Sunday, December 27, 2015

Làm sao em nhớ những vết chim di…



Ngày 22. Tối, con đi ngủ hết, mình vừa ăn tối một mình vừa lướt net. Nhìn đồng hồ, giờ này ngài đi đá bóng sắp về. Tự dưng nảy ra một ý, rằng thì là mà giờ mà mình nhảy lên giường trùm chăn giả ốm, thì giáng sinh này đòi quà gì cũng được tuốt là chắc luôn. Mình lại vừa uống một cốc nước dừa vừa to vừa lạnh, uống xong lạnh quá mũi nghẹt cứng, giả ốm đảm bảo đạt. Thật là thiên thời địa lợi nhân hòa, hĩ hĩ.
Ngày xưa mình quấn băng ngón tay giả đứt tay, thằng em mình ngây thơ rửa bát cả tuần. Bây giờ thỉnh thoảng mình giả vờ ốm, đau chỗ nọ đau chỗ kia, bọn Lê La Na rối rít đấm lưng bóp chân bóp tay bóp trán và tranh nhau lấy nước cho mẹ uống. Phải tranh thủ vì bọn con gái thông minh khôn sớm, chẳng mấy chốc sẽ không lừa được bọn La Na nữa. Con Na bây giờ mới 5 tuổi lừa đã khó, mình kêu đau cái gì nó nhíu mắt thành hai cái vệt bé tí và hỏi rất nghi kỵ “mamma đao thậc hông?”. Còn Lê thì chả lo, đàn ông chả bao giờ khôn, còn bị lừa còn dài.
Lại quay về cái chuyện giả ốm, nghĩ ra một cái mình định tức tốc đứng lên làm luôn thì lại chợt nhớ ra, rằng mình phải chuẩn bị quà cho cô thư ký và cậu lái xe của ngài. Phải chuẩn bị tối đó cho sáng hôm sau ngài mang đến văn phòng cho kịp. Đấy, bẫy vừa định giăng ra lại phải thu vào.

Thế là ngài về nhà thấy con vợ đang ngồi nghiêm trang gói quà, mặt mũi bí xị. Ngài ngây thơ hoàn toàn không biết số ngài cứ tự nhiên may mắn, thoát được rất nhiều cạm bẫy chết người. 

Ngày 26. Sáng thức dậy, mở cửa sổ. Gió nhẹ. Ngày lạnh. Ngoài trời đổ vội một cơn mưa rào rồi tắt ngay. Đường phố chỉ đủ loáng ướt. Ngày âm u nhưng trong trẻo.
Bố con nhà kia chơi Monopoly dưới nhà. Bố vừa chơi vừa hát rống lên từng đợt, chắc đang thắng. Bèn quyết định bật Diễm xưa và thong thả đi tắm. Con đang nhâu nhâu với bố có khác, mình tắm từ đầu đến cuối chỉ bị con Na chạy vào mách đúng hai lần. Tắm xong, lấy dầu dừa ra bôi. Bôi xong ngửi thấy mình y hệt một chiếc kẹo dừa Bến Tre. Ngày xưa mình có đứa bạn mỗi lần mời ai kẹo dừa nó lại hỏi “mày có thích nhổ răng không?”.

Ngày 27. Gió mát. Trời xanh. Mây trắng. Nắng huy hoàng. Sau cơn mưa, không khí trong trẻo kỳ lạ. Bọn trẻ con hì hụi dọn lều trong phòng và mang chăn gối ra hong ngoài vườn. Ngoài vườn, ti gôn, hoa giấy, dạ yến thảo, nở tưng bừng. Mấy bụi quỳnh anh cả năm im lìm xơ xác, giờ cũng đang rộ hoa vàng.

...Chiều nay còn mưa sao em không lại?
Nhỡ mai trong cơn đau vùi... 

Ảnh: bố mẹ cho ông bám càng đi dự buổi gala dinner trao giải cho các cầu thủ xuất sắc. Mẹ chả biết ai vào với ai, con nhìn cầu thủ nào cũng thuộc tên vanh vách, tên huấn luyện viên cũng thuộc, cả trọng tài bắt trận nào ông cũng thuộc luôn. Platini còn chụp cùng được, chứ Pirlo và Messi thì chịu.

Sunday, December 20, 2015

Rau



Mình vốn không hâm mộ ẩm thực Mỹ. Vẫn còn nhớ hồi hè đi EXPO Milan, vào nhà triển lãm của Mỹ mà suýt bật cười. Chình ình ngay lối vào là cái màn hình to tổ chảng giới thiệu món mỳ Ý sốt thịt viên. Đi sâu vào nữa là các màn hình vẫn to tổ chảng giới thiệu lần lượt các món khoai tây chiên, beefsteak, vv và vv, tóm lại toàn những món thời đại này người ta tránh chả xong các vị lại lôi ra khoe. Người Mỹ kể ra cũng giỏi nhiều thứ, mà không hiểu sao riêng cái chuyện ăn mặc thì lại hơi kỳ quặc.
Nhưng nhờ có thời gian ở Mỹ mà mình học ăn được hai loại rau rất quan trọng. Thứ nhất là rau kale. Về Ý không có rau kale, mình hỏi khắp các siêu thị chả ai biết rau kale là rau gì, may quá sang đây lại có. Rau kale lá xanh đậm, xoăn và cứng quèo, giàu canxi nhưng cứng nên rất khó ăn. Mình thường nấu súp rau củ, đến trước khi tắt bếp mới thái rau kale thật mỏng cho vào đảo lên, để rau mềm mà vẫn giữ được nguyên màu xanh đậm, ăn bùi bùi. Cậu nấu bếp hồi trước thấy mình mua bó kale về thì mặt rất khinh bỉ kêu ầm lên rằng thì là mà cái rau này ở nước tôi người ta đem vứt cho ngựa ăn, madame mua về làm gì. Ngựa nước nào mà sướng thế nhẻ. Rau kale ở đây rất đắt. Tầm 7euro một bó bé tí bằng cái chét tay.
Loại rau thứ hai mình học ăn được là cải xoong (watercress). Nhớ hồi bé ở nhà thỉnh thoảng bà hay mua cải xoong về nấu canh. Mình vẫn nhớ bát canh cải xoong có mấy cọng cải xoong ngoằn ngoèo dai nhoách, nhặng nhặng đắng, để nguội tí là nước thành xanh lè nhìn khiếp. Hồi ở VN mình ghét cải xoong chả ăn bao giờ. Cải xoong ở Dubai đắt vô cùng mà không có mà mua. Mình rình rập mãi mới mua được hai bó bé bé mà giá lên tới 60 dirhams, tức là khoảng 15euro. Cải xoong chứa rất nhiều nước nên vận chuyển và bảo quản rất kỳ công, khả năng dập nát thối hỏng rất cao. Mình không thích ăn rau kiểu salad giống bọn tây, nhai muốn trẹo quai hàm mà chỉ ăn được có tí ti, nên cải xoong mua về mình cắt thành đoạn ngắn tầm 1cm, làm nóng dầu ô liu rồi cho cải xoong vào đảo lên mấy giây cho ít muối rồi tắt bếp ngay, cải đã ẹp xuống nhưng vẫn còn tươi nguyên nên giữ được chất, lại đã được cắt ngắn nên giải quyết được khâu dai.
Hồi bé, cứ mỗi năm bà lại đi chùa Hương một lần. Lần nào về bà cũng mua mơ và rau sắng. Mơ chùa Hương chua vãi tè nhưng thơm khủng khiếp, năm nào bà cũng ngâm hũ nước cốt mơ. Bây giờ, ngoài siêu thị, mơ cứ ngọt lịm mà chẳng thấy hương thơm ở đâu. Còn rau sắng, mình nhớ canh rau sắng bà nấu ngon ngọt vô cùng, mà chỉ là canh suông chứ chẳng có tí thịt nào. Loại rau sắng đó bà mình bảo chỉ bán ở chùa Hương.
Hồi bé, thỉnh thoảng bà lại mua được một loại rau muống bà quý lắm. Là loại rau chỉ có một cọng, cọng to như ngón tay người lớn, thẳng đuột, màu tím tím, ăn cọng là chính chứ lá bé tí teo không đáng kể. Luộc lên rất bở, chấm với tí nước mắm chanh ăn ngon sớt. Chả biết bây giờ ở nhà còn các loại rau quý đó nữa không.
À, hè vừa rồi đi nghỉ ngoài biển, mình lớ ngớ thế nào lại mua được một mớ rong biển tươi. Mang về nhà nhặt hết cuống già chỉ giữ lại phần đọt non, ngâm với nước cho đỡ mặn, rồi vớt lên để ráo, xào với một tý dầu ô liu và vắt thêm tí chanh, ngon tuyệt. Mình rất thích rong biển, chỉ có điều toàn phải ăn rong biển khô chứ rong biển tươi thì hiếm hoi lắm mới thấy.
Mình có đọc thấy đâu đó trong EXPO Milan rằng nhân loại mới chỉ biết ăn khoảng mấy phần trăm rất nhỏ số thực vật trên trái đất, còn lại hơn 90% các loại cây cỏ con người chưa xơi tới. Để đủ thực phẩm trong tương lai, con người sẽ phải học ăn thêm các thể loại rau, côn trùng, sau khi nguồn thực phẩm hiện nay đã cạn kiệt hoặc nhiễm bẩn hết.
Thôi, ăn hết động vật 4 chân, 2 chân, nhiều chân, không chân, ăn trụi cây cỏ trên đất, ăn nốt cả cây cỏ dưới nước, rồi chả còn gì xơi được nữa thì lại kéo nhau sang hành tinh khác phá tiếp.
PS: Còn một loại lá quý khác, đó là lá moringa, hình như ở nhà gọi là chùm ngây. Hồi mình ở nhà thì không nghe chùm ngây bao giờ. Sang đây, một lần ngài ăn trưa cùng một ông bạn, đại gia, chủ vài mỏ kim cương rất lớn ở châu Phi, ông này bị ung thư bệnh viện trả về mà cuối cùng lại tự mày mò chữa khỏi. Từ đó rất nhiều người bị ung thư cứ đến nhờ ông ấy chữa. Lúc gặp mình thì ông ấy đang chữa cho con chó của bà bạn, bà bạn là chủ mỏ sapphire rất lớn ở châu Phi. Bà ấy bảo mình con chó của bà ấy mấy tháng trước mắt gần như mù, không đi được, lông rụng, bỏ ăn. Thế mà uống thuốc lá lẩu gì đấy ông ấy tự chế giờ trông nó lông mượt, mắt sáng, điệu bộ tinh nhanh. Ông ấy là đệ tử của rau chùm ngây, thỉnh thoảng lắm mới ăn thịt, ngoài ra ăn lá chùm ngây thay đạm. Ông ấy cũng dùng lá một loại cây hãm nước uống để chữa bệnh mỡ máu. Mình nhìn thì thấy gọi là lá sầu đâu. Sầu đâu là tên gọi trong Nam, ngoài Bắc mình gọi là lá xoan ta phải không các bạn? Ngài hăm hở thử một ngụm, đắng quá tru tréo “ối, thuốc độc à”.
Ảnh: cà rốt và su hào tí hon đủ màu sắc, nhìn thì xinh nhưng ngại cắt gọt mất công mà ăn thì chưa biết ra sao nên mình vẫn chưa thử. Đã có bạn nào thử chưa???

Wednesday, December 16, 2015

16/12/2015



Thứ năm, sáng có event với hội vợ tổng lãnh sự. Trưa đi đón bọn trẻ con và lũ bạn về nhà cho ăn uống, rồi chở con gái bé cùng mấy bạn đi xem phim. Thả cả lũ ở chỗ xem phim thì lại vội vàng về nhà chở cô con gái lớn đi sinh nhật. Trong khi đó thì ông con trai có play date với bạn ở nhà, đá bóng tan hoang nhà cửa. Chiều tối, lũ trẻ con về hết, mình lại cuống cuồng sắp đồ để cả nhà đi sang tiểu vương quốc Ras Al Khaimah. Cuống cuồng vì event bắt đầu lúc 8h mà 7h hò hét mãi con vẫn chưa lên xe, trong khi đi từ Dubai đến đó phải mất tiếng rưỡi. Event xong, về phòng khách sạn đã quá 11h đêm, vội vàng cho con đi ngủ. Nửa đêm, mình vừa nằm ấm chỗ thì ông tru tréo em ơi anh đánh rơi đồ ăn vào quần bẩn hết rồi, em giúp anh chứ mai mình từ khách sạn phải đi thẳng tới event kia, anh không có gì mặc. Thế là lại lồm cồm bò dậy đi gột quần cho ông.
Thứ sáu, cả nhà dậy ăn sáng muộn, rồi ra bể bơi. Ngồi ngoài bể bơi được vài tiếng rồi phải check out khách sạn và quay về Dubai vì có event ở Dubai lúc 5h chiều. Bầu đoàn thê tử lốc nhốc lê lết ở event đến tận 9h tối vì con cứ khăng khăng đòi phải đợi ông già Noel đến cho quà. Về nhà, thả con cho cô giúp việc rồi hai vợ chồng lại vội vã đi một event khác. Mệt quá ngồi nghe nhạc rất hay mà mắt cứ ríu lại. Xong event cũng quá nửa đêm.
Thứ bảy, sáng bọn Lê La đi học tiếng Ý. Phút cuối hai vợ chồng bị hủy event đến doanh trại quân đội dự buổi thay tướng, chỉ còn event ăn trưa. Tối hai vợ chồng già rủ nhau đi xem phim vì vé được cho 6 tháng nay chả có lúc nào đi giờ sắp hết hạn. Vợ từ tuần trước đã dặn chồng không nhận event vào tối đó để còn đi xem phim.
Chủ nhật, tan trường đón hơn chục đứa trẻ con về nhà, ăn uống xong thì chia làm 3 nhóm. Nhóm con trai đi theme park với ngài. Nhóm con gái lớn đi trượt băng với mình. Còn cô con gái bé thì playdate rôm rả ở nhà cùng cô bạn gái thân. Xong xuôi, thả các bạn con về nhà mà mình muốn thở ra đằng tai. Thế mà ngay lập tức phải quay về nhà mặc quần áo để đi event tối. Quá 1h đêm mới về tới nhà, lại phải gửi gấp mấy email dặn dò cho tiệc hôm sau nên 2h sáng mới đi ngủ.
Thứ hai, lễ tân tại nhà cho 130 khách mời.
Thứ ba, ngày sau event còn mệt hơn là ngày có event. Nhà cửa sân vườn bừa bãi tan hoang, một đống đồ phải giặt, đồ tiệc lôi ra giờ phải cất vào, đồ ăn còn lại phải mang cho cho khỏi phí, thanh toán các khoản chi phí và mệt nhất là phải xử lý đống hoa và quà khách mời mang đến. Một vị khách gửi đến một thùng gỗ to, mở ra toàn thịt, trái cây và hạt khô, lại phải chia phần và đem phân phát mệt nghỉ. Một vị khách khác gửi tới 3 giỏ trái cây mình bê có một giỏ mà nặng không bê nổi, táo, chuối, đào, mơ, mận, vải, nhãn, cherry, dâu tây, chôm chôm, măng cụt, chất đống nhìn phát ốm, cũng phải chia phần rồi sẽ mang đến trường cho bọn trẻ con liên hoan. Rồi phải nhắn tin email cảm ơn người tặng quà. Quần quật từ sáng tới chiều mới xong, thở phào tưởng xong nhiệm vụ, ai ngờ vừa mở cửa kho đồ ăn thì vấp luôn phải một cái thùng chình ình, chả hiểu gửi tới lúc nào cô giúp việc tự cất vào đấy, mở ra nhìn thoáng lại thấy đồ ăn thì sợ quá đóng vào luôn chả dám xem tiếp.
Thế là xong nhiệm vụ năm. Năm nay mình mời khách nhiều nên chả lo không đủ chỉ tiêu. Từ giờ tới cuối năm sẽ được thở một tí, mặc dù lại phải chuẩn bị một danh sách quà giáng sinh cho thầy cô giáo của con, nhân viên của ngài, Lê La Na, người làm. Còn bọn trẻ con chưa nghỉ lễ mà ngày nào cũng bâu lấy mẹ hỏi nhâu nhâu “mamma cho mìng đi chơi đâu đâu đâu???”.
Còn tháng 1, “em ơi, ngày 1 đến ngày 10 thằng bạn anh đến Dubai du lịch cùng vợ con anh mời họ đến ở nhà mình, anh bảo với em từ lâu rồi đúng không. Ngày 16 đến 20 một thằng bạn khác của anh cũng đến đây du lịch anh cũng bảo nó ở nhà mình. Nó bảo anh là về hỏi ý kiến em trước xem em có đồng ý không, nhưng anh bảo nó vợ tao là một wonderful woman nên chắc chắn cô ấy sẽ đồng ý. Còn ngày 21 mình tổ chức event ở nhà, mời khoảng 60 khách đấy em nhé”. Giỏi nhỉ, về nhà chỉ ăn, ngủ và lướt điện thoại, hèn nào dồi dào sức lực toàn hăng hái mấy cái chuyện ruồi bâu. Liệu đấy, tôi mà điên lên thì tôi cắt hết, ai thèm cái danh hiệu wonderful woman của ông.

Tuesday, December 8, 2015

Then and now



Baglady ở Mỹ đang gây quỹ để giúp một tổ chức bảo tồn voi ở Kandy, Sri Lanka. Mình đã đến thăm trại voi ở Kandy, vẫn nhớ mấy con voi con đáng yêu cứ mút sữa chai chùn chụt. Mình còn nhớ cả mấy cửa hàng bán giấy và quần áo làm từ phân voi, mặc dù thú thật là không dám mua dùng thử. Bạn nào yêu động vật và sẵn sàng chung tay cùng với baglady thì hãy liên hệ với bạn ấy, thời gian không còn nhiều. Địa chỉ blog baglady007.blogspot.com.
Bạn nào ở Ý chắc chắn sẽ thấy tuần trước báo chí rình rang vụ đám cưới của đại gia Ấn độ ở Florence. Báo chí bảo đại gia dầu mỏ chi 14 triệu euro cho đám cưới của đứa con trai duy nhất, nhưng đại gia bảo ngài là báo chí nói hơi quá, đại gia chỉ chi có tầm 8tr thôi. Thôi thì đủ của ngon vật lạ mọi miền, tiệc tùng nhảy múa 3 ngày đêm, event nối tiếp event, đến mức đám khách mời hầu như chỉ có thời gian về khách sạn thay quần áo cho hợp theme rồi lại party trên từng cây số tiếp. Vui nhất là hôm đón dâu. Ban đầu đại gia định đưa voi từ Ấn độ sang rước dâu, nhưng không hiểu vì tình hình an ninh sức khỏe sao đó mà voi không sang được. Cuối cùng, đám rước dâu quần là áo lượt nhảy múa tung trời ngoài đường, theo chiếc xe có chú rể đẹp trai ngồi cười hớn hở, trong tiếng reo hò cổ vũ của người dân hai bên đường và drone quần thảo quay phim chụp ảnh trên đầu. Hôm đó trời rất lạnh mà khách lại toàn mặc đồ tiệc tùng nên ban tổ chức phải cho người đi theo mời rượu vodka uống cho ấm người. Mình chả uống rượu mạnh bao giờ mà hôm đó phải uống vội nếu không chắc chịu không nổi cái lạnh giữa mùa đông châu Âu trong mỗi bộ váy vai trần mỏng manh. Buồn cười nhất là một chị đi đằng trước mình, mặc đồ sari hở lưng, bụng và cánh tay, lại không chịu uống, lạnh quá nên da gà da vịt nổi rõ mồn một, thế mà vẫn cố nhảy múa lập cập. Đám đón dâu đi được một vòng thì say chắc phải quá nửa. Quả là một đám cưới vui vẻ.
Trút bỏ các thể loại xiêm y dạ hội, black tie, bay xuống miền Nam, mặc lên người bộ quần áo xoàng xĩnh, và từ sáng tới tối quần quật ngoài công trình. Rút kinh nghiệm mùa đông lần trước, đến giờ ăn trưa đói cồn cào mà chạy xe khắp nơi không có nhà hàng nào mở cửa, lần này vợ bảo chồng thuê căn hộ bé có bếp cho chủ động, vợ đi chợ mua đồ tự nấu, sáng trước khi ra công trình thì cho đồ ăn vào hộp nhựa mang theo. Buổi trưa nghỉ tay, hai vợ chồng trèo lên nóc nhà vừa sưởi nắng vừa ngắm quang cảnh đồng quê hiền hòa tĩnh lặng xung quanh vừa ăn trưa. Ăn trưa chỉ có rau các loại mà vợ đã loay hoay nhặt rửa xào nấu từ đêm hôm trước, chồng chắc đói quá nên cứ nắc nỏm khen ngon. Ở vườn bên có bác nông dân đang cặm cụi tỉa cây, nhặt cỏ. Những chiếc lá rau đã lên xanh nõn trên những luống đất nâu vẫn còn mới tinh.
Từ miền Nam bay lên Bologna. Xuống sân bay buổi sáng, về khách sạn thay quần áo rồi chạy đi uống cốc nước với con bạn đúng 20 phút. Sau đó lại vội vã đi ăn trưa với một nhóm doanh nhân. Ăn trưa xong thì có cuộc hẹn ở một văn phòng. Từ văn phòng ra thì phải đi tham quan bảo tàng. Mình trước đó định từ chối vì thời gian hạn hẹp quá, nhưng chị host cứ khăng khăng bảo “bảo tàng hôm nay đóng cửa, chỉ mở riêng cho hai anh chị thôi, giám đốc bảo tàng sẽ đích thân dẫn anh chị đi tour”. Thế là không từ chối được. Đi bảo tàng xong thì lại được dẫn đi xem garage xe sưu tập rất nổi tiếng của một đại gia Ý, biết ngài đến nên đại gia nọ sẵn sàng mở cửa garage cho ngài tham quan. Xong xuôi, chỉ kịp quay về khách sạn thay quần áo rồi vội vã đi ăn tối với một đoàn luật sư. Quá nửa đêm mới quay về khách sạn.
Sáng hôm sau, ngài phải đi nói chuyện với các doanh nhân của Bologna, mình tranh thủ mấy tiếng rảnh rỗi đi dạo. Ngày đầu tiên thong thả sau hơn 1 tuần dồn dập. Đi thơ thẩn ngang quảng trường Nettuno, có cô giáo mầm non dẫn bọn trẻ ra chơi, đứa nào đứa nấy mặc quần áo dày xụ lũn cũn như một đàn chim cánh cụt, ở một góc người ta đã dựng lên một cây thông giáng sinh lớn, và một nghệ sĩ đàn rong mê mải kéo bản Libertango của Piazzolla, tiếng đàn violin da diết, trong tiết trời lành lạnh, ẩm ẩm của mùa đông châu Âu, và không khí giáng sinh đã ngập tràn trong không khí…
 https://www.youtube.com/watch?v=ZJLxyiubHeo

Ảnh: Vợ bảo chồng “Một ngày nào đó, ngồi trong căn nhà đã xong xuôi và nghĩ đến những lúc vất vả này, chắc mình sẽ thấy thành tựu lắm ý anh nhỉ”. Chồng lắc đầu quầy quậy “Không vất vả, anh thích ngồi ăn trưa sưởi nắng cùng em trên nóc nhà như thế này”. Ồi, tưởng thích gì chứ thích thế thì đơn giản.
Một cậu tặng mình bó oải hương khô vẫn còn tim tím, gói bằng giấy bìa và thắt một chiếc nơ màu đỏ. Mang về cho vào tủ quần áo cho thơm. Mùi hoa oải hương gợi nhớ biết bao những cánh đồng cỏ mùa hè...