Tuesday, February 25, 2014

Je vois la vie en rose…

Buổi sáng, chưa tới 8h30 mà mẹ đã ngồi thong thả vừa blogging vừa uống trà rất nhã vừa lắng nghe con gái đang vừa nói chuyện vừa hát nghêu ngao với búp bê trong cái phòng đồ chơi gần đó.

Buổi sáng 6.30 mình dậy. Sang phòng Lê La Na, cuốn rèm cửa, gọi bọn Lê La Na cho mặc quần áo. Chúng nó xuống nhà ăn sáng thì mình tranh thủ làm phòng. 3 cái giường bé bé, quần áo bé tí, cái khăn cũng bé tí trong nhà vệ sinh, vài phút là xong. Làm xong mở cửa sổ cho thoáng và đi ra khóa cửa phòng cho khỏi đứa nào nghịch ngợm lẻn vào xới tung chăn đệm lên. Rồi mang đồ giặt từ đêm xuống nhà phơi nắn nót. Phơi xong thì đến giờ Lê La đi học. Cho Anna ăn chai sữa cho xong nốt bữa sáng, ra vườn ngắt những bông hoa đã cũ từ những khóm dạ yến thảo rồi lên nhà gọi chồng dậy.

Điều mình thích nhất là buổi sáng, cuốn rèm cửa lên và mở cửa sổ cho ánh sáng và khí trời ùa vào phòng. Trên đầu hồi nhà lúc nào cũng có mấy con chim nhảy qua nhảy lại hót ríu rít. Vừa dọn dẹp phòng ngủ vừa nghe nhạc, chỉ vài phút là gọn ghẽ đâu vào đấy, giày dép vào chỗ, sách truyện vào chỗ, tất và quần áo bẩn cho vào thùng đồ giặt, giường gọn ghẽ, nhà vệ sinh ngăn nắp. Khóa cửa phòng rồi xuống nhà ăn sáng với ngài lúc này đã ăn vận như chú rể ngồi nghệt mặt đọc báo lá cải trong phòng ăn.

Thế rồi nếu không phải đi đâu đó thì mình học bài cả buổi sáng trong tiếng con Anna múa hát nghêu ngao, hoặc độc thoại với búp bê và đám trâu bò ngựa đồ chơi, hoặc lượn xe ba bánh trong vườn. Nghe thích đến mức cứ thỉnh thoảng lại phải chạy ra hít hít cái má toàn mỡ mềm xèo của nó. Mà cũng chẳng cần đợi mẹ chạy tới hôn hít, vì nó chốc chốc nhớ hơi mẹ hay sao mà lại riết róng “Mamma có yêu Anna hông?”, “mẹ có, mẹ yêu con khủng khiếp lắm”. Tới 12h trưa thì hai mẹ con ăn trưa, xong cho nó đi ngủ. Lúc nó ngủ dậy cũng là lúc Lê La đi học về tới nhà, em xuống đón anh chị tíu tít. Lê La ăn trưa xong, ngồi làm toán, tập viết hoặc đọc sách cho mẹ nghe khoảng 1 tiếng. Rồi nếu mẹ không nổi hứng kéo cả lũ đi đâu đó thì La Na chơi đồ hàng cùng nhau trong phòng đồ chơi, Lê ngồi đọc sách gần đó, còn mẹ tranh thủ là quần áo hoặc khâu quần áo rách. Thỉnh thoảng La Na lại chạy ra nhờ mẹ tết tóc cho ngựa hoặc băng cái chân con ngựa bị sứt. Hôm nào trời đẹp, 3 anh em tự kéo nhau ra vườn chơi. Chẳng mấy chốc bọn trẻ hàng xóm cũng kéo sang, tiếng trò chuyện ríu rít, tranh cãi inh ỏi, chơi đồ hàng cười khúc khích, tiếng đá bóng bình bịch và tiếng chân nhảy tưng tưng trên cái trampoline.

6h chiều, bọn trẻ hàng xóm về, Lê La Na chạy lên nhà nhom nhem mồ hôi nhễ nhại, mình lùa hết vào phòng tắm. Chúng nó lại tiếp tục chơi đồ hàng trong đấy. Vừa trông chúng nó tắm mình vừa tranh thủ dọn dẹp. Tắm xong, mới tinh, nếu còn thời gian thì cùng mẹ dọn dẹp phòng đồ chơi hoặc ra sân sau rút quần áo khô (được mẹ trả công mỗi đứa một dirham cất vào hộp tiền giấu như mèo giấu cứt), rồi vào phòng ăn ăn tối. Ăn tối xong, đánh răng, thay pijama, và được xem phim hoạt hình trong khoảng hơn nửa tiếng. 8h30, tiếc rẻ mấy cũng phải vào giường. Năn nỉ mẹ đố thêm vài câu đố rồi mới cam tâm đi ngủ. Câu đố cho Lê: 8 nhân 6 bằng mấy. Câu đố cho La: Lila’s pillow có bao nhiêu chữ. Câu đó cho Na: ở trong nhà có con bé nào vừa ngoan vừa yêu mẹ? Xong, kéo chăn lên cho cả 3 đứa, mẹ bảo “giờ bọn chó con tự ngủ, mẹ đi tắm”. Tắm xong đi ra, cả 3 đứa đã ngủ khò. Cho quần áo bẩn vào máy giặt, chuẩn bị sách vở quần áo cho Lê La đi học ngày hôm sau, xong một ngày của nội trợ kiểu mẫu.

Menu đồ ăn cả tuần, ai ăn bữa nào, duyệt từ đầu tuần, chú đầu bếp cứ thế mà đi chợ và nấu nướng. Chú lái xe phụ trách đưa đón trẻ con và làm việc vặt theo yêu cầu. Tuần 1 lần hai cô giúp việc đến lau chùi nhà cửa từ trong ra ngoài. Tất cả mọi thứ đều gọn ghẽ, sạch sẽ, tuần tự. Không bị quấy rầy bởi khuôn mặt hôm tươi vui hôm cau có tùy hormone, tùy tình trạng yêu đương, gia đình và cá nhân của giúp việc, đời mình nhẹ hẳn. Chỉ có điều không đi event được vì không có ai ở nhà buổi tối cùng bọn trẻ con. Ngài nhăn nhó “nhưng anh muốn em đi cùng anh”. Bảo “không sao, anh yêu, em tin anh, anh cứ đi một mình, miễn là cố gắng về sớm”.

Nếu phải nấu ăn, dọn dẹp bát đĩa, và đi chợ mua đồ ăn, thì mình sẽ phải mất thêm 5 tiếng một ngày. Nếu phải đi event hoặc tiếp khách ở nhà thì mình phải mất thêm ít nhất 3 tiếng một ngày nữa. Bớt đi được 8 tiếng này, ngày trở nên rất dài rộng và thảnh thơi, tha hồ mà học. Chỉ sợ học nhiều quá tâm hồn lại trở nên quá đẹp thì hỏng, nhề.

P.S Mẹ đang blogging thì nghe tiếng gọi thống thiết “Mamma có giúp Anna được hông?”. Mẹ chạy vào, thấy con gái đang đứng vắt vẻo trên bàn. Mẹ chạy tới buột mồm “trượt chân là như trái mít rụng bây giờ”. Đang nói mẹ im bặt. “Trái mít rụng” là ngôn ngữ của bà Nuôi chứ mình thì không nói như vậy bao giờ. Ở với bà Nuôi 4 năm, bị ngấm ngôn ngữ bất hủ từ bao giờ không biết. Để hôm nào lại gọi điện hỏi thăm cụ Nuôi xem giờ cụ ra sao.

Saturday, February 22, 2014

Nướng ngô cháy quần


Thứ sáu, buổi sáng cả nhà đi công viên. 5h chiều về tới nhà. Bọn Lê La Na trông như vừa móc từ dưới cống lên. Suốt 6 tiếng đồng hồ chúng nó chạy nhảy hò hét leo trèo lăn lộn không biết mệt và mồm ăn tem tẻm. Mình tắm cho cả lũ, thay quần áo sạch sẽ. Thấy còn hơi sớm nên lại tranh thủ là sơ mi tuần mới cho ngài. Ngài mỗi hôm thay một sơ mi, thậm chí là 2 hoặc 3 chiếc tùy events, mà mình lại muốn tuần nào là sơ mi tuần nấy, vì là fresh thì áo mặc đẹp hơn. Là xong chạy xuống nấu ăn cho bọn trẻ con. Nấu xong thì vừa cho bọn trẻ con ăn vừa nấu ăn cho người lớn. Cuối cùng dọn dẹp và cho bát đĩa vào máy rửa bát sau khi bảo ngài mang bọn trẻ lên nhà đánh răng rửa mặt. Lên nhà, hơn 8h, sắp đến giờ phải có mặt ở event, ngài đang chọn quần áo, quay ra hỏi vợ “chưa sẵn sàng à?”. Mình bảo “anh yêu, em tắm cho con, dọn dẹp nhà cửa, là quần áo, nấu ăn, cho con ăn, dọn dẹp bếp, và chỉ 10 phút nữa em sẽ xinh đẹp hơn người hơn 3 tiếng nay không làm gì cả ngoài ăn và chọn quần áo”. Ngài chống cự yếu ớt “anh đánh răng cho chúng nó còn gì”. “Vâng, anh đánh răng và làm rớt hết kem răng vào cái áo len của con Anna, mai em phải giặt còn mệt hơn là tự đánh răng cho con ngay từ đầu cho xong”. Ngài im thít.

Cho lũ Lê La Na vào giường, hai vợ chồng lên xe đi. Chồng lúc này mới thủng thẳng hỏi vợ “em có biết địa chỉ không?”. Vợ cáu “ơ, hơn 3 tiếng nay anh làm gì mà không kiểm tra địa chỉ giờ lại hỏi em?”. Chồng lại còn xoa dịu kiểu này mới lộn ruột “em cứ bình tĩnh, thư giãn, sao cứ căng thẳng thế, em không biết thì anh gọi thằng S hỏi chứ có vấn đề gì đâu”. Đoạn đủng đỉnh mở máy gọi thằng S. Thằng S chả bắt máy. Mặt một số người ngắn tũn. Thế giờ thì biết đi đâu về đâu? Chạy trên đường cao tốc 6 làn xe vun vút, trời thì tối, mà ông chồng quý hóa của mình mặt cứ cắm vào điện thoại hy vọng tìm được email có địa chỉ của event. Cuối cùng, đang đi trong vô định thì may quá thằng S gọi điện lại. Chỉ tới chỉ lui không được, cuối cùng nó đành bảo đứng nguyên ở chỗ đấy nó đến đón.

Chỉ là một lần trong hàng trăm lần không kiểm tra địa chỉ trước, cứ nổ máy đi bừa, lạc lên lạc xuống. Mà có phải không có thời gian đâu, vì rõ ràng ông ngồi hàng tiếng xem xe ô tô trên mạng. Cách đây hơn một tháng là reception ở khu Emirates Hill. Thấy mình càu nhàu sao không kiểm tra địa chỉ trước, khu đấy rộng mênh mông như thế tìm làm sao được, thì ngài bảo “nhà nó anh nhớ là ở gần hồ, thế thì cứ ra hồ thấy chỗ nào sáng đèn nhiều người là đích thị nhà nó”, “anh có biết ở đấy có bao nhiêu cái hồ không?”. Ngài im tịt một lúc xong chống chế “khu đấy nhỏ ý mà, mình cứ đi thấy chỗ nào nhiều xe chắc chắn là nhà nó”. Mình không nói gì, để cho ngài vừa lái xe, vừa nghiêng ngó, vừa lẩm bẩm tự đặt câu hỏi, tự trả lời, tự chắc mẩm rồi ghé vào thấy không phải thì lại tự chửi đổng rồi lái xe cái vèo đi chỗ khác. Suốt gần 2 tiếng như thế, đi giật cục ngang dọc băm nát cả khu ra mà cái nhà kia vẫn như bóng chim tăm cá, ngài có vẻ thấm mệt, lái xe đi trong im lặng chết chóc chứ không lảm nhảm một mình nữa, mình mới bảo “Anh dừng xe lại”. Ngài vẫn cố vớt vát “em định hỏi cái thằng bảo vệ kia à, nó không biết gì đâu”. “Anh đừng nói gì nữa, dừng xe lại”. Ngài ngoan ngoãn dừng xe. Mình đang vừa điện thoại cho cậu lái xe hỏi đường vừa xem bản đồ cậu bảo vệ đưa mà ngài cứ bấm còi xe pim pim gọi vợ quay trở lại, chắc để đi bừa tiếp biết đâu gặp may lại tới nơi cũng nên. Mình đã nhiều lần bảo số ngài rất xuân, toàn chó ngáp phải ruồi là gì (tiếc là lần này số không xuân lắm, ngáp mãi chả được con ruồi nào). Mình xem xong, quay lại xe, ngài vừa định ú ớ mình bảo “Anh đừng nói gì nữa. Lần sau mình sẽ không ra khỏi nhà nếu không biết đường. Anh phải nhớ em là người chính xác và không thích mất thời gian. Giờ thì anh đi thẳng, đến bùng binh rẽ phải, sau đó rẽ vào con phố thứ ba bên trái”. Ngài biết sai, đến nơi một cái, vợ ngài ngoảy đít đi trước, ngài lon ton sấp ngửa chạy theo điệu bộ ton hót.
Chồng người du kích sông Lô
Chồng em ngồi bếp nướng ngô cháy quần
Ngày xưa bà ngoại hay chẹp miệng bảo “càng khôn ngoan lắm càng oan trái nhiều thôi cháu ạ, báu gì”. Mình cứ tự hỏi những người họ khôn ngoan hơn mình, không biết họ còn oan trái đến đâu nhề???

Sunday, February 16, 2014

Maid hàng xóm

Chị hàng xóm đau khổ vì cô maid mà chị ấy gọi là drama queen. Công nhận drama queen thật, mình cũng bị một vố western union với nó năm ngoái. Chính là cô maid chị ấy đi nghỉ nhờ mình trông, một buổi sáng chạy lẹt xẹt sang nhà mình, suýt xông cả vào phòng ngủ của mình nếu mình không ra kịp, mặt mũi hoảng hốt khẩn thiết, chân tay vặn vẹo khổ sở, lưỡi ngọng líu, làm mình thất kinh tưởng ông lái xe lại giở trò sàm sỡ, hóa ra là nó nhờ mình chuyển tiền.

Chị ấy bảo đang đi sơn móng tay, maid gọi điện giọng vật vã “Madame, I am sorry sorry sorry sorry sorry sorry, so sorry, madame”. Chị ấy hoảng hồn “sao, có chuyện gì, con tôi làm sao à?”. Maid vẫn tiếp tục rất thống thiết “Oh, madame, I am so sorry sorry sorry sorry sorry, madame”, đoạn nói tiếp một tràng tiếng Indonesia. Chị ấy lại càng hoảng hốt hơn, hỏi dồn “sao, con tôi làm sao?”, chẳng là chị ấy có thằng con tên là Saif hơn 2 tuổi ở nhà maid trông. Maid vẫn lắp bắp “madame, I am so sorry, Saif, madame, sorry”, “sao, Saif làm sao? con tôi làm sao, chị nói ngay”, “Madame, sorry, Saif, chicken”, “Cái gì? Saif làm sao? sao lại gà?”, “Madame, thằng Saif nó không ăn thịt gà”. Nẫu ruột.

Tuần trước, mình cho bọn Lê La Na đi công viên nên gọi điện hỏi chị ấy có muốn gửi con theo mình không. Chị ấy lại đang đi sơn móng tay, gọi điện về bảo maid chuẩn bị cho bọn trẻ. Maid nghe bà chủ gọi điện bảo chuẩn bị cho bọn trẻ ra công viên thì lập tức hỏi dồn một tràng “madame, tại sao? tại sao, tại sao, tại sao lại công viên? Công viên nào? Ở đâu? Đi như thế nào? Chuẩn bị cái gì? tại sao, madame, tại sao?”. Tiếng Anh thì đã nói được ít lại còn nói ngọng, trả lời thì không hiểu, lại còn hay hỏi. Chị ấy phát rồ gọi điện lại cho mình, không quên than “tôi khổ vì con maid của tôi vô cùng”, còn mình thì được trận cười té ghế.

Bonus thêm một chuyện nữa: Lãnh sự quán có một chị có cô maid, một hôm cô maid đi đâu về, khóc lăn lộn, bảo là bị cưỡng hiếp. Bà chủ nghe thế thì shock nặng, vừa thương cảm vừa phẫn nộ. Hội tư bản vốn trọng nữ quyền, thế là bà chủ thương mến đặt maid nằm lên giường, hết lời an ủi. Maid nằm liệt giường luôn từ dạo đó, bà chủ vào vấn an lần nào cũng thấy maid khóc. Bà chủ hầu hạ maid ăn uống giặt giũ mà không dám oán thán nửa lời (chuyện, cưỡng hiếp chứ có phải đùa đâu), vất vả lo lắng quá suýt phát bệnh trầm cảm. Một tháng liền như thế, cô maid một hôm ngồi dậy bảo muốn về nhà với mẹ, không làm việc nữa vì không chịu nổi cú sốc quá lớn. Bà chủ nghe thế tong tưởi đi mua vé máy bay cho maid liền. Maid đi rồi, bà chủ mới tá hỏa phát hiện hóa ra có ai cưỡng hiếp maid đâu. Maid mang bầu với thằng bạn trai người Philippines, một tháng nằm liệt giường là do nghén chứ không phải sốc siếc gì sất, và lấy lý do sốc quá không chịu nổi, muốn bỏ làm về với mẹ, để bà chủ lo nốt cho cái vé máy bay, để còn chuồn khỏi Dubai trước khi bại lộ. Diễn viên đại tài, đóng kịch cả tháng mà bà chủ không phát hiện ra.

Bình luận của cún béo: chỉ thiếu mỗi nước giả chết.

Thursday, February 13, 2014

Lila


Cô con gái cả giống hệt đức ông chồng. Làm cái gì cũng chậm như sên chết, chân tay rờ rẫm, chỉ vẽ nhăng vẽ cuội là nhanh. Mình đang dạy nó làm toán, ngoảnh qua ngoảnh lại con tính đơn giản nó vẫn chưa làm xong nhưng đã kịp hoàn thành một bức Burj Khalifa chễm chệ trên giấy. Điểm này cũng giống hệt ông bố, luôn tin tưởng rằng bản thân có khiếu nghệ sĩ, suốt ngày tra tấn lỗ tai mình “anh mà không làm nghề này chắc anh sẽ làm kiến trúc sư hoặc đạo diễn”.

Trở lại chuyện cô con gái cả, vào xe là ngồi cái ịch, chả lo lắng hỏi han cái gì bao giờ, chỉ ỏn ẻn mở lời khi điều hòa trong xe không đủ ấm hoặc không đủ mát. Cô con gái út thì tính tình đon đả lo lắng sắm nắm, vào xe ngồi ngay ngắn là sang sảng truyền lệnh cho chú lái xe, chỉ đường, rẽ phải chỗ này, rẽ trái chỗ này, M mình đi công viên chứ có phải đi trường học đâu hả M, kìa M Lila đang nóng chú bật điều hòa đi, M chú đi sai đường rồi đấy. Nhiều khi chỉ bảo nhiều quá đến mức cô chị tiểu thư phải bịt tai mặt mũi khó chịu “nó noisy quá La không thíc”.

Mẹ thấy con gái cả làm tính cộng, mẹ nhìn vào tờ giấy nháp thấy con gái vẽ vô số khuyên tròn trông như tràng hạt. 9 + 7 thì vẽ chín khuyên tròn rồi vẽ tiếp 7 khuyên tròn rồi lọ mọ thò ngón tay đếm. Mẹ hỏi “cô giáo dạy con làm tính cộng thế này à?”, “không, La tự nghí ra”. “Thế này đến lúc phải làm phép tính cộng đến 100 thì con làm thế nào hả con?”, nó giả điếc.

Hồi trước khi chưa có phát minh vẽ tràng hạt thế này thì con gái phải huy động cả hai bàn chân bàn tay gầy gò xương xẩu. Cách dùng tay chân này nghe có vẻ tiện, không cần giấy bút, ở đâu cũng có thể làm toán được, nhưng hóa ra không phải thế. Có lần đang lái xe, mẹ tranh thủ đố “đố em bé 5 + 7 bằng mấy?”, thấy con gái im im đếm chác một hồi rồi bảo “La không làm được vì chân La đang đi giày”.

Hồi biểu diễn cuối năm ngoái, ngài hỏi “Anh có cần đến không?”, mình bảo “Anh bận thì thôi không cần đến. Nó lại đứng bé tí trong hàng, hát đồng ca thôi mà. Em chẳng hy vọng gì vào năng khiếu biểu diễn nghệ thuật của lũ con mình”. Mình nói thế từ kinh nghiệm của ông con trai. 6, 7 lần đi xem con biểu diễn là 6, 7 lần thấy ông con bé tí, lùn xoẳn, bị cô cho đứng tít phía sau, nhìn toét mắt mới thấy. Thế nên mình vô cùng bất ngờ khi thấy cô con gái cùng với 3 bạn khác được chọn làm người dẫn chuyện, cầm mic nói nheo nhẻo. Nói xong đặt mic xuống, múa hát tào lao như đúng rồi. Mẹ yêu con gái gầy gò của mẹ quá đi mất.

P.S hôm qua mẹ lôi tủ thuốc ra dọn, bỏ đi những loại thuốc đã hết hạn sử dụng. Mẹ nhìn thấy chai siro mẹ mua từ hồi con gái bị mắc bệnh mất ngủ, cứ 2, 3h sáng vừa đi khắp nhà vừa khóc lóc “La không biết ngủ” rồi thức chong chong đến sáng. Hồi đó mẹ tuyệt vọng đến nỗi phải mang con đi bác sĩ nhờ giúp và bà ấy bảo mẹ mua chai siro này. Một thời gian khổ đã lùi xa???
Ảnh: con gái đi trong vườn cây olive của cùng Tuscany, năm nào mẹ không nhớ nữa. Giờ trên trán vẫn còn cái sẹo, chắc cái sẹo sẽ không bao giờ hết.

Monday, February 10, 2014

Nữ tu

Trước Tết mấy ngày tranh thủ gọi điện về hỏi cụ già xem cụ chuẩn bị tết nhất đến đâu, cụ lại ca bài ca đi cùng năm tháng “dạo này mày thế nào hả con, tao sợ mày đẻ dày rồi ở nhà chăm con, vừa già vừa xấu, trong khi thằng chồng nó đẹp như thế”. Mình ú ớ “cụ nói thế nào, chồng ai đẹp”. Cụ già gắt lên “còn gì nữa, giờ nó già đi nhiều chứ hồi ở Việt Nam nó đẹp như cái hoa vừa chớm nở”. Mình tưởng như nghe tiếng sét giữa trời quang mây tạnh, phải vịn bàn cho khỏi ngã. Mình tuy không dám kể lại với ngài vì không thể tìm được từ để diễn tả vẻ đẹp như bông hoa vừa chớm nở của ngài, và nói thật cũng sợ ngài dỗi tưởng mẹ vợ nói đểu, nhưng từ đó đến giờ, cứ nhìn mặt ngài, và liên tưởng tới hình ảnh bông hoa hàm tiếu, là mình nhịn không nổi. Ngài thì tưởng con vợ ngài bị làm sao, khi cứ đang nhiên nó lại cười lên ha hả.

Mấy tháng trước, trời vừa chớm đông. Con vợ ngài rơi vào trạng thái mà nó tự lu loa chẩn bệnh là trầm cảm. Nó chống cằm sầu muộn tâm sự với con bạn cũng siêu vớ vẩn như nó “mày ạ, tao muốn trông như một nữ tu”. Con bạn trợn mắt “hả, mày nói gì?”. Con bạn tuy cũng vớ vẩn có hạng nhưng so với vợ ngài chắc còn kém vài bậc. “Tao muốn trông như một nữ tu. Thật đấy. Tao sẽ đi mua vải đen và may một chiếc váy phỏng theo váy của nữ tu”. Sau mấy tháng liền thấy sở thích nữ tu vẫn không thay đổi, mình chắc mẩm mình muốn trông giống nữ tu thật.

Vươn tay chới với

Người đàn bà đợi

Cây khô bứt tiếng gọi

Lá hừng hực đỏ…

... chỉ nghe gió thất thanh trong đêm

Trút áo bốn mùa…

Nữ tu cũng hay đấy chứ nhể. Bèn lon ton đi mua vải đen. Tâm tâm niệm niệm váy sẽ phải đen như này, bằng chất liệu như này, cổ cao như này, tay dài như này, gấu dài như này, xếp nếp ở đây, tóc sẽ búi như này, môi sẽ matte như này, đồ trang sức sẽ như này. Đi mất một buổi, vác về nhà một mảnh vải hồng chóe và một mảnh vải đỏ chóe. Kế hoạch nữ tu cả tháng nay không bao giờ thấy ỏ ê gì nữa. Chồng đã quen với sự vớ vẩn thất thường của con vợ đỏng đảnh, từ đầu đến cuối không bình luận câu nào.

P.S: con bé giúp việc gọi điện “Madame, tôi thực sự thực sự thực sự xin lỗi madame nhưng tôi không thể sang lại được nữa. Công việc ở nhà madame rất tốt, lương cao, và tôi biết giờ này ở lại Philippines sẽ là rất khó khăn, but I have to stay with my daughter”. Mình cũng đã biết từ trước nên chỉ bảo “không sao, L, dù sao chị cũng không còn lựa chọn nào khác”.

Thế mà chưa chi mình đã tưởng cung nô bộc tậm tịt của mình cũng đến ngày được cất cánh, lại còn đang tự hỏi cung nô bộc ngon lên thì không biết cung nào sẽ dở đi đây, lo quá. Thôi cũng may là lo bò trắng răng.

Thursday, February 6, 2014

Hết chôn sách xuống lại đào sách lên


Hai tuần qua bận tối mặt mũi. Events ở ngoài, events ở nhà, các thể loại playdate và sinh nhật bạn bè Lê La, cộng thêm trường Lê La có Ngày quốc tế nên lại phải tham gia đóng góp, cộng thêm giải chạy xuyên quốc gia của ông con trai, cộng thêm giải bóng đá xuyên thành phố cũng của ông nốt. Cứ cuối mỗi ngày lại tự nhủ một ngày bận rộn khó nhọc vừa qua đi, cố lên cố lên. Ngài thì không dám nhờ vả gì vì lúc nào chẳng bận quắn đít, cộng thêm tuần trước còn có chuyến thăm của thủ tướng.

Cuối tuần trước, chưa kịp thở phào thì con bé giúp việc bảo mẹ nó vừa mất đột ngột, cứ nước mắt ngắn dài sợ mình không cho về vì nó vừa mới sang. Mình bảo “chị đừng lo, chị muốn về ngày nào, về bao nhiêu ngày, tôi sẽ cho chị về”.

Tin lan nhanh như dầu loang, qua hệ thống servants trong phố. Chị hàng xóm tức tốc gọi điện, giọng như xé vải “Sao, sao chị lại cho nó về? Toàn bài của chúng nó hết đấy chị ơi. Tôi hy vọng ít nhất chị không bỏ tiền mua vé máy bay cho nó đấy chứ? Hả, chị mua vé máy bay cho nó hả? Chị điên rồi”. Bảo “Nếu nó phải nói dối mẹ mất để được về quê, thì 3000 dirham để cho nó về nước chứ 30,000 tôi cũng chi. Người đã nói dối được như vậy thì tôi không tiếc”.

Con bé giúp việc mới sang cách đây 3 tháng. Tuần làm việc đầu tiên, một hôm lên nhà không thấy mặc đồng phục, mình bảo “mời chị về phòng thay đồng phục trước khi lên nhà làm”. Chỉ có  một lần phải chỉnh đốn như vậy, ngoài ra mọi thứ đều ổn. Nó bị cái hơi chậm và cũng không thông minh lắm nhưng cái đó cũng không quan trọng. Quan trọng là nó ngoan ngoãn, sạch sẽ, chăm chỉ, dịu dàng, tươi cười, chú tâm vào công việc, và sống rất ý tứ, là người mình ưng nhất từ trước đến nay. Nói chung số vẫn không vượng cung nô bộc, người dở thì đuổi đi không hết, đuổi rồi nó vẫn đeo bám cay cú tìm dịp trả đũa, người hay thì mãi mới tìm được lại còn bị trục trặc.

Hôm qua một chị bạn của mình còn kể cho mình rằng bạn chị ấy số cũng không vượng cung nô bộc. Chị ta thậm chí còn phát hiện nhật ký của giúp việc, viết bằng tiếng Anh, rằng thì là một ngày nào đó cô ta cũng sẽ được như bà chủ chứ không kém phưn nào. Đúng là té ghế vì giúp việc.

Tháng 11 năm ngoái, một bà giáo cho mình mượn quyển sách tiếng Ý, bảo tháng 3 lấy lại. Còn lâu mới tới tháng 3, mình bỏ xó quyển sách. Hai tuần trước gặp tại một event, bà ấy vén tay áo gõ gõ mặt đồng hồ, giọng nhắc nhở không hổ danh cô giáo thâm niên 30 năm “G, sắp tới tháng 3 rồi đấy nhé”. Mình lo sốt vó, về nhà hết nâng sách lên lại vật sách xuống. Lo lắm nhưng học không vào vì nó chưa tới tháng 3.

Lại nói tới bệnh chủ quan cộng lười của mình, cái gì cũng phải đến sát nút mới học, tính hay quên học trước sợ quên, và cái gì phải thích mới học, nếu không là tìm cách đối phó. Khốn nỗi trong tất cả những thứ phải học thì có đến 99% là mình không thích, phải làm sao giờ?. Và vì học nhồi nhét sát nút nên thi xong là chữ thầy lại trả thầy sạch sẽ, đầu lại trống không, não lại phẳng phiu như thường, con người vẫn phởn phơ vớ vẩn như cũ, tâm hồn không đẹp lên tẹo nào.

Mấy hôm trước, một bà giáo khác, cũng thâm niên 30 năm, ngỏ ý muốn giúp mình học xong quyển sách đó. Tuân thủ đúng châm ngôn “gần mặt trời thì rát mặt”, mình từ chối. Đến lớp học đông đúc, bầy đàn, mình làm gì cũng không ai để ý, chứ một thầy một trò hôm nào thiếu ngủ ngáp ngắn ngáp dài hoặc không làm bài tập thì chẳng nhẽ chui xuống đất? Nhưng bà ấy cứ kiên quyết thuyết phục, và đến tận khi mình đành gật đầu thì mới nói rõ lý do “Em có biết tại sao tôi lại muốn dạy em miễn phí không? Vì có lần, ở một event, lúc quốc ca Ý cử lên, tôi thấy em hát theo, trong khi đó nhìn quanh tôi thấy một số người Ý khác vẫn đang mải buôn chuyện hoặc bấm điện thoại. Em biết đấy, tôi rất yêu đất nước tôi, và khi tôi nhìn thấy em hát quốc ca, thì có một cái gì đó, tôi không biết là cái gì, khiến tôi rất xúc động, rất ấn tượng”.

Một bà giáo gõ đồng hồ giục thời gian, một bà giáo muốn học ba buổi một tuần mỗi buổi hai tiếng một trò một thầy, cún béo không thích điều này :-(

Saturday, February 1, 2014

Cái lẵng


Hồi bé, Trung thu nào các bác tôi cũng dẫn lũ trẻ con đi Hàng Mã, 3 anh chị họ và tôi nữa là bốn, bốn đứa trẻ con dung dăng dung dẻ trong cả biển người tấp nập. Hồi đó, Hàng Mã vào Trung Thu đúng là một thế giới kỳ diệu. Đèn cù, đèn ông sao, đèn kéo quân lung linh, con chó làm bằng múi bưởi hồng hồng có cái chót mũi bằng một cái cúc màu đen, và các loại đầu sư tử, mũ miện hoàng hậu công chúa bằng giấy rắc kim tuyến.

Trong một lần đi Hàng Mã như thế thì mắt tôi đã sáng lên trước một cái lẵng tre xinh xinh có 3 con chó bằng bông trắng nõn nằm gọn ghẽ, xung quanh rải những sợi kim tuyến lóng lánh. Tôi thích cái lẵng đó đến mức cứ đứng ngẩn ra nhìn, ai gọi cũng không đi. Bác trai tôi hỏi giá, hai bác tôi nói chuyện với nhau, rồi lưỡng lự dắt tôi đi khỏi.

Không hiểu mặt tôi buồn so ra sao mà một lúc sau bác trai tôi ngần ngừ rồi quyết định dắt tôi quay lại. Cái lẵng tre xinh xẻo có 3 con chó bé tí tẹo bằng bông trắng muốt, cặp mắt như hai hạt vừng đen, vẫn còn đó. Bác tôi trả tiền, và tôi hồn nhiên sung sướng nhận cái lẵng từ bà bán hàng, không biết rằng 100 đồng là một món tiền không nhỏ với hai bác tôi hồi đó.

Bác dâu tôi không hài lòng. Mặt bác không vui và tôi sợ lấm lét. Tôi có cảm giác hai bác tôi cãi nhau vì chuyện cái lẵng, khá lâu sau vẫn cãi nhau. Có lần, hai bác tôi vừa ngồi nhặt gạo ở nhà trong vừa tranh luận rất nhỏ tiếng. Hồi đó gạo rất nhiều sạn, đang ăn mà nhai phải cục sạn nhiều khi ê cả răng. Bác trai tôi lại bị dạ dày nên gạo cứ đong về là phải ngồi nhặt thật sạch sạn. Tôi ngồi ở nhà ngoài, chỉ loáng thoáng nghe bác dâu tôi đang nói bác trai tôi gì đó, nói qua nói lại ngày càng gay gắt, cuối cùng bác trai tôi nổi điên đấm cái thình xuống mâm gạo đang nhặt dở và quát lên rất to “đã bảo nó là trẻ con, cứ nói mãi”. Bác dâu tôi im bặt.

Từ đó, tôi không bao giờ đòi quà nữa. Tôi nhạy cảm, sự nhạy cảm pha chút mặc cảm của một đứa trẻ biết mình đang ở trong một ngôi nhà không phải nhà mình, và đang được cưu mang bởi những người họ hàng thực ra cũng không dư dả đến mức có thể cưu mang được người khác dễ dàng. Chỉ là bác trai tôi thương em gái, tức là mẹ tôi. Nhiều lúc, nhìn anh chị em họ tôi vòi vĩnh người lớn mua cái này cái kia, tôi chỉ im lặng thèm thuồng. Ai hỏi có muốn gì không tôi chỉ lắc, tự nhủ với mình không sao, không có cũng không sao. Lâu dần, tính tôi trở nên lạnh lẽo, thờ ơ với mọi chuyện.

Tôi không trách bác dâu tôi. Nếu là tôi chắc tôi cũng không hài lòng. Các bạn biết đấy, thời đó chúng ta đang bận tiến lên xã hội chủ nghĩa, quần áo lành còn không có mà mặc, một tháng vài bận ăn độn khoai sắn, còn gạo tấm dính viện trợ của Ấn độ thì ăn triền miên. Thịt cá đường sữa bánh kẹo là những danh từ xa xôi và xa xỉ. Bác dâu tôi là một người phụ nữ hiền lành đơn giản, nhưng 100 đồng làm được bao nhiêu việc thiết thực, cụ thể là một bữa ăn tươi cải thiện cho cả gia đình đang xanh xao vì thiếu chất, thay vì mua cái lẵng vô bổ kia.

Cái lẵng đúng là vô bổ thật. Vì hào hứng ngắm nghía được mấy ngày, tôi chán, chẳng đoái hoài gì đến nó nữa. Cái lẵng được bác tôi để lên nóc chiếc tủ bích phê. Lâu ngày, bụi bám, những con chó bông không còn trắng nõn nữa, những đôi mắt đen như hạt vừng cũng ngả màu bụi. Rồi tôi cũng không biết cái lẵng bị vứt đi khi nào.

Tôi vẫn cứ thích những cái lẵng. Tôi thích đọc những truyện ngắn của Nga hay có cô bé tóc tết bím đi trong rừng, tay cầm một lẵng quả thông, gặp chú hươu có hai đốm sao long lanh trên lưng. Ngay cả bây giờ, nếu đi ở đâu đó, nhìn thấy một lẵng hoa, tôi vẫn dừng lại ngắm nghía, thậm chí còn xách thử. Gần đây, tôi dừng lại rất lâu trước một cái lẵng bằng gỗ, mơ mộng sẽ để vào đó rất nhiều hoa, và xách nó đi từ vườn vào nhà, và đặt nó trên bậu cửa, chỗ có thật nhiều ánh sáng. Chồng tôi bảo “em thích thế sao không mua?”.

Không, đến một lúc nào đó, không phải cứ muốn gì là phải có nấy cho bằng được, anh ạ.