Saturday, July 27, 2013

Maid 2

Cô giúp việc thứ hai bị mình đuổi là người Ý. 15 tuổi đã có con, còn học hành gì. Giờ 23 tuổi nhưng kiến thức và kỹ năng xã hội rất kém. Tiếng Anh một chữ bẻ đôi không biết, lái xe không biết, xin việc làm sao nổi ở xứ này? Ngài ái ngại bảo vợ nhận nó vào, dù sao nó là người Ý thì cũng biết nấu món Ý. Vâng thì nhận, cho người Ý các ông phục vụ nhau. Cô nàng làm bánh thì rất ngon nhưng nấu món mặn thì dở như hạch. Ngài mỗi lần ăn là mặt như đưa đám. Hôm nào vợ nấu là hỏi ngay “hôm nay em nấu đúng không”.

Mới bắt đầu làm việc được một tuần đã thấy chui vào kho đồ ăn khóa cửa buôn chuyện. Thấy mình không nói gì thì chỉ ngày hôm sau đã vác luôn laptop ra buôn cháp cháp trong bếp mấy tiếng liền, chả buồn ý tứ chui vào kho làm gì cho nóng. Mình lại phải nhắc nhở mới thôi. Nó mải buôn chuyện nên nấu nhoắng nhoằng cho xong, lửa để to quá quai xoong quai chảo cháy xém hết cả. Mấy lần về nhà mở cửa vào thấy mùi nhựa cháy khét lẹt. Làm được 1 tuần, xoong nồi cháy thui mấy cái, cái thớt gỗ rất dày và rất to của mình nó để cái đít chảo nóng lên, cháy đen thành một vòng tròn.

Thế đã hết đâu, vật dụng trong bếp cứ biến mất như có phép lạ, đồ nấu bếp, hộp nhựa, dao, nồi, sạch bách. Nó và đứa bạn trai vừa chuyển sang Dubai được mấy tuần, chắc lấy đồ của mình về để đỡ phải sắm. Mỗi ngày nó làm xong chào mình để về, chào câu trước thì câu sau đã tót ra đến tận cổng, cái túi to như cái bị cắp chặt một bên sườn. Ba bốn lần đi đi về về với cái túi càn khôn của nó thì bếp nhà mình đụng đến cái gì cũng không có.

Không có nó, mình đi chợ tuần một lần chính và một hai lần đi mua mấy thứ lặt vặt không đáng kể. Có nó tuần mình đi chợ 2 lần vác đồ ăn lặc lè về mà vẫn không đủ. Chi phí đồ ăn tăng gấp đôi mà tủ lạnh luôn trong tình trạng rỗng không. Thịt, cá, rau, trái cây, sữa, trứng, mỳ, gạo, dầu ăn, muối, đường, tất cả đều như bị hô biến, chưa kể các loại đồ hộp và rượu trong kho là thứ mình không kiểm soát nổi. Mình bận thế mà phải đi chợ xoành xoạch như một con thoi. Càng mua nhiều thì giúp việc càng thó khỏe, mà được cả hai cô mới tài. Số mình đúng là số con rệp.

Hỏi nó thì cái mồm rộng ngoác như cá ngão của nó cứ tỉnh bơ như không “tôi không biết”, mặc dù mình hỏi hôm trước thì hôm sau quả thật nó có mang trả lại hai cái hộp nhựa và hai cái nồi bé, lén lút đặt lại vào tủ, còn những thứ khác chắc cần quá nên không trả lại được. Mình cho nghỉ lập tức.

Hết hồn với người Ý trầm lặng này quá.
Ảnh: hồi có bầu mình ngồi ao ước “ước gì sống mũi của con gái mình sẽ thấp như mũi em và thon như mũi anh, anh nhỉ”. Ngài cười lớn “thế nếu sống mũi nó lại to ngang như mũi em và cao như mũi anh thì sao?”. Không được việc gì ra hồn ngoài việc nói gở. Giờ được cô con gái có sống mũi to đúng bằng nửa cái mặt quắt.

Friday, July 26, 2013

Maid 1


Tuần qua vừa đuổi việc một lúc 2 cô giúp việc.

Maid 1: Lau nhà hoặc hút bụi gặp thảm là rẽ, cũng không biết đường cuộn thảm lên mà lau chùi bên dưới. Cây hoa lan của mình rụng một bông xuống bàn, nó lau bàn 5 ngày liền bông hoa lan héo quắt vẫn nằm nguyên đấy. Mình không nói gì, cứ để đấy xem số phận bông hoa héo rồi sẽ ra sao. Trong bụng quả cũng hơi tò mò không biết nó lau đến chỗ bông hoa lan rụng thì nó tránh ra (như nó tránh cái thảm), hay nó nhặt bông hoa héo lên, lau bàn rồi lại đặt về chỗ cũ, vì rõ ràng mặt bàn thì nó có lau. Đến ngày thứ 6 thì mình thấy bông hoa lan héo queo đã được nhặt lên để thèo đảnh trên mép chậu lan. Nó mà lấy chỉ khâu khâu bông hoa héo trở lại cành thì mình cũng không lạ.

Mỗi ngày nó quên một thứ. Mình đọc báo thỉnh thoảng lại thấy cái tin kiểu đi ăn trộm rồi ngủ quên ở gầm giường nhà người ta. Chưa gặp nàng giúp việc này thì mình chưa tin, nhưng từ khi đời mình biết nàng thì mình thực sự tin rằng trên đời có nhiều người có thể quên được đến mức đó. Con mình tuần 3 buổi karate, đánh máy, in lịch ra, dán lên cánh tủ, mà chiều nào nó cũng quên. Mình hôm nào bận thì lại phải huy động cả cậu lái xe cả cô nấu bếp phải nhắc nó. Nhà này ai cũng phải làm trợ lý cho nó hết.

Quên karate mới là chuyện nhỏ. Có lần mình về tới nhà, thấy nó đang đứng thộn mặt ra trong bếp, hỏi bọn trẻ con đâu, nó giật nảy mình chạy lên nhà trên. Hóa ra nó đang cho La và Na tắm trong bồn mà nó quên mất xuống bếp đứng như người mất hồn. Mình nói nó thì nó nhìn mình chòng chọc, mặt ngời ngời một vẻ tăm tối không gì xuyên thủng được. Mình sợ nó quá từ đó bận mấy thì bận chiều nào cũng phải tự tắm cho con mình. Gì chứ đụng tới nước thì không đùa được.

Nó còn quên kiểu này mới hay. Mình đang nấu ăn trong bếp, nghe tiếng máy hút bụi chạy ầm ầm không dứt trong phòng khách thì tưởng nó đang hút bụi. Thế mà một lúc sau lại thấy nó lững thững từ nhà sau đi lên. Hóa ra từ nãy giờ nó ở nhà sau chứ có hút bụi đâu. Vào tới bếp, nghe tiếng máy hút bụi vẫn chạy ro ro ở nhà ngoài, nó đứng sững lại, lấy tay đập đánh bốp một cái lên trán, rồi co cẳng chạy đi rút máy hút bụi ra. Thật là một cảnh tượng thiếu muối.

Mình nhiều lúc cũng điên ruột nhưng tự nhủ nó dù sao cũng thật thà, chăm chỉ, quý con mình, thôi cố chịu. Vừa nói như vậy xong thì phát hiện hóa ra chị gái tự nguyện ở lại dọn dẹp trong bếp muộn là vì chị gái đợi đến khi mọi người đi hết thì thó đồ ăn của mình. Cộng thêm chuyện hôm qua nó nói con mình một câu trong bữa ăn làm cho thằng bé đang ăn phải khóc nức nở chạy lên mách mẹ, thì mình mới phải quyết định.

“Chị M ngồi xuống đây tôi nói chuyện. Chị chắc biết rất rõ chị nhận lương cao gấp đôi nhà Tây và gấp 3 thậm chí gấp 4 lần nhà Ả rập, trong khi chị không phải là người thông minh hay nhanh nhẹn, đã thế còn mắc bệnh hay quên. Ở nhà tôi có nhiều việc tôi nói cả chục lần mà chị vẫn không biết làm hoặc không nhớ. Nhưng tôi vẫn giữ chị vì nghĩ rằng dù sao chị cũng thật thà, chăm chỉ và quý con tôi. Nhưng tôi phát hiện ra rằng chị ở lại làm muộn để lấy trộm đồ ăn từ bếp của tôi mang về bếp của chị, như vậy thì chị không thật thà và cũng không chăm chỉ. Cộng thêm việc hôm qua chị bực con tôi nên phải nói nó một câu cho hả giận, đúng giữa bữa ăn, thì tôi kết luận là chị cũng chẳng quý con tôi nốt. Chị làm nốt tháng này rồi nghỉ”.

Nói chung tính mình rất ghét phải dính vào những chuyện tẹp nhẹp kiểu con cá lá rau. Thế mà cuối cùng giờ suốt ngày phải canh khoai tây, cà rốt, trứng gà, kẻo giúp việc hở ra là nẫng mất dư lày.

Ảnh: mẹ quả cũng hơi hối hận vì cắt tóc em quá tay nên mẹ bèn đính lên đó một bông hoa.


Wednesday, July 24, 2013

Linh tinh

Nóng quá. Nóng hầm hập và hơi ẩm ngùn ngụt. Giữa trưa là lên tới gần 50 độ C. Đấy chỉ là nhiệt độ lý thuyết, chứ cộng thêm ẩm độ vào thì nhiệt độ thực tế toàn trên 50 độ. Nóng đến mức thảm cao su để ngoài trời nóng chảy dính cả xuống đất. Xe để ngoài trời có một tý mà tay lái nóng bỏng chạm vào giật nảy cả người. Nóng theo đúng nghĩa đập quả trứng lên nóc xe chắc chỉ một phút là trứng chín.

Cây hoa hồng trước hiên nhà, mấy tuần trước còn thấy ra nhiều hoa. Lúc còn nụ thì vẫn ngon lành lắm, nhưng chỉ qua một ngày nắng là nụ bị cháy thui, hoa nở ra bé tí và méo mó. Giờ thì cháy thui cả cây rồi. Cách đây hơn tháng mình bảo chú làm vườn thay đám dạ yến thảo bằng hoa mười giờ. Nói đứt lưỡi là phải là hoa mười giờ màu hồng tía (fucsia), thế mà chú ta mang đến toàn hoa màu khỉ gì đó. Sau khi hoa chân múa tay chỉ trỏ khắp nơi mà chú ta không hiểu, mình nảy ra ý tưởng mở điện thoại google fucsia và cho chú ta xem, chú ta nghệt mặt ra ngó ngó, rồi phẩy tay bảo mình “mail vào hòm thư tôi”. Mình đầu hàng. Được cái đám hoa 8 giờ 10 giờ tuy màu xấu nhưng vẫn có thể xanh tươi trong mùa hè Ả rập nóng như chảo lửa.

Nóng thế này mình cho rằng các trung tâm sauna và tắm hơi chắc ế khách hết.

Chắc mình cũng quen với cái nóng hay sao, hôm nào ra đường mà nhiệt độ có 41 độ thì kêu “Ô hôm nay mát nhề”.

Tháng Ramadan đã sang tuần thứ 3. Người dân ở đây cả ngày nhịn đói nhịn khát, đến 7h tối mới được ăn uống. Thế nên trước 7h tối một tý thì xe cộ ngoài đường phóng như ma đuổi để còn về nhà ăn. Tai nạn giao thông không ngày nào là mình không nhìn thấy. Được cái sau 7h là đường phố vắng tanh vắng ngắt. Ăn bữa 7h gọi là Iftar, ăn tiếp một bữa nữa 10h gọi là Suhor. Cứ ăn ăn uống uống thế đến 2, 3h sáng, rồi từ 5h sáng trở đi là nhịn. Dân ở đây thích Ramadan lắm vì đây là dịp được gặp gỡ bù khú với nhau và nhất là chỉ phải làm việc cầm chừng. Trong tháng Ramadan, người dân đạo Hồi cầu nguyện suốt ngày. Ngày mấy bận tiếng cầu nguyện rền rĩ vọng tới từ mấy đền thờ gần đó, cứ nỉ non rền rĩ như vậy cả tiếng, nghe mãi thành quen tai, hy vọng chẳng mấy chốc sẽ thấy hay. Thậm chí đến ngồi chầu ông con học karate, mình lác mắt khi thấy khoảng chục bậc cha mẹ ngồi bắt chéo chân ngay hàng ghế đầu, giương mục kỉnh đọc kinh.

Nhưng Ramadan chỉ có người giàu là sướng. Ngồi điều hòa mát rượi, ngủ suốt ngày, ngủ chán thì lại cầu nguyện, có làm việc thì cũng chỉ cầm chừng vài tiếng rồi tót về nhà ngủ, đến đêm thì ăn uống hút xách thả phanh. Dân lao động chân tay mới khổ, nắng nóng kinh khủng thế này mà làm việc ở ngoài trời không ăn không uống, chẳng trách chỉ vài năm là thận hỏng hết. Cậu làm vườn Mohammed của mình về Pakistan rồi, thận hỏng, Dubai đắt đỏ quá nên phải về quê chữa bệnh chẳng biết ngày nào mới quay lại.

Tình hình Trung Đông vẫn bất ổn. Bộ Ngoại giao liên tục tăng cường xe bọc thép cho những nhà ngoại giao đứng đầu cơ quan ngoại giao ở khu vực này. Mấy tháng trước vệ sĩ của đại sứ tại Yemen bị bắt cóc, rồi xe đại sứ tại Benghazi trúng đạn bắn tỉa, may là xe bọc thép nên người không hề hấn gì. Nói chung Yemen, Syria, Iran, Iraq, Lybia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai cập, đều bất ổn. Mấy ngày trước chính quyền UAE cũng mới phát hiện và bắt giữ một nhóm Hồi giáo cực đoan tính chuyện làm loạn. Hy vọng đây vẫn là mảnh đất bình yên.

Lâu lâu không đọc báo ở nhà. Giờ mở ra, toàn thực phẩm nhiễm độc, doanh nghiệp phá sản, trẻ em tử vong vì đuối nước ở trường, vì tiêm vắc xin hỏng. Chẳng biết rồi tương lai sẽ ra sao???
Ảnh: đọc shách

Friday, July 19, 2013

Và Chúa đã tạo ra đàn bà

Con gái đi trong mall, trông xanh xao, ủ rũ, ngơ ngác. Là người ta đang vừa đói vừa buồn ngủ thôi chứ cũng chẳng có gì to tát. Nhưng vì người ta tính tình như công chúa nên cứ phải tỏ ra kịch tính thế. Đang đi thì có một tốp mấy chú thanh niên từ nãy giờ cứ thì thào giờ chạy lên hỏi mình “chị ơi, con bé này người nước nào?”. Mấy chú thanh niên người Iran, cái tội hỏi han lúc người ta đang khó ở, bị người ta nguýt cho một cái, mặt sưng lên. Bị người ta nguýt cho thế mà vẫn lao xao mắt tròn mắt dẹt với nhau “she is so beautiful”, rồi vừa đi vừa ngoảnh lại nhìn người ta mãi.

Lúc sau mẹ đặt ngồi vào trong xe chở hàng, ngoẹo cổ ngủ, cái cần cổ mảnh mai trắng muốt, thấy cả đường gân xanh xanh. Con gái mẹ lớn quá rồi, gầy lắm, chân như hai que tăm, lại còn vòng kiềng, bụng bé tí, vừa cạp quần của đứa 1 tuổi rưỡi. Không có tí mỡ nào bảo vệ cơ thể nên hơi tí là kêu lạnh. Hồi đầu năm, đón con đi học về, mẹ sờ cánh tay thấy lạnh như kem mới hỏi “hôm nay ở lớp con có lạnh không con gái?”, thì được trả lời như sau “La không lạnh, chỉ lúc bạn thổi La La mới lạnh”.

Đầu năm, con gái đi học khóc từ nhà khóc ra. Lôi từ nhà ra sân, bám chặt vào cánh cửa không chịu ra. Lôi từ sân ra cổng, bám chặt vào cánh cổng không chịu ra. Lôi từ cổng ra xe, bám chặt vào cửa xe không chịu vào. Đến trường, lại màn bám cửa xe không chịu đi, bám cột điện, bám cây, bám cổng trường, bám tất cả những gì có thể bám trên đường, khóc như mưa gió. Cả trường ngoái cổ ra nhìn, mẹ chỉ muốn chui xuống đất. Khóc thế hai hôm đến hôm thứ ba tự nhiên nín bặt, đến nơi nheo nhẻo chào mẹ rồi lon ton xách cặp lồng cơm tự đi vào hàng. Các vị phụ huynh lạ lùng đến mức có vị còn chạy ra hỏi mẹ “ơ hôm nay nó không khóc à?”.

Giữa năm, con gái học đánh vần. Thấy cái gì cũng lọ mọ đánh vần. Buổi sáng mẹ đang ngồi máy tính tự nhiên nghe thấy sau lưng tiếng xì xì “shờ shờ shờ…”. Quay lại, lại là cô con gái đang đánh vần. “Shờ shờ shờ…íííííp”. Mẹ nín cười. Lại tiếp tục “lờ lờ lờ ét”. Là con gái đang cố gắng đọc từ ship và từ let.

Tiếng Việt thì đã đến hồi rùng rợn. Đứng giữa vườn nhóng cổ lên nhìn tổ chim trên tán cây phượng vĩ “Mamma, La nhìn thấy con chim nó lấy con stick để làm con tổ”. Mẹ nghe xong suýt ngã ngồi với con.
 
Cuối năm, mẹ chống cằm xem màn đồng diễn ca hát của cả lớp. Con gái mẹ bé tẹo, đứng hàng đầu, chính giữa, chân tay nhảy múa rất sôi động và mồm thì hát nheo nhẻo. Phải thế chứ ai lại như thằng anh trai bị cô bắt đứng càng xa micro càng tốt thế kia.

Giờ thì con gái nghỉ hè. Nhà lanh tanh bành toàn tác phẩm nghệ thuật của con. Tường, mặt bàn, sàn nhà, bôi xanh bôi đỏ. Hôm nọ đến lúc cần cắt cái quần con Anna mẹ tìm không thấy kéo đâu. Hóa ra con gái đã lấy trộm lúc nào để cắt giấy làm tác phẩm nghệ thuật. Tất cả vật dụng của mẹ, kéo, hồ dán, băng dính, thước, đều bị con gái nẫng đi để phục vụ cho các tác phẩm nghệ thuật. Cái kéo hành nghề duy nhất của người ta mà nó lấy ra cắt giấy. Quát cho một trận. Phải như con Anna tính tình nông dân thì nó khóc gào vào mặt người quát nó một trận, sau vài phút là nó nín và ngoảy đít bỏ đi. Đây con gái mẹ tính tình tiểu thư cứ ngồi khóc rấm rứt, nước mắt chảy lặng lẽ đến đâu lại lấy khăn thấm đi đến đấy. Có lần con gái khóc rấm rứt như thế cho hai tiếng, khăn giấy thấm nước mắt vứt vung vãi xung quanh.

Ảnh: không hiểu đứa nào lấy bút màu tô vào rốn em thế này.

Tuesday, July 16, 2013

Ra đường sợ nhất công nông


Ngài vốn không thích những cô maid đi lại nói năng ầm ĩ trong nhà, hoặc những cô maid phát ngôn tự nhiên, kiểu thích khen thì khen, thích chê là chê, vui thì cười ha hả, buồn cái là sưng sỉa ngay được. Ngài bảo “thỏa thuận đã ký, việc ai người nấy làm, maids have to be invisible”.

Thì đây ngài sướng nhớ, được luôn cô maid invisible đúng nghĩa, từ sáng đến tối cứ lừ lừ như ông từ vào đền.
Mình dặn “trong nhà lúc nào cũng phải có bánh mỳ và sữa. Nếu gần hết chị phải nói với tôi”. Thế mà bao lần bánh mỳ hết nàng cũng chẳng nói gì.

Tương tự, sữa hết nàng cũng chẳng nói gì. Đến tối mình phải cho con Anna uống sữa mới thấy trong nhà không còn giọt sữa nào. Mấy lần thế mình bực quá mới hỏi “sao hết chị không bảo tôi?”. Nàng vẫn chẳng nói gì.

Cái gì trong nhà hết nàng cũng chẳng nói gì. Mình phát hiện ra thì chạy đi mua, không phát hiện ra, đến lúc cần dùng mới biết là hết, nói nàng thì nàng chỉ “ớ” một cái, hoặc “a” lên một tiếng, hoặc chẳng nói gì nhún vai bỏ đi.

Tối nàng làm xong là lừ lừ đi mất, cũng chẳng bao giờ nói “good night” hoặc “tôi xong việc rồi, madame có cần gì nữa không nếu không thì tôi về phòng tôi”. Chỉ cần hỏi thế theo phép lịch sự chứ mình cũng chẳng bao giờ giao thêm việc gì cho nàng.

Mình đi vắng bọn quỷ sứ ở nhà muốn làm trò gì thì làm, nàng cũng chẳng nói gì. Mình về nhiều bận thấy con bật máy tính xem hoạt hình choang choác, còn nàng ngồi nhìn đúng theo kiểu ruồi đậu lên mép không buồn đuổi. Bảo nàng thì nàng bảo “Nói chúng nó chẳng nghe”. Mình bảo “Nếu chị nói chúng nó không nghe thì chị gọi điện cho tôi, tôi nói chúng nó sẽ nghe”. Nói bao lần mà lần nào về nhà cũng thấy maid chíu chít điện thoại một đằng, trẻ con chổng mông xem phim một nẻo, nàng lại ca bài cũ “Nói chúng nó chẳng nghe”, “thế sao chị không gọi điện cho tôi, tôi đã dặn chị bao nhiêu lần rồi”, thì nàng nhìn mình chòng chọc vài giây rồi nhún vai một cái.

Mình dặn nàng “tối chồng tôi về chị phải hỏi ông ấy xem có phải chuẩn bị hộp đồ ăn trưa hôm sau không”. Nói có khi đến hơn chục lần mà nàng chẳng tự động hỏi bao giờ. Giúp việc thì không đời nào hỏi, ông chủ thì không đời nào nói, mình mà quên một cái là y như rằng sáng hôm sau sẽ có cảnh cuống quýt. Ngoài ra, sau khi bị giúp việc cho ăn salad y hệt nhau trong vòng 2 tuần thì ngài đình công luôn, nhìn thấy salad là ghét.

Không biết cái gì cũng tuyệt đối không hỏi. Mình chủ động ra chỉ dẫn cho thì mình nói cứ nói, nàng lẳng lặng cứ lẳng lặng. Nhiều khi mình thấy nàng cứ nhìn mình chòng chọc chẳng nói năng gì thì lại phải hỏi “chị có hiểu không thế?”, thì bị nàng nhún vai bảo “ô kê”. Mình mà không chủ động ra chỉ dẫn thì nàng tự làm kiểu của nàng, hỏng tóe tòe loe. Từ đầu đến cuối vẫn nhất quyết không hé răng hỏi lấy nửa lời.

Khách đến nhà, giúp việc đi ra nhìn thấy tảng lờ đi tiếp, khách chào giúp việc rất đon đả, giúp việc cắp đít đi thẳng, chẳng nói năng gì.

Bị chú lái xe tòm tem nàng ta cũng chẳng nói gì.

Buồn cười nhất là ngài sáng đi chào giúp việc, giúp việc chẳng nói gì. Tối về chào giúp việc, giúp việc cũng chẳng nói gì. Ngài tức khí chào lại rõ to thì bị giúp việc oánh luôn cho câu “ô kê”. Nhưng phải may lắm mới được câu “ô kê” của giúp việc, vì thường chào lại lần 2 nàng ta cũng vẫn chẳng nói gì. Ngài tức lắm một hôm chạy ra bảo vợ “rồi có ngày nó sẽ phải trả giá”.

Ngoài khoản vụng về trong khoa ăn nói ra thì nàng còn không phải là một người phụ nữ duyên dáng bẩm sinh. Kiểu như huých cùi tay mở cửa và lấy chân đóng cửa cái rầm. Hoặc mình bảo nàng lấy cho mình đôi giày của con Lila thì nàng ném đôi giày đánh bẹt xuống dưới chân mình. Hoặc mình bảo “chị ngồi xuống đây tôi nói chuyện với chị một chút” thì nàng lấy khăn lau tay rồi ném cái khăn sóng xoài trên mặt bàn ngay trước mặt mình và kéo ghế ngồi cái bọp.

Nếu mà hỗn láo thì mình đã đuổi ngay. Đây nàng này lại không phải hỗn láo mà chỉ đơn giản là người ít lời, vụng về, tính tình hơi lãng đãng, cộng thêm tật lãng tai, nên mới ra cơ sự thế.

Haiz. Số gì toàn gặp phải người nửa hâm nửa dở thế này không biết.

Ra đường sợ nhất công nông

Về nhà sợ nhất mết (maid) không nói gì.

 

Tuesday, July 9, 2013

Con mỗi ngày mỗi lớn

Đang định than thở,

Rằng nuôi con nhỏ mệt quá, nhất là vì nghề nghiệp của ngài làm mình cả ngày đánh vật với con rồi đến tối lại phải đánh vật với giày cao gót, váy áo chật, cười cười nói nói và phải cho vào miệng những món không hợp khẩu vị.

Rằng con trẻ bày bừa đã khủng khiếp, chồng già bày bừa còn khủng khiếp hơn. Nhiều khi dọn đi dọn lại dọn tái dọn hồi từ sáng tới chiều, nửa đêm về dọn tiếp, cảm thấy rất cực khổ.

Rằng mình thấy nhiều bà mẹ yên chí lớn hơn mình nhiều nhưng mình không thể làm được điều đó. Có lần mình gặp một cô có đứa con khoảng 15, 16 tháng. Cô ấy cứ ngồi trong nhà nói chuyện thao thao bất tuyệt, để mặc đứa trẻ đi lẫm chẫm ngoài vườn một mình gần một chảo nem đang rán dầu mỡ tưng bừng. Mình thấy thế không đành lòng phải ra ngoài vườn đi loanh quanh với nó. Tương tự, mình không thể ngủ khò khò khi con chơi một mình, không thể cắm đầu cắm đít điện thoại để mặc con chạy lung tung trên vỉa hè, và một ngày cúi nhặt không biết bao nhiêu lần tất cả những thứ mình sợ con có thể cho vào mồm. Chuyện gì cũng có thể xảy ra được và nhiều chuyện xảy ra không ai có thể ngờ tới.

Rằng mình cẩn thận, cầu toàn, chu đáo, thế nên mình nuôi con vất vả hơn người bình thường.

Thì nhận được email của một người mẹ có đứa con gái học cùng lớp Lila. Chị ấy kể chuyện con chị ấy sinh ra lúc 24 tuần tuổi, nặng 520gr, mắt không mở được, không khóc được, không thở được, thân hình bầm dập. Bác sĩ nghĩ nó sẽ chết ngay nên bỏ đi hết, cho bố mẹ ở lại với con vài phút cuối. Bố mẹ xin được rửa tội cho con. Thế nào mà trong lúc rửa tội nó lại khóc lên hai tiếng. Bác sĩ quay lại, vội vã đưa nó vào lồng ấp. Nhưng đúng lúc đó thì lại phát hiện não nó bị chảy máu. Bác sĩ bảo nó sẽ không thể sống quá 48 tiếng, giờ bỏ máy trợ thở hay tiếp tục là tùy bố mẹ. Bố mẹ xin bác sĩ cho tiếp tục. Sang ngày thứ 2, não nó lại chảy máu nhiều hơn, bác sĩ bảo ngay cả nếu nó có sống được thì cũng sẽ không thể đi được và suốt đời sẽ phải ăn bằng ống truyền. Thế mà cuối cùng nó sống được. Do hậu quả của trận chảy máu não mà nó bị hydrocephalus mà mình đoán là “não úng thủy”. Chưa tới 1 tuổi nó trải qua một cuộc phẫu thuật đặt vĩnh viễn một ống dẫn phía sau tai. Mình đoán chắc để dẫn chất lỏng ra ngoài không cho tụ lại ở trong não???

Giờ con bé 6 tuổi, ống dẫn vẫn cài phía sau tai nhưng rất an toàn, ngã cũng không sao, đi, chạy, nói, ăn, đến trường như một đứa trẻ bình thường. Một trong 6 bạn thân của cô Lila nhà này. Mình không thể tưởng tượng nổi chặng đường người mẹ kia đã đi gian khó đến mức nào. So với cô ấy thì sự vất vả của mình thấm gì đâu.

P.S Nhưng con cũng lớn rồi, cũng đỡ cho mẹ rất nhiều. Mỗi lần thêm một sự thay đổi là mẹ biết mẹ lại vừa hoàn thành một chặng đường nữa. Mấy tháng trước con bỏ cữ sữa lúc nửa đêm, thế là mẹ không phải chịu cảnh đi ở bên ngoài về, vội vàng tẩy trang thay quần áo rồi ngồi gà gật đợi con mút sữa câu giờ. Tuần trước mẹ bỏ đi những chiếc chai nhỏ, chai con dùng uống nước. Không cần nữa vì con uống nước bằng cốc lâu rồi. Giờ mẹ cũng không cần phải theo con từng bước. Hai chị em chơi với nhau ríu rít như hai con chim sẻ. Chị đi học thì con tự  chơi trong phòng, thỉnh thoảng mẹ gọi kiểm tra, nghe con “dạ” ran một tiếng là mẹ yên tâm. Ale thì lớn rồi, tự ăn, tự ngủ, tự mặc quần áo. Lila thì vẫn chưa hoàn toàn khắc phục được hết những hậu quả từ trận ốm phải dùng kháng sinh mạnh nhưng lâu nay không còn màn giữa đêm vừa đi lang thang khắp nhà vừa khóc “La không biết ngủ”.
Hôm nọ mẹ có một playdate với mấy bà mẹ có con còn trong tuổi đi chập chững hoặc mới biết bò. Nhìn họ chạy đôn chạy đáo không ngồi yên được lấy một phút hay nói hết được một câu hay ăn được một miếng tử tế, mẹ nhận thấy mẹ con mình đã đi được một chặng đường rất dài.

Thursday, July 4, 2013

Người đàn ông nhặt ve chai trên bãi biển

Hồi trước khi lấy chồng mình cứ nghĩ rằng người mình chọn nhất định phải là người tốt. Tốt với mình không quan trọng, vì đang cưa cẩm mình thì thằng nào chả tốt, mà quan trọng là phải tốt với bạn mình và tốt với những người xung quanh, thế mới hẳn là tốt. Gặp được anh ngoại giao quý hóa, ai ới một cái là cong đít chạy đi giúp, mình gật gù lắm.

Hồi mới về Rome, cách đây hơn 3 năm, hai vợ chồng đi làm chứng minh thư. Đến nơi, vừa giới thiệu tên và nghề nghiệp, chị ngồi tại quầy tiếp đơn reo lên “10 năm trước tôi gọi điện lên Bộ ngoại giao hỏi thông tin. Người ta chuyển máy tôi cho anh. Anh đã chỉ dẫn tôi rất tận tình. Tôi không ngờ ở nơi ấy lại có người tốt bụng nhiệt tình như thế. Tôi cứ mong có ngày được gặp mặt để cám ơn, không ngờ hôm nay gặp thật”. Chỉ một cuộc điện thoại, không biết mặt, chỉ nghe tên, mà 10 năm sau nhắc đến tên vẫn còn nhớ thế, thì đủ hiểu ông phải gây ấn tượng mạnh mẽ với người ta thế nào. Được cái hôm đó để trả ơn ân nhân chị chàng làm luôn chứng minh thư cho mình, 15 phút sau lấy luôn khỏi phải nộp đơn rồi vài ngày sau quay lại.

Ngoài ra, đi rất nhiều nơi với ông, cứ thỉnh thoảng lại thấy có người từ trong đám đông chạy tới vừa bắt tay vừa lắc, mãi không chịu buông, vừa cám ơn rối rít kiểu ông đã giúp tôi, ông đã cứu đời tôi, không có ông thì tôi mất hết cả gia đình cả tài sản vv và vv. Là kết quả của vụ ông đã giúp một ai đó và họ biết ơn ông, giờ có cơ hội gặp thì họ phải nhào ra ôm ông kiểu thế. Xong rồi lại quay sang mình “chồng chị là một người tuyệt vời”. Mình nghe xong lại phải mỉm cười tỏ vẻ sung sướng tự hào “tôi biết, vậy nên tôi mới lấy anh ấy”.

Thừa thắng, ông lại càng giúp khỏe mới chết mình. Mình cho rằng thậm chí người ta chưa nhờ giúp nhưng ông đã xin xỏ để được giúp cũng nên.

Thực ra, giúp được người là cái tốt. Nhiều khi mình khó khăn hoạn nạn có ai chìa tay giúp thì mình cũng cảm ơn người ta lắm. Nhưng vấn đề là ở chỗ ngày chỉ có 24 tiếng, giúp ở ngoài xã hội hết thì làm gì còn thời gian để giúp gia đình. Ông đi giúp người ngoài cho lắm, 3 lần vợ đẻ là 3 lần ông phải cố hết sức mới đảo qua thăm vợ được một tý, ông cố gắng đến mức vợ phải cảm thấy tội lỗi vì ông đã bận như thế lại còn phải vào thăm vợ. Vợ đẻ hai ngày, vừa từ viện về đã phải đi chợ, vật lộn kéo cái túi kéo đi chợ nặng mấy chục cân lên cầu thang, vì ông bận quá không đi chợ được, còn bà giúp việc thì vừa lãng tai vừa kém mắt vừa chả biết tiếng và cũng chả biết gì luôn. Là mới nói chuyện đẻ chứ chưa nói tới những lần con ốm hay nhà có nhiều việc quan trọng phải làm. Vợ thấy ông bận thì càng cố gắng một mình thu xếp gia đình không dám phiền tới ông, ông chắc rảnh quá lại càng hăng hái xông đi giúp người ngoài.

Ông là một minh họa sinh động nhất của thành ngữ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Mình giờ mà được lấy chồng lần nữa nhất định phải nhớ đinh ninh điều này: thằng nào hay kiên nhẫn lắng nghe người khác thì sẽ không có thời gian lắng nghe vợ; thằng nào hay lăng xăng giúp người khác thì sẽ không có thời gian giúp vợ; thằng nào được bạn bè khen là tốt thì phải đặc biệt cẩn thận, vì rất có khả năng những thằng này bạn ới cái là đi, trong khi vợ cần thì không bao giờ có mặt ở nhà.

Bình luận của vợ: trong thành phố giả sử có sư tử sổng chuồng chắc anh phải là người đầu tiên xung phong đi bắt nhưng ở nhà lợn có sổng chuồng thì anh ngồi trên sofa tiếp tục đọc báo vì tất lẽ dĩ ngẫu là vợ anh phải đi bắt về. Nghe xong nửa câu trên ông cười sướng, nghe nốt nửa câu dưới ông bảo “nầu sao lại nói thế”.
 
Ảnh minh họa kẻo mọi người lại bảo mình bịa. Đi ngoài bãi biển thấy vỏ chai nước ai vô ý thức uống hết vứt ra đấy là ông lọ mọ đi thu gom vứt vào thùng rác, trong khi ở nhà thì bày bừa không ai bằng, ví dụ mở phong bì lấy thư ra đọc xong vứt luôn phong bì rách ở đấy, hộp quà mở ra, giấy gói quà xé toạc vứt toạch ngay xuống đất. Là còn chưa kể tới quần áo giày dép cravat giấy tờ tài liệu báo chí sách truyện các loại, chỉ riêng việc đi sau ông dọn cũng có thể gọi là một full time job.

Monday, July 1, 2013

1/7/2013


Những ngày cuối cùng trước Ramadan. Cong đít vì hẹn với hò.

Ramadan là tháng nhịn ăn của người đạo Hồi. Trời nắng nóng kinh khủng thế này mà họ nhịn ăn nhịn uống bắt đầu từ 5h sáng đến tận 7h tối. Sau đó ăn như thụi từ 7h tối đến tận 3h sáng hôm sau. Thế thì thà không nhịn còn hơn. Hôm nọ tại một reception, một cậu người Emirati bảo mình “tôi phải chạy trốn Ramadan vì cứ sau Ramadan là tôi tăng cân gấp đôi, vì toàn ăn muộn và ăn toàn món béo”.

Mình hỏi cậu lái xe “nắng nóng thế này mà anh không ăn uống gì thì làm sao mà làm việc được?”, thì cậu ta trả lời “madame, chúa sẽ giúp tôi”. Cái gì cũng hy vọng Chúa giúp thì Chúa khí bận, nhể. May quá mình cho ông đi nghỉ hè hai tháng, chứ tháng Ramadan nhịn ăn này ông nhịn từ sáng tới tối, luôn trong tình trạng đói khát mệt lả, ai mà dám bảo ông chở mình và lũ trẻ con đi chỗ này chỗ nọ.

Lại quay trở về cái chuyện cong đít vì hẹn với hò, cả năm bận tíu tít, hứa hẹn với bao nhiêu người là sẽ gặp họ, hoặc sẽ cho bọn trẻ con gặp nhau, mà cứ bận cái nọ cái kia chẳng làm được. Thế cho nên khoảng chục ngày trước Ramadan bận kinh lên được, vì phải tranh thủ hẹn cho hết nợ.

Hôm nọ tự nhiên lại rảnh ra buổi chiều, bèn táy máy lôi đồ mỹ phẩm ra dọn. Mỹ phẩm mình ít mua, ít dùng, nên cứ thỉnh thoảng lại phải dọn một lần để thấy cái nào cũ quá thì bỏ đi. Nhìn thấy tuýp kem tẩy da chết của La Mer, được khuyến mại dễ đến 5 năm nay rồi mà không dùng hết, lại tranh thủ đang rỗi rãi, lại nhân dịp mặt đang như bãi chiến trường, thế là tặc lưỡi thử tẩy da chết cái xem sao.

Kem tẩy da chết có những hạt cát rất mịn có tác dụng lấy đi lớp da chết trên bề mặt da. Trong quá trình mình đang mê mải bôi bôi trét trét xoa xoa rửa rửa thì một hạt cát như thế đã chui tọt vào trong mắt mình. Làm đủ cách mà nó không chịu chui ra. Thế là buổi tối phải đi dự event trong tình trạng mắt cứ chớp một cái là lại thấy vướng vướng. Khó chịu kinh lên được. Chỉ mong event nhanh xong để còn về nhà khắc phục hậu quả. Nửa đêm về nhà, lấy bát nước dí mắt vào chớp lấy chớp để, mắt đỏ ngầu cả lên mà hạt cát chết tiệt vẫn chẳng chịu chui ra. Đành hậm hực đi ngủ. Hy vọng sáng hôm sau nó tự hết.

Sáng hôm sau nó cũng chẳng tự hết. Mình có hẹn với một bác sĩ để lấy kết quả thử máu. Đến nơi ông ấy còn bắt nhân viên dẫn đi xem mấy cái máy chăm sóc da ông ấy mới nhập về. Khổ quá, mắt thì cộm ơi là cộm, mà cứ phải bấm bụng kiên nhẫn nghe giảng giải hết máy này đến máy khác. Bắt đầu từ máy B1, đến máy B12 thì mình chịu hết nổi, phải xã giao một câu “wow, thật là nhiều máy quá”. Thở phào quay lại phòng bác sĩ, đang tưởng thế là thoát, mình được tót về nhà xử lý nốt cái hạt cát quái quỷ, thì ông bác sĩ lại bắt đầu ngắm nghía da mặt của mình, sờ lên má, sờ xuống cằm, vừa sờ vừa bình luận “da cô chỗ này tốt, chỗ này xấu..”. Mình chỉ muốn gạt phắt ông ta ra và bảo “xấu kệ tôi”. Đang chết dở vì tự nhiên nổi hứng chăm sóc da đây, còn tâm trí nào mà đẹp với chả xấu.

Tóm lại, hôm đó hạt cát cũng chẳng chịu chui ra. Mình suýt khóc huhu vì bất lực. Sau 3 ngày thì cảm giác cộm cộm cũng hết nhưng mắt lại nhìn một hóa hai cho mấy ngày liền. May quá đến hôm nay thì hết. Cái tuýp tẩy da chết vẫn còn nhiều bị mình vứt béng vào sọt rác. Cạch tẩy da chết đến già.

Thế cho nên nghĩ đi nghĩ lại thì bận bịu vẫn hơn, bận bịu thì không có thời gian nghịch dại.