Tuesday, May 28, 2013

Tuyển tập Bình Nguyên


Ông con trai đi đá bóng về xông vào định ôm hôn mẹ. Mẹ chết khiếp vì mồ hôi mồ kê ông nhễ nhại, mặt đỏ gay như gà chọi và hai lỗ mũi xanh lè. Mẹ đi vắng chục ngày về, cả 3 đứa đứa thì thò lò mũi, đứa thì ho hen, đứa thì đau họng, chắc tại điều hòa lạnh quá. Bình thường một đêm mẹ dậy chỉnh điều hòa mấy lần, đắp chăn ngang ngực con mấy lần, chứ ở nhà cùng các cô giúp việc thì hy vọng gì họ làm cho.

Bị mẹ đuổi vào phòng tắm, ông còn cố gắng nài nỉ “mamma cho Lê hôn tay thôi”, đoạn vồ lấy tay mẹ hôn chíu chít. Trước khi nhảy vào phòng tắm còn cố biểu diễn cho mẹ thấy pha đổ nghiêng xoạc chân ghi bàn ngoạn mục. Đổ nghiêng xoạc chân vô tư thế rồi gẫy chân gẫy cẳng thì lại chết mẹ chứ chết ai.

Mẹ ngồi ngoài blogging nghe con vừa tắm rào rào vừa hát rống lên từng đợt. Lớn quá rồi. Cãi rất giỏi. Cãi bằng tiếng Việt trọ trẹ. Cãi đến lúc mẹ quát lên “thôi” thì lại còn ngơ ngác hỏi mẹ “sao mamma lại bảo Thối hả mamma?”. Thôi, thối, thồi, thổi, giờ giải thích làm sao?

Lại nói chuyện bóng đá, đi học về mẹ hỏi “hôm nay con học cái gì?”, “bóng đá”. “con chơi cái gì?”, “bóng đá”, “con chơi với ai?”, “bóng đá”. Mẹ đi xa về gạ gẫm “con nói với mẹ cái gì đi”, ý là “con nói con yêu mẹ đi”, thì bị ông trả lời cụt ngủn “bóng đá”. Mẹ tức “giỏi lắm, tối nay Lê sẽ ăn tối bằng một quả bóng đá để trên cái đĩa nhá”.

Mẹ rắp tâm cho con đi tập karate để về sau bị thằng nào bắt nạt còn có võ mà đánh lại. Thế mà hôm đến đón thì thấy cả lớp đang nằm bò ra sàn theo lệnh thầy, mình con mình đứng lơ ngơ, mắt nhìn đi đâu, tay thì đang khuỳnh khuỳnh thò vào mồm lay lấy lay để cái răng sắp rụng. Hôm thì thấy cả lớp đang tập mải mê, tất cả mọi người đều quay phải, có mình con mình quay trái đâm sầm cả vào thằng bên cạnh. Hôm thì thấy cả lớp ngồi nghe giảng say sưa con mình nằm lăn ra sàn vì chán quá. Giờ mình mới hiểu tâm trạng khổ sở của một chị đứng xem con đá bóng, tất cả bọn trẻ con hò hét chạy nhảy phấn khích theo quả bóng, mình con chị ta ai chơi cứ chơi nó cứ đánh đu toòng teng trên xà ngang khung thành như khỉ. Đến huấn luyện viên còn phải chào thua vì nó bám chắc quá không dứt nó ra khỏi khung thành được.

Sau vài tháng, một ngày mẹ tá hỏa nhận thấy tất cả những đứa vào cùng thậm chí là vào sau ông con trai nhà mình rất nhiều đều đã chuyển lên lớp đai vàng, mình ông quý tử nhà mình vẫn lọ mọ đai trắng tuần vài bận nguều ngoào khua khoắng mấy động tác lăng nhăng cùng mấy đứa mới vào. Thầy giáo bảo ông không tập trung nên không nhớ nổi động tác. Trời ơi, sao mà gen trội thế. Thằng bố có bước tango cơ bản mà cả tiếng không nhớ được, trong khi người thường thì chưa cần tới một phút.

Mẹ cáu quá, xạc cho ông một trận, tuyên bố với ông rằng ông mà không sớm lên đai vàng thì mẹ cắt luôn bóng đá. Nghe mẹ dọa thế thì ông hơi hoảng, hôm sau mẹ thấy ông cởi trần khoe xương sườn mải mê tập đi tập lại mấy thế võ mèo cào chó cấu.

Gen trội còn hoành hành trong cả giọng hát. Ai lại hát hoàn toàn sai nhạc có khổ thân tôi không trời. Hèn nào trong các chương trình biểu diễn cuối học kỳ ông đã bé tí lại còn toàn bị cô xếp đứng khuất phía sau, chắc để càng xa cái mic càng tốt. Nói vụ đứng tít phía sau này lại nhớ hồi còn ở Rome, một lần lớp ông biểu diễn mà mẹ bận không đến được, mẹ đã cẩn thận cử bố ông, bà Nuôi và con bé giúp việc tên Irina đến xem cổ vũ ông. Thế mà cả 3 người mắt mũi thế nào đều không thấy ông, lại còn gọi điện khăng khăng bảo mẹ nhầm giờ biểu diễn của lớp khác. Chiều mẹ đến đón ông khóc rưng rức “Lê nhìn thấy cả 3 người Lê vẫy mãi mà không ai nhìn thấy Lê”. Đúng là bó tay gia cảnh nheo nhóc.

Sunday, May 26, 2013

Mọi nẻo đường đều dẫn tới Paris (Hilton) hay Chuyện 5 cô Kỳ

Nhân một em gửi cho một đường link về cô Lý Nhã Kỳ mình bèn viết entry này, không nhằm vào cá nhân cô Kỳ mà nhằm vào một kiểu người giống cô Kỳ.

Kiểu người như cô Kỳ này trong đời mình gặp tất thảy 4 người. Điểm chung giữa họ là rất hay khoe, ai có tiền khoe tiền, ai có quan hệ khoe quan hệ, có ít khoe nhiều, thậm chí không có cũng vẽ ra để mà khoe, vừa gặp chưa quen thân gì đã khoe, nổ phòm phọp như đại bác xịt ngòi và không lấy làm ngượng, và đặc biệt là luôn tranh thủ nhận bố mẹ nuôi, anh chị em kết nghĩa hoặc bạn bè kết nghĩa vườn đào khi có dịp (luôn kết nghĩa hoặc xin làm con nuôi với những người hơn họ rất nhiều cả về tiền lẫn quyền lẫn tiếng tăm, chứ kém họ thì đừng mơ được họ để mắt tới). Cả 4 người này mình đều không tiếp chuyện. Mình không có dư thời gian và năng lượng để ngồi nghe hoặc làm bàn đạp cho mấy vị thực tài thì ít tham vọng thì nhiều này.

Tại những events, mình quan sát thấy mấy vị này rất đôn đáo cạy cục lăng xăng, nhờ chỗ này một tý, ghé chỗ kia một tý, lướt chỗ này một tý, rồi lại hihi thân thiện chỗ kia tí nữa. Cạy cục nhờ vả thế, nhiều khi bị từ chối thẳng, nhưng về đến nhà một cái là hót choang choác rằng được săn đón, được khen ngợi, được yêu thích, như đúng rồi. Cũng làm cho khối người ô a. Các bạn khỏi vội lo thay hoặc mừng hộ rằng họ đã chen chân được vào thế giới thượng lưu. Chen được hay không họ biết rõ nhất.

Mình có không ít cơ hội gặp gỡ với người nổi tiếng. Doanh nhân, chính trị gia, người mẫu, ca sĩ, diễn viên, cầu thủ, hoàng gia, TV celeb, đủ các thể loại người nổi tiếng. Nếu muốn hầu như tuần nào cũng có ảnh chụp cùng người nổi tiếng post lên hầu các bạn. Nhưng bạn nào theo dõi blog mình thì sẽ thấy mình chẳng ham hố mấy chuyện đó. Thợ ảnh của events muốn chụp thì chụp, rồi họ tự gửi ảnh cho mình thì mình có ảnh, nếu không gửi thì thôi. Trong nhà mình cũng không có ảnh chụp cùng người nổi tiếng in ra lồng khung trang trọng để chỗ nào dễ thấy để khách đến phải trầm trồ. Cũng không tranh thủ chụp lấy chụp để mỗi khi có dịp bước chân vào chốn nào cao quý sang trọng người thường ít được đến rồi mang về khoe lên. Đến event có người nổi tiếng mà chồng mình hâm mộ, ngay cả khi ông bảo mình ra chụp cùng họ mình cũng từ chối. Họ không hâm mộ mình. Mình lại càng không hâm mộ họ. Hai người không hâm mộ nhau xin chụp với nhau làm gì cho đời tréo ngoe ra. Trở lại chuyện cô Kỳ, cứ tưởng tượng ra cảnh này: một cô Việt Nam to béo váy áo lượt thượt đi phía trước, anh thợ ảnh nhỏ thó khệ nệ vác máy ảnh bám sát nút tác nghiệp nhoay nhoáy phía sau, cô VN và anh thợ ảnh luồn lách trong đám đông, chốc chốc lại dừng lại giới thiệu bản thân rồi xin chụp một kiểu với một ai đó, ok thì chụp, không ok thì đi xin người khác, và chụp được kiểu nào thì up lên ngay kiểu đấy, thì mình cảm thấy cảnh tượng đó bi nhiều hơn hài.

Ai bảo cô Kỳ ăn diện ngút trời mang tên Việt Nam hãnh diện  ra thế giới, là nâng quan điểm quá lố. Nói chuyện với Tây, thằng nào biết Việt Nam thì sẽ biết dân VN còn rất nghèo, giàu kiểu cô Kỳ là giàu kèm theo rất nhiều dấu hỏi, giàu kiểu tư bản đỏ, không hãnh diện gì cho cô Kỳ hết. Thằng nào không biết Việt Nam lại nhầm tưởng Việt Nam hoành tráng như cô Kỳ, thì lại thành khoe cái mà mình chẳng có, oan ức cho dân Việt Nam có tiếng mà chẳng có miếng ra.

Nhưng nói một cách công bằng, từ quan sát của mình đối với 5 cô Kỳ trên, nhờ cái tính khoe khoang, táo bạo, nhận bừa những thứ mình không có, họ thành ra lại tiến xa hơn những người ngang ngửa với họ về sắc vóc và trí tuệ nhưng không có được sự dạn dĩ như họ. Một điều nữa là nhiều khi mình ngờ rằng chính bản thân họ cũng không nghĩ rằng họ nói dối. Họ nói và tin luôn những điều mình vừa nói ra. Mình cho rằng đây là biểu hiện của bệnh hoang tưởng. Mà đã là bệnh thì bị vậy chứ ai muốn.

PS: mình nghĩ ra cái tên entry này vì nhớ ra một cô Kỳ trong số 4 cô mình biết cũng từng khoe với mình là đã chụp ảnh và đến thăm Paris Hilton. Thế chẳng phải là mọi nẻo đường của các cô Kỳ đều dẫn đến Paris Hilton thì là cái giề.

Ảnh: cuối cùng thì mẹ thấy em giống hệt cái con búp bê nhựa tóc cộc váy rách tay gẫy hồi bé mẹ hay chơi.

Thursday, May 23, 2013

Buôn

Bộ váy ren trắng cô Lý Nhã Kỳ mặc đẹp quá nhỉ. Ý là bộ váy đẹp chứ không phải cô Kỳ mặc đẹp. Hình như của Chanel? Bộ váy lòe xòe đấy phải cô nào dáng mảnh mai thanh thoát cổ cao vai gầy cánh tay săn thon dài mặc mới đẹp, chứ cô Kỳ béo quá, mặc vào trông rất xùm xòe ục ịch.

Mấy bộ trang sức cô Kỳ đeo báo chí toàn kêu tiền tỷ, chục tỷ. Như thế là cũng phải thành mấy trăm nghìn euro một bộ rồi. Đồ trang sức đã lên đến tầm tiền đấy thì nhất định phải có nhãn mác nổi tiếng và thậm chí tên nhà thiết kế cùng Maestro (nghệ nhân) tạo ra nó, thậm chí từng viên đá quý hay kim cương trong bộ trang sức đều phải có hộ chiếu và giấy chứng nhận đàng hoàng. Gần đây mình ăn tối cùng Roberto Coin, linh hồn của hãng trang sức Roberto Coin rất nổi tiếng của Ý với cơ số khách hàng toàn sao Hollywood. Ông ta bảo mình “tôi có 10 maestro có thể nói là những nghệ nhân giỏi nhất thế giới. Cô nhìn thấy con báo này không, nó là một con báo sống, không có tay nghề cực giỏi thì không thể tạo ra một con báo sống động thế này được. Ngay cả Cartier cũng muốn mời những nghệ nhân này về làm việc nhưng họ chỉ trung thành với tôi.”, vừa nói vừa xoay xoay chiếc vòng tay hình con báo phân tích cho mình. Chiếc vòng tay này bà vợ của Roberto vừa đưa cho mình xem. Mình vốn không thích những style trang sức kiểu chó mèo hổ gấu rắn chuồn chuồn nhền nhện nhưng phải công nhận chiếc vòng tay quá tinh xảo quá đẹp, nhìn một cái biết ngay phải tay nghề đẳng cấp lắm mới làm ra được. Báo Cartier cũng phải thua. Đồ của Roberto Coin có một điểm đặc biệt, đó là mặt trong, mặt tiếp xúc với da, bao giờ cũng gắn một viên ruby rất nhỏ, như là một chữ ký của người tạo ra nó.

Gần đây mình đi dự một event của Bvlgari. Mê mẩn một chiếc vòng tay đồng hồ đầu rắn rất thanh lịch. Gọi hội bán hàng ra hỏi thì chúng bảo chiếc đó làm từ những năm 50s, chỉ để bày, không để bán, nếu chị muốn chúng tôi có những chiếc tương tự sản xuất gần đây. Nghe đến chữ “tương tự” thì mình cũng tò mò. Ai ngờ chúng nó mang cho mình xem những chiếc vòng tay vàng khè, to tướng, nặng trịch, quấn có khi 5, 6 vòng quanh cổ tay chưa hết, cái đầu rắn to một đống. Mình bảo “lúc anh bảo tương tự chắc anh đùa tôi?” thì nó cười hì hì.

Quay về với bộ trang sức của cô Kỳ, có bạn nào biết nhãn trang sức hay tên nghệ nhân tạo ra nó không? Cô Kỳ có tiết lộ không hay giữ bí mật, giữ bí mật để làm gì, mà nếu giữ thì giữ luôn đi sao lại phải nửa kín nửa hở?

Lại quay về chuyện ăn mặc trên thảm đỏ. Nhiều bạn cứ bảo làm sao nghệ sĩ Việt trông không sang. Lý do rất đơn giản. Thứ nhất, phấn son dày quá, cái kiểu phấn son này phương Tây nó đã bỏ từ mấy chục năm nay. Thứ hai, không phải cứ nhìn kiểu váy màu váy của các hãng danh tiếng rồi về copy một cái na ná là xong. Mỗi chiếc váy ra đời bao giờ cũng gồm 3 yếu tố: thiết kế, chất liệu và tay nghề. Thiết kế nhìn rồi về bắt chước, chất liệu thì nó chọn vải made in Italy mình chọn vải made in China nhìn xa thì cũng na ná, nhưng tay nghề thì không thể bắt chước được. Những hãng thời tranh danh tiếng có đội ngũ thợ chính (master) tay nghề cực kỳ giỏi và cực kỳ hiểu biết sản phẩm, chính họ mới là báu vật của hãng. Chưa kể bọn sao quốc tế trước mỗi vụ thảm đỏ này chúng nó phải có cả một đội ngũ tư vấn luyện tập thân hình, chế độ ăn, trang điểm, đồ trang sức, trang phục, bơm vá mặt mũi, làm da, làm tóc, thậm chí cả làm răng và nối móng tay gẫy, thì trông mới long lanh thế. Sao Việt nhà mình sắc vóc hơn người thường nhưng chưa có được công nghệ hỗ trợ ủn mông phía sau thì chỉ được thế thôi là phải rồi.

Mà năm nay còn đỡ hơn cái năm nào mặc áo dài đen đen đỏ đỏ nhìn phát hốt hoảng.

Sunday, May 19, 2013

Tản mạn về làm đẹp


Con bạn có khuôn mặt rất xinh mỗi tội da xấu, mặt rỗ như tổ ong bầu. Da nó bị chứng bệnh không thể tái tạo được. Lần vừa rồi gặp thấy chị gái mặt mũi nhẵn nhụi hơn, chị gái khoe vừa đi mài mòn da mặt lần đầu tiên. Mài mòn 6 lần như vậy thì da sẽ mịn đẹp. Mình nghe chữ “mài mòn” đã thấy đau kinh lên được, thế mà nó bảo không đau gì mấy, chỉ hơi rát rát, nhưng phải giữ gìn rất cẩn thận những ngày sau đó.

Hồi còn ở VN, không biết có phải vì vẫn còn trẻ hay không mà da mình rất mịn và sáng. Sang New York đã thấy da xỉn và khô đi một bậc. Về Rome lại thấy xỉn và khô đi bậc nữa. Giờ sang Dubai thì đúng là không còn gì để mất. Có thời gian mình sờ tay lên trán thấy trứng cá như vừng, rửa mặt cũng đau. Cứ khỏi được chỗ này nó lại mọc lên chỗ khác. Đúng là thảm họa.

Con bạn hỏi “mày có biết một lần đi chăm sóc da mặt tốn bao tiền không?”, bảo “không, tao có đi chăm sóc da mặt bao giờ đâu mà biết tốn bao tiền”. Nghĩ ra mình là người vợ ít tốn kém nhất thế giới cũng nên. Móng chân móng tay không sơn phết, tóc không uốn sấy cắt nhuộm, không đi tắm nâu tắm trắng, không phải waxing này nọ, mỹ phẩm cũng ít dùng. Tóm lại ai cũng như mình chắc các cửa hiệu và trung tâm chăm sóc sắc đẹp đóng cửa hết. Không có thời gian đi thư thả làm đẹp chỉ là lý do phụ. Có con nhỏ phải hầu hạ chúng nó chân tay suốt ngày sứt mẻ cũng chỉ là lý do phụ. Lý do chính là mình thuộc loại người giản dị, không thích dùng quá nhiều thời gian vào việc tỉa tót làm đẹp, và hay mắc bệnh bội thực với những cái gì nắn nót quá đà. Các bạn cứ xem ảnh events này nọ mà tưởng mình phải mất nhiều thời gian vào việc chuẩn bị lắm là nhầm. 3 phút nếu phải đi ra ngoài có việc không liên quan đến event , 10 phút cho những events bình thường, 15 phút cho những events trọng thể.

Cách đây mấy tuần mình ăn tối cùng một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ rất giỏi của viện phẫu thuật thẩm mỹ London. Mình có hỏi ông ấy về vấn đề tẩy trắng da hiện đang rất thịnh hành ở vài nước châu Á. Ông ấy bảo mình họ làm cho da trắng lên bằng cách tiêm vào người một chất khiến cơ thể ngừng sản xuất ra melanin, hắc tố da. Khi cơ thể không sản xuất ra melanin nữa thì da sẽ trắng lên rất nhanh. Nhưng biện pháp này rất hại gan do đó viện thẩm mỹ của ông ấy không làm. Mình cũng hỏi ông ấy về biện pháp làm đầy da mới trong đó bác sĩ thẩm mỹ lấy máu của chính khách hàng, cho vào máy ly tâm quay để tách rời nước mô (mình nghĩ là nước mô), rồi dùng kim châm liên tục lên da mặt khách hàng cho nước mô ngấm vào, làm da mặt khách hàng đầy mọng lên, xóa nhăn, chống già. Ông ấy trả lời khoa học tiến bộ liên tục, ngay cả việc dùng kim châm cũng đã cũ rồi, giờ bác sĩ dùng một vật gì giống hình cái lô tròn, lăn trên da cho nước mô ngấm vào. Da sẽ căng mọng trẻ trung trong vòng 6 tháng. Ông bác sĩ thẩm mỹ bảo mình nên dùng botox trên trán để ngừa nếp nhăn. Rồi vừa botox vừa kết hợp phương pháp ly tâm máu rồi tiêm lại vào da như trên sẽ khiến da rất căng và mịn. Trời, 6 tháng một lần phải đi lấy máu, rồi một là châm vào mặt hai là dùng lô lăn cho nát da để ngấm cái của nợ ấy vào người, thì chắc mình bị sang chấn tâm lý mất. Rồi vừa đẹp vừa hâm thì cũng có để làm gì cho đời.

Mình bị bệnh sợ đau. Nói chung cũng ghét những nếp nhăn ngày càng nhiều trên mặt, mũi tẹt, gò má quá cao vv và vv. Nhưng nhìn thấy mũi kim tiêm nhỏ mấy cũng thấy bủn rủn thì nói gì tới chuyện xa hơn. Tuy nhiên mình vẫn cho rằng khoảng chục năm nữa sợ mấy thì sợ mình vẫn cố lết đi làm một quả căng da mặt chống tuổi già mới được. Nhưng vừa mới tâm sự với hội bạn thế thì một đứa thông báo luôn là nó quen một bà vừa đi căng da mặt. Bác sĩ thẩm mỹ tay chân lệch lạc thế nào kéo một bên nhiều một bên hơi ít, kết quả là mặt bà ta bị kéo lệch hẳn sang một bên. Nghe xong mình sợ quá, lại phải cân nhắc lại kế hoạch căng da mặt ấp ủ từ lâu.

Tóm lại, càng bàn về vấn đề làm đẹp chống già càng thấy tuổi già của mình không lối thoát. May quá học lỏm được một tip, muốn mặt mũi không bị bóng lưỡng sau khi bôi kem chống nắng thì trộn kem chống nắng với một chút xíu kem dưỡng ẩm rồi mới bôi lên mặt, tình trạng bóng loáng sẽ giảm rõ rệt.
Ảnh: ngày xưa mẹ mình thấy mình đen đúa xấu xí tóc tai hoang dại quá nên suốt ngày muốn cải thiện nhan sắc cho mình. Khổ thân mình bị mặc cả cây vàng lông gà con, cộng thêm quả đầu kiểu cách, chắc cụ chắc mẩm phen này con gái tha hồ mà xinh đẹp. Mình chắc bị sang chấn tâm lý nên giờ tẩy chay vàng lông gà con, và nhất định không bao giờ uốn tóc :-(
 

Thursday, May 9, 2013

9/5/2013


Mẹ muốn con lớn lên trên cánh đồng của mẹ.

Mùa hè, con trai cắt cỏ trên cánh đồng của mẹ, con gái bé váy hoa chân trần nhảy múa trên cánh đồng của mẹ, con gái lớn trồng rau, nhặt cỏ, tưới hoa cho mẹ.

Mẹ muốn con thấy lũ chim làm tổ ra sao, con giun đào đất thế nào, bọn ong hút mật ra sao, và những chiếc kén im lìm nở ra những con bướm lộng lẫy thế nào. Nếu đủ may mắn như mẹ, con sẽ được nhìn thấy một con bọ ngựa đang đẻ trứng. Cái trứng mới đẻ màu xanh lơ, dần dần sẽ nâu thẫm lại. Rồi một ngày trứng nở, hàng trăm con bọ ngựa con bé tí teo màu vàng nhạt lốc nhốc đu xuống trên những sợi tơ thòng ra ngoài từ cái vỏ trứng nâu. Chỉ đu từ đầu đến cuối sợi tơ là những con bọ ngựa con trở nên vững chãi, nhảy tanh tách ngay được. Chúng đứng lố nhố chen chúc trên cái lá gần đó, rung rinh nghiêng ngó, rồi lỉnh biến vào trong bóng mát của khu vườn.

Và ông già của mẹ ngồi đọc sách trên cánh đồng của mẹ, kính trễ xuống tận mũi, ngủ lúc nào không biết.

Mẹ sẽ từ bỏ thói quen rút ví mua bất kỳ cái gì mẹ cảm thấy thích. Mẹ không phải là người hoang phí, nhưng mẹ có thói quen sở hữu tất cả những gì mình muốn, men and stuff. Mẹ sẽ không từ bỏ thói quen đó nhưng sẽ dặn lòng không muốn gì cả, for a long while, maybe very long.

Mẹ làm điều này cho con. Mẹ không muốn trò chơi điện tử khiến con quên mất thiên nhiên đáng yêu như nào, Mc Donald burgers và KFC khiến con quên mất một quả dâu sạch thơm ngọt như thế nào, và những chiếc lá salad nhà trồng non và giòn ra sao.

Ý nghĩ phải để con ở nhà mà đi khiến mẹ hoảng hốt. Lê nghịch ngợm hiền khô của mẹ, La tiểu thư nhõng nhẽo của mẹ, Na cục mịch và láu lỉnh của mẹ.

P.S: Bình thường đi đâu cũng phải đóng vài vali nặng trĩu cho con, quần áo đồ ăn đồ uống thuốc men vật dụng, cái gì cũng phải có đủ. Giờ đóng mỗi cho mình, ngẩn ngơ hỏi chồng “em phải mang theo những gì hả anh?”. Không đi cùng con, hành lý nhẹ tênh trống trải, dựng vali lên còn nghe đồ đổ nhào bên trong. Ngay cả ghế ngồi cũng sẽ thành quá rộng, vì mẹ bé tí, ngồi một mình chẳng hết chỗ, bình thường bị con ngồi chân phải con ngồi chân trái, mẹ bị con đè con thụi cho lè cả lưỡi. Nhưng mà mẹ thích thế hơn.

Saturday, May 4, 2013

Maid in the UAE (phần 2)


Sau đó mình mới biết ả đã từng bảo con mình “your mother doesn’t love you” chỉ vì mình cấm ả tiêu tiền mình đưa vào việc mua đồ ăn nhanh nhồi nhét cho bọn trẻ con, lại còn cho ăn ngay trước giờ ăn tối. Con mình về hỏi mình “mamma không cho Lê tiền tiêu ở công viên vì mamma không yêu Lê đúng không mamma?” mà mình lại gạt đi không truy hỏi vì coi là lời trẻ con. Chưa kể chuyện ả dẫn con mình sang nhà hàng xóm, nói quang quác giữa sân “cô không chơi với Ale được đâu vì mamma Ale bắt cô làm việc nhiều quá”. Nhà hàng xóm có hai cô giúp việc, mặt xanh rớt như đít nhái, chăm một villa giống hệt villa nhà mình, mà nhà nó còn có bể bơi nhà mình không có, 2 người lớn, 4 trẻ con, cộng thêm 1 con chó, làm quần quật 7 ngày trong tuần không có ngày nghỉ chứ đừng nói tới phép năm, lương bằng 1/3 giúp việc nhà mình, thế mà gọi dạ bảo vâng, nhìn thấy bà chủ sợ mất vía. Chả bù cho ả giúp việc ăn nói vô duyên cà chớn nhà mình, đỏ đắn phởn phơ chân tay sơn móng xanh móng đỏ, nghênh nghênh ngang ngang như trên đầu chẳng có ai. Cứ mỗi lần làm gì nói gì trái ý ả là ả phải cay cú trả đũa lại bằng một câu chuyện nào đó ả tự nghĩ ra kiểu thế. Không biết hôm đó mình lại làm gì trái ý ả mà bị ả sang nhà hàng xóm bêu riếu.

Điên ruột, và cũng nhằm mục đích chặn cái thói bịa chuyện theo ý thích của ả, mình bảo “Chị là một người rất dối trá và chị thừa biết điều đó. Đến giờ phút này tôi vẫn rất nhân từ với chị, tôi cho chị ở nhờ, cho chị tự do đi tìm việc mới, không cắt visa của chị, cũng không hủy visa cho chị hồi hương cấm quay lại Dubai làm việc. Nhưng tôi cảnh cáo chị, nếu từ giờ trở đi tôi còn nghe thấy ở bất cứ đâu, từ bất kỳ người nào, rằng chị nói này nói nọ về gia đình tôi, và những gì chị nói là bịa đặt, thì ngay lập tức tôi sẽ cho chị lên máy bay về nước. Nhớ những lời tôi nói, tôi chỉ nói một lần thôi”.

Cộng thêm cậu lái xe, người từng có kinh nghiệm làm việc hơn 3 năm cho Tổng lãnh sự cũ, “Chỉ một cú điện thoại của madame trước mà con bé giúp việc bị vào tù luôn, đến giờ không biết đã được thả chưa. Madame và Sir they are very powerful chị chưa biết đâu”, thì ả thợ giặt E có vẻ sợ. Cái chuyện powerful này thì sẽ kể ở một entry khác.

P.S: mình đi đến một trung tâm giới thiệu việc làm để thử tìm maid. Tò mò là chính chứ mình cũng chẳng thích cách làm việc của họ. Các trung tâm này thường lấy người từ nước bản xứ, làm thủ tục cho sang bên này, đòi phí ban đầu rất cao từ cả người lao động và chủ lao động. Để có được một cô maid kiểu này, gia chủ cứ xác định phải chờ khoảng một tháng, chi ít nhất 15000aed tức là khoảng hơn 3000euro. Bù lại tiền lương của các cô maid rất thấp. Gia chủ vì đã chi rất nhiều tiền ban đầu nên phải tìm cách lấy lại vốn bằng cách trả lương ít và bắt maid làm việc rất cực khổ, thậm chí đánh đập, giam giữ maid như tù giam lỏng, tịch thu hộ chiếu để maid có muốn trốn cũng không trốn được, maid sau một thời gian nhận thấy Dubai không long lanh như tưởng tượng, xin chủ cho hồi hương mà chủ không đồng ý thì cũng không hồi được vì chủ đã giữ tịt hộ chiếu. Tóm lại, không khác gì nô lệ.

Mình giở quyển hồ sơ có ghi CV của từng cô, đọc thấy mức lương một cái bỏ xuống liền, bảo “tôi không thể trả lương người làm thấp như thế này được”. Đó cũng chính là lý do vì sao ả thợ giặt mất nết nhà mình lương gấp tới 3 lần lương maid nhà bên cạnh. Đã thế rồi mà vẫn còn hằm hè cô nấu bếp hơn nó có xíu xiu trong khi công việc của người ta đòi hỏi nhiều kỹ năng và chất xám hơn nó nhiều.

Trên đời này có một kiểu người không đủ tài để đứng thứ nhất, nhưng lại cứ hộc lên vì phải đứng từ thứ hai trở xuống.
 

Maid in the UAE (phần 1)


Ả thợ giặt E đã bị cho thôi việc ngay tại chỗ.

Chẳng là ả rất bất trị và xấu tính.

Bất trị là vì ả thích gì làm nấy, mình muốn ả làm cái gì theo ý mình là cũng phải chiến đấu nhiều khi quyết liệt mới xong. Quần áo có đúng 3 cái phải giặt cũng bật máy giặt luôn, ngày nào cũng thấy giặt 3 lần liền, trong nhà không lúc nào ngớt tiếng máy giặt ù ù hoặc tiếng máy hút bụi xè xè. Nhà mình có 6 nhà vệ sinh, tức là 6 bình nước nóng, cộng thêm bếp là 7 bình, cộng thêm 2 bình nước nóng ở khu nhà sau cho người làm, tổng cộng 9 bình nước nóng đều phải bật vì ả không thích lạnh tay, mà ở đây mang tiếng mùa đông nhưng chỉ có sáng và đêm là hơi lạnh chứ ban ngày vẫn không cần áo len. Từ hồi ả vào làm hóa đơn điện nước nhà mình tăng vọt. Đã thế còn hay muốn chứng tỏ cho hai người làm kia rằng mọi mệnh lệnh của madame chỉ áp dụng cho bọn họ, không áp dụng cho ả. Ví dụ, mình bảo “3 anh chị lại đây tôi dặn cái này”, hai đứa kia cun cút chạy lại, còn ả lừ lừ đi ra chỗ khác giả đò không nghe thấy, đít ngoe ngoảy. Mình ngứa mắt rất nhiều bận nhưng phải cố nhịn vì dù sao ả cũng lau nhà sạch sẽ, chăm chỉ, nhất là ngài rất ưng khả năng là áo sơ mi của ả.

Xấu tính là vì hai người làm kia, mình và thậm chí cả ngài cũng không thoát, làm/nói cái gì ả không vừa lòng là ả sẽ tìm cách trả đũa bằng một chuyện bịa đặt nào đó. Chị bếp bị ả đì tơi tả chỉ vì nhận lương cao hơn ả, ngày nào mình cũng bị ả chạy tới nói thầm vào tai một chuyện thóc mách (mãi sau này mình mới biết là toàn bịa đặt) tới mức mình phát sợ cứ thấy ả là giả vờ cầm điện thoại lên bấm lấy bấm để hoặc đi vào phòng mình đóng cửa lại. Mình thì hơi tí bị ả mỉa “cô nấu bếp nhân viên cưng của madame”, mình đi ra ngoài người khác cung kính chẳng xong, về nhà toàn bị giúp việc mỉa là sao?. Cậu lái xe cũng bị ả ghét sau vụ ả bắt cậu ta chở đi beauty salon trong thời gian nhà mình đi nghỉ mà cậu ta từ chối, bảo “madame gọi cho tôi bảo tôi chở chị đi thì tôi sẽ chở ngay”, ghét tới mức hơi một tý là ả la hét chửi bới cậu ta, và cậu ta cũng hân hạnh có tên trong danh sách ton hót bịa đặt hàng ngày của ả luôn. Ngài một lần phê bình ả vì rửa có cái thềm nhà mà cả cái sân thành luôn cái hồ nước, ả cay cú cũng tặng ngài luôn một câu chuyện tiếu lâm. Chắc ngài phê bình có một lần nên mới bị ả sáng tác có một chuyện, mình phê bình ả nhiều lần nên số chuyện về mình cũng theo đó mà tăng lên theo cấp số nhân. Mãi sau mình mới biết chứ nếu biết ngay thì mình đuổi từ sớm.

Đến hôm định mệnh, buổi sáng ả lên nhà trên làm việc, mặt sưng như một cái thớt không rõ vì lý do gì. Mình đã linh cảm hôm nay mình sẽ gặp khó khăn với ả. Y như rằng, một lúc sau mình bảo “E, trời hơi lạnh chị lấy hộ tôi cái quần mặc cho Anna”, con Anna đang tập bỏ bỉm nên chỉ mặc mỗi cái quần lót chạy lông nhông. Ả đáp lại gọn lỏn “không lạnh”, đoạn cắp đít bỏ ra chỗ khác. Mình đã bực mình nhưng vẫn nhịn. Sau đó mình bảo “chiều nay lúc 4h chị phải quần áo sẵn sàng vì tôi sẽ dẫn chị và chị bếp đi thử quần áo đồng phục mới may”, dặn trước để ả không có lý do giở trò. Đồng phục làm việc hàng ngày cả hai cô giúp việc đều có, nhưng khi có khách mình muốn họ phải mặc đồng phục khác. Đúng 4h10 phút mình xuống nhà, cậu lái xe và chị nấu bếp đã đứng ở xe đợi sẵn, và ả thợ giặt E thì không thấy tăm hơi, đúng như mình dự đoán ả sẽ phá đám. Mình đi tìm, ả đang phơi quần áo mới giặt, mặt tỉnh rụi. Mình bảo “E, tôi đã nói từ sáng rằng đúng 4h chị phải sẵn sàng, tôi không muốn phải đợi chị”. Ả bảo “tôi không đi đâu”. Mình bảo “ở nhà tôi tôi là người bảo người khác phải làm gì và chị là người phải làm theo những gì tôi bảo chứ chị không có quyền thích gì làm nấy”. Ả ương bướng “tôi không thích bộ đồng phục đó, tôi sẽ không mặc”. Mình vẫn nhẹ nhàng “Nếu chị làm ở nhà tôi, khi tôi có khách chị sẽ phải mặc bộ đồng phục đó”. Ả vẫn ương bướng nhắc lại “tôi không thích, tôi sẽ không mặc”. “Thôi được rồi E, chị đang làm gì cũng bỏ đấy, đi về phòng chị đi, hôm nay là ngày cuối cùng chị làm việc cho tôi”. Ả bảo “ok”, mặt lại sưng như một cái thớt.

Đến tối, mình gọi ả đưa phong bì tiền thanh toán cuối cùng. Ả choáng hẳn nhưng mặt vẫn vác lên lấy hơi nói một lèo vẻ cứng cỏi “tôi sẽ ở đây đến khi nào tìm được việc mới”. Mình bảo “được thôi E, có phòng ở đấy thì chị cứ ở, nhưng hôm nay là ngày cuối cùng chị làm việc cho tôi”.