Wednesday, March 31, 2010

Đi tìm Sao la

Lãng tử cho tôi xem bài phỏng vấn lãng tử gần đây trên báo. Tôi phì cười. Tôi vốn thích kiểu hài hước của người Anh. Nhưng tôi hơi phật lòng. Lý do là vì trong bài phỏng vấn, cô phóng viên hỏi lãng tử đại loại tại sao anh lại lang bạt đến đây và nảy ra ý tưởng này. Câu trả lời của lãng tử là “tôi đến VN vì được mời làm giảng viên học viện ngoại giao Hà nội. Tôi tưởng mình sẽ được thảo luận các vấn đề chính trị với những vị đại sứ tương lai của Việt Nam, ai ngờ lại phải dậy những kỹ năng giao tiếp cơ bản cho những cô cậu sinh viên 18 tuổi lúc nào cũng cười khúc khích.…”.

Tôi thừa sức quật lại lãng tử một câu thật đau.

Chuyện là, lãng tử đã rất yêu tôi, và theo lãng tử tôi chê lãng tử nghèo. Lúc biết tôi chuẩn bị lấy chồng, lãng tử còn đến gặp tôi để bảo “nếu em lấy chồng anh sẽ rời khỏi VN”. Tôi lấy chồng. Lãng tử rời khỏi VN, đến đất nước kia, lập nên cái tờ báo kia, và do đó có bài phỏng vấn nọ.

Lãng tử là nhà văn. Có lẽ hơn chục năm nay lãng tử ấp ủ cuốn tiểu thuyết để đời. Các bạn biết đấy, bọn văn nghệ sĩ rất sướng, cả đời ung dung chỉ cần ra một bài hát để đời, một bài thơ để đời, một tiểu thuyết để đời, thậm chí là một truyện ngắn để đời, là chúng nó thành để đời, chứ ko vất vả như lũ dân đen bọn mình, tong tưởi cả đời mà cuối cùng cũng chả có cái gì để đời hết cả.

Cuốn tiểu thuyết của lãng tử cứ trục trặc lên trục trặc xuống mặc dù đọc thì cũng thấy máu hận tình thù ra phết. Lúc thì lãng tử chán vì ko có bạn gái (kiểu ko có bạn gái ko có cảm hứng viết lách thế nào được), lúc thì bất đắc chí (kiểu muốn bay cao mà gánh nặng cơm áo nó cứ trì mình xuống), lúc có bạn gái thì bận ko viết được (kiểu lu bu với bạn gái lấy đâu ra cảm hứng viết tiểu thuyết có nhân vật chính là một người đàn bà khác), vv và vv. Tóm lại cuốn tiểu thuyết ấp mãi vẫn chưa nở. Từ hồi lấy chồng, có con, bận bịu tôi cũng chả còn thời gian khuyến khích hay xem và bình luận cốt truyện cho lãng tử nữa. Ấy thế mà cách đây 2 năm lãng tử vẫn bảo tôi “rồi anh sẽ ngồi vào bàn viết, hoàn thành nó, nó sẽ đoạt giải nào đó, và anh sẽ có tiền mua kim cương cho em, và em sẽ bỏ chồng để yêu anh”. Đến giờ nói chuyện thường xuyên mà tôi cũng chả dám nhắc đến cuốn tiểu thuyết ấp hoài chưa nở kia.

Thế nên tôi có một cơ hội ngàn vàng để quật lại lãng tử kiêu ngạo của tôi. Tôi đã có thể nói “thực ra, anh là đàn ông mà ko có chí, và đó là lý do mà em ko nhận lời yêu anh, chứ ko phải vì anh ko mua được kim cương cho em. Ờ dân em thì dốt thật đấy nhưng đàn ông ở nước em bằng tuổi anh đã vợ con đề huề nhà lầu xe hơi…”. Nhưng tôi quá yêu lãng tử. Vả lại, dù sao thì lãng tử cũng nói đúng.

Đúng là dân mình mãi ko chịu lớn, và rồi lại già đi quá nhanh.

Mãi ko chịu lớn, đến năm hai mấy tuổi vẫn cứ non nớt như trẻ con

Gìa đi quá nhanh, đến 30 giọng đã sặc mùi tiền.

Ngoài 30, sự mãn nguyện được đo bằng xe xịn, biển xe xịn, nhà đẹp, thậm chí khoác một cái túi đẹp, mặc bộ cánh hàng hiệu, thỉnh thoảng vô tình hay hữu ý rút ra cái điện thoại đắt tiền, hoặc cái máy ảnh xịn, thế là đã thấy mình đáng kể.

Một thực tế là nhiều cái mình cứ lăn lóc hi hóp để đạt được thì lại chẳng có một giá trị gì hoặc vô cùng bình thường trong những xã hội Âu Mỹ phát triển biết hưởng thụ theo đúng nghĩa.

Nếu mà mình còn ở nhà, chắc chắn giờ này theo tiêu chuẩn xã hội đã trở thành vô cùng un-cool

Monday, March 29, 2010

Môi son hồng vừa

 
Cạnh nhà có một công viên nhỏ. Công viên chính ra khá đẹp vì nhiều cây to, nhiều hoa, lối đi rộng rãi, có sân chơi trẻ em, một cái đài phun nước nhỏ nhỏ. Mọi chuyện tệ hại đi từ khi công viên trở thành nơi tụ tập của những lao động nhập cư. Giữa công viên thanh bình, nhóm người Nam Mỹ, người Philippines da thẫm màu nói chuyện oang oang, tán tỉnh nhau, cười hố hố. Thậm chí, cao hứng lên họ còn uống bia, đập vỏ chai nát vụn xuống đường, đánh đu hoặc trồng cây chuối như khỉ, và phá phách sân chơi của bọn trẻ con. Nhiều khi sự kỳ thị ko bắt nguồn từ cái nghèo, mà bắt nguồn từ ý thức kém và dân trí thấp. Bên cạnh đó, dân Ý cũng thuộc loại ko có ý thức cho lắm. Nhiều người dẫn chó đi dạo, nhân thể cho chó làm một bãi cho nhẹ bụng trên bãi cỏ rồi cứ ngây thơ vô số tội dắt chó đi tiếp. Có lần nhìn thấy thế mình định bảo “này ông, đề nghị ông nhặt phân chó của ông lên”, thì vừa bất bình “Signore” một cái chồng đã lôi đi chỗ khác “ở đây ko như ở Mỹ, em mà bảo thế chúng nó tưởng em có vấn đề, đi một mình cấm gây sự với ai”.
Hôm nay là ngày họ làm vệ sinh công viên. Bao giờ cũng thế, mới làm vệ sinh thì công viên rất sạch đẹp, chỉ sau mấy ngày là toàn mảnh chai vỡ lổn nhổn và phân chó, lại phải đợi đến lần vệ sinh tiếp theo.
Hôm nay đi ngang thấy những vạt cỏ đã nở đầy hoa trắng, những cây anh đào đã trổ hoa, có hai con vịt trời cổ xanh biếc ko biết từ đâu lại đang đứng nhàn nhã rỉa lông bên đài nước, và các cụ già ngồi lim dim sưởi nắng.
Có anh từ đâu chạy lại “tôi nhìn thấy cô mấy lần rồi, cô ở khu này à, cô cho tôi số điện thoại”. Bảo “tôi có chồng rồi, hai con rồi”, thế mà anh ấy cứ năn nỉ mãi, ko xin được số điện thoại thì lại bắt mình cầm số của anh ấy. Giai Ý hám gái số 1, thấy gái ngoài đường mắt cứ sáng như đèn pha. Gái Á mấy năm trước là mốt, giờ mốt chuyển sang gái Nga gái Phi. Mấy năm trước thằng bạn hẩu của chồng ngồi ước “Ở Milan giờ cứ phải sánh đôi cùng một Asian girl thì mới gọi là sành điệu”. Mấy tháng trước lại thấy nó ước có bạn gái là Russian girl nên mình đoán mốt đã chuyển. Thằng này giàu kếch xù, có bất động sản ở Paris, London, New York city, và ngôi nhà bên bờ biển cạnh nhà mình. Yêu một cô hơn 10 năm bị thúc quá vừa lấy. Cô vợ béo tròn, già, mặt nhăn nhó, ko thích giao du với bạn của chồng, nếu có phải giao du thì ngồi như phỗng ngáp ngắn ngáp dài hoặc điệu bộ rất chán ngán khó chịu. Lần trước có việc ở Rome nó qua ngủ ở nhà mình, buổi sáng ngồi tâm sự với mình nó bảo “G, tao rất buồn vì vợ tao xấu tính, phàn nàn chê bai suốt ngày, từ hồi lấy vợ đến giờ tao chỉ dám mời bạn bè một năm một lần”.
Mùa xuân đã về. Hôm qua giờ đã đổi. Từ sáng đến chiều tối căn hộ tràn ngập nắng. Đi đón con qua cầu, tóc con gái bắt nắng vàng óng.
Hôm nay ra đường, áo xanh như cỏ mùa xuân và son môi hồng nhạt.

Saturday, March 27, 2010

Tuyển tập Bình Nguyên (phần 72)

Chú Bình Nguyên nhiều khi làm mẹ chú cười vỡ bụng đồng thời cảm thấy ái ngại cho chú. Đặc điểm của bố con chú đấy, nhiều ideas, luôn muốn act cool, nhưng lại hậu đà hậu đậu đụng đâu hỏng đó, idea là đầu voi, kết quả thực hiện lại ra đuôi chuột. Được cái trên đời nhiều người theo mẹ chú là nhân từ, đâm ra lại gặp rất nhiều người (nhất là đàn bà) ái ngại cho mình. Bố con chú cũng kiếm khá.

Ví dụ, chú cầm khẩu súng do chú tự ghép từ Legos nhảy xổ ra giơ lên dọa mẹ “mamma Lê có súng Lê bắn” thì đúng lúc đấy khẩu súng tự nhiên gãy gập, làm chú quê độ chú kêu “ối ối súng Lê gấy, để Lê lắp lại”.

Hoặc chú lấy đà dọa dẫm từ xa lao lại định húc mẹ một trận ra trò thì đúng lúc gần đến nơi chú vấp ngã hự một cái, chú ngã sóng xoài mặt chú cách chân mẹ chỉ khoảng 20 phân. Riêng cái chuyện húc này của chú đã đủ làm cả nhà hãi hùng. Bà Nuôi có hàm răng chả hiểu bao nhiêu phần trăm là răng giả (hình như phần trăm răng giả hơi nhiều), nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa. Một lần ở New York tự nhiên một cái răng giả rơi ra. Bà Nuôi đau khổ sâu sắc chả dám ăn chả dám cười, suốt ngày than thở “trông tôi kỳ quá à”. Cuối cùng thấy bà Nuôi đau khổ quá mình phải đưa bà Nuôi đi nhờ nha sĩ của mình làm cho bà Nuôi cái răng. Lại nói chuyện chú Bình Nguyên hay húc, răng bà Nuôi đã thế, mà chú lại cứ lao đầu chú vào mặt bà Nuôi để hôn, làm bà Nuôi toàn phải né. Một lần né ko kịp, bốp một cái, bà Nuôi kêu trời kêu đất hú hồn “may quá nó húc vào cái răng thật nên cũng đỡ”. Mình mà bị chú tông cái đầu cứng như đá của chú vào hông thì thôi, tưởng vỡ xương chậu. Cứ thấy chú lấy đà từ xa lại là mình phải gồng mình thế thủ. Khổ nhất là bố chú. Có lần bị thằng con trai húc cho một cái, kêu oai oái chạy ra mách vợ “em ơi cái thằng này chắc nó ko muốn vợ chồng mình có thêm đứa nữa”. Cả nhà được phen cười vỡ bụng còn bố chú thì dỗi vì bố chú bảo thế mà cũng cười.

Những chuyện tẽn tò của chú Bình Nguyên thì kể cả ngày ko hết. Mẹ có 3 cái bánh, cho chú 2, cho em gái 1. Chú nhẻm hết 2 cái của chú trong nháy mắt và đứng thèm thuồng ngó em. Em ăn nửa cái chán dúi cho anh. Anh lấm lét thu thu tay vào vạt áo, quay người đi rồi mới cầm miếng bánh định bỏ tọt vào mồm để mẹ khỏi nhìn thấy, chả hiểu vội vã thế nào cái bánh rơi xòe xuống nền nhà, mẹ chú ko muốn thấy cũng phải thấy. Không muốn mang tiếng dễ tính mẹ chú lại phải lườm chú một cái cảnh cáo.

Những ngày nắng ấm, chú đi học về chân tóc rịn mồ hôi, áo sơ mi trắng xắn lên ở khuỷu tay, da rám nắng, mắt sáng trưng, chân nhảy chân sáo, cho chú đeo thêm khăn quàng đỏ nữa chắc chú thành cháu ngoan bác Hồ mất. Mới đầu ngày nào đi học về chú cũng móc từ trong túi quần ra hai viên sỏi và bò ra sàn nhà chổng mông say mê chọi. Em gái thường xán đến tò mò xem anh còn móc ra thêm cái gì nữa, hồi mới đi học thì chú còn mang về lúc thì là cái lá, lúc lại là một đoạn cành cây. Túi quần chú Bình Nguyên đi học về lúc nào cũng phình to và vẹo sang một bên. Còn bây giờ, ko phải là hai viên sỏi nữa mà là hai túi quần đầy sỏi. Chú mặc cái quần nào chun mà ko khỏe một tí thì quần tự tụt xuống tận đất chứ chả chơi. Còn mẹ chú thì tìm thấy sỏi trong quần áo, trong vali kéo đi học, trong tủ, trong giày, thậm chí giở nồi ra cũng thấy có viên sỏi leng keng, nằm lăn xuống giường mà ko cẩn thận thì thôi rồi, gẫy xương sống hoặc tím mông vì sỏi. Bà Nuôi đang dành dụm số sỏi chú Bình Nguyên hàng ngày tha về nhà vào một cái chậu, bảo để hôm nào đủ số thì làm bể cá.

Khách gọi điện đến nhà. Chú Bình Nguyên nhấc máy. Khách hỏi “bố mẹ cháu có ở nhà ko?”. Chú bảo “không, nhưng có một cái tàu cướp biển”. Khách cứ ngẩn hết cả người.

Friday, March 26, 2010

Tuyển tập bà Nuôi (1)

 
Bà Nuôi có tính hay cất. Nhoắng một cái là cất. Cốc nước vừa uống xong đang định rót sữa uống tiếp, chạy ra tủ lạnh lấy chai sữa quay lại đã ko thấy cốc đâu. Hóa ra bà Nuôi đã cho biến vào máy rửa bát. Cái thìa gỗ đang dùng ngoáy sốt, để đấy chạy vào toilet một cái. Lúc chạy ra đã thấy biến đi đằng nào. Cũng là bà Nuôi đã cho vội vào máy rửa bát. Dao đang thái, thìa đang nếm, khăn đang lau, bát đang đựng, tất cả nếu ko canh giữ cẩn thận chỉ xểnh ra một giây thôi là hô biến hết vào máy rửa bát. Nhiều lúc muốn tót vào toilet, phải gọi bà Nuôi dặn dò, vừa dặn tay vừa khoát một vòng rộng đề phòng bà Nuôi ko hiểu “cháu chưa xong, u đừng dọn của cháu đi đấy nhé”. Khoát một vòng rộng vì bao nhiêu lần chỉ vào đâu thì bà Nuôi để đúng cái đó lại, còn những cái xung quanh là dọn đi tiệt cả. Có lần vô tình tay khoát sang bên trái, thì tất cả đồ nấu bếp bên trái còn nguyên, còn bên phải là nhẵn như chùi. Mỗi lần nấu ăn là phải dùng đến 4 cái thớt, 6, 7 cái dao, thìa dĩa đĩa bát thì vô số kể, vì bà Nuôi dọn đi rồi thì mình lại phải lôi cái mới ra dùng. Cái máy rửa bát cứ gọi là lặc lè. Hôm qua:
- Ơ cái thớt cháu để đây u lại dọn đi rồi à?
- Dọn luôn đi cho gồi
- (bực bội vì nói ko biết bao nhiêu lần mà bà Nuôi vẫn cứ mắc tật cứ hở ra là cất như thế) Nhưng mà cháu đang dùng cơ mà, u dọn đi là dọn đi đâu?
- Tôi là nhìn thấy cái bếp bừa bộn là tôi chịu ko có nổi. Bà nội tôi bả sạch ghê luôn…
Thôi, bà Nuôi đã chìm vào suy tưởng thế thì mình tốt nhất là ko nói câu nào. Vì mình nói một câu là bà Nuôi nhân đà kể luôn ra một câu chuyện tương tự, ko khi nào kết thúc được, nào là ông Tám Ri (bà Nuôi phát âm Tám Ghi nên mình đoán tên ông ấy là Tám Ri), ông Sáu Kho, bà Tám Thương, bà Bảy Búa, cô Lụa con bà Thanh vv. Nghe riết thuộc lòng hết. Ông Tám Ri để quên túi vàng hồn xiêu phách lạc may quá bà Nuôi nhặt được trả lại. Ông Sáu Kho muốn lấy bà Nuôi làm vợ nhưng bà Nuôi ko chịu vì ghét đàn ông. Bà Tám Thương đã hay ghen chồng còn hay bồ bịch làm bà Tám Thương càng ghen ngất ngưởng, có lần bà Tám Thương đạp cửa xông vào bắt gặp chồng đang hú hí với một bà khác, bà Tám Thương ghen đến mức líu cả lưỡi nói mãi mà ko thể phát âm đúng từ, định nói “bà chém” mà lại cứ trại thành “bà chẻm bà chèm bà chẹm”, làm bà Nuôi nhà ngay sát vách cứ bò ra cười. Bà Bảy Búa có tật nói hay bắn nước miếng rào rào đã thế lại còn hay nói nhiều và nói to, mỗi lần bà ấy mở máy là ông chồng lại ý tứ đi vòng ra phía sau lưng bà ấy nhắc nhỏ nhỏ “thôi thôi, dừng lại chút đi”. Còn cô Lụa con bà Thanh thì bà Nuôi thường nhắc tới mỗi khi mình mặc cái áo nào bà Nuôi ko vừa ý. Bà Nuôi sẽ bảo “cô mặc cái áo đấy xấu banh nhà lầu, giống cô Lụa con gái bà Thanh”.
Tối hôm kia chàng vừa lôi cuộn giấy ra định lau chùi cái gì đó. Đang lau chùi dở thì phải chạy vào kho lấy thêm hóa chất. 3 giây sau chạy ra đã thấy cuộn giấy biến mất. Là đúng lúc chàng đang lục lọi trong kho thì bà Nuôi đi qua thấy cuộn giấy nên cất luôn. Chàng chạy lại chỗ mình mặt tức tức “Em ơi that woman lại cất cuộn giấy của anh đi rồi, bà ấy bị làm sao thế hả em”. Cái gì cũng chạy ra mách vợ

Wednesday, March 24, 2010

Tranh luận (1)

Mấy hôm nay ko viết bài mới vì dành hết thời gian online trả lời comment bên Facebook. Câu chuyện bắt đầu từ việc một anh bạn post lên bản dịch tiếng Anh bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Trong số rất nhiều comments một anh bình luận là dịch dở, mình bình luận là dịch ổn. Thế là tranh luận bắt đầu từ đây. Copy lại làm kỷ niệm: Hai comments đầu là comment chung chung, mỗi người nói ra ý của mình. Bắt đầu tranh luận là từ comment thứ 3.

ATP: Mình không có bản nào cả nhưng mình đọc thấy "tiếng Anh" trong bài dịch này rất buồn cười. Lối diễn đạt bằng Anh ngữ khá ngô nghê tương tự như người dân tộc nói tiếng Kinh.



GV: Em chưa nghiền ngẫm bản tiếng Anh anh post. Nhưng đọc qua qua thì thấy có nhiều chi tiết dịch giả xử lý cũng rất khéo. Tiếng Việt của mình trúc trắc, cũng khó mà dịch hay hơn được.

ATP: Mình không hiểu bạn Giang Vũ nói "dịch giả" xử lý cũng khéo là xử lý cái gì và khéo như thế nào. Đây chắc chắn không phải là một dịch giả mà chỉ là một ông dân chơi nổi hứng là một và thứ hai là bài thơ này không có cái gì cần phải xử lý để mà khéo hay không khéo là hai. Tiếng Việt mình trúc trắc thì có liên quan gì đâu đến chất lượng bản dịch tiếng Anh? Việc dịch bài thơ vần tiếng Việt sang bài thơ có vần tiếng Anh (hay bất kỳ tiếng nào khác) tự nó đã là việc bất khả thi nên chắc bạn Giang Vũ với anh nông dân dịch thơ trên kia đều bị nhầm ở cái chỗ tưởng rằng cứ nói nhát gừng, cắc bụp, kiệm lời tới mức tối tăm mù mịt là thành thơ trong tiếng Anh.



Đây không phải là một ứng cử viên tốt làm đại diện cho thơ Việt Nam dịch qua tiếng Anh. Những hình ảnh nên thơ của nó không có nhiều ý nghĩa trong tiếng Anh. Cái đó mới là thứ cần phải xử lý mà không thể xử lý được chứ không phải giọng điệu thơ Việt trúc trắc hay không.

GV: Mình ko nói tới những hình ảnh nên thơ trong bài thơ mà bạn Tuấn bảo là ko xử lý được. Chính bạn cũng nói là nó nên thơ trong tiếng Việt nhưng chẳng có nhiều ý nghĩa trong tiếng Anh. Như vậy ko phải lỗi của người dịch bài thơ này, ai xử lý những hình ảnh nên thơ đó thì cũng vậy thôi. Muốn hiểu thơ của một đất nước có lẽ người đọc cũng phải tìm hiểu văn hóa của đất nước đó một chút, chứ lúc nào cũng cứ bắt dịch giả phải chuyển nó sang thành những hình ảnh quen thuộc với mình thì mình mới hiểu mới rung động, thì e chừng là chả ai dám dịch thơ nữa.

Ở đây mình chỉ bàn tới cách tác giả xử lý câu chữ. Ví dụ, mình rất thích cách tác giả thêm thắt vào tiếng Anh ở đây, vẫn sát ý mà lại làm câu tiếng Anh mềm hẳn lại thay vì cụt ngủn nếu ko thêm thắt :

Yet not perished the man at war

But did pass on in peaceful rear

The bride that should find safety near...

Bạn nói bài thơ dịch nhát gừng, cắc bụp, kiệm lời tới mức tối tăm mù mịt. Sao mình chả thấy nó tối tăm mù mịt ở chỗ nào? Còn "nhát gừng và cắc bụp" thì bản tiếng Việt cũng thế sao chẳng thấy ai chê, có khi lại bảo tại vì nghẹn ngào vì xúc cảm nên mới thành nhát gừng cắc bụp như thế? Còn cá nhân mình thích những bài thơ kiệm lời và cắc bụp, ko thích những câu chữ lê thê chủ vị đầy đủ rõ ràng vần điệu dập dình, nghe nhàm tai rồi.

Mình ko biết người dịch bài thơ này là ai, cậu ta là dịch giả chuyên nghiệp, nghiệp dư, hay là dân chơi nổi hứng, hay là nông dân cầm bút, đấy ko phải là việc của mình.

ATP: Bạn Giang Vũ cho mình hỏi tiếng Anh của bạn có tạm dùng được không vì cái đoạn bạn trích dẫn trên kia không phải là các câu có nghĩa. Mình sẽ chỉ ra cho bạn thế này:

Yet not perished the man at war

Câu này gượng ép có thể hiểu được là người đàn ông đi đánh nhau không chết, mặc dù cách đặt câu hoàn toàn là vô duyên, không có tiếng Anh nào kể cả thơ có cái cấu trúc câu kỳ lạ thế....

Câu thứ 2 hoàn toàn vô nghĩa...peaceful rear - rear là đằng sau, thông tục là cái mông, như chữ rear-end - peaceful rear không có nghĩa gì, cả câu này hoàn toàn vô nghĩa

the bride that should find safety near - tương tự như câu đầu tạm ra có thể hiểu là cái cô dâu đáng ra có thể có sự an toàn ở gần.

Mình là một người dịch chuyên nghiệp, rất chuyên nghiệp, mặc dù nghề của mình không phải là nghề dịch. Thấy bạn Giang Vũ khen những thứ xử lý hay mình thành thật là thấy bất ngờ.

Cái gọi là bản dịch thơ kia mình có thể nói cho các bạn biết là nó còn ít ý nghĩa hơn một bài viết nhăng cuội của một đứa trẻ lớp 2 lớp 3 người bản ngữ.

GV: Tiếng Anh của mình tàm tạm, hay đủ dùng, hay rất chuẩn, hay gì gì đi nữa, chắc phải để người khác nhận xét, chứ mình tự nhận xét mình thì với mình nó chả có trọng lượng gì cả. Thế nên mình ko thể giải tỏa mối thắc mắc này của bạn rồi.
Bạn chú ý hộ cho mình nói có nhiều chỗ tác giả xử lý câu chữ khéo léo, chứ ko khen tác giả dùng từ hay và ngữ pháp chuẩn. Nếu mà soi kiểu bạn mình cũng soi được, nhưng mà mình ko soi như thế. Nhìn tổng thể một bài thơ tiếng Việt như thế, dịch ra tiếng Anh được như thế, theo mình là được. Sạn thì có, nhưng sạn cũng có đầy trong nhiều tác phẩm dịch khác, ko thể chỉ vì vài cục sạn mà đã có thể gạt hẳn tác phẩm sang bên coi nó như đồ bỏ.
Về đoạn thơ mà cả bạn và mình đang bàn, tất cả các cấu trúc đảo câu dịch giả dùng đều chấp nhận được. Và bạn chú ý nó ko phải là 3 câu như bạn tưởng, mà chỉ là 1 câu. Bạn tách nó làm 3 câu thì bạn chê người ta dốt tiếng Anh là phải.
Nếu bạn đã đọc văn cổ kiểu như Shakespeare thì bạn sẽ thấy những cái tạm gọi là “đảo lộn, rối rắm, mất trật tự, như hũ nút” này hoàn toàn bình thường.
Và nếu bảo rear chỉ có nghĩa như bạn nói thì tức là bạn mới chỉ biết một nghĩa, mà lại là nghĩa nhỏ, của từ rear trong tiếng Anh mà thôi. ...

Tí về mình copy tiếp. Không hiểu sao copy từ FB sang bên này rất chậm.

Tranh luận (2)

ATP: Bạn Giang Vũ thân mến, cảm ơn vì việc bạn đã bỏ thời gian ra trả lời câu hỏi của mình. Thành thật mà nói thì câu hỏi của mình về trình độ tiếng Anh của bạn là một câu hỏi thuần túy là tu từ, tức là mình hỏi thì là hỏi vậy thôi chứ câu trả lời thì mình đã có rồi. Mình lúc đầu chỉ là định tham gia vào thảo luận là để nhân cơ hội mà nói một vài từ bậy một cách kỹ thuật và khoái trá thôi, rồi thì tất nhiên không có trò đùa nào mà không phải trả giá nên mình giờ đang phải trả giá bằng việc phải đi dạy tiếng Anh và cách suy luận sao cho logic cho bạn Giang.

Mình biết thừa cách bạn Giang nghĩ, vì cách đó rất là đặc trưng cho cách nghĩ của phụ nữ Việt Nam trung hậu đảm đang hay bênh vực kẻ yếu bất kể đúng sai. Ví như đi xem đá bóng thì cứ đội nào yếu thì bạn Giang ủng hộ, ra đường thấy xe đạp với ô tô đâm nhau thì cứ dứt khoát phải bênh người đi xe đạp bất kể họ đi đúng hay đi sai. Trong tình huống cụ thể này thì bạn Giang Vũ đang bực cái thái độ của tớ huyênh hoang khoe khoang nên mới bênh "những vần thơ của quỷ xe tăng" kia chứ gì? Bạn này huyênh hoang quá cơ, mình cần phải dạy cho hắn một bài học chứ gì? Mình biết tỏng cái kiểu nghĩ của bạn, ok.

Đúng là có nhiều đứa huyênh hoang mình nên cần phải dạy cho chúng nó một bài học bất kỳ lúc nào có thể - nhưng trong trường hợp này thì có lẽ bạn Giang Vũ hơi nhầm. Bạn nhầm nhưng mình cũng xin chúc mừng bạn có được cái nhân duyên để hôm nay vén mây ra mà nhìn thấy mặt giời, tức là ý mình định nói rằng hôm nay bạn gặp được mình là bạn có cái may mắn được gặp cái người giỏi tiếng Anh (và tiếng Việt) nhất mà bạn từng được gặp trong đời và có lẽ không bao giờ được gặp một ai cao hơn thế nữa. Tiếng Anh của mình giỏi tới mức độ là nếu như có một người cực kỳ giỏi tiếng Anh mà bạn đang nghĩ tới với ý định nhờ người ta làm trọng tài cho vụ tranh luận này thì tiếng Anh của mình vẫn còn cao hơn của người ta vài bậc. Mình không ở Anh nên mình không biết nhưng ở Mỹ này tiếng Anh của mình chắc tốt hơn tiếng Anh của 95,6 tới 99,2% người bản xứ. Việc bạn Giang cứ khăng khăng cãi nhau về tiếng Anh với mình thực sự là không có một chút lợi ích hay ý nghĩa gì. Tuy nhiên mình vẫn sẵn lòng chỉ bảo một chút hòng giúp bạn trở nên...khiêm tốn hơn. Bạn Giang nghĩ sao?


ATP: Mình xem qua danh sách các bạn mà anh Linh tag vào note này để xem có ai biết tiếng Anh nữa để rủ vào cùng chinh chiến vì lẽ phải với mình vụ này nhưng thật tiếc là chỉ thấy có mỗi hai người đáng gọi là biết tiếng Anh, một người là mình còn người kia là tớ. :) Quá buồn. Xong rồi mình thử đưa bài thơ mầu tím hoa sim kia vào trình dịch của google và chỉ sau chưa đầy 3 giấy mình thấy nó thổ ra một bài tuy rối rắm, tăm tối như hũ nút nhưng mà theo lý luận của bạn Giang thì cũng chỉ cộc lốc nhát gừng như thơ Shakespeare là cùng, và bản dịch tuy còn nhiều sạn nhưng chẳng lẽ lại vì vài viên sạn mà lại vứt đi cả bài thơ? Vậy mình post thử một đoạn vào đây bạn Giang xem nhé (nói xong post một đoạn).
Cách hành văn của anh Gúc và anh gì dịch trên kia có nhiều điểm tương đồng.


ATP: Mình nói sơ qua về ba lỗi sai logic, tức là lỗi ngụy biện của bạn Giang.

1. Dịch giả viết câu nhát gừng, rối rắm thật nhưng mà bạn đọc thử thơ Shakespeare đi mà xem, còn rối rắm hơn ý chứ.

Có thứ thơ rối rắm, nhưng không phải cứ rắm rối thì là thơ. ...

Nếu A thì B

(Nếu là Shakespeare thì làm thơ rối rắm)

tương đương với nó sẽ là:

Nếu không B thì không A

(Nếu không rối rắm thì không phải thơ Shakespeare làm)

chứ không phải:

Nếu cứ rối rắm thì là thơ (Shakespeare).

Cái gọi là bài dịch trên kia cũng thế. Không phải vì nó nhát gừng, cộc lốc, sai be bét chính tả và ngữ pháp và các mẫu câu thông thường nhất mà đáng được gọi là một bản dịch thơ.

2. Bài này có sạn, nhưng những bài khác cũng đầy sạn.

Mình đang nói về bài này chứ không nói về các bài nào khác. Lôi kéo thêm các thứ râu ria lăng nhăng vào tranh luận là lỗi ngụy biện lan man mà người Việt mình hay mắc, nhất là lại còn hay so sánh quả chuối với quả cam.

3. Không phải cứ vì có sạn mà phải đổ hết cả đi.

Một con kiến ở trong bát phở có lẽ có thể được thông cảm chứ nguyên một con chuột trong bát phở thì không thể được chấp nhận. Bài dịch trên kia nói như Bác Hồ của chúng ta hay nói là "mỗi từ là một hạt sạn nhỏ, toàn bài là một hạt sạn to" không thể chấp nhận được một chỗ nào cả.

Dưới đây là một bài thơ mình dịch gần 10 năm rồi, bạn Giang Vũ đọc rồi chúng ta cùng liên tưởng nhé (rồi ATP trích một bài thơ tiếng Anh mà anh dịch ra tiếng Việt)


GV: - Rối rắm và nhát gừng là từ bạn dùng, mình trích nó để chứng minh với bạn rằng cái bạn gọi là “rối rắm, nhát gừng, hũ nút” thực ra lại rất thông thường trong văn cổ, và khi nói tới văn cổ thì mình dẫn Shakespeare cho bạn dễ kiểm chứng nhất, và cũng là vì ông ta vĩ đại đến mức mình có thể loại trừ khả năng bạn bảo bạn giỏi hơn ông ta nên ông ta cũng sai luôn. Chứ những gì mình nói chả liên quan gì đến việc cứ phải rối rắm mới là thơ, và đặc biệt là văn thơ Shakespeare, như bạn đang cố hiểu và lại còn kỳ công phân tích logics. Ngụy biện ở đây sợ rằng chính là bạn chứ ko phải là mình.

- Bài này có sạn nhưng những bài khác cũng đầy sạn là ý nói sạn trong một bản dịch là chuyện thường gặp, chả phải ai dốt mới sạn còn giỏi thì ko. Lôi kéo những chuyện lăng nhăng vào cuộc tranh luận từ đầu đến giờ là bạn, cụ thể bạn bảo người ta là nông dân, dân chơi nổi hứng, rồi vỗ ngực bèm bẹp tự xưng bạn giỏi, dẫn cả thơ bạn dịch chả liên quan, xét ra thì còn lăng nhăng lan man hơn cả câu mình nói về việc nhiều tác phẩm dịch khác cũng đầy sạn.

- Vấn đề ở đây là liệu nó là con kiến hay con chuột. Bạn bảo nó là con chuột, mình bảo nó chỉ là con kiến. Bạn phân tích ra một đoạn theo bạn là sai trầm trọng sai cơ bản, mình phân tích lại chứng minh rằng nó bình thường, ko sai, chỉ là bạn hiểu nhầm 1 câu tưởng 3 câu, thì ko thấy bạn nói gì?

- Việc bạn dẫn một bài thơ dịch từ Anh sang Việt chả có ý nghĩa gì trong cuộc tranh luận này. Bạn chắc hiểu dịch xuôi Anh Việt đã khó thì dịch ngược Việt sang Anh, nhất là thơ, còn khó hơn gấp nhiều lần. Chính vì thế mình mới nói tổng thể một bài thơ tiếng Việt như thế, dịch ra tiếng Anh được như thế, là khá rồi. Tuy nhiên, mình có xem qua bài thơ bạn trích, nếu bạn chỉ quen với những cấu trúc câu xuôi dòng như trong bài thơ của bạn thì việc bạn coi cấu trúc đảo ngược như trong bài thơ hoa sim là tối tăm hũ nút sai cơ bản, là việc hoàn toàn hiểu được. Thế thì mình lại nhắc lại là bạn thử đọc Shakespeare xem mình nói có đúng ko. Sau đó bạn áp dụng cách hiểu đó vào bài thơ hoa sim của Thomas Le, thì bạn sẽ thấy nó đâu có rối rắm hũ nút như bạn tưởng ban đầu?

GV: À mình còn quên cái comment vén mây cho thấy mặt giời của bạn.
Bạn bảo mình thấy bạn huyênh hoang nên quyết vào cho bạn một bài học. Thế bạn nhầm thế nào ý chứ, chính bạn là người khởi xướng cuộc tranh luận của mình và bạn. Chứ đầu tiên, bạn bảo nó dở, mình bảo nó ổn, chúng ta đều nói lên suy nghĩ của chúng ta trước một bài post của anh Linh. Suy nghĩ trái chiều là chuyện bình thường, chả nhẽ ai suy nghĩ trái chiều bạn là bạn cũng suy ra ngay là người ta định thách thức nắn gân bạn à? Bạn ko biết cách tranh luận thế nào để cho khách quan, chỉ tập trung vào đối tượng tranh luận, mà ko quàng kéo cá nhân và dùng những từ ngữ mang tính hạ thấp đối phương à?
Không phải là mình ko tranh luận kiểu bôi nhọ nhạo báng như bạn được, mà đơn giản chỉ là mình ko thích tranh luận kiểu thế mất thời gian.
Còn nữa, bạn bảo mình thích bênh vực kẻ yếu. Xin lỗi bạn giả định/niềm tin này của bạn sai bét, vì mình ko biết bạn, và cũng ko biết dịch giả Thomas Le, nên ko biết ông nào khỏe hơn ông nào yếu hơn để mà bênh.
Cuối cùng, những lời bạn tự nói về bản thân làm mình buồn cười ko chịu nổi. Chả biết và cũng chả quan tâm đúng sai thế nào, nhưng ai lại nói thế nhỉ. Nhưng vì bạn có nói ban đầu bạn chỉ định đùa, nên mình tin những cái này bạn cũng đùa nốt, good joke. ...

Tranh luận (hết)

ATP: Bạn Giang Vũ thân, mình thường gặp những trường hợp bướng bỉnh như bạn thế này và những lúc đó mình biết rằng chỉ có một cách trị liệu là bằng tình cảm và sự vuốt ve chứ lý lẽ không có ích gì. Chắc là trước sau gì mình cũng sẽ phải đi theo hướng đó. Vậy mong bạn kiên nhẫn chờ đợi.

Mình nói cái gọi là thơ kia ngớ ngẩn, nhát gừng, cộc lốc, tối tăm như hũ nút. Bạn nói, thơ cổ cũng như thế, còn rối rắm nữa ý chứ. Mình chỉ ra cho bạn thấy là bạn đánh đồng hai thứ rắm rối này là ngụy biện. Một thứ là sự rắc rối ngây ngô của người còn chưa hiểu tốt cả tiếng mẹ đẻ của người ta và có trình độ ngoại ngữ còn thua cả trình-độ tiếng-anh chiên-ngữ việt-nam để dịch, một sự rắc rối khác là lối hành văn hay thơ chuẩn tắc và đỉnh cao - hai thứ này không phải vì đều khác với những gì là thông thường mà có thể được đánh đồng với nhau. Những thứ lắt léo của thơ cổ có những quy tắc riêng của nó trong khi những thứ đần độn của dịch giả kia là không có quy tắc gì cả. Sau khi bạn đã biết tiếng Anh của mình đứng ở hạng nhất nhì internet thì mình đề nghị bạn không cố giải thích cho mình về những cái gì mà bạn gọi là đảo ngữ với nghĩa khác của từ rear được không bạn? Mình đẻ ra những thứ này.

Bởi chưng kiến thức là sức mạnh và mình vẫn còn muốn thêm sức cho bạn nên mình mới khuyến khích bạn nên ngồi lại, dò từng dòng của bài thơ kia, và tự tìm ra các lỗi sai chính tả, sai ngữ pháp, sai cách đặt câu, sai cả cách đảo ngữ, sai hàm ý tiếng Việt nên dịch qua tiếng Anh bị sai, không biết tiếng Anh nên dùng thứ tiếng Anh mà lúc đầu mình đã gọi là giống người dân tộc nói tiếng Kinh. Nếu mà bạn Giang không tự nghĩ ra được thì mình e là việc thêm sức là việc không thể thành công lần này. Bác sĩ muốn chữa cho ai khỏi bệnh thì điều quan trọng nhất là đầu tiên người bệnh phải muốn được chữa cái đã

GV: Mình cũng vào loại kiên nhẫn nhưng ko phí hoài kiên nhẫn của mình bạn ạ. Mình mới đầu ko biết bạn thích vỗ ngực bản thân “dưới gầm trời này ai giỏi bằng Anh Tuan Pham” và xoa đầu người khác “mày dốt lắm để anh bảo mày nghe”, nên mình mới tranh luận với bạn. Chứ biết ngay từ đầu thì ko phí thời gian.

Bạn nói về bản thân thì chủ quan, tâng bốc, nói về người khác thì võ đoán, xúc phạm. Khi sai lè thì nói bừa những câu kiểu “mình đẻ ra nó”, hoặc dùng những thuật ngữ cầu kỳ bí hiểm kiểu “văn thơ cổ vi diệu vô cùng, thằng đấy làm sao mà so được” hòng che lấp cái sai mà trong lúc vội vã chê bai người khác bạn bị hớ.

Nếu mà bạn ở đúng cái tầm như bạn nhận nãy giờ (chúc bạn được như thế), thì chắc chắn bạn phải biết rất rõ là trong cuộc tranh luận của chúng ta bạn nói nhảm hơi bị nhiều.

Nếu mà bạn cũng có khả năng chữa bệnh như bạn nhận, có lẽ bạn nên chữa cho bạn đầu tiên thì hơn, có kết quả rồi thì hãy nghĩ đến việc chữa cho người khác, mà nhớ tìm những người giống bạn mà chữa.

Ngạn ngữ có câu “cái cây càng nhiều quả thì cành càng là sát mặt đất”. Càng đi nhiều càng thấy có những cái cây chả biết quả kiếc ra sao mà cành cứ gọi là bổng vót lên trời.

Chào bạn nhé ;-)



Mình tóm tắt nốt comment cuối của ATP cho các bạn theo dõi: tóm lại anh ta tin rằng vì ngứa mắt anh ta nên mình mới nhảy vô gây sự. Sau đó lại màn chê người khác rác rưởi (nhưng chỉ chê thôi chứ ko có hành động cụ thể gì chứng tỏ lời chê có trọng lượng) và bôi bác tiếng Anh chuyên ngữ. Mình tóm tắt thế vì giở facebook ra copy thì lâu, vả lại cũng chẳng có gì chất lượng, chỉ rặt những câu huyên thuyên bôi nhọ người khác.


Bình luận của cún béo: có một người, vừa mới mào đầu tranh luận được 2 câu, thì tự nhiên bủm ra một quả rắm. Người đối diện nín thở nhưng lịch sự ko nói gì. Thế mà tự nhiên anh ta lại tự đưa mũi lên hít hít rồi đổ cho người đối diện thối. Người đối diện trố mắt, vẫn chưa kịp nói gì thì lại thấy anh ta hít hà rồi khen anh ta “thơm như hoa lan hoa huệ”. Người đối diện vì phải nhịn thở lâu quá bắt đầu nhăn mặt, hỏi “nào, thế anh có định tranh luận cho xong vấn đề hay ko?”, thì bắt đầu nghe thấy anh kia mồm vẫn tự bốc thơm mình trong khi bủm liên tiếp hết quả này đến quả khác và tình hình là ko kết thúc. Người đối diện nhịn thở hết nổi đành xách váy chạy cho xa (chạy xa rồi vẫn nghe tiếng bủm bủm).

Xin lỗi các bạn mình dùng hình ảnh ko nho nhã cho lắm, nhưng chịu ko thể tìm được hình ảnh nào lịch sự hơn

Monday, March 22, 2010

Đầu gấu Vietnam SR (nốt)

Mình quả thật là toát mồ hôi lạnh. Nó thó được món gì là mình chết món đó. Vì ví có các loại thẻ ngân hàng và thẻ bảo hiểm y tế của cả nhà. Mất phải đi làm lại rất cực khổ vì thủ tục hành chính phức tạp lề mề, có khi cả năm ko được cấp lại. Nhất là ở Ý mất thẻ debit và credit phải trình báo cảnh sát rất lằng nhằng trước khi ngân hàng cấp cho thẻ mới, ko giống ở Mỹ chỉ cần gọi điện báo mất, trả lời vài câu hỏi mật mã là thẻ mới tự động được gửi đến nhà. Mất túi đồ trang điểm cũng chết vì trong đó mình để mấy món đồ trang sức cũng rất giá trị. May đời mình đề phòng nên phát hiện kịp, mà công nhận chúng nó cao thủ thật. Mình tức điên người mới ngó vào mặt con ranh con đứng cạnh mình xem mặt mũi tròn méo ra sao mà láo toét. Ba con ranh mặt non choẹt son phấn lòe loẹt ăn mặc xì tin chen lên tàu cùng lúc với mình. Thấy mình ngó vào mặt nó vội quay mặt đi tránh cái nhìn của mình. Mình lại tiến tới thêm một bước vẫn tò mò muốn nhìn bản mặt nó một lần xem sao, nó vội vàng quay hẳn lưng lại tránh và tàu vừa dừng ở bến sau một cái là chúng nó líu ríu kéo nhau xuống ngay. Tưởng trộm cắp gian manh bản lĩnh cao cường thế nào thế mà người ta muốn nghía cái dung nhan thôi cũng sợ. Giá ngày xưa chịu khó học võ của cái thầy có thể dùng ngón tay chọc vỡ một cái chum cho tử tế thì bây giờ chắc chắn mình phải cho con ranh kia một cái tát nảy lửa.

Trở lại chuyện con bé Di gan hát rong ở trên, thấy thái độ cậu cảnh sát như vậy mình cực kỳ khó chịu. Đã định ngứa mồm bảo “này anh, ít nhất là nó lao động để kiếm tiền, để cho nó yên. Những đứa ăn cắp móc túi đầy trên các chuyến tàu đáng bị đối xử thế này hơn nó”. Nhưng rồi lại quyết định im vì thực ra anh ta chỉ thi hành phận sự, và cũng vì đúng lúc đó anh cảnh sát ngạo mạn tia thấy mình

Bổn cũ soạn lại, nhưng lần này với ánh mắt khác hẳn, anh ta ra đứng ngay trước mặt mình, khoanh tay nhìn xuống mình đang ngồi thu lu lưng gù gù. Mình tỉnh queo ngoảnh mặt sang một bên, chứ nhìn thẳng thì bạn biết là mình cứ phải nhìn vào khúc nào trên cơ thể anh ta rồi đấy. Anh chàng quả là người tự tin, thấy mình ngoảnh mặt sang bên anh ta lại bước sang bên, lại khoanh tay trước ngực đứng ngay trước tầm mắt của mình và nhìn mình chòng chọc. Đã thế mình bắt đầu giở trò, và khi mình giở trò thì mình biết là mình cực kỳ đáng ghét. Mình thản nhiên ngó vào gương, chỉnh sửa tóc, xới tóc bồng lên cho thật sexy, rồi kiểm tra son môi rất cẩn thận và khinh khỉnh, đến bến của mình mình ngoảy đít đi xuống, chả nhìn anh kia lấy nửa cái. Về cái khả năng mặt lì này thì ngày xưa một cậu đã phải cay đắng tâm sự với chiến hữu, tâm sự mà nói rất to để cho mình nghe thấy “tao có ho đến chết thì họ cũng chẳng ngoảnh mặt ra đâu”, sau khi đã làm đủ trò hát, pha trò, rồi ho hen ốm yếu và phàn nàn sốt đùng đùng mà mình ko ngoảnh ra nhìn. Một cậu khác, cũng cái kiểu đứng dạng chân khoanh tay hất mặt chiếu tướng mình chòng chọc suốt 15 phút, mình ngồi trong lớp, cậu ta đứng ngoài cửa sổ. Tự tin một cách khiếm nhã. Mình vẫn thản nhiên đọc sách lật sách đều đều. Nhìn mãi chắc mỏi mắt cậu ta bỏ đi, mình trong thời gian đó thì đã học thêm được 2 câu trong số hơn 100 câu hỏi của môn vấn đáp sắp tới.
Thực ra bình thường chắc mình cũng nhìn lại thằng cu cảnh sát kia một cái, hoặc thậm chí có hôm đang vui mình còn nháy mắt một cái, đi ngoài đường nhìn ngó nhau một tý cũng là cái chuyện bình thường. Nhưng mà mình ghét cái thái độ kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu của nó đối với đứa con gái Di gan kia. Miẹ, hầm hố nhạo báng một con bé hát rong, thế mà cũng đòi

Thursday, March 18, 2010

Hic hic

Dạo này mình làm sao, đầu óc cứ đơ đơ. Rõ ràng biết đó là cái quần mà cứ cố hết sức xỏ qua đầu. Định thần lại, vớ lấy cái áo mà định chui đầu qua thì lại cứ chui vào ống tay.
Đã thế lại còn hay quên khủng khiếp. Mở tủ lạnh rồi cứ đứng ngẩn ra ko hiểu mình định lấy cái gì. Một buổi nấu ăn thì quên ko nhớ mình định làm gì ko biết bao nhiêu lần. Đến lần thứ ba hay thứ tư gì đó mình lẩm bẩm “định làm cái gì mà quên mất rồi ý nhỉ” thì bà Nuôi chắc chịu hết nổi buộc phải bình luận “cô thêm vài tuổi nữa chắc cởi quần quá”. Ý bà Nuôi là với tốc độ hay quên kiểu này chắc vài năm nữa mình cởi truồng chạy ra đường mất.
Mình cứ tưởng cái câu “vài năm nữa chắc bốc đất ăn” mình sưu tầm được để chỉ sự lú lẫn là đắt lắm rồi, thế mà hóa ra câu “cởi quần” của bà Nuôi còn biểu cảm hơn.

Một ngày hữu ích

Hôm nay cửa hiệu may mình đặt may váy xin hoãn vài tiếng vì làm chưa xong, mình chả biết đi đâu mới rẽ vào cửa hiệu quen cắt tóc, Noi salon. Bà già ngồi cửa bảo “chúng tôi đông khách lắm, cô phải đặt trước”. Bảo “thì tôi cứ rẽ vào, nếu may có chỗ thì tôi cắt, ko thì thôi”. May quá có một khách ko thấy đến nên mình thế chỗ luôn. Hiệu cắt tóc này hồi trước ở Los Angeles, mới chuyển về Rome mấy năm nay. Thấy bảo hồi trước khách hàng toàn diễn viên nổi tiếng. Thế mà mình cũng chẳng thấy ấn tượng lắm. Hồi ở bên New York mình hay đến Roy Teeluck salon trên phố 57 để cắt tóc. Hội diễn viên cũng toàn đến đó làm tóc, nhất là Hilary Clinton thì chỉ thích mỗi anh Roy. Anh Roy chưa cắt tóc mình bao giờ, anh ấy lấy giá đắt hơn những người khác. Mình chỉ thường đặt Ali, cũng là tay kéo giỏi nhất của Roy Teeluck, thế mà cũng chưa lần nào mình thực sự thích kiểu tóc anh ấy cắt cho. Bảo “Ali cắt cho tôi kiểu đầu gì mà có anh ở cạnh hay ko có anh trông nó vẫn đẹp như thế”, anh ấy vâng dạ, sấy uốn xong rất hoành tráng, về đến nhà đã duỗi quá nửa, hôm sau gội đầu thì lại thẳng tuồn tuột xuống. Nghe lời khuyên của anh Ali mình đi mua lô và lược về loay hoay tự quấn. Sau khi bị mắc lược trên đầu khóc lóc tưởng phải cắt cả tóc để lôi lược ra thì mình bỏ cả lô cả lược.

Cắt tóc cho mình hôm nay là anh Rick, người Los Angeles. Rất LA, chỉ có thể dùng một từ để mô tả: goofy. Anh ấy bảo mình “tao chả muốn có con, tao muốn kiếm được bao nhiêu chỉ tiêu vào bản thân tao thôi. Ví dụ nếu tao có hai con, đứa nào cũng phải niềng răng, thế thì tiền bỏ cho chúng nó niềng răng thà tao độc thân đi nghỉ ở Tahiti một mình còn hơn”. Anh Rick lại khuyên mình đi mua cái là tóc về tự uốn, anh ấy bôi bác “it is very easy, even you can do it”, tức “dễ lắm, dốt như mày cũng làm được”. Mình phải suy nghĩ thêm ko mua về lại xếp xó, dễ với ai chứ với mình chắc chắn là thành khó. Hiếm thấy ai vụng về trong khoản đầu tóc như mình.

Lần vừa rồi về Hà nội chạy qua QT salon gội sấy thấy anh làm tóc ở đó sấy kiểu đẹp hơn cả mấy anh tây toàn làm tóc cho diễn viên nổi tiếng kia.

Cắt tóc xong, vẫn còn thừa thời gian chạy qua đường mua kem rồi ngồi ở quảng trường Popolo ăn. Mình ngồi thu lu ăn kem bán sống bán chết ko nó chảy xuống tay, lạnh run cầm cập mà tay cầm kem nên ko thể mặc áo khoác. Tại cậu bán kem mải tán “chị có nụ cười đẹp quá” nên lấy nhầm kem cốc thành kem ốc quế, được 3 phút là nó chảy tè le.

Đến cửa hiệu thử váy. Hội Ý cầu kỳ bước đầu chỉ may ướm rất rộng rồi lúc thử mới dùng kim ghim cho vừa thân hình, mặc dù vải của mình co dãn và kiểu may thì rất đơn giản làm gì phải qua nhiều công đoạn thử lên thử xuống thế. Mình bảo “cô may eo 57cm thôi nhé”. Cô ấy ngạc nhiên ngẩng lên suýt rơi cả kính “nhưng eo cháu có 57 đâu”, “vâng, nhưng cô đừng lo, cô cứ may eo 57, cháu sẽ cố mặc vừa”. Lại nhớ tới chị bạn lúc đo để may váy cho mình cũng làu bàu “ngực ko to như thế, eo ko nhỏ như thế” lúc mình bắt chị ấy giảm số đo eo và tăng số đo ngực. Thì cứ phải may những áo quần thử thách thế thì mới có động lực hành xác cho vừa vào chứ

Bây giờ mình chỉ có một mối lo: váy này là váy mùa đông, thời tiết thì đang ấm lên ko cưỡng lại được, mà cô thợ may này có vẻ trưa ko vội tối ko cần. Một bà khách hàng bảo mình “cô mà muốn may mặc năm nay thì cô phải bảo bà ấy may từ năm trước, bà ấy rất giỏi nhưng làm cái gì cũng lâu”. Ko cẩn thận may xong được hai cái váy thì trời đã nóng chảy mỡ, lại phải sang năm mới mặc được, hoặc có cố mặc thì lại phải mang theo người một cái quạt máy chạy pin. Ở NYC buồn cười nhất là những hôm trời nóng bức có những bà to béo mang theo cái quạt máy chạy pin bé tí tẹo chạy ro ro hết công suất.

Về đến nhà, nằm bẹp từ chiều tới tối, bà Nuôi phải đi đón cả Lê cả La.

Tuesday, March 16, 2010

Không đau vì quá đau

Một lần, con bạn người Đan Mạch đến nhà chơi cùng thằng chồng ngoại giao Ý của nó. Bọn gái Bắc Âu bình đẳng nam nữ thế nào thì các bạn biết rồi. Suốt buổi thằng chồng cứ cặm cụi thay bỉm, pha sữa cho con ăn, thay quần áo cho con rất thiện nghệ, con vợ chỉ ngồi buôn dưa lê. Mình hỏi “Mày làm thế nào mà chồng mày chăm con giỏi thế, mà lại là con đầu?” (chồng mình hai con lớn tướng mà hôm nào đóng bỉm cho con là hôm đó con tè ướt quần, thậm chí còn tè lên tận cổ). Nó bảo “việc gì tao cũng chia đôi ra, đêm con khóc tao dậy một nửa nó dậy một nửa, bọn đàn ông này mày phải dạy ngay từ đầu”. Thằng chồng đi làm cả ngày, con vợ toàn ở nhà chơi nhởi, con thì cũng chỉ có mỗi một đứa, việc nhà đã có người đến làm hàng ngày. Thằng chồng vì làm ngoại giao bên phái đoàn nên con vợ chính xác ra là chơi cả năm, chứ ko tối nào cũng vất vả tiệc tùng như mình vì chồng làm bên ngoại giao lãnh sự. Chẳng phải là mình ko nghĩ được như nó, nhưng mình thấy chồng đã đi làm mệt mỏi mà đêm còn bắt dậy lọ mọ chăm con thì có phải là hơi quá đáng quá ko?

Nghĩ đi nghĩ lại, phụ nữ VN thế hệ mình lớn lên với tư tưởng ko dám đòi hỏi gì nhiều ở đàn ông. Bà ta mẹ ta dậy rằng đàn ông nó phải thế, nó có đi với 100 con mà tối về ngủ với vợ thì thế cũng là được rồi, hoặc ừ nó thế nhưng nó ko cờ bạc rượu chè trai gái thì thế là được quá rồi. Nhưng mà ngồi suy nghĩ một tý ra thì nó ko cờ bạc rượu chè trai gái thì ấm cái thân nó đầu tiên chứ ấm thân ai mà mình phải biết ơn nó nhể.

Ngược lại, đàn ông VN thế hệ mình lớn lên với rất nhiều quan niệm kiểu “việc đấy là của đàn bà, đàn ông phải làm việc lớn”. Khổ nỗi đời chủ yếu là việc nhỏ, chứ việc lớn thì có mấy, cả đời mới có một vài, mà chưa chắc cái một vài đấy các ông đã tự làm được một mình, đã thế còn thiếu đức khiêm tốn. Mình thấy nhiều ông, tính chả có lại có tướng, lúc nào cũng oai phong lẫm liệt cứ như bố thiên hạ. Nhiều ông, lâu lâu mới gặp, thấy đã lên đời chót vót. Tài một, may chín. Thế mà cứ giấu nhẹm may, chỉ thấy khoe tài.

Viết cái entry này nhân việc một cô bạn học cũ than thở chán chồng.

Mình thì ko chán chồng, nhưng nhân thể đú theo một chuyện:

Vợ bảo chồng “anh à, hôm nay em hơi mệt, anh tự lo bữa chiều cho anh nhé”. Chồng ok liền. Mình mắc bệnh hay quên, hôm nọ bố trẻ làm cháy thui cái bếp mình vất vả gọi thợ mấy tuần mới xong, đã tự hứa với lòng sẽ ko bao giờ để bố trẻ vào bếp nữa, thế mà lần này lại quên tiệt.

Bố trẻ hì hục lôi chảo ra. Bữa chiều bố trẻ dự định là khoai tây rán (thế mà cũng gọi là một bữa đấy). Thực ra mình đã rán sẵn để trong tủ đá, giờ chỉ việc lôi ra rán thêm một tý là ăn được. Mình vô tình đi qua “Ô, sao anh lại đổ mật ong của em ra chảo làm gì?”, “ơ thế anh tưởng đây là dầu rán”

Bà Nuôi lại hì hục đổ mật ong trở lại vào lọ, và cọ rửa chảo. Quá tội, biết thế ngay từ đầu đã đặt ông ngồi yên trên ghế rồi đi rán khoai tây hầu ông cho xong.
Lọ mật ong vốn trong vắt tinh khiết và khá lỏng của mình giờ lợn cợn sủi bọt và chả hiểu sao quánh lại như mạch nha. Đen cho mình, mọi khi hay mua lọ nhỏ vì ko muốn để lâu, lần này mua hẳn lọ to vật vã, vừa mới dùng được hai ba lần, ko biết dùng đến bao giờ mới hết. Cái này người ta gọi là Không đau vì quá đau.

Thursday, March 11, 2010

RIPP

Trở về Hà nội sau một chuyến bay dài và mệt mỏi. Đặt vé vào phút chót nên có chuyến nào phải đi chuyến ấy. Bay vòng vèo khiến cho cả đi cả về chiếm trọn 2 ngày trong quỹ thời gian ít ỏi. Lúc nào về Hà nội mình cũng vội vã, cũng ko hẳn là thiếu thời gian đến thế. Cuộc sống gấp gáp làm con người ta làm cái gì cũng vội vàng xì trét, chả hiểu tại sao.

Hà nội thay đổi quá nhiều, mình cứ ngơ ngơ ngác ngác như nhà quê ra tỉnh. Không dám đi xe máy nữa. Thậm chí ngồi gò lưng đầu gối quá tai sau xe máy con bạn thân tay lái vững mà còn nhiều lần toát mồ hôi lạnh. Còn xe ô tô thì thôi rồi, toàn đi lấn đường đấu đầu nhau ngay cả trên quốc lộ. Đành cứ nhắm mắt ngồi yên tự nhủ chả sao đâu, ai cũng đi như thế mà có ai bị sao đâu, với lại đi chậm thế này, có đâm đấu đầu nhau chắc cũng ko đến nỗi bỏ mạng.

Phần thời gian rảnh rỗi chủ yếu đàn đúm cùng lũ em trai, em dâu và mấy cô bạn thân, đêm thì nằm ôm mẹ ngủ, gác lên mẹ quả chân gầy mà mẹ kêu ặc ặc. Mấy con bạn mình, chồng con cả rồi mà đứa nào vẫn y nguyên đứa nấy. Con bạn ngày xưa hay nằm mà có lần mình mô tả mình đến nhà nó lúc nào cũng thấy nó đang ở trạng thái nằm, hết nằm sấp đến nằm ngửa đến nằm nghiêng đến nửa nằm nửa ngồi, thì giờ đến nhà mình một cái là nó yêu cầu chăn đệm cho nó nằm ngủ. Con bạn lúc nào cũng lo béo thì giờ đã rất béo và vẫn ăn như hùm đổ đó, nó vừa ngồi nhìn con bạn kia ngủ vừa ăn bắp rang bơ nhoay nhoáy, mua hẳn 3 cốc bắp rang bơ chắc sợ mua 1 thì bị bọn mình ăn tranh hết. Con bạn ngày xưa lúc nào cũng chậm rề rề ăn một bữa từ giờ dần sang giờ dậu vẫn chưa xong thì giờ bảo sang mà bảo từ sáng đến xế chiều vẫn chưa sang được, gọi điện tổng cộng 5 lần, lần nào cũng bảo “anh sắp sang rồi”. Còn mình ngày xưa suốt ngày tất bật bận rộn chân tay ko yên, lúc nào cũng loay hoay làm một cái gì đó, thì giờ vừa tán chuyện với con bạn nằm ngủ và con bạn ngồi ăn, vừa cọ toilet xoèn xoẹt.

Chuyến bay về Rome cũng dài dặc. Thấy mình nhấp nhổm chú ngồi bên cạnh bảo “kệ nó, nó bay đi đâu kệ nó mình cứ ngồi yên đây là được kiểu gì cũng tới”. Nhưng mà chú ấy ăn được, lần nào dọn đồ ăn ra chú ấy cũng chén hết sạch rồi ngồi rung đùi, lúc ngủ ngủ say quá còn nói mê rành rọt như nói chuyện, còn mình ko xơi được những món ăn của Pháp nhiều bơ nhiều cheese cứ đặc quánh, chỉ uống nước suông, và ko ngủ được, nên xem thời gian liên tục. Ngồi bên kia là một cô nhà khoa học khoảng gần 60 tuổi. Mình ko uổng công hàng ngày chăm chỉ hóng hớt blog, tiếp chuyện cô ấy như hai người già thực thụ. Bàn từ chuyện văn thơ đến chính trị, thậm chí cả chuyện hồi bao cấp xếp hàng từ 5h sáng để lấy được chậu nước từ vòi nước công cộng, và ăn gạo tấm dính viện trợ quanh năm suốt tháng. Chắc cô ấy ấn tượng mình là người sâu sắc nội tâm lắm đây.

Trở về nhà, ngồi trong phòng khách thơm mùi cà phê và mùi hoa lys, Lê La má đỏ như táo, thấy mình đã đi một chặng đường rất dài.

Vội vã trở về, vội vã ra đi
Chẳng thể nào qua hết từng con phố…

Thursday, March 4, 2010

4/3/2010



http://www.youtube.com/watch?v=I5hLuJ0dUSU
Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa ô, như ngày xưa mỗi lần chạm vai gầy áo mẹ…

Wednesday, March 3, 2010

3/3/2010

 
Chồng ơi, em khổ vì anh lắm ý.
Mỗi lần chia chác họ hàng, anh toàn hí hửng vác về cái phần thiệt nhất. Em bảo anh thế là thiệt nhất thì anh một là cãi”ko thiệt”, hai là biện bạch “giá trị tinh thần là chính”, mà ngay cả khi rõ mười mươi ra là chả có cái giá trị tinh thần nào cả thì anh vẫn cố vớt vát “thôi mình chịu thiệt tí cho tình cảm họ hàng nó vững bền”. Em cũng đồng ý.
Kinh tế anh ko học một ngày, đọc lỏm vài quyển sách nhăng nhít kiểu Freakanomics và mấy cái khái niệm vớ vẩn sản xuất cái gì, cho ai, như thế nào, mà suốt ngày anh đi săn tìm giá trị thặng dư. Nhìn đâu anh cũng tưởng tượng ra cơ hội đầu tư rồi vất vả mang tiền cống đến tận mồm mấy thằng lừa đảo. Du thuyền ở Sacramento anh chung vốn cùng mấy thằng quen trên Internet, cứ đến tháng 3 mỗi năm thì nó báo năm trước lỗ rồi nhưng “năm nay đang làm ăn tốt lắm đừng có mà rút vốn ra”. Sau 4 lần báo cáo như thế thì anh đành phải tin nó là thằng lừa đảo, chứ trước đó vợ anh bảo thì anh gắt lên “đó là một người rất tốt bụng sao em nhìn ai cũng nghi ngờ ở đời là phải tin nhau”.
Mà đấy mới chỉ là vụ nhỏ. Còn những vụ lớn đến khánh kiệt vì bạn bè em còn chưa kể. Bạn ấu thơ của anh toàn những thằng cao to 1m9 ăn như rồng cuốn nói như rồng leo tán gái thành thần nhưng làm thì như mèo mửa. Đi chơi cùng nhau anh lái xe cả nghìn cây số chúng nó ngồi sau tán chuyện chả đứa nào chịu đổi lái, ở nhà thì vợ anh nấu ăn cho 7, 8 thằng cao 1m9 ngồi chật bàn ăn đến cái đĩa cũng ko buồn dọn. Chỉ có duy nhất một thằng ý tứ quét hộ em được cái sân thì thằng đó lại vừa bị vợ bỏ. Thế mà bạn anh đến lần nào em cũng vui vẻ tiếp đón chả phàn nàn gì bao giờ.
Hai vợ chồng làm xong cái nhà, nợ ngân hàng ngập đầu vì số tiền dành dụm anh đưa cho bạn bạn ko trả lại. Về cuối, tiền túi cạn đến mức hai vợ chồng toàn phải lượn lờ ở IKEA từ sáng đến tối các ngày cuối tuần để mua sắm trang bị nốt những thứ còn thiếu, mặc dù em ghét đồ của IKEA. Không còn cả tiền để làm lưới chắn muỗi và child proofing cửa sổ. Anh lại hay bắt mở cửa sổ vì ko thích mùi đồ ăn nấu nướng (anh muốn ăn ngon nhưng ko thích bếp có mùi). Muỗi vào, cả đêm em lục đục vì bị muỗi đốt còn anh thì ngủ chóc ngóc từ tối tới sáng. Thế mà em cũng có nói gì đâu.
Anh mất tiền nghìn tiền triệu vì tin bạn thì anh im thít. Anh lục lọi trên Ebay mua cái xe đẩy cho con rẻ được mười mấy euro (tiền xăng 60 cây số cả đi cả về cũng quá tội) thì anh khoe ầm ĩ, bắt em khen anh giỏi. Lấy được cái xe đẩy rồi thì xe của anh, giữa đồng không mông quạnh xung quanh tối om sóng điện thoại ko tới nơi, ko nổ được máy. Xe của người ta lúc đề ko nổ máy ngay mới là chuyện lạ, còn xe cưng của anh, lúc nào đề mà nó chịu nổ ngay thì mới là chuyện lạ. Anh đi xe tậm tịt, mặc áo sơ mi 3 đô la làm cổ anh trông như cái bút chì, thế mà lúc nào anh cũng bắt em khen anh cool.
Em bảo anh rất chân tình rằng “anh yêu, anh đã thi được vào ngạch ngoại giao, thế là giỏi lắm rồi, có phải ai muốn cũng làm ngoại giao được đâu, thôi anh cứ tập trung làm ngoại giao cho giỏi, cuối tháng mang lương về cho vợ, đừng lao tâm khổ tứ tìm cơ hội đầu tư ra tiền nữa làm gì cho chóng già, em ko cần tiền”, thì anh khăng khăng “có cơ hội là phải nắm lấy, tiền phải đẻ ra tiền, với cả anh ko già”. Nói mãi ko được đến lúc em phải bảo “em cấm anh đầu tư mà ko được sự đồng ý của em, cứ lúc nào định kiếm tiền là thành mất tiền mà còn ko rút kinh nghiệm” thì anh dỗi, bảo em là vợ gì mà ko dịu dàng, lúc nào cũng như cái máy cày.
Chồng ơi, thôi từ giờ anh ko phải khen em xinh nữa, thậm chí anh bảo em xấu cũng được, miễn anh đừng bắt em khen anh là nhà đầu tư thông thái, người tiêu dùng thông minh, người chồng lý tưởng, người đàn ông toàn diện, em mà ko khen anh nhiệt tình thì anh bảo em vợ gì mà ko biết boost cái self-esteem của chồng.
Em khổ vì anh lắm ý chồng ạ.
Câu ranh ngôn ưa thích: the best way to revenge on the woman who took your man away is to let her keep him.

Tuesday, March 2, 2010

Giai Ý

Sáng qua đang đi dọc vỉa hè vẫy taxi thì tự nhiên có cái xe bus trờ tới. Cửa xe mở ra, anh lái xe hỏi “cô đi đâu?”, lắc đầu bảo “cũng trên đường này thôi nhưng tôi biết đoạn này ko có xe bus. Cám ơn anh”. Anh ấy vẫn khăng khăng “cô đi đâu tôi cho đi nhờ”. Nể anh ấy nhiệt tình nên mình đành lên. Chở mình đến tận cổng câu lạc bộ ngoại giao anh ấy đỗ lại cho mình xuống, lại lái ra giữa đường chắn cả giao thông cho mình sang đường, bị mấy cái xe phía sau phẫn nộ bóp còi bim bim.

Lúc đi về, đoạn đường đi bộ khoảng hơn một cây, có khoảng 7, 8 xe đỗ lại hỏi có cần đi nhờ ko. Có lúc thấy hai xe cùng tấp vào lề một lúc để hỏi. Có anh còn chạy hấp tấp theo bảo “xe tôi đỗ ngay đây cô có cần ko tôi chở cô”. Chồng cấm vợ đi nhờ xe người lạ vì “em ko biết chúng nó có thể bệnh hoạn tới mức nào đâu”.

Tại hôm nay trời ấm, mặc áo voan đen ra đường nên mới ra nông nỗi này đây mà.

Không chài giai nào dễ hơn giai Ý. Ăn mặc sexy một chút, phấn son một chút, đong đưa một chút, thế là chúng đã như những con thiêu thân lao vào bóng đèn.

Không giai nào galant hơn giai Ý. Khi date giai Ý, bạn có cảm giác mình như một bà hoàng, được chăm sóc, đưa đón, cung phụng và ca tụng ko tiếc lời. Họ bảo bạn xinh đẹp, thú vị, thông minh, nói chung hoàn hảo và hơn hết, đặc biệt đến mức họ chưa gặp người con gái nào ấn tượng như bạn. Họ nhìn ngắm bạn với một ánh mắt làm cho bạn dù có là người đa nghi nhất thế giới thì cũng ko thể nghi ngờ rằng họ đã kết bạn nổ đĩa. Nếu chuyện ko thành thì cũng chỉ vì số phận ko cho thành, chứ ko phải vì họ chê gì bạn.

Nhưng không giai nào bạc tình hơn giai Ý. Mặn nồng âu yếm tưởng ko thể hơn được hôm nay, ngày mai là đường ai nấy bước. Thấy giai Ý biến mất thậm chí ko lời từ biệt mà bạn còn ngây thơ gọi hỏi lại “mình mật thiết thế rồi giờ thế nào nữa hở anh?”, hoặc “em ko hiểu?” thì bạn chỉ tổ chuốc lấy sự bẽ bàng cho mình. Hoặc nếu bạn tưởng những lời có cánh ấy chỉ dành riêng cho bạn vì bạn đặc biệt hơn người khác, thì khi bạn nhìn thấy mắt họ đắm đuối nhìn người khác bạn chỉ tổ chuốc lấy thương đau vỡ mộng cho mình. Hoặc nếu bạn đã từng mật thiết với họ mà một thời gian sau gặp lại họ ko nhớ mặt bạn thì cũng chả nên vì thế mà ngạc nhiên, bạn ko là gì cả và họ chỉ có thế thôi, easy come easy go.

Cũng không có giai nào khó trói hơn giai Ý. Giai Ý có thể yêu bạn cuồng nhiệt, quỳ mọp dưới chân bạn, hôn gấu váy bạn đắm đuối, đơn giản chỉ vì văn hóa của họ thờ phụng đàn bà, chứ còn một mối quan hệ nghiêm túc với happy ending thì lại là chuyện khác ko liên quan. Họ yêu ai cũng cuồng nhiệt bay bổng thế cả, và muốn tự do để có thể cuồng nhiệt bay bổng như thế mãi.
Tóm lại, nếu bạn yếu tim và là người thích sự nghiêm túc, đứng đắn trong quan hệ, tốt nhất đừng mất thời gian với giai Ý, bất kể mã chúng hào hoa đến đâu, và xin lưu ý chúng thường rất hào hoa.