Saturday, September 29, 2012

Nouveau riche

Con bạn độc thân đang ráo riết tìm chồng hỏi mình “nếu mày còn độc thân thì mày có thử với a local guy không?”. Bảo “Không, tao cần rất nhiều thứ ở đàn ông, không chỉ mỗi tiền. New money tao lại càng không thích”.

Trong một entry lâu lâu nào đó khi mọi người than về tình hình khoe hàng thể hiện ở VN, mình có bảo cứ từ từ, tiền mới có nên thế là rất thường.

Xã hội Ả rập UAE chính xác là một xã hội mới giàu kiểu như ở nhà, quy mô lớn hơn nhiều nhưng bản chất thì y hệt.

Biểu hiện đầu tiên là thích đồ điện tử. Điện thoại đời mới, máy ảnh, Ipad, Kindle, phải sắm tuốt cho đủ, có cái gì mới là phải cuống lên sắm ngay không sợ người chê ta không sành điệu. Đi đến đâu cũng giơ điện thoại ra chụp, ngồi ở đâu cũng hí húi điện thoại.

Biểu hiện thứ hai là giày váy túi vv. Ra ngoài đường thấy các bà các cô trùm kín mít từ đầu đến chân 100% khoác túi sành điệu. Chỉ nhìn túi mà nhận ra người. Thế nhưng chẳng biết xếp hàng là gì. Xí được chỗ của người khác, đã chẳng thấy có vẻ gì là ngại ngùng, mặt mũi lại còn có vẻ mừng húm vì đã nhanh chân xí được.

Biểu hiện thứ ba là xe đẹp. Xe đẹp chạy ngoài đường như mắc cửi. Vào những giờ nhất định, trên những con phố nhất định, tại những địa điểm nhất định, các chàng trai mặc dishdash cưỡi xe đẹp lượn qua lượn lại, nổ máy rất to, thậm chí xe dừng một lúc lâu rồi mà máy vẫn nổ phành phành. Có lần tại một quán bar, mình thấy mấy chàng local dẫn ra cửa mấy em son phấn nồng nhiệt váy ngắn không thể ngắn hơn, các em nhìn thấy xe chàng đỗ ngay đấy thì thốt lên bằng một giọng tiếng Anh pha accent Nga ngố “wow, anh lại mới đổi xe à?”, chàng không giấu nổi vẻ sung sướng tự hào trả lời tắp lự “Yes”, trong khi các em líu ríu níu váy trèo vào xe.

Trong hạng mục xe đẹp phải kể đến thói quen thích SUV. Được cái xăng bên này rẻ hơn nước lã, theo đúng nghĩa đen, nên 1 SUV chứ vài SUV cũng không có vấn đề gì. Vấn đề ở chỗ dùng SUV kéo thuyền ra biển chơi, mang theo nước để uống, xong lại SUV kéo thuyền về, để lại sau lưng hơn chục cái vỏ chai nằm chỏng chơ trên bãi cát.

Đi kèm với xe đẹp là biển đẹp. Dân bên này khát biển đẹp. Đi ngoài đường nhìn biển xe thì biết tầm cỡ chủ nhân. Quy tắc là biển càng ít số thì càng có giá. Biển số 1 là biển của người đứng đầu tiểu vương quốc. Các thành viên trong hoàng tộc đi xe biển chỉ có một số. Sang hai số là cỡ quan chức cấp cao trong chính phủ gì đó. Ba số thì cấp thấp hơn. Giới ngoại giao đi biển  riêng, số 1 số 2 dành cho người đứng đầu cơ quan ngoại giao và gia đình, tiếp sau đó mới đến các nhân viên khác trong cơ quan ngoại giao. Dân thường đi xe biển nhiều số. Trong hạng mục biển nhiều số, ai bỏ nhiều tiền thì có biển đẹp. Đi xe đẹp thế, gắn biển đẹp thế, mà chẳng biết thế nào là luật giao thông. Tạt trái tạt phải cứ như đang cưỡi lạc đà phóng giữa sa mạc không người.

Rồi họ bắt đầu đi du lịch. Nhưng đặc trưng của nouveau riche là đi du lịch để mua sắm, chứ chẳng màng gì tới văn hóa hay phong cảnh. Đến những địa điểm thăm quan bằng mọi giá chụp cái ảnh lưu niệm về cho mọi người xem. Địa điểm ưa thích của họ là London, Milan, Rome. Xa hơn nữa, đi vào những làng mạc đẹp tuyệt vời của Ý mỗi tội không có shop thời trang hàng hiệu, là họ chịu. Nói chuyện với 10 người thì đến 9 người như thế.

Đấy, kể qua thế để các bạn thấy đó là tâm lý rất bình thường của con người chứ chẳng phải VN ta thế nọ VN ta thế kia.

PS: lại quay trở về chuyện tìm chồng của con bạn, mình bảo nó “lý tưởng nhất là tìm được thằng giàu có nòi, những thằng này vừa giàu vừa nhã. Tiếp đến là thằng lớn lên từ cơ hàn nhưng giờ có tiền, nhưng với điều kiện nó không phải lao tâm khổ tứ quá để kiếm tiền, vì những thằng như thế coi tiền to hơn người. Trong mọi trường hợp tránh những ông quý tộc hết thời, những ông này tiền không có nhưng thói quen thì vẫn sang trọng, mày lấy về là hầu mệt”.

Wednesday, September 26, 2012

Linh tinh

Một hôm, mở tủ định lôi áo đen ra mặc như thường lệ. Tự nhiên rùng mình, cất vội vào. Sắc mặt dạo này xấu, chỉ tưởng tượng mặc áo đen thôi đã thấy hoảng hốt, mặc hẳn vào nữa thì chưa biết ra sao???

Da mình nâu nhưng là nâu sáng chứ không nâu xỉn. Thế nên hầu như màu nào mình cũng mặc được, bất kể là màu mạnh hay màu pastel, hay hoa hoét, mặc dù mình 10 ngày thì 9 ngày thấy mặc màu đen. Hoặc có thể mặc chẳng được nhưng mình cứ mặc, chết ai đâu.

Đang nói chuyện dạo này sắc mặt xấu, không hiểu có phải đi sự kiện liên miên nên thiếu ngủ, cộng thêm stress, cộng thêm bệnh chán ăn, cộng thêm trời nắng gắt, mà màu da xấu hẳn đi chứ không khỏe khoắn như thường lệ. Bình thường mình dùng rất ít mỹ phẩm. Chủ yếu là kẻ mắt bằng chì đen, chấm hết. Nếu phải dự sự kiện nào đó thì thêm tí kem nền, tí son, mascara, tí phấn má, cái gì cũng chỉ một tí cho gọi là có. Thế mà một lần, thay vì lấy một lượng kem nền chỉ bằng hạt đỗ xanh là đủ bôi khắp mặt, mình phải bôi trát tới 3 lần mới che được làn da xám xịt. Hận quá.

Mình trông thế thôi nhưng thuộc thể loại giản dị, tóc tai chẳng rườm rà kiểu cách bao giờ, móng tay móng chân không sơn vẽ, mặt mũi trang điểm tối thiểu. Nói chung cái gì tối thiểu được là mình tối thiểu luôn vì lười như hủi, thích tự do chứ không thích bị lệ thuộc vào cái gì. Gì chứ làm đẹp mà lại thành nô lệ của việc làm đẹp, hoặc thời trang mà lại thành nô lệ của thời trang, thì mệt chết đi được. Nhưng mà, có tối thiểu mãi được không nhỉ?

Ảnh: tối uống hơi nhiều nên mặt lại hồng hào và mọng lên, che được cái màu xám xịt hốc hác thường lệ. Vợ hào hứng bảo chồng “thế có lẽ em nên uống rượu nhiều hơn để trông em xinh hơn”, làm chồng lại hốt hoảng.

Nhân nói chuyện xấu đẹp, hôm qua hóng được một bài hình như có nhan đề Sao Việt xấu nhất tuần, nhà báo mở đầu bằng một câu danh ngôn, lại dịch như sau “đàn ông tốt như họ phải, đàn bà xấu như họ dám”. Đọc câu này thì có thể đoán câu tiếng Anh đại loại như sau “men are good like they must (be), women are ugly like they dare”. Nhiều người cứ tưởng chỉ cần biết tiếng Anh là dịch được. Thực ra muốn dịch từ Anh sang Việt, người dịch phải rất rành rẽ tiếng Việt thì câu văn dịch ra mới nghe đủ độ Việt, chứ như cái câu trên kia nghe thật tréo ngoe. Câu trên có nghĩa rằng Đàn ông phải tốt đến đâu thì mới tốt đến đó, đàn bà dám xấu đến đâu thì mới xấu đến đó, thì chỉ cần dịch gọn thành “Đàn ông buộc phải tốt thì mới tốt, đàn bà muốn xấu thì mới xấu”, là đã đủ nghĩa.

Ngày xưa thầy giáo dạy dịch của mình mà nghe đứa nào dịch “anh ta quá tốt để có thể hiểu được tại sao cô ấy làm vậy” thì thầy chửi cho vuốt mặt không kịp vì câu dịch không ra văn Việt. Gặp cấu trúc “too…to” kiểu thế thì phải dịch thành “nó tốt quá nên không hiểu được tại sao con bé đó lại làm vậy đâu”. Tương tự, gặp tay nhà báo rape tiếng Việt như ở trên chắc thầy mình dùng chổi hót ra đường.

Tuesday, September 25, 2012

Lộn xộn

 
Ngồi chờ ở phòng chụp cộng hưởng từ.
Xung quanh mình có mấy đứa trẻ trông rất ốm. Chúng nó đều nhợt nhạt, mắt dại, điệu bộ lờ đờ, tóc và lông mi rụng hết cả. Chắc vừa trải qua xạ trị.
Gần đây có lưu truyền trên mạng một tấm ảnh mà nhìn qua qua thì thấy như là một đội cứu hộ moi lên được xác một bà mẹ ôm chặt đứa con, vùi sâu trong đất sau trận động đất tại Nhật. Thú thật là mình ko đủ can đảm click vào để xem ảnh to hơn, hay xem bài báo viết gì.
Hồi lâu lâu ở Ý rộ lên một vụ bố chở con đến trường thế nào mà quên con bé con 3 tuổi ở trong xe, xe đỗ ngoài trời dưới cái nắng nóng mùa hè. 5 tiếng sau nhớ ra thì con bé đã hôn mê sâu, não chảy máu, đưa vào viện được hai ngày thì tắt thở, ko tỉnh lại lần nào. Mấy tháng rồi mà mỗi lần vào xe lại nghĩ đến con bé con xấu số kia. Mình ngồi trong xe đóng kín chưa kịp nổ máy bật điều hòa, chỉ khoảng 1 phút thôi mà đã cảm thấy ngạt thở. Thế mà nó đã bị giam như thế suốt 5 tiếng đồng hồ. Lại có cảm giác ko chịu nổi.
Từ hồi có con đâm sợ tất cả những tin bài liên quan đến việc trẻ bị bạo hành, tai nạn, thiên tai, đói khát, chia lìa vv và vv. Đọc những tin ấy cảm giác rất khó tả. Căm giận? xót xa? kinh tởm? buồn nôn? phẫn nộ?. Không biết. Mình vốn là người ngại ngùng với những từ bi lụy. Thế nên cứ gặp những tin bài kiểu này là mình lảng, coi như một kiểu đà điểu rúc đầu xuống cát thì ko thấy kẻ thù. .
Thế mới thấy, được sinh ra trên đời này lành lặn mạnh khỏe, và ko phải chịu nạn chia lìa mất mát với những người mình yêu, đã là một diễm phúc quá lớn.
p.s Một chị bạn mình cách đây mấy tháng nói với mình “em biết không, trời ko cho ai tất cả. Thế nên chị rất lo cho em, vì em được nhiều thứ quá. Giá chồng em không tốt, hoặc em chỉ sinh con một bề, thì chị lại đỡ lo cho em hơn”.
Nhưng mà mình may mắn hơn đời thật hay mình đơn giản chỉ lạc quan hơn đời?

Saturday, September 22, 2012

Chị bếp, anh xe, bà vú và Mohammed

   

Nhân sự trong nhà đã sắp đặt xong:

Buổi sáng bà vú Nuôi mặc quần áo cho bọn trẻ, chị bếp chuẩn bị đồ ăn, sau đó bà Nuôi cùng anh xe đưa trẻ con đi học. Chị bếp ở nhà phụ trách việc mua đồ ăn, nấu ăn và giặt là.

Bà Nuôi cho Lê La đi học xong quay về thì vừa trông Anna vừa làm mấy cái giường và dọn dẹp phòng ngủ.

Anh xe đưa đón trẻ con và đưa đón mình. Giai có lái xe riêng của giai ở văn phòng. Khoảng chục ngày nữa anh xe sẽ bắt đầu tới làm.

Cậu làm vườn Mohammed chiều đến tưới cây, làm cỏ vườn, cắt cành khô. Thực ra mình chẳng cần Mohammed đến hàng ngày vì có thể bảo cậu lái xe tưới vườn nhưng chẳng nỡ cho Mohammed thôi việc nên thôi cứ để cậu ấy đến làm.

Lau chùi nhà cửa hàng tuần mình thuê công ty dọn dẹp đến hai lần lau chùi toàn bộ, còn lại hàng ngày thấy cái gì bẩn bà Nuôi và chị bếp phải lau dọn. Bà Nuôi phụ trách trên tầng, chị bếp phụ trách dưới tầng trệt. Khi nào có buổi ăn tối nhiều người, anh xe phải mở cổng cho khách và phục vụ phần đồ uống, mình sẽ thuê người bên ngoài theo giờ đến phục vụ phần đồ ăn mà chị bếp nấu. Những buổi ăn tối nho nhỏ thì mình chị bếp đảm nhiệm là ổn.

Anh xe, chị bếp ở dãy nhà phía sau. Bà Nuôi ngủ trên nhà cùng phòng Anna.

Thế, phân công công việc rõ ràng, nhà cửa đã đâu vào đấy, mọi việc vào guồng rồi cứ thế mà chạy trơn tru.

Tưởng thế là xong nghĩa vụ, nhưng...

Hôm đầu tiên, bà Nuôi dìm hàng chị bếp, chị bếp dìm hàng Mohammed, Mohammed thấp cổ bé họng mặt cứ nghệt ra. Hôm sau mình ngồi nói chuyện với cả hai bà, yêu cầu phải sống chung hòa thuận và phải cư xử như những người tốt bụng. Xong rồi chỉ thấy chị bếp đỡ, còn bà Nuôi vẫn cứ cư xử như địa chủ. Tiếng Anh không nói được một chữ  mà lại cứ chê chị bếp dốt nói mãi không hiểu. Hôm qua mình thấy chị bếp đang gọt dưa chuột thì bà Nuôi vào chỉ trỏ xì xồ toàn tiếng Việt “dì ra đây tôi bảo, ra đây tôi bảo, bỏ xuống, tôi bảo bỏ xuống”, vừa nói vừa lấy tay ấn tay chị bếp xuống ra ý bắt bỏ quả dưa chuột đang gọt dở ra. Chị bếp đành buông quả dưa chuột, ngơ ngác chẳng hiểu mô tê gì, vừa may thấy mình đi vào “cô ơi, bà ý định nói gì vậy tôi ko hiểu?”.

Sáng qua, nghe bà Nuôi bấm máy giặt loạn xạ trong phòng giặt, mình chạy vào xem, y như rằng thấy bà Nuôi đã để mức nước giặt nóng 60 độ. 4 năm nay mình nói mỏi mồm mà lần nào kiểm tra là lần nấy thấy giặt nóng 60 độ, đồ cotton co ngắn tũn hết cả và màu nọ lem sang màu kia. Lần nào nói thì bà Nuôi cũng chối “không co, tôi thấy có co gì đâu, tại máy không tốt” hoặc “tôi để mát nhưng máy tự nhảy lên nóng”, lần này không chối được vì mình vào ngay thì lại bảo “tôi phải giúp chứ bả kia bả làm ăn không được, đợi bả đến bao giờ”.

Còn sáng nay, chị bếp đang là quần áo, bà Nuôi đi vòng quanh săm soi “, phải làm thế này, thế này, trời, bả ủi thế này thì chết”, đến mức mình phải bảo “cô đi làm việc của cô đi cô, để yên cho chị ấy làm việc của chị ấy”.

Mình thương con mình và cũng thương bà Nuôi mà cho bà ấy ở lại, chứ không mình thuê chị bếp nấu ăn và giặt là, thuê thêm một người vừa trông trẻ vừa lau chùi dọn dẹp vừa biết tiếng Anh, thì tiết kiệm hơn và đỡ đau đầu cho mình bao nhiêu.

Thursday, September 20, 2012

At 9 I f…k

Cách đây mấy năm mình thường nổi đóa lên mỗi khi ông cứ kế hoạch này nọ rồi cuối cùng chẳng thèm làm. Đến mức mình phải chua chát kết luận “người ta đặt ra kế hoạch để làm, còn anh đặt ra kế hoạch để không làm”. Ví dụ, tối hai vợ chồng đồng ý với nhau là sáng hôm sau 9h sẽ cho con đi chơi. Ông cũng đồng ý với mình là nên đi 9h cho sớm, cho lũ con chơi thoải mái rồi đi ăn, rồi nếu buồn ngủ thì về, nếu không thì chơi tiếp. Đã kế hoạch thế thì mình phải dậy đúng giờ, cho con ăn, chuẩn bị ba lô sữa, nước, đồ ăn, thậm chí cả quần áo dự phòng lạnh hoặc bị bẩn phải thay mới. Thế mà mình chuẩn bị cứ chuẩn bị, ông ngủ cứ ngủ. Mình cũng không vội, ông chuẩn bị mỗi cái thân ông, quần cụt áo phông, thì mười phút là xong chứ gì. 9h kém 15 gọi ông, ông mắt nhắm mắt mở thều thào bảo 10 phút nữa hãy gọi. Kiên nhẫn chờ đúng 10 phút nữa mới gọi, ông ngóc đầu dậy nhìn quanh ngơ ngác, ừ một tiếng yếu ớt rồi lại nằm vật xuống ngủ như chết. Mình đợi mãi mà chẳng thấy ông có dấu hiệu gì tự tỉnh dậy thì lại phải gọi nữa. Con thì nóng ruột muốn đi chơi cứ nhảy như choi choi. Nếu muốn ông dậy để đi cho sớm thì phải kêu gào giục giã và chắc chắn bị ông càu nhàu em cứ over excited, tức là tính tình cứ sốt sột. Còn nếu cứ dịu dàng tâm lý nhỏ nhẹ chờ đợi thì đảm bảo 11h mới ra khỏi nhà, tức là con sẽ sốt ruột khóc lóc inh ỏi vì chờ lâu quá. 11h mới đi, đến nơi thì ăn là vừa, ăn xong buồn ngủ đi về là vừa, chơi bời gì. 11h là còn may, vì rất có khả năng ông sẽ bảo “thôi, muộn rồi, để hôm khác đi”. 

Hồi chuyển từ Hà nội sang New York, ông cứ bảo mình đợi ông có thời gian sẽ treo tranh, chứ thuê người bên này đắt lắm. Mình ngây thơ đợi mòn mỏi. Đúng 6 tháng kể từ ngày container đến, mình giục giã năn nỉ mỏi mồm, tranh vẫn nằm ở xó nhà vì ông bận lắm, bận làm việc, sau làm việc thì bận ăn tối, bận xem phim, bận gặp bạn, bận đi chơi, nói chung là vô cùng bận, cả ngày cứ chạy vòng quanh như con mèo đuổi cái đuôi.

Năn nỉ thuyết phục nhẹ nhàng thì “anh hoàn toàn đồng ý với em” nhưng không làm. Quát lên và ra lệnh thì vừa cuống lên làm vừa càu nhàu “đàn bà gì mà cứ như cái máy cày”.

Sau nhiều lần điên tiết thì mình tự nhận ra chân lý: đợi ông thì còn khướt, càng đợi càng khướt, mình cứ phải việc mình mình làm. Từ đó, “anh yêu, ngày mai 9h sáng em cho con đi chơi. Anh đi cùng thì tốt quá, không cũng không sao, em cho con đi một mình”. Hôm sau, đúng 9h sáng mình mở cửa dắt con ra, có người cuống cuồng vừa chui đầu vào áo vừa lạch xạch chạy theo vừa quên giận vì còn đang mải mừng không bị vợ con bỏ ở nhà.

“Anh yêu, tối nay đúng 7h30 thợ đến treo tranh. Em đã chọn các vị trí cho từng tranh. Anh thay đổi gì cũng được nhưng phải về trước 7h30, nếu không em sẽ làm theo ý em”. Ông loạn lên “nhưng treo tranh là một việc quan trọng, anh cũng muốn quyết định, sao em chỉ báo trước có vài tiếng, tối nay vợ chồng mình còn phải đi ăn tối, họ vừa báo anh”. Càu nhàu thế nhưng 4h30 ông mò về. Phải mò về vì biết tính vợ đã nói là làm.

Tóm lại, tối qua thợ treo tranh và làm việc lặt vặt xong ra về lúc 1h đêm. Sau đúng một tuần từ ngày container chuyển đến, tất cả đã đâu vào đấy. Cả nhà chỉ còn lại khoảng chục hộp toàn đồ đồng nát của ông. Vợ bảo “anh yêu, em rất muốn xếp hộ anh nhưng em mà đụng đến mấy cái hộp đấy là em chỉ có vứt hết, thế nên anh phải thu xếp thời gian để làm”.

Nào chúng ta hãy cùng chờ xem nếu không nhắc nhở giục giã bao giờ chục cái hộp kia sẽ có diễm phúc được ngài đụng tới.

PS: lại nói chuyện cứ phải việc mình mình làm chứ ko hơi đâu chờ đợi, mình nhớ ra một chuyện đọc từ ngày xưa: hai vợ chồng trẻ vừa cưới nhau, anh chồng nghe lời bạn “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” nên ra luôn một loạt điều kiện “em yêu, thứ hai anh đi nhậu cùng hội cơ quan, thứ ba anh đi cùng lớp cấp 3, thứ tư anh đi cùng lớp cấp 2, thứ năm anh đánh tennis, thứ 6…”. Chưa kịp nói hết thì cô vợ cắt ngang “anh yêu, at 9 I f..k, with whoever is there/ cứ 9h tối là em f..k, có ai em f..k người đấy”.

Sunday, September 16, 2012

Container yêu quý

    

Ôi container đã đến rồi đây, container yêu quý. Container đến chiều hôm thứ năm, từ hôm đó đến nay bò ra dọn dẹp. Đến hôm nay số thùng hộp đã chất thành đống ngoài cổng. Cánh tay mình từ khuỷu tay trở xuống xây xước và đứt te tua, ngón tay đau nhức vì mở thùng và mở giấy bọc đồ nhiều quá.

Mọi người ai cũng bảo mình sướng. Sướng thì chắc cũng sướng thật, ví dụ con khỏe con ngoan, chồng ngoan, yêu thương vợ con, lại nuôi được cả gia đình. Nhưng mọi người chỉ thấy cái sướng mà chẳng thấy cái khổ của mình. Ví dụ, chiều thứ năm công ty vận chuyển chở gần 400 thùng đồ đến, ông hứa ông về lúc 4h30 để giúp vợ mà 6h30 cũng chẳng thấy. Vợ một mình phải hướng dẫn gần chục cậu thợ mang từng thùng để vào phòng nào trong nhà. Chúng nó khuân thùng kìn kìn vào, hỏi nhâu nhâu, vợ cuống cuồng trả lời vì sợ chúng nó đã vác nặng lại còn phải đợi mình nghĩ. Đã thế có cậu thợ người Ấn, muốn hỏi “kitchen? Tức là “cái này để vào bếp à?”, thì lại cứ hỏi thành “chicken?”.

Đợi mãi không thấy tăm hơi vợ đành réo ông. Ông bảo 5 phút nữa ông khóa cửa văn phòng rồi ông về. Ông đủng đỉnh suit vắt vai về đến nơi thì chỉ còn kịp chào tạm biệt hội thợ.

Sáng thứ bảy, công ty vận chuyển lại cử 4 thợ đến giúp vợ mở thùng và lắp ráp bàn ghế. Vợ chưa kịp bảo gì thì ông đã bảo sáng thứ bảy ông có họp. Ông họp xong vác cặp và một đống tài liệu về nhà, vợ chưa kịp mừng vì giờ đã có người trông giúp nhà trên cho vợ đỡ phải chạy lên chạy xuống, thì ai ngờ ông điện thoại từ lúc về đến lúc đi. Ông đi mua xe. Xe cộ đâu có phải là vấn đề cấp thiết đâu mà cứ lồng lộn lên làm như không mua thì chết đến nơi không bằng. Đã thế lúc chạy tót ra khỏi nhà như ma đuổi ông còn ngoái lại dặn vợ “em yêu, chúng ta phải làm thế nào để hội thợ này phải lắp tử tế, chứ mình cứ quay đi một cái là chúng nó làm ẩu”. Vợ bảo “anh yêu, khi anh nói CHÚNG TA ý anh là MỖI MÌNH EM thôi đúng ko?”. Ông im thít tót đi mất.

Đã thế một lúc sau vợ lại nhìn ra đống tài liệu ông họp xong mang về vứt đánh xòe một cái trên mặt bàn, nhà cửa đã bừa bộn thì chớ.

Lần này chuyển đồ thiệt hại đáng kể: bộ bát đĩa quý vỡ một chiếc, một tranh vỡ kính, một tranh mẻ khung, một tranh khác bị vỡ góc khung bọc đồng, một bàn gẫy chân, một bàn thiếu chân, giá sách bị móp một miếng, giường mất toàn bộ ốc vít nên không lắp được. Phải chụp ảnh lại để còn đòi bảo hiểm bồi thường. Từ sáng đến chiều chạy như con thoi lên xuống cầu thang, hai chân đau nhức. Đã thế còn phải gọi điện thoại lôi ông về để còn đi mua đồng phục cho con. Đồng phục trường con xấu điên, con trai còn đỡ chứ con gái thì mặc váy như bà bầu, giày thì như hai cái bánh mỳ.

Lại thêm con Anna. Mình đứng từ xa thấy nó ngồi xổm giơ tay đập đánh bẹt một cái xuống đất, y như lúc nó giơ tay đập kiến. Tưởng đập con gì ai ngờ thấy khóc ré lên. Chạy lại, hóa ra chị gái đập phải cái đinh đầu tròn, được mẹ bế lên “tại sao bé lại đập cái đinh thế bé?” thì chị gái mồm vừa khóc tu tu vừa giải thích “mamma, nó chạy, nó chạy”. Cái đinh đầu tròn vừa văng từ gói đồ ra, lăn tít thò lò trên sàn. Anna ngố nhà ta tưởng con gì chạy nên giơ tay đập. Bàn tay vừa đen vừa béo thủng một lỗ mẹ lại phải lấy nước sát trùng rửa cho. Ngố quá, mẹ thương mẹ thương. Cũng may chị thư ký của giai đến đón bọn trẻ con đưa đi chơi cả ngày nên mình cũng đỡ.

Ảnh: má vàng vì ngã, trán tím vì ngã, mấy hôm sau lại thêm tay thủng vì đập đinh.

Wednesday, September 12, 2012

Đời thật là khó sống

Hôm nay ngồi nghĩ mới thấy đời thật là khó sống.

Mặc linh tinh ra ngoài đường thì người ta tưởng mình là giúp việc. Mặc tử tế ra ngoài đường thì người ta tưởng mình là cave. Bên này cave và giúp việc đều nhan nhản ra. Cave chân dài tóc vàng ngực khủng thì là cave Nga, hạng sang. Cave châu Á thì là cave hạng xoàng. Đấy, lại còn bị tưởng là cave hạng xoàng.

Mặt mũi dạo này thật là hốc hác. Mắt trũng sâu xuống. Mà nó trũng ở dưới thì còn đỡ, đây nó lại trũng ở trên thì phải làm sao? Giá mà cái chỗ mắt ấy nó đầy đặn lên tí như hồi trẻ thì có phải hay bao nhiêu không. Nhưng vấn đề ở chỗ cái chỗ hốc mắt đấy nó mà đầy đặn lên thì mũi lại thành tẹt. Nó trũng xuống như này thì mũi còn có vẻ cao lên một tý.

Một nàng đến phỏng vấn giúp việc, nhìn thấy mình nàng cười phe phé “ôi tôi còn to cao hơn cả cô. Trong đời đi giúp việc của tôi thì tôi toàn nhỏ hơn bà chủ, cô là người đầu tiên nhỏ hơn tôi”. Nàng này có kinh nghiệm giúp việc hơn 20 năm . Nàng phỏng vấn xong đến tối còn nhắn tin “madame ơi tôi thật sự thích madame quá”. Mình thì vẫn đang suy nghĩ nên cho nàng đậu vì đức tính thật thà hay rớt vì cái tội thật thà. Chưa kể mình lùn thì lùn thật nhưng nàng còn lùn hơn, nàng đứng chưa tới tai mình nhưng chắc to ít nhất gấp đôi. Nói chuyện này lại nhớ tới bà Nuôi. Bà Nuôi thấp hơn mình và to gấp 4 lần là ít nhất, thế mà lại cứ chê mình lùn. Nói chuyện bà Nuôi lại nhớ ra chuyện một cô giúp việc cũ. Cô ấy cao khoảng 1m rưỡi, có khi ít hơn, và rất hay bảo mình “cháu cô nó giống gen cô nên nó cao, chứ giống ông chồng cô thì lại lùn”.

Mình cũng cao khoảng một mét bẻ đôi, thế mà toàn bị hỏi “chị là người mẫu à”. Trả lời “Mẫu gì mà cao nửa mét như tôi” thì lại bị bảo “chị ko phải là người mẫu catwalk nhưng chắc chị là người mẫu ảnh?”. Hồi ở Rome, mình khệnh khạng đi vào bệnh viện, con bé y tá hỏi “chị là người mẫu à” làm mình đang khóc nước mắt tèm lem phải dừng khóc phá lên cười. Hôm nay, trong một buổi ăn trưa, mình mới đến, chưa quen ai, vừa ngồi xuống một chị bên cạnh đã quay sang hỏi “chị làm người mẫu à”. Phu nhân tổng lãnh sự Jordan. May mà sau đó chị ta không hỏi tiếp “chị ko làm mẫu catwalk nhưng chắc chị làm mẫu ảnh”. Dạo này mình xuống phong độ quá, mặt lại càng quắt lại, chụp ảnh mặt mũi vêu vao xấu không tả được. Thế đã hết vận hạn đâu. Hôm nọ có người gửi đến nhà tặng mình hai sọt xoài. Mình gửi một sọt cho nhân viên của chàng, sọt kia tham lam giữ lại nhà. Xoài thơm lừng và ngọt lịm mà bố con nhà kia chê, bà N chén vài quả rồi lảng, mình tặc lưỡi ăn dần. Ăn xoài cật lực đến ngày thứ 3 thì mặt nổi đầy mụn, mà oái oăm hết sức là nổi đúng một nửa mặt, lại đúng cái nửa mặt đỡ xấu hơn cái nửa kia. Mặt mình nửa trái lại khác nửa phải, trong đó có một nửa đỡ xấu hơn nửa kia. Thế, cái nửa mặt đỡ xấu, niềm hy vọng của miềng, giờ lại nổi toàn mụn, mà mình dừng ăn xoài mấy tuần nay rồi sao mụn nó ko hết đi cho mình nhờ???

Mình ngồi than “anh ơi, mặt em một nửa xấu hơn nửa kia anh ạ”, thì bị ngài chẳng an ủi gì đánh ngay cho một câu “anh nghĩ em soi gương ngắm nghía bản thân nhiều quá nên mới nảy ra ý nghĩ đó”.

Haiz, đời toàn chuyện trớ trêu ngang trái .

Tuesday, September 11, 2012

Tuyển tập Bình Nguyên (phần 79)

    

Hôm nọ mẹ phải chi tiền mua cho ông con trai một loạt đồ đá bóng chuyên dụng. Mặc quần đùi áo phông cotton bình thường, lúc đá bóng chạy hăng quá chảy mồ hôi, cơ thể bị lạnh một cái là dễ ốm trong khi mặc quần áo chuyên dụng thì mồ hôi chảy ra sẽ bị thấm ra ngoài, giữ cơ thể khô và ấm, nhất là ở đây ngoài sân bóng toàn bật điều hòa rét run. Giày dép cũng phức tạp vì đá trên nền cứng thì phải một loại giày khác, đá trên cỏ thật lại một loại giày khác, đá trên cỏ giả lại một loại giày khác. Riêng cỏ giả thì hình như lại còn chia làm hai loại dài và ngắn vv và vv. Phải mua đúng loại giày để giảm thiểu trượt ngã. Mẹ mua cả hai miếng bảo vệ xương cẳng chân, chứ không gẫy một cái lại khổ mẹ. Mẹ rút ví trả tiền, than thở “Nuôi Lê hơi bị tốn Lê nhé”, ông nhe răng hôn mẹ chíu chít.

Đội hình đá bóng một mười một tịt, con mình mới 6 tuổi rưỡi lại còn bé tí tẹo so với tuổi, toàn đứng ngang rốn mấy thằng to vật vã 11, 12 tuổi, thế mà chạy hăng phết, mặt mũi đỏ như gà chọi, chốc chốc lại thấy có thằng ngã hự một phát. Ông con mình ngã mấy bận, lăn lông lốc một đoạn dài mà lại thấy bật dậy như thường mới tài. Mình mà lăn như nó chắc phải ra sân bằng cáng.

Ông con trai ham mê đá bóng và công bằng mà nói ông đá giỏi. Rất nhiều lần mẹ nghe mấy phụ huynh khác hỏi nhau “thằng bé kia là con ai mà đá giỏi thế”. Nhiều lần cuối buổi mấy phụ huynh đi qua chỗ mẹ còn bảo “thằng bé chơi khá lắm”. Huấn luyện viên ở Rome và giờ là ở Dubai đều khen ngợi. Mẹ thích nhìn con trai chơi bóng. Con trai hăng hái, quyết tâm, không bao giờ đẩy hay ngáng người khác, thậm chí bị chơi bẩn cũng không trả thù. Mẹ biết con trai mẹ sẽ thành một người lương thiện. Mẹ chỉ cần có thế. Mẹ không chắc hai con kia có trở thành người lương thiện hay không, con La thì có thể nhưng con Na thì mẹ rất ngờ.

Con trai đá bóng toàn tiền đạo ghi bàn thế nhưng hát múa thì đứng tít phía sau. Cả 3 năm ở Rome tổng cộng là 6 lần hát múa cuối học kỳ thì hình như cả 6 lần đều đứng phía sau, chụp ảnh chẳng bao giờ thấy. Mẹ đang tự hỏi sao ông đã lùn nhất lớp cô lại toàn cho đứng ở vị trí tịt, thì một lần thử nghe ông hát mẹ đã hiểu ra. Trời ơi, hát bắn nước bọt ầm ĩ và sai nhạc hoàn toàn. Mẹ than thở với bố ông “không ngờ gene hát sai nhạc lại di truyền” và bị bố ông dỗi. Con gái, trái lại, ngay từ lần biểu diễn đầu tiên đã đứng ngay hàng đầu, chính giữa, ngay trước cái micro, giọng thanh thanh hát nheo nhẻo, hai cái chân gầy gầy nhún nhẩy, hai cái tay khẳng khiu tong tẩy.

Ông con trai đúng gene Ý, cả ngày chỉ toàn bóng đá, đàn bà, xe tốc độ và chăm chút cho diện mạo đỏm dáng. Sáng nay thấy ông hỏi bố “bố ơi tại sao bọn đàn bà chúng nó lúc nào cũng thích xinh đẹp, được đàn ông yêu, ngay cả khi chúng nó già, hả bố?”. Bố ông bảo “ra mà hỏi mẹ”.

Hồi còn ở Rome, có lần mẹ đến lớp nói chuyện với lớp của ông con. Vừa ngồi xuống bọn trẻ con đã nhao nhao “cô ơi thằng Ale yêu Lucia”. Có đứa còn giơ tay bảo “cô ơi cháu cũng yêu Lucia nhưng Lucia lại yêu Ale, thằng O cũng yêu Lucia đấy cô ạ”. Lucia là con bé người Tây Ban Nha, khá xinh và diện. Mình có nghe cô giáo nói mấy lần là hai đứa thích nhau lắm. Quan sát ngoài sân chơi, trong lớp, trong party sinh nhật, đúng là ông con mình và con bé kia không rời nhau nửa bước. Con bé kia nhảy nhót đi đằng trước, ông con mình tay đút túi quần đi lẹp kẹp đằng sau, điệu bộ vừa lơ đễnh vừa che chở ra mặt. Mẹ của con bé Lucia cũng bảo chị ấy nghe con bé tâm sự với bà ngoại là nó biết nó sẽ lấy Ale làm chồng. Còn ông con mình, khi biết phải chuyển nhà, thì giãy lên phản đối, khóc nức nở. Tuy nhiên khi đến Dubai hồi tháng 4 để xem trường, thấy trường có sân bóng hoành tráng toàn bằng cỏ tự nhiên, thì cười tủm tỉm không thấy phản đối nữa. Thật là một mối tình sâu nặng quá đi mất.

PS: tối nào hai bố con cũng lôi bóng ra ghi vài bàn rồi mới đi ngủ. Hò hét, chạy nhảy, đến lúc đi ngủ là con mặt đỏ như gà chọi và đầu tóc quần áo ướt đẫm mồ hôi, phấn khích tột độ. Thế thì còn đi ngủ làm sao. Mình phản đối thì ngài bảo mình khó tính. Con ốm, hay hôm sau con mệt không dậy đúng giờ để đi học được thì chỉ chết mình chứ có liên quan gì đến ông đâu, làm gì ông chả dễ tính. Ở nhà mình mình toàn phải đóng vai ác là như thế.

Monday, September 10, 2012

Ok ok no problem

Gọi điện cho thợ. Thợ bảo ok ok no problem 1 tiếng sau sẽ đến ngay xem việc phải làm rồi báo giá. Mình nhẹ dạ nghe thế thì ngồi chờ. 1 tiếng sau chả thấy đâu. Mình gọi thì thợ bảo “đang đi trên đường nhưng lạc đường không biết đường”. Chỉ tới chỉ lui thợ toàn bảo “ok ok no problem” nhưng rõ ràng chẳng hiểu gì cả vì mãi không thấy tới. Cuối cùng đầu hàng phải gọi cho một người Ấn khác nhờ ông ta nói lại bằng tiếng Ấn hộ. Túm lại, chính ra 6h phải đến thì thợ gần 8h mới mò đến. Phải đến xem việc phải làm rồi báo giá mà cái thước đo cũng ko mang thì báo giá cái giề? Thợ lại hẹn 10h30 sáng hôm sau đến, lần này sẽ mang thước đầy đủ. Hẹn 10h30 nhưng 4h30 chiều thợ mới thèm đến, mình chờ dài cổ. Đo đạc xong xuôi, báo giá, mình đồng ý, thợ bảo hôm sau 10h30 đến làm. Mình bảo ông đến sáng hay chiều cũng được, nhưng phải đúng giờ vì tôi nhiều việc, ko ở nhà đợi ông được. Thợ gật đầu lia lịa “ok ok no problem. 10h30 tôi đến”. Hội Ấn gật đầu rất lạ, mình gật lên gật xuống còn chúng nó gật sang phải sang trái. Hồi đầu mình không hiểu lại tưởng chúng nó lắc.

Hôm sau, 10h30 chẳng thấy. 11h chẳng thấy. Gọi điện thì bảo “ok ok no problem, tôi đang đi trên đường rồi”. Đợi nửa tiếng chẳng thấy mình lại phải gọi nữa thì thợ bảo “ok ok no problem 10 phút nữa”. “Có chính xác là 10 phút ko, tôi rất bận mà phải ngồi nhà đợi ông”. “Ok ok no problem 10 phút nữa”. Đợi đến nửa tiếng không thấy. Mình gọi lại thì thợ thậm chí chẳng thèm nghe máy. Tức điên người.

Cuối cùng, 12h30, đúng lúc mình xách túi chuẩn bị đi ra ngoài, thì thợ mò đến, mặt mũi lấm lét, dẫn theo một ông già trông quen quen. Mình đã chuẩn bị sẵn tâm lý bảo thợ về ko làm nữa, thấy mặt thợ lấm lét thì lại đổi ý. Thôi thì đằng nào mình cũng cần người, họ thì lại đến đây rồi,  nhịn tí cho được việc.

Bảo thợ treo cái đèn. Quyển sách hướng dẫn để đấy mà thợ và ông già mặt trông quen quen kia chả thèm nhìn, cứ tự ý lắp như đúng rồi. Lắp ra một cái đèn tréo ngoe mà cứ “ok ok no problem”, đến tận lúc mình phải giở sách ra chỉ mới thôi.

Tranh cãi qua lại mãi thì cuối cùng cái đèn cũng lắp xong. Thợ mang thang tới. Mình nhìn cái thang thì thất vọng não nề. Trần nhà thì cao mà thợ mang cái thang trông như cái ghế đẩu. Mình bảo “thang thấp thế thì treo đèn làm sao?”, “ok ok no problem”. Đoạn thợ hăng hái trèo lên thang, tay giơ cao cái đèn. Kết quả: tay thợ giơ hết cỡ, cộng cả kiễng chân, vẫn cách trần nhà tầm 30 phân .

Thợ trèo xuống, gãi đầu gãi tai “chị có cái thang cao hơn không?”. Lộn ruột. Nhà cửa trống trơn thế này lại còn hỏi người ta có thang không. Thợ chạy tót đi. Mình đoán chạy quanh nhà xem có nảy ra ý tưởng hay ho nào khiến cho cái thang dài ra không. Một lúc sau thợ quay lại, gãi đầu “ok ok no problem để chiều tôi mang thang cao hơn. Giờ tôi đi lắp cái giường cho chị ok?”. Nói đoạn thợ kéo ông già mặt quen quen kia xuống nhà. Mình lúc đó mới sờ đến cái đèn vừa lắp, tá hỏa khi thấy phần dây đèn phải nối với trần nhà đã bị cắt cụt ngủn từ lúc nào, cái móc treo đèn và khóa dây đã bị cắt rời vứt ở một góc nhà. Chắc ông già định làm ẩu, cắt béng đi cái phần trông có vẻ phức tạp, nối thẳng mấy đầu dây đồng vào nhau cho nhanh, chẳng cần biết sách hướng dẫn như thế nào. Rồi cái đèn của mình không có khóa dây sẽ từ từ thòng xuống tận đất cho xem.

Mình đi xuống nhà, hai nhân kia đang bày đồ nghề tóe loe trên sàn “thôi, các ông đừng làm nữa, tôi cảm ơn, các ông có thể đi về được rồi, đừng làm nữa”.

Hai thầy trò đồ tể kia tiu nghỉu đi về. Mình tức đến mức ngồi suốt một giờ mà không trấn tĩnh lại được.

Xong rồi mình chợt nhớ ra, mình thấy ông già kia quen quen vì hồi lâu lâu đã xem clip Nhổ răng trên vỉa hè Ấn độ, ông già dùng kìm nhổ răng cho khách hàng giống y hệt ông già này. Thôi thì dù sao mình cũng mới hỏng cái đèn, vẫn còn may hơn bà khách bị nhổ răng.

http://www.youtube.com/watch?v=DOdsotI8OFI