Tôi không có thói
quen lôi điện thoại ra chụp ảnh mọi thứ. Nhưng tôi chụp lại cái card này, vì nó làm tôi nghĩ ngợi.
Những chiếc card
tên này được viết bởi thợ viết chữ đẹp ở Florence, Ý, sau đó gửi sang Dubai để đặt lên bàn tiệc của
Gucci. Như vậy Gucci Dubai phải gửi danh sách khách mời về Ý, mặc dù về Gucci
Milan hay Gucci Firenze rồi từ đó mới chuyển tiếp hay gửi thẳng tới tay nghệ
nhân chữ đẹp thì tôi không rõ, viết xong lại phải kiểm tra cẩn thận cho khỏi
nhầm rồi mới đóng gói gửi sang Dubai. Bao nhiêu thời gian, công sức và tiền bạc
phải chi vào cái công việc cầu kỳ đó, chỉ vì bọn tây chữ đứa nào đứa nấy xấu
như mèo cào chó cấu, đứa nào bỏ công ngồi rèn chữ đích thị có ý định trở thành
nghệ nhân chữ đẹp, và đứa nào cần viết cái gì đèm đẹp thì đích thị phải đến nhờ
nghệ nhân chữ đẹp và móc túi trả tiền?
Và ở Việt Nam bao
nhiêu đứa trẻ hàng ngày ngồi gò lưng luyện chữ? Nhiều đứa viết chữ đẹp giật
mình. Mình não bộ trưởng thành, motor skills thuần thục mà còn không viết được
như thế. Tôi cho rằng nếu đưa chúng nó một cái bút mực xịn, những dòng chữ
chúng nó viết ra cũng sẽ chẳng kém người thợ viết chữ đẹp ở trên. Nhưng Tây
luyện chữ ra tiền. Còn ta, bao mồ hôi thậm chí cả nước mắt vì bị bố mẹ nện để luyện
chữ thế, rồi sẽ làm gì? Chỉ để viết vài
bài văn linh tinh gò theo mẫu con lợn to bằng cái phích, cái tai như cái lá
mít, chú bộ đội cao mét tư súng dài mét rưỡi mắt sáng như sao, được cái chữ đẹp
nên cô giáo khỏi toét mắt luận? Rồi lớn lên, tài viết chữ đẹp ấy sẽ trở thành
một thứ tài lẻ ít được dùng và sẽ mai một đi?
Hồi lâu lâu tôi đọc trên The
Economist có bài Cancel that violin class. Đọc xong tôi cứ định viết một entry
về việc này mà cứ mải việc nọ việc kia nên quên. Thời tôi, nhà đứa nào phải có
điều kiện lắm mới học piano. Trong cả trường tiểu học của tôi hồi đó chắc chỉ
có con bạn tôi nhà làm thuốc cam nổi tiếng mấy đời là học piano. Nó học nhạc
viện hẳn hoi, tập luyện rất khổ. Bây giờ, người người học đàn, nhà nhà học đàn.
Mà có phải mỗi đàn không đâu, còn vẽ, còn múa, còn đóng kịch, còn thời trang, còn
học thêm, còn thể thao, đủ cả. Bố mẹ ngược xuôi đưa đón không kịp thở, trẻ con
thì bị lùa từ lớp này sang lớp khác cũng không kịp thở nốt. Tôi tự hỏi rồi tất
cả những tiền bạc, công sức của bố mẹ, và cả tuổi thơ của trẻ con bị mất đi vì
không còn thời gian chơi này, rồi sẽ đi về đâu? Hay lại như rất nhiều thứ quý
giá khác, ở nơi khác là phải kiếm ra tiền, mà ở Việt nam lại thành đổ sông đổ
biển???
"...Hay lại như rất nhiều thứ quý giá khác, ở nơi khác là phải kiếm ra tiền, mà ở Việt nam lại thành đổ sông đổ biển??"
ReplyDeleteRất chí lí
Cũng không hẳn chị :) Hồi bé em được học đàn, sau này không nhớ nhiều nữa nhưng lúc stress ngồi mò mẫm một bản cũng là một thú vui. Con em lớn một chút chắc em cũng sẽ vẫn cho nó học. Hoặc là, hồi bé bố mẹ em có offer cho đi học múa, nhưng em không chịu, giờ nghĩ lại thấy tiếc :) Giá mà hồi đó học cho dẻo người. Em thấy ở nước ngoài nhiều đứa học ballet mà, cũng chỉ để rèn luyện thôi. Thực ra có lẽ vì bố mẹ em tương đối chiều con, con không đi học là thôi, nên giờ em lại ước giá hồi bé chịu học nhiều hơn xíu :)
ReplyDeleteừ, phần này chị đang nói về xu hướng bố mẹ hiện đại muốn ép con cho đủ cầm kỳ thi họa. Chị vẫn biết bố mẹ nào cũng muốn điều tốt nhất cho con, nhất là bây giờ lại có điều kiện hơn ngày xưa, nhưng chị nghi ngờ tính hiệu quả của nó. Thế nên chị vẫn để dấu hỏi chấm.
DeletePhần sau chị sẽ nói tới việc học thêm như một sở thích như em nói.
Đấy, em đang định lộn lại xóa comment, vì thấy chị đề phần (1), sau đấy nghĩ chủ nhà chưa nói hết mình đã nhảy vào comment, cứ thấy vô duyên. Nhưng chị reply lại rồi nên không xóa nữa :) Chúc chị ngủ ngon :)
DeleteThì học mấy cái đó cũng là chơi mà chị, miễn đừng ép quá, như thứ bảy chủ nhật ở nhà kô làm gì, đi học mấy cái đó có bạn bè với biết thêm một số kỹ năng. em thấy ở Tây trẻ không đi mấy lớp đó, ko làm gì hết, ở nhà ko đi chơi với các bạn trong xóm, thành ra ngồi với ipad chơi game còn chán hơn. con em nhỏ: bé lớn chút em sẽ cho học đàn vz̀ cưỡi ngựa, bên này môn đó phổ biến mà trẻ con thích ngựa lắm.
ReplyDeleteChị nghĩ là học như một sự giải trí thì không có vấn đề gì. Vấn đề là có thực sự là giải trí không, vì những môn đó không bỏ công vào thì không nên cơm cháo gì được. Nếu chỉ là giải trí, học vào thì học không vào thì thôi, thì hóa ra lại là một môn giải trí quá tốn kém. Trong khi đó dẫn bọn trẻ con ra sân chơi, ra công viên, hoặc đơn giản là đạp xe quanh phố, cũng có tác dụng giải trí, vận động thể chất, mà lại chẳng tốn kém gì mấy. Trừ khi bố mẹ có quá nhiều tiền có thể vung ra không suy nghĩ, nhưng mấy ai được như thế.
DeleteMà sao chị thấy lạ là nhiều bố mẹ cứ phải tìm cách lấp thời gian trống cho con, cứ như sợ nó ngồi rỗi nó sẽ buồn và ra quấy mình. Chị nghĩ trẻ con phải có thời gian ngồi một mình, tự đọc sách hoặc tự chơi, thì mới phát triển sự độc lập và sáng tạo. Như trẻ con bây giờ bố mẹ bày ra nhiều thứ sẵn quá, sợ sẽ thành thói bị động, không biết làm gì khi phải ở một mình.
Hihi..Chắc tại học mấy cái đó ở Pháp con em học không tốn tiền: cưỡi ngựa, tennis, trượt tuyết, đá bóng, múa..trong trường họ dạy hết, còn cho bé lên nuí trượt tuyết gì gì đó. Nên em hào hứng cho con theo hết, chỉ có piano là ở nhà thì 20euro/tuần thì không bao nhoêu; đi học cưỡi ngựa tốn bộ đô...khoảng 1000euro cho 1 năm. Từ đó, con thích cái nào, thì mình đầu tư thêm. thí dụ, nó không thích đàn or múa thìko ép được, còn cái nó thích nó sẽ theo suốt ngày. nhưng phải cho nó dạo qua thì nó mới biết thế nào, thích hay là không được. :) .
Deletetrẻ con giờ nó không chơi kiểu hè phố giống mình, không có bạn trong xóm, nên không cho đi hoạt động thì nó ở nhà chơi một mình với chó mèo không à.
Bạn học đàn "nhà làm thuốc cam nổi tiếng" có phải hiệu thuốc TL ở phố Khâm Thiên, tên là H.T phải không Giang? Nếu đúng thì bạn ấy học cấp 3 cùng tớ, ngồi cùng bàn, vẫn chơi đến tận bây giờ. Bao năm khổ luyện giờ làm việc không liên quan gì đến piano cả.
ReplyDeleteỪ, đúng rồi, còn ai trồng khoai đất này nữa haha. Trà Linh chơi thân với nó thế thì chắc chắn mình phải gặp nhau ở nhà nó rồi. Hồi đó tớ nhớ bọn tớ thì chơi tẹt ga còn nó thì suốt ngày phải tập đàn, đến kỳ thi là run, phải uống thuốc chống run.
DeleteTự nó quyết định dừng sự nghiệp piano mà. Tớ nhớ có lần nó bảo tớ như vậy.
Gặp nhau thì chắc chưa vì tớ đến nhà ở Khâm Thiên mấy lần và sau này, cuối cấp 3 nhà HT chuyển đến ở chỗ khác, tớ cũng đến mấy lần thôi. Những lần đến hầu như không gặp bạn nào cả. Con của HT và đứa thứ 2 nhà tớ sinh cách nhau có nửa tháng, nên cũng vẫn hay liên lạc, thăm hỏi tình hình.
DeleteMấy cái chữ viết tay này thiếu gì người viết đẹp. Tụi Tây chỉ viết tháu lúc không có gì quan trọng thôi, chứ tụi nó nắn nót là đẹp liền, chứ chả cần phải khổ luyện hay đến mức nghệ nhân chuyên viết chữ đẹp đâu :))
ReplyDeleteMình biết nhiều giai Tây chữ đẹp lắm, vẽ cũng rất đẹp, dù không phải con nòi, cũng chả phải "nghệ nhân".
Tất nhiên ở đâu cũng có người có tài lẻ, có hoa tay, tức là họ bẩm sinh ra đã có năng khiếu viết đẹp, vẽ đẹp, làm thủ công đẹp, hơn người. Và tất nhiên viết cẩn thận thì phải đẹp hơn viết tháu, ai cũng thế. Nhưng ở đây ý mình đang nói tới việc khổ luyện. Mình chẳng thấy tây nào ngồi gò lưng luyện chữ để viết cả trang đều tắp hoàn hảo, bọn trẻ con chỉ cần học để viết được chữ. Cái mình băn khoăn là có nhiều thứ mình cứ phải bỏ quá nhiều công sức vào, cuối cùng thì có thực sự có ích không, nhất là khi phải cân đối nó với quỹ thời gian, tiền bạc và cả sự kiên nhẫn của bố mẹ???
DeleteTụi Tây nói chung là tỷ lệ có hoa tay, có tài lẻ khá lớn chứ không ít đâu. Chúng nó không viết chữ đẹp, vẽ đẹp thì ắt cũng có một thứ tài lẻ khác (chơi đàn, sáng tác nhạc, giỏi một môn thể thao, biết sáng chế ...). Những thứ đó chúng nó giỏi vì được học, được định hướng từ bé theo sở thích. Chứ không được học, không được đào tạo hoặc được khuyến khích tự do phát triển từ nhỏ theo sở thích thì lấy đâu ra những tài lẻ đó.
DeleteTrẻ con như tờ giấy trắng, càng định hướng từ lúc nhỏ càng dễ dàng cho chúng (vì chúng học nhanh hơn, tiếp thu nhanh, dễ dàng hơn người lớn ...). Vấn đề là định hướng đúng với sở trường, sở thích của chúng.
Trẻ con đứa nào cũng ham chơi, định hướng không dễ. Nhưng không có nghĩa là việc học, rèn luyện một bộ môn nào đó là vô ích, uổng phí, kể cả những thứ có thể không "kiếm ra tiền" như chơi piano, viết chữ đẹp. Học cái gì cũng tốt, chỉ là đừng có ôm đồm và tham, bắt chúng học quá nhiều thứ. Bởi việc học đàn, học nhạc, học viết chữ đẹp, học/chơi thể thao ... ngoài ý nghĩa giáo dục "văn, thể, mỹ", còn là chuyện rèn luyện ý chí, sự kiên trì, bền chí. Chúng sẽ học được một điều quan trọng hơn hết là không có cái gì tự nhiên mà có, mà phải có cả một quá trình phấn đấu, rèn luyện thậm chí là gian khổ mới thành tài. Cái đấy mới là cái quan trọng.
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDeleteHôm qua em cũng vừa tám với mấy đứa bạn về việc học nọ học kia này. Mọi người chia làm 2 quan điểm:
ReplyDelete1. Học hết thứ nọ đến thứ kia, bố mẹ suốt ngày ngược xuôi đưa con đi học, với mong muốn là học được tí nào hay tí ấy.
2. Chỉ đi học ở trường và thêm ít tiếng Anh, còn lại thì phát triển tự do.
Quan điểm của em là phải dựa vào sở thích của trẻ và bố mẹ muốn gì, nhưng mà không phải cái j cũng phải đi học, thà thời gian đi học bố mẹ ở nhà vừa chơi vừa dậy con còn hơn. VD: bạn em bảo cho con học cờ vua, trong khi cả nhà chả ai chơi cờ vua và cũng chẳng thích thú gì món cờ vua, thế thì việc cho con đi học cờ vua cũng chả để làm gì.
Hiện tại trong trường tư ở nhà cũng có nhiều trường có chương trình học khá hay, dậy nhiều môn ngoại khóa và cả kỹ năng sống từ những thứ rất đơn giản như nói thế nào là to, là nhỏ, đi vệ sinh xả nước thế nào là hợp lý....em thấy cũng khá có ích, nhưng chưa đạt được đến độ làm cho trẻ chủ động như chị đã kể ở lớp La.
Về lý thuyết thì là như vậy, nhưng việc phải nghĩ ra cái để chơi với con cũng đòi hỏi nhiều sức lực và quyết tâm phết. Việc này em lại không giỏi lắm huhu.
SS.
Em nói cờ vua làm chị nhớ hồi bé. Bố chị chơi cờ vua cực giỏi. Bọn chị biết chơi cờ vua từ hồi 5, 6 tuổi, tự học. Nhưng em trai chị giỏi thôi chứ chị cũng bình thường vì không chơi mấy. Chị cho rằng môi trường gia đình rất quan trọng. Bố mẹ có học thức, thích đọc sách, thì con thường tự nhiên nó cũng như vậy mà không phải gò ép gì nhiều. Còn bố mẹ cả đời chẳng bao giờ sờ đến quyển sách, mà lại hò hét bắt con đọc sách, thì e là hơi khó.
DeleteNhưng điều đó không có nghĩa là người ta không có quyền mơ ước thế hệ con họ sẽ sống khác họ, tức là đời bố mẹ không chơi cờ vua thì tương tự đời con cũng chả chơi cờ vua làm gì. Nhưng nếu đã coi đó là một mơ ước và là một sự đầu tư cho tương lai, thì phải cân nhắc kỹ hơn thiệt, chứ không phải cứ rải tiền vào đủ các thể loại lớp, hy vọng học được chừng nào thì học. Vì ngay cả khi có thừa tiền thì cũng không thừa thời gian, vì ngày chỉ có 24 tiếng, mà trẻ con thì cần phải chơi và phải nghỉ ngơi, là những thứ không thể thiếu trong quá trình lớn lên của chúng nó. Bố mẹ cũng phải nghỉ ngơi, vì nếu mệt mỏi quá thì làm sao ngọt ngào với con được. Mà con thì lại rất cần sự ngọt ngào của bố mẹ để lớn lên.
Chị không chơi với trẻ con. Chị chỉ chơi được vài phút là chị chán, chúng nó phải tự chơi là chính. Nhưng nếu đọc sách hoặc làm toán có chỗ nào không hiểu chị sẵn sàng giải thích đầy đủ, và chị dẫn chúng nó ra công viên, ra bể bơi (nhưng ra đấy rồi thì phải tự chơi, chứ quấy chị là chị cáu).
Đồng ý với việc có quyền mơ ước, nhưng rõ ràng là chỉ nghĩ đến phần đầu tư mà không nghĩ đến phần nuôi dưỡng, mà những thứ như cờ vua, nếu không có practice thường xuyên thì đứa trẻ cũng khó mà trở thành tư duy tốt (cái mà em nghĩ các ông bố bà mẹ hướng đến khi cho con đi học chơi cờ vua).
DeleteNhà chị có 3 đứa thì nó mới chơi với nhau, chứ nhà em có nhõn một đứa, thì vẫn phải chơi với nó chứ, kiểu đá bóng, xếp hình..., ra công viên cũng phải dẫn anh ý chạy (vì chưa biết đi), chứ em thấy để tự chơi thấy hơi tội ảnh.
Ah, em có đọc ngược lại ở trên chị nói vv trẻ con cần biết tự chơi. Em cũng đồng ý, nhưng em vẫn thấy em cần phải chơi với con vì bạn ý ở nhà cả ngày với giúp việc thì chắc chắn là đã phải chơi một mình cả ngày nên em có nhà em sẽ chơi với bạn ý. Nhưng phải nói là rất nhanh chán :))
DeleteỞ nhà bây giờ có dịch vụ viết thiệp cưới chữ đẹp đấy chị :D cũng kiếm ra tiền. Còn có dùng chữ đẹp để kinh doanh được không thì tùy duyên kinh doanh của mỗi người :D
ReplyDeleteEm thấy có học mới khám phá ra được năng khiếu/ khả năng của mình chứ :D
Còn vụ bố mẹ bắt con cày cuốc theo sở thích của bố mẹ thì em pó tay
À, với lại Tây thì chúng thưởng thức nghệ thuật có trình lắm , chứ không như dân Việt mình ở nhà, không được phổ cập, làm quen với nghệ thuật từ bé- đầu óc lại bộn bề cơm áo gạo tiền, nên không đánh giá cao nghệ thuật - Vì sao em nói vậy, vì những tác phẩm nghệ thuật đẹp ở nhà bán với giá rất rẻ, chủ yếu phần nhiều là lấy công làm lời; nhưng một khi đem ra nước ngoài , giá nhảy lên cao hẳn ( ko phải do tỉ giá gì đâu nhé)
ReplyDeleteLuyện viết chữ đẹp cũng tốt chứ sao lại phí ?
ReplyDeleteViết chữ đẹp không phải là một thứ "tài lẻ" để "kiếm ra tiền" hay để tự hào khoe với người khác, mà là một cách rèn luyện tác phong, kỷ luật, sự cẩn thận, chỉn chu trong học tập. Rèn từ những tác phong nhỏ như thế (viết chữ đẹp) sẽ có ảnh hưởng cả đến tác phong học tập, lối sống của đứa trẻ nói chung. Sau này đứa trẻ không cần phải trở thành "nghệ nhân" viết chữ đẹp kiếm tiền bằng nghề viết thiệp cưới hay thiệp mời, mà bản thân cái nét chữ đẹp đẽ, thẳng hàng, ngay ngắn đã làm nên một thứ giá trị riêng của chủ nhân nó, thứ mà phải nhờ khổ công rèn luyện, uốn nắn từ những năm đầu tiên đi học mới có được. Đâu phải cái gì cũng quy thành tiền, thành thóc.
Tương tự, học đàn, học nhạc cũng thế. Đứa trẻ có thể không cần phải trở thành một nhạc sĩ để kiếm sống, kiếm tiền bằng âm nhạc. Nó chỉ cần tìm thấy niềm vui từ việc chơi đàn, học nhạc, thế là đủ. Nó biết thưởng thức, đánh giá các tác phẩm nghệ thuật, hiểu được giá trị của những tác phẩm đó. Thế là đã "được" rất nhiều . Những cái đó làm sao quy ra "thành tiền" được.
Tớ đồng quan điểm với bạn về việc học đàn, học nhạc. Cho con học là để biết thêm, hiểu thêm một lĩnh vực khác trong cuộc sống và nếu sau này có stress trong công việc, con có thể tự đàn, hay vẽ, tự làm một tác phẩm nghệ thuật,... để giảm căng thẳng, tự giải tỏa.
DeleteCòn về việc luyện viết chữ đẹp, quan trọng là luyện ở mức độ nào thì bị coi là không phí. Con lớn của tớ học lớp 1 tại một trường tư thục ở HN nổi tiếng về rèn chữ đẹp. 100 bạn vào đó thì có tới 99 bạn viết bài thi cuối năm nét chữ giống nhau. Trước khi con vào lớp 1, tớ cũng nghĩ là như vậy tốt cho con: rèn tính kiên nhẫn, cẩn thận,... nhưng khi chứng kiến con phải mất quá nhiều thời gian luyện viết cho đúng chuẩn, cả ở lớp lẫn ở nhà, thì tớ chán. Con tớ và rất nhiều bạn trong lớp bị căng thẳng vì vụ này, các cháu sợ phải học. Lên lớp 2, có bạn chót làm vấy mực ra vở, cô giáo (cũng bị căng thẳng) đã xé vở và bắt cháu viết lại toàn bộ (có lẽ để cả lớp đạt tiêu chuẩn vở sạch chữ đẹp). Cháu đã phát khóc vì việc đó. Có bạn trong lớp thì bị stress đến mức nghỉ học 1 tuần, mẹ phải làm công tác tư tưởng mãi mới đi học lại được. Chưa kể thời gian luyện viết quá nhiều còn làm cho các con ngay từ lớp 1 đã cắm mặt vào giấy suốt ngày, dễ bị cận thị nữa. Con mình từ khi ra nước ngoài thì hạnh phúc hơn hẳn, lúc nào cũng muốn đi học vì đi học quá vui và thoải mái, lại biết thêm nhiều thứ, không căng thẳng. Hiện giờ cháu viết hoàn toàn theo kiểu người nước ngoài, tức là không có nét móc, nét hất, chữ hoa uốn lượn,... xấu hơn ngày xữa rất nhiều nhưng mình không bận lòng. Chỉ cần viết rõ để người khác đọc được là đủ, thời gian luyện viết chữ ở lớp nên cho các cháu tập thể thao, làm hoạt động thủ công, nghệ thuật,thì tốt hơn.
Thêm nữa, tớ thấy những người thành đạt thường không mấy khi viết chữ đẹp.
Chắc cũng tùy người, tùy giáo viên, tùy trường. Mình nhớ ngày xưa mình đi học lúc nào cũng vui, chưa bao giờ thấy sợ cô giáo, sợ việc học cả. Có lẽ bây giờ do giáo dục đang được xã hội hóa nhiều, căn bệnh thành tích của ngành giáo dục cũng nặng hơn nên sức ép đối với các giáo viên cũng lớn, đâm ra học sinh cũng bị gây sức ép theo. Tất nhiên nên xem lại thời lượng dành cho việc luyện viết chữ so với các môn học khác xem nó có chiếm quá nhiều hay không để điều chỉnh cho hợp lý.
DeleteBạn có thể đọc bài này về quan điểm của Bộ Giáo dục về việc luyện viết chữ đẹp : http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/163048/bo-giao-duc-hoi-dap-kien-nghi-bo-luyen-chu-dep.html
Còn chuyện những người thành đạt thường không mấy khi viết chữ đẹp thì có lẽ việc viết chữ đẹp chưa bao giờ được coi là một tiêu chuẩn của người thành đạt cả. Nó chỉ đơn giản là một trong những kỹ năng cần thiết cần được rèn luyện trong những năm đầu tiên đi học thôi. Chũ viết có thể thay đổi theo thời gian, nhất là với thời đại máy tính và tốc ký ngày nay. Nhưng khi còn ở trên ghế nhà trường, còn phải trải qua những kỳ thi viết thì chữ viết đẹp, ngay ngắn, rõ ràng sẽ giúp bản thân học sinh trình bày bài thi sáng sủa, rõ ràng. Sẽ tốt hơn một bài thi chữ xấu lem nhem nhiều chứ. (tất nhiên chưa tính đến phần nội dung, kiến thức).
Hồi học tiểu học mình cũng hay được các cô giáo cho đi thi "vở sạch, chữ đẹp", thi đọc diễn cảm, thi năng khiếu kể chuyện ... Những phong trào như thế rất khiến bọn học sinh có động lực để đua nhau viết chữ đẹp, giữ vở sạch, tập kể chuyện, đọc diễn cảm v.v. Hồi bé thì ham vui, thích được khen là chính, lớn lên rồi mới thấy giá trị của những thứ rèn luyện như thế, tuy nhỏ thôi nhưng chúng cũng để lại dấu ấn không nhỏ lên tính cách, tác phong của bản thân. Giờ tất nhiên là ít viết hơn ngày xưa, vì suốt ngày gõ máy tính, gửi email nhưng vẫn thấy ai có nét chữ đẹp là đáng quý.
ReplyDeleteNhiều người cứ chỉ trích lối giáo dục của châu Á là khắt khe, thiết quân luật kiểu "mẹ Hổ"(tiger mom), nhưng thực ra rằng phương pháp giáo dục nào cũng có những ưu việt của nó. Tụi Tây được tự do hơn, nhưng ngược lại chúng nó may mắn có cả một nền tảng xã hội và hạ tầng, cơ sở vật chất tốt, cùng với gốc văn hóa đã tốt sẵn từ nhiều đời (từ cụ, ông bà cho đến bố mẹ) nên việc chúng nó được giáo dục một cách tự do, "thả lòng" hơn mà kết quả vẫn tốt là không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là tụi nó một khi đã chú tâm, đã say mê làm gì thì tìm tòi, tự học, tự mày mò, khám phá rất đến nơi đến chốn chứ không làm nửa vời, không cần biết nhiều thứ (cầm kỳ thi họa), mà chỉ cần giỏi một hay vài thứ thôi, nhưng hiểu sâu sắc, kiến thức vững vàng, tư duy rất độc lập.
Tóm lại là muốn con giỏi thì bố mẹ cũng phải cố gắng mà hiểu biết, mà quan trọng nhất là phải có phương pháp tốt, phù hợp với đứa trẻ.
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDeleteSao ko là Mrs. Giang Favilli mà là Giang Vu hả bác?
ReplyDelete