Thursday, June 6, 2013

Ba cái thảm và một sợi dây (1)

Hồi bé rất nhớ một lần, con Hoa hàng xóm tự nhiên năn nỉ đòi đổi đồ chơi. Chẳng là nó mê mẩn mấy món đồ chơi mình tự làm. Cũng chẳng có gì ghê gớm, búp bê len mỗi con bé bằng ngón tay, vua và hoàng tử thì tóc ngắn một chỏm, công chúa và hoàng hậu thì tóc dài lượt phượt, nô tì thì làm len xoăn len xấu, cô chủ ông chủ thì làm len thẳng đẹp. Vua chúa di chuyển bằng xe ngựa. Xe ngựa làm bằng vỏ bao diêm, có cả mái che đàng hoàng, ngựa kéo là một con ngựa trong bộ cá ngựa, buộc bằng một sợi chỉ.

Trong khi đó đồ chơi của con Hoa rất đẹp. Cả xóm chỉ có nó có bộ đồ chơi như thế. Bố nó đi xuất khẩu lao động mua về cho nó. Giường tủ bàn ghế cốc chén xinh xinh bằng nhựa xanh đỏ tím vàng. Giường này mà cho búp bê len tự chế của mình nằm thì xinh phải biết.

Thế là mình đồng ý liền. Cũng hơi tiếc tiếc hoàng tử và công chúa xinh đẹp, nhưng búp bê kiểu này mỗi ngày mình chế ra vài chú, có vấn đề gì đâu.

Con Hoa hồ hởi mang búp bê len và xe ngựa về. Mình vẫn nhớ cảm giác mừng rỡ không tin nổi đó là sự thật, kiểu too good to be true. Mình cho đám búp bê vua chúa nô tì nằm lên mấy cái giường, đắp chăn cẩn thận, rầm rì mê mải chơi quên cả giờ ăn tối.

Thế rồi đang chơi cắm cúi tự dưng linh tính thế nào mình ngẩng lên. Hồi đó trong xóm mình tất cả mọi nhà đều để cửa mở chứ không đóng kín cài then im ỉm như bây giờ. Bố con Hoa đang đứng thù lù ngay cửa, mặt lộ vẻ vô cùng giận dữ nhưng chỉ nhìn chằm chằm mà không nói gì. Mình bảo “cái Hoa nó muốn đổi với cháu” nhưng có vẻ chú ta chả tin. Chú ta lấy lại bộ đồ chơi rồi hằm hằm ra về. Mình ngồi thừ ra, cảm giác vừa sợ vừa ghét vừa khó chịu vì bị hiểu nhầm rằng mình cho đứa con gái ngố của chú ta vào tròng.

30 năm trôi qua, mình đã nhìn thấy số phận của nhiều người đi xuất khẩu lao động, có lẽ nếu mình cũng phải đi xuất khẩu lao động, và mình yêu con gái đến mức chịu đủ nhục, nhịn đủ thứ để mua cho nó một bộ đồ chơi xinh xẻo, và bị con ranh hàng xóm vừa nghèo vừa khôn lỏi đổi mất, quẳng lại cho mấy con búp bê len vớ vẩn, thì chắc mình cũng giận.

Mình nhớ ra chuyện này vì tuần trước mình phỏng vấn một người Sri Lanka. Cậu ta 35 tuổi, có 2 con nhỏ ở nhà. Cậu ta sang Dubai làm việc cho một khách sạn vớ vẩn nào đó. Chúng nó bắt cậu ta làm việc 8 tháng liền không trả lương nên cậu ta phải bỏ, visa chúng nó đã hủy nên cậu ta phải tìm một người có thể bảo lãnh visa cho cậu ta khẩn cấp, nếu không sẽ bị trả về quê. Trả về quê tức là mất luôn khoản tiền rất lớn chạy chọt để được sang Dubai hòng kiếm cơ hội đổi đời. Nhưng cậu ta kinh nghiệm Dubai không có, tiếng Anh không biết, nấu ăn không biết, lái xe không biết, thấy bảo có thể giặt giũ và lau nhà. Cậu ta bám vào mình như chết đuối vớ được cọc, cứ năn nỉ “plz madame, I looking job, full taim plz, visa and eccomodation please”. Mình thương lắm nên bảo “Visa và chỗ ở thì tôi không thể giúp anh. Nhưng anh có thể đến lau nhà và là quần áo cho tôi theo giờ cũng được”. Mặc dù mình cũng không thực sự cần. Con bạn thì cứ bảo “mày đừng giúp, những người như này nhiều lắm giúp làm sao hết, mày giúp rồi mày sẽ hối hận”.

11 comments:

  1. Đọc entry của chị xong thấy cứ xốn xang sao đó.

    Ở bên Phần cũng nhiều hoàn cảnh chị ạ. Lúc bé không biết cứ nghĩ mọi việc đơn giản. Sang đây học rồi hòa nhập vào xã hội mới biết có đủ dạng người, đủ kiểu bươn chải .

    Thế cuối cùng cậu ấy có ở lại Dubai được không chị ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị không biết em ạ. Khả năng cậu này phải về nước hơi cao, vì kiểu như cậu ta khó xin việc lắm, may ra chỉ có người Ả rập họ thuê làm houseboy, nhưng họ trả lương ít đến mức thà hồi hương còn hơn.

      Delete
  2. Những người đi xuất khẩu lao động thì hầu như ai cũng nghèo khổ! Phải vay mượn tiền để đóng tiền thế chân gì đấy. Nhưng sao lại có bọn người thuê người ta rồi ko trả lương chứ? Vậy rồi người ta làm việc phải ăn gì, sống sao đây??

    Rồi anh ta có đến làm việc nhà theo giờ cho chị ko? Anh ta có ở lại được ko chị?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nếu đi làm theo diện đó thì họ bao chi phí ăn ở đi lại luôn. Nhân viên toàn khách sạn sẽ ở tập trung một chỗ, có người nấu ăn cho, đến giờ là xe bus đón đi làm và hết giờ là xe bus đưa về. Nhiều nơi chủ lao động giam giữ người lao động như nô lệ, bắt làm việc nhiều, điều kiện sống rất kham khổ, trả lương ít thậm chí không trả, đến khi nào hòa vốn thì thả cho đi.
      Anh ta giờ bị khách sạn giam giữ kiểu đấy, có muốn ra ngoài làm thêm cũng không đi được, chưa kể từ nơi khỉ ho cò gáy đó đến được nhà chị thì tiền đi lại cũng quá tội.

      Delete
  3. Hoàn cảnh như thế tội nghiệp quá, khối người khốn khó túng quẫn không biết làm sao để thoát ra :(

    Chị ơi, hình chị đẹp quá ah..

    Duyên Nguyễn

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tóm lại gặp những hoàn cảnh này mới thấy mình đủ ăn đủ mặc, được sống cùng gia đình, là tốt quá rồi chẳng mong gì hơn.
      Cám ơn em, ảnh chụp từ điện thoại ý mà.

      Delete
  4. Nhìn nước da bạn Giang dân Mỹ thích phải biết! Đúng màu bánh mật.

    ReplyDelete
  5. È è , bạn Giang cứ chê bai bác giai lười chụp hình . Thế mà mình thấy là hình nào của bạn Giang cũng đẹp hết á ! Nhìn rất có " thần " ! Người chụp phải thế nào mới bắt được những khoảnh khắc đó đấy nhé ! Chụp bằng điện thoại mà chuẩn nhẩy ! Mình mê cái váy của bạn Giang !

    ReplyDelete
  6. Nói chuyện ngày xưa , bạn Giang còn nhớ hồi bao cấp ai có con thì được mua phân phối mấy thứ đồ chơi trẻ con , trong đó có một con gấu bằng nhựa không ? Nhựa thì rẻ tiền , màu trắng , màu xanh , màu hồng .... Thế mà với mình thì thần tiên lắm , mê mẩn lắm ! Chơi đến nỗi gặm thủng cả một bên tai mà vẫn không bỏ ... Thêm mấy mẩu gỗ vụn nữa ....Gặp những hoàn cảnh đáng thương là cứ buồn buồn, bần thần mấy ngày liền .Bạn Giang nói đúng quá ! Đủ ăn , đủ mặc, được sống cùng gia đình là hạnh phúc rồi, chẳng mong gì hơn nữa !

    ReplyDelete
  7. Nhìn thấy hình là nhận ngay ra Mẹ Bình Nguyên , chị nhớ entry của em từ YH 360 , thật là tan tác từ sau khi YH360 và Multi đóng cửa
    Chuyện ngày xưa nhớ lại bùi ngùi

    ReplyDelete