Tuesday, August 29, 2017

Người đàn ông nói chuyện bằng tim



Có lần, tôi đã mơ một giấc mơ với một người.
Trong trí tưởng tượng của tôi, tất cả thật hoàn hảo, tôi, anh, và tất cả những gì chúng tôi làm cùng nhau. Như cùng lang thang trên cánh đồng với gió, đứng bên nhau trong sự tĩnh lặng của núi, cùng đứng bên dòng sông nhìn nước chảy, ngồi trong một vườn cây đếm hoa nắng, nhìn nhau, và hơn hết, cùng nói về những điều lòng mình cảm thấy. Tôi gọi anh là người đàn ông nói chuyện bằng tim. Tôi tưởng chúng tôi giống nhau.
Phải rất lâu sau, tôi mới đủ sự hờ hững trong lòng để thừa nhận rằng chính tôi là người cứ cố nhét anh cho vừa vào giấc mơ của tôi. Đó là một lần hiếm hoi. Thông thường, mọi sự sẽ xảy ra theo hướng ngược lại, là đàn ông cứ cố nhét tôi cho vừa vào giấc mơ của họ. Và tôi thường buồn cười những nỗ lực ngây thơ vô ích đó, cho đến khi anh tới.  
Tận cho đến khi anh tới, tôi mới hiểu cái cảm giác muốn chứng tỏ mình cũng là người tốt, cái cảm giác giá mà giá như, giá mà mình đừng nói câu đó, giá mà mình nói khác đi, giá mình bớt phù phiếm và kiêu ngạo đi một tý, giá mình đừng xù lông nhím lên, thì có lẽ mọi sự sẽ khác, sẽ tốt hơn, anh sẽ không thể xa mình. Tôi phù phiếm và thường tự mãn với sự phù phiếm của mình. Đàn ông thích hay không thích, tôi vẫn cứ phù phiếm cho đủ phần tôi, yêu thì yêu, chả yêu thì đi yêu người khác, chết ai đâu. Chỉ riêng với anh, tôi cảm thấy sự phù phiếm của mình cứ trật lất ra. Về sau, gặp thêm một Cự giải khác nữa, tôi mới hiểu, rằng chả cứ tôi với anh, mà sự phù phiếm của bất kỳ Song tử nào gặp những nguyên tắc của bất kỳ Cự giải nào cũng thành trật lất. 
Thế là, mọi thứ bắt đầu hoàn hảo, nhưng vì kỳ vọng quá lớn, lại trở thành trật lất. Trong mối quan hệ đàn ông và đàn bà, khi ta cứ phải giá mà giá như suốt, thì đó là một mối quan hệ trật lất. Ai ép lòng mình được mãi. 
 
Tôi chỉ níu kéo anh một lần. Một lần thôi. Rất nhẹ nhàng, tôi bảo “Hai người đáng quý, đã gặp được nhau trong đời, xin đừng thành người xa lạ”. Câu nói đó của tôi níu anh thêm được một thời gian nữa.
"Xin đừng làm người xa lạ", có kẻ đã từng năn nỉ khi cố mãi mà không thể làm quen được với tôi. Kẻ đó đẹp trai, kiêu ngạo và nổi tiếng phũ với đàn bà. Tôi không thực sự hiểu cảm giác của gã và cũng chẳng mủi lòng, cho đến tận khi chính tôi phải níu kéo anh.

Nhưng không ai níu kéo được mãi, tôi lại càng không. Tôi ngồi im nghe, và không phản ứng, khi tiếng bước chân anh cứ nhỏ dần, nhỏ dần, rồi không vọng tới nữa. Tôi biết điều này sẽ tới. Lòng tôi dẫu còn thiết tha, nhưng cũng đã đủ sự trưởng thành để cười khẩy, người này đi thì mới có chỗ cho người khác tới. Việc gì phải ru lòng mình mãi.
Nếu không cháy thành tro thì không thể hóa nổi phượng hoàng.

Speak low, when you speak, love.
Our summer day withers away too soon, too soon.
Speak low, when you speak, love.
Our moment is swift, like ships adrift, we’re swept apart too soon…
(Speak low, Phoenix)
https://www.youtube.com/watch?v=rkAHi2wNSsc 

PS: Cho đến giờ, tôi vẫn tự hỏi, rằng sự đồng điệu ấy là tiếng lòng đồng vọng, hay là tôi, trong nỗi cô độc của mình, tưởng như vẳng tới?

Thursday, August 24, 2017

V (tiếp theo và hết)



V không hiểu rằng trên đời này số người thực sự phân biệt chủng tộc chắc chắn ít hơn số người lợi dụng vấn đề chủng tộc để trục lợi. Những kẻ cơ hội này hô hào kêu gọi chống phân biệt chủng tộc nhưng thực ra chỉ toàn kích động để khoét thêm mâu thuẫn sắc tộc. Vì càng mâu thuẫn thì họ càng được lợi, càng được đám đông ngờ nghệch hậu thuẫn. Sự nghiệp của họ do đó càng lên như diều gặp gió.

V không hiểu rằng Mỹ là nơi ít phân biệt chủng tộc nhất. Ở đó mà còn không sống được thì cứ xác định là không sống được ở đâu hết. Ở châu Phi, các anh còn bị phân biệt đối xử hơn. Dân Phi bản xứ, từ quan tới dân, gọi những người da đen sinh ra ở Mỹ một cách coi thường là “bọn con cháu của tụi nô lệ”. Mỹ đã có lần gửi đại sứ là một phụ nữ da đen đến đây. Tại bàn ăn, bà đại sứ vừa đứng lên đi lấy đồ ăn thì một quan chức chính phủ lập tức quay sang nói nhỏ với một ông khách “Chẳng hiểu chính phủ Mỹ nghĩ gì mà thiếu tôn trọng chúng tôi đến thế, gửi con cháu của nô lệ đến làm đại sứ ở nước chúng tôi”. Thế chưa hết. Ở châu Phi đen, dân thuộc các bộ lạc khác nhau, các quốc gia khác nhau, có màu da đen ở các cấp độ khác nhau, cũng phân biệt đối xử chèn ép nhau kinh lắm chứ không có bình đẳng đoàn kết tẹo nào. 

V không thấy rằng một cặp vợ chồng da đen đã được dân tin tưởng bầu làm chủ Nhà Trắng, thế mà vẫn có đủ dũng khí để đứng trước dân chúng kể lể làm da đen nên khổ thế nào bị ức hiếp ra sao phải tranh đấu thế nào, rồi hô hào mạng đen mới chả mạng trắng, quả là có vấn đề lớn về lòng tự trọng. Nhìn ảnh chị vợ mặt mũi kịch tính, răng nhe nhe, mồ hôi túa ra đầm đìa trong một bài diễn văn hô hào nọ kia kia nọ, thật là hãi. Khiếp, ở xứ tôi chúng tôi gọi là ăn dầy ăn cả bít tất ăn cả đất xung quanh. Phân biệt chủng tộc thì anh chị làm gì có cửa ở trong Nhà Trắng 8 năm. Thử đi nơi khác xem vợ chồng chị có làm nên trò trống gì không. À, chị thử đến xứ Ả rập lập nghiệp, thử to mồm vớ vẩn xem chúng nó có nện cho một trận ra trò hay không. Xứ Ả rập, nhất là vài nước Ả rập Bắc Phi, đến giờ vẫn kỳ thị, trấn lột, thậm chí đánh đập người da đen giải khuây. Hoặc anh chị thử đến châu Á lập nghiệp. Cái bọn Á da chúng nó vàng ệch ra nhưng chúng nó kỳ thị màu da cũng khiếp lắm, anh chị cứ đến thử là biết ngay. Dắt nhau tự đến với tư cách cá nhân chứ đừng dựa vào danh nghĩa phái đoàn quốc gia nào cử đến.
Người ta cũng đến mức hòa giải dân tộc, xóa bỏ chế độ nô lệ, trao cho người da đen mọi quyền bình đẳng, trợ cấp y tế, giáo dục, trừng trị theo pháp luật những kẻ phỉ báng phân biệt màu da của người khác, và bầu lên tổng thống da đen tận 2 nhiệm kỳ liền, thế thôi chứ còn thế nào nữa. Còn lại thì bản thân mình phải tự thân vận động để hóa giải những định kiến cá nhân chứ chờ sung rụng đến mức nào nữa.

V cũng không hiểu rằng rất nhiều người da đen các anh tự cho mình quyền thoải mái chê bai hằn học với người da trắng, còn bất cứ ai dám động chạm gì tới mình thì đều gán cho họ tội phân biệt chủng tộc. Như vậy là các anh muốn trả thù, muốn kỳ thị ngược chứ muốn gì công bằng bình đẳng. Nếu đã muốn trả thù thì hãy trả thù kiểu dân Do thái. Lao động chăm chỉ, xây dựng một quốc gia giàu mạnh, làm chủ những doanh nghiệp lớn, thâu tóm những quyền lực khủng khiếp, và sở hữu những khối tài sản kếch xù nhất thế giới. Chứ các anh muốn trả thù bằng cách lợi dụng quyền bình đẳng dân chủ để bully ngược người da trắng, thì tất nhiên chẳng ai người ta chịu để cho các anh cậy màu da chặn họng đánh úp người ta mãi.

V không hiểu rằng gặp một người ngổ ngáo, bặm trợn, nói thứ tiếng Anh khúc khuỷu với giọng điệu chỏng lỏn, khuyên xỏ xăm trổ lung tung, lối sống bê bối du thủ du thực, thì có màu da gì người ta cũng sợ, cũng tránh xa, cũng không muốn thân thiện, chứ chả cứ mỗi da đen. Nhưng những người cùng màu da với anh có thói quen quy mọi thứ về phân biệt chủng tộc. Đổ tội cho người khác nghe chừng dễ hơn nhìn vào khuyết điểm của mình mà sửa rất nhiều. Nếu tôi là anh, tôi sẽ dùng năng lượng của mình để khuyến khích cộng đồng của mình tập bỏ cái tâm lý hơi tí là dỗi dằn thù địch đổ tại màu da, chịu khó học hành, lao động, học nếp sống văn minh lịch sự, tuân thủ luật pháp, trau dồi bản thân để người khác chả có lý do gì coi thường mình, thay vì tối ngày biểu tình đứng biểu tình ngồi và hò hét đập phá chỗ nọ chỗ kia.

PS: mấy tháng trước ông con xin mẹ mua cái gì đó. Mẹ bảo “Ở đây đắt lắm con ạ. Thôi đợi về Ý mẹ mua cho”. Thế là bị ông bảo luôn “mamma phân biệt chủng tộc”. Mình nhớ hồi còn ở Dubai, có lần mình bảo “Ơ Ale có cái nốt ruồi này trên mặt từ bao giờ ý nhỉ?”, thế là cũng bị nó bảo “mamma phân biệt chủng tộc”. Cứ nghĩ đến chuyện cả một thế hệ vàng trắng đen sẽ lớn lên với định nghĩa biến tướng méo mó như thế về phân biệt chủng tộc, mà hãi hết cả người.

Wednesday, August 23, 2017

V



Tôi gặp V trong một buổi ăn tối trên quảng trường Campo. Buổi ăn tối gồm mười mấy người, gia đình, bạn bè, rồi bạn của bạn, nên tôi không để ý đến V. V đến cùng J. J thì tôi đã quen từ mùa hè năm trước. Vừa gặp tôi, J đã bảo ngay “Cuối cùng ông bạn chị thắng, chị hẳn phải vui lắm, nhỉ”. Phải mất mấy giây tôi mới hiểu J định nói gì. Hè năm ngoái, lúc cả hội tụ tập ăn uống ở ngôi nhà ngoài biển của gia đình chồng tôi, cuộc bầu cử Mỹ đang bắt đầu tăng nhiệt và tối đó có chung kết Euro trận Pháp Bồ. Thế là cả hội bắt đầu cá cược. Chỉ có tôi và một thằng nữa cược Bồ thắng, 9 người còn lại cược Pháp thắng. Đến phần bầu cử Mỹ, thằng đồng đội cá cược bóng đá của tôi cũng chạy sang hàng ngũ bên kia ủng hộ Hillary nốt, còn mỗi tôi ủng hộ Trump. J ghét Trump nhưng vợ J còn ghét Trump hơn. Không ít lần bà ta mang biểu ngữ đến biểu tình trước tòa tháp Trump gần công viên trung tâm ở New York city. Trump đắc cử đã gần 1 năm, tôi đã quên chuyện thắng thua cá cược, nhưng J vẫn không quên và vẫn ghét ông ta như ngày nào.
J bắt đầu tranh luận về tính cách Trump, các chính sách của ông ta, vụ chộp phụ khoa lừng lẫy vv và vv. Tôi bảo “Tôi thấy cách truyền thông và mạng xã hội phỉ báng gia đình ông ta, bới bèo ra bọ, xuyên tạc mọi lời ông ta nói, thật đáng tởm”. Điều tôi nói làm J thực sự nóng tiết, tấn công tôi dồn dập. Thế, tôi mải đáp lễ J nên lại càng không để ý gì đến V. Cho đến tận khi V đổi chỗ chuyển sang ngồi cạnh tôi.
V hỏi tôi, câu đầu tiên “Người này (chỉ chồng tôi đang ngồi phía bên kia cái bàn) là… bạn trai em à?”. Tôi bảo “Anh ấy là chồng tôi”. Nói chuyện qua lại một hồi, V hỏi “Thế em không nghĩ rằng một đồng minh mạnh (EU) thì tốt hơn cho nước Mỹ hay sao?”. Tôi bảo “Tại vì anh đang giả sử rằng không có sự ủng hộ tài chính từ Mỹ thì EU sẽ sụp. Anh nhầm. Tiền Mỹ, có thì tốt, không có thì sẽ huy động bằng cách khác. Tôi ủng hộ Trump trong vụ này vì Mỹ dùng tiền để chi phối các quyết định ngoại giao của khối. Giờ Mỹ cắt giảm đóng góp thì theo đó sức ảnh hưởng của Mỹ lên khối cũng giảm đi. EU phải độc lập trong các chính sách ngoại giao của mình. Bởi EU và Mỹ có vị trí địa lý khác nhau. Tất cả các hậu quả trong chính sách ngoại giao sai lầm của đồng minh toàn do EU gánh chứ Mỹ có gánh đâu”.
Trên đường về, V bảo tôi “Em ghi số điện thoại và địa chỉ email của tôi vào. Em gọi vào số của tôi đi để tôi có số của em luôn. Em biết không, tôi là một trong những người lãnh đạo phong trào Black lives matter ở Mỹ. Em nghe tới tên phong trào này bao giờ chưa? Tôi muốn nói chuyện với một người thông minh như em để hỏi ý kiến em về việc tôi đang làm”. Nhưng tôi lấy cớ điện thoại châu Phi hết tiền, điện thoại Ý hết pin, để không trao đổi số với V.
Mấy hôm sau chị dâu cười cười hỏi tôi “V có gọi điện cho em không?”. Tôi đoán V đã hỏi chị dâu tôi số điện thoại Ý của tôi. Tôi có thấy một cuộc gọi nhỡ từ số lạ nhưng không gọi lại. Tôi biết V thích tôi. Điều đó khiến tôi sẽ không bao giờ gọi cho V. Và còn một lý do khác: tôi không bao giờ có thể nói những điều V muốn nghe, về phong trào tâm huyết của anh.
Mai cún viết tiếp.

Thursday, August 17, 2017

Tôi nhớ cây hạnh đào của tôi



Thế là, bỏ lại sau lưng biển xanh; đồng vàng; những buổi chiều lũ chim rủ nhau về đậu trên dây điện, đứng đen thẫm trong bóng hoàng hôn đỏ ối; và những buổi ban mai đầy sương, tĩnh lặng, không gian thơm ngát mùi nhựa thông, quay trở lại châu Phi. Mùa hè đã qua.
Mải mê mua sắm ăn uống hoàn thuế, đến tận khi đi vào cửa check in của chuyến bay, gặp toàn hành khách người Phi, mới sực nhận ra mình đang quay trở lại châu Phi. Bụng dạ có tí hoảng hốt.
Lại lên máy bay rồi mới sực nhớ ra, rằng đã để quên ví đồ trang sức trong vali gửi băng chuyền. Mình có một cái ví đựng đồ trang sức khi đi du lịch. Nhẫn, vòng, đồng hồ, hoa tai, cho vào từng ngăn, va đập kiểu gì cũng không bị xước. Bình thường ví này mình luôn để trong hành lý xách tay. Ai từng bay các chuyến bay châu Phi rồi sẽ thấy, dân tình chắc bị mất đồ nhiều nên kinh nghiệm, mua băng dính quấn hành lý kín mít trước khi đưa vào băng chuyền, đến nơi thấy băng dính có dấu hiệu bị cắt rạch là mang vali đi mắng mỏ bắt đền hãng hàng không ngay. Vali mình không quấn, cũng không khóa. Mình đứng ngồi không yên suốt chuyến bay. Cái ví mình để trong một ngăn có khóa kéo, cầu trời phật cho các anh bạn châu Phi mở vali ra thấy toàn quần áo cũ thì thôi không mất công lục lọi ngăn nọ ngăn kia, chứ mất cái ví này thì thiệt hại của mình cũng không nhỏ. Thêm vào đó là cô con gái lớn đau tai khóc lóc. Thêm vào đó là dân tình thiếu ý thức xả rác bừa bãi đầy sàn máy bay, va chạm ồn ào, nói chuyện to, mở nhạc Ipad to, hát to, kêu la cầu nguyện to khi máy bay đi vào vùng thời tiết xấu rung lắc và mất độ cao liên tục, và vỗ tay hú hét khi máy bay hạ cánh an toàn. Bạn nào bay các chuyến bay châu Âu nhiều thì sẽ biết dân Ý cũng có truyền thống vỗ tay khi máy bay hạ cánh an toàn. Nhất là trên các chuyến hàng không giá rẻ như Ryanair, khi máy bay đáp xuống đường băng đúng giờ, nhạc hiệu đúng giờ nổi lên, là dân Ý hân hoan vỗ tay lốp đốp. Dân các nước châu Âu khác thường bật cười trước thói quen này của dân Ý. Mình thấy thói quen này cũng hay hay, ngây ngô dễ thương, nên thỉnh thoảng cũng vỗ tay hùa theo. Nhưng kiểu vỗ tay hú hét của dân Phi thế này thì mình chịu không nổi. Tóm lại, xuống sân bay, tâm trạng mình đã hoàn toàn chán nản.

Lấy hành lý xong, may quá ví đồ trang sức vẫn còn nguyên. Ra ngoài, thằng bé lái xe đã đợi sẵn. Về nhà, nhà cửa sạch sẽ từ trong ra ngoài, đồ bạc đã được chùi sáng bóng, giường đệm thơm tho phẳng phiu, phòng tắm đặt sẵn khăn mới, tất cả các thùng rác trong nhà đều có túi nilon bọc, trên bàn đặt máy tính và cạnh giường ngủ đều có chai nước,  phòng khách có hoa tươi, ngoài hiên những giò phong lan đang nở hoa, và khu vườn vẫn xanh mướt. Tự dưng cảm thấy khá hơn. Mỹ nữ của mình mải ngủ nên biết mình về tối muộn mà màn của trẻ con cũng không buồn thả xuống sẵn cho mình chứ các mỹ nam của mình thì làm việc hơi bị được.

Thế là mình đã ở cái xứ heo hút này được một năm, một năm đầy thử thách. Không phải vô cớ khi xứ này vẫn nằm trong danh sách extreme hardship của Bộ ngoại giao. Nào thì bắt đầu năm thứ hai. Cầu trời đừng có thử thách tui cái gì lớn quá.


Ảnh 1: cây hạnh đào năm nay sai chi chít. Hạnh nhân non ngọt lịm. Hai cô con gái ra hái hạnh nhân vào, 3 anh em mải mê lấy búa đập lấy hạt rồi làm món sữa hạnh nhân mật ong bán cho mẹ. Sữa uống như dở hơi nhưng mụ mẹ già tiếc số tiền 6e mua sữa và số mật ong chúng nó trút bừa phứa vào chai sữa nên nhắm mắt nhắm mũi uống. Không biết tại hạnh nhân hay tại mật ong hay tại không khí đồng quê trong trẻo mà hôm sau ngủ dậy thấy da mặt căng mịn. 

Ảnh 2: cây sung đứng ngay ở lối đi mà mình đi qua đi lại suốt cũng chẳng nhìn. Một hôm thế nào lại ngứa tay vạch lá ra xem mới thấy hóa ra cành nào cành nấy trĩu trịt quả. Quả to tướng, chín đen, ngọt lịm. Sung này ngoài siêu thị Ý bán đắt phết, ở châu Phi thì còn chả có mà mua. Bèn chạy vào nhà lấy cái giỏ ra hái một ít vào cho cô con gái lớn ăn. Cả cây dâu tằm cổ thụ sau nhà quả cũng rất ngọt, lúc mình đến đã quá mùa, quả chín không người hái rụng thành thảm dày dưới đất. Ông thợ mộc thật thà "Cây mơ ở góc vườn tháng trước ra quả ngọt lắm nhưng bọn tôi đã chén sạch". Mình bảo các ông thấy quả thì cứ chén nhưng nếu thấy hoa thì nhớ chụp ảnh gửi cho tôi. Có lẽ phải cố thu xếp về Salento vào mùa xuân, khi mơ mận táo trong vườn nở hoa. Rồi còn phải gieo một vạt hoa anh túc và trồng hoa hồng cho leo lên tường đá. Còn bao nhiêu việc phải làm mà tui lại cứ kẹt ở châu Phi thế này.  

Bạn nào cao thủ về hoa hồng cho cún hỏi, mình rất thích loại hồng Eden hay còn có tên gọi khác là Meiviolin hoặc Pierre de Ronsard mà chả biết mua ở đâu gần gần cho đỡ đắt. Ngoài ra, các bạn khuyên cún nên trồng loại hồng gì mà vừa đẹp, vừa ra lắm hoa, hoa lại thơm, mà lại không mất công chăm sóc đi, cún cảm ơn các bạn nhiều.

Monday, August 14, 2017

14/8/2017



Xuống sân bay, cả nhà hoan hỉ. Con hoan hỉ vì được đi chơi. Mẹ hoan hỉ vì được nghỉ xả hơi. Bố hoan hỉ vì cả hai điều trên, cộng thêm một điều là vừa được vợ cho mua một cái xe cũ sau khi quả quyết với vợ là giá rất hời. Thằng bán xe lại còn nhiệt tình mang xe tới tận sân bay giao cho mình, còn gì bằng.
Vừa nhìn thấy cái xe từ xa, ông con bảo luôn “Ôi trông như cái xe tang”, bị ông bố chấn chỉnh ngay. Ai dè trên đường chở thằng bán xe ra bến tàu để nó bắt tàu về, chả ai hỏi mà nó cũng buột mồm tâm sự là bạn gái nó bắt bán vì “trông như cái xe tang”. Ơ thế hóa ra thằng con nói đúng. Mình vẫn chẳng nói gì. Ở với người thích xe cổ đề mãi không nổ lâu đâm ra mình thành dễ tính, xe gì thì xe miễn chạy được là mình ok tuốt.
Thả thằng bán xe ở bến tàu, cả nhà hăm hở trèo lại lên cái xe lèn chặt người và hành lý, nhằm hướng Siena thẳng tiến. Khí trời khô ráo dễ chịu, không khí sạch hơn, cảnh quan gọn ghẽ, hoa nở rộ hai bên đường. Cuối cùng thì kỳ nghỉ cũng bắt đầu.
Ai dè chả hân hoan được bao lâu. Vừa đi được 3 tiếng thì con xe cà khổ lăn đùng ra chết máy trên đường cao tốc. Ngài gọi điện cho thằng bán để nghe nó hướng dẫn rồi hăm hở mở nắp xe ra sửa. Hai vợ chồng nhem nhuốc hết cả mặt mũi chân tay mà cái xe vẫn ì ra. Bạn nào tình cờ đi trên đường cao tốc Bắc Nam, thấy một người đờn bà ăn mặc soành điệu chổng mông đẩy xe, trong xe là một ông trung niên luôn mồm chỉ đạo khắc huề và 3 đứa trẻ con lèo nhèo, thì đó đích thị là cún béo. Sau gần 3 tiếng kẹt trên đường cao tốc, ngài phải gọi bạn đến giải cứu. Bạn đến chở người, còn xe tải cứu hộ thì chở xe đưa ra xưởng sửa.
Xe sửa 1 tuần mới xong, hết một đống tiền, vừa chạy được 2 ngày lại lăn ra chết máy giữa đường tiếp. Lại phải gọi xe tải đến cẩu xe về xưởng sửa, và chi một đống tiền lần nữa. Vợ bảo “Ông nhớ cộng thêm 2 khoản này vào tiền mua xe, để thấy là mua đắt rồi chứ không được great deal như ông nhận ban đầu nhé”. Ông im thít.
Cái xe sau 2 lần sửa nghe chừng vẫn chưa ngon, lúc dừng đèn đỏ cứ nhảy nhổm giật cục chứ chả chịu đứng yên. Một phần vì ống bô xe chả hiểu sao cứ nổ phần phật nên cái xe không thể đứng yên, một phần vì ông sợ xe chết máy lần nữa nên không dám nhả chân ga mà cứ phải phanh phanh nhấn nhấn. Tóm lại, chả nhà ai kỳ dị như nhà này. Trong lúc xe nhà người khác dừng đèn đỏ đứng yên nhàn nhã thì xe nhà này cứ tiến tiến lùi lùi. Có lần mình đang đi thì phải dừng lại đợi một bà già qua đường. Bà già lại chẳng chịu qua luôn cho xong, mà lại cứ thò thò thụt thụt. Ông thường tính điềm đạm nhưng lần này sợ xe lại lăn ra chết máy giữa đường nữa thì toi nên cáu kỉnh làu bàu “ Bà quyết định nên làm gì với cuộc đời bà đi chứ” :-))))))))
Sau vụ cái xe đi giật cục, ông lại rước xe đến tiệm sửa lần nữa, lần thứ ba. Mình hỏi tay thợ “Cả nhà tôi phải đi xuống miền Nam, hành trình ít nhất 8 tiếng. Theo ông cái xe này có đi nổi quãng đường đó không?”. Tay thợ sửa xe nhìn mặt là biết đang cố lựa chọn từ ngữ kẻo hớ “Chị biết đấy, đến Ferrari có tận 10 thợ máy chăm chút mà có lúc còn hỏng”. Giời ơi nghe thế là biết rồi nhóe.
 May sao cả chặng đường hơn nghìn cây số từ phía Bắc xuống đến tận Salento con xe cà khổ chỉ chết máy có đúng một lần, mà ông lại tự sửa được chứ không phải gọi cứu hộ.
Chưa hết, điều hòa cần chạy thì không chạy, máy sưởi không cần thì cứ tự bật lên. Trong tiết trời tháng 7 nắng nóng gần 40 độ, phải quay kính xe xuống kẻo trẻ con người lớn thành gà quay hết. Bình thường trong xe mình luôn phải mặc áo len vì ông luôn để điều hòa lạnh ngắt, cứ đóng bớt điều hòa là ông đình công. Thế mà lần này, nóng chảy mỡ mà ông im re không dám kêu nóng tiếng nào :-)))))). Và ông lại tức tốc rước xe đến tiệm sửa. Lần này là lần thứ bốn.Ngày xưa mình kiểm tra không thấy dính tứ đổ tường, cũng không nghiện trò chơi điện tử, mình đã chắc mẩm vớ được đám ngon, hức.
Mình cứ nói gì là ông cũng chặn họng ngay cái xe này mấy chục năm trước là thế nọ thế kia, phải là người sành điệu mới hiểu giá trị của nó. Sau khi bị bắt nạt mấy lần mình tức quá “Thế anh có chịu lấy một bà già 70 tuổi vì 50 năm trước bà ấy là hoa hậu thế giới không hả?”. Ông tịt luôn.
PS: Sau vụ xe hỏng liên tục thì không thấy ông bạn bè gì với thằng bán nữa, chứ trước đó nói chuyện đầy tình thương mến, hai bên thấu hiểu tâng bốc nhau cứ như sắp thành tri kỷ đến nơi. May quá ông càng ít tri kỷ mình càng mừng, chứ nhiều tri kỷ quá mà toàn thấy tri kỷ vớ vẩn phím nhau mua đồng hồ, mua xe, đi hội này chợ kia chứ chưa thấy tri kỷ nào khuyên ông làm việc gì có ích. Là mình nghĩ thế chứ mình chả nói ra, sợ ông lại dỗi vì dám chê đám bạn hẩu của ông.
Ảnh: Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời,
         Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời,
         Hỏi những đêm sâu đèn vàng héo hắt…