Tuesday, April 24, 2012

When we are both cats...

Nhận được một cuộc gọi đường dài “em, cuộc sống của tôi đã đi vào ổn định, công việc ổn, nhà cửa ổn. Tôi cũng đã bắt đầu hẹn hò với một cô gái người S 31 tuổi. Cô ấy xinh xắn và tốt bụng. Nhưng tôi ko yêu cô ấy em ạ. Tôi cứ nghĩ đến em suốt...”. “Anh bắt đầu hẹn hò cô ấy từ bao giờ?”, “Một tháng nay em ạ. Em, nếu tôi đặt vé về Rome ngay bây giờ thì em có đồng ý gặp tôi ko?”. “you know, sometimes you fall in love at the very first sight, but then you fall out of it. Sometimes it takes you forever to fall in love, but then you stay in love forever. Give yourself time to grow attached”. “Thế cần bao lâu để bắt đầu cảm thấy yêu một người , hả em?”. “Cái này tùy trường hợp, làm sao tôi biết được”. “Không, em nói đi, cho tôi một thời gian cụ thể”. (Suy nghĩ một lúc) “Anh cố gắng duy trì với cô ấy 6 tháng…”.  

Đặt máy, thấy lòng chùng xuống 5 phút. Mình khuyên 6 tháng có liều ko nhỉ. 6 tháng sau vẫn chẳng ăn thua gì ông ấy lại quay lại bắt đền mình tội tư vấn đểu thì chết dở mình.

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là phải đóng gói đồ đạc để chuyển nhà. Nhiều việc phải làm quá mà chưa làm xong việc nào cả. Nhiều lúc cảm thấy mình tham vọng quá, sống gấp quá, cái chết vạ gì cũng muốn làm, sắp đột quỵ đến nơi rồi.

Mình lại còn đang mơ mộng một lãnh địa toàn hoa hồng, cổng thép cao, lối vào trồng hai hàng cây cypress vươn thẳng, gần biển xanh, cát trắng, không khí trong lành và đồ ăn ngon nữa chứ. Chồng rên lên với ý tưởng đó của vợ. Chồng bảo cái nhà ngoài biển cách có một tiếng rưỡi lái xe mà lần nào cũng phải năn nỉ mãi em mới chịu đến, cái nhà trên núi em chưa bao giờ thèm đặt chân tới mặc dù mình đã ở Ý 3 năm nay, giờ em lại còn muốn mua countryhome ở tít phía Nam, muốn đến phải lái xe 8 tiếng, thì chắc cả năm em ko tới nổi một lần quá.

Nhưng mà mình cứ thích một ngôi nhà như thế, để đến một lúc nào đó mình rút về đó ở ẩn, xa lánh cuộc sống bụi bặm chần tục này. Cứ thích thế đấy, một số người muốn làm thế nào thì làm.

Sunday, April 22, 2012

Lúa tốt vì phân

Bọn trẻ nhà này có khi lại thích ốm. Vì ốm thì được ngủ với mẹ. Anna còn bé nên lúc nào cũng có một suất. Lila rách trán nên cũng xin được một suất. Chú Bình Nguyên mấy hôm trước thì bắt đầu sốt cao, cổ sưng lên vì viêm amiđan. Thế là chú cũng được một suất luôn. Có người mất suất phải sang ngủ ở phòng khác, sướng quá tót đi luôn chả khách khí gì.

Chiều hôm thứ 6 đi học về thấy ông con quấy khóc, trán nóng hổi, đặt đâu ngồi đấy. Thực tế là ông ngồi bẹp trên ghế từ chiều đến tối, mồm trễ ra, thay vì chạy nhảy đá bóng làm nhà cửa tan hoang như mọi khi. Mình hồi hộp đợi đến tối xem tình hình ra sao. Ăn tối xong, mình trố mắt khi thấy ông nhảy lên xe đạp đạp nhoay nhoáy. Chưa hết một vòng nhà thì thấy chân ông đạp chậm dần chậm dần và cuối cùng ông bỏ xe nằm lăn ra tấm thảm trải ở phòng khách. Mẹ chán nản “ông tướng của mẹ ốm thật rồi”. Nhà này rất lạ, cứ ốm là cả 3 đứa cùng ốm một lúc. Con trai lớn viêm amiđan sốt cao, con gái lớn rách trán sưng hết mắt giờ sưng cả sang mũi và chuẩn bị sưng nốt sang mắt bên kia, con gái bé thì hen suyễn, buổi sáng vừa ành ạch trèo lên giường mẹ vừa thở rít như cái tẩu thuốc.

Đêm đó, ông con trai sốt có lúc lên gần 40 độ. 4h sáng mẹ đang lật mông ông lên để nhét thuốc thì giật nảy mình vì ông tự nhiên ngồi bật dậy tay chỉ ra ngoài cửa sổ mồm kêu “Oh my” rồi lại nằm vật xuống. Mẹ nhớn nhác ngó ra thì thấy một cái máy bay đang bay qua, đèn nhấp nháy, chứ có gì lạ lùng đâu. Mẹ than “ông tướng của mẹ lại còn mê sảng nữa rồi”. Nhét thuốc xong, mẹ phải đợi cho cơn sốt hạ dần xuống mới dám đi ngủ lại. Nhìn bọn trẻ con ngủ đúng là chết vì cười. Con Anna ngủ hay nhòi lên trên, kết quả là mông Anna ngang với mặt Lila. Đã thế Anna còn vừa ngủ vừa làm hàng tràng phành phạch rất to không dứt, thế mà con Lila vẫn úp mặt vào mông em ngủ rất vô tư không hề hấn gì. Đã hết đâu, một lúc sau lại nghe tiếng con Lila cười rinh rích trong lúc ngủ, không biết đang mơ thấy cái gì, trán vẫn băng bó và tóc tai vẫn bê bết.

Cuối tuần mang bọn trẻ con về Siena để ăn tối cùng gia đình bác cả. Cứ nhét thuốc hạ sốt cho ông con được độ nửa tiếng thuốc bắt đầu có tác dụng là ông chạy nhảy như hóa rồ. Độ hơn 3 tiếng sau thuốc hết tác dụng thì ông lại nằm ẻo ra ở đâu đó, trán sốt phừng phừng nhưng hai cái tai lại lạnh ngắt. Mẹ tháo giày cho con bớt nóng, con đang sốt mắt long lên sòng sọc vẫn còn gượng dậy thều thào “giày của Lê mamma để ở đâu”. Lila thì mặt mũi sưng húp nhưng phong cách vẫn điệu đà, nhảy múa rất nhẹ nhàng, bác cả yêu lắm, cứ trầm trồ con bé này có phong thái thanh lịch một cách tự nhiên.

Chẳng ai khen em bé của mẹ thanh lịch. Em bé của mẹ lụt cụt đi lại giữa 30 người, ăn nhem nhẻm, nói lau láu, cười khanh khách, lại còn biểu diễn một màn múa kỳ cục chân nhún nhảy người đung đưa cùi tay hất lên cao, thế mà chẳng ai khen em tiếng nào.

Từ từ đợi trời ấm lên, mẹ tân trang con gái mẹ ra trò. Mẹ hy vọng mẹ ko bó tay trước sự cục mịch của em. Gì chứ thời buổi này còn mấy ai đẹp tự nhiên đâu em. Lúa toàn tốt vì phân cả thôi em bé của mẹ ạ

Thursday, April 19, 2012

19/4/2012

Bên Facebook các cô đang khen Lila xinh gái. Mình lại còn khiêm tốn bảo cháu càng lớn sẽ càng kém xinh vì bị phá nét. Thực ra ko phải khiêm tốn mà mình thực sự nghĩ như thế. Lila quá giống họ nội. Mà họ nội từ già chí trẻ ai hồi bé cũng rất xinh và lớn lên thì lại khí xấu. Chồng mình hồi bé xinh lắm, xinh đến mức cô ca sĩ Mina, ca sĩ Ý rất nổi tiếng, có cái nhà bên bờ biển cạnh nhà chàng hồi nhà chàng vẫn còn biệt thự trên bờ biển Forte dei Marmi, thích chàng đến mức suốt ngày ôm ấp hôn hít. Thế mà lớn lên và đặc biệt già đi một cái là ra nông nỗi như các bạn thấy đấy.

Mấy hôm trước mình cũng đang định lên blog khoe dạo này hệ tiêu hóa của con gái có vẻ hoạt động tốt hơn, ít đau bụng hơn, ăn vào có lẽ hấp thụ được nhiều hơn vì thấy mặt mũi tròn ra, hồng hào lên. Đặc biệt đêm không có màn đi lang thang trong nhà khóc lóc “La không biết ngủ” và sáng hôm sau mặt cứ quắt lại như hai bàn tay chéo và da xanh rớt.

Xem lại mấy tấm ảnh vừa chụp thấy mặt mũi con gái hồng hào, mắt sáng, môi đỏ như cherries, mẹ vừa thở phào tưởng sau hơn 3 năm cuối cùng trận ốm hồi 1 tuổi cũng thực sự qua.

Ai ngờ hôm nay, đang ở ngoài thì bà Nuôi gọi điện líu cả lưỡi “cô về ngay con Lila bị thằng bạn thằng Ale hất văng vào cạnh bàn, trán nó rách một vệt máu chảy quá trời không cầm”. Mình đang ở xa, nghe thế hồn vía lên mây gọi cho chàng bảo chàng về nhà ngay.

Chàng về nhà thấy tình trạng con gái thế hốt hoảng mang con đến phòng cấp cứu. Vết rách dài gần 7 phân cắt chéo qua lông mày và sâu đến nỗi bác sĩ phải khâu phần thịt rách bên trong rồi mới khâu đến phần da rách bên ngoài. Phần da rách trên lông mày nhăn nhúm hết cả lại, bác sĩ bảo về sau lông mày sẽ không mọc lại và vết sẹo sẽ rất dài. Nhìn thấy con gái bị khâu chàng suýt xỉu bác sĩ và y tá phải cho nằm lên cái giường cạnh đó.

Mẹ nhìn thấy con mặt xanh rớt, máu bê bết mặt mũi quần áo tay chân, máu chảy ra cả từ mũi, một mắt cứ rướn lên mà sưng quá ko rướn lên được, mẹ không nói được câu nào. Vài lần thế này là mẹ tổn thọ đấy em bé của mẹ ạ.

PS: chàng kể “anh thấy con Lila như thế anh bực quá mới hỏi thằng bạn của Ale là cháu có anh chị em không? Nếu có cháu có đẩy em mình thế không?”. Mình nghe thế cũng bực “Em phản đối. Anh đừng hỏi một đứa trẻ câu đấy, có thể nó cũng mong có anh chị em để chơi cùng, anh hỏi như vậy có thể khiến nó buồn”. Hồi bé, người lớn nhiều khi hỏi mình những câu khiến mình phải cúi mặt sượng sùng. Lớn lên, vẫn nhớ cảm giác đó, nhớ cả sự nhỏ nhen của người lớn, và tự hứa với bản thân sẽ ko bất công hay nhỏ nhen với bất kỳ đứa trẻ nào. Tuy nhiên, ông tướng con có vẻ không buồn, vì khi bị hỏi “cháu có anh chị em không” thì ông trả lời “không nhưng cháu muốn có một con cá vàng”.

Wednesday, April 18, 2012

Anh không thể biết

    

Hôm đó chúng tôi đi khảo sát bối cảnh cho một cảnh phim. Xe dừng lại trong một thung lũng xanh tươi. Trên sườn những ngọn đồi vây quanh lỗ chỗ những vết đạn xe tăng bắn tập. Dưới chân mặt đất bị xích xe tăng cày nát. Trời lúc mưa lúc nắng.

Mọi người ra khỏi xe khảo sát thung lũng. Chúng tôi sẽ có một cảnh quay quan trọng ở đây.

Tôi ngồi lại trên xe. Cửa xe mở toang. Tôi lắng nghe hờ hững những bản nhạc Beatles phát ra từ radio. Kính xe ướt đẫm.

Tự dưng, radio im bặt một lúc, rồi “Oh darling, please believe me…”. Tôi bước vội ra ngoài. Trời đang đổ một cơn mưa rào. Tôi chạy về phía anh ta. Ánh mắt sững sờ trân trối của anh ta làm tôi dừng lại, bối rối. Có lẽ hình ảnh một cô gái mảnh mai, mái tóc dày nặng vén sang một bên vì sợ ướt, chạy tới trong màn mưa, khiến anh ta xôn xao? Anh ta có dáng vóc lực lưỡng rất đàn ông, chỉ phải cái khuôn mặt nhiều thịt và bộ râu quai nón rậm rì làm anh ta trông rất dữ tợn, cộng thêm cái tính nóng như lửa, làm tôi cứ nhìn thấy anh ta là liên tưởng tới Trương Phi. Nhưng khi anh ta đứng ngẩn ra nhìn tôi trong thung lũng mưa mịt mù hôm ấy, nhìn anh ta hiền khô. Thấy tôi đứng lại bối rối, anh ta như choàng tỉnh, vội vã quay đi chỗ khác. Lúc đó tôi vừa qua tuổi 21, nửa ngây thơ, nửa tinh quái.

Những ngày sau đó anh ta hay lân la đến gần tôi. Tôi nửa ngại người yêu của anh trong đoàn, một cô gái xinh đẹp, đầy đặn, trắng nõn nà, mắt đen láy, nửa chẳng hứng thú với những mối tình cả hai bên đều biết là chỉ để qua đường, nên cứ thấy anh ta đến gần là lảng.

Mỗi lần giở tủ quần áo nhìn thấy chiếc quần bò ống vẩy này tôi lại nhớ tới hình ảnh anh ta hôm ấy, râu ria, cao lớn, bệ vệ, đứng ngẩn ra rồi giật mình luống cuống như trẻ con. Tôi không mặc chiếc quần bò này nữa, kiểu bell bottom của nó đã lỗi mốt đến mức một người lê sau mốt đến như tôi cũng chả có đủ dũng khí để mặc. Tôi cũng phì cười nhận thấy chỉ có những người 6x 7x như tôi mới có chiếc quần kiểu này trong tủ. Bọn trẻ con bây giờ chúng mặc quần cạp trễ và ống quần côn. Tôi đã thuộc về thế hệ “ông bô bà bô” thật rồi đấy.

 

When you told me that you didn’t need me anymore, well you know I nearly broke down and cried…Anh không thể biết, rất lâu sau ngày tôi nhận ra anh không cần tôi nữa, bài hát này vẫn làm tôi dù có đang ngồi ở đâu cũng phải đứng bật dậy bỏ đi ngay.

Tuesday, April 17, 2012

Nhảm


Sáng chạy ra khỏi nhà, mồm lẩm nhẩm như người lên cơn chập cheng “thịt, tất, hoa, ATM, bánh mỳ, giặt là”.
Thịt: chạy qua hàng thịt. Mình cứ một tuần chỉ qua hàng thịt một lần để mua về một loạt trữ trong tủ đá ăn dần. Thịt bán ở hàng thịt tươi ngon hơn trong siêu thị và mình có thể yêu cầu người bán cắt miếng mình thích.
Tất: đã hẹn với ông bán tất hôm nay mình qua để lấy tất. Phải đặt trước mới có. Mua cho ông con trai một loạt tất để mang sang Dubai vì sang đó chắc ko thể tìm được loại tất mùa hè dài kéo lên được quá bắp chân. Chắc ngoài nước Ý ra thì chẳng tìm đâu ra được tất nam dài thế. Tất nam chỉ có 3 màu lịch sự nhất: đen, xanh blue thẫm và rượu chát. Ngoài ra bất kể là màu gì mình cũng không thích.
ATM: ở Mỹ đi đâu chìa thẻ ra thanh toán cũng được. Ở Ý thì không. Rất nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ ở Ý chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt. Thế nên đi đâu cũng phải thủ sẵn tiền mặt. Dân Ý bảo thủ với tiền mặt cũng một phần vì họ muốn trốn thuế. Nhưng với đạo luật mới Monti đưa ra trong đó có cấm tiền mặt với tất cả các giao dịch trên 1000e, giảm những mức thuế đang cao một cách vô lý và phạt rất nặng nếu phát hiện trốn thuế, hy vọng tình trạng trốn thuế sẽ giảm đi.
Bánh mỳ: chạy qua hiệu bánh mỳ mua bánh mỳ. Nhà này tiêu thụ rất nhiều bánh mỳ. Lê La Na chàng và nhất là bà Nuôi yêu bánh mỳ điên dại. Mình thì lại ghét bánh mỳ một cách cay đắng, nhất là bánh mỳ kiểu Ý nướng vỏ cứng đơ gặm vào muốn rơi cả răng ra ngoài. Mình thích bánh mỳ kiểu Pháp mềm mềm trắng trắng. Nghe nói bánh mỳ Đức đặc biệt ngon nhưng chưa thử bao giờ. Nói chung không hào hứng với ẩm thực Bắc Âu tí nào. Tuy nhiên nhìn thấy hàng người đợi dài quá mình đành bỏ cuộc.
Giặt là: cứ đổi mùa là nhà lại ngất nghểu một đống quần áo phải mang ra hiệu giặt là. Thứ 7 tuần trước nữa, sau vài tháng trì hoãn thì mình đã trấn áp được bệnh lười và bệnh quên để mang túi đồ to tướng ra hiệu giặt khô. Lạch bạch mang ra đến nơi thì cửa hiệu đóng cửa, lại lạch bạch vác túi đồ nặng trịch về. Chúa thế là cùng. Bọn Ý này cứ kêu như vạc là không có tiền, thế mà sáng thì 10h vẫn chưa mở hàng, trưa thì nghỉ trưa từ 12 rưỡi đến 4h chiều mới thấy mặt, chiều 7h đã thấy cửa nẻo đóng kín mít, đã thế thứ 7 chủ nhật cũng nghỉ nốt. Thế là mấy hôm sau mình lại phải ì ạch bê túi đồ ra lần nữa. Đúng 15 phút nữa là chúng nó đóng cửa. Số mình còn xuân chán. Giờ thì phải đi lấy về.
Hoa: cửa hàng hoa mùa xuân có nhiều loại hoa rất đẹp nên dạo này mình rất hay mua hoa. Ở nhà, mỗi khi xuân về thích nhất là hoa bướm. Nhìn cả vườn hoa bướm rập rờn mỏng mảnh thấy thật là náo nức. Bên này chẳng hiểu sao ko có tí hoa bướm nào. Hoa mùa xuân mà cành nào cành nấy cứ cứng đơ đơ thật chán. Hai tuần trước thành Rome vào mùa hoa tử đằng. Những chùm tử đằng treo tím ngắt trên thành cổ nhìn mãi không chán mắt. Khi nào rảnh rỗi phải đi lang thang ngắm hoa cỏ khắp nơi mới được. Chứ cứ tất bật thế này thì rất chóng già.
Thế là hết buổi sáng. Cứ suốt ngày chả hiểu thời gian đi đâu hết.

Friday, April 13, 2012

Tuyển tập Bình Nguyên (phần 79)


Ngồi tập viết với ông quý tử. Mẹ phải nén tiếng thở dài liên tục. Chữ gì mà xấu thế hả giời. Chữ nào chữ nấy gầy tong teo. Thế này gọi là đời cha ăn mặn đời con khát nước đây. Vì chữ mình chữ nào chữ nấy lại tròn trùng trục rất bành trướng. Đến mức ngày xưa có thằng bạn nhìn vào vở mình và nói ầm lên giữa lớp chả khách khí gì “eo ơi tớ ghét nhất cái loại chữ này. Chữ gì mà tròn ùng ục như một đàn lợn dẫn nhau đi ỉa”.
Lại trở về vấn đề chữ nghĩa của ông con, không chỉ gầy tong teo và ép èm ẹp vào nhau mà nó còn viết chữ to chữ nhỏ. Chữ cần to thì ông viết nhỏ, chữ phải nhỏ thì ông viết to. Ngoài ra chữ hàng dưới dính đầu vào chữ hàng trên, và chữ hàng trên thò cả đít vào chữ hàng dưới.
Chữ ông viết xấu và tẩy xóa nhằng nhịt đến nỗi mẹ ngồi cho con viết nháp xong bảo con chép lại vào vở, con có mỗi ngồi chép không thôi cũng không luận ra nổi chữ của bản thân phải chạy ra hỏi mẹ liên tục “mamma ơi cái này là Lê viết cái gì”. Lại làm mình nhớ ra hồi làm phim, có một anh làm ở bộ phận khác muốn làm quen với mình bèn mang ra một mảnh giấy trên có viết mấy chữ nhờ mình luận hộ. Mình chưa từng thấy chữ người lớn nào mà xấu như giun bò như thế. Mình giúp anh ta đọc xong hàng chữ giun bò rồi mới nhìn thẳng vào đôi mắt xám trong veo dưới hai hàng lông mày như vẽ “nhưng đây là chữ của anh mà. Anh không đọc được chữ của anh à?”. Anh ta lúng túng vì không ngờ mình lại biết chữ viết tay của anh ta. Sau này anh ta bảo anh chẳng biết phải làm quen em bằng cách nào nên phải viết mấy chữ lên mảnh giấy ra hỏi em.
Hết tập viết thì ông con phải chuyển sang làm toán. Cộng trừ trong phạm vi 20 ông đếm ngón tay rồi đếm cả ngón chân. Chổng mông động đậy ngón tay đồng thời nhìn hai bàn chân đếm mải mê nhưng lại ko buồn rút tất ra thì chả hiểu ông đếm kiểu gì.
Ông con kỳ cạch viết nháp có vài dòng khấp khểnh mà mất hơn tiếng đồng hồ. Vừa ngồi thè lưỡi co cẳng chép lại xong thì bị con Anna cầm bút chì vẽ nhằng nhịt lên. Thằng anh giãy đành đạch lên khóc “thế này thì Lê phải viết lại hết từ đầu rồi”. Con em vứt bút đứng vừa nhìn anh vừa mút tay, mắt xếch ơi là xếch. Mẹ chạy tới vật em ra bế bổng lên định cảnh cáo thì em nhắm nghiền mắt, nằm bất động thõng tay thõng chân ngoẹo cổ. Gọi Anna Anna mấy lần em vẫn ko mở mắt và ko động đậy. Mẹ ko cảnh cáo được em đành quay sang thằng anh vẫn đang tru tréo, bảo “thôi để tí nữa mẹ sẽ tẩy đi cho con trai, sẽ ko ảnh hưởng gì đến phần con viết, mẹ hứa”. Thế thì mới xong chuyện. Vừa đặt em vẫn đang nằm mềm nhũn xuống một cái là em bật dậy ngay chìa tay õng ẹo “mamma bế bé tí”.
Xong con thì đến cuộc hẹn với công ty vận chuyển nhà. Họ cử người đến đánh giá khối lượng đồ cần chuyển. Ông già cao lớn đáng kính vừa xem xét đồ đạc trong nhà vừa đo đạc vừa chỉ trỏ hỏi han vừa ghi chép rất bận rộn, trong tình cảnh bị Ale luồn lách đá bóng dưới chân và Anna bám theo sát gót nhìn lom lom cười cười làm quen, ông ấy nói gì cũng bị Anna nhanh nhảu trả lời sì sì hoặc ô kê hoặc gát chê (cám ơn). Từ đầu đến cuối thấy con Lila chỉ đứng im nhìn ko động tĩnh gì mình đã mừng. Ai ngờ khách chưa ra đến cửa con ranh đã tụt hết cả quần trong quần ngoài nhảy chân sáo ra, hai cái đùi khẳng khiu và cái mông thì trắng lốp.
Thế mà chả hiểu sao ông ấy lúc ra về vẫn còn “chúc mừng anh chị, anh chị có một bella famiglia (beautiful family)”.

Thursday, April 12, 2012

Tưởng lâu hóa nhanh


Đời sao mà khổ thế không biết. Mọi thứ trong nhà cứ lộn tùng phèo hết cả lên.
Cả bó bút chì màu lẫn trong ngăn kéo quần áo. Tất ở trong nồi. Nồi ở trong phòng ngủ. Ô tô nhựa trong găng tay. Cặp tóc trong ngăn đựng đồ lót. Trên giường lật chăn lên thì thấy một chiếc muôi gỗ chuyên dùng nấu nướng trong bếp.
Hôm nọ thấy con Anna mặt cười gian gian hai tay thu thu đi tót vào nhà tắm. Nhoắt một cái đã thấy nó nhét một cái bánh ngọt lấy trộm được ở trong kho vào lỗ thoát nước của bidet, và định mở nắp bồn cầu quẳng nốt cái nữa xuống. Thế này nếu mình đã ko theo vào ngay xem, sẽ có ai đó tru tréo khi nhìn thấy bánh ngọt nổi lềnh phềnh trong bồn cầu.
Giày mình vừa xỏ vào chân, chỉ ngồi nói chuyện điện thoại có vài phút mà đã bị con Anna tháo tung cả hai cái nơ. Đang vội để đi ra ngoài lại phải cúi xuống cuống cuồng buộc lại nơ chứ ai lại chạy ra ngoài với hai đoạn dây da phất phơ trước đầu mũi giày thế. Chưa kể đi ngang cái ô tô tranh thủ liếc vào kính thì thấy tóc tai mình rối như tổ quạ. Mới nhớ ra lúc mình đang ngồi nói chuyện điện thoại thấy con Lila cứ táy máy cái gì ở trên đầu. Cũng may mình mới chỉ ra khỏi nhà vài bước là có cơ hội soi gương luôn. Sở thích soi gương kể ra nhiều khi cũng có lợi chứ không phải hoàn toàn phù phiếm.
Đứng nấu ăn. Chỉ ngoảnh đi ngoảnh lại có hơn một phút thôi con đã xếp đường tàu hỏa vòng vèo quanh chân và bản thân nó thì ngồi ngay dưới chân mình để đua tàu hỏa. Mình đành đứng chôn chân tại chỗ nấu, muốn lấy cái gì ở xa thì phải khều. Một lần khác, mình chỉ ngồi máy tính kiểm tra mấy thông tin có vài phút gì đó, lúc vội vã đứng lên định bước đi thì ngã bổ chửng ra nhà. Hóa ra con Anna đã kịp quấn dây điện mấy vòng quanh cả hai chân mẹ. Ngoài ra những lần mẹ ngồi máy tính con mắm môi mắm lợi rút giày mẹ đang đi ở chân ra bằng được, rồi đưa mẹ bắt mẹ cầm bằng được, không được đặt xuống đất, thì không đếm xuể.
Con thế này mà tại sao chân mình chưa gãy, nhỉ? Hôm qua đang đứng trong bếp thì bị thằng con quỷ sứ đạp xe hùng hục phi tới đâm uỳnh một cái vào mắt cá chân. Khập khiễng cho 5 phút, mắt cá chân thâm tím và sưng vù, thế mà vẫn ko gãy chỗ nào mới tài.
Con chị vừa ngồi bô xong đứng dậy thì con em cho cả cái bàn chân béo mập vào bô khoắng. May là chân chỉ có tất chứ ko có giầy, và con chị chỉ đi nhẹ chứ ko đi nặng nên tụt tất vứt vào thùng đồ giặt rồi thay tất mới là xong. Chứ cứ tưởng tượng chân nó đi giày dẫm vào cái bô con chị vừa ị, thì đời mình sẽ phức tạp lên không biết bao nhiêu và đêm đó mình sẽ đi ngủ lúc mấy giờ.
Sáng hôm nọ mình đang ngủ say sưa thì thấy cái gì ném bộp một cái vào mặt. Quáng quàng ngồi bật dậy thì hóa ra là con gái út vừa ném chai nước vào mặt mẹ. Rất cú là tại sao mặt bố nó cũng ngủ khò khò ngay đấy thì nó ko ném? Người số xuân nên cái gì cũng xuân.
Giờ ngay cả việc blogging cũng trở nên khó khăn hơn với mình vì bàn phím đã bị con Anna cậy tung. 9 phím chỉ lắp lại được có 7 mà cũng khập khiễng chứ chả ra hồn phím. Mỗi lần sign in, concunbeo cứ thành onunbeo vì phím C bị hỏng.
Khó xử nhất là một lần, đang giờ tập hát, mình đang hát ông ổng tự nhiên im bặt. Director hỏi sao tôi ko nghe giọng cô nữa mà mình cứ lí nhí ko dám nói thật. Chả nhẽ lại bảo con gái tôi ăn mất một mẩu bản nhạc, đúng chỗ này, nên tôi ko biết hát thế nào. Giờ giải lao mọi người đi uống cà phê còn mình ngồi lại cong đít chép lại đoạn nhạc bị Anna xơi mất.
Haiz, giờ mình càng ngày càng thấm thía cái câu “Anything takes longer than expected but sex”/Cái gì cũng tưởng nhanh mà hóa ra lại là lâu, mỗi sex là ngược lại.

Tuesday, April 10, 2012

10/4/2012

Lê La đang nghỉ lễ Phục sinh. Cả nhà lại kéo nhau ra biển mấy ngày cho đổi không khí. Thời tiết rất đẹp, trời trong, nắng huy hoàng. Từ sân nhà có thể nhìn thấy đảo Giglio và Costa Concordia nằm phơi sườn. Cũng may dầu đã hút ra khỏi tàu thành công, chứ ko lại loang ra ô nhiễm hết cả vùng biển này thì nhà mình chết dở. Từ sân nhà cũng có thể nhìn thấy đảo Montecristo. Nhớ ngày bé hay đọc đi đọc lại Bá tước Monte Cristo. Không ngờ có ngày hòn đảo huyền bí đó lại ở ngay trước mặt. Từ nhà ra đảo Giglio bằng du thuyền chạy nhanh cũng phải hết hơn nửa tiếng. Ra Monte Cristo thì khó hơn vì đây là khu bảo tồn thiên nhiên, mỗi năm chỉ được phép đón khoảng 1000 du khách, các du thuyền không được phép tới gần nếu không có giấy phép.
Vùng biển gần nhà có rất nhiều bãi biển đẹp, chỉ cần chạy thuyền một tý là tới. Thả neo ở một vịnh biển hoang sơ, nước trong như pha lê, dùng thuyền phao bơi vào, thế là tha hồ đi bộ trên bãi cát trắng phau trải dài tít tắp không một bóng người.
Hôm nọ, mình đang ngồi xem TV thì thấy một con cáo chạy qua chạy lại vẻ rất bận rộn ngoài sân, đuôi dài lõng thõng quét đất. Trong rừng hay thấy có lợn rừng chứ chưa thấy cáo bao giờ. Lũ lợn rừng hay lật đổ compostor trong vườn để kiếm đồ ăn.
Cáo ta có vẻ đói. Bọc rác vừa buộc lại gọn ghẽ để ngoài sân để mai đi vứt, nhoắt một cái đã thấy bị móc thủng te tua. Mình nghĩ mãi chẳng hiểu cáo thì ăn gì? Nghĩ một lúc mới ra là cáo hay bắt gà, như vậy là nó ăn thịt, bèn chạy vào nhà lấy một ít thịt luộc và một miếng bánh mỳ để lên cái đĩa rồi mang ra ngoài sân. Cáo thấy mình thì lủi mất. Nhưng chỉ đợi mình đi khuất vào nhà là chạy ra đĩa đồ ăn ngay, bất kể cánh cửa vẫn mở hé và mình thì đang nấp ở trong nhìn ra. Trông cáo ta bộ dạng gầy còm xơ xác chứ ko đẫy đà mượt mà như trong các câu chuyện kể. Khu rừng này có lẽ ko nhiều thức ăn cho cáo.
Từ hôm đó tối nào trước khi đi ngủ mình cũng để một đĩa đồ ăn ngoài sân. Cáo ta chén tuốt từ bánh mỳ, thịt lợn, thịt bò, thịt viên sốt cà chua, đến mì sợi, chỉ chừa lại rau. Chàng càu nhàu, chàng sợ cho ăn nhiều thành quen, con cáo sẽ lẩn quẩn quanh nhà, Anna béo mẫm hay chơi vơ vẩn một mình, thấy cáo lại tưởng chó, lại xông ra bóp mũi xoa đầu véo tai như thường lệ, thì có khi lại bị cáo cắn cho. Còn bà Nuôi thì than vãn tiếc rẻ “người còn chẳng có mà ăn lại mang cho cáo ăn”. Bà Nuôi làm mình nhớ tới một chị giúp việc ngày xưa cũng lẩm bẩm tiếc rẻ như thế khi thấy mình lấy quả bơ ra dưỡng tóc “để ăn thì không nó lại lấy bôi lên đầu”.
Hết kỳ nghỉ Phục sinh, các gia đình về hết thành phố, cáo ta lại đói dài.

P.S Tranh thủ kỳ nghỉ đọc mấy quyển sách về Dubai để bổ sung kiến thức. Cả mấy trăm trang sách chỉ nhớ mỗi một câu “large soft women are beautiful in the Emiratis’eyes”. Thế tức là càng béo (do đó càng mềm) thì càng được coi là đẹp trong mắt người bản xứ. Thế tức là một số người sẽ bị coi là xấu đây

Tuesday, April 3, 2012

Con nghiện Porsche


Lom khom chui được vào xe chồng, vợ hốt hoảng “ô xe anh mất cái gì à anh, sao lại trống hoác ra thế này?”. Chồng nhăn nhó “không mất cái gì cả, xe sản xuất từ xưa ở dưới nó chỉ đơn giản thế thôi”. Mình chưa nhìn thấy cái xe nào lại trống hơ trống hoác như thế. Giá mà sàn xe làm bằng gỗ chắc mình cũng không ngạc nhiên. Ngó nghiêng một hồi vợ hốt hoảng lần nữa “ô, dây điện gì thò ra lòng thòng ở đây thế? em đụng vào có bị giật không đấy?”. Chồng cáu “làm sao mà giật được, đúng là đồ đàn bà”. Thấy tay vợ định táy máy “ô, cái nút gì đây thế hả anh?”, chồng hốt hoảng “không được đụng vào, làm hỏng của anh bây giờ”. Vợ rụt ngay tay lại ngồi im. Xe cộ kiểu gì đụng đâu cũng sợ hỏng.
Một lúc sau, “ô, xe anh bị thủng hả anh, sao gió thổi vào chân em mát thế?”. Chồng lại nhăn nhó “không thủng, tại chỗ đấy ngày xưa là cái máy nghe nhạc, giờ anh tháo ra rồi”. Thế thì rõ ràng là thủng chứ còn gì nữa, nhể.
Một lúc sau “ôi em nhớ ra cái xe này rồi. Chính là cái xe mà anh cứ tăng tốc lên một cái là nắp cái hộp để găng nó mở luôn lên đùi em đúng ko? Cũng chính là cái xe mà giữa nắng hè tháng 7 máy sưởi không tắt được cứ chạy vù vù, em nóng đến mức cứ 15 phút lại yêu cầu anh dừng xe em ra ngoài đứng một tý cho mát rồi mới đi tiếp được, đúng không?”. Chàng giả đò không nghe thấy cái giọng châm chọc của vợ.
Xe ơi là xe. Cái xe này có khi phải gần 50 tuổi mất. Vì cũ quá nên nó chạy long xòng xọc cứ như tất cả các bộ phận chuẩn bị long ra hết, người ngồi trong cũng long lên xòng xọc theo. Gương hậu chỉ có ở bên trái. Mình ngồi bên phải muốn nhìn xem đằng sau có cái xe nào không thì phải ngoái hẳn cổ lại nhìn ra đằng sau. Tất cả các chi tiết đều quăn queo méo mó mà ngài cứ khen đẹp thì không hiểu là đẹp ở chỗ nào. Cửa kính đóng không kín nên ngồi trong xe ầm đến mức gọi điện thoại thì người đầu dây bên kia không nghe thấy gì. Ghế của La đằng sau thì cái phần lưng ghế cứ đổ xuống đầu La. Khổ thân con bé lúc ngồi còn đỡ, lúc vừa ngủ nằm lăn ra một cái thì lưng ghế cũng ụp luôn xuống người. Vợ làu bàu “ở VN có câu khổ quen rồi sướng không chịu được, rất thích hợp cho những người như anh”. Chồng cãi luôn “sao lại khổ, người yêu xe nghe cái tiếng ầm ầm này người ta sẽ thấy nó du dương như tiếng nhạc”
Chật, ầm, xóc, thế đã hết đâu. Cái xe tốn xăng cực kỳ. Xăng ở đây đắt lắm. Xe mình giờ này năm ngoái đổ đầy bình xăng có 50 đồng, bây giờ đã lên 80 đồng. Mà xe mình thuộc diện ko tốn xăng, chứ cái xe này thì tốn xăng khủng khiếp. Chồng sợ bị vợ quạt nên liến thoắng “đây không phải là cái xe thông thường, đây là đồ chơi. Đã là đồ chơi thì ko nên tính đến chuyện tốn kém”
Suốt dọc đường gần 200 cây số, cứ thấy ai có xe cũ như mình là ngài cũng phải bấm còi pim pim lên ra ý nhận đồng bọn. Chết mất. Không biết mình còn khổ vì Porsche đến bao giờ? Dạo này mình già, khả năng chịu đựng không còn cao như trước, mình mà hâm lên là ối người mệt với mình phết đấy.
PS: ở câu lạc bộ của Bộ ngoại giao luôn thấy một chiếc Porsche màu xanh lá mạ rất đẹp. Ngài tăm tia ngắm nghía rình mò lảm nhảm về cái xe ấy từ lâu rồi. Lên cả mạng để tra cứu xem ai là chủ xe, biết cả ông ta hồi trước làm kiến trúc sư, giờ đã về hưu. Y như mình dự đoán, sau một thời gian tăm tia ngắm nghía rình mò lảm nhảm thì một hôm ngài bảo mình “em hay đến câu lạc bộ hôm nào em gặp chủ cái xe đó thì em bảo ông ấy bán cái xe đó cho anh”. Vợ nghe xong giọng ngọt như mía lùi “anh yêu, anh muốn mua cái xe đó thì anh phải bước qua xác em”. Chồng tịt ngóm, từ hôm đấy đến hôm nay không thấy hó hé gì, nghi lắm. Mình phải rất cảnh giác kẻo lơ là một cái ông lại tiền trảm hậu tấu thì hỏng.

Ảnh: Vợ ngồi tạo dáng mãi trên mỏm đá mà chồng thì cứ mải mê âu yếm chụp xe. Đúng lúc vợ chán định phủi đít quần co cẳng đứng lên thì lại được ké một kiểu, vẫn còn may chán.