Thursday, March 27, 2014

Ở đâu?


Tuần trước có một cơn bão cát. Ngủ dậy sau một đêm, nhà cửa, sân vườn, cả đến cánh hoa, cũng mờ bụi.

Rồi mưa tí tách. Mưa suốt đêm. Thế cũng tốt. Những phiến lá sẽ được rửa sạch, lại xanh biếc lên.

Đã hết tháng 3 rồi?

Chưa kịp nhớ màu hoa mimosa vàng rực rỡ trên quảng trường Popolo của thành Rome.

Đứng lên. Manolo Blahnik. Đi cắt tóc. Và đổi màu son môi.

Ở đâu, những nỗi buồn rực rỡ. . .

P.S Chồng la hoảng “trời ơi, sao đít lại bẹt thế này?”. Gớm, nó chả bẹt cả từ 3 năm nay rồi chứ có phải giờ mới bẹt đâu. Nhưng vấn đề là hơn tháng nay ngồi nhiều, quả nó cũng bẹt với tốc độ nhanh hơn thì phải. Đấy, không cái dại nào giống cái dại nào, đang yên đang lành tự dưng lại đâm đầu vào học hành, để giờ đít bẹt thế này. Đã thế từ tuần sau miềng gọi personal trainer đến nhà, cho trả tiền cho biết thân, cái tội dám chê đít mình bẹt.
 

Thursday, March 20, 2014

Điểm báo

1.      Nhớ hồi bé có xem bộ phim của Hàn quốc, không nhớ tên, chỉ nhớ có cậu Bân và cô Hiểu Đồng. Cậu Bân từ tung hoành ngang dọc làm  ai trong công ty cũng sợ,  đột nhiên bị thất sủng, bị đuổi việc. Cậu ta lúi húi thu dọn đồ dùng và lặng lẽ khuân ra cửa trong ánh mắt của tất cả mọi người trong phòng. Chưa tới được cửa thì đánh rơi thùng đồ, cậu ta luống cuống nhặt mãi không hết mà không ai chạy lại giúp. Nhớ mãi ánh mắt của cậu ấy.

Mấy hôm nay thấy báo chí ầm ĩ vụ diễn viên Chánh Tín. Đọc comments thấy nhiều người dùng những từ ngữ làm người khác phải sởn gai ốc, nào là ăn xin, ăn mày, không có tự trọng, vv và vv. Không đồng tình, không giúp thì thôi, cớ gì phải phát ngôn như thể để cho ông diễn viên hết thời già yếu sắp mất nhà kia phải chết luôn cho đã. Những người như này chắc tin bản thân không bao giờ sa cơ?

Hồi còn sống bà ngoại có lần bảo tôi “người ta đã ngã thì mày đừng giúi”, khi thấy anh họ tôi bị bác mắng vì tội gì đó mà tôi lại đang hăng hái cung cấp thêm thông tin (bất lợi cho anh tôi). Đây là một trong những câu nói của bà mà tôi nhớ nhất. Tôi cho rằng sướng, khổ, ai cũng trải qua hết cả, điều quan trọng nhất là đừng đánh mất đi sự dịu dàng trắc ẩn trong tim mình.

2.      Vụ kiện của cô Ngọc Thúy. Cô Thúy làm đúng. Người đàn ông mang tiếng đại gia, mà lúc ly dị lại chấp thuận cấp dưỡng cho con 500usd một tháng, thì đích thị là loại đàn ông không ra gì, đừng hy vọng nó sẽ tự giác có trách nhiệm với con. Do vậy, phải nhờ tới tòa án, luật sư phải thật giỏi để lấy được hết những gì được quyền lấy, và nếu quý chồng không thực hiện thì phải cưỡng chế. Phải làm thật chắc kẻo thả lợn ra rồi lại phải đuổi rất mệt (mà lợn này e chừng hơi tởm)

2 triệu usd nghe với mình là to nhưng với người bố đại gia kia thì không to, nuôi mỗi con 18 năm, chia ra chừng ấy tháng thì cũng đâu có nhiều. Luật pháp đảm bảo quyền lợi cho trẻ em, bố mẹ ở với nhau trẻ được sống sung túc thế nào thì khi bố mẹ ly dị trẻ cũng phải được sống sung túc thế ấy. 2tr này là để nuôi con chứ không phải cho cô Thúy. Tiền chu cấp cho vợ sẽ được tính toán dựa vào số thời gian hai người này ở với nhau. Vợ chồng cô Thúy quen nhau kết hôn chóng vánh, rồi bỏ nhau luôn, do vậy cô Thúy không được tiền alimony. Tòa nó tính cái nào ra cái đó, có muốn tham quá phần mình cũng đâu có được.

Những người bảo cô Thúy tham, rằng nếu là họ thì họ chỉ cần con, không cần tiền, bỏ lại hết ngẩng cao đầu đi ra khỏi nhà, là những người khổ quen rồi sướng không chịu được và chắc cũng không muốn tin có người lại sướng hơn mình. Và cái sự ngẩng cao đầu đấy là bằng chứng của việc vừa sĩ diện hão vừa không hiểu luật. Khi ly hôn, người vợ ở thế yếu về tài chính, lỗi thuộc về người chồng, và nhất là khi có con nhỏ, anh ta sẽ là người phải cúi đầu ra khỏi nhà, chứ vợ thì chẳng cần ngẩng đầu đi đâu hết.

3.      Anh Putin cướp Crimea về cho Nga. Tiền lệ cực xấu. Chẳng mấy chốc tàu khựa cũng bảo Việt Nam trước đây là của tàu khựa, chẳng qua hiểu lầm hoặc tạo phản này nọ mà tách riêng ra, rồi sang VN cho trưng cầu dân ý ở khu lắm dân tàu sống nhất, xem ước nguyện của nhân dân ra sao, thì VN mình chắc cũng hết hơi.

4.      Lâu đài đắt giá nhất VN ở Phủ Lý. Mình độ hóng cũng cao, thấy thế là click vào xem ngay. Thứ nhất, đấy không phải là lâu đài. Thứ hai, không ai bỏ công xây cái nhà to lù lù thế trong một khuôn viên bước một chân là ra đến đường, không có cây xanh, lại nằm ngay cạnh quốc lộ ồn và bụi. Làm mình nhớ hồi tìm mua nhà ở Puglia, có một căn rất to, khá đẹp, bên trong còn cả bức tranh tường Madonna del Carmelo không biết bao nhiêu năm tuổi, đất 3 héc ta. Thế mà bán giá rẻ bèo không ai mua, chỉ vì lưng nhà sát với đường ô tô, mặc dù chỉ là đường nhỏ. Thứ ba, với tốc độ phá rừng và đại nạn ô nhiễm hiện nay, việc dùng gỗ nguyên khối là ignorant, có thể coi ngang tội ác chứ không có gì đáng để trầm trồ ca ngợi hay tự hào.

Thế, nội trợ mới chỉ hóng được đến thế.

Sunday, March 16, 2014

Trả lại house cho em (than nốt)


Rồi một ông đồng nghiệp ngài tới ngủ một đêm. Tiếp đó là bạn ngài đến ở một tuần. Hai vợ chồng với một thằng bé con. Sáng hỏi có ăn trưa và ăn tối không, thì bảo “không, không muốn làm phiền, chúng tôi đi suốt chỉ về nhà để ngủ thôi”. Cuối cùng ăn cả sáng cả trưa cả tối, rủ cả bạn đến ăn, làm mình bị động suýt cuống. Mấy ngày liền như thế. Mình nói thật chẳng khó khăn gì, thế nào cũng được miễn phải báo trước để mình chuẩn bị. Vì mình có con nhỏ, phải đảm bảo chúng nó tắm, ăn, ngủ đúng giờ để sáng hôm sau còn đi học, vì cứ lệch giờ một cái là mè nheo khóc lóc bất hợp tác.

Chưa kể đi chơi còn để cả thằng con lại cho mình trông và cho ăn, mà cũng chẳng nói với mình một tiếng. Mãi tới chiều ông chồng quý hóa của mình mới gọi điện “em ơi, anh quên bảo với em là bạn anh để thằng bé con ở nhà với em sáng nay đấy nhé”.

Tối về điên quá bảo chồng “Em không muốn lúc nào cũng phải là siêu nhân để cho anh được đẹp mặt với bạn bè đâu nhé. Anh bận không giúp em việc nhà cửa con cái thì thôi, nhưng đừng có mang thêm việc về cho em làm. Giờ thì anh xuống dọn phòng khách”. Ngài thấy mắt vợ tóe lửa thì chạy cuống giò, không chỉ dọn phòng khách mà còn CHỦ ĐỘNG dọn cả đồ chơi bọn trẻ con bày tung tóe ngoài vườn. Phải sợ lắm thì mới chủ động như vậy, chứ bình thường sai một việc mà thúc đít tới 5 lần chưa chắc đã làm xong, thúc quá thì bảo sao giờ em lại mắc bệnh nói nhiều.

Chưa kể “à em ơi, anh có hai đứa bạn đang đi nghỉ ở đây, nhà mình có bạn ở rồi nên không bảo họ đến đây ở được nhưng mình mời họ đến ăn tối đấy nhé”. Vầng thì ăn tối. Mà ăn tối hai buổi chứ không phải một, nhà đến nửa đêm vẫn rất huyên náo. Ông ngồi thoải mái tựa lưng gác tay trên sofa, tán chuyện với bạn, mặt mũi tươi tắn nở nang. Chả bù cho mấy tiếng trước đó, lúc mình bảo ông cho con ăn để mình lên thay quần áo vì khách sắp đến, ông bị con nó quần cho có hơn nửa tiếng mà mặt ông quắt lại bé tí, nếp nhăn hằn hai bên mép.

Buổi sáng, mẹ vừa blogging vừa nhìn qua cửa sổ trông con gái đang chơi lủi thủi một mình dưới vườn, thấy mồm mấp máy, tay cầm cái cốc đựng toàn cát giả vờ uống uống, chắc uống cà phê. Mẹ thương con gái, nhưng con phải learn to be alone mà không cảm thấy đơn độc hay buồn chán hay thiếu thốn. Như bố con không có kỹ năng này, đi đâu cũng phải lôi vợ theo, ở nhà thì phải lôi bạn đến, không thì chân tay bứt rứt, đi lồng lộn trong nhà như hyena cuồng cẳng. Bạn nào đi sở thú nhìn thấy con linh cẩu bị nhốt trong chuồng mà nó cứ vừa liên tục chạy vòng vòng vừa kêu yep yep thế nào, thì ông chồng mình cũng y hệt như thế.

PS. Bạn về buổi trưa, buổi tối ông đi làm về, vừa ngồi ăn tem tẻm vừa gật gù bảo vợ “chắc chúng nó không thể chê được sự hiếu khách của vợ chồng mình” . Nói thật là nghe xong chỉ muốn đá cho người giời một phát cho tỉnh.

Saturday, March 15, 2014

Trả lại house cho em (1)


Hơn một tháng trước, ngài về nhà mắt tròn mắt dẹt bảo vợ “ một người bà con của anh muốn gửi thằng con trai bà ta vài tuần để nó vượt qua cú sốc gia đình và cho nó nhìn gương anh, người đàn ông của gia đình...”. Thế là từ ngày ông cháu đến, ngài trở thành người đàn ông gia đình kiểu mẫu, về nhà sớm, nhí nhảnh chơi với con, đọc truyện rất truyền cảm với con trước khi đi ngủ và tâm sự rù rì khuyên bảo ông cháu. Được đúng 3 hôm, chả kiểu mẫu thì đừng, mèo lại hoàn mèo, và do đó vài ngày liên tiếp thằng cháu cũng chẳng có dịp nhìn thấy mặt ông chú quý hóa. Vì sáng chú đi làm thì cháu vẫn đang ngủ, đêm chú đi event về tới nhà thì cháu lại đã đang ngủ. Một mình mình cân cả lũ.

Thằng bé thì mình thấy cũng ngoan, không hút thuốc uống rượu chửi bậy đua đòi hay có thói hư tật xấu gì, mỗi tội thanh niên gì mà hoi quá thể. Ở nhà mình hơn 3 tuần mà không hề bước chân ra khỏi nhà trừ khi mình phải lôi đi, không hề tò mò tham quan thành phố hay tìm hiểu văn hóa người bản xứ, chỉ ở nhà ăn, ngủ, nghe nhạc, và facebook. Mình bảo nó “chú lái xe ngoài giờ đưa đón các em thì chú ấy rỗi, cháu bảo chú ấy chở cháu đi chơi”, thì bị nó trả lời “giá trị của con người là ở nội tại chứ không phải ở bề ngoài, cháu chả quan tâm đến những thứ gì ngoài thân”, “nhưng để viết được nhạc thì cháu phải đi nhiều, nhìn thấy nhiều, trải nghiệm nhiều, thì mới có vốn sống để viết chứ”, “bạn cháu nó ở trong một cái phòng bé tí tẹo, suốt ngày ngồi trước máy tính, mà nó vẫn viết nhạc được đấy thôi”. Chịu ông.

Phòng ngủ thì tối om om, suốt 3 tuần không bao giờ thấy kéo rèm lên. Đến giờ ăn mình gọi khản cổ nó không nghe thấy vì đeo tai nghe nghe nhạc. Giữa bữa ông đói xuống lục tủ xem có gì ăn không, mỗi tội mở hộp chocolate ăn, ăn xong chẳng buồn đóng cái nắp lại, cứ thế để cái hộp mở tơ hơ quẳng vào tủ lạnh, nắp vứt chỏng chơ trên bàn. La Na đục nước béo cò ăn vụng chocolate mệt nghỉ, hưng phấn đến độ đến giờ cần trầm lắng lại để đi ngủ thì vẫn hò hét như phát cuồng. Hôm thì hộp chocolate, hôm thì hộp cheese, hôm thì vỏ chuối vỏ quýt vỏ kẹo, cứ ăn xong là nó vứt cái xoạch lên bàn. Đến giờ ăn thì ngang bụng không muốn ăn, bảo cháu ăn sau. Thế là lại phải có một người túc trực bày biện sau cho ông ăn và dọn dẹp sau khi ông ăn xong. Chưa kể xì mũi xong cũng chẳng buồn vứt giấy vào thùng rác mà cứ vo vo để luôn lên bàn hoặc vứt luôn xuống sàn nhà ngay tại chỗ nó ngồi. Hôm nó về, mình phải hì hục dọn dẹp lau chùi mấy tiếng mới xong phòng ngủ và nhà vệ sinh của nó, mệt đứt cả hơi. Bẩn kinh khủng, nhìn thấy đã ngại nhưng không đợi hai cô giúp việc đến được vì ngay hôm sau bạn ngài đã lại đến ở. Chẳng muốn nói với ngài vì thương nó đang trải qua giai đoạn khó khăn, với lại thực ra con trai ở tuổi nó đứa nào chẳng bừa chẳng bẩn thế. Không bừa không bẩn thế thì có khi lại đáng lo.

PS Ông cháu ở mấy hôm thì xung phong nấu bữa trưa cho cả nhà nhân ngày chú đầu bếp nghỉ. Dì sợ cháu nấu cả bữa thì nặng cho cháu quá nên bảo thôi cháu nấu món mỳ, còn để dì làm món thịt và rau cho. Ông cháu nấu có mỗi món mỳ trắng, tức là chỉ có mỗi dầu ô liu, phi tí tỏi cho thơm và thêm tí cheese, người lớn thì thêm tí ớt, (nó tương đương với ở nhà mình ăn cơm chan nước mắm rắc thêm tí lạc rang) mà ông thảy ra 4 cái nồi, 3 cái chảo, dao, thớt và 4 thìa/muỗng nấu. Ăn xong ông cắp đít đi thẳng. Ông chú, người đàn ông gia đình kiểu mẫu, liếc thấy trận địa bếp tan hoang thì ăn xong cũng lảng nốt. Từ lần đó không thấy ông cháu xung phong nấu bếp lần nào nữa để dì còn từ chối.
Ảnh, cuối cùng thì cá tính đã ăn đứt hình thức, ảnh em trên facebook lần đầu tiên có số like vượt hẳn con chị.

Tuesday, March 11, 2014

Nước từ đất và điện từ trời (hết)


Vừa qua cả anh Richard Gere cũng đến xem nhà mình. May quá lúc đó việc mua bán đã gần xong, chứ lại cả anh Gere chen chân vào nữa thì chắc mình bỏ cuộc cho xong. Anh Gere có khả năng sẽ mua bất động sản của cậu bạn vợ chồng mình, một masseria đẹp tuyệt vời, tường lũy hàng trăm năm tuổi bao quanh, chiếc cầu bắc ngang bể bơi rất thơ mộng và một cây magnolia cổ thụ nở hoa trắng xóa giữa bãi cỏ xanh ngút ngàn. Mấy năm trước có triệu phú Mỹ thích quá bảo bao nhiêu tiền cũng mua mà cậu ta không bán, giờ lại muốn bán cho anh Gere.

Mẹ muốn một căn nhà được sưởi ấm và thắp sáng bằng những tấm thu nhiệt mặt trời. Nước lấy từ giếng ngầm, dưới lòng đất chằng chịt những mạch nước ngầm tinh khiết. Rác sẽ phân loại thật cẩn thận trước khi đem đổ. Tất cả những mẩu đồ ăn thừa từ bếp, cuộng rau, vỏ quả, mẹ sẽ gom lại cho vào bể compost cho ải. Rồi mình sẽ dùng chính đồ đó làm cho đất màu mỡ. Rau hái từ ngoài vườn mỗi sáng, quả cà chua chín cây đỏ ửng, lá húng thơm thơm, và những chai dầu ô liu ép tươi từ vụ mùa vừa thu hoạch. Con gái mẹ mắt trong veo, váy hoa, chân gầy, bím tóc vàng hoe mùa hè, xách vào bếp lẵng rau và hoa vừa hái ngoài vườn. Con gái bé của mẹ, mái đầu tròn xoe như một cái bắp cải, mắt đen láu lỉnh, nhảy múa trên những lối đi rợp cây và hoa.

Con trai mẹ sẽ cắt cỏ trên cánh đồng của mẹ. Và ông già của mẹ sẽ ngồi đọc sách và ngủ quên, dưới những tàng hoa jacaranda.

Mùa đông, mình sẽ ngồi đọc sách bên lò sưởi, củi thông thơm thơm lấy từ những cây thông trong vườn.

Hành lang này mẹ sẽ để những giá sách, những cánh cửa sẽ mở thật rộng cho ánh nắng ùa vào, trên bậu cửa sổ mẹ sẽ để một chậu hoa có màu vàng của hoa mướp. Rồi chuồn chuồn có tới???

Mẹ cứ ước thế, chẳng biết có thực hiện được không. Căn nhà phải trùng tu lại hoàn toàn, cần rất nhiều tiền. Thôi thì cứ từng bước một, không thể tham vọng quá.

Ao cạn, vớt bèo thả muống
Trì thanh, phát cỏ ưởng sen...

Monday, March 10, 2014

Nước từ đất và điện từ trời (2)


Bất động sản 4 năm trời chỉ có người đến xem chứ không ai trả giá, giờ vừa có mình đặt cọc mua một cái thì thiên hạ ở đâu kéo đến đòi mua ầm ầm. Nổi bật trong số đó là một nữ nhà văn Mỹ rất lắm tiền và nổi tiếng, tác giả của quyển sách bán chạy có tên Độc thoại vagina gì đó. Mình chưa bao giờ nghe tên bà nhà văn này, cũng chưa đọc sách bà ta bao giờ và chắc chắn chẳng bao giờ có ham muốn đọc cái quyển sách có cái tên nghe qua đã thấy điên. Và bà ta đúng là điên thật, vì bà ta khăng khăng trả một cái giá cao hơn rất nhiều giá mình đã trả, và trả ngay tiền mặt.

Người bán đang từ giục giã cầu cạnh trở mặt với mình lập tức, bảo luật sư của nó gửi cho mình cái thư toen hoẻn bảo tôi trả lại tiền cọc, không bán cho anh chị nữa. Sau thấy trở mặt không ăn thua với mình vì lẽ phải thuộc về mình và có vẻ mình quyết kiện, nó bèn ra điều kiện một là nó đền tiền hủy hợp đồng, hai là mình phải trả thêm 100k euro. Mình chỉ cần mua cho xong chứ không cần tiền đền của nó nên cực chẳng đã phải đồng ý trả thêm. Tránh được kiện tụng thì phải tránh vì dây dưa tốn kém nhỡ việc của mình.

Đã chấp nhận yêu sách của nó cho xong chuyện rồi mà vẫn chẳng xong. Vì nó tiếp tục yêu sách đòi hết cái nọ đến cái kia, bắt mình phải chịu mọi phí tổn của việc ký kết hợp đồng, kể cả chi phí xin các thể loại giấy phép liên quan đến bất động sản của nó và kể cả chi phí đi lại cho luật sư của nó, thậm chí tiền lương tháng cho người trông coi bất động sản nó cũng bắt mình trả luôn mặc dù bất động sản chưa thuộc về mình. Rồi còn chi phí thảo hợp đồng theo ý nó, do luật sư của mình làm, sửa hết cái này đến cái kia, lẩm cẩm, lắt nhắt, bắt bẻ, vặn vẹo, nghi ngờ, rồi mang hợp đồng dâng lên tận miệng nó cho nó ký mà nó còn cành cao lá dài hôm nay nó bận ngày mai nó cũng bận nốt không ký được vv và vv. Tất cả chỉ để gây tổn thất cho mình cho bõ cái sự hậm hực của nó. Người được ủy quyền của mình ở Siena, luật sư của mình ở Milan, công chứng viên của mình ở Florence, ở Siena và ở cả Rome cứ gọi là chạy theo nó mỏi chân, chạy từ phía Đông nước Mỹ sang phía Tây, rồi chạy theo sang tận Ý, từ Bắc đến Nam. Và họ càng chạy khỏe thì tiền mình càng phải trả khỏe chứ họ đâu có chạy không công.

Nói thật nếu biết người bán là người Do thái, nhất định mình sẽ không dây ngay từ đầu. Tiếp xúc nhiều với họ mình thấy họ thông minh thì khỏi bàn nhưng tính tình cứ làm sao đó rất khó tả, đặc biệt khi dính đến tiền nong, quyền lợi. Thế nên quan hệ sơ sơ thì được chứ dính vào kinh tế là mình không có cửa nào thắng được với họ. Nhưng vì đã đâm lao nên phải theo lao. Không thể kể hết những khổ sở phiền hà tốn kém trong suốt gần một năm qua nó gây cho mình. Đúng là ác mộng.

Ơn trời, cuối cùng ác mộng cũng qua. Công cuộc mua bán đã hoàn tất dù cuối cùng chi phí đội lên thành một con số ngất ngưởng. Nghĩ lại, công nhận luật sư của mình cực giỏi chứ gặp luật sư nào vớ vẩn thì có khi mất tiền hỏng việc. Mà hay lắm nhé, giờ thì người bán lại thay đổi thái độ, email mấy lần ngọt nhạt hẹn gặp vợ chồng mình ở Salento vào mùa hè để mời đi ăn tối. Chồng hỏi “Giờ trả lời nó thế nào hả em?”, bảo “Anh đừng trả lời. Kiểu người đó em không muốn tiếp chuyện”.
 
Chẳng hiểu nhiều người phải gian khổ giành giật chiến đấu mới đạt được mục đích thì họ sung sướng với chiến thắng ra sao, chứ mình, bản tính không thích đua chen đôi co giành giật, cho rằng cái gì mà phải cố quá để đạt được, cuối cùng biết đâu lại là họa.

Saturday, March 8, 2014

Nước từ đất và điện từ trời (1)

Cách đây mấy năm, hồi xuống miền Nam vừa nghỉ hè vừa kết hợp tìm nhà, mình và ngài đã ưng ý một farmhouse (gọi là masseria) ở đây. Masseria này đất rộng nhưng diện tích nhà bị cái hơi nhỏ, phải xây thêm, được cái rất đẹp và nằm ở vùng nông thôn đẹp mê hồn, lại chỉ cách biển có một quả đồi. Ở sân sau có cả cây ô liu cổ thụ không biết mấy trăm năm tuổi, chắc một người ôm không xuể. Cách đó không lâu nhà thiết kế của một thương hiệu rất nổi tiếng, lâu rồi mình không nhớ chính xác có phải Sergio Rossi sau chuyển sang Gucci không, muốn mua nó nhưng chủ nhà không muốn bán. Cậu ta cuối cùng đành phải mua một masseria nằm cách đó một quãng. Mua xong rồi thì ông chủ nhà kia lại muốn bán, cậu ta tiếc rẻ lắm.

Chủ nhà không đồng ý với cái giá mình đưa ra. Mình thì lúc đó đang bở hơi tai chuyển nhà sang Dubai, nên cũng không trả thêm. Vả lại, trả thêm nữa thì lại thành đắt. Cái masseria của ông ta rao giá quá cao, đến giờ là mấy năm rồi mà vẫn không ai mua.

Tháng 5 năm ngoái, ổn định nhà cửa ở Dubai, mình và ngài lại đi miền Nam Ý chuyến nữa để tìm nhà. Lần này tìm được một bất động sản ngài ưng ý quá. Bất động sản này ban đầu được xây dựng làm nhà máy thuốc lá. Trải qua hơn 100 năm, nó lần lượt được sử dụng làm nhà máy thuốc lá, trường học, nhà thờ, và cuối cùng là nhà kho, cho cái thị trấn bé tí téo lèo tèo vài mống dân.

Ngài mê nó quá vì xem bao nhiêu nơi, đây là bất động sản duy nhất có thể làm loft theo style công nghiệp như ngài muốn. Các masseria ở đây thường nhỏ nhỏ, chia thành nhiều phòng nhỏ so le nhau, và chồng 2, 3 tầng cho thêm diện tích, cầu thang vừa dốc vừa hẹp, nên cái nhà máy thuốc lá một tầng vuông vức rộng rãi này đúng là rất hiếm có. Chủ sở hữu là người Mỹ, doanh nhân ở New York. Nghe cậu môi giới nói chính là người phát minh ra khẩu hiệu I love New York mà bạn nào du lịch đến New York cũng thấy bán nhan nhản đầy đường.

Mình vẫn còn ngần ngại. Chẳng là mình thích một bất động sản khác hơn. Bất động sản mình thích nhất là một masseria cổ nằm trong một khu vườn đẹp tuyệt vời mênh mông toàn hoa cúc dại và những cây ô liu cổ thụ. Lúc mình đến nơi, trời vừa mưa xong, nắng vừa lên, không gian tràn ngập mùi hương ngọt lạ kỳ của hoa cúc chamomile. Cũng đúng lúc đó, một cậu bé chăn cừu lùa đàn cừu vừa cạo lông trọc lốc đi ngang, và tiếng chuông nhà thờ từ cái nhà thờ của thị trấn yên ả xinh đẹp gần đó ngân lên thánh thót, làm mình cứ ngỡ đang ở trên đồng cỏ một xứ Andalusia nào đó.
Nhưng masseria này đã hơn 500 năm tuổi, chỉ còn là một đống đổ nát. Việc trùng tu sẽ rất tốn kém và khó lường. Rồi số tiền thực tế lại gấp đôi dự tính thì lấy đâu ra. Cuối cùng, mình đành để ngài chọn cái nhà máy kia. Trả giá một cái, chủ nhà mừng quá vì mấy năm nay chẳng có ai mua nên đồng ý luôn, bắt mình ký luôn và đặt cọc luôn, đồng ý thời hạn mua bán. Cứ tưởng thế là may quá, mua nhanh bán gọn, ai ngờ ác mộng bắt đầu từ đây.

Monday, March 3, 2014

Mẹ già thật à, em?


Mẹ gọi con gái lớn “Em bé ra đây mẹ bảo. Khi nào con lớn thêm một chút nữa, mẹ sẽ dạy con làm việc nhà, cái gì con cũng phải biết một chút, con nhá”. Cái miệng vổ vổ xinh xinh thiếu mất hai cái răng cửa nên nói ngọng hết cả “Văng”. Vâng ngoan ngoãn thế rồi sau này có nghe lời thật không đấy?

Bình thường mẹ đủng đỉnh, lãng đãng, nhưng khi mẹ đã bước xuống khỏi giày cao gót, cuộn tóc cao lên, thắt tạp dề, thì các cô giúp việc đừng có đùa.

Con gái mẹ nhất định phải biết phân loại quần áo trước khi giặt, phải giũ thẳng, có cái phải lộn trái, có cái phải cho vào túi bảo vệ, có thứ phải rút ra (ví dụ stiffner, mẹ gọi là xương cổ áo), phải xử lý vết bẩn, rồi mới cho vào máy, lúc phơi đồ màu phải phơi lộn trái và phơi trong râm cho bền màu, còn đồ trắng phải phơi ngoài nắng cho trắng, quần áo phơi phải đảm bảo cách quãng thông thoáng nếu không sẽ có mùi hôi, nếu dùng kẹp để giữ cho quần áo khỏi bay thì phải kẹp vào chỗ nào ý tứ một tý, chứ không quần áo phơi khô rồi mà trước ngực vẫn in hằn vết kẹp là cũng không hết là không được. Con gái mẹ nhất định phải biết tất cả những điều đó.

Hồi trước mình còn có mợ giúp việc, khăn trải bàn dính bao nhiêu cheese, không chịu xử lý trước mà vo viên tống vào máy giặt luôn, cheese bị nóng chảy ra dính luôn sang cả đồ khác. Ngày trước, hồi còn bà Nuôi, mình nói bã bọt mép phải phân loại màu khi giặt, thế mà có hôm mở máy giặt, tá hỏa thấy toàn đồ trắng mà lại lẫn vào một cái khăn tím than làm cả lô đồ trắng lấm lem. Hóa ra bà Nuôi mang đồ trắng đi giặt “còn mỗi cái khăn giặt mẹ nó luôn đi cho gồi”.

Đến chuyện là, mẹ mà đã là quần áo thì trong túi tạp dề bao giờ cũng thủ sẵn cái kéo. Đang là thấy mối chỉ nào lòng thòng là phải cắt đi. Những cái này chẳng yêu cầu người giúp việc họ làm được. Thế nên có khi có cái đoạn chỉ lòng thòng ở gấu áo bố, cả tháng vẫn thấy lòng thòng ở đấy. Chưa kể đa phần các cô giúp việc hay là theo kiểu mình gọi là 2D ironing, tức là là xong mọi thứ cứ bẹp dí, ống quần mặc tòe sang hai bên. Có lần mình còn có con bé giúp việc, nó vừa là vừa nhắn tin loách choách, cái áo sơ mi là xong rồi mà mình thấy vẫn nhão nhoẹt, cổ áo vểnh ra cụp vào, cũng bệ rạc, cháo lòng và đầu bù tóc rối như chính nó, mình chỉ còn nước thở dài.

Mẹ phải dạy con gái mẹ là một chiếc áo sơ mi nam thật phẳng, thật đanh, cổ áo phải thật dựng, nếp nào phải ra nếp đấy, bằng starch (hình như tiếng Việt gọi là hồ bột). Việc dùng hồ bột làm cứng quần áo ngày xưa đọc các truyện về giới quý tộc châu Âu, các cô thợ giặt rất hay dùng. Mình nhớ láng máng trong truyện Con trai người gác cổng của Andersen, quan đại tướng thường ngồi cứng đơ trong chiếc cổ áo hồ bột, trong khi đại tướng phu nhân và cô tiểu thư Emily chỉ mặc toàn hàng tuyn và sa mỏng. Áo là xong, khi treo lên mắc, nhất thiết con gái mẹ phải cài ít nhất hai cúc trên cùng để giữ khuôn cổ đứng lên. Mẹ cũng phải dạy con gái mẹ khi cho stiffner vào trong cổ áo để giữ cổ áo không bị quăn vểnh, nếu stiffner có in logo nổi của hãng thì phần chữ nổi phải cho úp xuống dưới để tránh in vết hằn nhìn thấy được trên cổ áo. Khách ngồi đối diện lại đọc được cả hiệu áo của mình thì còn nói chuyện gì.

Tối qua mẹ nghe lỏm hai chị em nói chuyện với nhau, bằng tiếng Anh

-          (nghe tiếng nhảy huỵch một cái) Ouch, Lila, Anna đau, Anna bốc cần (broken), Anna sắp chết (suốt ngày nó nhảy rồi ngã rồi than gẫy ở đâu đó)

-          (tiếng con chị thẽ thọt) Không, Anna chưa chết được đâu, Anna còn trẻ lắm. Khi nào Anna già, Anna làm nhiều việc, da Anna sần sùi, giống mamma ý, thì Anna mới sắp chết.
 

Trời ơi trời, con ai càng nuôi càng khôn tôi không biết, chứ con tôi, bao nhiêu cơm gạo đổ vào, mà càng nuôi càng dại là sao là sao???