Saturday, December 17, 2016

Chestnuts roasting on an open fire...


(Tiếp entry trước)
Mình hoàn toàn có thể khiếu nại vấn đề lên cấp cao hơn, nhưng mình thương cô giáo của con Lila. Cô ấy cũng là có trách nhiệm với học sinh nên mới đưa ra đề nghị thế, chẳng may gặp cô hiệu trưởng non tay và con mụ tư vấn nhỏ nhen có khi lại đang gây sức ép lên cô ấy. Giờ mình làm toáng lên thì có khi cô giáo lại gặp rắc rối.

Mình suy nghĩ mất mấy ngày. Trong thời gian đó thì mình nói chuyện với nhiều phụ huynh lâu năm trong trường. Hóa ra mình mới nên không biết chứ mụ tư vấn viên nổi tiếng là xấu tính, tư lợi, rất nhiều người ghét. Năm ngoái trường có scandal gì đó nên khối tiểu học trống vị trí hiệu trưởng, trợ lý hiệu trưởng phút cuối bị đôn lên làm tạm vị trí hiệu trưởng, non tay nên tư vấn viên càng lạm quyền, lộng hành bắt nạt khắp nơi từ hiệu trưởng đến thầy cô giáo. Buồn cười hơn, tư vấn viên tuy quyết liệt phản đối đặc cách cho con người khác nhưng chính tư vấn viên tự ý đặc cách cho con gái bé của mình học nhảy cóc một lớp, mà là do tư vấn viên ép giáo viên chứ giáo viên họ không mời. Buồn cười hơn nữa, bảo con tư vấn viên học giỏi lắm ai cũng cười ầm lên, vì sự thật là con tư vấn viên học rất thường chứ không giỏi như tư vấn viên khoác lác. Chưa kể cả 2 đứa đứa bé thì quấy khóc khiến thầy cô giáo phát điên. Đứa lớn, cùng khối với Lila, thì côn đồ với bạn bè, phụ huynh ai cũng sợ con mình vào chung lớp, cứ thấy bị xếp vào cùng lớp là nằng nặc xin chuyển lớp khác. Tư vấn viên luôn rất năng nổ đôn đáo xin playdates cho con mà toàn bị từ chối. Một chị phụ huynh còn bảo mình “Nó ghét bọn học sinh Á thông minh học giỏi hơn con nó lắm. Nó sẽ không bao giờ cho Lila cơ hội lên lớp trên đâu, vì như thế là công nhận con chị hơn con nó. Bất kỳ đứa nào nổi nổi trong khối là sẽ bị nó để mắt tới. Con tôi năm ngoái cũng bị nó ghét, nó tác động vào cô giáo để trao phần thưởng cho học sinh khác”. Ối, làm nghề giáo dục mà mạt thế.

Rồi mình quyết định. Mình biết con mình có thể hơn thế nhiều, để nó tiếp tục ngồi khểnh chơi trong lớp thì quá phí khả năng của nó. Chỉ trong vòng 10 ngày, mình liên hệ trường mới, gặp gỡ hiệu trưởng, đi xem trường. Trường mới này khó vào hơn nhiều vì rất uy tín về mặt học thuật, danh sách chờ rất dài, nhưng họ đồng ý gặp vợ chồng mình luôn và ưu tiên xếp lịch thi đầu vào, mỗi bài thi gần 3 tiếng cho Lê La. Chỉ sau có 2 ngày trường thông báo nhận luôn. Trường hài lòng lắm, bảo bài thi của các con chị đạt exceptional results. Mình chạy tướt bơ, hoàn thành hồ sơ nhập học, hoàn thành thủ tục rút tên cả 3 đứa khỏi trường cũ, mua đồng phục mới, vừa kịp trường nghỉ giáng sinh.

Trên đời này chỉ sợ nhất là bất tài vô tướng lại tham nên phải tiểu xảo để dẫm đạp chen lấn, chứ đã có tài đi đâu chả được, việc quái gì phải xoắn. Con mẹ ngoan ngoãn giỏi giang, vào trường nào là đóng góp đáng kể cho thành tích của trường đó. Mẹ rút con mẹ ra, trường chỉ có mất chứ không có được. Giờ mẹ chỉ cầu mong ở trường mới, toàn học sinh Phi thế này, con mẹ sẽ hòa nhập tốt, mẹ sẽ không phải đau đầu vì chuyện các con thiểu số bị cô lập trong trường.

Đấy, học vượt cấp, bằng khen, điểm tốt, hạnh kiểm tốt, của chị tư vấn viên cả đấy. Chị cố mà giành hết cho con chị, giành mãi giành mãi mà không được là tôi chê chị đấy nhé.  

Thôi chào các bạn, cún đi lao động giáng sinh đơi. Cắt xoẹt tóc cho thành chấm vai luôn để lao động cho năng suất. Đời là một chuỗi thử thách, nhưng thử thách thì thử thách, sợ giề.

Ảnh 1: Report của năm học trước. Năm nay con gái mẹ ngồi chơi cả học kỳ, toàn cắt dán tào lao.
                                         
Ảnh 2: con trai mẹ vừa vào đã giành huy chương bạc cho trường trong môn bơi trườn sấp của cuộc thi bơi ở Lagos hồi tháng 11. Ngài bảo “nhìn thế này sao biết là con mình?”. Giời ơi ông ơi, con tôi đứng cách xa một cây số tôi ngửi cũng ra hehe.

PS: Tại buổi biểu diễn của bọn học sinh bé, mở màn là phần biểu diễn piano. Có một đứa bé gái biểu diễn đầu tiên, đánh chả biết có được 10 giây hay không, nốt được nốt mất. Đánh xong rồi, đi xuống rồi mà bố mẹ ngồi xem chỉ dám vỗ tay lác đác vì tưởng lên thử đàn chơi chơi chứ không phải trình diễn. Chả bù cho mấy đứa về sau đánh tốt quá mọi người vỗ tay không ngớt. Đến phần hát đồng ca cả mấy lớp, lại đứa bé gái ấy đi lên trước, đứng hát vào micro một mình, mà vẫn hát y như các bạn chứ không phải hát solo dẫn dắt gì mà phải đứng riêng cho nổi, chưa kể còn hát lạc giọng và nhảy múa lóng ngóng. Tình cờ chị ngồi bên mình mới quay sang bảo mình nó là con gái của tư vấn viên đấy. Hóa ra lời đồn đúng cả. Tư vấn viên toàn dùng quan hệ để đôn con mình lên hàng sao, giành cho con mình vị trí chính ra sẽ thuộc về một đứa trẻ khác thực sự có khả năng. Mới có cái màn biểu diễn cây nhà lá vườn của mấy vị nhi đồng thối tai mà đã phải giành giật thế, chắc đời không giành giật thì không có nổi cái gì quá!

Friday, December 16, 2016

16/12/2016



Mọi chuyện bắt đầu từ cuộc họp phụ huynh cuối tháng 10.
Cô giáo của con La bảo “Con bé học giỏi quá, vượt quá xa các bạn cùng lớp. Tôi khuyên anh chị nên cho nó học nhảy cóc lên lớp trên. 20 năm dạy học của tôi, tôi mới chỉ đưa ra lời khuyên này cho khoảng 3 đến 4 học sinh”. Mình vốn ngay từ đầu năm học nhìn sách vở của Lê La đã biết chương trình học thế này là dễ quá với chúng nó rồi, nhưng mới chuyển đến, bao việc đổ lên đầu, nên chưa kịp có biện pháp giải quyết, nay nghe cô nói thế thì mừng quá nhưng vẫn cẩn thận hỏi lại “trường có cho phép nhảy cóc lớp thế này không hả cô?”. Cô giáo bảo “hiếm nhưng đó là chính sách của trường dành cho học sinh năng khiếu”. Được sự đồng ý của mình, cô giáo mang kết quả các bài kiểm tra quốc tế và nhất là các bài văn viết của con La đi nói với cô hiệu trưởng. Cô hiệu trưởng ấn tượng lắm, bảo lớp 4 có chỗ trống ngay sau dịp giáng sinh này, và muốn gặp vợ chồng mình để bàn bạc.
Trong buổi gặp có sự tham gia của cả tư vấn viên. Tư vấn viên tham gia buổi họp với tư cách tư vấn ai hỏi gì tư vấn nấy thì không sao, đây tư vấn viên giành nói hết phần người khác và khăng khăng không cho con mình lên lớp. Tư vấn mặt vênh lên ngực ưỡn ra bảo “Con tôi cũng rất giỏi, tôi đành phải cho nó bài làm thêm ở nhà”. Thế là buổi họp kết thúc chả ngã ngũ được vấn đề gì. Mình rất ngạc nhiên, chính cô giáo chủ nhiệm gợi ý, bố mẹ đồng ý, cô hiệu trưởng ngả theo hướng đồng ý, trường thì có chính sách đặc cách cho học sinh năng khiếu chứ chả ai làm cái gì trái luật, việc quái gì đến nó mà nó cứ nằng nặc chặn đường con nhà người ta vậy không biết??? Còn nữa, đang bàn chuyện của con mình, liên quan gì đến con nó mà nó cứ nói đi nói lại rằng con nó học cũng rất giỏi???

Sau đó, mình tình cờ gặp nó ở trường, nó nói độp vào mặt mình “Nhiều phụ huynh cứ tưởng con mình giỏi lắm, nhưng chúng tôi trao đổi trực tiếp với cô giáo chủ nhiệm thì hóa ra học sinh chả giỏi như phụ huynh tưởng”. Mình ngỡ ngàng “Con tôi được chính cô giáo chủ nhiệm khuyên cho lên lớp trên học chứ có phải do chúng tôi tự yêu cầu đâu”. Cái mặt toàn tàn nhang của nó sửng sốt đến mức đã mải chạy đi còn phải chạy lại hỏi “Thật không? cô giáo chủ nhiệm recommend thế hả?”.

Mình ngây thơ, tưởng trước giờ nó phản đối vì nó nghĩ mình tinh vi tự đến lớp ép cô giáo và ép trường cho con Lila nhảy cóc lớp, nay nó biết nó nhầm rồi, thì sẽ không chặn đường con bé nữa, nên lại viết thư cho cô hiệu trưởng. Ai ngờ cô hiệu trưởng quay ngoắt 180 độ, trả lời thẳng tuột rằng chương trình IB có cách truyền tải kiến thức khác chương trình khác, và rằng con Lila đang rất vui vẻ với bạn bè nên cứ để nó ở đấy chả phải chuyển đi đâu cả. Mình điên quá, bẻ lại ngay. Mình bảo “Thứ nhất, nếu con tôi học dốt không tiếp thu được và vợ chồng tôi phàn nàn cách dạy ở trường thì chị hãy nói tại IB dạy kiểu khác cần thời gian làm quen, đây con tôi học giỏi như thế thì chị đưa giải thích IB approach is different ra đây làm gì? Thứ hai, nếu con tôi đến giờ là 4 tháng mà vẫn chưa làm quen được với các bạn trong lớp thì ít nhất các chị còn lấy lý do rằng con tôi khó thích nghi, khó hòa nhập, không nên chuyển lớp nữa. Đây con tôi hòa đồng, thân thiện, rõ ràng chẳng có vấn đề gì về socially và emotionally, chị có bằng chứng hay cơ sở nào lo ngại nó sẽ không hòa nhập được ở lớp trên? Thứ ba, tư vấn viên được triệu tập đến cuộc họp, mà hoàn toàn không biết rằng trường hợp con tôi là học quá giỏi nên chính cô chủ nhiệm đề nghị cho lên lớp. Thông tin quan trọng nhất thế mà còn không biết thì không biết cô ấy tư vấn cái gì? Việc quan trọng đến thế với sự phát triển của trẻ con, mà các chị làm ăn thiếu chuyên nghiệp thế à? Cô hiệu trưởng tịt luôn. 
Giờ mình bận rồi, mai mình viết tiếp.

Sunday, December 11, 2016

Dân Ý


Có lần, ở Siena, mình nhìn thấy một cửa hàng bán búp bê vải rất đẹp, con nào mình xem giá cũng phải một trăm mấy chục euro. Lúc đó là gần 1h trưa. Mình bảo bà bán hàng “Tôi muốn mua 2 con búp bê nhưng muốn đợi chồng tôi đến cùng chọn. Chồng tôi tối đa 10 phút nữa sẽ tới, chị chờ một chút nhé”. Mình đề phòng cái giờ nghỉ trưa từ 1h tới 4h chiều của dân ở đây. Thế mà mình chỉ ra đứng ngoài cửa có mấy phút nhắn cái tin điện thoại vì ở trong cửa hàng không có sóng, lúc ngài đến, mình quay ra thì cửa hàng đã đóng cửa từ bao giờ. Mà mình đứng ngay trước cửa chứ chả phải đi biến đâu mất để bà ta tưởng mình hứa lèo nên đến giờ là đóng cửa luôn khỏi chờ. Búp bê giá đắt thế, mình tin là cả ngày có khi bà ta cũng chả bán nổi 2 con. Thế mà có khách hứa mua một lúc 2 con mà chờ có 5 phút cũng không chờ được. Rồi ế khách lại đổ tại tình hình kinh tế và chửi chính quyền.
Hồi cận Giáng sinh năm ngoái, vợ chồng mình bay từ Dubai về Salento để gặp thợ mộc đặt làm đồ mộc trong nhà. Hợp đồng lớn, mười mấy bộ cửa và bao nhiêu đồ gỗ chứ ít ỏi gì. Thế mà thợ mộc bảo tháng 5 năm sau, tức là gần 6 tháng sau, mới bắt đầu làm. Mà thợ mộc thuộc diện nghèo xơ xác đi giày thể thao há mõm chứ có phải thừa việc làm không hết đâu. Mình bực mình bảo ngài gọi thêm một thợ khác. Thế là thợ mộc đang 1 mình độc quyền 1 hợp đồng lớn tự dưng thành chia đôi cho người khác một nửa.
Hồi hè, trước khi xuống cái nhà ở Salento, vợ chồng mình có gọi người đến lau dọn. Nghe giá 1000 euro đã rùng cả mình, vợ chồng mình thì đang túng tiền. Nhưng dù sao đây cũng là lần hút và lau đầu tiên sau khi làm nhà, cái nhà thì lớn, công việc chắc cũng cực, vả lại hỏi mấy nơi chỉ có nơi đó là rẻ nhất, nên đành phải gật đầu.
1000 euro kể cả là nơi rẻ nhất cũng nào có ít ỏi gì. Mình cứ tưởng công ty kia phải cử tới một đội nhân sự máy móc chuyên nghiệp thế nào. Hoá ra có đúng một bà già lọm cọm, một cô lầm lì và một cậu ngáo ngơ, cộng cái máy hút bụi sứt sẹo, cái xẻng hót cứ nhấc lên thì cán long đằng cán xẻng long đằng xẻng, một cái xô nhựa, một cái chổi cũ, một miếng giẻ rách,và mấy cuộn giấy bếp. Chấm hết. À quên, cô tre trẻ mặt mũi lầm lì còn cầm theo một cái gì nhìn như cái bay, để cạo những vệt sơn tròn tròn rớt dưới chân tường chân cột.
Mình nhìn thấy tập đoàn cọc cạch đó kéo đến thì đã chán đời ngay, nhưng giờ đổi ý cũng đã quá muộn, nên đành chịu. Cái nhà lớn và đầy bụi như thế mà họ mang đến cái máy hút bụi bé tí loại dùng cho căn hộ. Y như rằng hút được gần 1 ngày thì nó không chịu nổi nhiệt lăn đùng ra ngất. Thế là thôi máy hút bụi bị quăng sang một bên, ông tre trẻ thì cầm xô nước té cái ào ra sàn nhà bụi bê bết, và bà già già thì cầm cái chổi nhựa xoa xoa đủn đủn đẩy đẩy trong bãi nước, rồi dùng cái giẻ rách thấm nước lẫn bụi vắt vào cái xô và mang cái xô đi đổ!
Hai ngày làm việc như bôi ra như thế, mà cũng chỉ thong thả từ 9h sáng đến 3h chiều chứ không phải quần quật từ sáng sớm đến tối mịt gì cho cam, thì họ bảo xong rồi. Nhà vẫn bụi bẩn, cửa sổ cái nào nhắc thì bóc băng dính, cái nào không nhắc là cũng chả buồn bóc, bậu cửa sổ tì tay vào là bụi trắng xóa. Chưa kể bầu đoàn thê tử kia lúc ra về lại còn cầm nhầm cả cái xẻng hót rác mới tinh mình vừa mua để dùng và để lại cho mình cái xẻng sút cán.
Sáng hôm sau, chịu hết nổi tình trạng nhà cửa bụi bặm bẩn thỉu, mình chạy đi mua một cái máy hút bụi công nghiệp 75euro về, tự làm, hùng hục cả ngày tới tận tối mịt mới xong. Mệt muốn chết nhưng từ đó sờ soạng khắp nơi trong nhà mới bắt đầu có cảm giác sạch sẽ. Nghĩ mà tiếc số tiền bỏ ra trả cho những người làm việc cái kiểu lìu tìu, nhận thù lao 1000 euro mà không đầu tư nổi 75 euro để mua một cái máy hút bụi tử tế. Làm ăn kiểu đấy lần sau ai dám thuê nữa. Rồi thất nghiệp thiếu tiền tiêu lại chửi chính quyền và chửi những người nhiều tiền hơn mình. Người nghèo ở đâu không biết chứ người nghèo xứ dân chủ này hung hãn vô cùng.
Dân Ý rất nhiều người lúc nào cũng ca thán thu nhập không đủ sống, chính phủ phải thế nọ thế kia. Thế mà lúc có cơ hội làm việc thì hoặc là làm không tử tế, hoặc là làm đủng đỉnh kiểu trưa không vội tối chả cần. Việc nằm đợi đấy mà đến mùa hè thì phải đi biển phơi nắng cả tháng, mùa đông thì phải đi trượt tuyết bét ra cũng phải 1 tuần, giáng sinh là mọi thứ tê liệt cho đến cả tháng sau. Ca thán chê bai suốt thế mà cứ ai định manh nha kêu gọi sửa đổi đụng chạm quyền lợi một cái là bị phản đối quyết liệt. Dân tộc kiểu thế không xuống lỗ cũng phí.
Nhớ ra mấy cái chuyện trên vì đợt giáng sinh này cả nhà lại kéo về Salento. Mình sẽ lại lăn lưng ra dọn dẹp hút bụi cái nhà rộng thênh thang. Vừa rộng vừa lạnh vì chưa có tiền lắp sưởi. Cộng thêm 1 container đồ đạc tức là lại 200 thùng chất ngất đang chờ mở ra sắp xếp. Lại một kỳ nghỉ mất mật nghĩ mà hãi. Đời cứ lầm than mãi chưa thấy ánh sáng nhàn hạ hưởng thụ nơi đâu.
Mà thôi, lao động chân tay nhiều thì chả cần tập thể dục, có mất gì đâu mà lại giữ được dáng, nhề.
Ảnh: cái ảnh này chụp tại một buổi ăn tối, thuở còn ở xứ sa mạc đêm lạnh run rẩy, ai đó chụp rồi gửi cho ngài. Hôm nay mở máy nhìn thấy, tự dưng nhớ tới bài hát này: Dường như ai đi ngang cửa. Gió mùa đông bắc se lòng...

Monday, December 5, 2016

Linh tinh



Sống đời ẩn dật thật sướng làm sao. Thời gian cả ngày thích làm gì thì làm, cuối ngày 9h trèo lên giường đi ngủ, sáng dậy sớm nghe tiếng chim hót ríu ran ngay ngoài cửa sổ phòng ngủ. Kể ra con chim khỉ gió đấy hót hơi sớm và đôi lần mình quả cũng muốn cho nó cái dép, nhưng thôi, ngủ sớm dậy sớm là đúng dồi. Mỗi tội, đời chả mấy khi được ẩn dật như thế.

Sáng hôm qua mình mời đám phụ nữ Ý tại Accra đến nhà ăn sáng uống cà phê, để làm quen và chúc tụng nhau trước khi đi nghỉ Giáng sinh. Nhiệm vụ nó phải thế. Phụ nữ Ý nói nhiều và thích tụ tập. Đã nói nhiều lại thích tụ tập nên hậu quả tất yếu là hay cãi nhau. Đã cãi nhau thì hậu quả tất yếu là sẽ kéo bè kéo cánh phân chia hội nhóm. Nhưng mình vốn ghét tính nhiều chuyện và bè phái của phụ nữ, chỉ bảo “Hội nhóm hay không hội nhóm thì cũng đều thuộc cộng đồng Ý. Tôi chỉ quan tâm đến việc chúng ta gặp nhau, nói chuyện vui vẻ, bàn chuyện làm những việc có ích như đi thăm thú đâu đó cùng nhau hoặc cùng chung tay trong các dự án từ thiện, chứ các chị cãi nhau là tôi không hiểu và không muốn tham gia”. Đó, tui nói thẳng như thế, ai ghét tui thì ghét luôn đi, mà ai muốn nói xấu thì cũng cho nói xấu thoải mái chả rụng cọng lông chân nào của tui.
Tiễn khách về, mình tung tăng chạy lên nhà, bảo cậu người làm lấy vali để chuẩn bị đóng đồ. Cậu ấy lôi một đống vali xuống, mình đứng ngắm một lúc, rồi tự dưng thấy mệt rũ cả ra. Bèn bỏ đi viết blog. Thế là, sau một loạt các events của tháng 10 và nhất là tháng 11 đầu chổng vào đít chổng ra, giờ thì tui đã thành người đàn bà tự do, ít nhất là tương đối tự do từ giờ cho đến lúc đi nghỉ giáng sinh.

Cái bàn để máy tính viết blog đặt ngay cạnh cửa sổ, chẳng là nội trợ muốn vừa viết lách vừa ngắm nhìn cây lá reo vui lãng mạn. Mỗi tội ngay cạnh cửa sổ nên nắng vào, ngồi một lúc là mặt mũi đen thui. Định đội mũ rồi ngồi viết, nhưng sợ người làm trong nhà tưởng mình thần kinh, thế là bèn cẩn thận bôi một lượt kem chống nắng rồi mới ngồi. Cẩn thận thế này rồi mà vẫn đen vẫn xấu thì hẳn là tại số chứ chả phải tại tui. 

Thế là nội trợ ngồi cạnh khung cửa sổ nhìn ra xanh rì cây lá, mơ về một xứ đồng quê xa xôi. Cô con gái lớn thích ăn sung, mà sung ở đây khoảng 2 đô một quả mỗi quả to hơn quả nhãn một tý. Thế mà có 4 cây sung đang lặng lẽ trổ quả, quả lặng lẽ chín rồi lại lặng lẽ rụng, ở một góc vườn yên tĩnh cách đây cả chục nghìn cây số. Sao mà nhớ xứ Salento biển xanh nắng vàng rau non quả ngọt xa xôi. Sao mà mong mỏi những ngày được thong thả. Không phải gặp ai. Không ai xin gặp. Điện thoại không reo. Tối nghe dế kêu. Sáng nghe chim hót. Giữa buổi đi lang thang trong làng tìm anh chàng chăn cừu tay cầm điện thoại tai cắm tai nghe, lững thững đi theo đàn cừu. Nhìn chỉ muốn lại gần, dỗ dành “Cậu bỏ điện thoại đi, và hãy cầm một cây sáo”. Tìm không thấy, thì về xó vườn ngồi chờ bọ sừng đi qua. Con bọ sừng màu đen, bò miết mải như đang vội đi đâu đó. Cầm một cọng lá thông chọc chọc, nó sẽ lăn đùng ra đất giả chết, chân cẳng co quắp như thật. Chỉ cần mình kiên nhẫn ngồi chờ khoảng một phút, là nó lại lật lại tỉnh bơ mải miết bò đi tiếp. Bọ sừng đi đâu mà vội thế, vội hơn cả tôi???

Nhớ một buổi sáng thảnh thơi, buổi sáng thảnh thơi duy nhất của cả mùa hè, mẹ ngồi trên cái ghế dưới hàng thông trong vườn, một ngày nhiều gió, không gian thơm ngát mùi nhựa thông, và ngửa mặt ngắm nền trời xanh thăm thẳm thỉnh thoảng có hai chiếc máy bay chiến đấu kè sát nhau vun vút, thân máy bay bắt ánh mặt trời sáng lấp lóa. Là những phi công của sân bay quân sự thuộc một căn cứ không quân cách đó mấy chục cây số đang giờ luyện tập. Những thanh âm vọng tới như sóng, nhờ gió mang lại, nếu không thì không gian hẳn là yên tĩnh lắm. Sẽ chỉ có tiếng con gái mẹ, da nâu, má mọng, mặt cười, tóc gió thổi lòa xòa, bàn tay mũm mĩm liên tục vén tóc khỏi mặt, ngồi trên một tảng đá trong vườn, và hát bằng cái giọng thanh thanh nheo nhẻo:
Went a little green frog one day. Um ah. Went a little green frog. Um ah.
Went a little green frog one day and the frog went um um ah.
But we know frogs go la di da di da, la di da di da, la di da di da.
We know frogs go la di da di da and they don’t go um um ah.

Cả mùa hè, mẹ chỉ nhớ nhất buổi sáng ấy. Nhớ đến mức thỉnh thoảng mẹ lại yêu cầu con gái bé hát cho mẹ nghe bài hát con ếch. Con gái biết bài hát đó là thuốc tăng lực của mẹ, nên đang làm gì cũng bỏ đấy để vừa hát vừa múa cho mẹ ngồi ngẩn ra nghe.

Ảnh: Mùa hè, ở xứ Salento xa xôi. Gió mạnh quá khiến chú bọ ngựa gầy gò loẻo khoẻo bị dạt vào nhà. Mang chú ra thả trên cây sung. Chú ăn cũng được nhưng ăn vừa vừa chứ đừng ăn hết đọt sung của tôi.