Saturday, December 14, 2019

14/12/2019


Con Na, như thường lệ, thi xong quên điểm, đặc biệt quên những môn nó không thích nhớ. Môn tiếng Anh đọc hiểu nó được điểm B. Mình bảo thi mà không học hành gì cả thì điểm làm sao cao được. Nó bảo đọc hiểu thì làm sao mà học được. Ý nó là môn đọc hiểu, đọc mà hiểu thì là hiểu, không hiểu thì là không hiểu, chứ học ôn kiểu gì. À, mà nó còn tỉnh bơ bảo B chỉ sau A chứ mấy, làm gì mà bà phải quan trọng hóa vấn đề. Mày học ở đâu cái logic lạ đời thế hả con?
Hôm qua, nó kể chuyện nhận điểm thi môn địa lý, mắt rân rấn nước. 38/40 điểm, chưa kịp mừng thì cô giáo bảo “À có bài cô chấm nhầm”. Nhầm ai không nhầm lại nhầm đúng bài của nó. Thế là nó mất 2 điểm, còn 36/40. Nó bảo it’s not fair, cho con nhà người ta 38 điểm rồi còn lấy lại 2 điểm. Mình bảo điểm phải được tính dựa trên số câu trả lời đúng, chứ làm sai mà vẫn đòi điểm cao thì hóa ra là gian lận à em bé. Xong mình dặn thêm “Các em bé của mẹ khi nhận bài kiểm tra hay bài thi bao giờ cũng phải soát lại, nếu sai mà cô giáo quên trừ điểm thì phải lên nói với cô. Thà nhận điểm kém hơn nhưng trung thực còn hơn nhận điểm cao mà gian lận, nhớ chưa?”. Con La với thằng Lê gật gật, còn con Na giả điếc nhưng nhìn mặt nó thì có thể đọc ngay được ý nghĩ “nhầm là tại cô giáo, chả phải tại tui, việc gì tui phải xoắn” của nó.

Cô con gái Lila năm nay vừa lên cấp 2, tuổi vừa chớm teen mà đã cho mẹ già của nó lên bờ xuống ruộng. Vừa vào năm học mới mấy tuần, phải đi họp phụ huynh, mẹ hớn hở vác mặt đi chủ yếu vì tò mò xem cấp 2 các thầy cô sẽ khen con mình thế nào. Ai ngờ 10 thầy cô thì 8 người phê bình vì nói chuyện riêng trong giờ, hoặc vào lớp muộn, hoặc không làm bài tập. Chưa kể cứ năm ngày ba bận nó lại xin nghỉ học vì lý do đau bụng. Mình vắt óc nghĩ không ra tại sao nó lại đau bụng được. Mãi mới phát hiện ra vì tiền túi rủng rỉnh nên hay ăn quà vặt, và ăn quà vặt xong thì tào tháo đuổi. Mình quán triệt tư tưởng lão chồng vụ cho con tiền tiêu vặt, lão gật đầu hứa đinh ninh lắm nên mình yên tâm vấn đề đã được giải quyết. Ai dè mấy hôm sau trường lại gọi điện bảo con chị đang ở phòng y tế trường vì đau bụng. Hóa ra thằng bố, buổi sáng con mò vào xin tiền tiêu vặt, mải ngủ nên giúi tiền cho con luôn để khỏi bị quấy rầy. Con có tiền lại mua quà vặt ăn, và tào tháo lại đuổi ngay 15 phút sau đó. Mẹ thương cái em bé đang tuổi tò mò cái gì cũng muốn thử quá đi mất.

Con gái quậy ở trường đã đành mà ở nhà cũng chả khá hơn. Tính tình chỉ có thể gói gọn trong một từ “khủng khiếp”. Tuần trước, cả nhà đi ăn tối về, Lê xin phép mẹ cho ngủ muộn vì phải làm bài tập. Con Na nhát gan sợ ngủ một mình nên bình thường toàn xin ngủ với anh. Nó thích ngủ với chị lắm nhưng toàn bị chị đuổi quầy quậy, đuổi không được còn đánh em. Giờ anh chưa đi ngủ nên con Na cũng không dám vào phòng ngủ trước một mình. Đang loanh quanh đợi thằng anh thì từ cuối hành lang con chị ngó đầu ra khỏi phòng gọi “Anna tối nay có muốn ngủ với Lila không?”.Con em nghe xong òa lên vì mừng “Sure”. Cái hành lang dài, hình như nó sợ con chị đợi lâu đổi ý nên không dám đi bình thường mà phải vội vã chạy tới thật nhanh, tay vẫn xách cái quần đùi. Nhìn nó chạy lao đầu về phía trước mà xót. Mấy hôm sau mình kể lại chuyện cho con La, rồi bảo “Con phải làm thế nào đó để em coi chuyện con tử tế với em là chuyện bình thường. Chứ em mà phải mừng rỡ đến thế vì một lần con tử tế, thì chứng tỏ rất hiếm khi con tử tế với em”. Nghe mẹ nói xong đôi mắt đẹp của nó nhìn mẹ chăm chăm vẻ suy nghĩ, thay vì liếc, nguýt, hoặc nhìn lên trần nhà như thường lệ. Từ hôm đó đến nay cũng được hơn tuần, nó quả cũng tử tế với em gái nó hơn. Mỗi tội chả biết sẽ được bao lâu.

Ảnh: mẹ thương cái em bé nâu từ đầu đến chân có logic hơi lạ đời nhưng mà hiền khô phớt tỉnh lại còn vui tính của mẹ quá đi mất.

Sunday, December 8, 2019

Tư bản nhân văn

Chồng bảo mai anh phải đi dự buổi khai trương một dự án nông nghiệp, em đi cùng anh. Bảo thôi, mai em phải làm nhiều việc, đi cùng anh mất nguyên ngày, rồi việc dồn lại mệt lắm. Ông vẫn cứ năn nỉ đi cùng anh cho vui, dự án về nông nghiệp, chắc chắn là em sẽ thích. Ông nói mãi nên cuối cùng mình đành gác lại các việc khác để đi cùng ông cho có bầu bạn.
Dự án nông nghiệp này nghe thì thấy rất có ý nghĩa. Người Ý bỏ tiền khai khẩn đất hoang thành ruộng vườn, dẫn nước từ sông vào để tưới, mua giống cây và hạt mang tới, mang tới cả công nghệ chăm sóc cây trồng. Phần dân làng là ra lao động trên đồng. Nông sản thu hoạch được họ thoải mái dùng theo nhu cầu, cải thiện bữa ăn vốn nghèo dưỡng chất. Số còn lại người Ý lại tìm kênh bán hộ, tăng thu nhập cho dân làng. Sau một thời gian cho mọi thứ vào guồng, người Ý cuối cùng sẽ rút đi, giao lại đất cho từng người để họ tự canh tác, sinh nhai.
Nghe xong mình đã nghĩ ngay làng ngay đấy, bãi đất thì ngay cạnh làng, sông lại ngay cạnh bãi đất, mà bãi đất cũng bằng phẳng, toàn cây bụi nên việc phát quang không phải việc khó khăn, nhất là thấy rất nhiều đàn ông khỏe mạnh trai tráng đi lững thững trong làng, vậy thì tại sao lại phải đợi người Ý đến họ mới có vườn trồng rau?
Lúc ra đến ngoài đồng, nói chuyện với một ông kỹ sư nông nghiệp người Ý, ông ý bảo “Khó lắm chị ạ. Mới đầu có 25 người làng đăng ký muốn tham gia hưởng lợi từ dự án. Bây giờ họ trốn hết, chỉ còn mỗi 10 người mà thái độ cũng có vẻ ngần ngại. Họ quen được người da trắng cho tiền rồi, giờ bắt họ lao động mới ra thành quả thì họ không thích”.

Ở đây, dân thành thị còn đỡ một chút chứ dân quê vẫn sống hồn nhiên như cây cỏ. Đói thì đi quanh quanh kiếm cái ăn, sắn khoai mọc đầy ra, mọc lẫn ngút đầu với cỏ dại nên nhìn cũng không hiểu là do người trồng hay tự mọc, chỉ biết là rút lên là có cái ăn. Quả ăn xong vứt hạt, hạt lại mọc thành cây, xoài chuối mọc khắp nơi, đói bụng mà không muốn nấu nướng thì làm quả xoài quả chuối là xong bữa. Ăn xong đi kiếm chỗ ngủ. Ngủ thì kiếm một gốc cây nằm là đủ mát mẻ, nhà cửa chả quan trọng lắm. Trời đất ấm áp quanh năm nên khỏi lo chuyện sưởi ấm, thậm chí chẳng cần quần áo. Điều kiện thiên nhiên dễ chịu nên con người không có động lực phấn đấu. Đang ăn sắn mãi chả sao mà giờ để có rau tươi ăn, ngày nào cũng phải ra đồng toát mồ hôi gẫy lưng cày cuốc tưới nước nhặt cỏ bắt sâu, thì họ chả muốn ra là phải rồi.

Trong buổi lễ khai mạc, ông trưởng làng lên phát biểu, nói đi nói lại xin các vị da trắng cho nốt tiền nạo bùn khúc sông. Nghe xong ngài chả nói gì. CEO của công ty tài trợ dự án cũng chả nói gì. Lúc nào cũng chỉ muốn đi xin, còn việc bày ra trước mắt đấy thì không chịu làm. Không tự thân vận động, sự trợ giúp nào từ bên ngoài sẽ là đủ?

Ngài đi dự lễ khai mạc về, cả chặng đường mặt nhăn như bị rách. Không phải nói gì chứ tư bản Ý nhân văn hồi mới đến châu Phi hăm hở lắm, đầu toàn những điều vĩ cuồng thay đổi thế giới. Chả bù cho Việt nam cộng sản, vài tháng là đọc vị ra ngay, bị tư bản Ý quở “cô đầu óc suy nghĩ tiêu cực”. Giờ sau hơn 3 năm, tư bản Ý xẹp lép như cái bánh tráng, tiêu cực còn hơn VN cộng sản, đặc biệt độ nhân văn cũng không còn nhiều, nếu không nói là chả còn giề.

Lại quay lại ông kỹ sư nông nghiệp cau có và vườn rau sạch cho còn không đắt, sau khi ca cẩm một hồi, ông ấy bảo “Giá như ở VN thì chắc chắn mọi việc đã khác”. Ông này đã đến làm việc ở VN rất nhiều lần chứ không phải nịnh suông cho vừa lòng cún.

P.S: Tiền dự án là từ một công ty của Ý. Tư bản nhân văn tư duy như sau: nếu một công ty trong quá trình hoạt động sinh lợi gây ra nhiều tác động xấu tới môi trường, tức là có dấu chân carbon lớn, thì sẽ phải lập công chuộc tội, tức là trích lợi nhuận làm các việc ủng hộ cộng đồng, bảo vệ cải thiện môi trường vv. Những hoạt động này vừa giúp thu nhỏ dấu chân carbon vừa tô điểm cho bộ mặt của công ty, tức là công ty sẽ ít bị chính quyền, đối thủ cạnh tranh, và dư luận lên án, đại loại là như thế. Thế cho nên nguồn tiền làm các dự án nâng đỡ cộng đồng này rất dồi dào, mặc dù hiệu quả thì hên xui. Mà có vẻ như hên hay xui không quan trọng, miễn giải ngân được và ghi được hoạt động đó vào trong portfolio của mình là xong việc, mặc dù dĩ nhiên họ không bao giờ công nhận điều đó. 

Sunday, December 1, 2019

Chuyện ăn

Một tuần toàn event lớn tại nhà. Một event ăn tối 500 người và một event ăn trưa 90 người trong đó có cả thủ tướng Ý. Event ăn trưa đầu tiên bảo 40 người, mình rung đùi, cuối cùng phình to thành 90 người, mình chạy sút cạp quần. Thủ tướng về nước rồi, hôm sau mình tổng kết, cho hội người làm một buổi ăn uống liên hoan cuối năm, rồi mình nằm bẹp cả buổi chiều không dậy nổi. Mà thôi, xong rồi, nhẹ nợ. Entry trước mình nói chuyện tiền, entry này mình nói chuyện ăn.
Mình nhớ hồi mới tới Dubai, có lần dẫn lũ con đi chơi cuối tuần ở một trung tâm mua sắm tầm tầm nào đó. Đến giờ ăn trưa, chúng nó đòi vào McDonald. Mình thì đã kiệt sức sau mấy tiếng liền chạy theo 3 đứa trẻ con lít nhít đi một bước ngã một bước, nói luôn mồm và cứ vài phút lại vồ vào mặt mình một lần, nên chúng nó thích gì mình chiều luôn cho xong nghĩa vụ ăn uống, đằng nào cũng rẻ.
Trẻ con mắt to hơn mồm, chúng nó mỗi đứa bưng về một khay đầy hự, háo hức nhưng ăn vài miếng là chán. Mình vốn rất ghét đổ bỏ đồ ăn nhưng đang mệt chả muốn mệt thêm, nên bảo chúng nó tự xử đống đồ ăn, không ăn hết được thì tự mang bỏ đi.  
Chúng nó đang lục tục chuẩn bị hê cả ba khay đồ ăn hầu như còn nguyên vào thùng rác, thì mình thấy một cậu Ấn độ rất trẻ, gầy gầy, ngồi bàn gần đó, cũng vừa ăn xong đang đứng lên. Chuyện cũng không có gì đáng nói nếu cậu ấy không đưa mắt liếc nhìn mấy khay đồ ăn của lũ Lê La Na một cái rất nhanh. Có rất nhiều thứ trong ánh mắt ấy. Tiếc rẻ, thèm thuồng, và nhiều thứ nữa rất khó gọi tên, trên khuôn mặt cố tỏ vẻ ngó lơ bình thản. Cái khay của cậu ấy sạch trơn.
Cậu ấy hẳn là một trong hàng nghìn người Ấn độ sang bán sức lao động rẻ mạt ở Dubai. Lương thấp, điều kiện sống tồi tệ, lao động nặng nhọc hại sức khỏe. Các bạn cứ tưởng tượng nắng nóng tới 45, 50 độ mà họ phải làm việc ngoài trời từ sáng tới chiều tối, còn đêm về ngủ chen chúc trong một căn phòng tồi tàn nào đó. Và họ thường phải ngủ trong điều hòa rét run vào buổi đêm để ban ngày có thể chống chọi được cái nóng khủng khiếp khi làm việc ngoài trời. Nhưng dân Ấn độ, Pakistan, Bangladesh vẫn xếp hàng đợi sang bởi viễn cảnh được chủ bao ăn ở, ốm chủ cho thuốc, đi làm có xe đưa đón, quần áo lao động cũng chủ lo, vậy thì lương có thấp thế nào cũng vẫn là món để dành được.
Cậu Ấn độ kia hẳn là một người như vậy, cuối tuần đi chơi trong một trung tâm mua sắm bình dân, selfie gửi về nhà, rồi tự thưởng cho mình một bữa ăn tại McDonald.
Cái liếc mắt tiếc rẻ thèm thuồng của cậu ấy làm mình phải suy nghĩ. Từ đó, đi ăn ở đâu, đắt hay rẻ, bao giờ mình cũng nhắc bọn trẻ con chỉ gọi đủ món. Nếu thấy chúng nó khả năng sẽ không ăn hết, là mình không gọi món của mình nữa. Lúc đồ ăn dọn ra, mình ăn ké chúng nó vài miếng là xong.

Theo mình, người VN ăn quá nhiều đạm. Cơ thể người không cần nhiều đạm đến thế. Ăn thế cơ thể không thể hấp thụ hết được, tức là tiền đổ xuống cống hết. Mà với tình hình thực phẩm bẩn như hiện nay, ăn thế tức là mất tiền để rước bệnh vào người, rồi lại mất tiền chữa.

Loài người vốn là loài săn bắn và hái lượm, có thể ăn được rất nhiều thứ. Xung quanh mình các loại rau củ quả hạt bản địa rất phong phú, mỗi thứ có một loại dinh dưỡng riêng. Chuyện ăn uống không quan trọng đến mức phải liên tục chi tiền bồi dưỡng, săn lùng sản vật ngon độc lạ, liên tục lo lắng không béo, không khỏe. Chưa kể thế giới thì đang ngày một quá tải vì sức tiêu thụ khổng lồ và lãng phí của con người.

Thời buổi này, ngay cả ở châu Phi người ta cũng muốn gầy. Ở phương tây, nhiều khi phải có tiền mới gầy được. Vì ở phương tây ăn để gầy tốn tiền hơn ăn để béo rất nhiều. Trong khi ở VN, ăn để gầy rất dễ. Chả có lý do gì mà không tận dụng lợi thế đó, mình thật.

P.S: Mình từng ngồi cùng mâm với những đứa trẻ cứ ăn xoi xói, chọn những miếng ngon nhất ăn, không cần biết ngoài mình còn bao nhiêu người khác. Có đứa còn có trò dùng đũa xục xới lung tung vào đĩa đồ ăn để chọn ra miếng mình thích. Bố mẹ cũng chả nhắc, cứ như thể mừng vì con mình tranh được phần hơn. Có lần, nhà mình đi nghỉ đâu đó cùng một gia đình khác. Mấy ngày liền, cứ đồ ăn vừa dọn lên là chị vợ nhà kia lập tức chất đầy đồ ăn lên đĩa đứa con lười ăn của chị ấy. 7 người còn lại chia nhau phần còn lại. Thậm chí, đĩa chất đầy rồi mà chị ấy lo con bé vẫn còn muốn ăn thêm, là anh chồng đang ăn uống hăm hở bị chị ấy họ lại ngay. Con bé bữa nào cũng bỏ mứa rất nhiều đồ ăn, còn 7 người còn lại thì có khi ăn chưa đủ. Con mình ăn chưa đủ thì mình cho ăn thêm ít rau, quả chuối, bắp ngô, miếng khoai, vài cái hạt, hoặc uống thêm cốc sữa. Chả thiếu cách để ăn no, không cứ gì cứ phải cá thịt. Thế nên mình cũng không nói gì chị kia. Chỉ có điều mình tự hỏi bố mẹ như thế thì dạy con kiểu gì?

Monday, November 18, 2019

Chuyện túi tiền


Entry trước mình vừa bảo có người hợp mọi thứ, thế mà chỉ vì đúng một điều mà mình bỏ. Vẫn đánh giá rất cao con người đứng đắn, cương trực, có bề dày nội tâm và yêu thiên nhiên đó, nhưng chưa bao giờ hối hận. Chuyện là, một hôm mình hỏi người đó một câu. Hỏi để xem có hợp không, có phải là người đáng để đầu tư tình cảm nghiêm túc không. Mình hỏi thế này, mà lại hỏi với vẻ mặt khinh khỉnh kiêu ngạo cứ như thể cả thế giới phải xuống dưới chân mình hết, “Em tiêu nhiều tiền lắm đấy. Anh chịu nổi không?”.
Nghe mình hỏi thế, anh ấy đã nghiêng người ghé vào gần, với một vẻ mặt cũng ngang cơ, và trả lời thế này “Miss, em tiêu tiền CỦA EM”. Anh ấy không ngờ chỉ với một câu trả lời đó, tên anh ấy đã bị gạch xoẹt khỏi danh sách một cách không thương tiếc. Anh ý không giàu. Còn mình lúc đó không thiếu tiền, cũng không thiếu việc. Thậm chí nhiều nơi không đủ tiền trả lương cho mình nếu muốn mời mình về làm. Nhưng expat như anh ấy đâu có ở VN mãi được; rồi đến một ngày mình phải theo anh ấy đi đây đó hoặc về nước, chắc gì mình đã kiếm được việc, mà thái độ với tiền của anh ấy lại rạch ròi tiền anh tiền em kiểu thế, thì sống với nhau kiểu gì? Kèo nhèo về tiền nong thì lại là điều mình chúa ghét. Đang trẻ trung, đẹp đẽ, tự do, kiếm ra tiền, một tá đàn ông theo đuổi, điên gì chui vào rọ và trở thành người yếu cơ hơn.

Anh ý cứ cố gắng hỏi tại sao tại sao mãi, nhưng mình cứ lý do nọ lý do kia nào là em chưa sẵn sàng, nào là em chưa muốn ràng buộc. Thôi, cứ để người tưởng tình tan bởi đúng người nhưng sai thời điểm, chết ai đâu.  

Cả đời ở tại một chỗ, mỗi người có công việc ổn định, sự nghiệp ai người đó thăng tiến, thì còn bảo tiền anh tiền em rạch ròi kiểu tây được. Chứ đây người ta sẽ phải bỏ hết để nay đây mai đó theo mình mà mình lại chỉ muốn được không muốn mất, thì…có lẽ là mình bắt người kia phải mất nhiều quá.
Mình biết nhiều cặp bỏ nhau chỉ vì chuyện tiền nong này. Có chị lấy chồng người Đức, chồng làm to, thu nhập cao lắm. Chị vợ chẳng bao giờ biết được chồng có bao nhiêu tiền vì tài khoản chồng chồng giữ kín như bưng, muốn tiêu gì phải hỏi. Kèo nhèo mãi cuối cùng chồng mới mở cho một tài khoản, mỗi tháng chồng chuyển tiền vào để vợ đi chợ. Đang tưởng cuối cùng cũng được độc lập một cách tương đối, thì hóa ra chồng mở tài khoản lại đứng tên cả hai vợ chồng để chồng còn kiểm soát xem vợ tiêu gì.
Có chị người VN bỏ việc theo chồng VN đi sứ. Khốn nỗi chồng kiếm được bao nhiêu cũng giấu chả cho vợ biết. Tiền chợ thì đưa vợ nhỏ giọt. Sau rất nhiều căng thẳng, cuối cùng chị vợ đành bỏ chồng, quay về VN làm việc tiếp.
Chả nói ai đúng ai sai vì mình thực ra cũng không rõ nội tình, nhưng trái dấu vụ gì còn hút nhau được chứ trái dấu vụ thái độ với tiền bạc thế này thì khó lắm.
Mình được nghe rất nhiều những câu chuyện tương tự. Cơ mà chuyện tình yêu thì mình nhớ chứ chuyện tiền nong thì mình nhớ không được.

Các chị em văn phòng hay thích bảo các em gái trẻ “Thôi lấy tây đi cho sướng em ạ”, rồi truyền tai nhau những câu chuyện cổ tích một cô gái Việt đen thui lùn xoẳn xấu xí lấy anh tây vừa cao to đẹp trai vừa si tình, ở nhà được anh ấy nuôi, tiền nong chi tiêu thoải mái, có khi bao nuôi cả gia đình vợ, thậm chí yêu thương con riêng của vợ như con đẻ luôn. Các chị văn phòng cứ hay thích chuyện cổ tích chứ… Tây nào mà ngu thế hihi.

Có một kẻ mà ai cũng biết là ai đó, cũng bị hỏi một câu tương tự, cũng với thái độ khinh khỉnh kiêu ngạo chảnh chọe tương tự “Em tiêu nhiều tiền lắm đấy. Anh chịu nổi không?”, đã trả lời, mặt hiền khô “Khi mình lấy nhau rồi thì tiền của anh cũng là tiền của em. Em tiêu gì thì tiêu, miễn đừng vượt quá số tiền chúng mình có”. Chỉ cần một giao ước lời thế thôi, còn lại tin nhau là chính. Mười mấy năm, may quá chưa ai phụ lòng tin của ai cả.
Mỗi tội ông lại vừa sáng tác ra một thứ mới. Ấy là cái màn. Màn cũ đang dùng chả sao, ông nằng nặc tháo ra treo màn mới của ông vào. Màn mới vừa dùng được 2 hôm thì mình đã bị muỗi đốt liền cho 5 nhát, đỏ lừ, mấy ngày rồi mà vẫn ngứa điên. Đúng là đời chả bao giờ hoàn hảo, được cái nọ mất cái kia. Thôi để hôm nào tui kể sự tích cái màn. 

Sunday, November 10, 2019

Ngồi ở xó vườn bàn chuyện thế giới

Mình có một cậu bạn. Gọi là bạn thì cũng không hẳn. Ngày xưa thích nhau lắm, rất hợp nhau mọi thứ. Chỉ vì đúng một điều mà mình bỏ cậu ta nhưng thôi điều gì thì để kể ở một entry khác. Chỉ biết là rất hợp nhau mọi thứ. Và vì có chung suy nghĩ, tư tưởng, trong nhiều chuyện, nên dù không hẳn là bạn nhưng thi thoảng có vụ gì đó thì vẫn nói chuyện nhiệt tình.
Lần gần đây nhất, cậu ấy bảo mình thế này “Chỉ có những nhà kinh tế học và những thằng điên mới tin vào sự phát triển kinh tế liên tục. Không cần phải có giải Nobel kinh tế mới hiểu rằng không thể có sự tăng trưởng vô hạn trên một cơ thể hữu hạn là trái đất”.
Mình phải thừa nhận là đồng ý với cậu ý quá. Bị truyền thông dắt mũi, tất cả chúng ta đều bị ám ảnh bởi tiêu dùng và tăng trưởng. Nhất là được tăng trưởng nóng, tăng trưởng vài con số, thì cứ gọi là thích mê, rêu rao ầm ĩ. Nhưng tăng trưởng nghĩa là phải sản xuất và tiêu thụ nhiều hơn. Mà sản xuất nhiều tiêu thụ nhiều thì lại thải nhiều. Bớt thì còn may ra chứ cứ tiếp tục thêm, thêm nữa, thêm mãi như thế này thì chúng ta sẽ đi về đâu?
Tài nguyên kiệt quệ, không khí ô nhiễm, sông ngòi ô nhiễm, đất đai nhiễm độc, biển toàn rác nhựa, rừng cháy, động vật cứ tuyệt chủng dần dần, ong chết vì ngộ độc hóa chất phun lên cây cỏ. Chưa kể còn băng tan, khí hậu biến đổi thất thường cực đoan, bão nhiều và năm sau dữ dội hơn năm trước, nơi nóng thành lạnh, nơi lạnh thành nóng, tuyết rơi ở sa mạc và những xứ ôn đới thì khốn đốn vì nắng nóng....
Tăng trưởng liên tục, đẩy mạnh tiêu dùng, con người chiến thắng thiên nhiên, tất cả những thứ từng làm con người nức lòng giờ quá mù ra mưa lại thành những thứ đần độn.
Cật lực kiếm tiền để cật lực tiêu. Thu nhập tăng lên nhưng nhu cầu cũng tăng lên, cũng chẳng phải nhu cầu thiết yếu mà toàn nhu cầu do chúng ta tự vẽ ra và truyền thông bơm thổi. Cuối cùng rỗng túi vẫn hoàn rỗng túi, tiện nghi thì thừa mà môi trường trong lành thì thiếu. Cuộc sống tiện nghi hơn, vật chất thừa mứa hơn, tha hồ cho con người lười nhác phù phiếm, nhưng đổi lại lại phải ăn thực phẩm bẩn, hít không khí bẩn, uống nước bẩn. Đời có vay có trả, nhẽ nào lại sai được.
Thỉnh thoảng lại có bạn đọc blog bảo mình bình luận về chuyện này chuyện nọ, hoặc hỏi tại sao dạo này mình không bình luận chuyện này chuyện nọ. Câu trả lời đơn giản thôi, tại vì ai cũng nói rồi, mình nói thêm vào nữa cũng đâu có nói được điều gì mới, mà mình thì lại đang muốn bớt.
Đợt về Ý vừa rồi, tranh thủ còn một đống gạch cũ không dùng, mình gọi thợ tới lát một khoảnh sân và trồng vào đó 4 cái cây. 2 cái cây là do phải dọn chỗ làm sân tennis nên phải nhổ trồng sang chỗ khác, còn 2 cái cây là mua mới, một cam một chanh. Thế là mình có khoảnh sân gạch cũ trên đó có hàng cây cam chanh quýt, nhìn yêu yêu.
Một hôm đang xếp củi dành cho lò sưởi mùa đông thì bắt được chú bọ ngựa đang đứng ngơ ngẩn trên một cành cây vừa bị cắt xuống. Bèn mang chú thả lên cây. Gì đâu mà toàn bọ ngựa đực gầy nhẳng, chưa thấy con bọ ngựa cái nào để còn đẻ trứng cho tui rình trứng nở. 
Đợt về Ý lần này, đã định cắt cỏ trong vườn để ra cổng cho lũ cừu chiều nào cũng leng keng chuông cổ đi qua. Thế mà cuối cùng không sao tìm được thời gian để làm. Đành lỗi hẹn với cừu.
Ảnh: thỉnh thoảng giả vờ thong thả tí thôi. 

PS: các bạn ở nhà cho cún hỏi, em trai hát bài Cát bụi này (từ giây thứ 12 của video) tên là gì, ban nhạc nào, mà nhìn hay thế, giọng cũng nam tính nữa. Mấy hôm nay ái mộ quá cứ xem đi xem lại. Ôi tuổi trẻ, chỉ cần gầy gầy và giản dị thế. 
https://www.youtube.com/watch?v=NR0Udl6bJqM

Monday, November 4, 2019

4/11/2019


Lên máy bay về Ý. Mấy bố con nhà kia hơn tuần sau mới về. Để con lại cho ông mình nói thật là lo lắm, nhưng nhiều việc phải làm quá, lũ trẻ con thì được nghỉ ngắn, không về sớm sẽ không kịp giải quyết việc gì. Ông thì đã hoan hỉ bảo lũ con “Mẹ mày đi vắng bố con mình đi ngủ muộn” :-))))).
Con chừng này tuổi, mình nhờ ông đón con cũng vài bận. Nhờ lần nào là phải canh giờ nhắc ông lần đấy. Có đúng hai lần không nhắc thì ông quên cả hai. Một lần là mình bận đi giúp hội người Việt ở Dubai trang trí phòng tiệc đón quốc khánh. Vì phòng tiệc ở dưới tầng hầm, điện thoại không có sóng nên không nhắc ông được. Về tới nhà, hỏi ông “Con đâu anh?”, ông đang ngồi dính ở máy tính nghe thế đập tay đánh bốp vào trán rồi xô ghế chạy. Con phải đón từ 4h, giờ đã hơn 6h, thế thì 2 tiếng qua thằng bé ở đâu? Mình vội gọi cho mẹ của thằng bé bạn nó. Sinh nhật con nó kết thúc từ 4h chiều, suốt 2 tiếng qua nó phải ngồi trông con mình. Chắc nó chán đời lắm, vì thấy giọng trả lời điện thoại nghe xa vắng.
 Lần thứ hai, mình bận đón con Na và chạy mấy việc vặt, nên nhờ ông đón thằng Ale. Bận quá nên quên không nhắc ông. Xong về tới nhà, thấy ông vẫn ngồi vểnh râu lướt điện thoại, mà giờ đón con thì đã quá từ lâu. Bị mình sửng cồ “Sao chưa đón con?”, ông sửng cồ lại “Quên chứ sao” rồi chạy tót đi. Sôi mề.
Có lần cuối tuần, mình nấu ăn dưới nhà xong đi lên, không thấy thằng con trai đâu. Mình thấy bất thường ngay vì ngày nghỉ, chắc chắn nó sẽ bám sườn bố nó để xem ké vi tính hoặc điện thoại chứ làm gì có chuyện nó đi sang phòng khác. Thế nên mình hỏi ngay “Lila, Anna, anh Ale đâu?”, và được chúng nó kể anh Ale bị chảy máu mũi đang nằm trong phòng. Mình chạy vào phòng nó, thấy thằng bé đang nằm, nuốt ừng ực, quần áo be bét máu. Vừa ngồi dậy một cái lập tức một dòng máu chảy ngoằn ngoèo nhanh như cắt xuống cằm. Máu đã chảy liên tục không cầm được như thế mười mấy phút, mà thằng bố mải cắm mặt vào máy tính chỉ bảo con ngửa cổ lên là coi như xong nghĩa vụ. Ngửa cổ lên, máu chảy ra không được thì chảy ngược vào. Thằng bé nuốt máu nhiều quá nên giờ ruột cuộn lên choáng và buồn nôn.
Mất hơn 15 phút mới tạm cầm máu. Mình bảo “Anh đọc nhiều về ô tô và những chuyện tầm phào của thiên hạ quá. Sao không đọc để có chút kiến thức sơ cứu trẻ con?”, thì bị ông cãi “Chảy máu mũi ngửa cổ lên trời là đúng rồi còn gì”.
Hồi ở Rome, nhà trẻ của con Lila ở ngay trong Bộ. Lý tưởng ra thì hai bố con buổi sáng đi cùng nhau, con vào nhà trẻ tầng 1, bố lên văn phòng tầng 3, mình được ngủ thêm một tí vì cả đêm đã loạch xoạch với con Na. Nhưng mình sáng nào cũng phải tự cho con bé đến nhà trẻ vì sợ ông chồng đầu óc trên mây của mình đến Bộ rồi đi thẳng vào văn phòng làm việc và để quên con trong xe. Xe thì đỗ ngoài bãi đỗ xe nắng chang chang. Quên ở đấy thì chỉ tiếng sau là không cứu được chứ đừng nói cả ngày.
Nhà mà có một người trên mây thì người còn lại phải thực tế gấp đôi, thế thôi.

Kết quả: một tuần sau, mình rộn ràng lái xe ra sân bay đón mấy bố con. Trước đó mình đã dặn ông đứt lưỡi anh cẩn thận kẻo lạc con. Gì chứ con thì lăng quăng, bố thì mải cắm mặt vào điện thoại, không lạc mới là lạ. Ngay từ xa, nhìn thấy ông ngơ ngáo đi ra, theo sau là 3 cái đuôi lẵng nhẵng, mình thở phào. Đến gần, người thì đủ nhưng vali thì KHÔNG THẤY CÁI NÀO. Hóa ra bố con lạc nhau ở sân bay chuyển chặng. Lúc tìm được nhau, chạy té đến quầy check-in thì đã quá muộn, hàng không giá rẻ chúng nó không chịu linh động. Thế là người đi vali ở lại. Thôi, mình chỉ sợ lạc con chứ hành lý thì lạc cũng được vậy.
Về nhà, có người gọi điện đông tây nam bắc khắp nơi, chả giải quyết được, hôm sau đành lên facebook kêu cứu. May quá có thằng bạn bỏ công lái xe ra tận sân bay trả tiền hộ để sân bay gửi hành lý bằng chuyển phát nhanh đến tận nơi cho. Ông huênh hoang về các thể loại tình bạn bắt đầu từ ô tô, từ facebook, mà keo sơn vị tha của ông, và giấu biến hóa đơn chuyển phát nhanh hơn 200e!

Monday, October 14, 2019

Trên bảo dưới không nghe

Một sáng thứ bảy tươi đẹp cả nhà dắt díu nhau tham gia vào cuộc đi bộ do trường Lê La Na tổ chức. Mình vốn chả ham thể dục thể thao nhưng mấy bố con nhà kia hăm hở khăng khăng đòi đi bằng được. Mình ngài và thằng Ale đi thì còn kệ cho họ tự đi, chứ hai con kia mà đi thì mình kiểu gì cũng phải lết cái thân già đi theo. Sáng hôm sau đi rồi mà tối hôm trước mới tá hỏa nhận ra rằng đôi giày thể thao duy nhất đã quẳng lại ở Ý. Thế là đành đi dép lê. Có ai nực cười hơn tôi.
Con La bảo nó tự đi với bạn, mẹ đừng có bám đít nó, thế nên mục đích của mình chỉ là bám đuôi con Na. Ai ngờ vừa có lệnh xuất phát một cái, chúng nó chạy tóe lên đằng trước và mất hút sau khúc quanh. Bỏ chồng lại đằng sau, mình hớt hải dép lê đuổi theo một hồi thì mệt quá bỏ cuộc. Già rồi, trên bảo dưới không nghe. Đầu bảo co cẳng chạy nhanh lên nhưng chân cứ ỳ ra. Đành tự nhủ thôi mình cứ đi bộ bền bỉ đằng sau, chúng nó chạy một hồi mệt tức khắc phải đi chậm lại, mình bắt kịp là vừa.
Đi như thế được hơn một cây, thì mình bắt kịp con La đang đi thất thểu một mình. Con bạn đi cùng nó chán quá đã rảo bước đi mất dạng đằng trước. Đi bộ đường trường mà dáng điệu con gái mình nó ẻo lả thơ thẩn như đi hái hoa.

Ở nhà cùng lắm nó chỉ lượn xe đạp vài vòng quanh sân, trượt patin và rượt nhau với con mèo Fufu chứ tiểu thư như nó có chơi môn thể thao nào bao giờ. Chạy không nổi, nhảy cao nhảy xa đều không xong, bóng đá bóng chuyền bóng rổ gì hỏng hết. Mỗi năm trường tổ chức đại hội thể thao một lần, lần nào nó cũng bị phân công chơi trò nhặt khoai tây vốn là trò của bọn học sinh mẫu giáo. Năm ngoái, con mẹ khi biết sự tình thì phải kêu lên thất vọng “Giời ơi, mài lại phải chơi trò nhặt khoai tây nữa hả con?”. Tính đến năm ngoái nó đã nhặt khoai tây liên tục 8 năm liền. Chưa biết năm nay ra sao.

Lại quay lại vụ đi bộ. Trên quãng đường mấy cây số tiếp theo, mình phải một tay dắt tay nó kéo theo, tay kia đút từng khúc mía vào mồm nó cho nó có sức, nó hít mía xong mình lại phải chìa tay đón bã bỏ vào cái túi nilon và tiếp cho nó khúc mía mới. Cứ thế nó cũng ngật ngưỡng đi thêm được 3, 4 cây nữa. Mẹ thương cái em bé chân yếu tay mềm của mẹ quá đi mất.
Vì hai mẹ con đi chậm nên cuối cùng ông bố của nó cũng lạch bạch bắt kịp. Đi cùng chưa được bao lâu thì ông chìa giày cho mình xem. Một chiếc giày đã kịp sút đế. Giời ơi, trời thì nắng nóng, con một đứa thì đang ăn vạ hai đứa kia thì mất tăm mất dạng, chồng thì giày sút đế, tôi và đôi dép lê của tôi phải làm răng?
Đứng đợi bên lề đường rõ lâu thì cũng có xe của ban tổ chức đi tới. Xin họ cho đi nhờ xe một quãng, đi tắt để về đích luôn. Về đích rồi, hai bố con nhà kia ngồi thở, thằng Lê cũng vừa tới nơi. Mình đi ngược lại để tìm con Na. Quãng đường 15 cây số nó đi không có mẹ giám sát quả thật mình cũng lo. Đi ngược lại khoảng nửa tiếng thì gặp nó đang vừa đi phăm phăm vừa nói chuyện ríu rít với 3 thằng con trai. Cái mặt nó đỏ mọng lên, mắt long lanh, mồ hôi rịn trên trán, dáng điệu rất thể thao nhanh nhẹn. Gần về đích, 3 thằng kia chạy lên trước để cạnh tranh về nhất, còn nó mặt tỉnh bơ đi cạnh mẹ vận tốc không đổi. Mẹ bảo nó “Em bé không chạy theo để cạnh tranh về đích với bạn à?”. Nó bảo “Na chả quan tâm”. Được, con gái mẹ được. Mình giỏi tự mình biết là đủ, mấy cái thành tích nhất nhì hình thức này ăn thua gì.

Cả nhà về đến nhà, mấy bố con bùn đất từ đầu đến chân kéo nhau đi tắm, mình đi thẳng vào bếp nấu ăn trưa. Ăn xong, chúng viện cớ mệt kéo nhau lên nhà, bố đi ngủ con chơi điện tử, mình mình rửa bát dọn dẹp mãi mới xong, mồ hôi lúc về ướt đầm giờ đã khô cong từ lúc nào. Chưa kể một đống giày thể thao bê bết bùn đất còn vứt ngoài cửa chưa kịp xử lý. Chả trách cứ mỗi lần ông có sáng kiến cả nhà thể dục thể thao là mình sợ vãi tè.

P.S: một ngày con mẹ tự nhiên thấy lũ con mình sướng quá, phải cho làm lụng chút cho nên người, bèn ra lệnh cho lũ khỉ đột bóc trứng. Chúng bóc trứng rôm rả, cãi vã, đổ lỗi, cười hắc hắc. Có con nhà ai 9 tuổi, 11 tuổi, 13 tuổi, mà bóc trứng cũng không nên hồn như con tôi?


Sunday, October 6, 2019

Thôi kệ

Con La đi học về, nó ngồi bệt xuống đất, mồ hôi mướt mải, khóc hu hu. Tiền nó để trong cái ví, đầu tuần vẫn còn nguyên, thế mà giữa tuần đã không cánh mà bay gần hết, còn lại nhõn một tờ.
Con La giàu lắm. Là giàu so với thằng anh và con em. Thằng anh chả tiêu gì đến tiền, thỉnh thoảng xin mẹ vài đồng mua sách, thừa trả lại. Mẹ bảo con cứ giữ lấy, nó bảo mamma giữ không Lê làm mất. Con em thì chả biết giá trị của tiền, thích gì là xòe tiền mua liền, hết chạy ra xin mẹ. Mẹ chả cho thì thôi, chả mua chả sao.
Con La thì khác, nó rất thích tiền, đời nó chỉ quan tâm nghề nào làm ra nhiều tiền để nó phấn đấu vào nghề đó. Nó lại học giỏi, giành hết giải này giải nọ, nên lại càng hay có tiền thưởng. Rủng rỉnh tiền nên nó cho vay lấy lãi, 9 xu đổi lấy 1 hào, lại càng giàu hơn. Tiền bạc giành dụm được từng đồng nó chắt bóp, đổi tờ cũ lấy tờ mới, nâng niu, vuốt phẳng phiu và cho vào một cái ví đẹp. Đấy là tiền giấy. Còn tiền xu, nó đòi mẹ sắm cho nó một cái hũ sành có khoét một cái khe nhỏ. Cứ có đồng nào là nó nhét ngay vào đó. Có một dạo tiền xu của mình hở ra đồng nào là biến mất tiêu đồng nấy, còn cái hũ tiền của nó thì ngày một nặng trịch lên.
Thế mà giờ mất thế này, nhìn nó ngồi xoạc cẳng khóc lóc mũi dãi thảm thiết thật là xót, nhất là vì biết số tiền nó dành dụm được là tiền thưởng nó học giỏi chứ không phải ngồi không rồi tiền từ trên trời rơi ịch xuống đầu.
Như ngày trước thì mình sẽ nổi giận, sẽ gọi đám nhân viên ra xạc cho một trận tơi tả, chuẩn bị sẵn tinh thần đuổi việc cả đám, và âm thầm đền vào chỗ tiền con bé bị mất. Nhưng giờ thì mình chỉ ôm nó vào lòng và bảo “Nếu em bé không muốn mất tiền thì em bé phải cẩn thận”.

Xong rồi thấy quyết định không làm lớn chuyện của mình là đúng đắn. Dù sao thì họ vẫn còn chút lương tâm chừa lại một tờ chứ không lấy cả. Số tiền bị mất kia, mình mà bắt đền thì họ sẽ đói cả tuần. Mà nếu mình lên cơn điên đuổi việc ai đó, thì tức là nhà họ con họ sẽ đói đến khi nào có việc mới. Còn con La, đời nó êm đềm đầy đủ quá, cho mất mát tí cho biết. Vả lại, nó khóc lóc cho 2 ngày, sau đó lại tươi hớn như không có chuyện gì xảy ra. Mà nó sạch túi là mình mừng, vì tiền bạc rủng rỉnh nó toàn tiêu vào mấy món ăn linh tinh toàn phụ gia ở canteen trường, trong khi cơm nhà mẹ gửi ngon lành tử tế thì nó bỏ mứa.
Cái đàn guitar của mình, không phải loại xịn sò chuyên nghiệp nhưng là một cái đàn tốt, nhất là so với các thể loại đàn địch kém chất lượng ở đây, năm ngoái bị đứt phựt một dây. Cậu thầy giáo hăng hái bảo để cậu ấy thay dây cho, rồi mang đàn của mình đi mất. Một tuần sau cậu ấy mang lại, lúc đó mình chỉ hơi ngờ ngợ là tại sao đàn của mình đứt mỗi một dây mà cậu ấy lại tháo tất cả các dây ra và lắp lại sai trật tự như vậy. Mãi gần đây lúc sờ đến đàn lại mình mới phát hiện một chi tiết trên đàn đã bị rút mất. Chi tiết đó không biết tiếng Việt gọi là gì còn tiếng Anh gọi là bridge, để cách ly dây khỏi thân đàn cho tiếng không bị rè. Hèn gì mình đã băn khoăn tại sao đàn mình bị rè và được trả lời rằng tại ngón tay mình bấm phím không đủ mạnh!
Như ngày trước chắc chắn mình sẽ nổi giận, thậm chí sẽ gọi một cuộc điện thoại nói luôn không nể nang. Ở đây lạ lắm, nhiều người cao to đẹp trai nam tính lồng lộng, mà ăn cắp như ranh. Nhưng bây giờ thì mình chả giận. Họ thế, mình bất cẩn tin người không phải lối thì mình mất, thế thôi. Mà cũng chẳng mất cái gì đáng giá. Vấn đề chỉ là giờ phải thu xếp thời gian đi mua lại. Với tình trạng ách tắc giao thông suốt ngày như này, chắc phải đợi cuối tuần đi cho vắng. Trên các đàn loại tốt, chi tiết này làm bằng xương, bằng sừng. Nếu là đàn rẻ tiền thì sẽ làm bằng nhựa. Ở đây chắc chắn sẽ chỉ mua được nhựa. Vại là trong lúc đợi đồ nhựa thay thế, tiếng đàn của mình nghe lại càng giống tiếng bật bông hơn bao giờ hết. Chả sao, bình thường nó cũng đã giống tiếng bật bông lắm rồi.
Nhiều người rất kém trí tuệ. Mình giả vờ không biết, bỏ qua, hoặc nhịn, chỉ bởi vì mình cảm thấy đã đủ may mắn và do vậy không cần phải so đo tính toán với đời, đời có bao gồm cả họ, thì họ lại hân hoan tưởng họ khôn.
Nhân gian có câu giật gấu vá vai. Những kẻ còn nghĩ mình đủ khôn để lỏi với đời, thì sẽ còn phải tiếp tục giật giật vá vá chứ đố mà lên được tầm vóc nào cao hơn.
Nhưng mà chả phải diện thân tình, nên thôi kệ. 

Wednesday, October 2, 2019

Linh tinh


Mặc cái quần mới, ngồi vào xe, nghe thấy tiếng toạch một cái biết ngay sự chẳng lành. Lúc đến nơi trước khi trèo ra khỏi xe đã hỏi ông cẩn thận “Anh xem quần em có bị rách không?”, ông quả quyết không rách. Mấy tiếng sau về nhà thay quần áo mới tá hỏa mình đã lượn khắp nơi với cái quần thủng đít. Mà lúc mình bảo ông nhìn, rõ ràng mình thấy ông đeo kính mình mới nhờ.

Sáng, vừa khoác cái túi lên vai định chạy ra ngân hàng rút tiền về trả lương nhân viên, thì thấy tiếng bước chân ai từng bước từng bước lạch bạch lên cầu thang, mà nghe lại có phần thiểu não. Sững sờ hỏi sao anh lại về nhà giờ này, ông chả nói chả rằng quay lưng cho vợ xem. Vợ ngơ ngác mất mấy giây mới hiểu sự tình. Quần một số người đã toạc một lỗ to đến mức phải từ văn phòng tức tốc quay về nhà thay ngay thì biết rồi đấy. Lỗ thủng to hơn hẳn quần mình, và thủng kiểu này thì chỉ có vứt đi chứ không khâu lại được. Karma hóa ra là có thật các cụ ạ.

Buổi tối, ông ăn quýt trước khi đi đá bóng.  Vỏ quýt bóc ra ông chụp ngay lên đầu vợ đang ngồi gần đấy rồi tự cười rích lên khen “Xinh quá”. Mình đang mải việc gì nên không nhìn, lúc quay ra thấy giường ngổn ngang quýt, chỗ nọ một múi, chỗ kia một múi. Chỉ tay hỏi cái gì kia, ông chống chế “Anh vẫn đang ăn” đoạn nhặt một múi lên bỏ vào mồm nhai tóp tép. Đá bóng có một tý mà tẩm bổ thật lực, rồi sẽ béo trọn kiếp. 

Bận bịu mấy tuần liền, ngẩng lên thấy đã sang tháng 10. Sắp hết năm rồi còn đâu. Sáng đi lượn về rẽ qua chợ nông sản. Đang mải mê lấy rau củ, ngẩng lên nhìn thấy mít tưởng nằm mơ, dụi mắt mấy lần mới dám tin là mít thật. Vui sướng rinh ngay một quả về. Mít gì mà ngửi mãi chả thấy mùi thơm. Định bụng đợi cho bao giờ nó bốc mùi thơm nồng nặc, tức là đã chín, thì mới bổ ra ăn. Nhưng đấu tranh tư tưởng được đến xế chiều thì nhịn hết nổi, chạy xuống bổ luôn. Thơm thì thơm, chả thơm thì thôi, có mà ăn là tốt rồi, thơm hay không thơm nhằm nhò gì. Ai dè bổ quả mít ra, lép kẹp toàn xơ, được vài múi thì trắng bệch nhẽo nhèo lại còn nhạt thếch chả có vị gì ra hồn. Hạt cũng lép kẹp thậm chí chả có luôn. Buồn thiu cho mấy tiếng liền. Kế hoạch ăn mít xong mang cái hạt ra gieo thế là phá sản. Giấc mơ về ngôi nhà có cây mít vại là vẫn chưa thành hiện thực.
Lần cuối cùng mình ăn mít là gần 3 năm trước. Đi chơi ở São Tomé vô tình lượn vào chợ mua được cả mít cả ổi găng. Đưa ổi găng cho thằng con trai cầm, nó hậu đậu y như thằng bố nó, đi vung vẩy được đúng 3 bước thì ổi găng của mình văng ngay xuống một vũng nước bẩn. Bẩn kệ bẩn, về nhà rửa rồi gọt ăn như đúng rồi, vừa ăn vừa bảo thằng con “Con ơi mẹ mà bị giun sán là tại mày nhá” làm thằng bé cứ lo lắng bảo thôi mamma đừng ăn. Đừng là đừng thế nào, ổi găng chứ phải đùa đâu. Bỏ cơm, ăn xong ổi găng thì chuyển sang ăn mít. Ngài và lũ Lê La Na ngửi thấy mùi mít chuồn vội. Mình ngồi ăn một mình. Ăn hết miếng mít người nóng phừng phừng phải lấy quạt ra quạt lấy quạt để.

Mình giờ rất sợ trồng người, số là trồng 3 thằng người ở nhà mình đã muốn sống dở chết dở. Thế nên mình chỉ thích trồng cây. Kế hoạch của mình là mỗi năm cố gắng trồng ít nhất một cái cây.
Các cao thủ ăn mít cho mình hỏi ở VN hiện giống mít nào là ngon nhất, và tìm đâu được mít chín cây để lấy hạt mang sang Ý trồng? Mình ngại trồng từ hạt lắm vì lâu được ăn quả, nhưng riêng vụ bưng cây giống từ VN sang thì mình chả dám mơ nên thôi đành chịu khó trồng từ hạt vậy.

Tuesday, September 17, 2019

17/9/2019

Chị nói với tôi, giọng nhẹ như gió thoảng “Em biết không, chồng tôi ngày nào đúng 4h chiều cũng mở một chai sâm banh để uống, và chưa bao giờ mời tôi một ly”. Câu từ thì ngắn, nỗi chua chát thì dài.
Ôi sự vô tâm ích kỷ của đàn ông muôn đời làm tổn thương đàn bà. Đàn bà, khi bước vào hôn nhân, chúng mang vào đó rất nhiều ước vọng. Hồi bé chúng chơi búp bê như nào thì lớn lên chúng bê nguyên ngôi nhà búp bê màu hồng với công chúa hoàng tử vào cuộc hôn nhân như thế. Nhưng thực tế thì phũ phàng trần trụi chứ đâu phải là ngôi nhà xinh xắn gọn ghẽ có hoàng tử phong nhã quỳ gối cầu hôn công chúa.

Ở trên tôi đang bảo câu từ thì ngắn, nhưng nỗi chua chát thì dài. Là đúng với đàn bà bình thường thôi chứ với chị thì không, hoặc chính xác ra thì không còn đúng nữa. 3 năm trước chị đi sâu vào con đường tu tập yoga. Giờ yoga là lẽ sống của chị. Cũng 3 năm trước, lần đầu tiên trong 30 năm hôn nhân cùng 4 đứa con chung, ông chồng chị buộc phải sờ tới cái máy giặt vì chị không còn muốn giặt quần áo cho ông ta nữa. Tôi nghe ù ù cạc cạc nhưng nhớ chị nói rất nhiều về Chúa, về những ân phước Chúa mang đến cho chị, về sự kết nối với năng lượng vũ trụ, về sự hòa hợp giữa thể xác và tâm hồn của bản thân, và trên hết, chị liên tục nhắc đến hai từ peace and love. “Khi cả gia đình chúng tôi gặp nhau, chỉ còn tình yêu thương và sự an nhiên trong tâm hồn”. An nhiên thì chắc có, bão qua rồi thì phải an nhiên thôi. Còn tình yêu thương, chắc chị không cho phép mình căm ghét bố của con mình thôi, chứ sự yêu thương quyến luyến giữa đàn ông và đàn bà thì làm gì có nữa nhỉ? Yêu thương như nào mà khi ở thì ô kê, đi thì cũng chả giữ, và không làm gì cho nhau và vì nhau nữa?
Theo suy nghĩ của tôi, người đàn bà đã an nhiên tới mức đó tức là đã xác định bỏ cuộc. Một người đàn bà hẳn phải trải qua nhiều nỗi buồn bã thất vọng lắm lắm lắm, mới phải quay sang bấu víu vào những điều cao siêu vũ trụ kết nối thể xác và tâm hồn này nọ. Chứ đàn bà mà hạnh phúc, chúng trần tục lắm kìa. Tôi có sai không nhỉ?
Nhưng tôi thừa nhận đó vẫn là một cách giải quyết vấn đề tích cực. Khi ta mong mỏi một điều gì đó, khi ta cho đi và không được nhận lại như ý, thì lỗi là tại ta. Tự cho đi chứ ai khiến. Do vậy ta phải điều chỉnh bản thân mình, điều chỉnh mãi điều chỉnh mãi, cuối con đường là nhẹ nhàng buông bỏ. Có nhiều người đàn bà không chọn được cách giải quyết vấn đề như thế. Họ buông không được, nắm cũng không xong, trở nên độc địa hằn học với cả thế giới. Còn chị, chị ngồi nói chuyện với tôi, chậm rãi, mái tóc đã muối tiêu nhưng còn dày dặn rất đẹp, dáng dấp vẫn rất đẹp, khuôn mặt an nhiên dịu dàng và nụ cười luôn nở trên môi.

Ờ nhưng tôi cứ tự hỏi, tại sao người đàn ông đó, thay vì ngồi rung đùi nhấm nháp sâm banh một mình mỗi chiều, không bảo người đàn bà đang luôn chân luôn tay lau chùi, giặt giũ, là ủi, nấu nướng “Em mệt rồi nghỉ chút đi, ngồi xuống đây với anh, rồi tí nữa mình làm nốt những việc còn lại”?. Chỉ một câu nói, mất gì đâu?
Ờ thì đàn bà giả sử chúng ngu, chúng khờ, ai khiến chúng làm mà chúng lăn ra làm. Nhưng đàn ông có kém ngu hơn không, khi thấy người khác ngu mà không ngăn lại cứ ngồi rung đùi tận hưởng? Ngăn vợ mình chứ ngăn con nào ất ơ ngoài phố đâu mà bảo chả liên quan đến mình. Giữa sự ngu dại của đàn bà và sự ngu si của đàn ông, tôi nghĩ sự ngu si của đàn ông tệ hơn. Bởi vì, nhờ sự ngu dại ấy của đàn bà, gia đình mới còn, và tại sự ngu si ấy của đàn ông, gia đình mới vỡ.

PS: Nếu các bạn thấy một người vợ hay bôi bác chồng, đó là một dấu hiệu tốt cho thấy người đàn ông vẫn còn hiện hữu. Còn khi bạn thấy một người đàn bà không bao giờ nhắc tới chồng của họ, thì nhiều khi chả phải riêng tư gì đâu, mà chỉ là họ đã âm thầm ngoảnh mặt, âm thầm cự tuyệt sự tồn tại của người đàn ông đó từ trong tâm tưởng. Đơn giản thế thôi.  
Vũ khí tối thượng của đàn bà là sự im lặng. Thế mà họ lại chỉ sử dụng tới nó khi thắng thua thành bại với họ không còn ý nghĩa gì nữa. Nghịch lý thay. 

Friday, September 13, 2019

13/9/2019

Con em ré lên “Ale đụng vào tí Na”. Thằng anh bật lại “Nhưng Anna mày làm gì có tí”. Con mẹ nạt “Nó không có tí không có nghĩa là ông được chọc vào ngực nó thế”. Mắng ông con trai vì biết ông siêu hiếu động nhưng mình cũng biết lũ kia cũng chả vừa. Anh đụng vào người nhẹ một cái cũng ré lên. Mà đúng là phẳng lỳ làm gì có tí mà cứ nhận vơ có tí.
Có lần mình đang đứng tự nhiên nghe thấy một tiếng bốp và tiếng con La bù lu bù loa “Mamma Ale tát La”. Mình quay phắt lại vừa há mồm định quát thì thằng anh rối rít thanh minh “Mamma, nó vỗ hai tay vào nhau chứ Lê có đụng đến người nó đâu”. Mình quắc mắt quay sang con kia, nó cười lỏn lẻn “Đằng nào Lê cũng chuẩn bị tát La nên La làm trước luôn”. Nghỉ hè mấy tháng chúng nó cãi vã chành chọe làm mình thất điên bát đảo.
May quá tuần trước chúng nó vào năm học mới rồi. Ngồi trên xe, con mẹ quai mồm làm một tràng “Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc là lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường”, đoạn xoa tay hoan hỉ. Cô con gái lớn năm nay vào cấp 2. Mẹ thả hai anh em ở ngoài cho anh dẫn em vào lớp còn mẹ dẫn em bé sang bên trường tiểu học. Cô con gái út năm nay vào lớp 4. Đợi đến sát ngày khai giảng mà trường nó cũng chả báo vào lớp 4 nào, làm em bé của mẹ lo lắng đứng ngồi không yên sợ đúp. Nhưng vốn là người rất tự tin, em bảo “Na đứng đầu lớp mà còn đúp thì cả lớp đúp hết à”, mặt mẹ tỉnh bơ “Rất có thể. Dốt cả lớp thì đúp cả lớp chứ sao”, làm em bé lo lắng chộn rộn mất mấy hôm liền :-))))))
Con vào năm học của con là chính ra mẹ cũng phải bắt đầu các kế hoạch của mẹ. Nhưng mà người cứ mệt oải chả muốn làm gì. 

Ăn tối hai củ khoai mỗi củ to bằng ngón chân cái, một con cá cơm to bằng ngón tay út, một ít mướp xào và một ít củ cải muối nhạt. Ăn uống thế này thì bao giờ tui sẽ di chuyển bằng cáng?

Tự dưng tui chợt nhận ra, giời ơi tui giữ được cân nặng và các số đo của hồi trẻ là vì tui chả có cái gì ăn, chứ chả phải công lao nghị lực tài cán mịe gì. Chứ giờ mà xung quanh lúc nào cũng sẵn bún phở cháo bánh trái và các kiểu chè, thì tui đã lăn từ lâu chứ đời thuở nào dám khoe dáng và dạy đời giữ dáng hức hức.
Tui ghét nấu ăn. Nấu lên ngon bố con nhà kia chén hết, mà dở thì tui ăn vật vã một mình vì bỏ đi thì tiếc, riết rồi đâm ra sợ nấu ăn. Mà tui cũng chả có tài cán gì trong bếp. Thấy nhiều người thật giỏi, nấu món gì cũng được, loay hoay trong bếp bao lâu cũng được. Ai mà được ở cùng mấy người khéo tay đấy, muốn ăn gì chỉ cần đề đạt là họ nấu luôn cho, chắc thích lắm nhỉ. Chồng mà có vợ giỏi nấu ăn và thích nấu cho chồng ăn, thì có yêu vợ vô điều kiện không nhỉ?

Ảnh: các em bé đi học rồi, mẹ ở nhà nhớ mấy cái mặt này quá đi mất, chỉ mong đến giờ các em bé về để còn ôm nhau hôn hít. 

Wednesday, September 4, 2019

4/9/2019


Cô vợ của một cậu người quen gọi điện, mình chưa gặp cô ấy bao giờ “Chị ơi vợ chồng em trắng tay quay lại Morocco. Con trai chúng em mới được có 10 tháng. Anh ý bây giờ như là bị trầm cảm ý chị ạ. Em cám ơn chị đã giúp anh ấy”.
Mấy hôm trước cậu ấy nhắn tin cho mình, nhờ mình giúp. Cậu ấy đầu tư vào lĩnh vực xây dựng ở Dubai. Trong vòng mấy năm kiếm được rất nhiều tiền, cộng thêm cưới được một cô vợ VN nhìn rất nóng bỏng, cách đây mấy tháng còn thấy khoe mình ảnh vợ và cậu con trai mới sinh. Quay lại chuyện kinh doanh, đang đà thành công, lại nhìn thấy tiềm năng, cậu ấy quyết định chơi lớn, dùng toàn bộ số tiền đang có cộng thêm vay ngân hàng để mở một nhà máy chuyên sản xuất cần cẩu hạng nặng đầu tiên trong khu vực. Tất nhiên đã hỏi han thăm dò và nhận được vô số bảo chứng từ gia đình hoàng gia trước khi chơi tất tay. Nhà máy xây xong, trang thiết bị nhập xong hết, bản quyền sản xuất mua xong, kỹ sư và nhân công tất cả đều sẵn sàng, lễ khánh thành hoành tráng, đủ mặt những vị tai to mặt lớn nhất, báo chí rầm rộ. Chỉ mấy tháng trước thôi, cậu ấy nhắn tin khoe với mình, còn như đang đứng trên đỉnh thế giới. Thế mà giờ đã ra thế này.

Mình hỏi “Thế họ không giải thích tại sao lại rút giấy phép của cậu à?”. Cậu ấy bảo “Tôi không biết chị ạ. Sau lễ khánh thành tự nhiên họ bảo tôi không được sản xuất nữa. Rồi có một người đàn ông đến gặp tôi để mang “một thông điệp”, đó là đừng hy vọng sản xuất gì ở đây vì họ không thích có đầu tư nước ngoài lớn như thế trên đất của họ. Người trong gia đình hoàng gia trước hứa bảo lãnh tất cả cho tôi thì giờ bảo tôi đừng lôi kéo bà ấy vào chuyện đó. Thế thôi, rồi tất cả mọi cánh cửa đều đóng lại. Nhà máy, toàn bộ trang thiết bị và lô hàng mẫu bị niêm phong hết.
Tôi mất tất, phải trốn khỏi Dubai vì không trả nợ nổi ngân hàng thì họ sẽ tống tôi vào tù. Tôi quay về Morocco nhưng chẳng còn gì ở đó cả. Tôi đi học nước ngoài từ năm 19 tuổi….”
Lúc chào mình, cậu ấy phá lên cười. Tiếng cười nghe là lạ, nghe như không phải của một người tỉnh táo. Tội nghiệp, mà mình cũng chỉ cho vài lời khuyên thôi chứ đâu có thực sự giúp được gì.

Bảo tàng Louvres cẩm thạch trắng nằm trên biển Ả rập xanh ngọc có một mái vòm sắt lộng lẫy. Cũng vì thi công mái vòm này sau đó bị lằng nhằng chuyện thanh toán mà một công ty lâu đời gần hai trăm năm của Áo phải phá sản. Thắng thầu một hợp đồng khổng lồ, người chi tiền lại là tiểu vương giàu có chịu chơi có số má trên thế giới, thì bảo gì cũng dạ rồi lao vào làm thôi chứ còn phòng bị gì nữa, ai ngờ đến lúc trả tiền thì lại thành thế này đâu.
Hoành tráng thì hoành tráng thật, nhưng bản chất du mục sa mạc sống bằng nghề ăn cướp của bất kỳ ai đi ngang lãnh thổ và lật kèo còn nhanh hơn lạc đà phi thì không dễ mà bỏ được đâu. Biết bao người tán gia bại sản, tù tội, trầm cảm, hóa điên, cũng vì sự tùy tiện của các vương và thần dân của các vương.
Bố mẹ lắm tiền nên con cái tha hồ tiêu xài. Trung tâm mua sắm siêu xịn Harrods London toàn dân Ả rập đi lại nườm nượp. Ở các khu giàu đỉnh như Kensington, dân Ả rập ngồi đầy quán xá, xe siêu sang lượn vòng vòng nổ máy phành phành nhạc ầm ĩ và ngồi trên 100% là một chú râu quai nón. Trên báo chí, chốc chốc nhát nhát lại đăng tin có cậu ấm Ả rập nào đó vừa chết nghi sốc thuốc. Bạn nào ở London chắc biết.

P.S. Thế là bà hoàng đó cũng đã chạy trốn, may còn mang được theo con và một ít tiền phòng thân. Mình chỉ gặp bà ấy tổng cộng có 3 lần hồi còn ở Dubai. Lần đầu tiên, bà ấy vừa sinh con, vẫn còn hơi đẫy đà. Mình giới thiệu xong, bà ấy bảo “Đàn ông Ý toàn chọn những người phụ nữ xinh đẹp nhất”. Lần thứ hai gặp lại, bà ấy đã đẹp cực kỳ. Chưa kịp giới thiệu, bà ấy đã bảo “Tôi nhớ chị. Chị đẹp quá. Ông chồng Ý của chị thật tinh mắt”. Lần thứ ba gặp lại, nhận được nhiều quà của mọi người, bà ấy chắp hai tay trước ngực, mắt long lanh, nụ cười lộng lẫy “Oh you spoiled me so much today”, giọng du dương êm ái. Mình chúc mừng bà ấy vừa nhận được một giải thưởng từ thiện gì đó tổ chức ở Ý, bà ấy dịu dàng trả lời “Giải thưởng đó có cả công của vương nữa”. Quyền quý, tài sắc, đức độ, vợ yêu của vương, đời tưởng không ưu ái hơn được nữa. Ai mà ngờ chỉ vài năm sau phải tháo chạy lưu vong thế này.
Đàn bà lấy sai chồng là thảm họa, ngay cả khi chồng có là vương.


Monday, August 26, 2019

Thương mến tặng thầy

Hồi bé tôi học trường Văn Chương. Hồi ấy nhà ở đâu thì đi học ở đấy. Cả lũ trẻ con xóm Nhà Dầu, khu đường tàu, phố Khâm Thiên, ngõ Khâm Thiên, ngõ Cống Trắng và cả ngõ Văn Chương đều đi học ở đấy. Trẻ con cả phố cả ngõ biết nhau hết, tan học là đi ríu ran thành từng nhóm trước khi tản về nhà từng đứa.
Trường tôi có một tòa nhà gạch xây 4 tầng; một tòa nhà hai tầng nhưng không xây bằng gạch mà ghép bằng chất liệu gì đó nhẹ nhẹ với cầu thang bằng sắt; một tòa nhà hai tầng nhỏ hơn có chỗ để xe đạp của thầy cô ở dưới và phòng ban giám hiệu ở trên, cầu thang đi lên cứ đến mùa là bên dưới lổm ngổm đầy sâu róm đen xì; một dãy nhà cấp 4 lợp ngói dột nát dành cho các lớp bổ túc. Nhà vệ sinh của trường lúc nào cũng trong tình trạng bẩn kinh khủng và lũ học sinh toàn phải đái bậy trên bờ cống nằm phía sau toà nhà ban giám hiệu, hoặc nhịn cả buổi. Lớp học chỉ có bàn ghế, thậm chí còn chả có quạt trần. Hơn 40 thậm chí 50 học sinh chen vào một lớp. Mùa hè nóng ngốt, mùa đông lạnh cóng vì cửa sổ trống hoác.
Thầy giáo chủ nhiệm lớp 5 của tôi là thầy Hợp. Thầy Hợp gầy gầy, mặt tròn, hay mặc quần âu với áo jersey ngắn tay, giọng nhỏ nhẹ, giảng bài hay và dễ hiểu. Tôi không nhớ có lần nào thầy nổi cáu. Gặp hôm nào trò dốt quá, nghịch quá, mặt thầy chỉ nhăn nhăn tí. Hôm nào vui quá, thầy chỉ cười tủm tỉm. Hồi đó lũ học sinh chúng tôi cuối năm thường được thưởng vở. Cứ đạt danh hiệu gì đó thì lại được thưởng vài quyển. Những quyển vở mỏng mỏng bìa xanh lục ráp ráp. Tôi nhớ có học kỳ được thưởng cả một chồng vở cao ngất ngưởng.
Thầy Hợp muốn khen thưởng để khuyến khích học sinh thường xuyên hơn nhưng trường không có kinh phí. Mà thầy cũng không muốn học sinh phải nhận thêm vở. Thế là thầy rút tiền túi tự thưởng trò. Cứ cuối tháng, đứa nào ở vị trí nhất nhì ba là thầy rút túi thưởng. Tôi nhớ có lần được thầy rút túi thưởng luôn 5000 đồng. Tiền đấy để đi ăn bánh chuối.
Thầy Hợp rất tận tình với học sinh. Trong lớp đứa nào có năng lực vượt trội đều được thầy giao thêm bài khó hơn cho làm. Lũ chúng tôi cứ thế phấn đấu thật nhiều, thi đua với nhau thật nhiều, để hoàn thành những bài tập khó, để giành được phần thưởng của thầy mà chẳng biết rằng thầy cũng nghèo lắm, muốn khích lệ trò mà rút tiền túi ra vậy thôi.
Nhớ các ngày 20/11, lễ nọ tết kia, lũ học sinh lếch thếch đi bộ từ trường Văn Chương lên phố Phan Đình Phùng rồi quặt vào cái ngõ nhỏ tên Đặng Tất. Nhà thầy ở đó. Nhưng thầy chẳng bao giờ tiếp. Hoa mang đến lại mang về, tranh khiêng đến lại khiêng về. Có lần thầy ốm, cả lũ học sinh đến thăm thầy cũng không tiếp. Đường sữa học sinh khui ra ăn vã luôn trên vỉa hè. Tết mang rượu lúa mới biếu thầy, thầy chả tiếp, thế là một đám học sinh mở ra uống luôn, say bí tỉ. Đúng là nhất quỷ nhì ma. Thế mà rồi tất cả chúng em đều khôn lớn, thầy ạ.
Tôi nhớ đến thầy Hợp, khi mấy ngày nay trên mạng rần rần vụ học sinh tử vong ở trường quốc tế. Tôi nhớ cô giáo chủ nhiệm cấp 2 của tôi, mắng mỏ, đe nẹt, để lũ học sinh đang vào tuổi mơ mộng không được xao nhãng học hành. Tôi nhớ cả thầy giáo dạy toán cấp 2 của tôi, nói gì cũng thêm từ ạ, “Các anh các chị không chịu học hành thì về sau ăn cám ạ”.
Cám ơn thầy cô, cám ơn mái trường nghèo mùa đông lạnh mùa hè nóng, cây cối trụi không mọc nổi vì trẻ con nghịch quá (trừ những cây đã mọc sẵn).
Ở đâu đó vẫn phải còn chứ, những ông giáo bà giáo khắc khổ mô phạm nhưng hiền từ tận tâm với trẻ, ở những mái trường xoàng xĩnh nhưng giờ ra chơi vẫn rộn rã tiếng cười, để lũ trẻ 30 năm sau vẫn muốn về thăm...

PS: Con tôi đi học bao năm rồi, tôi có thể tự tin mà nói rằng quan trọng nhất là người thầy. Năm nào được vào lớp có thầy giỏi là biết ngay. Gặp thầy giỏi giang, tận tâm, có trách nhiệm, thì có học trường làng cũng nên người. Phòng ốc có sáng choang, đủ thứ trang thiết bị hoành tráng, thì cũng chỉ được cái vỏ thôi. Quan trọng thứ hai là gia đình. Quan trọng thứ ba là bạn. Bạn bè với những đứa trẻ chăm ngoan giản dị hiếu học, chắc chắn sẽ khiến con mình học được nhiều điều có ích. Cơ sở vật chất kém tí có sao. Trẻ con kiểu gì chả vui. Vui là một đặc ân của tuổi trẻ. Chỉ là người lớn cứ mang những cố chấp của mình mà sợ thay cho trẻ con, cứ dốc sức mua cho trẻ con một cái vỏ…
Xã hội trọng hình thức quá, thế nên những thứ có nội dung nhưng hơi thiếu hình thức dường như càng ngày càng không có chỗ đứng. 

Thursday, August 22, 2019

Tạm biệt mùa hè

Mái tóc Loan sư tử này thật lợi hại. Nó làm mình trông nam tính suốt cả mùa hè. Mình thề mình không hiểu làm sao một thời nó có thể là mốt được? Tóc gì mà phần trên thì phồng ra, phần dưới ngang với cổ lại lượn vào, do vậy ẹp vào cổ, còn đuôi thì lót tha lót thót? Mình nhớ hồi kiểu tóc này là mốt, đứa nào ăn chơi đầu gấu lắm mới cắt kiểu này. Mình thấy đứa nào cắt kiểu này trông cứ ngông nghênh khinh khỉnh anh chị thế nào, đâm ra cứ sờ sợ, gặp là lảng. Ai dè mấy chục năm sau gặp thằng Ấn độ oan gia ngõ hẹp. Thế là giờ sáng nào mình cũng phải đối diện mình trước gương, chả lảng đi đâu được.
Suốt mùa hè, mình chả dám để xõa tóc mà toàn phải buộc túm vào. Để xõa ra, gió một cái, mình chỉ giữ được phần đuôi tóc, còn phần chỏm tóc bay bốn phương tám hướng nhìn không ra thể thống gì. Muốn giữ tử tế là cứ phải giữ bằng cả hai tay.
Vậy là dăm lần ra biển, dăm lần lên núi, dăm lần đặt chân đến những thành phố lạ, dăm lần ngồi nhìn hoàng hôn, mùa hè đã qua.
Từ mùa hè châu Âu, người đàn bà trung niên quay trở về mùa đông châu Phi. Quả cũng có tí buồn. Buồn thì cũng phải đứng lên ngay. Ông lúc nào cũng anh yêu vợ lắm anh nhớ vợ nhiều, mà vợ về tủ lạnh 3 cái thì rỗng không từ trên xuống dưới cả 3 cái, mà nhà 7 miệng ăn. Thấy ông bảo với hai đứa khách “Vợ tao về rồi, từ giờ chúng ta sẽ ăn ngon hơn”. Mấy tuần nay ba nhân vật chẳng lấy gì làm bận bịu ấy đã cầm cự đợi tui về.
Đi 6 siêu thị và cửa hàng mới gom đủ đồ ăn. Ở châu Phi nó thế, mỗi nơi chỉ có một vài thứ mình cần. Nhiều khi chả có hàng thì đến rồi lại về tay không. Ngồi trên xe tắc đường mấy tiếng, người lúc nhúc, ăn xin đập cửa, xe cộ hỗn loạn xả khói đen kịt, siêu thị nghèo nàn, điện thoại một đống email tin nhắn phải giải quyết, có một lúc mình lên một cơn buồn nôn muốn nôn thốc nôn tháo vì stress và chán tột độ.
Nhưng lại hít thở dặn lòng phải kiên nhẫn. Điều gì rồi cũng sẽ qua. Qua chậm cũng được. Qua nhanh già nhanh báu giề.
Buổi sáng thức dậy. Ngày u ám. Gió thổi. Sân gạch vẫn còn ướt mưa đêm. Vườn xanh lao xao. Đàn gà mới có thêm hai con gà con bé xíu xiu. Chỉ tội con mèo Fufu. Lúc mình đi cái đít nó béo múp bóp không thấy xương mà lúc mình về cái đít gầy tom xương nhô cả ra.
Nhờ có Fufu mà lũ Lê La Na đành nhăn nhó ăn cá. Vì mẹ chúng bảo ngày nào mình ăn cá thì Fufu cũng được ăn ngon. Nhưng sau vài lần thì thần chú có vẻ hết tác dụng, vì chúng nó bảo không có cá thì mamma cho Fufu ăn thịt, hoặc mua đồ ăn cho mèo bán ở siêu thị. Chúng mài đùa à, một túi đồ ăn như thế hết gần 20euro, mà sức của Fufu và Simba thì chỉ vài ngày là lẻm hết, tiền đâu. Con Na bảo “Cần tiền thì mamma ra máy ATM mà rút”. Quan niệm đơn giản thế mới hay chứ giời ơi.

Ảnh: đợi hoàng hôn trên hiên nhà.
Mùa hè bâng khuâng hoài,
 để tim xốn xang hoài,
và lòng ta vẫn như đang chờ bóng ai…
Vĩnh biệt mùa hè
Mùa hè còn ấm môi hôn ai khi đêm về….

Thursday, August 15, 2019

Già đi một cách duyên dáng


Có lần, cách đây mấy năm, đang đi nghỉ hè ở cái nhà ngoài biển, mình và ngài thức dậy sớm để đi dạo. Đang đi thì mình nhìn thấy một ông già đang bị kẹt đầu trong thùng rác. Ông ý mang thùng rác trong nhà ra định đổ vào thùng rác công cộng. Khốn nỗi thùng rác công cộng to và có cái nắp quá nặng nên ông già cùng thùng rác bé của ông ý kẹt luôn, tiến không được, lùi không xong. Mình thấy thế thì chạy đến sau lưng nâng cái nắp thùng rác lên cao. Ông già trút được rác xong, lẫm chẫm xách cái thùng không đi thẳng, thậm chí còn không biết có mình đứng đấy. Ngài lúc đó cũng kịp tiến đến bên vợ, cười cười bảo “Em có biết em vừa giúp ai không, một trong những người giàu nhất nước Ý đấy”. Người giàu nhất nước Ý sáng thức dậy sớm đi đổ rác, còn những người nghèo nhất nước Ý thì có lẽ vẫn đang ngủ và thức dậy một cái là than thân trách phận chửi chính quyền.
Mình có bà bạn người Mỹ. Hồi học chung nhóm với bọn mình bà ý đã gần 70 tuổi. Tuy bà ý học chậm và nhiều lúc già yếu mệt nên ngồi quay lơ ra ngó lên trần nhà làm cả nhóm phải đợi, nhưng mình vẫn nể. Mình mà gần 70 tuổi thì cũng chỉ mong vẫn còn tinh thần háo hức học hỏi được như thế. Những người như vậy, đầu óc họ không có chỗ cho sự buồn chán, thậm chí những ý nghĩ nhỏ nhoi tiêu cực cũng không có.
Thỉnh thoảng mình lại có dịp gặp hoặc quen những cặp vợ chồng già giờ rảnh rỗi thì dắt tay nhau đi du lịch, khám phá thế giới cùng nhau, làm cùng nhau những điều hồi trẻ nhiều thứ vướng bận không thể làm. Già kiểu đấy thì thích hơn những kiểu già khác.
Hôm mới đến thi thử để xếp lớp theo trình độ, mình gặp một chị người Pháp. 64 tuổi, tranh thủ hè đi học một khóa tiếng Ý hai tuần. Ngày cuối cùng, đang trên đường đến lớp thì mình thấy chị ý, cũng đang trên đường đến lớp, đi trong phố nắm tay một anh. Chắc vợ học xong thì chồng cũng từ Pháp bay qua để hai vợ chồng đi nghỉ hè với nhau.
Hôm nọ mình mang ông con trai đi khám mắt định kỳ. Đang ngồi ở phòng đợi thì một cụ ông từ phòng khám đi ra. Cụ ông nhìn phải ngoài 90, gầy lỏng lẻo, nước da trắng bợt của người già di chuyển kém nên chỉ ở trong nhà. Cụ ông di chuyển kém thật, chống gậy nhích từng bước, mỗi bước chỉ được khoảng chục centimeter theo đúng nghĩa đen, nhưng con cái xúm quanh định giúp cụ đều gạt ra để tự đi. Mình cười chào cụ và cụ cũng chào lại. Một lúc lâu sau, cụ vào tái khám xong đi về, trên đường ra phía cửa lại rẽ sang chỗ mình đang ngồi. Rẽ sang vài bước với người khỏe mạnh là việc chả có gì, nhưng với người phải nhích từng bước một thì không hề đơn giản. Thấy cụ chống gậy đến gần, mình ngẩng lên. Cụ hỏi “Cô người nước nào?”. Bảo “Cháu là người VN”. Cụ lại hỏi “Bọn trẻ là con cô à, sao tôi thấy chúng nó không giống cô?”. Bảo chúng nó lai Việt Ý cụ ạ. Mối băn khoăn của cụ có vẻ được giải tỏa, cụ cười xòe ra bảo “Cô đẹp lắm” rồi mới chống gậy quay đi. Đi mãi mới ra đến cửa. 

Mình thích những người già như vậy, tuổi tác bao nhiêu cũng không bao giờ khiến họ hết tò mò về thế giới. Chỉ sợ nhất những người thiếu sự khiêm tốn hoặc thiếu khát vọng, ngoài 20 thành tựu một tí đã tưởng thiên hạ trong tay mình hết; ngoài 30 đã thấy đời hết vị; ngoài 40 đời tròn trịa hay không cũng chẳng còn thời gian để làm việc gì khác, chỉ còn chờ chết.

PS: Thỉnh thoảng, đi đây đó, gặp những cụ ông cụ bà già lụ khụ khoác tay hoặc nắm tay nhau đi dạo, đang vội mấy cũng dừng lại mỉm cười. Cái nắm tay tuổi già là biết bao giông bão tuổi trẻ. Không yêu nhau lắm, không biết dẹp bỏ cái tôi, không bỏ rất nhiều công sức, thì chẳng có được sự nương tựa trìu mến ấy.



Tuesday, August 6, 2019

Chàng và nàng


Chàng cao lớn, đẹp trai, vô cùng sát gái. Nàng dong dỏng, xinh đẹp, ngoan ngoãn. Chàng hơn nàng trên chục tuổi nhưng cả hai nhìn rất đẹp đôi. Bạn bè ai cũng quý nàng vì nàng ân cần dễ mến, và cả thương nàng nữa vì chàng nhiều lúc đối xử với nàng chả ra sao.
Chàng lông bông mãi không chịu cưới, cũng không bảo nàng về sống chung. Chàng yêu nàng nhưng cho rằng nàng không xứng với chàng. Nàng học hành bình thường, chẳng có nghề nghiệp danh giá như chàng. Nàng lại là con nhà nghèo, dân nhập cư, lại nhập cư từ một nước dân Ý vốn rất có định kiến.
Nàng chờ mãi, chờ qua hết cả tuổi 20 mà lần nào thúc giục chàng cũng ậm ờ. Qua tuổi 30, nàng nhất quyết không chờ nữa. Nàng muốn lấy chồng, có con. Thế là nàng bỏ chàng.
Nàng sụt 7kg, gặp mình mặt mũi thất thần. Còn chàng, vốn tự phụ vì xưa nay chỉ biết bỏ gái chứ chả có chuyện bị gái bỏ, giờ phải xuống nước gọi điện mời nàng đi uống nước nói chuyện. Nàng nghe thế thì như chết đuối vớ được cọc chạy đến ngay, tưởng trước viễn cảnh mất nàng thì chàng đã quyết được. Ai dè vẫn màn ngập ngừng ậm ờ không muốn bỏ nhưng cũng không chịu cưới. Nàng bỏ đi hẳn, hận chàng thấu tim gan. 9 năm tuổi trẻ của nàng.
Chỉ mấy tháng sau khi bỏ chàng, nàng gặp bạch mã hoàng tử của đời nàng, cao to đẹp trai, cưới nàng và mang nàng sang xứ thiên đường lập tức.
Còn chàng, vài năm sau chàng cũng gặp được một người đúng như ý chàng muốn. Cô ấy không đẹp bằng nàng nhưng ăn diện và biết cách chăm chút bản thân nên hình thức cũng không thua gì chàng, gia đình gốc Ý chính hiệu, và quan trọng nhất là nghề nghiệp cô ấy còn danh giá hơn cả chàng. Chàng hãnh diện khoe sự học hành giỏi giang đỗ đạt của người yêu cho tất cả bạn bè.
Mỗi tội bạn bè chàng chả ai thích cô ấy và cô ấy cũng chả có nhu cầu được thích. Cô ấy kênh kiệu và chẳng buồn giấu diếm cái sự không hứng thú với bạn bè của chàng. Cô ấy cũng không hiền hậu chịu đựng như nàng.
Hồi mới quen cô ấy, chàng vẫn quen thói à ơi các em khác. Giữa bãi biển Dubai, chàng bị một trận mắng xối xả, ngồi mặt sưng vù không dám cãi lại mà chỉ dám nhịp nhịp bàn chân tỏ thái độ. May cô ấy chỉ mắng chứ không động thủ. Xứ đạo Hồi, phụ nữ dám to tiếng với đàn ông giữa chốn công cộng là cảnh sát đã kéo đến rồi, lại còn động thủ nữa thì lại khổ chồng mình phải tìm cách cứu cô ấy ra khỏi nhà tù.
Một tối, có vẻ sau khi vừa ăn vài bạt tai, chàng đã cay đắng thừa nhận “3 năm trước tao đã mắc một lỗi lầm khủng khiếp không bao giờ có thể sửa được nữa”. 3 năm trước là khi chàng và nàng chia tay.
Rồi chàng và cô ấy cưới nhau, bất kể việc cô ấy ghê gớm dữ dằn cho chàng lên bờ xuống ruộng, bất kể việc họ cãi nhau như cơm bữa, bất kể việc cô ấy cho chàng ăn bạt tai…

Mấy hôm trước tình cờ nhìn thấy cô ấy trong phố. Giữa dòng người vội vã đến chỗ làm buổi sáng, cô ấy mặc một chiếc váy đỏ cam, đi lừ lừ như tàu điện. Đi ngang mình mặt lạnh tưng như không quen. Chắc không nhớ mặt mình dù đã từng ở nhà mình cả chục ngày ở Dubai. Tự dưng nhớ đến nàng. Từ hồi lấy chồng nàng mất tích trên giang hồ, gần chục năm nay không thấy liên lạc nữa. Chắc là nàng hạnh phúc.

Đời cứ thế thôi.
Chẳng ai có lỗi.
Tất cả chúng ta rồi đều phải lớn.
Chỉ là lớn vào những thời điểm không còn ý nghĩa với nhau nữa mà thôi.

Thursday, August 1, 2019

Những kẻ ngốc

Hồi lâu lâu mình cần dọn nhà, chồng mình chả biết nghe ai xúi dại gọi một “công ty dọn nhà” đến. Nghe “công ty”, lại còn đòi 1000e tiền công, thì tưởng lúc đến phải mang máy móc chuyên dụng hoành tráng thế nào, ai ngờ hóa ra một bậu xậu dắt díu nhau đến, chả mang gì ngoài một cái máy hút bụi cọc cạch, chổi cùn, xẻng rách. Không biết nghĩ sao mà dám đòi 1000e.

Lại có một số vị khác, đến làm có hơn 3 tiếng, làm từ tận đầu giờ sáng, mà đến tối mình gọi hỏi vẫn kêu mệt quá mệt lắm. Mình cứ tưởng làm việc từ sáng tới tối quần quật kêu mệt quá mới có lý, chứ ai lại có hơn 3 tiếng làm từ đời nảo đời nào mà đến tối vẫn kêu ối giời ơi mệt quá. Thế hóa ra hàng ngày toàn thất nghiệp nằm chơi hôm nay phải vận động một tí là nhức mỏi kêu rên rầm rĩ. Càng kêu người ta càng thấy mình kém.

Lại có những người, bình thường thất nghiệp vêu mồm, thế mà có việc một cái tức thì thái độ thành chảnh chọe ngay lập tức, thậm chí còn ra giá ngược lại cho chủ. Chủ họ trót dính vào rồi nên họ phải cố chịu đựng nốt cho xong việc. Nhưng chỉ một mùa thôi, mùa sau lại thất nghiệp đâu vào đấy.

Mình quen mấy người, thuê họ đến lau nhà một lần rồi không dám thuê lần thứ hai. Lau nhà thì dùng cái chổi bẩn ngoáy ngoáy đẩy đẩy qua quýt lấy lệ, nước không chịu thay, nhìn là biết chỉ có bôi chứ lau gì. Đến nơi, đi loanh quanh đủng đỉnh mãi mới tìm đủ dụng cụ để bắt tay vào làm việc. Chưa hết giờ làm đã ngồi bấm điện thoại mải miết. Còn giữa giờ thì dắt tay nhau đi thong thả ra vườn, nửa tiếng sau mới thấy quay lại, chắc đi dạo. Thế mà thời gian thì kêu thiếu, bảo mình phải tăng thêm giờ mới làm hết việc được. Chả nhẽ mình lại nói thẳng tôi nhìn thấy hết qua camera, thôi mời cô cậu đi xin việc chỗ khác.

Có người, ở ngay đấy, mà bảo làm mỗi một việc mãi chả làm, lần nào mình nhắc thấy mặt mũi giọng điệu cũng ngần ngần ngại ngại. Đến lúc mình chán, gọi hẳn người từ nơi khác đến, thì lại vùng vằng tự ái gây khó dễ cho người mới đến. Thái độ rất kiểu trai làng gái bản.

Có người đến làm ở nhà người khác, chẳng chuyên tâm công việc mà chỉ chăm chăm học mánh khóe để tăng chơi giảm làm, chưa kể còn hay nhòm túi tiền chủ xem có giàu không, có hào phóng không, và đi làm công mà mồm bình phẩm tự nhiên cứ như ở nhà mình. Đừng hỏi tại sao chỉ vài tháng là chủ nó kiếm cớ đuổi khéo.

Những người như thế mình gọi là những kẻ ngốc. Trên đời này, tiếc thay, những kẻ ngốc lại rất nhiều. Đặc điểm chung của những kẻ ngốc là lúc nào cũng muốn một đập ăn quan. Không chịu tu dưỡng, không chịu bỏ công gây dựng lòng tin ở người khác trước, mà chỉ muốn vặt ngay ăn ngay.

Có một công ty chuyên dọn nhà, mình cứ đặt lịch với họ cả vài tháng một lúc, nói một lần và không cần nói lại lần thứ hai, họ làm đâu ra đấy. Họ mang theo các thể loại máy chuyên dụng, đến một cái là lao vào làm chân tay thoăn thoắt. Hôm nào nhà bẩn hơn bừa hơn, họ chỉ khiêm tốn xin thêm có nửa tiếng. Trong khi có những bậu xậu lèo nhèo khai thêm bắt mình trả thêm 3, 4 tiếng, thậm chí cả 6, 7 tiếng mặt cứ tỉnh như ruồi. Chị quản lý công ty này rất quý mình, thỉnh thoảng mình cần làm thêm việc gì đấy là đặc cách làm luôn. Nói “đặc cách” vì chị ý bận cực kỳ chứ có phải ngồi hễu ra đợi việc giống những kẻ ngốc đâu. Có lần chị ý bị cảm, cô nhân viên tự ý chạy ra ngoài vườn hái quả chanh vào cho chị ý uống. Chị ý hớt hải gọi điện xin lỗi mình mãi. Xin lỗi chưa đủ, chị ý còn không chịu lấy tiền công ngày hôm đó mặc dù mình nói đi nói lại mãi rằng không sao hết, chanh của mình chị ý không hái thì cũng tự rụng xuống đất bỏ đi chứ ai dùng đâu. Những người như chị ý, việc làm cả năm không hết, khách hàng xếp hàng đợi, mà có khi còn vừa phải làm việc của mình vừa phải chống trả những kẻ ngốc trâu buộc ghét trâu ăn.
Người giỏi, càng nhiều việc càng cọ xát càng giỏi. Người ngốc, toàn ngồi chơi chả có việc, đã ngốc lại càng ngốc hơn. Đời cuối cùng ai cũng vào đúng vị trí của mình hết. 

Wednesday, July 24, 2019

Đời sinh viên hoa mộng

Một buổi chiều rảnh rỗi ít bài tập, bèn vác quyển sách và hai quả đào ra quảng trường đẹp nhất thế giới ngồi bệt ăn đào đọc sách. Đang há mồm ngoạm khí thế vào quả đào thì phát hiện có con chó ngồi gần đó cứ nhìn mình hết sức trìu mến. Nó say sưa nhìn mình ăn đào đến mức chủ nó phát ngại phải giật giật sợi dây và hỏi nó cả đào mày cũng muốn ăn à.
Chén hết một quả, mình hăm hở mở túi lấy nốt quả thứ hai. Liếc sang con chó, nó vẫn đang nhìn mình say mê trìu mến, một chân lại thấy nhấc lên kiểu dợm dợm định chạy tới. Mình đành phải ăn uống rón rén nhỏ nhẹ chứ không dám ngoạm khí thế nhai rau ráu nghiến ngấu như trước.
Mỗi ngày 4 tiếng hành xác và hai tiếng đi bộ dưới nắng. Không hiểu ngày xưa mình làm thế nào mà học xong mười mấy năm từ phổ thông lên đại học. Mà thôi, hành xác thế này để biết yêu quý thực tế là tuy hơi già tí nhưng không phải lê xác đến trường học hành thi cử như bọn trẻ con. Chứ không lại suốt ngày chì chiết chúng mày chỉ việc ăn với học sướng bỏ cha không khổ như tao trăm nỗi lo toan.
Mình nhớ hồi học thi bằng lái xe, suốt nửa năm không chịu học, ngày thi đến sát đít mới cuống cuồng mở quyển sách dày cộp ra. 3h sáng vẫn ngồi học thu lu. Gần sát ngày đẻ, đi khám định kỳ, huyết áp lên tới 220, bác sĩ hoảng quá suýt giữ lại trong bệnh viện. Đành phải thú thật là tôi đang học thi căng thẳng quá nên huyết áp cao chứ không bệnh tật gì đâu, bác sĩ cho tôi về tôi còn thi lấy bằng nếu không mất tiền học phí. Hôm thi, mình đang đứng đợi đến lượt thi thì bị một ông già chống gậy đi ngang qua trỏ gậy mắng cho một trận té tát vì tưởng mình mới 18 tuổi mà đã vác cái bụng bầu to tướng. Khổ xung quanh mình toàn bọn 18, 19 tuổi nên ông ý mắt kém tưởng mình cũng 18, 19 tuổi nốt. Lúc đến lượt mình thi thực hành, vừa trèo vào xe, thầy chấm thi đã thờ ơ hỏi “Bao giờ cô đẻ?”. Sau câu trả lời cũng thờ ơ “Ngày mai” của mình ông ý sợ quá xua tay rối rít “thôi lái đi lái đi” và sau 5 phút đã cho mình đỗ luôn, chắc sợ mình căng thẳng quá đẻ rơi ra xe thì phiền. Chả bù mấy đứa choai choai bị quần cho 20 phút 30 phút vẫn trượt :-)))))))
Cứ dính đến sự học hành là đời éo le thế.

Về nhà, mở “Đâu phải bởi mùa thu" ra nghe. Giờ mình nổi hứng ca Đâu phải bởi mùa thu thì dân tình đang đi dưới đường có gọi lính cứu hỏa không nhẻ? Thôi, cẩn thận vẫn hơn.
Bèn hát Nỗi nhớ mùa đông. Một ngày nhiệt độ lên tới 40 độ, 7h tối vẫn nắng chết cha, gác xép áp mái nóng như nung, Nỗi nhớ mùa đông nhẽ hợp.

PS: Đang ngồi tự dưng nghe thấy tiếng xèo xèo rào rào, nghĩ bụng “Bọn công ty vệ sinh này hâm à, giữa trưa nóng chảy mỡ đi quét đường”. Là mình đang tưởng cái xe tải quét đường có 4 cái chổi tròn tròn gây nên tiếng xèo xèo rào rào ở trên. Ngồi viết blog thêm một lúc nữa thì nhảy dựng lên. Ối, không phải xe tải quét đường, mẹ ơi, là nồi bí xào của em đã cạn nước và đang cháy. Thế là bữa trưa có món bí xào nâu nâu. May nó mới cháy vừa chứ cháy thui là thôi khỏi ăn. Cách đây hơn chục hôm, vui mồm trót ăn một lúc hai cốc chè bánh lọt gì đó, hôm sau soi gương thấy thân hình phùng phèo rõ trạc tứ tuần U50. Sợ quá lại quay lại ăn rau trường kỳ, chả dám đụng đến đồ ngọt nữa. 

Thursday, July 18, 2019

Gác xép áp mái


Hồi bé, đọc những câu chuyện do các tác giả châu Âu viết, không hiểu sao cứ ấn tượng với những gác xép áp mái, nơi những sinh viên nghèo, họa sĩ nghèo, nhà văn nghèo, thuê ở vì rẻ. Vì phải leo cầu thang, mùa đông lạnh, mùa hè nóng, trần thấp tè, nên rẻ. Bây giờ, đi qua các thành phố của châu Âu, lúc nào cũng ngửa cổ ngắm gác xép áp mái, tự nhủ ở trên đó chắc thích lắm. Căn phòng nhỏ, chỉ có mình mình với cái cửa sổ.

Từ trước hè, con vợ ngài đã tuyên bố “Cho trẻ con vào trại hè rồi em đi học. Anh đi đâu thì đi”. Thế là nó thuê một gác xép áp mái nhỏ tí trong trung tâm thành phố để sống lại cảm giác sinh viên. Có chồng con quây quần thì cũng thích nhưng mèn ơi, ở một mình cũng có cái thú riêng. Đồ của mình để đâu ở nguyên đấy, không ai đụng tới. Quần áo chả có gì mà giặt. Nhà cửa sạch nguyên không phải lau dọn. Ăn ngày một bữa, còn lại qua quýt xong thôi, đâm ra bát đĩa cũng chả có gì mà rửa. Đi chợ mua có tí đồ, ăn vật vã mấy ngày không hết. Thế là tự dưng có cả ngày rảnh rỗi. Lâu lắm rồi mới có lại cảm giác thong thả, chỉ đi học rồi về nhà ngủ hoặc làm những gì mình thích.
Gác xép áp mái thấp tè, nhỏ tí, leo cầu thang muốn xỉu, nhưng có những ô cửa sổ xinh xinh. Chủ nhà mở cả cửa sổ trên mái nên căn hộ ban ngày toàn ánh sáng tự nhiên rất thích. Buổi tối, tiếng ồn ào huyên náo của dân tình đi dạo tán gẫu dưới đường vọng lên tận cửa sổ đến quá nửa đêm, thấy mình chả liên quan nhưng cũng vui.
Buổi đi học đầu tiên, vừa ra khỏi nhà đang định lăng quăng đi ăn sáng rồi đi học là vừa, đang túm một anh lại hỏi đường thì một chị đi qua dừng lại, nhìn mình lom lom “Em là G hả?”. Mình ngớ ra, hóa ra chị ấy chính là cô giáo. Thế là mình đành phải lon ton đi theo chị ý đến lớp, chả dám tạt ngang tạt ngửa như ý định ban đầu. Học đến quá trưa, bụng réo loạn xạ. Chị ý lại hỏi “Em có muốn đi về cùng tôi không?”, bảo “Không”. Lại hỏi tiếp “Mai em có muốn mình đi bộ đến lớp cùng nhau không?”. Bảo “Không” nốt. Học 4 tiếng một thầy một trò đã bỏ mịe tui, lại còn được cô giáo dìu dắt quãng đường đi 2km, về 2km, thì chắc tui bỏ học luôn.
Đi nghỉ hè, cho con vào trại hè, cho chồng đi phượt, còn bản thân thì cắm mặt vào học. Có ai thân lừa ưa nặng như tui?

P.S Nhưng bây giờ thì gác xép áp mái khác hẳn rồi. Điều hòa có nên đông hè nóng lạnh không thành vấn đề. Thang máy có nên cao mấy cũng không thành vấn đề. Chưa kể ở trên cao, trên đầu chả có ai, chả phải nghe tiếng bước chân của người ở tầng trên, lại có thể dùng hoàn toàn ánh sáng tự nhiên. Nhiều người có tiền, có đầu óc, mua liền một lúc mấy căn gác xép áp mái kề nhau, phá tường làm thành một căn hộ rộng với view thành phố và ban công toàn hoa cực đẹp. Những căn penhouse như vậy thành ra lại đắt tiền nhất trong tòa nhà. Ai cứ sang Paris, London, Rome, New York, thì sẽ thấy. Chủ của các căn penthouse, toàn tỉ phú triệu phú chứ ít tiền chả với được tới gác xép áp mái.

Wednesday, July 10, 2019

Chuyện nhà người ta


Mình biết một chị, ly dị chồng năm hơn 50 tuổi. Ly dị, anh chồng phải xách vali đi, để lại nhà cũ cho chị ý và hai con. Chị ý không cho chồng cũ lấy đi bất kỳ thứ gì trong nhà, mặc dù ngôi nhà toàn là đồ đạc anh ý được thừa kế từ bố mẹ. Lý do chị ý đưa ra là không muốn bất kỳ sự xáo trộn nào ảnh hưởng đến con. Ý là thiếu cái tranh trên tường cũng có thể khiến con bị trầm cảm hay sao đó. Động đến quyền lợi trẻ con là pháp luật đứng hoàn toàn về phía chị ý. Thế là anh chồng, chủ nhân của ngôi biệt thự xinh đẹp trong thành phố cùng toàn bộ nội thất sang trọng, phải đi thuê một căn hộ bé xíu tạm bợ  ngoài ngoại thành, phải mua lại từ cái bát cái đĩa trở đi.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, hai đứa con đã đủ 18 tuổi từ lâu. Theo luật, đủ 18 tuổi là bố hết nghĩa vụ chu cấp. Nhưng pháp luật vốn nhân từ, đủ 18 tuổi nhưng chưa kiếm được việc thì bố vẫn phải nuôi và vẫn phải để nhà cho con ở. Hai đứa con học hành chả ra sao nên dĩ nhiên là thất nghiệp, anh kia lại tiếp tục gò lưng nuôi. Tệ nhất là mấy năm sau con kiếm được việc làm cũng giấu không cho bố biết, để tiếp tục nhận chu cấp và ở nhà của bố. Chưa kể, cạch mặt bố từ hồi bố mẹ ly dị nhưng cứ có việc gì cần tới tiền là cũng chẳng nói chẳng rằng gửi hóa đơn cho bố trả, ngoài khoản tiền chu cấp hàng tháng. Bố hỏi hóa đơn phẫu thuật này là phẫu thuật gì, con bảo phẫu thuật gì là việc riêng của con không phải việc của bố! 
Lại nói chuyện chị mẹ, chẳng bao lâu sau khi ly dị chị ý đã kiếm được người yêu. Hai người có vẻ hạnh phúc, đi du lịch thăm thú các nơi. Nhưng điều rất buồn cười là ông người yêu của chị ý, sau khi yêu nhau một thời gian thì chuyển luôn vào sống cùng chị ý. Đôi uyên ương tận hưởng hạnh phúc trong căn nhà xây bằng tiền mồ hôi nước mắt của người khác. Anh chồng cũ đôi lần muốn bán nhà, vì chỉ có cách bán nhà mới lấy lại được tài sản của mình và mời được bọn họ ra. Ấy thế mà người mua muốn đến xem nhà, năm lần bảy lượt đến chị ý đều không mở cửa. Người mua thấy tình hình phức tạp thế thì cũng chạy luôn. Thời buổi bán nhiều mua ít, lỡ một người thì phải vài năm nữa mới có người khác đến hỏi.
Anh chồng cũ oan ức thiệt thòi bao năm vác đơn kiện đi khắp nơi, nhưng pháp luật nước Ý chậm chạp, đòi được vạ thì má đã sưng, nhất là khi chị kia giở đủ mánh khóe để tiếp tục trì hoãn trốn tránh.

Chính ra đàn bà VN mình biết, khi ly dị phần lớn rất tự trọng, thậm chí thấy chồng cũ không mặn mà chuyện góp tiền nuôi con là cũng tự nuôi con luôn chả buồn đôi co, chứ đàn bà tây nhiều đứa thực dụng đến mức mất cả tự trọng như cái chị ở trên. Mà chị ý kém tự trọng một thì ông người yêu của chị ý phải kém tự trọng mười. Mình mà là chị kia chắc mình nhả ngay, không yêu được. Đàn ông phải thế này mình mới yêu: "Em trả lại nhà cho chồng cũ đi, về sống với anh, nhà anh nhỏ, không đẹp như nhà em đang ở, nhưng đó là nhà của anh. Anh không muốn người đàn bà của anh phải nhờ vả dựa dẫm người cũ”. Đàn ông mà kiêu hãnh như thế thì mình yêu vô điều kiện 💓
Chồng mình có một anh bạn rất tốt mà số đen đủi, vợ cũ ngoại tình có thai với bồ, thế là ly dị. Ly dị chưa xong thì một ngày đi làm về, mở cửa, tá hỏa thấy nhà cửa trống trơn. Hóa ra chị vợ đã tranh thủ lúc chồng đi vắng về nhà bê sạch, bê từ cái TV bê đi. Mà chuyện của chị này sau đó cũng rất thê thảm. Chị ý mấy năm sau phát hiện bị ung thư vú. Từ lúc phát hiện đến lúc chết chỉ có mấy tháng. Con chưa đầy 2 tuổi. Thằng bồ không muốn nuôi con. Anh chồng cũ thương đứa bé quá suýt nữa định nhận nó về nuôi. 
Kể chuyện một vụ khác, một anh cảnh sát ly dị, nhà phải để lại cho vợ con ở. Khổ nỗi nhà mua bằng tiền đi vay ngân hàng. Thế là nhà thì vợ con ở còn mình hàng tháng vẫn phải trả góp ngân hàng. Lương cảnh sát hàng tháng mang đi trả góp ngân hàng và trợ cấp nuôi con đã gần hết, tiền đâu mà đi thuê nhà nữa. Cơ quan thương tình đành phải linh động cho để cái giường trong hầm để xe của cơ quan để ngủ tạm. Cậu bạn mình kể cho mình chuyện kia xong, bình luận một câu “Anh chả dám lấy vợ nữa”.
Chả cứ anh, đàn ông tây giờ nhiều người sợ không dám lấy vợ, nhất là lấy vợ tây.


Sunday, July 7, 2019

Chuyện vặt

Một buổi sáng, chưa tới 6h, con Lila chạy ào vào phòng liến thoắng “Mamma, La chúc mừng mamma đã lên chức bà ngoại”. Mình đang ngủ say quáng quàng bật dậy chẳng hiểu mô tê gì “Hả, mài nói gì?”. Hóa ra nó vừa ra một quyết định trọng đại, đó là nhận con mèo Fufu làm con nuôi. Vấn đề là lấy theo họ bố thì tên con mèo hóa ra thành Fufu Favilli đọc lên chỉ thấy phều phào, mà lấy theo họ mẹ thì tên con mèo lại thành Vũ Fufu nghe không thoát tục. Nên tạm thời con mèo Fufu vẫn chưa có họ.
Nhận mèo làm con nuôi nhưng nó không có ý định nuôi nấng gì thì phải. Vì mẹ bảo “giờ mài nhận nó làm con nuôi rồi thì mài phải cho nó ăn, rồi lúc cả nhà đi nghỉ thì mài lấy tiền riêng đưa chú bảo vệ để chú ấy cho nó ăn ké”. Nghe thấy phải chi tiền riêng một cái là nó chối đây đẩy “But I don’t have a job yet”. Nó chưa làm ra tiền nhưng rất giàu. Tiền nó vặt từ ông bố, cho mẹ vay lấy lãi (vay có mấy tiếng cũng phải trả lãi hơn chục phần trăm), đổi 1 đồng lấy đồng rưỡi với con em và thằng anh. Ngày nào cũng giở ra đếm hí ha hí hoáy.
 Một lần mình và ông đi party nào đó. Đang nhảy nhót tưng bừng thì ông tự dưng sáng tác ra động tác lắc hai vai làm mình bò ra cười. Ông thấy vợ cười thì lại lắc vai lần nữa, mình lại cười khanh khách tiếp. Thấy thế, chỉ khoảng chưa đầy chục giây sau ông bổn cũ soạn lại lại lắc vai lần nữa, mình vừa cười khanh khách vừa nghĩ bụng bỏ mẹ ông làm nữa mình lại phải cười nữa à. Được chưa chục giây sau giời ơi y như rằng ông lại lắc vai tiếp, điệu bộ rất mong ngóng mình cười tiếp. Mình cả nể lại phải cười lần nữa, vừa cười vừa tự nhủ ông làm lần nữa mình sẽ không khách khí gì mà bảo ‘cut it out” và lường trước khả năng sẽ bị ông bảo đàn bà gì mà không nice. Kệ, chả nice thì đừng. Nhưng may cho đời mình là trước khi ông lại kịp lắc vai pha trò lần nữa thì có thằng chạy tới nói chuyện với ông, thế là mình chuồn êm.
Mấy tuần trước, trước khi đi làm ông quai mồm ra bảo con vợ “Have a good daaaiiii”. Con vợ phá lên cười. Thế là từ hôm đó, trừ những hôm ông quên còn lại sáng nào ông cũng phải có câu đấy rồi mới chịu đi đâu thì đi. Mình đã phải cười giả dối một cơ số lần và bắt đầu cảm thấy bế tắc. Đang tự hỏi làm nào để ông chấm dứt vụ pha trò nhạt mà không làm mất lòng ông giờ? Gặp đúng giai đoạn bận nên tự nhủ thôi cứ kệ đấy, tính sau. May quá chẳng bao lâu sau thì cả nhà đi nghỉ hè, cả ngày dính lấy nhau thế rồi thì cần gì phải chúc nọ chúc kia nữa, thế là ông tự khắc quên biến. Ngẫm ra thấy lời con Na nói rất chi là chí lý, rằng lúc có vấn đề Na cứ kệ đấy thế là vấn đề tự hết.
Càng già càng thấy trẻ con có lý, người lớn chính ra toàn làm phức tạp vấn đề, nhẻ.

PS: đang tự nhủ vất vả tất bật lôi thôi cả năm, giờ đi nghỉ phải thời trang xinh đẹp. Bèn đi cắt tóc. Tóc cả năm không cắt, dày nặng nhìn phát nản. Bảo cậu thợ tóc tôi nhìn thẳng đuột tẻ nhạt quá cậu cắt thế nào cho có gợn sóng tự nhiên, rồi mở điện thoại mải mê lướt net. Thằng thợ tung hoành một lúc lâu. Lúc mình ngẩng lên, mái tóc dài gần thắt lưng giờ đã thành chỗ dài chỗ ngắn không theo logic nào. Trên đỉnh đầu nó cắt còn khoảng hơn chục phân, để xõa ra thì thành ra có cái chỏm phồng phồng y hệt con voi Ellie trong phim Kỷ băng hà, còn buộc vào thì ngắn quá buộc không được. Tệ hơn, tóc bị tỉa dài ngắn so le thành ra tướp còn hơn xơ mướp. Thôi, lại đành áp dụng châm ngôn của con Na, cứ kệ đấy rồi một lúc nào đó vấn đề sẽ tự hết. Mỗi tội lần này chắc sẽ hơi lâu. Haiz. 

Friday, June 28, 2019

28/6/2019


Cách đây mấy tuần, con Na buổi sáng đi học đòi mẹ nó buộc tóc hai bên, trông toòng teng như hai cái đuôi lợn. Mẹ nó càu nhàu “Phải buộc gọn ra sau chứ buộc thế này đuôi tóc thòng xuống mặt, con làm bài thi làm sao?”. Nó bảo “Càng tốt, bạn càng đỡ nhìn bài Na”, làm mẹ nó phải nghĩ một lúc mới nói tiếp được “Hôm qua mẹ vừa hỏi con 10 trừ 7 còn mấy, mà mãi con mới trả lời được, thế mà con lại sợ bạn chép bài của con là sao?”. Nó tỉnh queo “Bạn Na còn dốt hơn Na”. Lớp 3 rồi mà 10 trừ 7 tính mãi mới ra, không biết dốt hơn thì còn dốt đến mức độ nào???
Vụ đó, cộng với vụ thi xong quên điểm, làm mình quả cũng hơi lo lắng. Thế nên hôm trường tổng kết năm học cho khối tiểu học là mình chân thấp chân cao đến luôn chứ không dám cành cao lá dài không đến như mọi khi. Đến lượt lớp nó, thầy giáo bắt đầu xướng tên học sinh đứng đầu lớp, mình vẫn đang ngồi rung đùi vì nghĩ vị trí này chả bao giờ thuộc về con mình, thì trời đất quỷ thần ơi ai ngờ chính là nó. Nghe tên nó được xướng lên mình suýt ngã khỏi ghế, bất ngờ đến mức không rút kịp điện thoại để chụp ảnh nó tơn tơn lên bục nhận thưởng. Không chỉ đứng đầu lớp, nó còn được xếp vào bảng vàng danh dự của khối lớp 3. Bảng vàng chỉ dành cho một số ít các học sinh xuất sắc có trung bình tất cả các điểm của toàn năm học từ 90% đến 100%, tức là điểm hầu như phải toàn 9, 10. Công nhận con gái mẹ ngày nào cũng làm mẹ ngã ngồi mấy bận.
Thế là cả 3 em bé ngoan của mẹ đều nhất lớp và đều có tên trên bảng vàng. Phần thưởng nhiều quá phải bê 2 chuyến mới hết. Sau buổi tổng kết, các phụ huynh kéo đến hỏi mình cho lũ Lê La Na ăn gì mà chúng nó giỏi thế. Nói cũng chả ai tin thằng Lê lớp 8 về nhà còn thấy học tí chứ hai con kia toàn chơi với mèo, xếp lego, trượt patin hoặc vẽ bậy.
Năm nay bố mẹ Lê La Na chúng quyết cho lũ con vào trại hè. Từ mấy tuần nay ông đã bắt đầu dọa “Ở trong trại hè, chúng mày sẽ không có TV, không có Internet, không được chơi điện tử, thậm chí gọi điện cho bố mẹ cũng không. Chúng mày sẽ phải tự nấu ăn, tự dọn dẹp, rửa bát, tự giặt và gấp quần áo, cả ngày phải lao động, ngủ thì phải ngủ trên nền nhà, tắm truồng ngoài trời. Còn tao sẽ lấy xe đẹp chở vợ tao đi chơi, thăm thú các cảnh đẹp, ở khách sạn đẹp, đi ăn ở nhà hàng sao Michelin”.
Lũ con tưởng thật đứa nào đứa nấy ngồi mặt đực ra, nhìn nhau, lo lắng, ghen tỵ. Nhìn mấy cái mặt bình thường tươi hớn không sợ đất chả sợ giời giờ nghệt ra như ngỗng ỉa đến là buồn cười. Nhưng thôi cho chúng mày vào kỷ luật tí chứ bám mẹ chằng chằng cái gì cũng mẹ mẹ thế này thành thuồng luồng hết cả lũ rồi.
PS: Nghe chữ “tao lấy xe đẹp chở vợ tao đi chơi” của ông là mình thấy tiền đồ chị Dậu roài. Năm ngoái, một buổi sáng mùa hè tươi đẹp, ông rủ vợ “Chúng mình đi chụp ảnh”. Con vợ phù phiếm nghe nói chụp ảnh thì sướng rơn, gật đầu cái rụp. Thế là buổi chiều, đợi nắng xế, hai vợ chồng bỏ lũ F1 ở nhà và hớn hở dắt nhau đi. Trời xanh, đồng vàng, ánh nắng xiên ngang rất đẹp, ông sau khi chụp cho con vợ vài bô ảnh lấy lệ thì quay sang mê mải chụp... xe đẹp. Chụp xe xong ông hô vợ “Nào chúng ta đi về”. Con vợ chưng hửng trèo vào xe. Ông nổ máy. Ai ngờ xe đẹp chỉ kêu phẹt phẹt vài cái rồi chết dí. Giữa đồng không mông quạnh, trời thì đang tối dần, ông chửi thề. Giời ơi hôm trước trèo vào xe, ngoảnh sang thấy cái phần ốp lưng ghế lái đã long ra như sắp rơi xuống đất, và lúc đẩy cửa xe bước ra thấy cái tay nắm cửa cũng long ra như sắp rơi xuống đất nốt, thì mình chỉ càu nhàu “Xe của anh làm bằng bìa carton à?” thay vì cảnh giác với cái xe hàng mã. Đúng là dại bao lần mà không khôn ra được, đáng đời.
Cuối cùng, trong bóng hoàng hôn nhập nhoạng, người đờn ông hì hục tháo bình ắc quy vác lên vai đi lẫm chẫm xuyên cánh đồng để ra đường cái, bỏ lại con xe cưng nằm tơ hơ giữa ruộng. Anh trai ông bị em gọi tới giải cứu, lái xe đến nơi quát váng cả đường :-)))))
Ắc quy vác về sạc suốt đêm. Sáng tinh mơ hôm sau, con vợ mở mắt oánh cho câu “Xe để giữa ruộng thế máy cày đi qua thì sao nhỉ?”. Người đờn ông chuyên đời ngủ muộn nghe thế vùng dậy khỏi giường vác ắc quy đi cứu xe lập tức. Mặt trời vẫn còn chưa lên :-))))))))))