Saturday, June 29, 2013

Ba người đàn bà (hết)


Trở lại chuyện bố tôi đến tán mẹ tôi. Bố tôi cuốc bộ đến, lạnh run cầm cập trong chiếc áo sơ mi màu cháo lòng và đôi dép rách. Bà tôi ưng bố tôi lập tức. Bà gả cô con gái xinh đẹp cho bố, hy vọng rằng nó cũng nghèo khổ, bị chế độ vùi dập như mình, thì nó và con gái mình sẽ rất thương nhau.

Nhưng…không yêu nhau thì làm sao mà thương nhau được???


Đấy là câu chuyện của 3 người đàn bà, một người bỏ chồng, một người không chồng và một người chán chồng.

Tôi cứ nhớ mãi câu nói đó của cậu. Chẳng phải là vì tôi lo sợ sẽ không lấy được chồng, vì trong thâm tâm tôi cũng chẳng định lấy chồng. Nhưng tôi cứ nhớ mãi câu nói đó của cậu vì đơn giản là cậu chơi chữ hay quá.

Giờ nhìn lại, tôi thấy lớn lên cùng 3 người đàn bà như vậy lại hay. Nó làm cho tôi hiểu ra rất nhiều điều quan trọng, rằng:

-          Vợ chồng như một đôi đũa, phải tương xứng với nhau, không tương xứng với nhau thì không thể bền

-          Đàn ông có thì có luôn mà không có là không có luôn, đời không dài, giai lại nhiều, chờ đợi là uổng phí, nhất là không hơi đâu đánh cược đời mình vào sự tử tế của một thằng đàn ông.

-          Không có đàn ông ta vẫn sống tốt, thậm chí còn tốt hơn.

Thế thôi. Nói nốt nữa là khi toan về già, ngoài một người đàn bà thời trang phang thời tiết ra thì tôi còn phải sống cùng một người đàn bà điệu rơi rụng, mỏng manh dễ vỡ, cứ ai hơi nói nặng tý là khóc hết cả nước mắt, thấm hết cả mấy hộp giấy ăn vun thành đống to. Giấy ăn trong nhà cứ lúc nào cần sờ đến thì không bao giờ còn.

Thursday, June 27, 2013

Ba người đàn bà (3)


Giờ đến câu chuyện của người đàn bà thứ ba, người chán chồng.

Mẹ tôi và bố tôi không đẹp đôi. Mẹ tôi trắng ngọc ngà, xinh đẹp, học giỏi, hát hay, chơi thể thao giỏi, bây giờ chắc được gọi là hot girl. Bao nhiêu anh danh giá hồi đó theo đuổi. Toàn những anh vừa đi du học về, bút máy cài túi áo, dép tông lào hay dép tổ ong gì đó tôi không nhớ chính xác, đạp xe Peugeot (pơ giô) lóc cóc đến tán mẹ tôi. Hồi đó được như thế là oách xà lách lắm. Bà tôi đuổi hết, vẫn là “nhà họ thành phần cơ bản, nhà mình lý lịch tư sản, vào nhà họ rồi họ khinh cho”. Mẹ tôi cũng chẳng phản đối bà tôi. Bản tính mẹ tôi vô tư, thích rong chơi, thích sách, văn hóa văn nghệ, du lịch, không quan tâm mấy đến chuyện chồng con.

Bố tôi nhà quê, nghèo khổ, da đen lắm, đen hơn cả tôi, đen đến mức đã cộng với mẹ tôi trắng nõn nà mà vẫn ra tôi đen hơn củ súng. Chỉ được mỗi cái học rất giỏi và làm thơ hay. Quan trọng nhất là trong lý lịch bố tôi cũng bị phê hàng chữ “con nhà địa chủ”, và vì hàng chữ này mà bố tôi, đáng nhẽ được cử đi học nước ngoài, phải ngậm ngùi học đại học trong nước. Mẹ tôi cũng có số phận tương tự. Một lần lên phòng thầy hiệu trưởng hỏi điểm, mẹ tôi đã tình cờ nhìn thấy học bạ của mình để mở trên bàn với dòng phê “con nhà tư sản, không cho học lên đại học”. Cánh cửa đại học đã đóng lại với mẹ tôi như thế.

Kỵ nội tôi là địa chủ. Năm xảy ra phong trào cải cách ruộng đất, ruộng đất thì bị tịch thu, người thì có nguy cơ bị đấu tố, bị xét xử, kỵ nội tôi một mình ra vườn, xiết cành cây vào cổ tự vẫn. Bố tôi học giỏi nhất tỉnh, được tỉnh cử sang Liên Xô học, nhưng không qua được vòng lý lịch. Mùa hè, bố tôi hay dẫn chúng tôi về quê. Tôi không nhớ nhiều về quê nội. Hồi bé thích về quê chỉ vì về quê thì được đi chăn trâu. Con trâu khi đói hai hông hóp lại, lúc gặm cỏ no nê hai hông phình căng ra như bị bơm hơi. Tôi có lần chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho một buổi chăn trâu hoành tráng trên đồng, nón lá, roi tre, sau lưng lại còn để nải chuối chín thơm phức phòng khi đói bụng. Thế mà vừa đi vào một khúc quanh, con trâu quành lụa quá thế nào mà cả nải chuối của tôi rơi tòm xuống ruộng. Tiếc đứt ruột mà không dám nhảy xuống mò vì sợ đỉa. Bọn trẻ con nhà quê không sợ đỉa. Bị đỉa bám vào cẳng chân thò tay dứt ra như không, cười hề hề nhìn máu chảy thành dòng.

Nhà ông nội trước sân có mảnh vườn nhỏ để các chậu cây cảnh và mấy lồng chim, có con đường nhỏ dẫn ra cánh đồng, một bên là ao cá bên kia là vườn cây ăn quả, tất cả ngăn với cánh đồng bằng bụi tre dày và con mương. Nhà 3 gian 2 chái, lúc nào cũng u u tối, giường cạnh cửa sổ chấn song gỗ nhìn ra vườn chuối xanh rượi, gió phe phẩy, là nơi ngủ trưa rất thích. Giếng nước nước hơi đục nhưng mát lạnh, trên có giàn mướp, là nơi có lần tôi ngồi nhìn dì đãi con gì trông như con hến nhưng bé như một cái vảy màu trắng, luộc lên, vỏ mở hết, đãi lấy ruột, nấu lên một món canh ngọt thẳm. Vườn là nơi ông nội hái cho tôi quả ổi bị chim rỉa méo mó rám nắng nhưng ngọt nhất trên đời. Bếp là nơi tôi nhìn thấy các dì tôi vội vã mút mát đám xương cá và ăn ngấu nghiến chỗ cơm thừa canh cặn từ mâm cỗ bưng từ nhà trên xuống….

Ảnh minh họa cho làn da đen hơn củ súng ;-)
 

Tuesday, June 25, 2013

Ba người đàn bà (2)


Trở lại chuyện người đàn bà bỏ chồng, bà ngoại tôi ở lại ngoài Bắc với 5 đứa con nhỏ. Bà ngoại ngây thơ không lo lắng gì vì việc kinh doanh đang tốt. Mẹ tôi 3 tuổi váy nhung nơ nhung có người giúp việc cõng đi chơi suốt ngày, bà ngoại có lần sểnh ra một cái bị mẹ tôi mở rương lấy 3 chỉ vàng đi mua kem.
Nhưng cuộc sống nhung lụa không kéo dài lâu. Việt Minh kêu gọi đồng bào đóng góp cho kháng chiến mà thực ra là dùng mọi hình thức để cướp đoạt tài sản của tầng lớp có tiền. Bà ngoại tôi thân cô thế cô sợ hãi mang phần lớn tài sản đi đóng góp, chỉ giữ lại một chút phòng thân. Thế cũng chẳng xong với họ. Họ cử người đến lục soát. Bà ngoại tôi vội bế mẹ tôi ngồi lên một đống vali, hy vọng họ thấy mẹ tôi bé thế sẽ không đụng tới. Ai ngờ họ vẫn lục soát như thường, sau khi nhấc mẹ tôi đặt xuống đất. Dăm lần lục soát như thế thì bà tôi thành vô sản hơn cả vô sản.

Cuộc đời chuyển sang trang mới. Bà tôi ra bến phà đội than, chân yếu tay mềm, phải đội cả thúng than nặng trên đầu, còn bị người khác mỉa mai xô đẩy.

Thế là nảy sinh câu chuyện của người đàn bà thứ hai, người không có chồng.

5 người con của bà tôi, 3 trai 2 gái. Hai gái là bác gái tôi và mẹ tôi. Bác gái tôi hồi trẻ rất duyên dáng, eo nhỏ tí, mắt sáng, miệng tươi, mỗi lần cười có hai cái lúm đồng xu bé xíu. Bác gái lại giỏi nội trợ, nấu nướng, thêu thùa, đan lát, cắm hoa, cái gì cũng giỏi.

19 tuổi, bác tôi gặp và yêu một người, yêu lắm, tưởng như sống chết phải có nhau. Biết chuyện, bà tôi cực lực cấm cản. Bà tôi bảo nhà họ thành phần cơ bản, danh giá, nhà mình là thành phần sống ngoài lề xã hội, biết bao giờ rửa sạch cái gốc gác tư sản. Hồi đó nhà nào thành phần cơ bản nông dân ba đời ăn củ chuối thì tương lai sán lạn lắm, còn ai có gốc gác tư sản thì đời coi như bỏ đi. Nhà tôi vừa gốc gác tư sản vừa có người thân chạy vào Nam, không thể tệ hơn thế. Bà tôi sợ con gái vào nhà họ rồi sẽ bị họ khinh bỉ.

Rất nhiều lần bà tôi đánh bác tôi, quấn tóc vào mà đánh. Bác tôi càng bị cấm cản thì càng nhất nhất chỉ yêu mình chú kia.

Rồi chú kia được cử đi du học Đông Âu. Bác gái tôi xung phong vào chiến trường để gột sạch lý lịch tư sản. Bác tôi ra khỏi chiến trường, không chết, không bị thương, lý lịch vừa hồng vừa chuyên, được đi học đại học rồi làm cô giáo. Bác tôi chờ chú kia đúng 20 năm. Chú kia du học chán chê bên trời tây, về nước lấy luôn một cô hiệu phó trường cấp 2 vì cô ấy có tương lai trở thành hiệu trưởng. Còn bác tôi ở vậy suốt đời. Lấy vợ rồi nhưng chú ta vẫn yêu bác tôi thì phải, hay đơn giản hối hận vì thấy mình có lỗi?, Vì sau khi có hai con trai thì cứ ngỏ lời đưa một đứa cho bác tôi nuôi???

Một bác gái khác của tôi ở Sài gòn, chị em cùng cha khác mẹ với mẹ tôi, lấy chồng là sĩ quan ngụy rất cao cấp. Sau giải phóng, Việt Minh bảo lên trình diện, kiểm điểm rồi về. Bác ấy ngây thơ làm theo, và bặt tin luôn từ đó. Bác gái tôi chờ bác trai đúng 19 năm. Lúc vào tù là một người đàn ông tráng kiện, lúc ra tù thành ông già hom hem. Hai bác sang Mỹ định cư theo diện HO, bác trai mất không bao lâu sau đó, do sức khỏe kém sau 20 năm lao tù. Bác gái tôi xin vào làm trong xưởng dệt, từ tiểu thư lá ngọc cành vàng xinh đẹp khuê các trở thành lao động nhập cư trình độ thấp ở xứ người. Những người có cuộc sống bị Cộng sản đày đọa như bác tôi (và rất nhiều Việt kiều xa xứ khác), hỏi làm sao họ không ghét Cộng sản đến tận xương tủy???

Ba người đàn bà (1)

Hồi bé có lần cậu nhìn tôi, chép miệng “mày sống cùng một người đàn bà bỏ chồng, một người đàn bà không chồng và một người đàn bà chán chồng, rồi mày sẽ ra sao hả cháu?”.

Người đàn bà bỏ chồng là bà ngoại tôi. Chuyện vòng vèo nhưng cứ phải kể cho đủ tình tiết. Kỵ ngoại tôi là chánh Tốn giàu có nổi tiếng ở làng Mễ. Hồi đấu tố cải cách ruộng đất, bao nhiêu địa chủ bị đấu tố mà riêng kỵ ngoại tôi thì chẳng ai động tới. Lý do là vì dân làng Mễ sống sót được qua thời chết đói năm 45 là nhờ cơm cháo phát chẩn của kỵ ngoại tôi.

Ông ngoại tôi sẵn tiền bố ăn chơi như công tử Bạc Liêu. Ông ngoại đã có vợ và tận 5 người con, nhưng nhìn thấy bà ngoại tôi thì mê mẩn nên nằng nặc đòi cưới bà ngoại tôi làm lẽ. Bà ngoại tôi nhỏ nhắn, da bánh mật, vòng eo nhỏ xíu, lúc đó đã có một đời chồng và ba người con, nhưng một buổi sáng Việt Minh bắt cóc mất chồng, nên lại thành góa bụa.

Năm 54, ông ngoại chạy vào Nam, mang theo bà cả và lũ con của bà cả. Chắc ông ngoại cũng biết trước tương lai không lấy gì làm sáng sủa nếu ở lại cùng Việt cộng. Bà ngoại tôi quyết định ở lại ngoài Bắc cùng 5 đứa con nhỏ trong đó có 3 đứa con với người chồng bị Việt Minh thủ tiêu và 2 đứa con với ông ngoại tôi. Công việc kinh doanh của bà ngoại đang tốt, việc gì phải bỏ hết theo chồng để tiếp tục phận làm lẽ. Vả lại bà ngoại tin tưởng ông Hồ Chí Minh. Thế nên hình thành nên cái tích “một người đàn bà bỏ chồng”.

Đến năm 75 một lần nữa các con của ông ngoại lại di tản, người ở lại Sài gòn, người sang Mỹ, người sang Pháp, người sang Thụy Sĩ. Tôi cũng có thời gian viết thư qua lại với bác dâu tôi ở Thụy Sĩ. Lúc đó thì mẹ con tôi đang trải qua những ngày tháng túng thiếu nhất, bị nhiều người khinh rẻ nhất. Việc một người họ hàng mình chưa gặp bao giờ mà lại viết thư rất dài cho mình khiến tôi cảm động đến mức cũng bò ra bàn hí hoáy viết thư tâm sự (một người lạnh tính như tôi???). Nhưng chẳng hiểu sao bác dâu tôi hay nhấn mạnh với chúng tôi rằng mọi việc trong nhà bác ấy đều do bàn tay bác ấy thu vén xoay xở, bác trai tôi chẳng giúp được gì, lương giáo sư có tí tẹo, rằng phải tự lực cánh sinh vươn lên chứ đừng trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Nói đi nói lại nhiều quá khiến cái đầu óc trẻ con và ngây thơ của chúng tôi cũng phải hiểu ra. Tôi không thanh minh, chẳng giải thích, và cũng không định dùng thời gian chứng tỏ rằng nỗi lo lắng của bác dâu tôi là lo hão. Tôi chỉ đơn giản là không liên lạc nữa. Tôi gọi nỗi lo lắng đó của bác dâu tôi là “nỗi lo rất Việt Nam”.

Ảnh: lúc cậu tôi nói thế thì cậu còn chưa biết khi toan về già tôi còn phải sống cùng một người đàn bà chuyên ăn mặc kiểu thời trang phang thời tiết như này

Friday, June 21, 2013

Maid in the UAE (phần 4)


Dân expat châu Âu bên này ít tiền hơn dân bản xứ rất nhiều. Thường trong một gia đình người Âu Mỹ họ chỉ thuê một cô giúp việc, làm tất cả mọi việc trong nhà từ lau chùi tới là quần áo tới trông trẻ thậm chí cả nấu ăn. Nhưng họ trả lương cao hơn và tôn trọng giờ giấc nghỉ ngơi cũng như quyền lợi của người làm hơn, trái ngược hoàn toàn với người bản xứ. Để cho các bạn dễ tưởng tượng, tỉ giá 5 dirhams bằng một euro, nhà Ả rập họ trả lương trung bình 600, 700 dirhams, hào phóng lắm thì được 1000, ngày 24 tiếng lúc nào chủ gọi là phải lên làm, đừng hòng mơ tới phép tuần phép năm. Nhà Âu Mỹ trả 1500, 1800, rất ít người lên được tầm 2000, tuần nghỉ một ngày, vài năm một lần cho về nước thăm gia đình.

Trong các quảng cáo tìm việc ta rất hay gặp những cô maid đăng những dòng thống thiết kiểu như “tôi đang tìm một ông chủ mới tốt bụng, tôi chỉ muốn làm cho các gia đình Âu, Mỹ, no Arabic family please vv và vv”.

Thế nhưng những cô maid hư nhất, không biết mình là ai nhất lại là những cô có thâm niên làm cho người Âu Mỹ. Kiểu như cái cô Sri Lanka có lần mình hẹn gặp, váy xòe, đen thùi lùi, răng vổ, tóc xõa dài tới mông, tiếng Anh không biết đọc, không biết viết, nói thì trọ trẹ, không biết nấu ăn, mà lại ra điều kiện lương 3000 dirhams, ngày nghỉ trưa 3 tiếng và tuần nghỉ 2 ngày.

Phỏng vấn giúp việc nhiều, mình chỉ cần thấy maid có kinh nghiệm làm cho dân Âu Mỹ từ 3, 4 năm trở lên ở Dubai là hầu như chắc chắn mình không tuyển, trừ khi phải là người rất chăm và giỏi. Nó đã hư rồi, cộng thêm mình lại mặt châu Á giống nó, nói dịu dàng nó không sợ. Mặc dù biết mình tìm người thì ai cũng năn nỉ muốn đến xin làm.

P.S Hồi trước mình có một ả giúp việc tính tình rất quái. Chính là ả thợ giặt E bị mình đuổi thẳng đấy chứ đâu. Ngoài chuyện ả cứ thiếu cái gì là chạy lên nhà mình thó từ đồ ăn tới vật dụng, và tối mình đi vắng thì ả thả sức dùng gần hết lọ kem bôi mặt La mer của mình, thì hàng ngày mình cũng phải chiến đấu với cái thái độ “quên mất mình là giúp việc” của ả, rất mệt.

Ví dụ, ả vào phòng mình dọn dẹp, bật luôn radio của mình lên, vừa lau nhà vừa nhảy. Vừa lau nhà vừa nhảy nói thật mình cũng chẳng có vấn đề gì, nhất là khi mình không nhìn thấy, miễn lau sạch thì thôi. Nhưng bật nhạc ầm ĩ làm phiền, thì là giúp việc cái kiểu giề? Nhất là khi mình đang cố tập trung để gửi email, tin nhắn, gọi điện thoại, hoặc đọc một tài liệu nào đó phải đọc, hoặc đơn giản là viết blog.

Bị mình chỉnh thì ả đổi ra trò mới. Ả không bật radio của mình nữa nhưng lại bật nhạc điện thoại của ả. Ả dọn nhà đến đâu là nhạc theo đến đấy. Mà toàn nhạc Philippines không hà, ỉ eo toàn akamalagasumatra gì gì đó, toàn a a nghe cứ như vượn kêu chim hót. Mình bảo “E, khi chị làm việc chị phải rất quiet”, thì mặt ả sưng vù lên.

Nhưng ả vẫn chưa đầu hàng. Ả không vừa lau nhà vừa nghe nhạc nữa nhưng mỗi lần phải đi đâu, vào xe một cái là ả bật điện thoại nghe nhạc trữ tình. Thậm chí có cả ngài trong xe ả cũng cứ bật điện thoại nghe nhạc rất tự nhiên, loa điện thoại vừa tẹt vừa rè. Đến hiền như ngài cũng phải bực mình. Đấy, chỉ có mỗi việc nghe nhạc thôi mình cũng phải chỉnh ả tới 3 lần. Và theo đó thì ả cũng nói xấu mình gấp 3 lần lên.

Cứ tưởng tượng ả này mà phải vào làm trong nhà Ả rập xem, vui phải biết nhé. Mà ả cũng thừa hiểu điều đó nên không bao giờ dám bén mảng đến nhà Ả rập, đi tìm việc chỉ nhất nhất tìm nhà Âu Mỹ. Hồi làm cho mình suốt ngày vênh váo “kiếm việc mới với tôi rất dễ”. Bị mình đuổi, hai tháng liền không kiếm được việc gì thì lại nhắn tin cho thư ký của ngài đổ tại “tại Sir và Madame mà tôi ko kiếm được việc”. Sau gần 3 tháng không có việc, lâm vào cảnh túng quẫn, thì ả đã phải đi sang nước khỉ ho cò gáy hình như tên là Kyrgyzstan nào đó làm cho một chủ người Âu cũ.

Vẫn tuyệt nhiên không dám bén mảng đến nhà Ả rập :-))))) 

Thursday, June 20, 2013

Maid in the UAE (phần 3)

Hôm nay nói tiếp chuyện maid bỏ dở từ cách đây mấy tuần.
 
Dân Trung Đông dầu lửa giầu lắm. Mà họ không có thói quen giấu giàu như dân old money ở châu Âu, họ mới giàu và thích thể hiện cái sự giàu của họ ra. Dinh thự của họ bề thế sơn son thếp vàng nhung gấm lộng lẫy, garage họ chứa đầy những chiếc xe siêu sang kiểu Rolls Royce, Ferrari, Lamborghini, Cadillac, nhân viên phục vụ họ có hàng chục người một lúc, đi lại tấp nập trong nhà, đồ trang sức họ đeo đại đa số dân Âu chẳng bao giờ dám mơ tới. Quần áo giày dép túi thì thôi xoàng quá không kể.
Trong mắt họ, giúp việc, làm vườn, nấu bếp, lái xe vv chỉ có một cái tên chung là servant. Servant theo nghĩa nô lệ. Họ giàu thế nhưng trả lương servants rất ít thậm chí quỵt lương, bắt làm việc nhiều, điều kiện sống thảm hại, tịch thu hộ chiếu để người làm không dám trốn, vớ vẩn là bị ăn đòn. Một con bé thâm niên giúp việc 6 năm cho một nhà Saudi bảo mình “không ngày nào bà chủ không tát tôi ít nhất một cái”. Nhiều cô maid chạy đến các lãnh sự quán nước họ xin trú ẩn với chân tay thâm tím bầm dập vì bị tra tấn đánh đập trong thời gian dài. Hỏi tại sao không trốn ngay từ đầu thì họ bảo “tường cao, hàng rào có điện, cửa đóng im ỉm và có người gác, hộ chiếu bị tịch thu, không thể trốn được”. Nói đâu xa, maid của mình, bị tra tấn điếc một bên tai chắc từ hồi làm ở Saudi, nhiều lúc cứ thấy nghiêng tai sang một bên, vai co rút lên, để nghe cho rõ.

Có lần mình phỏng vấn một cô maid người Philippines. Trông cô ta cũng nhanh nhẹn mồm miệng mau mắn, thế mà nhắc đến ông chủ (người Iran) thì cứ run cầm cập, luôn miệng bảo “ông chủ tôi là người tốt”. Bà hàng xóm người Pháp nói chuyện với mình kể cho mình rằng “Nó phải làm việc nhiều lắm, làm tất cả mọi việc trong nhà. Ông chủ của nó nếu nổi hứng tắm gội lúc 2h sáng thì cũng bắt nó dậy lau nhà tắm cho ông ta lúc 2h sáng luôn. Nó sợ ông ấy lắm, nếu chị giúp được nó thì chị giúp nó đi”.

Cậu lái xe của mình trước làm cho nhà Ả rập. Họ cho 6 lái xe vào ngủ trong một phòng chật chội, buổi sáng xếp hàng trước cửa toilet, cuống cuồng cãi vã vì ai cũng phải đưa các cô chủ cậu chủ đến trường đúng giờ, ăn đồ thừa từ trong bếp nhà chủ, toàn bị ăn đồ hỏng. Vì điều kiện sống chật chội khổ sở nên cùng là người làm mà ghét nhau như xúc đất đổ đi, kiểu cậu ta vừa chở chủ đi về muộn, ngồi ăn trong bếp thì bị người làm khác đi qua quăng cả vốc cát vào đĩa cơm. Cát bên này lại hơi sẵn.

Bị khổ thế rồi nên nhìn CV cô cậu nào có thâm niên làm cho nhà Ả rập thì chắc chắn rất ngoan ngoãn phục tùng, thông minh sáng dạ giỏi việc hay không thì lại là chuyện khác. Một cậu bạn của ngài cũng khuyên mình “chị nhìn CV thấy có kinh nghiệm làm việc ở Saudi, Kuwait, thì thường là giúp việc tốt”.

Tuesday, June 18, 2013

Bạn

Hồi chuẩn bị nhập trường đại học, vì bạn bè cùng lớp cấp 3 nhiều nên lũ học sinh trường Ams làm đơn xin trường cho học chung một lớp. Chính xác ra là bọn A1 làm đơn xin cho học chung một lớp. Trường chuẩn y. Tôi, cũng học Ams nhưng không học A1 mà học A2, không liên quan gì đến đơn từ, cũng bị hốt chung vào học một lớp. Thế là lớp có hơn 20 mạng thì đến 20 mạng là dân A1 trường Ams, có 2 đứa A2 lơ ngơ trông cứ như xin xỏ để được vào học chung với bọn A1, thêm một bạn từ Nam Định lên, và hai bạn nữa học trường ngoài, chắc cho vào cho đủ quân số lớp. Khóa tôi học có 4 lớp tiếng Anh. A7 thì toàn dân chuyên Anh trường Ams như thế, A8 hình như toàn dân chuyên ngữ trường đại học ngoại ngữ hay sao đó, A9 và A10 đa số là các bạn từ các tỉnh ngoài.

Tính tôi không thân thiện hay hồ hởi, trừ khi với bạn rất quen. Bạn biết đấy, có nhiều người thân thiện và hồ hởi bẩm sinh. Họ dễ kết bạn, dễ giao lưu, gặp nhau tay bắt mặt mừng, nói chung cũng là một lợi thế. Tôi thì không có lợi thế đó. Nhưng tôi lạnh chỉ đơn giản là tính tôi lờ phờ thế chứ không phải là để lên mặt hay bất nhã với người khác.

Trời không cho tôi tính thân thiện hòa đồng dễ thương, nhưng lại cho tôi tính bàng quan với mọi sự và không hay so sánh bản thân với người khác. Hơn hay kém chẳng quan trọng. Điều quan trọng là có hài lòng hay không. Nếu đã thuộc diện bất mãn hằn học thì có hơn người cũng chẳng để làm gì. Trong thời buổi vật chất ganh đua này, bàng quan có khi lại rất hay.

Chúng tôi học tất cả các môn chung với nhau trong một lớp gọi là lớp C, chỉ khi nào học tiếng Anh mới tách ra thành A7, A8, A9, A10. Tôi cũng không quen nhiều người, A7 thì rõ ràng là quen, A8 chỉ biết mặt, A9 và A10 thì quen rất ít.

Thế mà sinh nhật mình năm thứ nhất, tôi rất ngạc nhiên khi có tận mấy bạn A9 và A10 mang quà đến tặng, mà ngày thường trong lớp có nói chuyện với nhau bao giờ. Không hiểu sao các bạn ấy lại biết ngày sinh của mình. Trong lớp thì mình chìm nghỉm chứ nào được nổi bần bật gì cho cam.

Đến sinh nhật năm thứ hai các bạn ấy lại tặng nữa. Lúc này bạn mới bảo tôi “ Bọn tớ ngoại tỉnh, thấy các bạn Hà nội kiêu lắm, nhìn các bạn ngoại tỉnh và dân ký túc xá bằng nửa con mắt. Rất ấn tượng với G vì thấy bạn không như thế, quý G lắm”. Lúc đó thì tôi mới ý thức được cái sự sinh viên Hà nội và sinh viên ngoại tỉnh, người tinh vi người mặc cảm, người bắn tiếng Anh như gió, người trố mắt ngạc nhiên, người quần áo xúng xính, người quần áo đạm bạc, người ở nhà có phòng riêng có người phục dịch, người đi xách từng xô nước trong ký túc xá. Trước lúc bạn ý nói thế thì tôi chẳng nghĩ đến chuyện đó bao giờ. Cũng không hiểu mình đã làm gì để bạn có ấn tượng tốt về mình như thế???

Năm thứ ba bạn vẫn tặng quà. Rồi hình như là năm thứ tư thì thôi. Thú thật là tôi tằng tằng nhận quà 3 năm liền nhưng chẳng tặng lại cái gì, và thậm chí không biết cả ngày sinh của các bạn ấy.
Giờ vẫn thỉnh thoảng nghĩ đến bạn. Mỗi món quà chắc bạn cũng phải dành dụm để mua, vì chắc chắn bạn không có nhiều tiền. Tôi giờ vẫn thế, không giỏi trong việc quà cáp chúc tụng. Hôm nay tự nhiên lại nghĩ tới bạn vì vô tình nhìn thấy bạn trên báo, đang chụp ảnh ở hồ sen. Mấy chục năm rồi, không liên lạc, hy vọng bạn đã thành đạt đủ để quên đi những suy nghĩ mặc cảm ngày nào.

Monday, June 17, 2013

Nhảm


Hôm nọ đang đứng lờ phờ đợi trả tiền ngoài siêu thị thì tự nhiên mắt sáng lên vì nhìn thấy trên bìa một quyển tạp chí có hình một cô mặc quần áo thể thao khoe cơ bụng săn chắc. Mắt sáng lên vì thấy cô này quen quen. Vươn cổ lại gần ngó cho kỹ, thì hóa ra là huấn luyện viên thể dục của miềng chứ đâu. Tập của cô ấy đúng một lần, mệt quá trốn luôn. Nhưng mình nhớ mặt cổ vì có vài lần ngồi ngáp dài ngáp ngắn trong lớp yoga, nhìn ra cửa sổ thấy cô ấy đang đánh đu trên dây, hò hét cùng các chị phụ nữ. Chẳng hiểu tập bài gì mà thấy cả thầy cả trò cứ toòng teng trên dây cả mấy chục phút không biết mệt.

Hồi lâu lâu đánh trống thổi kèn khoe đi tập thể dục. Đi được đúng gần 3 tuần, lặn mất tăm từ đó, không kèn không trống. Người dạo này rất lệt bệt, bụng phình ra, eo tích mỡ, mông chảy, hông xệ, chân cellulite, triceps lỏng lẻo. Nhưng vấn đề là mình có một lý thuyết không biết có đúng không nhưng mình thấy rất có lý, rằng thì là mà cứ dùng nhiều cái gì thì cái đó chóng hỏng. Từ đó suy ra chạy nhiều thì đầu gối và khớp cổ chân hỏng, đấm bốc thì cổ tay hỏng, ăn nhiều thì đường tiêu hóa hỏng, vv và vv. Như vậy là tập cũng hỏng, không tập còn hỏng hơn. Đời thật là khó sống.

Thêm nữa, trời dạo này nóng lắm rồi. Nóng đến mức ngồi toilet mà xả nước một cái thì thấy hơi nóng bốc lên nghi ngút. Đi ngoài đường tất cả mọi thứ đều mờ ảo vì ẩm độ quá cao, như ở trong nồi hấp. Nóng thế ăn còn không nổi thì còn ai hơi sức đâu đi tập thể dục nữa. Thôi có khi đợi tới mùa thu thì đại tu một thể, nhể.

Con bạn lâu ngày không thấy mặt, giờ nhìn ảnh thấy chị gái nét căng. Thôi rồi, chắc chắn lại đi bơm vá kéo căng chỗ nọ chỗ kia rồi đây. Hồi lâu lâu bạn thân của nó bảo với mình rằng “con này nó tốn kém đến mức chồng nó không bao giờ dành dụm nổi tiền để mua nhà”. Một đứa bạn khác của mình, chồng làm bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ kiếm rất nhiều tiền, một lần ngửa mặt chỉ cho mình thấy tác phẩm botox cứ 6 tháng một lần của chồng nó, da mặt căng phẳng không có lấy một nếp nhăn nào.

Có lần tại một bàn ăn tối, câu chuyện phiếm không hiểu sao lại xoay sang cặp vợ chồng Beckham. Một cậu, người London, xoay sang mình vừa cười hihi vừa bảo “tôi không thấy Victoria Beckham đẹp. Trông cô ấy rất kỳ dị, cứ như người từ hành tinh khác đến”. Cười đau cả bụng với ông.

Thôi, kết luận, nếp nhăn một chút cũng được chứ sao, gì phải xoắn. Chỉ sợ nhất những nếp nhăn lớn do thói quen xấu nhăn trán nhíu mày chu mỏ, mà đã là thói quen thì phải tập cách bỏ, thế thôi. Chứ cứ 6 tháng một lần lại phải đưa mặt ra trước cây kim botox nhọn hoắt thì chắc mình hại não chết sớm mất.
Rồi bao giờ gần 50 tuổi thì tính sau. 

Ảnh: một màn ăn vạ
           

Wednesday, June 12, 2013

Đời bao giờ thong thả được???

Hôm 2/6, mình đứng giày cao gót 10 phân từ 6h tối đến quá nửa đêm. Hai lần mệt đến mức phải lẻn vào nhà vệ sinh ngồi nghỉ mấy phút. Không 10 phân thì váy quét đất, khổ thế. Lúc khách khứa mới đến, phải đứng ngoài cửa bắt tay chào khách, nói thật là bắt tay đến cái thứ mấy trăm thì mình lên một cơn đau đầu. Ai bắt tay mà bóp tay mình chặt quá, lại còn lắc lắc, thì đầu mình càng đau khủng khiếp, thái dương cứ giật giật. Tổng cộng 1200 khách, mình chắc chắn phải bắt tay hơn 1000 người trong số đó, lảm nhảm cũng khoảng 1000 lần đúng một câu có nội dung giống nhau, thấy dân Ý thì nói tiếng Ý, thấy không phải dân Ý thì chuyển sang version tiếng Anh. Xong màn chào hỏi thì não mình cũng đơ luôn . Đời đúng là bể khổ. 1h30 sáng về tới nhà, cảm thấy rất ghét nghề nghiệp của ngài. Ngài thì phải nói là đã có một buổi tối toẹt vời, được nói chuyện với bao nhiêu người, được phỏng vấn, chụp ảnh, nhất là được là người đến sớm nhất và về muộn nhất. Đi đâu ngài cũng nơm nớp lo sợ con vợ ngài nó ngoắc ngài về sớm. Sớm là sớm theo tiêu chuẩn ngài thôi, chứ về nhà toàn quá nửa đêm rồi thì còn sớm gì nữa.

Một tối hôm khác nữa, đến lúc phải chuẩn bị thay quần áo để đi thì ngài mới tá hỏa nhận ra cái áo sơ mi cho bộ smoking chẳng hiểu các nàng giúp việc để đâu. Hội giúp việc này chúng làm hỏng cái gì đố có bao giờ chúng khai với mình để mình còn biết đường. Nói chung cứ thấy trong nhà có món gì đó biến mất tiêu là chắc chắn đã bị giúp việc làm hỏng và phi tang. Ngài bí quá phải lấy áo sơ mi trắng bình thường ra mặc, vẫn cài nơ như ai. Đã thế cuối buổi ăn tối lại còn được MC xướng tên lên nhận giải “Người đàn ông có trang phục đẹp nhất”. Ngài cáu lắm, lên nhận giải về mặt mũi hằm hằm hỏi em ca sĩ ngồi cạnh “cái giải này là để đùa tôi có phải không”. Đến phần đấu giá, ngài quay sang vợ thì thầm “em còn nhớ hồi ở NYC, hồi mình vẫn có nhiều tiền, anh hay đấu giá mua đồ cho em không?”. Cuối cùng ngài cũng đấu giá được cho vợ ngài một cái váy, trang phục sến sẩm của một cô diễn viên Bollywood mặc trong một bộ phim nào đó. Mỗi tội cô diễn viên này cao một mét bảy tư, vợ ngài cao một mét năm tư thì mặc kiểu gì? Mọi người lại còn xúm vào khuyên cắt ngắn, phần cắt ngắn ta lại chế thành một cái khăn.

Cách đây mấy hôm nể chị người quen quá mà phải đi nghe hát. Chú ca sĩ mang tiếng tenor mà cứ lên nốt nào hơi cao tí là giọng đã nghe thấy khao khao. Chưa kể hát còn chênh và phô đến mức mình mới đầu cứ tưởng chú ta vừa bị cảm lạnh. Nhưng cuối cùng hóa ra không phải cảm lạnh mà chỉ là do chú ta nghiệp dư quá. Chị soprano thì chuyên nghiệp, hát rất vững nhưng chất giọng không đẹp. Lúc chị ta hát Summertime, cứ đến câu So hush little baby, chị ta gằn giọng cái chữ hush đến mức mình cứ giật thót cả mình. 4 lần chị ta hush thì mình giật mình đủ 4 cái. Đảm bảo để chị ta hát ru bài này thì đố trẻ con nào ngủ cho nổi. Cộng thêm một event hôm trước có cô ca sĩ bị hỏng giọng, cộng thêm một event hôm sau mình bị ngồi vừa ăn đồ tàu vừa nghe nhạc đồng ca, đúng là cả tuần khổ sở với a series of bad music.

Chưa kể hàng ngày cứ thỉnh thoảng lại nhận được các cuộc gọi từ số lạ hoắc, cứ hỏi rất đường đột “chị có nhớ tôi không tôi là…”, toàn tên Ấn độ hoặc tên Ả rập nghe cứ lùng bùng hết cả lỗ tai mà chẳng dám bảo “không tôi chẳng nhớ chị là ai” nên lại cứ phải reo lên “vâng, tất nhiên là tôi nhớ chứ…”. Sau đó lại bị mời đi dự một event nào đấy, nhiều khi từ chối không được. Điều đặc biệt là họ mời mình không phải vì họ thích mình quá nên muốn kết bạn với mình, mà họ mời mình như một vật trang trí cho event của họ. Mình đến, họ tự hào dẫn mình đi một vòng giới thiệu với khách khứa, câu chuyện 100% chỉ là một bên hỏi một bên trả lời, người hỏi toàn hỏi các câu giống nhau, người trả lời vì thật thà nên cứ cố sức trả lời nhưng chưa kịp trả lời xong đã bị hỏi tiếp câu sau “how are you, how are your things, how are your children, do you like Dubai?”. Và thậm chí vừa trả lời hết một vòng thì lại bị người hỏi, chắc có tật đãng trí, hỏi lại một vòng nữa.

Nhiều khi nhìn người khác thảnh thơi nghỉ ngơi thư giãn đi chơi đây đó nói thật là mình thấy hơi ghen tỵ. Đời đâu có dài lắm mà cứ phải ôm đồm nhiều thứ thế để làm gì nhỉ? Hôm nay nhìn mình trong gương thấy quanh mắt nếp nhăn chi chít, lo quá.

Saturday, June 8, 2013

Ba cái thảm và một sợi dây (hết)


Kinh nghiệm mình rút ra sau vụ con Hoa ngố: what is too good is not true.

Lại nhớ hồi bé, hồi bà ngoại còn ở nhà mái tranh nền đất nện, có hôm mẹ đi làm, khóa 3 chị em trong nhà. Hồi đó làm gì có đồ chơi như bây giờ, được ra ngoài thì còn tha thẩn kiếm cục đá cành cây cái lá mà chơi đồ hàng, hoặc vẽ phấn lên đất để nhảy lò cò, chứ bị nhốt trong nhà tối om như này thì còn biết làm gì. Được cái nhà cũ nên hay có nhện, tha hồ bắt. Những con nhện có cái bụng to bằng ngón tay cái, chân dài ngoẵng, ôm khư khư bọc trứng trắng như cái trống trước ngực. Chui rúc bắt nhện mãi cũng chán, một hôm mình nảy ra ý tưởng 3 đứa đứng ba góc, đến lượt đứa nào thì đứa đó phải nhảy xổ vào đứa bên cạnh, và đứa bên cạnh phải né, nếu không né kịp là thua. Cái đứa né thì phải vừa né mồm vừa kêu to “Né”. Cứ thế 3 chị em cười như nắc nẻ cả tiếng đồng hồ trong gian nhà tối. Hai thằng em mình bé quá nên nói ngọng, sau một hồi toàn thấy chúng nó nói “Lóe”.

Chiều hôm nọ mẹ nảy ra trò chơi Một đoạn dây: lấy đoạn dây buộc vào cọng dưa chuột, rồi mang đi câu cá. Lê La Na vừa giả vờ bơi như cá trên nền nhà vừa cười như bị ma làm vừa cố vươn cổ táp vào cọng dưa chuột mẹ nhử nhử trước mặt, mặt vừa béo vừa lộ rõ vẻ ham hố, răng lại còn bé như răng chuột, nhìn buồn cười không chịu nổi. Thích chơi trò của mẹ đến nỗi còn tự nguyện xin mẹ “sau khi La ăn thối xong La không xem phim mình chơi cái trò này tiếp được không mamma?”. Mỗi tội chơi xong mẹ phải giấu đạo cụ đoạn dây thật kỹ vì sợ tự chơi thì lại quấn vào cổ nhau.

Còn hôm kia thì mẹ nảy ra trò Ba cái thảm. 3 cái thảm giả vờ là 3 cái thuyền, nền nhà là nước, dưới nước có một con cá sấu, cứ nhảy tới nhảy lui từ thuyền này qua thuyền khác thoải mái, nhưng ngã xuống nước là bị cá sấu ăn thịt. Con vừa hò hét vừa co chân nhảy bịch bịch, mẹ thì làm con cá sấu. Lúc thì mẹ chộp được Anna lùn xoẳn béo mẫm mũi dãi hoi hoi; lúc thì mẹ vồ được Ale chắc nịch, chân tay toàn lông vàng óng; lúc thì mẹ tóm được Lila toàn xương nhưng cái mông thì tròn ơi là tròn, tóc mềm như tơ và cái má thì thơm ơi là thơm.

Mình mua rất ít đồ chơi và quần áo cho con. Lê La Na lâu lắm mới được mẹ mua cho một hai bộ quần áo mới. Bánh kẹo thì không bao giờ mua, đồ chơi thì phải là dịp đặc biệt lắm. Chị giúp việc thấy Lê La Na không được mẹ mua cho nhiều đồ chơi và quần áo nên cứ thỉnh thoảng lại mua giúi cho 3 đứa. Mình bảo “Chị đừng mua quà cho bọn trẻ con. Trên thế giới này có rất nhiều trẻ em còn ăn không đủ bữa, con tôi như thế là có nhiều lắm rồi”.

Ảnh: Đấy, sàn nhà rất sạch, lại có cả những cái thảm. Nếu con chịu suy nghĩ, con có thể sáng tác ra vô vàn trò chơi lành mạnh bổ ích trên đó. Con có lego thì con lắp súng bằng lego. Ngày xưa mẹ không có lego thì mẹ bắn súng bằng tay không. Đời vẫn rất vui có sao đâu. Cần gì phải sờ vào những món đồ made in china chỉ nhìn thôi đã thấy đểu và cầm vào có khi nó còn bở cả ra trên tay.

Thursday, June 6, 2013

Ba cái thảm và một sợi dây (1)

Hồi bé rất nhớ một lần, con Hoa hàng xóm tự nhiên năn nỉ đòi đổi đồ chơi. Chẳng là nó mê mẩn mấy món đồ chơi mình tự làm. Cũng chẳng có gì ghê gớm, búp bê len mỗi con bé bằng ngón tay, vua và hoàng tử thì tóc ngắn một chỏm, công chúa và hoàng hậu thì tóc dài lượt phượt, nô tì thì làm len xoăn len xấu, cô chủ ông chủ thì làm len thẳng đẹp. Vua chúa di chuyển bằng xe ngựa. Xe ngựa làm bằng vỏ bao diêm, có cả mái che đàng hoàng, ngựa kéo là một con ngựa trong bộ cá ngựa, buộc bằng một sợi chỉ.

Trong khi đó đồ chơi của con Hoa rất đẹp. Cả xóm chỉ có nó có bộ đồ chơi như thế. Bố nó đi xuất khẩu lao động mua về cho nó. Giường tủ bàn ghế cốc chén xinh xinh bằng nhựa xanh đỏ tím vàng. Giường này mà cho búp bê len tự chế của mình nằm thì xinh phải biết.

Thế là mình đồng ý liền. Cũng hơi tiếc tiếc hoàng tử và công chúa xinh đẹp, nhưng búp bê kiểu này mỗi ngày mình chế ra vài chú, có vấn đề gì đâu.

Con Hoa hồ hởi mang búp bê len và xe ngựa về. Mình vẫn nhớ cảm giác mừng rỡ không tin nổi đó là sự thật, kiểu too good to be true. Mình cho đám búp bê vua chúa nô tì nằm lên mấy cái giường, đắp chăn cẩn thận, rầm rì mê mải chơi quên cả giờ ăn tối.

Thế rồi đang chơi cắm cúi tự dưng linh tính thế nào mình ngẩng lên. Hồi đó trong xóm mình tất cả mọi nhà đều để cửa mở chứ không đóng kín cài then im ỉm như bây giờ. Bố con Hoa đang đứng thù lù ngay cửa, mặt lộ vẻ vô cùng giận dữ nhưng chỉ nhìn chằm chằm mà không nói gì. Mình bảo “cái Hoa nó muốn đổi với cháu” nhưng có vẻ chú ta chả tin. Chú ta lấy lại bộ đồ chơi rồi hằm hằm ra về. Mình ngồi thừ ra, cảm giác vừa sợ vừa ghét vừa khó chịu vì bị hiểu nhầm rằng mình cho đứa con gái ngố của chú ta vào tròng.

30 năm trôi qua, mình đã nhìn thấy số phận của nhiều người đi xuất khẩu lao động, có lẽ nếu mình cũng phải đi xuất khẩu lao động, và mình yêu con gái đến mức chịu đủ nhục, nhịn đủ thứ để mua cho nó một bộ đồ chơi xinh xẻo, và bị con ranh hàng xóm vừa nghèo vừa khôn lỏi đổi mất, quẳng lại cho mấy con búp bê len vớ vẩn, thì chắc mình cũng giận.

Mình nhớ ra chuyện này vì tuần trước mình phỏng vấn một người Sri Lanka. Cậu ta 35 tuổi, có 2 con nhỏ ở nhà. Cậu ta sang Dubai làm việc cho một khách sạn vớ vẩn nào đó. Chúng nó bắt cậu ta làm việc 8 tháng liền không trả lương nên cậu ta phải bỏ, visa chúng nó đã hủy nên cậu ta phải tìm một người có thể bảo lãnh visa cho cậu ta khẩn cấp, nếu không sẽ bị trả về quê. Trả về quê tức là mất luôn khoản tiền rất lớn chạy chọt để được sang Dubai hòng kiếm cơ hội đổi đời. Nhưng cậu ta kinh nghiệm Dubai không có, tiếng Anh không biết, nấu ăn không biết, lái xe không biết, thấy bảo có thể giặt giũ và lau nhà. Cậu ta bám vào mình như chết đuối vớ được cọc, cứ năn nỉ “plz madame, I looking job, full taim plz, visa and eccomodation please”. Mình thương lắm nên bảo “Visa và chỗ ở thì tôi không thể giúp anh. Nhưng anh có thể đến lau nhà và là quần áo cho tôi theo giờ cũng được”. Mặc dù mình cũng không thực sự cần. Con bạn thì cứ bảo “mày đừng giúp, những người như này nhiều lắm giúp làm sao hết, mày giúp rồi mày sẽ hối hận”.

Saturday, June 1, 2013

Em bé và con mèo

Hôm nọ mẹ dẫn hai cô con gái đi xem ông con trai tập võ. Xem được 5 phút cô con gái út chạy ra đứng trước mặt mẹ, mặt mũi nghiêm trọng, mắt xanh lét “mamma, Anna biết ka-wa-te”. “Em biết thì em tập cho mẹ xem nào”. Thế là chẳng ngại ngần gì vung tay vung chân đấm đá luôn, chân tay thì vừa béo vừa đen nhem nhẻm, cộng thêm cái mặt hí hửng toàn mỡ là mỡ, khiến ai ngồi gần đấy cũng phải phì cười.

 Đi khám bác sĩ, anh mặt nghệt ra sợ hãi, chị khóc ti tỉ, em hăng hái dẫn đầu, chào bác sĩ và y tá leo lẻo, bắt tay bắt chân rất đàng hoàng. Đến lúc này thì con chị đã quắp chặt lấy mẹ khóc rầm rĩ. Em bé thấy chị khóc lóc thì xăng xái chạy quanh “but it’s nothing, Lila, come on, it’s nothing”, vừa nói liến thoắng vừa mút tay chùn chụt. Bác sĩ và y tá ôm bụng cười. Tiêm xong cho Lê La, cô y tá quay sang con em út vẫn đang xớ rớ quanh đấy “bây giờ đến lượt cháu đấy Anna”, con ranh con “Nầu” lập tức, rồi vừa mút tay vừa ngoảy đít đi ra chỗ khác.

Bé nhất nhà mà suốt ngày nhắc nhở mọi người. Vào xe thì nhắc cô giúp việc “M cài dây an toàn chưa?”. Hôm nọ thì thấy lên lớp hai cô giúp việc “mamma là madame, Anna là baby madame”. Nhà thay nhiều cô giúp việc quá nên giờ chắc nó chả nhớ nổi tên, cần gì chỉ thấy gọi giọng rất óng ả “lady, where are you?”. Giờ đang vào giai đoạn hỏi “tại sao”. Mấy người làm trong nhà phát rên xiết vì những câu hỏi “oái?/why” của nó. Chú lái xe là đối tượng bị hỏi “oái” nhiều nhất. Oái cho đến lúc chú ấy phải vò đầu bứt tai thì thôi.

-  Anna bây giờ mình đi về nhà nhé
- Oái?
- Về nhà để ăn trưa
- Oái?
- Thì đến giờ ăn trưa rồi
- Oái?
- Chú không biết
- Oái?

Hồi bà Nuôi về mình rất lo vì nó không nói được tiếng Anh, cần gì sẽ không thể nói được với các cô giúp việc nếu không có mẹ ở đấy. Nhưng không ngờ chỉ trong vòng hai tuần tiếng Anh của nó đã lau láu, nhiều câu nghe xong mình cứ há hốc mồm chẳng biết nó học được ở đâu. Hôm nọ mình nghe lỏm hai chị em nó tranh nhau đồ chơi:

- Lila không yêu Anna nứa
I don’t care, Lila (trời ơi, nó học ở đâu vậy trời)
- Lila ném cái này vào Anna (đoạn giơ cái gối lên)
- Nầu
- (đến đây chắc con chị cụt vốn tiếng Việt nên xoay qua tiếng Anh) So let me have my turn
- Nầu

Rồi mẹ nghe tiếng ném phịch một cái, rồi tiếng đồ chơi loảng xoảng, rồi tiếng con em bù lu bù loa. Mẹ trốn luôn, trước khi có tiếng chân chạy bình bịch đi mách.

Mẹ nói thế chứ mẹ thích nghe em mách, mẹ thích nghe em nói ngọng, mẹ thích nghe em hỏi oái, và mẹ thích nhất là khi hai mẹ con ôm nhau lăn tròn trên cái thảm,
- Em nói em là báu vật của mẹ đi
- Anna là báo vậc của mamma
- Em nói em là cục vàng của mẹ đi
- Anna là cụt vàn của mamma
- Em nói em là bảo bối của mẹ đi
- Anna là bối của mamma
- Sao, em nói sao, em nói lại em là BẢO BỐI của mẹ đi
- Anna là bối của mamma
- Haha, Anna có biết là mẹ yêu Anna lắm không?
- (Cặp mắt mí xếch tít lên ranh mãnh) Hông, Anna hông biếc, mamma, Anna hông biếc mamma iu Anna lắm.
- Liệu đấy. Mẹ mà gọi em tìm em thì em phải nói “dạ” nhớ chưa
-
- Thế bây giờ mình thực hành nhé. Anna ơi, em nói “dạ” đi
- Dạ đi con mèo (lên cơn nhí nhảnh là câu nào cũng phải thêm từ con mèo vào)
- Em có đúng là ngọc ngà châu báu của mẹ không?
- Có con mèo.
Mẹ thích em quá nên mẹ lại phải ngồi viết entry Em bé và con mèo.