Tuesday, December 23, 2014

‘Tis the season to be jolly

Ông con trai đi học về cười há há “mamma có biết bà của Z (Z là cạ cứng của ông) lúc nào gửi tin nhắn cũng kết bằng lol không? Bà Z tưởng lol là lots of love, mamma ạ (đoạn ôm bụng cười ngặt nghẽo, xong quay sang kiểm tra mẹ). "Thế mamma có biết lol là cái gì không thế?”. Mẹ vênh mặt “thôi ông đừng hỏi mẹ cái chuyện muỗi đấy, lol là laughing out loud chứ giề”. Ông im im vẻ hài lòng. Nói thật mấy ngôn ngữ này mình cũng không rành lắm. May quá lol thì mình lại biết, chứ không thì mất điểm với ông con. Mình cũng thú thật luôn là mình cứ tưởng x là hôn. Thế là có lần mình lên cơn teen, soạn tin nhắn xong còn làm hẳn cho 3 chữ xxx, cứ tưởng thế là nhiều nụ hôn. Hóa ra xxx lại thành sex, còn nhiều nụ hôn thì phải là xoxoxo. Khổ thế, may mà tin nhắn gửi cho gái.

Cứ mải mê nhiều việc, đến lúc nhìn quanh thì mới giật mình vì giáng sinh đã đến rất gần. Nhà này, thông giáng sinh bị bọn trẻ con dựng lên từ giữa tháng 11, từ đó đến nay được La và Na trang trí buổi đực buổi cái. Tác phẩm cây thông nghệ thuật của hai cô con gái nói thật là trông như của khỉ. Cách đây mấy tuần mẹ đã bận bỏ bu còn bị đốc thúc đi gửi hai lá thư chữ nghĩa lem nhem cho ông già Noel vì sợ gửi muộn quá  thư không tới kịp cho ông già Noel đi mua quà. Thư gửi rồi nhưng ông con trai có vẻ vẫn chưa yên tâm, bèn viết tiếp một thư follow up chắc để ông già Noel khỏi nhầm nhọt xin quà này lại cho quà kia.

Mấy hôm trước ông bà già Noel đi event tối về, bò ra cười khi đọc được bức thư follow up dựng cẩn thận dưới gốc cây thông của ông con trai. Phần thăm hỏi rất qua quýt chiếu lệ, phần đòi quà lại tỉ mỉ vô cùng, “Ông Santa kính mến, ông có khỏe không? Cám ơn ông đã đi khắp thế giới phát quà cho chúng cháu. Santa ạ, năm nay cháu rất ngoan. Cháu làm hết bài tập cô giao. (Đoạn này chắc cố rặn ra văn) Bà Santa có khỏe không ông? Bà có giúp ông gói quà không? (Đến đoạn này chắc hết chịu nổi nên đi vào chủ đề chính ngay) Cháu muốn nhắc lại những món quà giáng sinh cháu muốn là như sau (đoạn liệt kê ra một danh sách dài ngoẵng đọc muốn hụt hơi)”.

Ông, gần 9 tuổi, chỉ biết đọc sách khủng long và đá bóng, chả nghi ngờ gì về ông già Noel, và vừa lên đai nâu karate. Mẹ ôm ông mẹ bảo “ông ơi, ông tặng mẹ món quà đai nâu karate đẹp nhất rồi, mẹ không cần quà giáng sinh nữa ông ạ”. Ông cười tủm tỉm sung sướng. Cứ đà này có khi mẹ sắp chạm tay vào mơ ước nhất đẳng huyền đai ý ông nhỉ. Mẹ yêu ông khủng khiếp lắm. Chiều nay đi đá bóng về mẹ cho ông đi cắt tóc.

Sáng, vợ tiễn chồng đi làm. Chồng vào xe, chỉnh kính râm ngay ngắn, vợ quay đít định đi vào nhà, chồng hỏi với theo “em yêu, anh có đẹp trai không?”. Chưa hỏi xong vợ đã trả lời xong “đẹp lộng lẫy như mặt trời, anh yêu ạ”. Chồng hài lòng nhấn ga phóng cái vèo đi mất, trên con xe cà tàng sáng nay chẳng hiểu sao đề một cái lại nổ máy ngay.

Chúc các bạn Giáng sinh vui vẻ!!!

Thursday, December 18, 2014

Linh tinh

Tối qua mình nói chuyện với một thương gia Dubai chuyên kinh doanh với Nga. Ông ta kinh doanh với Nga từ hơn 20 năm nay, từ hồi từng chuyến máy bay từ Nga chở 250 người, mỗi người chỉ mang một cái ba lô đựng 10,000 usd đến, đổ tiền lên bàn ông ấy nhờ ông ấy mua hàng hóa gia dụng, rồi lại lên máy bay đi về. Ông ấy bảo việc kinh doanh của ông ấy đang bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng Nga. Chuyến bay từ Nga từ 3 chuyến một ngày đã bị cắt xuống 1 chuyến. Các khách sạn mùa này thường kín phòng toàn khách Nga đi nghỉ giáng sinh tránh rét, năm nay vắng hẳn. Đồng rúp mất giá khủng khiếp, một kỳ nghỉ ở nước ngoài trở nên quá đắt đỏ so với dân trung lưu Nga. Ngay cả dân có tiền cũng chẳng còn tâm trí nào đi nghỉ để rồi về thấy tiền mình đã thành giấy lộn. Giá dầu lao dốc khiến chính phủ Nga lao đao. Vài tháng nữa trời ấm lên, van gas cũng khóa nốt, thì còn lao đao nữa. Người Việt buôn bán nhỏ ở Nga sẽ sống thế nào nhỉ? Và dân Nga có thực sự vẫn tôn sùng Putin không, hay buộc phải tôn sùng vì không tôn sùng thì chết? Mình tự hỏi thế vì dân Nga sống ở Nga bị chính quyền kiểm soát thì không nói làm gì, nhưng dân Nga sống ở nước ngoài mà mình gặp, có trình độ hẳn hoi, mà cũng tôn sùng Putin và đổ lỗi cho phương Tây. Công nhận anh Putin mị dân giỏi. Giờ chỉ còn xem anh sẽ vì lợi ích của dân tộc hay vì cái tôi to đùng mà quyết ôm nuke chết chung.

Mình yêu mến nước Nga dù không nói tiếng Nga và cũng chưa bao giờ đặt chân tới Nga. Tình yêu ấy hình thành từ những trang truyện đọc hồi bé, cô bé có bím tóc màu hạt dẻ, những khu rừng taiga, ấm trà samovar reo, mùa đông ngập tuyết, mặt biển xám. Mình đặc biệt ấn tượng với cuốn Bông hồng vàng và Bình minh mưa, thích kiểu văn của Paustovski, nhẹ nhàng, dung dị, yêu đời yêu người từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất, những chi tiết mà nếu không đọc thật chậm thì sẽ không thể cảm nhận được. Bây giờ, cảm thấy rất khó ngồi xuống, dẹp hết những lo toan của cuộc sống sang một bên, để đọc Paustovski thật chậm.

Có một câu chuyện, mình không nhớ tác giả, viết về một người đồng đội mang lá thư của một người lính đã hy sinh đến cho cô gái anh từng yêu. Cô gái giờ đã lấy chồng, ở trong một căn hộ nhỏ, vừa pha trà cho người khách mang thư vừa đọc. Câu cuối của lá thư không hiểu sao mình rất nhớ “Anh nhớ đến em, và đến tình yêu của chúng ta. Đến tận bây giờ anh vẫn không hiểu tại sao em lại bỏ anh như vậy”. Bạn nào có biết đó là truyện ngắn nào cho mình tên để mình tìm đọc lại????

Sáng cuối tuần, ngài và ông con trai rủ nhau đi xem triển lãm Porsche. Hai cô con gái chơi đồ hàng ríu rít ngoài vườn, mỗi đứa có nửa cái vỏ quả hồ đào giả làm thuyền, bắt kiến cho lên thuyền cho kiến đi du lịch vòng quanh chậu nước, và nấu súp rau từ lá phượng vĩ. Mẹ ngồi viết blog. Tuần này vừa giải quyết xong một vấn đề khiến mình lo lắng đứng ngồi không yên suốt hơn 4 tháng qua. Nhẹ cả người. Đợi mấy ngày cho adrenalin xuống một tý rồi phải đi mua quà giáng sinh. Oh so ready for the holiday season!!!!


Sunday, December 14, 2014

15/12/2014


Giám đốc điều hành một công ty của Ý tại Việt Nam (hay sắp tới Việt Nam mình cũng không rõ) làm trong lĩnh vực dầu khí, có nhờ mình tìm hộ ông ta một kỹ sư. Các chi tiết như sau, mình để nguyên tiếng Anh vì mấy từ ngữ kỹ thuật này mình cũng không rành lắm.

-          Position: Mechanical Engineer Inspector

-          Company: Quatron Steel JSC

-          Material for inspection: AIR DUCT AND FLUE GAS DUCT FOR STEAM BOILER

-          Bắt đầu làm việc ngày 5/1

-          Lương thỏa thuận

-          Nơi làm việc: Bà Rịa, Vũng Tàu

Các bạn biết ai đang tìm việc thì chuyển thông tin cho họ hộ mình. Mình cám ơn. CV trực tiếp cho bên tuyển dụng luôn, email m DOT sasso AT sitecquality DOT com. Các bạn ghép mấy chữ đánh dấu đỏ vào, thêm chấm và thêm @.  Mình phải viết thế này vì không muốn địa chỉ của ông ta bị gửi spam tự động trên mạng. Tìm kỹ sư có vẻ khó. Con mình lớn lên muốn làm kỹ sư mình nhiệt liệt ủng hộ. Kỹ sư mà giỏi thì không bao giờ lo thiếu việc.

Dân ở đây dạo này chán Tây tiến nên Đông tiến hơi nhiều. Mấy cậu bản xứ suốt ngày khoe vừa đi Việt Nam về. Năm ngoái có cậu bản xứ còn kể công ty cậu ấy định xây bệnh viện ở Việt Nam mà cuối cùng chịu không nổi thủ tục lằng nhằng và có vẻ là bị vòi vĩnh sao đó mà cuối cùng họ quyết định xây ở Singapore. Ơ, cái nơi cần xây thì không cố mà xây, Singapore thì thiếu gì bệnh viện nữa mà phải xây nhẻ.

Chị hàng xóm gọi điện khoe con gái chị ấy, 16 tuổi, tháng 2 tới sang Việt Nam theo dự án đi xây nhà tình nguyện cho dân vùng núi nào đó. Chị ấy bảo cho nó biết trên thế giới còn nhiều người khổ thế nào, chứ không nó sung sướng quá lại lose touch with reality. Con bé hồi hộp hoan hỉ đợi đến ngày đi lắm. Mình chỉ e ái nữ của Tổng giám đốc một tập đoàn tài chính rất nổi tiếng toàn đi công tác bằng máy bay riêng, nhà là một biệt thự to vật ở Jumeirah, đi lại có tài xế đưa đón, mẹ thỉnh thoảng lại throw big parties cho con gái mời bạn bè, mà đi lên vùng núi non Việt Nam vào tháng 2 rét mướt, nhìn thấy người dân sống trong điều kiện tuềnh toàng tối thiểu, trẻ em chân trần, bụng đói, không áo ấm, thì lại khóc nhè.

Thế thôi, cuối năm mình bận quá. Đợi mấy hôm nữa bớt bận mình lại viết blog lá cải phục vụ các bạn. Các bạn biết ai có thể quan tâm tới công việc ở trên thì ới họ hộ mình nhé. Mình cảm ơn nhiều.

Thursday, December 11, 2014

Xin cầu chúc tháng ngày yên ả mãi

Là câu một bạn đọc có lần viết cho tôi trong một comment.

Hồi lâu lâu tôi có ghi tên vào danh sách hiến tủy cho một người bị bệnh ung thư máu ở New York. Tuy lần đó các thông số của tôi không phù hợp nhưng tên tôi thì được lưu vào cơ sở dữ liệu của các tình nguyện viên. Và bây giờ, sau 6 năm, người ta liên lạc với tôi để nói với tôi rằng các thông số ban đầu của tôi rất khớp với một bệnh nhân khác và hỏi tôi có còn muốn hiến tủy không.

Nói thật là tôi ngần ngại lắm. Cuộc sống của tôi đang tốt. Những đứa con lanh lợi, ngoan ngoãn, vợ chồng ngoài xã hội thì được tôn trọng, trong nhà thì hòa thuận, đồng lương đủ sống và đủ để ấp ủ những kế hoạch cho tương lai. Bảo tai nạn, bệnh tật, là những việc nằm ngoài sự kiểm soát của mình thì không nói, chứ còn không dưng việc gì tôi phải buộc mình vào một cam kết nặng nề có khả năng khiến cuộc sống của mình kém hoàn hảo đi???

Chưa kể, tôi nhát lắm. Nhìn thấy cây kim tiêm là tôi hoảng loạn. Hiến tủy không phải chuyện đùa. Người hiến sẽ phải trải qua rất nhiều xét nghiệm sẽ tốn khoảng 20 đến 30 tiếng (không kể thời gian đi lại) rải ra trong vòng 4 đến 6 tuần để xem có đủ sức khỏe và các thông số cuối cùng có khớp cho việc hiến tủy không. Sau đó bác sĩ của bệnh nhân sẽ quyết định phương pháp hiến. Phương pháp thứ nhất, bác sĩ sẽ cắm hai kim tiêm vào hai cánh tay người hiến. Hai cây kim nối với nhau bằng máy móc dây rợ gì đó. Máu sẽ ra từ một cánh tay, qua máy để tách ra những tế bào máu gốc cần cho việc ghép tủy của bệnh nhân, rồi được trả lại vào cơ thể người hiến qua cánh tay bên kia. Phải ngồi tách máu như vậy 8 tiếng. Phương pháp thứ hai là phẫu thuật, 2 tiếng, người hiến được gây mê để bác sĩ chọc hút tủy sống. Khả năng lớn là phải sang Mỹ để thực hiện những công đoạn cuối cùng. Chúa ơi :-(((

Suy nghĩ đầu tiên của tôi là tôi sẽ đề nghị hiến phần máu cuống rốn của con tôi hiện đang lưu trong ngân hàng tại Mỹ, hợp thì hợp chả hợp thì thôi. Nhưng rồi tôi lại nghĩ tôi phải giữ cái đó cho con tôi, biết đâu có lúc chúng sẽ cần tới.

Rồi tôi nhớ tới một người phụ nữ tôi gặp. Người Thụy Điển. Chị ấy bị đối tác lừa và phải đối mặt với án tù. Ở đây việc người Âu bị đối tác liên doanh lừa ký séc khống xảy ra rất nhiều. Theo luật, séc mà bị ngân hàng trả lại vì vượt quá số tiền có trong tài khoản là người viết séc vào tù. Chị ấy có khả năng giảm án vì có thể chứng minh mình chỉ là nạn nhân, nhưng cuối cùng chị ấy đã không kháng án, vào tù ngồi đủ 6 tháng vì “muốn dạy hai đứa con trai bài học dám làm dám chịu”.

Rồi tôi nghĩ tới bệnh nhân kia. 26 tuổi, bị bệnh máu trắng rất nặng. Tôi mà là người mẹ kia, nhìn thấy con mình phải ra đi ở cái tuổi thanh xuân rực rỡ trong khi nó xứng đáng được sống hạnh phúc, thì hẳn là tôi tuyệt vọng lắm. Và người có khả năng khớp tủy từ chối cho con tôi cơ hội hy vọng, chỉ vì đời cô ta đang hoàn hảo và cô ta không muốn rủi ro, và cô ta sợ kim tiêm, thì nghe nó tầm phào quá.

Rồi tôi nghĩ tới người thanh niên cần ghép tủy 6 năm trước ở New York. Cậu ta cuối cùng tìm được người khớp 95% hay 98% thông số tôi không nhớ chính xác, đã khỏi bệnh và giờ đang sống rất mạnh khỏe, phóng viên của một tờ báo danh tiếng.

Rồi tôi nghĩ đến một bạn học cùng lớp đại học. Tôi đã quên bạn ấy từ nhiều năm nay. Năm cuối đại học, bạn ấy bị phát hiện ung thư máu. Bạn ấy xạ trị, phải đội tóc giả đi học. Bạn ấy mất sau vài tháng. Tôi vẫn nhớ ngày hôm ấy mưa, tôi đi viếng bạn ấy ở nhà tang lễ Phùng Hưng. Giá mà hồi đó ở Việt Nam có cơ sở dữ liệu hiến tủy này, thì biết đâu bạn ấy cũng đã được sống cuộc sống bình thường, thay vì phải ra đi ở cái tuổi 22 như thế?

Rồi tôi nghĩ ở đời, biết đâu đấy, con mình 3 đứa, biết đâu đấy một ngày cũng rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng mà gia đình chỉ có thể bất lực đứng nhìn, mà lại có người hảo tâm xa lạ chìa tay giúp đỡ. Môi trường sống giờ ô nhiễm quá, biết đâu đấy.
Ừ, biết đâu đấy…

Friday, December 5, 2014

Cancel that violin class? (hết)

Gần đây chị bạn tôi kể, chị ấy có ông con 14 tuổi, học giỏi, tennis giỏi, bóng đá bơi lội giỏi hết, lại chơi được cả piano rất khá, chỉ mỗi tội chưa bao giờ xa gia đình. Chị ấy bảo chị ấy thu hết can đảm gửi con sang nhà một người bạn ở Monte Carlo mấy tuần. Ông con lần đầu tiên phải bắt xe bus đi đây đó chứ không được tài xế mẹ đưa đón tận nơi, lần đầu tiên tự mình đi bộ sang đường, phấn chấn đến độ tuyên bố Monte Carlo là nơi lý tưởng nhất trên thế giới và muốn ở lại đó luôn khỏi về nhà nữa.

Một chị bạn khác của tôi có đứa con trai 17 tuổi, nhạc, họa, thể thao, văn hóa, giỏi hết mà chẳng có kỹ năng sống gì ra hồn. Vợ chồng chị ấy bèn ghi tên cho con học một khóa “Sống sót trong sa mạc”, định cho nó dạn dày sương gió lên chứ bấy bớt quá ra đời sống làm sao. Tưởng gì chứ sa mạc ở đây lại hơi sẵn. Thế là ông mãnh và mấy ông mãnh khác được huấn luyện một số kỹ năng sống sót cơ bản rồi mang thả ra ngoài sa mạc. Mỗi người chỉ có một chai nước nhỏ, phải nhìn mặt trời mà xác định phương hướng tìm đường ra tới đường cái và xin đi nhờ xe về nhà. Chị bạn ở nhà hoan hỉ đợi, tưởng con sẽ về được tới nhà. Ai dè vài tiếng sau ông con gọi điện khóc tu tu, rằng thì là nước thì đã uống hết từ đời nào, giữa sa mạc chang chang đã đi bộ mấy tiếng mà vẫn không xác định được phương hướng, cả lũ sắp chết khát hết rồi. Thế là gấu mẹ vĩ đại tức tốc gửi trực thăng đi giải cứu. Từ đó ông con lại ăn ngon ngủ kỹ trong phòng máy lạnh, biệt thự kín cổng cao tường, người làm ra vào nườm nượp, một bước ra đường là có tài xế, chả kỹ năng sống sót thì đừng.

Chúng ta cứ cắm đầu dốc sức xây một cái tổ thật êm để làm gì, nếu sau đó phải lo lắng vì cái tổ êm quá?

Và tôi cũng cứ sợ như trường hợp gia đình của người họ hàng bên nhà chồng tôi. Bố mẹ cũng khá giả nên cho ông con học đủ thứ ngay từ hồi 4, 5 tuổi, đàn, bóng rổ, bóng đá, đấu kiếm, tennis, bơi, và cả trống, học thử đủ món để cho ông tự khám phá ra món ông thích. Sau vài năm thử đủ món, cuối cùng thì ông chốt lại món trống. Bố mẹ mua cả bộ trống hoành tráng, làm cả phòng cách âm cho ông con tập trống. Thế rồi trái với mong ước của bố mẹ là tạo điều kiện cho con chơi một nhạc cụ như một thú vui, ông con trở nên mê trống như điếu đổ, bỏ bê học hành. Lê lết vật vã mãi mới xong lớp 12, không muốn đi học đại học nữa mà muốn đi đánh trống, ai nói cũng không nghe, mặc dù ngoài đam mê ra thì không có tài trống đặc biệt. Nhưng ngoài việc các ông tụ tập đánh trống với nhau ra thì chẳng có chỗ nào thuê đánh trống. Thế nên ngoài 20 tuổi rồi mà cứ nằm khểnh ở nhà, không học, cũng chẳng làm, đầu óc nghệ thuật bay bay không vướng bụi trần, bố mẹ già vẫn còng lưng nuôi, chẳng thấy tương lai ở đâu. Tôi không sợ con phiền mình, nhưng sợ nó không đủ lực để trụ được trong một thế giới càng ngày càng khó sống theo mọi nhẽ.

Thế nên là tôi cứ lưỡng lự. Được cái bọn trẻ con nhà tôi đi học thì thôi chứ về nhà không thấy chúng nó ngồi không hay buồn chán giây nào. Và cái trường chúng nó theo học, dù là một trường bình thường, cô giáo cô thì dịu dàng, cô thì cắm cảu, nhưng chúng nó rất hào hứng và luôn luôn học được nhiều thứ mới.

Ảnh; quả trứng con chim nào đó đánh rơi ngoài vườn sáng nay. Sau khi hoài hơi vừa hót chiếp chiếp vừa chỉ chỉ tay cho chim xuống lấy mãi mà chim chả buồn xuống lấy, Lê La Na bèn nảy ra sáng kiến bày một cái tổ, đánh dấu bằng vài bông hoa đỏ cho chim dễ tìm.
(và bây giờ thì chúng đang xếp lego trong phòng chơi, anh chị đang bảo con em im đi vì con em đã chân tay lóng ngóng không xếp được cái gì ra hồn mà mồm lại cứ tía lia chỉ đạo)

Tuesday, December 2, 2014

Cancel that violin class? (1)

Tôi không có thói quen lôi điện thoại ra chụp ảnh mọi thứ. Nhưng tôi chụp lại cái card này, vì nó làm tôi nghĩ ngợi.

Những chiếc card tên này được viết bởi thợ viết chữ đẹp ở Florence, Ý,  sau đó gửi sang Dubai để đặt lên bàn tiệc của Gucci. Như vậy Gucci Dubai phải gửi danh sách khách mời về Ý, mặc dù về Gucci Milan hay Gucci Firenze rồi từ đó mới chuyển tiếp hay gửi thẳng tới tay nghệ nhân chữ đẹp thì tôi không rõ, viết xong lại phải kiểm tra cẩn thận cho khỏi nhầm rồi mới đóng gói gửi sang Dubai. Bao nhiêu thời gian, công sức và tiền bạc phải chi vào cái công việc cầu kỳ đó, chỉ vì bọn tây chữ đứa nào đứa nấy xấu như mèo cào chó cấu, đứa nào bỏ công ngồi rèn chữ đích thị có ý định trở thành nghệ nhân chữ đẹp, và đứa nào cần viết cái gì đèm đẹp thì đích thị phải đến nhờ nghệ nhân chữ đẹp và móc túi trả tiền?

Và ở Việt Nam bao nhiêu đứa trẻ hàng ngày ngồi gò lưng luyện chữ? Nhiều đứa viết chữ đẹp giật mình. Mình não bộ trưởng thành, motor skills thuần thục mà còn không viết được như thế. Tôi cho rằng nếu đưa chúng nó một cái bút mực xịn, những dòng chữ chúng nó viết ra cũng sẽ chẳng kém người thợ viết chữ đẹp ở trên. Nhưng Tây luyện chữ ra tiền. Còn ta, bao mồ hôi thậm chí cả nước mắt vì bị bố mẹ nện để luyện chữ thế,  rồi sẽ làm gì? Chỉ để viết vài bài văn linh tinh gò theo mẫu con lợn to bằng cái phích, cái tai như cái lá mít, chú bộ đội cao mét tư súng dài mét rưỡi mắt sáng như sao, được cái chữ đẹp nên cô giáo khỏi toét mắt luận? Rồi lớn lên, tài viết chữ đẹp ấy sẽ trở thành một thứ tài lẻ ít được dùng và sẽ mai một đi?

Hồi lâu lâu tôi đọc trên The Economist có bài Cancel that violin class. Đọc xong tôi cứ định viết một entry về việc này mà cứ mải việc nọ việc kia nên quên. Thời tôi, nhà đứa nào phải có điều kiện lắm mới học piano. Trong cả trường tiểu học của tôi hồi đó chắc chỉ có con bạn tôi nhà làm thuốc cam nổi tiếng mấy đời là học piano. Nó học nhạc viện hẳn hoi, tập luyện rất khổ. Bây giờ, người người học đàn, nhà nhà học đàn. Mà có phải mỗi đàn không đâu, còn vẽ, còn múa, còn đóng kịch, còn thời trang, còn học thêm, còn thể thao, đủ cả. Bố mẹ ngược xuôi đưa đón không kịp thở, trẻ con thì bị lùa từ lớp này sang lớp khác cũng không kịp thở nốt. Tôi tự hỏi rồi tất cả những tiền bạc, công sức của bố mẹ, và cả tuổi thơ của trẻ con bị mất đi vì không còn thời gian chơi này, rồi sẽ đi về đâu? Hay lại như rất nhiều thứ quý giá khác, ở nơi khác là phải kiếm ra tiền, mà ở Việt nam lại thành đổ sông đổ biển???