Thursday, October 27, 2016

Mũi Hảo vọng



Hồi hè, cả gia đình xuống Salento nghỉ, thực ra nghỉ là phụ, dọn nhà là chính. Một hôm ông chạy lên Ủy ban, lúc về ông bảo vợ “Nhà mình đóng thuế nhiều nhất vùng, chắc chỉ thua cái convent của lão có con xe Mercedes thôi em ạ”. Là ông đang nhắc tới bất động sản của một người từng có thời làm việc cho Margaret Thatcher, lúc về hưu mua một tu viện nhỏ rất đẹp ở thị trấn bên cạnh. Mấy năm trước lúc nào vợ chồng mình đi ngang qua cũng thấy một chiếc Mercedes cổ bóng lộn đỗ ngay cửa. Năm nay không thấy nữa. Nghe nói ông đó đã qua đời và tu viện cổ đó giờ do bà vợ quản lý.

Ở Ý có giai đoạn, giờ không biết còn tiếp diễn không, bạn đi con xe đèm đẹp là bị cảnh sát chặn lại kiểm tra đóng bao nhiêu thuế. Ông nào đi xe đắt tiền mà thuế thu nhập đóng chả bao nhiêu, là ăn đòn đủ. Ở Dubai quen thấy xe đẹp đi đầy đường, hè năm ngoái về Ý đi cả tiếng ngoài đường toàn thấy xe dở hơi, bói chả ra một nhãn xe đình đám. Mình bảo ngài “một đất nước mà ở đó người ta cảm thấy sợ hãi vì có tiền thì chính sách của chính phủ có vấn đề rồi, anh ạ”. Ông yêu nước Ý của ông lắm nhưng ông cũng phải công nhận vợ ông đúng.

Mua món gì cũng VAT, dùng các loại dịch vụ gì cũng VAT đã đành, tiền lương tháng một nửa phải mang đi nộp thuế đã đành, tiền cho thuê nhà cũng phải thuế đã đành, mà vay được một khoản của ngân hàng, nhà nước cũng phải xẻo luôn một khoản thuế trên cái khoản vừa vay được ấy mới chịu.

Mấy năm trước ngài bán cái garage xe ở Rome, cần tiền gấp nên bán rẻ. Một thằng mua vội. Nó chưa kịp mừng vì mua được giá hời, thì bị Sở thuế sờ gáy. Họ nhìn giấy tờ hợp đồng thấy giá trị giao dịch không cao như họ nghĩ thì nghi thằng mua thu xếp trả mình một phần bằng tiền mặt để trốn thuế. Thế là họ phạt thằng mua 40 nghìn euro. Thằng mua tức quá hình như đang kiện sở thuế. Cá nhân kiện công quyền, ở cái xứ đi một bước trả tiền luật sư một bước thế này, giống con kiến kiện củ khoai quá. Nhưng thằng mua chắc uất quá không chịu được nên mới quyết một mất một còn.

Mình chuyển nhà sang châu Phi, Bộ ngoại giao chuyển cho mình một khoản để trả tiền container, trả tiền container đựng đồ thôi chứ không phải lương thưởng gì cả. Tiền chuyển về tài khoản, bị sở thuế xẻo luôn một nửa, lý do đó là thu nhập bất thường nên phải đóng thuế. Thế là tiền container thiếu một nửa mình phải bỏ tiền túi ra bù vào. Thuế má kiểu gì kỳ vậy????

Nhà mình vẫn chưa làm xong, tức là cơ sở tính thuế vẫn là cái nhà kho bỏ hoang, mà tiền thuế mỗi năm đã thở không ra hơi. Lúc nào nhà xong, phải định giá lại như một villa, thì chắc tắt thở vì thuế.
Thuế má chèn ép quá, mình bán tháo luôn mang tiền sang nước khác mua cho lành. Chả trách bao nhiêu người phải tháo chạy khỏi những xứ văn minh dân chủ lấy của người giàu chia cho người nghèo.

Có bạn bảo mình bình luận về bầu cử Mỹ. Mình đã bình luận sơ sơ cách đây mấy tháng rồi còn giề. Không bàn về ứng cử viên nào cụ thể, nói chung mình ủng hộ người có chính sách kinh tế nghiêng về đảng Cộng hòa. Với mình kinh tế là cốt lõi. Kinh tế có mạnh thì mới bàn sang các chuyện trời trăng mây gió khác được. Theo mình, nói chung thì Cộng hòa nên nắm quyền, thỉnh thoảng cho xã hội xả hơi bằng một nhiệm kỳ Dân chủ tạo cảm giác ta vừa giàu vừa hào phóng vừa cao thượng thức thời. Cũng như ta đi làm tích lũy cả năm, mùa hè đi nghỉ xả hơi tiêu tiền phóng tay một chút cho cân bằng.

Mình chỉ muốn nói thêm hai ý này về hai ứng cử viên tổng thống Mỹ hiện nay. Thứ nhất, nhiều người cứ hoảng loạn với các phát ngôn của Trump nhưng mình thấy bình thường. Hồi còn ở New York city, đi events gặp giới nhà giàu New York, bọn già, thành đạt, giàu truyền đời, dân da trắng bản xứ, rất nhiều thằng phát ngôn kiểu thế các bạn ạ, toàn kiểu phát ngôn không sợ bố con thằng nào. Mới nghe thì thấy cũng hơi sỗ, nhưng sau nghe quen rồi, lại nghĩ mình mà được như nó mà vẫn khiêm tốn nền nã thì lúc ấy mới đủ tư cách chê nó. Trên đời này quả thật có những người advantaged đến mức chả cần phải uốn lưỡi nhiều quá, bởi cái việc nói thẳng tưng chẳng cần luồn cúi làm ai sứt mẻ chứ chả làm họ sứt mẻ gì mấy.

Thứ hai, là một đoạn hội thoại mình tưởng tượng về Hillary:

Chủ tọa: Mrs Clinton, if now you say that the sun rises in the West, you’ll become the President of the US.
Hillary (liền vỗ tay cái bốp và giọng thảo mai): Of course, Mr Chairman, of course the sun rises in the West. (đoạn quay phải quay trái mắt mở to ngạc nhiên) Who ever said otherwise?

PS: container của mình đi đường nào nhể, nó đi vòng bờ Đông vòng xuống cực Nam châu Phi rồi đi ngược lên, hay đi qua Địa Trung Hải rồi vòng sang bờ Tây? Nếu đi xuống phía Nam, không biết nó đã đi được tới Mũi Hảo vọng chưa nhỉ? Hồi bé đọc truyện, rất thích Mũi Hảo vọng. Các thuyền trưởng tin rằng nếu con tàu đi được đến mũi Hảo vọng, nó sẽ trở về châu Âu bình yên.

Thursday, October 20, 2016

Nhất sĩ nhì nông hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ



Trước lúc ông đến mình đã cảnh cáo “Thánh đừng có đến đây hăm hăm hở hở thúc đít tất cả mọi người hòng tạo nên một giai đoạn phát triển bùng nổ về kinh tế, bùng nổ về du lịch, quan hệ chính trị hai nước khăng khít yêu mến chưa từng có đấy nhé”. Cảnh cáo thế rồi nghe chừng cũng chẳng ăn thua.

Hồi ông còn đang ở Dubai, hàng ngày đều nhắn tin xun xoe hỏi vợ “em và con có cần gì không để anh mua mang đến cho”. Mình ngây thơ tưởng thật nhờ lấy nhờ để, bỏ công lên danh sách nọ danh sách kia hướng dẫn rất tận tình. Ông vâng dạ. Đến sát ngày ông bay, mình hỏi lại, thì ông đã quên cái món mà mình đã dặn đi dặn lại anh quên gì thì quên đừng có quên món đấy của em. Thất vọng quá chừng nhưng chặc lưỡi thôi, dù sao cả list ông quên có một món thì thôi cũng đành.
Ông đến nơi, hành lý mở ra có mấy đôi giày, vài cái áo sạch, vài cái quần sạch, và vài bộ suit, mà ông hấp tấp đòi treo ngay vào tủ cho phẳng phiu để ông còn mặc. Chồng ai ở nhà lo lắng cái gì to tát mình không biết, chứ chồng mình lo nhất trên đời là không có áo sơ mi thẳng nếp để mặc. Đi đâu, làm gì, vợ có đang xoay như chong chóng sắp xếp nhà cửa bếp núc con cái thế nào, chồng cũng chỉ quắn đít lo làm sao có áo sơ mi thẳng nếp để mặc. Mà mỗi ngày phải ít nhất một cái mới chứ mặc lại cái ngày hôm qua ông không chịu.
Phần còn lại của hành lý là quần áo bẩn. Chất thành một cái núi con con.
Vợ bàng hoàng hỏi “thế danh sách đồ em nhờ anh mua đâu rồi?”. Ông nhào vào đống quần áo bẩn bươi ra hai con dao và một chai thuốc xịt muỗi, mồm liến thoắng “Hành lý đầy quá anh phải bỏ lại hết ở sân bay rồi”.
Mình chưng hửng. Mình bị bao vố rồi mà mãi vẫn cứ quên là ông luôn có trò đầu voi đuôi chuột, dự định to như con voi nhưng lúc thực hiện thì đúng bằng cái đuôi con chuột. Nếu biết ông mang cho mình được mỗi hai con dao bé tí và một chai thuốc xịt muỗi thế này thì mình chả thèm dây ngay từ đầu.
Sau đó thì ông nhanh chóng chiếm ngay một cái tủ làm nơi để các món đồ đồng nát của ông. Mở cái tủ ra, thấy ngay mười mấy hộp kính, mà toàn hộp không. Các thể loại kính râm ông mất dần mất mòn theo thời gian. Toàn kính đi hộp ở lại. Kính đi đã lâu nhưng không chịu vứt hộp đi, cứ giữ khư khư chắc hy vọng có ngày vận đen đảo ngược, hộp đi kính ở lại chẳng hạn, thì mấy cái hộp cũ sẽ có cơ dùng tới. Hồi mùa hè đóng thùng dọn nhà, moi ra một lúc một đống hộp không, mình đã hy vọng ông vứt đi nhưng bận dọn nhà quá nên quên kiểm tra. Ai ngờ ông lại bí mật cho vào hành lý.
Mình bảo “Mang mười mấy hộp kính không trong hành lý đến nỗi hành lý hết chỗ phải vứt lại đồ dùng thiết yếu. Đúng là trên đời có mỗi anh”. Ông giả điếc.

Mình còn đang đau đầu đủ việc, con thì hôm nay đứa này đau bụng Tào tháo đuổi, ngày mai đứa kia đau bụng Tào tháo đuổi, ngày kia đứa kia nữa tủi thân khóc lóc vì có nhõn đứa bạn hay chơi cùng tự dưng hôm đó nó lại quyết định đi chơi với đứa khác để con mình trơ khấc cả ngày, rồi thì mấy mẹ con vào môi trường mới cứ ốm lên ốm xuống, rồi thì mua cái gì thì ngon, mua ở đâu thì rẻ, rồi bao nhiêu đồ trong nhà cần sửa và bảo dưỡng, hội người làm phải điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của mình, ti tỉ việc rối tinh cả lên, container thì chả biết bao giờ mới tới nơi, thì đến được 4 ngày ông đã hăm hở bảo “Anh biết Ghana có một bãi rác công nghệ. Chắc rác công nghệ của nửa thế giới đổ dồn hết vào đó. Ở đó người ta dùng lao động trẻ con để phân loại rác. Anh sẽ đi đến đó tìm hiểu, anh muốn làm một cái gì đó, anh muốn tạo nên một sự khác biệt”.

Giỏi nhỉ, đầu óc lúc nào cũng vĩ cuồng mây gió, tối nay tôi cắt cơm bây giờ.

PS1: Hồi lâu lâu, buổi sáng, mình liếc thấy ông lấy cái kéo mũi cong rất sắc của mình và đang loay hoay lóng ngóng chân tay nghều ngoào định cắt mác bộ suit. Mình nhìn thấy đã sợ, định dành lấy làm thì lại mải cái gì đó mà lãng đi mất. Y như rằng, chỉ chưa đầy nửa phút sau, ông đã chạy đến mặt mũi tức tối “Em xem thằng chồng thiên tài của em đã làm gì này”. Trời ơi, bộ suit cashmere đắt tiền vừa mua, chưa mặc được lần nào ông đã xẻo cho một miếng trắng hếu hình bầu dục ở tay áo. Thế là thay vì dành lấy cắt mác hộ ông chỉ mất 5 giây, thì mình phải ngồi mạng lại lỗ thủng mất mấy chục phút liền, và ông chồng quý hóa phải mặc suit thủng lỗ. Từ hồi làm vợ ông mình triết quá, ra đường thấy anh nào mặc áo vá, quần thủng đít, đi giày chiếc nọ chiếc kia, thì mình cũng khoan chả đánh giá gì vợ anh ta ở nhà. 

Ảnh: toàn hộp không 
 

Wednesday, October 12, 2016

Thặc là một cung nô bộc toẹt vời



Trong vườn có một cây bàng. Chỉ sau mấy lần hanh hanh, lành lạnh, hưng hửng, là lá chuyển màu đỏ ối. Mỗi lần gió thổi, lá bàng rơi như tưới. Bọn trẻ con lấy cào vun lá thành đống để ngã vào cho êm. Ba ngày như thế, cây bàng trụi hết lá. Lá cũ vừa rơi xuống lá mới mọc ra ngay, non xanh mỡ màng và lớn như thổi. Chỉ thêm 3 ngày nữa, cộng một trận mưa, tán bàng đã lại xanh um lộng lẫy.
Buổi sáng ngồi viết blog. Ngoài cửa sổ gió lao xao là một cây phượng vĩ cổ thụ. Chẳng biết ở xứ này thì tháng mấy nó ra hoa. Cậu làm vườn đang cắt cỏ. Mùi cỏ tươi mới cắt vọng lên tận cửa sổ, nồng và thơm. Đang định viết một cái gì đó thơ mộng thì một cậu người làm xộc ra vườn, gọi toáng, bằng thứ tiếng Anh thổ âm châu Phi lơ lớ “gát nờ, gát nờ” (gardener), cụt hết cả hứng.
Nhân thể đang cụt hứng, nói luôn về chuyện cụt hứng nhất trên đời: cung nô bộc.
Con bé trông trẻ thứ nhất, mình đã được báo trước là nó “rất tự trọng”, trong buổi phỏng vấn một mình nó độc thoại thế này “Trường đứa con gái của chủ trước của tôi ở ngay gần đây, trường con bà xa hơn đi mất công hơn. Chủ trước chỉ có một con, bà có tận ba con trông mệt hơn. Chủ trước của tôi trả tôi từng này, nhưng bà phải trả tôi nhiều hơn. Chủ trước của tôi trả tôi overtime từng này, nhưng bà phải trả tôi nhiều hơn. Chủ trước trả tôi tiền đi lại thế này, nhưng bà phải trả tôi nhiều hơn. Nếu bà đi event về muộn quá, hết xe bus, tôi phải bắt taxi về nhà, chủ trước trả tiền taxi cho tôi, bà cũng phải trả tiền taxi cho tôi, hồi trước là từng này giờ tăng giá từng này…”. Mình biết chủ trước của nó cũng là dân ngoại giao, sáng làm việc tối đi events, chồng lại phải về châu Âu chữa bệnh suốt, con bé 6, 7 tuổi chả ai trông nên nanny đi một bước vòi tiền một bước chị ấy cũng phải chịu hết. Tống tiền chị ấy quen rồi nên định tống tiền cả mình đây. Mình đợi thánh trông trẻ thao thao bất tuyệt xong mới thủng thẳng bảo “Tôi trả lương dựa theo giá thị trường chứ không có ý định cạnh tranh với chủ trước của chị. Tôi trả chị lương từng này, giờ làm việc như này, tiền làm quá giờ như này”. Nó nghe xong bảo luôn “Thế thì tôi không làm”. Mình vẫn nhẹ nhàng “Tùy chị thôi. Thế chị muốn làm tạm thế này đến cuối tháng hay muốn nghỉ luôn?”. Nó điệu bộ rất cứng cỏi “Tôi nghỉ luôn”. Mình biết nó làm găng lên với mình vì nó biết điểm yếu của mình là buổi tối hay đi vắng không biết để con cho ai, nên nó mà dọa bỏ ngang thế này thì mình sợ ngay. Mình lấy ví luôn “Vậy tôi trả chị tiền công và chị có thể về luôn”. Mình biết tính con bé này chắc lép nên nó làm có 11 ngày mình đưa nó cả tháng luôn cho đỡ phải kỳ kèo nhức đầu. Y như mình dự đoán, cầm xấp tiền chưa đếm xong đã định nhăn nhó kèo nhèo  mặc cả, nhưng đếm hết thấy rõ ràng là mình trả thừa, nên mồm há ra lại ngậm vào không nói được câu gì. Mình đứng lên. Nó cất tiền vào túi xong điệu bộ có vẻ ngần ngại định nói cái gì nhưng mình lạnh tanh “Chị có thể về được rồi” nên nó đành đi ra. Tự trọng là tự trọng, tinh vi là tinh vi. Nhiều người đi giúp việc tinh vi láo toét lại cứ nhận vơ là có lòng tự trọng.
Con bé trông trẻ thứ hai, vừa lĩnh lương tháng đầu đã đi làm ngay một quả đầu kiểu cách, xòe ra như tán cây và sấy cho tròn vo lên. Mình mà gặp nó ngoài đường chắc không nhận ra. Nó cao lên dễ phải gần 20 phân và từ giờ chắc đi mưa khỏi cần mũ nón mà chả sợ ướt người. Không biết lúc nó gội đầu thì cái tán tóc đấy có xẹp xuống mất không, mình tò mò quá mà chả dám hỏi. Xẹp xuống thì nó lại tốn tiền ra tiệm sấy cho bồng lên, rồi tiền ăn mang đi sấy tóc hết, lúc cần mua đồ ăn sờ vào túi thấy hết tiền lại vòi vĩnh hoặc tìm cách xoay xở. Cứ dăm ba ngày nó lại gõ cửa xin nói chuyện với mình một lần, chủ đề toàn về các nhu cầu cấp bách. Đến mức mình phải bảo “có vấn đề gì mọi người phải nói với quản gia, rồi quản gia sẽ tập hợp lại và nói với tôi một thể, chứ tôi không có thời gian tiếp từng người một”, thế thì nó mới thôi.
Con bé này trẻ, điệu bộ đỏm dáng gọn ghẽ. Sáng 6.30 lên nhà làm đã thấy son phấn đầy đủ, tô cả bóng mắt. Nó khoe hồi trước làm ở spa, là beautician, việc gì cũng biết làm, móng tay móng chân, đầu tóc, chăm sóc da mặt, thậm chí cả massage, làm được hết. Mình cả tin “chị biết massage hả?”. Nghe mình hỏi lại nó ngập ngừng liền “Những cái khác tôi biết hết còn massage tôi chỉ biết tí thôi”. Chưa chi đã con rắn vuông roài. Xong rồi mình chợt nghĩ ra, con La với con Na đầu tóc có vài cọng mà sáng nào nó buộc tóc là tóc cả hai con bé trông như tổ quạ, vì nó chỉ biết vun vào rồi quấn chun, hôm nào muốn tết muốn búi là phải ra bảo mẹ. Thế thì mình có thể chắc chắn là ngay cả việc làm tóc nó cũng chả biết làm nốt. Rồi mình lại chợt nhớ ra con bé da đen nô lệ trong phim Cuốn theo chiều gió, hót như khướu bảo biết đỡ đẻ, làm suốt, thành thạo lắm rồi. Ai ngờ đến lúc người ta đẻ thật thì nó mới gào khóc thú thật là nó đã nhìn thấy bà đẻ bao giờ đâu. Rồi lúc tình hình nguy ngập, Scarlet sai nó đi gọi bác sĩ, thì nó đi đâu mất hút, mãi mới vác mặt về, vừa đi vừa múa tạp dề vừa vuốt hàng rào vừa hát nghêu ngao điệu bộ lãng đãng mộng mơ vô cùng. Hỏi bác sĩ đâu thì nó bảo nó sợ bệnh viện quá không dám đến :-)))))))

Hôm nay thì mình đã sa thải con bé trông trẻ này rồi. Không phải tại nói khoác về khoản massage và đầu tóc mà là tại cái tính tắt mắt đã cảnh cáo một lần mà không chừa, lần thứ hai là đuổi lập tức luôn. Quay lại lấy đồ là bị bảo vệ đi kèm vào tận nơi, dọn xong là lập tức kèm trở ra tận cổng, cấm bước chân vào nhà chính. Đi làm kiếm cơm mà còn không quý việc của mình, thì chả ai quý hộ cho cả. Thể diện của mình còn không tự giữ, đừng hy vọng người khác giữ hộ cho.

Trời bắt đầu nóng lên. Bên này thời tiết ngược đời, không chuyển từ hè sang thu, mà lại chuyển từ thu sang hè. Đang định nhớ mùa đông thì lại nghe từ dưới cửa sổ tiếng một cậu người làm vừa phơi đồ mới giặt vừa hát nghêu ngao, cái gì mà hố hô hô, you are my soul, há ha ha you may not, hú hu hu…


Monday, October 10, 2016

10/10/2016



Hồi mình mới đến, chả có xe đi lại nên phải thuê xe kiêm tài xế. Thằng bé lái xe trẻ lắm, tầm ngoài 20 tuổi thôi, cao nghều, gầy vêu. Nó lái xe cho một công ty chạy Uber, lái ngày lái đêm để được tiền phụ phí mà công ty kia cứ lý do lý trấu để quỵt phụ phí của nó. Cuối cùng, nó bỏ ra ngoài thuê cái xe cà tàng tự chạy Uber, đợi container của mình tới nơi, mình có xe, thì xin lái cho mình. Vận nó cũng đen. Xe cà tàng thuê một ngày một đống tiền, mà chạy 3 ngày thì hỏng 2 ngày. Xe hỏng thì tuy không phải trả tiền thuê nhưng đồng thời nó cũng không có thu nhập tức là đói ăn luôn. Vừa sửa xong một cái thì công ty cũ gọi cho nó bảo đến thanh toán công nợ nốt, nó nợ gì trả lại công ty, công ty nợ gì cũng trả nốt cho nó. Thấy nó khoe thế mình đã nghĩ ngay “Nó sẽ cho công an bắt cậu ngay. Những công ty làm ăn kiểu bất chính quỵt lương nhân viên hàng loạt này toàn bảo kê công an để dọa nạt o ép người lao động, mình có đúng cũng không thắng nổi chúng nó đâu” nhưng vừa định nói với nó thì điện thoại đổ chuông. Mình trả lời điện thoại xong thì cũng quên biến chuyện của nó.

Tối, hơn 9h đêm, nó gọi điện. Hóa ra đúng như mình đã nghĩ, cu cậu vừa thò mặt tới công ty thì bị công an tóm lôi về đồn luôn. Chả có tiền để chuộc, đành gọi cho mình. Thế là mình đành phải đưa tiền để chuộc nó ra. Chuộc ông mãnh hôm trước thì hai hôm sau ông mãnh lại gọi điện bảo cố lắm mà không kiếm đủ tiền trả tiền thuê xe, lại nói khó xin vay mình tiếp. Mình lại bấm bụng đưa tiền cho nó trả nợ chủ xe nốt. Mình biết nó nói thật vì riêng vụ hôm trước bị công an tóm thì cả người cả xe đã bị giam từ trưa tới tận đêm, mất bao nhiêu thu nhập mà tiền thuê xe thì vẫn phải trả đủ. Mình biết nó chạy xe ngày đêm, chả dám ăn uống gì, cả ngày mua mỗi cái bánh mỳ và chai coca. Mặt đói ăn thiếu ngủ cứ gầy vêu ra. 

Thế là mình đành nhận nó sớm hơn dự kiến. Mình bảo “ Cậu chỉ cần làm việc cho tốt. Có thời gian làm cho tôi rồi thì về sau đi đâu cũng xin được việc. Chưa kể tôi đi thì sẽ có người khác đến, cậu đã vào được một cộng đồng tốt rồi thì không bao giờ lo thất nghiệp, không bao giờ phải đi làm cho những công ty bóc lột sức lao động và quỵt tiền lương của cậu nữa”. Thế là cho nó chỗ ở, cho nó đủ tiền ăn tháng tới. Nó cũng ngoan, mình không nhắc gì nhưng vừa cầm tiền mình đưa là tự giác xin trả nợ. Mình bảo tiền này tôi đưa cậu để cậu ăn uống cho tử tế trong tháng, đến cuối tháng sau lấy lương thì tôi sẽ trừ nợ dần.
Mình cũng chả muốn dính dáng đến mấy việc bê bối tiền bạc của người khác này đâu, nhưng mình biết nó gặp khó thật chứ không phải kiểu thấy mình dễ thì tranh thủ. Thấy cũng tội. Nó cũng ngoan, cũng chăm chỉ, mỗi tội ở cái nơi xã hội nhiều bất cập này, bệ phóng lại chả có, xoay mãi vẫn không thoát nổi cảnh giật gấu vá vai.

PS: rời Dubai, áy náy nhất chuyện của cô Rất. Mình gọi điện, cô ấy bảo đang ở Manila, đang chuẩn bị được công ty môi giới đưa đi Kuwait. Từ khi chính phủ UAE và Philippines bất đồng về chuyện giúp việc, trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết, Dubai không cấp visa cho giúp việc người Philippines nữa, và người giúp việc Philippines cũng bị chính phủ Phlippines cấm xuất cảnh nếu có vé máy bay đi Dubai. Mình bảo “Tôi sắp lên máy bay đi châu Phi rồi, không nói chuyện được nhiều. Nhưng cô đợi tôi mấy hôm, tôi sẽ liên lạc với bạn bè người quen của tôi ở Dubai để xin việc cho cô. Cô hãy bỏ công ty môi giới, đừng đi Kuwait, ở đó họ bắt cô làm nhiều, trả lương ít và đối xử rất tệ”. Chỉ một lời nói của mình, cô Rất bỏ công ty môi giới. Vài ngày sau, từ châu Phi, mình chỉ gửi đúng 1 tin nhắn, rằng “tổng lãnh sự mới đã đồng ý nhận cô. Bà ấy sẽ đến vào tháng 9, tôi nghĩ  cô sẽ sang được vào đầu tháng 10”, rồi mình biến mất. Thế mà mình bảo đợi là cô ấy đợi, không một chút nghi ngờ, không một lời thúc giục, và đợi lâu cũng không một câu oán thán, mặc dù mình biết cô ấy rất lo lắng và sốt ruột, và ở nhà chơi không 5, 6 tháng nay thì hẳn tài chính của cô ấy đã cạn kiệt lắm rồi. Đó là cái tính mình thương nhất ở cô Rất. Đợi lâu là vì chuyện nọ dây mơ rễ má chuyện kia mà túm cái quần lại thì là chuyện chính trị đẩu đâu ở cấp thượng tầng ảnh hưởng lây tới cả cô Rất ở tít bên dưới. Tuần trước, mình gọi điện. Cô ấy nghe thấy giọng mình thì reo lên vì mừng. Tổng lãnh sự mới đang làm visa bảo lãnh cho cô ấy sang. Muốn dặn dò cô ấy ôn lại những thứ mình đã từng hướng dẫn, thì sang mới làm tốt ngay được, nhưng điện thoại thì chập chờn, Mộng Rất thì lãng đãng, mình bỏ cuộc. Thôi kệ Mộng Rất hehe.

Tuesday, October 4, 2016

Chuyện nhà




Con Na bảo mẹ rằng thì là chú lái cái xe màu xám cứ vẫy tay chào nó vì “Na very cute”. Mẹ bảo “Chú vẫy tay chào con vì tính chú thân thiện chứ không phải vì trông con xinh, con ạ”. Nó bảo “không, chú bảo Na shế, chú bảo Na very very cute”.
Nó gần 6 tuổi, láo như ranh, câu cửa miệng là “I hate her, she’s mean to me” về các bạn gái cùng lớp, và “I don’t care” về tất cả mọi người, và bắt đầu đi sưu tập các thể loại lời khen tặng. Mẹ hết thở ngắn đến thở dài khi chốc chốc lại phải nghe nó báo cáo mamma, cô kia bảo Na xinh đẹp quá, mamma, cô kia bảo mắt Na đẹp đẹp đẹp quá, vừa nói mắt vừa chớp lia lịa và làm một vẻ mơ huyền khó tả. Hôm nọ, mẹ ngồi lịm hết cả người khi nghe cô con gái út ít tuyên bố rằng tất cả mọi người đều bảo nó xinh, mà “even when they don’t say, maybe they think it in their heads”, tức là ngay cả khi họ không nói ra thì trong đầu họ cũng nghĩ như vậy.
Ở nhà hàng ngoài biển, TV bật bài gì nó hát được theo bài đấy, vừa hát vừa nhảy rất bài bản. Bố mẹ chả biết bài nào. Hát chán một hồi nó chạy về bảo mẹ rằng nó biết tất cả các bài hát. Mẹ chẹp miệng “Ờ, dĩ nhiên. Mày đi học 2 năm mà chả đọc được chữ gì, viết thì được mỗi 4 chữ from, to, mum, dad, thì chắc chắn mày đến trường là để học hát rồi chứ còn gì nữa hả con”. Nó nghe xong gân cổ cãi “hông phại, Na viếc được cả têng Ang na”.
Hát tử tế chưa đủ, nó còn dành rất nhiều thời gian để học hát xuyên tạc. Thời gian của nó chỉ toàn được dùng vào những việc vô bổ kiểu học huýt sáo, học bật ngón tay tách tách, học đứng khuỳnh chân tay cho vào túi quần, và ăn mặc theo xu hướng hồng hồng tuyết tuyết vậy thôi. Nó hát xuyên tạc như sau:
Happy birthday to you
You are a hundred and two.
But the baby next door,
He is a hundred and four.

Mẹ cũng bị nó tặng một bài
Halibali halibali bee
Mum sits on the chair and pees.

Và hồi hè vừa về Ý được đúng 1 ngày thì nó đã học được ngay bài mới hát suốt ngày “Mày đi ị, hay đi đái? Để tao đưa mày cái bô”.

Đi học là một chuyện rất bất đắc dĩ, vì ở trường thầy cô giáo “too strict, Na không thích”. Có lần, nó đi học về vào bếp mách mẹ rằng hôm nay Na lại bị cô giáo mắng. Mẹ hỏi sao cô lại mắng con. Nó bảo tại vì Na chạy cô sợ Na ngã đau. Mẹ tức lắm nhưng thấy mắt nó đang long sòng sọc nên không dám mắng mà chỉ làu bàu trong miệng “Người ta đã cấm chạy rồi thì mình lại còn chạy làm gì không biết”. Thế là bị nó gân cổ cho một bài, rằng thì là chạy chưa chắc đã ngã, ngã chưa chắc đã đau, bằng chứng là nó chạy bao lần không ngã, và ngã bao lần không đau,  thế nên cái việc mắng nó vì nó chạy và sợ nó ngã đau là “not fair”!!!
Nó chỉ còn hào hứng với trường lớp vào những ngày có môn thể dục, những ngày hội thể thao và những ngày được mặc váy áo như ý chứ không phải mặc đồng phục. Những ngày còn lại, nó chỉ tập trung vào việc làm mọi cách nghĩ mọi kế để gây ấn tượng và thu hút sự chú ý. Có đợt nó suốt ngày bắt mẹ dính cho nó cái băng Urgo vào bất cứ đâu dù chỉ là một nốt muỗi đốt để nó còn đến lớp khoe. Có dạo chiều nào nó cũng thậm thụt lấy phong bì của mẹ và thó trộm Lego của anh chị cho vào phong bì dán lại, để sáng hôm sau đến lớp nó cho vào tủ của các bạn nó mỗi đứa một phong bì đồ chơi. Cả cô giáo cũng được nó tặng Lego luôn. Toàn hào phóng bằng đồ của người khác như vậy chứ đồ của nó nó giữ còn hơn đười ươi giữ ống. Sau đợt đó anh chị nó kêu oai oái vì mất sạch đồ chơi, còn mẹ nó đến lúc phải trả lương cho người làm tìm điên cả người chẳng còn cái phong bì nào trong nhà. Tai hại hơn, có đợt nó còn toàn giả ốm để vào phòng y tế nằm. Cô y tá trường sau một thời gian chịu hết nổi phải gọi điện cho mình bảo chị làm thế nào chứ con chị kêu ốm mà mặt mũi tươi tỉnh như một bông hoa, nguyên văn “fresh like a flower”. Đúng là chỉ muốn độn thổ vì con.
Lại còn thêm cái trò đánh bạn. Nó đánh người ta đỏ hoe cả mắt lên, bị mẹ mắng thì nó liến láu “Na hông đánh bạng. He made fun of me, I was really angry then my hand flew into his eyes” (bạn trêu Na, Na tức quá thế là cái tay của Na bay luôn vào mắt bạn). Làm mình nhớ tới chị bạn, ông tướng con chị ấy có câu kinh điển “Bạn đánh con, con giơ tay lên đỡ thế là bạn chảy máu mồm”.

Hức, hai đứa đầu ngoan ngoãn, chăm chỉ, tuân thủ mọi quy tắc. Chả hiểu sao nảy nòi ra cái con không giống ai thế này hả giời ơi. Con này chỉ vài năm nữa không trèo tường trốn học mới gọi là sự lạ trên đời. Ngài nghe mình than vãn thì bảo “Tính thích gì làm nấy chả sợ ai là tính của em còn gì”. Con ngoan thì nhận giống mình, con hư là đổ ngay cho vợ, được lắm. Mà thôi, hư mẹ cũng thương. Mẹ thương đứa con gái út ít của mẹ học đã dốt mà năm nay chuyển trường, từ hệ Anh nhảy sang hệ IB, còn bị nhảy cóc một lớp. Học lớp dưới còn đang dốt bỏ bu ra, lại còn bắt con người ta nhảy cóc lên lớp trên, không dốt đặc cán mai mới là sự lạ đấy. Bé Na, 5 cộng 1 bằng mấy? 18. Thế 7 cộng 2 bằng mấy? 20. Thế 12 cộng 7 bằng mấy? Năm triệu nghìn.

Ảnh 1: dép ai dính cát mặc kệ chứ dép nó là cứ phải sạch tinh tươm, mỗi tội sạch bằng cách để lên dép người khác.

Ảnh 2: chỉ vì mình giơ máy chụp con chị nó và bảo nó dịch ra đừng chắn trước ống kính, mà nó căm thù mình thế này đây. Lườm mãi chắc mỏi mắt, một lúc sau nó ngủ khoèo. Lúc tỉnh dậy, chắc đã hết cơn, nó lỏn lẻn xin lỗi, nó bảo Na shin lối mamma Na yêu mamma lắm lắm Na không hiểu sao Na lại nói thế thôi mamma xóa cái ảnh đấy đi.