Sunday, June 29, 2014

Ai bảo không vượng cung nô bộc (hết)

Cuối cùng hóa ra nó là một diễn viên đại tài và nói dối như cuội. Bạn nào xem Sex and the City cô Samantha hẹn hò với một anh có cô maid người Thailand hay Philippines gì đó, có anh ấy nó ngọt như mía lùi, anh ấy đi khỏi nó hất cô Samantha văng từ trên giường xuống đất, thì có thể tưởng tượng maid mình cũng y như vậy. Có mình ở nhà nó ngọt như mía, nói với trẻ con giọng ngân nga như hát. Nhưng mình đi khỏi là con mình bị nó quát tháo, nhất là trong bữa ăn. Đỉnh cao sự nghiệp diễn xuất của nó là một buổi sáng, vừa lĩnh lương xong, nó chạy lẹp bẹp lên nhà tìm mình, nước mắt đầm đìa trên mặt hẳn hoi, madame, mẹ tôi huyết áp cao vừa chết đêm qua, chết một mình trong đêm, sáng ra mọi người mở cửa phòng vào thì đã chết roài. Mình nghe xong suýt khóc vì thương nó, quắn đít đi mua vé ngay cho nó về nước dự tang. Hóa ra nó bảo không thích làm cho nhà có trẻ con vì vất vả, và vừa tìm được việc nó ưng ở Singapore, nên phải dựng chuyện mẹ chết để được madame mua vé cho nó đào tẩu, chứ mẹ nó thì chết lâu rồi. Nhắc đến chuyện này mình lại bất giác nghĩ đến chuyện “Người chết hai lần” đọc hồi bé.

Mình cứ ngạc nhiên tại sao công việc lại vất vả. Sáng thì mình đã trông Anna trong khi nó lau chùi dọn dẹp. Ngày nào cũng lau chùi dọn dẹp thì chỉ cần 2, 3 tiếng là đã xong hết, sau đó cho Anna ăn trưa xong thì nó về phòng nó ngủ trưa. Mình nhiều khi đi event tối về muộn, hôm sau mệt rã rời mà vẫn phải trông con cho giúp việc đi ngủ vì sợ giúp việc mệt sẽ chăm con mình không tốt. Nó ngủ trưa đến gần 4h mới lên nhà là quần áo, ngày nào cũng là thì chỉ hơn 1 tiếng là xong hết. Đến 6h thì phụ mình tắm rửa cho bọn trẻ con một tý, rồi nó cho bọn trẻ ăn tối và đi ngủ nếu mình phải đi ra ngoài. 8h30 là nó cũng xong hết có thể tắm rửa rồi đi ngủ, trong nhà mình mình để phòng riêng có nhà vệ sinh riêng cho nó. Đồ ăn của nó thì có người nấu, đĩa bát nó ăn xong có người rửa. Tiền thì mình tháng nào cũng cho thêm để nịnh nó. Thế thì vất vả ở chỗ nào???

Hóa ra vất vả vì em nó làm ngày không đủ tranh thủ làm cả đêm. Cứ tối mình đi là nó nhấp nhỏm điện thoại tin nhắn với khách hàng. Mình về là nó lẻn đi, 3 giờ sáng thậm chí 5h sáng mới về tới nhà, và ngày nghỉ cuối tuần thì đi thông từ đêm thứ 5 tới bảnh mắt sáng thứ 7 luôn. Đông khách ra phết, thu nhập rất khá. Mỗi tội nó làm đêm tích cực thế nên ban ngày mệt mỏi cáu gắt, con mình cứ ho he là bị nó quát cho tơi bời hoa lá.

Vụ đó khiến mình suốt 4 tháng không muốn nghe ai nhắc tới từ maid. Và mỗi lần phải nghe tiếng chào buổi sáng ngân nga như hát Gụt mó ninh của cô Philippines nào đó là trống ngực thình thịch.

 Đến cô Rất này thì rất tình cờ. Gặp ở siêu thị, cô ấy xin việc, mình cứ ừ hữ thế chứ cũng chẳng lưu tâm. Cô ấy nhắn tin mình còn không lưu số điện thoại. Cuối cùng vì chủ cũ của cô ấy ác quá nên mình đành phải quyết định nhận cô ấy ngay. Phải nhận trong hoàn cảnh bất đắc dĩ thế mà hóa ra mèo mù vớ cá rán, được cô maid rất tốt. Giản dị, hiền lành, tự giác, mến trẻ, chẳng bao giờ thấy đòi hỏi gì và cặm cụi làm suốt ngày đến mức mình toàn phải bắt nghỉ.

Nhưng nói chung cũng chẳng nói trước được. Hội maid Philippines này hay tụ tập, tán dóc, nên học rất nhanh những thói xấu kiểu đánh bạc, uống rượu, đi khách, rồi chảnh chọe, yêu sách và mánh khóe đối phó với chủ. Mình sắp đi nghỉ hè, maid ở nhà chơi không cả tháng, về tới nhà thấy maid đã thành Bạch Cốt Tinh lườm nguýt, sẵng giọng, nói chủ xơi xơi hoặc chủ nói một câu đáp trả một câu, làm việc lấy lương mà thái độ thì cứ như gia ơn cho chủ, thì mình cũng không lạ.

Mà thế mình cũng chẳng sợ, mình nói một lần hai lần không chịu thay đổi, thì mình lại đuổi luôn. Người không cần việc thì việc lại càng chẳng cần người.

Friday, June 27, 2014

Ai bảo không vượng cung nô bộc (1)


Nhiều lúc mình thèm được sống không có người làm trong nhà lắm ý.

Có họ thì cũng tiện nhiều việc, nhưng bù lại, khi họ có vấn đề là mình cũng không thoát. Mà họ thì nhiều vấn đề lắm. Con họ ốm, vợ họ đau, nhà họ lúc nào cũng túng bấn nên rất hay phải ứng trước, rồi tình hình ở nhà hỗn loạn nguy hiểm họ muốn nhờ mình bảo lãnh nốt con họ sang đây, rồi có cơ hội mua bán gì đó ở nhà không thể bỏ lỡ nên muốn vay tiền mình, rồi họ hàng nhà họ mất đột ngột, rồi hôm nay họ đau đầu, ngày mai đau cánh tay, ngày kia đau chân, phải mua thuốc, phải đi bác sĩ, phải chụp chiếu, rồi lái xe cãi nhau với vợ, giúp việc cãi nhau với bồ, nấu bếp cãi nhau với lái xe và giúp việc.

Có hôm mình vừa đi chợ về, vừa nóng vừa mệt, chưa kịp ngồi nghỉ thì đã phải nghe tường trình người làm cãi nhau tưng bừng vì không hiểu vị nào đi vệ sinh ở nhà sau xong không xả nước. Lái xe thì bảo vừa đi chợ với madame về, giúp việc thì bảo ở nhà trên với con Anna suốt, chỉ còn mỗi đầu bếp khả nghi nhất. Nhưng đầu bếp lại bảo “không làm, không biết”. Thế là cãi nhau om xòm.

Không ngày nào là không có chuyện gì đó, đau đầu vô cùng.

Nàng giúp việc năm ngoái của mình, đưa nàng đi bác sĩ, bác sĩ nhìn nàng hỏi “tại sao cô đi beauty salon nhiều thế?”, nàng bảo “thế để cho xinh”, đoạn le lưỡi rụt cổ cười hihi. Bác sĩ choáng bảo mình “chị cho nó về nước đi, càng để lâu bệnh sẽ càng nặng”. Mình không nghe cứ cố giữ nàng lại chữa trị. Đến lúc nàng mắt xanh, môi đỏ, quần áo sặc sỡ, nghe nhạc cực to, lúc cười lúc khóc, và săn lùng ông bạn trai trên mạng trong vô vọng, thì mình mới hoảng hốt đặt vé cho nàng về. Mình tá hỏa nhận ra nàng điên tình vì nàng xin add mình trên facebook, facebook của nàng đầy những lời lẽ yêu thương kêu gọi mà thằng phải gió kia nó không thèm trả lời.  Nàng phải về thì căm thù mình lắm vì mình làm lỡ cơ hội kết hôn của nàng. Xong vụ đấy mình cũng phát ốm luôn.

Đến cô maid trẻ măng gần đây thì còn tệ hơn nữa. Mình chưa chi đã tưởng bở được con bé giúp việc trẻ trung, xinh xắn, gọn ghẽ, nghe lời, giỏi việc và dịu dàng với con mình, lại có chồng con rồi nên chắc ổn định không nhìn thấy trai ngoài đường là mắt la mày lém. Thế nên đồng phục đã có 3 bộ nhưng nó đòi may thêm 3 bộ mới nữa mình cũng cun cút đi may ngay. Chú đầu bếp than thở nó không biết điều, ăn bát đĩa nó xong không chịu rửa cứ quẳng đấy hôm sau chú ta phải rửa mình chỉ bảo chú ta không phải rửa, cho hết vào máy rửa bát là được, và không nói gì nó cả. Chú lái xe bảo nó không chịu quét sân sau (là sân chung của người làm), mình cũng bảo thôi anh chịu khó, các anh hết giờ làm là được về phòng, nó hết giờ làm còn phải ngủ ở trong nhà cùng với con tôi. Mình thấy nó giặt giũ là lượt quần áo nó suốt ngày, còn thường xuyên hơn cả quần áo của mình, thậm chí có 3 mảnh quần áo nó cũng bật máy giặt mình cũng chẳng nói gì, lại còn bảo nó phải sạch sẽ bản thân nó thế thì mới hy vọng nó lau nhà mình sạch sẽ. Con Lila có lần về khóc huhu mách mẹ là bị nó quát và đẩy mạnh, mình cũng chỉ nhắc nhẹ nhàng “nó hư chị cứ lờ nó đi và về nói với tôi chứ đừng quát nó”, bụng nghĩ con mình mắc bệnh đỏng đảnh, chứ con bé giúp việc ngọt ngào thế kia làm sao lại có thói quát lác được???

Monday, June 23, 2014

Nốt chuyện kỳ thị


Riêng mình chỉ nghĩ rất đơn giản, sự kỳ thị bắt nguồn từ quan niệm họ văn minh hơn mình. Như vậy, nếu mình nắm vững những quy tắc lịch sự tối thiểu, hiểu biết ở mức tàm tạm, biết cái gì nên và không nên, trung thực, tự tin, thì mình da vàng mũi tẹt, ít tiền hay xuất thân nước nghèo là việc của mình chứ chả phải việc của nó, ảnh hưởng quái gì đến nó đâu. Nếu nó cứ xía mũi vào soi mói kỳ thị thì hóa ra nó cũng chẳng phải người văn minh.

Nhân chuyện này lại nói xọ sang chuyện khác. Cuốn sách phiêu lưu của em Huyền chíp hồi lâu lâu thấy mọi người bình luận rôm rả, khen nhiều, chê cũng lắm. Mình chưa đọc nhưng nghĩ rằng em ấy trẻ, có gan lên đường kiểu thế thì nhất định không phải là người thường, dù có thật là chỉ với 700 usd hay nhiều hơn thì vẫn là điều đáng nể. Nhiều khi mình là người bình thường, trí nhỏ, chí cũng nhỏ, không thể dùng hệ quy chiếu của mình để đo người khác. Chỉ mong em Huyền chíp đừng làm những việc trái luật dù nhỏ như kiểu vì không có tiền nên đi xe trốn vé, hoặc giả mạo giấy tờ, vì mình ủng hộ chí của em nhưng không ủng hộ thói quen lách luật, coi thường pháp luật, là một trong những lý do chính khiến người mình bị kỳ thị ở nước ngoài.

Nhân chuyện này lại xọ sang một chuyện khác nữa. Một bà mình biết, dân Ý giàu truyền đời, gia đình bà ta từng sở hữu đất đai rộng lớn của cả một vùng, giờ chồng bà ta đang giữ vị trí đầu trong một công ty công nghiệp nặng của Ý tại UAE. Bà ta kể trong công ty của chồng bà ta có một nhân viên người Ấn độ, đã làm trong công ty 19 năm, vị trí trà nước quét dọn gì đó. Một hôm ông ta bị thông báo rằng hợp đồng của ông ta sẽ không được gia hạn nữa và ông ta sẽ phải hồi hương. Chồng bà ta rất quý người đàn ông này nên có cho riêng ông ta một món tiền. Sau đó thì ông ta lại nhận được quyết định được ở lại làm tiếp, không phải hồi hương nữa. Buổi sáng hôm sau, chồng bà ta thấy ông ta rụt rè xin gặp. Hóa ra ông ta nhất định đòi trả lại bằng được phong bì tiền mà sếp đã cho riêng, ngay cả khi sếp bảo “không sao, anh cứ giữ lấy”, mặc dù ông ta hẳn là nghèo lắm. Mình nghe xong câu chuyện này thì nghĩ bụng ờ, da màu có lợi thế của da màu chứ tưởng. Hội tư bản quen với việc dân da màu thiếu văn minh, tệ nạn, tham lam, gian dối, nên một hành động chỉ cần đẹp tí thôi sẽ được chúng nó tung hoa nhiệt liệt. Nhưng nói nghiêm chỉnh, mình cho rằng nếu trong cuộc sống mình hành xử với lòng tự tôn kiêu hãnh thì ngay cả những người vốn đầy kỳ thị rồi cũng sẽ phải tâm phục khẩu phục.

Lại xọ thêm một chuyện nữa. Một bà người Iran lấy chồng người UAE, rất giàu có, là chủ của chuỗi spa đắt tiền ở đây, có lần ăn trưa cùng đã bảo mình rằng “tôi có một nhân viên người VN mà tôi rất quý và rất tin tưởng. Cô ấy thông minh, trung thực, chăm chỉ, học việc nhanh đến mức chỉ sau một thời gian ngắn tôi đã đưa cô ấy lên hàng quản lý. Cũng chính vì cô ấy mà tôi rất thích VN và quyết định sẽ đi du lịch VN”. Lạy Chúa tôi, hy vọng bà bình yên trở về.

Thôi xọ nốt chuyện nữa rồi nội trợ xin phép đi chợ. Thành Rome. Hai vợ chồng chỉ ghé Rome đúng một ngày, để làm bao nhiêu việc. Quá giờ trưa, ghé vội vào một quán bar bên đường mua bánh mỳ. Ở Ý bar là nơi dân tình đến ăn sáng ăn trưa và uống cà phê tán gẫu chứ không phải là nơi uống rượu nhảy nhót như ở nhà. Hai vợ chồng chỉ có đúng 15 phút ăn trước giờ ngân hàng mở cửa, vào làm việc nốt với ngân hàng để còn chạy tới một cuộc hẹn khác rồi chạy ra sân bay. Vừa bước vào quầy bar đã thấy bà cụ đứng sau quầy thu tiền cứ nhìn nhìn. Gọi bánh mỳ xong, hai vợ chồng đang ngồi đợi tranh thủ ngắm người qua lại thì cụ già lúc nãy đi ra, mang một đĩa đồ ăn mời, rất dịu dàng bảo “Tôi làm nóng lại cho anh chị đấy, anh chị ăn đi trong khi chờ bếp làm bánh mỳ. Anh chị đúng là một cặp rất đẹp đôi”. Lúc hai vợ chồng chuẩn bị đi, chồng chạy vào trả tiền, cụ còn chạy ra cho mình một cái kẹo sô cô la và tranh thủ vuốt má mình một cái rất trìu mến. Một người có tuổi, sống ở Rome, lại có công việc như vậy, chắc chắn không phải là người đi nhiều biết nhiều tâm hồn rộng mở chấp nhận sự khác biệt, vậy mà vẫn có thể dịu dàng như vậy với một người da vàng mũi tẹt không quen biết chỉ ghé vào mua bữa trưa có vài đồng bạc, thì mình tin rằng bị kỳ thị hay không phần lớn là ở chính bản thân chúng ta mà thôi.

Và thế thì may quá, vì thay đổi bản thân thì dễ hơn thay đổi người khác nhiều lần.

Saturday, June 21, 2014

Lại chuyện kỳ thị

Cách đây mấy năm có lần có em bảo chị ơi, hôm nào chị viết về kỳ thị đi chị. Hôm nay nhân thể viết cho em luôn.
 
Tại một event, một cô gái trẻ người Philippines, kéo mình ra một góc mặt mũi rất băn khoăn “Tôi hỏi chị như này, chị chắc gặp gỡ nhiều người lắm, thế chị có hay gặp người phân biệt chủng tộc không? Bạn tôi, cũng người Philippines lấy chồng Ý, bảo nó toàn bị ngồi một mình, phụ nữ Ý không ai nói chuyện với nó. Bản thân tôi cũng bị như thế. Chị có bị như thế không?”. Mình bảo “Nếu họ biết tôi là ai thì không, nhưng nếu họ không biết tôi là ai thì thỉnh thoảng tôi cũng bị. Chị lấy chồng tây thì phải chấp nhận một thực tế rằng họ da trắng, mình da vàng, và trong số họ chắc chắn sẽ có người kỳ thị dân da vàng. Nhưng chồng mình không kỳ thị, thế là đủ”. Con bé mặt mũi vẫn băn khoăn nhưng mình chẳng muốn nói dài dòng hơn với nó.
Thật ra mình cho rằng việc bị ngồi một mình không ai nói chuyện cùng có rất nhiều lý do chứ không hẳn là kỳ thị. Lý do thứ nhất là ngôn ngữ. Dân Ý ít người giỏi ngoại ngữ, và đã tán chuyện thì ai chẳng thích dùng ngôn ngữ mình thoải mái nhất chứ lại dùng ngôn ngữ bập bẹ thì làm sao thoát ý. Chính vì thế nếu mình không giỏi tiếng nó thì việc nó ngại nói chuyện với mình là điều hiển nhiên. Chưa kể nhiều khi tiếng Anh mình cũng bập bẹ, thế thì tán chuyện kiểu gì?

Lý do thứ hai là mình đã không giỏi tiếng lại còn bị động cứ mong chờ có người đến tiếp chuyện mình. Mình đã là dân ngoại đạo lại còn ngồi ôm cây đợi thỏ thì đời nào thỏ mới tới?

Lý do thứ ba, ngay cả khi mình chủ động ra bắt chuyện với thỏ mà thỏ chỉ vài phút là kiếm cớ chuồn, thì lại phải xem mình đã trang bị đủ kiến thức để có thể duy trì một cuộc nói chuyện thú vị hay chưa, chứ đừng vội quy ngay ra là thỏ kỳ thị. Nhiều cô thực sự là không thể nói được chuyện gì ngoài quần áo váy xống, đồ hiệu, ăn chơi nhảy múa và chòng ghẹo đàn ông.

Lý do thứ tư là nhiều người tự làm cho người khác kỳ thị rẻ rúng hoặc đề phòng mình ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cụ thể là những cô gái Á ăn mặc đỏm dáng khêu gợi trên mức cần thiết và đặc biệt là sai hoàn cảnh, tôn chỉ sexy lên hàng đầu, váy quá ngắn, quá bó, hở quá bạo, phấn son tóc tai lòe loẹt, cộng thêm phong cách nói chuyện cười cợt lí lắc thái quá khiến đàn ông mắt càng sáng lên thích thú bao nhiêu thì đàn bà mắt càng tối lại dè chừng bấy nhiêu. Như cái cô Philippines mà hỏi chuyện tôi, có mặt trong một event trọng thể như vậy mà mặc cái váy ở trên thì ngoi ngóp mới tới nửa ngực và ở dưới thì phải kéo mà cũng chỉ tới nửa đùi. Nói chuyện có một tý mà thấy cô ấy cứ loay hoay đưa tay kéo váy lên che ngực rồi lại kéo váy xuống che chân suốt.

Tương tự, có một cô Philippines khác, mới gặp tôi nói chuyện lần đầu mà trong câu chuyện của cô ta tôi không đếm nổi bao nhiêu từ sexy. Chắc đàn ông tây chúng hay khen ngợi cô sexy nên cô tưởng trên đời cứ phải sexy mới được, và sexy được một cái là ổn roài, khỏi lo chi nữa. Trong mắt tôi, đàn ông khen trực diện phụ nữ sexy là không đứng đắn, không lịch sự và là đồ vớ vẩn, trừ khi đang ở trong phòng ngủ.

Còn nếu không phạm vào lỗi nào ở trên, mà vẫn bị kỳ thị rõ ràng, thì kemeno, phải chấp nhận nó như một thực tế cuộc sống. Cũng may những người thật sự phân biệt chủng tộc này không có nhiều và mình thường không bị bắt buộc phải giao tiếp với họ. Chẳng phải nước nào cũng văn minh như Mỹ, mà ngay cả ở Mỹ, văn minh quá nên nhiều anh chị da đen được đà toàn làm quá, cứ như mang cái da  đen của mình đi bắt vạ người khác.

(còn tiếp)

Tuesday, June 17, 2014

Thần đồng là thằng đần

Ông con trai đi học về mở cặp lôi ra tờ Big Maths được điểm 10 đỏ chót, lẳng lặng để  ra trước mặt mẹ. Mẹ ông trầm trồ “con trai mẹ giỏi quá”. Ông được thể khoe thêm “Lê là người đầu tiên trong lớp được lên level toán 4”. Mẹ công nhận con trai mẹ thông minh, tư duy toán tốt. Ngồi học với mẹ, mẹ chỉ đến đâu ông hiểu đến đấy, mẹ nhàn tênh. Nhưng mẹ chỉ học cầm chừng với ông 3 lần một tuần, mỗi lần nửa tiếng.
Ai thích thần đồng thì không biết chứ mình thì rất sợ thần đồng. Mình thấm thía câu thần đồng là thằng đần hơn ai hết. Mình cho rằng não người có chừng ấy cell, quá giỏi cái này thì sẽ quá khờ cái khác. Mà toàn giỏi những cái không giỏi cũng chẳng chết ai, và khờ đúng những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, không có những kỹ năng này thì chết bản thân đã đành mà làm chết luôn cả những người xung quanh. Thằng em mình hồi bé nổi tiếng thần đồng. Đi học về không bao giờ đi đường bình thường mà toàn rẽ ra phía sông để đi trên đường tàu. Đang đi kiểu thế mà tàu chạy tới chắc nó chỉ còn nước nhảy xuống sông để tránh. Đấy là nếu nó nhìn thấy tàu, chứ còn mải mê nghĩ toán không nhìn thấy thì chắc bị cán thành bánh tráng. Mẹ mình mỗi lần được các bà đi chợ báo con trai bà lại đang đi trên đường tàu kia kìa là tức tốc bỏ làm chạy ra đường tàu lôi nó về. Khổ không lời nào kể xiết. Giờ mình cũng đang có hân hạnh được làm vợ của một người hồi bé cũng là thần đồng, mặc dù có lẽ mới thần đồng ở mức độ nhẹ. Ngài giỏi đến mức mẹ ngài phải cho ngài đi học sớm một năm. Rồi vì ngài giỏi quá, vượt xa các anh chị trong cùng lớp quá đến nỗi trường nó lại trả ngài về. Giờ ngài đã già, khả năng thần đồng thì đã biến mất nhưng di hại của thần đồng thì vẫn còn nguyên, cái sự ngáo ngơ lẫn lộn lật đật nhiều khi không bàn phím nào tả nổi. Thế nên mình cứ nghe đến hai chữ thần đồng là sợ vãi tè. May quá 3 đứa con không đứa nào thấy có nguy cơ bị thần đồng.
Trước giờ đi ngủ, mẹ ôm ông con trai tâm sự “Con trai ơi, con có biết ước mơ của mẹ là gì không?”. Ông trả lời tắp lự, giọng đều đều “Lê biết, là Lê được black belt karate”. Cái giọng chán đời bất mãn của ông làm mẹ phì cười “ừ, mẹ không bắt con cái gì hết, nhưng riêng cái này là mẹ cứ bắt đấy, hiểu chưa?”.
Lại nói chuyện hồi ông được giải Star writer tức là giải viết văn, mẹ tò mò đến trường tìm đọc bài viết đoạt giải của con. Ối giời ơi, cái gì mà “Sàn nhà kêu cót két. Cánh cửa chăng mạng nhện. Mở ra, trong phòng có một vũng máu. . .”. Mẹ điên quá “từ bây giờ mẹ sẽ chọn sách cho ông đọc, không cho ông tự chọn những thể loại sách ngáo ngơ nữa ông nhé”, và bị ông bảo luôn “mamma nháo nhơ thì có”. Ông cãi thì giỏi lắm nhưng được cái sáng nào đi học trước khi ra khỏi cửa đều cố nói vọng lên một câu “mamma ơi Lê yêu mamma lắm”, làm mẹ có khi đang ở tít trong nhà vệ sinh cũng phải ba chân bốn cẳng chạy mải ra.
Nhưng mà ông lớn quá rồi, chỉ ôm mẹ hôn hít ngọt nhạt vài câu thôi rồi ông tót đi với bố ông, để mẹ ngồi trơ thân cụ nhấp nhỏm mong ông về. Ông đi bắn cung về, một cánh tay thẳng đuỗn bên sườn, đi thẳng vào nhà, đến thẳng chỗ mẹ, mặt vừa bẽn lẽn vừa tự hào, khoe cánh tay bị bắn trúng đỏ lừ lên một vệt. Lần khác, ông đi lái xe đua, mải lái thế nào dây mũ bảo hiểm cứa sứt cổ cả một vệt dài. Mẹ sợ nhất một ngày bố ông sẽ lôi ông vào những trò mạo hiểm, ngã một mình chắc không đủ nên phải kéo cả con vào ngã cùng cho vui.
Hôm kia mẹ đến trường. Cuối năm phụ huynh được mời đến trường xem sách vở bọn trẻ con học hành trong cả năm. Mẹ đến sớm, đứng vơ vẩn đợi không biết làm gì nên lại ra đọc bảng tin. Ô, con trai mẹ tuần trước lại đoạt giải star writer nữa. Mẹ tò mò căng mắt đọc những hàng chữ như mèo cào chó cấu, trời ơi lại toàn khủng long, rồng rắn, máu me, kiếm hiệp, lại còn ký tên Nhà rồng học Alessandro. Thế mà lúc họp xong, mẹ viết comment rồi ký tên “Mẹ của nhà rồng học” thì còn bị ông dỗi. Trêu ông thế thôi chứ mẹ tự hào về ông lắm. Mẹ cũng vừa biết con trai mẹ là một trong 3 học sinh trong lớp được gửi lên học toán cùng các bạn lớp 4 từ bao giờ. Chắc vì các ông khá quá so với các bạn cùng lớp, cô giáo sợ để học chung dễ quá các ông lại quậy nên phải cho lên học cùng lớp trên cho thử thách.
Nhưng mà mẹ đã nói rồi đấy nhé, mẹ không cần học sinh giỏi, không cần 10 toán, không cần giải văn, không cần nhất lớp. Mẹ chỉ cần ông nhất đẳng huyền đai karate cho mẹ. Mỗi lần mình chuyển nhà, đến nước mới, vào trường mới, đứa nào bắt nạt ông ông chỉ cần giơ chân đá cho nó một phát bay ra ngoài cửa sổ là được.
Mẹ yêu ông khủng khiếp lắm.
 
PS Hồi lâu lắm bên blog cũ có bạn tìm được đường link bảng thành tích của cuộc thi toán quốc tế IMO 1998, có tên toàn bộ những thí sinh quốc tế đã tham gia cuộc thi năm ấy cùng huy chương, trong đó có em trai mình được huy chương vàng. Mình không giỏi google nên giờ tìm mãi không ra. Bạn nào tìm lại hộ mình được không, inbox cho mình trong facebook cũng được. Mình cảm ơn nhiều.

Monday, June 16, 2014

Con nhà tông giống cả lông lẫn cánh


Mấy tuần trước, con gái đi học về khoe từ cửa “mamma, hôm nay La được math champion. La beat cả bạn giỏi nhất lớp về toán”. Mẹ lác mắt, có thế chứ, gene toán cuối cùng cũng phát huy tác dụng. Mẹ mới hỏi vẻ tò mò “thế bài toán thế nào mà con thắng được bạn?”. “Câu hỏi là trước chủ nhật là ngày gì?, và một năm có bao nhiêu tháng, một tuần có bao nhiêu ngày?”. Trời, toán mới chả tiếc, thế mà mẹ lại đang tưởng bở con nhà tông không giống lông cũng phải giống cánh.

Mấy hôm sau đó, con gái bảo “mamma, La phải test với lớp khác. Cô bảo mamma phải học với La”, ý là nhất lớp rồi thì giờ phải cạnh tranh với các lớp khác đặng còn giành giải nhất trường. Mấy hôm liền mẹ bận tối mắt từ trưa đến tận đêm, không có thời gian tập luyện bài vở với con. Sáng tinh mơ con gái vào phòng mẹ khều khều “mamma phải học với La, La phải test với lớp khác”. Mẹ buồn ngủ chết đi được mà vẫn phải ngồi dậy luyện toán với con. Mấy hôm liền đều vào dựng mẹ dậy học cùng như thế. Mẹ mừng thầm, có vẻ con gái mẹ cuối cùng cũng bắt đầu thích học. Ai dè được đúng 3 hôm thì mất hút. Mẹ không thấy con gái ỏ ê gì nữa nên lại chào mời “con gái mẹ muốn học bài với mẹ không?”, và bị con gái nói gọn lỏn, mặt tỉnh bơ như củ khoai lang “La test xong rồi, không cần học nữa”. Mồm mẹ há ra không ngậm lại được. Thôi chết rồi, cái trò đến lúc thi mới cong đít học và thi xong một cái là lại thôi không cần học nữa nghe rất chi là quen. Mình nhiều gene tốt lắm mà sao cứ lặn đi đâu hết, toàn gene xấu thì lại trội ơi là trội, chuyển hết sang cho con thế này???

Con gái test xong rồi thì không được hay sao đó, mẹ cũng chẳng cần hỏi vì được thì đã khoe ầm ĩ và bắt mẹ đến tận nơi dùng điện thoại chụp lại bảng thành tích. Thế là sự nghiệp champion được ăn may đúng một lần rồi mất hút con mẹ hàng lươn. Được cái con gái tính tình có vẻ rất lạc quan, đang ở nhóm dưới các bạn nhất lớp tận 2 bậc nhưng con gái bảo 2 bậc thì cũng gần, chả khác nhau bao nhiêu. Mẹ nghe xong mồm lại há ra không ngậm lại được. Để lên được một bậc có khi phải mất 3, 4 tháng học hành tấn tới của con nhà người ta, 2 bậc là bằng cả năm học, mà con gái lại bảo chả khác nhau bao nhiêu. Cái tính lạc quan tếu này là của ai, của ai, của ai???

Còn em bé bé nhất nhà thì hiện tại có vẻ hài lòng với vai trò trợ lý cho cô giúp việc. Hàng ngày cô ấy lau chùi dọn dẹp, em cũng xin cái khăn đi lau loanh quanh trong nhà, lau chăn, lau đệm, lau cả cẳng chân mẹ đang ngồi máy tính, rất nhiệt tình. Hôm nay mẹ đi ra ngoài về, thấy cô ấy đang tung tăng hút bụi đằng trước, em hì hục đằng sau đẩy hộ cô ấy cái máy hút bụi. Cô ấy đi một bước em đẩy cái máy hút bụi líu ríu theo một bước. Mẹ ngắm em rồi chẹp miệng bảo “năm sau em bé của mẹ đi học mất rồi, ở nhà chả có ai phá nữa chắc mẹ buồn lắm” thì bị em trả lời gọn lỏn “Ang na không thíc đi hoọc”.

Hôm nọ mẹ bảo “em cho mẹ mượn cái quạt” thì bị em bảo “Đây là phang (fan) chứ không phải quạc”. Như bình thường chắc mẹ còn bị thêm câu “mamma không biếchếc”. Mỗi ngày mẹ bị bảo “không biết gì hết” dăm ba lần.
PS con chị suốt ngày mơ có một con chó con. Mẹ kiên quyết từ chối. Mẹ bảo nhà mình chuyển nhà suốt, bỏ lại chó thì không nỡ mà mang theo thì quá mệt. Thế là nó có sáng kiến tròng tai nghe vào cổ em và dắt em đi chơi cái kiểu này. Thế mà em cũng thích, vừa bò lịch kịch theo chị mồm lại còn giả vờ sủa gâu gâu.

Sunday, June 15, 2014

Back to square one


Hôm nay mình cho chú bếp người Ấn độ nghỉ việc. Mình cũng đã cố gắng lắm nhưng cuối cùng chịu hết nổi chú ta.

Chú ta có một hình thức mình cứ ngơi mồm một cái là nhếch nhác không tả được nhưng tác phong còn nhếch nhác trầm trọng hơn. Nhìn chú ta rửa quả bí xanh mà mình lộn tiết. Tay to đùng, quả bí bé tí, chú ta nắm quả bí lọt thỏm trong bàn tay và dí tay vào vòi nước, ngửa tay úp tay 2 lần, vẩy vẩy, thế là xong. Có lần mình muốn nấu súp rau củ minestrone là loại súp rau tổng hợp rau cắt vuông. Như người bình thường là phải rửa rau sạch sẽ, bao giờ gần nấu thì mới cắt. Đây chú ta cắt nát rau ra từ sáng, để chỏng chơ khô héo đấy, đến trưa mới rửa. Rau cắt nát quá rửa xong vớt bằng tay lên không xuể phải lấy rổ để vớt như nông dân vớt bèo. Mà mình biết thừa có mình ở đấy soi nên chú ta mới rửa, chứ không có mình là rổ rau cắt nát đấy cùng lắm là được tráng qua tí nước rồi ụp vào nồi luôn. Mình ăn toàn rau mà chú ta cho mình ăn bẩn thế này chắc mình phải tẩy giun sớm.

Rồi đến chuyện xào nấu, mình nói rất nhiều lần là không được để lửa quá to vì dầu cháy sẽ mất vị, có mùi khó chịu và độc hại, đồ ăn sẽ mất dinh dưỡng, thế mà chú ta toàn để lửa đùng đùng nấu cho nhanh, cháy khét vàng khè nhũn nát hết cả, từ xoong chảo đến đồ ăn. Nấu thật nhanh để còn tót về phòng ngủ hoặc tót ra ngoài đi chơi. Nhanh quá nên bát đĩa cốc chén vỡ rất nhiều, đi mua lại liên tục, và sứt mẻ không chừa một cái nào từ to đến nhỏ.

Chuyện ăn uống của bọn trẻ con mình cũng suốt ngày phải kiểm tra, vì hở ra là chú ta cho chúng nó ăn dưa chuột và cà rốt sống, để đỡ phải nấu nướng. Nói mãi không được mình đành phải viết thực đơn từng bữa và kiểm tra liên tục. Rồi chuyện nấu nướng dùng ít dầu và hạt tiêu thôi cũng biến thành một cuộc chiến quyết liệt vì bất kể mình nói bao nhiêu lần, đồ ăn dọn lên vẫn ngập dầu và hạt tiêu lổn nhổn, bọn trẻ con hai tháng đầu chú ta mới làm bữa nào cũng ôm mồm khóc lóc. Ngay chuyện nấu nướng nếu dùng tỏi thì trước khi bưng đồ ra bàn phải lấy tỏi ra để người ăn không ăn phải, mình nói không biết bao nhiêu lần trong suốt 8 tháng chú ta vẫn không chuyển. Giờ mình chịu thua, đành phải dùng hạ sách không mua tỏi nữa cho chú ta khỏi dùng.

Chưa kể chú ta còn mắc bệnh đãng trí. Đãng trí đến mức ăn xong cho luôn đĩa bẩn vào tủ vì quên rửa. Mình thấy chú ta đãng trí quá, nhiều lần quên nên phải chạy đi chạy lại quá, nên bắt chú ta phải viết đồ cần mua ra giấy cho khỏi quên. Thế mà có lần mình muốn làm barbecue, bảo chú ta kiểm tra kho xem còn gì hết gì rồi lên danh sách đồ cần mua để mình đi mua, kiểu như than củi, que xiên, các loại thịt, các loại rau dưa và gia vị. Chú ta đưa mình tờ giấy nhàu nhĩ, mình cả tin cầm đi luôn không kiểm tra. Đến siêu thị, mở ra, tờ giấy ghi nhõn dòng chữ “barbecue items” to như con gà mái ghẹ. Điên hết cả lòng mề.

Mình đã phải kiên nhẫn nhắc nhở chỉ dẫn, mình không phiền không nổi điên thì thôi, đây chú ta lại dám bảo biết hết rồi không cần ai phải dạy, mình nói nhiều, mình khó tính, căng thẳng thế này chú ta không thích làm. Nghe thế thì mình bảo anh không thích làm tôi cho anh nghỉ luôn, cho anh có cơ hội đi tìm việc anh thích, thì lại “madame cho tôi một cơ hội nữa, tôi sẽ cố gắng hết sức”. Hết sức cái khỉ gì đâu, vẫn nấu nướng vớ vẩn đại khái, ai nói đến là mặt sưng vù lên, bẩn vẫn hoàn bẩn, ẩu vẫn hoàn ẩu, lười vẫn hoàn lười, cộng thêm cái tính ca thán nói xấu, khoác lác và thó cả đồ ăn trong tủ lạnh của mình với cấp độ tăng dần.

Công việc cũ cho chủ Ả rập của chú ta,  6 người cả nấu bếp cả lái xe ngủ chung trong một căn phòng nhỏ tí tẹo, sáng ra xếp hàng trước cái toilet chung, làm việc 7 ngày một tuần, quanh năm không có ngày nghỉ, quần quật nấu nướng phục vụ hàng chục người mỗi ngày, nấu xong nhà này bị chở đến nhà khác nấu tiếp, lương thấp, đồ ăn thì ăn thừa ăn lại của nhà chủ thậm chí phải ăn đồ hỏng. Ở nhà mình, được có phòng riêng, bếp riêng khang trang, công việc nhẹ nhàng nấu ăn chủ yếu cho 3 đứa trẻ con, lương cao, tiền ăn mình phát riêng, tuần nghỉ 1 ngày, ngày nào cũng có giờ nghỉ sáng nghỉ trưa mỗi lần ít nhất 2 tiếng, mà vẫn tìm cách xà xẻo thêm, kiếm cớ làm việc qua loa để đi ngủ thêm, và tuần nào vợ chồng mình ăn ở nhà hơi nhiều là chú ta ra nhà sau ca thán.

Phải động đến nồi cơm của chú ta, nói thật mình rất phiền lòng. Nhưng rồi mình nghĩ, nếu nồi cơm của họ quan trọng thế với họ, thì hẳn thái độ của họ với công việc phải rất khác. Ở đời không thể trông mong vào sự thông cảm rộng lượng của người khác, còn bản thân mình thì cứ ỳ ra, mãi được.
 
PS May quá chú lái xe và cô giúp việc thì lại có vẻ rất được

 

 

Thursday, June 12, 2014

Hang cáo


Ảnh; quái vật hồ Ness.

Lần này mình và ngài về Ý để dự đám cưới con trai một đại gia Dubai. Đám cưới diễn ra tại khách sạn boutique Cala di Volpe nằm trên bờ biển nước xanh màu ngọc lam của hòn đảo Sardinia xinh đẹp, hòn đảo lớn nhất nhì trong Địa Trung Hải. Giới nhà giàu Dubai thích tổ chức đám cưới ở châu Âu, nhất là ở Ý. Tháng 6 nhà mình được mời cả đám cưới ở Rome lẫn ở Mykonos, Hy Lạp, nhưng chỉ đi được đám cưới ở Sardinia này thôi.

6h30 sáng phải ra sân bay mà đi event đến 2h sáng mới về tới nhà, vội vã đóng hành lý rồi đi ngủ. Vội quá hay sao mà quên tất tần tật, hèn gì vali nhẹ hều, xẹp lép. Đến nơi, lúc cần chải đầu thì phát hiện quên lược, cần đi ngủ thì phát hiện quên pijama, cần ra bãi biển mới phát hiện quên dép lê, cần đi lượn mới phát hiện chỉ mang mỗi quần áo event mà quên mang quần áo bình thường. Tệ hơn cả, còn nửa tiếng nữa thì đám cưới diễn ra, mình mới phát hiện rằng váy dài thì có mang nhưng lại quên váy lót. Trời ơi giờ phải làm sao, không có váy lót thì nhìn xuyên thấu. Ngài nhanh nhảu “anh cho em mượn quần lót của anh này” . Không nhìn mặt ông cực kỳ nghiêm trọng và lo lắng thì mình tưởng ông đùa. Vì quần lót ông mặc vào, thứ nhất là 5 phút sẽ tụt xuống tận đầu gối mình, thứ hai là nó lại ra một khúc trắng tinh chẳng ăn nhập gì thì thà xuyên thấu còn hơn. May quá làm sao mình lại mang một chân váy ren đen, thế là vội vã mặc đại vào bên trong. Người chia thành mấy khúc, khúc có váy thì đen nhiều khúc không có váy thì đen ít.

Đến phần trang điểm cũng buồn đời. Kem nền chỉ thích hợp cho khí hậu nóng ẩm ở Dubai chứ không thích hợp khí hậu châu Âu khô ráo nên mặt mình nhăn như vỏ táo héo. Đã thế lại còn không có kem dưỡng ẩm nên mình chả biết phải làm sao, đành hạn chế cười sợ nếp nhăn tạo thành rãnh. Lọ kẻ mắt cũng bị khô từ đời nào, chọc chọc kẻ kẻ mãi không ra hồn. Mascara còn khô hơn. Thực ra từ trước giáng sinh cách đây 6 tháng mình đã bảo phải đi mua mascara mới nhưng tại thấy dùng cố vẫn được và cứ bận nọ bận kia nên toàn lần lữa. Đến giờ thì nó đã khô đến mức không chấp nhận nổi, chuốt xong mascara một cái mà má mình lốm đốm những hạt mascara đen đen khô khô từ mi rơi xuống. Rơi xuống má còn đỡ, thỉnh thoảng nó còn rơi vào mắt, làm mắt cứ rơm rớm như đang uẩn khúc điều gì.

Còn quên thêm một thứ nữa là clutch. Thế là nhởn nhơ đi tay không, đút điện thoại vào túi chồng. Được cái hình như tại mặc 2 váy dày cộp nên đến tối lúc thiên hạ nhăn nhó co cúm vì lạnh thì mình vẫn nhởn nhơ lượn lờ chả có dấu hiệu gì rét mướt.

Chồng chán đời con vợ Thị Nở vì bất kể tình hình bi đát, ra đến đám cưới một cái, nó nhìn quanh rồi mừng húm thì thầm vào tai chồng “May quá đến phút cuối em lại quyết định không mang cái váy hồng phấn, chứ không mọi người lại tưởng em là người của công ty tổ chức sự kiện. Anh thấy may không?”. Chẳng là đám nhân viên của công ty tổ chức sự kiện tối đó lại mặc đồng phục màu hồng phấn.

Đám cưới diễn ra trong bối cảnh đẹp như thơ. Cala di Volpe không hổ danh là một trong những khách sạn đẹp nhất thế giới. Những dãy nhà màu hồng phai, bãi cỏ xanh ngắt, trời xanh biếc, biển xanh ngọc, cổng hoa tuyệt đẹp kết rất kỳ công của một công ty florist bay từ London sang, và những váy áo và ô ren lộng lẫy của đám khách mời.

...May you have enough happiness to keep you sweet

Enough trials to keep you strong

enough sorrow to keep you human

Enough failure to keep you humble. . .

Trong tiếng chúc phúc rì rầm, tiếng đàn guitar cất lên, những nốt hờ hững mà ấn tượng,

Love is not a victory march.

It’s a cold and it’s a broken Hallelujah.
 
 
Love is not a victory march.
It’s a cold and it’s a broken Hallelujah...
 

Tuesday, June 3, 2014

I didn’t know who is she

Một em viết thư hỏi “chị ơi câu này em đọc trên facebook hoa hậu Thùy Dung, “I didn’t know who is she. Anyway I don’t care at all”, câu I didn’t know who is she là sai hoàn toàn đúng không, vừa sai trật tự vừa sai về thì”.

Chị trả lời như sau; sai về trật tự. Câu này có nghĩa “tôi chả biết cô ta là ai”, “cô ta là ai” không phải là câu hỏi nên không được đảo trợ động từ lên trước chủ ngữ. Như vậy trật tự đúng của nó phải là I didn’t know who she is. Còn lại câu này không sai về thì. Về lý thuyết, trong tiếng Anh, các động từ trong cùng câu phải hợp thì với động từ chính.
Ví dụ, he is saying he will go away at 5pm (hai thì gạch chân là hiện tại tiếp diễn, tương lai đơn)
he said he would go away at 5pm (quá khứ đơn, tương lai trong quá khứ)

Tuy nhiên, khi sử dụng, việc đặt động từ ở thì quá khứ hay hiện tại lại phụ thuộc vào ý nghĩa thực tế của câu nói. Tức là nếu nội dung vẫn còn đúng ở thời điểm hiện tại thì động từ có thể để hiện tại ngay cả khi động từ chính ở quá khứ, còn nếu không đúng nữa thì phải để ở quá khứ theo quy tắc thông thường. Bằng cách dùng động từ ở quá khứ hay hiện tại, ta ngụ ý với người nghe thông tin ta đang chuyển tải vẫn còn đúng ở hiện tại hay đã là chuyện của quá khứ.
Ví dụ, I didn’t know she was the most famous model in Vietnam (người nghe nghe thế thì phải hiểu là giờ cô này không phải là người mẫu nổi tiếng nữa)
Nhưng lại có thể nói I didn’t know she is the famous ex wife with the famous lawsuit against her ex husband (người nghe nghe thế thì phải hiểu là cô này hiện đã ly dị và đang rất nổi tiếng với vụ kiện tụng với chồng cũ).

Tương tự, ai cũng biết mẫu giả định thức không có thực trong quá khứ, theo lý thuyết, là (if) had done, would have done. Nhưng trong khi sử dụng mẫu này không phải luôn đúng.
Ví dụ,
I was the shortest in my class. If I had drunk a lot of milk, I would have been as tall as my classmates (Hồi đi học tôi lùn nhất lớp. Giá mà tôi chăm uống sữa thì chắc hồi đó cũng sẽ cao chẳng kém các bạn trong lớp)
Nhưng lại phải nói
If I had drunk a lot of milk, I would be much taller (giá mà hồi bé tôi chăm uống sữa thì giờ có phải tôi đã cao hơn nhiều rồi không)

Như vậy việc dùng thì của động từ như thế nào phải dựa vào thực tiễn và ngụ ý của người nói chứ không phải cứ áp công thức cứng nhắc vào là đúng. Nhưng cô Thùy Dung thì không có ngụ ý gì hết, cô ấy sai thì căn bản, mà đúng thì tình cờ.

Hope that helps. Ngoài ra, theo chị, nếu em chỉ quan tâm đến câu tiếng Anh thôi thì không sao, chứ việc bỏ thời gian theo dõi nhất cử nhất động facebook đời tư của mấy cô này rồi mang đi bàn tán là một việc hiếu kỳ vô ích và buồn cười. Em dùng thời gian đó vào việc trau dồi bản thân thì có ích hơn đấy, chị nói thật.

Monday, June 2, 2014

2/6/2014


Trời bắt đầu rất nóng. Nóng và ẩm, hơi nước cứ ngùn ngụt. Đứng event một buổi ngoài trời mặt mày xây xẩm mặc dù chiều tối đã bớt nóng rất nhiều. May chưa ngã quay lơ trên giày cao gót không thì lại muối mặt. Chẳng hiểu ai có tối kiến tổ chức ngoài trời thế này. Khổ thân khách mời, mặt người nào người nấy bóng nhẫy.

Một đứa bạn mình, gặp nhau ở một buổi ăn tối, bảo “Tối qua tao nằm khóc. Nếu tao không bận đi event quá thì làm gì đến nỗi không biết con bị đuối môn Science và bị cô giáo cảnh cáo”. Cộng đồng nước nó ở Dubai rất đông và rất giàu có, tiệc tùng suốt ngày.

Mình thì hơn gì. Lịch events từ ba tuần nay đến tận ngày 5/6 kín đặc. Tối mùng 5 còn phải dự tiệc rất muộn mà sáng mùng 6 lại phải ra sân bay sớm. Quay lại Dubai thì lại tiếp tục guồng quay khủng khiếp các tiệc sinh nhật con được mời, họp phụ huynh ở trường, ngoại khóa của con, rồi events ở ngoài, events ở nhà, cứ thế đến tận cuối tháng 6. Đầu năm mình đã làm 2 cái event to to ở nhà, cộng thêm định tổ chức tiệc quốc khánh ở Dubai tha hồ mà giải ngân, nên chủ quan lơi lỏng chuyện mời khách ăn tối. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã đến tháng 6, tiệc quốc khánh cuối cùng lại không tổ chức ở Dubai, mình hoảng hốt với ngân sách tiếp khách bị ứ đọng mấy tháng qua. Mất mấy tháng hè không làm ăn gì được, nghỉ hè lại lo ngay ngáy, đến mùa thu lại đau khổ chuyện giải ngân cho mà xem. Cứ tính thời gian kiểu này, ngoảnh đi ngoảnh lại chưa làm xong việc đã hết một năm.

Dân Ý mắc bệnh hay phàn nàn, kiểu gì cũng phàn nàn được mới tài. Riêng vụ lễ quốc khánh, làm to thì bảo đang khủng hoảng, tiền không có, cắt giảm khắp nơi, tại sao lại phung phí tiền dân thế. Không làm thì bảo cả năm mới có lễ quốc khánh mà cũng không làm. Thôi thì không tổ chức lễ quốc khánh tại Dubai nữa, chỉ tổ chức một buổi ăn tối cộng đồng vui vẻ ai muốn đến thì đến, tại một địa điểm Ý rất nổi tiếng, giá rất ưu đãi, thì đứa giàu bảo không xứng tầm, đứa nghèo thì bảo sao mà đắt thế. Một bà lại còn nói thẳng với mình là không đến vì theo bà ta địa điểm đó không xứng đáng để tổ chức một buổi như thế. Bình thường mình chẳng phản hồi mấy lời chê bôi lẻ tẻ, nhưng mình biết bà này là thành viên rất tích cực trong hội tám của bà ấy, nên bận nhưng bỏ hẳn 1 tiếng hẹn uống cà phê với bà ta, nói cho một trận. Mình nói xong, bà ta bảo “thế thì tôi đến để ủng hộ chị”. Mình nói rất nhẹ nhàng “rất nhiều người đã đăng ký tham gia, bà thích đến thì đến chứ không cần đến để ủng hộ tôi”.

Tối nay lễ quốc khánh ở Abu Dhabi, khoảng 1300 người. Mình sợ ngày này nhất trong năm. Còn nhớ năm ngoái, lúc phải bắt tay đến không biết cái thứ bao nhiêu thì mình lên một cơn nhức đầu khủng khiếp thái dương giật giật. Bắt tay thì cầm nắm nhẹ nhàng dịu dàng là đủ roài, đây nhiều người vồ lấy tay người khác, bóp rõ chặt, lắc rõ mạnh, và lắc mãi không chịu bỏ ra.

Tối nay mặc váy gì nhỉ???

Ảnh; chú Bình Nguyên chụp ảnh thẻ để đi xin hộ chiếu Việt Nam