Saturday, December 28, 2013

So what? (tiếp theo và hết)

Người yêu đầu tiên, buổi sáng mùa đông, ấp khuôn mặt mình trong hai bàn tay dày và ấm, và bảo “Em có khuôn miệng như vẽ ý”. Mình ngước nhìn anh, hỏi rất thật thà “Thật à anh?”, “Thật. Không ai nói với em à?”, “Không”. Mình lớn lên nghe mọi người bảo miệng phải bé tẹo, phải chúm chím trái tim, mới xinh, “mày răng bàn cuốc, mồm cá ngão, xấu”.

Rồi có người khác bảo “Em có màu da rất đẹp”. Mới nghe mình tưởng họ trêu mình. Mình từ bé đến lớn hay nghe mọi người bảo con gái da phải trắng trẻo mới đẹp, “mày đen quá xấu quá”.

Rồi có người bảo “Em có đôi mắt rất đẹp”. Mình nghe xong phải hả lên một tiếng, tưởng anh ta bị ấm đầu. Người lớn bảo mắt phải to, phải tròn, mới đẹp, nếu nâu được như tây thì lại càng đẹp nữa. Mắt mình nhỏ, dài, đen, làm sao đẹp?

Rồi có người bảo “em có bờ vai rất đẹp, anh đi theo em từ nãy giờ chỉ để ngắm vai em thôi đấy”. Mình về ngắm vai trong gương. Người lớn bảo vai phải tròn, phải đầy, phải trắng, mới đẹp. Vai mình gầy và xương và đen, sao họ lại bảo đẹp?

Có lần, người sau này sẽ làm chồng của mình hỏi mình “có thật em không biết mình đẹp không?”. Mình bảo “Thật. Em lớn lên toàn bị chê xấu, mà vì tính em bất cần nên đến một lúc nào đó em hoàn toàn không bận tâm đến hình thức của mình nữa. Tất cả những ưu điểm về hình thức của em toàn là do mọi người nói em mới biết, mà nói mãi em mới tin chứ ban đầu còn tưởng người ta trêu mình”.

Là tất cả những băn khoăn của tuổi 20. Giờ nghĩ lại, kể ra cái sự mặc cảm hồn nhiên ấy lấy đi của mình khá nhiều cơ hội và cũng gây ra một số phiền muộn không đáng có. Nhưng mình vẫn thích hồn nhiên như vậy hơn. Như chân trần chạy trên cánh đồng, mắt nghếch lên trời, không biết cỏ sắc, không biết hố sâu, và may mắn làm sao không sa xuống hố.

Thế rồi từ hồi bọn đàn ông cho mình cảm giác là mình đẹp thì thú thật mình cũng hơi lạm dụng điều đó một tý, tàn sát đàn ông một tẹo. Nhưng đời người trăm năm, tàn sát có mấy năm, chẹp, kể ra vẫn là người tốt. A meng.

Cách đây mấy tháng, mình đang ngồi hóng chuyện làm đẹp với mấy chị bạn. Một chị làm nghề trang điểm quay sang bảo mình “Mặt như G là khuôn mặt đẹp. Mặt G chỉ cần trang điểm mắt một tý là đẹp lắm rồi, không cần phải mất công tạo khối hay khắc phục nhược điểm gì hết . Dân trang điểm bọn chị thi lấy chứng chỉ làm nghề gặp người làm mẫu có mặt như G thì mừng lắm, chắc chắn đỗ”. Chị này người VN, dân trang điểm chuyên nghiệp, đã nói thế thì chắc chắn là mặt mình đẹp đứt đuôi đi rồi còn phải bắn khắn giề nữa???

Ở trên mình kể những lần được khen mà mình phải ngạc nhiên sửng sốt, nhưng chưa thấm vào đâu so với vài lần được khen mà mình sắp kể ra đây. Nghe khen mà mình suýt té xỉu phải vịn ghế kẻo ngã. Một lần là con bạn mình nâng niu bàn tay củi khô của mình lên mà nức nở “trời ơi da mày trắng thế”. Một lần khác, con bạn khác trầm trồ “mắt mày đẹp quá G ạ, mắt rất to”. Con bạn khen mình da trắng là người Pakistan, đi trong bóng tối nhập nhoạng chắc phải sờ mới thấy. Con bạn khen mình mắt to thì là người Hàn quốc, Hàn quốc nguyên bản chưa qua phẫu thuật cắt mí áp tròng giề. Mình kể với ngài, ngài à lên “hèn chi”.

P.S Đùa thế. Giờ đã sắp 40 tuổi. Nhận thấy mình có chừng ấy, khen cũng không nhiều thêm, chê cũng chẳng ít đi. Miễn có đàn ông đủ dùng. Và miễn là hạnh phúc.
Vả lại đẹp hay xấu giờ cũng chẳng xi nhê gì với con người đang rắp tâm tỏa sáng bằng trí tuệ như mình.

Thursday, December 26, 2013

So what


Nhóm bạn gái hồi cấp 2 có 5 đứa. 4 đứa kia không nữ tính cũng ỏn ẻn hoặc thời trang, hoặc cả 3, nên giai theo tướp tượp. Mình không thời trang, không ỏn ẻn, nữ tính lại càng không, nên được lũ bạn trai trong lớp tôn làm sư phụ. Trong lớp có duy nhất một thằng cứng đầu không tôn mình là sư phụ nhưng sau một thời gian thì lại gọi mình là đại ca.

Cấp 3, nhóm có 3 đứa con gái. Một đứa nữ tính thì kể rồi, giai cũng theo tấp nập. Đứa kia đầu óc lãng đãng toàn chưởng bộ anh hùng cứu mỹ nhân, được cái trông rất nữ tính, đi như lướt, người hẩy cái là ngã, có chàng mê vật vã mấy năm liền. Mình vẫn cứ y xì như cũ, vừa đen vừa gầy vừa quần tím áo hồng, tính tình thì cũng không nữ tính lên tẹo nào. Người lớn cố gắng lắm cũng chỉ có thể nói “con này nó đen nhưng nó đen giòn”??????? (thế không biết đen ỉu thì nó như thế nào, nhề).  Đấy là người lớn lịch sự nhất. Còn những người lớn khác thường chỉ buông một câu gọn lỏn “con này xấu”. Chị hàng xóm thì bảo “trông mày như quân Nguyên”, và thường tâm đắc với câu ví von của mình tới mức tự thưởng cho mình tràng cười ha ha.

Lần đầu tiên có người khen mình, là con bạn thân nữ tính hồi cấp 3 của mình. Nó bảo “trông ấy rất giống cái cô quảng cáo bao cao su OK”. Ặc ặc. Hồi đó trên TV hay quảng cáo bao cao su OK. Đại loại là sau khi quảng cáo vòng vo một hồi thì có hình chiếu cận hai anh chị khoác vai nhau vừa tình tứ vừa đoàn kết, không chiếu mặt, cô gái mặc quần bò bó áo phông bỏ quần có cái eo nhỏ và cặp hông tròn.

Một lần khác, con bạn ngồi ngay bàn trên, tự nhiên quay lại nhìn mình bảo “ấy chỉ bị cái nước da đen thôi, còn các nét xinh lắm”. Mình ngồi yên phải mất mấy giây, cảm động vì lần đầu tiên có người tử tế đến thế với nhan sắc của mình. Bạn tên VA, giờ hình như đang sống ở Mỹ, đứt liên lạc từ hồi tốt nghiệp cấp 3, chắc không thể ngờ một câu nói vu vơ của nó, lại khiến mình cảm kích và nhớ nó lâu như thế.

Rồi lên đại học. Mình vẫn thế, đen, gầy, nhiều bạn cùng lớp bảo có body đẹp. Có lần, vừa từ sân trường đi lên, tự nhiên có bạn gái đang đứng ở hành lang gọi mình bảo “người G đẹp thế, tớ thấy người G đẹp nhất lớp C mình”. Bạn đấy tên H, học A9. Mình nghe thế thì biết thế chứ cũng không để tâm suy nghĩ nhiều, và cũng không chú ý đến người khác nhiều. Hồi đó tính mình trẻ con, với lại người đẹp mà mặt xấu thì còn làm ăn giề.

Hồi đại học, trường có bạn sinh viên Laos, hình như đến học theo diện trao đổi sinh viên. Mình nhớ có lần đi từ đầu này của hành lang lại, thấy bạn Laos đang bá vai bá cổ một thằng bạn khác, nhìn mình chằm chằm, đợi mình đến gần rồi buông lời ong bướm trọ trẹ “con gái Việt nam duyên dáng quá”. Mình đem chuyện kể lại với con bạn thân, không quên bình loạn “chắc nó còn đen hơn anh nên mới thấy anh duyên dáng, em nhể”, và cả hai con ôm bụng cười sằng sặc.


Ảnh: công nhận hình ảnh so sánh của chị hàng xóm đắt. Dù sao thì trên đời này mình vẫn thích nhất những người hài hước.

http://www.youtube.com/watch?v=sMqNFAU0tOw

Well, you walk into a restaurant, strung out from the road

You feel the eyes upon you as you are shaking off the cold

You pretend it doesn’t bother you but you just want to explode

Most times you can’t hear them talk, other times you can

The same old clichés: is it woman, or is it man?

You always seem outnumbered so you don’t dare make a stand

Here I am, on the road again…


Tuesday, December 24, 2013

Have yourself a merry little Christmas


Nghỉ lễ. Ngay lập tức Lê và Na ốm. Ốm cái là phải mặc cả tối ngủ với mẹ ngay. Tất nhiên La không đời nào chịu ngủ một mình. Thế là a lê hấp cả 3 đứa chất lên hết giường mẹ. Bố biết thân biết phận cắp cái gối yêu quý đi ngủ chỗ khác.
Đêm nằm, hai đứa tranh hai bên, đứa còn lại chậm chân cà cuống, tranh không nổi với hai đứa kia đang bám cứng sườn mẹ, thế là nảy ra sáng kiến leo tót ngay lên ngực mẹ nằm. Hai hòn than hai bên, cộng thêm đứa con gái chân tay khẳng khiu nằm thu lu trên ngực, mình ngọ nguậy cả đêm không ngủ được.
Được hai hôm, Lê và Na có vẻ đỡ. Buổi sáng, 3 anh em bật nhạc nhảy tưng bừng.
Hai chị em gái, một con thì trán dô mồm móm, con kia trán không dô nhưng răng lại vổ. Nhảy múa thế nào ngã vập mặt vào nhau, răng vổ vập vào trán dô. Khóc inh ỏi. Trán dô lõm cả vào, tím bầm, còn răng vổ thì máu me toe toét. Mẹ lật đật chạy tới “giá mà ngược lại, mồm móm vập vào trán không dô, thì có phải đỡ bao nhiêu không”. Mẹ dẫn răng vổ vào nhà vệ sinh rửa, cái mồm bình thường đã dẩu ra giờ lại còn dẩu ra thêm vài bậc nữa.
Tiểu thư răng vổ vác cái mặt ủ ê từ đó tới tận chiều. Đến chiều thì cơn sốt đùng đùng nổi lên, triệu chứng y hệt Lê và Na mấy ngày trước. Vừa sưng mồm, vừa sốt, cứ ngồi khóc tu tu nước mắt lộp độp. Sau bị mẹ bảo “con có thôi ngay đi không”, thì chuyển sang khóc thầm. Cứ thấy ngồi một chỗ, khoảng 30 giây một lần mắt lại đỏ hoe lên, nước mắt chưa kịp ứa ra đã lấy khăn giấy chấm chấm. Đến tận lúc mẹ phải bế cho ngủ thì mới thôi.
Ngài thì phải chầu chực ở sân bay từ chập tối đến tận gần 3h sáng mới được về nhà. Nam Sudan xảy ra chiến tranh, người nước ngoài phải di tản hết. Hồi hương qua ngả Dubai. Các tổng lãnh sự các nước phải chầu chực rất ư là trịnh trọng, mang theo một đám bậu xậu, băng rôn, biểu ngữ cầm tay, mình vận đồng phục khẩn cấp. Chẳng hiểu các nước khác ra sao chứ Italia có nhõn một chú tổng lãnh sự, (chắc) ngáp ngắn ngáp dài đón nhõn một chú NGO ngáo ngơ. Mẹ Lê La Na chẹp miệng “mang dao mổ trâu cắt tiết gà”.
Lại nói về cái tật hay bôi bác của mình, con bạn mình ngày xưa có một anh theo đuổi nó dữ lắm, bản thân nó cũng cố lắm mà không yêu nổi anh ta. Lý do là anh ấy có hàm răng quá xấu và được mình đặt biệt danh “anh răng cái đen cái trắng”. Gần đây nó bảo mình “may mà tớ không yêu anh răng cái đen cái trắng chứ không chắc đến giờ cũng không yên với ấy”. Cười một trận tưởng chết.  
Thế, đã vụng trộm gói ghém xong các thể loại quà. Tối nay đi ăn ké giáng sinh ở nhà người quen, nửa đêm về phải mang quà để dưới gốc cây, để sáng mai sớm tinh mơ đã bị dựng cổ dậy, Lê La Na tóc tai dựng đứng mắt xanh lét mặt mũi phấn khích “mamma, tối qua ông già Noel đá đến mang kwà cho nhà mìng”.
Have yourself a merry little Christmas...
 
Ảnh: hoảng loạn vì hai chị được bánh còn mình thì không

Sunday, December 22, 2013

Nhớ bạn

Nhớ cái góc nhỏ nhỏ của bạn trên tầng lửng. Chỉ là một cái giường không chân nằm gọn dưới gầm cầu thang đi lên sân thượng, cái đài cassette, mấy cái băng cassette xếp gọn ghẽ, sách vở gương lược đầy đủ. Bạn mình nữ tính nhất hội.
Lũ bọn mình 3 đứa cứ thỉnh thoảng lại túm tụm ở cái góc đó tán chuyện, nhất là những ngày mưa rét không lượn được ở ngoài đường, mình, con bạn nữ tính và con bạn hay nằm. Nhiều chuyện thế, tán từ chiều tới tối không chán. Trời tối hẳn thì lại tấp tểnh dắt díu nhau ra lăng bác tán tiếp. Nhiều khi định ra lăng mà nửa đường lại tấp vào hàng phở. Con bạn hay nằm sẽ gọi một bát phở nhiều bánh nhiều thịt nhiều hành nhiều nước, sợ bỏ sót mất chi tiết nào nên luôn phải chốt lại một câu cho chắc “cái gì cũng nhiều, đập thêm 2 quả trứng nữa chú ạ”. Chú bán hàng dạ ran, mình và con bạn kia ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Có lần không có tiền đi ăn phở, con bạn nữ tính xung phong làm món tủ “mỳ xào trứng mềm”. Cái đặc biệt nhất của món này là nó không dùng dao cắt cà chua mà dùng tay bấu. Nó bảo thế này mới mềm, mới gọi là mỳ xào trứng mềm. Ba nó thấy nấu nướng rình rang quá thì ngó vào “cho ba một bát nhé”. Mỳ xào trứng mềm dọn lên, quả thật là rất mềm, ba nó chạy làng “thôi các con ăn đi ba không ăn đâu”, con bạn hay nằm cạo ít cháy rồi cũng chạy làng, mình lịch sự rướn cổ nuốt hết nửa bát, còn lại con bạn nữ tính ăn cả. Thấy hai con bạn khả ố ôm bụng cười, nó tức tối “tớ thề từ sau không bao giờ nấu cho bọn ấy ăn nữa”.
Con bạn nữ tính luôn có các kế hoạch tương lai rõ ràng, kiểu như kế hoạch có bạn trai, kế hoạch kết hôn trước năm Kim lâu. Mình và con bạn hay nằm độc thân vui tính vô cùng, cứ ô a ngồi nghe, và chẳng bàn vào mà chỉ toàn bàn ra các mối tiềm năng của con bạn nữ tính. Con bạn nữ tính rất nhiều anh theo đuổi. Mình còn đỡ chứ con bạn hay nằm lại còn cứ hay nằng nặc đòi đi theo mỗi khi con bạn nữ tính có hẹn hò.
Con bạn nữ tính vì nữ tính nên rất chăm chút hình ảnh đầu tóc quần áo giày dép, chứ không như mình có gì mặc nấy. Con bạn hay nằm thì đã có chị gái chăm chút hình ảnh, cứ đầu năm học là nó lại có một loạt quần áo mới tùy theo mốt năm đó như thế nào, mình nhớ có năm nó mặc toàn bèo nhún, áo cổ lá sen và quần ống rộng, đi một bước liêu xiêu một bước. Trở lại con bạn nữ tính, mình cách đây mấy năm hít hà mãi mới dám cắt mái ngố, chứ nó thì gần 20 năm trước đã biết mốt mái ngố. Mái tóc đang óng ả đẹp thế, chị gái lấy kéo tự cắt đánh xoẹt một cái, ra một cái mái ngố không thể ngố hơn. Dày cộp như một cái mái tây hiên gió giật cấp 12 không ướt mặt. Ba mắng, mẹ mắng, anh cả mắng, anh thứ mắng, nó khóc đỏ hết cả mắt. Thế mà mình và con bạn hay nằm đến chơi, thấy nó ra mở cửa, cái mái ngố mới toanh, mắt sưng húp vì khóc, thì trố mắt nhìn rồi ôm bụng cười sằng sặc.
Lần cuối cùng tụ tập, con bạn hay nằm vẫn hay nằm, trước khi đến phải hỏi kỹ “có chỗ nào cho tớ nằm không” và đến một cái là phải dọn ngay chỗ nằm. Con bạn nữ tính vẫn hay ăn, vừa ngồi buôn chuyện vừa ăn bắp rang bơ. Nó sợ mua một cốc thì bọn mình chén mất nên đề phòng mua hẳn 3 cốc to đùng, cuối cùng lại mình nó ăn cả, vừa ăn vừa băn khoăn thành tiếng “ăn thế này có béo không nhỉ”. Còn mình, vẫn mắc bệnh luôn chân luôn tay, vừa tán chuyện vừa cọ toilette.
Nhiều khi muốn thảnh thơi trở về Hà nội, mắt đen, thân gầy, tóc thẳng. Nhưng mà, có còn cười ngặt nghẽo được như thuở thanh mai trúc mã, không nhỉ???
We had joy, we had fun, we had seasons in the sun…
 
P.S Mình vẫn còn nhớ có lần thất tình nghiêm trọng, mình bèn rủ con bạn hay nằm đi sửa quần bò. May quá thất tình nên mới có thời gian đi sửa tận hai cái quần bò liền.

Saturday, December 21, 2013

Đời bao giờ thong thả được

Mấy tuần gần đây bận quá. Đúng mùa tiệc tùng, lại sắp đến ngày nghỉ lễ nên dân tình càng gấp rút tổ chức các thể loại events trước khi dân tình đi nghỉ lễ hết. Cộng thêm cuối học kỳ nên trường Lê La cũng tổ chức đủ các thể loại họp phụ huynh, biểu diễn, liên hoan, tức là phải chuẩn bị đồ ăn đóng góp, rồi quần áo biểu diễn, rồi quà cáp cho 5 cô giáo, chưa kể các thể loại sinh nhật và liên hoan Giáng sinh ngoài phạm vi trường học. Tóm lại, chạy như cờ lông công.

Hôm nọ thu xếp một buổi sáng lên văn phòng để cùng với cô thư ký của ngài làm quyết toán toàn bộ các buổi ăn trưa ăn tối lễ tân mình đã tổ chức ở nhà trong suốt năm 2013. Ra được con số cuối cùng đạt chỉ tiêu, bàn giao lại cho hai thầy trò nhà ngài “thế là em xong nhiệm vụ của em năm nay rồi nhé”, cắp túi đi về vừa đi vừa nhảy, thấy nắng hồng, trời xanh, gió mát, người thật nhẹ, đời thật vui. Ngân sách tiếp khách Bộ đã đề ra, năm nào cũng phải giải ngân hết và phải giải ngân liên tục, nếu không để vài tháng dồn lại phải làm bù thì rất mệt.

Lại tranh thủ làm hai chầu playdate đã hứa từ lâu cho Lê và La. Playdate của La đang diễn ra rất vui vẻ trong bầu không khí đầm ấm thì phải kết thúc vì thằng em trai của một cô bạn gái thân của La ị đùn. Hai cô bạn gái ra về trong nước mắt tiếc rẻ. Playdate của Lê thì vất vả hơn. Chục ông quỷ sứ 8 tuổi chạy như hóa rồ, cãi vã, gào thét, đá bóng, từ 1h30 đến hơn 6h mà không biết mệt là gì. Vườn tược của mình tan nát. Sam Nhật bị giẫm cho nát bét. Dạ yến thảo tả tơi rơi rụng. Cỏ bật gốc. Đám salad cải thiện của cậu lái xe dính bét xuống sân gạch, muốn lấy đi chắc phải cạo. Mấy tán phượng vĩ ở trên cao cũng không thoát, cành gẫy cành rụng tơi tả nham nhở, tháng này có khi đỡ được khoản gọi người đến cắt.

Bao nhiêu việc thế mà ông con trai tuần trước đi đá bóng thế nào mà gẫy cả gọng kính. Mẹ ngán ngẩm “con thấy mẹ chưa đủ bận nên con phải thêm việc cho mẹ đúng không Ale”. Thay kính thế này có phải chuyện đơn giản đâu. Phải hẹn bác sĩ, lên healthcare city, đường đi thì vòng vèo đông đúc, chầu chực, rồi lại phải đi đến một nơi khác để làm kính, rồi lại phải mấy hôm sau kính mới xong để đến lấy về. Chắc phải tuần sau mới có thời gian đi làm. Hôm kia thì hai bố con đá bóng trong nhà thế nào sút luôn vào cái đèn. Cái đèn đổ đánh rầm, bóng vỡ tan. Nền nhà cẩm thạch trơn, cứ cái gì rơi là vỡ tan và trăm nghìn mảnh vỡ bắn tứ tung rất xa. Vừa quét vừa hút bụi vừa lấy tay sờ soạng khắp nơi sợ sót mảnh nào con dẫm phải, mất cả tiếng đồng hồ, mệt đứt cả hơi. Nhưng tức nhất là cái bóng đèn này rất khó mua, giờ vỡ rồi không biết bao giờ mới mua lại được. Chính là cái bóng đèn mà mình phải gằn giọng bảo ngài “Hôm nay kể cả xe tải có cán qua người anh cũng phải đi làm cho xong”. Ngài vẻ hối lỗi “xin lỗi em yêu”, đoạn quét quét rũ rũ vài cái lấy lệ rồi lỉnh luôn vào nhà vệ sinh với quyển tạp chí, cố thủ trong đó từ lúc đó đến tận lúc mình dọn dẹp xong xuôi. Nếu theo đúng lý thuyết đống phân của mình mấy hôm trước thì cái trò đá bóng trong nhà này là một đống phân khá to.

Ông bố tâm lý còn định ghi tên cho ông con tham gia khóa bóng đá 2 tuần trong đợt nghỉ lễ. Mình bảo “thôi em xin anh, ngày nào cũng đưa đón tắm rửa giặt giũ quần áo em không làm được. Con cần nghỉ ngơi và em cũng cần thời gian nghỉ ngơi. Anh đã không giúp gì được thì đừng thêm vào gánh nặng của em nữa”. Ông im thít.

Đến thứ năm tuần trước thì Lê La đã được nghỉ lễ. Con nghỉ lễ thứ năm, sáng thứ sáu mẹ tức tốc đi mua quà Giáng sinh. Lê, La, Na, đám người làm và hai đứa con của cô thư ký, chứ mình và ngài thì thôi đã tặng nhau cả đời rồi còn quà cáp gì cho mất công. Tối thứ sáu lại phải đi đám cưới. Đang định thứ 7 rảnh rỗi cho bọn Lê La Na đi chơi một tý, thì cả Lê và Na lăn ra ốm sốt đùng đùng quấy khóc. Ông con trai tưởng lớn thì thế nào, hóa ra ốm sốt một cái thì khóc tu tu và nôn tóe loe ra giường. Mẹ lại phải quần quật thay giặt, phơi phóng, nấu nướng, dọn dẹp. Hội người làm hôm nay lại cho nghỉ hết.

Đời đúng là không bao giờ thong thả được, đúng không???

Wednesday, December 18, 2013

Nhân chuyện bảo mẫu đánh tát trẻ

Mình không xem video, biết là những gì trong đó sẽ làm cho tâm trạng mình căm giận và u tối. Nhưng mình có mấy điều này muốn nói với các bạn:

Nhiều bạn có khi chỉ có 1 con, mà chăm, cho ăn, cho ngủ, cho học, còn nhiều khi phát điên. Có bạn nào chưa bao giờ đánh quát con chưa? Mình thì mình thú nhận mình có đánh con rồi, dù mình đảm bảo mình đánh và quát con ít hơn so với mặt bằng chung rất nhiều. Đánh con một cái rồi hối hận cả năm trời. Nhưng lúc đó nhiều lý do lắm, sắp đến ngày period nên tâm trí nóng nảy hơn ngày thường, rồi hàng trăm nghìn thứ phải lo, rồi thiếu ngủ, mệt mỏi, đói run chân tay mà phải nhịn để cho con ăn trước trong khi con thì ngúng ngoảy hò hét và làm đổ đồ ăn tứ tung vào quần áo lại phải thay phải giặt phải là phải gấp, mẹ kiệt sức lắm rồi mà chỉ với một cú hất tay vào bát canh, con lại thêm cho mẹ 2 tiếng lao động công ích nữa vv và vv.

Thế con đẻ của mình, mà chỉ có 1, 2 đứa, mà mình còn thế, thì các bạn tưởng tượng họ phải chăm một lúc mấy chục đứa, không phải con họ, đâu phải đứa nào cũng ngoan ngoãn dễ ăn dễ ngủ dễ bảo, thì sẽ thế nào? Hay là con tao thì tao có quyền đánh còn không phải con mày và tao trả tiền cho mày thì mày không có quyền động đến lông chân nó? Mình không bênh vực họ nhưng mình chỉ muốn hỏi nếu ở vị trí họ, các bạn có chắc mình sẽ không làm gì để phụ huynh của bọn trẻ nếu nhìn thấy thì sẽ bất bình, thậm chí nổi điên lên, không?

Nhiều bạn sẽ bảo nếu không yêu trẻ thì chuyển nghề đi. Là mình, nếu cảm thấy không yêu thương đủ, thì mình sẽ không làm cái nghề đó. Nhưng với tư chất của mình, không làm nghề đó mình làm nghề khác. Thế còn những người không có lựa chọn khác, thì sao???

Họ ác quá, nhưng tận cùng cốt rễ của vấn đề không phải là cái sự ác của họ. Vì đã nói rồi, biết đâu mình vào vị trí ấy, ngày nào cũng chừng ấy stress, thì còn vô cảm xuống tay ác hơn họ. Tận cùng cốt rễ của vấn đề là ở chỗ mình là cầu, họ là cung, họ cung cái mà mình cầu. Có bố mẹ nào đã từng thở ngắn than dài rằng con đi nhà trẻ tiền ăn đóng đầy đủ mà cô giáo cho ăn kiểu gì mà còm nhom, không lên cân tí nào, thà ở nhà còn hơn? Có bố mẹ nào đã từng cứ gặp cô giáo là hỏi hôm nay cháu có ăn không, cháu ăn mấy bát, và ra về vui sướng nhẹ nhõm khi cô bảo cháu giỏi lắm ăn hết suất? Có bố mẹ nào đút phong bì cho cô giáo để cô đút cho cháu ăn, thế tức là thời gian chính ra phải cho tất cả các cháu ăn thì cô tập trung cho con mình ăn để kiếm thêm, kệ những cháu khác? Có bố mẹ nào đã từng thấy con lên cân thì vui mừng khen nhà trẻ tốt, rằng chỉ cô giáo mới cho ăn được còn ở nhà bố cầm roi mẹ đút ông vỗ tay bà múa mà vẫn chịu chết không cho con ăn được? Suốt ngày ăn ăn ăn thì đấy, họ cho ăn kiểu như thế.

Các bạn cứ nói ở bên Tây họ thế nọ thế kia. Cái gì cũng có lý do của nó hết. Mình lấy ví dụ mình chứng kiến tận mắt: ở sân chơi, một đứa trẻ bạo lực đánh tất cả những đứa đứng gần, mẹ tây thấy con bị đánh giận lắm nhưng lẳng lặng bế con đi chơi chỗ khác, mẹ Việt thì thấy con bị đánh thì nổi xung lên, xắn tay can thiệp luôn đẩy luôn vào ngực thằng bé bạo lực kia ai cho mày đánh con tao. Với dân ta, cái sự xâm phạm thân thể trẻ con, rất tiếc, lại là cái chuyện rất thường. Tùy vào tình thâm mà sự xâm phạm này ít hay nhiều mà thôi.

Mắng chửi người khác thì bao giờ cũng dễ mà.

PS: mình biết nhiều bạn đọc blog mình ở Mỹ. Mình kể thêm một chuyện khác: hồi trước ở NY giai nhà mình có biết một cậu người Ý có đứa con trai nhỏ hơn 3 tuổi nhưng rất nghịch. Một hôm mẹ nó đi vắng để con ở nhà với bố. Bố trông con kiểu gì để con ị ra nhà và tệ hơn là đã kịp bốc phân bôi nhoe nhoét lên tường. Bố phát hiện ra, điên quá phát cho con một cái chắc là cũng cháy mông. Hôm sau con đi học, cô giáo phát hiện mông có vết đòn liền báo luôn cho cảnh sát. Cậu này lúc đó đã đang đi công tác nước ngoài, nhận được điện thoại của cảnh sát thì hết hồn phải liên lạc ngay với lãnh sự quán nhờ giúp đỡ, nếu không đi công tác về đến sân bay New York thì có khi bị bắt ngay ở sân bay.

Saturday, December 14, 2013

Những đống phân

Mình hay gọi những mối bất hòa thường trực trong các mối quan hệ vợ chồng là những đống phân (ĐP). Người gọn ghẽ, người bừa bộn, thế là ra một ĐP nho nhỏ. Người thích ẩn dật không ưa ồn ào, người lại cứ phải đàn đúm tụ tập huyên náo thì mới chịu được, thế là lại thêm một ĐP cũng nho nhỏ nữa. Người đã nói là làm, người chỉ nói không làm, lại thêm một ĐP nữa không nhỏ lắm. Người nổi nóng thì mắng xối xả một chập là xong, người thì rủ rỉ rù rì nhưng mắc bệnh đay nghiến khuyến mại thêm giận dỗi,  there you go, một ĐP to đùng. Người ngủ ngáy như bò rống, là một ĐP càng ngày càng to. Người có con riêng mình phải hầu nó như mẹ, nhưng động nói nó cái gì thì nó lại bảo bà không phải mẹ tôi, đích thị là một ĐP hoành tráng. Người đầu 3 thứ tóc mà hơi tí lại mẹ mẹ để anh hỏi mẹ, còn ĐP nào to hơn???

Vì đã coi nó là phân (P) nên mình áp dụng nguyên tắc: phải lờ lớ lơ nó đi, chứ chọc vào là sẽ thối um, ngửi phải lại cáu. Có nhiều người, trăm lần chọc vào thì trăm lần thối và trăm lần cáu, thế mà vẫn cứ chọc chọc, lại còn bảo đó là phân tích để giúp nhau cùng tiến bộ. Phân tích thì cũng được thôi, nhưng theo quan điểm của mình, phân tích vài lần mà không tiến bộ là phải quy nó ra P khẩn trương. Đời thì ngắn, người thì chỉ có thế.

Mỗi mối quan hệ, theo mình, chỉ nên có tối đa 2, 3 ĐP kiểu này. Thế nên, nếu mà nhìn đâu cũng thấy P, quay qua quay lại là đụng phải P rồi, thì đó là lúc cần phải hành động. Hành động đầu tiên sẽ là xem xét lại tiêu chuẩn phân xem có quá dễ dãi hay không. Có thể trong 10 đống mình coi là P, chỉ có 2, 3 đống đủ tiêu chuẩn, còn lại là đống gì đó như đống đất chẳng hạn chứ chưa được là ĐP, thì sao???


Thế, cún béo chỉ biết đến thế. Cún béo đảm bảo với bạn nhà nào cũng có vài ĐP, họ hạnh phúc chẳng qua họ giấu P kỹ quá bạn không nhìn thấy. Cứ phải quẳng gánh P đi mà vui sống thôi bạn ạ.


Sunday, December 8, 2013

Cúc xanh của mùa đông năm ngoái


Buổi sáng ở nhà, thực ra cũng không hẳn là rảnh rỗi vì đang phải chuẩn bị cho tiệc reception ngày mai. Ngày mai mời khách rồi mà đến hôm nay vẫn chưa biết số người có mặt. Không biết ông nghĩ mình sẽ phải lên menu, đi chợ mua đồ ăn và kêu đám người làm chuẩn bị dao thìa dĩa cốc chén khăn khố kiểu gì. Có khi ông nghĩ mấy việc đó búng ngón tay một cái là tự đâu vào đấy không phải làm gì hết hay sao đó. Bảo ông thì ông bảo anh bảo khách trả lời lại cho cô thư ký, để tí anh hỏi cô ấy. Thôi hỏng, sếp đấy, thư ký đấy, cặp đôi hoàn cảnh, làm mình nhớ tới cặp đôi hoàn cảnh ông và bà Nuôi từng khiến mình lao đao mấy năm trời. Mình bảo “thôi, thư ký của anh hòm thư lúc nào cũng đầy ắp, thư gửi tới là bị trả lại, thế mà còn bảo khách mời trả lời cho cô ấy. Lần sau tổ chức event ở nhà anh bảo khách reply trực tiếp cho em vậy”. Thôi, thà nhận email còn hơn phải chạy theo đuôi hai thầy trò nhà họ. Tiệc nhà mình, biết lượng khách mời quá muộn thì vắt chân lên cổ cũng không kịp, lúc sơ xuất cái gì đó thì lại thành lỗi của mình.

Trở lại việc sáng nay ở nhà, sắp giáng sinh nên lôi đĩa nhạc thu cùng dàn đồng ca ra nghe cho có khí thế. Sửng sốt, đĩa nhạc này thu đã 3 năm rồi mà mình chưa có thời gian nào nghe từ đầu đến cuối, chỉ nghe đúng 1 lần và nghe đúng bài đầu, rồi bận quá quên bẵng đi. Tự nhiên rất nhớ thành Rome. Cuộc sống bận rộn cuốn mình đi, không có thời gian suy nghĩ cái gì quá nhiều. Sang Dubai đã hơn một năm mà chỉ có đúng một lần dừng lại thảng thốt “ôi hôm qua mình vẫn còn tất tả chạy lên chạy xuống trên bậc cầu thang của căn nhà trên bờ sông Tevere buổi chiều nắng vàng rực, đi chợ ở khu làng Olympic có cậu Ali chăm chỉ, đón con ở Parioli, và cà phê với bạn ở Ponte Milvio, thế mà hôm nay đã đang lái xe một mình giữa sa mạc không một bóng người ở một xứ Ả rập đàn ông mặc dishdash đàn bà mặc abaya”. Có thời gian nghĩ ngợi như thế vì lúc đó đang bị đi lạc, trời thì sắp tối, xe thì sắp cạn xăng, mà nhìn quanh toàn cát là cát, không một bóng người, không nhìn thấy tòa nhà cao tầng nào để còn định vị xem mình đang ở đâu, và điện thoại thì đang báo hết pin.

Cuộc sống của mình quá bận rộn rồi nên cứ gặp ai năng nổ tràn trề năng lượng cứ thích chỉ huy dạy dỗ bảo ban quá là mình lảng. Mà số mình làm sao, toàn gặp những người kiểu này mới chết mình chứ. Có lần ma xui quỷ khiến thế nào mình hẹn playdate với một đứa bạn. Mình đang ngồi lờ phờ dưới gốc cây canh lũ con đang chơi đằng xa thì nó tới. Vừa tới một cái nó đã chỉ đạo loạn tùng phèo “maid 1 ngồi đây, maid 2 ngồi đây, thằng lớn ngồi đây, thằng bé ngồi đây, cháu trai ngồi kia, cháu gái ngồi kia nữa. Đây, đồ ăn đây, ăn đi, thằng này ăn cái này, con bé kia ăn cái này (đoạn giúi đồ ăn vào tận tay từng người), nước đây, ăn xong thì mang cái quả bóng này ra kia chơi cùng Ale đi, nhưng giờ chưa ăn xong thì maid 1 phải giữ đi”. Xong, nó thở phào, quay ra mình đang ngồi như chết rồi gần đấy, nó bảo “tao thích bận rộn”. Nghe thế là các bạn đủ biết sự nghiệp playdate của mình kết thúc ở đâu rồi đấy.

Tối qua mình lại gặp một cô giáo nữa ở gala dinner, mình đang than là gió lạnh thế này mình sợ là mình lại ốm nữa:

-          Khi chúng ta sợ hãi thì hệ miễn dịch sẽ? (đoạn dừng lại nhướn mày chờ đợi)

-          (mình ngoan ngoãn) yếu đi

-          Đúng rồi. Do vậy khi chúng ta cứ tự nhủ với bản thân rằng “không sợ, không sợ, không ốm, không ốm” thì chúng ta sẽ? (lại dừng lại nhướn mày chờ đợi)

-          (mình ngoan ngoãn) không ốm

-          Chính xác. Ngay cả nếu có cảm lạnh thì chúng ta hãy khoan dùng thuốc mà chỉ nên dùng các phương pháp tự nhiên ví dụ gừng và? (lại nhướn mày chờ đợi)

-          (mình lại ngoan ngoãn) chanh và mật ong.

-          Chính xác…
Nghe đến đấy thì các bạn đủ biết sự nghiệp gala dinner chết tiệt của mình kết thúc ở đâu rồi đấy.

Thursday, December 5, 2013

5/12/2013


Mình có một con bạn. Nó đẹp, mặt xinh, thân hình hấp dẫn vì tập thể dục rất ráo riết, tính tình năng nổ chủ động.

Nó quan niệm rằng nó phải là số 1 trong bất kỳ cái gì nó làm. Nó cạnh tranh lành mạnh theo kiểu nỗ lực hết sức mình để trở thành số 1 chứ không phải kiểu cạnh tranh xấu kéo người khác xuống cho bớt cao để mình trông bớt thấp. Công nhận nó cũng thành đạt, xinh đẹp, giỏi giang, chồng vừa giỏi vừa ngoan, 2 thằng con trai kháu khỉnh, nhà đẹp, công việc kinh doanh tốt, đám người làm sợ nó mất vía. Nó đến nhà mình, ả giúp việc chả coi mình như cái đinh gỉ của mình cũng rén nó. Thế, nó rất tự hào với phương châm đã động tay vào cái gì thì phải là số 1 của nó.

Vấn đề là ở chỗ muốn là một đằng, thực tế nó lại ra đằng khác thì làm sao? Con bạn mình nhìn thì biết ngay, anh chồng người Ý của nó đã đến đó, đã cưới cô gái đẹp nhất, thông minh tài giỏi xuất sắc nhất mà anh ta gặp. Nhưng đỉnh cao này sẽ gặp đỉnh cao khác cao hơn, rồi thì làm sao? Ở đời đâu phải cứ muốn nhất là nhất được ngay, nhất là khi xã hội bây giờ đâu còn bó hẹp trong làng nhỏ xóm nhỏ.

Đời mình gặp nhiều người, có nhiều người họ nhất một cách tự nhiên, có nhiều người nhất với rất nhiều nỗ lực, có nhiều người nỗ lực kinh khủng mà cũng không nhất được, và một vài người ngật ngưỡng như mình đây thì bét cũng được miễn đừng ép mình vào khuôn thước hay bắt mình sân si cạnh tranh. Mình biết nhiều trường hợp vì đã quen ở vị trí số 1 nên khi môi trường sống thay đổi, không thể nhất được nữa, thì hoảng hốt, shocked, thậm chí trầm cảm. Bạn học mình ngày xưa ở trường có lần bảo mình “hồi học ở trường dưới quê tiếng Anh tớ đã gọi là giỏi nức tiếng lắm, thế mà lên đây, gặp các bạn Hà nội bắn tiếng Anh như gió, thời gian đầu tớ stressed đến mức trầm cảm luôn”.

Chưa kể ra đời, nhiều người nhất ở trường cuối cùng lại chẳng làm nên thành công gì đặc biệt. Nhiều người hồi còn đi học, mỗi lần bị gọi lên bảng là mặt cứ đực ra, hoặc đến kỳ thi là run như cầy sấy, thì lại thành công nổi trội. Nói như vậy để thấy để nhất được cần rất nhiều yếu tố, ngoài tố chất, xuất phát điểm thì còn cần tới nhiều kỹ năng xã hội và đặc biệt là yếu tố may mắn. Chưa kể, nhiều trường hợp, nhất thì cũng có để làm cái gì đâu, cái gì cũng phải nhất nhất nhất, mệt bỏ mợ.

Chàng có một cô bạn, cô này cái gì cũng phải đua và phải nhất cho bằng được. Học thì điểm phải “straight A”, ngay cả chơi thể thao cũng chỉ nhất định chơi những môn phải cạnh tranh và phải thắng, không thắng thì người ngợm bứt rứt không yên. Tốt nghiệp đầu lớp, ra trường xin được việc làm là ao ước của bao người. Đùng cái anh chồng mất việc. Mình lương vợ không đủ sống, thế là công việc tốt vừa xin được cũng phải bỏ, hai vợ chồng dắt nhau về Ý. Có nhiều việc người tính không bằng trời tính, và cứng quá là gẫy.

Như trường hợp của mình, từ lớp 1 đến lớp 9 luôn bị người lớn trông chờ phải đứng nhất lớp, phải giỏi toàn diện. Công nhận trên đời này sợ nhất là phụ lòng mong mỏi của người khác. Tháng nào bị đứng thứ hai thì run từ trường về tới nhà. Cho đến năm 15 tuổi, chuyển lên cấp 3, thứ nhất là vào môi trường mới toàn đứa khá, có muốn nhất cũng chả nhất được dễ dàng, thứ hai đã chán phải vác trên vai những kỳ vọng của người lớn, lại đúng tuổi nổi loạn chống đối, mình lười học hẳn đi, tót xuống ngồi bàn cuối nghịch cho dễ, suốt ngày bị cô chủ nhiệm lườm và luôn trong danh sách suýt đội sổ của lớp.

Thế nên, đầu năm học, khi ông con trai kéo tay chỉ cho mẹ liên tiếp hai lần tên ông được ghi trên bảng, đứng nhất lớp về toán và một lần khác nhất lớp về đọc hiểu, thì mẹ ông bảo “con trai, con giỏi quá, nhưng mẹ không cần con đứng nhất lớp. Khi con đứng số 1 con vui bao nhiêu thì khi không giữ được vị trí số 1 con sẽ buồn bấy nhiêu. Nếu được, mẹ chỉ cần con duy trì trong nhóm đứng đầu”.

Cuối cùng mọi cái sự lo của mẹ ông là lo hão, vì từ đầu năm tới giờ là hết học kỳ 1, tuyệt nhiên chẳng thấy tên ông ở vị trí champion nữa.

P.S When I went to school, they asked me what I wanted to be when I grew up. I wrote down “happy”. They told me I didn’t understand the question, I told them they didn’t understand life - John Lennon.

Sunday, December 1, 2013

Đàn bà không VIP thì không có quà (3)


Tự dưng chuyện nọ xọ chuyện kia chứ ban đầu mình định nói về vấn đề VIP. Mình không thích tính hình thức của nhiều người ở đây. Họ luôn muốn được đối xử như VIP, biểu hiện từ việc giành chỗ đi chỗ đứng chỗ ngồi, càng gần yếu nhân càng tốt. Chụp ảnh nhiều người quá không vào hết ảnh được nhưng không ai muốn ngồi thấp xuống vì ngồi thì nhìn kém sang hay sao đó, ai cũng muốn đứng và đứng ở hàng trước, trung tâm ảnh, mặc dù cao nghều che hết cả người đằng sau. Các chú thợ ảnh liên tục thở dài thườn thượt nhưng không dám đụng tới bà nào vì sợ đụng phải VIP. Nhiều người cố tình đến muộn vì họ muốn trông VIP nhất, và VIP thì luôn phải đến muộn nhất và về sớm nhất. Ở nơi đâu ai đến muộn về sớm, ngay cả có là VIP thật, phải tìm cách đi lom khom rón rén để hạn chế bị nhìn thấy thì không biết, chứ ở đây đến muộn rất hoành tráng, cả một đoàn tiền hô hậu ủng váy áo lượt thượt sầm sập đi vào, và về sớm cũng hoành tráng không kém, cả một đoàn tiền hô hậu ủng váy áo lượt thượt đồng loạt đứng phắt dậy sầm sập đi ra. 

Nhiều người còn chơi không đẹp, cùng vai phải lứa với nhau nhưng luôn cố tình đến muộn để người khác phải đợi (và người ta đợi vì lịch sự chứ không phải vì cần), và đến rồi thì luôn giành vị trí dẫn đầu, người ngoài nhìn vào không biết đấy là đâu lại tưởng đó mới chính là VIP, mặc dù nếu xếp theo thể diện quốc gia thì quốc gia mà họ đại diện có khi suýt rơi vào thế giới thứ ba.

Bình luận của cún béo: vươn lên cao hơn người là nguyện vọng chính đáng, nhưng thay vì cao lên bằng thực lực thì lại định cao lên bằng cách làm cho người khác thấp đi, thì người quân tử không ai làm.

Cũng liên quan đến chuyện hình thức, sau một thời gian ở đây thì mình hết thấy đàn bà Ả rập đẹp, hoặc ít nhất họ cũng không đẹp hơn những người đàn bà khác. Chủ yếu vì họ đỏm dáng quá. Son phấn quá đậm, mắt rất đen và môi rất đỏ, móng chân móng tay rất cầu kỳ, tóc cuộn cao rất kỳ công, thậm chí mua cả tóc giả vào độn cho hoành tráng, quần áo lớp trong lớp ngoài lụng thụng lượt thượt, ủ hương thơm lừng. Đồ trang sức thì khỏi phải nói. Có lần, trong một lần đến thăm hoàng hậu của một tiểu vương quốc ở đây, hoàng hậu đã vẫy một người đàn bà lại gần, vén mạng của bà ấy lên cho bọn mình xem bộ vòng cổ bằng vàng ròng của bà ấy. Chài ai, vàng trên ngực xủng xoẻng, chói lọi, có khi phải đến 2kg chứ chả chơi. Đàn ông bên này thích sự đỏm dáng như vậy. Mình hôm nào tô son đỏ ra đường thì thể nào cũng có vài anh nhìn chòng chọc muốn làm quen.

Vì họ đỏm dáng thế nên ở bên này thẩm mỹ viện và spa các loại mọc lên như nấm sau mưa. Mình nghe bạn mình kể bên này nhiều đứa trẻ hư hỗn, quát mắng thậm chí đánh giúp việc, một lý do là vì mẹ chúng bỏ mặc chúng hoàn toàn cho người giúp việc vì mải làm đẹp. Chắc vì đàn ông đạo Hồi lắm vợ lắm bồ nên bà nào cũng phải đẹp thật lực hòng đánh bật đối thủ. Một cô mình quen, người Ý, quyết định chuyển đến Dubai sống cho gần anh bạn trai người Palestine. Đến nơi rồi mới tá hỏa phát hiện chàng có tận 3 cô bạn gái, và chàng bảo đó là chuyện bình thường và yêu cầu cô ấy phải chung sống hòa bình cùng 2 cô kia.
Hồi chưa đến đây mình đọc sách thấy bảo đàn bà phải to béo mới được coi là chuẩn đẹp, thế là mình chắc mẩm mình bị rơi vào chuẩn xấu. Ai ngờ đến đây mới thấy to béo là chuẩn cũ, chứ bây giờ đàn bà Ả rập ăn gì cũng sợ béo. Những người đàn bà đẹp nhất thuộc về những người đàn ông hùng mạnh quyền lực nhất, chẳng có bà nào béo cả.