Tuesday, March 31, 2015

Những cái hiên nhà

Tôi thường chú ý tới những cái hiên nhà. Những cái hiên nhà vắng vẻ, lúc nào cũng có một vẻ đìu hiu cô độc không lý giải nổi…

Hồi lớp 9, có một dạo trong lúc lũ bạn chơi đùa vào lúc nghỉ tiết, tôi hay đứng một mình nhìn ra ngoài cửa sổ. Ngoài cửa sổ có hàng dâu da xoan. Đôi lúc, một đứa bạn nào đó sẽ bỏ chơi chạy đến đứng cạnh cùng, cùng nhìn ra ngoài cửa sổ. Nhưng có vẻ nó chẳng thấy điều gì thú vị nên chỉ đứng cùng một tí nó lại chạy đi chơi mất.

Tôi cứ thích đứng ở cửa sổ nhìn ra ngoài không phải vì tôi mơ mộng bên khung cửa sổ gì đâu, mà chẳng qua từ cửa sổ nhìn xuống dưới, qua hàng dâu da xoan, tôi thấy một mái nhà lụp xụp. Thuở đó mái nhà nào chẳng lụp xụp, nhà ai mái bằng đã gọi là khang trang lắm. Dưới mái nhà lụp xụp đó có một cái hiên. Cái hiên có mấy cái cột cáu bẩn. Trước cái hiên là khoảng sân nhỏ. Cả cái hiên và khoảng sân đều nhom nhem. Có thằng bé cũng nhom nhem hay chơi một mình. Thằng bé làm tôi nhớ đến hai thằng em tôi. Chắc chúng nó cũng hay phải chơi một mình như thế. Thưở đó người lớn bận lắm.

Thằng bé không phải lúc nào cũng chơi một mình. Thỉnh thoảng còn thấy cả một con chó. Chó ta chứ không phải chó tây chó kiểng gì đâu. Thằng bé và con chó có vẻ rất thân nhau.

Thế, tôi hay đứng bám song cửa sắt, hóng qua hàng dâu da xoan xuống cái hiên nhà vắng hoe, buồn thiu, có thằng bé con hay chơi một mình cùng với một con chó vàng và thỉnh thoảng còn có cả một cái thau nhôm meo méo. Chẳng thấy bóng người lớn bao giờ. Tôi tự giao cho mình nhiệm vụ trông thằng bé con chơi, tự cảm thấy mình gắn bó với nó, dẫu nó chẳng bao giờ ngước lên để thấy tôi đang tì trán vào song cửa sổ nhìn xuống nó. Hôm nào không thấy nó, bụng tôi bồn chồn băn khoăn lắm…

Thế rồi… thú thật là chẳng nhớ từ khi nào tôi quên bẵng thằng bé kia, không trông nó nữa. Chắc chắn đã lại có điều gì mới mẻ cuốn tôi đi mất…

Tôi thường chú ý tới những cái hiên nhà. Nhìn thấy một cái hiên nhà cô độc, tôi sẽ bước tới và nhẹ nhàng ngồi xuống. Như bản năng. Như khi lòng mình vắng tanh. Như khi chân mình mỏi mệt. Như khi rất muốn đợi một người…

Dẫu rằng có thể chẳng mấy chốc sẽ lại có một điều gì mới mẻ cuốn tôi đi mất.

Hoặc cuốn người đi mất…

Thursday, March 26, 2015

Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha

Dubai cả tháng nay đã mấy lần bão cát, bão bụi, chẳng có mấy ngày trời trong. Sống ở xứ sa mạc mới hiểu bão cát là khủng khiếp nhất. Mưa gió bão tuyết còn trốn trong nhà được, chứ bão cát trốn trong nhà đóng cửa cũng không thoát. Mặt bàn, mặt ghế, giường, sàn nhà, quần áo trong tủ, thậm chí cả cái bàn chải đánh răng, cũng phủ một lớp bụi. Người ngợm ngứa ngáy, ho hen. Đi ra ngoài, gặp hôm bão cát mạnh, cát quất cho rát mặt và không mở nổi mắt. Đường phố mù mịt bụi. Nhà cao tầng mọi khi sừng sững, máy bay bay qua bay lại như mắc cửi, giờ biến đâu hết, chỉ còn lại một màn bụi khổng lồ. Khu mình ở còn đỡ chứ đi về phía sa mạc, nơi đất vẫn còn trống, chưa được phủ xanh nhiều, thì còn thảm họa hơn.

Ngay đợt bão cát đầu tiên, ngài đã lăn ra ốm. Ngài ốm thì mình khổ lắm. Nào là ngày xưa anh ốm mẹ anh cho anh ăn như này như này, giờ em nấu mì trắng là giống mẹ anh rồi nhưng phải dùng loại mỳ nhỏ hơn chứ không được to như này, thịt gà không được tẩm ướp gì chỉ đưa lên nướng không thế thôi, không, anh ốm anh không ăn rau, đừng mời, rồi trà chanh trà gừng trà mật ong pha cho anh đi, rồi gọt hoa quả dâng lên tận miệng, và phải canh giấc ngủ cho ngài bằng cách luôn mồm nhắc bọn trẻ con không được làm ồn. Ngài ngủ thin thít như thịt nấu đông luôn cho 3 ngày như thế, chỉ nhỏm dậy để ăn. Chưa kể, tay ngài cầm khư khư cái nhiệt kế, cứ vài phút lại đưa lên tai đo một lần. Nằm ngủ thì cái nhiệt kế để ngay cạnh, thỉnh thoảng lại vùng dậy đo. Mình thấy tình hình có vẻ nghiêm trọng thì quả cũng hơi lo, bèn lấy nhiệt kế đo cho ngài xem sốt bao nhiêu độ. 37 chấm 1 độ!!!

Sau 3 ngày thì ngài chịu hết nổi. Ngài tuyên bố chắc ngài bệnh nặng lắm vì sốt đã mấy ngày không khỏi và tức tốc gọi bác sĩ đến khám. Bác sĩ đến, mình bảo “chồng tôi sốt tận 37 chấm 1 độ bác sĩ ạ”. Bác sĩ nhịn cười đỏ hết cả mặt. Mình cũng đã bị một vố với ngài mấy tháng trước mà mình quên, ngài làm ầm lên là ngài ốm nặng sốt cao lắm, mình lập cập lấy nhiệt kế ra đo thì ra kết quả 37.3 khiến mình chưng hửng. Thế này nếu ngài toàn sốt 39, 40 độ giống bọn trẻ con chắc mình phải gọi cứu thương đưa ngài vào khoa hồi sức cấp cứu ý nhể.

Ngài hết ốm thì đến lượt bọn trẻ con ốm. Toàn ho hen vì bụi. Bọn trẻ con chưa hết ho hen chảy mũi thì đến lượt mình ốm. Lúc ốm thì mình mới phát hiện ra ngài đã chén sạch số kẹo bạc hà chữa đau họng của mình, vứt lại mỗi cái vỏ hộp trống trơn. Toàn thấy ngủ mà ăn lúc nào hết nhanh thế nhẻ??? Gặp bác mình thể nào bác mình cũng bảo “ốm ăn”. Giờ mà hỏi “sao anh ăn hết kẹo của em?” thì lại bị ngài bảo “Em chả yêu anh gì cả”. Thế nên là thôi mình âm thầm mang cái vỏ hộp đi vứt.

PS cả ngày đã quần quật mà đến tối, hò mãi con vẫn lấy cớ lượn vòng vòng không chịu đi ngủ, mình điên quá quát ầm lên. Ngài ngồi chóc ngóc ngay đấy can thiệp lập tức “Bình tĩnh, thư giãn, lạc quan lên, mọi chuyện sẽ ổn hết”. Người ốm một cái là rên như cha chết, nằm ngủ cho tận 3 ngày cơm bưng nước rót tận miệng, lại đang dạy đời người cũng ốm bỏ mợ ra mà chẳng được nằm rốn trên giường phút nào rằng thì là mà phải sống bình tĩnh thư giãn lạc quan lên mọi chuyện sẽ ổn hết, nghe có ngược đời không hả hả hả???

Ảnh; Mấy hôm nay trời nóng như đã sang hè. Lôi váy hoa ra mặc. Manolo Blahnik. Và Bvlgari au thé vert.

 

Friday, March 20, 2015

Những cây cọ vùng Địa Trung Hải, những cây ô liu vùng Salento



Và 6700 cây của Hà nội.

Mấy năm trước, bạn nào sống ở các nước vùng Địa Trung Hải sẽ biết, không hiểu có một thứ dịch bệnh nào đó mà tất cả những cây cọ đều lần lượt chết hết, lá xuôi xị xuống, héo úa dần và cuối cùng chết hẳn, để lại thân cây cụt ngủn.
Thế mà cây cọ ở câu lạc bộ của bộ Ngoại giao không hiểu sao vẫn rất xanh tươi. Tôi có tò mò hỏi một người ở đó, thì họ bảo tôi rằng người ta đã cứu cái cây đó bằng cách khoét một lỗ từ trên đỉnh cây sâu vào trong ruột và hàng ngày dẫn thuốc vào đó. Cái cây đó cũng đẹp nhưng không phải cổ thụ hoành tráng gì cho cam. Nghe xong thú thật là tôi suýt thốt lên “ở nước tôi đến người còn chẳng được như thế”.
Hai năm trở lại đây, ở vùng Salento, ở tít gót của chiếc ủng nước Ý, cũng có một loại dịch bệnh đang giết chết dần những cây ô liu, gây ra bởi một loại ve/vi khuẩn nào đó gọi là Xylella. Cây ô liu nào bị bệnh sẽ mục từ trong thân, từng vạt lá vàng tướp ra như bị cháy, lá cuộn xoăn lại, rồi chết. Salento là vùng đất rất màu mỡ, nhiều nắng, nhiều gió, là địa danh sản xuất dầu ô liu nổi tiếng của nước Ý. Những cây ô liu vùng Salento sinh trưởng hàng trăm năm trong điều kiện cả nắng và gió đều mạnh, thân cây có hình thù vặn xoắn rất kỳ quái, làm nên nét đặc trưng rất nên thơ cho vùng đất vẫn còn rất nguyên sơ này. Ai đã đến vùng Salento sẽ biết, cảm giác đi ngang qua một vườn ô liu cổ thụ, mỗi gốc cây sần sùi như kể một câu chuyện mà đời người quá ngắn để chứng kiến được sự bắt đầu cũng như kết thúc, trong cái tĩnh lặng của đất trời, bỏ xa những bon chen mệt mỏi thị thành, là một cảm giác thư thái không thể diễn tả được. Mỗi cây ô liu từ một số tuổi hay kích cỡ nhất định trở lên sẽ được vào danh sách quản lý của chính quyền, được coi như tài sản công, cấm chặt phá. Tôi thậm chí còn nhìn thấy người ta mở rộng đường, buộc phải lẹm vào một vườn ô liu cổ thụ, họ nhổ cây lên và trồng lại lùi vào trong.
Lại quay trở lại loại dịch bệnh Xylella nói trên, chưa có giải pháp nào khả thi và người dân thì rất xôn xao lo lắng. Chính phủ thì ban bố tình trạng khẩn cấp, đang cố gắng để tìm ra giải pháp chữa trị và hôm qua đã duyệt chi ngân sách mười mấy triệu euro để tiến hành các biện pháp khắc phục đồng bộ. Với họ, Salento không còn cây ô liu thì chẳng khác nào Vatican không còn Chúa và các vị thánh thần.
Hà nội với tôi, thiếu đi những hàng cổ thụ đó, thì cũng như Vatican không còn Chúa và các vị thánh thần. Hàng ngày, ở những nơi mà tôi đặt chân tới, tôi nhìn thấy những cái cây mọc nghiêng được dựng cọc để đỡ cho khỏi đổ, những bức tường xây chừa ra những cái lỗ cho cành cây chui qua mà không phải chặt, những cái cây đã đổ mà còn thành địa điểm thăm quan vì là chứng tích lịch sử, và cả cái cây cọ lùn xoẳn được chăm bẵm uống thuốc hàng ngày kia nữa. Vậy mà các ông hạ béng những cái cây bao năm tuổi xuống cũng ngon lành gọn nhẹ như ngày xưa các ông hô hào cướp giết đấu tố. Rồi sau này nhận ra sai lầm, rằng có giải pháp khác cứu cây giữ cây chứ không nhất thiết phải chặt cây đi, thì các ông sửa sai thế nào?
Hay là các ông thừa biết những hàng cổ thụ này chỉ còn là cái vỏ, rễ đã bị các ông chặt hết từ lâu từ những lần chặt chém đào bới vỉa hè, chỉ cần gió mạnh là đổ, sớm muộn rồi cũng đổ, nên cưa luôn đi để tránh lúc cây đổ lại bị dân chửi?
Tôi không ước điều xấu cho ai, các ông ạ. Nhưng tôi cứ ước những lãnh đạo như các ông chết mịe hết đi cho đỡ chật đất. Để rồi dẫu lũ con cháu các ông sẽ lên làm lãnh đạo, dẫu chúng nó thừa hưởng gene tham lam vơ vét chỉ số thông minh thấp của các ông, nhưng dù sao chúng cũng được đi học nước ngoài (dù bằng tiền các ông ăn cắp), đầu óc chúng nó cũng đỡ tăm tối hơn các ông, những người từ rừng, từ ruộng, từ bưng, từ biền, từ nông dân ba đời ăn củ chuối, mà một bước chân lên làm lãnh đạo.
Nhưng mà chẳng biết làm cách nào cho các ông chết nhanh lên được, các ông cứ sống sờ sờ ra đấy.

Ảnh lấy từ Internet; một nẻo đường ô liu ở xứ Salento thơ mộng.

Wednesday, March 18, 2015

Những bình nguyên Kazakh

Tôi không thích núi, không thích biển, tôi chỉ thích bình nguyên. Những bình nguyên rộng dài dưới chân, nắng trải, và hoa dại bạt ngàn. Bình nguyên là để một mình.

Tôi không thích ngày nắng, những ngày nắng chói quá. Không thích ngày mưa, những ngày mưa ảo não quá. Tôi chỉ thích những ngày âm u gió thổi.

Bình nguyên và gió là để cho những con cừu đơn độc.

Tôi có một ước mơ, đến những bình nguyên Kazakh, vào mùa hoa Edelweiss nở.

Ngài rên lên “trời ơi, muốn xem edelweiss thì lên biên giới Ý Áo chứ sao phải đi đâu…”.

Nhưng còn những cô gái Kazakh mắt xếch du mục, mái tóc đen dữ dội và cặp chân dài tít tắp???

Edelweiss, edelweiss, you look happy when you meet me…

Monday, March 16, 2015

17/3/2015


Hức, mình bắt đầu nghĩ cái món tiếng Ả rập vẽ nhăng vẽ cuội này có lẽ là hơi quá sức cho người phụ nữ già cả như mình.

Hôm nọ con bạn còn rủ tham gia vào dàn đồng ca. Nghe nó hót một hồi thì mình đồng ý lon ton đến nghe thử. Khiếp, các chị tập Requiem của Mozart hay bài gì gì đó mình chả nhớ tên, ngồi có nửa tiếng nghe bè soprano hát mà nhức hết cả đầu. Nghe được 10 phút thì trong đầu mình chỉ còn ong ong mỗi một chữ “mèo bị sập cửa vào lưng, mèo bị sập cửa vào lưng, mèo bị sập cửa vào lưng”. Có chị soprano, người ta ngồi hát thì chị ấy đứng hát, vừa đứng hát vừa tranh thủ làm vài động tác ballet rất không liên quan. Cách giáo dục nặng về khuyến khích ca ngợi của bọn tây khiến bọn chúng có một sự tự tin nhiều khi không ai hiểu nổi.

May đời cho mình, về nhà ngồi bình tâm nghĩ lại, thì quyết định không tham gia. Tuần đã hai buổi tiếng Ả rập, mỗi buổi 1 tiếng rưỡi, cộng thêm cả thời gian đi về, thế là toi mịe nó của tôi 5 tiếng, cộng thêm cả thời gian tự học, thế là tổng cộng cũng phải 7 tiếng một tuần của tôi rồi, ít ỏi gì đâu. Chưa kể thời gian đưa đón con học hành và ngoại khóa, học bài cùng con, đi chợ, nấu nướng, nhà cửa, events. Tóm lại, làm người cũng không nên vất vả quá.

Lại nói chuyện học hành, đúng là ngày xưa còn trẻ, não còn khỏe, đầu óc lại chẳng vướng bận gì, học đâu nhớ đấy. Giờ tìm được thời gian cầm quyển sách lên đã khó, ngồi im một lúc học cho liền mạch còn khó hơn. Vì đang học thì lại nhớ ra, ô ngày mai ông con trai có trận đá bóng mà đôi tất quên chưa giặt, ô cái áo con gái nghịch rách cả nách rồi phải khâu lại chứ không nó đi học về không có áo mặc, à quên chưa ướp thịt cho bữa trưa, quên chưa rã đông đồ nấu bữa chiều, lại còn con bạn gọi điện mà quên chưa gọi lại, mấy messages chưa có thời gian trả lời vv và vv. Tóm lại, cứ đứng lên ngồi xuống liên tục không tập trung được nên nhìn chữ Ả rập lại càng giống nhìn đít nồi.
Hồi lâu lâu mình ăn phải cái gì mà tự dưng lại muốn tỏa sáng bằng trí tuệ vậy ta???
 

Sunday, March 8, 2015

God blast u



6 rưỡi tối rước cậu ấm đi tập karate về tới nhà, chạy vào bếp bắc nồi nước để luộc mỳ và cho món ratatouille vào lò nướng. Rau củ cắt và ướp dầu và muối từ trước lúc đi, và lò nướng thì đã dặn cô Rất bật lên sẵn. Sau đó chạy lên nhà lùa La và Na vào nhà tắm. Trong lúc chúng nó đang vừa chơi vừa ngâm nước cho bở thì mình tranh thủ trả lời mấy cái emails, sau đó vào tắm gội cho hai cô con gái. Xong xuôi thì hò ông con vào tự tắm trong lúc mẹ cắt tóc cho hai em. Cắt xong mình gọi cô Rất lên sấy tóc cho chúng nó còn mình chạy xuống bếp nấu bữa tối. Mỳ carbonara, rau củ nướng lò, cà chua organic ngọt lịm cắt miếng nhỏ rắc muối hồng Himalaya và dầu olive extra virgin cold pressed, tráng miệng dâu tây chả biết có ngọt không nhưng chín thơm lừng. Đúng 7h30 bữa tối sẵn sàng. Cô Rất cho bọn trẻ ăn tối còn mình co cẳng chạy lên nhà  trang điểm mặc quần áo. Bình thường nếu có ít thời gian thì mình mặc váy, hôm nào có nhiều thời gian hơn tí thì mặc quần, vì mặc quần thì sẽ mất thêm thời gian chọn áo, trong khi mặc váy thì tròng cái váy vào người nhoắng cái là xong. Tại hôm nay nổi hứng bôi thêm bóng mắt nên không có thời gian mặc quần, đành phải mặc váy. Thế, đúng 7h45 nội trợ đã váy vớ ô tráp tề chỉnh lóc cóc đi ăn tối. Oải quá mà vẫn phải đi.
Đấy là còn chưa kể trong 1 tiếng ngồi chờ ông con tập karate mình đã tranh thủ làm được gần hết bài tập của mình. Chẳng là nội trợ tàn nhưng không phế một hôm đẹp trời nổi hứng quyết định đi học tiếng Ả rập, mặc dù từ xưa tới nay ghét nhất những ngôn ngữ vẽ chữ. Lớp đầu tiên chậm như rùa, cô giáo hồn bướm mơ tiên chim cá lá gái, mình ngồi sốt hết cả ruột toàn phải tranh thủ làm việc khác. Được một thời gian chán quá bỏ luôn, chuyển sang lớp của đứa bạn. Mỗi tội lớp này người ta đã học từ 5 tháng trước nên giờ nội trợ phải cong đít đuổi theo, và cả buổi học ngồi dỏng tai nghe không dám bỏ sót lời vàng ý ngọc nào của cô giáo, mà vẫn ù ù cạc cạc. Đúng là số vất vả cứ cái gì khó là trước sau sẽ đâm đầu vào. Chồng bảo vợ là con điên.
Lại trở về buổi ăn tối, đại gia self made trong lĩnh vực sòng bài, được mời chào mua rất nhiều sòng bạc ở châu Á nhưng đại gia thích châu Phi hơn, đệ tử cuồng nhiệt của Ferrari, có cô vợ mặt giống hệt Eva Longoria nhưng thân hình thì như người mẫu. Ngay bàn bên cạnh thấy có cả cô Jessica Alba ăn tối cùng một đám bạn. Mình cứ tưởng cô Alba da nâu hóa ra trắng bóc. Cô vợ đại gia cứ trầm trồ khen cô ấy đẹp mà mình từ xưa tới nay chả thấy cô ấy đẹp ở chỗ nào. Hội diễn viên người mẫu này nhìn trên ảnh toàn long lanh hơn ngoài đời thật. À ở buổi ăn tối gala cách đây lâu lâu, mình thấy một cô không cao lắm nhưng đẹp ơi là đẹp, nhìn mấy lần mà không hiểu đã thấy cô ấy ở đâu, mãi mới nhớ ra cô ấy là người mẫu Cara. Cô Cara này là một trong những trường hợp hiếm hoi ngoài đời đẹp hơn trên ảnh rất nhiều.
Tối nọ phải đi nghe hòa nhạc. Cậu nghệ sĩ Fedeli chơi đàn violin rất hay. Cũng may chứ mình cả ngày tất bật, tối đến mệt bỏ mợ lại phải ngồi im nghe nhạc dở nữa thì ngủ gật là cái chắc. Fedeli là nghệ sĩ duy nhất đã từng có cơ hội chơi 25 chiếc violin Stradivari trong số 50 chiếc ít ỏi còn sót lại trên thế giới. Mỗi chiếc đàn do nghệ nhân Stradivari tạo ra đều được đặt tên. Chiếc violin tối đó cậu ta chơi tên là Bazzini, 300 năm tuổi.
Đang ngồi nghe nhạc nghiêm túc thì tự nhiên mình nhớ ra một đoạn hội thoại bà bạn không biết sưu tầm được ở đâu post lên facebook. Đã thế còn có câu bình luận cuối bài “he was asking for it”, mà diễn nghĩa ra thì là “đang yên thì cứ thích dây vào cơ”. Thế là mình phải cố lắm mới không phá lên cười thành tiếng. Chết dở không, đằng sau là bao nhiêu người. Cuối cùng may quá mình nảy ra cách để một bàn tay hờ hững lên trên miệng, vừa che được cái mồm đang cười toét ra lại vừa có một vẻ chăm chú tư lự thục nữ thả hồn theo tiếng nhạc. Quả là thượng sách.
Ngồi gò lưng học tiếng Ả rập mới được có mấy buổi mà đã thấy lưng mình hình như bị gù đi. Chân cong, lưng gù, bụng ỏng, đít beo, à còn quên vụ tóc bạc chi chít đầy đầu. Haiz, đời thật là khó sống.

Sunday, March 1, 2015

Party five

Mẹ thấy con ranh nằm im, thở đều đặn, bèn kiểm tra bằng cách hỏi “mẹ yêu em khủng khiếp lắm, em có yêu mẹ không?”. Chỉ thấy cái cổ tay gầy gầy đen đen ngoáy lên một cái, không thấy tiếng trả lời. À, thế tức là ngủ say rồi nhóe. Bọn Lê La Na nhà này nếu ngủ chưa say mà mẹ hỏi thế thì thể nào cũng cố gắng thều thào “có”, hoặc chí ít cũng phải cố gật đầu một cái. Còn nếu chỉ ngoáy được mỗi cái cổ tay tức là ngủ say ngất ra rồi. Thế là mẹ ngồi dậy lẻn đi mất. Bao nhiêu việc đang đợi mà nó cứ bắt nằm ôm nó cho nó ngủ. Mình thì sốt hết cả ruột mà nó thì cứ líu lo khua khoắng. Nhưng nó mà mới chỉ gà gà ngủ mà mình đã lẻn đi thì nó biết ngay, ngồi nhỏm dậy liền, thế là xôi hỏng bỏng không lại phải nằm xuống cho nó ngủ lại từ đầu.

So với cái hồi em còn gân cổ cãi đám bạn của Lê La khi chúng nó chê em bé chúng nó chẳng thèm chơi cùng “You have to play with me because I am big, I am a to đơ lơ ” và khi chúng nó bảo toddler vẫn bé và vẫn không thèm chơi cùng em thì em phá đám bằng cách chạy tới kéo tụt quần từng đứa một, thì giờ em của mẹ ngoan hẳn rồi, ngoan ấn tượng luôn ý. Mặc dù cứ sểnh mẹ ra là cái mồm liến láu phát ngôn rành rọt của em chăn dắt không từ một ai. Mấy cô giúp việc đến lau dọn nhà theo giờ cách đây lâu lâu, khách khứa của bố mẹ, bạn bè của em ở trường, mấy người làm trong nhà, thậm chí cả bác sĩ đến khám cũng bị em chăn dắt nốt.

Việc học hành của em nghe chừng rất bết bát. Không biết số, chữ cũng không nốt, tô màu lem nhem, vẽ người thì toàn que là que. Mẹ thú thật với cô giáo “con tôi đây là lần đầu tiên đi học, và hoàn toàn mù chữ chứ không được học trước ở nhà”. Bụng quả cũng hơi mong mong cô bảo “không sao, nó thông minh nên tiếp thu nhanh lắm”. Hóa ra cô chỉ reo lên “ô, hèn chi” và giao cho mẹ nhiệm vụ về dạy em số. Thế là mẹ tẽn tò về dạy em số. Nhưng dạy toát mồ hôi em không thuộc vẫn hoàn không thuộc. Mẹ vừa nói bã bọt mép, dứt mồm cái là em quên ngồi híp mắt cười hi hi. Sau mấy buổi như thế, mẹ điên quá than thở với bố “con Anna nó có trí nhớ của một con ruồi”. Chẳng là những con ruồi hình như chỉ nhớ được mọi sự trong vòng 2 giây thì phải, chính vì vậy cứ vừa đánh đuổi xua đi chúng nó lại quay lại lập tức, mẹ nhớ trong một tạp chí khoa học nào đó người ta nói thế.

Số má em chả nhớ gì được, nhưng em đã sáng tác ra vài kiểu viết fancy rất hay, trong đó phải kể đến số 5, em viết xong còn phải ngoáy thêm vài cái râu trang trí quăn tít, mà em gọi là “party 5” vì em thích party, mà đã viết chữ trang trí party thì phải viết cầu kỳ chứ không thể viết chân phương như ở lớp được. Đi kèm với niềm say mê party là niềm say mê quần áo. Váy áo của mẹ cái nào màu sắc rực rỡ một tý là em vuốt ve mơn trớn “Cái vái nài điẹp kờ-óa, bao giờ Ang na lớn mamma cho Ang na”. Còn đi ra ngoài với mẹ, cứ chỗ nào có quần áo sương sa hạt lựu hồng hồng tím tím là em sà vào xuýt xoa ôi chao điẹp quá. Mẹ thỉnh thoảng lại phải thở dài với bố “con bé này thẩm mỹ có vấn đề”.

Em học thì khí dốt nhưng hình như thể dục thể thao em lại khá. Em dặn mẹ phải đến trường xem em thi đấu thể thao. Mẹ nói thật là đến lấy lệ thế thôi chứ cũng chẳng hy vọng cô con gái lùn xoẳn đen đúa làm nên trò trống gì. Thế mà trong khi bạn nó có đứa còn vừa chạy vừa tụt cả quần, có đứa thì chạy chéo cánh sẻ qua tất cả những đường chạy và va vào tất cả những đứa còn lại, có đứa người ta chạy xuôi thì nó chạy ngược khổ thân cô giáo phải co giò chạy theo túm lại, thì con gái mình nhanh như cắt toàn về nhất. Cái dáng nó chạy trông chân tay cứ bươi bươi thế mà nó về nhất giời ạ. Tất cả gần chục trò chơi thể thao bày quanh sân, trò nào nó cũng về nhất. Đi học về nó bảo cô giáo khen Anna trước cả lớp, chỉ khen mỗi Anna thôi.
Mẹ thương cái em bé da đen mồm móm học vào tai nọ ra tai kia nhưng lại giỏi thể dục thể thao của mẹ quá đi mất.


Ảnh; Ngọc Hà Richard ơi chị muốn hỏi em, dưới tán thông dày thế này cẩm tú cầu có mọc được không, nhất là phía bên trái ảnh dưới gốc thông rất ít ánh sáng vì bị tán che hết, và cành thông lá thông rụng dày đến mức chết hết cả cỏ bên dưới?