Thursday, April 14, 2016

No free lunch



Tôi nhớ hồi sinh viên năm mấy, đi học bằng chiếc mini tàu cọc cạch nay hỏng chỗ này mai hỏng chỗ khác. Bố bạn tôi chắc thương con bé nhà nghèo nhưng chăm chỉ ngoan ngoãn, một hôm dẫn tôi ra cái chợ gì ở gần Văn Miếu, giới thiệu với một ông sửa xe đạp quen tên Sơn. Bố bạn tôi bảo “nó sinh viên nghèo, ông sửa cẩn thận đừng lấy đắt của nó”.
Có lời dặn dò của bố bạn tôi, ông Sơn loay hoay với cái xe cà tàng cả mấy tiếng mà chỉ lấy tiền gọi là. Mini tàu của tôi từ cửa hàng ông Sơn ra chạy êm hẳn. Từ đó tôi tín nhiệm ông Sơn, cứ thỉnh thoảng lại mang xe ra cho ông sửa.
Một hôm, tui quyết định dành tiền dạy thêm tân trang lại toàn bộ cái xe cà tàng. Tui ngồi bó gối cả buổi chiều ngắm ông Sơn. Ông Sơn cân vành, thay bi, thay líp, tra dầu mỡ, sửa xích, chỉnh phanh. Xe đạp của tui sau khi được tân trang chạy cứ gọi là, vừa êm vừa nhẹ, không kém mini Nhật. Đời tui chưa đi cái xe nào nhẹ như vại. Tui vui lắm.
Thế mà chỉ sáng hôm sau, ngủ dậy, mở cửa, xe đạp dựng ngoài sân đã bị mất trộm. Là một trong những lần rất hiếm hoi trong đời con người lạc quan là tôi muốn chối bỏ thực tế, quay lại giường ngủ tiếp, để lúc thức dậy thấy cái sân trống hoác đó chỉ là một cơn ác mộng đã qua.
Nhưng đó rất tiếc lại không phải là ác mộng. Từ đó, tôi bắt đầu cuốc bộ đến trường. Buổi sáng không sao, buổi trưa về hơi nắng nhưng cũng không sao. Nhà tôi ở Láng Hạ, đi bộ ra trường Ngoại Thương cũng gần. Trên đường còn đi qua một khu nhà giàu, toàn 3, 4 tầng, tầng trệt là cửa sắt xếp lúc nào cũng đóng im ỉm, nghển cổ nhìn cũng thích. Còn có cả một ngôi nhà có cây hoàng lan và một nhà khác có cây ngọc lan, vào mùa trổ hoa rất thơm, tha hồ ngước lên mà mơ mộng.
Bạn hay bảo tôi “sao mà ấy sướng thế, sao lúc nào ấy cũng vui vẻ”. Bạn đi một chiếc xe máy cáu cạnh đắt tiền chạy êm ru, tôi cuốc bộ. Bạn ngủ trong một cái phòng lúc đó với tôi như phòng của công chúa. Tôi ngủ chen chúc cùng mẹ và em trong một cái nhà 10m2 mưa và nắng đều hắt vào tới quá nửa. Bạn ăn toàn món ngon, 6, 7 món một bữa. Tôi với 7000đ (và sau tăng lên 8000đ) đi chợ hàng ngày mẹ đưa, tần ngần cầm cái rổ đứng mãi ngoài chợ vì chẳng biết mua gì cho cả nhà gồm 2 thằng em đang tuổi ăn tuổi lớn. Tôi cho chúng nó ăn trường kỳ đậu rán và củ cải xào. Hôm nào đổi món thì được hai lạng thịt riềm thăn ăn cả ngày, nhưng nếu mua thịt rồi thì chỉ còn đủ tiền mua rau muống. Tôi nói thật tôi cũng không thấy tôi khổ. Nhưng bạn như thế mà bảo tôi sướng thì có cái gì cứ sai sai ở đây.  
Tôi cũng biết một người từng luôn ghen tỵ bảo tôi may mắn còn họ thì không. Tôi cũng nghĩ mình may mắn. Nhưng họ cả ngày lên mạng chát chít,  mua bán quần áo giày túi và chơi games, để nhà cửa bừa bộn, mùi đồ ăn nồng nặc, giường chiếu cháo lòng và lộn đô lộn đáo, mà lại đổ những thứ tôi có được là do tôi may mắn thì hình như cũng có cái gì sai sai ở đây.
PS: chị đẹp và trẻ so với tuổi, đã ly dị chồng. Lúc nào nói chuyện chị cũng tự hào bảo có nhiều anh theo chị. Chụp ảnh, chị chỉ giữ lại những cái chị đẹp nhất hội. Chị ngoài 40, uống rượu dô dô cụng ly chan chát cùng cánh đàn ông, miệng hay đùa và mắt hay liếc. Không ít bà vợ lộn ruột. Tôi biết tính chị vui vui thế, và thích thể hiện tí quyền lực với đàn ông thế, chứ thực ra không phải người kém đứng đắn hay định tranh cướp gì của ai. Có lần, chị đứng nhìn mấy cô gái trẻ rất chăm chú, thấy tôi đến gần, chị bảo “nghe nói chúng nó đẹp lắm mà nhìn một hồi thấy chả có gì đặc biệt. Không son phấn thì chả đẹp bằng mình”. Tôi bảo “Đẹp hay không thì liên quan gì đến bà, bà hơn 40 tính cạnh tranh với gái 20 hay sao?”. Nghe câu nói nửa đùa nửa thật của tôi, chị cười hì hì. Tôi quý chị nhưng chả đủ thân thiết để nói ra cái sự thật mất lòng rằng với hình thức như chị, tu thân, đi đúng đường, làm gì chả kiếm được thằng tử tế, làm gì phải đánh đu hết thằng này đến thằng khác trong các quán bar nồng nặc mùi rượu và thuốc lá, hoặc tự rẻ rúng mình hưởng ứng các trò đùa nhiều khi khả ố bậy bạ của cánh đàn ông, chỉ với mục đích chọc tức những bà vợ đã già xấu lại còn hay ghen bóng gió, và ve vuốt niềm kiêu hãnh rằng mình độc thân xinh đẹp vẫn còn được đàn ông theo đuổi. Tán tỉnh theo đuổi vớ vẩn là một chuyện, nghiêm túc lại là chuyện khác. Mấy năm rồi chị có kiếm được ai nghiêm túc đâu.
Người chị chê xấu, người chị chê nghèo, người chị chê hâm, người chị chê ky, người chị chê béo, người chị chê già. Khốn nỗi, những thằng có những thứ chị muốn, hình như nó lại chê chị. Thế nên chị bảo nhiều thằng theo lắm, mà mãi chả đậu thằng nào. Thỉnh thoảng lại bất giác thở dài, nói vài lời cay đắng.
À, chị cũng hay bảo tôi may mắn.
Tôi thì nghĩ ở đời, trừ những tai ương khủng khiếp bất khả kháng, ngoài ra “may mắn” và “bất hạnh” là những khái niệm tương đối và xảy ra với tất cả mọi người. Người không có tư chất, cơ hội may mắn đến thì cũng để tuột mất. Người giỏi giang biến tất cả mọi thứ xung quanh mình thành cơ hội. Người mạnh mẽ, bất hạnh giáng xuống họ loạng choạng rồi lại đứng dậy ngay. Người nhu nhược, bất hạnh giáng xuống là ngã lăn, từ đó muốn dậy là phải có người khiêng. Người đứng thẳng được là người ngã và biết đứng dậy chứ không phải chưa bao giờ ngã.
PS1: Ngoài câu “sao bạn/mày/chị/em may mắn thế” thì còn có một câu khác mà người đời rất hay nói với tôi, đó là câu “Where are you from?”. Ngày nào cũng bị hỏi. Đi đâu cũng bị hỏi. Câu “may mắn” thì tui trả lời “Vầng, may mắn”. Còn câu “Where are you from?” này thì tui trả lời “I am from Heaven”.
PS2: Tôi thích hoàng lan và ngọc lan, bao giờ có dịp nhất định phải về Hà nội quắp sang trồng. Rồi có ngày có khi các bạn sẽ thấy bà già cún béo ngồi viết blog cạnh khung cửa sổ có cây ngọc lan.

Saturday, April 9, 2016

Ngồi mát ăn bát vàng




Hồi lâu lâu mình đang đứng ở IKEA thì nghe thấy tiếng trẻ con khóc. Ngoảnh ra, không nhìn thấy đứa bé nhưng thấy chị mẹ tay đẩy xe treo lỉnh kỉnh đủ thứ, vai vắt cái khăn sữa, bụng đùi ngực sồ sề, thì mình đoán đứa bé chắc vẫn đang tuổi sơ sinh. IKEA sáng đó vắng teo, chỉ có mỗi mình, chị ấy và vài ba người khác. Đứa bé gào khóc ngằn ngặt. Mọi người quay ra nhìn. Chị mẹ cuống quýt dỗ. Mình ấn tượng nhất khuôn mặt chị ấy, vừa cuống, vừa bất lực, vừa sượng sùng như chỉ mong đất nẻ ra một lỗ để chui xuống, chân tay thì luýnh quýnh, tóc vấn ngược, cái đuôi gà vểnh thót lên. Điệu bộ của người mới làm mẹ lần đầu, như mình nhiều năm trước, cứ sợ tiếng con khóc làm người xung quanh khó chịu, trong khi có ai khó chịu gì đâu.
Hôm nọ ở siêu thị có đứa bé gái theo mẹ đi chợ. Nó chỉ khoảng hơn một tuổi, tóc loe hoe như một con gà con, mồm móm xọm, dãi rớt lèo xèo mải mê nhá một mẩu bánh mì que cầm khư khư trên cái tay béo mũm. Mình cứ đứng nhìn nó mãi. Mới hồi nào con cũng y hệt thế này. Lòng chùng xuống suýt nhớ nhưng gạt vội cảm giác sến súa. Nhớ nhung gì, khổ bỏ mẹ. Hồi ở Rome, con đứa 4 tuổi nghịch ngợm, đứa 2 tuổi ốm yếu, đứa vừa đẻ, trời ơi cả ngày mình đôn đáo sấp ngửa, ăn một miếng cơm vào mồm còn khó, còn đêm thì cứ ngủ 2, 3 tiếng là phải dậy một lần. Ngày này sang ngày khác lúc nào cũng có cảm giác như bị ai dìm đầu xuống nước không thở nổi. Cứ nghĩ lại là rùng mình.
Giờ thì con lớn rồi. Con tự chơi cả ngày, khát tự chạy đi lấy nước uống. Sáng dậy tự làm giường, gập pijama, rồi xuống bếp lấy bát đĩa khỏi máy rửa bát xếp vào tủ cho mẹ. Quần áo mẹ giặt từ đêm, sáng mấy anh em hò nhau khiêng xuống nhà mang ra sân sau phơi, chiều chạy ra lấy vào. Đến bữa ăn tự ngồi ăn, ăn xong mang đĩa để vào chậu, tự rửa mặt mũi rồi xin phép mẹ ra ngoài vườn chơi. Chiều mẹ nấu ăn, hai chị em tự tắm gội cho nhau, xong mẹ chạy lên kiểm tra.  Mấy ngày một lần mẹ sai thằng con trai mẹ đi đổ rác. Thỉnh thoảng mẹ bắt dọn phòng đồ chơi. Bình nước trên nhà của mẹ, lúc nào hết là mẹ sai con gái mẹ xuống nhà lấy đầy rồi mang lên cho mẹ uống. Con mẹ lớn rồi, mẹ bắt đầu được gặt hái thành quả lao động cực nhọc chục năm của mẹ rồi. Ôi, điệu này mẹ sắp ngồi mát ăn bát vàng rồi đây.
Nhưng mà đây, nó lớn đến mức này rồi đây: buổi tối, con Na te tái chạy từ phòng ăn lên. Mẹ hỏi “Con ăn hết đồ ăn chưa, Na?”. Nó liến láu “Na ăng hếc dồi”, mặt mũi lấm lét rất mất tự nhiên. Mẹ nhìn nó, hỏi lại, rất chậm rãi “Con ăn hết hay con đổ đi rồi?”. Cái mồm móm của nó ngoác ra bằng cái mang tai nó luôn “Na độ đi dồi, Na độ vào thùn dát”.
Thế là nó bị phạt không được xem hoạt hình. Nó tiu nghỉu cố gỡ gạc “Na yêu mẹ Na muống ôm muống hôông mẹ”. Bị mẹ nó từ chối vì tội vứt đồ ăn và tội nói dối, nó lủi thủi đi thay pijama, mặt mũi buồn so cam chịu.
Là nó biết tội nó to quá, mẹ nó cáu quá và nó chưa ăn tét đít là may nên nó mới cam chịu như thế. Chứ bình thường nói nó cái gì là mặt nó tỉnh bơ “Ang na là coong mấc dại (con mất dạy) đúng hông mamma?”.
Chị gái nó lo lắng vì em bị phạt, cứ quấn lấy mẹ hỏi xem em sẽ bị phạt mấy ngày, và xăng xái lôi chăn đệm ra trải xuống đất cho em nằm. Bố nó vừa đi vắng chúng nó đã dọn vào phòng mẹ luôn. Bị mẹ không cho nằm chung giường thì chúng nó trải chăn đệm xuống nằm ngay dưới đất. 

Nó sợ sệt hối lỗi thế mà đặt lưng xuống 5 phút là ngáy khò khò luôn. 

Còn mẹ già của nó thì  gần 10h đêm còn phải chúc đầu vào thùng rác lôi thịt gà và trứng ra để mang cho bọn mèo hoang đói khát đang ngồi đợi ngoài cổng. Từng này tuổi mà vẫn còn bị con ranh 5 tuổi nó xiếc. Vài năm nữa, nó càng lớn càng khôn, mình càng già càng lẫn, không biết nó còn xiếc mình đến độ nào. Có khi số mình còn lâu mới được ngồi mát ăn bát vàng.

Monday, April 4, 2016

Những bài học



Gần 11 năm hôn nhân và gần chừng đó thời gian làm mẹ, tôi học được 2 bài học. Một bài học đắt giá và một bài học quý giá.
Bài học đắt giá: không chỉn chu xinh đẹp thì không nói chuyện phải quấy với chồng. Một con gà mái xơ xác, xù lông đuôi, mặt đỏ gay và kêu quang quác, bộ dạng tả tơi yếm thế đó mình nhìn mình còn chả thương được thì ai thương được. Mà không thương được thì không nghe được. Lời nói, đã được cân nhắc để nói ra, phải có được trọng lượng xứng đáng.   
Bài học quý giá: Nếu buổi sáng thức dậy, tôi ôm ấp vỗ về và nói với con tôi rằng tôi yêu chúng lắm, và rằng chúng là những đứa trẻ ngoan nhất trên đời, và nhắc lại điều đó trong ngày, thì chúng sẽ có xu hướng ngoan suốt cả ngày. Và quan trọng nhất, tôi cũng sẽ có xu hướng là một người mẹ dễ chịu suốt cả ngày.

Tôi cần là một người mẹ dễ chịu suốt cả ngày. 

Bài học quý giá này nếu áp dụng cho đàn ông tôi cho rằng sẽ còn thần diệu hơn. Nhưng áp dụng cho trẻ con mắt sáng, môi mềm, tóc thơm, má mọng, thân hình be bé, giọng thanh thanh nheo nhẻo, còn dễ. Chứ áp dụng cho một người 70 cân hói đầu phệ bụng, đeo mục kỉnh, nằm lún giường, đi lún đất, cãi nhem nhẻm, giọng ồ ồ, râu ria xồm xoàm và mặt toàn nếp nhăn, thì khí khó ý nhể. Vại là lại phải quay lại bài học đắt giá: mắt đen, môi nhạt, và mặc preferably ren đen, trước khi nói chuyện phải quấy với chồng...

PS: Ông đi chơi. Vợ chả thích tí nào nhưng ông năn nỉ quá vợ đành đồng ý, chỉ ra điều kiện ông đến xem thoải mái nhưng cấm vác thứ gì về. Chả hiểu có trò gì vui ở cái nơi toàn bán phụ tùng xe sứt sẹo méo mó dầu mỡ ấy. Châu Âu giờ bất ổn, người ta tránh chỗ đông chả được ông lại đâm đầu vào. Ông tiết kiệm tiền, mua vé máy bay hạng bét. Từ hồi bắt đầu làm nhà, có bao tiền đổ hết cả vào đấy, vợ chồng chi tiêu tiết kiệm hẳn. Ông chỉ còn xin vợ tiền đi đá bóng và tiền cắt tóc. Vợ thương ông vì với số tiền thường chi ra để giúp người khác, ông có thể mua vé máy bay hạng nhất. Nhưng hạng nhất hạng bét thì cũng chỉ là cái ghế, đủ đặt mông thì thôi chứ việc gì phải xoắn. Ông thì đặt đâu ngủ đấy, treo ngược lên cành cây ông còn ngủ được, thì ghế hạng bét chật chội đã là cái giề.
Vợ vừa vào toilet chưa kịp ngồi xuống thì ông đã gõ cửa cạch cạch xin vào. Ông muốn nhờ vợ tẩy cho ông cái áo len. Vé máy bay hạng bét chỉ cho có 8 cân hành lý nên ông phải lôi ra những món quần áo ấm nhất và nhẹ nhất. Cái áo len cashmere này hai vợ chồng mua lúc vẫn còn nhiều tiền, chả hiểu ông ăn gì rớt vào làm đốm bẩn nên phải nhờ vợ tẩy. Xong ông bảo vợ “Em ơi, vé hạng bét nên suốt chuyến bay chúng nó sẽ chả cho anh ăn uống gì. Em làm cho anh món gì anh mang đi ăn được không?”. Nghe đến là hoàn cảnh. Vợ thương, vợ thương, sáng nay vợ chạy đi chợ mua đồ về làm bánh mỳ kẹp cho ông mang đi ăn đường. Bao giờ mình xong nhà và trả xong nợ, miễn trong khả năng của mình, ông muốn mua xe gì mua bao nhiêu vợ cũng đồng ý.
PS: Ông cắt tóc ở cái tiệm rẻ nhất Dubai. Bọn thợ hạng bét nó cắt trăm lần thì cả trăm lần như quả gáo nhưng ông cứ khăng khăng đến bằng được chỉ vì cái tiệm nó tên là Napoli, tên Ý nhà ông. Mà thôi, quả gáo cũng không sao. Vợ thích là được, cần gì con nào thích.

Friday, April 1, 2016

Cỏ mùa xuân



3 mẹ con ra quầy chuyển tiền. Xong việc, mẹ bảo “mình rẽ qua siêu thị mua cá cho mèo”. Vào đến quầy cá, mình bảo “chị làm ơn bán cho tôi loại cá rẻ nhất”. Cô bán hàng bảo “thế thì chị mua cá này, chỉ có 7 dirhams một cân”. 7 dirhams chắc chưa được 2usd. Nhìn con cá cô ấy chìa ra, chợt nhớ ra, loại cá rẻ tiền này cô Rất thường ăn.
Haiz, mà thôi, chính ra mình thích ăn cá nhỏ. Cá như thế này là vẫn to. Mình thích cá còn nhỏ hơn nữa, chỉ nhỏ bằng ngón tay, mình cứng, tươi đến nỗi lưng xanh óng lên, rán lên ăn rất ngon ngọt, có khi ăn được cả xương. Ăn cá nhỏ cho đỡ độc hại. Chứ cá to thời gian sinh trưởng lâu, trong thịt tích tụ nhiều độc tố. Chưa kể các loại cá được ưa chuộng như cá hồi, phải nuôi công nghiệp mới đủ nhu cầu. Mà đã nuôi công nghiệp thì chuyện sử dụng kháng sinh và các thể loại thuốc thúc tăng trưởng là chuyện bình thường. Báu gì đâu.
Mấy mẹ con đang ở nhờ nhà mình chính ra rất lãng phí, kiểu bật điều hòa mở cửa sổ, hoặc để nước ngọt chảy lênh láng ra sân, hoặc điện trưng suốt đêm ngày không thèm tắt, hoặc đổ cả một hộp cá ngừ ngâm dầu ra đất cho con mèo hàng xóm. Trẻ con không biết đã đành, bà mẹ cũng chả thèm nhắc. Họ chỉ cần tiết kiệm cho mình những chỗ lãng phí, thì dư sức để mình nuôi được cả mẹ con cô Rất ở mức tối thiểu.
Nhưng mà thôi, đời cơ bản là bất công. Mình thì là cái đinh gỉ gì mà muốn lấy chỗ nọ đập chỗ kia được. Cứ muốn mang chỗ đầy lấp chỗ trũng, tính tình lại thành khó khăn phù thủy chả ai chịu được.
Tối qua hai vợ chồng đi ăn tối ở Atlantis về, đi trên đường vành đai của đảo Cọ, thấy sóng biển đánh rầm rầm. Trời nổi gió rất mạnh. Lại giông bão. Sáng nay lại thấy lạnh lạnh, mưa mưa. May quá lại thêm được mấy ngày mát mẻ.
Ở châu Âu mùa xuân sang rồi. Anh chồng chụp cho xem cái ảnh đường đi từ Siena sang Asciano. The rolling hills trứ danh của Tuscany. Chỉ một thời gian ngắn nữa, trên những triền đồi hoa dại sẽ nở tưng bừng. Đúng là chẳng nơi nào đẹp bằng châu Âu.
Ảnh: Crete Senesi. Ở xứ sa mạc toàn cát với bụi, nhớ nhất là màu xanh của cỏ mùa xuân này.