Monday, November 26, 2018

Ai nợ gì ai?


Hồi tháng tư, cả nhà mình về Salento. Ngày đầu tiên thợ đã đến nườm nượp, lại thêm cả đôi vợ chồng thợ chụp ảnh. Mình dậy từ 5h sáng, dọn dẹp bày biện luôn chân luôn tay. Ngài ngủ chỏng vó đến hơn 8h sáng, gọi mãi mới hằm hằm ngồi dậy. Mình giao ngài nhiệm vụ cho con ăn. Mình nói đi nói lại là em bận với thợ, anh phải cho con ăn thật no để em còn cho chúng nó uống thuốc tẩy giun, thuốc tẩy giun hại dạ dày nên con phải ăn thật no anh nhé. Sống ở châu Phi điều kiện vệ sinh kém nên cứ 6 tháng lại phải tẩy giun một lần.
Một lúc lâu sau, mình vào bếp hỏi ông “Con ăn thật no chưa anh?”, ông liến thoắng “Ăn nhiều lắm, no lắm, bao nhiêu đồ ăn anh chuẩn bị chúng nó đều ăn hết”. Để cẩn thận mình lại quay sang hỏi  “Na con ăn nhiều chưa?”, nó bảo “Na ăn nhiều rồi”. Thế là mình yên tâm lôi thuốc ra cho con uống.
Ai ngờ vừa uống được vài phút thì nó bắt đầu ôm bụng kêu đau. Mình hốt hoảng. Hóa ra nó ăn gần hết gói chip khoai tây, trông lồng phồng nên nó tưởng nhiều nhưng thực ra có gì vào bụng đâu. Còn đồ ăn ông làm thì làm lên đến đâu ông với con trai ông lẻm hết đến đấy, con La may lớn nên kịp xí một miếng, còn con Na chậm chân có ăn được miếng nào.
Lúc đó đã là gần 10h sáng. Thợ mười mấy ông từ mấy tiếng nay gọi ơi ới từng phút từ đủ 4 phương 8 hướng. Hai vợ chồng thợ ảnh cũng gọi hỏi ơi ới từng phút, họ cứ vừa hỏi vừa nhìn mình vẻ ái ngại vì trông mình phờ phạc quá. Chồng mình thì đã gần hết tuần cà phê buôn chuyện thứ hai, cứ vừa uống cà phê vừa buôn chuyện rào rào, hết một tuần cà phê lại có người mới đến lại chèo kéo uống cà phê để buôn chuyện tiếp, việc nhà kệ vợ xoay sở. Giờ lại thêm con Na đau bụng, mình cho nó uống nước, cho ăn cả mấy lát bánh mỳ mà nó chả đỡ. Nhìn nó mặt tái xanh tái tử nằm ôm bụng mắt nhắm nghiền trên sofa, mình suýt òa khóc. Mình đã quần quật suốt gần 5 tiếng. Bụng đói, chân mỏi, tay sứt sẹo, quần áo bụi lấm bê bết, tóc cũng cứng đơ vì bụi túm vội lại bằng một cọng chun. Lão chồng rất đáng quát nhưng mình mà quát bây giờ thì kiệt sức khỏi làm việc luôn. Lúc mình đang đấu tranh tư tưởng thì lão chồng quý hóa của mình đã kịp chèo kéo thêm mấy người nữa để uống sang tuần cà phê thứ ba, vẫn buôn chuyện xuyên không gian và thời gian, điệu bộ vô tư vui sướng như một cậu bé. Cốc cà phê, tách cà phê, thìa, khay, cốc uống nước, để chất đống trong chậu rửa.
Nuốt cục tức, mình bế con Na vào nhà vệ sinh, móc họng cho nó nôn ra hết. Nôn xong nó mới đỡ. Từ hôm đó trở đi, bận mấy thì bận mình cũng chả dám nhờ ông nữa.
Nhiều lúc điên mề quá, mình lại tự an ủi “Chắc kiếp trước mình đã làm việc gì tồi tệ với ông lắm nên kiếp này mình phải trả nợ”. Mình phải kiên nhẫn chăm chỉ quyết trả cho bằng hết, chứ trả không hết kiếp sau lại phải làm vợ ông nữa thì... bỏ mẹ.
Nhưng gần đây tự dưng một ý nghĩ lóe lên trong đầu mình, ủa, chưa biết kiếp trước ai nợ ai nhe. Nếu mình nợ ông, tại sao cãi nhau với ông bao giờ ông cũng phải nhận thua để cho mình thắng, mà đã thua là ông phải xin lỗi, ngay cả khi mình sai lè? Nhiều lúc ông bất bình quá khiếu nại thì con vợ ông mặt tỉnh bơ bảo nó đã chấp nhận lấy chồng già thì chồng phải người lớn hơn nó, tức là phải nhường nhịn nó, chứ cãi nhau ngang hàng thì thà lấy chồng trẻ trung 6 múi. Nợ nần kiểu gì mà nó nói ông suốt chẳng sao, ông thử nói nó một câu xem, nó bật lại xong còn dỗi cho ông phải xin lỗi đi xin lỗi lại. Mỗi lần ông vùng lên định phản kháng, nó lại liếc xéo cho ông phát “Định cách mạng hả?”, thế là ông lại xìu xuống, ý tưởng cách mạng bị bóp chết từ trong trứng nước.
Thế tức là... dư lào? Cuối cùng thì là ai nợ ai đây hả các bạn?

PS: Mình phải chống ẩm cho ngôi nhà. Chính ra chỉ cần trát kín phần chân tường vì hội thợ cũ làm ẩu để chân tường hở. Ai ngờ ông chồng ngáo của mình, chỉ nói chuyện điện thoại có vài phút, đã bị bọn nhà thầu ngon ngọt thế nào dụ cho sơn lại toàn bộ tường. Mấy chục nghìn euro lại đội nón ra đi, để lại ngôi nhà mới tinh lạc quẻ. Hức, thôi mình đi thiền.

Ảnh: đi chơi thấy hồ nước đẹp quá, con mẹ bèn ngồi thiền. Thiền trong hoàn cảnh có con ranh ngồi thu lu sau lưng hỏi luôn mồm “Bao giờ mamma shong, bao giờ mamma shong, bao giờ mamma shong?” thì chắc nhanh thành chính quả lắm đây.

Monday, November 19, 2018

Làm hòa với cuộc đời

Ở tuổi 20 vui thật là dễ.
Đến trường cười hỉ hả cùng bạn bè. Tan học đạp xe lang thang phố phường cùng bạn bè, vừa tán chuyện vừa cười như muốn ngã lăn ra đường. Tối ngủ một mạch từ lúc đặt lưng đến sáng. Ôi những tháng năm tuổi trẻ lộng lẫy, rực rỡ, tràn đầy năng lượng, tràn đầy niềm vui. Nhìn người nhìn đường nhìn phố nhìn hồ, cái gì cũng thấy lấp lánh niềm vui. Vui đến mức vừa đi vừa nhảy chân sáo. Hormone tuổi trẻ làm cho mọi thứ cứ tự nhiên vui.
Còn ở tuổi 40, vui là một kỹ năng, bởi niềm vui không dễ đến nữa. Đủ thứ lo toan trên đời, muốn bực thì có thể bực suốt ngày.
Bực vì ai cũng kỳ vọng vào mình, mà mình cũng phải cố chứ siêu nhân quái đâu. Bực vì áp lực doanh số, mình làm sếp lo mất ăn mất ngủ mà lũ nhân viên thì cứ lờ đà lờ đờ. Bực vì điện thoại réo suốt ngày. Bực vì bận bỏ bu còn phải quan tâm đến người dưng. Bực vì một thói xấu nho nhỏ của người cùng nhà, nhưng cùng nhà bao năm thói xấu nho nhỏ ngày nào cũng phải chứng kiến đã trở thành thói xấu không nhỏ tí nào, thậm chí còn to không chịu nổi. Bực vì con học dốt quá, ngày xưa tao chỉ hơi dốt chứ đâu có dốt đặc cán mai dài cán táu như mài. Bực vì nhân viên tối dạ, có cái việc đơn giản hướng dẫn mãi vẫn làm sai. Bực vì ra đường là khói xe, tắc đường, ô nhiễm, lụt lội, muộn giờ làm, muộn giờ về đón con, muộn giờ nấu cơm. Bực vì vừa bị đồng nghiệp nói xấu sau lưng, trong khi trước mặt thì thảo mai vãi đái; hoặc gặp việc thì trốn chui trốn nhủi mà gặp sếp thì nịnh thối ơi là thối. Bực vì mình đã bỏ công làm việc không công, trong tập thể có đứa chả đụng chân đụng tay vào việc gì lại ngồi bình phẩm như bố đời, mài nghĩ mài là ai. Bực vì trường con học phí đã cao lại còn suốt ngày hô đóng góp con khỉ con tiều. Bực vì mình giúp người không tiếc sức mà lúc mình cần người giả đò ngó lơ. Bực vì con mụ bán hoa mình nhìn thấy thương thương mới rẽ vào mua ủng hộ chứ mình có cần hoa hoét quái gì đâu, thế mà nó hét giá mình ngay. Bực vì trên đời có nhiều thằng đầu nặn bằng đất sét hơn mình tưởng. Thậm chí đã bực sẵn bị muỗi đốt một phát thành bực phát điên lên. Vv và vv.

Có giai đoạn, thấy trong đầu lúc nào cũng thường trực một nỗi bực dọc, tự dưng mình nghĩ: hoặc mình sẽ trở thành một người đàn bà đáng chán, hoặc mình phải học được cách làm lành với cuộc đời. Cần nói thêm là những nỗi bực dọc ấy rất có lý chứ không phải không. Nhưng có lý thì quan trọng gì, để chứng tỏ hay phân trần với ai, khi điều cốt yếu nhất là những nỗi bực dọc đó cản trở niềm vui? Và người yêu bản thân như cún béo làm gì có chuyện buông xuôi để mặc mình thành một người đàn bà đáng chán, nhàu nhĩ và luôn miệng cằn nhằn bất mãn với cả thế giới?

Thế là mình bắt đầu ngồi thiền. Thiền để duy trì một trạng thái hòa ái, để nỗi bực dọc đi xuyên qua được trạng thái hòa ái đó thì hy vọng đã hóa thành không.
Việc một đống đuổi sát lưng mà người lại cứ phải ngồi ngây ra như phỗng và cố gắng không suy nghĩ, thật không dễ chút nào. Nhưng cứ ngồi thôi, mặc kệ đời. Chân đau tê dại, cũng kệ thôi, không khổ thì không học được nhẫn. Mà cuộc đời một khi đã nhiều thử thách, không nhẫn thì chắc chả vui được.
Thì đã bảo, vui là một kỹ năng. 

Friday, November 9, 2018

Đời rất dở nhưng vẫn phải niềm nở


Mình nhớ hồi lâu lâu đọc 1 quyển sách do 1 bà cũng là phu nhân đại sứ viết, trong đó có đoạn bà ấy phát hiện người làm lấy cắp đồ ăn. Bà ấy đã gọi cậu ta lại và hỏi “Tôi đối xử với cậu tốt như vậy, tại sao cậu lại lấy cắp của tôi?”. Và cậu người làm đã trả lời rất thật thà “Tại vì bà có nhiều quá, tôi nghĩ có lấy 1 ít bà cũng chẳng nhận ra”.
Rất nhiều lần mình cũng gần như buột mồm ra câu hỏi ấy, “Tôi đối xử với các anh chị tốt như vậy. Đám cưới, đám ma, đầu năm học cần tiền sắm sửa cho con cái, mua đất còn nợ tiền không có trả là mất đất, rồi vợ ốm con ốm cháu ốm, không có cái gì là các anh chị không đến nhờ tôi. Vậy mà tại sao các anh chị lại không chừa một cơ hội nào lấy cắp của tôi, và thậm chí còn lấy cắp cả của con tôi?”.
Nhưng mà rồi mình chả hỏi. Ăn cắp thì là ăn cắp thôi. Mình có quá nhiều, họ có quá ít. Không biết giữ thì mất, tốn công nói chuyện tình cảm ân nghĩa làm gì cho sến. Chưa kể nhiều người ở đây bắt tận tay họ còn chối nữa là không bắt tận tay.
Mình có bà bạn, chính là bà google “Bible, teamwork” rồi ngày nào cũng dành cả tiếng đọc cho người làm nghe, một hôm phát hiện hơn chục chai bia trong kho đã không cánh mà bay. Bà ý gọi mấy người làm tới, và chỉ nói thế này “Tôi có hơn chục chai bia trong kho, giờ không thấy đâu. Các anh chị muốn làm thế nào thì làm nhưng chiều nay, tôi muốn thấy toàn bộ số bia đó để lại vào đúng vị trí”. Tối bà ấy về, thấy bia đã lại xếp hàng ngay ngắn trong kho, lại còn dôi ra 2 chai :-))))))).  Bà ấy rất có kinh nghiệm nên mới xử lý kiểu thế. Chứ bà ấy mà đã nói “Các anh chị đã uống bia của tôi” thì họ sẽ chối cho bằng chết thì thôi.
Một bà bạn khác của mình, cách đây vài năm sống ở một nước châu Phi gần gần, ở đó cái gì cũng khan hiếm kể cả đường, một hôm cũng phát hiện âu đường cứ sáng vừa đổ đầy, cả ngày dùng mỗi một thìa cà phê, mà tối về là âu đường sạch bách. Vài lần như thế, bà ấy gọi cậu người làm tới. Hoàn toàn không đả động gì đến chữ “ăn cắp”, bà ấy chỉ nói ngắn gọn “Âu đường này sáng nay tôi vừa đổ đầy mà giờ đã hết sạch. Giờ tôi đi có việc. Tối nay tôi về âu đường này phải đầy lại như cũ”. Tối về âu đường lại đầy như có phép lạ thật. Chồng bà ấy thì ít kinh nghiệm trong việc xử lý ăn cắp hơn, gần đây một lần đổ xăng xe xong để số tiền dư trong ô tô thế mà mấy hôm sau tiền biến mất tiêu. Hỏi lái xe lái xe bảo không biết. Ông ý mới bảo “Xe này chỉ có mỗi tôi và cậu dùng. Tiền mất, không là cậu thì là ai?”. Lái xe mặt tỉnh queo “Tôi không biết, không phải tôi”, thách thức mọi logics trên đời :-))))
Cũng bà này có một bà bạn khác, mình không nhớ sống ở nước nào, có cô giúp việc 30 năm trời, tin tưởng còn hơn người trong nhà. Thế mà một lần, làm nhà mới xong rồi đi nghỉ hè, nghỉ hè xong về thấy nhà cửa sạch bách, đến cả rèm cửa nó cũng tháo mang đi. Giúp việc nằm phục đúng 30 năm, đợi nhà chủ vừa chuyển vào nhà mới mới cất vó một mẻ lớn :-))))))).

Một anh đại sứ đóng ở một nước khác, anh ở entry nào đó trước mình đã kể, sang dự events ở Ghana, nói chuyện với mình cũng bảo “Anh phát hiện xe anh để trong garage đêm nào cũng bị rút trộm xăng. Anh đang định báo cảnh sát thì tình cờ nhìn vào camera thấy chính cảnh sát đang rút xăng từ xe của anh ra. Thế là thôi anh đầu hàng, coi như đó là một chi phí bắt buộc khi chọn đến sống ở châu Phi. Mà em ạ, dân ở đây còn hiền hòa dễ chịu, chứ dân ở chỗ anh ở còn thô lỗ bạo lực cơ”.
Đời mình cũng chả khá hơn. Có ai đời sống trong nhà của chính mình, ngoài cửa có gác cổng, mà trong nhà túi lúc nào cũng phải khóa. Hàng ngày riêng chuyện phải nơm nớp nhớ khóa túi, rồi phải tìm chỗ giấu chìa khóa, rồi đi tìm chìa khóa để mở túi lấy tiền thanh toán khoản nọ khoản kia, là đời mình đã phức tạp lên bao nhiêu. Mà túi thì còn khóa được chứ kho đồ ăn và rượu thì khóa làm sao. Đồ ăn và rượu thì lúc nào cũng phải tích trữ đầy kho. Lý do là hàng hóa ở đây khan hiếm, không tích trữ thì nhiều khi có event một cái là chạy khắp thành phố mà không thể gom đủ số đồ mình cần.
Mà thôi, châu Phi nó thế. Cẩn thận được thì cứ cẩn thận thôi, còn lại cũng phải phiên phiến. Đời không thể lúc nào cũng phải so găng cho ra nhẽ.

Còn tui thì chỉ muốn về ngôi nhà miền quê xa tít của tui, mang quyển sách ra đọc dưới rặng tre, tre xào xạc trên đầu thỉnh thoảng lại thả vài ba cái lá khô xuống trang sách cho mông thợ, cho quên đi nỗi đời éo le. Nói tre cho sang chứ thực ra là trúc, các bạn ạ. Vì thân nhỏ èo uột và màu vàng ệch ra chứ có được cao, thẳng, khỏe và xanh đẹp như tre VN đâu. Chưa kể bụi tre trồng từ đầu tháng 7, tới giờ là 4 tháng mà nhìn xơ xác như chim sẻ gặp trời mưa, còn thảm hơn hồi mới trồng. Lời nguyền bàn tay cô Cám “trồng cây gì cũng chết” của tui e chừng vẫn đúng. Cây baobap khí hậu khắc nghiệt như châu Phi còn sống được, vào tay tui cũng ngoẻo nốt từ lâu roài.

Ảnh: tàu đi, ừ nhỉ, tàu đi thật