Friday, September 30, 2011

Tinh thần thể dục

Hôm nay, vác cái thi thể mệt mỏi và cái mặt nhàu nhĩ đến phòng tập, sau khi phó thác bọn trẻ con cho chàng và bà Nuôi. Chàng thấy mặt vợ lừ lừ như ông từ vào đền rồi nên vợ xách túi ra khỏi nhà lúc chuẩn bị giờ cơm mà chàng ko dám ho he. Đến hơi sớm nên có thời gian ngó sang lớp bên cạnh, mặt mũi lấm lét. Chẳng hiểu chúng nó múa may gì mà cứ như phát cuồng, nhưng cũng hay hay. Giá mà mình đủ sức khỏe thì mình cũng vào đó tập. Cô giáo pilates đến. Tưởng không nhớ mặt mình vì mình mất mặt cũng hơn một năm rưỡi rồi. Mình lại đổi kiểu tóc, từ hôm đổi kiểu tóc thì ối người ko nhận ra mình nữa. Ai ngờ vừa thấy mình từ xa cô ấy đã réo tên. Không biết có phải tại yoga và pilates mà con người ta minh mẫn như thế không nhở. Chứ như mình đây ngoài 3 sập, quên trước quên sau. Vừa uống thuốc xong lại hỏi chồng “ơ em uống thuốc chưa hả anh”. Hồi lâu lâu đọc bài báo nội dung đại loại khoa học bẩu là phụ nữ càng đẻ con thì đầu óc sẽ càng thông minh ra. Thế mà mình càng đẻ con thì đầu óc lại càng mụ mẫm, rất phản khoa học. Mình có chị bạn cũng 3 con mà còn quên ác hơn mình. Đại loại chuyên hỏi chồng “anh ơi hôm nay em đã đi ị chưa hả anh”.
Tập buổi hôm nay mới thấy mình đã rệu rã quá. Mới có mấy động tác khởi động mà đụng đến đâu xương kêu rắc rắc đến đấy. Vươn thẳng lưng lên thì sống lưng rắc một cái, nghẹo cổ sang bên xương cổ rắc cái nữa. Xòe tay ra thì khớp cổ tay kêu khục một cái. Duỗi chân thì đầu gối cũng lại rắc một cái. Phòng tập thì nhỏ, người thì tập chả ai nói năng gì, mà mình thì cứ rắc nọ rắc kia đến là xấu hổ. Đặc biệt lúc có động tác ngoáy chân mình còn nghe rõ tiếng đầu gối mình nó kêu cót két như kiểu bánh xe ko tra dầu mỡ. Lại được cả hai bên mới tài. Mình mới đầu nghe tưởng nghe nhầm đang nằm còn nghển cổ lên áp tai vào đầu gối nghe cho rõ. Hóa ra là không nhầm. Khổ.

Vừa tập vừa tranh thủ sờ mó người. Chán thật. Chỗ nào cũng nhão. Bụng nhão. Cánh tay nhão. Đùi nhão. Mông nhão. Ống chân thì trơ cả xương. Thấy mình sờ mó khắp nơi mặt mũi thiểu não cô giáo phì cười. Có khi phải đi tập thể dục nghiêm chỉnh mất. Mà chẳng biết thu xếp thời gian nào để đi tập?

Cô giáo sau 1 năm 8 tháng không gặp thì cứ hỏi han “sao chị gầy đi nhiều thế”. Đẻ đứa đầu tiên, số cân đứng ở 47, 48kg. Đến đứa thứ hai thì chỉ còn 46kg. Đến đứa thứ ba giờ hôm nào ăn cực no, xong lại uống đến nửa lít nước, trèo lên cân thì mới được 46kg non. Tức là bình thường mình chỉ được 44kg, lúc nào đang đói móp ruột thì còn ít hơn. Lại thêm cái tật xấu là giờ ko quan tâm mình ăn gì, miễn có cái gì bỏ vào bụng cho khỏi đói là xong bữa.

Một người vừa lười vận động vừa chủ quan như mình bây giờ mà phải khép vào kỷ luật thể dục khắt khe thì chả biết có sống sót được không nhở.

Ngạn ngữ Ý có câu “mót đái thì bà già cũng chạy” có khi đúng. Như mình có con bạn ngày xưa, nó thì lười nhất hạng ko ai địch nổi. Nó nằm suốt ngày, chỉ ngồi dậy để ăn, ăn xong ném đũa lại đi nằm. Thế mà bây giờ suốt ngày chí thú đi bơi. Hồi về Hà nội mình gạ gẫm ngon ngọt hết cách để nó sang chơi với mình đừng đi bơi nữa thế mà đến giờ đi bơi là nó vẫn khoác ba lô đi như thường.

Thursday, September 29, 2011

Tẽn tò

Cách đây nửa năm, hồi chú Bình Nguyên vẫn còn học lớp dưới, trong một lần ngồi chầu chú chơi bóng đá, mình nhận thấy có một ánh mắt đang nhìn mình rất chăm chú ở một góc nhà thể dục. Mình quay ra nhìn. Người đàn ông đó ko hẳn là điển trai, thậm chí còn hơi gầy gò ốm o, nhưng có một cái gì đó cực kỳ hay. Nói chính xác ra là mình cũng ko rời mắt khỏi anh ta mất một lúc.
Thấy mình nhìn lại, anh ta cười. Nụ cười của anh ta có hiệu ứng lây lan đến mức mình cũng cười lại, lại còn cười tít đúng như cái kiểu của anh ta nữa.

Anh ta đến cạnh mình “cô người nước nào thế”, “tôi người Việt Nam”, “Alessandro là con cô à, thằng bé đẹp quá”, “cám ơn anh”. Thế là quen nhau. Con trai anh ta là cạ bóng đá của chú Bình Nguyên.

Đến năm nay thì đã quen nhau hơn. Hôm nay hai bậc phụ huynh lại ngồi chầu hai ông con chơi bóng đá. Anh ta rủ mình đánh bóng bàn, mình từ chối.

- Tôi ghét thể thao lắm

- Ô, tại sao cô lại ghét thể thao. It’s a shame. Tôi yêu thể thao vô cùng

Mình ngồi ngẫm nghĩ, kể ra bảo ghét thể thao và ko chơi môn thể thao nào thì cũng hơi xấu hổ, nhất là thấy anh ta vừa chơi bóng đá, vừa chơi bóng rổ, chơi cả bóng bàn, lại còn cầm cả một xấp vòng lên lắc nhoay nhoáy thế kia (thể thao thế sao thân hình vẫn cò hương thổi phù cái là bay thế nhở). Thế nên mình bèn đính chính:

- À, thực ra nói tôi ko yêu thích môn thể thao nào cũng ko đúng. Thực ra tôi rất thích khiêu vũ.

- (Anh ta cười, lại nụ cười tít mắt rất trẻ con) Thế mùa hè vừa rồi cô đi nghỉ ở đâu?

- Gia đình tôi đi VN, sau đó đi Thổ Nhĩ Kỳ, phần thời gian còn lại thì ở ngoài biển nơi chúng tôi có một căn nhà.

- Ôi tuyệt quá, tha hồ mà chơi ngoài nắng. Tôi yêu ánh nắng mặt trời lắm

- Ôi tôi ghét nắng lắm. (Xong im bặt nghĩ bụng thôi tốt nhất không phát ngôn câu nào nữa kẻo chỉ 5 phút nữa là anh ta sẽ bảo người hãm như cô sống trên đời làm gì cho phí)

- Trời ơi sao cô lại ghét nắng? Tôi xuất xứ từ miền Nam, tôi cần ánh nắng như không khí vậy

- À, à, vâng, vâng…

- Mỗi khi có nắng tôi cảm thấy tuyệt diệu

- Vâng, tất nhiên rồi. (Chuyển chủ đề ngay kẻo lại nói cái gì đấy lại hố) Thế công việc của anh là gì thế?

- Tôi á, tôi làm trong ngành phim ảnh.

- Thế chính xác ra anh làm việc gì trong ngành phim ảnh?

- Tôi là diễn viên

- Ô anh là diễn viên à. (Im một lúc) Anh biết không, lần đầu tiên nhìn thấy anh tôi cũng thoáng có ý nghĩ anh là diễn viên vì trông anh rất có dáng…

Xong rồi về nhà giở mạng ra tra. Giời ạ, đúng là khen phò mã tốt áo. Người ta ko chỉ là diễn viên mà còn là diễn viên nổi tiếng. Cái tật ko để ý đến ai nên ko biết ai vào với ai của mình nhiều khi đưa mình đến nhiều tình huống tẽn tò. Trường học của chú Bình Nguyên rất nhiều diễn viên nghệ sĩ nổi tiếng gửi con theo học. Mình chả biết ai vào với ai. Với lại tụi nghệ sĩ này, nhất nghệ sĩ nữ, nhìn ảnh với nhìn ngoài đời thật một trời một vực. Có chị ngày nào mình chả gặp lúc chầu lũ trẻ con tan học, nhan sắc bình thường, thậm chí dưới trung bình, thế mà hôm nay về nhà giai google ảnh cho xem, úi chà, minh tinh màn bạc, cực kỳ hấp dẫn nóng bỏng.

Lại quay về anh chàng diễn viên kháu giai ở trên, chắc từ giờ mình phải hạn chế tiếp xúc quá. Căn bản là ko hiểu dớp ra làm sao chứ mình với anh này từ đầu đến giờ toàn các cuộc nói chuyện vô cùng ko ăn ý. Có lần mình bảo “tên như anh ở Ý tôi mới thấy 2 người, anh và bộ trưởng bộ quốc phòng”, “ôi tôi ghét nhất ông đấy. Ông ta và thủ tướng và…”, “vâng vâng”.

Ảnh lấy trên Internet: đẹp long lanh mỹ miều đây, nhìn ngoài đời đố nhận ra, kể cả có phấn son đầy đủ.

Friday, September 23, 2011

Chẳng thà ở vậy nuôi thân béo mầm

Môn thể thao mấy chục con lợn hò hét đuổi theo một quả bí ngô hôm nọ đã làm một con lợn gẫy chân. Chính xác ra là đứt dây chằng đầu gối. Hỏi thế làm sao mà lại đứt được, thằng nào xô anh à. Đáp không chẳng thằng nào xô anh, anh đang chạy một mình thì tự nhiên ngã.

Đứt dây chằng chẳng hiểu ngài có khổ không, chứ mình thì khổ cực kỳ.

Ngày mấy bận, ngoài đưa đón con ở trường, mình còn phải đưa ngài đến chỗ làm rồi đón về, rồi đưa đi khám bác sĩ, đi chụp chiếu, đi mua thuốc, đi mua nạng và mua bó nọ bó kia. Đúng là full time driver chứ còn gì nữa. Hôm qua ngài còn rụt rè đề đạt “anh còn phải ra bưu điện lấy mấy món đồ nữa đấy em ạ”. Thấy mình quắc mắt lên ngài tịt ngóm. Lại mấy thứ chổi cùn giẻ rách mua trên Ebay, bưu điện giao đến nhà vợ hoặc ko có nhà hoặc đang ngồi trong toilet ko chạy ra kịp, nó bấm chuông ko thấy ai nên để lại tin nhắn kiểu ông tự đến mà lấy.

Lái xe chở người thật chẳng dễ dàng gì. Người què chân nhưng chỉ đạo lung tung. Trên đường có cả trăm cái xe, lại cứ chỉ ra đằng trước la lối “em ơi đi theo cái xe kia kìa”.

Nhưng ở nhà mình mới gọi là khổ. Người vốn bừa, lười, hay đại tiện. Giờ được thể chân gãy người lại càng bừa, lười và đại tiện hơn. Tóm lại đi làm về đến cửa là cởi áo khoác vứt cái oạch. Lê ra sofa cởi quần dài vứt cái oạch nữa. Cà vạt thì giằng ra khỏi cổ rồi ném ra xa cứ như bị thắt cổ. Rồi bắt đầu ngồi vảnh vót sai “em ơi cho anh cốc nước anh ko đi được, em ơi cởi hộ anh đôi tất anh ko cúi được, em ơi lấy cho anh quyển sách vv và vv”.

Gãy chân có đá bóng được nữa đâu mà sao người đói hơn cả mức bình thường. Vợ chở người từ chỗ làm về thì lại tất bật cho con làm bài tập, cho con đánh răng rửa mặt thay quần áo đi ngủ. Con yên vị trên giường rồi mới đi nấu ăn cho hai vợ chồng. Người nằm trong phòng gọi với ra “em ơi anh đói lắm rồi, nếu chưa có gì ăn ngay thì em lấy cho anh quả táo. À em lấy cho anh cả một túi nước đá để anh chườm đầu gối. À lấy cho anh cả cái khăn anh lót bên dưới ko thì nước đá làm ướt giường”. Một lúc sau lại “em ơi, lấy cho anh mấy cái gối to để anh kê chân lên cao”. Một lúc sau nữa “em ơi lấy cho anh cái chăn, sao mà hôm nay rét thế nhỉ, em có rét không?”. Mình thì đang chạy qua chạy lại mồ hôi mồ kê nhễ nhại.

Đêm người cũng chả tha. Nửa đêm người thều thào (nhưng buôn điện thoại với bạn thì thề là giọng khỏe lắm, chả thều thào tí nào) “em ơi anh khát nước”. 3h sáng người lay lay mình “em ơi anh phải chườm đầu gối”. Chườm xong thì mình lại phải mang cái túi đi cất không thì “nước đá chảy ra sàn nhà mất em ạ”. Cứ tưởng tượng người quấy 2 lần, Anna phải ăn ít nhất 1 lần và vài lần ngồi dậy khóc nhè giữa đêm, Lila phải đi đái 1 lần, nó ko đi đái thì mình cũng phải chạy sang ít nhất một lần kiểm tra xem Lê La nóng lạnh thế nào, thì một buổi đêm mình dậy mấy lần. Chưa kể hôm nào còn chuyện gì xảy ra, ví dụ Lila đái dầm, hoặc Ale chảy máu cam, hoặc có một con muỗi trong phòng đốt bọn trẻ con, thì thôi mình khỏi ngủ. Bất kể thế nào sáng hôm sau 8h sáng là 3 mẹ con cũng phải chỉnh tề để ra khỏi nhà. Rồi cả ngày lại chạy như vịt đủ việc linh tinh.

Về cuối ngày, mình mệt bã hết cả người. Hầu con đi ngủ rồi thì chỉ mong hầu người ăn cho xong để mình còn thoát nợ. Hầu ngài xong đủ 3 course bữa tối, mình thở phào ngồi xuống ăn nốt 1st course của mình đã nguội tanh nguội ngắt, bụng nghĩ “may lấy chồng tây chứ lấy chồng VN trong hoàn cảnh này còn phải đi lấy tăm dâng lên thì còn mệt nữa”. Người tính chả bằng trời tính. Người ăn xong ngồi rỗi rãi quá, chả biết làm gì bèn rút nhẫn cưới ra nghịch. Tất nhiên là chân tay lóng ngóng làm cái nhẫn rơi coong một cái xuống đất. Người rối rít “em ơi nhặt hộ anh chân anh đau không cúi được”. Mình đứng phắt lên chạy theo cái nhẫn, chộp được nó lúc nó vẫn còn đang quay tít mù trên sàn.

PS: Buổi sáng, mình đang vội vàng mặc quần áo để còn đưa Lê La đi học. Người tập tễnh đi qua giơ cái nạng chọc chọc vào người vợ “vợ anh ngon”, rồi mặt lộ rõ vẻ tư lự “theo em thì anh còn đá bóng được nữa không, hở em?”.

Wednesday, September 21, 2011

Em của mẹ

 
Một tháng trước em bắt đầu bỏ tay tự đi.
Ngày đầu tiên, em rút vai trái lên, cái chân trái khoát một vòng ra đằng trước. Rồi em lại rút vai phải lên, cái chân phải khoát một vòng ra đằng trước. Thật là vất vả mệt nhọc.
Đến hôm nay thì em đã đi thành thạo lắm. Trong nhà lúc nào cũng có một cái bóng lùn tịt cứ đi khệnh khạng khắp nơi. Mẹ thích nhất là khi em vừa bước những bước vội vã lại phía mẹ vừa giơ hai cánh tay ngắn tũn lên quá đầu, mồm há ra thích chí còn mắt thì cười tít. Chưa đến nơi đã nhào vào lòng mẹ. Chỉ nhào trượt sưng cả trán có một lần, còn lại là nhào trúng. Nhào trúng rồi thì ôm ấp, ngửi hít mẹ cứ như lâu lắm không gặp.
Ngôn ngữ của em cũng bắt đầu phong phú. Em gọi mamma, papa, bà, măm măm, rất sõi. Buổi sáng em ra cửa chỉ tay ra ngoài “đi, đi”, hoặc “chơi, chơi”. Mẹ chỉ mấy cái du thuyền dưới biển và dạy em “barca”. Không hiểu em bắt chước nói lại thế nào mà một lúc sau con chị chạy lại khoe rối rít “mamma ơi con này nó biết nói rồi, nó bảo “bãi cỏ”.
Nhiều lúc mẹ đến là thương em cứ cố hết sức để được bằng anh chị. Anh chị ngồi ghế xem phim hoạt hình, thỉnh thoảng cười rộ lên khoái chí. Em đứng dưới đất hóng mỏ lên, vừa xem ké vừa tán chuyện toàn “ri ri ghi ghi kinh đến nỗi hai đứa kia chúng nó bảo em im đi để chúng nó còn nghe phim. Nói mãi em chả im chúng nó đuổi em ra chỗ khác quầy quậy.
Em đã đến hồi trèo leo và đánh đu lên tất cả những gì em có thể với tay hoặc đặt chân tới. Em trèo lên bàn, trèo lên ghế, trèo lên giường, trèo bậc thang, trèo lên hòm xiểng. Thậm chí bố em vừa nằm bò ra đất ngó cái gì dưới gầm giường là em cũng ngay tức khắc trèo lên ngồi chễm chệ trên cổ bố em luôn.
Em cũng đã đến hồi mở ngăn kéo tủ và lôi tất cả quần áo ra ném xuống đất. Sau đó thì em lại mở ngăn kéo nhét tất cả quần áo trở lại. Nhà khổ cái lại toàn ngăn kéo thấp. Mỗi ngày em mở chừng 2, 3 cái là mẹ và bà Nuôi cũng đủ khóc với em rồi.
Em đặc biệt thích ổ cắm và phích cắm điện. Xểnh ra là em mò lại chỗ ổ điện, rút phích ra cắm lại. Cắm lại ko được thì cho luôn ngón tay vào ngoáy ngoáy. Cái ngón tay ở gốc thì béo mập lông tơ lún phún nhưng ở đầu thì bé tí tẹo nên cũng thò vào được kha khá. Dù sao thì em vẫn khá hơn thằng Lê ngày xưa còn cho mũi kéo vào ngoáy trong ổ điện.
Khoản ăn của em thì khỏi phải bàn. Em thích gì là há mồm, ăn mà ngon là gật đầu, nhìn mà ko thích là lắc đầu, ăn chán rồi cũng lắc đầu. Mẹ luôn phải dặn bà Nuôi nếu em đã lắc đầu thì đừng ép em ăn nữa. Nhiều khi cả nhà ăn em đứng dưới hóng lên xin. Được cho một miếng là em hấp tấp nhai nuốt cứ như sợ bị đòi lại. Thỉnh thoảng đồ ăn rơi ra ngoài em vội vã lấy tay nhét lại. Mỗi tội nhét cả bàn tay vào mồm còn đồ ăn thì lại rơi ra ngoài. Em đặc biệt thích ăn đồ ăn giống hệt anh chị. Nhìn thấy giống thì em mới há mồm cho xúc, khác là em mím miệng lắc đầu. Em đang mải nhìn anh chị ăn thịt mà mẹ lại tranh thủ nhét rau vào mồm em xem, em nhổ rau ra làm mẹ che mặt không kịp.
Có lần thằng anh ăn vội vàng cho xong để còn đi đá bóng với bố nên ăn xong mép còn dính hạt cơm mà chả biết gì. Em thấy thế mải tới, vịn anh đứng lên, nhón tay bóc hạt cơm trên mép anh cho vào mồm mình nhai trệu trạo, mặt nhăn nhăn tập trung, mồm móm ơi là móm.
Em thích chơi với anh chị quá mà anh chị chê em chả biết gì nên cứ loại em ra ngoài. Mà mẹ cũng công nhận em của mẹ ngố thật ấy chứ. Đồ chơi rõ ràng là em đang ngồi lên, thế mà em cứ quay đi quay lại tìm mãi. Chắc tại cái bỉm dày quá làm em chả có cảm giác đang ngồi lên cái gì.
Có lần em vừa cười hắc hắc vừa vội vã bò lại chỗ anh chị đang xếp hình. Thấy em đến gần giơ tay vờn vờn tác phẩm xếp hình vừa hoàn thành, hai đứa kia hoảng hồn đồng thanh “Nầu”. Em lại vờn phát nữa, hai đứa kia lại hoảng hốt đồng thanh “Nầu”. Em giơ tay tát lia lịa vào tác phẩm nghệ thuật, hai đứa kia càng hoảng làm cho một tràng “Nầu, nầu, nầu, nầu”. Em tưởng chúng nó đùa em cười thích chí bẻ ngoéo một cái và ném luôn xuống đất. Hai đứa kia một đứa thì nhảy tưng tưng như bị kiến đốt một đứa thì òa lên khóc. Nhà này đàn ông thì như đàn bà còn đàn bà thì như đàn ông. Thế nên người nhảy là La còn người khóc là Lê.

Monday, September 19, 2011

Phẫu thuật thẩm mỹ

Lâu lắm mình mới gặp lại phụ huynh của một cậu bạn cùng lớp của chú Bình Nguyên. Trong 2 năm chú học ở trường này thì mình gặp chị ấy khoảng 3 hay 4 lần. Mỗi lần gặp là một lần thấy khác.

Lần đầu tiên gặp, chị ấy có khuôn mặt thô, má phị, da sần. Mình chú ý là vì chị ấy cứ nhìn mình chằm chằm rồi chạy đến bắt tay làm quen điệu bộ vồn vã “Chị có biết đàn bà Ý chúng tôi sẽ đánh đổi mọi thứ để có đôi môi như của chị không”. Lại nói chuyện môi, mình thì luôn ko cảm thấy thoải mái khi ai đó nhắc đến môi mình. Tại có lần mẹ mình ngắm nghía mình rồi chẹp miệng “môi mày môi dưới thì cũng được nhưng môi trên hơi mỏng”.

Sau hơn một năm, gặp lần nữa, mình phải trố mắt. Lý do là vì chị ấy trông khác hoàn toàn. Mặt thon, da láng mịn. Các bạn cứ tưởng tượng cuộc lột xác của Hồ Quỳnh Hương thế nào thì chị này cũng y hệt thế. Tức là chắc chắn đã hút mỡ, căng da, độn gò má, độn cằm, gọt hàm.

Một thời gian sau gặp lại, mắt đã lại thấy xếch xếch lên rồi, môi thì bơm từ lâu rồi không kể.

Đến mấy hôm trước gặp lại nhân vụ đi họp phụ huynh cho con, lần này thì phải bàng hoàng. Chả hiểu chị ta làm thêm những phẫu thuật gì, mặt mũi vẫn thon thả, căng mịn tuyệt đối không có nếp nhăn nào, nhưng dáng đi thì lừ đừ giọng nói thì nhỏ như hết hơi, phải căng tai ra mới nghe thủng. Tóm lại, chị ta đã trở thành như một chiếc bóng, chỉ sợ xô phải là lăn kềnh ra gẫy tan ra như thủy tinh.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về thói nghiện phẫu thuật thẩm mỹ của đàn bà Ý. Mà lạ nhất là đàn bà Ý chúng nó toàn phẫu thuật thẩm mỹ giống nhau. Thế là tự nhiên mất một đống tiền cắt xẻo khắp nơi để làm mình giống hệt nhiều đứa khác. Điển hình là tóc phải vàng óng ra, ép cho thẳng tuột, môi dày như cá chép, mắt xếch ngược, mặt căng phồng, gò má cao tớn, ngực như hai quả bóng. Tóm lại để cho dễ tưởng tượng mời các bạn google hình ảnh của Donatella Versace.

Bà bác sĩ răng của mình cũng thế. Lần nào gặp cũng phải bảo một câu đại loại “cô có biết chúng tôi sẽ kill để có nụ cười như của cô”, “cô có biết chúng tôi sẽ kill để có gò má như của cô”, “cô có biết chúng tôi sẽ kill để có blah blah blah”. Bà bác sĩ răng này cũng tút tát khá nhiều. Môi chắc chắn là bơm vì nó cứ phồng lên làm mồm bà ấy cứ há há ko ngậm lại được. Ngực chắc chắn cũng bơm, bởi vì mỗi lần khám răng cho mình bà ấy cúi người thấp, đâm ra ngực bà ấy lại ép vào đầu mình nhiệt tình. Ngoài ra còn tút tát ở đâu nữa thì mình không biết.

Lại nói chuyện ở nhà, hồi lâu lâu có liếc qua ở đâu đó vụ ca sĩ Thủy Tiên mở tiệc ăn mừng sau Bước nhảy hoàn vũ. Không đọc bài nhưng có liếc qua cái ảnh. Trố cả mắt. Ơ em này lại đi độn mông rồi hay sao. Mình thấy Thủy Tiên có đến nỗi nào mà phải đi tút lại từ đầu đến chân như thế nhỉ. Hồi trước còn thấy mặt mũi dáng vẻ mềm mại hấp dẫn, giờ thì cứng đơ đơ từ trên xuống dưới. Chẳng hiểu họ phải hủy hoại bản thân họ đến mức đó để làm gì. Mất một đống tiền rước về một đống của giả, sung sướng nỗi gì.

Mình ko phản đối phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng mình nghĩ phải có nhược điểm lớn lắm thì hãy sửa. Đặc biệt nếu sửa trên mặt thì phải hết sức cẩn thận vì nếu ko lợn lành hóa lợn rất què. Mấy ví dụ sửa mũi của các nhân vật showbiz ở nhà, nhìn dở ơi là dở. Ví dụ thứ nhất là cô Trang Nhung, nose job cực tệ. Mũi thô cánh mũi dày gọt lại cho thanh, nhưng hai cánh mũi lại may xuống bằng với chót mũi, tức là hai cánh mũi và chót mũi tạo thành một đường thẳng. Nói thật nhìn mũi rất giống đít con chuồn chuồn ngô. Ví dụ thứ hai là cô người mẫu Hoàng Yến, gọt lệch nên sống mũi vẹo sang một bên. Ví dụ thứ ba là một số ca sĩ hải ngoại đời trước, sửa cánh mũi thô đầu mũi tròn bằng cách khâu tịt hai cánh mũi cho gọn vào, nhìn mũi cứ như đang bị ai lấy ngón tay bóp.

Mình chỉ dự định đi căng da mặt khi da mặt có dấu hiệu chùng nhão. Nhưng nói thế mà cũng sợ ra phết. Căng quá đà một cái mắt lại cứ nhắm hờ môi lại cứ khép hờ thì chết dở.

Friday, September 16, 2011

Buôn

1. Ôi cái cô hoa hậu Angola đấy nhìn ảnh đẹp quá đi mất, nhỉ. Chắc chắn là phải lai rồi, vì nếu ko thì mắt ko thể xếch xếch lên như thế, mà mũi không thể thon gọn như thế. Không biết da cô ấy có đẹp không nhỉ, hay mịn màng là do ánh sáng và Photoshop.

Cái cô hoa hậu Pháp tức tối vì ko đoạt vương miện chê người ta mà phát biểu câu trước đá câu sau. Câu trước vừa bảo tôi ko thể nhớ cô ấy là ai, câu sau đã bảo cô ấy thường mặc jeans và không trang điểm, với lại nhút nhát ít nói gì gì đi nữa. Mặt người ta đẹp thế rồi thì trang điểm nữa làm gì. Nói nhiều hay nói ít tùy vào văn hóa, người ta nói ít nhưng nói câu nào ăn điểm câu đấy thì vẫn hơn chứ. Dân Pháp các cô lắm mồm nổi tiếng ai địch được.

Mà phải là vẻ đẹp của cô Angola ấy mới là của hiếm, mới là vẻ đẹp nhìn người ta phải trố mắt, mới là vài chục nghìn người mới có được người như thế. Chứ còn cô hoa hậu Pháp này, xinh thì cũng xinh, nhưng kiểu mặt mũi tóc tai này vào một tiệm ăn tối hơi sang trọng một tý thì gặp đầy ra, nhìn mãi cũng nhàm.

Mình có đọc vài bài về Hoàng My chứ ko theo dõi cuộc thi nên ko biết các hoa hậu các nước khác trông ra làm sao. Theo nhận xét của mình thì Hoàng My là ứng cử viên VN được nhất từ trước tới giờ. Mai Phương thì mũi thô quá. Mai Phương Thúy thì răng to quá. Hoàng Yến thì mặt choắt quá và tai lại bị vểnh ra ngoài. Kiều Khanh thì dễ thương nhưng nhạt quá. Ngô Phương Lan thì hơi béo và mặt dài quá. Thị Huyền thì đẹp phúc hậu nhưng lại béo quá vv và vv.

Mỗi tội Hoàng My hơi thấp và như trong mấy cái ảnh mà mình nhìn thấy lúc tham gia các hoạt động của cuộc thi thì làm tóc xấu điên, trông cứ bù rối và tơi tả kiểu gì.

2. Hôm nọ lại hóng được một bài: Ngọc Trinh và Hà Anh, ai đẹp hơn ai. Thú thật mình thấy thân hình như Ngọc Trinh tự nhiên như thế là đẹp quá rồi. Trong giới showbiz mình ko thấy ai có thân hình trời cho như thế. Đặc biệt mình rất thích đường eo của cô ấy. Nó là hai đường lượn rất cân đối đổ xuống hông, đúng là thắt đáy lưng ong. Trong khi eo của Hà Anh không đẹp lắm vì lồng xương sườn bị hóp lại từ bên trên, làm cho eo nhỏ thì nhỏ thật nhưng cả phần thân người từ chân ngực đổ xuống hông hơi bị hóp quá, mặc dù thân hình Hà Anh săn thon ra dáng người mẫu hơn. Mặt thì… mặt cô Ngọc Trinh theo mình là không đẹp. Mặt gì mà tròn xoe xoe, toàn thịt là thịt, mắt lại như hột nhãn.

Nhưng mà trong tất cả các hoa hậu của VN từ trước tới nay, có lẽ không cô hoa hậu nào lại một nét cũng ko được như hoa hậu Ngọc Hân.

Thursday, September 15, 2011

Tổng kết mấy tuần vất vả

 
Mấy tháng vắng nhà, lần này về mình để hẳn mấy ngày để thu xếp lại mọi thứ.
Mất nguyên một ngày lau chùi dọn dẹp, mua hoa tươi về cắm trong phòng khách. Đứng nhìn phòng khách gọn ghẽ, sạch sẽ, tươi mới, tự nhiên hình dung ra cảnh chỉ mấy tháng nữa thôi nếu quyết định đi nhiệm kỳ là phải chuyển nhà, tất cả lại lộn tùng phèo hết cả lên, thùng hộp lỏng chỏng, rồi trống trơn hết cả, tự nhiên cảm thấy mình như bị hụt hơi. Già rồi có khác, rất ngại thay đổi.
Lôi tủ quần áo của Lê La Na ra dọn. Sau mùa hè cả 3 đứa lớn phổng lên, quần áo cộc tớn, loại ra hai túi to tướng. Giờ mình cũng ko hay mua quần áo cho bọn trẻ nữa vì Lê La phải mặc đồng phục ở trường cả ngày còn em Na thì toàn dùng lại quần áo cũ của anh chị. Mình ủng hộ bọn trẻ mặc đồng phục, mặc dù tiếc đứt ruột những chiếc váy đẹp đẽ mình mua được trong những chuyến lượn lờ đây đó, ứng ý lắm mà con gái chỉ mặc được một hai lần là cộc.
Sau đó thì cả Lê La Na, chàng và bà N cùng thay nhau ốm. Kinh nghiệm của mình: con ốm muốn nó khỏi ốm cho nhanh thì phải gọi điện năn nỉ van vỉ xin được một cuộc hẹn của bác sĩ vốn dĩ lúc nào cũng bận túi bụi. Thế để hôm tấp tểnh đưa con đến định kể lể hoàn cảnh thì con lại cứ tươi như hoa, chả ra vẻ gì là ốm yếu, làm bà bác sĩ cứ cau có giương mục kỉnh hết nhìn mẹ rồi lại nhìn sang con đầy vẻ nghi ngờ.
Sau đó thì đến thời gian nhập trường cho Lê La. Trước khi đi học con gái hỏi “mamma, tại sao các cái người lại phải đi học?”. Nghe đã thấy là điềm không lành. Y như rằng, con nhà người ta cười toe toét chạy nhảy chơi đùa, mỗi con mình là khóc oe óe.
Hơn một tuần phải ngồi chầu chực ở ngoài đợi con học xong, mình thủ theo quyển sách. Con vào học là mình kiếm một chỗ khuất khuất vắng vẻ giở sách ra đọc. Mình kiếm được một chỗ rất ưng ý, mấy bậc cầu thang bỏ hoang dẫn lên một cánh cửa đã khóa lâu ngày, gió rất mát. Ngồi được ngày đầu tiên yên ổn. Đến ngày thứ hai, đang đọc sách thì chợt nghe có giọng British cực hay đang yêu cầu bọn trẻ con trật tự và đi vào hàng ngũ. Ngẩng lên thấy mắt anh thầy đang nhìn. Thấy mình cười anh thầy xua bọn trẻ con lên lớp rồi đến làm quen. Anh thầy người Anh, mới bắt đầu giảng dạy môn kinh tế học cho bọn học sinh trung học được vài hôm. Anh hỏi “sao cô ko ra khu vườn phụ huynh ngồi ghế cho thoải mái?”, bảo “không, tôi có một sở thích kỳ quặc là ngồi đọc sách trên những cầu thang bỏ hoang dẫn lên một căn nhà bỏ hoang”.
Sang ngày thứ 3, anh thầy hấp tấp chạy qua “cô ơi, tôi phải lên dậy một tiết bây giờ. Tí nữa tôi dạy xong thì cô còn ngồi ở đây không?”. Bảo “chắc có”. Anh thầy dạy xong lại chạy xuống ngồi nói chuyện với mình. Nói chuyện được một lúc thì lại phải lên lớp dạy tiếp. Mình lại tiếp tục đọc sách. Tự dưng thấy có một ông cứ đi qua đi lại nhìn nhìn, rồi cuối cùng tiến đến mình hỏi “cô có biết Mr. W đi đâu không?”. Mình ngớ ra một lúc rồi mới “à, ý ông hỏi G ấy hả, tôi ko biết”. Nhanh gớm, đã biết anh thầy hay ra nói chuyện với mình. Ông ấy hóa ra là ông hiệu trưởng còn khá trẻ. Chưa kể tới ông thầy thể dục còn suốt ngày kiếm cớ đến bắt chuyện. Ngồi một xó cũng chẳng yên. Cuối cùng mình đành bỏ chỗ ngồi đọc sách ưng ý.
Con gái đi học, gầy gò quá nên quần áo số 0 rồi mà vẫn không vừa. Cô giáo nào cũng khen con gái xinh. Cô giáo của lớp chú Lê nghe nói có em gái của Alessandro năm nay cũng nhập học, tò mò đến nỗi còn chạy cả xuống lớp con gái để xem mặt.
Đến hôm nay thì con gái đã tuyên bố “La thích đi học”, vừa nói vừa nhảy vừa hát. Nghe con nói thế mẹ nhẹ hết cả người.
PS: à quên, trong suốt mấy tuần đầu chổng vào đít chổng ra này mình cũng kịp tham dự các buổi tập và cuối cùng là một concert nhỏ kỷ niệm 10 năm vụ 9-11. Cái gì cũng muốn làm, chẳng trách lúc nào cũng than bận.

Tuesday, September 13, 2011

Con vua thì lại làm vua

Trở lại câu chuyện Con trai người gác cổng, câu chuyện ưa thích nhất trong tất cả những truyện cổ tích Andersen mà tôi từng đọc. Cậu bé George xuất thân hạ lưu bần hàn, nhưng bằng tài năng cộng chút may mắn, đã vươn lên hàng thượng lưu trong xã hội, đã cưới được cô tiểu thư Emily thuộc hàng danh gia vọng tộc. Điều đó chỉ tồn tại trong cổ tích hoặc các nền kinh tế đang lên như VN, hoặc với hội tư bản đỏ . Chứ còn ở lục địa già, sự đổi đời như vậy là cực kỳ hi hữu.

Trong xã hội Ý sự phân biệt giai cấp đặc biệt rõ nét. Các ngành nghề của Ý thường được duy trì theo kiểu cha truyền con nối. Ví dụ, cha có văn phòng khám răng, con lớn lên cũng thừa kế luôn văn phòng khám răng đó. Hoặc cha là công chứng viên (notaio, khác với khái niệm công chứng viên ở nhà, notaio ở Ý cực kỳ giàu có và uy tín) thì con lớn lên cũng sẽ trở thành notaio tiếp tục duy trì văn phòng đã có tiếng từ lâu. Cha làm thợ nề, con lớn lên theo cha làm thợ nề. Hoặc mẹ có cửa hàng bán chỉ thêu thì khả năng lớn là khi bà mẹ về hưu cô con gái sẽ là người kế tục cái cửa hàng chỉ thêu đó. Không ở đâu câu “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa” đúng hơn ở đây.

Xã hội Ý là xã hội có trật tự đã được thiết lập từ rất lâu, người nào thuộc giai cấp nào cứ ở yên trong giai cấp ấy, rất hiếm trường hợp xé rào. Một lý do là dân Ý không sôi sục ý chí đổi đời, trật tự đã được thiết lập và họ chấp nhận trật tự đó. Do đó họ không dốc sức đầu tư cho việc học hành của con. Ở nhà mình bố mẹ là nông dân bán đất bán ruộng quyết cho con đi học để đổi đời, như kiểu là canh bạc được làm vua thua làm giặc. Nhưng ở xã hội tư bản thì khác. Bố mẹ không chịu trách nhiệm với cuộc đời con đến mức ấy, và đặc biệt không hy sinh đến mức ấy. Đặc biệt họ rất ít khi ảo tưởng vào khả năng của con họ.

Trong xã hội Ý, ranh giới giữa các giai cấp rất rõ ràng. Lấy ví dụ tháng 8, khi toàn nước Ý đi nghỉ hết, thành phố vắng hoe và các bãi biển thì đông nghẹt người. Người giàu thì đi nghỉ bằng du thuyền, đi bãi biển riêng, có nhà nghỉ biệt lập hoặc đi các khách sạn sang trọng. Người thường thì thuê khách sạn bình dân, ra bãi biển chung thuê ô thuê giường, tiết kiệm nữa thì trải cái khăn tự cắm cái ô mang từ nhà đi, khỏi tốn tiền ô giường. Người nghèo thì thậm chí đi nghỉ theo hình thức camping, tức là thuê caravan, một dạng mobil home, tiếng Ý gọi là roulotte, dựng trại. Mình từng đến thăm một khu trại như vậy, cũng rất thú vị. Khu trại chia thành từng lô nhỏ, vuông vắn, có đường vào như ngõ xóm. Mọi người mua bạt mua dây làm mái che, vách ngăn, cổng ra vào đàng hoàng, chở cả giường, máy giặt, bếp, tủ lạnh đến, ở đó cả tháng, chả thiếu thốn thứ gì mà lại tiết kiệm vì ko mất tiền ở khách sạn và ăn nhà hàng. Khu trại có sân chơi cho trẻ con, buổi tối lại tổ chức nhảy nhót hát hò, rất vui. Không phải cứ nhiều tiền mới vui được.
Nhân đây kể một chuyện. Thằng bạn hẩu của giai có lần lọ mọ dẫn vợ con đi theo vợ chồng mình ra bãi biển. Cả hội ra muộn quá, các hàng ghế đầu đã hết nên phải ngồi tít phía sau. Hôm đó biển động nên mép nước có rất nhiều tảo biển bị sóng đánh dạt vào. Thằng bạn hẩu ngồi thu lu, mặt mũi bất mãn, được đâu 15 phút thì đứng phắt lên, quay sang mình nói quang quác giữa chốn đông người “tao có du thuyền, tao có nhà riêng yên tĩnh, tao có thể đi đến một bãi biển riêng nước trong vắt, ko một bóng người. Tao việc gì phải ngồi đây, tít hàng ghế thứ 8, nước thì bẩn, người thì đông”. Mình chết cười vì nó đã kịp đếm số hàng ghế, mới bảo “sao mày ko về đi du thuyền của mày có hơn không”. Nó hằm hằm “tại chồng mày bảo mày ko muốn lên du thuyền của tao, mà tao lại muốn spend time với nó, nên tao phải theo chúng mày ra đây. Thôi tao đi về”. Xong chưa bõ tức lại đì mình thêm câu nữa “Enjoy your 8th row/ Ngồi hàng thứ 8 sướng nhé”. Nói xong phủi đít bỏ về. Thằng bạn hẩu sở hữu một trong những du thuyền lớn nhất trong cảng, bất động sản Paris, London, New York, Milan, nhà ngoài biển, nhà trên núi. Sướng quá hóa hư.

Friday, September 9, 2011

Con trai người gác cổng

Cậu bé George con hai vợ chồng người gác cổng sống dưới tầng hầm. Tiểu thư Emily con gái tướng quân và tướng quân phu nhân ở trên lầu. Tầng cao tầng thấp nhưng cùng chung mái nhà, cùng nhìn ra khoảnh sân trước nhà có một cây keo hoa vàng.

Tôi yêu những câu truyện cổ tích Andersen. Lớn lên đọc lại, tôi thấy chúng ngô nghê, bất kể những ẩn ý người lớn. Nhưng cái mà tôi thích nhất là thế giới trẻ thơ phong phú mà những câu chuyện này mở ra. Với Andersen, chiếc kim khâu, cái cổ cồn, bông hoa héo, mảnh chai vỡ, thậm chí là một cái vỏ trứng, cũng có một cuộc đời, một số phận, với đầy đủ hỉ nộ ái ố hờn ghen ảo tưởng. Với Andersen, một góc vườn yên tĩnh cũng có thể nên một câu chuyện, vì cây hoa hồng, bông hoa artichoke màu xanh tím, cây sồi, hoa tử đinh hương, ong, bướm, đều đang nói chuyện với nhau. Thậm chí trên mỗi cánh hoa còn có một vị thần, bé bỏng và xinh đẹp. Vị thần ca hát ban ngày và đến tối ngủ trong căn nhà vách bằng những cánh hoa hồng thơm. Cô bé tí hon chèo thuyền là một cánh hoa xinh.

Cứ như thế, thế giới ko bao giờ hết những điều sống động kỳ diệu, để cho ta thấy rằng chẳng cần phải có nhiều mới hạnh phúc.

Thôi giờ mình lại phải đi ra ngoài. Để mấy hôm nữa đỡ bận mình sẽ viết nốt.

Tuesday, September 6, 2011

Làng trên cao ốc

Tự nhiên mình nhớ ra những câu chuyện của entry trước là vì đợt về Hà nội vừa rồi mình lại càng nhận ra độ vênh tương tự trong xã hội, ở phạm vi rộng hơn nhiều.

Có lần mình đi chơi đâu về buổi xế chiều, đi ngang qua lễ tân để vào thang máy. Ngay tiền sảnh có mấy chị ngồi nói chuyện. Mình cũng ko hay để ý nghiêng ngó người xung quanh, nhưng quả thực các chị nói chuyện to quá, mình lại phải đợi thang máy lâu, nên quả thật mình cũng có tò mò quay ra nhìn. Các chị ngồi ngay sảnh lễ tân, mặc quần áo bộ đồ ở nhà rất xốc xếch, ngồi co chân lên sofa, bàn chuyện cực to. Mới đầu mình tưởng mấy cô giúp việc ngồi tám, nhưng nghe được nội dung thì đoán chắc đấy là một số chủ hộ bức xúc với vấn đề gì đó trong tòa nhà. Các chị nói chuyện to quá mức bình thường đến độ dễ làm cho người qua lại nghĩ các chị một là đang chém gió cho họ lác mắt, vì chủ đề bàn tán khá cao siêu, toàn thấy đơn từ khiếu nại với lại luật sư gì đó. Hai là đang dọa rồ cô nhân viên lễ tân ngồi đó để cô ấy biết đường tâu lại với ban giám đốc đặng mà xử lý trước khi các chị mạnh tay thật.

Một lần khác, mình cũng đi chơi về buổi chiều. Tự dưng thấy trước sảnh rất đông người đang xúm vào xem cái gì đó, không khí rất căng thẳng ầm ĩ. Tự nhiên mình chợt nghĩ có thể có ai đó bị ngất hoặc đột quỵ, mà mình lại biết CPR, nên định chen vào xem có làm được gì không. Chứ thật ra mình ko thuộc thể loại hiếu kỳ, cứ thấy đám đông là mình lảng chứ chả bao giờ dám nhào vào xem. Lại gần mới hay hóa ra cư dân trong tòa nhà đang tổ chức chọi cá. Hò hét ầm ĩ mấy chục mạng người xung quanh một cái lọ bé tí trong có con cá chọi đen xì (Cũng may là mới chọi cá, chứ lại sang chọi gà hoặc tệ hơn nữa là chọi trâu chắc nguy to).

Chưa kể các cô giúp việc quần áo linh tinh nhàu nát lượn lờ khắp nơi, có khi bê theo cả bát cơm cho trẻ con ăn, và gặp người lạ hoắc cũng hỏi tường tận chi tiết, sống ở căn nào, làm gì, ở đâu về, thậm chí là đi xe gì. Riêng cái chuyện đi xe gì thì mình bị hỏi hai lần. Lần thứ nhất ở trong thang máy, lần thứ hai ở nhà trẻ lúc đưa hai ông cháu đi học.

Tất cả những điều này nếu đặt trong bối cảnh giếng làng, sân đình, thì theo mình vẫn có thể coi là một nét văn hóa, thậm chí còn độc đáo. Nhưng trong cái sảnh lễ tân nội thất đẹp đẽ hiện đại, sofa êm ái, hoa tươi ngập tràn, cư dân toàn dân sang trọng, các cô lễ tân vâng dạ, và nhân viên vệ sinh túc trực để liên tục lau lối qua lại cho sạch bóng lên đó, thì nó cứ trái khoáy thế nào.

Như vậy là, lại câu hỏi muôn thuở: con gà và quả trứng, cái nào có trước, cái nào có sau. Chúng ta nên đợi dân trí lên đến mức thích hợp rồi hãy xây cao ốc cho nền nếp trật tự, hay là thôi cứ xây cao ốc hoành tráng bây giờ, rồi đưa cả xóm làng và lũy tre lên đó, vài năm sau rồi đâu cũng sẽ vào đấy nào có kém ai đâu?

Monday, September 5, 2011

The tell-tale

7, 8 năm trước, một buổi tiệc tối tại khách sạn Metropole. Mình và chàng ngồi cùng bàn với một cặp vợ chồng người Việt tầm tuổi trung niên. Người chồng ăn mặc lịch sự, dáng vẻ đường hoàng, nói năng rành mạch. Người vợ hơi rụt rè, điệu bộ ngượng ngịu của chị cộng thêm bộ quần áo gắng gượng khiến chị hơi vênh so với chồng. Mình không biết họ có thành đạt không nhưng ngồi cùng bàn số 2 đó thì chắc chắn họ cũng phải có vị trí xã hội nhất định. Cùng bàn còn có vợ chồng Tổng quản lý Metropole ở Trung Quốc sang. Các bên bắt đầu chào hỏi. Người đàn ông VN có tác phong rất tự tin, cười nói rổn rảng.

Tất cả mọi thứ đều hoàn hảo cho đến tận khi phục vụ rót rượu vang đỏ. Người đàn ông VN ngừng nói chuyện, cầm ly vang đỏ và bắt đầu di nó thục mạng trên mặt bàn theo vòng tròn, điệu bộ rất chăm chú.

Như các bạn biết, rượu vang đỏ trước khi uống nếu càng được tiếp xúc với không khí thì càng tỏa mùi thơm ngon. Các ly vang đỏ và các bình chứa vang đỏ (gọi là các decanter) thường phình bụng rất to, mục đích là để tăng tối đa diện tích tiếp xúc bề mặt giữa rượu và không khí sau khi đã mở chai. Khi uống vang đỏ không ai rót rượu ra ly rồi đưa lên miệng uống ngay. Nhưng người uống chỉ cần cầm ly xoay nhẹ một chút, cho rượu sánh lên thành một lớp coating quanh thành ly, đợi mấy giây cho lên mùi thơm, và uống (tất nhiên là từng ngụm nhỏ thưởng thức, chứ ko phải ực một cái theo kiểu 100%).

Thế đấy, chỉ cần xoay nhẹ một chút thôi, chứ hoàn toàn không phải tốn sức di tít mù theo vòng tròn như anh chàng ở trên kia. Cũng may, chứ nếu dưới lớp khăn trải bàn ko có một lớp silencer thì hẳn toàn bộ thìa dĩa cốc chén trên bàn đã bị kéo tuột theo cùng với khăn trải bàn.

Chuyện nữa, trước khi rời VN, giai muốn bán chiếc xe máy địa hình. Có một anh người VN đến hỏi. Anh có lẽ là đại diện của tầng lớp VN trẻ, thành đạt trong công việc, và chắc là tầng lớp tiên phong của khái niệm phượt. Anh có dáng vẻ to cao, tự tin, dõng dạc, rành mạch, quần âu áo sơ mi giày tây lịch sự, nói chung khá ấn tượng. Mình khi biết anh làm ở Vietnam Airlines thì chợt nhớ tới một người. JP là một kỹ sư hàng không người Pháp. Trong 4 năm mình tình cờ gặp JP 3 lần, lần đầu tiên tại quầy bar Press Club, lần thứ hai tại Nhà hát lớn, lần thứ ba tại nhà hàng của Sofitel Plaza. JP lần nào gặp mình cũng nhìn trân trối nhưng lần nào mình cũng đang đi cùng một người đàn ông nào đó.

Quay trở lại anh chàng đang ngó nghiêng săm soi chiếc xe máy địa hình, mình hỏi “anh làm ở bộ phận đó của Vietnam Airlines chắc anh biết JP?”. Anh ta nghe xong thì xời lên một tiếng “xời mấy cái thằng tây, bọn anh thuê chúng nó, học hết nghề của chúng nó rồi đuổi chúng nó đi rồi”. Mình tịt ngóm. Sự-không-biết-phải-gọi-là-cái-gì, bất nhã (?) sống sượng (?) bỗ bã (?) (mà lại cứ tưởng hay lắm) đối với một người không quen biết là mình của anh ta làm mình bất ngờ. Đặc biệt với một hình thức chỉn chu lịch sự như vậy, cách ứng xử như vậy tạo nên một độ vênh rất lớn.

Thursday, September 1, 2011

Thổ Nhĩ Kỳ du hí (hết)

 
Sân bay Bodrum:
Một lý do cơ bản gây nên đủ thứ hậu quả khôn lường cho chồng là thói quen tiện đâu bỏ đấy. Tay với được lên/xuống/sang trái/sang phải đến đâu là để luôn đồ đang cầm lên đấy, trong khi đầu đã đang mải tính chuyện khác hoặc mồm đã đang tán như khướu thế nên tất nhiên là không biết ko nhớ mình để cái gì ở đâu. Ví dụ, nhà mình thì rất nhiều hộ chiếu. Nhiều lúc mỗi người cầm tới 3 hộ chiếu, mèng ra như bà N với chàng cũng hai hộ chiếu. Cả nhà từng đấy người là cả một bó hộ chiếu. Chàng cầm một bó hộ chiếu như thế, đang định tiến vào quầy check in thì gặp bạn, níu nó lại nói chuyện. Chắc nói chuyện thì định hai tay chống nạnh hoặc thọc túi quần cho comfortable hay sao mà thấy tay quờ quờ tìm kiếm, rờ được một cái xe đẩy đứng gần đấy thế là để luôn bó hộ chiếu lên. Cả bó hộ chiếu lòe xòe xổ ra cũng chả biết vì mải chuyện. Chỉ một tích tắc sau, chú lao công đang lúi húi sau cái xe ló ra, định sửa soạn đẩy cái xe đi chỗ khác. Mình thì biết tính chồng nên từ khi miễn cưỡng đưa tập hộ chiếu cho chồng thì mắt luôn nhìn chồng âu yếm, thấy thế vội vàng chạy ra vơ vội vàng, đếm lấy đếm để cho đủ số hộ chiếu, rồi đi check in luôn cho xong chuyện. Chàng nói chuyện xong thì mình check in xong rồi, hộ chiếu cất an toàn trong túi mình rồi, chú lao công đẩy cái xe đi mất tích rồi, mình mà nói lại thì chàng chả tin, luôn luôn “Nầu” hoặc cùng lắm thì lại tròn mắt rất ngây thơ vô tội “ôi thế á”.
Sân bay Istanbul: ông khệ nệ mua một túi to đồ dutyfree, khệ nệ ôm lên máy bay, ì ạch cất lên trên cao. Lê La cười như nông dân Nga vớ mùa bắp cải. Lúc xuống máy bay, ông quên bẵng cái túi. Bà N đon đả định với lên lấy hộ thì ông xua tay rối rít vì tưởng túi người khác. Bà N thế mà cũng tin đấy là túi người khác thật nên đi thẳng chả băn khoăn gì. Lại được cả thầy cả trò. Thế là mất túi đồ. Lê La khóc như mưa.
Sân bay Roma Fiumicino: Cách đây 3 tháng mình phải đi Tây Ban Nha. Đã bảo ông ở nhà với con đi cho mình yên tâm thì ông nằng nặc đòi đi cùng. Đã dặn là em ko thể lỡ chuyến bay này được, anh phải về nhà đúng giờ, ông vâng dạ rồi lại về muộn. Hai vợ chồng hối hả ra sân bay, tắc đường khắp nơi, chỉ còn 15 phút nữa là máy bay cất cánh mà vẫn còn đang tìm đường điên cuồng để vào được sân bay. Chồng thả vợ ở terminal cho vợ check in trước còn chồng đi gửi xe. Hai vợ chồng hộc tốc nhảy lên xe bus chở ra máy bay vừa kịp lúc cửa xe đóng sập lại sau lưng. Mình mà có phàn nàn thì lại cãi “em có lý do gì để cáu, chả phải là mình vẫn lên kịp máy bay đấy hay sao”.
Từ Tây Ban Nha về, mình ốm gần chết. Viêm phế quản nặng, xì mũi đến nhức cả đầu, dạ dày đau khó chịu. Máy bay hạ cánh, hai vợ chồng kéo hành lý ra chỗ gửi xe. Ra đến bãi xe chàng rút ví tìm tìm “thôi chết rồi anh làm mất vé xe rồi”. Nghe đến đấy mình ngồi bệt luôn xuống vỉa hè. Mình cứ ngồi nguyên như thế gần hai tiếng trong lúc đợi ông đi xin xỏ hội sân bay.
Thế nên lần này mình cứ hỏi luôn miệng “vé xe đâu anh ơi, vé xe đâu anh ơi”. Ông tự tin vỗ bồm bộp vào túi quần sau, trong túi quần để cái ví “trong ví anh rồi, em đừng lo”. Thế mà mình vẫn lo ơi là lo. Chỉ đến khi cả nhà ngồi yên vị trong xe rồi, xe lái qua cái barrier chắn rồi, thì mình mới tin là mình thoát nạn.
PS: thành công lớn nhất trong chuyến đi này nói riêng và cả mùa hè du thuyền nói chung là không ai bị rơi xuống biển, kể cả Anna. Nỗi lo sợ của mình trước mùa hè đã không thành hiện thực. Mình có lẽ nhiều khi cũng hơi lo lắng thái quá.