Friday, June 22, 2012

Summertime and the feeling is easy…

 

Kế hoạch mùa hè: xuống miền Nam nghỉ. Lên miền Bắc xem đua ngựa. Tháng 7 quay về Rome mấy ngày để chuyển nhà và sơn sửa lại nhà cho khách vào. Xong việc thì đi ra ngoài biển ở đến hết tháng 7. Ngày 30/7 cả nhà sẽ bay sang Dubai.

Mùa hè, váy hoa, chân trần, đi bộ trên cánh đồng toàn hoa.

Mùa hè, kẻ mắt đen, đọc sách trên võng và ngủ dưới vòm cây.

Fish are jumping and the cotton is high…

Chúc các bạn nghỉ hè vui vẻ.

Wednesday, June 20, 2012

20/6/2012

Chị bạn bảo “giờ chắc bộ sưu tập giày túi của em đồ sộ lắm rồi nhỉ”. Bảo “không, em làm gì có gì”. “Ơ chị tưởng em hay shopping lắm, tưởng bộ sưu tập của em phải hoành tráng lắm rồi chứ?”. “Không, em có mua gì đâu, có khi cả năm em chẳng có nhu cầu mua sắm gì cả”.

Trái với tưởng lầm của mọi người rằng mình phải là con nghiện mua sắm lắm, mình thực ra từ lâu rồi ko còn hứng thú mua sắm gì nữa. Không phải là có đủ rồi nên ko cần mua gì. Thực ra nếu đã thích, đã say mê, thì biết thế nào là đủ. Mình thuộc diện không thích, ko say mê, nên có bao nhiêu cũng thấy thế là đã đủ. Mình có thể đi trong malls hơn 1000 cửa hiệu mà hoàn toàn dửng dưng không muốn rẽ vào một cửa hiệu nào cả.

Mình thích giày cao gót. Nói một cách chính xác mình rất cần giày cao gót vì không có giày cao gót trông mình rất chán. Con bạn thân mình bảo “em mà không có giày cao gót chắc em được 2 điểm”. Mình đi những đôi thoải mái và đơn giản chứ ko thích những đôi cầu kỳ lóng lánh thời trang. Thế mà hình như vài năm rồi mình cũng không mua đôi giày nào nữa.

Chỉ có một thứ mình có nhiều, đó là váy áo. Vì cần thiết. Đi dự event này nọ, không thể mặc đi mặc lại một bộ váy củ. Mình ít khi mua váy hàng hiệu đến vài nghìn một bộ vì nghĩ nó phí phạm quá. Thay vì mua nhõn một bộ váy hàng hiệu và đi đâu cũng diện, mình dùng tiền đó tậu được 3, 4 cái váy bình thường khác, mặc được trong 3, 4 dịp khác nhau.

Mình cũng chẳng thích nói chuyện này, nhưng chị bạn đủ thân để mình nói thật mà không sợ bị nghĩ này nọ “Mấy món túi, giày, váy, áo, nhiều người mua được lắm. Ở bên này, chị cầm một chiếc túi hàng hiệu lộng lẫy cũng chẳng ai khen, bọn sành nó sẽ trầm trồ trước một chiếc túi da cá sấu vintage không cần nhãn hiệu nếu chiếc túi thật sự đẹp. Ngoài ra, dân sành nó không nhìn giày, túi, váy áo mà nó nhìn đồ trang sức, mà phải là đồ trang sức vintage". Tại sao phải là đồ trang sức vintage, vì người mang nó chứng tỏ gia đình họ có lịch sử. Lịch sử là thứ mà tiền không mua được.

Nó cũng tương tự như đồ cổ được truyền lại trong dòng họ. Không phải ngẫu nhiên mà các dòng họ quý tộc châu Âu các thế kỷ trước cho người con trai cả thừa kế toàn bộ đất đai và cả đồ đạc của gia đình, vì đó là cách duy nhất đảm bảo đồ đạc gia đình có thể được duy trì từ đời này sang đời khác, còn những người con trai thứ thì phải đi lính.

Quay trở lại chuyện sành điệu, một lần, trong lúc đang tập hát, một bà nhìn đôi khuyên tai mình đang đeo và hỏi “em đeo đôi hoa tai của Buccellati phải không?”. Trước khi mình kịp trả lời, bà ấy ngó vào gần và bảo “đúng rồi, chỉ có Federico mới có thể làm được cái này”. Mình phải thầm thán phục sự sành điệu của bà ấy. Đôi hoa tai hình chiếc lá có khía, đặc trưng của Buccellati. Thợ kim hoàn Federico Buccellati là linh hồn của những món đồ trang sức Buccellati cực kỳ tinh xảo. Bà bạn mình là điển hình của sự thanh lịch và sang trọng, phu nhân của một nhà cựu ngoại giao rất xuất sắc và hiện vẫn còn là một nhân vật rất có thế lực ở Rome.

Tuesday, June 19, 2012

Giúp việc ơi là giúp việc

Bà Nuôi có một cái tính làm mình rất khó chịu. Cái gì thích thì bà ấy ăn tiệt, không còn phần ai miếng nào. Cái gì không thích thì không bao giờ thèm đụng đến. Gặp mình không phải người hay ăn thì không sao, gặp một số người hay ăn trong nhà này y như rằng là xảy ra chuyện. Có lần, chủ nhật, ngài chạy ra siêu thị mua về một hộp kem que 6 chiếc, ngài ăn mất một chiếc. Ngày hôm sau là thứ 2, vì sợ trẻ con mỗi lần ăn một chiếc to thế kia thì nhiều quá, mình đi chợ mua về thêm hai hộp kem que tương tự mỗi tội nhỏ hơn, mỗi hộp 12 chiếc, cho bọn trẻ con.

4 hôm sau, ngài lại thèm kem. Mở tủ đá, toàn bộ 3 hộp kem cả to cả nhỏ đã không cánh mà bay. Mình mới chỉ cho bọn trẻ con ăn mỗi 1 lần, hết 2 chiếc nhỏ, mình ko ăn tí nào. Khỏi phải nói có người lên cơn thèm kem mà không được ăn thì nổi điên lên đến mức nào. Mình cứ phải nói lấp đi, chứ không chẳng nhẽ làm ầm lên vì mấy que kem.

Một lần khác, mình mua 3 chiếc pizza về cất trong tủ đá, để thỉnh thoảng cho bọn trẻ con một miếng, mình ko muốn chúng nó ăn nhiều vì muốn kiểm soát cân nặng của chúng nó. Một chiếc như vậy thì có 8 miếng. Ông con trai hoan hỉ trong tủ có pizza. 2 ngày sau, không nhớ ông làm gì được mẹ khen, mẹ hứa cho một miếng. Mở tủ đá, chẳng còn miếng nào. Ông giời con lăn ra đất giãy đành đạch. Mình không ăn, giai ăn sáng ăn tối ở nhà mình đều có mặt, giai cũng ko ăn. Chỉ còn lại bà Nuôi. Bà ấy cứ làm như không biết chuyện gì, mình cũng chẳng nói gì.

Vì thế, mua cái gì mà biết bà Nuôi thích ăn thì mình cũng phải mua rất nhiều. Táo loại bà Nuôi thích ăn thì phải mua 20 quả một lúc, cam thì phải 3, 4kg, pizza 8 chiếc, bánh mỳ phải mua 3 túi to, thế thì lúc mình sờ đến mới hy vọng còn.

Nhưng thế chưa xong đâu. Vì sở thích ăn uống của bà Nuôi thay đổi rất nhanh, không biết đằng nào mà lần. Đang ăn rất nhiều bà ấy tự dưng không ăn nữa, đổi món khác, thế là mấy chục quả táo bị ế, mấy túi bánh mỳ phải vứt đi vv và vv, nếu ko muốn vứt đi thì mình è cổ mà ăn.

Mình nấu cái gì mà là món bà ấy không thích thì tất nhiên bà ấy mặc kệ. Nhưng nấu món gì mà bà ấy thích thì bà ấy lượn lờ, nhắc nhở, cẩn thận cháy nha, cẩn thận mặn nha, cô là hay nấu mặn lắm nha vv và vv, sốt hết cả ruột. Có lần bà ấy chỉ đạo nhiều quá đến mức mình phải bảo “thế cô tự đi nấu đi cô” thì lại chối đây đẩy “thôi cô nấu đi cho nó ngon”.

Đậu phụ mình mua về, cụ chê dài mỏ “nhà giàu mà ăn đậu phụ. Cô mà bắt tôi ăn được món đó tôi thua cô”. Mình rán đậu rồi nhờ cụ kho đậu với thịt, đầy một nồi. Buổi trưa đi về chắc mẩm được món đậu phụ kho thịt, ai ngờ cụ đã chén sạch rồi vì “ngon gì đâu”, cụ lại còn bảo “tưởng cô không ăn”.

Giờ sang cái chuyện món gì bà ấy ko thích là bà ấy mặc kệ. Món mới gì mình mua về cụ cũng tò mò, có hôm cụ bóc cả pasta sống ra ăn thử vì tưởng bánh. Nếu ngon thì lại quay trở lại phần ở trên, tức là cụ chén sạch. Nếu không ngon là cụ vứt đấy, cũng chẳng thèm gói lại. Nhắc mãi giờ thì cụ đã gói, sau khi càu nhàu “nhà làm gì có chuột bọ gì mà phải gói”.

Thực ra món gì mình đã mua là mình thích, nên cụ ko ăn cũng chẳng sao. Nhưng vấn đề là thỉnh thoảng cụ bảo mình đưa tiền cụ tự đi mua món cụ thích. Mua về, ngon thì ko sao, ko ngon cụ vứt đấy hoặc mời mình ăn rất đon đả “ngon lắm cô ăn đi, ngon lắm mà tôi bận quá chẳng có thời gian ăn”. Mình mà đồng ý một cái thì cụ vun cho một đĩa như quả núi. Ví dụ, rau muống gặp hôm nào cằn và chát là cụ mời mình ăn liên tục, thịt ba chỉ cụ thích ăn, cụ đi mua, gặp miếng mỡ quá ko chén nổi, thế là cụ vứt vào tủ đá và từ đó giả vờ ko biết đến sự tồn tại của nó nữa.

Hôm kia cụ xào rau muống. Mình về thấy đĩa rau muống còn nguyên thì chắc mẩm là cụ xơi ko nổi rồi. Y như rằng cụ hối thúc mình ăn rau muống rất nhiệt tình. Mình từ chối, một lúc sau lại thấy cụ định mang ra cho con Anna ăn. Lúc đó mình đã rất nhẹ nhàng nói “Mình ko ăn được sao lại cho trẻ con ăn hả cô”. Tưởng nói thế là phải hiểu. Ai ngờ hôm nay, buổi sáng cụ ở nhà lôi hộp hải sản ra nấu súp hải sản. Nhà chuẩn bị đi nghỉ, nên mình định mang

đồ ăn đi cho cho đỡ phí, bao gồm cả hộp hải sản. Cụ Nuôi khăng khăng phản đối, nịnh mình nấu nhưng mình từ chối vì bận. Cụ bảo thế thì để cụ tự nấu. Thế là sáng nay cụ loay hoay nấu. Buổi trưa mình về thấy cụ mời mình rất đon đả “cô ăn đi, ngon lắm đó”, mình biết ngay là cụ ko xơi được nên mới lại có cái trò đùn đẩy kiểu này. Nên mình nói luôn “Cái gì mà mình ko ăn được sao lại mời người khác làm gì hả cô? Lần sau cô nấu lên món gì, cô ăn ko được thì cô đổ đi cô nhé, và lần sau rút kinh nghiệm, chứ đừng mời người khác kiểu thế”. Lúc sau lại tự thú nhận “chẳng hiểu sao tôi nấu lên ăn nó cứ kỳ kỳ ăn ko nổi”. Chiều mình đi đón con về, nồi hải sản to đoành đã không cánh mà bay. Chắc bay thẳng xuống thùng rác dưới nhà.

Mình đang ngổn ngang tỉ việc phải làm. Khi nào hòm hòm công việc mình sẽ xét đến bà già láu cá này.

Saturday, June 16, 2012

Mong

Mấy hôm nay chàng đi công tác. Mình mong chàng về thế không biết. Mong hơn mong mẹ về chợ.

Trăm lần cả trăm, mỗi lần chàng đi công tác là ở nhà sẽ xảy ra chuyện gì đó. Lúc thì chuông chống trộm tự nhiên réo inh ỏi suốt đêm, lúc thì chập điện cả nhà tối thui, hay xảy ra nhất là con ốm. Một mình mình xoay như chong chóng nhiều khi phát mệt.

Chẳng phải mong chàng về để chàng đỡ cho việc nọ việc kia. Chàng làm một hỏng hai, khắc phục còn mệt hơn là tự đi làm lấy cho xong. Lý do mong chàng về chỉ là cứ chàng về một cái thì mọi việc tự nhiên lại đâu vào đấy hết, cứ như có phép lạ, chuông chống trộm tự dưng im bặt ko réo inh lên nữa, đèn đuốc lại sáng bình thường, con lại nhảy lại hò hét như khỉ cả ngày không biết mệt.

Thế nên là mình mong chàng về lắm, người số xuân đi đến đâu xuân đến đấy. Cú nhất là chàng đi công tác gọi điện về, vợ than thở anh ơi con quấy lắm suốt đêm qua em ko ngủ, chàng rất dịu dàng “mai anh về anh trông con cho em ngủ nhé em yêu”, thế mà hôm sau chàng về thì con ranh con ngủ thin thít từ tối đến sáng hôm sau. Mình hồi trước cứ tưởng mình là người may mắn lắm rồi ý, thế mà so với chàng thì mình thành người bất hạnh. Người đâu mà có người xuân đủ đường thế hả trời.

Lần này chàng đi công tác cũng thế, con Anna tự nhiên sốt hầm hập. Mình nhét thuốc, đợi cơn sốt giảm, đắp khăn ướt, cho uống nước, cho uống sữa, thay bỉm, loay hoay suốt đêm, mà mình cũng ốm. Hôm nọ đau đầu đến mức chị phụ huynh bạn cùng lớp chú Bình Nguyên phải đưa viên baby aspirin. Gọi là baby aspirin mà nó to đùng ngã ngửa. Nhưng lúc đó mình đau đầu quá vồ lấy uống luôn, quên khuấy mất là mình ko nên dùng thuốc này vì bị đau dạ dày. Y như rằng, đầu hết đau thì đến lượt dạ dày đau khó chịu, bụng lồi lõm mấy ngày nay rồi. Cơ thể rệu rã cứ chữa chỗ này lại hỏng chỗ kia.

Em bé xíu hôm nay vẫn sốt vật vã, lúc nào nhờ thuốc mà khỏi sốt thì đi khắp nhà giục mẹ “mamma đi học bài tập đi”, lúc nào lại lên cơn sốt thì đến ôm mẹ “mamma oi, em mệc”. Thương quá đi.

Tưởng cuối tuần chàng về sớm cho con đi hội chợ ở trường để mình yên tĩnh ở nhà học hành một tý, thứ hai thi rồi, thì tàu chàng lại chậm. Thế là trong khi có người ngồi rung đùi đọc sách hoặc ngủ lăn quay trên tàu thì mình lại thất thểu dẫn con lớn đi hội chợ, trời thì nóng, người thì mệt, dạ dày thì đau, bài tập thì nhiều, con nhỏ ở nhà thì ốm. Công nhận có người số xuân thật.

Mình suốt ngày lọ mọ với con ở trường, chẳng bao giờ thấy mặt chàng, đến mức có anh chàng gà trống nuôi con, có con học lớp cạnh lớp Bình Nguyên, lại cứ tưởng mình gà mái nuôi con một mình nên cứ nhấm nha nhấm nháy sốt cả ruột.

Ảnh: em ốm quá nên em mới quấy mẹ, chứ bình thường em tự chơi với chó bông mèo bông, em tự đọc sách, rồi em tự lăn ra ngủ thế này trên sofa. Cứ bán than thế chứ mẹ mà không may mắn thì làm sao có em bé tuyệt vời như em được

Thursday, June 14, 2012

Linh tinh

    

“Nắng này nó khác cái nắng kia. Cái nắng kia nó xịt ngay vô nhà, cái nắng này tưởng nó phức cái ngọn cây nhưng mà nó không có phức”. Hiểu chết liền.

Ở lâu với bà Nuôi mình quen, không chú ý đến từ ngữ làm gì cho hoang mang, chỉ trông văn cảnh mà đoán ý. Thế mà nhiều khi đoán ý cũng không nổi. Như ví dụ ở trên, chả hiểu u Nuôi định nói gì?

Theo gương bà Nuôi, mỗi lần mình làm gì mà con Lila không thích thì nó sẽ khóc lóc mà rằng “mamma làm Lila gầy”. Nguồn gốc của câu nói tối nghĩa này là như sau: mỗi lần thấy mình quát, bà Nuôi sẽ hỏi Lila “Con làm gì để mamma gầy?”. Tiếng Cần Thơ của bà Nuôi, cộng thêm vốn tiếng Việt nguệch ngoạc của Lila, từ đó nó suy ra gầy (rầy) = giận.

Hôm qua thì đến lượt con Anna lăn ra ăn vạ mồm bem bẻm “mamma gầy Ang Na”. Và sáng nay, thấy nó lục trộm túi mình trút tiền xu vung vãi trên sàn, mình quát “này” một cái, tưởng nó sợ hóa ra nó nhảy cẫng lên cười ha hả tay chỉ chỉ mẹ “mamma gầy mamma gầy hahaha”. Thế thì còn cáu làm sao.

Cứ tưởng tượng một ngày ông con trai độc nhất về VN hỏi vợ, đi ăn với cô nào, muốn hỏi cô ấy có muốn thêm tí nước mắm vào bát không mà lại hỏi “anh xịt cho em chút nước mắm nhá” thì có mà cô ấy chạy mất dép.

Bọn trẻ con cũng biết mẹ nói tiếng Việt một đằng, bà Nuôi nói tiếng Việt một nẻo. Thế nên cứ bí từ khi giao tiếp với bà Nuôi một cái là Lê La chạy ra “Mamma ơi cái từ này tiếng Cần Thơ nói thế nào?”. Mẹ chỉ cho một cái là chạy lon ton lại bà Nuôi nhắc lại như vẹt, và tiếng bà Nuôi “À, tưởng gì”.

P.S: Hôm nay đau đầu quá. Chẳng phải học hành cật lực gì để mà đau đầu cho cam. Lý do sáng nay đứng nói chuyện có khoảng 5 phút với một chị phụ huynh, nắng chiếu đúng gáy, biết ngay là sẽ đau đầu. Càng già càng mỏng manh dễ vỡ. Về nhà đau đầu nên không học được, mở trang lacai.org ra xem. Đọc được cái tít “phụ nữ lấy tây chỉ toàn gái xấu”, và câu bình luận của lá cải “vừa xấu vừa xanh lại có nhiều hột”, cười vỡ bụng.

Mình dạo này xấu thật. Gầy nhom, mặt mũi vêu vao, thái dương hóp lại, mắt trũng sâu, gò má nhô ra, ngay bên dưới gò má lại hóp vào, xương hàm bạnh ra, nói chung ko đếm nổi bao nhiêu góc cạnh trên mặt. Tối qua đi dự một event, mặc váy khoe trọn tấm lưng trần toàn xương xẩu. Để khoảng chục ngày nữa đỡ bận mình sẽ ăn uống phục thù

Đau đầu quá, đi ngủ tí xem có đỡ đau đầu tí nào không. Thi thì thi, mà chả thi thì đừng.

 

Ảnh: chồng mắc bệnh chỉ đạo Khắc Huề. Đã bảo đứng yên cho người ta chụp thì vẫn luôn mồm chỉ đạo, kết quả lên ảnh mồm há hốc ra, thế là đành phải cắt đi thôi.

Tuesday, June 12, 2012

Chiều mây xám công viên quạnh hiu

 

Mùa thi mùa thi

Mùa lo mùa lo

Mùa thi đến, tôi lo quặn lòng

Cô giáo vào lớp

Đôi mắt không chớp

Ôi mắt cô sao mà to thế

Cô đứng cô trông

Cô bắt lung tung

Tôi trót quay, thế là bị chộp

 

May chồng không biết tiếng Việt nên mình ư ử bài này mà không bị chê vớ vẩn. Haiz, chiều qua ngồi học cật lực mà chỉ được có hơn một trang. Đếm liên tục số trang còn lại mà thở dài oành oạch. Lê La Na chạy như đèn cù xung quanh, còn học hành giề. Sau vụ hành xác này chắc tâm hồn mình đẹp lên thêm vài bậc đây. Cẩn thận lại đẹp quá thì chết dở. Cũng vì kỳ thi dở hơi biết bơi này mà mình đã phải hoãn mấy chuyến đi chơi cuối tuần. Cứ để yên được đi chơi, mở mang ra rất nhiều, tâm hồn cũng đẹp lên chứ cứ gì phải ngồi gò lưng cắn bút thế này mới đẹp lên được.

Ngày đánh vật với con, tối đánh vật với events. Đã bắt đầu nhận được rất nhiều giấy mời đi dự các event liên quan đến Dubai. Tối nay sẽ có một buổi ăn tối rất trọng thể với sự có mặt của thị trưởng, các bộ trưởng, đại sứ Ý tại Abu Dhabi, ruler of Dubai (quân vương Dubai?) và các nhân vật cao cấp trong Bộ. Mình nghĩ mãi mà ko biết mặc cái gì cho phù hợp thuần phong mỹ tục?

Năm ngoái sếp cũ của chàng ở NYC đang chuẩn bị được bổ nhiệm đại sứ tại Tel Aviv (Israel). Ông ấy muốn chàng sang làm phó đại sứ. Mình không đồng ý. Người Do thái ăn uống phức tạp, mình thì lại hay phải mời khách. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, tránh được các chú Do thái ăn uống phức tạp thì lại gặp phải các chú đạo Hồi ăn mặc phức tạp.

Có khi mình phải về VN làm vài bộ áo dài mới được.

À nhắc đến áo dài lại nhớ một bài hát hay nghe hồi đi học. Ai mang tiếng cười ngày xưa ấy vang trong lớp học sân trường. Như vách đá còn vang vọng mãi lời chim muông reo trong gió. Ai mang đến sân trường lưu luyến mà cứ nhớ thương nhau hoài. Bao nhiêu lớp học qua ngày tháng sao không lúc nào nhạt phai. Hát đến đoạn đó, máy quay zoom vào đôi mắt Thủy Tiên đang nhìn ngước lên cao, Thủy Tiên mặc áo dài trắng đơn sơ, tay cắp một chiếc cặp đen, cặp mắt biếc nhìn lên tán phượng đỏ. Đẹp ơi là đẹp.

Friday, June 8, 2012

Nhân tài nằm trong lá ủ

     Mình vẫn còn nhớ như in cảm giác khi thi xong môn cuối cùng của năm học cuối cùng đại học. Ôi đó là một cảm giác nhẹ nhõm tự do không tả được, chỉ muốn vứt vở, vứt sách, chạy nhảy hò hét cho bõ những năm tháng đằng đẵng học nhồi học nhét những môn học chán chết, vào phòng thi nơm nớp lo lệch tủ, mặt thầy cô thì như đâm lê, chỉ giỏi hù dọa sinh viên. Lúc đó mình đã hứa với bản thân sẽ không học hành gì nữa cho nhọc xác. Hoặc học chỉ để cho vui chứ quyết ko dính dáng gì đến thi thố cho tổn thọ.

Mình đã tuân thủ rất chặt chẽ lời hứa đó, tính mình hay giữ lời hứa. Ra trường tính đến nay gần 15 năm rồi, mình không thi thố thêm cái gì thật. Trừ hai lần thi như sau:

Bằng lái xe: hồi còn ở New York thì chẳng học vì ở trong Manhattan có dùng xe bao giờ đâu mà học. Về Rome thời gian đầu bận nhà cửa nên cũng không học. Hết bận nhà cửa thì lại có cái bụng to. Rồi lại bận đi chơi. Tóm lại ngày thi lấy bằng cứ hoãn hết lần này đến lần khác, đến tận lúc trung tâm họ không cho hoãn nữa, bắt thi vào cuối hè. Lúc đi chơi hè về thì tá hỏa khi chỉ còn 5 ngày nữa là thi lý thuyết mà mình hoàn toàn mù tịt vì lúc thầy dạy lý thuyết trên lớp thì mình đến ngủ gật một buổi rồi mất hút con mẹ hàng lươn. Mình lại cứ tưởng còn 7 ngày nữa mới đến ngày thi, lại phải học bằng tiếng Ý là tiếng lúc đó mình chưa thạo lắm.

Thế là thôi, xua chồng xua con đi chỗ khác, mình cắm mặt vào học lý thuyết. 3h sáng vẫn ngồi học chưa đi ngủ, 7h sáng đã thấy ngồi học nghiêm chỉnh ở bàn. Chồng than vãn “em có cả năm để học mà tại sao lại để đến phút cuối thế này”. Chồng chưa biết tính vợ học thi bao giờ cũng để đến phút cuối học cho vào. Mỗi tội lần này hơi cuối quá nên phải vắt chân lên cổ. Cứ như thế 3 ngày, mỗi ngày học gần 15 tiếng. 3 ngày là học xong, ngày thứ tư nghỉ ngơi cho đầu óc thư giãn. Ngày thứ 5 thi. 10 điểm lý thuyết. Ông thầy không tin vào mắt mình khi nhìn thấy bài thi 10 điểm của mình.

Chưa tâm phục khẩu phục, ông ấy vẫn còn cảnh cáo mình vào ngày thi thực hành “Vũ phải cẩn thận, cô rất xinh đẹp nhưng người chấm phần thực hành rất khó tính, lái kiểu cô tôi không dám đảm bảo đỗ đâu”. Phần lái thực hành thì mình quả có hơi chuệch choạc. Ông thầy lúc hướng dẫn mình thở dài hoặc lầu bầu liên tục. Mới đầu ông ấy thích mình mê mẩn, suốt ngày gọi mình là mắt đẹp, người đẹp, cô gái xinh đẹp, về sau mình dốt quá ông ấy hết chịu nổi, toàn gọi mình là Vũ cộc lốc, thì biết rồi đấy.

Ngày thi thực hành, mình là một trong những người thi cuối cùng. Bình thường mỗi người phải lái khoảng 15 phút, làm đủ trò theo yêu cầu của người chấm thi ngồi đằng sau, mình lái 5 phút đỗ luôn. Mình mở cửa xe, mặt vác lên, còn ông thầy mình thì tức tối. Lúc quay về trường ông ấy còn vớt vát “Vũ tuy đỗ nhưng khi lái xe phải hết sức cẩn thận”.

Chuyện thi thứ hai là thi trình độ tiếng Ý. Mình đã định không thi rồi, vì cái bằng này để phục vụ cho một là đi học hai là đi làm. Mình không đi học và cũng không định đi làm thì thi làm gì cho tốn nơ ron thần kinh? Nhưng cô giáo cứ thuyết phục “như em thì nhắm mắt cũng đỗ, thi đi, coi như là đánh dấu một chặng học hành, chứ để vài năm nữa thi sẽ khó”. Mình nhẹ dạ nghe thấy thế thì lại tặc lưỡi ok. Tiếng Ý có 6 level, mình chỉ dám đăng ký thi level 4. Thực ra nếu có thời gian học hành tử tế chắc mình sẽ đăng ký thi level 5.

Tóm lại, còn chục ngày nữa thi rồi mà mình cứ nâng sách lên lại hạ sách xuống. Có khi từ trong tiềm thức mình bấu víu vào câu nói “nhắm mắt cũng đỗ” của cô giáo cũng nên.

Sắp chuyển nhà, một tỷ thứ việc phải lo rồi mà tự dưng còn cõng thêm cái kỳ thi vô bổ này, đúng là không cái dại nào giống cái dại nào.

Bà Nuôi cứ thấy mình than “chết rồi sắp thi mà chẳng có thời gian nào để học cả” thì lại bảo “Thôi cô đừng lo, nhân tài nằm trong lá ủ”.

Mình đang chưa hiểu là nhân tài nằm trong lá ủ hay bất tài nằm trong lá ủ đây.

Tuesday, June 5, 2012

Em

    

Mẹ đi chợ về, mẹ gọi “em bé xíu ra đây mẹ bảo”. Ngay lập tức có tiếng chân bành bạch và một little animal bé, lùn, đen, mắt híp, mồm móm, mặt toàn mỡ, chân vòng kiềng chạy ra ngay. “Hôm nay ở siêu thị  tự nhiên mẹ nhớ em, thế là mẹ mua cho em con Tweety này này. Giờ em bảo bà Nuôi dán nó lên cái lỗ thủng trên quần em đi”. Nói đoạn bảo bà Nuôi chọn cái quần đẹp nhất trong số những cái quần thủng để đáp cái miếng dán đó lên. Quần nào của em cũng thủng một lỗ ở đầu gối. Cả 3 đứa nhà này, mùa đông mặc quần dài thì quần thủng ở đầu gối, mùa hè mặc quần cộc thì đầu gối tím đen sứt sẹo không bao giờ khỏi.

Cuối tuần đi bêu nắng kinh quá nên Lê La Na sốt hết cả lượt. Đêm nằm em nóng quá em khóc rầm rĩ, hoạnh họe mẹ đủ đường. Mẹ bảo bố đi hâm sữa cho em mà lâu quá chả thấy bố quay về, mẹ bảo “papa về ngay bây giờ, em đợi tí”, em vặc lại mẹ luôn làm mẹ chết cười “lắm, papa”, ý là bố đi lâu (lắm thời gian) quá. Tiếng Việt thì lai Ý, mà tiếng Ý thì lai Việt, rồi mẹ cũng nói thế luôn thì hỏng. Bố lọc cọc mang sữa về thì em lại giở trò “không thíc” ngoảnh mặt ra chỗ khác mắt nhắm nghiền. Thế là chai sữa lại phải bỏ.

Hôm qua mẹ hỏi “em để con mèo đồ chơi đâu rồi?” thì bị em trả lời “không biếc”. Em đến nhà bác chơi thấy cái đèn chùm treo trên tường em chỉ “mamma, treo, treo”. Mẹ biết vốn từ vựng của em rất phong phú nhưng nhiều khi vẫn bất ngờ với em. Chưa kể giờ em ko nói vài từ lỗ mỗ đâu, em nói cả câu luôn. Mẹ lùi lại dẫm vào chân em, em khóc giọt ngắn giọt dài “mamma làm đau chưn em đấy”. Muốn xem phim Tweety thì em chạy ra kéo áo mẹ “mamma em muống mamma bậc tíc ti em”. Nóng muốn cởi áo thì “mamma cởi em”. Không thấy anh chị đâu thì đi tìm khắp nơi mồm gọi “Ale đâu ròi, Lila đâu ròi?”. Thấy chú Ali mang đồ đi chợ đến nhà cho mẹ rồi chú về thì hỏi “chú ti tâu tấy?”. Bố làm em ngã em mách mẹ “papa làm đao Anna” đến tận mấy ngày hôm sau.

Mẹ cho Lê La Na đi chụp ảnh làm visa và hộ chiếu, mẹ sợ em không chịu đứng cho người ta chụp nên mẹ dặn trước “bé nhìn anh Lê và chị La đứng vào cái phông kia không, tí nữa bé làm giống anh chị cho chú chụp ảnh nhé”. Em gật đầu “Có”. Đến lượt em một cái, em nhanh nhẹn chạy tót lại, đứng giang tay dán người vào tấm phông, bất động như màn xiếc phi dao găm quanh người. Người ta chụp ảnh xong từ lâu rồi mà em vẫn còn bất động nguyên tư thế thêm vài phút nữa. Chú chụp ảnh trầm trồ vì cứ tưởng phải dỗ dành lắm, hóa ra trong vòng chưa đến một phút mà đã chụp xong cho cả 3 đứa.

Đi ra ngoài đường, em chỉ trỏ chào hỏi khắp lượt “chú, bác, cô, chị, em bé, coong chó”. Thậm chí nhìn mẹ mặc áo phông có in hình bác Hồ em còn chỉ luôn “mamma, chú”. Mẹ bảo “chết con này, đây ko phải là chú, mà là bác, hiểu chưa”. Chả hiểu em có hiểu không?

Ngoài ra đoạn ăn vạ cũng không ai bằng. Có trẻ em nào 1 tuổi rưỡi mà vừa than “Em mệt” vừa nằm ẻo sang một bên, mắt nhắm hờ hờ theo dõi phản ứng của mẹ, không?. Hoặc đang chơi mà nghe thấy tiếng ầm ầm ở nhà kế bên là chạy lại mẹ “Na shợ vá”, vừa liến thoắng vừa làm điệu bộ run như cầy sấy.

Mẹ hỏi “Em có yêu mẹ không?”, “Có”, “Thế em có hôn mẹ không?”, “Hăm”, vừa nói vừa liếc liếc xem phản ứng của mẹ. Giờ em không nói Nầu nữa, em nói Hăm.

Cả nhà dừng chân ăn trưa tại một quán ăn ven đường. Em ăn xong phởn chí ra đứng giữa đường nhảy múa. Bố em nhìn con gái rồi chép miệng “Con này trông nhà quê thật. Chắc tại nó chơi với bà Nuôi nhiều quá”. Mẹ bảo “không, gen nhà quê chắc là gen của em. Hồi bé em cũng đen đủi xấu xí tóc nồi úp y như nó”. Mình vẫn nhớ mẹ mình thường tự ti thế nào về cô con gái. Mà công nhận em của mẹ nhà quê thật ý chứ, mặc dù em điệu rớt mùng tơi. Em điệu đến nỗi em còn lấy váy đẹp ra mặc trước khi đi ngủ. Khách đến xem nhà thấy em mặc váy da báo soành điệu nằm ngủ chảy cả nước dãi khách cứ trầm trồ.