũn chạy ra đính chính “la ko phải là con mắm”. “Thế bé là con gì?”, “La là con bướm đẹp”. Cái gì cũng phải thêm “đẹp” vào thì mới yên lòng.
Không có cái gì là Lila ko trả lời lại được ngay một câu. “Bé ơi, tụt xuống đấy thì rách đít đừng có kêu bé nhé”, “thì mamma kéo La lên”. “Này bé, chạy ngã rách đầu gối đấy bé ạ”, “thì mamma giúp La”. “Bé ơi đừng xuống nước nữa, ốm đấy bé ạ”, “thì mamma chữa cho La”. Cứ như vấn đề nào của bé mẹ cũng giải quyết được ko bằng.
Con gái nữ tính hơi ít. Giờ váy áo điệu là nhất quyết ko mặc, chỉ thích quần đùi áo phông. Có lần, mẹ mang váy điệu ra ko chịu mặc, mẹ bực mình “ko mặc thì ở nhà nhé”, rồi lấy túi chuẩn bị mở cửa đi. Thấy nguy cơ ko được bám đít mẹ đi chơi, bé cuống quít đổi giọng “ôi La thíc cái váy này quá, mamma mặc cho La đi”. Hoặc ko chịu buộc tóc lên cho mát, mẹ bảo “thế thì khỏi xem phim”, là bé suy nghĩ trong chớp mắt rồi đổi giọng luôn “La thíc cột tóc quá, mamma cột cho La đi, La yêu mamma lắm”.
Ở ngoài bãi biển chàng hỏi mình “em ơi, sao con gái bằng tuổi con mình đứa nào cũng ôm búp bê, mà con mình lại cầm một cái tàu thủy là thế nào?”. Ngoài bãi biển bọn con gái mải mê tắm cho búp bê, con gái mình đua ô tô trên bờ và đua tàu thủy dưới nước.
Không biết lớn lên tí nữa thì có thùy mị dịu dàng lên tí nào ko nhỉ, chứ thế này thì chả khác nào mình có hai thằng con trai.

Monday, September 13, 2010

Live and let live

Mình có thể ko nói tất cả những gì mình nghĩ, nhưng những gì đã nói ra thì đó phải là những điều mình nghĩ, ngay cả khi phải đứng một mình đối lại với cả số đông và chấp nhận rủi ro bị đánh hội đồng. Cái này hoa mỹ lên thì gọi là dù ai kề dao vào cổ cũng ko nói không thành có. Là tương đối thế thôi, chứ có ai kề dao vào cổ mình thật thì muốn mình nói gì mình cũng nói luôn cho xong. Tuy nhiên, trong đời thực mấy khi có trường hợp bị kề dao vào cổ như này, thế nên nhìn chung mình vẫn là một người hay nói đúng những gì mình nghĩ bất kể hoàn cảnh.

Gần đây có vụ lùm xùm cô cựu hoa hậu Thu Thủy (TT) trót ra một entry trên facebook với lời lẽ ko được chau chuốt cho lắm. Mình ko có facebook của cô này và ko quan tâm đến việc kết nối với người nổi tiếng, chỉ là mình hóng hớt trên báo. Và vì tính hóng hớt nên mình bỏ công ngồi đọc hết cả hơn chục trang comments mà khán giả đưa lên sau bài báo chỉ trích kia.

Đọc xong, mình thực sự ngạc nhiên khi trong hàng trăm comments phê phán có, thóa mạ có, tẩy chay có, khinh bỉ có, chỉ có đúng một comment nói đại loại tại sao các bạn ko nhận thấy cô ấy có tấm lòng nhân hậu, không nhân hậu sao cô ấy viết được những câu như “nhớ mang cam vào cho các cháu vì truyền thuốc xong các cháu rất háo…” vv và vv mình ko nhớ chính xác.

Cá nhân mình thì nghĩ TT trong lúc xúc động cao trào, bồng bột huỵch ra một entry, bụng cứ tin rằng ừ thì mình thô như cái bô đấy, nhưng các bạn phải nhận thấy là cái tâm của mình tốt. Ai dè thiên hạ hơi ác, tâm mày tốt là bình thường, mày là hoa hậu cơ mà, nhưng mày là hoa hậu mà mày ăn nói thế thì mày xong với chúng ông rồi.

Mình ko cổ súy cho giọng văn của TT, nhưng thực sự mọi người công bằng một tý, nhìn nhận sự việc thấu đáo một tý, mà ko được à? Chê thì cũng đúng thôi, nhưng có nhất thiết phải phủi toẹt điểm tốt của người ta như vậy ko? Tại sao lại cứ phải rình người khác sơ ý thò đuôi ra một cái là chộp là kéo là cắn là dứt cho đứt đuôi con người ta ra thì mới thỏa lòng? Thói gì mà xấu, người gì mà unhappy thế.

Ngoài lề:

- Một số người lúc nào hờn căm sân si cũng sôi lục bục trong bụng, chỉ chờ dịp là thả ra cả đàn. Tưởng mấy câu chửi là đì được người khác xuống, nhưng bản thân mình chả ai thèm chửi mà cũng có bay cao được quái đâu.

- Nếu mà phải kiếm tiền kiếm danh bằng những hớ hênh của người khác, giống cái bạn nhà báo là người đầu tiên chộp được cái đuôi sơ ý thò ra của TT và đưa lên một bài đạo đức lâm li bụng chắc mẩm bài của mình sẽ thành article of the month, thà mình chuyển nghề.

- Một ngày nào đó, nếu mình vẫn married to the same man và mình quyết định quay về VN một nhiệm kỳ, bạn nào nhạy bén thì sẽ lục lại blog của mình copy paste các bài về giai mú, rồi chạy một article hoành tráng trên báo “Qúa khứ gây sốc của đại sứ phu nhân gốc Việt của nước cộng hòa Italia tại VN” hoặc “đại sứ phu nhân người Ý gốc Việt, lady or bitch?”. Đảm bảo bạn kiếm khá đấy.

Saturday, September 11, 2010

10/9/2010

 
Vừa từ hiệu làm tóc đi ra, mình cao hứng tạt vào hàng kem mua kem chén. Mình vốn ko phải là người thích đồ ngọt nhưng từ hồi về Ý lại bắt đầu ăn. Căn bản đồ ngọt ở Ý khá ngon, nhất là kem. Hầu như tạt vào bar nào cũng có thể mua được kem ngon.
Vừa đi bộ ngang quảng trường vừa ăn kem. Từ tháng thứ 8 trở đi ai nhìn cũng biết có bầu, nên số giai theo đuổi giảm tẹt ga. Đi bộ qua cả cái quảng trường rộng thênh mà chẳng có ma nào chạy tới chạy lui làm quen xin số điện thoại. Đời thật là đen bạc.
Đã thế lại còn thấy hai em gái gypsy mắt kẻ đen bắt đầu nhìn mình rất trìu mến và lẽo đẽo đi theo. Đến cột đèn giao thông thì hai em đã kè kè ngay cùi trỏ, hai em hai bên cùi trỏ. Ở Rome rất nhiều cave, hầu hết là gái Nga hoặc gái Phi là bọn gái đẹp, gái Á (chủ yếu dân Philippines) kém sắc hơn thì đi làm giúp việc, trông trẻ. Bọn gypsy thì chỉ đi ăn xin hoặc móc túi, chả chịu đi làm cave cho mình nhờ dù chúng nó ko hẳn là xấu. Mình đồ rằng chúng nó lười đến mức sex chúng nó cũng ngại, nên đi ăn xin hoặc móc túi cho nhanh cũng nên.
Mình định cứ để yên xem chúng nó định làm gì. Tuy nhiên nhớ ra bài học xương máu bố của bạn mình, để bao gạo trên xe máy dựng trước cửa nhà, nhoắng cái thấy mất bao gạo. Bác ấy cú quá lại để bao gạo nữa lên giỏ xe máy, định bụng rình bắt tận tay thằng ăn cắp, thế nào quên bẵng đi một lúc, lại mất bao nữa. Thế nên là mình thôi chả dám liều, kéo cái túi ra trước ngực, lườm con bé gypsy một cái và đứng dịch ra một quãng. Dạo này bầu bí nên rất hay quên, định thử lòng mấy nàng gypsy mà lại mất béng cái ví thì cũng toi. Mấy nàng này lại thực sự cao thủ, mình đang yếu nên ko thể ra gió.
Bê cốc kem lên tàu điện ngồi ăn tì tì. Thấy từ xa có chú cứ nhìn mình đắm đuối. Lúc tàu điện dừng chú ấy ra đứng ở cửa đón lõng, tay nhịp nhịp tờ báo cuộn tròn, điệu bộ sẵn sàng. Mình mặt mũi tỉnh bơ, từ từ đứng lên, lộ nguyên quả bụng tròn xoe như quả dưa hấu. Chú ấy nhảy tót xuống đường đi thẳng ko ngoái đầu lại. Đời ko đen bạc thì là cái gì.
Sáng nay, đang ngồi trên xe bus cùng con trai, có anh ngồi từ xa cũng cứ nhìn mình lom lom. Nhìn mình một lúc thì quay sang hôn bạn gái ngồi cạnh rất cuồng nhiệt. Bỏ môi bạn gái ra lại quay ra nhìn mình ko chớp mắt. Trên đời có nhiều người tư duy ko được mạch lạc logic cho lắm.
Còn sáng hôm qua, mình đang ngồi trên xe bus cùng con trai, tự nhiên vô tình nhìn vào gương chiếu hậu thấy anh lái xe cũng đang nhìn mình đắm đuối. Lúc đó trên xe chỉ còn hai mẹ con và mấy bà già. Mình nhìn đi chỗ khác, một lúc sau nhìn lại vẫn thấy anh ấy đang nhìn mình đắm đuối, mình lại nhìn đi chỗ khác. Một lúc sau nhìn lại vẫn thấy ánh mắt đờ đẫn của chàng lái xe bus, mình cau mặt. Chả ở đâu như ở đây, lái xe bus nhìn gái, tán gái, có anh còn vừa lái vừa có tờ báo giở tung trước mặt, choán hết cả tay lái. Mình thì bụng to, rất sợ tai nạn, chứ bình thường nhìn vài cái thì ăn thua gì.
Hôm nay là một ngày thong thả. Rất thích những ngày thong thả.

Friday, September 10, 2010

We don't need no education?

 
Sau cơn mưa buổi sáng, thành Rome đã rất ra dáng mùa thu. Trời u ám, mát mẻ, nhiều gió. Dọc phố mình ở lá trên cây đã thấy khô khô vàng vàng. Tóc ấm sực trên lưng.
Thời gian trôi nhanh quá. Mùa đông năm ngoái còn rủ rê chồng “khi nào sang xuân vợ chồng mình đi chèo thuyền dọc sông”. Vèo một cái hết mùa xuân, hết mùa hè, và giờ là sang thu, chưa chèo thuyền được phát nào.
Cuộc sống bận rộn cũng hay, ko có thời gian quan tâm và dày vò những chuyện tẹp nhẹp. Nhưng cái dở là lúc nào cũng tất bật, cũng ko có thời gian, cũng cảm thấy như mình đang bị dúi đầu xuống nước, ko thở được khi nghĩ đến những việc phải làm, rồi bạn bè, lúc nào cũng muốn liên lạc nhưng cứ bẵng đi có khi cả vài tháng, cả năm, cũng ko có lần nào liên lạc.
Khi còn trẻ thì còn phải học, còn phải tìm chỗ đứng, còn phải lập gia đình, sinh con đẻ cái, nhà cửa, tích lũy vv.
Khi có tất cả những thứ này (nếu đủ may mắn), thì lại thấy mình đã già từ bao giờ. Tóc đã bạc, da đã nhăn, đi đứng lọm khọm. Đủ tiền mua một chiếc váy đắt tiền tuổi trẻ thường mơ ước, nhưng ngực lại ko cao, eo lại ko thon, da chân lại ko căng mịn, có mặc cũng chả ma nào nhìn.
Lần đầu tiên thấy mình già đi là khi tự nhiên phát hiện thấy đầu gối mình hơi nhăn nheo, sau một đợt sụt cân nhiều vì làm việc quá sức.
Lần thứ hai thấy mình già đi là khi con gái ốm, lần đầu tiên nhìn vào gương sau một tuần gần như ko ngủ, thấy một sợi tóc trắng như cước ở trên đầu.
Giờ thì những dấu hiệu già cả đếm ko xuể, nên ko đếm nữa cho nó thanh thản.
Chồng có lần hỏi vợ “tại sao em lại ko thích học?”. Vợ tỉnh bơ bảo “bao giờ em già chả có giai theo nữa thì mới phải nghĩ đến chuyện hấp dẫn người khác phái bằng trí tuệ”.
Nhưng mà có lẽ sắp đến lúc đấy rồi đây. Mà học gì mới được chứ, cứ cầm quyển sách lên là thấy mình ốm yếu, thở dốc, tâm trạng não nề

Thursday, September 9, 2010

Tuyển tập Bình Nguyên (phần 75)

 
- Mamma ơi mamma có thương Lê ko?
- Có con yêu ạ, mamma yêu con lắm, mamma thương con nhất.
Đây là những lần duy nhất chú Bình Nguyên hài lòng chỉ với một câu trả lời của mẹ và ko hỏi thêm cả tràng tại sao.
Khi nào chú lớn, mẹ chú sẽ giải thích cụ thể cho chú biết, ngay cả khi chú ko hỏi.
Mẹ chú muốn nói với chú rằng mẹ chú thương chú lắm vì chú là con trai đầu lòng, ngày đó mẹ chú chẳng có kinh nghiệm gì. Mẹ chú cật lực uống cao ích mẫu để điều kinh, ăn đồ sống xả láng, và vài tháng chẳng buồn đi khám bác sĩ.
Ngày đó, khi chú sinh ra, mẹ chú còn ko biết đóng bỉm cho con, ko biết trải một cái giường cho êm ái thoáng mát, ko biết nấu những món ngon. Ngày đó mẹ chú chẳng hiểu tại sao bỉm đóng cứ đóng mà chỉ đến 1h đêm là con khóc vì ngực ướt. Ngày đó mẹ chưa trải giường bằng mấy lớp cotton như bây giờ. Ngày đó mẹ ko tự tay mua nguyên liệu rồi tự tay chế biến những món ngon lành mà cứ nghĩ phải cho chú ăn bằng đồ ăn sẵn trong lọ thì mới tốt.
Ngày đó tối nào mẹ cũng phải để chú lại cho người giúp việc và đi đến quá nửa đêm mới về. Mẹ chỉ cảm thấy đỡ có lỗi hơn khi có em bé nữa, và chú có em để chơi cùng. Giờ thì hai anh em chơi cùng nhau cười đùa khúc khích nói chuyện líu lo nhiều khi chả cần đến mẹ.
Nhiều khi mẹ vụng về, nhiều khi mẹ cáu kỉnh, nhất là khi bắt đầu có em bé rồi lại có em bé nữa. Thế mà chú chẳng bao giờ giận mẹ. Mẹ chú nhớ có lần đọc ở đâu đó một định nghĩa về tình yêu như thế này: love is when you forgot to feed your dog all day but when you came home he still welcomed you with all his heart.
Với mẹ chú chính là con chó con đó đấy

Wednesday, September 8, 2010

8/9/2010

 
Buổi sáng chàng mặc một bộ complet mùa hè màu beige, trông như chú cảnh sát giao thông. Bà Nuôi ngắm nghía, nắc nỏm, thiếu mỗi điều ra vuốt vuốt (bà Nuôi mà vuốt là thể nào cũng vuốt mông, mình bị mấy lần nên kinh nghiệm) “trời, ổng mặc đẹp quá hen, trông giống ông Gô be trong vở tuồng Tìm lại cuộc đời quá hen”. Mình nghe bà Nuôi bảo chàng ăn mặc giống phường tuồng thì ko nhịn nổi cười phá lên. Chàng tò mò “em cười gì thế? bà ấy bảo gì thế?”, bảo “ko, em cười chuyện khác”. Nói dối cứ leo lẻo, căn bản là ko biết dịch cái chữ Tuồng của bà Nuôi như thế nào cho thoát ý.
Mình dạo này bụng to, đứng nhìn chả thấy chân, đi đứng lóng ngóng thế nào xéo luôn một phát vào chân chồng. Chồng nhảy như ếch “ôi trời ơi, em có khi phải nặng tới cả trăm cân ý nhỉ”. Vợ chanh chua “sao thay vì toàn nói những câu vớ vẩn anh ko đi làm một việc gì đó có ích, ví dụ uống cà phê xong thì tráng cái cốc rồi cho vào máy rửa bát đi?”. Chồng tẽn tò lũn cũn chạy ra mở máy rửa bát. Người cứ thích pha trò, pha trò xong người ta ko cười thì lại đổ tại người ta ko có máu hài hước.
Ai chửa xinh chứ mình chửa sao mà xấu thế. Mặt mũi toàn mụn, lại còn mụn màu đỏ, lại còn hai cái y hệt nhau hai bên má. Chồng an ủi “thôi ít nhất là nó cũng cân”. Cáu lắm. Mọi người thì thế nào cũng nói được. Chửa mà xinh thì khen xinh, chửa mà xấu nhưng mà ko xấu hẳn thì vẫn cãi “chửa thế này là xinh lắm rồi”, còn xấu ko bàn cãi xấu đứt đuôi đi rồi thì lại bảo “mẹ mà xấu thì con sẽ xinh”. Chả biết đằng nào mà lần.
Y tế ở đây khác hoàn toàn ở New York nên nhiều khi mình cứ như trong ma trận. Ở NYC đến khám một lần là toàn bộ thông tin của mình được nó ghi lại hết, ko bao giờ phải hỏi lại mình lần thứ hai. Ở đây văn phòng bác sĩ mình đến, nghe nói là bác sĩ sản khoa giỏi nhất Rome, khách hàng toàn người nổi tiếng, thế mà lần nào đặt hẹn tiếp thư ký cũng hỏi mình số điện thoại, và lần nào thanh toán tiền kế toán cũng hỏi mã số tài chính, một năm nay cứ hỏi đi hỏi lại như thế. Còn chính ông bác sĩ giỏi nhất thành Rome kia thì lúc nào cũng cười hề hề, con người ta chửa đến tháng thứ 7 rồi vẫn cứ hỏi “ngày kinh cuối cùng của cô là ngày nào, ngày dự sinh là ngày nào”. Chết mất.
Không biết có phải ông bác sĩ sản khoa toàn quen chăm sóc bệnh nhân là người nổi tiếng chỉ quan tâm tới việc giữ dáng hay ko mà có giai đoạn mình lên cân hơi nhiều ông ấy nhăn nhó, đưa thực đơn ăn kiêng bắt mình ăn. Mình giở thực đơn ra đọc thấy gì mà ăn một quả trứng, 200gr rau, 60gr mỳ, 3 quả mận. Mình đã ăn kiêng bao giờ, làm gì có thời gian cân đo đong đếm tỉ mẩn thế. Thế là xếp xó cái thực đơn ăn kiêng. Mấy tuần nay người mệt mỏi quá, chả ăn uống gì được, ko lên lạng nào, thì ko biết ông ấy bảo gì đây. Có khi lại nhảy lên vui mừng cũng nên.
Mình giờ xuống cấp lắm. Quần áo toàn mặc của chồng. Chồng thấy vợ mặc vừa quần đùi của chồng thì ko tin nổi “bụng anh làm gì có chuyện to thế kia”. Xong một lúc sau lại “em cần gì cứ lấy của anh mà mặc nhé”. Hào phóng thế. Thôi cố xuềnh xoàng một thời gian nữa, đỡ phải chi tiền vào quần áo bầu. Sao mà mình ghét quần áo bầu thế ko biết, thấy cái nào cũng xấu ỉn.
Lần này bầu bí lên ít cân quá. Chỉ có một thời gian ngắn ăn rất nhiều, đến mức bà Nuôi ngủ trưa xong đi ra thấy mình đã nhẩn nha xơi hết cả nồi súp thì bàng hoàng cảm thán“ông nội ơi”. Còn lại thì mệt mỏi chả muốn ăn uống gì. Đẻ xong một cái lại gầy trơ xương cho mà xem.
Cái chuyện gầy béo này, đúng là người ăn ko hết người lần chẳng ra. Chán thật.