Wednesday, July 29, 2009

Tạm biệt New York

Tạm biệt New York
Tạm biệt những chiếc taxi màu vàng và những chú lái vừa rì rầm điện thoại vừa phóng bạt mạng
Những tòa nhà chọc trời
Những cửa hiệu lộng lẫy mỗi khi vợ vào là chồng đổ mồ hôi hột
Những cô gái hay mua váy đẹp trên đường Madison, giữ nguyên tag diện vài buổi rồi mang trả lại trước sự ngậm đắng nuốt cay của các cửa hàng
Những chàng trai mì chính cánh ko chịu bỏ công bỏ sức với đàn bà mà chưa thấy lợi tức thì
Những New Yorkers super-polite thậm chí đi ngang qua nhau cũng phải bảo Sorry
Những Gala dinners với những cô gái diễm lệ có cặp chân màu nâu và những chàng trai hào hoa phong nhã hay cúi chào kiểu cách và hôn tay
Công viên trung tâm ngập hoa mùa xuân, xanh um mùa hạ, vàng rực mùa thu, và phủ trắng tuyết mùa đông
Ông nha sĩ lúc chia tay còn bảo “em là một trong những cô gái hấp dẫn nhất mà tôi từng gặp, sexy, hài hước, lúc nào gặp em tôi cũng vui, nếu mà còn có kiếp sau…”, nói xong đầu gật gật mắt nháy nháy như kiểu em tự hiểu ý lấy nhé. Dịch tôiiem nghe cho nó diễm tình, chứ thực ra nếu dịch đúng theo kiểu tiếng Việt mình thì phải thành ông cháu. Ông đã mang cưa cùn cưa cẩm cháu 4 năm nay. Mình ngắm nghía ông ấy từ đầu đến chân và gật gù “well, doctor, given the fact that you are 70 and still look quite (nhún vai) ok, in the next life if there is any, I may consider”/ “căn cứ vào thực tế là ông 70 mà trông vẫn tàm tạm, nếu mà có kiếp sau thì có thể em sẽ cân nhắc”, làm ông ấy cười phá lên lại lộ ra hàm răng trên giả bóng bẩy còn hàm răng dưới thật thì 9 6 3 0.
Chỉ kịp chạy đi mua hai đôi giày nhảy, chứ cứ nhảy trên những đôi giày cưng xót hết cả ruột. Còn mê mẩn một đôi kính trong bộ sưu tập mới ra của Bottega Veneta bán trong Bergdorf Goodman, hôm thử vừa ý lắm rồi mà còn tiếc tiền. Đến hôm nay định chạy qua mua thì trời mưa như trút, chạy đi nửa đường lại phải chạy về ướt như chuột lột, căn bản hội tây đen pack hết cả ô áo, chả còn cái ô nào.
Lại đi. Mà sao dạo này đọc báo thấy trung bình tuần lần là có một cái máy bay rơi ;-)
Cám ơn tất cả các bạn đã động viên và thăm hỏi. Have a great summer.

Monday, July 27, 2009

Lila 26

Một hôm bà Nuôi tự nhiên lại tâm lý cho hai anh em Lê La đi máy bay. Mở đầu bằng việc bà Nuôi lần lượt bế từng đứa lên cho lượn máy bay xè xè trên đầu đứa kia. Lila đi đầu tiên, lúc bị bỏ xuống đến lượt thằng Lê bé vẫn chưa hiểu trò chơi này ra làm sao nên chỉ tròn xoe mắt đứng nhìn. Đến lúc thằng Lê đang lượn xè xè trên đầu cười như nắc nẻ thì bé hiểu rõ sự tình, xông vào bà Nuôi mồm la chói lói kéo gần tụt cả quần thằng Lê bắt xuống. Thế là từ đó bà Nuôi cứ phải liên tục cứ đứa này xuống thì đứa kia lên, đứa ở trên thì cười như nắc nẻ còn đứa ở dưới thì khóc như ri. Sau khoảng 15 phút thì mình nghe bà Nuôi lẩm bẩm “chết mẹ rồi”. Lý do là vì bà Nuôi mệt phờ râu trê ra rồi mà Lê La vẫn “máy bay máy bay”, và cứ ngừng tay đưa máy bay một cái là Lê La kêu inh ỏi. Bà Nuôi cuối cùng đành hai nách cắp hai đứa, than thở “ôi một bên nặng quá máy bay có khi xệ cánh mất Lê ơi”. Trong thời gian đó thì nồi cơm để quên trên bếp cháy khét lẹt. Mình đi lên nhà để bà Nuôi trong tình trạng khóc dở mếu dở với Lê La choi choi như khỉ đột ở hai bên hông.
Dạo này mẹ suốt ngày phải giải cứu binh nhì Lila. Cứ đang yên đang lành tự nhiên mẹ sẽ nghe thấy tiếng Lila kêu cứu, mẹ vội vàng chạy ra thì y như rằng sẽ thấy bé đang treo tòn ten ở đâu đó, chân chới với, hai bàn tay béo bíu chặt đến nỗi đầu ngón tay trắng bệch, trán đỏ tưng bừng lên đến tận đỉnh đầu làm tóc lại càng vàng hoe. Chẳng là bé vui chân vui tay cứ trèo mải miết lên cao, tay còn bíu được vào đâu là còn đu lên, mà chân còn chạm được vào đâu là còn đạp lên, đến lúc hết đường ko lên được nữa thì mới nhận ra là có muốn xuống cũng chả được. Thế là đành kêu cứu như cháy chợ. Mỗi ngày vài bận. Trán lúc nào cũng thường trực một cục u tím bầm. Hôm qua thì thêm cả cái mồm sưng vếu đến nỗi từ sáng tới chiều mà vẫn ko ngậm lại được.
Hôm nọ bà Nuôi bảo “Ale trông em Lila cho bà tắm cái nhen”, chú chối phắt “thôi bà Nuôi ơi Lê ko trông được đâu, La nó khỏe nó leo trèo dữ lắm”. Chú Bình Nguyên theo mẹ chú là được cái tính thẳng thắn. Nhờ cái gì chú mà gật là chú làm luôn, mà tự thấy ko làm được là chú từ chối luôn. Mẹ chú tin tưởng chú lắm ý

Sunday, July 26, 2009

Ký sự chuyển nhà



  

Đúng là trong hoàn cảnh khó khăn mới thấy ưu điểm của việc sinh ra là con nhà nghèo. Cả ngày bắt đầu từ 9h sáng mình mải miết xếp đồ. Còn chàng, buổi sáng ngồi ngất ngưởng ăn sáng và tán chuyện rào rào với bạn, thỉnh thoảng lại nói với vào “em yêu, chúng ta hãy nhớ mang va li xuống chuẩn bị xếp đồ”. Chàng nói “love, let’s remember…” đến lần thứ ba thì mình mang thang trèo lên kho tự lấy va li xuống cho xong. Đến 11h, chàng đứng lên, gãi bụng, vươn vai, định ca điệp khúc “em yêu chúng ta hãy nhớ…” thì thấy đống va li đã xếp hàng ở đó, chàng mới hỏi một câu rất khiêm nhường “em yêu, anh phải làm những gì?”. Sau câu ngắn gọn của vợ “anh đóng đồ dùng cá nhân của anh thôi anh yêu ạ, đừng hỏi em nhiều vì em cần tập trung làm cho nhanh”, thì chàng lững thững đi lên gác than thở “sao anh ghét chuyển nhà thế ko biết”.
Mấy tiếng sau mình xong việc dưới nhà đi lên thấy nhà trên đang như bãi chiến trường ko có cả chỗ len chân. Nhìn chàng làm việc mới chán đời, toàn đầu voi đuôi chuột kiểu lúc đầu thì cẩn thận đến độ xếp có cái folder tài liệu thôi cũng phải mở ra xem xét kỹ từng tờ giấy bên trong, tờ nào tờ nấy cũng phải đọc từ đầu chí cuối (thể nào kỷ niệm cũng dào dạt ùa về cho mà xem), đến cuối cùng hết thời gian hoặc mệt quá thì cuống cuồng hốt tất tật vào làm một đống bát nhào lúc cần chẳng biết cái nào để ở đâu cái gì cũng hỏi vợ. Từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc mình phải nghe khoảng 20 lần câu “anh ghét chuyển nhà”. Phải mó vào đống đồ đạc lỉnh kỉnh trăm thứ bà rằn của bản thân làm tâm trạng chàng não nề đến mức buổi tối đi ăn tối ở ngoài mà mặt chàng vẫn ko tươi lên được tí nào.
Chuyện này lại làm mình nhớ hồi đi học có một bạn học cùng khóa nhưng là lớp Toán 2, to cao lừng lững như một con voi nên được gọi là thằng Vinh voi, bạn ấy làm bài kiểm tra chuyên trị mải mê giải phần đề ko bắt buộc đến nỗi lúc quay sang phần bắt buộc thì hết giờ, lần nào cũng như lần nào. Hồi đấy mình cho rằng bạn này bị mát dây thần kinh. Chả nhẽ bây giờ chồng mình cũng mát mát.
Sau hai ngày miệt mài thì mình đã gần xong hết. Đống đồ đạc thuốc men quần áo giày dép đồ chơi sách truyện cùng ti tỉ thứ lỉnh kỉnh khác của Lê La, đồ mang theo máy bay, đồ giao sau hai tháng vào nhà thuê, đồ giao sau 5 tháng vào nhà mới, cái nào ra cái nấy xong xuôi. Đồ của mình cũng chia làm 3, phần mang theo, phần giao sau hai tháng vào nhà thuê, phần giao sau 5 tháng vào nhà mới. Chỉ còn mỗi cái bếp phải xếp dọn lại xem mang cái nào bỏ cái nào là xong, ngày mai cho bọn công ty giao nhận tha hồ mà đóng thùng rồi chuyển đi. Còn chàng, buổi sáng ngày thứ hai, sau khi lại ăn sáng và tán chuyện với bạn rào rào đến 11h, thì lên nhà giở từng cái danh thiếp một ra xem và than thở “I make no progress”. Đến 2h trưa xuống ăn trưa mặt dài như cái bơm, ăn xong thì lăn ra ngủ, trước khi lăn ra ngủ còn bảo vợ “có khi anh ốm mất”.
Chồng quả là số sướng, lúc ở nhà được bố mẹ chiều như chiều vong, lúc ra đời lại hên có công việc tốt và ổn định, lấy vợ thì được vợ mát tính, có con thì lại được con ngoan. Số xuân ơi là xuân.

Friday, July 24, 2009

24/7/2009

Thế là trong một thời gian ngắn bố mẹ Lê La đã làm được một khối công việc khổng lồ liên quan đến việc chuyển nhà.
-         Chú Bình Nguyên sẽ đi học ở trường Anh thay vì trường Pháp. Mẹ chú đổi quyết định vào phút chót. Mẹ chú vẫn muốn cái mồm xinh xinh của chú nói tiếng Pháp cho mẹ nghe nên sẽ cho chú đi học thêm khi nào chú muốn
-         Bé Lila sẽ đi học ở trường mẫu giáo dành cho con cái nhân viên trong Bộ. Đây là trường mẫu giáo tốt nổi tiếng và chi phí thấp vì được Bộ bao cấp. Lớp mẫu giáo của Lila chỉ nhận 25 bé, gia đình nào càng có hoàn cảnh khó khăn như neo người thì càng được ưu tiên. Lila xếp thứ 22 tí trượt. Mẹ rất mừng vì bé được vào nơi đây.
-         Bố mẹ Lê La đã mua được căn hộ kiện cáo hồi năm ngoái dù phải vay ngân hàng một khoản khá kếch xù và việc trả lãi cũng khá è cổ. Công việc sửa sang đang được tiến hành hy vọng đến tháng 10 sẽ xong.
-         Bà Nuôi đã nhận được visa làm việc. Nếu việc bảo lãnh giúp việc sang Mỹ là chuyện dễ dàng với bố mẹ Lê La nhờ tiêu chuẩn của gia đình ngoại giao thì việc mang giúp việc về nước lại khá trầy trật vì phải xin giấy phép của Bộ Nội vụ. Mặc dù đã được đặc cách ít nhiều mà vẫn khốn đốn vì các thủ tục hành là chính.
-         Bác sĩ kết luận xương cổ tay của Lila bị damaged từ vụ nhiễm khuẩn, mặc dù việc điều trị bằng kháng sinh đã kết thúc hẳn nhưng bé sẽ tiếp tục phải gặp bác sĩ chuyên khoa vận động tay dài dài để nếu thấy cổ tay kém vận động thì họ sẽ can thiệp luôn. Cũng may là về Rome chứ nếu phải đi châu Phi khỉ ho cò gáy chắc mẹ phải để bố đi một mình quá.
Mọi việc mấy tháng trước vẫn như một cuộn chỉ rối giờ đã thấy dần dần đi vào ổn định. Mẹ đang ngồi đần mặt trước đống đồ đạc và hành lý phải xếp, các hóa đơn chứng từ phải thanhh toán nốt, các tài khoản phải đóng, hàng phải gửi đường biển. Cứ nghĩ tối đa 4 năm lại một lần hỗn loạn thế này mà ngại.
Chỉ còn 5 ngày nữa thôi.

Tuesday, July 21, 2009

Chưa có dấu hiệu kết thúc

Chưa bao giờ đi dọc con phố Madison của Manhattan lại thấy nhiều cửa hiệu đóng cửa như vậy. Chỗ thì đóng cửa để chuyển sang địa điểm khác rẻ hơn, chỗ thì đóng cửa vĩnh viễn. Con phố Madison phần upper East là khu phố thương mại đắt nhất New York, những nhãn hiệu thời trang đầu bảng đều có cửa hàng ở đây.
Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến cho những mặt hàng xa xỉ mất vị trí đáng kể trong ngân sách tiêu dùng của người dân, và đó cũng là lý do những cửa hàng trên ko trụ nổi trong thời khó khăn khi khách mua thì ko có mà tiền thuê cửa hiệu hàng trăm nghìn đô la mỗi tháng thì vẫn phải nộp đủ.
Bị ảnh hưởng mạnh nhất trong cơn bão này ko phải là những đại gia trên thị trường chứng khoán sau một đêm tỉnh dậy thấy cả khoản tiền khổng lồ của mình bốc hơi cùng với sự mất giá cổ phiếu (vì những người giàu thì vẫn rất giàu) mà là tầng lớp trung lưu Mỹ. Đây là những người có công việc ổn định, thu nhập khá. Vì có thu nhập khá và ổn định nên họ thường vay ngân hàng tiền để mua nhà và có hợp đồng trả góp trong vài chục năm.
Cứ lấy ví dụ thế này, một cặp vợ chồng tại New York city tổng thu nhập khoảng 10,000us/tháng, thế là đã ở mức ổn. Họ mạnh dạn vay tiền ngân hàng mua một căn hộ trong Manhattan, trả góp cả vốn lẫn lãi 2000usd/tháng liên tục sau 30 năm thì căn hộ sẽ thành của mình. Ngoài ra thì họ còn phải trả 2000usd/tháng cho tòa nhà (các loại chi phí bảo dưỡng, thang máy, thuế má, chi phí người gác cửa vv). Họ lại phải trả bảo hiểm nhân thọ cho cả hai vợ chồng, gọi cho là 1000usd/tháng, nhỡ đâu có tai nạn xảy ra mất sức lao động thì còn được bảo hiểm bồi thường. Như vậy trong tổng số thu nhập 10,000usd/tháng thì đã mất 5000usd vào những chi phí cố định. Còn lại 5000usd thừa đủ cho họ xông xênh, thỉnh thoảng đi ăn nhà hàng, đi xem Broadway, du lịch một năm một lần, và tiết kiệm.
Nhưng đùng một cái anh chồng mất việc, chỉ còn thu nhập của chị vợ 5000usd/tháng, mà hợp đồng trả góp kể trên mới bắt đầu được 2 năm, còn 28 năm nữa, ko cố sức mà tiếp tục thì mất nhà, mất toi hai năm trả mortgage, rồi phải đi thuê nhà còn tốn kém hơn. Nhưng mà cố thế nào, lương thì chỉ có thế, mà riêng những chi phí cố định đã hết cả lương. Thế là các chi phí hàng ngày phải cấu vào tiết kiệm. Còn chưa kể đến việc chị vợ phải vay tiền ngân hàng để học thạc sĩ và giờ vẫn phải trả lãi.
Mình cứ thương vợ chồng cậu bạn mình. Cậu ta là kiến trúc sư, trong giai đoạn này lại càng ko thể tìm được việc mới vì ngành xây dựng cần vốn lớn toàn là vay tiền ngân hàng để làm, giờ ngân hàng ko cho vay nữa thì cũng chẳng ai dám giở ra xây dựng, tức là cũng chẳng ai cần tới kiến trúc sư xây dựng. Cậu ta bảo “chúng tôi có bao nhiêu là kế hoạch, mà giờ thành tan biến hết”. Mình hiểu là cậu ta muốn nói tới kế hoạch có con, vì cậu ta đã hơn 50 tuổi, chị vợ trẻ hơn đến hơn 20 tuổi. Cậu ta khao khát có con vô cùng, lần nào đến chơi cũng xoắn lấy Lê La hàng giờ đồng hồ.
Có lẽ vì những áp lực nói trên mà càng ngày dân các nước phát triển càng trì hoãn việc cưới xin và nhất là có con. Chính ra thế ở nhà mình lại sống khỏe, ở nhà bố mẹ, tháng góp tiền ăn, con đẻ ra tài chính thiếu thốn một tý thì họ hàng mỗi nơi giúp một ít cũng vừa.

Monday, July 20, 2009

Tro của hoa hồng

Mình thích màu tro của hoa hồng trên nền lụa chiffon.
Chúng ta thường gọi tất cả những màu hồng phấn, hồng be là tro của hoa hồng. Theo mình như vậy ko chính xác, màu tro của hoa hồng phải là màu hồng ngả xám. Trong tiếng anh màu tro hoa hồng, hồng phấn, hồng be cũng chỉ được gọi chung là blush, màu má ửng lên khi ngượng.
Hôm nọ mình hỏi chàng “anh ơi từ giờ đến lúc đi mình còn dạ tiệc nào phải mặc váy dài ko?”, chồng bảo “ko”. Thế là cái váy tro hoa hồng chả có dịp nào mặc, vì về Ý thì chắc toàn bộ số váy dài là cất kỹ hết. Tại hội Fedex cách đây mấy tháng giao hàng chậm mấy hôm, làm cho mình đã tính toán kỹ lại thừa ra một cái váy ko có dịp nào mặc. Hội Fedex thật là mất quan điểm.
Mình chờ mong cơ hội mặc chiếc váy màu tro của hoa hồng, rồi mình sẽ dùng bóng mắt cũng màu tro của hoa hồng, mắt đen, tóc đen, môi nhạt, và mùi hương Bvlgari dưới gót chân. Chàng nghe vợ ngồi ao ước thì bảo “sao mà có người phù phiếm đến thế nhỉ”.
Ờ, cứ phù phiếm đấy, làm giề. Cũng may là mấy năm nay có blog mình lên blog phù phiếm hết định mức nên ở ngoài đã shâu shắc lên nhiều. À quên, váy lụa chiffon mà lại bó ở eo thì thân hình tốt nhất phải rất fit, nếu ko thì mỡ tảng nào tảng nấy và da nhúm nào nhúm đó là nồ nộ hiện ra hết.
Cách nhà mấy block, phía bên bờ tây, là fashion avenue chuyên bán vải vóc thời trang. Nghe nói cách đây 30 năm là khu thời trang rất thịnh, các hãng thời trang đầu bảng toàn đến đó lấy chất liệu. Giờ thì những hãng tơ lụa hàng đầu của Ý đã phải nhường chỗ cho các cửa hàng vải của người Ấn và người da đen bán chủ yếu các chất liệu lóng lánh kiểu trang phục của các Broadway shows, nhưng nếu chịu khó thì vẫn tìm được những chất liệu rất ưng ý, mỗi tội mấy anh bán lụa điêu trẹo khẩu và toàn bán theo yard làm mình cứ phải đần hết cả mặt để tự lẩm nhẩm tính vải. Giá mà trước khi rời NY có thời gian đi mua được mấy thước lụa màu khói hương (smoky) thì hay quá.

Saturday, July 18, 2009

Tổng kết mấy ngày khổ sở

Sáng thứ 5 mình hộc tốc chạy ra Fedex gửi một tập tài liệu hỏa tốc về Ý. “Thường sáng thứ 2 là tới, để cho chắc thôi cứ coi là chiều”. Lại mất toi của mình một ngày, “nhưng thế này là nhanh nhất rồi ko thể nhanh hơn”, con bé nhân viên Fedex nói rất đanh thép. Đành chịu. Nắn nót viết địa chỉ, kiểm tra mấy lần, trân trọng đưa cho nó. Yên tâm là chỉ việc về nhà ngồi rung đùi đợi chiều thứ 2 kiểm tra cho chắc.
Hồi mới đến Mỹ, mình viết số 1 là một nét sổ thẳng (ở nhà vẫn hiểu là số 1 như thường) nhưng ở đây chúng nó đọc thành chữ I. Rút kinh nghiệm sau vài lần trầy trật, mình viết số 1 như thông thường, ko có gạch đít. Tưởng đã ngon ăn, ai dè chúng nó lại đọc thành số 7. Lần này mình quyết tâm, viết số 1 nào cũng phải cẩn thận có cái gạch đít vào, bụng đắc thắng giờ thì chúng mày có chối bằng giời. “Chúng nó” và “chúng mày” ở đây chủ yếu là hội bảo hiểm toàn giả vờ chậm hiểu để trì hoãn trả tiền cho khách hàng.
Ai dè mọi sự rắc rối bắt đầu từ đây. Tại mình viết số 1 có gạch đít nên con bé nhân viên Fedex nhìn chữ L cũng tưởng là số 1 luôn. Thế là 131L thành 1311. Mà rõ ràng mình đã gạch đít số 1 rất khiêm nhường và viết chữ L rõ là hoành tráng, và còn cẩn thận đến mức bắt nó đọc to lên xem có hiểu chính xác mình viết gì ko. Nó đọc sang sảng lên thì đúng, thế mà lúc vào hệ thống thì lại vào nhầm. Đầu đất đến thế là cùng.
Tất nhiên thằng nhân viên Fedex ở Rome đến số 1311 tìm toét mắt chả thấy tên văn phòng phải giao thư nên phải đi về. Ngày hôm sau lại đến, vẫn ko thấy văn phòng, lại đi về. Cứ đi đi về về thế trong 3 ngày liền, báo hại mình mấy ngày liền toàn dậy từ 4h sáng để gọi hỏi Fedex lý do chậm trễ. Lúc tìm ra lý do mình tức suýt nổ ruột, gọi điện lên Fedex “Tôi ko hiểu nó nghĩ cái gì trong đầu. Ngày thứ nhất nó đến, địa chỉ sai, nó ko thèm gọi xác nhận lại thông tin, nó mang phong bì thư về, ngày thứ hai nó lại đến nữa, địa chỉ sai, ngày thứ 3 nó lại quay lại, địa chỉ vẫn sai, và ngày thứ 4 nó lại định quay lại lần nữa, chắc nó hy vọng một ngày nào đó địa chỉ tự nó thành đúng phải ko?”. Hội Fedex im tịt. Thế nhưng cái thằng não đậu phụ kia vẫn ko chịu đi giao tập tài liệu ngay cho mình nhờ. Mình gọi điện lên Fedex lần nữa, đã cáu sẵn lại gặp con nhân viên đầu gấu vừa sẵng giọng vừa thở dài thườn thượt trong điện thoại, tức hết chịu nổi “tao sẽ kiện Fedex, hiểu ko?”, thế thì mọi chuyện mới xong. Ở bên Mỹ này cứ dọa kiện là cái gì cũng xong hết.
Phong bì tài liệu đó là hồ sơ visa của bà Nuôi. Vé máy bay đã mua, ko làm kịp trước ngày 29/7 thì chả nhẽ để bà Nuôi ở lại. Stress đến nỗi ngồi chờ điện thoại, nghe hết bản nhạc chờ này đến bản nhạc chờ kia, tay sờ lung tung lên mặt, được mấy hôm thì mặt nổi bao nhiêu mụn.
Mấy tuần nay stress khủng khiếp làm đủ thứ giấy tờ. Lần trước từ Hà nội sang NY đã stress nặng, mà chỉ có mỗi hai vợ chồng. Lần này từ NYvề Rome, con lớn con bé, lại thêm cô giúp việc lơ ngơ đi đâu cũng theo mình sát gót kẻo lạc, đủ biết stress đến đâu.

Tuyển tập Bình Nguyên (phần 67) hay Những câu hỏi về giới tính



 

Chú Bình Nguyên có biệt tài “giả nhời” đôm đốp.
-         Mẹ oánh Lê một phát vào đít đấy nhá
-         Lê oánh một phát vào đít mamma thì có

-         Lê ko lùi ra bà lăn cái này vào con cu Lê bây giờ
-         Lê lăn cái này vào con cu bà Nuôi thì có

-         Eo cái thằng này, hôn kiểu gì mà toàn nước dãi vào mặt mẹ thế này
-         Nước dãi mamma thì có đấy (đấy, nhỉ, nhé, thôi, chú Bình Nguyên dùng hơi lẫn lộn)

-         (Mẹ tức tối) Con với cái, đứa nào đứa nấy cứ như khỉ đột
-         Khỉ đột là cái gì hả mamma? Mamma là khỉ đột thì có đấy

Gần đây cả nhà lại quay cuồng với những câu hỏi về giới tính của chú Bình Nguyên. Bà Nuôi thay bỉm Lila, chú ngó vào và kêu ầm lên “bà Nuôi ơi, La nó ko có cái pi pi, thế làm sao mà nó đi pi pi được?”. Bà Nuôi ngẩn tò te chưa biết giải thích thế nào lại bị chú bồi thêm một câu hỏi khó nữa “thế bà Nuôi có cái pi pi giống Lê hay bà Nuôi giống La?”. Không hiểu bà Nuôi giải thích ra sao mà mẹ chú vừa đi xuống đã thấy chú chạy ra hỏi “mamma ơi mamma có chim ko?”. Mẹ chú chỉ sợ bố mẹ chú mời khách suốt ngày để lấy quan hệ mà chú lại chạy ra hỏi vặn khách câu hỏi này thì chắc quan hệ chả được mà còn thành kẻ thù của nhau mất.
Dạo này ko hiểu học được ở đâu mà chú đâm ra lại thích sờ ti. Chú đuổi mẹ chạy vòng quanh nhà để sờ ti, mẹ đứng gần là chú quờ tay vào ti mẹ vẻ rất vô tình, mẹ ngồi cạnh là chú giả vờ giả vịt ngả ngốn cốt chỉ được đụng vào ti mẹ. Mẹ chú xui “Lê ra sờ papa đi”. Chú lắc đầu vẻ rất hiểu biết “papa ko có tí”. Mẹ chú lại bảo “ai bảo Lê là ko?”. Chú bảo “papa có tí nhưng tí papa nhỏ, Lê thích tí mamma to”. Nói đoạn lại nhào vào lòng mẹ chực sờ ti. Mẹ chú cáu sườn mới bảo “Lê, mamma rất ghét sờ ti, con mà cứ sờ ti mamma mamma cáu lên oánh cho Lê một phát vào đít đấy”, thế là lại nghe được câu trả lời tắp lự “Lê oánh cho mamma một phát vào đít thì có đấy”

Bôi bác các bạn tàu (phần cuối)

Trong mắt mình, nước tàu như một thằng người to xác, cố ăn mặc tinh tươm giương oai diễu võ nhưng bụng đói đến mức cái gì cũng liếm láp vơ váo, và chả từ món gì, chả từ mánh gì, để có cái đổ vào cái dạ dày rỗng. Dân số càng hoành tráng thì càng đói nhiều, càng đói nhiều thì lại càng phải đi ăn xin ăn cướp hoặc bành trướng nhiều, mà càng bành trướng nhiều thì càng bị ghét.
VN mình là một nước nhỏ, là một dân tộc nhiều thiệt thòi, và chắc chắn thua xa tàu về ảnh hưởng cũng như tiềm lực (cũng như độ tráo trở). Nhưng có một số điểm mà mình thấy bọn tàu có tức hộc máu ra cũng ko thể có được, như sau:
- so với những khuôn mặt tàu mắt híp tịt mặt thịt thà và bẹt dí như mèo mặt tịt thường gặp thì người VN có khuôn mặt khá đẹp, xương mặt phát triển, gương mặt tươi tắn và dáng vóc gọn ghẽ, nói chung dễ gây thiện cảm hơn
- đồ ăn VN nói chung được ưa chuộng. Những người mình gặp phần lớn mê đồ ăn VN, 1 phần nhỏ chưa ăn bao giờ, và một phần nhỏ ko thích. Trong khi mình chưa gặp một anh tây nào thích đồ ăn tàu.
- người VN viết chữ, mặc dù những huyền sắc hỏi ngã nặng của chúng ta cũng làm bọn tây điên đầu, còn bọn tàu lại vẽ chữ. Cái khoản vẽ chữ này là một lực cản lớn cho sự phát triển của tàu.
- ngoại ngữ của người VN khá. Nói được đến mức điệu đà uyển chuyển thì ít, nhưng nói tàm tạm thì hầu như ai cũng nói được. Giọng phát âm của người VN nghe ko quá trừu tượng đối với tai bọn tây. Trong khi đó anh tàu nếu có nói được tiếng tây thì cũng chả giấu đi đâu được mấy cái xì thẩu ủa ái nỉ ậm ọe, người nghe cứ phải căng tai ra mà đoán. Nhân đây bạn nào biết tiếng tàu thì giải thích hộ mình xì thẩu là cái gì.
Nhưng cứ lần nào nói đến ta và tàu là mình lại nhớ đến một câu chuyện vui, ko nhớ phần giữa thế nào mà chỉ nhớ phần đầu và cuối:
Một hôm Thượng đế mới quyết định thử thách sức mạnh các dân tộc. Ông quẳng tất cả các dân tộc vào một chảo dầu sôi sùng sục và ngồi đợi.
Một thằng tàu nhô lên đầu tiên. Ngó vào thượng đế thấy tất cả những thằng tàu còn lại đang hợp lực bá vai bá cổ lại với nhau để công kênh một thằng lên, cả hội chết cũng được miễn là còn một thằng dân mình sống sót.
Rồi thằng thứ hai nhô lên là một thằng Mỹ to khỏe, nó đạp lên đầu những thằng còn lại để thoát ra khỏi chảo dầu (cái này là bịa, ko nhớ chính xác)
Rồi tiếp theo đến tất cả những dân tộc khác đều lần lượt ra được cả, bằng cách này hay cách khác tùy thuộc vào đặc tính của từng dân tộc
Thượng đế đợi mãi ko thấy thằng VN nào nhô lên, ông mới quyết định chắt dầu đi xem thế nào. Dầu chắt đi hết, đáy chảo lộ ra, và thượng đế thấy toàn thể các chú VN đang vướng hết cả vào nhau, chú nọ đang ghìm đầu chú kia xuống, quyết thà chết chung chứ ko để countrymen nào nổi lên được hơn mình.

Wednesday, July 15, 2009

Bôi bác các bạn tàu (phần 1)



 

Mấy tháng trước, ngồi tán gẫu với mấy Cha của Vatican, một Cha người Nga chỉ biết tên đọc là Mikhailô, Cha kia người Ấn Độ nhưng lại có cái tên Hy Lạp. Câu chuyện thế nào lại sa đà vào chính trị, và một Cha quay sang hỏi mình “theo cô tôi có nên đi học tiếng Trung Quốc hay ko?”. Mình mới hỏi “tại sao Cha lại muốn đi học thứ tiếng đó?”. Ông ấy mới bảo “TQ hơn một tỷ dân…”, mình bảo “Cha ạ, họ hơn một tỷ dân nhưng 80% là nông dân cả đời chả đi đâu ra khỏi nước họ cho Cha gặp, nên Cha thích thứ tiếng đó thì Cha học, chứ đừng học vì con số 1 tỷ kia”. Là mình cứ nói đại thế chứ cũng chả biết trong số dân tỷ mấy của tàu có bao nhiêu bác nông dân chân đất.
Một bận khác, ngồi nói chuyện với mấy doanh nhân, một ông bảo “TQ rồi sẽ trở thành cường quốc số 1 thay Mỹ”. Mình bảo “trông bên ngoài thì thế thôi ông ơi. Tất cả các nước cộng sản đều chỉ phô ra những gì họ muốn phô ra, còn phần trong mục ruỗng thì họ giấu kỹ lắm”. Ông ấy lại bảo “tôi biết cô là người VN cô ko thích người TQ, nhưng họ hơn 1 tỷ dân…”. Mình bảo “ông cứ tin tôi đi, người ngoài thì cứ sợ chứ còn chính TQ thì ko tự hào với con số hơn tỷ đó đâu”. Ông ta bảo “sao cô lại nói vậy?”, “thế tôi hỏi ông nếu tự hào thì họ phải thi hành chính sách 1 con gắt gao đến thế để làm gì?”.
Theo mình, một nước:
-         Nức tiếng với đồ made in china là đồ rẻ tiền, rẻ tiền vì có lao động rẻ tiền, và đi đâu cũng chìa ra số dân tỷ mấy đa phần nghèo khổ
-         Đi ra nước ngoài cũng chỉ túm năm tụm ba làm vài cái China town buôn bán rau dưa thịt cá với nhau chứ cũng chả dám lân la đi đâu khác
-         ẩm thực nổi tiếng khắp nơi là loại đồ ăn nhờn dầu mỡ và tương rõ lắm mỳ chính rất khó xơi
-         dân toàn vẽ chữ và ngoại ngữ tồi
-         mình gặp nhiều người Âu Mỹ chả ai thích người tàu, đặc biệt họ ghét tính cách người tàu tham lam, lặt vặt, xấu tính, ngờ vực.
-         cứ tự hào nền văn hóa dày nọ dày kia, nhưng cái món văn hóa tàu cờ quạt yếm dãi phèng la ỉ ôi có lẽ ngoài nước tàu và vài nhà nghiên cứu ra thì cũng chả mấy ai quan tâm (một lần trong lối tàu điện ngầm có trưng ảnh một cô tàu mặc trang phục cổ truyền xanh đỏ tím vàng đang múa kiểu gì mà người thì đứng bằng một chân, còn chân kia thì dựng ngược lên trời ý, mặt mũi đặc tàu và bự son phấn, trông quả thật kỳ khôi vô cùng)
thì có mà thành cường quốc nhất nhì cái con khỉ.
Chú thích: các cô cứ ồ lên chứ mang tiếng các cháu chụp tần tuồng mà cũng có nhìn thấy cái gì đâu

Monday, July 13, 2009

Live and let live



 

Cuối tuần cả nhà kéo nhau lên East Hampton thăm hai ông bà người quen cả 3 năm nay ko gặp. Mình vốn ko muốn giao du với những mợ mà mình hay gọi chung là “the Hamptons ladies” vì họ rất vênh váo. Họ vênh váo có thể vì họ đẹp, hoặc chí ít cũng đã từng đẹp nổi tiếng, giàu có, chồng làm to, kiểu những phụ nữ kiểu cách, trang sức leng keng và làn da phơi nắng đến độ nhăn nheo như táo héo. Họ toàn là giới người mẫu, showbiz, hoặc vợ của những chủ tịch công ty, hoặc banker, nói chung toàn những nghề hốt bạc. Đất ở East Hampton rất đắt, những dinh thự bên bờ biển giá có thể lên đến vài trăm triệu đô la, trong đó phải kể đến dinh thự của những người nổi tiếng như Oliver Stone, Seinfeld vv.
Nhưng ông bà bạn cả nhà mình đến thăm thì khác, rất giản dị và hài hước. Ông chồng là quay phim trong các bộ phim tài liệu về chiến tranh và thế giới hoang dã. Ông ấy từng đến VN quay phim tài liệu hồi những năm 70, kể rằng ngày đó vài ngày liền ông ấy ko ăn được cái gì vì phải quay những cảnh người VN chết đầu văng một nơi chân tay văng một nẻo. Ông ấy cũng từng nằm phục hàng tháng trời trên những trảng cỏ rộng lớn của châu Phi để quay những cảnh hổ báo săn mồi và có lần bị cả một đàn voi rượt đuổi mà vẫn còn vừa chạy vừa cố quay nốt những thước phim quý giá. Lòng can đảm khiến ông ấy kiếm được rất nhiều tiền. Ở những nơi chiến sự ác liệt hoặc núi cao rừng rậm thú dữ chẳng ai chịu đi thì ông ấy đi, và tất nhiên cũng nhận được những mức thù lao cao ngất ngưởng kiểu 5000usd/ngày cách đây 30, 40 năm.
Ngôi nhà nằm sâu trong rừng, yên tĩnh tuyệt đối, ko khí trong lành. Đến đó mới thấy NYC ô nhiễm chừng nào. Nhiều xe cộ ô nhiễm đã đành, mà cách thu gom rác của NYC cũng khiến thành phố này lắm chuột bọ. 3 ngày trong tuần dân đem túi rác ra để tơ hơ ngoài vỉa hè, rác cứ thế để qua đêm sáng hôm sau công ty vệ sinh mới đi gom. Thế là trong đêm chuột bọ tha hồ đục khoét lục lọi, con nào con nấy cứ béo mẫm.
Cả nhà đi câu cá trong vịnh, chú Bình Nguyên cũng được đi cùng. Chú còn được lái tàu. Nhìn chú mắt nhìn đăm đăm ra phía trước chân xoắn quẩy tay bấu chặt bánh lái như sợ tuột điệu bộ tập trung cao độ môi run run mà buồn cười. Câu được 3 con cá mỗi con dài hơn nửa mét, bà vợ yêu cầu thả đi một con, ông chồng còn chưa kịp nói gì thì mình và chàng đều hưởng ứng làm ông ấy đành phải thả con cá xuống biển, mặt tiếc ngẩn ngơ. Bà bạn bảo may có anh chị chứ có mỗi mình tôi thì ông ấy sẽ bảo “bà điên à”. Còn con blue fish thì hình như ko tin được là đời nó lại may mắn thế.
Bình thường mình vẫn chén cá tì tì, và tuy ko phải là người thích ăn thịt nhưng chắc cũng chả bao giờ cải sang ăn chay được, nhưng tận mắt thấy cảnh con cá to tướng giẫy đành đạch trước khi ngừng thở tự nhiên thấy chả muốn ăn nữa.
Live and let live.

Friday, July 10, 2009

Pack up and leave

Và rồi Y360 sẽ đóng, tất cả sẽ biến mất như chưa từng xảy ra. Như thể tôi chưa từng khóc, hay cười, hay bỉ bác, ở những entry nào đó. Như thể bạn chưa bao giờ ghé thăm…
Và rồi tôi sẽ rời khỏi thành phố này, như chưa từng ở đây. Như thể chiếc chìa khóa này chưa từng mở cửa căn nhà trên phố 38. Như thể Lê La chưa từng nhảy nhót trên bậu cửa sổ.
Như thể góc phố 82 và Park ông bác sĩ già của tôi vẫn hiền từ sau hai lần cửa đóng im ỉm.
Trót làm người vui tính
Khi gặp chuyện đau lòng
Ta ko dám khóc
Bằng nước mắt.
(thơ của Chóe)
Pack up and leave. Tặng tất cả các bạn a four-leaf clover.

Thursday, July 9, 2009

Lila 25


 

Hôm nọ, thằng Lê đang mải mê ngồi chơi cái bệnh viện chó mèo của nó, Lila lân la đến gần giơ tay chộp con chó. Thằng Lê giật lại. Bé ngẩn ra, rồi lại giơ tay chộp con mèo. Thằng Lê lại giật lại. Bé lại vội vàng giơ tay chộp con ếch. Thằng Lê lại giật lại. Bé ngẫm nghĩ một lúc rồi quơ tay một cái định gạt hết chó mèo cóc nhái xuống đất. Thằng Lê chồm lên vòng tay bảo vệ đống thú, mồm la bai bải “hép mi hép mi”. Bé tức mình đứng phắt dậy hất luôn một cái, cả cái bệnh viện chó mèo đổ chổng kềnh, các con thú rơi lả tả. Thằng Lê khóc toáng.
Mỗi khi bé bắt nạt anh, mẹ hay chạy lại vừa bê bé ra một góc khác vừa bảo “này này này”, giờ bà Nuôi tự nhiên cứ vật bé ra thay bỉm là bé cũng “nài nài nài”. Bé giật đồ chơi của anh là mẹ cũng “này này”, thì ai lấy cái gì ra khỏi tay bé bé cũng nạt nộ “nài nài”.
Con gái có quả trán dô thần sầu. Đang đi thì mất đà ngã chúi xuống, hì hụi đứng lên, tự dẫm vào gấu váy mình, lại ngã vập mặt xuống đất, trán tím. Đang đứng ở sau cửa bố mở cửa ra nghe thấy binh một cái, trán tím. Giằng co đồ chơi với anh, hai anh em ngã chổng kềnh, trán cũng tím. Quả trán lãnh đủ, vết mới thì tím, vết cũ hơn thì hóa đỏ, qua ngày hôm sau thì chuyển xanh, vết cũ nhất thì vàng vàng, cứ xanh đỏ tím vàng chả lúc nào hết, còn mũi mồm thì ko hề suy chuyển. Trán dô nổi quá thậm chí muỗi có đốt là cũng chỉ đốt vào trán. Sau này mẹ phải làm cho quả mái Cleopatra che bớt, chứ trán thế này chắc đàn ông chúng nó chạy hết mất.
Hôm nọ mẹ cho bé cái nút chai rượu. Bé thích lắm đang cầm khư khư thì thằng Lê nhào đến định giật. Bé hoảng hốt đứng xây lưng lại, giơ cái nút chai lên cao quá đầu tưởng rằng ở độ cao đó là cái nút chai của bé an toàn. Nhưng mà cái cao quá đầu của bé cũng chả bằng thằng Lê cúi xuống. Bé bị mất cái nút chai tức đến nỗi khóc đỏ hết cả da đầu. Gặp những lúc ghê gớm bé chả ngại ngần gì nhảy vào đấm, tát, dứt áo và vít tóc thằng Lê. Suốt ngày phân xử.
Thế nhưng ngoài những lúc đáo để thì bé rất chi là ngưỡng mộ thằng Lê. Bé hay chạy đến hôn anh chíu chít, hai anh em sẽ trêu chọc vật lộn cấu chí nhau cười như nắc nẻ, rồi anh thì vừa đi vừa nhảy nhót phía trước, em thì lẫm chẫm hùng hục chạy theo. Hôm nọ tự nhiên mẹ chột dạ khi thấy một sự im lặng chết chóc. Mẹ chạy vội vào xem thì thấy thằng anh đang công kênh giúp con em trèo lên giường. Thường là hào hiệp giúp em trèo lên xong thì thằng Lê sẽ chạy đi chơi chỗ khác, chả cần biết em xuống bằng đường nào. Một lần khác, anh cũng hào phóng cho em trèo lên xe đạp đứng oai vệ, rồi chổng mông hì hục đẩy xe phục vụ em đang đứng ở trên cười toe toét. Mẹ sợ rằng mười mấy cái răng xỉn màu của bé rồi sớm muộn cũng gãy cả thôi.
Buổi tối, hai anh em Lê La chạy khắp nhà hò hét, đuổi bắt trốn tìm với nhau cười như nắc nẻ. Lila rất cẩn thận, bé đang đứng mà thằng anh chạy lại gần chân tay vung vẩy là bé khom lưng đứng tấn sợ bị anh xô ngã, mắt nháy nháy ra điều sợ cùi trỏ anh hích vào mặt. Tối nào đi ngủ quần áo hai anh em cũng mướt mồ hôi phải thay cái mới. Bị mẹ lôi xềnh xệch đi ngủ rồi mồm vẫn vớt vát “ồ dê” (oh yeah). Ngủ giữa đêm còn bật cười hích hích.

Wednesday, July 8, 2009

Tự thú trước bừn mưn (phần cuối)



 

Các bạn bảo da tớ mịn. Nào có khó gì, dùng foundation cùng màu da thoa lên, một lớp chưa đủ thì hai lớp, kiểu gì cũng mịn, và dùng bút concealer chấm lên những nốt đen nốt đỏ, thêm phấn phủ cùng tông màu da nữa thì ngon hẳn. Xem báo tớ hay thấy diễn viên người mẫu hẳn hoi đánh phấn mặt trắng bốp bờ lờ trong khi từ cổ trở xuống thì đen nhem nhẻm, việc này là tối kỵ. Ko phải cứ trắng mới đẹp, và nếu đẹp lỏi mỗi cái mặt thì cả thân hình thước mấy kia giấu đi đâu?
Các bạn lại bảo ánh mắt tớ thiêu đốt hay rừng rực hay gì gì đó từ các bạn dùng tớ ko còn nhớ nữa. Xin thưa với các bạn rằng nếu có thật là như thế thì đó là nhờ cây chì đen cả thôi. Nhược điểm thường gặp của mắt người VN là mí mắt nhỏ, lông mi thưa, ngắn và ko cong. Tớ dùng chì đen Chanel khôl (chì mềm, vì chì cứng vẽ xước mắt và quá nhạt) vẽ định hình dáng mắt mí trên mí dưới, sau đó mới dùng mascara để chuốt mi. Bạn nào mới dùng tốt nhất chỉ nên dùng chì than, vì nếu tay vẽ ko chuẩn dùng chì nước mí mắt sẽ thành nham nhở như gián nhấm. Khi vẽ đừng phụ thuộc mí, mí mắt bé thì cứ vẽ chờm lên trên mí để tạo cảm giác mí mắt ko bé, rồi tô đen (chú ý là nếu ko vẽ chờm lên mí mà lại vẽ sát vào mắt thì mắt sẽ bé tí tẹo đi đấy nhé). Nhất định phải tô đen cả phần vành mí trong, kẻo bạn nào cao quá người ta từ dưới nhìn lên thấy vành mí trên đo đỏ, bạn nào thấp quá người ta nhìn từ trên xuống lại thấy vành mí dưới đo đỏ, người ta lại tưởng mắt ta bị bệnh gì. Kiểu đánh mắt này đặc biệt phù hợp cho những người có mí mắt nhỏ và dáng mắt dài. Còn những người có mí mắt to hoặc mắt tròn thì tớ cũng chưa bao giờ thử nghiệm nên ko biết như nào là phù hợp.  
Nếu chỉ được chọn đúng một vật dụng trang điểm thôi, tớ sẽ chọn cây chì đen. Chỉ có cây chì đen theo tớ mới có thể làm cho khuôn mặt VN ấn tượng lên nhiều, chứ ko phải là cây son môi. Môi người VN vốn đầy đặn và có màu tự nhiên ổn sẵn, ko cần phải khắc phục vất vả như bọn tây.
Bên cạnh đó, trong các bức ảnh chụp cận mặt người đẹp ở nhà, tớ thường thấy người trang điểm luôn cố gắng khắc phục cái mũi của người VN với đặc trưng đầu mũi tròn, sống mũi bè và hai cánh mũi dày, bằng cách đánh phấn sáng trên sống mũi (để tạo cảm giác mũi cao) và phấn thẫm hai bên mũi (để tạo cảm giác mũi thon). Về mặt lý thuyết sáng tối thì đúng, nhưng kết quả cuối cùng lại thường là cô nảo cô nào cũng có một cái mũi cứng đơ. Thế nên theo tớ những người bình thường có nhu cầu trang điểm lên một tý cho đỡ tệ như chúng ta cứ quên cái mũi đi cho thanh thản.
Tóm lại, tớ rất thanh thản, tớ đã thú nhận hết với các bạn. Nếu gặp tớ ngoài đời mà các bạn vẫn thất vọng thì đấy ko phải là nỗi nầm của tớ đâu nhá.
Thôi tớ đi chuẩn bị bữa tối.

Tuesday, July 7, 2009

Tự thú trước bừn mưn (phần 1)

Tớ có cái gì thì nói cái đó, và nhất quyết là ko nói cái gì mình ko có. Ai cứ gán cho tớ những cái tớ ko có thì tớ cứ đứng ngồi ko yên.
Thế nên, đắn đo mãi, vì được nghe khen công nhận là thích thật, nhưng cuối cùng tính trung thực vẫn cứ chiến thắng. Hôm nay tớ phải khai với các cậu luôn thôi, trước khi Y360 đóng cửa và lượng bạn đọc của tớ chắc chắn vẫn đông hơn bên multiply.
Các cậu cứ khen tớ đẹp. Ảnh chụp bao nhiêu chiếc chọn mỗi một chiếc có ánh sáng đẹp đẽ, son phấn đầy đủ, quần áo tử tế, góc độ hợp lý, thì ai chả đẹp. Các cậu có để ý thấy toàn bạn trên blog chưa gặp tớ ngoài đời bao giờ thì mới khen tớ đẹp, chứ hội bạn cũ gặp tớ nhẵn mặt ra, có đứa nào khen tớ đẹp đâu. Cứ phải để tớ nói trắng ra như thế còn gì là mặt mũi tớ
À quên, chỉ trừ cạ cứng của tớ, nó có lần hăng hái thế nào đã hào phóng cho điểm hình thức của tớ đến 9/10. Nhưng con này thì ko kể, vì nó lúc nào cũng thấy tớ đẹp, tớ làm cái gì nó cũng thấy chuẩn, tớ nói gì cũng chí lý, mà thậm chí tớ cãi nhau với ai nó cũng thấy tớ đúng địch thủ tớ sai bét nhè. Có lẽ vì thế nó mới thành cạ cứng của tớ cũng nên.
Rồi có bạn lại bảo dáng tớ đẹp, chắc bọn tây, cụ thể là chồng tớ, nó mê là mê ở cái dáng đẹp. Các bạn lại càng nhầm. Tớ lùn, ở nhà đã lùn, sang đây lại còn lùn hơn. Hồi trẻ đã lùn, giờ đứng đứng tuổi thấy lùn hơn, và chuẩn bị về già tình hình là còn lùn nữa. Thế đã đủ cho các bạn tưởng tượng tớ lùn thế nào chưa? Trong khi đặc điểm hình thể của bọn tây là chân dài, ngực to, kể cả người gầy tong teo ngực chúng nó vẫn to, tớ đọ thế quái nào. Tớ chỉ được cái ko béo, nhưng chả nhẽ một anh mê tít một chị chỉ vì chị ấy ko béo. Thế nên ngày xưa cạ cứng của tớ nếu có vui miệng hỏi tớ rằng ‘em ơi, sao cái thằng đấy nó lại thích em?” thì tớ sẽ thở dài đánh oạch mà bảo nó rằng “chắc nó thích cái tâm hồn anh, em ạ”.
Chứ còn thực ra, tớ ý mà, son phấn và ăn mặc tử tế vào thì trông còn tàm tạm, nhưng mà nếu ko son phấn rì thì híc híc, cũng có thể liệt vào hàng cá sấu đầu đàn. Được cái tớ rất yên tâm là thời buổi này để mộc mạc chả mấy ai đẹp, mà nếu có đẹp thì cũng chỉ là đẹp so với các cô cũng mộc mạc, chứ ko đọ nổi với các cô ko mộc mạc. Thế nên là tớ cũng chả phiền lòng với cái mặt mộc có thể liệt vào hàng cá sấu chúa như đã nói ở trên.
Tối nay tớ mời khách ăn tối. Để khách ăn xong khách biến thì tớ lại tự thú tiếp nhá.

Monday, July 6, 2009

Chuyện bà Nuôi



 

Bà Nuôi toàn những câu bất hủ. Mấy hôm trước, mình dẫn bọn trẻ con cùng bà Nuôi sang trung tâm Scandinavia gần nhà chơi, bà Nuôi vừa vào phòng một cái đã nhìn lom lom rồi kêu ầm lên chả khách khí gì “ủa (ngừng một lúc) trời ơi (lại ngừng lúc nữa) cô ơi, cái đứa kia sao cái đầu nó láng coóng dzậy ta?”. Phòng chơi nhỏ, có mỗi mấy đứa trẻ, bà Nuôi vừa nhìn lom lom vừa bình luận oang oang thế, chả cần hiểu tiếng Việt cũng biết bà Nuôi đang nói cái gì. Mình nóng lạnh hết cả người.
Cách đây mấy tuần, bà Nuôi bảo “cô dẫn tôi đi mua vàng hăm bốn”. Bọn Tây dùng đồ trang sức vàng cùng lắm chỉ 18k, 16k, thậm chí là 14k, pha thêm hợp kim cho cứng, chứ vàng 24k mềm oặt, nên khoản vàng hăm bốn của bà Nuôi thì phải xuống chợ Tàu. Bà Nuôi yêu cầu chủ tiệm đánh một chiếc nhẫn 5 chỉ, dày khự, vàng chói, nặng trịch, bảo mình trả tiền ngay ko đắn đo bắn khắn gì. Mình dân Bắc quen thò thò thụt thụt, cứ nửa tin nửa ngờ chả hiểu chất lượng và khối lượng vàng thế nào, chả có nhãn mác dấu má gì, gặp bà Nuôi mất điện. Bà Nuôi phẩy tay bảo cô cứ trả tiền đi, rồi lại bảo “mấy cái vàng trắng của cô tôi ko có thèm đâu, cho tôi tôi cũng ko thèm đeo, tôi chỉ đeo vàng hăm bốn”. Thế là từ đó, trên ngón tay áp út của bà Nuôi là chiếc nhẫn hăm bốn lấp lánh. Chú Bình Nguyên vốn tinh mắt, đi học về chú thấy ngay, chú khen “Bà Nuôi xinh vá” làm bà Nuôi phổng hết cả mũi.
Chú Bình Nguyên học hỏi được nhiều thứ từ các cô giúp việc. Bà Nuôi hắt hơi, chú hỏi “ai nhắc bà Nuôi đấy?”, còn đến chú hắt hơi thì chú sẽ tự bình luận “ai nhắc Lê”. Mẹ chú thì sợ nhất là khi Lila ho thì bà Nuôi sẽ bảo “chém ho”, mà khi bé sặc thì bà Nuôi sẽ bảo “chém sặc”. Mỗi ngày Lila ho và sặc bao nhiêu lần thì bà Nuôi cũng chém ho chém sặc bấy nhiêu lần, đủ biết là mật độ chém ho chém sặc của bà Nuôi dày đặc cỡ nào. Nói nhiều quá đâm ra bà Nuôi thành phản xạ tự động, ko chỉ Lila mà ai ho ai sặc bà Nuôi cũng nói chém nọ chém kia như cái máy. Mình đâm ra nhiều lúc muốn ho mà cứ phải nhịn đỏ cả mặt sợ bà Nuôi lại chém. Thế mà sao may quá, chưa thấy chú Bình Nguyên học được món này.
Chú Bình Nguyên đã được nghỉ hè. Vài ngày một lần, bận đến mấy mẹ chú cũng phải cố gắng cho hai anh em chú ra ngoài chơi một lát nếu đẹp trời. Nếu đẹp trời là vì năm nay chẳng hiểu sao New York mưa suốt, mưa hết cả tháng 5 và tháng 6. Đi chơi nhiều nên chú quen mui, cứ sáng ra là chạy ra cửa sổ ngó trời ngó đất rồi quay vào hỏi “mamma, hôm nay trời đẹp, mamma cho Lê đi chơi ở đâu?”. Càng đi chơi nhiều con đã trắng lại càng trắng nõn, mẹ đã đen lại càng đen ko thể cứu vãn. Hồi bé bị gọi là “hòn than bóc nõn” quả ko ngoa. Hôm nọ, nhờ bà Nuôi kéo cho cái khóa váy sau lưng, bà Nuôi ko hiểu ngó được những phần nào mà vừa kéo vừa bình luận “đen từ đầu đến đít”.
Thế có bó tay bà Nuôi hay ko.

Saturday, July 4, 2009

Tuyển tập Bình Nguyên (phần 66)




 

Chú Bình Nguyên hay có những câu hỏi làm cả nhà tắc tị, ví dụ, nghe lỏm được bà Nuôi tâm sự với mẹ chú “Tôi thương hai cái đứa nhỏ này muốn chớt” là chú hỏi luôn “tại sao bà Nuôi lại muốn chết hả bà Nuôi?”. Hoặc tự nhiên chú hỏi độp ngay một câu làm bà Nuôi cứ ngẩn tò te “bà Nuôi ơi địa chỉ của bà Nuôi ở đâu?”.
Chú Bình Nguyên khôn lỏi, cậy em chưa biết nói cứ cái gì hay là chú nhận, cái gì ko hay là đổ cho em. Mẹ chú hỏi:
-         đứa nào ngoan?
-         (chú nhận ngay ko chút ngần ngừ) Lê
-         (mẹ lại hỏi tiếp) đứa nào xinh?
-         (chú cũng nhận ngay ko chút ngần ngừ) Lê
-         thế đứa nào bị cắn cho một phát vào mông?
-         (chú đổ thừa ngay sang cho em ko chút ngần ngừ) Lila
-         (mẹ chú hỏi cắc cớ) thế đứa nào răng vàng?
-         (chú suy nghĩ một lúc) Lê
Thấy mẹ cười hi hi hô hô chú biết là bị hố, mấy phút sau mẹ hỏi lại chú đã lại đổ thừa sang cho em.
Chú Bình Nguyên còn là một chú bé lịch sự, đi phải chào, về phải hỏi, lúc ăn phải mời, lúc đi ngủ phải chúc ngủ ngon, uống bất kể cái gì (kể cả là nước lã) cũng phải chạm cốc, nếu ko là ko được với chú. Sáng ra bố chú đi làm, đã vội ơi là vội mà vẫn phải chào hết lượt “bái bai Lê, bái bai La, bái bai mamma, bái bai bà Nuôi”, thiếu ai là chú gọi lại nhắc đến đủ thì thôi, ai mà ko chào lại cũng bị chú gọi ra bắt nhận chào, thậm chí đang ở trong toilet cũng phải chạy ra chào xong rồi mới được quay vào toilet tiếp. Bố mẹ chú rủ hai anh em Lê La đi tắm, chú cũng ngoắc tay rủ bà Nuôi cởi quần áo vào tắm luôn. Tối nọ đi ngủ, mẹ chú thay vì chỉ chúc chú ngủ ngon như thường lệ thì lại còn cầu kỳ đến hôn Lê La mỗi đứa một cái, thế là chú nằng nặc bắt mẹ cũng phải hôn cả bà Nuôi nữa. May là mẹ chú chứ là bố chú chắc bố chú méo mặt.
Cả nhà hay dỏng tai nghe những câu dạy bảo và cảm thán của chú Bình Nguyên, tỷ dụ:
-         Lila, mày cứ vứt giày xuống đất thế này anh phải xếp lên anh (nhấn mạnh) RẤT LÀ mệt (chú càng hì hụi nhặt giày xếp lên giá thì em gái càng hăng hái vơ giày vứt xuống sàn nhà)
-         ( vẻ coi thường kiểu con bé này chả biết gì) Lila, mày làm sao thế, mamma có ở đây đâu mà mày gọi (chả là em gái đang chơi thì chắc nhớ ra mẹ, gọi mamma rất bâng quơ, mẹ chú ngồi trên gác nghe được hết)
-         (cằn nhằn) Lila, mày làm thế này thì hỏng hết (là chú đang nạt em cái tội đã lóng ngóng lại còn cứ thích tham gia vào trò chơi xếp hình của chú)
-         (nạt nộ) Lila, ko phá đồ chơi phí tiền (cái này ko hiểu chú học ở đâu ra và vào lúc nào)
-         (đang ngồi trong taxi chú quay sang dặn) xuống khỏi xe taxi bà Nuôi cẩn thận đừng để quên cái gì mất đấy bà Nuôi nhớ chưa?
-         (dỗ dành) Lila, đồ chơi này của anh, con lấy đồ chơi khác con chơi (chú bắt chước y hệt giọng mẹ khi Lila nổi cơn đành hanh giật đồ chơi của chú, chứ còn bình thường chú toàn gọi em là mày. Làm sao giải thích cho chú hiểu các ngôi nhân xưng trong tiếng Việt?. Được cái khi tưởng tượng ra các cuộc nói chuyện với các chú công an thì chú Bình Nguyên toàn xưng tôi)
Còn hôm qua, chú đang ngồi trên cái ghế cao của chú đọc sách chờ được mẹ cho ăn tối, bà Nuôi đang lọ mọ tự nhiên đánh rơi cái gì đó xoảng một cái sau lưng chú. Chú quay lại nói cụt lủn “hết hồn”, làm mẹ chú đang chân năm tay mười nấu nướng phải bò lăn ra cười suýt cháy cả món thịt.

Raindrops on roses and whiskers on kittens...



 

Sáng hôm nọ xuống trụ sở chính của cảnh sát NY để xin certificate of good conduct cho bà Nuôi. NYPD là lực lượng rất đông đảo, có khi còn hơn quân đội của nhiều nước trên thế giới. Cực kỳ ấn tượng khi toàn bộ nhân viên mình gặp đều rất dễ chịu, lịch sự và tận tình giúp đỡ. Hóa ra police cũng năm bảy loại police nhể. Mấy hôm nữa ăn tối cùng 1st Deputy Commissioner của NYPD nhất định sẽ phải chúc mừng ông ấy, sếp tốt thì nhân viên tốt. Chú Lê ấn tượng há hốc mồm từ khi vào đến cửa, chú thì thầm với mẹ là sau này chú cũng muốn làm cảnh sát. Đám nhân viên đang bận rộn cũng phải bật cười vì thấy chú cứ đứng lấp ló chiêm ngưỡng mắt chữ A mồm chữ O. Còn Lila thì đi khắp phòng, đứng lại trước từng người một để vẫy tay chào. Mỗi tội hình như số người trong phòng ko làm bé thỏa mãn, bé bỏ ra cửa đứng nhìn. Chả mấy chốc có một đoàn đông đảo tầm mấy chục người đi ra một lúc, chắc vừa họp xong ở đâu đó, bé sướng rơn tay vẫy rối rít chân nhảy tưng tưng. Một cô nhân viên chạy ra phát kẹo mút cho bọn trẻ con cho chúng nó khỏi ồn ào, bọn trẻ ngồi xuống ghế mải mê mút kẹo, nhưng ko khí chưa kịp trầm lắng thì Lila đã chạy lẫm chẫm tay giơ cao cái kẹo mút mồm hét vui sướng “ồ dê ồ dê”, tóm lại còn ồn hơn cả lúc ko có kẹo mút. Đang chạy thì ngã, kẹo mút rơi bẹt xuống đất, bà Nuôi lại lấy khăn lau kẹo cho bé. Lau đi lau lại mấy lần.
Hôm qua, sau khi cho bà Nuôi đi khám sức khỏe xong xuôi, mình quyết định cho Lê La ra công viên cho đỡ cuồng cẳng. Công viên vắng teo vì trời vừa mưa xong, không khí trĩu hơi nước và thơm nồng nàn hương hoa của một loại cây lâu năm nào đó. 5h chiều, ánh mặt trời vàng rực xiên chéo qua vạt cỏ rộng. Lại nhớ hơn 3 tháng trước, lúc con gái đang mê man trong bệnh viện, mình hay đứng ở cửa sổ nhìn xuống công viên vắng teo buổi sáng sớm, ánh nắng ban mai cũng xiên chéo trên thảm cỏ thế này, tất cả đều yên tĩnh lạ lùng. Lúc đó mình chỉ ước có một ngày nào đó lại có thể ngồi nhìn nắng lên và nắng xuống trong công viên và lòng cũng yên tĩnh như thế.
Mình ko hay ao ước. Một phần vì tính thực dụng, ao ước hão huyền thiếu cơ sở khoa học mất thời gian. Một phần vì tính đơn giản, trời cho thế nào thì tự thu xếp mình cho vừa với những thứ được cho. Một phần vì tính hững hờ, ko để ý mấy đến người khác để mà thèm muốn những thứ họ có mà mình ko có. Một phần nữa là tính hay quên, có thèm muốn gì thì cũng chỉ vài phút sau là quên tiệt.
Sau trận ốm của Lila, mình ngộ ra được rất nhiều điều. Thấy chỉ cần buổi sáng thức dậy có tiếng ríu rít ngọng líu và tiếng chân chạy lon ton của Lê La dưới nhà, là thấy những thử thách trong cuộc sống thành những chuyện rất vặt vãnh.
Ngồi trong công viên buổi chiều, nhìn chú Bình Nguyên mải mê xúc cát và Lila đi lẫm chẫm vừa đi vừa vỗ hai cái tay béo mập vào nhau vẻ vui sướng, lòng yên tĩnh, tự thấy mình là một người may mắn.
Raindrops on roses and whiskers on kittens
Bright copper kettles and warm woolen mittens
Brown paper packages tied up with strings
These are a few of my favourite things
When the dog bites
When the bee stings
When I am feeling sad
I simply remember my favourite things
And then I don’t feel so bad.
(My favourite things, trong bộ phim The sound of music/ Giai điệu âm nhạc, sau thấy cả anh Rod Stewart hát)

Wednesday, July 1, 2009

Chạy sô ở New York

4h hội thảo thương mại, 6h cocktail ở một chỗ khác, 8h lại có ăn tối ở một chỗ khác nữa. Phải mặc bộ nào đó vừa nghiêm trang pờ rồ cho seminar, vừa nhẹ nhàng tươi tắn cho buổi cocktail, lại phải vừa nhã nhặn ladylike cho buổi ăn tối. Đúng là bó tay.

Cuối cùng quyết định mặc chiếc váy lụa màu be dài quá gối của Loro Piana mấy năm rồi ko sờ tới. Giầy thì chọn đôi màu đen kiểu cổ điển. Đến túi thì chả còn thời gian cân nhắc nữa, vì đi hội thảo thì chả ai cầm clutch, trong khi đi ăn tối thì ai lại cầm cái túi to đùng. Bài toán quá khó, tóm lại, chạy ào ra khỏi nhà chỉ kịp quơ theo cái túi dùng hôm trước cho hai anh em Lê La ra công viên chơi, quăng quật khắp nơi. Trèo lên xe, càu nhàu “sao anh ko từ chối đi, mình sắp chuyển đi rồi, mình có ko đi họ cũng phải thông cảm”. Chàng nhăn nhó “tối nay mình được mời 5 events liền, anh đã từ chối 2 rồi”.

Cái toilet chỗ hội thảo lúc mình vào vẫn còn phảng phất mùi hương Acqua di Giò của Giorgio Armani của ai đó vừa đi ra. Mùi nước hoa mình thỉnh thoảng hay dùng cách đây 7, 8 năm. Tự nhiên có hồi chán nước hoa, tất cả các chai lọ lỉnh kỉnh xếp vào góc tủ hết. Nhớ Hà nội.

Tiệc cocktail diễn ra trên sân thượng một tòa nhà ngay Rockefeller centre, có hồ nước, trồng cỏ, cây cối tỉa tót khá đẹp mắt, và ghế cho khách ngồi nhìn xuống nhà thờ thánh Patrick và đường số 5 náo nhiệt. Mình nhìn thấy một cô bé. Bà mẹ cô bé lần nào gặp cũng ghé vào mặt mình thì thầm tâm đắc “bọn con lai cực kỳ xinh đẹp”, chả phải khen con mình vì đã nhìn thấy con mình lần nào, mà là tự khen con gái bà ấy. Cô bé ấy lai Âu và Mỹ (Mỹ da trắng chứ Nam Mỹ thì có khi lại ngon), khoảng 20 tuổi, nhan sắc trung bình, son phấn đậm đà, guốc cao khoảng 15 phân, nhiều tiệc thấy có mặt, và đặc biệt rất thích và được bố mẹ khuyến khích cho làm quen với những chàng trai tre trẻ single vào loại có máu mặt trong cộng đồng. Cứ chàng nào trẻ trung, có vị trí, độc thân một cái là chỉ sau mấy phút đã thấy bố mẹ dẫn ra làm quen rồi bố mẹ kiếm cớ đi chỗ khác để con gái lại với chàng trai nọ. Một lần thấy cô bé điệu bộ khá lả lơi tán chuyện với chàng ngoại giao phụ trách lãnh sự quán bên Newark, và lờ tịt đám bạn trai lít nhít bằng tuổi. Cái gia đình bình thường nhưng tham vọng ra mặt ấy luôn là chủ đề bình phẩm của mọi người.

Khi nào con gái mình lớn, nhất định mình sẽ ko cho nó đến dự các buổi chiêu đãi chỉ để hy vọng câu kéo một đám béo bở cho nó. Còn tuổi đi học thì phải học, chứ đang đi học mà chỉ lo đong đưa son phấn sẵn sàng nạp mạng thì e rằng tưởng là đường tắt mà lại hóa đường xa. Cũng cực lực phản đối những bậc cha mẹ tham vọng luôn promote con cái mình ở mọi nơi mọi lúc, đặt ra quá nhiều mục tiêu phấn đấu mà chả cho bọn trẻ được sống đúng tuổi của chúng nó. Một lần mình ko nhớ có ai hỏi mình đã bắt đầu dạy chữ cho Bình Nguyên chưa, mình buồn cười quá, chú mới có hơn 3 tuổi, chơi còn chưa xong lại còn học chữ.

Đến buổi ăn tối, ăn từ 8h đến 11h nhìn thực đơn vẫn còn vài món nữa.Người Ý ăn uống phức tạp, ăn hết món nhỏ đến món to rồi đến đồ ngọt tráng miệng, mỗi món đi kèm một loại rượu, lúc hết món để ăn rồi thì lại uống rượu suông và tán chuyện, uống rượu suông tán chuyện xong thì lại đến màn cà phê cà pháo. Mình định đứng lên đi về thì bà ngồi cạnh lại níu lại gọi phục vụ mang ra ấm trà hoa cúc nho nhã. Mệt bỏ mợ mà lại phải ngồi lại nhâm nhi gật gù, nước thì nóng uống mãi ko xong tách trà. Cuối cùng cố chịu nóng uống mau mau cho xong thì nóng hết cả người rôm đốt râm ran.
Mình bắt đầu có thói quen rất xấu là buổi sáng vội vàng nên bỏ luôn ăn sáng, và đến tối thì lại ăn rõ nhiều. Chẳng mấy chốc mà người thành hình quả lê thôi.