Tuesday, September 26, 2023

Chuyện

“Em chưa từng kể cho chị, em là đồng tính đó chị. Em có bạn trai. Nhưng bọn em cũng không có dự định nghiêm túc gì. Em phải về VN. Em sinh ra bình thường. Năm cấp 1 em còn viết thư tình gửi cho bạn gái. Nhưng bố em gia trưởng và hay đánh mẹ em, chị ạ. Chứng kiến bạo lực gia đình, tự dưng em sợ và bắt đầu xa lánh bố, suốt ngày chỉ quấn quýt với mẹ. Rồi, vì thiếu tình cảm với bố, tự dưng em cứ muốn được gần gũi yêu thương một người đàn ông. Đến trung học thì em biết mình thích con trai. Con trai gần gũi mẹ quá mà thiếu đi sự ảnh hưởng của người bố, dễ bị như em lắm chị...”.

Avatar của thằng bé là tấm ảnh nó khoảng 5, 6 tuổi, mắt sáng ngời, ngồi dựa vào ngực mẹ. Cả hai mẹ con đều cười rất tươi.

“Hè vừa rồi em sang châu Âu đi chơi mấy tháng. Vui lắm chị ơi. Em ở nhà đứa bạn. Cùng giới nên họ rất nhiệt tình giúp đỡ mình, đưa mình đi chơi khắp nơi. Mà ở đấy đồng tính thoải mái bình thường lắm chị ạ. Không như ở đây người ta vẫn kỳ thị lắm. Kể cả ở VN em cũng vẫn giấu bố mẹ em. Em biết là bố mẹ em sẽ không thích. Sau kỳ nghỉ tự do vui vẻ ở châu Âu, tự dưng em muốn sống khác đi, em muốn vui. Bình thường cứ gặp chuyện gì không vui là tâm trạng em xuống cả tuần liền ý chị. Em còn 2 năm học nữa, em bảo lưu rồi. Nhưng chắc là em bỏ luôn....”.

“Mà chị ơi, sau một thời gian dài bố em không sử dụng bạo lực với mẹ em, em cứ tưởng ông ý đã đổi tính. Ai ngờ năm ngoái lại đánh mẹ em tiếp chị ạ. Chỉ vì mẹ em nhìn ai đó, lý do vớ vẩn thế thôi chị ạ. Bề ngoài ông ý là một người đàn ông điềm đạm mẫu mực lắm, không ai ngờ lại vũ phu vậy đâu. Em bảo ông ý già như vậy rồi còn cái vị gì nữa đâu mà bày đặt ghen tuông. Cả bố mẹ em đều 55 tuổi rồi chị ạ. Em cũng nói một câu mà có vẻ làm ông ý ngạc nhiên sửng sốt “sau này, tôi đón mẹ về ở với tôi, còn ông ở với ai thì ở”. Mà cả ba anh em em đều không nói chuyện với bố”...

Thằng bé nói với tôi, mặt buồn thiu. Gương mặt quá buồn cho một chàng trai ngoài 20 tuổi. Nó bị trầm cảm, có vẻ hay phải dùng thuốc. Mùa đông ở nước Nga dài dặc lạnh lẽo u ám càng làm tình trạng tồi tệ hơn. Sau đợt hè đi chơi cứ tưởng tâm trạng nó tốt lên mà lúc gặp thấy nó có vẻ không khỏe. Ngồi nói chuyện ngón tay cứ liên tục quấn quấn tóc trên đỉnh đầu rồi dứt dứt hoặc miết miết xuống cạnh bàn. Nhiều khi lại có những cử chỉ lạ, kiểu như vô thức gật gù hoặc lắc lư.

Em ạ, về mặt thể chất có tạng người cứ tự nhiên béo có tạng người tự nhiên gầy, thì về mặt tinh thần cũng có người cứ tự nhiên hơi tí là vui và có người tự nhiên hơi tí là buồn. Nhiều khi mình cũng phải chấp nhận chung sống với nỗi buồn của mình, nếu nó còn ở trong tầm kiểm soát.

Em về VN thì nên có buổi nói chuyện thẳng thắn với bố em. Chị không bảo nói chuyện để hóa giải hiểu lầm và trở nên yêu thương nhau, vì tình cảm, ngay cả tình cảm bố con, cũng phải vun đắp qua năm tháng, chứ lạnh lẽo sứt mẻ bao lâu rồi giờ bảo yêu làm sao yêu được. Nhưng em nên nói cho ông ý biết cách ông ý đối xử với mẹ em đã ảnh hưởng đến tâm lý của em như nào. Em cứ nói hết những gì em cần phải nói, ông ấy tự ngẫm được đến đâu là việc của ông ấy.

Không ai chọn được cha mẹ mình, và cũng không ai tự quyết được hoàn cảnh lớn lên. Xung quanh mình, những người bị chấn thương tâm lý nhiều lắm, em ạ. Nhưng mà theo chị, nếu ngoài 30 tuổi mà mình vẫn tiếp tục là nạn nhân của những chấn thương đó, vẫn tiếp tục oán giận một ai đó, tức là vẫn tiếp tục tự đầu độc cuộc sống của mình, thì đó là lỗi của mình, em ạ.

Em còn trẻ, em có tài. Em cứ khám phá hết những cơ hội mà cuộc sống tạo cho em. Nhớ giữ gìn sức khỏe và thỉnh thoảng nhắn tin cho chị cập nhật tình hình của em...

Tiễn thằng bé vào tàu điện ngầm, mình đi bộ về. Quanh khu vực quảng trường Đỏ, từ dạo mùa hè người ta đã dựng lên các đảo hoa. Các loại hồng, thược dược, hoắc hương và cúc. Dân tình đi lại rộn ràng. Đoạn phố Okhotnyy ryad bình thường xe cộ chật như nêm mà hôm nay hai xe tải chặn hai đầu, không biết lại chuẩn bị tổ chức sự kiện gì. Tranh thủ dịp đường vắng tanh hiếm thấy bèn bỏ vỉa hè chạy xuống đi bộ ngênh ngang giữa lòng đường. Đường rộng, người thưa và trời thu nắng vàng đến độ lòng người nhất định phải hân hoan.

Nếu ngoài 30 tuổi mà không biết ơn những nỗi khốn khổ đã khiến mình trưởng thành, thì có nghĩa tất cả những chịu đựng ấy đã phí hoài vô ích...

Ảnh: hồng Eden, cắm một đoạn cành xuống đất, 2 năm sau lên thành một bụi. Tháng 5 hoa nở toe toét. Năm nay được mỗi mùa hoa hồng. Còn từ tháng 6 tháng 7 nóng quá các loại hoa khác mất mùa hết. Hoặc có thể tại mình không ở đấy, 3 ông làm vườn đực rựa chả biết chăm nên hoa ra ít. 

Monday, September 18, 2023

Một buổi sáng nhàn nhã của nội trợ kiểu mẫu

Sáng, con đã đi học. Mình uống cốc nước ấm pha mấy giọt chanh và thìa mật ong rồi giở áo xống của ngài ra đơm cúc. Ngồi loay hoay kim kim chỉ chỉ mới đành phải thú nhận một điều là tuy lúc khâu vá mình vẫn chưa cần kính nhưng lúc xâu kim, chọc chọc mấy lần vẫn trượt, bèn lén lấy kính lão của ngài đeo thử xem ra làm sao. Ôi mẹ ơi đời nó mới sáng tươi rạng rỡ làm sao chứ, xâu một nhát trúng luôn. Tranh thủ một công khâu, gia cố lại cả những cái cúc chưa rụng. Giờ thì mặc áo đến rách cũng không cần đơm lại cúc nữa nhóe. Không hiểu ngài mặc quần áo kiểu gì mà áo thì rụng cúc, quần thì tét mông.

Ngài đi làm rồi thì mình vào bếp nấu một bát bún mọc với đủ loại rau thơm. Nước dùng có sẵn. Vừa ăn vừa rung đùi trả lời comments và tin nhắn. Sau đó, mình lôi một cái váy ra sửa. Cái váy mua hồi còn ở Dubai. Ngài đấu giá trong một buổi tiệc từ thiện. Đúng màu đỏ và đúng chất liệu tulle mềm mình ưa thích. Cũng đúng kiểu cổ đổ mình thích. Cổ đổ kiểu này nếu không phải chất liệu siêu mềm siêu rủ này thì rất khó đổ được tròn và thường sẽ đổ thành hình tam giác. Tuy nhiên mình hầu như không mặc nó bao giờ vì không hiểu sao cứ thấy có cái gì đó không thực sự đúng ý. Không đúng ý nhưng cả chục năm cũng chẳng có thời gian mở ra xem không đúng ý ở đâu. Gần đây khi lôi nó ra ngắm nghía một hồi thì mình đã nhận ra rằng nhà thiết kế người Ấn độ, cũng như các nhà thiết kế Emirate hay Ma rốc hay Lebanon hay Thổ, dù có tây học đến mấy thì trong thiết kế kiểu gì cũng phải dính tí long trọng sến súa. Không đến mức rối tinh rườm rà sương sa hạt lựu như các thiết kế bản xứ nhưng kiểu gì cũng chỉ đi được nửa đường so với các thiết kế thanh lịch và tối giản của phương tây. Không riêng trong chuyện vải vóc quần áo mà cả trong lĩnh vực đồ trang sức.

Thế là mình lôi cái váy ra, đeo cặp kính lão thần thánh của ngài vào và cắt xoẹt luôn hai tay áo cánh dơi phấp phới sến sẩm. Phải đeo kính vào vì cắt thiếu một mm thì vai áo thành lởm chởm, mà cắt lẹm một mm thôi thì mình sẽ phải vứt cái váy đi.

Mình rất thích cách nhà thiết kế này xếp tulle. Vải tulle, chính là loại vải ở nhà hay gọi màn tuyn, là chất liệu rẻ tiền và nếu may không cẩn thận thì nhìn rất xập xệ. Nhưng nếu tìm được loại siêu mềm siêu rủ và may kiểu xếp ly đổ thì không loại chất liệu nào sánh được về độ thướt tha. Ngay cả nhung the siêu mềm siêu rủ thì vẫn thiếu độ bay và độ nhẹ của tulle. Tuy nhiên, đã mặc tulle mềm thì xác định cả buổi chỉ nên đứng làm cảnh, vì ngồi mà ngồi cái ịch xuống ghế thay vì gượng nhẹ thì hỏng. Ngồi gượng nhẹ rồi nhưng lại xoay qua xoay lại trên ghế thì cũng hỏng.

Thế là mình vừa ngồi giương mục kỉnh sửa váy vừa nghe một bản nhạc yêu thích vừa nhâm nhi một cốc chè bưởi to tướng. Thật là một buổi sáng toẹt vời được làm toàn những thứ phù phiếm mình thích.

Sau đó thì mình lại phải loay hoay tìm hiểu về hệ thống làm mềm nước. Chắc hệ thống này ở VN không thịnh hành vì mình nhớ nước ở VN là nước mềm. Nước mềm và không khí có độ ẩm cao mới đẹp da đẹp tóc. Nước ở châu Âu và Mỹ là nước cứng. Nước cứng thì được cái có các nguyên tố vi lượng nhưng hay đóng cặn vôi và do đó khiến cho thiết bị điện gas trong nhà nhanh hỏng, vòi nước hay bị tắc và đồ vệ sinh phòng tắm mất độ sáng bóng phải tốn nhiều hóa chất tẩy rửa. Chưa kể dùng gội đầu còn làm tóc xỉn màu và cứng đơ và da ai nhạy cảm còn cảm thấy ngứa ngáy châm chích. Nhưng chi phí lắp đặt hệ thống water softener khá cao, chưa kể còn phải dùng muối làm mềm nước và sau đó sẽ thải nước muối ra môi trường. Mình lại loay hoay nghiên cứu sang hệ thống water conditioner. Đại loại mình đọc thì hiểu là một hệ thống làm bất hoạt các khoáng chất gây nên tình trạng nước cứng, biến chúng thành các tinh thể trơ, không bám dính được vào đường ống hay các thiết bị vệ sinh, do vậy tính chất nước không thay đổi, các nguyên tố vi lượng vẫn được giữ nguyên mà lại giải quyết được vấn đề cặn vôi. Nhưng chưa kịp mừng vì tìm ra được giải pháp tiên tiến và thân thiện với môi trường, thì đọc thêm một hồi nữa lại hiểu ra rằng hệ thống water conditioner này chỉ phát huy tác dụng nếu trong nhà không có bình chứa nước lớn. Vì nếu để nước tồn trong bình thì sau khoảng 3 ngày là các tinh thể đang bất hoạt kia sẽ phân rã trở về tình trạng ban đầu, và do đó lại có khả năng đóng cặn vôi bên trong thiết bị. Trong nhà mình rất không may lại có một bình nước nóng 500 lít. Cả năm trừ mùa hè cho thuê còn lại nhà toàn để không, như vậy là chỉ sau một thời gian ngắn bình nước nóng sẽ bị đóng dày cặn vôi làm giảm hiệu suất của bình, tốn gas tốn điện.

Mình lại quay lại nghiên cứu cách lắp đặt hệ thống làm mềm nước, water softener. Ai dè chỗ mình muốn đặt hệ thống này lại không gần với đường ống nước thải trong nhà. Mà nếu có gần mình cũng không muốn cho nước muối thải từ hệ thống đi vào bể phốt của mình vì sợ làm hỏng bể. Tóm lại, mình không có giải pháp chi. Mình chán đời bỏ đi ngủ. Các cụ ai có kinh nghiệm mấy vụ này làm ơn tư vấn cho mình với.

Friday, September 8, 2023

Bao nhiêu tiếng cười ngày xưa ấy ...

Hồi còn là sinh viên, không hiểu sao tôi được các thầy cô gạo cội trong khoa tiếng Anh rất quý. Hồi đó trong khoa có hai thầy giáo gạo cội ngang nhau, là thầy Đ và thầy H. Thầy Đ và thầy H không thích nhau.

Thầy H là trưởng khoa, dạy lớp tôi. Tôi hào hứng với thầy ngay vì thầy rất giỏi và dạy cả môn Lễ tân ngoại giao là môn tôi rất thích. Môn này mở ra trước mắt tôi một thế giới thực tiễn sống động, khác hẳn mớ lý thuyết khô cứng mà các môn học thường mang lại mà tôi thường học theo kiểu đối phó. Thầy rất kiên nhẫn với mọi câu hỏi vặn vẹo xuôi ngược của tôi. Thầy cho tôi cả số điện thoại nhà riêng cho tôi gọi hỏi thầy tiếng Anh và lần nào tôi gọi thầy cũng bỏ thời gian giải thích tận tình. Bạn bè tôi không hiểu tại sao tôi lại có được đặc ân đó. Chính tôi cũng không hiểu tại sao.

Còn thầy Đ là phó khoa và đã nổi danh từ rất lâu. Thầy hay đi qua lớp tôi và bảo “Bao giờ học xong mày sang lớp kia đợi thầy, thầy trò mình đi ăn trưa”. Thế là mỗi tuần một lần, hai thầy trò tôi đi ăn trưa ở một quán cơm bình dân gần trường, vừa ăn vừa đàm đạo. Tôi vẫn nhớ quán đó có món chả lá lốt rất ngon mỗi tội hơi ít lá.

Không chỉ ăn trưa, thầy còn bảo tôi “Mày đến lớp thầy dạy thêm mà học”. Lớp dạy về Hợp đồng của thầy rất nổi tiếng, rất đông người học và học phí tiền triệu, toàn những anh chị đã đi làm chứ sinh viên như tôi tiền đâu. Tôi từ chối. Thầy bảo “Mày cứ đến học, thầy không lấy tiền của mày”. Thế là tôi lóc cóc đạp xe đến học. Thầy rất chu đáo. Cuối buổi học đầu tiên trong khi các anh chị trong lớp lục tục lên xếp hàng mua sách còn tôi đang định ra về, thầy gọi tôi lại đưa tôi quyển sách Hợp đồng mới toanh vừa in. Thấy tôi ngần ngại không muốn cầm, thầy bảo “Thầy tặng mày”. Quyển sách đó do thầy viết rất khó mua vì cứ in ra là bán hết sạch và giá rất đắt. Sinh viên nghèo như tôi lấy đâu tiền mua. Thế là ngay từ năm thứ 2 tôi đã học xong chương trình tiếng Anh Hợp đồng của năm thứ tư như thế.

Không chỉ thế, có lần thầy còn bảo tôi “mày đến nhà thầy cho biết nhà”. Tôi đến, hai thầy trò ngồi chiếu uống trà ngoài hiên. Thầy khoe cho mày uống trà với mật ong rừng một học sinh cũ của thầy vừa biếu thầy. Tôi mật ong là chính chứ trà chỉ là phụ. Rồi thầy dẫn tôi sang cho tôi xem một lớp học rất to rất đẹp thầy vừa cho xây ngay trong khuôn viên nhà, thầy hỏi mày thấy đẹp không, thầy xây để dạy luôn ở nhà cho tiện khỏi phải đi thuê địa điểm ở đâu. Thầy Đ lúc đó có thể nói là điển hình thành đạt thức thời của các giáo viên trường Ngoại thương, vừa có chức vị giảng viên hàng đầu của một trường đại học danh giá, vừa có thu nhập khủng từ dạy thêm và các lời mời hợp tác từ giới kinh doanh, rồi còn in sách, toàn những đầu sách thị trường rất khát vì chưa từng có. Giờ không biết sao chứ hồi đó dân Ngoại thương đắt giá lắm.

Rồi thầy lại bảo tôi mày phải đến dự buổi thầy bảo vệ quyển từ điển Thị trường chứng khoán thầy vừa soạn. Buổi bảo vệ diễn ra trong trường. Thầy và thầy H tranh luận rất gay gắt. Tôi ngồi được nửa buổi chán quá chuồn mất, lại còn thấy thầy H có lý, thế mà thầy cũng chẳng giận tôi.

Lần cuối cùng tôi nói chuyện với thầy là khi hai thầy trò đi ăn trưa như thường lệ, đang nói chuyện vui vẻ, tôi không nhớ về chủ đề gì, tự dưng thầy nói một câu đại loại “mày thấy thầy có giản dị không, không giản dị thì sao lại đi ăn trưa với một con sinh viên vớ vẩn…”. Tuổi trẻ, tự ái cao, tôi không gặp thầy nữa…

Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao thầy lại tốt với tôi như thế? Tuyệt nhiên không có chuyện tình cảm trai gái gì từ cả phía tôi và phía thầy. Tôi không phải sinh viên lớp thầy và cũng không phải là đứa con gái có hình thức nổi bật. Lũ con gái trong khóa đứa thì da trắng tóc đen môi đỏ mắt lay láy, đứa thì phổng phao như người lớn, ăn diện sành điệu. Tôi vừa gầy vừa đen, ăn mặc quê mùa. Có khi thầy đơn giản chỉ muốn có người trò chuyện cùng, mà tôi, sáng dạ và không có tật lúng liếng, rõ ràng là một sinh viên phù hợp?

Còn một cô giáo cũng gạo cội trong khoa tiếng Anh, dẫu không bằng thầy Đ và thầy H, là cô L. Cô L dạy lớp tôi năm thứ tư, lúc đó cô đã là phó khoa thì phải. Buổi đầu tiên cô L vào lớp, cho cả lớp bài tập rồi đi mất. Cô đi thì tôi cũng đi. Còn dỗ cả con bạn nối khố đi cùng cho vui. Con bạn tôi thực ra ngoan ngoãn chăm chỉ chứ không vớ vẩn như tôi, nhưng chuyên bị tôi lôi kéo tha hóa. Thế nên mới xảy ra cơ sự cô L đi có tí đã quay về, bắt quả tang tôi đang ngồi đung đưa chân trên một cái bàn bỏ không ngoài hành lang, tán chuyện như pháo rang. Nhìn thấy cô từ xa, hai con co giò chạy về lớp hộc tốc giở sách ra. Nhưng đã muộn, cô tinh mắt đã nhìn thấy. Cô lừ lừ đi vào lớp, mặt lạnh như tiền. Rồi cô cất giọng chậm rãi gằn từng tiếng một “Cô nào lúc nãy ngồi đung đưa chân ngoài hành lang bây giờ lên bảng chữa bài”. Cả lớp im phắc, cô L nổi tiếng hắc xì dầu trong khoa. Tôi chậm rãi đứng lên. Tôi chữa bài xong, cô cho tôi về chỗ. Tôi cũng chẳng nhớ cô có mắng vốn thái độ vô kỷ luật của tôi thêm câu nào không, chỉ nhớ từ đó cô rất tín nhiệm tôi…

Hôm nay ăn trưa cơm nguội với chả lá lốt, thế là nhớ đến quán cơm bụi thời sinh viên có món chả lá lốt rất ngon. Cơ mà chả của tôi ngon hơn, mỗi miếng tôi quấn hẳn 3 cái lá to tướng chứ có phải đùa đâu hihi. 

Đã hơn 20 năm rồi, các thầy cô tôi có ai ngờ cô sinh viên ngày ấy lại thành nội trợ toàn phần viết blog toàn chuyện con cá lá rau như này không nhỉ...

Ảnh: Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác

         Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay...

Chờ mãi mới ra được mấy cái hoa be bé, nhưng cún tôi vốn tính lạc quan tếu vẫn hy vọng một mùa mướp bội thu 🥰

Friday, September 1, 2023

1/9/2023

8 tháng trước, lúc mình xin học cho lũ con ở trường mới, tình hình vô cùng bi đát, nhiều lúc mình có cảm giác trường nó tưởng mình bị điên.

Thứ nhất là ông con trai. Bi đát như nào thì mình đã kể ở entry trước hè.

Thứ hai là cô con gái lớn. Bài kiểm tra khả năng nhận thức nó đạt điểm rất cao, được liệt vào nhóm MAT, more able and talented. Trường xếp nó luôn vào nhóm 1, nhóm giỏi nhất, nhóm mới học lớp 10 nhưng chuẩn bị thi GCSE cho 2 môn toán và tiếng Anh vốn là kỳ thi cuối lớp 11. Trường này học kiểu đứa nào giỏi thì không cần phải đợi bạn cùng lớp mà cứ việc học trước thi trước. Tức là trong kỳ thi của học sinh lớp 11 lớp 12 có thể có mặt cả học sinh lớp 10. Như vậy con La chỉ có đúng 2 tháng để hoàn thành chương trình học của 2 năm, đuổi kịp các bạn trong nhóm 1. Nó đi học về tuần đầu tiên cũng nước mắt chan chứa, sợ bị rụng khỏi nhóm 1, thầy bảo La “you are very very behind”. Mình cũng stressed và cũng phải tìm gia sư cho nó nhưng stressed vừa vừa, vì thằng anh không đuổi kịp bạn thì đúp, chứ còn nó không đuổi kịp được các bạn nhanh nhất thì năm sau học đúng tiến độ cũng chả sao.

Thứ ba là con Na, trường muốn nó xuống lớp 7 học cho đúng tuổi vì sợ học lớp 8 nó không tiếp thu được. Chuyển từ Ghana về Ý nó đã phải nhảy cóc một lớp. Giờ chuyển từ Ý sang Nga mà lại bắt nó học lùi 1 lớp chắc nó cắn mình đứt đầu. Thế nên mình nhất quyết không đồng ý, bảo con tôi học được. Trường đành chịu, chỉ giao hẹn nếu học không được thì sẽ phải xuống lớp dưới. Bài kiểm tra toán đầu tiên, tiểu thơ nhận điểm 3, bị xếp vào nhóm 3. Thật là đẹp mặt. Thế chưa hết, một lần nó mang bài tập toán ở trường về, nó giải xong các câu dễ và không làm được câu khó cuối cùng. Mình phải giúp nó. Mình chủ quan chỉ giải thích nửa đầu, nó bảo nó hiểu rồi nên mình để nó tự làm nốt mà không kiểm tra, chỉ dặn “cái này mẹ giúp con làm chứ con không tự làm được, vậy con phải nói với thầy giáo như thế”. Hôm sau nó đi học về bảo Na bảo với thầy là mamma giúp Na và thầy bảo bài Na làm sai!!! Đẹp mặt người mẹ của nó không cơ chứ.

Thế cho nên suốt một thời gian dài, hình ảnh người mẹ của chúng nó trong mắt các thầy cô trong trường là một bà trung niên da vàng bé tí, con cái học hành bê bết, bản thân bà ta giúp con làm có cái bài toán lớp 8 mấy phân số ranh cũng làm sai, thế mà cứ đòi gặp hết thầy này đến cô khác yêu cầu cái nọ cái kia đồng thời khẳng định chắc nịch “con tôi sẽ đuổi kịp”...

Ngày đầu tiên của năm học mới, phụ huynh phải đến trường, vừa để gặp gỡ thầy cô giáo vừa để chúc tụng lẫn nhau kết quả thi bọn trẻ con nhận được trong hè. Cũng định ăn mặc soành điệu đến trường nghe chúc tụng nhưng lại tặc lưỡi, bọn trẻ con học ổn rồi thì thôi đến làm gì, thời gian để làm những việc thú vị hơn. Thế là ăn mặc lôi thôi nhảy metro xuống chợ Lyublino mua chè về ăn, ăn xong chui vào chăn ngủ đến giờ nấu cơm tối mới lồm cồm bò dậy.

Được mấy hôm thì tui lại mừng húm may mà tui không đến trường thể hiện. Suýt hố. Bởi mới đi học được có 2 hôm cô con gái út ít của tui đã về nhà khóc nước mắt chảy ướt cả cái mũi hếch “Đi học mà cứ như đi tiệc ngủ. Na toàn ngủ. Cái nhóm 1 này chán phèo, they don’t have a life, chúng nó toàn người Nga hoặc Hàn quốc không biết tận hưởng cuộc sống chỉ biết học”. Mình nghe nó bù lu bù loa sleep fest mình tưởng cả lớp ngủ, gặng hỏi thêm thì hóa ra có mỗi con mình ngủ. Mới học được có 2 buổi nó đã ngủ tít thò lò cả 2 mới đau khổ cho mình chứ. Hóa ra ở các nhóm dưới học hành lôm côm, con mình có bạn nói chuyện trong giờ nên tỉnh táo. Năm nay bị lên nhóm 1 học hành nghiêm chỉnh, trong lớp đứa nào cũng tập trung, không đứa nào nói chuyện riêng, nên con mình thành ra buồn ngủ. Trước vẻ mặt sững sờ chưa tìm ra lời nào để nói của mẹ nó, nó bảo “bà yên tâm, tôi sẽ không cố tình nhận điểm kém để bị đưa xuống nhóm 2 đâu”, đoạn gạt nước mắt đi ra khỏi phòng. Nghe xong tâm sự đầy đau khổ của nó thú thật chỉ muốn cấu cho nó một cái vào đít.

Mấy hôm sau, vẫn canh cánh vụ nó ngủ trong giờ, mình tiếp tục dò hỏi “sleep fest thật hả con?”. Nó bảo “không, snooze fest thôi. Tôi mà sleep thì cô K (cô K là cô giáo trưởng khoa toán, nổi tiếng hắc xì dầu) cô ấy cho tôi đi nhặt rác dưới sân trường”. Haiz. Lại chuẩn bị một năm náo nhiệt chứ không yên ả được đâu.