Monday, February 12, 2024

13/2/2024

Mấy hôm trước mình đi thăm một trại trẻ cưu mang giúp đỡ trẻ em mồ côi và trẻ em từ các gia đình khó khăn. Cả trại là một gia đình lớn chia thành các gia đình nhỏ mỗi gia đình khoảng chục đứa trẻ trong độ tuổi đi học. Mỗi gia đình nhỏ lại do một cô phụ trách, bọn trẻ gọi là mẹ. Buổi sáng các cô phụ trách này đưa trẻ đi học, trưa đón về thì cùng trẻ nấu ăn dọn dẹp, xong thì cùng ngồi học bài, tối lại cùng nấu ăn dọn dẹp. Có thời gian rảnh thì chơi thể thao, học các etiquette xã hội tối thiểu, học về văn hóa nghệ thuật, thậm chí được học thêm ngoại ngữ vv và vv. Cuối tuần trẻ nào có nhà thì bố mẹ đến đón về, sang tuần lại quay lại trung tâm. Trẻ nào mồ côi không có chốn đi về thì ở lại.

Đây là một trong số 7 dự án mình phải tìm được nguồn tài trợ. Thời gian mình chả có và mình đã vất vả nhiều năm nay, nói thật giờ chỉ muốn ngồi thở một tý chứ không muốn lo việc bao đồng chút nào. Nhưng rồi mình nghĩ, có những trung tâm như này thì những đứa trẻ gia đình không có điều kiện, cả bố cả mẹ phải đi làm, không thể chăm sóc theo sát con, vẫn được chăm sóc theo sát đầy đủ. Sau giờ học, không cần phải lêu lổng ngoài đường phố hoặc là bị bắt nạt hoặc đánh bạn với đám du thủ du thực rồi cũng thành du thủ du thực theo, hoặc ngồi trong những căn nhà tối tăm đánh điện tử bỏ bê bài vở. Rồi dù bố mẹ không có tiền cho con học thêm này nọ, nhờ những kỹ năng và kiến thức được dạy miễn phí, chúng nó vẫn được tạo điều kiện để khi vào đời có xuất phát điểm không quá khác xa so với những đứa trẻ thuộc tầng lớp xã hội có điều kiện hơn. Rồi nhiều gia đình nghèo lại hay có bố mẹ nát rượu, cục cằn, bạo lực, thậm chí tệ nạn. Những đứa trẻ này được sống cả tuần ở trại trẻ, chỉ cuối tuần mới về nhà, do vậy cũng được cách ly tương đối với môi trường gia đình độc hại.

Cha xứ kể với mình trung tâm vừa nhận một thằng bé khoảng 10 tuổi. Vô cùng khó bảo, cả trung tâm bó tay. Cha xứ mới ngồi xuống nói chuyện với nó, hỏi nó rằng thế ở nhà bố mẹ con làm thế nào để con nghe lời. Thằng bé trả lời cha phải dùng thắt lưng, bởi vì ở nhà muốn nó nghe lời thì bố nó rút thắt lưng ra quật...

Rồi mình lại nghĩ nếu ở VN mà có những nơi như này thì tốt quá. Thậm chí chỉ cần một hình thức rút gọn, kiểu như những bà những cô đã nghỉ hưu trong xóm nhận trông trẻ kèm trẻ học bài hoặc đọc sách, hoặc biết kỹ năng hoặc ngoại ngữ nào thì dạy thêm cho trẻ, hàng ngày, sau giờ chính khóa ở trường. Biết bao nhiêu những đứa trẻ ở VN hẳn đã khai phá hết được tiềm năng của bản thân hoặc tránh được con đường lêu lổng đích đến là du côn tệ nạn tù đày, nếu đã được bảo ban kèm cặp và tạo điều kiện…Mà thôi, việc này lớn quá nói bao nhiêu cho vừa.

Và thế là người đàn bà tuổi già ngấp nghé đang toan tính trở lại con đường phù phiếm là mình đây lại phải hít một hơi thật dài, gật đầu với những lời mời ăn tối để tăng quan hệ, và tại events thay vì mặt mũi lạnh lẽo thái độ xã giao tên và mặt của ai cũng không buồn ghi vào đầu thì giờ vô cùng niềm nở tươi tắn nhớ tên nhớ mặt thậm chí nhớ cả công ty, để còn tính đường xin xỏ!

PS 1: Hồi còn ở châu Phi, có lần một cô bạn mình kể hôm nay ở công ty một đồng nghiệp đang ngồi làm việc tự dưng bật khóc và xin thôi việc. Trong thành phố không có đủ nhà ở nên nhiều người phải thuê nhà bên ngoài. Vì hệ thống giao thông công cộng hiệu quả vừa túi tiền cũng không có nốt nên ai cũng phải tự lo lấy thân. Vì ai cũng phải tự lo thân như thế nên chất lượng xe cộ rất giời ơi, kiểu phun khói đen mù mịt hoặc đang đi tự nhiên bánh xe gẫy rời ra, chưa kể buổi sáng tắc đường khủng khiếp vì ai cũng phải nhao vào nội thành làm việc. Dân thì nghèo đói khổ sở bất tiện mà quan chức chính phủ ông nào ông nấy bụng cứ phệ như cái thùng phuy, vàng đeo đầy tay đầy cổ, thậm chí răng cũng vàng nốt. Mất công ăn bẩn mà nhìn vẫn không thấy dễ coi lên chút nào, thà trong sạch còn để được cái tiếng.

Kể nốt chuyện cô kia, để đến được chỗ làm đúng giờ, trời nắng trời mưa thế nào cô ý cũng phải để đứa con gái 5 tuổi của cô ấy ở cổng trường tại bốt bảo vệ lúc 5h sáng. Cô ấy vừa khóc nức nở vừa nói tôi để con bé lại cho người bảo vệ lúc 5h sáng nay rồi vội vã lái xe đi, ánh mắt nó nhìn theo tôi, tôi không chịu nổi nữa…Cô ấy bỏ việc không biết mẹ con có ôm nhau chết đói không chứ nhiều người bỏ việc là cả nhà chết đói. Do vậy họ cứ phải phó mặc con cái cho số phận như thế. Không biết có bao nhiêu đứa trẻ mà số phận có thể đã rất khác, nếu đã được bảo ban kèm cặp và đảm bảo an toàn về thân thể…

PS 2: Ở trại trẻ, mình tò mò nếm súp bắp cải. Mình không muốn ăn vào phần đồ ăn của bọn trẻ nhưng quá tò mò về món súp bắp cải mà trại trẻ mồ côi nào cũng phải có, trong các tiểu thuyết của các nhà văn châu Âu hồi bé từng đọc, nên phải ăn một thìa cho biết.

18 comments:

  1. Thật, việc này lớn quá nói sao bây giờ :(

    Thế súp bắp cải có được ko? Tui sợ mấy cái món súp của mấy bạn Tây lắm, chổ tui mấy bạn ấy nấu súp kiểu gì mà cái gì cũng bỏ vô nấu nát nhừ hết

    ReplyDelete
  2. Ở VN làng trẻ SOS trước đây mô hình thế này đấy em. Chị từng đi làm tình nguyện ở đấy. Nhưng chị về Mỹ hơn 20 năm rồi nên không rõ bây giờ thế nào.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hồi em ở nhà cũng có nghe làng trẻ SOS nhưng em chưa đến bao giờ. Những nơi như này có thể thay đổi số phận của bao nhiêu người. Trung tâm em kể trong bài, có những đứa trẻ ngày xưa được họ cưu mang, lớn lên thành người tử tế lại quay lại trung tâm tình nguyện giúp đỡ những thế hệ sau.

      Delete
  3. Trong khi đó con e thì sướng quá bme chăm từng ly từng tí đến mức nó mặc định là nó k làm đc thì cũng chẳng sao, kiểu j việc cũng xong. E nói sà sã mà chẳng chịu nghe, hm nay e điên quá e phải lôi ra đánh cho 1 trận. Ai đời đi học về cặp sách, áo khoác, mũ, giày dép nó rải 1 đường như lông ngỗng từ cửa vào đến phòng khách. Btvn thì kêu nếu làm sai đã có bố chỉ cho chỗ sai, rồi hơi tí thì kêu: I cant do it, rồi lăn ra khóc vì biết khóc 1 hồi sẽ có bố dỗ, sit down and talk xong lại đâu vào đấy.
    E bất lực vì k biết fai dạy con ntn, e cãi nhau vs chồng cũng chỉ vì việc này. Ck e thì kêu quan niệm dạy con của e là của vn, còn ở đây (Mỹ) thì fai tạo cho nó niềm vui trong học tập, phải encourage nó tự tin này nọ abc. Nghe nhức cả đầu mà 3 năm nay e để thả cho dạy theo kiểu của ông ấy( con e 7t) nhưng kqua là con e cứ càng ngày càng thụ động. Vừa bẩn vừa lười vừa dốt lại còn hay cãi hay dỗi hay khóc. Nhiều lúc e nghĩ e fail trong việc dạy con r, h đưa nó đến mấy trung tâm, trại trẻ mồ côi ntn k biết nó có đỡ hơn k chị nhỉ?? :-?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Xung đột giữa cách dạy trẻ con của phương tây, nhất là Mỹ, và cách dạy con của VN, là một vấn đề rất lớn, rất nhức đầu và rất phổ biến, không cứ mỗi gia đình em đâu em ơi.
      Nhiều khi mình nghe thầy cô ở trường khen trẻ con thớ lợ mà mình thấy chối hết cả tai. Mịe, vừa lười vừa bẩn vừa mải chơi học hành bết bát chả được cái nết gì mà vẫn khen mỗi đứa trẻ đều đặc biệt cho được. Đặc biệt thế thì có lẽ không đặc biệt lại hay hơn. Mỗi lần đi họp phụ huynh, ngồi xuống là chị nói ngay "các thầy cô đừng khen con tôi, hãy cho tôi biết chúng nó không được ở đâu để tôi còn giúp nó tiến bộ".
      Văn hóa tây khen và cho tự do quá nhiều, văn hóa của mình lại chê và kìm kẹp quá nhiều. Mình cũng nên biết điều đó để điều chỉnh em ạ.

      Delete
  4. Mô hình này mà ở VN, nhận trẻ còn phụ huynh-ph thì em nghĩ họ sẽ tìm cách lợi dụng chương trình như thế nào đó.
    Em từng đọc một chị kể bên cty chỉ có hỗ trợ cho bé gái (duy nhất lành lặn trong nhà có 3 anh trai bị khuyết tật do chất độc da cam) đi học. Được 1 năm, nhà đó mang bầu thêm bé thứ 5. Họ tìm hiểu thì ph sợ bé gái được đi học, rồi lập gia đình, rời khỏi nhà, sẽ ko chăm sóc mấy người anh bị khuyết tật nữa. Ph nhà đó đẻ thêm với hy vọng đứa bé thứ 5 lành lặn và ở nhà chăm sóc 3 anh bị tàn tật như bé gái trước khi được hỗ trợ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nếu mà mọi người đặt mục tiêu là cho bé gái đi học để có cơ hội có cuộc sống tốt hơn, thì miễn bé học hành chăm chỉ không phụ lòng tốt của mọi người, thì là được rồi em ạ. Còn tư duy của cặp bố mẹ kia thì không thay đổi được đâu. Đẻ 1 đứa thấy dị tật là đã phải dừng rồi, đây đẻ tận 3 và giờ là đến 5.

      Delete
    2. Dạ. Họ vẫn tiếp tục tài trợ để bé gái đi học ah. Nếu bé gái bị ph bắt nghỉ học thì họ ngưng tài trợ.

      Delete
  5. Mô hình này hay c ạ. Em cũng ao ước ở VN có mô hình như này. Tụi em 2vc ở quê ra phố, xa ông bà nội ngoại. Mẹ đi làm cả ngày nên con cái cũng đi gửi cả ngày ở trường. Nhưng trên trường thì ko dạy đủ kỹ năng như các trung tâm trại trẻ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Gửi được con cả ngày ở trường là tốt đấy em. Dù không được học thêm các kỹ năng này nọ nhưng ít nhất cũng không lêu lổng ở ngoài đường để bị bạn xấu lôi kéo. Môi trường sống ở đô thị như Sài gòn và Hà nội, nhiều khi ra đến cửa đã thấy không lành. Có phải ai cũng được ở khu dân trí cao, nhiều cây xanh, có gác cổng vv và vv đâu.

      Delete
  6. Ước ở Vn có em cũng cho con em theo (mất chi phí cũng đc ạ) hihi

    ReplyDelete
    Replies
    1. Có khi em thử tập hợp vài phụ huynh và hỏi trường xem họ có thể cung cấp dịch vụ này không, trẻ con sau giờ học thì có người kèm cặp dạy dỗ, trường cũng có thêm thu nhập.

      Delete
  7. Hồi trước có mô hình này đó chị ạ, k phải là SOS, mà là họ gom các ng già k nơi nương tựa về cùng với bọn trẻ, 1 gia đình sẽ có cả già cả trẻ, cả lớn cả bé như 1 gia đình, như vậy thì người già sẽ làm nhiệm vụ chăm sóc và dậy dỗ trẻ em, mỗi người 1 chân 1 tay. Việc dậy dỗ chuẩn thì có người phụ trách riêng, nhưng để bọn trẻ con và người già có tình thương, trách nhiệm thì em thấy giải quyết được nhiều hơn là làng SOS, vì làng SOS là trẻ em là nhiều thì phải.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Như này cũng hay, miễn những người điều hành phải từ tâm và trung thực. Như ở trung tâm chị kể trên kia, các cô phụ trách đều được trả lương nhưng việc điều hành là do các cha và các sơ làm.
      Hồi bé, chị ở trong một ngõ nhỏ trên phố Khâm Thiên. Hội nghiện hút rất hay tụ tập ở đấy. Chị thấy người lớn bảo tại vì hệ thống ngõ chằng chịt như mạng nhện nên công an có vào cũng không truy bắt được chúng nó. Thế tức là cứ bước chân ra khỏi nhà là rất hay phải nhìn thấy cảnh nghiện ngồi say thuốc hoặc bị vật thuốc. Nếu trẻ em cứ lang thang ra ngoài ngõ chơi kiểu đó thì rất dễ bị lôi kéo dụ dỗ bởi những thành phần bất hảo như thế. Muốn ngoan cũng khó.

      Delete
  8. Mô hình này hơi giống Làng trẻ em SOS ở Việt Nam ạ. Hơi giống vì ở Làng SOS là trẻ con mồ côi, chúng ở hẳn trong Làng. Một năm có 2 lần là Tết và hè, bé nào có họ hàng thì được đón về chơi mấy hôm. Em thấy những cơ sở an sinh như này quá tốt, giúp cho những đứa trẻ mồ côi được nuôi dưỡng, học hành, các em dù không quá thành đạt nhưng cũng có việc làm chân chính, không trở thành gánh nặng cho xã hội. Tiếc là ở Việt Nam có quá ít , có 17 Làng SOS và mỗi tỉnh/thành có 1 cơ sở do nhà nước cấp kinh phí.
    Em An.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ừ chị cũng nghĩ là quá tốt, nếu thực hành nghiêm chỉnh. Thay đổi được tương lai của bao nhiêu đứa trẻ. Nhưng chị nghĩ nhà nước cấp kinh phí chắc cũng là cấp tối thiểu, còn lại trung tâm có khi vẫn phải tự thân vận động đi xin tài trợ ở các nơi ý nhỉ?

      Delete
    2. Tổ chức SOS quốc tế có trụ sở ở Áo đã xây dựng được hơn rất nhiều làng SOS ở nhiều quốc gia. Ở Việt Nam có 17 làng SOS ở 17 tỉnh thành, toàn bộ kinh phí nuôi và học hành của trẻ em do tổ chức SOS tài trợ toàn bộ ạ. Mấy năm gần đây nguồn tài trợ SOS ít đi thì ngân sách thành phố hỗ trợ thêm. Như thành phố em ở có 1 làng trẻ em mồ côi nữa do ngân sách thành phố tài trợ toàn bộ. Hai đơn vị này không đi xin tài trợ đâu ạ, mà thỉnh thoảng có các nhóm thiện nguyện hỗ trợ thức ăn, bánh kẹo, gạo … Em An

      Delete