Thursday, October 8, 2009

Lesser of the two evils?

Chàng kể ở câu lạc bộ của bộ ngoại giao, quầy Bar, có một cô gái trẻ tóc đen, cực kỳ xinh đẹp, mỗi tội lúc cô ấy mở mồm ra thì thô lỗ ko thể chịu nổi.
Ở New York hôm nào ra đường ăn mặc giản dị thì y như rằng hôm đó con số các anh làm quen xin số điện thoại đông đảo hẳn lên. Còn hôm nào mặc thật soành điệu thì con số giảm chỉ còn một nửa, và nửa này thường ko ngần ngại đưa danh thiếp. Nhìn qua danh thiếp toàn thấy mèng ra cũng phải luật sư, bác sĩ, quản lý, hơn nữa thì chairman, president, CEO các loại. Lý do là vì đàn ông New York rất thực tế, họ ko phí thời gian vào những việc vô bổ. Ví dụ, nếu họ có công việc với mức thu nhập thấp thì chả bao giờ họ phí thời gian cưa cẩm một em mà nhìn thì cũng đoán được để mời em đó đi ăn tối một buổi thì phải tiêu cả tuần lương. Chưa kể, nếu xin được số điện thoại nhưng thái độ em chả mặn mà thì họ cũng thôi luôn khỏi gọi. Một lần, mình ăn mặc lãng nhách dáng điệu vô cùng lững thững dép xỏ ngón loẹt quẹt trên đại lộ 5 lúc 11h sáng, thấy một ông cứ nhìn nhìn, lẽo đẽo theo mình mấy block mới tiến lại gần làm quen nói chuyện. Thấy ông ấy trông già già đáng kính nên mình cũng ừ hữ đáp lời. Ông ấy hỏi ra vẻ rất khiêu khích chơi chữ “so you are working hard or hardly working?”. Mình bảo “this time of the day, dressing like this, you can get the answer for yourself”.  Cứ quẳng qua quẳng lại vài câu như thế, cuối cùng thấy ông ấy rút danh thiếp ra giới thiệu tôi là chủ tịch tập đoàn khách sạn boutique quốc tế, mình bảo “oh, interesting” rồi định cầm danh thiếp đi thẳng. Ông ấy ới lại “cô cho tôi số điện thoại của cô được ko”. Trót cầm danh thiếp của người ta rồi nên đành đưa số của mình. Ông ấy hỏi “tôi có thể mời cô đi ăn trưa hoặc ăn tối được ko”, mình mặt lạnh như tiền “maybe”. Chả thấy ông ấy gọi. Đàn ông NY, nhất những thằng thuộc giới thu nhập thượng lưu, thò chân ra thì cả tá các em trẻ đẹp, nên hờ hững thì chúng nó tuyệt đối ko thèm. Tương tự, đi ăn đi uống một buổi mà ngay sau đó ko có happy ending, tức là lên giường, thì thôi cũng chả thèm. Gọi điện thoại để lại voice message ko thấy gái gọi lại, chả thèm. Ngỏ ý muốn gặp lại, gái nhún vai thay vì mắt sáng bừng “oh yes I look forward to that”, chả thèm nốt.
Hiện tượng “chả thèm” này đặc biệt phổ biến trong Manhattan nơi nhịp độ cuộc sống gấp gáp, cạnh tranh và áp lực công việc cao, phụ nữ thì lại nhiều, lại sexy, lại dạn dĩ. Nói chung đàn ông ko cần cố gắng. Vả lại, cứ lẽo đẽo theo nài nỉ có khi còn bị gái kiện cái tội quấy rối. Gì chứ cứ vác đơn đi kiện vu vơ ở Mỹ có khi lại ra được khối tiền.
Đàn ông Ý thì khác, luôn cưa gái với một tinh thần quyết sống mái một phen. Điều đó có nghĩa là dù gái có ăn mặc xuyềnh xoàng như giúp việc hay soành điệu nhìn là biết đụng vào là tốn kém thì đàn ông Ý vẫn chả mảy may run sợ. Từ chối, xua đuổi, giả điếc, nhăn mặt khó chịu, tất cả đều ko làm đàn ông Ý chùn bước.  Chiều hôm kia, đang đi bộ từ bến xe bus về nhà, 7h trời đã tối, có thằng cứ lẽo đẽo rê chân xe máy theo hỏi “cô là ca sĩ à, cô tên là gì, cô ở đâu, cô lên đây tôi chở về nhà, nhìn này tôi có hai cái mũ bảo hiểm”. Phố thì vắng, chả đèn đóm gì, lại lắm cây nên càng tối hun hút. Đấy, những lúc này thì chỉ mong chả có cái cây nào.
Về nhà bảo chồng, thế là chồng mới kể chuyện cái cô tóc đen xinh đẹp cực kỳ nhưng cứ mở mồm là thô lỗ ở trên, tranh thủ tự sướng một câu “đấy em cứ gặp những người như thế mới thấy anh đặc biệt đến mức nào”.
Kết luận số 1 : rồi chả mấy chốc các cậu sẽ thấy tớ thô như cái bô.  Chắc cũng phải thế, ko thô ko cân nổi mấy anh Ýgan dạ có thừa và mồm như tép nhảy này.
Kết luận số 2: vợ bảo “vâng, em công nhận là anh thì ko chủ động cưa gái, nhưng gái nào mà chủ động cưa anh, bất kể gái đẹp gái xấu gái đắt gái rẻ, thì anh đều đổ sóng xoài, thế thì cũng có khác gì nhau”. Chồng dỗi luôn.

Tuesday, October 6, 2009

Tuyển tập Bình Nguyên (68)



 

Hôm nọ tự nhiên chú Bình Nguyên đi học về ôm cổ mẹ thủ thỉ “mamma, lớn lên Lê sẽ có nhiều bạng gái”. Mẹ hỏi “ai dạy mày thế hả cái thằng Ý con này”, chú cười tủm tỉm nhưng nhất định ko chịu nói ai đã tiêm tư tưởng đó vào đầu chú. Thường là người lớn nói cái gì chú đang chơi gần đó sẽ nghe lỏm, ngẫm nghĩ trong đầu chú cho nhập tâm, rồi một lúc nào đó sẽ nói ra như con vẹt.
Dạo này những băn khoăn về chim bướm tí to tí nhỏ đã được chuyển thành con trai và con gái đàng hoàng. Cái gì mà em gái ko biết làm hoặc ko biết nói là chú giải thích rất kẻ cả “La nó là con gái nên nó ko biết”. Chiều qua thì chú vừa hỏi mẹ “mamma ơi, tại sao con gái lại nhỏ hơn con trai hả mamma?”. Chắc chú thấy mẹ chú và bà Nuôi thì nhỏ hơn bố chú, còn Lila thì nhỏ hơn chú. Mẹ chú đang mải nấu nướng ậm ừ “ờ thì con gái nhỏ hơn con trai chứ sao”, chú lại hỏi tiếp “nhưng mà tại shao lại thế hả mamma?”, mẹ chú chẹp chẹp “ờ thì trời sinh ra thế”, “tại shao trời lại shinh ra thế hả mamma?”, “Ai biết đâu được Lê cứ hỏi linh tinh, thế mamma hỏi Lê nhá, tại sao Lê có chim mà La lại ko có, chả trời sinh ra thế thì là cái giề”. Thế thì chú mới thôi.
Còn hôm nọ thì tự nhiên chú hỏi bố chú “papa, tại sao Lê lại sinh ra trước?”, bố chú tắc tị mới cầu cứu mẹ chú “em ơi, Ale đang hỏi tại sao nó lại sinh ra trước”. Mẹ chú cũng tịt, chẳng biết trả lời ra làm sao.
Tối nọ chú Bình Nguyên bảo mẹ “mamma shinh cho Lê hai đứa trẻ con nữa, một đứa con gái giống La, một đứa con trai giống Lê”. Mẹ chú bảo “quên Lê khẩn trương, thế để mamma thành con lợn sề à”, thế là lại được nghe một loạt câu hỏi “con lợn shề là con gì hả mamma?”, “tại shao mamma lại thành con lợn shề?” rồi một lúc sau chú nhảy vào ôm mẹ hôn chíu chít “mamma, Lê hôn mamma cho mamma biến thành con lợn luôn”
Ngoài ra thì chuyện ị đái của chú Bình Nguyên cũng thật là lắm giai thoại. Cứ vào ngồi trên toilet một cái là chú xua mọi người ra, chú bảo “bà Nuôi đi ra rồi đóng cửa lại cho Lê, thế thì cái kia nó mới ra được chứ”.
Một lần, chỉ vừa ngồi trên toilet đúng vài giây chú đã gọi ơi ới “Bà Nuôi ơi Lê xong rồi”. Bà Nuôi ngạc nhiên:
-          Ủa sao mà Lê đi mau quá dzậy?
-          (chú giải thích) Lê rặn một cái nó ra cái bùm
Không hiểu chú học ở đâu từ bùm. Bà Nuôi vừa cười ngất ngưởng vừa  báo cáo “nó ị một đống ngang người lớn chứ ko phải chơi đâu”. Mình vừa đưa miếng bánh mỳ lên miệng lại bỏ xuống. Ko hiểu làm sao cứ lúc nào mình ăn là chú Bình Nguyên ị, và trăm lần cả trăm chú ị thế nào là bà Nuôi báo cáo tường tận thế ấy mặc dù nhiều lần mình đã xua tay rối rít “thôi thôi ko cần đâu u ạ”, “dà dà, (rồi lại tiếp tục) nó ị đầy một bô đây này cô vào mà xem, (rồi bắt đầu ngân nga) Lê ơi thúi quá Lê ơi”
Một lần khác, mẹ vắng nhà cả ngày gọi điện về xem tình hình Lê La ra sao. Lúc về được bà Nuôi kể nghe điện thoại kêu chú chạy từ nhà vệ sinh ra “Bà Nuôi ơi Lê đang rặn mà nghe điện thoại một cái Lê nín luôn. Có phải mamma gọi điện về ko bà Nuôi?”. Còn lúc tiếp điện thoại của mẹ chú, giọng chú lảnh lót “Mamma ơi mamma về nhanh chơi với Lê nhá. Mamma bảo papa về chơi với Lê nữa nhá. Mamma nhớ mua quà cho Lê nhá”. Nhá, đấy, nhé, nhỉ chú dùng điệu vô cùng.
Một lần cả nhà đi về Siena xem đua ngựa. Cả nhà túi lớn túi nhỏ ra đến ngoài cửa mới thấy lạc đâu mất chú Bình Nguyên. Mẹ chú lại phải quay lại tìm, tìm khắp nhà ko thấy chú đâu, cái nhà ở Talamone thì lại lắm phòng. Lúc mở cửa nhà vệ sinh thì hóa ra con trai vẫn đang ngồi đung đưa chân trên toilet hai tay hai máy bay điệu bộ rất bình thản. Mẹ chú bảo “Lê ơi may quá tí nữa thì quên Lê ở nhà, cho Lê thành Home alone luôn”, chú trả lời tắp lự “Lê ko sợ Lê đuổi theo xe ô tô rồi Lê chạy bắn vào trong xe luôn”.
Mẹ chú Bình Nguyên cứ bôi bác chú thế thôi, chứ chú 3 tuổi rưỡi cầm 3 hộ chiếu, mang 3 quốc tịch, nói 3 thứ tiếng trôi chảy, thực ra chú là một chú bé rất cool

Monday, October 5, 2009

Thấy dzậy mà hổng phải dzậy

Hôm nọ vừa khen bầu trời thành Rome lúc nào cũng trong xanh, thế là nó mưa cho liền mấy tuần, mãi mấy hôm nay mới trong xanh trở lại.
Hôm nọ vừa khoe buổi trưa có tiếng piano thánh thót vọng ra từ cửa sổ ngôi nhà bên cạnh. Mấy hôm trước có việc phải đi từ sáng đến gần 3h trưa mới về đến nhà. Đói mềm, vừa ngồi xuống định ăn thì nghe từ cửa sổ ngôi nhà bên cạnh vẫn tiếng piano như thường lệ, nhưng khuyến mại thêm cả một giọng opera nữ cao. Khiếp, hát với chả hò, cứ rú lên như bị ai bóp cổ. Suốt 15 phút mình ăn vội thấy cô ta cứ hú hú, tiếng piano đệm lúc khoan lúc nhặt có vẻ tung hứng rất ăn ý, lúc xong lại còn có tiếng vỗ tay lốp đốp. Giờ mình mới hiểu tại sao ông chủ nhà bên New York cao to tráng kiện ăn mặc lịch lãm trông rõ ràng một gentleman mà khinh bỉ opera, nhất là giọng nữ cao. Ông ấy bảo tôi mà nghe ca sĩ opera hét trên sân khấu là tôi ko chịu nổi. Tối về bảo chồng trưa nay ác mộng anh ạ, hát như mèo bị sập cửa vào lưng. Các bạn khi nào vô tình đóng cửa cái rầm đúng lúc con mèo đang đi qua, nó kêu óe lên thế nào thì nghệ sĩ hàng xóm của tớ cũng phát ra âm thanh đúng như thế ấy.
Hôm nọ vừa khoe thích màu đỏ poppy rực rỡ. Hôm sau diện áo đỏ ra đường. Đi ngang qua một cái chợ, nảy ra ý định rẽ vào xem sao. Căn bản từ hồi chồng con đến giờ đâm ra lại rất thích chợ búa, nhất là chợ cóc. Vừa quay người bước cái chân đầu tiên lên bậc thềm thứ nhất tự nhiên thấy cái gì âm ấm trên đùi. Cúi xuống nhìn, ko tin vào mắt mình, lại ngẩng lên nhìn. Con bồ câu đi tướt, tướt một phát từ ngực chảy dọc áo đỏ chuồn chuồn ớt, chảy xuống đùi, và nhanh như cắt chảy xuống tận chân. Cứ nhớ ngày xưa đọc ở đâu đó thấy bảo những con bồ câu tô điểm cho sự thơ mộng của những quảng trường ở châu Âu. Ai mà viết cái câu đó chứng tỏ ko thực tế, tức là chưa bị bồ câu ỉa vào người bao giờ. Bồ câu hôi rình, đậu đâu ỉa đấy, thậm chí vừa bay vừa ỉa, nói chung ỉa xoèn xoẹt suốt ngày. Phân bồ câu có a xít, ỉa vào tượng là mòn tượng, ỉa vào áo là áo phai màu, ỉa vào bạt là thủng bạt. Một lần đang đi bộ trên vỉa hè New York, mình nhìn thấy một ông kềnh càng, cao cỡ gần 2m, đeo kính cận dày cộp, trên mũi chễm chệ một bãi phân chim, thế mà chả biết gì. Tuy nhiên dù ghét bồ câu mình cũng ko dám đổ cho bồ câu lần này, vì nhìn thì biết là ko phải phân bồ câu, có lẽ là chim sẻ hay sao đó. Mình cứ đứng sững giữa vỉa hè trợn mắt nhìn ông kia hiên ngang đi qua, định bảo ông ơi tôi thấy cái gì trên mũi ông kìa nhưng lại sợ làm ông ấy quê độ quá. Một lần khác, chàng đậu con xe cưng bên đường, kính xe ko đóng kín. Con bồ câu bay ngang làm ngay cho một bãi lên cửa kính, một nửa số phân chảy ra ngoài lướt thướt,  nửa còn lại chảy vào trong, chảy lên phần da bọc, chàng nhảy tưng tưng “anh ghét bồ câu anh ghét bồ câu”. Vợ ôm bụng cười lăn cười bò trên phố, bảo may cho anh là nó chưa ỉa vào phần mái convertible bằng bạt, nếu ko thì còn chết nữa.
Lại quay lại chuyện con bồ câu đi tướt kia, giở túi ra tìm xem có cái gì dùng lau được ko, thấy mỗi cái bản đồ thành Rome, ví tiền, điện thoại và chìa khóa, đực mặt chả biết làm thế nào. May có hai anh gallant chạy tới, một anh mang chai nước rửa áo rửa chân hộ, một anh đưa cho gói khăn giấy. Tranh thủ khóc lóc một tý cho hai anh thương cảm.
Tóm lại, chim chóc bay trên trời là rất ghét, chim gì cũng thế thôi. Nó ỉa vào mình, mình ở dưới đất biết đằng nào mà tự vệ. May phúc cho mình là nó ỉa vào áo, chứ chệch mấy phân nữa, vào tóc hoặc mặt mình thì chắc ngượng đến độn thổ mất.
Nói chung, số vẫn xuân. Từ giờ hạn chế ca ngợi, ‘cause nothing is what it seems.
PS: lây ốm của con gái. Con gái cảm lạnh nghỉ học, sáng nay thấy đi lẫm chẫm trong nhà vừa đánh răng vừa quét nhà cho mẹ.

Saturday, October 3, 2009

Sang froid

Cuối tuần này chàng go on track, tức là lên đường đua.
Với cái xe thể thao cà tàng để mốc meo trong garage hầu như ko sử dụng trong suốt 8 năm đi nhiệm kỳ
Với cái lưng cả tuần nay kêu đau, đi cùng nhau vợ gầy gò vừa hai vai khoác hai túi, một tay cắp xe đẩy, tay kia bế con, chồng đi người không lưng thẳng đuồn đuỗn tay cầm mỗi tờ giấy mà mình tưởng mình cũng phải mọc thêm cánh tay thứ ba để khiêng cùng.
Vợ bảo “anh có chắc ko, anh yêu, xe anh lâu ko bảo dưỡng, mà lưng anh thì đau đi lại còn khó?”
Chồng bảo “chắc chứ. Đi lại thì khó, chứ lái xe thì có phải làm gì đâu mà ảnh hưởng”
Á, thông số kỹ thuật này thì mình chưa từng nghe bao giờ.
Mình nào có phải là người nhát gan đâu, ko ham mạo hiểm, nhưng cũng chả sợ. Ngày xưa ngồi sau xe máy một anh, anh ấy tăng ga phóng điên cuồng thể hiện trong gần 1 phút, lúc xuống xe mắt tròn mắt dẹt xem phản ứng của mình, mồm khoe “lúc đấy vận tốc là gần 250km/giờ”. Mình chỉ bảo “right”. Anh đấy hồi đấy có cái xe cũng vào hàng khủng ở Hà nội nên rất chăm chú việc thể hiện với các em.
Còn chuyện ngồi sau xe chàng mà chàng bốc đầu hoặc đi địa hình xông xáo trèo non lội suối thì là chuyện quá thường.
Mà chính chàng cũng chứng kiến sự lì lợm của mình chứ đâu. Hai đứa vừa giong katamaran ra vịnh thì trời nổi giông, một cơn giông cực mạnh. Chàng hoảng lên vì mình ko có kinh nghiệm đi katamaran. Thuyền lao như tên bắn vào vách núi lởm chởm đá nhọn, biển động dữ dội, Chàng cầm cán điều khiển, mỗi lần chàng đổi hướng buồm thì mình phải tháo dây và nhào sang sườn thuyền bên kia để buộc. Sàn thuyền có lúc lật nghiêng 90 độ so với mặt biển, mình lăn lông lốc từ bên này sang bên kia, gần rơi xuống biển thì túm được dây buồm lại đu lên. Suốt gần 1 tiếng vật lộn, lúc vào được đến bờ thấy ông chủ đảo đang đứng đợi trên bờ tóc tai dựng đứng. Chàng sau vụ đó phục mình sát đất, “cám ơn em đã ko gào thét hoặc khóc lóc”. Giờ thỉnh thoảng vẫn thấy kể với mấy thằng bạn hẩu.
Nhưng mà giờ có con rồi, cứ nghĩ mình mà bị làm sao, hai cái mặt hớn hở của Lê La tự nhiên lại thành bơ vơ, bị một ai đó mắng mỏ, hoặc thậm chí đánh đập, vì họ ko yêu chúng nhiều như mình, thế giới này thì chả nhẽ chưa đủ rủi ro, thế là chả hứng thú phiêu lưu mạo hiểm gì nữa.
Nguyên văn diễn văn của vợ: anh yêu, anh là đàn ông, anh sẽ phải làm tất cả những điều điên rồ bọn đàn ông hay làm, nên em sẽ ko cản anh. Nhưng có một điều em phải nói với anh trước, rằng nếu anh tàn phế vì ốm đau bệnh tật thì em vẫn sẽ là vợ anh, chung thủy với anh, và chăm sóc anh đầy đủ, nhưng nếu anh tàn phế vì liều mạng điên rồ thì em sẽ bỏ rơi anh. Vì em phải lo cho các con và ko muốn phải gánh chịu hậu quả sự liều lĩnh ngu ngốc của bất kỳ ai. Nếu người đời có bảo “con đấy là bitch, còn làm ra tiền cho nó tiêu thì còn ko sao, tàn phế mất việc là nó bỏ ngay” và nếu anh là người công bằng, anh sẽ bảo “ ko phải, cô ấy đã cảnh cáo tôi trước rồi nhưng tôi vẫn cố làm thì giờ tôi phải chịu”. Còn nếu anh vì tức quá vì vừa tàn phế vừa bị vợ bỏ rơi, mà hùa theo họ, thì em cũng chả quan tâm.
Chàng nghe xong bảo “máu lạnh”.
Nghĩ trong đầu mà chả nói ra: Máu lạnh thì sao lào? Đàn bà máu lạnh thì đàn ông bớt vô duyên. Cuộc đời thật lạ, nhiều người chỉ mong được sống an toàn, ở một nơi ko bão, ko động đất, ko sóng thần, có nước sạch, thực phẩm lành, ko khí lành. Nhiều người đầy đủ quá thấy đời thiếu vị lại phải tìm dịp sứt mẻ cho vui.

Thursday, October 1, 2009

Lila 29



 

Lila khổ sở vì cạnh tranh. Thằng Lê nó cậy nó lớn nó khéo léo hơn nên toàn chơi một mình hoặc chơi với anh chị lớn hơn, để mặc bé chân tay vụng về rượt theo anh mệt nghỉ. Chưa kể thỉnh thoảng nó còn có cái giọng rất kẻ cả “La nó là con gái nên nó ko biết”. Hồi còn ở Talamone, thằng Lê chơi cá ngựa với chị họ 9 tuổi. Nó mê mải một tay đổ cá ngựa tay kia chắn ko cho Lila vào vồ ngựa đưa lên mồm gặm, mồm nó cứ thỉnh thoảng lại hét bai bải “cái con kỷ này”, tức là cái con quỷ này. Sau mấy lần chạy vòng quanh chả xơ múi được gì, Lila tức lên nhảy bổ vào bàn cá ngựa ngồi thu lu, hai tay bé bám chặt mép bàn cá ngựa, mặt lỳ lỳ mắt nhìn xuống đất. Thằng Lê chỉ còn nước giậm chân bành bạch và khóc bù lu bù loa trước đống ngựa nghẽo đổ giạt.
Một lần mẹ cho hai anh em thau nước để thả cá nhựa vịt nhựa. Thằng Lê cũng có cái trò ngăn ko cho em chơi. Sau 5 phút chạy vòng quanh mà ko xí được con cá nhựa vịt nhựa nào, mẹ thấy Lila trèo vào trong thau ngồi thu lu, thau nhỏ nên Lila ngồi đầy thau, đầu gối co lên đến gần mũi, mặt rất lỳ lợm, mắt nhìn xuống đất. Thằng Lê khóc toáng. Mẹ chạy ra nhấc con gái ra, cái bỉm ngấm nước đã phồng to tụt xuống đến tận mắt cá chân. Nhiều lúc hai anh em chơi một mình, em giở trò đanh đá, là mẹ lại nghe tiếng thằng Lê dọa dẫm “La, Lê là con trai của mamma, mày ko được bắt nạt con trai của mamma mày hiểu chưa?”
Còn chuyện giành giật đồ chơi rồi rượt nhau chạy rẽ đất thì là chuyện 5 phút một lần. Thường là Lila sẽ lừa lừa giật một món đồ nào đó anh đang chơi, rồi cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng về phía mẹ, giơ hai tay “bế La bế La”. Mẹ vừa kịp bế bổng bé lên thì vừa lúc thằng Lê chạy tới nơi. Lila đã ở độ cao an toàn bình thản ngó xuống thằng Lê đang giậm chân bứt tóc ở bên dưới. Có lần hai anh em chơi mấy cái miếng xốp mấy chú thợ dùng để chèn đồ cho khỏi vỡ, La một cái, Lê một cái, thằng Lê chơi một cái ko đủ định giật nốt cái của em, mẹ thấy La xoay người né, tay giữ cái xốp khư khư, thằng Lê vẫn cố nhoài theo định lấy, bé bèn giấu ngay cái miếng xốp vào nách, tay kẹp chặt, mắt liếc liếc dè chừng xem anh chuẩn bị giở trò gì để còn chống đỡ. Khổ thân bé thấp bé nhẹ cân bị chèn ép nên cứ phải nghĩ ra những cách tự vệ chả giống ai.
Một lần ở Talamone, mẹ từ trong bếp nhìn ra thấy con gái đang ngồi chồm hỗm ngoài sân, hai tay chống xuống đất, mắt chăm chú nhìn xuống đất phía trước mặt. Rồi mẹ thấy đầu con gái cứ cúi dần, cúi dần, cùng với đà cúi của đầu thì mông cứ chổng dần lên. Cuối cùng thì mẹ thấy con gái trong tư thế mông chổng lên trời hai tay chống đất mắt ngó qua hai chân, vẫn nhìn cái gì rất chăm chú. Mẹ tò mò chạy lại gần hóa ra con gái đang xem kiến, con kiến chạy từ xa lại rồi chạy tiếp ra phía sau, chả chạy vòng lại chạy thẳng qua hai chân bé, thế nên mới có màn xem kiến vất vả ở trên. Mà con kiến đó may được bé để cho mà chạy thoát, chứ những con kiến ko may khác thường bị bé dí ngón tay bé tí cho bẹp dí rồi đem bỏ vào chậu nước. Thằng Lê  thấy Lila bắt kiến thì thường băn khoăn “Bà Nuôi ơi, sao con Lila nó ko sợ cái gì hết trơn?” .