Monday, March 11, 2024

Thằng bé và con bé, cộng một Thị Nở

Thằng bé và con bé gặp nhau trong một dịp đi hái nho. Các đồn điền của Pháp đến mùa thu hoạch nho thường gọi các cô cậu trẻ trẻ đến hái nho hộ. Hái nho thì chả cần bằng cấp hay trình độ. Hình như không có tiền lương hoặc lương lậu chỉ tượng trưng nhưng ăn ở và đi lại thì chủ bao hết. Chủ đồn điền thì có được nguồn lao động rẻ. Thanh niên thì có dịp làm việc, giao lưu, thăm thú nơi mới, coi như được đi du lịch bao ăn ở. Thằng bé và con bé quen nhau như thế.

Hẹn hò vài tuần, nho hái xong, thằng bé trở lại Ý. Hai đứa chúng nó tiếp tục nhắn tin qua lại.

Cho đến một ngày, không ai ngờ, không báo trước, con bé xuất hiện trước cửa nhà thằng bé. Không có tiền đi máy bay, nhưng tình yêu tuổi trẻ đã khiến nó đi được suốt cả chặng đường vài nghìn cây số hoàn toàn bằng quá giang xe.

Từ đó con bé ở lại luôn nhà thằng bé. Chúng nó thành một cặp, đi đâu cũng thấy có nhau.

Chúng nó mơ ước một cuộc sống tối giản, không phải nai lưng kiếm tiền, không phụ thuộc vào vật chất, tự cung tự cấp, sống gần gũi hài hòa chấp nhận thiên nhiên vv và vv. Chúng có ý tưởng mua một khu vườn ô liu, đào cái giếng để tự cung tự cấp về nước, thằng bé học nghề mộc để tự làm đồ mộc trong nhà vv và vv.

Mình đang tìm người. Biết thằng bé và con bé không có việc làm nhưng mình cũng không có ý định nhờ 2 đứa nó. Mình vốn không đánh giá cao các cô cậu đầu óc lửng lơ, cả ngày chỉ nằm dài nhưng rặt một giọng cao siêu vô hình. Nếu thế hệ trung niên cao niên làm việc cật lực để có tiền chi cho những tiêu xài nhiều khi vô ích, nhiều khi cảm thấy mình bị buộc vào những nhu cầu của gia đình và bản thân như con lừa bị buộc vào cối xay, cứ đi thành vòng tròn không có điểm dừng không có đích đến, thì thế hệ trẻ bây giờ, như một lẽ tự nhiên, phản lại xu thế ấy, thích sống tối giản để đỡ phải còng lưng làm việc. Vấn đề là không làm việc thì ai làm việc cho các cô cậu nằm mơ mộng mới được chứ. Tiền trợ cấp xã hội, trợ cấp thất nghiệp cho cô cậu là tiền thuế của những người phải làm việc cật lực khác.

Nhưng thằng bé và con bé lại chủ động tìm mình xin việc. Mình thích những người muốn làm việc và thường cố gắng tạo điều kiện cho họ. Thời gian ở Ý của mình vô cùng eo hẹp, thế mà mình bỏ hẳn vài tiếng để hướng dẫn mọi việc cho chúng nó. Mình bảo mùa đầu tiên tôi sẽ trả lương cho cô cậu ở mức tối thiểu theo luật định, nếu cô cậu làm việc tốt, đến mùa thứ hai tôi sẽ tăng ngang bằng những người có kinh nghiệm khác.

Thằng bé và con bé xin về nhà suy nghĩ. Đến hôm sau, gặp lại mình, con bé bảo nó muốn lương cao hơn vì “thời gian của chúng cháu rất quý báu”. Thế là mình thôi.

Vấn đề không phải là tiền. Vấn đề là tư duy của các cháu hỏng rồi. Chắc tại hút cỏ hơi nhiều. Thời gian quý báu hãy để cho những người trăm công nghìn việc trên đời họ nói. Chứ các cháu thất nghiệp nằm dài cả ngày, thỉnh thoảng đi thu hoạch hộ cho nông dân rau này trái nọ, được họ trả công bằng nông sản, còn lại sống cầm hơi bằng tiền trợ cấp xã hội, chưa kể bằng cấp còn chả có, kinh nghiệm làm việc thì chả có gì ngoài hái nho, mà lại cứ tưởng mình tài ba nguy hiểm, thì chủ nào mà thuê các cháu thì chủ đó chắc bét ra cũng chập mạch.

Chuyện xảy ra từ tháng 11 năm ngoái. Tháng 3 năm nay, thằng bé và con bé đi du lịch Madagascar. Ở đó, chúng nó tình cờ mua được một cái tàu cũ với giá bằng nửa, và đang tính chuyện tự giong buồm từ Madagascar về lại nước Ý. Vừa đi vừa câu cá ăn qua ngày chả cần đến tiền. Thật là thoát tục.

Mình còn biết một Thị Nở, đâu cũng hơn 40 rồi chứ cũng không trẻ trung gì, hàng ngày làm mỗi cái việc sửa chính tả bản thảo trước khi in, đâu 2 hay 3 tiếng một ngày, tức là làm việc cầm hơi. Cũng tuyên bố muốn sống gần gũi thiên nhiên, không phụ thuộc vật chất, không cần tiền. Gần đây thị quyết định đi đến một xứ khỉ ho cò gáy nào đó chăn bò để được hòa mình tuyệt đối vào thiên nhiên. Mỗi tội trước khi đặt vé đi thì còn cẩn thận đặt cả vé về để đảm bảo có rỗng túi cũng vẫn quay về được xã hội loài người thay vì bị chết kẹt giữa thiên nhiên. Quay về thì cũng không có mục đích cao cả gì ngoài moi tiền bà mẹ già hơn 80 tuổi sống một mình chả ai chăm sóc. Moi được một mớ thì lại tiếp tục đi chăn bò hay đi chốn nào đó sống cuộc đời gần gũi thiên nhiên tiếp.

Thôi thì, đời ngắn, ai vui được chừng nào thì cứ vui. Muốn vui được trong đời thì phải vô tri. Để vô tri được thì cần rất nhiều sự vô lương. Không phải ai cũng vô lương được như vậy....

Monday, March 4, 2024

5/3/2024

Mình đang ngồi ăn tối. Lão và lũ trẻ con đã ăn xong. Chuông điện thoại reo. Lại thằng bạn hẩu. Nó tỉ phú thời gian và chuyên gọi vào giờ này. Chắc nó hỏi mày đang làm gì vì nghe lão trả lời “tao đang cho bát đĩa bẩn vào máy rửa bát” rồi lúc sau lại nghe giọng lão ỉu xìu xìu “vợ tao không đồng ý”. Sau đó hạ giọng thầm thì “Nhưng tao vừa mới đi về. Thôi đợi một thời gian rồi tao lại xin nó tiếp, hy vọng sẽ được...”.

Mình ăn xong, tót vào phòng oánh răng rửa mặt định đi ngủ sớm kệ lão cùng đủ loại ham hố nên phải bày ra đủ kiểu mưu mẹo của lão. Nhưng tự nhiên trong đầu nảy ra một ý tưởng, bèn chạy ngược trở ra. Lão lúc này đã xong nhiệm vụ bát đĩa và đã lê ra nửa nằm nửa ngồi trên sofa, vẫn đang tán chuyện rủ rỉ với thằng bạn hẩu. Mình bảo “Em có một giải pháp như này. Anh muốn đi chơi tháng 5 này, anh chuyển vào tài khoản của em 10k euro”. Lão nghe xong la hoảng vào điện thoại “ối mày nghe vợ tao vừa nói gì chưa, mày nghe chưa?”. Thằng bạn đòi nói chuyện với mình.

-          (mình giọng tỉ tê) F ơi, chồng em như một đứa trẻ 6 tuổi ý anh ạ…

-           (thằng kia chơi đòn tâm lý, giọng thẽ thọt ra vẻ ân cần cảm thông lấy lòng) Anh biết, G ơi anh biết.

-          (đổi giọng tỉnh bơ lập tức) Nhưng mà em không phải 6 tuổi, em 46 tuổi rồi anh ạ. Vợ chồng em vẫn còn một món nợ phải trả và em muốn trả hết trong năm nay.

-          (tỏ vẻ hiểu biết) Nhưng món nợ đó rất ít so với tài sản của bọn em…

-          (ngắn gọn) Ít chắc trả dễ, dễ thì trả cho hết đi rồi đi chơi.

-          (kiên trì không bỏ cuộc) thôi nào, G, chồng em kiếm ra tiền, số tiền nó bỏ ra đi chơi chả đáng bao nhiêu so với số tiền nó kiếm được.

-          thì em có nói gì đâu, em chỉ bảo trả hết nợ đi rồi đi chơi bao nhiêu cũng được. Chứ như bây giờ, em tiết kiệm mọi thứ để hai vợ chồng trả nợ mà nợ trả mãi không xong vì chồng cứ liên tục tiêu tiền và trì hoãn trả…

-          (đổi giọng nài nỉ) nhưng mà 10k thì đắt quá, nó có tiêu hết từng đấy tiền cho chuyến đi đó đâu, bọn anh cắm lều ngủ, không tốn tiền ngủ khách sạn em ạ.

-          (thật sự chứ ngủ đâu kệ mọe các ông éo ai quan tâm) Thay vì mất công thuyết phục em thì anh nên đi thuyết phục bạn anh mới phải. Số tiền đó anh ý có. Nếu anh ấy thực sự muốn đi chơi với người bạn tốt là anh, thì anh ấy sẽ chuyển khoản cho em, nhất là khi anh ấy biết rất rõ toàn bộ số tiền em giữ đều là để dành để trả nợ và để cho con đi học, chứ bản thân em thì không có nhu cầu tiêu tiền…

-          (còn nước còn tát) Thôi em giảm giá tí đi…

-          10k, không bớt một xu. Bao giờ trả hết nợ thì em chỉ lấy market price. Còn bây giờ chưa trả hết nợ thì I state my price.

Sự nghiệp mặc cả chấm dứt tại đó. Mình có phải dạng ngặt nghèo kìm kẹp không cho lão tận hưởng cuộc sống gì đâu. Đợt nghỉ giáng sinh vừa rồi cả nhà đã đi nghỉ ở Maldives, bố con lão ăn chơi tĩ tã. Đi Maldives về, ngồi chưa ấm chỗ đầu tháng 2 lão đã nhao về Ý đi lượn xe máy và ô tô đâu hơn 2 tuần. Vừa chân ướt chân ráo từ Ý về, lại tiếp tục lên kế hoạch đi lượn xe máy với thằng bạn hẩu vào tháng 5, trong khi cuối tháng 6 cả nhà đã có kế hoạch đi nghỉ hè. Trong khi đó, có cái món nợ cỏn con hai vợ chồng chung nhau nghiến răng một phát là trả hết mà nói lão cứ không chịu, cứ muốn giữ tiền mặt xông xênh để còn nảy ra ý tưởng trái khoáy nào là có thể thực hiện được ngay, kể cả là nửa đêm gà gáy.

Mình hồi trước suốt ngày khổ sở vì chồng liên tục cúng tiền cho ô tô xe máy và thợ sửa xe. Đến mức mình còn tâm linh rằng kiếp trước chồng mình làm gì có lỗi lớn với ai đó làm nghề thợ sửa xe nên kiếp này phải trả nợ. Ai đời cứ rước xe đi hết chỗ này đến chỗ khác, sau đó lén lút viết séc trả tiền. Vài nghìn mỗi lần chứ có ít đâu mà xe hỏng vẫn hoàn hỏng. Cứ người bòn người đãi, cãi vã bao lần không ăn thua. Cuối cùng mình nghĩ ra giải pháp toẹt vời là lão chi bao tiền mua xe hay viết séc trả thợ sửa xe thì sẽ phải chuyển vào tài khoản của mình đúng số tiền tương ứng. Từ khi có giải pháp đó thì đời mình nở hoa. Từ chỗ mặt nặng mày nhẹ khi thấy lão vung tiền vào xe cộ, gắng sức khuyên bảo và bất lực khi thấy lão giả ngớ giả điếc không hiểu, thì giờ cứ lâu lâu thấy lão im ắng mình lại nhắc dạo này anh không đi sửa xe à, sửa đi chứ không để lâu lại hỏng :-))))))

À vụ Bắc cực, mấy ngày sau lại thông báo với vợ “anh không đi Bắc cực, nhưng là không đi trong năm nay thôi em nhé, chứ năm sau thì anh ĐANG SUY NGHĨ”. Đi thì cứ việc đi, nhưng Bắc cực giá dĩ nhiên phải cao hơn giá về Ý phượt xe máy dồi. Cao như nào thì mình cũng ĐANG SUY NGHĨ!

Thursday, February 22, 2024

22/2/2024

Đã gần 1h sáng, tự nhiên ngài mặt mũi nghiêm trọng “em ơi, anh phải nói với em một chuyện”. Thật sự nhìn cái điệu bộ hồi hồi hộp hộp râu tóc dựng đứng thiếu tự nhiên của ngài chỉ muốn bảo luôn “em chả muốn nghe chuyện giề”. Y như rằng, “anh vừa được thằng bạn rủ đi thám hiểm Bắc cực”.  

Hỏi trong đoàn có những thằng nào đi. Y như mình dự đoán, toàn những thằng sau nhiều năm làm việc giờ sẵn tiền túi rủng rỉnh mà lại đang toan về già nhưng vẫn nghĩ bản thân trẻ trai bất bại nên trên thế giới có trò gì hay ho hay địa điểm nào nguy hiểm nhưng điên nhất sốc adrenaline trong người lên nhanh nhất là chúng nó mò đi. Chạy marathon hoặc nghiện gym là hình thức nhẹ nhất của hiện tượng tâm lý thú vị nói trên. Tiếp theo là đi khám phá những vùng khỉ ho cò gáy rừng thiêng nước độc, tưởng tượng bản thân là một con sói cô độc, lạy Chúa tôi. Tiếp theo là chinh phục nóc bếp nóc nhà thế giới. Tóm lại càng khác bọt càng sang trọng. Đỉnh điểm là đặt chỗ trên tàu du hành vũ trụ bay tút vào không gian đến tận khi ngoảnh lại thấy trái đất to bằng quả cam nhìn rất đơn côi xúc động rưng rưng hiểu ra ý nghĩa nhân sinh, hoặc tìm mọi cách mò xuống đáy đại dương chỗ nào sâu nhất been there done that vv và vv. Vụ tàu Titan mới xảy ra là một ví dụ điển hình kia.

Ở đời phải biết tự tìm niềm vui động lực trong những điều nhỏ bé giản dị xung quanh chứ lị. Còn chỉ chăm chăm tìm sự kích thích từ bên ngoài thì có chơi thuốc vào cũng không ăn thua, nhóe.  

Mình hỏi “anh thừa biết anh không đủ sức khỏe để tham gia một hành trình như thế, đúng không?”. Ngài lúng búng không ra đồng tình không ra phản đối. Từ mấy tháng nay ngài than thở người cứng quá, buổi sáng cúi xuống đi tất vào chân cũng khó. Suốt cả ngày ngồi cứng đờ trước máy tính. Tối về ngồi cứng đờ ăn tối. Ăn tối xong lê ra cái ghế nào đó và tiếp tục ngồi cứng đờ xem TV. Hoặc lê vào giường nửa nằm nửa ngồi lướt điện thoại chỉ có mỗi một ngón tay động đậy còn lại 9 ngón kia và toàn thân vẫn trong tình trạng cứng đờ. Đêm nằm ngủ thì cứng đờ nốt cho đủ 24 tiếng mỗi ngày. Các cơ các khớp luôn trong tình trạng hạn chế xoay chuyển vận động, lâu ngày không cứng thì mềm với ai.

Nghe vợ phân tích lý do cứng đờ như thế, ngài bắt đầu nhúc nhắc tập tành. Khởi đầu là yoga. Vợ bảo anh phải cải biến lối sống, chịu khó vận động, chăm làm việc nhà, chứ lười như này thì yoga không có tác dụng đâu, nhưng ngài không nghe. Ngài hóng được con bé vợ của thằng bạn ca ngợi yoga thần kỳ như nào, cải biến nó cả về tâm hồn và thể xác ra sao, bèn tất tả đi mua thảm yoga về tập. Mỗi ngày ngài tập yoga MỘT PHÚT, hít vào thở ra nghe cứ phì phì. Sau một thời gian, thảm yoga xếp xó. Có lẽ không thấy điều nhiệm màu xảy ra như con bé kia nó hót. Thật chứ đúng là dao sắc không gọt được chuôi. Mình đi đâu cũng có người đến hỏi tập như nào ăn như nào để giữ được vóc dáng như kia, thế mà ở nhà nói chồng chồng chả nghe, lại đi nghe con bé thân hình tròn xoe y một quả bóng cỡ lớn bơm căng hơi.

Sau đó một thời gian, mình đi vắng về thấy trong phòng xuất hiện một quả dây chun màu xanh nõn chuối. Lại ông bà quý hóa nào đó khuyên ông chồng đẽo cày giữa đường của mình sắm rồi đây. Mỗi ngày thấy ngài đứng ưỡn ngực phưỡn bụng trước gương co co kéo kéo sợi dây chun. Thấy vòng cả tay ra sau lưng kéo kéo, điệu bộ giống như ta kỳ lưng lúc tắm ý các cụ. Nhưng chả mấy chốc, cái dây cũng xếp xó nốt. Quả bóng thể dục to đùng ngã ngửa, thảm yoga, dây chun thể dục, các thể loại tạ tay tạ chân, mỗi lần được ai tư vấn là cong đít chạy đi mua ngay. Tất cả đều xếp xó.

Giờ trước khi đi ngủ thấy ngài hít đất. Đúng 30 giây. Xong 30 giây thì vừa thở hồng hộc vừa nằm quay ra giường nghịch điện thoại. Đâu khoảng nửa tiếng sau, lại nghe tiếng thở hồng hộc vì vừa vứt điện thoại chạy ra làm 30 giây hít đất nữa. Xong lại nằm quay ra :-)))))))

P.S: khoảng gần tháng sau, ngài bảo vợ “anh không đi thám hiểm Bắc cực nữa em ạ”. Mình chả nói gì. Không đi thì thôi. Mà đi thì cũng thôi. May sống sót trở về thì thôi. Mà không may thì cũng thôi. Giờ mình cứ phải nương theo đời mà sống cho lành, không chiến quá nhiều được đao.  

P.S: Ngài có thằng bạn vừa lập gia đình. Thật sự đã nhịn được đến ngoài 50 tuổi như này rồi sao không nhịn mọe nó luôn, dính vào làm gì cho rắc rối.

Ảnh: Moskva một buổi sáng có nắng hiếm hoi, dù nắng chỉ đi ngang cửa có vài phút, còn lại là trời đất không u ám thì cũng mịt mù tuyết từ 4 tháng nay roài giời ơi. Mà thôi, thiếu nắng cũng chả sao. Thiếu nắng thì da không bị lão hóa nhanh, các cụ bảo thế. 

Monday, February 12, 2024

13/2/2024

Mấy hôm trước mình đi thăm một trại trẻ cưu mang giúp đỡ trẻ em mồ côi và trẻ em từ các gia đình khó khăn. Cả trại là một gia đình lớn chia thành các gia đình nhỏ mỗi gia đình khoảng chục đứa trẻ trong độ tuổi đi học. Mỗi gia đình nhỏ lại do một cô phụ trách, bọn trẻ gọi là mẹ. Buổi sáng các cô phụ trách này đưa trẻ đi học, trưa đón về thì cùng trẻ nấu ăn dọn dẹp, xong thì cùng ngồi học bài, tối lại cùng nấu ăn dọn dẹp. Có thời gian rảnh thì chơi thể thao, học các etiquette xã hội tối thiểu, học về văn hóa nghệ thuật, thậm chí được học thêm ngoại ngữ vv và vv. Cuối tuần trẻ nào có nhà thì bố mẹ đến đón về, sang tuần lại quay lại trung tâm. Trẻ nào mồ côi không có chốn đi về thì ở lại.

Đây là một trong số 7 dự án mình phải tìm được nguồn tài trợ. Thời gian mình chả có và mình đã vất vả nhiều năm nay, nói thật giờ chỉ muốn ngồi thở một tý chứ không muốn lo việc bao đồng chút nào. Nhưng rồi mình nghĩ, có những trung tâm như này thì những đứa trẻ gia đình không có điều kiện, cả bố cả mẹ phải đi làm, không thể chăm sóc theo sát con, vẫn được chăm sóc theo sát đầy đủ. Sau giờ học, không cần phải lêu lổng ngoài đường phố hoặc là bị bắt nạt hoặc đánh bạn với đám du thủ du thực rồi cũng thành du thủ du thực theo, hoặc ngồi trong những căn nhà tối tăm đánh điện tử bỏ bê bài vở. Rồi dù bố mẹ không có tiền cho con học thêm này nọ, nhờ những kỹ năng và kiến thức được dạy miễn phí, chúng nó vẫn được tạo điều kiện để khi vào đời có xuất phát điểm không quá khác xa so với những đứa trẻ thuộc tầng lớp xã hội có điều kiện hơn. Rồi nhiều gia đình nghèo lại hay có bố mẹ nát rượu, cục cằn, bạo lực, thậm chí tệ nạn. Những đứa trẻ này được sống cả tuần ở trại trẻ, chỉ cuối tuần mới về nhà, do vậy cũng được cách ly tương đối với môi trường gia đình độc hại.

Cha xứ kể với mình trung tâm vừa nhận một thằng bé khoảng 10 tuổi. Vô cùng khó bảo, cả trung tâm bó tay. Cha xứ mới ngồi xuống nói chuyện với nó, hỏi nó rằng thế ở nhà bố mẹ con làm thế nào để con nghe lời. Thằng bé trả lời cha phải dùng thắt lưng, bởi vì ở nhà muốn nó nghe lời thì bố nó rút thắt lưng ra quật...

Rồi mình lại nghĩ nếu ở VN mà có những nơi như này thì tốt quá. Thậm chí chỉ cần một hình thức rút gọn, kiểu như những bà những cô đã nghỉ hưu trong xóm nhận trông trẻ kèm trẻ học bài hoặc đọc sách, hoặc biết kỹ năng hoặc ngoại ngữ nào thì dạy thêm cho trẻ, hàng ngày, sau giờ chính khóa ở trường. Biết bao nhiêu những đứa trẻ ở VN hẳn đã khai phá hết được tiềm năng của bản thân hoặc tránh được con đường lêu lổng đích đến là du côn tệ nạn tù đày, nếu đã được bảo ban kèm cặp và tạo điều kiện…Mà thôi, việc này lớn quá nói bao nhiêu cho vừa.

Và thế là người đàn bà tuổi già ngấp nghé đang toan tính trở lại con đường phù phiếm là mình đây lại phải hít một hơi thật dài, gật đầu với những lời mời ăn tối để tăng quan hệ, và tại events thay vì mặt mũi lạnh lẽo thái độ xã giao tên và mặt của ai cũng không buồn ghi vào đầu thì giờ vô cùng niềm nở tươi tắn nhớ tên nhớ mặt thậm chí nhớ cả công ty, để còn tính đường xin xỏ!

PS 1: Hồi còn ở châu Phi, có lần một cô bạn mình kể hôm nay ở công ty một đồng nghiệp đang ngồi làm việc tự dưng bật khóc và xin thôi việc. Trong thành phố không có đủ nhà ở nên nhiều người phải thuê nhà bên ngoài. Vì hệ thống giao thông công cộng hiệu quả vừa túi tiền cũng không có nốt nên ai cũng phải tự lo lấy thân. Vì ai cũng phải tự lo thân như thế nên chất lượng xe cộ rất giời ơi, kiểu phun khói đen mù mịt hoặc đang đi tự nhiên bánh xe gẫy rời ra, chưa kể buổi sáng tắc đường khủng khiếp vì ai cũng phải nhao vào nội thành làm việc. Dân thì nghèo đói khổ sở bất tiện mà quan chức chính phủ ông nào ông nấy bụng cứ phệ như cái thùng phuy, vàng đeo đầy tay đầy cổ, thậm chí răng cũng vàng nốt. Mất công ăn bẩn mà nhìn vẫn không thấy dễ coi lên chút nào, thà trong sạch còn để được cái tiếng.

Kể nốt chuyện cô kia, để đến được chỗ làm đúng giờ, trời nắng trời mưa thế nào cô ý cũng phải để đứa con gái 5 tuổi của cô ấy ở cổng trường tại bốt bảo vệ lúc 5h sáng. Cô ấy vừa khóc nức nở vừa nói tôi để con bé lại cho người bảo vệ lúc 5h sáng nay rồi vội vã lái xe đi, ánh mắt nó nhìn theo tôi, tôi không chịu nổi nữa…Cô ấy bỏ việc không biết mẹ con có ôm nhau chết đói không chứ nhiều người bỏ việc là cả nhà chết đói. Do vậy họ cứ phải phó mặc con cái cho số phận như thế. Không biết có bao nhiêu đứa trẻ mà số phận có thể đã rất khác, nếu đã được bảo ban kèm cặp và đảm bảo an toàn về thân thể…

PS 2: Ở trại trẻ, mình tò mò nếm súp bắp cải. Mình không muốn ăn vào phần đồ ăn của bọn trẻ nhưng quá tò mò về món súp bắp cải mà trại trẻ mồ côi nào cũng phải có, trong các tiểu thuyết của các nhà văn châu Âu hồi bé từng đọc, nên phải ăn một thìa cho biết.

Sunday, February 4, 2024

To the moon and back...

 

Một buổi sáng tuần trước, con Na tự nhiên eureka lên “mamma ơi, Ale 18 tuổi rồi, tức là từ giờ nếu Ale sàm sỡ mình thì mình có thể kiện”. Là nó đang nói tới vụ thằng anh cứ lên cơn một cái là nhào vào ôm em gái hôn tối tăm mặt mũi. Mỗi lần như thế là em giẫy giụa và hét váng nhà. Mỗi ngày thằng anh lên cơn không biết bao nhiêu lần như thế. Nhà cửa luôn trong tình trạng như cái chợ vỡ. Mẹ bảo mài thích kiện con trai tao thì kiện, nhưng nó vô sản, mài có thắng kiện cũng chả đòi được nó xu nào đâu, thôi kiện gì cho mất công.

Thế là ông con trai của mẹ đã sang tuổi 18. Mẹ từ mấy hôm trước đã chộn rộn đi mua quà và làm bánh ngọt. Lại giao cho ông bô nhiệm vụ làm một video tập hợp các bức ảnh của con từ hồi bé tới giờ. Ăn tối xong, thổi nến ăn bánh xong, cả nhà kéo ra trước TV xem video bố bật. Hai con em vừa xem vừa cười như nắc nẻ, nhất là giai đoạn thằng anh có mốt tóc xòe ra như đội cái tổ cò trên đầu. Rồi, đúng là y hệt lũ đàn bà rắc rối, chúng nó đang cười nắc nẻ tự nhiên ôm cổ thằng anh và khóc òa lên. Khởi đầu là con La, rồi đến con Na cũng òa lên sát gót.

Và đây là lời tự sự tru tréo trong nước mắt của chúng nó:

“Ale sẽ có bạn gái, lấy vợ, đẻ con, sống ở Pháp, Ale sẽ quên Lila”. Nghe những lời bi thảm, mẹ nó an ủi “em bé lo gì, với hiện trạng ngẫn ngờ như hiện nay thì khả năng là không ai lấy nó đâu”. Là mình đang nói tới một lần, trong bữa tối, thằng con trai chìa cái đĩa cho mẹ, dõng dạc “mamma cho Lê ít thịt gà”. Con mẹ già nghe xong chán đời. Bữa tối hôm đó có thịt bò. Thịt bò thịt gà mà đến giờ nó còn không phân biệt được thì mong gì lấy được vợ. Còn tại sao con em lại nghĩ ra chuyện thằng anh sẽ sống ở Pháp thì mình cũng chưa lý giải được???

Bỏ ngoài tai lời an ủi của mẹ, con La tiếp tục nức nở “Rồi mình sẽ chỉ gặp nhau 1 năm 1 lần. Mà nếu mamma và papa cho Ale tiền là Ale sẽ đi thẳng luôn không quay lại đây đâu”. Nó đang lo khi thấy mẹ nó bàn với bố nó mở cho thằng anh một tài khoản và bố mẹ sẽ chuyển ít tiền cho thằng anh tự chủ việc chi tiêu. Mày đừng lo con ơi, vài nghìn chuyển khoản mà chúng tao đã thoát thân được thì rẻ quá. Mà mài cũng khỏi lo cả năm chỉ gặp nó một lần. Rồi nó kiếm ra tiền nó sẽ về chơi liên tục cho mà xem. Mà nhất là ông bô bà bô lại mang hai chúng mài đi nghỉ ở resort hay ho nào đấy thì kiểu gì nó chả đu theo một suất.

Con em vẫn tiếp tục nức nở “Ôi chỉ còn 2 tháng nữa là Lila sẽ xa Ale rồi. Nhà mình đi nghỉ về tưởng như mới hôm qua, thế mà thực ra là một tháng đã trôi qua rồi. Tức là 2 tháng cuối cùng Ale còn ở đây cũng sẽ trôi nhanh như chớp mắt thế thôi…”. Đoạn khóc to hơn, vừa khóc vừa dụi mặt vào ngực anh còn mồm thì than thở “khóc thế này thì ngày mai mặt tôi lại nổi đầy mụn mất thôi”.

Từ đầu đến giờ, con chị lu loa đến đâu con em huhu phụ họa đến đấy. Đúng là lũ đàn bà mít ướt rắc rối. Tuy nhiên sau một hồi khóc lóc não nề nức nở drama thì mối quan tâm đã trở nên thực tế hơn, vừa nước mắt lưng tròng vừa hỏi thế ông bà định chuyển khoản cho Ale nhiêu? thế Ale có tài khoản riêng rồi thì Na có thể lấy thẻ tín dụng hiện Ale đang dùng không? Thế Ale đi học rồi thì phòng của Ale ai dùng? La có thể lấy cái bảng của Ale không?

Khóc một hồi con Lila có vẻ mệt, nó vừa hạ giọng từ gào khóc tru tréo thành khóc ti tỉ, thì tự nhiên con Na kêu ầm lên “Ối thế lúc Lila cũng đi học đại học nốt thì Anna còn một mình à”. Thế là cả hai chị em nó lại thành một giàn hợp xướng tu tu lên tiếp.

Khóc một hồi ngực áo và một bên vai của thằng anh ướt đẫm :-))))))

Trong lúc hai con em khóc lóc mùi mẫn drama thì thằng anh vừa cười tủm tỉm vừa ôm em vừa vỗ vỗ lưng em an ủi. Nhưng chỉ sau vài phút, tay thằng anh vỗ lưng em bắt đầu chậm dần chậm dần, mắt bắt đầu có vẻ gà gà. Có vẻ nó sắp ngủ gật đến nơi rồi giời ơi. Trong khi con em thì vẫn úp mặt lên ngực anh khóc lóc lu loa mồm tuôn ra hàng tràng dự báo sến sẩm. Tình cảm với cái lũ thô sơ tiền sử này là vô ích con gái ơi.

Video: khi mẹ có con, mẹ chẳng biết làm gì cả. Mẹ không biết nấu ăn cho trẻ con, không biết trải một cái giường êm ái, không biết mặc cho con đủ ấm đủ mát, không biết hạ sốt… Thank you for your patience while I learnt to be mom... Mẹ yêu con to the moon and back and forth and back and forth and back…

Tuesday, January 30, 2024

30/1/2024

Sau đợt lễ, tủ lạnh lại đầy trứng cá muối và thịt càng cua Kamchatka được biếu tặng, hai món đặc sản nổi tiếng của Nga. Cả nhà ngoài ngài và thỉnh thoảng là con Na, còn lại không ai đụng tới.

Nước Nga đất đai mênh mông, nguồn nước dồi dào, tài nguyên rừng biển phong phú, khoáng sản phong phú. Phải mỗi cái tội lạnh hầu như quanh năm. Vì hầu như toàn sở hữu các vùng biển lạnh nên là thủ phủ của trứng cá muối. Trứng cá hồi gọi là salmon roe, còn trứng cá tầm là caviar. Có rất nhiều loại trứng cá muối, nói chung đều có giá trị cao và do đó hay bị làm giả. Làm giả ngay cả với trứng cá hồi vốn không thuộc loại vô cùng đắt đỏ gì. Còn caviar hảo hạng thì siêu đắt, giá có thể lên đến vài trăm usd cho một hộp nhỏ xíu. Cho vào miệng, cảm giác từng viên trứng cá tan chảy, bùi béo ngậy ngon đủ cả nhưng thơm phức và vị rất nhẹ nhàng thanh tao, rất êm trong cổ họng chứ hoàn toàn không có mùi tanh xóc lên của cá.

Nói vụ trứng cá, hồi còn ở Dubai có lần vợ chồng mình được mời tới ăn tối ở nhà một đại gia Ấn độ. Hai vợ chồng họ vừa hoàn thành biệt thự nội thất hàng hiệu, hào hứng lôi mình ra vườn khoe bể bơi mosaic Versace vừa lát xong. Lúc thực khách vẫn còn đang ngồi quây quần tán chuyện, phục vụ mang ra một khay bánh mỳ phết bơ với trứng cá hồi chắc cho khách đỡ buồn mồm trong lúc đợi giờ ăn tối. Ở xứ nóng như Dubai, trứng cá hồi cũng đã có thể gọi là một món sang. Mình đang đói nên nhanh nhảu lấy một lát bánh mỳ và hấp tấp ăn luôn. Cắn vào rồi không dám nhả ra vì sợ thất lễ, đành phải ăn hết. Trứng cá rởm. Các đại gia Dubai rất nhiều tiền nhưng rất ít người biết ăn và biết mặc. Uống thì mình không biết uống nên cũng không biết họ có biết uống hay không.

Cách đây mấy tháng, vợ chồng mình đến một nhà hàng ăn tối. Văn phòng thị trưởng họ mời từ hơn một năm trước mà mãi mới thu xếp đi được. Bữa tối đủ thứ sản vật trên trời dưới đất vòng quanh thế giới, mỗi món được thiết kế theo phong cách tranh của một họa sĩ nổi tiếng. Mỗi món được dọn ra thì cũng đồng thời trên tường và trên trần nhà chiếu các bức tranh nổi tiếng của họa sĩ, trên nền một bản nhạc trữ tình lãng mạn nào đó. Người Nga họ lãng mạn phết các cụ nhá. Khách ngồi quanh một chiếc bàn hình vòng tròn. Mỗi cặp khách có một bồi bàn riêng giải thích từng món một. Sau mỗi món bồi bàn đều thay trang phục để phù hợp với chủ đề của món tiếp theo. Bát đĩa cũng được thiết kế hợp chủ đề từng món. Mỗi concept bữa tối như vậy nhà hàng sẽ dùng trong khoảng 2 năm liên tiếp rồi mới thay concept mới. Đặt bàn vô cùng khó vì mỗi lần nhà hàng chỉ nhận 10 cặp khách.

Mọi việc đang tiến triển thuận lợi, thực khách trầm trồ khám phá hành trình ẩm thực. Đến món cuối cùng có caviar, mình nếm vào một phát bỏ luôn. Caviar rởm. Chắc nhà hàng họ nghĩ đã dự buổi ăn tối như thế thì chả ai dại gì mà từ chối rượu; và sau gần 3 tiếng, khi đã ăn 6 món kèm 6 loại rượu khác nhau chưa kể các món và đồ uống khai vị lúc chưa ngồi vào bàn, thì ai cũng say say tây tây rồi nên có kết bằng món cuối có caviar rởm thì cũng chả biết đấy là đâu. Nhưng bọn này nó không biết là mình không chạm vào đồ uống có cồn từ lâu rồi nên nó phục vụ rượu ngon đến mấy mình cũng chỉ ngửi cái rồi mình thôi. Thế nên đến cuối buổi rồi mà mình vẫn tỉnh táo như thường chứ không say khướt như lũ còn lại.

Lại nói chuyện ngài, ngài vốn ghét ăn sò điệp mà không hiểu sao tối hôm đó cứ nhát cái lại thấy sò điệp. Đến lần thứ 3 thì con vợ ngài bắt đầu cười há há còn ngài thì bắt đầu nghêu ngao theo nhạc. Lúc đó bản nhạc đang chơi là Strangers in the night và ngài đu theo lải nhải Scallops in the night 🙄

Mải kể chuyện lan man nên giờ thì mình đã quên ban đầu mình định viết gì!

Anyway, Nga là xứ lạnh nên người Nga rất thích uống trà, đủ loại, lá lẩu hoa hoét nào với họ cũng thành trà. Quỹ đất họ nhiều, tuy hầu như phủ tuyết quanh năm nhưng đất phủ tuyết thì lại rất màu mỡ. Thế nên khi tuyết tan thì hoa bạt ngàn, rừng và đồng cỏ trong nháy mắt là thành trù phú xanh tươi. Do vậy người Nga còn có một đặc sản nữa là mật ong. Mình vốn không thích mấy loại trà chát xít kiểu ta hoặc kiểu Anh, ngoài việc làm ố răng thì còn làm con người tâm hồn mong manh nhạy cảm là mình đây nôn nao mất ngủ, nhưng đợt lễ tết vừa rồi được tặng mấy túi trà hoa và thảo mộc nhìn có vẻ hay hay. Mới lôi ra thử mỗi loại trà hoa đậu biếc. Pha lên xanh lè như mực Cửu long chắc không bổ ngang cũng bổ dọc. Cho thêm thìa mật ong rừng thơm nức hương hoa vào. Thằng con uống thử có vẻ thích. Lần nào mẹ muốn uống rủ nó uống cùng nó cũng gật cái rụp. Uống như này rồi răng lâu ngày có thành xanh lè phải đi tẩy răng không các cụ nhỉ? Dịch vụ tẩy trắng răng bên này có vẻ đắt. 600euro cho một lần tẩy trắng răng. Từ lâu lắm rồi mình không đi tẩy răng nhưng đoán có vẻ đắt gấp 3 lần bên Ý.

Friday, January 12, 2024

12/1/2024


Bằng giờ này năm ngoái mình đang stress đến mức gần đột quỵ. Rồi liên tiếp sau đó gần nửa năm mọi thời gian sức lực đều tập trung vào chuyện học hành của lũ con. Con được nghỉ hè thì mẹ cũng quay cuồng với khách cho thuê nhà. Đến tháng 9, lo cho con cái vào năm học mới, sắp xếp mọi thứ ổn định, mình lại về Ý mấy tuần để lo việc nhà cửa. Quay lại Nga, chân tay sứt sẹo, tóc tai xơ xác và người gầy như bộ xương, mình xoa tay hoan hỉ bảo với ngài “việc học hành của lũ kia ổn rồi, nhà cửa ổn rồi, năm đầu tiên vất vả đã qua rồi, từ giờ trở đi em sẽ là người đàn bà phù phiếm”. Đã tính toán khoảng thời gian trước mắt, events thì nhiều nhưng ít nhất cũng không phải chủ trì hay tổ chức buổi nào, tức là cứ ăn mặc đẹp vác xác đến dự xong rồi cắp đít ra về chứ không phải bận tâm vụ hậu cần. Phu nhân đại sứ mới mệt chứ lăng quăng như mình thì chỉ thế thôi.

Được đâu có 3 tuần, đại sứ phải chấm dứt nhiệm kỳ đột ngột vì đến tuổi hưu và Bộ không muốn gia hạn thêm. Đại sứ về nước thì phu nhân cũng phải về theo. Trước khi đi, bà ý gọi mình tới BÀN GIAO CHO MÌNH TOÀN BỘ. Mình choáng nặng nhưng vẫn tự an ủi thôi cố tí, bao giờ đại sứ mới sang thì mình lại bàn giao lại cho phu nhân đại sứ. Mặc dù với tình hình cấm vận như này thì chắc cũng lâu lắm hai nước mới thông được các thủ tục ngoại giao cho đại sứ mới sang nhậm chức. Mình đã xác định là đi toi luôn năm 2024 với đủ thứ trách nhiệm thêm thắt dồn lên đầu.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại một hồi thì mới thấy mình đã lạc quan tếu khi cho rằng chỉ vất vả nốt năm 2024. Bởi vì nếu đại sứ mới sang không mang theo vợ, hoặc độc thân không có vợ, hoặc có bạn trai, hoặc là nữ đại sứ, thì tức là mình sẽ bị kẹt cứng ở nhiệm vụ trưởng hội phụ nữ này cho tới khi xong nhiệm kỳ ở Nga. Cuộc đời cực nhọc do vậy đã thấy điểm dừng éo đâu.

Ngày đầu năm, vừa ngồi hì hục bóc một túi lựu to để làm nước lựu tranh thủ đang mùa lựu cho mấy bố con nhà kia, vừa lo ngay ngáy những việc phải làm trong năm 2024. Muốn lên cơn tăng xông vì lo, nhưng rồi lại nghĩ thôi mấy ngày này cũng chả ai làm việc, có lo cũng không giải quyết được gì, thôi hãy tận hưởng khoảng thời gian nhẩn nha bóc lựu này đi vậy. Đời giờ quá bất trắc, cứ phải bấu víu vào những điều nhất thời thôi vậy. Lựu mình ngồi co cẳng bóc, xay rồi lọc mất 2 tiếng. Nước lựu lũ kia uống bay trong vòng 1 phút, lại còn kêu sao mamma không bỏ bã như lần trước. Lần trước mình vò lựu bằng tay, nước lựu do vậy hoàn toàn không có bã. Lần này mình lười nên xay bằng máy, lọc qua rây lọc vẫn bị sót một ít bã mịn, cái lũ khôn mồm kia uống phát nhận ra ngay.

Giờ kể sang chuyện khác. Ở Ý có một giống muỗi gọi là muỗi hổ. Các nhà khoa học sau khi nghiên cứu thì bảo là muỗi hổ có xuất xứ từ châu Á, tìm được đường sang Ý qua ngả lốp xe. Ý là muỗi trốn trong các lốp xe, lốp xe được vận chuyển qua đường tàu biển đến Ý, thế là muỗi hổ đặt chân lên nước Ý. Cũng chẳng biết nghiên cứu của các nhà khoa học có chính xác không, vì các trào lưu khoa học thay đổi liên tục, nay đúng mai sai ngày kia lại đúng, chỉ biết muỗi hổ đốt cực kỳ dã man. Với người có cơ địa dễ dị ứng ngứa ngáy như mình, bị muỗi hổ đốt thì chỉ có duy nhất một con đường là đi mua thuốc bôi cho hết ngứa, mà phải bôi đúng loại thuốc đặc trị vết đốt của muỗi hổ. Không chỉ muỗi, con gì đốt cũng khiến mình khổ sở. Cách đây ít lâu mình bị hai con kiến lửa đốt, mình ngứa suốt 3 tuần không khỏi, cứ thỉnh thoảng lên cơn ngứa điên lên lại gãi sột sột. Trong khi ngài cũng bị lũ kiến đó đốt, thậm chí ngài còn dẫm nhầm lên tổ kiến và bị chúng nó a la xô nhào ra đốt chứ không phải mỗi hai con kiến con đốt rón rén như mình, thế mà ngài chửi thề toáng lên rồi gãi tí là hết ngứa, còn mình 3 tuần sau vẫn gãi vật vã và đến giờ vết thâm trên da vẫn còn, chả biết bao giờ nó mới biến đi cho. Có cơ địa dễ dị ứng thật là khổ.

Lại quay lại chuyện muỗi hổ, hồi tháng 10 mình về Salento, không hiểu chui rúc trong vườn thế nào mà bị muỗi hổ đốt luôn cho một nhát vào cánh tay. Ngứa ơi là ngứa nhưng bận chả có thời gian ra hiệu thuốc. Thế là lúc nào lên cơn ngứa quá là lấy tay bấm bấm vào nốt muỗi đốt, không dám gãi vì sợ để lại sẹo. Ai dè móng tay lúc làm vườn đen xì toàn đất, bấm vào nốt muỗi đốt thế là nốt muỗi đốt bị nhiễm trùng. Sau hơn tuần vẩy bong ra để lại cái sẹo to tướng bằng cái đầu bút chì.

Các cụ sẽ không bao giờ hiểu vết sẹo trên cánh tay kia làm con người phù phiếm như cún béo đau khổ đến mức nào đâu 😢