Thursday, October 27, 2011

Sono una strega!!!

Con gái tóc búi cao, thân gầy, quần legging, giày búp bê nhảy múa trên quảng trường Campo, Siena, làm bao nhiêu người phải quay ra nhìn. Bố cứ bảo tóc con gái dài quá, phải cắt đi. Nhưng mẹ lại ko thể chia tay được với những lọn tóc xoăn vàng óng mẹ giữ từ hồi con gái mới sinh ra. Chả bù cho con Anna, được hai tháng tuổi tóc tốt quá mẹ lấy kéo xoẹt ngay có tiếc nuối gì đâu.

Đi cùng mẹ lên lớp đón anh, cô giáo của chú Bình Nguyên lần nào gặp cũng trầm trồ “trời ơi sao nó xinh thế”. Con gái được thể nhảy múa ngay trước mặt cô ấy, làm cô ấy lại càng rung động. Chú diễn viên phụ huynh của bạn cùng lớp của chú Bình Nguyên, suốt ngày ngắm con gái rồi đến bảo mẹ “con bé thật xinh đẹp”. Mẹ bảo “nhưng nó ko xinh đẹp như nó tưởng, anh ạ”, làm chú ấy lại cười tít mắt, nụ cười rõ là trẻ con.

Con gái đã đến hồi lém lỉnh, suốt ngày dạy đời người khác. Lúc thì “bà ngồi đây La dậy bà đếm nhá, uno, due, tre”. Bà N nhắc lại “ú tề”. “Không phại, uno, due, tre cơ mà”. Bà Nuôi lại “ú tề”. Lúc thì “La để cái này ở đây mamma ko được nghịch nhá”. Lúc thì “Bà đừng để La phải quát bà nhá”. Hoặc mẹ vừa ngồi xuống ăn, con gái đứng dưới ngỏng cổ lên “Chừng nào mà mamma trở thành bé, mamma mà ko ăn pasta là Lila đánh vào đít”. Sáng hôm kia thì “Bà ơi bà vào đây La cho xem, La để cái gối trong đít papa haha”. Bà N đứng trước cửa phòng ngủ, 7h sáng, cười há há. Khổ chủ (tức là người bị con gái nhét gối vào đít) thì chả biết gì, ngủ như chết.

Lại thêm cái chuyện bướng. Sao mà bướng thế không biết. Mỗi lần điêu đứng vì con bướng thì chàng lại “chắc chắn gen bướng ko phải là gen của anh”. Thế mà ai khen con xinh thì lại “nó giống hệt anh hồi bé”. Tối hôm nọ mẹ cáu vì dắt con vào giường đến 5 lần mà con cứ nằm được 5 phút là lại chạy ngược trở ra, mới hỏi “Này Lila, con là con gái ngoan của mẹ hay con là con điên?”. Chưa kịp dứt lời đã nhận được ngay câu trả lời “La là con điên”. Một lần khác mẹ nghiêm giọng “Lila, con muốn ngồi đây ăn hay con muốn mẹ phạt con đi vào phòng đóng cửa lại?”. Thế là mắt con gái quắc lên luôn, lác ơi là lác “Đi vào phòng đóng cửa lại”. Mẹ quát lên “Thế thì tự đi vào phòng đóng cửa lại ngay, bao giờ mẹ cho phép mới được ra ngoài”. Chẳng cần đợi mẹ nói lần hai, con gái ngoảy đít đi luôn vào phòng đóng cửa lại. Đợi một lúc chả thấy mẹ vào thì mới bắt đầu khóc ti tỉ và mồm nhoen nhoẻn xin lỗi.

Lại thêm cái chuyện cãi. Nói cái gì cũng cãi được và cãi tắp lự. “Lila tại sao con lại chiếu đèn pin vào mắt em?”. “La ko chiếu vào mắt Anna, La chiếu vào đít nó cơ mà mamma”.

Lại thêm cái chuyện nghịch. Cứ đi học thì thôi chứ về nhà một cái là con gái và anh trai hai đứa ko đứa nào kém đứa nào. Trong nhà cứ nghe tiếng chạy huỳnh huỵch, cười nắc nẻ, xong rồi có tiếng óe lên, và “Mamma Lê đánh La”, “mamma, Lê làm La ngá”, “Mamma Lê hát thế” (tức là hát xuyên tạc bài hát), hoặc “Mamma ơi Lê làm gấy răng La”, hoặc “Mamma ơi Lê gầy Lila”. Gầy tức là “rầy”, tiếng của bà Nuôi. Hoặc “mamma ơi Anna túm tóc La”. Mẹ phân xử chết mệt.

Có lần ngã thế nào mà bà Nuôi chạy ra hốt hoảng “con đau ở đâu, ở đây à, để bà gờ con cu con xem có sao không?”. Im ắng một lúc, chắc bà N đang mải sờ soạng, một lúc sau tiếng con gái than thở “La bị hỏng cu rồi”.

À lại còn thêm cái tính hay than thở. Đi bộ ngang qua công viên với mẹ, con gái than “La mỏi chưn quá chắc La đi về trời quá”. Đi về trời là từ chàng dùng khi con hỏi ông bà nội đi đâu rồi. Mấy mẹ con ngồi đọc sách, tự nhiên mẹ nghe thấy mấy tiếng bủm bủm liên tiếp, mẹ mới hỏi trêu “mẹ nghe thấy cái tiếng gì thế nhỉ Lila nhỉ”, con gái gấp sách than thở “chắc La phải đi pu pu quá”.

Hôm nọ mẹ thấy con gái uốn éo trước gương buổi sáng, ngắm nghía bản thân rất kỹ lưỡng, mượn nhẫn mẹ đeo lên, lấy bờm đeo lên, xong rồi uốn éo tự bịa nhạc bịa lời hát the thé “sono una strega”, tức là “tôi là một con phù thủy xấu xí”. Hát chán thì quay sang mẹ nịnh nọt “mamma cho La cái nhấng này đi mamma”. Mẹ bảo “ừ, bao giờ con lớn mẹ sẽ cho con”. “Nhưng La lớn rồi mà mamma, nhìn này, La cao bằng paradiso rồi này mamma”. Paradiso là thiên đường. Chẳng hiểu sao con gái lại có phép so sánh đó.

Nhưng mà con lớn nhanh thật đấy, bé ạ .

Wednesday, October 26, 2011

Bà Nuôi

 
Phải công nhận kho tàng ngôn ngữ của bà Nuôi cực kỳ phong phú và sống động. Mình học theo cứ gọi là mệt nghỉ.
Cứ nghe tiếng bà Nuôi la hoảng “trời ơi chúng nó tha con nhỏ như mèo tha dưa cải dzậy trời” là biết ngay hoặc Lê hoặc La lại đang xách cổ em gái bé mang đi đâu đó rồi.
Một lần mình đang đứng ngắm vuốt trong tủ quần áo, bà Nuôi lừ lừ đi vào chẳng nói năng gì. Mình đã chẳng giật mình thì thôi bà N lại nhảy cẫng lên rồi làm cho một tràng “trời ơi trời, làm gì mà bả đứng im thít dzậy trời, làm mình run như thằn lằn đứt đuôi dzậy trời”. Bà Nuôi còn run như thằn lằn đứt đuôi một lần nữa khi có lần ở nhà một mình, thoáng nhìn thấy bóng bản thân trong gương bà N lại cứ tưởng nhà có trộm.
Theo bà Nuôi thì cái ông già ở trên tầng 5 cùng tòa nhà mê bà Nuôi như điếu đổ, lần nào thấy bà Nuôi đi từ xa là ông ấy cũng phải chạy lại lấy cớ chào hỏi giúp đỡ một việc gì đó mới xong. Có lần bà Nuôi đi đâu về băn khoăn hỏi mình “cô ơi, chào bắt cu là chào gì vậy cô? Tôi cứ gặp ông ấy là ông ấy chào bắt cu tôi”. Mình mới nghe thì phát hoảng, nhưng ngồi vắt óc nghĩ thì à lên là ông ấy chào “Buon giorno”. Cái tiếng Ý nói thánh thót như hát nên bà N nghe trệch. Chứ chả quen biết gì mà gặp nhau cứ bắt cu bắt kiếc thì có mà chết à.
Một ví dụ nữa minh họa cho cái sự lý toét ngơ ngơ ngáo ngáo của bà Nuôi là cả nhà đã chuyển về Rome hơn 2 năm nay rồi, thế mà cứ vài tuần bà Nuôi lại hỏi mình một câu “mình đang ở thành phố nào vậy cô? Gơm hả?”.
Dạo này chẳng hiểu tại sao Anna mắc chứng ko chịu ngủ. Mỗi ngày bà Nuôi ời ời hát ru đến chục bận mà cũng chẳng ăn thua. Bà Nuôi chỉ có đúng một bài hát ru duy nhất. Tại mình nghe từ hồi Lila và giờ là đến Anna nên mình thuộc lòng “Ơ ớ ơ ờ ơ, dzí dzầu cầu dáng đóng ờ đinh ơ. Cầu tre dzắc dzẻo ờ dập dình ờ khó ờ đi ơ”. Hát nhiều thành quen miệng, lúc đang đứng rửa tay ở chậu nước, còn Anna đang mải phá ở tận nẻo nào, bà N cũng bất giác hò lên thảm thiết “ơ ớ ơ ờ ơ”. Xong lại nhớ ra lại thôi. Có lần chỉ vài phút sau lại tiếp “ơ ớ ơ ờ ơ”, rồi lại thôi.
Hôm qua mình vừa đi đâu về bà N kể ngay “Cô ơi, cô có nhớ cái thằng cha mà có lần tôi, cô với con Anna ngồi ngoài công viên mà nó cứ đến làm quen hỏi chuyện cô ko? Hôm nay nó thấy tôi nó lại đến, hỏi cái gì mà tôi chả hiểu, nhưng tôi đoán là nó hỏi cô. Rồi nó đi theo tôi về tận nhà cô ạ. Tôi sợ quá ko dám mở cửa vì sợ nó theo lên tận trên nhà”. Rồi bà N lẩm bẩm (xin lỗi các bạn hơi bậy một tý nhưng cái sự so sánh của bà N nó đặc sắc đến mức ko viết ra ko được) “trời ơi là trời, đàn bà gì mà cứ ga đường là đàn ông nó bu như ruồi bu cặc ngựa dzậy trời”. Mình lịm hết cả người chả nói nổi câu nào.
Mình từng bị chị giúp việc cũ so sánh duyên kiểu này một lần. “Ôi con Lila thơm quá. Sữa em thơm đấy nhỉ”. “Ôi lại có sữa thơm sữa ko thơm nữa hả chị”. “Ô có chứ. Như lợn ý, có con lợn thịt rất thơm có con thịt rất hoi”. Hic.
Ảnh: năm ngoái hai đứa kia ôm nhau nhảy như hóa rồ em còn phát hoảng khóc đỏ cả lông mày thế này, năm nay ba anh em ôm nhau nhảy em cười như nắc nẻ, chẳng kém ai phân nào. Chiều nay vừa ngã vập má vào cạnh bàn, má có một vệt tím như bôi than.

Friday, October 21, 2011

Takes two to tango?

Mình bắt đầu những bước Tango đầu tiên trên nền nhạc Với trái tim ta tật nguyền. Thực ra đó là một bài hát Ý, và nguyên bản tiếng Ý là một bài hát yêu nước. Chuyển thể sang tiếng Việt nó lại thành một bài máu hận tình thù quằn quại. Mới nghe lần đầu thì “haha, sao nó lại ra thế này”, nhưng nhảy quen thì thấy cũng hay hay. Mình yêu những bước Tango, hoang dại, đắm say và kiêu hãnh.
Có hai thứ trên đời này mình rất thích: đó là âm nhạc và khiêu vũ. Nhưng ở đời, cứ cái gì thích thì lại chẳng đâu vào đâu. Sự nghiệp học nhảy phải nói là gian nan vô cùng.
Khi khiêu vũ đôi tìm được bạn nhảy ăn ý khó vô cùng, nhất là nhảy chỉ để mà nhảy thôi chứ ko phải để cưa cẩm nhau. Đời mình tìm được đúng một bạn nhảy cực kỳ ăn ý, lại rất kẻng trai. Hai anh em buổi tập nào cũng nhảy với nhau. Những điệu như rumba, chacha, tango, waltz thông thường ko nói làm gì, ngay cả khó như samba hoặc rock and roll anh ấy cũng vẫn theo được. Nhưng từ khi lên đến samba trình độ cao thì anh ấy bắt đầu lộ rõ nhược điểm, đó là toàn cơ thể cử động ko ăn ý nên đến lúc phải điệu một cái là vai, lưng, hông, cánh tay, cứ bấn loạn hết cả lên chẳng ăn ý gì với nhau. Nhảy samba cả thân hình phải tạo được độ dập dình, thì mình thấy vai anh ấy dập dình một đằng, chân anh ấy dập dình một nẻo, chưa kể tay và hông anh ấy lại dập dình nẻo khác nữa. Tóm lại mình cũng loạn theo anh ấy luôn. Thế là bỏ.
Lớp salsa đầu tiên của Hà nội, là tổ chức ở Press Club chỗ mình làm chứ đâu. Buổi đầu tiên mình đứng tít dưới cuối. Mình là do bị sếp đập bàn đập ghế bắt lên học cho đủ sĩ số mà phải miễn cưỡng vào, chứ thực ra rất muốn tránh mặt cái anh thầy dạy nhảy kia. Y như mình đã lo từ trước, vừa hướng dẫn các bước đầu tiên xong một cái, anh ấy tiến đến gần mình mời nhảy luôn mặc dù mình đã cố tình đứng khuất phía sau. Hôm đó mình cực kỳ khó chịu vì bị anh ấy ép sát quá, và cứ ép ở cái chỗ theo mình là ko cần phải ép. Thế nên sau vài bước nhảy thí điểm là mình lủi luôn, lấy cớ phải làm việc.
Lần đó mình còn cố hy vọng là tại mình cứ suy diễn linh tinh chứ điệu này nhảy là nó phải như thế chứ họ chả có ý gì. Nhưng đến lần thứ hai sau đó mấy tháng, lúc đó lớp đã đông lắm rồi, mà mình cũng vẫn bị thầy lôi lên nhảy cùng. Mà có phải nhảy ngay cho mình nhờ đâu. Trước khi nhảy lại còn lấy hai bàn tay xiết chặt quanh eo mình “em nói cho tôi biết tại sao lại có vòng eo nhỏ như thế này được”. Mình lại bỏ.
Sự nghiệp salsa của mình chấm dứt hẳn khi một lần mời mình đi ăn trưa, sau đó tự lái xe đưa mình về văn phòng, thầy chộp lấy bàn tay củi khô của mình hỏi giọng rất oải “3 năm nay biết em chẳng thấy lúc nào em single cả. When will you be available again? How can I catch you between men?”. Thôi thế là thôi, vĩnh biệt điệu salsa bốc lửa.
Từ khi lấy chồng niềm yêu thích khiêu vũ này buộc phải từ bỏ, vì chồng thì ko nhảy được, lại cũng ko thích vợ nhảy cùng ai vì thấy phải xáp vào nhau thân mật quá. Thật là từ cổ chí kim chả thấy ai vụng về hơn chồng. Khiêu vũ kiểu này ở NYC, 100usd cho 45 phút khiêu vũ có private instructor, mà chồng mình suốt 40 phút tập có bước tango cơ bản cũng ko thuộc. Thành ra mình chỉ được nhảy có 5 phút, còn lại 40 phút ngồi chơi nhìn lơ láo hoặc ôm bụng mà cười khi thấy chồng mình dẫm vào chân cô giáo, dẫm vào chân cặp đôi nhảy bên cạnh, và chân nọ tự giẫm cả vào chân kia của bản thân. Sau buổi tập, ống quần đen của cô giáo lấm lem vết giầy, mình cười rách cả mép, còn chồng thì mặt mũi vừa giận dỗi tức tối vừa khổ sở “em muốn gì anh cũng chiều nhưng xin em đừng bắt anh đi nhảy, anh ko thể nhảy được”. Thế là mình lại đầu hàng.
Nhưng mà hôm qua thì mình nổi loạn, mình bảo “Em ko hiểu tại sao em lại phải từ bỏ niềm yêu thích của mình chỉ vì em là vợ anh? Em sẽ tiếp tục nhảy tango, bất kể anh có thích hay ko”.
Descubrimos vos y yo
En el triste carnaval
Una música brutal
Melodías de dolor…

Tuesday, October 18, 2011

18/10/2011

1. Tôi hỏi dì Laura “dì khỏe không dì?”. Dì Laura là em gái mẹ chồng tôi, là một trong số những người ít ỏi mà tôi hỏi chuyện.

Dì bảo “sức khỏe của dì rất tốt, nhưng tinh thần dì thì rất buồn cháu ạ”. Chồng của dì Laura rất khỏe mạnh. Hai ông bà làm lụng chăm chỉ cả đời, giờ đang định bán cửa hàng, nghỉ hưu để hai vợ chồng đi du lịch. Thế mà một buổi sáng đang chơi trong phòng khách cùng lũ cháu, tự dưng ông ngã vật ra bất tỉnh. Đưa vào bệnh viện bác sĩ bảo ko cứu được. Dì Laura mấy năm rồi vẫn ko lấy lại được cân bằng.

Dì nói tiếp “Cháu biết đấy, ko có cái gì hoàn hảo, tình yêu nào cũng có những hạn chế của nó. Vợ chồng dì đã thực sự cố gắng rất nhiều để vun xới cho mối quan hệ đó. Tình yêu đó quá lớn trong đời, cháu ạ”.


2. Anh hỏi tôi:

- Nếu không còn anh nữa thì em sẽ làm gì?

- Xem nào, thì em sẽ tự cho phép mình được xấu xí cẩu thả một thời gian, nhưng ngắn thôi.

- Em ko thể suy nghĩ nghiêm chỉnh được cái gì ngoài việc thu hút đàn ông thôi à?

- Này anh, khi còn có anh người ta còn chú ý làm cho người ta xinh đẹp hấp dẫn thì điều đó chứng tỏ người ta có cố gắng làm cho anh hài lòng tức là người ta có tình cảm với anh, và anh nên vừa lòng với điều đó. Khi mối quan hệ chấm dứt rồi, nếu anh vẫn còn thực lòng quan tâm, thì anh phải mong người ta hạnh phúc, ngay cả khi hạnh phúc đó ko phải là với anh. Chứ còn việc sau khi chia tay mà muốn họ nằm ôm gối khóc thì chỉ có mỗi một mục đích là ve vuốt cái ego của anh mà thôi. Đấy người ta gọi là ích kỷ, anh ạ.


Xong hai câu chuyện trên. Giờ đến phần trả lời câu hỏi của 2 em gái.

Câu hỏi 1: có nên tiếp tục nữa hay ko?

Nếu thằng đàn ông nghiện hút, cờ bạc, rượu chè, vũ phu, lăng nhăng, bệnh hoạn, thì theo chị em bỏ ngay ko chần chừ. Còn ngoài ra, nếu một nụ hôn vẫn còn hóa giải được giận hờn, thì em phải cho mối tình đó một cơ hội. Chị ko khuyên em phải cao thượng nhẫn nại hy sinh cho ra dáng phụ nữ VN, lý do của nó đơn giản chỉ là em có đâm đầu vào thằng nữa thì cũng chỉ đến thế mà thôi, em ạ.

Câu hỏi 2: có cần phải yêu một người khác để quên đi một người?

Câu trả lời là Có. Nếu may mắn yêu chất lượng được ngay thì chỉ cần một mối tình là đủ để quên tình cũ. Còn nếu các mối tình sau này chỉ là tình lặt vặt, thì em lại phải cần khoảng chục mối tình như vậy mới quên. Khi trên người em chỉ có một vết thương thì em chỉ có thể nghĩ đến nó thôi, thậm chí còn suốt ngày mó máy vào làm cho nó càng lâu lành. Trong khi nếu trên người em có cả chục vết thương, thì em sức mấy mà chỉ nghĩ được đến mỗi một cái vết thương từ đời nảo đời nào kia.

PS: cái anh chàng trên kia, cứ thích nghe lời nói nghiêm chỉnh, người ta nói nghiêm chỉnh xong thì tịt ngóm chả nói lại được câu nào, chán chuyện.

Monday, October 17, 2011

Anna

 
Dạo này em của mẹ ngoài trò lôi quần áo trong tủ ném ra ngoài thì còn có trò lẻn vào bếp mở ngăn kéo lôi chén bát ra ném xuống đất. Một ngày loảng xoảng mấy bận. Cũng đã vỡ kha khá.
Em giờ cũng biết lấm lét khi chuẩn bị giở trò gì tinh nghịch. Đặc biệt khi đang giở trò gì mà thấy ai chạy tới là em ôm món đồ co cẳng chạy biến. Em chạy nhanh lắm. Vừa lùn vừa chạy nhanh nên trông em cứ như con chuột. Chân em vòng kiềng ơi là vòng kiềng. Vòng kiềng đến mức cái quần em mặc ống quần cũng trở thành vòng kiềng giống chân em luôn.
Em của mẹ có khi có máu nghệ sĩ, bà N bảo thế. Đang làm gì mà nghe tiếng hát tiếng nhạc là em cũng bỏ đấy nhảy cái đã. Mẹ gọi điện về nhà em cầm điện thoại nghe, mẹ vừa hát cho em một cái em ném điện thoại xoảng một phát xuống nền nhà để em nhảy. Mà em nhảy buồn cười lắm. Em đứng hai tay buông thõng, đầu hơi cúi cúi, và lắc lư theo nhạc. Sáng nay thì thấy em ko thõng tay nữa mà múa dẻo ra phết, thỉnh thoảng lại chắp hai tay lại giống mẹ lúc mẹ đang đơn ca cho các em nghe. Hôm nọ em thấy chị gái đứng trên bục hát the thé xong cúi chào rất thiện nghệ, chị vừa bỏ bục chạy chơi chỗ khác em tức khắc lẻn đến, trèo lên, cũng định đứng lên hát rồi cúi chào mà lại mất thăng bằng, ngã lộn cổ xuống theo đúng nghĩa đen. Mẹ bế em lên, khổ thân em quá má em đỏ lừ một vệt tròn như đồng xu 2 euro. Em khóc sùi cả bong bóng mũi. Thế mà con chị vừa cất giọng lên hát một cái, mặt mũi em vẫn tèm lem nước mắt mà em lại lắc vai em nhảy được rồi. Khổ ghê cơ.
Hôm kia em ăn xong sau anh chị một tý, tụt xuống ghế đi lẫm chẫm từ bếp ra phòng khách. Đang đi thì nhạc hoạt hình của anh chị nổi lên, em đứng lại lắc vai ngoáy mông nhảy. Nhạc tắt, em lại lẫm chẫm đi tiếp. Vừa đi được 3 bước nhạc lại nổi lên, em lại đứng lại lắc vai ngoáy mông nhún nhảy tiếp. Cứ thế nên cái phòng khách có vài mét mà em đi mãi mới ra được đến chỗ anh chị để hóng lên xem ké.
Em của mẹ có cái đầu khí bé và cái mông khí to. Hỏi bà bác sĩ tận tình nhưng mắc bệnh làu nhàu thì bà ấy bảo “đầu cô cũng bé thì đầu nó to làm sao được”. Bà bác sĩ này mắt làm sao, đầu mình to như cái giành thế này mà bảo bé. Tóm lại, như con nhà người ta thì đầu xuôi là đuôi lọt. Em của mẹ lại đầu xuôi mà đuôi chả lọt. Thế nên rất nhiều lần bò len qua khe hở, đầu chui ngon ơ mà đến cái đít thì lại kẹt cứng lại, kêu cứu rầm rĩ làm mẹ lại phải chạy đến đủn em qua.
Đến giờ anh chị đánh răng buổi tối là em cũng cuống lên đòi đánh cùng. Được mẹ gật đầu đồng ý một cái em cười thích chí tự động há mồm cho mẹ đánh nhoắng cái là xong 8 cái răng to cộ mọc xuôi mọc ngược chẳng ra hàng lối gì. Mỗi tội xong em thì đến lượt mẹ phải há mồm cho em đánh răng mẹ. Mà em có biết đánh đâu, em toàn chọc, mẹ ặc ặc mấy lần vì em.
Chơi với anh chị lớn em cũng được huấn luyện cho lên bờ xuống ruộng. Hôm qua thằng anh lấy chân kẹp cổ em và vật em ngã hự xuống giường, em ngã lăn quay như bịch bông mà mồm cười ngoác khoái chí.
Hôm nay em của mẹ tròn một tuổi. Mẹ muốn nói với em rằng một năm nay có em ở cạnh mẹ, mỗi lần nhìn thấy em là lòng mẹ lại tràn ngập một niềm hạnh phúc ko thể tả được. Thế em cứ tưởng tượng một ngày mẹ cảm thấy hạnh phúc bao lần.
Em mắt híp, má tròn xoe, lúm đồng tiền và giọng cười giòn tan thơ ngây, là điều đẹp nhất mẹ từng có trên đời

Monday, October 10, 2011

10/10/2011

Dạo này mình công nhận là tâm trạng mình hơi u ám.

Một lý do của nó là việc ngắm nghía mình trong gương và nhận thấy phần trên thì hơi thiếu mà phần dưới lại hơi thừa. Ặc ặc.

Giáng sinh năm ngoái, đi shopping với chồng, chồng chỉ một chiếc váy trông rất trang nhã hỏi vợ có muốn mua ko. Vợ ngần ngại mặc vào rồi vội vã cởi ra luôn. Thưở đó đang cho con bú, mặc cái váy vải mềm vào trông mình như con bò cái ý giời ạ. Mình cứ có bầu hoặc cho con bú là ngực to phát hoảng. 6 năm vừa qua somehow là toàn hoặc có bầu hoặc đang cho con bú. Giờ thì thôi rồi. Của thiên lại trả địa. Ngực mình hồi trước ko to nhưng cũng ko gọi là nhỏ lắm. Chỉ có điều quen nó to rồi nên giờ nó nhỏ lại thì lại thấy sao mà nó nhỏ thế ko biết.

Thiếu ở trên nhưng lại thừa ở dưới. Thế mới gọi là rầy rà. Thà nó thiếu thì thiếu cả hoặc thừa thì thừa cả thì có phải hơn không. Một lý do mình sợ lên cân là vì bình thường trông đã hơi “mộng năng” rồi, nên cứ lên cân một cái là một số thứ trở nên to quá đà. Nhưng hôm nọ mình ngắm mình trong gương và nhận ra cái bàn tọa của mình nó đã sệ xuống thấp. Trời ạ, thà nó cứ nhỏ nhỏ có phải ko bị thảm họa này ko.

Thế là miềng xông đi tập thể dục. Nhưng mình yếu sức, tập tành gì mà cứ nhảy như choi choi hoặc đấm đá huỳnh huỵch là mình làm ko nổi. Hơn nữa mình lại mắc bệnh ham vui. Tập gì mà cứ chổng mông vào tập, chả nói năng gì, là mình buồn. Thế nên suy đi tính lại thì mình lại mò vào lớp Posturale cùng mấy ông bà già. Nói ông bà già là tương tự các cụ đi tập dưỡng sinh múa quạt ở nhà mình đấy nhé, cho các bạn dễ tưởng tượng. Các cụ này hơi lụ khụ tí nhưng được cái vui tính, tâp cùng nhiều lúc cười muốn vỡ bụng. Ví dụ, cô giáo hô “trở về tư thế bào thai”, tức là phải nằm nghiêng cuộn tròn hai tay bắt chéo trước ngực, thì một ông già giơ tay phát biểu “thưa cô, lâu quá rồi tôi ko nhớ tư thế này như thế nào nữa”

Từ thưở cha sinh mẹ đẻ tới giờ, người mình đẹp nhất là dạo hè năm thứ 3 đại học. Mùa hè đó mình đi tập thể dục rất hăng và ăn uống điều độ. Đổ mồ hôi trên sàn tập để quên đi một người. Tóm lại, sáng nào cũng dậy từ 5h sáng để đi tập, tập 5 buổi một tuần. Tập liên tục đến tháng thứ 3 thì nhận thấy cơ thể mình thay đổi rõ rệt. Ngực và mông đều nảy nở còn vòng eo chít lại bé tí, chân tay săn thon và dẻo dai. Hay chê con gái như mẹ mình mà còn phải gật gù ngắm nghía khen ngợi. Sự nghiệp thể dục đang lên như diều gặp gió thì một hôm mình đi học, đang sang đường thì bị một chiếc xe đạp Mifa lao nhanh quá đâm sầm vào người, gẫy luôn một cái xương sườn

Xương sườn gẫy thì rất lâu lành. Thế là mình lại bỏ thể dục. Từ đó đến nay chưa lần nào có đủ nghị lực để tập nhiều và tập lâu như thế để mà thấy kết quả. Từ bận sau, để quên anh nào đó thì mình chỉ việc đi yêu anh khác, quên luôn, đỡ vất vả hơn bao nhiêu. Chứ phải lăn lê bò toài đổ mồ hôi trên sàn tập thật là chả nho nhã gì cả.

Thế nên tuy mình đã đi tập Posturale dưỡng sinh cùng mấy cụ già được 1 buổi rồi và đi Pilates được 2 buổi rồi các bạn ợ nhưng mình cũng chưa biết nó sẽ kéo dài được bao lâu. Hay nó lại chết yểu như vô số lần khác???

Giá mà có thuốc gì đó uống vào một cái người đẹp luôn khỏi cần tập tành, thậm chí khỏi cần ăn uống, thì có phải để dành ra được bao nhiêu thời gian mà làm việc khác, đời đỡ lọ mọ bao nhiêu ko

Friday, October 7, 2011

7/10/2011

Thành Rome. Một ngày u ám và nhiều gió thổi. Mùa đông đã về.

Ra đường. Váy đen. Giày beige. Và Shalimar...


…Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh

Bàn tay lã chã trầy xước nụ gai đớn đau…

Thursday, October 6, 2011

Twenty-five minutes too late

 
 
Lần đầu gặp, được giới thiệu anh chìa tay ra bắt. Cao lớn, rất fit, dáng vẻ rắn rỏi rất đàn ông, hai bên má có hai vệt xanh xanh của râu hơn một ngày ko cạo, trễ nải một cách hấp dẫn. Đôi mắt có những nếp nhăn phong trần nhìn tôi trong vài giây và hờ hững quay đi. Tôi biết mình ko đủ đẹp và cũng chẳng bận lòng về điều ấy.
Anh là người đàn ông có quyền lực. Mỗi chuyến công tác của anh luôn có vệ sĩ đi kèm. Nhiều nơi anh còn được bảo vệ bởi cả vòng vây biệt kích Mỹ, thì hẳn anh phải là người có quyền lực.
Anh là người giàu có. Anh sở hữu máy bay riêng thì hẳn anh phải là người giàu có.
Con bạn thì thào vào tai tôi. Nhưng điều đó không có ý nghĩa gì. Anh không chú ý đến tôi và tôi cũng chẳng chú ý đến anh.
Cho đến một lần con bạn vừa cười khành khạch vừa đến chỗ tôi “G, thằng này nó kiêu ngạo kinh khủng, tao ko thể chịu nổi nó”. Con bạn lúc cáu thì cười khành khạch, lúc vui thì cười hô hố. Nó vừa đấu khẩu một trận ko lại với anh. Tôi hờ hững ngẩng lên khỏi trang sách “đàn ông kiêu ngạo dễ xử chứ. Với những thằng kiêu ngạo mày có thể đập nó tơi bời mà nó vẫn cố tỏ ra ko sao. Những thằng khiêm tốn mới khó vì chúng rất nhạy cảm và dễ tổn thương. Với chúng nó mày cứ phải dịu dàng như cầm rổ trứng”. Tôi cúi xuống đọc tiếp trang sách của mình, tảng lờ ánh mắt anh quay sang nhìn tôi rất chăm chú.
Anh bắt đầu lân la đến gần tôi. Tôi luôn cảm thấy sự hiện diện của anh đâu đó quanh mình, và ánh mắt nhìn tôi ko giấu giếm. Sự ko e ngại của một người đã quá quen với quyền lực. Anh ko bắt chuyện nhiều. Nhưng khi trò chuyện ồn ã cùng người khác, anh luôn tìm cớ để quay sang nói một cái gì đó bâng quơ với tôi, nhiều lúc rất khiêu khích.
- Quyển sách em đang đọc có hay không?
- Không, nó rất ngu ngốc
- Vậy sao em còn đọc?
- Tôi muốn đọc hết để xem tác giả có thể đạt đến sự ngu ngốc ở mức độ nào
- Tôi giống em, tôi đã cầm sách lên là không thể đặt được nó xuống
- Tôi thì lại có thể. Phần lớn thời gian tôi đọc sách là để ngủ cho dễ.
Anh đến gần tôi nhiều hơn, nhìn tôi nhiều hơn và không ồn ã ngạo mạn như trước. Thỉnh thoảng, có dịp, anh sẽ đến bên tôi và hỏi rất âm thầm, những câu đại loại “em có muốn dùng máy tính của tôi không”, “no, thank you”. “Em cầm hộ tôi cái này một lúc được không”, “ok”. “Hôm qua sao em ko đến? Em ốm à? Chúng tôi đã nhớ em đấy”, “oh, right”.
Trong những giấc mơ của mình, tôi có mơ thấy anh. Cái dáng cao thẳng rất fit, khuôn mặt phong trần, mái tóc hơi rối, cổ áo sơ mi trễ nải, ánh mắt nheo nheo giễu cợt.
Những lúc tôi có việc phải đi đâu đó một mình, chỉ mấy phút sau là thấy anh cũng đã đang loanh quanh ở đó. Có lần, tôi quay lại kịp nhìn thấy anh đang hấp tấp chạy theo mình. Bắt gặp ánh mắt tôi lạnh lùng khó chịu, anh đứng sững lại và quay lưng bỏ đi. Tôi ko khó chịu với anh nhưng ko thích mang tiếng.
Gần nửa tiếng sau khi chia tay, cô bạn của tôi mới kể anh và vợ đã ly thân từ lâu, chỉ đợi ngày ly dị. Lý do họ xuất hiện cùng nhau đợt này là vì hai đứa con.
Tôi chợt hiểu cái nháy mắt tinh nghịch và điệu cười ẩn ý của con trai anh khi anh đợi để chào tạm biệt tôi. Tôi chợt hiểu lần anh đến bên tôi cố nói một điều gì đó “cô ấy không quan tâm đến anh…”, mà tôi lại vội vã lảng ra xa, tôi vốn không có cảm tình với những người đàn ông chê vợ hoặc tỏ vẻ bất hạnh để làm mủi lòng đàn bà.
25 minutes too late…
Thôi, không yêu anh cũng tốt.
PS. Tôi thường theo dõi tình hình chiến sự tại Libya, thầm mong Gaddafi bị tiêu diệt, để những chuyến công tác của anh ko cần tới SEALs, tình báo, trực thăng, và cái thân hình đẹp đẽ ấy không phải khoác lên chiếc áo chống đạn nặng nề.
http://www.youtube.com/watch?v=RCE7jMzvwWY

Monday, October 3, 2011

Sếp (1)

Hơn 8 năm trước, hôm đó sếp gọi mình vào để làm cùng sếp đống hồ sơ cần phải làm appraisal. Mỗi năm một lần nhân viên lại được nhận xét đánh giá để gia hạn hợp đồng, kết thúc hợp đồng, và chủ yếu là lên lương. Appraise nhân viên thường thì dễ, mỗi người tăng vài trăm gọi là, thông thường là 10% cho nhân viên thấp cấp, 15%, 20% cho nhân viên cao hơn, nhoáy cái là sếp xong. Để lại cuối cùng là tập hồ sơ của 4 Executives người Việt trong đó có mình.

3 chị kia sếp tăng lương gấp đôi, tức là 100%. Giờ thì trên bàn còn mỗi appraisal của mình. Sếp cố tình để appraisal của mình cuối cùng. Sếp cầm nó lên, nheo mắt nhìn mình một hồi lâu, rồi cúi xuống giả bộ đọc đọc, xong chu mỏ ngẫm nghĩ, xong một bàn tay cầm cái bút gõ tách tách vào bàn tay kia, xong lại gõ cả vào răng. Cuối cùng sếp nói rất chậm rãi, mắt vẫn thăm dò thái độ của mình “xem nào, mày không ngoan”. Tay sếp cầm cái bút hoa hoa dứ dứ lên trước cái dòng để trống nơi sếp sẽ phải điền mức lương mới cho mình. Mình vẫn ngồi nhìn sếp rất bình thản, ko tỏ thái độ gì.

Mình vốn là một đứa nhân viên rất ngoan. Ngoan trong những gì liên quan đến công việc. Ví dụ, sếp mình viết một câu cho đúng ngữ pháp còn không viết nổi, thế mà có lần mình viết cái thư 8 lần đưa vào thì 8 lần nó vứt ra. Hỏi “ông có thể cho tôi biết ông muốn như thế nào để tôi viết theo ý ông được ko”, thì nó bảo”tao không biết, mày cứ viết đến bao giờ tao thích thì thôi”. Tóm lại, cực kỳ củ chuối. Ai phải làm việc với nó một lần thì nhẹ nhất cũng phải bảo nó chập cheng, hoặc “em ơi cái thằng sếp em nó bị điên rồi em ạ” hoặc “em ơi sáng nay vợ nó ko cho nó ăn sáng hay sao mà nó cứ gào lên như thằng điên thế”, hoặc khóc tu tu. Thế mà mình vẫn chịu nổi nó, bất kể nó củ hành củ tỏi mình cỡ nào. Đúng là tính nhẫn nhục nó có từ ngày xưa chứ chả phải bây giờ lấy chồng mới đổ đốn ra thế.

Nhưng đó là trong công việc thôi, chứ ngoài công việc ra thì đừng hòng. Nó có cái trò kiểm soát mà mình ko biết phải gọi là ghen tuông hay ghen tỵ. “G, mày khỏe ko?”, “tôi bình thường, cám ơn ông”, “nếu mày đừng đi chơi với hai thằng một lúc tối qua thì có lẽ hôm nay mày sẽ khỏe chứ không phải chỉ có bình thường đâu”. Tối hôm trước mình có hẹn với hai thằng bạn thân đi ăn tối. Hai thằng đến đón mình trước cổng cơ quan, chắc nó đứng ở trên nghía thấy. “Thưa ông tôi đi với ai đó là việc của tôi. Tôi không thích bị người khác theo dõi và bình luận”. Hoặc “G tại sao sáng chủ nhật tao gọi điện mà máy mày lại tắt?”, “thưa ông điện thoại này là điện thoại riêng của tôi, bật hay tắt đó là quyền của tôi. Hơn nữa vào ngày nghỉ tôi ko có nhiệm vụ trả lời điện thoại”. Hoặc “G, mày ngồi lại đây tí đã, tao muốn nói cho mày chuyện này”, (lại chuẩn bị gạ gẫm vớ vẩn) “thưa ông tôi biết ông định nói chuyện gì, tôi sợ rằng đó là chuyện riêng của ông và tôi ko muốn biết”. Trong thời gian mình làm việc cho nó, một lần nó đấm vỡ cái khay đựng tài liệu in-out, đấm xuyên qua cả 3 tầng khay bằng gỗ, và một lần khác sập cửa văn phòng mạnh đến mức cánh cửa nát bét phải thay mới. Cáu thì đập phá cho bõ tức thế thôi chứ xét về lý thì chẳng làm gì được mình.

Sếp (2)

Quay trở lại chuyện appraisal, sếp giả bộ nghĩ ngợi thêm một lúc nữa, rồi vừa viết từng con số vừa nhìn mình dò xét thái độ. Rồi nó viết xuống một con số mà quy ra usd chắc được vài chục, xét về phần trăm ko hơn một nhân viên thường.

Bất kể lượng công việc khổng lồ nó thảy lên bàn mình hàng ngày làm hộ cho nó, kể cả những việc nó hứa hão với người khác nhưng ko biết làm phải chạy về ngon ngọt nhờ mình giúp. Gần thời gian đó nó còn đại lãn đến mức độ mọi email nó phải trả lời thì đều phải do mình viết trước, xong gửi cho nó, nó chỉ còn mỗi cái việc forward.

Bất kể lượng công việc của các phòng ban khác mà nó muốn mình cũng phải dính vào vì theo nó mình giỏi ngoại ngữ.

Bất kể việc nó sa thải Executive của một bộ phận và từ đó mình phải chịu trách nhiệm thêm cả bộ phận của anh ấy mà ko thấy nó động tĩnh tuyển người thay thế vì muốn tiết kiệm.

Lượng công việc tăng gấp mấy lần so với những gì nó nói lúc mới vào. Tất cả đều được hợp thức hóa bằng cái dòng viết vốn cuối cùng trong bản Job Description “Ngoài ra người lao động cũng cam kết sẽ thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào do Tổng quản lý giao cho”.

Để làm hết lượng công việc khổng lồ ấy, mình phải ở lại rất muộn, có khi còn lọ mọ đêm hôm một mình. Trong khi đó, ở ngay trong văn phòng cách có vài bước chân, có khi nó còn đang cưa gái, tán gái, chuyện sex, xem porn, thậm chí có khi còn đang thực hành luôn.

Đấy là những việc vợ con chó mèo giúp việc rồi xích mích hàng xóm nhà nó là còn chưa kể vì ko liên quan đến công việc, mặc dù chỉ riêng từng đấy thôi cũng có thể gọi là full time job.

Sếp vẫn nheo mắt nhìn mình khi mình thu dọn đống hồ sơ để mang về phòng mình cất. Chắc sếp đã trông đợi một màn phản ứng từ cô nhân viên cưng, để thầy trò đôi co một lúc, sếp đay nghiến mình một lúc, rồi cười xòa chữa dòng lương vừa viết thành một con số thỏa đáng. Vẻ bình thản ko tỏ thái độ gì của mình làm sếp chưng hửng.

Nhưng đó là một trong số vài lần ít ỏi trong đời mình thực sự nổi giận. Thực ra nếu sếp đã bảo “mày rất khá, nhưng mày còn trẻ quá, lại chưa có thâm niên làm việc, ko thể so với 3 Executives kia được, thôi cứ làm việc hết khả năng, đợi một thời gian nữa rồi tao sẽ xem xét lại”, thì mình còn chấp nhận. Đằng này mình biết sếp tăng vống lương 100% cho 3 chị kia vì sếp sợ, vì trót trả lương cho một cô nhân viên phòng sale mới vào quá cao (và mang cả cô ấy đi công tác trong những chuyến công tác cô ấy hoàn toàn ko có lý do gì để đi cùng), sếp sợ vì thấy 3 Executives kia nổi giận; và dìm lương mình vì muốn trả thù mình cái tội ương bướng phớt lờ những màn gạ gẫm của sếp. Chưa kể từ hồi mình go out với “anh chàng đại sứ quán”, người ban đầu sếp tưởng ko ăn thua nên cứ bàn vào, sau thấy họ thích mình thật thì lại tìm cách bàn ra, thì mối quan hệ giữa mình và sếp xấu đi. Sếp hay mắng mỏ đì đọt mình hơn và đặc biệt bao giờ cũng hoạnh họe hành lên hành xuống khi mình xin đi nghỉ phép.

Sếp (3)/ Revenge is a dish best served cold

Sáng hôm sau, mình bắt đầu ngó nghiêng trên báo. Chỉ vài tuần sau là tìm được vị trí phù hợp. Apply luôn. Gọi đi phỏng vấn luôn. Vòng phỏng vấn đầu tiên, một người Việt và một người nước ngoài. “Theo bạn một trợ lý giỏi phải là một Organiser, Thinker hay Doer?”, “ Cả 3 bạn ạ, và nhiều hơn thế nữa. Tôi ko thể tưởng tượng một trợ lý giỏi lại có thể khuyết đi bất cứ khả năng nào như trên”. Vòng phỏng vấn thứ hai, sếp nhất và sếp nhì, chủ yếu để sếp nhất hỏi ý kiến sếp nhì về tiếng Anh của mình. Vòng phỏng vấn thứ ba chỉ còn lại sếp nhất. Sếp nhất hỏi “tại sao cô lại muốn bỏ chỗ làm cũ?”. “Tôi có lý do riêng của tôi mà tôi ko muốn chia sẻ, nhưng ông hãy tin rằng lý do đó ko hề liên quan gì đến năng lực cũng như tính cách của tôi”. Chỗ mới nhận luôn, lương theo đúng như yêu cầu của mình.

Khi nhìn thấy tờ đơn xin thôi việc của mình để sẵn trên bàn vào buổi sáng, sếp gầm lên như hóa điên. Tờ đơn bị xé, ném trả lại. Mình rất nhẫn nhục nhặt lên, mang về làm lại. Khi sếp hiểu rằng mình ko dọa thì sếp bắt đầu dọa. Sếp dọa sẽ gọi điện sang chỗ mới để give bad reference. Không ăn thua thì sếp giở đến màn trách móc, chê mình vô ơn, xấu tính. Mình mặt rất tỉnh “I am a nice girl, Sir”. Sếp cay đắng “I know, G, I know you are a very nice girl. But if you want to f… somebody, you f… him hard”.

Trước thái độ dửng dưng hoàn toàn ko muốn đôi co của mình, sếp chuyển sang màn giận dỗi. Từ đó trở đi mình cứ vào phòng nó trao đổi về công việc là nó…đuổi mình ra. Buổi sáng như thường lệ mình hỏi nó có uống cà phê ko để mình gọi thì nó bảo không khiến.

Những ngày làm việc cuối cùng của mình với sếp trước khi sếp đi nghỉ hè, khi tất cả những màn dọa nạt và khổ nhục kế rõ ràng không làm mình đổi ý, mặt sếp xạm hẳn lại. Ngày cuối cùng, 6h chiều mình chào sếp trước khi sếp có cuộc hẹn với cô nhân viên mới sẽ thay mình. Mình bảo “tôi chào ông trước vì tôi sẽ ko đợi đến lúc ông xong cuộc hẹn này”. Nó vẫn mặt lạnh như tiền và đuổi mình ra sau khi bảo mình đừng có mà giả nhân giả nghĩa với nó.

Hơn 7h, mình về. Nghe tiếng cửa thang máy mở ra sếp hét rất to “G, đợi, tao xong ngay bây giờ”. Mình lại lọ mọ rời thang máy quay vào văn phòng mình ngồi đợi. Mấy phút sau nó chạy sang, mắt đỏ hoe rơm rớm “G, tao mãi mới xong. Tao chỉ muốn nói với con bé đó là My G is leaving, I need to talk to her”. Đến phút cuối mới được 1 câu tử tế kể từ hồi mình gửi đơn thôi việc. Tính trẻ con và phụ thuộc của sếp làm mình mủi lòng. Trong vài giây mình thoáng có cái ý nghĩ mình hơi tàn nhẫn máu lạnh. Nhưng…

Kệ xác ông, sếp ạ. Tôi đủ tài để tìm được chỗ sẽ trả tôi mức lương ông ko bao giờ trả nổi. Tôi đủ tài để ko phải tìm cách đi lên theo cái kiểu của những đứa bất tài.

PS1. Giờ mình mới hiểu đàn ông Ý ông nào cũng trẻ con và phụ thuộc như thế cả. Nếu đã mủi lòng thì phải mủi lòng cả đời, chứ mủi lòng có vài giây thì ko ăn thua.
PS2. Định làm tiếp series chỗ làm thứ hai “đàn ông ko làm gì được mình, thế mà đàn bà lại làm mình điêu đứng”, nhưng hết hơi rồi. Ý tưởng thì tràn trề mà thời gian thì lại nhỏ giọt.