Sunday, August 28, 2016

28/8/2016



Mình không nghĩ bắt một người lột khăn trùm đầu và quần áo che kín thân thể là giải phóng phụ nữ hoặc giúp họ tự giải phóng. Những người nghĩ cứ lột ra là giải phóng chắc chắn chưa bao giờ sống ở xứ đạo Hồi.
Bởi vì nếu sống ở xứ đạo Hồi, họ sẽ hiểu rằng trẻ em gái ngay từ lúc 6, 7 tuổi đã phải mặc che kín chân tay và dùng hijab để che hết cổ và tóc, rồi lên 10 tuổi là phải mặc abaya thậm chí dùng niqab, thì cái việc mặc che kín của phụ nữ Hồi đã trở thành phản xạ tự động và bản năng của họ. Họ thích như vậy chứ ai ép. Bắt họ cởi bớt ra thì cũng ngang bắt mình cởi trần cởi truồng đi ngoài đường.
Tất nhiên cấm thì cứ cấm. Nước các ông các ông ra luật thế nào mà người ta chả phải theo. Nhưng hãy tìm lý do gì khác, chứ cứ viện lý do quần áo đó bó buộc tự do con người nên lột ra để giúp họ tự giải phóng thì họ còn cãi dài dài. Bởi nếu đã động chạm đến vấn đề tự do thì cũng phải cho họ quyền tự do được mặc những gì họ thích, chứ cứ mang quần áo mình ấn vào tay người ta bắt mặc thì là tự do cái kiểu giề.
Cá nhân tôi ủng hộ việc cấm burkini ở bể bơi và bãi tắm công cộng. Lý do là vấn đề vệ sinh. Sống ở Dubai 4 năm, nói thật rất khiếp dress code bể bơi của các chị đạo Hồi, đến mức cứ thấy chỗ nào đông đông các chị là thôi bỏ, không đến lần thứ hai. Xuất phát từ khái niệm phải che kín thân thể, họ sáng tác ra đủ kiểu thời trang bể bơi rất đáng kinh ngạc. Quần bò áo phông hoặc áo bơi ở trong áo phông ở ngoài, hoặc quần bò ở trong quá bó nên ở ngoài lại khoác thêm cái khăn. Thậm chí nhiều ông đàn ông, có khi thấy phụ nữ che chắn thế nên mình cũng nên che chắn một tý cho đồng điệu, cũng mặc nguyên quần áo nhảy xuống nước. Nhảy xuống nước mà cũng không bơi lội gì, chỉ đứng ngâm, mắt mũi lim dim. Trẻ em thì mặc quần mặc áo phông mặc váy các kiểu để đi bơi, thậm chí đã mặc váy rồi nhưng chắc ngại hở chân nên lại mặc thêm cả quần. Ở đâu ballet tutu chỉ mặc trên sàn tập, chứ ở đây ballet tutu là thời trang bể bơi ưa chuộng cho trẻ em. Ai tử tế nhất thì mặc được bộ burkini. Nhưng burkini kín mít như vậy, bên trong có gì đảm bảo các chị không chơi cả bộ đồ lót, nhất là khi các chị cứ hồn nhiên cho con mặc nguyên cả bộ váy công chúa Elsa bơi lượn lướt thướt trong bể ? À, mà đã xong đâu, có chị mặc burkini nhưng hình như cảm thấy burkini vẫn bó quá lộ thân hình quá nên lại mặc ra bên ngoài một cái váy lửng lơ. Thế tức là đến một lúc nào đó thì ngay cả burkini cũng sẽ không đủ. Người càng giác ngộ thì sẽ càng mặc nhiều lớp quần áo để xuống bể bơi.

Thôi thì nếu tôi đến xứ đạo Hồi và luật cấm mặc áo tắm hai mảnh thì tôi sẽ mặc áo một mảnh hoặc sắm cho mình một bộ burkini đàng hoàng. Hy vọng các chị đạo Hồi thông cảm và hợp tác khi các chị sinh sống ở phương tây. Chứ các chị cứ một mình một chợ, tôi thật kính nể sự kiên trung của các chị quá.

Ở Dubai người người nhà nhà đang bàn tán về vụ cấm burkini của nước Pháp. Ngài tuy không đồng tình với văn hóa bể bơi của người Hồi nhưng ngài bảo cấm là một chuyện, bad taste lại là chuyện khác. Ý ngài là việc cảnh sát kéo lốc nhốc ra bãi biển rồi trước bàn dân thiên hạ bắt một người phụ nữ Hồi cởi bớt quần áo là bad taste. Tôi nói thật nhìn cái ảnh cảm giác đầu tiên là thấy mấy anh cảnh sát phản cảm và tội nghiệp người phụ nữ Hồi kia. Vin vào lý do gì mà xúc phạm nhân phẩm người khác một cách quá đáng vậy?. Nhưng nghĩ lại, mạnh tay một lần để mang tính chất răn đe cho mọi lần và cho tất cả những người khác, giảm được bao nhiêu rắc rối về sau. Mà ảnh chụp lên thì trông thế chứ có khi trên thực tế cảnh sát họ cũng chỉ nhẹ nhàng lịch sự yêu cầu người phụ nữ kia tuân thủ dress code trên bãi biển. Thế nên là thôi, mình cũng chả nên góp thêm tiếng nói làm khó cho công việc vốn đã khó khăn nhạy cảm và nguy hiểm của cảnh sát.

Lại làm tôi nhớ tới vụ Jordan hình như cách đây mấy tháng. Jordan vốn là một trong những nước trong khu vực nhận rất nhiều tị nạn. Đang nhận tị nạn như thế, thì một hôm, đùng một cái, hai quả bom nổ. Chưa biết kẻ nào phá rối nhưng ngay lập tức quốc vương Jordan ra lệnh đóng cửa biên giới, cắt đứt mạch viện trợ, để hàng nghìn người mắc kẹt ở bên ngoài, trong một khu vực hoang vu không điện, không có cả nước sạch. Mình nghe xong phản ứng đầu tiên là “là bọn khủng bố trà trộn chứ những người kia đâu có tội gì mà trừng phạt họ”. Nhưng nghĩ lại, biện pháp cực đoan của vua Jordan không phải hoàn toàn vô lý. Những người dân kia không có tội nổ bom nhưng có tội lơ là cảnh giác, mũ ni che tai hoặc thậm chí bao che thông đồng. Một lần ông ta cắt cái roẹt như thế thì lần sau những người đang mắc kẹt oan uổng không điện không nước sạch kia họ sẽ tự khắc hiểu rằng việc họ quan sát, có thái độ rõ ràng với khủng bố và hợp tác với chính quyền để tố cáo các hành vi bất thường chính là hành động tự bảo vệ quyền lợi của chính họ. Phải có sự hợp tác của họ, chính họ phải cảm thấy có liên quan, chứ có chuyện gì xảy ra lại ào ào lên “không phải chúng tôi, chúng nó không phải đạo Hồi, các ông các bà phân biệt chủng tộc” là xong nghĩa vụ, thì chẳng nhà nước nào đủ mạnh để cáng đáng được gánh nặng khủng bố một mình.