Tuesday, October 30, 2012

Cuối trời mây trắng bay

Trời đã sang thu rồi, nắng bớt gắt hơn nhiều. Sáng mở cửa thấy trời u ám, nhiều gió thổi, mình hí hửng tắt điều hòa và mở rộng các thể loại cửa ra. Cứ tưởng được ngày mát mẻ, ai ngờ chị hàng xóm đi đâu về gọi với sang “bão cát”, làm mình lại tất tả chạy đi đóng chặt tất cả các thể loại cửa vào. Bên này hay bão cát. Quên đóng cửa nào thì thôi rồi, cát tràn vào nhà dọn chắc chết.

Buổi tối hiếm hoi không phải chạy sô events, trời lại mát mẻ, ăn tối xong hai vợ chồng rủ nhau đi dạo vòng vòng trong phố. Khu phố này toàn nhà rất đẹp, cây cối xanh tươi. Cuộc đời giá mà đơn giản, chồng đi làm, vợ nội trợ chăm sóc nhà cửa và đàn con ngoan, lại có thêm cô giúp việc đỡ đần, buổi tối con đi ngủ hết hai vợ chồng xem phim, đi dạo, ra ngoài ăn tối, ngồi nói chuyện trong phòng khách gọn ghẽ, năm một lần dành dụm tiền đi du lịch đến những vùng đất mới mẻ vv và vv. Cuộc đời giá mà chỉ có thế thì cũng đỡ mệt bao nhiêu.

Đây thì cứ vài năm tất cả lại lộn tùng phèo lên một lần, lại mất hàng tháng trời để ổn định thu xếp mọi thứ đâu ra đấy, vất vả vô cùng. Với người kỹ tính cầu toàn như mình thì vất vả gấp lên mấy lần.

P.S: Hồi mới vào nhà, lần nào nhìn thấy nhà vệ sinh này giai cũng than thở chê bai càu nhàu. Bàn và tủ vệ sinh của Corian hẳn hoi chứ nào phải là đồ vớ vẩn gì đâu. Corian là một nhãn hiệu nội thất bếp và nhà vệ sinh rất đắt tiền, mặt bàn và chậu rửa được đúc liền từ một khối đặc nên không hiện gờ, khác với những nhãn hiệu thông thường làm mặt bàn riêng sau đó mới đặt chậu rửa lên trên và dùng silicon trám. Mỗi tội ông chủ nhà lại chọn phối hợp màu rất xấu, cộng thêm ánh đèn tuýp trắng bệch, công nhận ngó cổ vào nhà vệ sinh là thấy buồn hết cả đời.

Chẳng sao. Mình cho thêm tủ, nến, hoa, đồ trang trí, treo tranh vv, cái nhà vệ sinh đỡ chán hẳn. Hôm đầu tiên bà Nuôi treo lên móc một cái khăn màu hồng, mình gọi bà Nuôi vào “cô nhìn nhé, nhà vệ sinh màu trắng, cái lọ bày màu xanh dương, cây hoa lan hoa trắng lá xanh lục, nến màu cam, thêm cái khăn màu hồng sẽ làm cái nhà vệ sinh xấu hẳn đi. Giờ cô đi lấy cho cháu một cái khăn màu trắng, cô sẽ thấy khác hẳn”. Bà N đi lấy khăn trắng treo lên và gật gù “ừ heng, tôi đi làm ở nhà cô tôi cũng sáng ra nhiều thứ. Mà tôi đi làm cho vợ việt chồng tây mấy chục năm chưa thấy cô nào bận như cô”.

Cuộc sống không phải cứ phải có thật nhiều mới tươm tất. Ngày xưa mẹ con mình ở trong cái nhà bé tí, đồ đạc chỉ có cái giường mọt, cái tủ mọt, cái chạn cũ, mà mình lau chùi, dọn dẹp, giặt giũ, lúc nào nó cũng gọn ghẽ sạch sẽ tươm tất. Cô giáo mình người nước ngoài đến chơi, bước chân vào nhà thốt lên “tôi chưa bao giờ vào cái nhà nào bé mà sạch sẽ gọn ghẽ như thế này”.

Sạch sẽ gọn ghẽ cho lắm vào, cuối cùng bàn tay xấu ơi là xấu.

Saturday, October 27, 2012

Chú lái xe

Chú lái xe S của mình có rất nhiều vấn đề.

Vấn đề thứ nhất là không biết đường. Chú ta bảo đã làm việc ở Dubai 6 năm, thế mà biết đường còn kém hơn cả mình. Mình đã vội mà chú ta cứ lái xe lòng vòng ngó nghiêng mặt mũi hoang mang. Hôm kia, đi từ tiểu vương quốc Ras Al Khaimah về, mình sau cả ngày thăm viếng chào hỏi đã rất mệt, chỉ muốn về nhà nhanh nhanh. Nhìn thấy những tòa nhà cao tầng của Dubai từ từ hiện ra, lòng mừng rơn mong mỏi. Ai dè thấy càng đi những tòa nhà càng lùi ra xa, và xe mình đang nhằm hướng sa mạc thẳng tiến. Chú lái xe vừa lái vừa liên tục nhìn sang bên phải vẻ nuối tiếc. Sau khi chú ấy nhìn sang bên phải nuối tiếc độ chục lần thì mình hiểu ra là chú ta đã lạc. Tóm lại, thay vì đi đường thẳng thì mình phải đi vòng xa tít xuống phía Nam rồi mới vòng ngược lên phía Bắc quay về nhà. Quãng đường 15 phút trở thành một tiếng rưỡi.

Vấn đề thứ hai là lái không giỏi. Lái gì mà cứ phanh một cái thì người trong xe chúi nhủi ra đằng trước, lên ga một cái thì người trong xe ngã ngửa ra đằng sau. Một chuyến đi chúi nhủi và ngã ngửa không biết bao lần. Xe cứ rồ lên hoặc phanh gấp trên một đoạn đường ngắn, không bao giờ thấy đi đều ga. Mình nhắc mãi vẫn thế giờ chán chẳng buồn nói nữa. Khả năng chú ta không hiểu mình nói gì. Để mai bớt bận sẽ lái minh họa cho chú ta thấy.

Vấn đề thứ ba là không nói tiếng Anh. Ở Dubai có gần 3 tháng mà mình đã trở nên một người khá thô lỗ. Thay vì nói “Would you mind fixing this for me, Sir? Please don’t go if you did not manage…” thì giờ mình chỉ ngắn gọn “Fix, no fix no go”. Không ngắn gọn thế họ chẳng hiểu. Lại quay trở về chú lái xe, mình bảo “anh chở tôi lên World Trade center”. Nói mãi chú ta mới à lên “bà phải bảo Uôn chết xen tờ”. Ngay cả khi đã thủng ra là World Trade center rồi thì chú ta cũng chẳng biết đường mô mà lần.

Tuy nhiên, ngày đầu tiên chú lái xe bắt đầu làm việc, mình bận tiệc tối nên chỉ kịp bảo “anh tự vào bếp lấy cái gì ăn tạm rồi cứ đi nghỉ, sau ngày mai tôi sẽ thu xếp cho anh”. Thế mà hai ngày nhà có việc là hai ngày chú ta thức đến tận khi xong xuôi. Chả bù cho chị N vừa bị thôi việc, ngày tiệc đầu tiên 7h30 đã thấy đi tắm để chuẩn bị đi ngủ. Bị chàng đi tìm xạc cho một trận, chị chàng miễn cưỡng quay vào bếp, ngồi cái bọp xuống ghế nghịch điện thoại, không thấy đứng lên lần nào. Đến hôm sau, không thấy ai nói gì, chị ta lại tót đi ngủ từ sớm.

Vì thế mà mình đi mua một cái máy chỉ đường. “S, anh là người tốt và tôi muốn cố gắng giữ anh. Tôi mua cái máy này cho anh, nó sẽ giúp anh rất nhiều. Nhưng tôi muốn anh đi mua một cái bản đồ giấy, thời gian rỗi anh ngồi học cho tôi. Anh không thể biết mọi thứ trong thời gian ngắn nhưng tôi muốn anh ít nhất phải biết được vị trí những tòa nhà có tiếng, gọi là landmark, ở Dubai”. Thấy chú lái xe gật đầu qua lại sang hai bên, nhưng mình nghi là chú ta chẳng hiểu gì. Chú lái xe cũng hứa sẽ học tiếng Anh bằng cách “madame cho tôi báo cũ tôi học”, mình cũng gật đầu mà đưa báo cũ hàng ngày, nhưng mình e là chú ta chỉ có ngồi xem ảnh chứ học hành gì.

À nhân nói chuyện phát âm, hôm kia ở siêu thị, tự nhiên đang lúi húi lấy đồ thì nghe một chị, điệu bộ lực lưỡng rất Mỹ, cất giọng rất hoành tráng chỉ chỗ cho cậu con trai đi lấy mấy quả chanh gần chỗ mấy quả chuối “the lemon is next to the bè ne nè”. Hết hồn chim én.

À bạn nào giúp mình chỉ cho mình làm thế nào để import blog từ đây sang blogspot đi? Tks.

Thursday, October 25, 2012

Haiz

Chị giúp việc trứ danh N của mình gọi điện bảo sẽ đến nơi tối 13/9 “madame tôi về thẳng nhà madame ngủ luôn”. Mình hơi ngỡ ngàng nhưng bảo ok, đằng nào phòng cũng để không đấy, chẳng mất gì. Lại bảo “madame có đón tôi ở sân bay được ko”, bảo “không, lái xe tôi chưa có, tôi lại bận ko đi đón được”. “Thế madame trả tiền taxi cho tôi được không, tôi chẳng có tiền”. Hơi ngỡ ngàng nhưng mình vẫn bảo “ok”.

Tối đó N đến nơi. Hai vợ chồng mình phỏng vấn. Chàng hỏi “mai chị thử việc luôn nhé?”. “Không, tôi lâu lắm mới đến Dubai, phải thăm hỏi rất nhiều người”.Thực ra mình biết lý do chả phải thăm hỏi gì mà là N muốn đi phỏng vấn vài nơi nữa xem có được chỗ nào hơn không.

Sáng hôm sau, N trước khi đi “thăm hỏi mọi người” còn xin chàng ít tiền ứng trước vì “chẳng có đồng nào trong người”. Chàng lại lon ton chạy lên nhà lấy tiền xuống đưa cho.

Làm được hai hôm N xin ứng tiền trả tiền vé máy bay và visa nợ của ai đó. Mình cũng ok, đưa trước cho cả tháng tiền lương.

Làm được 5 hôm, chàng yêu cầu N ko được đi đất trong nhà. N bèn xin mình đôi dép lê vì không có dép lê và cũng không có tiền mua dép. Mình đưa N đôi dép, chưa đi được 3 bước N lại hỏi luôn “chân tôi với chân madame cùng cỡ. Madame cho tôi luôn một đôi giày chạy nhé, tôi phải chạy không thì béo quá”. Mình từ chối vì chỉ có đúng một đôi thể thao để dùng.

Làm được 1 tuần, N bảo con trai muốn đến chào, nhân tiện cháu nó cần phải mua một bộ complet để đi làm. Mình nghĩ bụng thằng bé này kiếm 500dhs một tháng, không đủ trả tiền nhà, lấy đâu ra mà mua quần áo. Thế nên chạy lên nhà lấy xuống một bộ complet của chàng. Lại cho thêm cả một đôi giày. Giày Ferragamo chứ không phải giày thường. Tại chàng chân càng ngày càng nở to ra nên mới không cần tới.

Vừa đưa đôi giày và bộ complet xong, quay lên nhà. Đi chưa hết cầu thang N lại chạy theo hỏi với “madame cho tôi một cái quần cộc để tôi đi chạy”. Bảo “quần tôi nhỏ lắm làm sao vừa chị được?”. “Madame lấy quần của Sir cũng được”. Bảo “không, tôi rất tiếc N ạ nhưng chồng tôi không có nhiều quần soóc”.

Khi mình cho N thôi việc, N khóc lóc lo lắng vì sợ không tìm được việc mới. Nhờ mình email cho bà chủ cũ nhờ giúp, nhờ mình đăng quảng cáo, nhờ mình tìm cho người chủ mới mà phải là người Âu Mỹ chứ rất ghét người Ấn. Mình đồng ý tất. Chỉ đến khi N nhờ mình bảo Sir (tức là chồng mình) cấp cho một visa đi Ý thì mình mới phải từ chối.

Khi N tìm được việc mới, N hồ hởi “Bà chủ mới của tôi phỏng vấn xong còn đưa tôi về. Bà ấy đồng ý với mọi điều kiện của tôi. Ở chỗ tôi làm cũ thứ 6 ngày nghỉ bà chủ còn bảo lái xe đưa tôi đi chơi. Tôi đã bảo madame rồi, tìm được người trả lương cao như madame với tôi hoàn toàn không phải là một việc khó”. Mình nghe xong cũng chỉ bảo “N, chị tìm được việc mới vừa ý, hợp với kỹ năng của chị như vậy tôi rất mừng cho chị”. “Giờ madame thanh toán nốt cho tôi vì tôi chẳng có tiền”. Mình đồng ý, thanh toán đến hết ngày 24, tức là ngày thứ tư hôm qua. Vừa thanh toán xong N lại bảo “madame, chiều nay có một party của người Nepal, madame cho tôi đi nhé, tôi sẽ ko nấu bữa tối được”. Mình lại “được, chị cứ đi đi, đừng lo bữa tối cho bọn trẻ, tôi tự làm được”. Vẫn chưa hết. “Madame bảo cậu lái xe của madame chở tôi đến party được không?”. “Xin lỗi N. Cậu lái xe phải chở tôi đi ăn tối tối nay”. N chào mình rồi đi mất.

Sáng thứ năm, mình đang lúi húi trong bếp thì thấy N đi lên. “Madame ơi, tôi gọi cho madame mới của tôi tối qua 6h. Bà ấy bảo bà ấy sẽ gọi lại cho tôi sau 20 phút mà ko thấy gọi. Lúc 7h30 tối tôi lại gọi lại thì bà ấy ko trả lời máy. Sáng nay tôi gọi lúc 7h30 sáng bà ấy cũng ko trả lời. Tôi gọi cho cả chồng bà ấy đang đi công tác nhưng có chế độ roaming mà ông ấy cũng ko trả lời. Tôi đã bảo madame là tôi ko thích người Ấn, vì lý do thế đấy madame ạ. Thế bây giờ nếu họ ko nhận tôi nữa thì madame cho tôi làm tiếp đến khi nào tôi tìm được việc mới được không?”. “N, chị đừng lo, hôm qua họ thích chị thế thì họ sẽ nhận chị chứ. Họ có con mới mấy tuần tuổi nên họ rất bận rộn. Có thể họ quên chưa gọi lại. Nhiều khi có người gọi cho tôi, tôi hứa sẽ gọi lại mà tôi quên, chuyện rất bình thường, chị đừng lo. Chị đừng gọi cho họ sớm thế, mới 7h30 sáng họ còn phải ngủ chứ”.

Giờ thì mình đang cầu trời khấn Phật cho hai cái madame và sir mới kia gọi cho N cho mình nhờ.

PS: kinh nghiệm giúp việc: cô nào càng suốt ngày đòi hòi quyền lợi và xin xỏ nọ kia thì càng lười nhác ngại việc. Cô nào chăm chỉ, giỏi việc, có trách nhiệm với công việc, thì lại không bao giờ hé răng kể lể hoàn cảnh hay xin xỏ bất cứ thứ gì. Những cô này là những người có lòng tự trọng bản thân và tự trọng nghề nghiệp rất cao, rất đáng trân trọng. Gặp những cô này thì nếu có phải bớt ăn bớt tiêu đi để mà giúp đỡ hoàn cảnh của họ thì mình cũng vui lòng.

Tuesday, October 23, 2012

Đỏ tình đen giúp việc

N 38 tuổi, người Nepal nhưng mang hộ chiếu Ấn độ.

N rất sợ mình nhưng lại có vẻ muốn đô hộ những người làm khác. Ngồi bấm điện thoại loách choách trong bếp mà lại chỉ tay sai bà Nuôi đi xếp bát đĩa máy vừa rửa xong. Mấy cô dọn nhà đến cũng bị N sai phủ đầu ngay từ phút đầu tiên. Một buổi chiều, mình vô tình thấy N nhà ta đang ngồi vắt nóc uống cà phê sữa trong vườn, và sai cậu làm vườn đi đổ rác. Mình đi ra “rác này ai để ra trước cổng đây?”. N bê cốc cà phê lẻn ngay vào bếp còn Mohammed thì có vẻ sợ hãi “tôi tưới cây xong rồi tôi mang đi đổ”. “Mohammed, anh không có nhiệm vụ đi đổ rác trừ khi tôi bảo anh đi. N đâu, chị đi đổ rác cho tôi”. Lúc đấy thì mới thấy N nhà ta ục ịch vác túi rác đi đổ. Vẫn chẳng rút kinh nghiệm. Chiều tối hôm qua, đến giờ phải đi, mình ra xe, chẳng thấy lái xe đâu. Ngó nghiêng mãi mới thấy bóng ông lái xe bé tí đang lọ mọ phía thùng rác xa xa, và bóng N vừa tót vào nhà.

Tệ hơn, N khí lười. Sáng lên nhà chuẩn bị đồ ăn sáng cho bọn trẻ con và hai vợ chồng mình, xong rồi xin phép đi ăn sáng (cũng tút mất hơn một tiếng đồng hồ). Sau đó là vài cái quần áo vớ vẩn rồi chuẩn bị ăn trưa cho mình. Sau đó lại tút mất hơn 3 tiếng tổng cộng đi ăn trưa và đi tắm. Tắm nhiều đến mức mà có lần mình xuống nhà hỏi bà N “chị N đâu rồi hả bà N?”, bà N chưa kịp trả lời thì con Anna đã nhanh nhảu đỡ lời “N đi tắm rồi”. Lấy cớ đi tắm vài lần thấy mình không nói gì, giờ N nhà ta đã chuyển sang ngủ trưa công khai. Ngủ đến gần 5h chiều mới thấy ục ịch lên nhà mắt vẫn mơ huyền. Sau khi bị mình chỉnh chuyện ăn sáng, hôm qua N nhà ta lại xin mình cho nghỉ trưa dài hơn vì “nghỉ có từng đấy thì tôi không đủ thời gian tắm”. N mà biết nói tiếng Việt mình sẽ phong N danh hiệu Người đàn bà tắm.

Thế vẫn chưa hết, N tính tình hơi thủ lợi thái quá. Xin quần xin áo xin giày dép xin ứng tiền lương thôi thì cũng được đi. Nếu mình không muốn cho thì mình từ chối, cũng ko sao. Nhưng cái trò thủ lợi thời gian của N mình không thể mê được. Phải gửi tiền cho con gái ở nhà, người biết điều sẽ tranh thủ thời gian ăn sáng hoặc ngủ trưa ra bưu điện hoặc ngân hàng ngay gần nhà, đây ăn sáng hơn một tiếng xong mới xin đi gửi tiền, chắc đủng đỉnh đi gửi tiền xong về ngủ trưa vài tiếng là vừa. Kiểu gì cũng phải ăn ngủ thỏa thuê, những việc riêng khác thì tìm cách lẹm vào giờ làm. Tính đến giờ, mình chưa thấy ở N ý chí làm việc, ý chí tiến thủ, ý chí học hỏi, mà chỉ coi nhà mình như địa chỉ làm việc cầm chừng, lương cao, tăng xin giảm mua, tăng thời gian ngồi chơi giảm thời gian làm việc một cách tối đa, đợi vài năm con trai có công ăn việc làm ổn định là nghỉ vì ghét nghề giúp việc. Mình hay phải ra ngoài mà giúp việc cứ vắng chủ là ngồi chơi không. Mình mở cửa vào nhà mới nghe tiếng giúp việc đẩy ghế cái xạch trong bếp và tiếng chân lạch bạch chạy ra đằng sau mân mê mấy cái quần áo đang phơi, trên bàn di động vẫn tít tít. Mình giả vờ không biết thì thôi chứ che mắt mình hơi khó.

Nghèo mà tham ăn, thích ngủ, lười làm, béo quay béo cút trèo cầu thang còn khó, thì có muốn thương cũng thương không nổi.

N làm mình nhớ tới một chị giúp việc người VN của mình trước đây, cũng xin xỏ suốt ngày nhưng động đến việc một cái là mặt xị ra. N còn khá hơn chị ta vì dù sao N cũng sáng dạ, chỉ cho một lần là biết. Chị kia thì chỉ mãi vẫn chẳng hiểu mô tê gì, lại còn tính tự phụ không thèm nghe hướng dẫn, bị hướng dẫn nhiều còn cáu mắng lại bà chủ xơi xơi. Ngủ trưa quen giấc, hôm nào không được ngủ thì ngáp ngắn ngáp dài, có hôm còn bảo mình “em trông Ale cho chị đi ngủ một tý”. Vào ngủ không được lại đi ra, ngồi ngáp ngắn ngáp dài tiếp, được một lúc lại “em trông Ale cho chị đi ngủ tý, không được ngủ đau đầu lắm”. Cứ như thế buổi chiều hôm ấy tất thảy 3 lần cố gắng đi ngủ mà không ngủ được, đời khổ ơi là khổ. Hồi đó mình còn ái ngại hoàn cảnh mà cho làm 5 tháng, chứ như bây giờ, N bị nghỉ ngay sau hơn 1 tháng.

Bình luận của cún béo: tổng kết đời mình, toàn gặp đàn ông hay và giúp việc dở. Dù sao thì cũng tốt hơn là ngược lại.

Monday, October 22, 2012

Linh tinh

Hôm kia đi dự buổi đấu giá tại Christie's. Nói đi dự cho sang chứ thực ra chỉ đảo vào đó đúng 15 phút điểm danh vì còn phải chạy sô tới event khác. Vào Christie's, chồng tót đi xem tranh còn vợ tót đi xem đồ trang sức. Những món đồ trang sức kim cương đẹp não nề. Bảo vệ đứng kè kè mắt nhìn rất thù hận. Chỉ ngó được vài phút rồi đi, vợ cứ càu nhàu tiếc rẻ. Event kia chồng phải trao giải nên phải cố mà đến cho đúng giờ. Thời tiết đã vào thu, nhiệt độ giảm hơn 20 độ so với hai tháng trước. Buổi tối gió mát, đi event ngoài trời rất thích.

Buổi lễ trao giải What’s on tổ chức trên một bãi cỏ rộng thênh thang, thực khách đến hơn 1000 người, đồ ăn đồ uống ngồn ngộn và nhạc nhẽo tưng bừng. Mỗi tội chắc vì đông người quá phục vụ không xuể nên bọn nó có sáng kiến thực khách phải ra quầy lấy đồ ăn rồi bê đĩa về bàn mình. Mình ngồi gần sân khấu, tấp tểnh giày cao gót đi từ đó ra đầu kia của bãi cỏ để lấy đồ ăn cũng đủ hết hơi, lại nào có được lấy ngay mà phải xếp hàng chán chê mê mỏi, xong lại phải bê về bàn. Từng ấy thứ nhiêu khê đó cũng đủ để cho mình nhịn luôn cho rồi. Được cái nhạc rất hay và cậu MC vừa giỏi vừa đẹp trai kiểu Hugh Grant. Không phải kiểu MC cứ nhảy chồm chồm “có phải không ạ, có phải không ạ, khớ khớ khớ”.

Cứ bảo hết tháng 10 sẽ bớt bận nhưng bớt bận đâu chẳng thấy, chỉ thấy bận lên. Cả tháng 11 sẽ phải chuẩn bị cho một buổi trình diễn thời trang tại nhà riêng sẽ diễn ra đầu tháng 12. Buổi trình diễn này sẽ do mình chủ trì, dự định ladies only và sẽ mời những đại diện nữ nổi tiếng nhất, các hoàng hậu công chúa các tiểu vương quốc và những nữ doanh nhân thành đạt soành điệu nhất. Là mới kế hoạch thế chứ mình còn phải đi hỏi rất nhiều thông tin. Ladies only thì tối đó lại phải sơ tán ngài đi chỗ khác.

Dân Ả rập lại sắp nghỉ Eid. Thế tức là trong khi thiên hạ nô nức đi nghỉ thì mình lại phải lọ mọ thân già đi thăm viếng các hoàng hậu của mấy tiểu vương quốc. Thăm viếng thế cũng hay, nhỉ. Phòng khách để sofa chạy sát tường, ai đến cũng phải ra chào hoàng hậu rồi mới được dẫn vào chỗ ngồi. Lần đầu tiên mình đến, bước vào phòng khách choáng suýt vấp khi nhìn thấy mấy chục vị áo và khăn trùm đầu đen xì ngồi thu lu bằng chằn chặn trên dãy sofa chạy dọc tường, như một đàn chim cánh cụt đông đúc chen chúc trên một tảng băng. Có người còn có cả đồ che mặt trông như hiệp sĩ thời trung cổ. Hoàng hậu là một người phụ nữ có dáng vẻ rất cao quý. Lúc đến lượt mình phải ra vấn an hoàng hậu, mình từ từ đứng lên đi lon ton từ đầu phòng này đến đầu kia, không biết lũ bạn phía sau đang rích lên cười vì cái khăn mình đã cố co kéo cho che vừa cái lưng, đúng giây phút trọng đại lại hếch lên. Thế là mình lưng trần oai phong lẫm liệt tiến đến vấn an hoàng hậu. Lần này rút kinh nghiệm sẽ mặc kín cổng cao tường váy dài quét đất.

PS: tối nọ đi ăn tối với một vị tiến sĩ/bác sĩ gốc là dân một nước Trung Đông nhưng đã bỏ xứ mà đi từ lâu. Khi biết mình là người VN, bà ấy làm cho một tràng “Tôi lưu vong đã hơn 30 năm rồi. Tôi bỏ xứ đi ngay khi cộng sản lên nắm quyền ở nước tôi…”. Mình hỏi “theo bà, cộng sản tốt hơn hay duy trì hoàng gia tốt hơn?”. Bà ấy bảo “bất kỳ chế độ nào mà quyền lực vô biên tập trung vào một nhóm người thì tất yếu sẽ nảy sinh vấn đề. Nhưng trong thể chế hoàng gia, ít nhất kẻ kế vị ngai vàng còn được học hành tử tế, được lớn lên trong môi trường hoàng gia nên con người nó cao sang thanh lịch, chứ bọn cộng sản thì hopeless. Chúng nó vừa nghèo vừa vô học vừa không căn bản, nên vừa tham vừa bẩn. Để bọn đấy lãnh đạo thì là tai họa cho đất nước”. “Vâng, thưa bà, chúng tôi là một dân tộc đau khổ…” .

Saturday, October 20, 2012

Chuyện vợ chồng

 

-          Em biết không, hôm nay anh đi tập, anh tập bóng ngoài công viên. Xong em biết chuyện gì xảy ra không, tự nhiên đầu gối anh kêu bẹp một tiếng. Sợ chưa?

-          (Vợ hốt hoảng) Anh đừng bảo là anh lại đứt gân đầu gối lần nữa đấy nhé.

-          Anh cũng sợ hết hồn, nhưng nhìn kỹ hóa ra có con chim bay qua ỉa luôn lên đầu gối anh một bãi.

Cả ngày được mỗi một cuộc trò chuyện rất chi là quý giá. Cộng thêm hai vợ chồng tranh cãi trên facebook xem Dubai có mấy con ruồi. Vợ bảo có nhiều. Chồng bảo có mỗi một con. Xin hết.

Rõ thật là,

Chồng người du kích sông Lô

Chồng em ngồi bếp nướng ngô cháy quần.

Ảnh: ăn vạ khi muốn dùng bút bi vẽ lên tường mà mẹ lại chỉ đưa cho cái bút chì

Tuesday, October 16, 2012

16/10/2012

Tối hôm qua và tối hôm kia tổ chức hai buổi tiếp tân ở nhà, mời tổng cộng 70 khách, mỗi tối là một khách sạn đến phục vụ. Tối kia mời những nhân vật có vai vế trong cộng đồng. Tối qua mời mấy tổng lãnh sự các nước. Có tổng lãnh sự nói tiếng Việt nhoay nhoáy vì đã đi nhiệm kỳ Việt nam “hoa sen đỏ của VN rất là đẹp quá”. Một lúc sau lại “em đã xem bộ phim Bao mười cho đến tháng giờ chưa?”. Mình mồm nhách ra tận mang tai mà vẫn phải tỏ vẻ thán phục “ồ tiếng Việt của ngài giỏi quá, tôi rất ấn tượng”. Thực đơn của đầu bếp Pasquale khiến tất cả thực khách phải trầm trồ.

12h đêm, tiễn vị khách cuối cùng ra về, như trút được gánh nặng. Quẳng giày cao gót, xách váy đi chân đất lên phòng ngủ. Thời gian qua siêu stressed. Lý do là có đoàn thanh tra của Bộ tới làm việc nên giai phải làm việc ngày đêm, mặt dài như cái bơm. Song song với nỗi niềm đó của giai thì mình phải gấp rút hoàn thiện nhà cửa để tổ chức hai buổi tiếp tân đón chào. Thêm cậu lái xe vừa bắt đầu làm việc, mình phải đi mua giường tủ cho và cứ có thời gian rỗi là cặm cụi ngồi lắp vì ông lái xe đọc hướng dẫn thì chẳng hiểu mô tê gì. Cậu lái xe ngố nghỉnh, chẳng nói tiếng Anh mấy nhưng có vẻ là người tốt bụng và chăm chỉ. Hai ngày nhà có việc là hai ngày thấy cậu ấy thức đến tận khi nhân viên khách sạn dọn dẹp xong hết, về hết, rồi mới đi ngủ mặc dù mình không bảo. Thôi cứ để thử xem thế nào.

Hôm nay thì đoàn thanh tra đã ra sân bay ra về. Mọi việc kết thúc tốt đẹp. Giai hứa từ hôm nay sẽ về sớm để giúp vợ việc nhà. Không biết có lời hứa gió bay không đây???

Hôm nay gửi thư cảm ơn và làm nốt phần hóa đơn chứng từ, xong việc này lại phải xử lý đến một số việc nhà khác đang tồn đọng và đống giấy mời chưa kịp xem và chưa kịp trả lời. Đời còn vất vả còn nhiều.

Friday, October 12, 2012

Cô bé từ trên trời rơi xuống

Em bé của mẹ mắc bệnh ăn vạ. Hơi một tý là em khóc òa lên, nước mắt lã chã. Bất kỳ cái gì không vừa lòng một cái thì đều bị quy thành “chảy máu” mà em nói thành “shảy máo”. Ngã hơi sứt một tý “Anna shảy máo”. Cô lau nhà thấy em định vục tay vào xô nước lau nhà thì la hoảng lên một tiếng, em giật mình tru tréo “Cô làm An na shảy máo”. Mẹ thấy em tát vào mặt thằng anh thì nạt em một tiếng, em lăn quay ngay ra đất giãy đành đạch “Mamma làm em shảy máo rồi”.

Trong nhà, bà Nuôi là người hay bị em cãi nhất. Đưa anh chị đến trường, em lăm lăm xách cặp định vào lớp học cùng luôn, bị bà Nuôi kéo ra em khóc lóc vật vã, bà Nuôi dọa “khóc thế này ngày mai ở nhà” thì bị em trả lời luôn “Bà ngày mai ở nhà”. Hoặc “hư thế mamma phạt”, thì bị trả lời “mamma phạt bà”. Hoặc “cái này em có biết không?” thì bị trả lời lập tức “bà có biết không”. Bà Nuôi làm gì không vừa ý là bị em bảo “bà kỳ quá”. Em đang chuẩn bị ngủ mà bà N cứ nói linh tinh là thể nào cũng bị nhắc “bà đừng nói để Anna khò”. Đến giờ em đi ngủ mà bà Nuôi vẫn còn lọ mọ là em nhắc luôn “An na muốn đi khò. Bà ơi, chai sứa của Anna đâu? Nãy giờ bà ở đâu dzậy?”. Muốn dỗ em cái gì đó bà Nuôi đánh trống lảng “Để bà bế lên cho em xem con mèo nhé”, thế là bị em trả lời tắp lự “Con mèo không có, bà đừng bế”. Em chắc bị mấy vố trước những trò dỗ huyên thuyên của bà Nuôi nên giờ rất tỉnh. Con mèo thì năm thì mười họa lắm mới thấy ngồi ngoài cửa sổ.

Trong nhà, em phân công mọi người rất rõ ràng, mỗi hôm một việc. Ăn thịt thì mang ra bảo chị N đút cho mới chịu. Ăn xong thì gọi mẹ “mamma đánh răng em đi”. Em muốn mẹ mở cho em cái chai, mẹ đang bận mới bảo “Em mang cái chai này ra bà N mở cho em đi”, thế là em ngoảy đít lẫm chẫm đi mất sau khi bảo mẹ “Mamma không mở đượt đúng hông mamma?”

Thằng anh thì em bảo gì là chạy đi làm tắp lự, em đòi gì thì dù có tiếc mấy cũng bấm bụng đưa em, làm em khóc một cái thì cuống quýt dỗ dành hôn hít. Em được anh yêu chiều thì càng lấn lướt. Muốn tìm anh mà không thấy là quát lanh lảnh “thằng Ale đâu, thằng Ale hư”. Anh hôn nhiều quá là bị em tát “tao không thíc”. Ngã một cái thì vừa khóc vừa gọi ời ời “Ale đâu ra hôn em đi”. Buổi sáng, thằng anh chạy vào phòng với mẹ, em vừa thức dậy trèo xuống giường mồm líu lo “Ale dắt Na đi bà Nuôi đi”, thằng anh vội vàng y lệnh dắt em đi mất. Đúng kiểu your wish is my command.

Mẹ thì chẳng bao giờ giận được em. Em ném cái bơm vào chân mẹ, thấy mẹ ôm chân khóc lóc em cuống quýt chạy tới cúi xuống hôn chân mẹ rồi hỏi “mamma hết đau chưa?”. Em xé rách sách của mẹ, mẹ chưa kịp nói gì thì em đã chạy ào tới mồm liến thoắng “Em là châu báo noọc nà (châu báu ngọc ngà) của mamma, đúng hông mamma?”. Làm cái gì hư bị mẹ lườm, em liếc liếc rồi quyết định nằm úp mặt xuống đất mồm nheo nhẻo “mamma ra hôn mặt em đi”. Nhắn tin cho cậu bạn, thay vì viết my dear thì mẹ viết thành my ear vì phím d đã bị em nậy mang đi đâu mất. Tổng cộng 8 phím cả thảy, mẹ giờ đánh máy toàn phải chọc lấy chọc để mới ra chữ. Thế mà cứ nhìn thấy cái mặt bé tí, béo mẫm, mắt cười híp tịt, chân tay múa hát của em là mẹ lại quên hết bực mình.

PS: mẹ bảo “mẹ con mình đi cắt tóc đi” thì bị em Nầu, phải đến lúc mẹ bảo “mẹ con mình đi cắt tóc xinh đẹp đi” thì mới ngoan ngoãn trèo lên ghế cho mẹ cắt. Cái gì cũng phải “xinh đẹp” vào thì mới xuôi. Mẹ yêu cái em bé Maica từ trên trời rơi xuống béo tròn sắp tròn 2 tuổi của mẹ quá đi mất.

Thursday, October 11, 2012

11/10/2012

Sáng chở con đi học. Lúc về đi ngang qua một thùng rác, thấy nhà ai vừa cắt cây vứt mấy cành đại to tướng toàn hoa là hoa ngay đấy. Phí của giời. Bèn bảo giai lội vào hái cho một túm hoa to. Ôm mớ hoa tươi ròng ròng toàn nhựa về cắm, rồi vừa ngồi ăn sáng vừa ngắm nghía. Haiz, có lẽ nào thời loạn lạc sắp qua?

Tối qua chính ra phải đến cung điện của hoàng hậu tiểu vương quốc Ajman nhân dịp gì đó mình cũng chẳng nhớ vì không đọc kỹ lịch. Nhưng mình từ chối vì muốn ở nhà làm cho xong mấy việc lặt vặt quanh nhà. Thợ thì đã hẹn rồi. Trước đó đã gọi đi gọi lại mấy lần dặn dò “Nhớ, kỹ thuật viên của các ông đến ngày…giờ… xem kỹ rồi nhớ, họ bảo là phải mang thang cao đến mới làm được nhớ, thế ông phải bảo thợ tối nay mang thang đủ cao với được trần 8m nhớ, chứ đừng đi tay không hoặc mang thang thấp đến, ông ghi rõ dùm tôi, trần 8m. Tối nay 8h30, làm muộn đến mấy giờ sáng cũng được”.

Tối, 9h, thợ bấm chuông. Mình hớn hở chạy ra mở cổng. Nhìn cái thang mình hiểu ra ngay cơ sự. Cãi nhau một hồi chúng nó lại bảo “cao thế này thì phải dùng giàn giáo chứ thang không giải quyết được vấn đề. Giàn giáo thì phải đến lần khác”. Bực mình “Các ông muốn đến mấy lần thì đến, nhưng tôi chỉ trả tiền một lần. Không mang đủ đồ là tại các ông chứ không phải tại tôi, tôi đã gọi đi gọi lại nói là trần cao 8m rồi”. Bọn này tính tiền theo lần đến. Cãi nhau qua lại mãi, cuối cùng bí thế chúng nó lại bảo “giàn giáo thì phải tính giá riêng chứ ko tính giá chung được”. Bảo “từ đầu đến giờ các ông bảo việc khó việc dễ kiểu gì cũng chỉ tính giá như thế chứ chưa bao giờ bảo mang thêm đồ thì phải tính giá riêng. Chưa kể, tôi gọi các ông đến khoan mỗi cái đinh vào tường, dễ ợt, 5 phút là xong, thì các ông không giảm giá. Giờ việc hơi khó một tý các ông lại muốn tăng giá là sao? Thôi các ông đi về đi, tôi không cần nữa. Tôi rất bận và rõ ràng các ông làm mất thời gian của tôi”.

Vừa phải hủy hẹn của mình, vừa mất công đợi, vừa mất công cãi nhau, xong chẳng được việc gì. Mệt.

Bọn thợ về rồi, chồng nãy giờ ngồi im thít trên tầng nghe vợ cãi nhau, giờ mới hỏi vẻ rụt rè “em ơi, em chỉ định bắt bí bọn thợ thôi phải không? Tranh mình đã mang về đâu mà em gọi chúng nó đến?”. “Trời, ông mơ ngủ vừa thôi. Tôi đang bảo chúng nó treo đèn cho ông chứ tranh nào. Tôi đã bảo ông là tiền treo sẽ gấp 10 lần tiền đèn mà ông còn cứ bắt treo”. Tương tự, tiền mua đồ trên Ebay 1usd, tiền vận chuyển 15usd, nhà này toàn thế. Ngày xưa bà ngoại hay bảo “ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng”, cuối cùng ứng đúng vào mình mới tài.

Chồng dại, con thơ, gánh nặng gia đình đè nặng lên vai người vợ trẻ

PS: Hôm nọ hóng được cái này không nhớ ở đâu: đến dự đám cưới tôi hay bị các cụ hỏi “thế bao giờ thì đến lượt anh?”. Tôi trả thù các cụ bằng cách hỏi lại các cụ khi đến dự đám tang “thế bao giờ thì đến lượt các cụ?”. Trên đời này mình quá thích người hài hước.

Monday, October 8, 2012

Ước mơ xa vời

Hôm lâu lâu đi ăn ở một nhà hàng, họ mời một món đồ uống rất ngon. Mình uống xong thích quá bèn hỏi công thức rồi định bụng về nhà làm.

Món đồ uống cần dứa, gừng và lá bạc hà. Ghi vào sổ, ra chợ tìm mua dứa và bạc hà, chắc mẩm ở nhà có gừng nên không cần mua nữa. Về nhà lục lọi mãi không thấy, tất tật gừng đã biến đi đằng nào. Bẵng đi mấy ngày, mấy quả dứa tất nhiên đã bị hai cô giúp việc xử hết.

Thêm vào đó cái máy ép nước quả sau đợt chuyển nhà lại mất béng một mẩu đâm ra loay hoay mãi không lắp vào được. Thế là lại phải vứt máy cũ đi, lọ mọ đi mua máy mới. Cái máy này rất xịn, đời mới nhất của Philips, đắt ít nhất gấp rưỡi những chiếc máy còn lại, chạy êm ru, vắt rất tiết kiệm, kiểu dáng hiện đại

Rồi lại đi chợ, lần này mua đủ dứa, gừng và bạc hà. Mang về nhà, chưa kịp động đậy gì thì chị bếp đã lấy cả bó bạc hà đi làm cái món Ấn độ khỉ gió gì của chị ta từ lúc nào, mà nói thật chỉ nhìn đã sờ sợ vì nó xanh lè lè, ngửi nữa thì ngất hẳn, nói gì đến ăn. Mình chị bếp cà lảm. Sau đó chị bếp và bà Nuôi lại xử nốt mấy quả dứa.

Cay cú vì mãi mà không có dịp thử món đồ uống yêu thích, lại thêm ngày mời tiệc đến gần mà mình lại muốn mời khách món đồ uống đó, mình lại ghi vào sổ và quyết chí ra chợ. Ta làm lại từ đầu. Lần này kiểm tra cẩn thận, chắc chắn ở nhà có cả một túi gừng. Ra chợ mua dứa, mua bạc hà, về nhà dặn chị bếp rửa và nhặt lá cho sẵn vào một chiếc hộp, đợi hôm sau cho dứa chín mới dặn bà N gọt dứa, lại dặn chị bếp hôm sau đừng ép nước quả như mọi ngày, để mình xuống thử làm món mới. Bên cạnh đó, đầu tuần đã chuyển hai cô giúp việc ra ăn riêng, nói rất rõ rằng không được lấy đồ ăn đồ uống từ bếp của mình, rằng tiền lương của chị bếp và tiền ăn của bà N đã trả rất hậu hĩnh, không có lý do gì để bớt xén, rằng mình rất bận, chỉ có thể mua đồ ăn cho chồng con vì muốn chồng con ăn uống lành mạnh, chứ không có thời gian đi mua đồ về cho giúp việc ăn.

Thế, chắc mẩm lá bạc hà đã rửa sạch đợi sẵn, dứa đã gọt đợi sẵn, gừng đã sẵn, mình vào bếp mở tủ lạnh tìm. Tìm mãi mới thấy một chiếc hộp trống không, lắc thấy kêu kêu, mở ra, chỉ còn đúng hai miếng dứa ngắn tũn. Con mình không ăn dứa, chồng mình ăn một miếng, mình không ăn miếng nào để dành làm nước dứa, mình chắc chắn không phải bà N vì bà N tuy ngốc nghếch vớ vẩn nhưng mình đã dặn chuyện ăn uống thì bà ấy sẽ không dám làm sai.

Thế là buổi sáng, thay vì chạy đi làm mấy việc vặt, thì mình phải dành thời gian xạc cho giúp việc một trận. Toàn những việc không tên nảy nòi ra làm mất hết thời gian quý báu của mình.

Mình vốn không thích ăn, việc ăn của mình mình còn không quan tâm, thế mà giờ toàn phải bận tâm đến việc ăn của người khác. Đời quả là éo le quá.

Tóm lại là vẫn chưa có nước dứa.

Wake me up when October ends…

Mình ngồi làm mấy việc vặt. Thấy mấy cái bóng bé, lùn, loắt choắt cứ chạy ra chạy vào rất tíu tít. Lúc mình sinh nghi vào theo thì ôi thôi, khay bánh mỳ chị bếp mới nướng để trên bàn bếp đã vẹt hẳn một góc. Bữa tối hôm đó cả 3 đứa đều đình công bỏ bữa, bụng tròn xoe như trống cơm.

Đang ngồi phân loại chìa khóa. Chủ nhà họ bàn giao cho mình một túi chìa khóa to tướng, nặng dễ đến 3kg, chìa khóa các loại để lẫn lộn, giờ phải ngồi thử từng ổ khóa để ghi tên cho khỏi nhầm, lại còn phải chạy đi mua chai dầu phun vào cho hết gỉ sét thì mới xoay được chìa. Đúng là cô Tấm ngồi nhặt đỗ. Con Lila vừa bị ai làm gì không vừa ý, đấm đá lung tung vào không khí, mồm lúc thì khóc tu tu lúc thì la bai bải “La không yêu mamma nứa”. Mình tảng lờ, đi vào phòng ngủ thử chìa khóa. Lúc quay ra thì ôi thôi, nó đã vứt tung chỗ chìa khóa của mình đi khắp nơi. Lọ mọ đi tìm nhặt lại, thì thằng con trai từ đâu bắt đầu lởn vởn. Mình mải làm không để ý, lúc sau tìm móc chìa khóa thì thấy biến đâu mất hết, vừa mới để một túm ở đây. Tìm mãi hóa ra là nó đã phi tuốt tuột vào gầm giá sách.

Việc nọ xọ việc kia, thời gian cứ biến mất như có phép lạ. Sáng 7h15 đưa con đi học, về nhà hướng dẫn chị dọn nhà một tí, bảo chị nấu bếp một tí, dặn dò bà Nuôi một tí, rồi tất tả dẫn chị bếp đi chợ. Về nhà đã hơn 12h30, dọn dẹp trang trí phòng Lê La một tí rồi chạy đến trường đón La. Về nhà ăn trưa vội vàng rồi chạy đến trường đón Lê. Quay về, trong lúc Lê La ăn uống thì mẹ tranh thủ gọi điện email tứ tung. Xong rồi mấy mẹ con ngồi học bài. Mẹ ngồi ngáp ngắn ngáp dài nghe con lớn đọc sách ê a, con bé vừa ngồi xếp đường tàu hỏa vừa hát nghêu ngao và con bé nhất ngồi nhại anh từng chữ. Nghe con lớn đọc xong, rồi đọc cho con bé xong, để bà N tắm cho cả lũ, mình chạy xuống nhà dặn chị bếp một số thứ cho bữa chiều của bọn trẻ con. Chưa xong thì đã nghe điện thoại réo. Chạy hấp tấp lên nhà, chàng đang rền rĩ “anh đang trên đường về, em mặc quần áo trang điểm sẵn sàng chưa?”. Buổi tiếp tân bắt đầu lúc 6h30 mà mình lại tưởng muộn hơn. Cuối cùng chồng đành đi trước, vợ đến sau. Vợ đến nơi gần 7h30. Từ 7h30 đến 10h30 mồm cháp cháp không nghỉ phút nào, không có thời gian ăn miếng nào vào bụng. Xong buổi tiếp tân thì đi ăn tối, vừa ăn vừa thở không ra hơi. 12h đêm về nhà ngủ. Sáng hôm sau lại lịch trình dày đặc như thế. Cộng thêm buổi chiều có hai cuộc hẹn hai khách sạn đến nhà xem nhà để chuẩn bị đặt tiệc cho tuần sau, tức là lại không thể kèm con học. Tối thì vẫn phải đi như thường.

Bảo bà N “Ở New York và ở Rome cháu làm hộ cô rất nhiều thứ chính ra cô phải làm. Nhưng giờ ở đây cháu bận hơn, nếu cháu tiếp tục làm hộ cô những thứ đó nữa thì cháu sẽ không có thời gian nào chơi với con hết. Thế nên khi cậu lái xe bắt đầu làm việc thì cô sẽ phải đi cùng cậu lái xe đưa đón trẻ con, cô cũng phải tự đi chợ mua đồ ăn nước uống và các vật dụng cá nhân cho cô và tự nấu nướng, cô cũng sẽ là người dọn dẹp lặt vặt, còn lại tất cả việc nhà chị bếp và chị lau nhà sẽ làm. Cháu sẽ chơi với bọn trẻ, trừ khi cháu bận thì cô và chị bếp sẽ phải thay nhau trông chúng nó”.

Cố nốt tí nữa. Hết tháng 10 chắc chắn sẽ đỡ bận hơn rất nhiều.

Thursday, October 4, 2012

Iconoclast

 

14 tuổi. Về quê ăn giỗ. Tận mắt thấy cảnh mâm trên mâm dưới. Mâm trên nhất là mâm ngồi trên phản, dành cho những vị đàn ông có vai vế nhất họ ngồi gật gù. Mâm thứ hai vẫn là mâm trên nhưng đặt dưới sàn nhà, vẫn là đàn ông nhưng kém hơn chút. Mâm dưới là mâm đặt ngoài sân, lại thấp hơn sàn nhà một chút.

Bình thường hai thằng em trai mình bị mình đá cho suốt ngày, chưa kể sai vặt ngập đầu ngập cổ, làm líu ríu đố dám cãi câu nào. Thế mà về quê ăn giỗ, một thằng oắt con ngồi mâm trên cùng, thằng oắt con kia ngồi mâm dưới sàn. Mình đây bị ngồi ngoài sân.

Ngồi ngoài sân là còn khá. Ăn xong, các dì từ đâu thấy tíu tít chạy ra dọn. Mình vô tình chạy theo vào bếp, thấy các dì ngồi dưới nền đất, cạnh bếp củi rơm, đang ăn ngấu nghiến đồ cơm thừa canh cặn và mút mát đám xương cá, đầu cá vứt lỏng chỏng trên mâm.

Theo vai vế phân chia, đội ngũ dâu con bị coi là hàng bét tĩ nhất, không được ăn cùng mâm đã đành, mà phải nấu nướng, bày biện, ngồi đợi mọi người ăn hết, dọn dẹp, bưng bê mọi thứ vào bếp ngồi ăn đồ thừa.

Cộng thêm cảnh ông chú mình mắng con em họ mình xơi xơi ngay trước mặt mình, con bé cũng chẳng phải là con đẻ của chú ta mà chỉ là cháu gái, như mình, “Tao cấm mày đi xe máy. Con gái con nứa gì mà mặc quần ngồi trên xe máy trông như con nặc nô”. Ô, mình vừa tập tọng phóng xe máy chiều hôm trước, quần thì mình mặc suốt chứ chẳng nhẽ lại phải mặc váy đụp cho chú ta vui lòng.

Thế là mình không về quê nữa. Chắc cái sự cứng đầu của mình được/bị bàn tán ghê lắm.

Đấy là đằng nội, đằng ngoại cũng rưa rứa. Mình mà phơi quần không phơi nép vào một góc thì bà ngoại mắng cho sứt mặt “mày phơi thế thì các anh phải đi dưới đũng quần mày à”. Còn tất nhiên mình đi dưới đũng quần các anh là chuyện hoàn toàn bình thường. Bác mình thì có lần thấy mình càu nhàu một anh họ, lý do là mình vừa lau sàn nhà hộc cơm thì anh ấy đi chơi ở đâu về dép toàn bùn đi từ nhà ngoài vào nhà trong chứ cũng chẳng buồn cởi dép ra, thì mắng cho mình một mẻ “anh ấy đi là việc của anh ấy, việc mày lau thì mày cứ phải lau” ặc ặc.

Mình vẫn nhớ hôm đi khám thai ở bệnh viện New York Presbyterian, thai 5 tháng, con gái 100%, mình ra khỏi cửa bệnh viện, đi qua một cái vườn toàn cây là cây, trời hơi mưa, chân mình bước cứ hẫng hẫng, mắt không nhìn thấy đường thấy người, đầu óc lơ lửng trên mây vì không tin nổi mình sẽ có một cô con gái, (nhưng mình quả không hổ danh con người hời hợt, vì quên gì thì quên chứ vẫn nhớ như in hôm đó mặc một chiếc áo khoác hồng nhạt). Gọi điện khoe ông bác sĩ già. Ông ấy bảo “tôi biết là con gái từ khi thai 3 tháng, nhưng tôi không nói với cô vì có lần trong đời làm việc của tôi, tôi bảo một cô người tàu là cô ta mang thai con gái, thế là hôm sau cô ta đi bỏ thai. Từ đó tôi không tiết lộ giới tính thai nhi gái cho bất kỳ ai nữa, nhất là sản phụ châu Á”. “Bác sĩ ạ, ông đừng lo, I am very different”. Xong rồi lúc đẻ con gái ra, hớn hở ngó vào cũi thấy một quả đầu tóc vàng óng, mặt đỏ lừ hằn nếp nhăn cau có, béo múp như một con sâu, nằm má chảy xệ xuống tận đệm, thì quả thật mình cũng phải há hốc mồm ớ lên một tiếng.

Mình lấy chồng. Mẹ mình ngậm ngùi “Số mày vất vả. Đi lấy chồng mà mẹ chẳng cho nổi một chỉ vàng. Sợ nhà chồng họ coi thường…”. Hô hô, mẹ đừng lo, con đã tự giải phóng con khỏi xiềng xích của tư tưởng từ lâu lắm rồi.

Và trên thế giới này, rất may vẫn có những nền văn hóa ở đó không ai nhòm vào cái vòng vàng hay thằng cu để mà thán phục hay coi thường nhau, nếu không thì người lập dị như mình biết đi đâu về đâu nhở.

Wednesday, October 3, 2012

3/10/2012

 

-          Madame, madame có thể yêu cầu họ ghi trong visa của tôi là người nấu ăn cho madame, hay người trông trẻ cũng được, miễn đừng ghi Maid, được không? Con trai tôi nó bảo “mẹ ơi, sau này khi con có công việc tốt con sẽ bảo lãnh visa cho mẹ. Con không muốn bạn bè hay người quen đọc hộ chiếu lại thấy ghi mẹ là Maid”.

-          N, trong hợp đồng có quy định chị vừa nấu ăn vừa làm việc nhà cho tôi chứ không chỉ nấu ăn. Visa phải được cấp dựa trên hợp đồng lao động. Nếu cơ quan cấp visa không đồng ý thì xin lỗi N, tôi không thể làm điều gì khuất tất để giúp chị được. Còn nếu họ không có vấn đề gì thì chị muốn gọi bằng tên gì tôi sẽ ghi chị tên đó. Nhưng tôi muốn chị nói với con trai chị thế này: chị không trộm cắp, chị kiếm tiền bằng chính sức lao động lương thiện của chị, ngay cả khi nghề đó là nghề giúp việc, thì cũng không có gì mà phải xấu hổ. Mẹ tôi bán xổ số trên vỉa hè gần 20 năm rồi đấy, tôi chẳng có gì phải xấu hổ hết.

Thằng bé Visnu mình đã gặp một lần. 20 tuổi. Đang thực tập kỹ sư cho một hãng hàng không ở Dubai. Hôm đến nhà chào mình điệu bộ có vẻ ngoan ngoãn lễ phép, có chí, mình thích. Thằng bé có vẻ khát khao quyết chí đổi đời ở một thành phố nhiều cơ hội lắm tiền của như Dubai. Nhưng thói đời, ở nơi nào kiếm được lắm tiền thì chắc chắn cũng là nơi tiêu lắm tiền. Thằng bé Visnu không hiểu có biết, và nhất là có giữ mình được không nhỉ?

Giai vừa kể hoàn cảnh của một cô người gốc Morocco mang hộ chiếu Ý vì lấy chồng Ý, hiện đang ở tiểu vương quốc Sharjah. Đùng cái chồng chết. Mẹ không nuôi nổi con phải gửi hai đứa bé vào trại trẻ mồ côi còn bản thân mẹ phải đi làm xa. Giai hỏi “mình có nhận cô ấy vào làm được không em?”. Bảo “Em nhận được, em cho cả hai thằng bé ở cùng cũng được. Nhưng kể cả mình trả lương cao cô ấy cũng không thể cho con đi học ở Dubai được vì quá đắt đỏ, thế thì con cô ấy vẫn phải ở trong trại trẻ mồ côi, thế thì có thay đổi được tình thế hiện tại của cô ấy đâu?”.

Tối qua đi ăn tối ở Burj Al Arab, khách sạn 7 sao hình cánh buồm no gió nằm trên bờ biển Ả rập, niềm tự hào của Dubai. Là được mời mà đi chứ tự nhiên mình chẳng hơi đâu bỏ tiền đến chốn đó ăn làm gì. Burj Al Arab ở ngoài thì thiết kế thông thoáng hiện đại, nhã nhặn, ở trong thì công phượng nhung gấm lòe loẹt xanh đỏ tím vàng nâu đen trắng đủ cả. Nói chung trong và ngoài hoàn toàn chẳng liên quan gì đến nhau. Lý do là trong khi tòa nhà này đang thi công theo thiết kế ban đầu là cả trong và ngoài đều theo phong cách hiện đại, thì tiểu vương đến thăm, phán cho một câu “Add more colours”, thế là thành đông tây kim cổ kết hợp lộn tùng phèo. Sảnh lớn của Burj Al Arab tàu khựa đứng lúc nhúc, chụp ảnh rối rít, ôm bình hoa, vịn cầu thang, ngoẹo đầu bên bể cá, quỳ cả gối xuống thảm, để chụp. Một buổi ăn tối hoặc một đêm ngủ tại đây, thì bằng học phí cả năm của hai thằng bé kia, và tiền lương nửa năm của chị N và thằng bé Visnu cộng lại.

Haiz, người ăn hoài không hết, người lần mãi chẳng ra.

Monday, October 1, 2012

Lạc đề

Tháng vừa qua mình khổ quá. Nhà cửa đã tanh bành thì chớ, giai thì đi làm từ sáng tới tối, một mình mình quay cuồng cãi vã với đám thợ mộc thợ nề thợ đường ống thợ điện, ti tỉ loại thợ mà thợ nào cũng ấm ớ, hỏi là giống hay khác thì lại trả lời “same same but different”. Quay cuồng ở nhà còn tốt, đây còn quay cuồng với các thể loại events. By the way là chục cái hộp tài sản quý báu của ngài mà mình nhắc tới ở entry trước cuối cùng mình cũng phải dọn nốt rồi. Chứ thi gan với ngài thì mỗi ngày ra đâm phải hộp vào đâm phải hộp không dưới chục lần.

Đang kể khổ, nhà cửa tanh bành, thợ nườm nượp sáng chiều, mà cứ lúc nào ngớt thợ là mình phải chạy chợ mua đồ ăn và nước uống. Nhà mình 5 người, cộng thêm bà Nuôi và chị N, mua bao nhiêu cũng thiếu, mặc dù mình và chàng đợt này rất ít ăn ở nhà. Mà mình không mua ít đâu nhé, sữa chục lít, cam 6, 7kg, táo mấy chục quả, mận một túi to, cà rốt một ôm to, chưa kể các loại rau củ khác. Ra đến quầy tính tiền bao giờ cũng ít nhất hai xe đầy có ngọn, có hôm còn 3 xe đầy có ngọn, hóa đơn dài hơn một mét.

N nhắc mấy lần mà vẫn mắc bệnh nấu quá nhiều. Đơn cử, một hôm N nấu món curry gà. Nấu lên một nồi bọng. Giai ăn hai bữa là bỏ của chạy lấy người, bà N ăn một bữa là chê, bọn trẻ con ngửi thấy mùi curry thì bịt mũi lắc đầu, mình ăn cho 5 bữa liền đến bữa thứ 6 thì nổi cáu. N sợ quá đổ tót đi.

Có N đồ ăn trong tủ cứ biến mất như có phép lạ. Hoa quả rau củ đường sữa cà phê của mình bị hô biến đã đành, cả những món bà Nuôi mua chủ đích cho bản thân cũng bị hô biến. Cụ thể, một hôm mua được tôm khô về, bà N hí hửng định nấu món canh bầu ấp ủ từ hai hôm trước. Bà Nuôi mở tủ lạnh, ngơ ngác. Hai quả bầu, mỗi quả dài ít nhất 40cm, tổng cộng lại cũng gần mét bầu chứ ít, đã biến đi đằng nào. Cùng ngày hôm đó, sau khi ngăn trái cây trong tủ lạnh đã trống rỗng, hai quả xoài xanh mình mua về định làm nộm mà chẳng có thời gian làm, vốn nằm lăn lóc mấy ngày chẳng ai ăn, cũng biến mất nốt. Bà Nuôi than “trời đất quỷ thần ơi, mình tưởng mình ăn đã dữ lắm rồi, ai dè bả ăn còn dữ hơn”

Mình gầy còm ốm yếu, N thì quá béo đến mức cứ đến tối là phải chạy bộ lạch bạch quanh phố trong một nỗ lực giảm cân tuyệt vọng.

Thế nên từ ngày mai, cả hai bà ra ăn riêng, mình cũng nhẹ gánh, thời gian chính ra phải đi chợ cực nhọc thồ đồ ăn về thì mình được thảnh thơi ngồi chơi với con một chút. Tiền ăn đã phát, phải chi tiêu trong phạm vi ấy, nếu quá là phải tự chi tiền túi, bếp của người làm đã trang bị đầy đủ tủ lạnh bếp gas lò nướng, bát đĩa cốc chén dao thớt nồi niêu xoong chảo không thiếu thứ gì. Hàng tuần lái xe của mình sẽ đưa hai bà đi chợ riêng một lần, nếu quên gì thiếu gì thì phải đi ké mình.

Đấy, thế, đời toàn những đỉnh cao phải vượt. Mỗi tội hơn 7 năm nay rồi, cứ vượt được đỉnh này thì lại thấy đỉnh khác sừng sững ngay mặt. Làm gì chẳng chóng già hả chồng ơi, ngày mai đi triển lãm đồ trang sức chồng có định mua gì cho em không đấy?