Tuesday, May 31, 2011

Entry cuối tháng 5

Lâu lắm ko nói chuyện với cậu bạn, mấy lần cậu ta gọi mà mình bận quá chỉ hello lại rồi bye bye ngay.

Cậu bạn lãng tử bao năm rồi vẫn lãng tử như vậy. Nhớ lần đầu gặp nhau, cậu ta nhìn thấy mình trước. Hôm đó mình phải đến Press Club dự một event nào đó. Mình bước vào cửa, chỉ thoáng thấy có cậu nào mặc áo chim cò đang ngã dúi dụi trên cầu thang dẫn lên Ball Room tầng 1. Mình với chị bạn đang ngồi tán gẫu trong Les Comptoirs thì thấy một anh chàng đến ngồi ngay cái bàn đối diện, nhìn lom lom, mắt xanh biếc. Xanh đến mức nhìn mình mà mới đầu mình lại cứ tưởng nhìn ai.

Sau này, quen nhau hơn, cậu ta bảo “lần đầu tiên nhìn thấy em lúc em đang bước vào Press Club, anh bước hụt chân ngã trên cầu thang. Thế mà em ko nhìn, em đi thẳng”.

Thỉnh thoảng đang giờ làm việc cậu ta lại nhắn một cái tin rất lãng tử “anh ko làm việc được em ạ, ko tập trung được. Anh đang tưởng tượng mình đi bộ ngang một cánh đồng nhiều gió, tóc em mơn man trên mặt anh”.

Cậu ta hỏi “em còn như ngày xưa không? Gặp lại còn làm anh bước hụt chân không?”. “Không, em già rồi, và em rất xấu. Hơn tất cả, em ko còn là cô gái tràn đầy sức sống, tràn đầy năng lượng, như ngày trước. Em trở thành người phụ nữ mệt mỏi đáng chán rồi anh ạ”. “Tóc em còn như lụa không?”, “không anh ạ, giờ chúng khô xác và quăn queo”. “Khóe môi bên phải còn nhếch lên khiêu khích không?”, “không anh ạ, giờ nó trĩu xuống”. “Thế còn vết sẹo nhỏ dưới cằm?”, “cái vết sẹo xấu xí đó thì vẫn y nguyên, chán nhỉ anh nhỉ”. “Haha, thế thì anh phải gặp em bằng được, để xem em còn kiêu ngạo nữa không”.

Bảo “em nhớ những ngày Hà nội anh ạ. Những ngày sau giờ làm việc rong ruổi với bạn bè, gặp nhau tán gẫu trên một quán Bar xinh đẹp nào đó, những bữa tối trong một nhà hàng xinh đẹp nào đó, những buổi party phù phiếm nào đó, những người đàn ông gặp ở những event nào đó, những người đàn ông lúc nào cũng mới mẻ và tò mò”. “Tại sao em không về?”….

Hà nội khác nhiều quá anh ạ. Hà nội đông quá, ồn quá. Vài người quen cũ bỏ Hà nội đi vì Hà nội giờ ô nhiễm ko chịu nổi. Bạn cũng không còn như cũ. Bạn quen thân thì chồng con bận bịu, bạn quen sơ thì chỉ toàn các phi vụ làm ăn và hàng hiệu.

Em thành người lạ rồi anh ạ.


Thành Rome đã qua mùa hoa mimosa tháng 3, mùa anh đào tháng 4, mùa peonia tháng 5, mình vẫn vội. Ngày cuối tháng 5, trời u ám, lôi ra một chiếc váy đen, chiếc váy của Hà nội. Da vẫn nâu, thân vẫn gầy, và vẫn còn mùi nước hoa năm nào.




...Nhưng chỉ có anh, có anh

Thắp những chiếc lá bàng

Thành lửa trong em…

Friday, May 27, 2011

Đôi giày của cụ chánh bá


Khoảng hai tháng trước ngài tuyên bố “đội bóng của Bộ sắp có trận đấu giao hữu với một đội bóng nhà nghề (đã về hưu) ở Perugia. Anh là một trong những người được chọn. Từ bây giờ anh sẽ phải đi đá bóng thường xuyên hơn để chuẩn bị thể lực cho sự kiện đó”. Nói là làm, ngài tuần mấy bận tót đi đá bóng, lúc về lại thảy ra một đống quần áo ướt đẫm mồ hôi, sàn nhà vương vãi vảy nhựa ngài tha từ sân bóng trải cỏ nhân tạo về.
Hàng ngày mình phải cắn răng ngồi nghe ngài lan man về trận đấu lịch sử sắp tới. Nào là ngài là một trong số 20 người được chọn, nào là bọn Perugia tuy đã về hưu nhưng chúng nó là dân chuyên nghiệp, nào là các ngài sẽ đá trên sân thật chứ ko phải sân mini như mọi ngày, nào là căng tin của Bộ đã hứa sẽ thết đội bóng một bữa hoành tráng trước ngày ra trận, nào là hoa hậu Ý cũng có mặt, nào là có cả nhà báo đi cùng, nào là đến đó sẽ được chào đón ở dinh Thị trưởng, nào là trận bóng này mang tên “Nước Nhật hãy can đảm lên” vv và vv. Chưa kể sáng cũng như tối, ngài diễu qua diễu lại trước gương “anh có fit không, em có thấy thằng đàn ông nào hơn 40 tuổi mà fit như chồng em không”.
Đến ngày trọng đại. Sáng ngài dậy sớm chuẩn bị hành lý. Một túi hành lý to đùng. Kế hoạch là các ngài sẽ làm việc đến 12h trưa, xuống căng tin ăn một chập hoành tráng, rồi a lê hấp các ngài và cánh nhà báo leo lên chiếc xe bus thuê riêng kèm tài xế đi đến Perugia, đá bóng xong, ăn tiệc khoản đãi ở đó xong, thì lại a lê hấp leo lên xe bus quay về Rome.
Suốt dọc đường đi ngài nhắn tin cho vợ hào hứng lắm. Vợ đã bận bỏ bu lại cứ phải luôn mồm chúc các anh thi đấu thành công.
Kết quả: đội các ngài thua. Mà bọn kia cũng chả phải dân nhà nghề đã giải nghệ 20 năm như mình tưởng mà toàn là quan tòa, thị trưởng, tức là cũng dân bàn giấy loẻo khoẻo như các ngài là cùng. Thảm hơn cả là ngài sau từng đấy tháng tập luyện hăng say, vừa vào sân được BA PHÚT đã phải lò dò đi ra vì giày cả hai cái hỏng cùng một lúc. Ra rồi thì ko vào được nữa. Thế là phần còn lại của trận đấu ngài ngồi hóng.
Ngài thất vọng vì bị ngồi chơi xơi nước đến mức ngài quyết định ăn thật lực cho bõ tức trong tiệc chiêu đãi sau đó. 2h sáng ngài mò về nhà mặt như đưa đám. Mặt ngài như đưa đám mấy ngày liền vì bụng dạ óc ách. Đến lúc vợ phải đưa thuốc cho uống thì mới thấy mặt mày tươi lên một tý.
Thế chưa hết thảm. Cánh nhà báo đi cùng rất thâm. Bao nhiêu ảnh chúng nó ko chọn, lại chọn đúng cái ảnh ngài đứng bần thần trước đôi giày hỏng, để minh họa cho bài báo tường thuật. Thằng bạn ngài nhìn thấy cái ảnh thì sững sờ “ôi trông như con rùa chết”.
P.S: mình có hỏi “thế đôi giày hỏng đâu rồi?”, “anh vứt nó đi rồi”. Chỉ có niềm căm hận vô biên mới khiến ngài quẳng ngay đôi giày vào thùng rác như thế. Chứ bình thường thì còn lâu. Có lần hướng dẫn mình trượt tuyết, chạy qua chạy lại 2 vòng thì giày ngài há mõm. Ngài nâng niu mang đôi giày há mõm về nhà bảo “để anh sửa”. Đã 3 năm trôi qua, chiếc giày há mõm vẫn nằm im lìm trong tủ, há mõm vẫn hoàn há mõm, còn chiếc không há mõm thì chẳng hiểu sao ko thấy đâu???
By the way là đôi giày tai vạ làm ngài lỡ một trận túc cầu để đời kia được Made in Vietnam.

À mà mình còn quên hỏi thế các anh đã làm được gì cho nước Nhật.



Monday, May 23, 2011

Testanera Mia

Vài tháng trước, thể theo nguyện vọng của vợ, chàng sục sạo tìm mua một chiếc Ferrari Testarossa. Vợ bảo “anh yêu, tưởng tượng em lái một chiếc Testarossa màu đỏ ớt, ăn vận theo phong cách những năm 70s…”.
Xong rồi vợ nhìn thấy tình hình cái garage của chồng tình hình là rất bất tiện. Garage gì mà rất kỳ, đang đi bon bon trên đường lớn bộp một cái phải rẽ quặt vào một cái ngõ nhỏ. Tức là nếu không căng mắt ra nhìn thì chắc chắn là đi vụt qua mà ko nhìn thấy. Lại đang đi lò dò trong ngõ nhỏ thì bộp cái nữa phải rẽ vào cái ngõ nhỏ hơn. Cái ngõ này công nhận là rất nhỏ, xe lại đỗ kín hai bên đường thành ra chỉ còn chừa một lối đi rất hẹp ở giữa. Dân ở đây rất khôn, đỗ xe hai bên đường xong là bẻ quặt gương hậu vào trong, kẻo lối đi chật quá xe nào đi qua quẹt một cái gương hậu lại gãy rời ra. Chắc cũng gãy chán ra rồi nên mới kinh nghiệm thế.
Vào cái ngõ nhỏ này thì phải đi rất rón rén, chậm thua cả người đi bộ, nhổm lên nhổm xuống để lách từng cm một. Xong đang rón rén thế thì ịch một cái là cua gấp để đi xuống một cái dốc rất dốc. Cái dốc này dốc đến mức mình chỉ đi xuống được chứ đi lên thì chịu chết, vì nhấn ga vừa vừa thì xe vẫn đi giật lùi, mà rồ ga mạnh để phóng lên thì khả năng lớn là đâm thẳng vào mấy cái xe đang quặt gương đỗ kín hai bên đường kia. Xuống đến chân cái dốc thì ịch cái nữa là cửa garage của chàng. Chỗ này mình cũng chịu chết, ko cua vào được nếu ko đâm sạt lở vài nơi.
Với tình hình như thế thì mình sẽ ko bao giờ lấy được chiếc Testarossa kềnh càng ra khỏi garage mà ko có chàng. Thế thì quá bằng ko cần năn nỉ chàng tự nhiên lại có thêm một món đồ chơi nữa. Thế nên vẫn còn đang cân nhắc.
Thứ 7. Bối cảnh là những tòa nhà cổ tuyệt đẹp của thành Rome. Tất cả mọi ánh mắt đổ dồn về phía một chiếc Ferrari đỏ lộng lẫy vừa đỗ xịch trước vỉa hè của một nhà hàng sang trọng. Một thanh niên bước ra, kính đen, áo phông bó, quần bò, thân hình cao ráo, hai cánh tay rắn chắc xăm trổ.
Dưới đường, một người khuyết tật hai chân cụt đến tận háng, di chuyển trên một miếng gỗ có gắn các bánh xe nhỏ. Anh ta không cao hơn bánh chiếc Ferrari lộng lẫy là mấy.
Anh ta dừng lại, ngước nhìn chiếc xe rồi ngước cao hơn nữa để nhìn chủ nhân chiếc xe một cách ngưỡng mộ.
Thanh niên kia thì lững thững đi vào nhà hàng, có vẻ vô tình hay cố ý ko để ý đến mọi ánh mắt trầm trồ, điệu bộ oai phong lẫm liệt như một con hà mã.
Mình quay sang chàng “anh yêu, em ko muốn Ferrari nữa”.
Chồng cười sướng. Chồng và vợ đang không nhất quán về màu xe. Chồng thì thích mua màu xanh blue vì ko muốn quá nổi. Vợ lại thích màu đỏ ớt không phải vì thích nổi mà đơn giản là vì thích màu đỏ ớt.

Dạo này tự dưng mình chẳng cần gì. Không quan tâm đến khăn, áo, túi, giày, đồ trang sức, kể cả Testarossa. Cứ đà này chả mấy chốc mình thành Phật, ko vướng bận bụi trần i.e quần áo túi giày xe cộ gì nữa. Rồi đến lúc nào phải cưỡi mây bay về trời vui thú điền viên là cứ thế mà dông thẳng thôi, chả phải nưu nuyến cái gì.
Năm nay mình chả muốn biết là mình ba mấy nữa.
Ảnh: chồng đi làm về nhìn thấy tóc mái con gái vợ vừa cắt, lịm hết cả người chỉ hỏi được mỗi một câu “love, why?”. Con là Testanera của mẹ đấy chứ đâu .

Sunday, May 15, 2011

Bé của mẹ dạo này ham hố quá đi mất.
Bé của mẹ mới 7 tháng tuổi mà đã vịn đủ thứ đứng lên từ mấy tuần nay rồi. Hồi đầu đứng mấy giây là cái chân béo run lập cập nhưng giờ thì thành thạo lắm rồi. Đứng lên ko đủ bé còn nhảy tưng tưng, chân cứ như có gắn lò xo, hoặc bỏ một tay ra nhìn lơ láo xung quanh, hoặc vịn cạnh bàn lò dò bước. Lúc nào mỏi thì tự ngồi xuống. Nhiều lúc ngồi ko kịp ngã lăn quay, đầu đập xuống đất nghe binh một cái.
Dạo này thay bỉm cho bé mà ko giúi cho bé món gì cho bé chơi thì còn lâu mới thay nổi bỉm. Vì đặt nằm sấp thì bé bò đi mất, đặt nằm ngửa thì bé gồng lên nghển cổ xem xung quanh đang xảy ra chuyện gì.
Một mình bé bò lung tung khắp nhà. Lần đầu tiên bò đến trước cái gương bé ngẩn ra nhìn một lúc rồi quyết định nhào dzô, cứ đâm đầu binh binh vào gương mà ko tiến tới được bước nào. Nhìn hai cái chân béo mập của bé bò đủng đỉnh, cái đít mặc bỉm dày cộp đu đưa, mẹ thấy bé giống con voi con quá đi mất.
Bé mê cái bục biểu diễn của chị Lila. Một mình bé với cái bục, bé xoay như chong chóng ở giữa nhà. Hết vật lên vật xuống, vịn bục đứng lên, nhấc chân béo định trèo lên bục, một tay chống bục một tay mút chùn chụt, thì lại đến màn nằm vắt người lên bục chân đạp tay ngoáy. Mẹ cứ vứt cho bé cái bục thế là mẹ cũng rảnh tay cả tiếng đồng hồ.
Mấy tuần nay bé có trò ọe sữa ra đất rồi lấy tay đập đập xoa xoa. Thấy mẹ chạy vội đến tay nhăm nhăm cái khăn là bé càng đập đập xoa xoa khẩn trương. Nhiều lúc sữa vừa ọe ra chưa kịp đập đập xoa xoa thì bé đã mất đà ngã ụp cả vào cái bãi đấy. Thế là lại khổ mẹ lọ mọ đi thay quần áo cho bé một lượt từ trong ra ngoài.
Phòng khách rộng tênh mà bé chỉ thích chui vào đúng cái góc có toàn dây điện, móc ra một sợi dây và đưa lên mồm nhá. Mẹ than thở “bé của mẹ rồi thể nào cũng bị điện nó giật tung mấy cái răng mới mọc thôi bé ạ”. Mỗi ngày vài chục lần khuân bé ra khỏi cái góc đó, bà Nuôi than “bắt cóc bỏ dĩa”.
Trông bé đã mệt rồi mà trông bé khi bé chơi cùng anh chị thì còn mệt hơn. Anh chị thì thử nghiệm đủ trò với em. Có hôm mẹ nghe tiếng thằng Lê vừa chỉ bảo vừa thở ành ạch. Mẹ nhìn ra hết hồn khi thấy nó đang xốc nách bé lên dậy bé tập đi. Xốc nách em hăng hái thế nhưng mệt một cái là thả luôn tay ra, em cứ thế ngã xệp xuống đất như đụn rạ. Con chị thì cứ thỉnh thoảng lại lôi sách ra đọc cho em, mồm líu lo “một hôm…” hoặc “ngày shưa…”, rất nghề. Nhưng đọc chán thì quăng cả sách lên mặt em chạy đi chơi chỗ khác. Hoặc cầm đồ chơi cho em chơi mà tay chân lóng ngóng thế nào đồ chơi rơi oạch một cái vào cái mặt béo của em đang hóng hớt ở bên dưới. Hôm qua tự nhiên mẹ nghe tiếng hai tiểu quỷ cười ré lên. Mẹ chạy ra thấy chúng đã chụp cái mũ tắm của mẹ vào đầu em từ bao giờ, che hết cả cặp mắt hạt nhãn. Tay em đang hươ hươ rất bất khả kháng thì chúng nó lại giật phắt cái mũ ra, làm em của mẹ giật nảy mình, ngẩn ra mất một lúc mới định thần lại được.
Em đặc biệt thích khi anh chị nhảy múa cho em xem. Mỗi lần như thế em cười khanh khách, tiếng cười giòn tan, mắt sáng long lanh nhìn anh chị ngưỡng mộ. Anh chị thì luôn sẵn lòng nhảy múa cho em cười. Mỗi tội có lần loạng choạng ngã ngồi cả vào mặt em. Em đang cười hắc hắc bị cả cái mông vào mặt, hoảng hốt đến nỗi giãy giãy chết lặng một lúc mới khóc được.
Thế mà sao mê anh chị thế. Anh chị chơi gì cũng sán lại chơi chung, ngồi chung, giành đồ chơi chơi cùng, chả kém ai phân nào. Anh chị thì chẳng từ trò chơi khăm nào với em. Có hôm mẹ thấy con chị giơ cặp chân dài khẳng khiu lên, chìa ngón chân cái cho em gặm. Thế mà em cũng say sưa bấu lấy gặm. Còn thằng Lê, có lần mẹ thấy nó cứ phăm phăm đi thẳng đến chỗ em ngồi, điệu bộ ko có vẻ gì là định dừng lại hay đi chậm lại hay đi tránh ra chỗ khác. Mẹ đang hốt hoảng nghĩ bụng “ơ thằng này định dẫm vào em chắc”. Hóa ra đi đúng đến chỗ em thì nó nhấc cao một chân lên, cho con em chui háng. Một ngày nó cho em của mẹ chui háng không biết bao nhiêu lần

Bạn?

Bạn chắc sẽ ko bao giờ biết tại sao em bỏ bạn.

Chắc bạn nghĩ em bất lịch sự, điện thoại bị ngắt giữa chừng mà ko gọi lại hoặc nhắn lại. Chắc bạn lại chẳng ngần ngại gì khi thốt lên “sống ở nước ngoài bao lâu, mang tiếng phu nhân này nọ, mà thiếu văn minh thế”.

Nghe tin bạn ốm, em đã gọi điện về hỏi thăm. Em bận lắm, và tiền điện thoại là 1 euro một phút. Em để bạn thao thao bất tuyệt trên điện thoại cả gần 2 tiếng đồng hồ, khen mình, chê người, nghi kỵ, thù hằn. Em đã thông cảm với bạn chỉ vì em nghĩ bệnh trọng như bạn mà còn rổn rảng, phong độ được như vậy thì em mừng cho bạn quá, mấy câu nhảm nhí bạn nói chỉ là chuyện nhỏ.

Nhưng đến khi bạn chĩa mũi đả kích châm biếm của bạn vào em, chính xác ra là chồng em, thì em ko cảm thấy phải chịu đựng bạn nữa. Chê lại bạn/chồng bạn thì em ko thèm làm. Nhảy tưng lên mắng bạn thì em ko làm được. Giải thích chứng minh thanh minh đính chính thì em thấy mình chả có nghĩa vụ phải làm. Ngồi giả vờ cười thì em già quá rồi em ko đủ sức.

Thế nên thực ra thì thông thường em ko bất lịch sự đến thế. Chỉ là cuộc nói chuyện với bạn làm em mệt mỏi đến mức em ko buồn lịch sự với bạn nữa khi cuộc gọi bị đứt giữa chừng.

Chồng em ko đẹp. Nhưng anh ấy tốt bụng, trung thực, có uy tín, có học thức, có công việc lương thiện, gia đình gia giáo nề nếp, và hơn hết cả, rất yêu em và sẵn sàng làm mọi thứ anh ấy có thể để làm em vui, ngay cả những yêu cầu kỳ quái vô lý nhất của em. Bạn xinh đẹp của em ơi, nếu bạn từng gặp một người đàn ông như thế thì em khuyên bạn vồ luôn lấy anh ta đi cho xong chuyện. Bạn hạnh phúc và để yên cho người khác hạnh phúc với.

Dù sao thì em cũng thất vọng. Suốt một thời gian dài em đã coi bạn là bạn của em. Lý do là vì bạn đã có mặt trong một quãng đời rất quan trọng của em, bạn biết những người đàn ông quan trọng đối với em, và dẫu vô tình bạn đã giúp em gặp người đàn ông quan trọng nhất. Nhưng em thất vọng vì em nhận thấy hóa ra bạn ko coi em là bạn. Đã là bạn sao lại phải thiếu thiện chí với nhau đến thế bạn nhỉ. Đã coi nhau là bạn thì phải mừng cho nhau chứ bạn nhỉ.

Cái entry này chứng tỏ bạn đã quan trọng với em đấy. Nhưng giờ thì hết quan trọng rồi.


PS: Đứng trước nhiều luồng dư luận trái chiều thì mình quả thực nhiều khi cũng hoang mang chả hiểu mình đẹp hay mình xấu. Tuy nhiên mình nghĩ nếu mà phải ĐẸP MỘT CÁCH BÀN CÃI thế thì thôi, mình nhận mình xấu đứt đuôi luôn đi cho xong chuyện.

Có lần lâu lắm rồi một người quen bảo “mình chỉ vừa nhắc đến tên cậu một cái mà cô kia thao thao cho gần 20 phút chê bai cậu. Cô ấy bảo cậu xấu, nhạt nhẽo, kiêu căng vv và vv”. Không cần hỏi nhưng mình thừa biết cô kia là cô nào. Mỗi tội cô ấy ko quan trọng nên chuyện xảy ra có đến năm rưỡi rồi mà giờ mới lại nhớ ra.
Thôi thì hay bị chê nó cũng có cái hay của nó chứ không phải không.

Friday, May 13, 2011

Bond girl của mẹ

 
Con gái dạo này lớn lắm. Con gái mắt hiếng, chân cong, có những lọn tóc xoăn xoăn vàng vàng, gầy nhẳng, quần áo 2 năm nay ko chật mà chỉ cộc lên. Con gái nhìn kiêu kỳ lắm, nhất là khi cái mắt hiếng có làn mi cong vút ấy nguýt ai một cái sắc lẻm. Mẹ thích lắm, con gái là phải kiêu, chứ con gái giai chưa cưa đã ngã chỏng gọng ra đấy thì tội lắm. Mẹ gọi con gái là “Bond girl của mẹ”.
Dạo này trông con gái mệt lắm. Vì con gái đã đến hồi tò mò kinh dị. Mẹ dùng nước muối sinh lý rửa mũi cho em bé, để sang một bên. Quay đi quay lại con gái đã mút xong ống nước muối, ngồi nhìn mẹ mắt tròn xoe, nấc hic hic. Hộp vitamin của mẹ, nhoáy một cái con gái đã trèo lên lấy trộm một viên nhai lấy nhai để vì sợ mẹ đòi lại. Ị xong thì nhìn cái bô đăm chiêu “bà N ơi, cái pu pu này có ăn được ko bà?”. Rồi liếm chai dầu gội đầu, rúc đầu vào túi ni lông, thắt thử cà vạt, đội bô, đội xô lên đầu. Toàn những trò làm mẹ hết hồn. Ra ngoài biển mẹ dặn “con gái mẹ nhìn thấy con gì bò dưới đất thì đừng có thò tay bốc nhé”. Dặn con xong bị con nguýt cho một cái, chẳng hiểu con có cho vào đầu hay ko. Mẹ sợ con gái thấy con bọ cạp lại thò tay bốc thì chắc mẹ còn chết hơn con. Cái nhà ngoài biển vì nằm giữa rừng nên thi thoảng cũng ko tránh khỏi một vài con bọ cạp. Còn cuốn chiếu thì bò lổm nhổm lăng quăng khắp nơi. Cuốn chiếu ở đây to tổ chảng chứ ko nhỏ xinh duyên dáng như cuốn chiếu ở nhà.
Có lần mẹ vừa sắp xếp đồ đạc vào một cái hộp nhỏ, chỉ chạy ra ngoài chưa đầy một phút chạy vào đã thấy con gái hê tất tật ra đất nghịch. Mẹ giận ko nói nên lời. Bình thường mẹ giận vừa thì con gái còn giận lại kinh hơn, lúc đó mẹ giận thật con gái biết nên vội vàng xun xoe vuốt ve “mamma, La ko nghịch đâu, La chỉ lấy ra xem thôi rồi La trả lại liềng”.
Bà N một hôm tự dưng lại lôi một chiếc quần đen có hoa xanh nhí ra mặc, bình thường chả bao giờ thấy bà N mặc cái quần này. Con gái mắt rõ tinh, con gái bảo “Bà N có quần mới à, xinh quá”.
Dạo này con gái có vẻ nữ tính ra nhiều rồi đấy. Dăm ngày ba bận con gái xin mẹ “mamma cho La đeo cái nhẫng của mamma đi, mamma cho La đeo cái dzòng của mamma đi”. Mẹ lấy đồ ra cho đeo thử thì con gái thích lắm, vuốt ve, sờ mó, uốn éo trước gương, mắt hiếng hiếng rất chăm chú, rồi quay sang bảo mẹ “bao giờ La trở thành to mamma cho La cái này được hông?”. Mẹ gật “Khi nào con lớn mẹ sẽ cho con và em Anna tất”, “Vơng cám ơn mamma”.
Còn hôm nay đứng trước tủ quần áo của mẹ con gái bảo “mamma, khi nào La trở thành to La có xiềng La sẽ mua áo màu blu”. Mẹ gật gù “ờ, cứ trở thành to là xiềng nó sẽ tự rơi vào túi đúng không con gái?”.
Con gái dạo này cứ buổi tối là trèo lên cái bục nhỏ, múa hát vang trời, hát xong chổng mông cúi chào sát đất, bàn tay cong cong rất điệu đà, cả nhà phải vỗ tay rần rần. Có khi mẹ phải cho con gái đi học múa. Chỉ con gái thôi, vì em Anna phục phịch như lợn đất, điệu này lớn lên đi chắc sập nhà, còn múa may gì.

Tuesday, May 10, 2011

Quá trời ta ơi

 
Lại nói chuyện ti. Đàn bà Ý ngực rất to, đứa nào đứa nấy ngực cứ vươn hết cả ra đằng trước. Chả thế mà mấy thằng giai Ý hồi trước đến VN ngán ngẩm “Đàn bà VN chả có ti. Có con nhìn tưởng ti cũng khá hóa ra toàn mút”. Thằng sếp mình hồi trước để mô tả các màn hình phẳng diễu qua diễu lại trước mặt nó hàng ngày thì còn nghĩ ra một hình ảnh so sánh mà nó rất tâm đắc nên suốt ngày lải nhải “trông như cánh cửa có hai nốt muỗi đốt”.
Bà Nuôi sáng nay xuống công viên gần nhà cho Anna tắm nắng, lúc lên trông rất thảng thốt “trời, tụi đàn bà ở đây dzú chúng nó to dữ ha cô ha. Tôi ngồi dưới đó một lúc chúng nó đi qua đi lại dzú gì mà to quá trời”. Im im một lúc “ổng sao ko lấy đàn bà Ý cho sướng mà sang VN làm gì cưới con vợ dzú gì mà như hai trái cam”. Lại im im một lúc “à quên, như hai trái chanh”.
Có lần mình ngồi cùng một hội các ladies của Bộ Ngoại giao Ý, một bà ngắm nghía trong gương và thở dài thườn thượt rồi quay sang hỏi mình “em có biết đối với tôi chuẩn mực của sự lịch lãm quý phái là ai không, là Audrey Hepburn. Người phải gầy thế, ngực phải nhỏ thế nó mới elegant. Tôi ăn kiêng mấy tuần nay rồi, cân thì giảm nhưng ngực ko giảm, nhìn vulgar quá”, vừa nói vừa xóc xóc bộ ngực phì nhiêu. Các phu nhân thuộc hàng cấp cao ở Bộ, 10 bà thì 9 bà lo béo. Tập thể dục suốt ngày, ăn thì tính từng cọng mỳ, nhưng ăn xong đói như chưa ăn nghĩ ngợi một lúc lại tặc lưỡi làm luôn một đĩa bánh ngọt đầy tú hụ cho đủ no. Mình nghĩ bụng đúng là cái giống đàn bà ko bao giờ là đủ. Ngực to như chúng nó thì ao ước ngực bé, ngực bé như chúng mình thì lại ao ước ngực to.
Nhưng mà trải qua một số cuộc bãi bể nương dâu thì tình hình là giờ ở nhà ngực to nhiều hơn ngực bé. Hồi lâu lâu chị bạn bảo mình “em ơi, giờ ở nhà ngực nhỏ mới là hàng hiếm em ạ”. Còn mấy hôm trước em Phương mèo comment lại nhắc đến vấn đề bơm ngực. Công nhận xem báo thấy ti giả hơi bị nhiều, kinh tế ở nhà khá quá, tốt quá. Nhưng vấn đề là ở chỗ em nào tậu được cặp ti giả cũng phải khoe tối đa khoe khẩn trương. Nhìn nhiều em bơm ngực xong là tự tin với vòng một căng tròn nên bỏ áo lót, ti cứ lúc la lúc lỉu như ti giống bò người ta nuôi chuyên để vắt sữa. Nhiều em bơm quá đà, gọi bưởi là đánh giá em quá thấp mà phải gọi là bòng mới công bằng cho em.
Riêng cho việc này thì buộc phải mượn câu cảm thán cửa miệng của bà N. Chú Bình Nguyên đi học về mặt mũi nhem nhuốc như chụp đèn, bà N than “quá trời ta ơi”. Lila kê bục trèo lên hát nước bọt văng rào rào, bà N vỗ tay trầm trồ “quá trời ta ơi”. Thậm chí Anna vừa uống nước vừa oánh rắm bụp bụp là bà N cũng vừa cười hắc hắc vừa “quá trời ta ơi”.
Tương tự, giờ nhìn thấy bộ ngực nào ấn tượng, trong đầu mình tức khắc lại nảy ra một câu thán phục ko gì cưỡng lại được “quá trời ta ơi”.

Sunday, May 8, 2011

8/5/2011

Mình thực ra thì cũng ko khoái anh Obama lắm. Tất cả cũng chỉ tại những bài diễn văn hay quá mức của anh. Thói thường bao giờ cũng vậy, có khi làm thì cũng chả tồi đâu, nhưng ai bảo nói hay quá nên thành ra làm khó mà hay hơn nói được.

Nhớ hồi bầu cử tổng thống mình vẫn còn ở NYC. Eo ôi dân tình nức lòng với những bài diễn văn nức lòng của anh Obama biết mấy. Đúng như mình nghĩ, chả bao lâu sau đó, trên tờ The Economist có vẽ một tranh biếm họa với anh Obama đứng tít phía sau, tay chân vung vẩy thúc đẩy nhân dân đang hoang mang sợ hãi tiến lên phía trước, mồm nói một câu gì đó đại loại “các bạn đừng sợ gì cả, đã có Super Obama ở đây rồi”, ý mỉa mai tài nói như thánh nhưng làm thì chỉ như người trần mắt thịt của anh ấy.

Mà cũng phải công nhận số anh này bọc điều thật đấy chứ. Uy tín đang là là sát mặt đất, giết được Bin Laden một cái tất cả lại lên tận mây xanh, đúng thời điểm chuẩn bị tái bầu cử. Mình sau vụ này cứ ngồi nghe và ngắm anh Obama ko biết chán.

Xung quanh việc giết Bin Laden có rất nhiều luồng dư luận trái chiều. Đúng là dân chủ quá thành rách việc. Những thằng như thằng này bắn bỏ tại chỗ thế là phải rồi, hơi đâu túm râu lôi về xét xử cho mất thời gian phí tiền. Chưa kể chả may nó có gài bom trong người, nó lại ôm choàng lấy một số anh commando Mỹ rồi kích hoạt bom thì phí của giời. Gì thì gì chứ đào tạo được những biệt kích siêu hạng thế có phải dễ đâu, chắc đầu óc phải thông minh, giác quan phải nhạy bén, thể hình phải mỹ mãn lắm. Giá mà mình có cơ hội gặp được một anh SEAL nào đó ngoài đời thật nhỉ, để ngắm tí xem sao chứ chả có dã tâm gì. Từ đó mới thấy mấy anh lính thủy đánh bộ gác đại sứ quán Mỹ tại Hà nội chắc toàn những anh lấy vào cho đủ quân số. Anh thì cao nhòng như cây tre miễu, anh thì lùn chắc hơn 1m50 một tý, anh thì cận đến nỗi có lần quên kính áp tròng mình đứng thù lù ngay mặt mà anh ấy nheo nheo mãi ko dám nhận là người quen, anh thì múp míp như hạt mít, mặt cấu ra sữa. Đấy, cách đây tầm 7,8 năm thì thế. Giờ có khá hơn hay ko thì ko biết.

Xong lại xem cái ảnh của ông phó tướng Al Qaida, trông còn não nề hơn cả thằng vừa bị bắn chết. Có mấy ông râu dài này quậy thế giới huyên náo hẳn.

Nói chung còn vài ông Al Qaida, vài ông cộng sản, thế giới còn vất vả còn nhiều. Ngắm mấy ông cộng sản Bắc Triều và mấy ông Hồi giáo cực đoan lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để làm loạn, chỉ có thể kết luận một từ “dị hợm”.
Lại nhớ mấy câu nổ văng miểng “Việt Nam Cu Ba thay nhau canh giữ cho hòa bình thế giới” hoặc “Thánh gióng về trời vui thú điền viên”. Nghĩ cho cùng nó cũng chỉ liên quan đến thói quen ngồi khề khà trà nước quần vo lên tận bẹn tay vỗ đùi đét đét mồm nói phét chứ cũng chả gây hại gì lớn. Dốt nó cũng có cái được của nó chứ không phải không.

Wednesday, May 4, 2011

Lời nguyền

Lời nguyền thứ nhất: cô gái trong tranh Gauguin

Sáng ngồi trong phòng thay quần áo mặt mũi thiểu não. Đêm qua có một con muỗi cứ vo va vo ve. Một bà già lụ khụ cũng đang thay quần áo hỏi mình “cô người nước nào thế?”, bảo “tôi người VN”, “à, cô rất đẹp, cô trông rất giống cô gái trong tranh Gauguin”. Mồm cười nhã nhặn “cám ơn bà, bà có biết bà là người thứ 5 nói tôi giống cô gái Gauguin rồi ko” bụng nghĩ hằn học “Giời ạ, lại mấy con thổ mừ trong tranh Gauguin”.

Lời nguyền thứ hai: nước da oẳn tà roằn

Trưa ngó cổ ra ngoài đường, thấy trời nắng ấm bèn xách túi đi ngay, ko áo khoác, ko ô mặc dù dự báo thời tiết bảo có mưa. Dạo này mình toàn làm ngược lại dự báo thời tiết, hóa ra lại trúng nhiều hơn trật mới hay. Thế nhưng học gần xong thì trời bắt đầu nổi gió lạnh và mưa. Bến tàu cách có vài phút mà người ướt sũng, run lẩy bẩy vì lạnh. Tự nhiên có anh cầm một cái ô to tướng sán lại gần “cô cho tôi hỏi đường đến đài phun nước Trevi”, “à, anh đi thẳng nó ở cuối đường kia kìa, à không, có lẽ anh phải rẽ trái, à không, hình như nó ở bên phải, à không, tóm lại là tôi cũng ko biết chắc nó ở đâu, chỉ biết nó ở rất gần đây thôi”, “cô có muốn đi chung ô ko, tôi cũng đi đường giống cô”, “à, được thôi, cám ơn anh”. Cực chẳng đã vì mưa to quá mà lại đang vội. Chuyện chung ô chung đường loãng moạn kết thúc chỉ 3 giây sau cái tội thằng điên hỏi mình là người Cu ba à, lại còn giải thích là tại vì màu da của cô giống người Cu ba. Mình rẽ tọt vào cửa hàng, nó còn năn nỉ “tôi đợi cô ở ngoài nhé”.

Lời nguyền thứ ba: ô tô xe máy and anything that moves

Buổi tối chồng bảo

- Em ạ, anh sẽ mang một cái xe máy địa hình đến Talamone để ở đó

- Để làm gì hả anh yêu?

- Để mùa hè mình đến nghỉ ở đó anh đi chợ giúp em cho nhanh, khỏi cần dùng ô tô

- Đường Talamone tắc suốt ngày à mà anh phải dùng xe máy đi cho nhanh, mà đi xe máy thì anh chở mấy củ cà rốt về nhà à? (đường Talamone rộng thênh, vắng teo, cả tiếng may ra có vài cái xe chạy qua)

- (tủm tỉm) Thì ngoài ra chắc còn dùng được nó vào mục đích khác nữa

- Thôi anh cứ nói thẳng mục đích mang xe đến đó là để đi lượn cùng ông bạn thân yêu của anh có phải hơn không, chứ lại còn giả vờ đi chợ giúp vợ.

Căn nguyên sự việc là thằng bạn hẩu có cái nhà ngay cạnh ở ngoài biển đang manh nha ý định vác cái xe phân khối lớn của nó đến để ở đấy nên chồng mình cũng phải khăng khăng vác cái xe cà tàng của ông đến để ở đó bằng được để còn rủ nó đi lượn. Mới chỉ hai tháng trước thôi chứ mấy, ông tán loạn thuê xe tải chở xe to xe nhỏ từ khắp nơi đến đậu ngay ngắn vào cái garage mới mua. Sắp xếp cái nào ra cái nấy xong, ông hài lòng lắm, từ giờ mưa gió là ko động được đến xe của ông. Cứ rảnh một cái là ông tót đi garage sửa xe, về nhà tay chân lấm lem quần áo nồng nặc mùi dầu mỡ, dầu mỡ dính cả vào râu, ông thích lắm, tự hào lắm.

Thế mà để chưa ấm chỗ ông lại đã có kế hoạch rước xe đi chỗ khác. Mà mình chắc chắn 100% là chỉ để ở đó vài tháng ông xót xe nằm đắp chiếu mưa nắng gió biển ông lại lồng lên rước xe về cất trong garage như cũ. Cứ quắn hết cả đít.
À quên chưa kể lúc về gần đến nhà lại có thằng ra giả vờ hỏi giờ rồi nhân tiện hỏi luôn “cô người Ecuador à?”. Chả được nước nào cao quý, toàn những nước chết đói mới tài.

Sunday, May 1, 2011

Thôi thì cứ thế…

 
Mình mong một ngày một số đứa đói thì tự đi nấu lấy mà ăn, lạnh thì tự đi lấy áo mà mặc, lúc nào nóng thì tự cởi, rách quần tét áo thì tự lấy kim chỉ mà khâu, bẩn thì tự đi tắm, quần áo thay ra tự đi mà giặt vv. Tóm lại buồn ăn buồn uống buồn ngủ buồn đái buồn ị, ngứa chim ngứa bướm thì tự đi mà giải quyết lấy.
Thế nhưng đến lúc đó thì chúng lại bảo “mẹ thì biết gì”, hoặc “tại sao mẹ lại vào phòng con” hoặc “đấy là việc riêng của con, ko phải là việc của mẹ”, hoặc “con có quyền…” hoặc “mẹ ko có quyền nói với con như thế” vv và vv.
Còn bây giờ thì:
Bà N thay bỉm cho Anna. Lila ngó vào reo hò “ôi em bé giống La quá bà ui, em bé cũng có con chim giống La bà ui”. Mẹ bảo “con trai như Ale và papa mới có chim chứ, còn con và em Anna thì có bướm con gái ạ, bướm chứ ko phải chim nhá”. Mắt Lila tròn xoe, suy nghĩ một vài giây rồi lại reo lên “ko, papa và Ale có chim nhưng mà là chim dài, ko giống chim của Lila và Anna”. Gọi bướm thành chim là tại bà N. Bướm rõ ràng mà bà N cứ gọi là chim, còn chim thật thì lại gọi là cu. Mình thật là ko biết đường nào mà lần.
Trời lạnh môi nẻ, mẹ lấy dưỡng môi ra bôi cho hai anh em Lê La. Đã nhớ là cất cẩn thận rồi thế mà chỉ nhoắt một cái đã thấy con gái thó được, chu mỏ thoa lấy thoa để, choe choét hết cả mồm. Nghịch chán thì vứt trả lại mẹ thỏi dưỡng môi đã sứt sẹo, lấy mỗi cái nắp, mang cái nắp đến lồng vào ngón tay em gái đang nằm ngủ ngón tay giơ giơ vì béo đến nỗi ko gập vào được.
Ông con trai thì đang phải làm một đống bài tập cô giáo giao cho nhân kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Buổi sáng ông con trai ngồi co cẳng tập viết bằng tay trái, đầu trọc, mắt sáng ngời, lưỡi thè hết cả ra vì tập trung cao độ quá, viết đến đâu tẩy đến đấy, và nhoáy một cái đã xong một trang. Chữ như giun bò, sợ quá. Mẹ bảo “mẹ muốn con viết chậm hơn nhưng đẹp hơn được ko?”. Đáp lại mồm ông con ngoác ra cười đến tận mang tai, vẫn cứ 1 phút lại chạy thình thịch ra mang cho mẹ một tờ vừa viết xong, chữ xấu vẫn hoàn chữ xấu. Mẹ chán nản “con trai, con có thể giải thích cho mẹ tại sao càng nhiều cơm gạo, công sức, thời gian mẹ đổ vào con thì con càng giống một con khỉ ko?”.
Em của mẹ 6 tháng tuổi vịn thành bàn đứng lên sừng sững, hai cái chân béo múp chụm vào nhau như cái compa, được 3 giây là từ từ đổ xuống. Ai không ra đỡ kịp là cái mặt béo đập vào cạnh bàn, khóc tu tu. Tối thì em bò lăng quăng khắp nhà nhưng sáng ra em lại quên, em lại đu đưa lại từ đầu. Nhiều lúc tay em bò nhanh hơn chân thì em thành lết lết như con hải cẩu, nhiều lúc chân em nhanh hơn tay thì em ngã hự một cái ra đằng trước. Nhà có em như có nuôi một con chó con, chốc chốc lại thấy em ngồi thu lu dưới chân một ai đó, mải mê gặm cái gì đó, lưng thẳng đuỗn, chân béo mập duỗi tòe ra, má đỏ như táo.
Ảnh: Mấy mẹ con đi dạo, mẹ hát nghêu ngao, con trai lớn đá bóng, con gái lớn nhảy múa, con gái bé ăn không ngớt mồm.
Once there were green fields kissed by the sun.
Once there were valleys where rivers used to run.
Once there were blue skies with white clouds high above.
Once there were parts of an ever lasting love.
We were the lovers who strolled through green fields…