Monday, March 27, 2017

Are we growing old together?


Con 11 tuổi. Mẹ viết blog 10 năm. Viết từ những ngày con đang lẫm chẫm tập đi, ở New York tháng 3 mùa xuân đang về. Trên đại lộ Park, hoa đào rụng thành vũng, mỗi chiếc xe chạy qua lại cuốn tung những cánh hoa đào lên thành một cơn lốc màu hồng nhạt náo nức.

10 năm, tôi càng ngày càng bận, blog viết thưa đi rất nhiều. Giờ mỗi tháng chỉ viết được 3, 4 entry mà còn phải thu xếp thời gian để viết. Nhưng điều tôi thích ở blog mình là có một lượng bạn đọc ngày nào cũng vào xem có gì mới chưa. Con số này luôn ổn định. Tôi thích cả khi tôi đi vắng bỏ blog cả tháng mà chả bị quên, lúc về viết entry mới một cái là blog lại nhộn nhịp. Điều đó chứng tỏ người đọc blog tôi không vào vì mốt, vì hot, mà họ vào vì họ thích đọc những gì tôi viết, ngay cả khi phải chờ, ngay cả khi tôi viết toàn những điều cũ rích. Tôi thích cả việc có nhiều bạn theo blog tôi từ những ngày tôi mới viết đến giờ, và có nhiều bạn mới biết đến blog tôi mà đủ quan tâm để đọc ngược lại đến cả những entry cũ đến nỗi tôi không còn nhớ là đã viết chúng.
 
Đọc blog tôi không chỉ có những người tôi chưa gặp bao giờ mà có cả gia đình họ hàng tôi, bạn hồi đi làm, bạn hồi đại học, bạn hồi cấp 3, bạn hồi cấp 2, cả mấy đứa bạn từ cấp 1, biết nhau từ thuở 9, 10 tuổi. Có đứa mấy chục năm nay chẳng gặp lại, mà liên lạc lại với nhau là hỏi luôn “Nghe nói G viết blog nổi tiếng lắm, G cho địa chỉ cho tớ đọc”. Có lần có anh gặp tôi lần đầu, nghe tôi giới thiệu bản thân thì bảo ngay “Vợ anh đọc blog em”. Rồi những bạn nhắn tin “bạn tớ đọc blog ấy”, “mình tình cờ phát hiện ra người quen của mình đọc blog bạn”, “cả lũ bạn em đọc blog chị”, thậm chí cả “bà em đọc blog chị”. Có anh thì nhắn tin bảo “G ơi vợ anh đọc blog em. Em nổi tiếng ở VN lắm đấy em có biết không”. Tôi thú thật là chả biết gì. Mọi người đọc blog thích rồi giới thiệu cho nhau đọc tiếp, chứ tôi thì không quảng cáo blog của mình bao giờ. Mà blog nổi tiếng phải là những blog đình đám vài triệu lượt đọc chứ blog tôi nhỏ, đáng kể gì.
Tính tôi hay bị cảm giác bội thực, cứ cái gì nổi quá, lời hô hào nào to tát quá, nhân vật nào gồng quá, ngôn ngữ nào văn vẻ  rườm rà mỹ miều bạo liệt sến súa bé xé ra to quá, và những bộ não nào cứ lơ lửng ở tầm vũ trụ quá, đều làm tôi ngài ngại. Cứ bình thường nho nhỏ cho bền. Tôi viết blog vì sở thích chứ không có mục đích kiếm tiền, kiếm danh, lại càng không phải để sưu tập lời khen ngợi. Điều quan trọng nhất với tôi là tôi viết những gì mình suy nghĩ, nói những gì mình tin tưởng, và xấu tốt gì thì tôi cũng chỉ có từng ấy.

Nhân đây tôi cũng xin lỗi nhiều bạn nhắn tin cho tôi trên fb mà tôi không trả lời. Không phải tôi chảnh, khả năng là tôi đọc lúc vội quá nên quên, khả năng khác là tôi nhìn thấy message quá muộn, ví dụ cả năm sau tôi mới nhìn thấy, lúc đấy trả lời thì kỳ quá nên thôi.

Bạn nào ở Hà nội đã đặt xà phòng đen với Trâm thì làm ơn đọc lại tin nhắn mới của Trâm ở entry trước. À, cậu phân phối xà phòng đen nhắn tin cho tôi cám ơn, bảo nhận được rất nhiều tin nhắn và điện thoại từ VN hỏi thông tin mua hàng, đến mức cậu ấy đang cân nhắc khả năng sang VN tìm hiểu. Cám ơn các bạn đọc blog đã tín nhiệm blog cún béo. Nếu xuất được xà phòng đen khối lượng lớn về VN thì tốt quá. Mình chỉ mong các bạn nếu mua hàng thì đừng ép giá xà phòng xuống. Xà phòng rẻ lắm rồi, chỉ có phí vận chuyển là đắt có ép thì nên ép phí vận chuyển. Ép giá xà phòng xuống với mình chả được bao nhiêu mà với cái làng thổ dân đông trẻ con ấy là sự khác biệt lớn lắm.

Yêu blog quá hôn blog một cái hehe.

Wednesday, March 22, 2017

22/3/2017



Thằng bé lái xe trẻ ơi là trẻ mà đã một vợ hai con. Thực ra nó chả có tiền làm đám cưới nên hai đứa nó dọn về ở chung rồi vỡ kế hoạch chứ chưa chính thức. Dân ở đây nghèo thì nghèo thật nhưng riêng đám ma và đám cưới là cứ phải thật linh đình. Thậm chí vay tiền ngân hàng để làm đám ma đám cưới rồi è cổ trả nợ cũng cam lòng.
Chắc trẻ quá nên chi tiêu chả có kế hoạch gì, ông suốt ngày chạy vạy vay mượn. Đến lần thứ mấy thì bị mình gọi lên xạc cho một trận. Mình bảo cậu đến đây làm để giúp tôi chứ không phải đến đây mang theo tất cả các vấn đề của cậu và hy vọng tôi giúp. Lương chỉ có chừng ấy thôi, lên kế hoạch chi tiêu để sao cho vừa vặn tới cuối tháng, chứ tiền chưa vào đã ra thì không bao giờ khá được đâu.

Tưởng thế là xong chuyện, ai ngờ một hôm nó nhắn tin con gái nó ốm nặng lắm, nó phải về quê ngay. Mình nghe con bé con ốm đã từ lâu không rõ nguyên do, vợ chồng nó chẳng cho con bé đi viện mà lại mang về quê đi chữa thầy phù thủy, không phải là thầy lang vì thầy lang ít ra còn chữa bệnh bằng phương pháp dân gian lá lẩu. 
Nói chuyện phù thủy, dân ở đây cực kỳ mê tín dị đoan, rất tin các trò bùa phép phù thủy. Con bạn mình một hôm thấy ví bị hụt tiền, bèn lôi 3 cô giúp việc trong nhà ra hỏi. Nó dọa trong vòng 1 tiếng mà không hoàn trả nó số tiền thì nó đuổi việc cả 3. Tưởng 3 cô sẽ giải quyết vấn đề thế nào, hóa ra cả 3 cô kéo nhau ra ngoài sân, cãi vã, khóc lóc, tưới nước lên đầu nhau, hoa chân múa tay niệm thần chú chẳng biết học được ở đâu, và cùng tuyên bố chắc như đinh đóng cột là đứa nào ăn cắp thì chẳng mấy chốc mưa sẽ rơi xuống đầu đứa ấy, madame cứ đợi rồi sẽ thấy. Con bạn mình khiếp quá bảo thôi thôi tôi không cần lấy lại tiền nữa mời các chị đi vào nhà. Ngài cũng không thoát vụ phù thủy. Một hôm hai ông lái xe của ngài kéo nhau vào văn phòng ngài cãi vã đòi ngài phân xử, ông này tố ông kia là phù thủy dùng bùa chú hại người. Ngài điên quá bảo các ông làm thì làm cho tử tế, nếu không tôi đuổi cả hai, thì mới thôi.
Lại quay lại chuyện thằng bé lái xe của mình, nghe nó nói bệnh tình con bé trở nặng, mình bảo cậu cho nó đi viện đi, đừng phù thủy gì nữa. Đến viện, chụp Xquang, bác sĩ phát hiện có đồng xu mắc ở cổ nó. Mẹ nó mới nhớ ra nó nuốt phải một đồng xu cách đây gần 8 tháng trước!

Mình nhớ hồi Lê La Na còn nhỏ, mình rất khổ sở với thói quen lộn ngược cái quần xuống rũ rũ cho phẳng của ông chồng quý hóa. Đã bảo trên đời ông chỉ lo nhất quần áo không phẳng phiu cho ông mặc. Ông hay đi uống cà phê hoặc đi mua kẹo ăn vặt nên túi lúc nào cũng có tiền xu, cứ lộn ngược cái quần là xu mẹ xu con rơi ra loảng xoảng. Rơi kệ rơi ông cứ thản nhiên đi mất. Mình nói ngọt, mình nói nặng, mình phân tích, mình năn nỉ, mình ra lệnh, mình gào lên, mình vứt xu vào sọt rác, xu rơi 5 ông nhặt 3 lấy lệ mà cũng chỉ được vài ngày rồi đâu lại vào đấy. Nhiều lúc ông lên cơn bất hợp tác ông còn bảo mình hoang tưởng, ai đi nuốt tiền xu làm gì, mà nuốt vào thì lại ỉa ra chứ có vấn đề gì đâu. Cuối cùng, mình đành cam chịu, hàng ngày hàng giờ đi nhặt tiền xu ông làm rơi trên sàn nhà. Vác bụng bầu Lila thì đi nhặt tiền xu cho ông con trai khỏi nuốt phải, và vác bụng bầu Anna thì đi nhặt tiền xu cho bà con gái khỏi nuốt phải. Bụng bầu to quá không cúi xuống được thì phải khuỵu gối xuống nhặt rồi bám cái gì mới đứng lên lại được, hoặc bụng bầu to quá không nằm sấp lấy xu từ trong gầm giường ra được thì phải nằm ngửa rồi với tay vào khều. Đành phải thế thôi chứ mình thi gan với ông thì con mình thiệt đầu tiên.

Trở lại chuyện nhà thằng bé lái xe, bác sĩ mổ cổ họng con bé lấy đồng xu ra, tưởng thế là xong chuyện thì lại nảy ra vấn đề mới, là bố nó chẳng có tiền thanh toán viện phí. Thế là cả nhà bị viện giữ lại, nằm ngồi lay lắt trong đấy mấy ngày liền. Đến lúc mình nhắn tin hỏi con bé sao rồi thì nó như chết đuối vớ được cọc mới dám kể rằng đã cố hết sức mà không thể gom đủ tiền trả viện, xin madame giúp.
Nó đi xe đò lên gặp mình, quần áo bẩn thỉu, thân hình đói ăn Somali, mắt đỏ ngầu, bộ dạng bẽ bàng thất vọng của người đã muối mặt gõ đủ các cánh cửa mà toàn bị từ chối. Số mình quả đúng không vượng cung nô bộc.

Mình cho ông xem ảnh. Mình bảo “Em lại đúng, như rất nhiều lần khác. Nhưng em cũng đã nói với anh rằng có rất nhiều việc em không thể chứng minh anh sai, vì cái giá bài học của anh sẽ là tính mạng của con. Thế nên em chỉ có thể nỗ lực cả phần của anh để giảm thiểu tai nạn xảy ra. Em ước là anh hiểu, nhưng em cũng biết là anh sẽ chẳng hiểu gì hết, trừ khi nhìn tận mắt đồng xu mắc ở cổ con bé như này, và anh cũng chỉ hiểu 1 thời gian rồi anh lại quên lại phải nói lại từ đầu”. Ông im thít. Mà thôi, con mình cũng lớn rồi, mình cũng thoát được mối lo thường trực về tiền xu. Nhưng ngay cả bây giờ, mỗi khi bữa ăn có dưa chuột hoặc cà rốt sống, hội người làm biết rõ yêu cầu của mình nên luôn luôn xắt lát mỏng rồi mới mang ra bàn ăn.

Ảnh: con bé con chưa tới 3 tuổi. Hy vọng nó sẽ nhanh chóng phục hồi và lớn bù lại cái 8 tháng bị xu mắc cổ không ăn uống được kia.

Saturday, March 11, 2017

Đỏ chói và đơn độc



Ở buổi tiệc tối qua mình ngồi cạnh một bà. Bình thường thì cũng bạn bè vui vẻ, thế mà tối qua tình cờ nhắc đến $500 một phát thiếu điều bà ấy nhảy lên túm đầu mình lắc. Chắc lắc hòng làm rụng các quan điểm của mình ra ngoài đới. Bà ấy liến thoắng bức xúc cực độ “Chị có biết ông ta cắt fund của USAID, điều đó có nghĩa là hàng nghìn phụ nữ châu Phi sẽ không được tiếp cận các cơ sở y tế khi muốn phá thai. Nhưng chị nghĩ điều đó sẽ làm họ sợ không dám có thai nữa hả, họ sẽ cứ tiếp tục có thai và sẽ tiếp tục phá, chị ạ, chỉ là họ sẽ tự phá ở nhà và tự khâu bằng chỉ lá chuối. Tôi không hiểu sao một người trẻ và thông minh như chị lại có thể ủng hộ một người kinh khủng như ông ta”. Đó là cách nói ngoại giao để gián tiếp nói mình ngu đới. Mình chỉ nhẹ nhàng hỏi “Thưa bà, tôi rất đồng cảm với những người phụ nữ châu Phi không có điều kiện để được chăm sóc y tế kia. Nhưng bà có bao giờ tự hỏi rằng tại sao người dân đóng thuế Mỹ lại phải bỏ tiền túi của họ để giúp một nhúm phụ nữ châu Phi phá thai, vì nếu không giúp thì nhúm phụ nữ kia sẽ cứ tiếp tục có thai rồi liều mạng tự phá thai, chết là tại người Mỹ không giúp? Bà nói gì thì nói chứ tôi nghe có mùi tống tiền ở đây. Nước Mỹ trước giờ là hào phóng nhất, tôi hy vọng bà công nhận thực tế này. Nhưng bây giờ họ cũng có vấn đề, vậy thì các bà cũng phải cho phép họ được thắt hầu bao của họ lại chứ. Cái gì từ xưa tới nay người ta cho thì coi như là may nên cảm ơn người ta, giờ không cho nữa thì mình phải tự điều chỉnh chứ quyền gì đi chửi người ta? Bà cũng là người hiểu biết, bà hãy nói cho tôi logics ở đâu?”.
Là mình vẫn còn lịch sự chưa nói toạc ra thực ra các bà làm loạn lên vì cắt fund thì mất việc, thì dân NGO các bà mất nhờ, chứ ai làm NGO chả biết tiền dự án rót xuống nuôi các bà là chính chứ cho dân đen được mấy đâu. Giờ nguồn tiền chùa đó chuẩn bị bị cắt đi, các bà sợ mất việc, sợ con mất học trường quốc tế miễn phí, sợ mất được ở nhà ngon miễn phí, đến cái xe đi lại cũng miễn phí, sợ phải hồi hương thành dân nghèo xứ tư bản, thì nói thẳng. Đây dân đen thì chưa nói gì mà các bà lại cứ phải ầm ĩ lôi xác họ lên dựng kịch hiểm nguy sinh tử. Gớm, bảo các bà thay vì gửi con vào trường quốc tế đắt đỏ thì gửi con vào trường nào rẻ rẻ thôi, thay vì ở nhà to thì ở cái nhà xoàng xoàng thôi, đi lại thì đừng đòi business mà ngồi ghế hạng thường thôi, số tiền dự án tiết kiệm được sẽ dùng để giúp thêm hàng ngàn phụ nữ được phá thai an toàn, xem các bà có chịu không mà cứ mở mồm ra là lên giọng đạo đức. Tiền không phải từ túi mình ra nên mạnh mẽ hào sảng phát gớm.

Tuy nhiên mình không cần nói toạc ra vì ngay sau câu hỏi logics của bà ở đâu của mình thì bà ấy lắp bắp ngay “tôi cũng chả biết nhưng…”. Không biết mà cứ đi tuyên truyền hộ như cái loa, thiếu điều nhảy lên túm cổ người ta. Mình mà yếu bóng vía chắc thành mầm non thui chột suốt bữa tối mất.


Nhân đây mình xin kể một chuyện.
Tại một ngôi trường quốc tế nọ, nơi sáng nào lũ học sinh cũng phải trải qua màn tập thể dục mồm:
-          Chúng ta phải tôn trọng bản thân và người khác
-          Phải tử tế với mọi người
-          Hành động nhất quán không được tiền hậu bất nhất
-          Không ngừng suy nghĩ về những điều mình làm để càng ngày càng hoàn thiện bản thân  hơn

rồi mới được vào lớp, một hôm người lớn và trẻ con bỗng xôn xao lên khi nhìn thấy cái bụng to tướng của cô hiệu trưởng độc thân. Sự việc vỡ lở ra, rằng cô hiệu trưởng tằng tịu với cấp dưới. Phụ huynh đòi triệu tập một cuộc họp để làm cho ra lẽ. Cô hiệu trưởng chống chế rất hăng. Cô bảo việc có thai là quyền của cô là việc riêng của cô, không ai có quyền can thiệp. Cô bảo cô sẽ làm mẹ đơn thân, thời buổi này rồi mà các vị còn làm to chuyện mẹ đơn thân, các vị không tôn trọng nữ quyền. Cô cũng bảo ngủ với người da đen thì làm sao, các vị định phân biệt chủng tộc hả. Khiếp, nghe cô viện đến nhân quyền, nữ quyền, phân biệt chủng tộc là không ít vị phụ huynh són đái ra quần im luôn cho lành rồi. Nghe chừng chả ai có đủ ghê gớm để nói toạc luôn vào mặt cô rằng thì là cô ngủ với trắng đen vàng đỏ gì kệ mịe cô, cô xin con mà nó cho thì cũng kệ mịe cô, nhưng vấn đề là cô tằng tịu với người dưới quyền của cô, anh ta có vợ và 2 đứa con đàng hoàng được pháp luật công nhận, chỉ là vợ anh ta da đen nhà quê nghèo khổ chắc chẳng bao giờ dám đến trường cho cô một vố bẽ mặt, thì cô tự ngẫm xem cô có tư cách gì để đứng trước hàng trăm học sinh trong trường mỗi sáng, cùng chúng nó thể dục mồm bất cứ cái gạch đầu dòng nào trong số 4 cái trên kia không? Nếu cô còn một gram lòng tự trọng thì cô phải tự rút lui trước khi người ta đuổi. Phụ huynh trả tiền thuê cô làm hiệu trưởng để cô làm tấm gương sáng cho con họ, chứ không phải để cô hô những khẩu hiệu rỗng tuếch nói một đằng làm một nẻo mà còn lấp liếm sống sượng viện ra đủ thứ cao siêu sang trọng nhằm bịt miệng người ta, và định đi đẻ cũng bằng tiền của người ta nốt.
À quên, cô hiệu trưởng này đã rủ rê một cơ số người đi biểu tình trước cửa đại sứ quán Mỹ phản đối $500, được chụp ảnh lên trang nhất một tờ báo có tiếng ở Mỹ, sướng quá mang đi khoe khắp nơi, cũng lấy được số má là người chiến đấu cho những điều cao đẹp mà một nhân loại văn minh nhứt định phải hướng tới :-)))))

Ảnh: đang đi chơi thì nhìn thấy giữa rừng xanh một cái cây trổ hoa đỏ chói. Mừng rơn tưởng tháng 3 giữa châu Phi lại gặp được hoa gạo, tới gần thì hóa ra là hoa phượng. Phượng cũng tốt chứ sao, nở hoa đỏ chói, đơn độc, như một cây hoa phượng ở trong tuổi thơ, mình thích.

Tuesday, March 7, 2017

Chị bán đậu



Tôi rất nhớ một lần đi chợ của mình, cách đây mấy chục năm. Tôi vừa cúi xuống định chọn đậu quả cho vào túi thì một bà tầm tuổi khoảng 40 cũng sà xuống, chẳng nói chẳng rằng gần như gạt tôi sang một bên, lao vào mẹt đậu, lấy tay đảo đảo xới xới hùng hổ, bới tung tóe, hăng hái quá có lúc gần như nằm bò cả ra trên mẹt đậu để với sang chỗ đậu ở xa, vừa nhặt vừa bỏ vừa bóp vừa bẻ đậu rốp rốp chắc để thử xem đậu có non không. Nhưng bẻ xong thì vứt luôn trở lại mẹt chứ cũng không cho vào túi của mình, ngay cả khi quả đậu rất non. Tôi không nói gì đứng dạt sang bên nhìn bà ta băm bổ nhặt lựa những quả đậu ngon nhất. Khổ thân nhất là chị bán đậu, khá trẻ, đội cái nón rách, cái áo cũ đến mức tơi màng cả ra, trông điệu bộ xoàng xĩnh và hiền lành. Chị ấy cứ van nài yếu ớt “chị ơi chị chọn thế này thì chỗ còn lại em bán cho ai”. Tôi nhớ hai bàn tay nhem nhuốc móng tay cáu bẩn cụt ngủn của chị bán đậu, cứ lóng ngóng chìa chìa ra nửa muốn ngăn bà khách hàng kia lại, nửa sợ khách hàng phật ý thì mất khách, nên cuối cùng lại thành ra đặt trước ngực dáng điệu van nài. Bà kia giả điếc, mặt hằm hằm, và vẫn băm băm bổ bổ đào bới xới lộn mẹt đậu của con nhà người ta để chọn ra những quả ngon nhất.

Tôi lúc đó có mười mấy tuổi, nói thật là cũng không suy nghĩ được nhiều như bây giờ, nhưng cũng cảm thấy bà kia sao mà xấu thói. Từ đó, đi mua hàng tôi ý tứ hẳn, chọn gì cũng chọn vừa vừa, để mình mua xong người khác nhìn vẫn còn muốn mua.  
Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chị bán đậu sau khi gặp vài khách tham tàn như bà kia sẽ từ người hiền lành nhu nhược biến thành một con mẹ chua ngoa đanh đá khách sờ vào hàng mà không mua hoặc săm soi chọn lựa là chửi khách sấp mặt, và sẵn sàng nhập về bán những mẻ đậu được phun hóa chất kỹ lưỡng do vậy xanh mướt, non bấy, trăm quả sáng láng cả trăm, khách tha hồ mà sướng.

Càng có tuổi, tôi lại càng không chọn nữa. Cậu lái xe ở Dubai của tôi, hồi mới vào làm chưa biết tính tôi, đi chợ cùng tôi nhìn thấy thùng rau đậu thì ngay lập tức vọc tay vào đào bới định chọn toàn quả non quả đẹp, bị tôi ngăn lại và bắt lấy cả những quả bé xấu cằn, chắc cậu ta tưởng tôi bị điên. Mình chọn hết những thứ ngon lành to đẹp, những thứ già xấu nhỏ cằn người ta bán cho ai?

Tự dưng bây giờ tôi còn nghĩ mình chọn phần non phần đẹp về cho con mình ăn, phần già xấu cằn sẽ bị ế, người ta sẽ phải mang về nhà cho con người ta ăn. Hay là sao?
Mà thôi,

Một trong những bài học rất quan trọng của tôi, khiến cuộc sống của tôi dễ dàng hơn, khiến tôi ra những quyết định quan trọng mà không phải đấu tranh tư tưởng quá nhiều, cuối cùng lại có sự đóng góp không nhỏ của lần đi mua đậu trên kia. Rằng trên đời này, dốt nhất là những người cứ định khôn hết phần thiên hạ. Trên đời này không ai ngu mãi cả, tham vừa vừa để phần cho người khác với. Cậy mình khôn lợi dụng sự ngờ nghệch của người khác, khi buộc phải khôn ra người ta sẽ khôn gấp đôi với mình. Cậy mình khôn lợi dụng sự tử tế của người khác, khi buộc phải đểu người ta sẽ đểu gấp đôi với mình. Đời cứ có vay có trả thế thôi. 

Ảnh: cái em bé da nâu mắt xếch mũi lõ mồm móm má mọng này lại chả tin đời có vay có trả. Em vẫn tin là em chỉ cần dẻo mỏ vài câu là em tội gì cũng thoát hết. Tính đến giờ thì em chỉ tử tế nhất với mỗi mẹ của em. Em đang học về vũ trụ. Thế nên mẹ già của em được em yêu the whole universe.

Wednesday, March 1, 2017

1/3/2017



Mấy hôm trước mở báo đọc thấy bài gì có tên Hà Hồ diện cây Gucci mới nhớ ra hồi lâu lâu có bạn nhắn tin hỏi mình quen Gucci mình có thể kiểm chứng xem Hà Hồ có phải là đại sứ Gucci tại Việt Nam hay không và tại sao một hãng danh tiếng như Gucci lại dính vào cô kém đạo đức tới mức đã giật chồng còn trêu tức vợ này, mà mình quên biến không trả lời.

Mình không quen trực tiếp các sếp Gucci tại trụ sở chính nhưng thực ra nếu muốn hỏi thì vẫn có thể hỏi được. Nhưng vấn đề là cô Hà Hồ với giọng hát như mèo con mới đẻ có là cái khỉ gì mà mình phải biên thư nhờ xác minh nhẻ. Hồi bé nhà mình nuôi mèo. Mèo cứ thỉnh thoảng lại đẻ một lứa nên mình rất hay chơi với mèo con. Mèo càng lớn giọng mới càng vang càng khỏe chứ lúc mới đẻ, cứ kêu méo lên một tiếng rồi hết hơi tắt lịm. Giọng cô Hà Hồ đúng kiểu hết hơi tắt lịm giống mèo con mới đẻ nhà mình.
Về vấn đề đại sứ thời trang, bây giờ các bạn chỉ cần biết như này, các nhãn hàng cứ có tên tuổi là đích thị phải có gương mặt đại sứ chính thức. Nhãn hàng nào càng nổi càng lắm tiền thì càng thuê các gương mặt nổi. Các đại sứ chính thức bao giờ cũng có mặt trong các chiến dịch quảng cáo của nhãn hàng và được giới thiệu công khai. Muốn biết ai là đại sứ chính thức cứ vào trang mạng của hãng là biết ngay.
Nhưng ngoài đại sứ chính thức này thì các hãng còn muốn quảng bá hình ảnh sản phẩm của mình hơn nữa bằng cách cho một số nhân vật mượn đồ của mình để đi sự kiện. Tất nhiên không phải ai muốn mượn cũng được mà phải là người nổi tiếng hoặc là người đủ vai vế để có mặt được tại các sự kiện được sự chú ý của truyền thông. Nhiều khi là do “ngôi sao” đánh tiếng mượn. Nhiều khi là do hãng tự đánh tiếng mời “ngôi sao” mượn. Nhiều khi là “ngôi sao” có quan hệ riêng với người trong hãng/chi nhánh và do đó thỏa thuận để được mượn đồ.
Khi cho mượn đồ tất nhiên bao giờ hãng chả ngọt xớt “chị là đại sứ của chúng tôi”. Đại sứ kiểu này thì có cả rổ, sướng miệng là phong thôi chứ mất gì. Người có tự trọng hiểu biết chả ai bám vào cái từ đại sứ đó để mà mang đi rêu rao.
Thế nên, nếu không có hợp đồng chính thức, không đại diện nào của hãng lên tiếng công nhận, không có bất kỳ hình ảnh quảng cáo nào được hãng chụp, không có giấy mời đích danh, thì cô Hà chỉ là kẻ đánh đu, nhận vơ, quảng cáo không công, một xu mẻ tiền thù lao cũng không có. Mà cô nhiệt tình quá nên tôi thấy cô giống một chân loong toong của Gucci chứ đại sứ nỗi gì.
Cũng chả có gì phải chê bai hãng cả. Giờ hãng nó chả mất gì mà có con lại cứ mặc đồ của nó, tự chụp ảnh, tự đăng báo, tự đăng lên mạng, tự dẫn xác đến event, cái gì cũng free thế thì chả có hãng nào từ chối. Hãng nó đơn giản chỉ nhìn người này như một fan hâm mộ cuồng nhiệt của nó. Mấy lời nhận vơ tự phong xàm xí, nhất là khi không phải từ mồm chính chủ, hãng nó sẽ không bao giờ phản ứng. Còn Instagram, thợ ảnh nó thuê ở event để chụp người tham dự, gặp tín đồ mặc cả cây thế thì lọt vào ống kính của nó là cái chắc, vô danh tiểu tốt cũng được chỉ cần bộ vía ấy trên người. Ai đi events nhiều sẽ biết, thợ chụp ảnh ai nó cũng chụp, chụp xong nó hỏi tên và ghi lại để nếu ảnh được chọn đăng thì còn có tên mà chua vào cho pro.
Còn bao giờ hãng nó bỏ tiền thuê hẳn thợ ảnh xin chụp cô Hà, làm hợp đồng trả tiền thù lao cho cô Hà và đưa hình ảnh cô lên trang web, thì lúc đó lại là chuyện khác. Cứ phải có mùi tiền thì mới đáng nói, còn các thể loại tiếp thị miễn phí thì thôi bỏ hehe.

Nói chuyện này lại xọ sang một chuyện khác là có lần có hãng trang sức rất nổi tiếng của Ý cũng mời tôi đeo đồ trang sức của họ. Vợ chồng chủ hãng cứ nói đi nói lại “Chị là đại sứ của chúng tôi”. Tất nhiên họ khéo mồm thế thôi chứ đại sứ chính thức có mặt trong các chiến dịch quảng cáo của họ là một gương mặt siêu mẫu nổi tiếng mang vẻ đẹp rất kinh điển. Họ nói đi nói lại “Bất kỳ món đồ nào chị muốn. Hỏng cũng được, mất không sao, tất cả các món trang sức này đều có bảo hiểm” mà tôi cũng chỉ ừ hữ không nhận lời. Đồ của họ rất đẹp và cực kỳ tinh xảo nhưng tôi vốn không mặn mà với kiểu long lanh đi mượn. Chưa kể mỗi món đồ trang sức như vậy có giá ít nhất là vài nghìn, vài chục nghìn, thậm chí vài trăm nghìn euro, phải tự mình đến lấy chứ cử lái xe đi sao được. Tôi thì bận bỏ bu, event thì đi hàng ngày, tắm rửa cơm nước cho con xong rồi mới ù té đi chứ có phải lâu lâu mới có một dịp nên dành cả ngày để tân trang đóng bộ đâu. Cuối cùng, để mời được tôi đeo đồ trang sức của họ, họ cử nhân viên mang đồ đến tận nhà cho tôi, bao giờ tôi không muốn dùng nữa thì ới họ một câu họ lại cử nhân viên đến lấy. Đeo đồ trang sức của họ tới events, tôi cũng quảng cáo không công cho họ nhưng đây là cách tôi giúp một doanh nghiệp Ý quảng bá hình ảnh sản phẩm, chứ bản thân tôi không có nhu cầu trông thật sang chảnh để làm lác mắt người khác, và tôi cũng chẳng bao giờ nói ở bất cứ đâu tôi là đại sứ của họ. Tôi đeo đồ trang sức của họ đến sự kiện, ai khen đẹp và hỏi tên hãng thì tôi nói, không hỏi thì thôi. Được cái đàn bà Dubai nhiều đứa thừa tiền, chỉ thiếu đẹp, nên thấy ai có cái gì đẹp là cũng phải hỏi để tìm cách tậu về bằng được. Chủ đề này rất hay, thôi để hôm nào để tôi viết riêng hẳn một entry.

À nhân đây cũng trả lời luôn câu hỏi một em hỏi tôi cách đây mấy năm, rằng khi đi event của Gucci chẳng hạn, thì mình có nên mặc đồ Gucci để tỏ sự tôn trọng nhãn hàng không. Câu trả lời của tôi là tùy. Nếu mình đến events theo hợp đồng với hãng, thì tất nhiên phải mặc đồ của họ. Nếu mình đến events vì được hãng mời, thì nếu không có món nào của họ thì cũng không nên mặc đồ mà ai nhìn cũng biết là của hãng cạnh tranh. Còn nếu mình đến events bằng tiền túi mình tự bỏ ra, thì mình mặc gì là quyền mình, chả ai có quyền nói ra nói vào.

Ảnh: cô thư ký của ngài ở Dubai rất chăm chỉ coi tạp chí thời trang, thấy ảnh vợ chồng mình ở đâu là cô ấy chụp lại gửi cho mình. Không có cô ấy thì mình cũng chẳng biết mẹt mình xuất hiện ở những đâu.