Saturday, March 31, 2012

Thứ bẩy

Hồi bé bà ngoại thỉnh thoảng hay mua về một loại cải ngồng rất to, một cây có khi nặng cả mấy cân. Bà ngoại gọi là cải Bắc thảo. Mỗi lần có cải Bắc thảo thì mình hoan hỉ lắm. Cải Bắc thảo có thể lấy lá ngoài để muối thành dưa, nhưng quan trọng nhất là phần cuộng non bên trong có thể làm thành một món ăn rất ngon miệng: cải luộc chấm trứng. Cải cắt miếng vừa ăn luộc nhừ, nước mắm ngon có dầm một quả trứng luộc. Đơn giản thế thôi.
Thứ 7 vừa rồi đi chợ tàu mình mừng cuống khi thấy cải Bắc thảo. Mỗi tội hội bán hàng đã cắt tiệt phần lá, chỉ để lại phần cuộng ngọt. Mình hỏi “thế phần lá ngoài đâu?” thì gặp đúng chị người tàu chẳng hiểu mô tê gì cứ cười khớ khớ. Tuần sau lúc nào rảnh rỗi mình phải làm ngay món cải luộc chấm trứng mới được.
Đi chợ về mang Lê La Na ra công viên Pamphili ăn trưa cùng một lũ bạn chàng. Ngày nắng đẹp và ấm áp. Cỏ xanh ngút ngàn. Cúc dại nở trắng xóa dưới chân. Mẹ ngắt một bông cúc Margherita cài lên tai cho em Na, em lũn cũn đi khắp nơi mặt mũi ngố nghỉnh bông hoa bé như cái cúc ở một bên tai ai nhìn cũng phải buồn cười.
Hội bạn chàng đang tán gẫu chuyện chúng nó qua mấy năm già đi ra sao, tóc bạc da nhăn thế nào, những đứa con gái ngày xưa xinh thế giờ tã thế nào, thì chồng mình tương luôn một quả “Tớ giờ già thế này thôi chứ trước lúc lấy vợ có con tớ chính xác là như một cậu bé”. Ý ngài khoe ngài trẻ. Ngài đang ngồi điệu bộ vô cùng thảnh thơi, chân dạng tè he, hai tay gác lên hai thành ghế, mặt ngửa lên trời đón nắng, trước mặt là cốc cappuccino.
Mình đang theo đúng nghĩa đen là chổng mông ở cái bàn thấp gần đó cho Lê ăn, cho La tô màu, cởi quần áo cho Na đang toát mồ hôi, nghe được câu đấy quay ra bảo lũ bạn chàng “ko, giờ ông ấy vẫn là một cậu bé, người già đi là tôi”.
Một lúc sau mình nhờ ngài cho La đi đái. Ngài dẫn con chạy đi sau khi dặn mình trông cốc cappuccino không để cho đứa hầu bàn dọn mất của ngài. Chạy đi 5 giây thấy chạy về ngay, giúi hộp màu cho con tô tiếp, lý do là nhiều người lắm xếp hàng lâu lắm, rồi lại ngồi vểnh râu uống cà phê tán chuyện tiếp. Cứ như là cho con tô màu tiếp thì con sẽ ko cần đi đái nữa. Thế thì chả CẬU BÉ thì là cái giề.
Không phải nói gì chứ nhiều lúc nhiều người rất xứng đáng bị vít tóc cho mấy nháy vào trung tâm nghe nhìn.
P.S: Em Na cả ngày chơi ác quá, đêm ngủ say tít thò lò mà mồm vẫn “tu tu xịt xịt tu tu xịt xịt” giả vờ làm tàu hỏa.

Friday, March 30, 2012

TGIF

Hôm nay cho Lê La mỗi đứa 2 roi quắn đít.
Hai tuần nay lịch của mình kín mít. Từ sáng đến chiều không tong tả ngoài đường thì cũng ngồi máy tính email hết nơi nọ đến nơi kia hoặc gọi điện thoại đường dài về trường học của con. Chồng thì đúng đợt bận nên việc gì mình cũng phải tự xoay một mình. Mình stressed đến mức nhiều hôm cứ 5h sáng là tỉnh như sáo, dậy đi lại loanh quanh trong nhà.
Hôm kia hẹn con bạn ăn trưa. Hẹn 12h, 11h30 mình đã đến nơi, đến sớm vì khu đó rất đông đúc chật chội người xe tán loạn. Vòng đi vòng lại 3 lần mà ko tìm được chỗ để xe, xe toàn đỗ 2 hàng, 3 hàng. Gần 1 tiếng sau mới tìm được một chỗ ở xa tít. Mở cửa xe đi ra mà tay run lẩy bẩy vì quá stressed.
Chiều hôm qua đón con, đón luôn thằng bạn thân của Lê, cho cả 3 đứa đi sinh nhật một thằng bạn khác, mẹ nó bận ko đi đón được. Trước khi đi sinh nhật thì phải đi mua quà. Tắc đường và lạc đường cho gần 2 tiếng mới đến nơi, mệt phờ cả người. Sinh nhật xong hộ tống cả đám bậu xậu về là hơn 7h tối. Ăn uống qua loa, rửa ráy, cho con đi ngủ xong ngẩng lên đồng hồ đã là hơn 9h. Lại đến màn hầu chồng ăn uống.
Hôm nay, sáng hẹn với một anh bạn để hỏi anh ấy một số thông tin về chương trình học high school mình định cho Lê La theo. Sau đó mang túi giày cũ cho con bạn có hai đứa con trai. Tắc đường cũng mãi mới đến nơi, dừng tạm chỗ nào cũng bị mời đi chỗ khác. Nếu không vì những đôi giày của Ale toàn giày tốt, mới nguyên, bỏ đi rất phí thì mình chẳng đời nào bỏ công chịu đựng giao thông kinh khủng ở Rome.
Chiều đón 2 chị em, đứa chị là bạn Lê, đứa em là bạn La, về nhà mình làm một chầu playdate. Bọn trẻ con đòi lôi tất cả đồ chơi xuống và bày bừa như chiến trường theo đúng nghĩa đen. Dọn xong từng đấy thứ mình cũng đủ thở không ra hơi. Đã thế hai đứa bạn về rồi thì tự dưng Lê La giở trò ăn vạ. Khóc, hét, không chịu ăn đồ ăn mình vừa nấu, đòi hết cái này đến cái khác để kiếm chuyện gây sự.
Hết chịu nổi, cho mỗi đứa hai roi quắn đít. Xong bỏ vào trong phòng. Một lúc sau thấy tiếng cửa mở cạch, Lila bò lên giường vẻ sợ sệt thò cổ ngó mẹ đang nằm còng queo còn Anna bắt đầu khều chân mẹ. Mẹ ngồi dậy: Bé La lại đây mẹ bế mẹ nói chuyện với bé. Lila vừa trèo vào lòng mẹ ngồi thu lu thì lập tức Anna cũng bon chen ngay, làm mẹ lại phải chìa một chân ra cho ngồi. Tại sao bé không ngoan? (Im thít). Hôm qua mẹ có cho bé đi sinh nhật bạn không?. La chưa kịp nói gì thì Na đã đỡ lời “Có”. Hôm nay mẹ có mời bạn bé đến nhà chơi cùng bé không?. Na lại tiếp tục đỡ lời “Có”. Ngày mai mẹ đã hứa cho bé đi chơi công viên Pamphili đúng không?. Lại vẫn giọng Na nhanh nhảu “Có”. Ngày kia mẹ đã hứa mẹ sẽ cho bé đi chơi thác nước đúng không?. Lại Na “Có”. Thế bé có thấy mẹ cố gắng làm cho bé vui, thế mà bé lại gào khóc, không chịu ăn, không chịu tắm, thế là bé hư đúng không?. Na trả lời tắp lự “Đúng”. Bé làm thế tức là bé không yêu mẹ đấy. Na đính chính lập tức “có, iêu, lắm lắm”. Từ đầu đến cuối toàn con em đỡ lời, con chị mặt lỳ ra rất bướng, chỉ thấy vòng tay ôm mẹ chặt hơn.
Ho vật vã gần tuần nay mà ko đến bác sĩ được. Bác sĩ công nên giờ giấc cũng rất quý tộc. Hôm nay mở cửa từ 9h sáng đến 11h sáng. Ngày mai từ 3h đến 5h chiều. Ngày kia từ 10h sáng đến 2h trưa vv và vv. Rình bác sĩ như rình trộm mà vẫn chưa rình được buổi nào.
Tối về kể với chồng đoạn hội thoại trên, rằng Lila bướng ra sao và Anna trả lời hộ ra sao, thì chồng gật gù luôn “anh đã thấy hình bóng anh trong con Anna rồi đấy, tức là rất là ngoan, hay cố gắng làm hài lòng người khác”. Nhận vơ nhanh thế. Đổ con Lila gan lỳ bướng bỉnh giống vợ nốt nữa là đủ bộ.
Chiến đấu với con nhỏ vừa lắm nhu cầu vừa bất hợp tác, chiến đấu với chồng vừa bận bịu vừa cái gì cũng muốn, chiến đấu với giúp việc vốn chỉ hoạt bát hẳn lên khi nói về đô la và vàng và đất, còn ngoài ra cái gì cũng ngơ ngơ như mất sổ gạo và toàn làm theo kiểu đối phó, chiến đấu với giao thông ở Rome đông đúc hỗn loạn rừng rú. Haiz, gánh nặng gia đình đè nặng lên vai người vợ trẻ.

Ảnh: giờ phút mẹ mong chờ nhất trong ngày, khi một số đứa đã ăn xong, đánh răng rửa ráy xong, thay quần áo xong, giờ chỉ còn xem phim rồi lên giường ngủ, không còn lý do gì để phá phách sách nhiễu gây sự nữa.

Monday, March 26, 2012

26/3/2012

Chủ nhật bảo chồng chở xuống chợ tàu xem có mua được cái gì ngon ngon về ăn không chứ cứ tình hình bỏ ăn thế này chắc mình sắp thành bộ xương di động mất. Gọi là chợ tàu vì quen mồm chứ thực ra toàn cửa hàng của dân Trung Đông là chính, dân tàu có vài cửa hiệu lèo tèo, toàn bán quần áo gì đó chứ ko bán đồ ăn. Hai năm nay mới xuống khu này.
Thế mà vui chưa, chợ đóng cửa. Mất công mình hăm hở mang theo hai cái túi rõ to với mục đích tàng trữ đồ ăn. Mặt mình sa sầm “không được ăn món mình thích, phải ăn toàn đồ ăn Ý khỉ gió, ko bao giờ biết ngon miệng, cái giá em phải trả để làm vợ anh quá đắt”. Nghe mình kể lể giá cả ra một cái là chàng sợ lắm. Lúc đó thì mình ra yêu sách gì chàng cũng chiều tuốt. Nhưng đúng lúc đó mình chợt nhìn thấy một cửa hiệu vẫn mở. Thế là mình mở cửa xe hấp tấp chạy xuống, điệu bộ rất tham lam, và quên biến ra yêu sách cho chàng!!!
Mình quay lại lặc lè mấy túi to, trong đó đáng kể nhất là 5 bó rau muống. Tối về mình xào luôn, để lại cho bà Nuôi một ít vì bà N thích ăn rau muống luộc. Mình xào lên một đĩa rất to, chàng ăn một tí, Anna ăn một tí, còn lại mình ăn cả. Ăn no cả bụng rau muống xào vắt chanh mà vẫn còn lại nửa đĩa. Trưa nay mình lại lôi ra ăn nốt. Giá ngày nào cũng có rau muống ăn thế này thì đời có phải đã tươi không nhỉ.
Tối qua mình lôi một quả gì tròn xoe, cứng đơ, từ trong túi đồ mua dưới chợ tàu ra, và loay hoay định cắt ra ăn thử, thấy hai cậu bán hàng bảo ngon lắm. Vật lên vật xuống mãi mà cái phần vỏ cứng đơ chẳng hề suy chuyển, thậm chí còn ko thèm sứt miếng nào, mình đành gọi chàng vào cắt nó ra hộ. Thấy chàng loay hoay một lúc rồi chạy vào kho lấy búa và đục ra, đập chan chát cái vỏ nó mới chịu vỡ ra. Vợ hoan hỉ chạy từ xa lại, cầm một nửa lên liếm liếm, rồi chạy mất sau khi nói gọn lỏn “anh vứt đi cho em”. Chả hiểu quả gì mà ở ngoài thì mốc thếch như da voi, ruột ở trong thì trông tủn mủn như đất, liếm vào một cái thấy chua vãi tè, ném vào đầu ai chắc chấn thương sọ não. May mình cẩn thận mua mỗi một quả.
Ngày mai mình sẽ làm món đậu phụ rán non tẩm nước mắm hành răm. Mình phải tự tay làm món này. Hồi về Hà nội thèm khát món này, nhờ cụ già mua đậu mơ về, bẩu con em dâu nó làm hộ vì hôm đó mình đi đâu về muộn. Về đến nhà nghĩ bụng quái lạ món này làm 10 phút là cùng sao hơn một tiếng rồi mà nó vẫn đánh vật thế kia. Chạy vào xem, ối giời ơi chị gái cắt miếng đậu nhỏ tí, rán cả 6 mặt, làm gì chả lâu. Chưa kể đậu bị rán già quắt queo hết cả lại, còn tẩm tiếc giề. Mấy hôm sau, vẫn thèm khát món này, mình lại nhờ cụ già mua đậu mơ tiếp và nhờ con bạn quý hóa làm. Lúc nó bê đĩa đậu ra mình suýt ngất vì nó rán đậu già câng, ko pha loãng nước mắm, lại còn hỏi một câu tò mò “sao ấy không cho đường và dấm vào cho ngon”. Thú tính chưa được thỏa mãn thì chưa xong. Mấy ngày hôm sau mình lại nhờ cụ già đi mua đậu mơ. Lần này mình mò vào bếp tự rán đậu, tự pha nước mắm, chắc mẩm được ăn bữa đậu phụ tẩm nước mắm hành răm đúng ý, thì nhận ra là hết hành. Thất vọng tràn trề.
Bà Nuôi thì không thèm ăn đậu phụ. Bà Nuôi thường lẩm bẩm “trời ơi trời, nhà giàu mà lại đi ăn tàu hũ vậy trời. Cô mà bắt tôi ăn được cái đó thì tôi thua cô”. Thế nên món đậu phụ ngày mai mình tự làm tự ăn.
Dư âm chợ tàu vẫn chưa hết. Tối nay mình chén một củ khoai lang luộc thay bữa tối.

Saturday, March 24, 2012

Giày mùa xuân

Vừa từ trong lớp học đi ra, mình có cảm giác có người cứ nhìn mình chòng chọc. Mình mới quay ra xem là ai, thì nhìn thấy một con bé cực kỳ xinh đẹp. Mình vốn là người dửng dưng mà nói thật là cũng phải tròn mắt nhìn lại nó. Nó cao vừa phải, ăn mặc rất đẹp, váy màu cipria và giày beige rất điệp với màu tóc vàng hung và làn da rám nắng. Đẹp nhất ở nó là khuôn mặt. Khuôn mặt rất giống Natalie Portman nhưng riêng đôi mắt màu xanh lục thì lại xếch hẳn lên.
Thấy mình nhìn lại, nó bắt chuyện luôn “tôi rất thích đôi giày của chị”. Con bé thật là tinh. Mình đang đi đôi peep toe màu beige của Tanino Crisci. Mình nói một câu gọi là “ừ, trông đôi giày rất có chủ điểm mùa xuân”. Con bé hỏi mình tên giày và tỏ vẻ rất ngạc nhiên khi chưa nghe cái tên Tanino Crisci bao giờ. Nó còn nhờ mình đánh vần để nó viết vào điện thoại.
Đôi peep toe màu beige của Tanino Crisci là đôi ưa thích nhất của mình trong số những đôi giày mùa xuân. Như tất cả những đôi giày của Tanino Crisci, dáng của nó thanh mảnh nhưng rất vững chãi. Cứ khi nào qua mùa đông lạnh lẽo, trời ấm lên một cái là mình phải lôi ngay đôi này ra đi và lần nào đi cũng cảm thấy thích thú.
Lần gần đây nhất mình tới Tanino Crisci thấy cửa hiệu đóng cửa giữa ban ngày, bên trong tan hoang tiêu điều. Chẳng hiểu họ đang làm lại cửa hiệu hay đóng cửa hiệu phá sản. Đóng cửa hiệu ở Rome thì mình cũng không lạ. Dân Rome thẩm mỹ linh tinh, ăn mặc tùng xòe, và đặc biệt tầng lớp có tiền luôn mặc theo chủ đề khoe của. Thế nên Tanino Crisci chắc chắn không được ưa chuộng ở Rome vì giá tiền thì quá cao mà sản phẩm lại không nổi bần bật, nhìn phải đập vào mắt phải ô a ngay, như các nhãn hiệu hàng top khác. Mình hy vọng nó chỉ đóng cửa ở Rome chứ chưa phá sản cả nhãn hiệu.
Haiz, cả mùa đông vừa rồi mình cứ ỉu xìu như bánh đa ngâm nước, mấy tháng liền mặc toàn đồ đen. Mấy hôm trời ấm, nhìn lên cây thấy đã chi chít nụ hoa, lôi giày mùa xuân và áo lụa ra, thấy cũng tươi tỉnh lên một tẹo.
Hôm nay ra đường đổi nốt màu son môi. Không biết đời có bớt cũ kỹ đi tí nào ko nhỉ.
P.S: rẽ vào Sephora mua mascara, gặp em bán hàng vui tính nên cũng vui vui lên một tẹo. Đang tung tăng đi về thì bị một anh cao như tre miễu, đầu hói nhưng tóc lại xòe ra thành hai chùm ở hai bên tai, phản cảm nhất là hai quả má rất hồng hào, đi theo làm quen. Sợ nhất ra đường bị giai xấu theo. Mà số mình dạo này làm sao toàn gặp giai từ xấu đến rất xấu. Có lần có anh đi theo mình mấy phố, mình cứ rẽ vào cửa hiệu nào là thấy thân hình tầm một mét bốn mươi của anh bắt chéo chân chéo tay đợi ở ngoài, làm mình phải bỏ dở cuộc lượn cắm đầu cắm cổ đi về.
Tóm lại sau khi bị anh má hồng bám theo nửa phố thì mình lại về nhà trong trạng thái trầm cảm

Friday, March 23, 2012

I see trees of green, red roses too...

Trước khi rời Hà nội, anh bảo “anh sẽ làm thủ tục mời em sang thăm anh tháng sau nhé”. Tôi cười ngất. Anh cứ ấn tượng mãi với buổi chiều lượn phố cùng tôi, anh bảo “từ sau khi chia tay mối tình đầu, anh ko cảm thấy thoải mái với bất kỳ cô gái nào cả. Nhưng nói chuyện với em anh cảm thấy như mình đã thân quen từ lâu lắm”.
Anh gọi cho tôi rất nhiều lần những ngày sau đó, giọng rất ấm trên điện thoại “Anh nhớ em”. “Tại sao?”. “Đừng hỏi tại sao”. “Anh hát cho em bài What a wonderful world đi”. Thế là anh cất tiếng hát, và tôi nghiêng đầu lắng nghe.
“Em đang làm gì thế?”. “Em đang làm việc”. “Anh nhớ em”. “Anh hát cho em bài La donna è mobile đi”. Thế là anh lại cất tiếng hát. Ở đầu dây bên kia tôi mơ màng lắng nghe.
Một đồng nghiệp của tôi, đồng hương của anh, ái mộ giọng hát anh, thường bảo tôi “mày có biết gọi điện từ đó sang đây bao nhiêu tiền một phút không hả. Mày không yêu nó thì đừng để nó hy vọng”.
Anh đã thôi gọi cho tôi, sau lần anh gọi lúc tôi đang check in ở sân bay, tôi bảo anh gọi lại sau, và điện thoại tôi tắt nhiều ngày sau đó.
Gần đây trên báo mạng lùm xùm vụ ca sĩ Minh Hằng hát nhép đoạn vocal của ca sĩ Lan Anh. Tôi chợt nhớ lại buổi biểu diễn giao lưu của nhạc viện năm đó. Tôi, anh và tất cả mọi người trong hội trường đều cực kỳ ấn tượng với giọng hát của một cô sinh viên trẻ, giọng hát rất cao và rất khỏe. Chắc cô ấy phải là một trong những sinh viên triển vọng nhất của nhạcviện thì mới được chọn để hát giao lưu cùng 3 danh ca nước ngoài kia. Thế mà những người tài năng như cô ấy cứ đi đâu cả, để nhan nhản trong xã hội những giọng ca khề khà đứt hơi, lên cao thất thanh xuống trầm mất hút, nghe cứ tức anh ách như bị bò đá.
Mình thường thích giọng nam cao chứ ko thích giọng nữ cao. Nhưng cũng phải công nhận rằng có những giọng ca của Lê Dung, Lan Anh, thì tình hình vẫn chưa phải là quá bi đát.
Còn anh, cách đây vài năm tôi search tên anh trên mạng, và hơi tiếc khi lỡ buổi biểu diễn của anh ở NYC. Anh già đi một chút, nhưng giọng hát thì vẫn tràn trề như thế. Anh chính ra phải nổi tiếng hơn thế nhiều mới phải, nếu như anh đã sinh ra ở Roma, London, New York, thay vì ở một đất nước xa xôi ở tít cực Nam của lục địa đen.
Bình loạn: Báo chí cứ bảo Minh Hằng vô can, mình chẳng hiểu là vô can ở chỗ nào. Đoạn vocal khó nhất thì lại dùng giọng người khác, nhưng xem trên clip thấy mồm Minh Hằng vẫn ô a hát như đúng rồi. Đặc biệt buồn cười nhất lúc đoạn vocal đã kết thúc nhưng Minh Hằng chắc đang mải múa nên quên, mồm vẫn ngoác ra nhép thêm lúc nữa. Chả nhẽ lúc nhép giọng người khác lại vẫn cứ tưởng mình đang nhép giọng mình, thì có phải là đãng trí quá bác học không.
Ngoài phần nhạc ra, nói thật là mình nghe ca sĩ Việt Nam hát tiếng Anh mình rất khó chịu. Hy vọng là mình nghe ko rõ vì chất lượng clip ko tốt lắm, chứ hát thế này thì ko thể biểu diễn cho khán giả nước ngoài nghiêm túc nghe được, ngay cả giọng có hay đến mấy:
Tiết mục biểu diễn The phan tòm of the opera:
In sleep he sang to me, in dreams he came
That voice which calls to me and speaks my name
And do I dream again, for now I phai (từ find, ở nhà phần lớn chỉ nói được đến fai-d, ai mà nói được /fa-in-d/ thì đã là của hiếm)
The phantom of the opera is here inside my mai (tương tự, từ mind, nếu chỉ nói là mai-d cũng vẫn sai, phải nói là ma-in-d)
http://www.youtube.com/watch?v=zIRzIG-WB6s&feature=related

Thursday, March 22, 2012

I see trees of green, red roses too...(1)

Xứ Hà nội thuở đó còn buồn. Thế nên buổi biểu diễn của 3 chàng tenor là một sự kiện được chào đón lắm. Khán giả ngồi chật kín Nhà hát lớn từ tầng trệt lên tận tầng áp mái.
Tôi chú ý đến anh ngay. Đàn ông vật vã, Seal type, nhưng khuôn mặt dễ coi hơn nhiều. Giọng hát cất lên từ lồng ngực vạm vỡ có độ cao và chiều sâu rất thuyết phục. Tôi nghiêng sang nói với người bạn đi cùng “I like that guy”. Buổi biểu diễn kết thúc bằng Funiculì Funiculà. Khán giả đứng lên vỗ tay muốn vỡ rạp.
Sau buổi biểu diễn là đến phần Lễ tân. Tôi nhìn thấy anh qua những miếng gương lát tường đã ố màu thời gian của phòng lễ tân Nhà hát lớn. Tôi không mất thời gian cưa cẩm. Tôi không có thói quen cưa cẩm đàn ông. Tôi chỉ cần để anh nhìn thấy tôi, và không ngoảnh mặt đi chỗ khác khi anh nhìn.
Anh bắt chuyện với tôi ngay. Nụ cười sáng lóa, nghiêng đầu xuống nghe tôi một cách chăm chú. Cuối buổi trò chuyện, anh bảo “Anh sẽ chỉ biểu diễn một buổi nữa tại nhạc viện Hà nội ngày mai, rồi hôm sau anh sẽ rời VN. Em sẽ đến chứ? Em hứa?”. Vẻ thật thà mong mỏi trên gương mặt anh khiến tôi bật cười “đúng giờ em đang làm việc, nhưng em sẽ đến”.
Tôi đã đến rất muộn. Tôi đi vào đúng lúc 3 chàng tenor đã hát xong và đã sang phần biểu diễn giao lưu của các sinh viên/giáo viên nhạc viện. Tôi ngoái lại tìm anh. Anh ngồi ở hàng ghế xa phía sau, vẫn mặc smoking nhưng đã tháo bow-tie, cổ áo sơ mi trắng mở hai nút, và đang lắng nghe phần biểu diễn giao lưu một cách chăm chú. Anh nhìn thấy tôi ngay. Anh nghiêng đầu về phía tôi ra ý chào, mép nhếch lên cười. Tôi ngẩn ra mất mấy giây.
Chương trình kết thúc, tôi vội vã chạy đi tìm toilet. Cả ngày tôi đã bận không kịp thở, nói gì đến chuyện đi toilet. Lúc tôi quay trở ra, anh đang đứng ngơ ngác giữa hội trường vắng hoe, mắt nhìn quanh quất, tay cầm một bó hoa. Thấy tôi thong thả đi ra, mặt anh sáng bừng lên, anh giúi bó hoa vào tay tôi. Anh bỏ xe đoàn, muốn tôi chở anh bằng xe máy. Tôi thích thú với cái ý nghĩ anh bỏ đoàn để đi chơi với tôi, nên gật đầu đồng ý. Tôi chở anh lòng vòng khắp Hà nội, nghêu ngao hát đằng trước. Anh ngồi thu lu phía sau ôm bó hoa, cười giòn giã.
Tôi thả anh trước cửa khách sạn rồi phóng xe đi. Tự nhiên nghe có tiếng ai gọi đằng sau. Là anh. Anh đang chạy về phía tôi, trên vỉa hè rộng thênh trước khách sạn Nikko, chân dài đáng yêu, hơi thở gấp gáp “Em quên hoa này”. Tôi phá lên cười. Tôi không quên, nhưng cũng chẳng muốn lượn phố với bó hoa của anh.

Tuesday, March 20, 2012

Nhảm

Chả biết ai thích chim bồ câu thế nào chứ mình ghét chim bồ câu cực kỳ, hôi hám, ỉa bậy, quấy rầy. Cái công viên gần nhà chẳng hiểu sao mà lắm bồ câu thế. Vẫn còn nhớ một buổi sáng, lếch thếch dắt Lê La ra đến xe thì tá hỏa thấy trên kính xe mình là 5 bãi phân chim tóe loe trắng phớ. Cho con vào xe rồi bật cần gạt định rửa thì mới nhớ bình nước khô từ bao giờ rồi mà bảo cho nước mãi vẫn quên. Giờ mà chạy đi lấy nước đổ vào để rửa phân chim thì Lê La lại muộn học. Thế là đành cứ thế liều lái xe đi. Phân chim che lấp cả tầm nhìn, phải ngó trái ngó phải mới thấy đường. Hôm đó, cả ngày mình đi lăng quăng khắp thành phố với cái kính xe có 5 bãi phân chim như vậy, thật là xấu hổ ban đại diện.
Chàng cũng bị chim bồ câu tương cho vài bãi lên các con xe cưng mấy lần. Khỏi phải nói có người nhảy tưng lên chỉ trỏ chửi thề bức xúc như thế nào. Từ đó, đỗ xe kiểu gì cũng phải cẩn thận tránh cây to. Mình thì cứ nhìn thấy chỗ đỗ xe nào còn trống là lao vào, chứ làm gì đủ trình độ ngẩng lên xem có cây không, cây to thế nào, có khả năng chim đậu trên đó ỉa xuống xe mình hay không.
Em bé quê mùa của mẹ sáng nay đang mặc áo đẹp ngồi rung đùi hóng ngoài công viên như thường lệ thì bị một con chim bồ câu bay qua ỉa đánh bẹt một bãi to tướng xuống đùi. Mọi người ôm bụng cười. Em chả biết gì cũng toét mồm cười.
Em phải bỏ dở buổi hóng về nhà cởi hết cả quần áo tắm một trận hoành tráng. Cởi trần em ra rồi mẹ ngán ngẩm vì em đen trùi trũi từ đầu xuống tận chân, thứ kém đen nhất người em là tóc. Tóc em mới đẻ thì đen xì, sau rụng tiệt, mọc lại thành màu nâu vàng. Chân vòng kiềng, da đen, trán hói, mồm móm. Chả trách lần nào mình hỏi “con Anna có xinh không hở anh?” thì chàng cũng trả lời tắp lự “Không” như kiểu chưa hỏi xong đã trả lời xong rồi ấy.
Mà em của mẹ đen đủi thế nào ý chứ, Lê La chúng nó chơi nhẵn cái công viên đấy mà có bao giờ bị chim ỉa vào người một bãi tan hoang thế này đâu. Giận quá.
Hôm qua, đang đứng tự dưng mẹ thấy em tự ngã quay ra đất, rồi tự hì hụi ứng lên, mặt mũi tươi hớn, bảo mẹ “ngá đấy, ngá bùm”. Mới có 17 tháng tuổi mà trèo phắt lên thành sofa, từ đó nhảy bụp xuống, lăn lông lốc cười nắc nẻ “ngá đấy”, chả biết sợ là gì.
Em lớn lên là mẹ già đi đấy. Mà mẹ sợ già quá cơ em ạ
P.S Túi Tít ti của em đấy. Con chị chơi chán vứt ra rồi mới đến lượt em. Sáng ra em khoác túi vào cánh tay rồi lấy giày ra sẵn sàng để còn “đi ga”.

Saturday, March 17, 2012

Iêu lắm mamma

Buổi sáng, nhân thể đang dọn quần áo, mẹ lấy ra cho em một cái áo đẹp. Cho con gái mặc áo đẹp xong mẹ vỗ vỗ vào cái mông bỉm “bé ra soi gương đi bé”, thế là lạch bạch đi, soi gương xong quay lại chỗ mẹ vỗ vỗ “mamma, biẹp”. Biẹp tức là đẹp. Ngủ dậy nhìn thấy hoa mẹ cắm: biẹp, thấy mẹ mặc áo hoa: biẹp, mẹ buộc cho cái sừng con con trên đầu, cũng biẹp nốt.
Buổi chiều bà Nuôi lột cái áo biẹp ra định thay áo khác thì con gái bíu chặt lấy cái áo mẹ chọn, mồm liến thoắng “biẹp biẹp”, vừa nói vừa chụp cái áo lên đầu định tự mặc lấy. Bà N cười phe phé “cả đời đi trông trẻ tôi chưa gặp con bé nào lí lắc như cái con này”. Chả hiểu có phải tại con gái khôn ngoan lanh lợi quá không mà người cứ bé tí như cái kẹo, đầu chỉ to hơn quả cam một tý.
Mẹ thường than thở “con bò thích húc thì lại chẳng có sừng để húc”, ý là con chị có quần áo đẹp thì lại chẳng thèm quan tâm đến quần áo đẹp, nhiều khi mua cho con cái váy mà phải dọa con mới chịu mặc, vừa mặc vừa khóc như mưa, con em toàn bị mặc đồ cũ thì lại điệu chảy nước, suốt ngày xin mẹ cho bôi kiem, buộc tóc, thử quần áo, thử giày, đeo túi.
Cuộc nói chuyện giữa mẹ và con gái út dạo này rất phong phú:
- Con chó kêu thế nào em?
- Bâu bâu
- Thế còn con mèo?
- Meo meo
- Thế hôm nay ra công viên em có gặp con chó không?
- Có, bâu bâu
- Thế em có đuổi chim bồ câu không?
- Có, chiêm bay chiêm bay
- Thế em có yêu mẹ không thế?
-
- Thế em nói đi
- Iêu mamma
- Yêu thế nào?
- Lắm lắm lắm lắm
- Thế em hát bài meo meo rửa mặt như mèo cho mẹ đi
- Meo meo meo (ngừng một lát) mèo, lấu lấu lấu (ngừng một lát rồi nhấn mạnh) iêu
Thế rồi con gái út vòng tay ôm chặt cổ mẹ, nì nèo mặc cả “mamma, bế tí”. Thế là mẹ không từ chối được, phải dừng tay sắp xếp quần áo để bế ẵm một tí cho em đỡ nghiện.
Ngày nào em cũng làm cả nhà cười một trận nghiêng ngả. Tuần trước em lẻn vào kho lấy được cái nạng của bố em, em chống lấy chống để, còn giả vờ đi tập tễnh. Cho em đi mua đồ thì em đi như say rượu giữa sảnh trung tâm mua sắm, chả thèm ngoảnh lại phía sau xem người lớn có theo kịp không, gặp ai cũng chỉ tay gọi rành rọt “cô/chú/bác/chị”, tay vẫy chào cái cổ tay rất dẻo; chưa kể hứng lên em còn sáng tạo một điệu nhảy ngay giữa sảnh người qua lại nườm nượp luôn.
Ngôn ngữ của em phong phú vô cùng. Em theo vào nhà vệ sinh với mẹ, đòi rửa tay “mamma, bà bâm, mợ nướt”, tức là đòi mở nước để rửa tay với xà phòng. Thấy anh chị ăn gì thì “shin mím”, tức là xin miếng. Muốn mẹ bật phim cho xem, mà phải là đúng phim Tweety em thích, thì “mamma ơi, bem bim, bật bim tít ti”. Làm cái gì ấn tượng thì tự “vao”, tức là wow. Phá hỏng cái gì thì “chết dồi”. Ngã đau nước mắt nước mũi tèm lem mà còn tranh thủ xin xỏ “mamma ơi, ta mim”, tức là xin vitamin uống.
Em phá vô địch, bằng mấy lần Lê La cộng lại. Trong nhà cứ thỉnh thoảng lại nghe tiếng bà Nuôi la hoảng “thôi, thôi, thôi, lại tang nác đời hoa nữa gồi”.
Ảnh: Đây, em nằm ngủ ngang tàng thế này đấy. Trong ảnh mới chỉ là cái gối, chứ còn ngoài đời thực, đêm nằm ngủ em đạp thế này vào mặt mẹ là chuyện thường. Đêm qua em lên cơn nói thế nào mà em vừa ngủ vừa nói mê rất rành rọt, tua lại toàn bộ những từ em biết.

Friday, March 16, 2012

16/3/2012

Khách đến nhà, khách là một gia đình năm người gồm hai người lớn và 3 trẻ con. Cộng thêm gia đình 6 người nhà mình, thật là một cảnh tượng náo loạn.
Trong lúc người lớn và trẻ con đá bóng và đuổi nhau tưng bừng thì mình tíu tít chuẩn bị bữa tối. Dân tây hay dị ứng hoặc hay kiêng nên mình phải hỏi rất kỹ trước khi nấu. Gặp nhiều người dị ứng đủ thứ mới thấy thật may mắn khi Lê La Na chưa thấy có biểu hiện dị ứng gì.
Mọi chuyện rắc rối bắt đầu từ đây. Chồng không ăn cá và không chịu nổi mùi cá. Vợ không ăn mỳ vì đang kiêng. Đứa con gái 13 tuổi kiêng sữa và tất cả các chế phẩm từ sữa vì sợ mụn trứng cá trên mặt nổi dày thêm. Thằng bé 10 tuổi không chịu nổi rau và trái cây, thậm chí còn ko chịu nổi cà chua. Con bé út 5 tuổi không ăn gì.
Chưa hết, ông chồng còn dị ứng phấn hoa mimosa. Thế là bà chủ hiếu khách như mình đành bê lọ mimosa vẫn còn rất đẹp đi đổ, tiếc đứt ruột.
Ngẩn ra trước một loạt yêu cầu, ko được làm sốt rau, cũng ko được làm sốt các loại cheese, thì chỉ còn cách làm một món mỳ không. Tức là luộc pasta lên rồi cho dầu olive tươi vào, tương tự cơm chan nước mắm nhà mình. Thế là xong. Chủ khách ăn rất hỉ hả, trừ chị vợ ngồi rung đùi đợi món tiếp theo.
Đến course thứ hai, vốn đã tuyệt vọng từ trước nên mình bê luôn khay thịt gà ra, giới thiệu đây là món gà chế biến theo kiểu VN với nước cốt dừa do Signora Nuôi làm. Từ mấy hôm trước bà Nuôi đã dặn mình đi mua cánh và đùi gà và nước cốt dừa về để bà Nuôi “khìa”. Mình không biết “khìa” là cái gì nhưng thấy Lê La Na có vẻ khoái. Bê ra cho gọi là có chứ mình không hy vọng gì bọn khách kén ăn có thể ăn được món thịt gà khìa nước cốt dừa của bà Nuôi. Thế mà may làm sao, chúng nó ăn rào rào, lại còn khen ngon tấm tắc. Con bé lớn ăn thịt gà vun xương thành một đống to trên đĩa. Mà nó ăn rất phí, một cái cánh gà nó chỉ gặm một miếng là bỏ. Bọn tây ko có thói quen gặm xương, cứ gặp xương là chịu chết. Tóm lại, cả khay thịt gà bà N nâng niu hết veo, chỉ còn vài miếng lỏng chỏng.
Hết course thịt đến course rau. Mình làm mấy món rau củ quả nướng và rưới dầu olive có ngâm sẵn các loại lá thơm. Bọn trẻ con tất nhiên là không đụng đũa. Hai vợ chồng nhà kia tấm tắc khen ngon. Chị vợ bảo “ở nhà tao chẳng bao giờ mua rau vì nhà có ai ăn đâu ngoài tao ra”. Có lẽ vì thế nên thấy hai vợ chồng ăn rau rất nhiệt tình. Hết rau thì lôi ra món salamella ăn với bánh mỳ, salamella do cậu kia mang tới. Gia đình cậu ấy có nghề gia truyền làm các loại thịt muối rất nổi tiếng ở Ý. Salamella tuyệt ngon, cả chủ cả khách ăn hết hai đĩa bánh mỳ to tướng. Đến hôm nay Lê La Na vẫn cứ thỉnh thoảng lại xin bánh mỳ với salamella, ăn nhem nhẻm.
Xong phần ăn, sang phần tâm sự, chị vợ bảo “con trai còn đỡ mày ạ, chứ con gái chúng nó càng lớn càng phức tạp. Chúng nó sợ thừa cân, sợ mụn trứng cá, đòi quần áo đẹp, thất tình, dỗi nhau với bạn gái, đặc biệt thấy bạn có gì là về nhà bắt mẹ mua cho bằng được, mẹ nói gì cũng bảo Mẹ thì biết gì”. Vừa nói đến đấy thì con bé lớn ngó vào “mẹ ơi, mẹ cho con đi cắt tóc giống của cô được không?”.
Nói thế là làm mình sợ rồi đấy. Mình có hai đứa con gái, vẫn bé nứt mắt mà chưa chi đã thấy độ đỏng đảnh bướng bỉnh ghê gớm ko ai bằng.

Thursday, March 15, 2012

Đến mệt với các bẹn tàu (phần cuối)


Nếu gặp nhau trong cương vị khác, chắc chắn chàng trai Tung Của kia sẽ bị đòn chết người chứ không phải đòn cảnh cáo nhẹ nhàng lịch sự như thế. Ví dụ gặp tại một bữa tiệc ngoại giao chẳng hạn, chắc chắn mình sẽ kéo nó đến tận chỗ sếp của nó để mà hỏi “Thưa đại sứ, cấp dưới của ông nói VN hồi trước là một phần của Trung Quốc, phát ngôn đó thuộc chính sách đối ngoại của nước ngài hay đơn giản chỉ là sự thiếu kiến thức của chính anh ta?”.
Mà nếu gặp nhau ở ngoài đường mình chỉ là một đứa cha căng chú kiết mới sướng, chắc chắn mình sẽ tương cho câu “các nhà ngoại giao đại diện cho một quốc gia phải là người cực kỳ thông tuệ. Như vậy một là anh phải cực kỳ dốt nát không xứng đáng đại diện cho nước anh, hai là anh phải là một người nói dối rất khủng khiếp mới có thể tiêm vào đầu lũ trẻ con ngây thơ khao khát kiến thức một thông tin bịa đặt như vậy”.
Nhưng cùng là phụ huynh trong trường với nhau, nói thế thì cũng ko ổn. Bố mẹ choảng nhau thì bọn trẻ con sẽ nghĩ ra làm sao. Dù sao mình cũng hy vọng từ nay nó sẽ ko dám nói càn cái kiểu đấy nữa, ít nhất trong phạm vi trường học.
Mình không thích dân Tàu. Cái sự không thích của mình nói một cách công bằng cũng có bắt nguồn từ cảm giác nhược tiểu, nhưng ngoài ra còn vì dân tàu thực sự có tâm lý bành trướng, ngang ngược, xảo trá, sẵn sàng nói láo ngay cả khi hậu quả của nói láo là nhãn tiền. Hình như phương châm của họ là cứ nên nói láo, lặp đi lặp lại mãi một lời nói láo thì cuối cùng mọi người sẽ tin là thật (và chính bản thân họ cũng tin thật)?. Nhắc đến chuyện tính cách dân tàu mình lại nhớ lời một vị cựu ngoại giao VN, có thời gian dài đi sứ bên tàu, đại loại “đối phó với tàu khó lắm, vì nó vừa to, vừa khỏe, vừa tham, lại vừa bẩn”.
Về cái chuyện đưa tiếng tàu vào dạy trong trường phổ thông, cá nhân mình rất phản đối. Thứ nhất, có nhiều thứ tiếng hay hơn để học. Với tiếng Anh, tiếng Pháp, thậm chí là tiếng Ý, giới trẻ VN sẽ được trang bị tốt hơn để tiếp thu được những tinh hoa văn hóa của nhân loại, nhiều hơn là tiếng Tàu. Văn hóa tàu cũng đồ sộ, nhưng với cách hành xử thô lỗ kiểu kẻ cướp và não bị tẩy như của dân tàu hiện giờ, mình thực sự nghi ngờ sự toàn vẹn của nền văn hóa đó.
Thứ hai, làm gì ở đâu ra nhiều cơ hội giao tiếp với dân tàu. Tiếng tàu là một thứ tiếng rất local. Khi tính đến sự phổ quát của một ngôn ngữ, người ta phải tính đến cả sự phân bố địa lý của nó, chứ ko chỉ tính mỗi con số người dùng. Dân tàu thì đông, nhưng đại đa số nhung nhúc ở tàu rồi còn đâu, chưa kể phần lớn lại là nông dân, trong chúng ta mấy ai có cơ hội được sang tàu tìm hiểu các bác nông dân tàu? Nếu ai đó lại bảo mình là dân tàu ko chỉ đông mà còn có mặt ở hầu như tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, thì mình lại phải bảo họ “có mặt ở khắp mọi nơi nhưng toàn sống túm tụm xủng xoẻng hoặc nhổ bậy với nhau trong một khu Chinatown nào đó, sinh sống bằng nghề bán rau cỏ cá mú, chứ nào có ló ra ngoài. Bắt trẻ con mài đũng quần học tiếng tàu để làm gì, để nhằm mục đích là ra nước ngoài giao lưu được với các ông bà bán rau ở chợ tàu à?”. Nghề bán rau ko xấu, nhưng có lẽ nên nhằm mục đích nào cao xa hơn một tý cho bõ công học, nhỉ.
Nếu muốn khuyến khích dân học tiếng tàu, chỉ cần ưu đãi các khoa tiếng tàu của các trường đại học là đủ, cần gì mà phải bắt toàn dân đánh vật học một thứ tiếng phát âm xủng xoẻng vẽ chữ tréo ngoe như vậy?
Tuy nhiên có một chi tiết mình chú ý trong bài báo mình đọc, đại loại đưa tiếng Hoa vào danh sách tiếng dân tộc thiểu số gì đó. Là do các bác nhà mình thâm nho muốn chơi xỏ tàu, gọi dân tàu là một tộc thiểu số trong số gần 60 dân tộc thiểu số VN, hay tại mình cứ suy diễn quá đà ra thế, nhỉ?

Ảnh: buổi sáng ngày cuối đông, mimosa cuối mùa, và William Tell Overture (xong chiều con đi học về con cấu mimosa vãi ra khắp nhà).

Wednesday, March 14, 2012

Đến mệt với các bẹn tàu

Hôm kia, đi học về con trai bảo “Mamma ơi, Việt Nam was a part of China, đúng không mamma?”. Mình ngạc nhiên “tại sao con lại nói thế?”. “Vì bố của bạn Thomas bảo thế”. Thomas là chú bé Trung Quốc duy nhất trong lớp. Mình gặng hỏi thêm “Bố của Thomas nói gì con nói lại thật chính xác cho mẹ nghe” thì con trai bảo “Lê tính rằng bố của bạn nói thế, nhưng Lê không nhớ chính xác”. Mình đành thôi. Nhưng mẹ thích tính trung thực của con, ko chắc chắn thì phải nói là không chắc chắn
Ngay ngày hôm sau, nỗi nghi ngờ của mình đã được khẳng định. Chẳng là ngay ngày hôm sau đến lượt mình phải vào trường đọc sách cho các thanh niên nghe.
Ngồi xuống ghế, giở sách ra “Hôm nay cô đọc cho các cháu một chuyện cổ tích bằng tiếng Việt Nam, để các cháu có khái niệm tiếng VN phát âm như thế nào, sau đó cô sẽ dịch ra tiếng Anh cho các cháu hiểu nhé”. Bọn trẻ con im phăng phắc lắng nghe, mắt đứa nào đứa nấy trong veo rất ngây thơ. Vừa đọc xong và đang giới thiệu về VN, cô giáo hỏi ngay “Hôm qua bố của Thomas nói rằng ngày xưa VN là một phần của Trung Quốc có đúng không chị?”, và bọn trẻ con xôn xao “bố của Thomas nói thế đấy, đúng không cô, đúng không cô?”. Mình giận quá. Nhưng mình không muốn làm cho thằng bé Thomas phải ngượng ngùng bằng cách bảo bố nó phát ngôn láo toét, rằng dân tàu chúng nó ở được nghìn năm tưởng ấm chỗ nhưng cuối cùng lại bị tống cổ, nên mình chỉ giải thích rất nhẹ nhàng “VN và TQ là hai quốc gia độc lập. Có một khoảng thời gian rất dài TQ chiếm VN, biến VN thành một phần của TQ. Nhưng sau đó VN lại giành được độc lập. Từ đó trở đi VN lại trở về là một quốc gia độc lập”. Một cánh tay giơ lên “Cô ơi tại sao TQ lại chiếm VN?”. “Chuyện bình thường thôi cháu ạ. Nước lớn thì bao giờ cũng muốn lớn hơn nữa bằng cách biến các quốc gia nhỏ hơn bên cạnh thành của mình. Nhưng ngày nay không ai được làm như thế nữa cả” vv và vv
Hôm nay, vừa nhìn thấy ông bố của Thomas, mình hỏi ngay
- So I heard that you said to the children that VN was a part of China? (Nói xong mình chống cằm rướn mắt nhìn lom lom vào mặt xem anh ta trả lời ra sao)
- (Điệu bộ anh ta luống cuống, mắt hấp háy, mồm lắp bắp nói những câu chả có đầu có cuối) Tôi không nói thế. Cô giáo chúng nó bảo thế nhưng tôi nói Không phải thế (xong chuyển đề tài lập tức thậm chí còn ko ngừng tí để lấy hơi) Họ của chị là Wu đúng không, chúng tôi cũng có họ như thế đấy…”.
- Họ tôi là Vũ, các anh có Wu chứ không phải Vũ...
- (cướp lời) Chúng tôi có một học giả và một bác sĩ người TQ 100% (nêu 2 cái tên xủng xoẻng mình chả hiểu) nhưng VN lại cứ bảo là hai người này sinh ra ở VN
- Thôi tôi ko biết trường hợp này nên ko thể nói với anh được. Ở đây tôi chỉ muốn nói chúng ta khởi đầu là hai quốc gia độc lập, các anh sang xâm chiếm 1000 năm nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn giành lại được độc lập
- Thôi thôi tôi không muốn tranh cãi chuyện này với chị, tôi cũng chả biết chuyện này rõ lắm
- Nhưng mà tôi thì biết mặc dù tôi cũng không muốn tranh cãi chuyện này với anh. Tôi chỉ muốn thông tin chuyển tải cho trẻ con phải là thông tin chính xác.
- Chị có vẻ nhạy cảm về chuyện này nhỉ hihi? (Mình đoán nó định nói sensitive mặc dù nó dùng từ sensible, ngoại giao mà tiếng Anh cực kém)
- Tôi không nhạy cảm. Thông tin anh đưa làm con tôi bối rối về nguồn gốc của nó, nó về nhà hỏi tôi VN hồi trước có phải là một phần của TQ hay ko, thế nên tôi phải làm rõ ra với anh
- À tôi có nhìn thấy chồng chị đến đón Ale một lần đấy
- Anh là ngoại giao làm việc tại đại sứ quán, có lần anh đã bảo tôi?
- Vâng
- Cả vợ anh?
- Vâng vâng hihi
Nói đến đấy thì con trai mình ra. Nó cứ vuốt tóc vuốt má chú Bình Nguyên mãi ra chiều trìu mến lắm. Ngày nào cũng gặp nhau từ đầu năm học tới giờ, tức là cả trăm lần, đã bao giờ nó vuốt má xoa đầu con mình cái nào. Khổ.

Để mai cún béo viết tiếp phần cuối nhé.