Sunday, January 22, 2017

Nhảm

Trong vườn nhà tôi có đôi cu gáy. Những ngày trời mát tôi hay ăn sáng và ăn trưa ngoài hiên, thỉnh thoảng lại thấy đôi cu gáy sóng đôi nhau đi lẫm chẫm ở lối đi trong vườn. Tôi thường ngắm chúng đến tận lúc chúng đi hết một dọc lối đi. Khu vườn của tôi, có 2 con chim xanh biếc hay đứng rỉa lông trên cây bàng thỉnh thoảng lại làm rụng một cọng lông cũng xanh biếc xuống dưới cỏ, và nhất là nhờ đôi cu gáy màu nâu quấn quýt tình cảm, đáng yêu và yên tĩnh vô cùng.
Nhưng chúa tể của muôn loài thì phải là sư tử chứ không phải là một đôi cu gáy, giời ạ.
Mở face book tính xem có ai đăng ảnh chợ hoa ngày tết thì cho tôi ngó cái, ai dè nhan nhản toàn ảnh đôi cu gáy Obama. Nhiều người thật ngây thơ, thích não tình thì mở phim tâm lý tình cảm lên mà xem, chứ ai lại cứ đi rần rần ca ngợi lãnh đạo tình cảm với vợ, và chê cái ông Năm Trăm Đô kia bụp xoẹt chém to kho mặn không cầm tay vợ, không hôn tay vợ, không nọ không kia, tức là không tốt bằng, tức là sẽ là thảm họa, tức là đếm ngược ngay từ bây giờ để chóng đến ngày 500$ có mái tóc đáng bàn cãi của tôi phắn khỏi vị trí bao người mơ ước.
Việc mọi người cứ tung hô hành vi cu gáy của nhà Obama làm tôi phì cười liên tưởng rằng có bà vợ khen chồng chả thấy khen gì chỉ khen mỗi khả năng viết chữ đẹp. Là tôi chắc chắn tôi sẽ tức khắc nghi ngờ ông chồng này bất tài, bất lực, cũng chả thương yêu đỡ đần vợ con, nếu không thì làm sao bà vợ cứ tảng lờ những đức tính chủ chốt của một đức ông chồng mà lại cứ tập trung vào khả năng viết chữ đẹp có cũng nên mà quên cũng thôi.

Tôi thích nhất một câu tôi đọc được chả nhớ ở đâu và cũng không nhớ chính xác, chỉ nhớ đại loại “Đất nước này tiến lên phía trước bởi những người thắng cuộc can đảm và cả bởi những người thua cuộc nhưng biết thua trong danh dự”. 500$ đã thắng. Đủ trò đã giở ra với ông ta và đều không thể thay đổi được thực tế đó. Vậy thì, nếu là một người biết thua trong danh dự, thì hãy lặng yên cho ông ta làm việc, chứ cứ phá cho hôi thế này thì chỉ chứng tỏ trên đời có một cơ số người nói thì rất hay, cứ như sắp thoát phàm đến nơi, nhưng làm là rất dở rồi đây.

Nào giờ thì tôi trả lời câu hỏi của một bạn về vụ anh 500$ của tôi ra khỏi xe một cái là cùn cụt bước thẳng lên chào vợ chồng cu gáy Obama để cho bà vợ giày cao gót khụng khiệng trèo cầu thang một mình, và thế là dân tình được thể tung hô nhà kia còn anh hứng cả rổ comment chê bai chửi rủa làm tôi xót anh không chịu được.
Thứ nhất, trong lễ tân ngoại giao, ai cũng hiểu là authority first, country first, nam nữ gì ở đây. Điều này thể hiện ngay từ chỗ ngồi trong xe. Trump ngồi ở vị trí quan trọng nhất, tức là ghế sau và không ngồi ngay sau lưng tài xế. Xe đi vào đâu cũng phải cố chỉnh hướng để vị trí này nằm ở curb-side, tức là mở cửa bước ra là lên vỉa hè hoặc vào sảnh luôn chứ không phải vòng đầu vòng đít xe để đi vào. Thế, big boss ngồi chỗ đó, vợ có yêu đến mấy cũng xin mời ngồi sang bên kia. Đi vào gặp chủ nhà/chủ tiệc, chồng đi trước vợ ý tứ đi sau, chứ không phải vợ xông xông đi trước cho ra dáng nữ quyền để chồng le te đi sau. Authority first, country first, ai thích ngôn tình sến sẩm nữ quyền thì đừng chọn chồng có chức tước.
Thứ hai, người phục vụ đã mở cửa xe là mình phải nhanh chóng mà bước ra, chứ không phải vì vợ phải đi vòng nên mình cố câu giờ bước ra chậm tí là vừa. Đã bước ra khỏi xe rồi, nếu host đứng ở xa hoặc đứng tít bên trong chưa thấy mình thì còn có lý do đợi vợ dắt vợ rồi hai người cùng bước vào. Đây hai vợ chồng Obama đứng ngay trên đầu cầu thang, cửa xe vừa mở có khi đã nhìn lom lom chào đon đả và cười tít mắt ngay, thì Trump chẳng có cách nào ngoài bước ngay lên đáp lễ cả. Trump đợi vợ tức là bắt tổng thống và phu nhân tổng thống phải đứng trơ ra đợi mình. Ngoài ra, theo tôi Obama và vợ thay vì đứng ngay trên đầu cầu thang như thế thì nên đứng lùi lại một chút, đủ để khách bước hẳn lên khỏi cầu thang mà vẫn còn chừa một khoảng cách thoải mái để bắt tay. Chứ đứng gần xịch ngay đầu cầu thang như thế tức là buộc khách chưa lên tới nơi đã phải ngửa mặt bắt tay mình. Trump cao còn đỡ chứ gặp người khác thì chắc chỉ đứng đến rốn vợ chồng nhà đó là cùng.
Mọi người cứ ca ngợi chị Obama chứ theo tôi chị ấy xử lý vụ hộp quà Tiffany rất vụng. Chị ấy loay hoay lúng túng như con mèo đuổi cái đuôi và cuối cùng là giúi luôn cho anh chồng mang vào nhà cất. Chồng chị là tổng thống, muốn cất quà mời chị tự chạy vào trong nhà mà cất. Thậm chí nếu không muốn hộp quà hiện trong ảnh thì khi chụp ảnh chỉ cần một tay cầm hộp quà và đưa ra sau lưng mọi người là ổn, đằng nào tay chị chả quàng chéo lưng người bên cạnh cho thân ái. Là vụng chứ cứ đôn anh chồng vào vai gallant bất đắc dĩ làm cái gì.
Như vậy là trong thảm cảnh gặp gỡ chào hỏi bắt tay trao quà và cùng dìu nhau đi vào này thì nhiều người thiên vị ca ngợi nhà Obama và dìm nhà Trump quá mức. Yêu ghét gì thì cũng phải chuyện nào ra chuyện đó chứ.

Giờ thì tôi tán nhảm về đại sứ Mỹ tại Hà nội. Việc của một ông đại sứ không phải là ngồi trà đá, ăn mắm tôm đi lễ chùa và mua đào quất. Việc đó là việc riêng của ông. Ông có làm thì cũng chỉ là sở thích cá nhân ông. Mà những vị đại sứ khác không làm thì cũng không có nghĩa họ làm nhiệm vụ của một đại sứ không giỏi bằng ông. Trừ khi ông nhận nhiệm vụ từ Bộ Ngoại Giao Mỹ bắt ông phải diễn cảnh dân dã hòa đồng thân thiện để chiếm cảm tình dân Việt, đặng từ đó dụ chúng ký được vài hiệp định mà thông thường bọn cộng sản cứng đầu kia chúng nó không chịu ký. Nhưng tôi ngờ khả năng này lắm. Tôi cho rằng khả năng cao hơn là ông cũng thích thú với việc lên báo, lại gặp dân Việt ngố nghỉnh ông và chúng gặp nhau như cá gặp nước. Ai nói là ông lê la vì sở thích cá nhân chả muốn ai biết, tình cờ có thằng nhận ra ông chụp trộm ông rồi tự ý mang đi đăng báo hoặc nó năn nỉ quá ông đành đồng ý tôi chả tin. Nói một cách công bằng, ông làm thế là quyền ông, ông đồng ý đăng, báo đồng ý đăng, túm cái quần lại chả ảnh hưởng đến ai, ai không thích thì khỏi đọc. Nhưng vấn đề không phải là ông, vấn đề là dân mình nhiều người không phân biệt được cái nào là trọng yếu cái nào là râu ria, cứ rung động như lần đầu biết yêu, hoan hô rầm trời một sở thích không liên quan. Dẫu rằng đó là sở thích của một ông đại sứ hẳn hoi.

Thôi chúc các bạn ăn tết vui vẻ. Tôi cũng đánh đu quấn được vài cái nem. Hôm nay tôi ăn hết một nửa, mai tôi ăn nốt. Thế là tết tôi nhịn. Năm nay tây lông nào mà Happy Chinese New Year các bạn thì đề nghị các bạn ghi nhớ để năm sau chúc chúng nó “Merry French Christmas” cho tôi. Nếu tây lông là người Pháp thì các bạn nhớ đổi French thành Italian.

Monday, January 16, 2017

16/1/2017



Năm tôi 14, 15 tuổi, một đêm, đang ngủ say sưa thì tôi chợt tỉnh giấc vì tiếng ho của bà.
Chắc bà đã ho từ lâu lắm rồi. Phải ho lâu lắm rồi thì mới đánh thức được cái đứa đang tuổi ăn tuổi ngủ như tôi. Bà cứ ngồi ho mãi vào cái bô nhựa màu xanh. Tôi tò mò chạy ra ngó thì thấy bà đã ho ra một nửa bô máu. Anh họ tôi lúc đó cũng thức giấc, từ phòng bên kia chạy sang. Hai anh em mắt xanh lét nhìn nhau. Bà cấm anh em tôi không được mách cậu tôi sợ phiền cậu. Cậu tôi làm bác sĩ. Tôi dại dột, bà bảo gì tôi làm nấy.
Được mấy ngày sau thì cậu tôi biết, tôi không nhớ do tôi hay anh họ tôi chịu không nổi gánh nặng lương tâm nên phải làm trái lời bà. Cậu giận lắm. Cậu mắng tôi “ngu lắm ý” vì không báo cậu ngay. Tôi nghe xong đứng khóc. Anh họ tôi bất bình thay cho tôi. Anh họ tôi bảo “Bà ho lâu thế mày trẻ con còn dậy, làm gì có chuyện bác H không nghe thấy”. Bác H là bác ruột tôi, nằm ngủ ngay đấy nhưng không hiểu sao không nghe thấy.
Bà tôi phải nhập viện. Bà bị ho lao. Nghe đến chữ lao với lây là cả nhà sợ. Người lớn cấm tiệt trẻ con không vào thăm bà. Bác trai tôi phân công nhiệm vụ rõ ràng “Tao trông ban ngày, con G trông ban đêm”. Bác trai tôi khó tính nhưng được cái thương vợ con, việc nặng nhọc nguy hiểm là xung phong làm, không để vợ con đụng tay tới. Tôi không có vấn đề gì. Tôi là cháu cưng của bà, bà ốm tôi không vào ngủ với bà thì ai vào.
Thế là chiều tối, cơm nước xong là tôi vào viện với bà, thay ca cho bác. Tôi ngủ cùng giường với bà. Việc cũng chẳng có gì, chỉ cần đêm bà dậy ho hoặc đi vệ sinh thì đỡ bà, hoặc khi cần thì đi gọi bác sĩ trực. Trong viện mọi người đi ngủ sớm. 7h30 là đã tắt đèn ngủ hết. Tôi phải mang sách vở ra ngoài ban công học nhờ ánh đèn đường. Mấy bác bệnh nhân nằm cùng phòng với bà thương tôi lắm, các bác bảo “Cháu cứ để đèn mà học”. Nhưng tôi ngại, cũng chỉ để đèn đến 8 rưỡi tối là cùng, vì các bác toàn người có tuổi, ai mà ngủ được khi phòng sáng trưng thế kia. Thế là sau 8h30 tối tôi lại mang sách vở ra ngoài ban công học. Ban công của bệnh viện nào đó tôi quên tên, nhìn xuống một con phố nào đó của Hà nội. Thưở đó Hà nội 8h tối là đã yên tĩnh lắm.
Một bác dâu tôi ở Nam Định lên thăm bà, hăng hái xung phong vào viện ngủ. Sau một đêm bác tôi sợ chạy mất dép sau khi thì thào vào tai tôi “Khiếp đêm qua có ông ho như gà gáy tao sợ quá chả ngủ được”. Thế là tôi lại đạp xe vào trông bà hàng đêm như trước. Bác tôi lớn tuổi mới mất ngủ chứ tôi trẻ con, ho thế chứ ho nữa tôi vẫn ngủ vô tư chả vấn đề gì.
Một sáng chủ nhật, chị họ tôi đến viện thay ca cho tôi. Tôi đạp xe thục mạng từ viện về nhà, về đến nhà là lôi ngay sách vở ra học. Năm đó tôi thi cuối cấp, bài tập nhiều, lại muốn thi vào Amsterdam nên cong đít học. Vừa học được khoảng hơn 1 tiếng thì bác trai tôi bảo “Con G ăn nhanh cái gì đi rồi vào viện trông bà cho chị T về nhà học. Mày học giỏi rồi không cần học nữa”. Tại đống bài tập dồn lại vì học ngoài ban công bệnh viện muỗi đốt và ánh sáng yếu nên mắt rất nhanh mỏi không học được nhiều? Hay tại lòng tôi bất bình, tôi ở trong viện với bà hàng đêm đã mấy tuần nay có sao đâu, chị họ tôi sáng nay mới vào, ngồi trông bà chưa đầy 2 tiếng? Tôi làu bàu “Thế này thì cháu còn học vào lúc nào?”. Thế là bác trai tôi bảo tôi láo, bà quý nhất tôi mà tôi bạc bẽo bà ốm bảo vào viện chăm bà còn cãi. Sau này nghĩ lại, tôi cho rằng có thể tôi chống đối bác tôi hôm ấy còn vì mùi đồ ăn đang ninh nấu thơm ngon quá mà bụng tôi lại đang đói ọc ọc vì không ăn sáng và giờ nếu ăn để quay vào viện ngay thì chỉ có cơm nguội. Sáng chủ nhật đó các cô dì chú bác tôi tụ tập nấu nướng liên hoan ăn trưa cả gia đình, mà các cô bác tôi lại nấu ăn rất ngon.

Gần đến ngày bà xuất viện, anh họ tôi mới được vào ngủ với bà một đêm. Tôi vẫn nhớ bác gái tôi dặn đi dặn lại anh tôi “mày nằm quay mặt ra chỗ khác chứ đừng có quay mặt vào bà nhớ chưa, lây đấy”. Ngay cả khi bà tôi đã khỏi ốm về nhà, người lớn vẫn dặn trẻ con đừng gần bà tôi quá kẻo lây. Chả ai dặn tôi câu nào ngay cả khi bệnh tình bà đang nặng nhất, nếu có lây thì chắc lúc đó lây khỏe nhất chứ giờ thì lây gì nữa.
Bây giờ kể lại nghe ghê nhưng hồi đó cả xã hội khó khăn, ai cũng phải lo thu vén cho mình và cho gia đình mình trước. Tôi không giận gì cả, nhưng tôi viết lại vì muốn nhớ. Nhớ để luôn nhắc mình rằng con tôi, nếu chúng nó chịu thiệt thòi nhường cho những đứa trẻ khác một chút thì cũng không sao. Đằng nào tình yêu của tôi cũng bù đắp được tất. Có 6 cái kem, 7 đứa trẻ, thì con tôi sẽ là đứa bị nhịn. Thiệt đi một chút cũng được, hy vọng học được điều gì đó lớn lao hơn.
PS: Năm sau, tôi quyết tâm sẽ quay về với hình ảnh người đàn bà phù phiếm vớ vẩn. Chứ cứ đảm đang u buồn mãi thế này quả không hợp với tôi.

Ảnh: hồi còn ở Dubai, nhà có khoảng thời gian rất đông vui. Vụ kem nói trên là nói lý thuyết thế thôi, chứ trong ảnh thì 7 đứa trẻ con là 7 cái kem, không đứa nào phải nhường đứa nào.

Tuesday, January 10, 2017

10/1/2017





















Cả nhà xuống Salento sáng ngày 20. Cậu kiến trúc sư và cậu chủ thầu công trình đã đợi sẵn, mặt mũi ái ngại. Bước vào nhà, một cảnh tượng tan hoang. Đồ đạc bàn ghế sofa tủ đã dỡ hộp nằm ngổn ngang, vô số hộp chưa mở nằm chất đống ở một góc. Tệ nhất là nhà bỏ hoang lâu ngày và hội thợ chưa khóa các hộp kỹ thuật nên chuột vào, đái ị lung tung khắp chốn, cộng thêm bụi thành tầng. Mình bảo cậu chủ thầu công trình “Anh cho tôi hai ngày sắp xếp mọi thứ, sau đó tôi sẽ gọi anh và anh sẽ gửi cho tôi 2 thợ đến làm những việc tôi yêu cầu. Lần sau anh đến, tôi đảm bảo anh sẽ thấy một ngôi nhà khác hoàn toàn”. Xong mình bắt tay vào hút bụi lau chùi lập tức một phòng rồi cho trẻ con vào đó ngồi đọc sách cho đỡ quẩn chân.
Ngày thứ nhất, vội vã mở các hộp đựng khăn trải giường, chăn, gối, chuẩn bị giường chiếu chăn thật ấm vì nhiệt độ ngoài trời xuống rất thấp, trong nhà thì chưa có sưởi. Vội vã quét và hút bụi khắp nhà. Bàn ăn trống trơn, cốc giấy đĩa nhựa dĩa nhựa. Nấu ăn  cho con có mỗi một cái nồi và một cái chảo.
Ngày thứ hai, mở tiếp các hộp đựng đồ bếp. Dao thìa dĩa cốc chén đĩa và các dụng cụ làm bếp, tích lũy theo năm tháng nhiều vô thiên lủng. Riêng số đĩa đủ cho tiệc 200 người. Mà mới chỉ là đĩa thường chứ các hộp đựng đĩa kiểu là vẫn chưa mở tới. Bàn ăn đã có đầy đủ mọi thứ dao thìa dĩa cốc chén, cả khăn trải bàn. Cuối ngày thứ hai, mẹ bảo “các em bé có thấy bàn ăn ngày hôm nay đã khác rất nhiều bàn ăn ngày hôm qua rồi không?”. Con reo lên công nhận.
Ngày thứ ba, hai thợ đến như đã hẹn, di chuyển đồ đạc vào đúng vị trí và treo tranh ảnh. Mình có quyển sổ ghi chép những việc cần làm, thợ cứ làm xong việc nào là mình tick off việc ấy, đảm bảo đến một lần là làm xong hết việc. Cuối ngày, đi lung tung trong nhà thế nào quyển sổ của mình biến mất tiêu. Mình than mất sổ thì thợ bảo “mất thế này tốt hơn madame ạ”, ý là mất sổ thì khỏi phải làm tiếp nữa. Cười muốn chết với chú thợ vui tính.
Ngày thứ tư, lau chùi và chuẩn bị các phòng đón bạn tới chơi. Nhóm bạn 5 người, 4 người lớn 1 trẻ con, cần 3 phòng ngủ. Mình dọn dẹp xong cất được cái xẻng hót rác vào chỗ vừa kịp bạn tới nơi.
Sau Giáng sinh, bạn về, mình lại bắt tay vào làm việc tiếp. Thợ điện thợ nước đến làm tranh thủ 2 ngày trước khi nghỉ năm mới. Có mình ở đấy ốp chúng nó làm việc, có câu hỏi nào mình giải đáp luôn, nên việc chạy băng băng.
Cứ thế, ngày thứ tám, ngày thứ chín, vv và vv, mọi thứ dần dần đi vào trật tự.

Mười đầu ngón tay mình mới đầu thì đỏ, sưng, xây xát, và cuối cùng là chai cứng lại. Vuốt mặt con con bảo sao tay mamma ráp thế. Mẹ bảo em bé ơi, nó ráp mấy hôm nó lại mềm lại ngay chứ giề. Được cái tay ráp xoa lưng lại thích. Chúng nó cứ bắt mẹ xoa lưng liên tục. Giờ thì ngón tay đã đang vào giai đoạn bong da. Bong hết lớp da ráp này thì ổn. Nhưng mà mình cũng phải cẩn thận. Giờ già rồi, không phải cứ phí phạm sức khỏe và nhan sắc thỏa sức xong lại phục hồi ngay được như hồi còn trẻ. Mà chắc cũng chỉ có lần chuyển nhà này là khổ cực nhất, từ sau trở đi chắc chắn sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Mong là thế, chứ ai mà chịu mãi được nhỉ.

Ảnh: then and now.


PS1: Ngày thứ mười một, đi ăn tối với gia đình cậu kiến trúc sư. Tự dưng cậu ấy bảo ngài “Tất cả bọn tôi đều bình luận về vợ anh. Đến nơi sau một chuyến đi dài, nhìn thấy ngôi nhà trong tình trạng lạnh lẽo, bụi bặm, bẩn thỉu, ngổn ngang như vậy (từ cậu ấy dùng là cantiere), lại có 3 đứa trẻ con phải chăm sóc, vậy mà cô ấy bắt tay ngay vào làm việc, mặt mũi vẫn tươi tỉnh như thường”. Vợ cậu ấy quay sang bảo mình “Tao phục mày. Là tao tao quay ngay ra xe đi thuê khách sạn ở lập tức”. Nó đánh son đỏ chói, móng tay cũng sơn đỏ chói, tóc xoăn thả hai bên rất điệu đà, chả bù cho mình trông như vừa mất cả sổ gạo lẫn sổ hưu cùng một lúc.

PS2: bọn Lê La Na đi học có vẻ ổn. Hôm qua ổn, hôm nay ổn, ngày mai có khi lại không ổn, chưa biết sao. Chỉ hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Hôm nay con gái đi học về bảo mẹ rằng tất cả bạn gái trong lớp Lila đều bảo mamma giống Cleopatra. Giống dư lào hả em bé?