Sunday, May 30, 2021

Ça va sans dire

Chuyến bay hồi hương có số ghế như muối bỏ bể. Lòng tôi đau như cắt khi nhìn thấy những gương mặt đồng bào lam lũ lo lắng, ánh mắt tuyệt vọng. Từng biển người tràn tới các phòng vé hy vọng giành giật được một chiếc vé hiếm hoi về nước, tháo chạy khỏi cái xứ sở nghèo mạt rệp cả thành phố vài triệu dân mà có không nổi 10 cái máy thở và bệnh viện tồi tàn luôn đông như kiến này, khi dịch bệnh chết người đã hiện hữu rất gần. Đường về quê mẹ ngày thường tưởng gần mà giờ hóa xa diệu vợi.

Tôi thở dài, lòng tôi đã quyết. Suất vé giành cho đại sứ và gia đình sẽ được dùng để đổi lấy sự hân hoan trên những gương mặt đồng bào đang nhàu nhĩ vì lo lắng và tuyệt vọng kia.

Tôi trở về tư dinh đại sứ mái ấm thân yêu, trái tim trĩu nặng. Hàng dừa và hàng hoa giấy thường ngày thân thuộc lộng lẫy giờ bỗng trở nên xa lạ. Nhìn mặt vợ TRẺ DỊU HIỀN XINH ĐẸP và đàn con ngoan ngoãn ánh mắt thơ ngây, lòng tôi nhói lên. Em yêu, tha lỗi cho anh. Con yêu, tha lỗi cho cha. Trọng trách trên vai cha quá lớn, làm sao lo ấm thân mình khi đồng bào lâm nguy và tổ quốc kêu kíu. Đau lòng quá Italia ôi, đau lòng quá Ghana ôi…

Trên kia là cún tôi đang cố gắng viết văn theo phong cách của ông đại sứ Châu. Tuy nhiên viết được vài dòng tự ngửi lại văn mình thấy mùi nó sao sao. Thời dịch bệnh, người ta cần những lãnh đạo có cái đầu lạnh chứ không phải những tiểu thuyết gia tranh thủ ông Châu ơi.

Quanh đi quẩn lại thì tui cứ thích chồng tui. Hơi ngáo ngơ và gần đây còn đeo thêm răng giả nên mất răng suốt ngày và từ sáng tới tối hỏi trên dưới chục bận răng anh đâu, nhưng đứng chờ cả đêm ngoài sân bay để trợ giúp công dân, gọi những cuộc điện thoại khó khăn, đấu tranh bằng được với chính quyền sở tại để bảo vệ công dân thấp cổ bé họng, lấy tiền riêng cưu mang nuôi ăn ở người cơ nhỡ, nhường vé ưu tiên của bản thân và gia đình cho những người cần kíp hơn, từng ấy năm ở nước ngoài không nhớ nổi đã bao lần rút tiền túi mua vé máy bay hồi hương cho công dân hoạn nạn, và cứ thỉnh thoảng ở ngoài đời lại có người khi nghe tên thì đến cảm ơn rối rít “mi ha salvato la vita”, mà chưa từng nghe hé một lời với ai, chứ đừng nói lên mạng kể lể. Nhiệm vụ ăn lương thì phải làm, hàng ngày cũng hưởng đủ thứ ưu đãi rồi, đến lúc có việc thì dốc sức là bình thường chứ làm gì căng.

Về vụ răng giả, thật ra thì không phải răng giả. Một hôm lão bảo sức khỏe lão có vấn đề nên sùng sục đi khám bác sĩ. Bác sĩ sờ nắn một hồi thì ban cho lão cái vòng niềng răng. Mình nhìn thì thấy nó y như cái niềng gọi là invisalign nhưng lão cứ gọi tắt là răng. Lúc ăn tháo răng, ăn xong lại lắp vào. Uống cà phê cũng tháo răng, uống xong lại lắp vào. Lúc tranh luận đến hồi quyết liệt cũng tháo răng, tranh luận xong lại lắp vào. Tháo ra lắp vào nhiều quá nên cứ thỉnh thoảng răng lại biến mất tiêu. Sáng trước khi đi làm, vợ ơi răng anh đâu. Cả ngày ở chỗ làm, thỉnh thoảng lại điện thoại vợ ơi anh có để quên răng ở nhà không. Tối về lại điệp khúc răng đâu rồi em có thấy răng không.

Bình thường đã kính lão anh đâu kính râm anh đâu kính lái xe của anh đâu chìa khóa nhà chìa khóa xe máy chìa khóa ô tô anh đâu điện thoại anh đâu ví anh đâu, giờ lại thêm răng anh đâu. Mà tần suất mất răng dày đặc hơn tất cả những cái kia cộng lại.

PS: phong lữ thảo trên cửa sổ, lúc mình đi bông nào bông nấy tròn xoe và to hơn quả bóng tennis. Lúc mình về hoa chỉ còn bé như quả bóng bàn. Hỏi cả tuần ông tưới mấy lần? Giọng lưỡng lự (chắc thậm xưng quá thì trái lương tâm mà thật thà quá thì sợ bị mắng) “Anh tưới…một lần rưỡi”. Giời ơi, tưới hoa, một thì là một mà hai thì là hai, số lần phải là số nguyên, chứ lại ra số thập phân một rưỡi là sao hả giời???

Ảnh: vườn hoa đồng nội trên quẳng cáo và vườn hoa đồng nội thực tế. 

Sunday, May 23, 2021

Kể chuyện hoa hồng

Hồi lâu lâu có em nhắc tên hoa hồng Bạch Vân Khôi, mò trên mạng thì nó nguyên thủy chính là Souvenir de la Malmaison, một loại hoa hồng Bourbon. Thế là mua ngay về trồng. Souvenir de la Malmaison thơm diệu kỳ, đứng cách vài mét cũng ngửi thấy mùi thơm.

Trong vườn có em hoa hồng Đức, hoa chùm, từng bông nhỏ xinh hồng nhạt nhìn thanh nhã như một bông hồng Nhật. Tức là em người Đức nhưng lại giống người Nhật, em là hoa hồng, nhưng lại tên là hoa nhài, và khi nở ra lại có mùi táo xanh. Đời có cần phải phức tạp vậy không hả drama queen?

Trước giờ mình cứ tưởng hồng Anh hồng Pháp là đẹp nhất. Hóa ra hồng Đức cũng đẹp vô cùng. Hồng Anh mình mua của nhà David Austin, vô cùng hài lòng. Hồng Pháp mua của nhà Meilland, chả hài lòng cây nào. Hồng gửi tới bé tí, dáng xấu, cây gì mà lại hai cành tõe ra hai bên đâm ra mọc cứ là là sát đất, nhìn vô lý ầm ầm.

Trời vừa mưa xong, hửng nắng nhẹ. Lũ thằn lằn trong mưa trốn đâu giờ thấy bò ra nằm sưởi nắng trên mấy tảng đá. Dưới bóng cây hoa hồng, bóng nắng rung rinh trên đầu, đá ấm, gió phe phẩy, chỉ nằm chơi đồ ăn cũng chạy/bò/bay qua trước mặt, rồi gặp nguy hiểm chỉ việc trốn biến vào một cái hang mát rượi nào đó, chưa kể thỉnh thoảng các cánh hồng thơm lại rụng lác đác xung quanh nhìn thật là thơ mộng. Nhưng nằm dưới Tolbiac thì mới thơ mộng, chứ nằm dưới Azubis thì cũng không thơ mộng lắm. Hồng tím Azubis nở ra to như cái bát, đến tàn cũng không rụng cánh. Mình cắt hoa tàn ở trên, cả bông hoa to tướng nặng trịch rụng cái phịch xuống lũ thằn lằn bên dưới, chúng nó chạy trối chết.

Ngài gọi điện bảo em bày bàn để thợ ảnh đến chụp. Mình bảo em nhiều việc lắm rồi không làm được đâu. Từ nông dân chân lấm tay bùn giờ phải biến hóa thành tiên nữ thanh cao thoát tục chân tay sạch sẽ rảnh rỗi bày bàn, ngài nói cứ như chuyện đùa. Ngài không đả động gì đến chuyện đó vài hôm rồi lại gọi điện than vãn em ơi, sách viết xong rồi, các bàn ăn khác cũng xong rồi, chỉ thiếu mỗi bàn nhà mình, mà có gì đâu, em bày hai cái đĩa là xong. Ối, có hai cái đĩa thì bày đặt chụp ảnh làm gì cho mất công. Nhưng tác giả quyển sách họ đã nói khó thế chả nhẽ mình lại cương quyết từ chối. Thế là buổi chiều cuối cùng, thay vì được ngồi ngắm hoa trong vườn như kế hoạch ban đầu, thì mình phải chạy xuống hầm mở từng thùng đồ. Đồ để đấy từ 5 năm nay không mở ra, tìm muốn toét mắt mà cái thấy cái không, thôi đành biến tấu nhà có gì bày nấy. Rồi phải lấy đồ bạc ra bảo chị giúp việc chùi cho sáng, lấy đồ đơn giản thôi chứ đồ lắm vân lắm khía ngồi chùi cả tiếng thời gian đâu, rồi là khăn trải bàn, thực chất là biến tấu từ khăn trải giường vì khăn trải bàn lại để ở Rome. Đĩa lót cũng để ở Rome nên đĩa phải đặt trực tiếp xuống bàn. Rồi chạy ra vườn cắt hoa hồng vào cắm thì cái lọ, chả hiểu do thời gian lâu hay do độ ẩm dưới tầng hầm, các gọng nhựa gãy rời ra. Lại phải lấy dây thừng tết lại. Mình có một kiểu lọ vô cùng lợi hại, có thể cắm tất cả các loại hoa cành cong queo nhỏ yếu. Đó là loại lọ nhỏ và dài như ống nghiệm. Lady of Shalott mà không có loại lọ này thì cắm vô cùng vất vả.

Thế, ban đầu ý tưởng là bày bàn ăn trong vườn, chủ đề La vie en rose, với Richard Ginori, đồ bạc, hoa nắng nhảy múa trên khăn trải bàn trắng tinh, nền là dậu hoa hồng đang mùa nở rộ và cỏ xanh tháng năm, mà cuối cùng trời nổi gió lộng, có khả năng cuốn toàn bộ khăn khố bát đĩa cốc chén tuốt ra đồng, thế là lại phải mang hết vào trong nhà bày lại từ đầu. Chỉ là bày bàn tối thiểu mà mất mấy tiếng đồng hồ chạy qua chạy lại. Thế mà ngài nói cứ nhẹ hều như mang hai cái đĩa đặt cạch xuống bàn là xong.

Ps: Ngoài cái thân hình ba vòng bằng nhau của lũ thằn lằn nhìn không được thẩm mỹ lắm, thì mình thấy làm thằn lằn cũng đâu có tệ. Đời có lo âu sầu não gì như loài người?

Friday, May 14, 2021

15/5/2021

Các cụ tha cho em kia nhé. Trên mạng thì thôi bàn tán, ngoài đời gặp thì cũng coi như không biết. Có những việc với mình bỏ qua hay tiếp tục thì cũng như nhau không được gì chả mất gì, còn đối với người ta việc được mình bỏ qua là cơ hội để họ được sống yên ổn. Vậy thì mình bỏ qua, miễn họ đừng tái phạm. 

Cún hành tẩu giang hồ mười mấy năm, chưa bao giờ xoá những gì mình viết. Nhưng lần này mình sẽ tạm ẩn những entry kia. Em kia hãy nhớ, entry chỉ tạm ẩn. Bất cứ lúc nào, nếu cần, chỉ ấn publish là nó lại hiện lên, và cả những comments khẩn nài hiện chưa đăng lên của em. 

Cún đang ở dưới miền Nam. Chuẩn bị đến mùa khách vào nên nhiều việc phải làm. Nhóm khách đầu tiên rất VIP, đến bằng máy bay riêng, mà chị giúp việc lại mới nên mình phải đích thân mò xuống. Cứ chuẩn bị sẵn sàng thế thôi chứ phút cuối lại huỷ vì covid thì cũng phải chịu thôi. Tranh thủ vừa làm vừa ngắm hoa hồng thì cũng được vậy. 

Tháng năm, hoa hồng nở tung toé. Em hồng vàng này đứng ngay gần bếp, thế nên có của ngon vật lạ nào là em được xơi trước. Lần cuối cùng đứng cạnh em uống sữa, cứ tao một ngụm mày một ngụm. Không hiểu có phải nhờ thế mà em nở tíu tít như này không. 

Tháng năm, anh túc đỏ rực rỡ. Dọc đường xe chạy, anh túc chen chân với cỏ lau, nhìn chỗ nào cũng ra Monet. Hôm qua lang thang ra một góc vườn bỏ hoang, bất ngờ thấy anh túc cao nghều. Mình cho em mimosa bé bỏng ăn để em lớn nhanh. Anh túc ngay gần đó chắc cũng  tranh thủ ăn luôn. 

Con mèo đen trắng béo ú không biết mình đã đến từ trưa hôm qua. Sáng nay nó vẫn đi tuần trong vườn như thể tất cả là của nó, bụng béo quét đất ❤️

P.S: entry trước có chị bảo blog mình đang bị cảnh báo đỏ deceptive blog. Thỉnh thoảng bạn bè ở VN cũng bảo blog bị chặn không vào được. Có khi mạng có vấn đề, vài ngày là hết thôi. 

Sunday, May 9, 2021

9/5/2021

Mỗi năm một lần thành Rome lại vào mùa hoa tử đằng. Tử đằng nở tím trên tường cổ, hàng rào, thậm chí trên cả ngọn cây. Những cây tử đằng cổ thụ.

Vườn mình ở Salento, mọi năm ông làm vườn bỏ bê nên tử đằng ra hoa lèo tèo lác đác. Nói thì đổ tại cây nhỏ nên không có hoa. Năm nay ngay từ hồi còn trong mùa đông mình đã cặm cụi nhổ cỏ quanh gốc, thêm đất, bón phân, và bắc thang lên cắt cành khô lá úa. Xuân đến, cây to cây nhỏ hoa tưng bừng từ gốc lên đến tận ngọn.

Thế là đã qua thủy tiên tháng 2, mơ mận lê đào tháng 3, tử đằng tháng tư. Giờ đợi hoa hồng tháng 5, cẩm tú cầu và mẫu đơn tháng 6. Rồi oải hương, gaura, thược dược sẽ liên tục nở cho đến tận tháng 10. Mùa đông thì đã có hoa cúc.

Mình hồi trước không thích geranium, không biết tiếng Việt gọi là gì. Hoa hoét gì ngửi mùi đã muốn chạy mất dép, đuổi được muỗi thì đuổi luôn cả người. Nhưng năm ngoái, lúc đang bị cấm cung vì covid, tự dưng mở một video về nước Ý ra xem. Trên nền nhạc Volare, máy quay từ từ lia quanh một ban công tuyệt đẹp nhìn ra biển, có khi là dải bờ biển Amalfi xanh ngọc nổi tiếng của nước Ý. Ban công rậm rì hoa lá, và ôi cái màu hoa geranium đỏ ám ảnh trên nền lá xanh lục, bắt nắng lại càng đỏ đến ám ảnh lên. Quả không hổ danh là loài hoa được ưa chuộng nhất trên các ban công của xứ Địa Trung Hải.

Hôm nọ, đang lái xe quanh co giữa một vùng cây lá vào xuân đẹp như tranh, thì nhìn thấy một vườn ươm. Bước vào có tí ngỡ ngàng. Vườn ươm bé tí, tiêu điều, đồ đạc lỏng chỏng bụi bặm, cây cối lèo tèo chậu chết chậu héo, người bán chả thấy đâu, có mỗi lũ mèo nằm sưởi nắng. Nhưng đúng lúc mình đã lui xe ra đến tận đường thì lại thấy một cụ già tóc bạc phơ lọm cọm từ đâu đi ra, đứng nheo mắt nhìn theo xe mình mãi. Tự dưng thấy ái ngại. Vườn cụ tiêu điều thế này thì làm sao cạnh tranh nổi với những vườn ươm to đùng cây cối san sát nhân viên đi lại nườm nượp đầu đường đằng kia. Thế là quyết định tuần sau quay lại mua giúp cụ mấy chậu hoa. Hoa mua về, cắt tỉa những chỗ héo, trồng vào đất đã xới kỹ, tưới bón đầy đủ, thì chả mấy chốc lại rộn ràng kém gì những chậu hoa ở mấy cái vườn ươm sang xịn mịn kia.

Tuần sau đến, chả thấy cụ già đâu. Thay vào đó là một anh cao to như một bức tường, đầu trọc tếu ra. Thấy mình ngoáy ngoáy tay trêu con mèo, anh ấy kể bố của con mèo đó chuyên có trò đợi khách hàng đến mua hoa mở cửa xe là nó lẻn vào nằm ở băng ghế sau. Khách mua xong lên xe đi nó cũng chẳng buồn nhảy xuống. Khách nhiều khi đang lái xe vô tình nhìn vào gương chiếu hậu thấy con mèo to đùng nằm đó, hoặc về đến nhà mở cửa xe mới phát hiện ra, lại phải chở nó quay lại trả. Cứ thế nó cũng đi du lịch được vài chuyến vòng quanh thế giới. Lúc đang bưng đám hoa vừa mua ra xe, tự dưng mình nhìn thấy cái xe phân khối lớn trên có dán một biểu tượng đầu lâu đen dựng ngay đấy. Mình quay sang hỏi “tại sao anh lại có biểu tượng này?”. Anh ấy cười hiền khô “à, tại vì tôi là thành viên lực lượng đặc nhiệm châu Âu. Tôi vừa đi làm nhiệm vụ đêm qua về ra thẳng đây giúp bố bán hàng”.

Anh ấy cho mình xem ảnh hồi được điều đi chiến trường Afghanistan, Syria, kể chuyện Guantanamo nơi anh ấy đã đến hai lần. Mấy ông đặc nhiệm chống khủng bố này khi làm nhiệm vụ ngoài áo giáp chống đạn các kiểu thì kiểu gì cũng phải trùm cái mũ che hết mặt mũi chỉ hở hai mắt. Thế nên nhìn ở ngoài hiền khô thế thôi chứ ăn vận đeo vũ khí vào trông nguy hiểm chết người, chắc có thể xách cổ người thường lên như xách một con nhái.

Chở lũ hoa về, thấy vui vui. Chỉ là muốn mua giúp cụ già mấy chậu hoa, không ngờ có cuộc gặp gỡ thú vị. Lại mua được cả mấy cái chậu gỗ thông sơn xanh lá anh ấy tự đóng. Về nhà, bỏ lũ hoa geranium đỏ chói vào, gật gù đắc ý với cảnh quan xanh xanh đỏ đỏ rồi ra cắt bỏ những chỗ héo, và cả những chỗ cháy xém chắc bị lũ mèo đái vào.

Đợi bọn La Na đi học về kể cho chúng nó chuyện con mèo thích đi du lịch, chúng nó cười ngặt nghẽo và lại tranh thủ xin mẹ một con mèo...

P.S:

- Cô có chồng rồi à? Chồng cô người Ý hay người nước nào?

- Chồng tôi người Ý

- Vậy là…cô yêu người Ý?

- Hoặc có thể người Ý yêu tôi…

Ngồi viết entry này mới nhớ ra, người biết ta đeo nhẫn, vậy mà ta lại không để ý xem ngón tay người có đeo nhẫn hay không???

Ảnh chụp góc vườn nhà cậu bạn ở Florence. Tường vàng và diên vĩ tím.