Saturday, September 26, 2015

27/9/2015



Cách đây khoảng hơn 2 năm, tôi có được mời làm mẹ đỡ đầu cho một con tàu.
Tôi tưởng chỉ là lễ cắt băng khánh thành như bao buổi cắt băng khánh thành tôi đã dự. Vừa đến nơi đã thấy hai hàng người đợi sẵn, và một rừng máy ảnh. Ai đó giúi vào tay tôi một bó hoa rất to. Rồi tôi ngồi trên khán đài, nắng hễu ra, đợi sếp hãng tàu và sếp cảng cạn đọc diễn văn trước đám đông nhà báo, các cán bộ của hãng tàu và công nhân của cảng. Đến lượt tôi, bù nhìn, đọc đúng bài diễn văn 3 dòng mà ai đó đã viết sẵn in sẵn, đặt tên cho tàu.
Rồi họ đưa cho tôi cái khay trên để mấy cái kéo. Tôi vẫn chưa ý thức được điều quan trọng mình sắp làm, vẫn còn đùa cợt nâng lên đặt xuống không biết chọn kéo nào. Rồi tôi cầm kéo lên. Tự dưng, tất cả lặng phắc đi, tôi có cảm giác mấy người đứng gần tôi còn nín thở. Tôi chả biết gì nên chân tay chả run, là minh họa hoàn hảo cho câu ignorance is bliss, không ngần ngại giơ kéo cắt sợi dây cái ngoéo. Dây đứt, chai sâm banh đang treo trên cao tuột xuống rất nhanh theo đường zigzag chăng mắc rất kỳ công, lao vào thân tàu đánh bốp, và vỡ tan thành hàng nghìn mảnh vụn. Mọi người reo hò, công nhân ôm nhau reo hò, mấy sếp lớn lao đến hồ hởi bắt tay nhau sung sướng nhẹ nhõm vô cùng.
Ở buổi tiệc chiêu đãi tối đó, sếp hãng tàu mới tiết lộ với tôi rằng họ đã căng thẳng lắm khi tôi cầm kéo. Ông ta kể về con tàu Costa Concordia. Chai sâm banh trong lễ khánh thành chiếc Concordia đó đã không vỡ, và dân đi biển mê tín tin rằng đó là điềm rất xấu cho số phận của nó. Cuối cùng, con tàu đã va phải đá ngầm và lật nghiêng ngay tại đảo Giglio, gây thiệt hại hàng tỷ euro cho hãng vận chuyển. Chính vì vậy, họ đã lo lắng lắm, bởi con tàu tôi khánh thành sẽ được lai dắt về Ý và thả neo cố định ở đúng vùng biển nơi chiếc Costa Concordia danh tiếng đã gặp nạn. Tui mà biết trước uẩn khúc này thì có cho tiền tui cũng chả dám nhận lời.
  
Dạo này tôi đang mải mê năng lượng sạch. Thế là tôi nhớ tới con tàu tôi đã khánh thành và suýt quên biến cả tên hơn 2 năm trước. Nó không phải là một con tàu đi biển mà gần như là một nhà máy nổi trên mặt nước, dùng công nghệ LNG, gas hóa lỏng trữ ở nhiệt độ cực thấp và áp suất cực lớn, thả neo cố định ngoài khơi cùng với thủy thủ đoàn tôi không nhớ bao nhiêu người và cung cấp được hình như 12% nhu cầu gas đun nấu sưởi ấm cho toàn nước Ý, lâu rồi tôi không còn nhớ con số chính xác. Con tàu là một nỗ lực của chính phủ Ý trong kế hoạch cố gắng không phụ thuộc vào nguồn cung khí gas qua hệ thống ống dẫn từ nước khác, vốn không có gì đảm bảo vì phụ thuộc vào nhiều diễn biến chính trị. Như anh Putin có hồi dọa khóa van gas, toàn châu Âu suýt ăn cám chắc các bạn còn nhớ.
Phương Tây từ lâu đã cố gắng độc lập với nguồn cung này bằng cách phát triển các dự án kiểu con tàu tôi khánh thành ở trên và đặc biệt là phát triển các nguồn năng lượng sạch thay thế từ gió, mặt trời, địa nhiệt. Đi dọc nước Ý, nhìn thấy những cánh đồng cối xay gió và những cánh đồng solar panel, thích không tả được. Trong tương lai không xa, các nhiên liệu hóa thạch hại môi trường không cạn kiệt cũng sẽ trở thành lỗi thời và những quốc gia vốn chỉ giỏi móc khoáng sản lên ăn cũng không còn có thể lấy khoáng sản ra tống tiền người khác. Và do đó, hy vọng thế giới này sẽ yên ả hơn.
Cái xứ Ả rập xa hoa lãng phí, đứng đầu bảng trong vấn đề carbon footprint này đã bắt đầu sử dụng năng lượng sạch. Chính quyền Dubai vừa dựng một hệ thống solar panel trong một công viên mới xây ở ngay khu trung tâm. Nhưng dựng rất buồn cười, cái công viên thì bé tí vài ba cái hoa hoét lơ thơ, diện tích dành cho solar panel lại chiếm một khoảng to đùng, các tấm solar nằm thấp vừa chềnh ềnh chiếm chỗ vừa hướng ra phía đường người qua lại làm xấu cả cảnh quan. Các cụ ơi, giờ người ta lắp solar panel giấu đi chả xong, thậm chí còn chế ra các tấm solar nhìn không ai nghĩ là solar panel, để vừa dùng được năng lượng sạch vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, thì các cụ lại lắp lồ lộ mấy cái tấm xấu xí kiểu cố tình khoe ra thế này làm cái gì chả hiểu. Rồi mấy năm nữa thấy xấu quá lạc hậu quá các cụ lại nhổ lên vứt đi làm lại, các cụ là rất giỏi trong việc nhổ béng lên vứt đi làm lại tuốt, từng ấy tấm solar đem đi vứt rác, thì sẽ là bao nhiêu rác thải ra môi trường???

Tuesday, September 22, 2015

23/9/2015



Hết tuần đầu tiên, nó đau lòng thế nào khi không được giấy khen, mình đã kể ở mấy entry trước.
Hết tuần thứ hai, mình hồi hộp đến đón nó, chỉ sợ nó lại lăn đùng ngã ngửa ra ăn vạ như tuần trước. Ai dè mặt nó tỉnh bơ, chả đả động gì đến giấy khen. Mình tò mò quá không lờ được mới hỏi “tình hình giấy khen tuần này thế nào hả bé?”. Nó bảo Na chả được nhưng bạn Na cũng chả ai được, “so it’s ok”. Mình nghe xong ngẩn ra chẳng biết bình luận ra sao cho phải.
Hết tuần thứ ba, mình vừa đến cửa lớp đã thấy nó ôm giấy khen sung sướng chạy lại “mamma, sơ-ti-phi-cứt, finally”. Khổ, mong mỏi mãi mới được tấm giấy khỉ gió. Nó ôm ấp vuốt ve giấy khen suốt đường về nhà. Về nhà rồi thì vừa ăn vừa dựng giấy khen trước mặt để ngắm. Ăn xong thì lẻn vào phòng cặm cụi dán giấy khen trịnh trọng lên phía trên giường ngủ, lại còn cẩn thận cắt hình trang trí dán xung quanh giấy khen. Mà giấy khen có phải khen nó học giỏi gì đâu, giấy khen chỉ bảo nó là best helper trong lớp, tức là vô địch loong toong.
Cô con gái lớn thì được các bạn trong lớp bầu làm Deputy Rep, tức là vào giờ chơi con nhà người ta thì được chơi còn con mình phải đi vòng quanh trường quan sát xem có chỗ nào chưa được thì lên ban giám hiệu đề xuất biện pháp khắc phục. Ban giám hiệu nào mà để ý tới mấy cái ý kiến ý cò này của nó thì tôi cũng thua luôn.
Ông con trai thì đạt điểm cao nhất trong bài thi thể lực, đã được tuyển vào đội bóng đá của trường và chỉ sau một lần tập thì huấn luyện viên đã ra gặp mình bảo “thằng bé khá lắm, chị nên ghi tên nó vào một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp”. Trời, mới tập ở trường đã mất hai buổi một tuần, giờ lại gia nhập câu lạc bộ nữa thì thời gian đâu mà làm cái khác?
Mà cả nhà làm gì có ai có gene thể thao, mẹ thì gió thổi bay, bố thì vừa đi vừa ngã. Hai bố con đi cùng nhau mới gọi là thảm họa. Đang đi thẳng con tự nhiên đổi hướng lừ lừ đi chéo cánh sẻ qua mặt bố, bố thì đang vừa đi mặt vừa cắm vào điện thoại, thế là bố dẫm lên con hoặc con dẫm lên bố, vặc nhau loạn lên. Đi cùng nhau cứ vài phút lại vặc nhau một lần. 

PS: trong vòng có hơn 2 tuần UAE đã phải tổ chức 2 quốc tang đột ngột. Quốc tang thứ nhất là khi hơn 30 lính chết trận ở Yemen. Thời buổi chiến tranh toàn dùng drones và máy bay ném bom và hạn chế triển khai bộ binh này, mất hơn 30 lính một lúc là tổn thất lớn cho bất kỳ quốc gia nào. Đối với quốc gia có dân số người bản xứ được hơn 1tr và quân đội tí hon như của UAE, tổn thất đó trở thành cực lớn.
Quốc tang thứ hai là khi hoàng tử cả của hoàng gia Dubai mất đột ngột. Toàn dân treo cờ rủ, phố phường im ắng hẳn. Những ngày qua chắc cung điện Za’abeel là nơi tụ tập nhiều siêu xe nhất thế giới với biển số siêu đẹp kiểu Rolls Royce biển số 1, biển số 2, Bentley biển 999, Rolls Royce biển 222, biển 333. Xe của hoàng gia các tiểu vương quốc, xe của các vị vua các quốc gia lân cận sang chia buồn. Hoàng hậu, mình vẫn ấn tượng lần đầu tiên nhìn thấy bà ấy, phụ nữ mười mấy con mà còn rất trẻ trung xinh đẹp, mặt sáng như trăng rằm, da trắng sứ. Hoàng tử cả và hoàng tử kế vị đẹp trai và rất giống mẹ. Giờ gặp lại, thấy bà ấy tiều tụy, thất thần, mà vẫn phải đứng bắt tay ôm hôn cảm ơn không biết bao nhiêu người.
Ai bảo sướng như bà hoàng chứ mình thấy làm bà hoàng rất khổ. Làm một người phụ nữ bình thường, có chồng là một người đàn ông bình thường nhưng là của mình, con ngoan, tiền đủ tiêu, nhà đủ ở, cám dỗ chả đủ lớn để đi lệch khỏi quỹ đạo tốt, sướng hơn nhiều.

Wednesday, September 16, 2015

On ne veut pas marcher sur les eaux



Giờ tôi bình luận đến bức biếm họa thứ hai của Charlie Hebdo, bức một người giống chúa Jesus đứng oai phong lẫm liệt trên mặt nước, còn thằng bé Hồi giáo thì ngã cắm đầu xuống nước còn mỗi cẳng chân là giơ lên, cùng lời bình luận có thể hiểu đại loại “Bằng chứng châu Âu là của người Thiên Chúa giáo là đây: tại thằng bé là Hồi giáo thì mới chết đuối chứ phải là người Thiên Chúa giáo thì đã đi được trên mặt nước”. Bức này theo tôi chẳng nâng bi Thiên Chúa giáo hay hạ bệ Hồi giáo gì hết, bởi vì họa sĩ cố tình làm cho cái bằng chứng nghe thật là phi lý, nực cười, đáng vứt sọt rác. Cũng tương tự như ta nói “bằng chứng tôi giỏi môn sử là đây: điểm 10 do quay cóp”. Như vậy, bức biếm họa châm biếm rất rõ ràng thái độ thượng đẳng vô lý của một số người châu Âu đồng thời tranh thủ đả phá luôn thái độ sùng tín quá mức, sùng tín đến mức độ gán cho tôn giáo đủ thứ màu sắc phi thường, huyền bí, không có cơ sở khoa học.
Liên kết hai bức biếm họa lại, thì ta có thể suy ra đối tượng bị châm biếm không phải là người Hồi giáo thể hiện qua hình vẽ thằng bé chết đuối, mà là tấm pano McDonald đại diện cho một luồng tư tưởng phản đối ở bức 1, và thái độ của một số người Thiên Chúa giáo cười cợt, rao giảng, trước sự tận khổ của đồng loại ở bức 2. Phải hiểu như thế mới logic.
Rồi từ đây tôi nói đến quan điểm của tôi về việc có nên cho người Hồi giáo nhập cư ồ ạt hay không. Câu trả lời là tùy vào chất lượng của người nhập cư, còn nhiệm vụ sàng lọc là của bộ máy công quyền. Trong bối cảnh tàu khựa hết thời, nhân công khựa giờ cũng chả rẻ như trước, lại thêm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa lâu, cộng thêm đợt suy thoái kinh tế từ mấy năm nay của EU, rất nhiều công ty đang rục rịch chuyển nhà máy về lại châu Âu, sẽ cần nhân lực. Dân tị nạn chính trị khác với tị nạn kinh tế. Tị nạn kinh tế thường đói nghèo lạc hậu trình độ còi, chứ tị nạn chính trị không thiếu người tài, người có trình độ, thậm chí thuộc tầng lớp elite ở đất nước họ. Nhất là họ sẽ sẵn sàng hăng hái làm việc để làm lại cuộc đời. Sàng lọc bổ sung được những người này vào lực lượng lao động giá rẻ tiềm năng thì còn gì bằng. Tôi tin là lãnh đạo họ cũng đã tính chán, chứ đơn thuần chỉ là vì lý do cưu mang nhân đạo thì tư bản nó cạp đất mà ăn lâu rồi chứ lại được như ngày hôm nay.
Nhưng hấp thụ kiểu gì cũng phải đến ngưỡng. Mà đã đến ngưỡng thì sẽ dừng, thế thôi.
Ngược lại, người nhập cư Hồi giáo vì lý do kinh tế, bản thân đã nghèo đói lạc hậu (đã thế thì lại hay đi với sùng tín), trong gia đình không có truyền thống học cao hiểu rộng, sang nước tư bản rồi cũng vẫn chỉ quay vòng trong đói nghèo lạc hậu. Họ sống co cụm tách biệt với xã hội, nghèo khổ, dân trí thấp, bế tắc, bất mãn, là mảnh đất cực kỳ màu mỡ cho những tổ chức khủng bố gieo mầm cực đoan và mua chuộc. Cứ tưởng tượng, đang tép riu hơn cả tép riu, tự nhiên có thằng đến thủ thỉ hứa hẹn tài trợ, thánh chiến, chiến binh, chiến đấu vì chúa trời, trả thù bọn ngoại đạo láo toét, ghi danh vào lịch sử, thế là tép riu có khả năng biến thành tôm hùm, không ham mới lạ chứ. Cô bạn đạo Hồi của tôi kể có lần nói chuyện với một imam, ông ta bảo “bọn cực đoan có cả hệ thống tuyên truyền tẩy não cực hiệu quả, trong 5 thằng bị tuyên truyền, chắc chắn chúng sẽ biến được một thằng thành jihadist”.
Với cộng đồng này, cá nhân tôi thấy sống chung hòa nhập theo tiêu chí dân chủ nhân văn bình đẳng bác ái lãng mạn của phương tây là chuyện hão huyền, mà ví dụ sờ sờ là Pháp. Đến nông thôn với thành phố, cách nhau có khi chỉ vài chục năm văn minh, mà sống chung một nhà còn chả chịu được, nữa là bắt châu Âu, vốn đã tự giải thoát khỏi gông cùm tôn giáo từ hàng trăm năm nay, phải sống chung với một cộng đồng người vẫn còn tung hô sợ sệt thánh thần kèm thêm tỉ điều kị húy, mà lại nghiễm nhiên phải trao cho những cái đầu u mê vì tôn giáo này quá nhiều quyền tự do dân chủ.
Vì thế, châu Âu nhân bản cần phải “dã man” lên một tí mới được, ví dụ ngay từ đầu cấm tiệt những lề thói lỗi thời hoặc gây phiền phức của đạo Hồi (đa thê, bỏ công việc đi cầu nguyện, đối xử tệ với phụ nữ, đòi quấn khăn che mặt cho nó bản sắc, bành trướng tôn giáo vớ vẩn, hơi tí là giơ nắm đấm). Chấp nhận thì vào, không chấp nhận thì ra luôn không giữ. Đất có thổ công sông có hà bá, tuân thủ thì được đãi ngộ tốt, lôi thôi chống đối thì trục xuất lập tức, và chả cần quan tâm đến những luận điệu phá đám của một vài chính trị gia cơ hội. Ngoài ra, tôi thấy cân nhắc việc xiết chặt vấn đề nhập tịch cũng là một cái hay. Như ở Dubai, người Ấn Độ, Pakistan, Iran, Syria, người Anh, sinh sống ở đây từ 30, 40 năm nay, kinh doanh thành đạt giàu có bạc vạn, cũng không có được quốc tịch. Trẻ em nước ngoài sinh ra ở đây cũng không được quốc tịch. Toàn dân chỉ có khoảng 10% người bản xứ, 90% còn lại cứ đều đều vài tháng một năm phải lóc cóc đi xin visa một lần. Nhà nước vừa thu được bộn tiền mà dân nhập cư lại ngoan như cún, vì lôi thôi là visa bị hủy trong vòng vài tiếng.
Dubai thiếu dân nhập cư 1 ngày là tê liệt 100% mà họ còn nghiêm thế được, lý do gì châu Âu cứ loay ha loay hoay như gà mắc đẻ.

Tuesday, September 15, 2015

Si près du but



Về bức biếm họa của Charlie Hebdo mới đây, cậu bé 3 tuổi người Syria chết úp mặt trên bờ biển, dưới tấm biển McDonald mua 2 tặng 1 và dòng bình luận Si près du but.
Tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều người chửi bới lên án ngay được. Với tôi, bức biếm họa đó không châm biếm cái chết thảm trên đường đi tìm xứ sở thiên đường với nhiều thứ miễn phí của cậu bé nói riêng và người tị nạn nói chung, mà nó châm biếm một luồng quan điểm hết sức vô lý và nực cười của những người phản đối nhận người tị nạn, luồng quan điểm này có dùng tới hình ảnh McDonald. Những người phản đối này cứ gán cho dòng người tị nạn lần này cái tội muốn đến ăn ở miễn phí ở nước tư bản giàu có, mà chối bỏ một thực tế rành rành là người ta mất nhà cửa, mất người thân, mạng sống bị đe dọa, tương lai không có, thì người ta mới phải đi kiểu thế. Trong số chúng ta, ai dám cho con mình lên thuyền nát vượt biển, nếu như không vì không còn con đường nào khác? Syria, Yemen, trước khi bị nội chiến tàn phá, là những đất nước đẹp đẽ và giàu di sản vào bậc nhất trong khu vực chứ đâu có đến nỗi nào.
Cá nhân tôi ủng hộ việc cứu giúp tức thời người tị nạn. Người ta đói, rét, mệt, sắp chết đuối, mình nhìn thấy thì phải giúp, ngay cả khi phải nhường nửa bữa ăn của mình cho họ. Còn việc tôi có ủng hộ cho họ di cư vào khối EU ồ ạt hay không thì tôi sẽ nói sau.
Tôi có cô người quen người Hy lạp. Hè vừa rồi cô ấy đi nghỉ ở đảo Mykonos, ngay sát phòng cô ấy là phòng do mấy người Syria tị nạn thuê, đang đợi để đi tiếp đến Đức. Họ kể họ phải đi bộ băng qua nước Thổ, đến bờ Địa Trung Hải giữa đêm tối. Người dẫn đường giao cho họ một chiếc thuyền nhỏ, chỉ chấm sáng le lói trước mặt và bảo đấy là Hy lạp, tự chèo thuyền được đến đó thì sống, không thì chết, rồi bỏ đi. Thế là họ phải chèo cật lực qua biển và may quá đến nơi. Cô ấy có hỏi mấy người này tại sao lại cứ phải đi Đức, thì họ có trả lời là ở Đức điều kiện phúc lợi tốt, đặc biệt 6 tháng sau khi xin được tị nạn thì có thể đường hoàng đón vợ con sang. Đó chính là lý do tại sao họ sống chết cũng phải tới Đức, và trong dòng người tị nạn đa phần là đàn ông thanh niên trai tráng, đi trước bằng con đường hiểm nguy với hy vọng đến lúc ổn ổn thì sẽ đón gia đình sang bằng con đường chính thống. Những người phải liều mang vợ con theo chắc vì ở nhà bom đã đánh sập tan hoang hết nhà cửa, ở lại thì có khi mai ăn thêm quả bom nữa chết ngay, đi cả nhà may ra còn có đường sống.
Lại có những ý kiến cho rằng người tị nạn Hồi giáo thì nên để anh em Hồi giáo họ giúp. Thực ra những nước hàng xóm cụ thể như Jordan, Lebanon, UAE (Ả rập Saudi có giúp hay không thì tôi không biết), họ giúp rất nhiều, và giúp từ mấy năm nay rồi chứ không phải bây giờ mới cuống lên như EU. Tôi có nói chuyện với một chị người Jordan, tôi có bình luận rằng tôi choáng khi nhìn thấy cái ảnh khu trại tị nạn khổng lồ ở Jordan. Chị ấy nói với tôi rằng chính phủ Jordan cũng đang rất khó khăn vì quốc tế đã cắt giảm trợ giúp nhưng “không sao, chúng tôi cố một tý cũng được, họ cũng là người như chúng ta cả”. Chị Jordan mà tôi đang nói chuyện cùng đại diện cho chính phủ chứ không phải dân đen nói một câu từ tâm vu vơ.
Tuy nhiên tôi cũng không lên án những người không muốn giúp. Giúp tí, mình chả sứt mẻ gì mà lại được tiếng nhân đạo, thì ai cũng là lá la đi giúp cả. Còn đã đụng đến quyền lợi sát sườn thì ai cũng phải thực tế. Lấy một ví dụ nhỏ, nhiều người dân ở nước tư bản con chỉ dám đẻ một vì điều kiện kinh tế chỉ có thế. Thế nên việc họ bất bình khi phải còng lưng đóng thuế nuôi những người ăn trợ cấp đẻ sòn sòn một đàn con ít nhất là 3, 4 đứa, là hoàn toàn dễ hiểu. Chỉ có điều người ta gặp hoạn nạn, mình đã không giúp thì cũng đừng nói những lời phán xét tàn nhẫn. Người ta đã mất hết, bắt người ta phải sĩ diện nữa thì có khó quá không? Mình vào vị trí họ chắc mình cũng sống chết đòi đến cái nước Tây Âu Bắc Âu nơi gia đình có thể nhận được một sự đãi ngộ tốt nhất có thể, chứ có thanh cao khí khái hơn được không?. Còn họ đòi là một chuyện, nước đó có nhận họ hay không lại là chuyện khác. Đơn giản thế thôi, không cần những lời tàn nhẫn.

Saturday, September 12, 2015

Ề, hề hề





Tôi lại vừa được nghe mấy lời người ta đồn đại về mình. Không ảnh hưởng gì tới tôi cả, chỉ có điều nó buồn cười quá vì hoàn toàn bịa đặt. Tôi nhớ đến em, tôi quên mất bỏ lửng câu chuyện đang nói với em. Em có lần bảo làm sao chị có thể phớt đến thế với những lời gièm pha, em chỉ bị mấy người ở chỗ làm chụm đầu nói xấu mà em stressed phát điên, làm gì cũng ngại, mà tức nhất là họ tự cho họ cái quyền phán xét người khác trong khi bản thân họ chẳng hơn gì ai.
Để tôi kể cho em 1 chuyện. Ở chỗ tôi làm hồi đó có một chị cả về tài lẫn đức lẫn hình thức đều có vấn đề mà cứ luôn mồm nhân danh thuần phong mỹ tục chê ỏng chê eo một cô gái khác. Ai cũng buồn cười mà nửa vì tế nhị nửa không muốn đụng tổ kiến lửa nên chẳng ai nói gì. Cô gái bị chê trẻ lắm, tôi chưa gặp bao giờ nhưng biết cô ấy chẳng có tội gì ngoài tội có vẻ cứ muốn tiếp cận sếp của chị ta. Theo tôi cô ấy chỉ muốn kiếm việc, còn theo chị ta thì cô ấy cứ muốn tỉnh tò sếp. Sếp có vợ, vợ sếp chả ghen, chị ta vô duyên rỗi hơi cứ đi ghen hộ. Một hôm, sau khi lại phải nghe màn chê bôi bất tận như thường lệ, tôi mới tỉnh bơ hỏi chị ta “chị thì hơn gì ai mà chê người khác kinh thế?”. Bị câu hỏi thẳng toẹt của tôi, chị ta đực mặt ra mất mấy giây rồi mới nghĩ ra câu chữa ngượng, nguyên văn như sau “Ề, hề hề, bọn tao thì nói làm gì, hề hề”. Tôi buồn cười quá. Người đàn bà này tuy xấu tính nhưng vẫn còn được sự ngớ ngẩn kéo lại. Nguy hiểm nhất trên đời là những người đàn bà vừa xấu tính vừa thông minh do vậy nham hiểm, gặp dạng này nhất định phải tránh cho xa.
Quay trở về chủ đề chính. Em ạ, em nhớ cái câu đấy nhé, “ề, hề hề, bọn tao thì nói làm gì, hề hề”. Thế nên nếu em có sải cánh dài rộng, cứ bay cao không ngần ngại, miễn đừng ị lên đầu người khác. Một ngày nào đó (Heaven forbid), có thể em sẽ không bay cao được nữa, thì hãy để lý do thuộc về số phận. Chứ còn mấy kẻ gièm pha vặt vãnh, thì tuổi gì.
Còn tôi, after all, chỉ cố gắng để mình không phải sống cuộc sống của một con gà mái vừa phải quanh quẩn kiếm ăn cạnh bãi rác vừa ra sức mổ vào mắt một con gà mái khác, vì ngấm ngầm ghen tỵ nhưng lại cứ phải vất vả nhân danh một cái gì đó cao quý hơn.
PS: Gửi bạn:
Hồi xưa, bạn thừa biết bạn giỏi khoác lác và mưu mô, nhưng xét về năng lực bạn chẳng hơn tôi được. Thế nên bạn chả từ cơ hội nào để hạ bệ tôi. Tôi chưa bao giờ trả thù bạn, nhưng cũng vài lần buộc phải bỏ công khắc phục hậu quả bạn gây ra cho tôi.

Vậy mà bây giờ, bạn lại cứ dùng tên tôi để kiếm chác. Nhận quen tôi cũng giúp bạn xáp lại được ối người, nhỉ?. Ai cũng cần phải kiếm sống, nhưng cách kiếm sống của bạn nghe có mùi thảm hại. Có đức thì không nhổ, có tự trọng thì không liếm, có thực tài thì việc gì phải vừa nhổ vừa liếm?

Người biết rõ tôi không bao giờ phải thất vọng về tư cách của tôi. Còn bạn hay làm cho những người mới quen lác cả mắt. Nhưng sau khi biết rõ bạn rồi, người có tự trọng nào cũng phải giãn ra, trừ những người muốn bè với bạn để cùng nhau kiếm chác. 

Đường dài mới biết ngựa hay. Bạn là một con ngựa dở.