Friday, April 1, 2016

Cỏ mùa xuân



3 mẹ con ra quầy chuyển tiền. Xong việc, mẹ bảo “mình rẽ qua siêu thị mua cá cho mèo”. Vào đến quầy cá, mình bảo “chị làm ơn bán cho tôi loại cá rẻ nhất”. Cô bán hàng bảo “thế thì chị mua cá này, chỉ có 7 dirhams một cân”. 7 dirhams chắc chưa được 2usd. Nhìn con cá cô ấy chìa ra, chợt nhớ ra, loại cá rẻ tiền này cô Rất thường ăn.
Haiz, mà thôi, chính ra mình thích ăn cá nhỏ. Cá như thế này là vẫn to. Mình thích cá còn nhỏ hơn nữa, chỉ nhỏ bằng ngón tay, mình cứng, tươi đến nỗi lưng xanh óng lên, rán lên ăn rất ngon ngọt, có khi ăn được cả xương. Ăn cá nhỏ cho đỡ độc hại. Chứ cá to thời gian sinh trưởng lâu, trong thịt tích tụ nhiều độc tố. Chưa kể các loại cá được ưa chuộng như cá hồi, phải nuôi công nghiệp mới đủ nhu cầu. Mà đã nuôi công nghiệp thì chuyện sử dụng kháng sinh và các thể loại thuốc thúc tăng trưởng là chuyện bình thường. Báu gì đâu.
Mấy mẹ con đang ở nhờ nhà mình chính ra rất lãng phí, kiểu bật điều hòa mở cửa sổ, hoặc để nước ngọt chảy lênh láng ra sân, hoặc điện trưng suốt đêm ngày không thèm tắt, hoặc đổ cả một hộp cá ngừ ngâm dầu ra đất cho con mèo hàng xóm. Trẻ con không biết đã đành, bà mẹ cũng chả thèm nhắc. Họ chỉ cần tiết kiệm cho mình những chỗ lãng phí, thì dư sức để mình nuôi được cả mẹ con cô Rất ở mức tối thiểu.
Nhưng mà thôi, đời cơ bản là bất công. Mình thì là cái đinh gỉ gì mà muốn lấy chỗ nọ đập chỗ kia được. Cứ muốn mang chỗ đầy lấp chỗ trũng, tính tình lại thành khó khăn phù thủy chả ai chịu được.
Tối qua hai vợ chồng đi ăn tối ở Atlantis về, đi trên đường vành đai của đảo Cọ, thấy sóng biển đánh rầm rầm. Trời nổi gió rất mạnh. Lại giông bão. Sáng nay lại thấy lạnh lạnh, mưa mưa. May quá lại thêm được mấy ngày mát mẻ.
Ở châu Âu mùa xuân sang rồi. Anh chồng chụp cho xem cái ảnh đường đi từ Siena sang Asciano. The rolling hills trứ danh của Tuscany. Chỉ một thời gian ngắn nữa, trên những triền đồi hoa dại sẽ nở tưng bừng. Đúng là chẳng nơi nào đẹp bằng châu Âu.
Ảnh: Crete Senesi. Ở xứ sa mạc toàn cát với bụi, nhớ nhất là màu xanh của cỏ mùa xuân này.

26 comments:

  1. Replies
    1. Để hôm nào chị viết một bài về cuộc sống của những người sống ở vùng nông thôn Ý như này. Họ sướng vô cùng chứ không khổ sở chạy ngược chạy xuôi tắc đường khói xe như mình.

      Delete
    2. Chị viết đi chị, đọc cho sướng :)

      Delete
    3. @ Trung: ok Trung, chị đang đợi một việc. Việc này xong chị sẽ viết.

      Delete
  2. Em thấy chị sống đơn giản và chi tiêu hợp lý, nên em không hiểu sao chị có thể chịu được khi những người ở nhờ trong nhà lại hoang phí như vậy. Chị không khó chịu hay tiếc của ạ? Em nghĩ chị không muốn bản thân trở nên khó khăn phù thủy, nhưng em thấy họ làm như vậy mình khó chịu là chính đáng chứ ah?
    Ở chỗ làm, trong WC, em thấy có chị kia thản nhiên đứng tô son trong khi mở vòi nước chảy ào ào. Em với tay tắt rồi liếc cho một cái =))

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị quả cũng khó chịu và tiếc của. Chị không tiếc nếu họ dùng. Nếu tiếc thì mình đã chả bao giờ cho họ ở nhờ ngay từ đầu. Nhưng chị tiếc nếu họ bật lên mà không dùng, cứ để đó nước thì lênh láng, điện thì sáng trưng. Tiết kiệm được cho mình thì mình còn có khả năng giúp người khác.
      Nhưng hai nếp nhà khác nhau, làm sao mình có thể điều chỉnh họ theo nếp của mình ngay được. Chỉ riêng chuyện nhắc hai thằng bé kia kiểu không trèo lên tường ngó sang nhà hàng xóm, không rủ con chị chơi điện tử, hoặc vào nhà chơi không được chân đất trèo lên sofa, đã làm chị thiếu điều sùi bọt mép. Nói thêm chuyện ý thức tiết kiệm nữa chắc chị điên, mà họ cũng phát điên. Thế là cũng phí luôn ý tốt của mình. Thế nên phải chọn nói cái gì, nhắm mắt bỏ qua cái gì, em ạ.
      Chị mà thấy có chị già đứng tô son để kệ vòi nước chảy ào ào thì chị ghét lắm, chắc cũng làm như em.

      Delete
  3. Chi oi co hy vong co Rat duoc chi giup biet dau lai khoi duoc benh va quay lai lam viec giup gia dinh chi khong a? Canh dep qua, em cung thich mua xuan o day lam lam.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cô ấy đã chữa được bệnh viêm tiết niệu nhưng chị biết đầu óc cô ấy chưa trở lại bình thường. Vì nếu đã trở lại bình thường thì chị chắc là cô ấy sẽ gọi điện cho chị. Đây chỉ có em họ của cô ấy gọi điện nã tiền suốt ngày :-))))))

      Delete
  4. Loại cá nhỏ mà chị nói: bây giờ muốn mua cũng không biết ở đâu bán. Xung quanh, toàn cá nuôi. À! con gì cũng nuôi cả, nên thịt nó không thể ngon ngọt được rồi. Em nhớ hồi xưa, cứ ăn được thịt gà là ngon ơi là ngon, giờ hết cảm giác này rồi, thịt gà cứ nhạt nhạt sao đó chị. Có lần, em về quê ăn được thịt gà (chạy bộ) và rau nhà trồng: sao mà ngon thế không biết :-)))

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ừ, ăn thịt gà ta da vàng ươm, mỏng dính, thơm ơi là thơm. Ở bên này cũng thế em ạ, mua được thịt tử tế một chút thì đắt gấp 3, 4 lần thịt vớ vẩn. Thịt đắt này còn có mùi thịt, còn ngon lành một tí, chứ thịt rẻ kia nhiều khi còn nguyên mùi thuốc, nấu lên hoi, nhão nhoẹt, kinh lắm.
      Loại cá nhỏ chị thích ăn bên này họ gọi là sardine, bán rất nhiều và rẻ rề. Ở nhà có khi em mua cá nục đi, cá nục chắc chả ai nuôi công nghiệp làm gì. Mỗi tội có khi lại bị ướp hóa chất để giữ tươi thay vì trữ đông đúng cách. Người VN mình cứ hay đổ tội cho tàu khựa nhưng thực ra đạo đức kinh doanh của mình cũng kém lắm em ạ.

      Delete
    2. Giang đào cái ao nhỏ thả cá ở ngôi nhà bên Ý được k hay minh phai xin phép chính phủ hả Giang? Bên P thì minh mua đất nông nghiệp thì chăn nuôi trồng trọt gì cũng được , nhưng cùng diện tích ấy mà mua trong khu dan cư thì làm gì cũng phai giở hđ ra xem coi nó có quy định không.
      Mừng là cô Rất đã chữa lành bệnh, về tinh thần thì phải có thời gian. Hy vọng gia đình sẽ quan tâm để co ấy k ăn quá nhiều đồ ngọt, dẫn đến mất trí nhớ.

      Delete
    3. @ PhungPat: mình nhắn rất nhiều tin nhắn dài lượt thượt dặn dò họ hàng cô Rất đừng cho cô ấy ăn nhiều đồ ngọt, và cung cấp thông tin về cô ấy để họ nói lại với bác sĩ cho bác sĩ có đầy đủ thông tin, thì họ chả thèm trả lời mình lấy một tiếng. Họ chỉ nhắn tin gọi điện cho mình liên tục khi họ hỏi tiền. Tình hình này mình cũng chẳng hy vọng họ sẽ chú ý đến bệnh nghiện đồ ngọt của cô ấy đâu P ạ :-(
      Mình không đào ao thả cá mà chỉ định đào bể bơi. Trầy trật mới xin được giấy phép, mà bọn mình may vì cùng lúc nhà thị trưởng cũng muốn đào bể bơi nên có lẽ vì thế mình mới được xét, chứ bể bơi trong vùng đó nghe nói là bị cấm.
      Bên mình nhất cử nhất động đều phải xin phép chính phủ. Kể cả cái giếng cổ ở trong vườn cả trăm năm nay, giờ mình muốn dùng nước giếng đó thì cũng phải đăng ký và trả phí. Thế nên mình chắc nếu mình muốn đào cái ao nho nhỏ thì cũng phải xin giấy phép và đóng phí chết thôi. Thế nên thôi, chắc mình mua cái vại thả vài bông súng, khỏi đào bới gì cho mất công P ạ.

      Delete
    4. :) mùa hè bên này bạn Pat đi câu ở sông hồ chừng 1 buổi là đầy cá, nhưng cảnh sát của khu đó chỉ cho mình giữ cá lớn thoi, cá nhỏ phai thả nếu k họ phạt, mình muốn ăn cá nhỏ để ăn luôn xương là phải tự thả trong ao nhà đó Giang. Con cá nhỏ như con cá rô bên mình ah, chiên giòn chấm nước mắm me hay xoài là đặc sản của P ah :).

      Mình nghĩ nếu mình là người nhà cô Rất, trong điều kiện kinh tế eo hẹp chắc cũng chẳng quan tâm gì đến thực phẩm nào tốt hay hại sức khỏe đâu, chỉ cần no bụng là được nên mấy cái tin nhắn kia khó tiếp thu thôi, chỉ mong trời Phật thương để cô ấy tỉnh táo trở lai để đi làm kiếm tiền nuôi con thoi.

      Nói về tiếc thức ăn bỏ đi với việc người nghèo thiếu ăn thì mình đau lòng thêm Giang ah. Nghề nghiệp cho P gặp nhiều người thừa mứa, ăn đến bệnh viện phải mua giường đặc biệt vì to quá, rồi những người đến từ những nước chậm phát triển thì bệnh đủ thứ vì thiếu dinh dưỡng, đẻ dày và nhiều.

      Delete
    5. @ PhungPat: P ơi mình muốn hỏi, giờ cái bệnh viêm tiết niệu khỏi rồi, vậy thì bệnh loạn thần của cô Rất có từ từ tự khỏi không, hay phải đi bác sĩ trị liệu và uống thuốc? Mình sợ phải uống các loại thuốc độc hại ức chế thần kinh, cô ấy đang hơi lẫn lẫn tí lại thành lẫn hẳn thì khổ.
      Về chuyện câu cá, bên Ý cũng thế. Người có giấy phép mới được đi câu cá, và cá câu được phải đạt kích thước nhất định mới được mang về, nếu không là phải thả lại xuống nước. Tùy loài mà có từng quy định về kích cỡ khác nhau. Nếu vi phạm, cảnh sát đường thủy họ bắt được họ phạt chết thôi. Cũng phải thôi, nếu không cá to cá nhỏ câu tuốt thì chả mấy chốc mà tận diệt hết cá.
      Về vụ béo phì, người thiếu ăn thiếu chất sinh bệnh đã đành, người thừa ăn béo phì cũng sinh bệnh nốt. Ở trường con tớ thì chỉ thấy trẻ em Ấn độ và trẻ em Ả rập là còn bị béo phì, chứ trẻ em Âu chúng nó gầy như que luôn. Trẻ em Âu đứa nào mà bị béo phì thì là do bố mẹ phải chểnh mảng vô trách nhiệm lắm đó P.

      Delete
  5. Tớ cũng rất đau lòng xót ruột khi thấy phương Tây quá phung phí, nhất là khoản thức ăn cậu ạ. Cứ nhìn nhà hàng vứt đi đĩa đồ ăn còn mới tinh chỉ vì thực khách không hài lòng món ăn, hoặc đến cuối ngày là họ phải vứt bỏ những thức ăn làm trong ngày là tớ muốn điên hết cả mề. Họ cứ để dành đấy cho người vô gia cư thì chả phải bớt một ít gánh nặng cho những người làm công tác từ thiện ko! Mà tớ nghĩ có lẽ nhà hàng ngại kiện cáo nên cứ đổ bỏ hết, phủi tay cho nhanh, đỡ lăng xăng về sau. Mình đôi khi muốn đội đá vá trời, nhưng quả thật như cậu nói í, chỉ cố thực hiện vài việc cỏn con trong nếp nhà mình đã khó, nói gì đến cải tổ xã hội :-(

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thế mời chị về VN, đảm bảo không đổ một tý thức ăn nào, cho vào tủ lạnh hết và dành cho khách đến sau. Vui chút thôi, chứ cái công xử lý thức ăn thừa tốn công hơn là nấu mới nên họ không giữ lại.

      Delete
    2. Đời bây giờ phức tạp lắm cậu ơi, không phải cứ có ý tốt là có thể đi thực hiện ngay đâu. Bởi có quá nhiều kẻ kiếm sống bằng những tình huống tình ngay lý gian của người khác. Riết rồi người có ý tốt cũng trở nên nghi kỵ, sợ liên lụy, sợ làm phúc phải tội, nên thôi chả dây cho nó lành.
      Ví dụ chuyện đồ ăn thừa ý, ở bên này, đồ ăn nhà hàng, siêu thị, khách sạn, cũng đổ bỏ kinh lắm. Trong khi tầng lớp lao động thấp thì ăn toàn đồ rẻ mạt. Nhưng cứ nghĩ đến việc mang cho đồ ăn, xong ai đó ăn xong lại bị đau bụng, họ lại được ai đó chống lưng kiện cho mình vỡ mặt, thì đúng là thà vứt đi ngay từ đầu còn hơn.

      Delete
    3. Dạo này tớ cũng hay nhận được thư của đám người chuyên sống bằng nghề kiện cáo, họ gửi thư với các câu hỏi như mình đã từng bị xyz vì sử dụng sản phẩm abc hay chưa, và mình có muốn ký tên cùng đám người ấy đi kiện nhà sx hay ko ... Ghét vô cùng. Đời đúng là quá phức tạp và tàn nhẫn.

      Delete
    4. @ Baglady: tớ nghĩ là lực lượng phản biện trong xã hội rất cần thiết, vì có lực lượng này thì chính phủ hay các nhà sản xuất mới không dám làm bậy. Nhưng đúng là cái gì cũng có 2 mặt của nó. Bởi ngay lập tức có đám người cơ hội lợi dụng phản biện để kiếm ăn. Thế nên mình nghe cái gì cũng phải tìm hiểu thật cẩn thận trước khi hành động. Tớ không ủng hộ những kẻ chuyên sống bằng nghề kiện cáo, bới bèo ra bọ gần như tống tiền nhà sản xuất. Nhưng nếu tớ có hiểu biết trong lĩnh vực này, và tớ biết nhà sản xuất sai, và cái sai này làm ảnh hưởng tới người vô tội, thì tớ sẽ ký, cậu ạ.

      Delete
    5. Cậu ơi, hồi đó tớ rất cảm kích trước những vụ kiện to tát mang lại công lý cho người bị hại tại đây, nhưng càng ở lâu tớ càng thấy mặt trái của nó quá nguy hiểm. Cụ thể là dù việc kiện cáo dù có chính nghĩa đến đâu đi nữa, nhưng cuối cùng thì tiền thắng kiện chỉ chủ yếu chảy vào túi đám luật sư, rồi đám người đứng ra kiện, có khi lên đến vài chục nghìn người, chỉ được ăn chia mẩu bánh thừa còn lại. tớ là người yêu chuộng công lý, nhưng tớ ko ủng hộ cách ăn chia như thế này. Báo chí chỉ nêu con số khổng lồ tiền thắng kiện, thế là dân tình hả hê, có ai biết những nạn nhân chủ chốt thì chỉ nhặt bạc cắc. Thế nên tớ k muốn ủng hộ cách kiếm tiền vô nhân của những tay luật sư kém đạo đức như thế này cậu ạ.

      Delete
    6. Tớ đang tưởng là làm lớn chuyện thì chính phủ sẽ vào cuộc điều tra và bắt nhà sản xuất khắc phục sai phạm, chứ nếu kết quả chỉ là một khoản tiền lớn chia nhau rồi đâu lại vào đấy thì đúng là tớ không thể ủng hộ kiểu kiếm ăn kền kền này.

      Delete
  6. Công nhận em rất thích nghe chỉ tả cảnh, tả đến đâu nghe phê đến đấy. Nhìn cái triền đồi kia mà hoa nở tưng bừng thì thích chết được chị nhỉ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ừ, những triền đồi và thung lũng, chớm xuân cỏ mới xanh nõn, giữa xuân hoa cúc dại trắng li ti, chớm hè hoa anh túc đỏ rực rỡ, giữa hè là hoa hướng dương vàng rực, cứ thế trải tít tắp đến tận chân trời. Thặc là một nơi đáng sống, cu Tùng ạ.

      Delete
  7. Em yêu chị Giang nhất ở cái tính tiết kiệm, hài hước, chưa kể tả cảnh lúc nào cũng mê ly, thơ mộng :*

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dứa có tin là từ hồi lấy chồng thì chị càng ngày càng hài hước ra chứ hồi trước thì cũng bình thường.
      Và Dứa là người đầu tiên yêu chị vì tính tiết kiệm. Ngoài tính tiết kiệm ra thì chị còn rất nhiều iu điểm khác, Dứa có biết không :-P

      Delete
    2. Em biết, em đọc chị bao lâu rồi còn rì ko lẽ lại khen những thứ người khác khen mãi dồi, nhưng em cho tiết kiệm là phẩm chất quý giá, ai có em cũng yêu hihi

      Delete