Friday, October 31, 2014

Đừng hát mãi nữa bản tình ca du mục

Tuần qua là một tuần bận khủng khiếp.

Thứ bảy con Anna bắt đầu ốm. Đêm nôn tóe loe bốn lần, giường đệm thê thảm. Đến hôm sau thì nó sốt. Đêm ngủ, cặp chân khẳng khiu nóng như que cời lò của nó quắp chặt lấy chân mình chắc cho mát, làm mình trằn trọc không thể ngủ được. Nó ốm chưa khỏi thì đến thằng anh cũng lây ốm, vừa nôn vừa sốt rừng rực. Mà cả 3 chúng nó lại được nghỉ giữa học kỳ, cả tuần ở nhà vừa phá vừa quấy.

Trong khi đó thì mình phải tổ chức 2 buổi lễ tân ở nhà. Một buổi cho các kiến trúc sư và các nhà làm nội thất. Có sự có mặt của một kiến trúc sư nội thất được mệnh danh là thiên tài và cả người thừa kế của một tập đoàn nội thất rất nổi tiếng. Buổi lễ tân kia còn quan trọng hơn vì có sự có mặt của bộ trưởng, con gái cựu nguyên thủ, tổng tư lệnh, đô đốc chiến hạm, và nhiều vị tai to mặt lớn khác. Mình bảo tổng tư lệnh khi đồ ăn dọn ra “Em xin lỗi các anh ăn cá suốt ngày mà em quên mất, lúc soạn thực đơn lại cho vào tận mấy món cá”. Anh ấy bảo “thực ra bọn anh không ăn nhiều cá đâu”. “Ơ, thế các anh không đánh bắt cá dọc đường à?”. Không biết bị mình trêu, anh ấy thật thà “Bọn anh có buộc một con cá nhựa vào cần câu và thả xuống nước, nhưng tàu đi nhanh quá nên không câu được con nào”. Cười chết mất với mấy ông lính tráng nghịch ngợm.

Người khách cuối cùng ra về, quay lưng, đóng cổng, lần đầu tiên hiểu được tâm trạng của chị bạn òa khóc khi ghi đĩa xong bài hát cuối cùng vì quá stressed.

Hôm sau lại phải lên chiến hạm dự buổi lễ tân của họ. Đô đốc chiến hạm bảo lính mở cửa trực thăng cho mình lên tham quan, đồng thời xung phong cầm hộ túi. Đứng trên trực thăng nhìn xuống, thấy ông ấy to đùng, quân phục trắng muốt, ngù vàng oai vệ, mà vai lại thèo đảnh cái túi bé tí của mình, không nhịn được cười. Buổi tối về chồng hỏi “có bao nhiêu thằng theo?”. Vợ thản nhiên trả lời “đằng nào dưới Tổng tư lệnh thì cũng không tính”. Chồng chán đời huýt sáo bài hát tự chế “vợ anh là người vớ vẩn”.

Hôm sau nữa lại phải đi dự gala của Vogue. Mình nhớ mới hôm nào đi dự buổi ăn tối này, thế mà đã một năm trôi qua. Vẫn địa điểm cũ, dưới chân Burj Khalifa, đài phun nước, gió lộng, và toàn sao xẹt. Bàn ghế thấp, bài trí theo kiểu hippy sặc sỡ lạ mắt. Khách mời đàn ông phải mặc black tie, phụ nữ phải stylish hippy. Ngài nhầm nhọt, mặc theo phong cách hippy lại còn tối kiến mượn chì đen của vợ vẽ sideburns nên trong khi mọi người đều lịch lãm thì ngài trông chả giống ai. Phần nhạc nhẽo năm nay chắc cũng lái theo phong cách hippy nên chán ốm. Ai lại thực khách đang ngồi giữa bàn tiệc lộng gió, mơ màng nghe Nessun dorma phát ra từ loa thùng, giọng Pavarotti, trên nền đài phun nước hoành tráng, thì ngã ngửa khi loa thùng tắt cái bụp, và một giọng nữ live cất lên “I’m punk” và bắt đầu hát ỏn ẻn “I broke my toe”. Cậu ngồi cạnh mình, quản lý của Gucci, thảng thốt ghé sang hỏi “nó vừa hát Tôi gẫy ngón chân hả chị, hay là tôi nghe nhầm?”. Cười một trận tưởng chết.

Sáng cuối tuần rảnh rỗi, bèn thảnh thơi mở rộng cửa sổ. Mùa thu rồi. Buổi sáng gió thổi mát. Đầu hồi chim sẻ loách choách. Dưới bãi cỏ mấy con chim chào mào cặm cụi nhặt nhạnh. Vườn xanh. Nắng nhạt. Phượng trút lá. Dạ yến thảo tím nở như sao. Ti gôn năm ngoái. Thảnh thơi mở blog, vừa nghe nhạc vừa uống cà phê trắng. White coffee là món của dân Lebanon thì phải, gọi là cà phê cho sang nhưng chỉ gồm nước nóng và mấy giọt tinh dầu hoa cam.
Quay lưng về phía xa xôi
Sau lần mãi chẳng gặp
Đừng hát mãi nữa bản tình ca du mục...

Monday, October 27, 2014

To sock or not to sock


Cách đây 2 năm, có cậu chủ một nhãn hiệu trang sức đến nhà mình vì mình muốn mua một món gì đó. Mình vẫn nhớ ấn tượng cậu ta ăn vận thật bảnh bao. Sơ mi trắng hoàn hảo, suit đen, giày đẹp. Đi đến giày đẹp là hiếm rồi, vì thường gặp nhiều người sơ mi và suit rất ổn, nhưng lúc ngó xuống giày là không đạt. Vì da giày không đẹp, đường khâu không đẹp  hoặc dáng giày lại dở hơi, ví dụ có cái mũi dài và cong lên như hài Alibaba, hoặc hình dáng móng guốc cục gạch vv và vv. Đây cậu này đi đôi giày rất đẹp, xi bóng lộn ruồi đậu lên chắc trượt chân ngã cái oạch. Mỗi tội lúc ngồi xuống cái sofa thấp, ống quần cậu ta hếch lên lộ ra cặp tất vằn ngắn ngủn.

Nhiều người mặc âu phục thường chỉ chú ý tới sơ mi, suit, cà vạt, thắt lưng. Đẳng cấp hơn nữa là đầu tư vào giày. Và thường không quan trọng phần tất vì nghĩ tất đã bị quần che đi chả ai thấy. Nhưng thật ra đi được tất đúng kiểu mới gọi là học cách mặc âu phục hoàn chỉnh. Trừ những người master về thời trang nên đủ tự tin để đi tất phá cách, người thường như chúng ta, chỉ có 3 màu tất cho âu phục, là đen, xanh blue thẫm trông gần như đen, và rượu chát. Nhiều người hay tưởng phải phối màu tất với màu giày, quan niệm thế là sai. Tất phải ưu tiên phối màu với quần trước rồi mới tới giày. Lý do là để nếu có giơ chân xoạc cẳng lộ tất thì chân cũng không bị chia thành 3 khúc, khúc quần, khúc tất lạc quẻ rồi mới tới khúc giày.

Tất cũng phải mỏng, không mỏng tới độ tất giấy của đàn bà nhưng cũng phải mỏng gần thế. Không gì chán hơn nhìn thấy một người đàn ông lịch lãm từ trên xuống nhưng tới chân lại đi đôi tất dày bịch, nong hết cả chiếc giày ra. Tất cũng phải đủ độ dài để kéo qua được bắp vế và ôm khít. Không ai đi giày tây mà ống quần vô tình hếch lên lại hở ra cái cổ tất ngắn ngủn và do đó lộ cẳng chân hoặc đen đúa hoặc trắng phớ toàn lông lá.

Ở trên là chỉ nói tới giày văn phòng buộc dây và quần âu. Bạn nào muốn đi giày lười (moccasins, loafers), giày du thuyền, thì quy tắc là phải bỏ tất hoặc dùng loại tất tiếng Ý hình như gọi là fantasma, tức là ghost, tiếng Anh gọi là no show socks. Đây là loại tất chỉ bao đúng nửa bàn chân phía dưới, do vậy xỏ chân vào giày sẽ không nhìn thấy tất, do vậy có cái tên tất ma như đã nói ở trên. Nhưng trên thực tế, việc đi tất văn phòng như mình đã nói ở trên với giày loafer vẫn chấp nhận được nếu đôi loafer đó được làm theo kiểu dáng văn phòng. Còn việc phân biệt loafers với moccasins, moccasins với giày du thuyền, loafers nào vào văn phòng được loafers nào không, loafers kiểu nào thì đi tất văn phòng được, loafers nào thì phải bỏ tất hoặc dùng tất no show, trường hợp nào ngay cả loafers làm theo kiểu dáng văn phòng nhưng vẫn không thể dùng trong văn phòng vv và vv, nếu nói nữa thì rất lùng bùng. Tóm lại, quy tắc chung nhất là đàn ông khi đứng ở dáng đứng thẳng thả lỏng bình thường, nếu nhìn thấy tất hở ra thì phải bỏ tất hoặc đi tất no show. Điều này có nghĩa mặc quần shorts hoặc quần xắn gấu hoặc quần ngắn gấu là phải bỏ tất hoặc đi tất no show, còn nếu quần đủ dài để che tất thì lúc đó mới tính tiếp. Đi sandals thì no show cũng không được, có chết cũng phải bỏ tất ra. Một quy tắc nữa là phải đi giày phù hợp với điều kiện thời tiết, để tránh trường hợp bỏ tất thì lạnh mà đi tất thì quê.

Bạn nào có dịp đi Ý, tìm đến những chợ cóc chỉ họp vào một ngày nhất định trong tuần, và hỏi tất nam. Rẻ lắm, hình như chỉ có 1euro một đôi. Yên tâm là tất bền, đúng chuẩn, dài, mỏng, màu đen và xanh blue thẫm đen. Nếu muốn mua tất màu rượu chát thì phải tìm vào những cửa hiệu bán đồ thời trang nam. Đặc biệt tất màu rượu chát đi cùng một đôi giày xịn màu da bò và màu suit đồng bộ, người đàn ông trong trang phục như thế theo mình nhất định không phải người tầm thường.

Nói lộn xộn vậy thôi, tuần này mình bận quá, phải sang tuần sau mới tiếp tục viết blog hầu chuyện các bạn được. Happy struggling on!

Wednesday, October 22, 2014

To shoe or not to shoe?


Mình còn nhớ có lần được mời đến ăn trưa ở nhà một người bản xứ, gia đình trung lưu ở tiểu vương quốc khác chứ không phải các đại gia nhà như cung điện ở Dubai. Vào nhà phải bỏ dép để ngoài cửa.
Mình lớn lên ở cái thời vào nhà dép phải để ngoài cửa. Dù vậy mình chưa bao giờ quen với thói quen đó. Giày dép là một phần của trang phục, là việc riêng tư, bắt người ta tụt ra làm chi, để người khác nhìn được nhãn giày là Louis Vuitton hay Gucci hay Dior hay Xiaoqi??? Rồi cửa nhà là nơi đón khách, một bãi giày dép ngổn ngang ngay lối vào nhìn sao đặng? Chưa kể nhiều khi bãi giày to quá, người đến sau phải tụt giày để ở ngoài và dẫm lên những chiếc giày của người đến trước để đi vào phòng khách cho khỏi bẩn chân. Thế là sạch chân mình nhưng bẹp giầy người ha??? Mình vẫn nhớ có lần về Hà nội, tòa chung cư đó hẳn nhiên là khá sang trọng, căn hộ gần căn hộ của mình hẳn nhiên thuộc gia đình có thu nhập khá. Mình đi qua, thấy cửa mở, giày dép tụt ra để ngổn ngang thò ra cả lối đi chung, tự nhiên làm giảm hẳn giá trị của một căn hộ hẳn nhiên phải đẹp ở bên trong.
Mình cho rằng thói quen tụt dép để ngoài cửa xuất phát từ việc sợ bẩn nhà, từ hồi còn ra đường là đi bộ, đường còn đường đất, chó còn ị rông, mâm cơm còn đặt dưới sàn nhà. Giờ ra đường một bước là lên xe, đường sá làm gì còn sình lầy, ăn cơm có bàn ghế, trước khi ăn lại còn rửa tay. Chỉ cần một tấm thảm chùi chân ngoài cửa, trước khi vào nhà thì chùi giày vào đấy, là đủ sạch. Thói quen duy trì một bãi giày dép trước cửa nên bỏ đi. Nó là một thói quen và vì thế cứ làm theo thói quen và thấy bình thường, chứ không phải thấy chướng nhưng không có cách khắc phục. Nếu cảm thấy việc đi giày dép vào nhà không đảm bảo vệ sinh vì điều kiện sống chưa cho phép, thì có gì đâu, sắm cái kệ giày, giày dép vào nhà tụt ra để gọn lên đấy. Cầu kỳ nữa thì sắm cái tủ giày có cánh cửa, cho giày dép vào đóng cửa lại, đảm bảo gọn ghẽ sạch sẽ, giải phóng được cả mét vuông ở lối vào. Tủ giày thường rất dẹt vì chỉ cần vừa chiều dài đôi giày, vì vậy để dọc theo tường hoàn toàn không tốn chỗ.
Nó cũng tương tự như quan niệm cũ nhà vệ sinh là nơi hôi hám bẩn thỉu. Nhưng bây giờ, nhà vệ sinh không còn là nơi bẩn thỉu nữa mà chính ra lại là nơi sạch sẽ thơm lừng sáng choang nhất nhà cũng nên.
Mình số khổ, đi đâu cũng phải kỳ cạch, dọn dẹp, tìm cách này tìm cách khác sắp xếp mọi thứ cho thật hợp lý ngăn nắp. Ở một ngày cũng phải hợp lý ngăn nắp. Thậm chí là check in khách sạn lúc 2h sáng mình cũng phải lọ mọ mở vali treo quần áo vào tủ (những món quần áo không được nhàu), giày dép xếp gọn vào chỗ, túi đồ trang điểm để vào phòng tắm, vali tìm chỗ gọn nhất mà lại tiện nhất vv và vv. Ngài số hưởng, đến nơi là lăn đùng ra ngủ, sáng hôm sau cái gì cũng hỏi rối rít.
Lại quay trở lại buổi ăn trưa của nhà người bản xứ mình đang kể ở trên, đàn ông thì ngồi vắt nóc ăn tại bàn ăn trang trọng. Đám đàn bà và trẻ con lau nhau thì trải giấy báo ngồi ăn dưới đất. Đang chuẩn bị ăn thì một chị đi vào. Đàn bà xứ này mặc abaya thụng đen suốt ngày quết đất. Váy áo abaya của chị ấy quết đất mà chị ấy lướt phần phật qua mâm cơm như đúng rồi. Làm mình phải cố lắm mới tiếp tục ngồi vươn cổ nuốt, chứ không là đứng lên luôn rồi.
Thế, entry sau mình sẽ nói về giày (và tất).
 
Ảnh; từ ngày em đi học, phiếu bé ngoan dán ở khắp nơi trong nhà, ngoài nhà, và cả ngoài đường thế này đấy.

Cậu Tú mẹ bé Skye, tớ chào cậu, mỗi entry ở blogspot hình như chỉ hiện được 200 comments. Vì thế cứ quá số này thì comments published lên sẽ không hiện lên nữa thì phải ;-)

Saturday, October 18, 2014

Điểm báo

1.      Con rận là giề?
 Là “tôi đẹp, tôi là công chúa, tôi biết cách chinh phục đàn ông, ông nội tôi Văn Ngan tướng công, bố tôi họa sĩ hãng phim truyện, mẹ tôi nhà báo chị Thanh Tâm, tôi là con nhà nòi, tôi thông minh, nhiều tài lẻ, giỏi tiếng Anh, hoàng gia, tinh tế,  kinh nghiệm trong làng thời trang quốc tế, tôi tự lập, tôi lao động chuyên nghiệp, chăm chỉ, cống hiến, lương thiện, sáng tạo, trong làng chỉ giái ý lộn giải trí”.
Đấy, giờ các bạn cứ thấy tui viết chữ con rận là các bạn cut and paste cái đoạn ngoặc ngoặc ở trên vào cho tui.
Ai bảo Hà Anh xấu, Hà Anh đáp trả con rận.
Ai bảo Hà Anh không có thẩm mỹ ăn mặc, Hà Anh đáp trả con rận.
Ai bảo Hà Anh khoe thân nhố nhăng, Hà Anh đáp trả con rận.
Ai bảo Hà Anh nổ, Hà Anh đáp trả con rận.
Ai phạt Hà Anh, Hà Anh đanh thép đáp trả con rận con rận con rận con rận.
Thậm chí chả cần lý do gì, Hà Anh ta buồn mồm cũng con rận luôn. Riết rồi, người đọc báo phải thành nhà rận học hết.
Mà con rận này đặc biệt lắm, vì nó phải do chính tay cô Hà Anh tạo ra. Chắc phải đích thân tự mô tả bản thân cô mới yên tâm, đợi người khác mô tả cô sợ lâu hoặc sợ không lột tả hết được độ đẹp, độ hấp dẫn đẳng cấp rất chi là tinh tế của cô. Trường hợp cô này bó tay rồi, không bình được.
2.      Vụ túi Hermes vài trăm nghìn usd
Người ta có tiền người ta mua gì là quyền người ta. Tôi không đồng tình với quan điểm “đất nước này còn bao nhiêu người nghèo đói”. Phận ai người nấy sống. Ở bên này tôi gặp và nói chuyện với nhiều đại gia, họ cũng rất lao tâm khổ tứ mới có tiền. Tôi biết một người, ông ta ngoài nhà riêng nguy nga như cung điện thì còn có một nông trang rộng lớn rợp hoa lá, nuôi rất nhiều loại chim và thú thả rông chứ không thèm làm chuồng, ngay giữa sa mạc cát cháy đúng nghĩa đen. Ông ta phải duy trì một đội ngũ 30 nhân viên làm việc liên tục ăn ngủ tại chỗ, và cả bác sĩ thú y, để chăm nhà cửa cây cối và đám thú của ông ta. Thế thì là đại gia rồi chứ gì. Thế mà có lần ông ta nói với tôi “Sáng nay, nhìn qua cửa sổ văn phòng, tôi thấy mấy cậu nhân viên lái xe gác cổng và tạp vụ của tôi đang đứng nói chuyện, không hiểu nói chuyện gì mà họ vỗ vai nhau cười ha hả rất vui vẻ. Tôi nghĩ, họ rất nghèo, chắc chắn họ chẳng có tiền, con họ vợ họ ngóng từng đồng lương họ gửi về nhà mỗi tháng, mà họ vui vẻ thế. Còn tôi ngồi đây, ngồi trên đống tiền, mà trời ơi đầu thì tỷ mối lo đến phát điên”.
Kể thêm chuyện khác, châu Phi thì nghèo nhất thế giới rồi chứ gì. Ở một nước nghèo của châu Phi, do đó chắc chắn nghèo hơn Việt nam, có nhà đại gia tổ chức đám cưới. Đám cưới tất nhiên là lộng lẫy hoành tráng khỏi bàn. Nhưng vấn đề là ở chỗ khách dự cưới sau khi ăn tiệc về còn được tặng mỗi người một chiếc đồng hồ Rolex. Mà đám cưới mời vài nghìn người chứ nào phải đám cưới nhỏ. Kể ra thế để các bạn thấy, sự phân hóa giàu nghèo và độ ngông ở Việt nam vẫn chỉ là ở thể nhẹ. Nếu có thương những người cơm không đủ ăn áo không đủ mặc thì chỉ nên điều chỉnh hành vi tiêu tiền của chính bản thân, và đi làm từ thiện nếu muốn, chứ không nên bình luận về cách người khác tiêu tiền hay chất vấn họ đã làm từ thiện hay chưa, hay làm những liên tưởng nâng quan điểm không cần thiết.
Tối qua nhà mời khách. Khách Ý có khác, nửa đêm vẫn ngồi tán chuyện rôm rả không chịu về, ăn thì đã xong từ lâu. Mình chán ốm ngồi uống rượu suông và mở điện thoại lén lút đọc tin lá cải. Đọc lén nên chỉ điểm được có hai tin. Rượu chè ra sao mà sáng nay đầu đau như búa bổ, già rồi có khác.

Wednesday, October 15, 2014

Cái sự bơi lội


Tuần một lần mình xung phong đến trường giúp các cô giáo trong giờ học bơi của lớp con Anna. Mình cũng chẳng rảnh rỗi thế nhưng thấy 20 đứa trẻ con độ tuổi 3, 4 phải thay quần áo rồi xuống bể bơi, thì tài thánh 2 cô giáo cũng không xoay được. Rồi có chuyện gì thì sao, đụng đến nước là phải cẩn thận. Áo trong, áo ngoài, quần trong, quần ngoài, tất, giày, cởi chừng ấy thứ ra, mặc áo bơi, đi dép, đội mũ bơi, đeo kính bơi, khoác khăn choàng, thế là xong một đứa. Bơi xong lại màn cởi áo bơi, kính bơi, mũ bơi, dép, cho hết vào túi, lau khô tóc tai người ngợm, mặc áo trong áo ngoài quần trong quần ngoài đi tất đi giày. Nhân lên 13 đứa con gái, thế mà vẫn nhanh hơn 7 đứa con trai. Bọn con trai cùng tuổi mà chậm chạp và lơ ngơ hơn bọn con gái rất nhiều. Mà mặc thật nhanh cho bọn trẻ thôi vì sợ chúng nó nhiễm lạnh, chứ mình thì quần áo vẫn ướt lướt thướt run lẩy bẩy trong điều hòa lạnh toát.

Phải tham gia vào thế này mới thấy thương các cô giáo và thấy nhiều vị phụ huynh rất lơ đãng hoặc ỷ lại nhà trường. Ví dụ, trường đã yêu cầu rất nhiều lần học sinh vào ngày có giờ bơi không được đeo đồ trang sức, thế mà bọn trẻ con rất nhiều đứa vẫn đeo hoa tai nhởn nhơ như thường. Rồi tai nạn rách tai hoặc sứt mẻ ở đâu lại đổ tại nhà trường. Cô giáo đã bận cuống cà kê lại phải ngồi cặm cụi cắt băng dính bao kín từng cái hoa tai một. Các cô giáo cũng năn nỉ đồ dùng quần áo phải ghi tên cho khỏi lẫn, thế mà nhiều người cũng chẳng làm. Từng ấy đứa trẻ cởi quần áo ra một lúc, không có tên thì kiểu gì cũng lẫn. Lẫn đồ, một việc thành bốn việc không xong.

Mỗi bố mẹ mà vô ý thức tí ti thôi, nhân lên từng ấy đứa trẻ, cô giáo phải giải quyết hậu quả của chừng ấy cái sự vô ý thức, thì họ sẽ chẳng còn thời gian đâu mà dạy dỗ con mình cái mới, và cũng chẳng còn sức lực hay kiên nhẫn đâu để mà dịu dàng với con mình.

Chưa kể nhiều gia đình để con bẩn kinh hoàng, kiểu bẩn gỉ mũi đóng kín lỗ mũi phải há mồm thở, quần áo cháo lòng, tất vừa hôi vừa cháo lòng, quần lót bẩn. Nói thật mình cũng thuộc diện phụ huynh hạn chế giặt giũ và sẵn sàng cho con chơi lấm bẩn chứ không ủng hộ việc trẻ con lúc nào cũng phải thơm tho bóng bẩy, nhưng thấy nhiều đứa trẻ bẩn quá thấy tội chúng nó.

Đến trường thế này cũng học được rất nhiều từ phương pháp sư phạm của cô giáo. Ví dụ, trước lúc thay quần áo, cô giáo cởi áo cô giáo và quăng xuống đất rồi hỏi “cô để thế này có được không?”. Bọn trẻ con reo lên “không”. Cô lại hỏi tiếp “thế cô phải để thế nào?”. Chúng nó lại reo lên “phải để lên thành ghế”. Cô nhặt áo để lên thành ghế rồi hỏi tiếp “thế này đúng không?”. Chúng nó lại reo lên “đúng”. Thế là cô giáo bảo “vậy thì giờ các em làm như thế nhé”. Như mình thì chỉ ra lệnh ngắn gọn “con cởi quần áo ra rồi vắt gọn ghẽ lên thành ghế thế này nhé”, cứ tưởng thế là đạt chuẩn vừa dịu dàng vừa nghiêm khắc. Nhưng rõ ràng cách của mình chỉ khiến trẻ tuân lệnh một cách thụ động, trong khi cách của cô giáo khiến trẻ chủ động có ý thức, phân biệt đúng sai cái gì nên cái gì không nên hơn nhiều.

Một ví dụ khác, thằng bé C ngó vào bụng một thằng khác rồi kêu ré lên “ô thằng J rốn to quá”. Nghe thấy thế mấy đứa khác xúm vào ngay. Thằng bé J đứng ngây ra chưa biết phải nói sao. Cô giáo gọi “C”, thằng C tảng lờ cô giáo và hét to hơn, mô tả bằng tính từ khủng khiếp hơn “Chúa ơi rốn thằng J to vĩ đại”. Mình và một chị phụ huynh khác ôm mồm quay vội đi. Là con mình thì có khi mình chỉ nghiêm mặt bảo “con không được nói như thế”. Nhưng cô giáo lại nói hay hơn nhiều, cô giáo bảo “C, tất cả chúng ta đều khác nhau”. Cách của mình đơn giản chỉ dạy trẻ việc nhạo báng người khác là xấu. Nhưng cách của cô giáo lại dạy trẻ quen và chấp nhận sự khác biệt, thấy người khác khác mình không phải nhao lên bình phẩm phản đối hay chê bai.

Thế, nội trợ hôm nay rảnh việc, có mỗi chuyện bơi lội thôi mà cũng bôi ra được cả entry dài ngoằng. Mà nói bơi lội cho nó sang chứ thật ra cả buổi chỉ lọc cọc chạy qua chạy lại dắt các nhi đồng thối tai đi đái.

Ảnh, “La không cần phải đi học nữa vì đằng nào La cũng học dốt rồi”. Hic, con với chả cái.

Sunday, October 12, 2014

12/10/2014


Sáng nay hẹn ăn sáng với một chị làm kinh doanh. Chị ấy nói tiếng nửa Ý nửa Tây bán nhà, lại còn bắn như súng liên thanh vì ức chế kiểu làm ăn ở đây đến mức mình không chen vào được câu nào. Đợi mãi chị ấy mới nghỉ lấy hơi, mình vồ luôn cơ hội “ôi tôi xin lỗi tôi phải đi”, đoạn co giò chạy. Mót đái gần chết mà phải chạy thẳng đến cuộc hẹn thứ hai. Đỗ xe xiên xẹo, mồ hôi mồ kê tấp tểnh chạy vào câu đầu tiên là Ôi tôi xin lỗi tôi phải đi toilette cái đã.

Xong cuộc hẹn thứ hai thì chạy về nhà nấu cơm trưa cho tiểu thư Anna sắp về. Cô Rất cho nó ăn xong thì mình cho nó đi ngủ. Nó ngủ một cái thì hai đứa kia cũng về tới, ăn cơm rồi lên nhà học với mẹ. Con trai làm toán, đọc sách. Con gái lớn làm toán, đọc sách. Con gái bé tô màu bông hoa và con bướm mẹ vẽ nguệch ngoạc ra đấy. Xong thì đi tắm rồi ngồi xem phim đợi mẹ nấu ăn. Nấu ăn xong, cô Rất cho trẻ con ăn còn mẹ lên nhà mở sổ liên lạc của cả 3 đứa xem cô có dặn gì không và check mail xem trưởng ban phụ huynh có thông báo gì mới không. Con gái bé phải mang ảnh du lịch đến lớp giới thiệu với cả lớp và một túi đồ tái chế đến trường để làm thủ công. Thế là mẹ lại lọ mọ tìm ảnh, và tìm các thể loại giấy báo vỏ hộp lỉnh kỉnh cho vào túi cho con mang tới trường ngày mai. Con gái lớn phải có ảnh cho lớp tiếng Ý, cộng thêm phải viết essay về khách sạn Burj Al Arab hình cánh buồm. Thế là mẹ lại lọ mọ đi chọn ảnh, và tra cứu thông tin hộ cô con gái xem Burj Al Arab cao bao nhiêu, to đẹp lộng lẫy thế nào, mà lại toàn phải dùng những tính từ rõ kêu kiểu amazing, gorgeous, magnificent, chứ tính từ khiêm tốn thì không chịu. Chưa hết, ông con trai còn phải đi ngắm trăng. Cô giáo phát cho tờ theo dõi trăng, các ông các bà học sinh phải ngắm trăng rồi điền ngày và vẽ hình trăng tròn trăng méo vào đấy. Mẹ vừa gạt mồ hôi vừa thở hồng hộc lôi con ra ngoài ban công tìm trăng. Nhìn tới nhìn lui chả thấy trăng, mẹ suýt khóc khi ông bảo “mình phải trèo lên nóc nhà tìm mới được”. Cái cầu thang thép xoắn ốc dẫn lên nóc nhà, bình thường trèo đã thở không ra hơi, lúc này mà trèo chắc phải bò bằng 4 chân. May quá đúng lúc đó có người đàn ông nhởn nhơ về tới, mình sai luôn. Thế là hai bố con hăm hở trèo lên nóc nhà tìm trăng ngắm.

Mình trong lúc đó thì giở giấy tờ ra xem nốt. Lễ hội hóa trang ở trường, phải điền form và đóng tiền. Ngày mai ông con trai đá bóng, phải chuẩn bị quần áo giày đá bóng và dặn cô Rất gửi thêm đồ ăn nước uống và dặn cả chú lái xe đổi giờ đón. Ngày mai ông con trai có cả chuyến thăm quan nhà thờ đạo Hồi nên đồng phục phải màu vàng chứ không phải màu trắng. Cộng thêm ngày mai bà con gái bơi, phải chuẩn bị túi đồ bơi kính bơi mũ bơi khăn khố các loại.

Lúc này hai bố con nhà kia cũng vừa lọc cọc xuống tới nơi. Lên tới tận nóc nhà cũng chẳng thấy trăng đâu nên thôi lại mở google ra xem trăng vậy. Trường với chả lớp toàn học những cái chết vạ gì ở đâu.

Con đi ngủ. Mẹ 9h30 mới ăn tối. Ăn xong 10h mở cửa sổ nhìn lơ láo, định tìm trăng chụp cái ảnh ngày mai cho ông con trai xem cho hoàn thành bài tập. Vẫn chẳng thấy trăng sao mô cả. Thôi kệ, chẳng trăng thì đừng.

Còn cái phòng vệ sinh của bọn trẻ con bị dột mà chưa có thời gian gọi thợ sửa. Sau mùa hè nóng khủng khiếp, rất nhiều thứ hỏng. Ô tô cái thì chảy dầu, cái thì hỏng điều hòa, hai cái phải thay lốp. Rồi còn tường lở, cỏ chết, rèm rách, vòi nước bục và kiến to đùng chạy lăng quăng khắp nơi. Rồi còn phải mua hoa về trồng trong vườn mùa đông, mùa tiệc tùng đến rồi, các buổi lễ tân sẽ phải dùng tới vườn. Haiz, vừa mới vào tháng 9 ngoảnh đi ngoảnh lại đã giữa tháng 10.


PS Hồi lâu lâu mình đọc báo thấy bảo ở nhà bỏ tính nhẩm và viết chữ đẹp. Bỏ viết chữ đẹp thì mình còn hiểu được chứ tính nhẩm luyện não cho trẻ rất tích cực, bỏ làm sao được nhỉ? Bên này trẻ con suốt ngày phải tính nhẩm, mẹ ốm đòn với bài tập tính nhẩm của con.

Tuesday, October 7, 2014

Muối vừng

Buổi sáng rảnh rỗi, nổi hứng đi làm muối vừng. Ở nhà đang bảo có gió mùa. Ở bên này trời nóng quá nên giờ mình đâm ra lại thích lạnh lẽo mới chết chứ. Lạnh lẽo tí cho thơ mộng, chứ nóng chảy mỡ quanh năm suốt tháng thế này thì còn thơ mộng cái giề.

Nhớ hồi còn ở nhà, những buổi sáng thức dậy thấy mặt đất khô trắng, trời âm u, gió thổi, thế là biết mùa đông đã về.

Mùa đông, bà hay làm muối vừng. Bà vặn cái bếp dầu thật nhỏ lửa, cháu ngồi kiên nhẫn đảo. Rang lạc trước. Lạc rang xong bà cẩn thận bọc vào giấy báo, rồi ủ vào trong chăn bông. Bà bảo rang lạc chỉ cần chín 9 phần, phần còn lại ủ nóng sẽ chín âm là vừa. Bà kỹ tính lắm, rang quá tay một chút là bị bà mắng ngay. Rang lạc xong thì rang muối. Hồi đó toàn muối hạt chứ không có muối tinh. Muối hạt ướt nhẹp, phải rang cho khô cong rồi mới cho vào cối cà cho mịn. Sau đó đến rang vừng. Lửa phải để thật nhỏ, đảo nhẹ nhàng liên tục. Thú thật tôi hồi bé mải chơi, hay sốt ruột, cứ thỉnh thoảng lại lén bà vặn lửa to lên cho nhanh. Nhưng bà biết ngay, lại vặn nhỏ lửa xuống. Hạt vừng phải rang thật chậm rãi, đến lúc nào bà nếm, bảo vừng đã hết hăng, thì mới gọi là được. Nhiều khi bà chả cần nếm, lấy tay bóp nhuyễn một hạt vừng, là biết đã chín hay chưa. Nhiều lần bà bảo cô cháu sốt ruột “mày thấy chưa, bóp mà hạt vừng trợt ra như này là chưa chín”. Thế là cháu lại ngồi hì hụi đảo tiếp. Rang vừng khó, phút này chưa chín, phút sau đã quá lửa.

Đến phần giã, tôi cầm chày giã bồm bộp. Vừng mới đầu còn nguyên hạt, sau một lúc bị giã thì dồn thành một tảng cong lên bên thành cối, rồi đổ ụp xuống. Lại giã tiếp. Cứ vài lần cong lên đổ xuống là xong phần vừng. Trong lúc đó thì bà lôi gói lạc đang ủ trong chăn bông ra, xát và thổi cho bay vỏ, rồi đổ nốt vào cối. Lạc đắt hơn vừng nên thường vừng nhiều lạc ít. Giã một hồi chả thấy lạc đâu. Tôi thường cố tình giã né ra để chừa lại một ít lạc to to, để lúc ăn xóc xóc cái lọ vài cái là lạc to nổi lên. Hồi đó tôi còn nghĩ bụng bao giờ lớn sẽ làm món muối vừng toàn lạc là lạc ăn cho đã hehe.

Vừng làm xong, bà bỏ vào cái lọ, vặn nắp rất chặt. Cháu từ đầu tới giờ lao động hăng say chỉ mong mỏi có giờ phút được bà cho cái cối vẫn còn dính tí vừng. Cháu cho vào cối mấy thìa cơm nóng bốc khói, hăm hở giã tiếp cho cơm và vừng quyện lẫn vào nhau thành món bánh dày vừng ngon cực kỳ. Giã nhuyễn ra thế ăn lại ngon hơn vào bữa được ăn cơm với muối vừng vừa làm nhiều mới lạ chứ.

Cứ thế, hai bà cháu lụi hụi mấy tiếng đồng hồ trong căn bếp u u tối. Ngoài sân, gió mùa đông bắc thổi. . .

Hôm nọ mấy mẹ con đi siêu thị, con Anna lăng xăng bê về một túi lạc to tướng, nó bảo “để cho voi ăn”. Người còn chẳng có mà ăn của đâu cho voi hả em bé kia.

Sáng nay đứng rang lạc và rang vừng. Đứng mỏi cả chân không xong bèn kê cái ghế ngồi thu lu. Rang xong thì đến màn giã. Hồi lâu lâu mua cái cối bé tẹo để làm sốt pesto cho mấy bố con nhà kia, hôm nay lôi ra giã vừng. Mất toi 2 tiếng, xong lọ vừng, thấy cái bếp cũng thơm ra dáng phết.
 
Thế, trưa nay ăn cơm nguội muối vừng, thêm tí canh dưa, à còn cả mấy củ khoai lang luộc ăn mấy lần rồi mà chưa hết. Ăn uống thế này thì tui sẽ đạt tới cảnh giới chết vạ gì nhỉ???


Ảnh; ông là thằng con trai ngoan ngoãn giỏi giang của mẹ. Mỗi lần mẹ bảo “Mẹ yêu ông khủng khiếp lắm” là ông đáp lại ngay “Lê yêu mamma hơn”. Hơn là hơn thế nào được, hả ông?

Sunday, October 5, 2014

Trở về Diso

Mấy tuần trước, gần 9h tối mình nhận được cuộc gọi đường đột “tôi gọi từ cung điện... của hoàng hậu...của tiểu vương quốc. . . Bà làm ơn cho địa chỉ nhà riêng vì hoàng hậu muốn gửi cho bà một món quà”. Mình bất ngờ “xin lỗi anh gọi từ đâu?”. Người đàn ông nhắc lại. Mình chẳng nhớ tên cung điện nhưng tên của hoàng hậu thì đúng. Mình lại hỏi lại “xin lỗi nhưng anh định gọi cho ai?”. Anh ta nói tên mình. Mình đành phải khai địa chỉ nhà riêng vì không thể thất lễ với hoàng hậu. Họ phải hiếu khách lắm mới cho mình quà. Bình thường mình hầu như không cho địa chỉ nhà riêng. Ngay cả cờ Ý và cờ EU chính ra phải cắm trên nóc nhà mình cũng không cắm. Đặt máy, search số điện thoại, dù sao đầu số cũng đúng là từ tiểu vương quốc đó nên yên tâm hơn. Dubai vẫn là một ốc đảo an toàn giữa xứ sở toàn xung đột này nhưng biết đâu đấy, cẩn thận vẫn hơn.

Thế rồi mấy hôm sau, cậu lái xe khệ nệ vác vào một cái hộp xốp vừa to vừa dài vừa có vẻ nặng. Dân bản xứ hào phóng. Họ không tặng quà thì thôi chứ đã tặng không bao giờ có chuyện quà nhỏ. Ví dụ, họ mà gửi chocolate thì phải là chục cân, gửi trà thì mấy chục hộp đựng trong cái giỏ mây to như cái mâm, quà từ hoàng gia bao giờ cũng phải là một cái hộp gỗ đóng như một cái tủ con, hai thanh niên lực lưỡng khệ nệ khiêng. Mình thường cho hết đồ bên trong, giữ lại cái tủ con để đựng đồ, giữ lại cả túi trà hoa cúc thơm ngát, thỉnh thoảng lại lôi ra ngửi. Ngửi thôi chứ mình chưa đạt đến cảnh giới trà nước nho nhã.

Lại quay trở về cái hộp xốp dài hơn một mét cậu lái xe sung sướng vác vào, cậu ta hào hứng lấy dao rạch ra, cảnh tượng bên trong làm mình suýt ngã ngồi xuống bậc cầu thang. Một con cừu chân cẳng dài nghêu đã bị cắt đầu, lột da sạch sẽ nằm tơ hơ trong lớp đá lạnh.

Sau đó mình mới biết đến dịp lễ Eid dân ở đây hay ăn món truyền thống là thịt cừu nên trước Eid hay mang thịt cừu biếu nhau.

Thế là nghỉ Eid, Lê La Na phá như giặc. Ngài thì đã lên máy bay. Trước khi đi ngài bảo “anh rất háo hức được về Diso nhưng lại buồn vì em không đi cùng anh”. Làm nhà từ xa cực kỳ mệt mỏi. Nhiều chuyện không thể trao đổi từ xa thì phải về tận nơi. Vợ ngài không đi cùng vì nó bảo giờ thế giới nhiều rủi ro quá, tai nạn rất nhiều, vợ chồng cứ dính nhau suốt thế này có chuyện gì xảy ra thì con ở với ai. Ngài chắc giờ chỉ hy vọng con vợ ngài không hoang tưởng tới mức cả nhà đi du lịch cùng nhau mà nó lại cứ khăng khăng đòi đi hai chuyến riêng rẽ để chia sẻ rủi ro.

Ngài đến nơi, bật điện thoại đi vòng quanh nhà cho vợ xem. Gần 3 tháng mà nó chỉ đặt thêm được vài cái ống nước và khoét thêm mấy cái lỗ để máy sưởi trên tường. Ở xứ bảo thủ, mở cái cửa sổ cũng phải xin giấy phép mửa mật, tường ngoài muốn sơn màu khác màu nguyên thủy cũng khó. Giờ còn kẹt vụ bể bơi, không biết có xin được giấy phép để đào bể bơi không. Chứ cái nhà ở ngoài biển Tuscany, mấy năm trước ngài muốn làm bể bơi infinity view biển, câu trả lời dứt khoát từ chính quyền là “không bao giờ”. Lý do là làm hỏng cảnh quan nhìn từ trên cao hay ảnh hưởng đến sinh thái gì đó, nên cả một dải bờ biển không duyệt bất kỳ bể bơi nào hết.

Nhớ quá đi cái xứ Salento biển xanh, nắng vàng, rau ngon quả ngọt, con đường quê vắng hoe như một nỗi mệt mỏi, tiếng gió rì rào trong những khu vườn ô liu và góc vườn yên lặng sực nức mùi hoa cúc.