Sunday, July 29, 2012

Ký sự chuyển nhà nữa

Sáng ngày 27, 9h sáng 7 chú da đen cao to lừng lững đứng tối rầm trước cửa. Công nhận hội da đen khỏe, vác những cái hộp nặng như thế mà vẫn đi băng băng. Là mình có khi mình bị hộp đè chết mất. 4 năm trước cũng chuyển nhà thế này, mỗi cái hộp phải vài chú Việt Nam xúm lại mới vần ra được khỏi nhà.
Có quan sát trong những dịp thế này mới thấy nguồn lực lao động ở VN rất lãng phí. Ở đây mình thấy đã làm đến công việc ở trình độ thấp thế này thì 100% toàn là những hội học hành linh tinh, thậm chí là ko học gì, và đầu óc tối như hũ nút. Ở đây, going to college là một khoản đầu tư, phải nhìn thấy tương lai sinh lợi thì mới đầu tư, chứ ko gọi là học gỉ học gì miễn có cái bằng đại học, và học lên thạc sĩ tiến sĩ thì còn là một khoản đầu tư nghiêm túc hơn nữa. Các công ty bên này ko phải muốn thuê ai thì thuê mà phải thuê đúng người đúng việc trả đúng mức lương quy định cho bằng cấp của người lao động. Trong khi ở VN phu khuân vác, bảo vệ, lái xe, có khi cũng đã mài đũng quần vài năm đại học ra trường thất nghiệp đành bảo gì làm nấy, lương trả bao nhiêu thì trả. Nếu mà coi going to college là một khoản đầu tư thì nhiều bậc cha mẹ ở VN, nhất là ở nông thôn, đã đầu tư cả sinh mệnh mình chỉ để cho con có một cái bằng tầm tầm ra trường có xin được việc cũng vẫn cứ ngắc ngoải như thường.
Thế nên là làm việc với đám phu khuân vác VN thấy họ thật nhanh nhẹn, thông minh (hay tại mặt bằng chung dân mình thông minh và khéo xoay xở thì ko biết), còn đám tây đen này thì sao mà chậm chạp (là bản tính của người da đen) và tối dạ. Được cái đội này kinh nghiệm và khá pờ rồ nên lịch sự và cố làm vui lòng khách hàng.
Đọc những chú thích viết tay trên hộp của các chú da đen mới gọi là bí rị. Espon, mình đực mặt suy nghĩ mãi mới à lên là EPSON, chứ chả nhẽ vốn từ vựng của mình kém đến mức mấy cái đồ nhà cửa linh tinh này lại có từ mới toanh. Lại thêm chú đội trưởng, hí hoáy viết lên một cái hộp to mặt mũi hả hê, mình ngó vào đọc và hỏi:
-         Bob, what do you mean by PICTURER?
-         It means Picture
-         So why PICTURER?
-         (cười hì hì) You got it
-         Nope, you got it, I didn't
Mà nghe những chú da đen này vặc nhau thì mới gọi là chết cười. Vì tuy là tối dạ cả đội nhưng độ tối dạ của từng chú lại khác nhau, trong đó chú tối dạ ít khinh bỉ chú tối dạ nhiều, đặc biệt có một chú chắc tối dạ nhất vì toàn bị cả hội đì. Mình nghe một chú mắng chú tối dạ nhất kia “thế là mày định gói cả đầu tao vào cùng trong đó phải ko”, cái tội nó vừa ngó vào xem chưa kịp rút đầu ra thì thằng tối dạ trầm trọng kia đã lăm lăm định chụp giấy lên gói. Trong khi cái thằng mắng mỏ này mấy phút trước vừa bị mình nói cho cái tội cả một cái tủ quần áo to thế mà nó gói nguyên vào và than là nặng thế này làm sao khuân nổi xuống gác, và bị mình bắt giở giấy gói ra rút ngăn kéo đóng riêng cho nhẹ bớt.
Có quan sát trong những dịp thế này mới thấy các bác lãnh đạo nếu có thương dân thì phải làm dân giàu (xin các bác lãnh đạo đấy ạ) trước khi bắt dân bẻ lý tưởng ra mà ăn. Đội công nhân chuyển nhà VN mang đến những cuộn bìa rồi tự đo đồ đạc mà gấp hộp cho vừa, miết hộp bằng tay không, xé băng dính bằng răng, khiêng hộp toàn bằng sức người. Mà đấy đã là công ty vận chuyển quốc tế xịn nhất ở Hà nội lúc đó. Hội tây đen hôm qua mang đến các loại hộp kích cỡ khác nhau đã gấp sẵn chỉ cần dựng lên, dụng cụ đầy đủ cả. Vì là hộp tiêu chuẩn nên vuông thành sắc cạnh, xếp vào container vừa khít, vừa giảm thiểu rung lắc và các loại lực ép nén gây hư hại đồ đạc trong quá trình vận chuyển đường dài, vừa đỡ sức cho công nhân bao nhiêu.
Tóm lại, hai ngày mệt nhoài, hơn 300 thùng đồ xếp vào 3 xe tải lớn, chưa kể hai xe ô tô, một xe máy, hai xe đạp cũng phải gửi theo container. Mình may quá có Lê La ngoan, chỉ cần no bụng là chơi đùa cười như nắc nẻ trên sàn nhà. Mẹ dựng cho mỗi đứa một cái nhà bằng bìa, Lila chả chịu ngồi trong nhà mình mà cứ mò sang nhà anh ngồi lì ra anh đẩy cũng ko đi, được một lúc thằng Lê chạy ra mặt tức tối “mamma Lila nó cứ VỚ VẨN ở nhà Lê mà ko chịu về nhà nó”, làm mẹ suýt ngất vì ko hiểu con trai học ở đâu và học lúc nào. Được một lúc sau thì hai anh em lăn ra ngủ ở một góc nhà, quần áo lấm lem, tóc bết mồ hôi và chân tay mặt mũi hôi rình.

Tuesday, July 24, 2012

24/7/2012

Mình có con bạn cưới anh chồng Ý gốc gác quý tộc. Anh ta là dòng dõi hoàng gia nhưng ko thuộc dòng chính thống mà là nhánh con riêng của vua với người tình. Vì là gia đình quý tộc (dù đã hết thời), nên tiền mặt thì ít nhưng bất động sản thì nhiều, trong số bất động sản có một lâu đài đẹp nổi tiếng xứng đáng liệt vào tài sản quốc gia.

Hôm nọ dọn dẹp đóng đồ đạc mệt quá tinh thần xuống dốc mình bỏ đấy đi ăn trưa với nó. Nó than lên thở xuống. Chẳng là cùng với chính sách thuế đánh vào bất động sản mới của Monti, số tiền thuế phải trả thêm cho nhà nước của nhà nó tăng vọt. Mình tuy ủng hộ Monti nhưng cũng phải công nhận những điều chỉnh về thuế của ông ta làm nhà mình thiệt hại tài chính nặng nề. Ngoại giao như chồng mình và chồng nó, lương tháng về tới tài khoản thì chỉ còn một nửa vì nửa kia đã bị chuyển đi đóng thuế thu nhập. Giờ thêm chính sách thuế bất động sản mới, gần như 100% lương phải mang đi trả thuế các kiểu cho nhà nước. Điều bực nhất là thay vì tiến hành các biện pháp triệt để để chống nạn trốn lậu thuế vốn tràn lan khắp nơi, nhà nước bị thất thu thuế thì lại chọn biện pháp tăng thuế cho đủ khoản thu, tóm lại chỉ khổ những người trung thực đóng thuế đầy đủ.

Đợt vừa rồi tìm người thuê nhà cũng là một việc toát mồ hôi. Lý do là căn hộ hơi lớn so với thông thường. Tư nhân hiếm ai đi thuê nhà tới từng đấy vì ở giữa thành phố thế này mấy người cần nhà tới 4 phòng ngủ. Người có từng đó tiền trả tiền thuê nhà hàng tháng thì họ vay tiền ngân hàng mua nhà trả góp luôn cho rồi. Chỉ có công ty là có thể trả mức mình yêu cầu và có công ty đã sẵn sàng trả. Nhưng kiểm tra ra, nếu ký hợp đồng với công ty thì hàng tháng tiền thuế phải trả là một nửa số tiền thuê. Như kiểu cho thuê cái nhà được 1000 thì nhà nước vặt luôn gần 500. Thôi thế là giải tán. Cuối cùng đành phải cho tư nhân thuê giá rẻ, thuế chỉ phải trả 21%. Cho tư nhân thuê thì bị rủi ro họ ko trả tiền nhà và cũng ko trả lại nhà. Luật pháp can thiệp rất chậm chạp, đúng theo kiểu chờ được vạ thì má đã sưng. May quá giai một hôm gọi điện hớn hở “Em yêu, một cô bạn gái cũ của anh vừa liên lạc với anh bảo là mình sắp cho đứa bạn thân nhất của cô ấy thuê nhà. Thế là coi như cho người quen thuê nhà, ko sợ bị lừa”. Hỏi “cô bạn nào?”. Bảo “cái cô mà em bảo là giống con ngựa ý, ngựa đực chứ cũng chẳng được ngựa cái ý”. Ặc ặc, mình nói linh tinh nhiều quá nên chẳng nhớ gì cả, ông nhớ tài thật. Chẳng hiểu ông có thù mình cái tội bôi bác tình yêu một thuở của ông không?

Căn hộ ở VN, tưởng ở nước ngoài là thoát thuế, đợt vừa rồi cũng phải trả 2000e thuế đánh vào bất động sản ở nước ngoài. Thuế này mới ra cuối năm trước, áp dụng ngay năm nay.

Và một tỷ loại thuế khác nữa, đúng là sưu cao thuế nặng

24/7/2009

Cả bà Nuôi và chú Bình Nguyên đều thích pizza, mà có khi bà Nuôi còn thích pizza hơn chú Bình Nguyên nhiều lần. Mình vừa mua 8 cái pizza cỡ đại về để tủ đá, chỉ sau 3 ngày toàn bộ số bánh pizza hết veo. Như bình thường bà Nuôi sẽ bảo là chú BN ăn. Nhưng lần này nêu chú ra thì ko ổn, vì 1 chú chứ 4 chú cũng ko xử lý nổi số bánh như vậy, nên bà Nuôi đổ luôn tại cậu khách đang ở nhờ trong nhà là buổi sáng nó lấy bao nhiêu bánh ra nó ăn. Bà Nuôi cứ nói xạo như vậy mà ko biết rằng cậu khách này là bạn của gia đình bố BN đã hàng chục năm nay, và tất cả mọi người (trừ bà Nuôi) đều biết rằng buổi sáng nó ko bao giờ ăn hay uống cái gì ngoài một cốc cà phê ko đường.
Bà Nuôi cũng thích uống sữa đậu nành, vì bà Nuôi sợ sữa bò làm bà Nuôi béo, mặc dù bà Nuôi chả biết rằng sữa đậu nành đưa vào cơ thể lượng calo chả kém sữa bò, và chú Bình Nguyên nếu có uống sữa bò thì cũng toàn uống sữa đã hớt hết kem. Bà Nuôi thích uống sữa đậu nành nên thường bảo mình đi mua sữa đậu nành, và nêu lý do là “thằng Ale nó ko chịu uống sữa bò mà chỉ uống sữa đậu nành”, làm cho mình rất lạ vì con mình cho gì ăn nấy, có kén chọn bao giờ, nhất là khi thấy mẹ uống sữa bò thì chú toàn xin uống cùng.
Bà Nuôi cũng thích ăn bánh mỳ. Một lần, mình đi chợ về để đống đồ đấy, sắp đến giờ cơm mà vừa đi lên nhà một lúc đi xuống đã thấy chú Bình Nguyên đang tung tẩy với một miếng bánh mỳ khá to, khúc giữa. Mình biết ngay là như thường lệ bánh mỳ vừa mua về là bà Nuôi sẽ phải véo ngay một khúc, nhưng chắc lần này chú Bình Nguyên nhìn thấy nên chú cũng nhất quyết phải ăn cùng. Còn chưa kịp nói gì thì bà Nuôi đã bảo “tôi vừa quay đi là nó tự bẻ bánh mỳ ra nó ăn”. Đen cho bà Nuôi là hôm đó hết bánh mỳ tròn mềm nên mình phải mua bánh mỳ dài dai nhoách được buộc rất chặt trong túi ni lông. Thế tức là tay mình còn khó chứ đừng nói tay chú Bình Nguyên, đừng nói chú phải cởi cái nút buộc thắt ra trước khi vận công bẻ bánh mỳ.
Bà Nuôi làm việc nhiều giờ trong ngày, luôn tươi tỉnh ko phàn nàn và rất yêu quý Lê La, nội cái ưu điểm đó thôi đã đủ để mình bỏ qua cho bà Nuôi rất nhiều điểm chưa được. Và hơn hết cả mình biết thừa là chả có ai hoàn hảo. Nhưng mình ko chấp nhận việc con mình chứng kiến người giúp việc làm xiếc với mình để nó cũng được lợi theo, và từ đó sẽ cùng về phe với ngưòi giúp việc để nói dối mẹ. Thế là lần đó mình đã buộc phải có cuộc nói chuyện với bà Nuôi như sau:
-         Cô Nuôi, cháu nhận thấy có nhiều chuyện thực tế xảy ra một đằng mà cô lại cứ nói khác đi. Ví dụ chuyện bánh mỳ hôm qua, cô thừa biết là nó ko bao giờ có thể tự bẻ được mà cô lại nói là nó tự bẻ bánh nó ăn, để cô ko bị phê bình, như vậy là dạy nó nói dối. Cháu sẽ ko bực mà chỉ nhắc nhẹ nhàng nếu đến giờ ăn mà cô còn cho nó ăn vặt, nhưng nếu cô làm gương cho nó nói dối thì cháu sẽ rất bực đấy.
-         Tôi nói dối cô làm gì, nó tự bẻ nó ăn đấy chớ.
-         Thôi cháu ko muốn đi sâu vào phân tích chuyện này. Cháu ví dụ một việc cho cô thấy, cô hiểu ý cháu muốn nói gì cô rút kinh nghiệm là được.
Điều mình quan sát thấy là nếu trước đây chú Bình Nguyên sẵn sàng phản đối khi các chị giúp việc nói cái gì đó ko chính xác hoặc ko làm theo lời mẹ chú dặn thì giờ chú toàn im tịt vì chú được lợi, chú và giúp việc cùng về một phe tránh né các quy định của mẹ.
Đấy là thời gian mình ở nhà giám sát còn nhiều, chứ nếu đi làm cả ngày thì chắc còn loạn nữa. Trong xã hội hiện đại, phần lớn phụ nữ phải chia nửa gánh nặng tài chính với đàn ông và buộc phải để con cho người giúp việc coi sóc. Những cô giúp việc hầu hết là những người quen nuôi trẻ con như nuôi chó mèo, và cười vào tất cả những tài liệu giáo dục con hiện đại mà chúng ta cứ có thời gian rảnh rỗi hiếm hoi là mất công cắm đầu nghiên cứu và đem ra hướng dẫn hy vọng các cô ấy áp dụng cho.

Friday, July 20, 2012

Và tiếng rì rào của biển cả

Dọn xong đồ, sơn xong nhà, bàn giao cho người thuê, mình phóng về Talamone. Xe chở hành lý nặng lặc lè, hành lý của cả gia đình 6 người trong vòng gần hai tháng tới. Trời xanh, biển động, ngồi trong nhà ngó xuống mặt biển cuộn sóng ở bên dưới. Buổi sáng, ngồi đọc sách trong vườn, giữa tiếng rì rào của biển cả. Đóng đồ lần này quên mang theo sách, đành phải giở The Economist ra đọc, toàn cầu khủng hoảng nhà nhà khủng hoảng, chán ốm.

Ngoài bãi biển hôm nay có một cô gái trẻ mặc bikini màu cam khoe thân hình vừa vặn. Mọi việc không có gì đáng nói nếu cô ta ko nằm ngay cạnh mình và ko có cặp môi vều lên, dẩu ra một cách cố tình, bôi một loại son đỏ cam, mà chắc cô ta phải bôi đến 3, 4 lớp nên trông nó lại càng đỏ cam. Mình mà là đàn ông nhất định mình sẽ không hứng thú hôn một cặp môi trạt son. Hôn xong rồi son từ môi nó sang hết môi mình rồi thì làm sao? Lại phải ý tứ quay đi chùi thì còn gì là thi vị. Mà ở ngoài bãi biển nắng tưng bừng chứ có phải nơi đèn mờ đâu mà bôi cái màu son nhìn phát hãi. Cô gái có cặp môi đỏ cam nằm dài trên ghế, thỉnh thoảng lại đứng lên làm vài vòng lững thững trên bãi biển, mặt vác lên nhưng cặp mắt lại liếc ngang liếc dọc, cặp môi trạt son đỏ cam vẫn dẩu ra một cách cố tình. Đàn bà, nhất là đàn bà độc thân, ai cũng muốn hút đàn ông, nhưng làm cho kín kín, chứ cứ nồ nộ ra thế thì còn nói làm gì. À nói chuyện này lại nhớ ra, hồi bé mình được mẹ cho đi tắm biển cùng các chị phụ trách đội thiếu nhi trong xóm. Các chị ấy thì đang toàn tầm tuổi 19, 20, mình oắt con hình như có 10 tuổi gì đó. Trước khi đi dạo trên bờ biển, mình ngồi hóng các chị ấy son phấn quần áo rộn ràng. Một chị bảo “sao mày đánh phấn gì mà da mày mịn thế hả Hồng?”. Chị Hồng lùn, béo tròn như cái hạt mít, tóc tết hai bím dài đến tận mông, hóa ra chả có bí quyết gì ngoài nhúng nước vào cái bông phấn trước khi trét phấn lên mặt. Mình cứ há hốc mồm nhìn các chị ấy bôi trét toe toét lên mặt và nghe các chị ấy bàn luận dùng cái ô màu này thì phải mặc áo gì mới nổi. Cuối cùng, mọi công đoạn xong xuôi, mình lon ton theo các chị ấy ra bãi biển. Các chị ấy đi lững thững, vai khoác ô, mặt mũi tủm tỉm, mỗi tội mình chả hiểu mỗi lần bị giai trêu là các chị ấy lại xoay xoay cái ô là sao? Của đáng tội son phấn đậm đà, lại che cái ô mờ mờ ảo ảo, các chị có nhiều anh đi theo trêu chọc phết. Cuối cùng, chắc chán cảnh bị mình bám đít, các chị thuê cho mình cái phao và xua xuống nước. Thế là khi các chị nhà ta tạo dáng long lanh trên bãi cát thì mình dập dềnh trên cái phao gần đó nhìn. Cái phao cũng chẳng ra hồn phao mà chỉ là cái săm cao su đen xì có cái van sắt dài ngoằng không cẩn thận gác tay lên thì đứt. Mình đi biển về mẹ mình háo hức muốn xem ảnh cô con gái đi tắm biển, tìm mãi trong xấp ảnh các chị phụ trách đưa mới thấy mỗi một cái có mặt con gái, tít phía sau, vô tình thế nào lại được vào ảnh, đang nằm đen xì lọt thỏm trên phao bơi, thấy mỗi cái đầu to tướng và hai chân hai tay khẳng khiu, tóc trôi nổi trong nước, thì hoảng quá, hè năm sau các chị phụ trách lại rủ mình đi làm nền, mẹ mình chối phắt.

Ảnh: nhìn từ phòng ngủ. Nếu ko có lớp sương mù trên mặt biển thì các bạn sẽ nhìn thấy Costa Concordia nằm lật nghiêng ngay trước hòn đảo Giglio.

Sự im lặng của những ngọn núi

 

Tôi nghe độc tấu sáo lần đầu tiên khi đến thăm thầy giáo dạy thêm tiếng Anh. Thầy giáo độc thân, rất thích nghe nhạc. Lúc tôi đến thầy đang nghe sáo. Không hiểu sao mỗi lần nghe tiếng sáo, tôi đều liên tưởng tới: mình, ngồi, buổi sáng mùa thu trong veo, mặt hồ nước lạnh, một giọt nước nhỏ toong xuống, gợn biết bao nhiêu gợn tròn. Tôi không nghe sáo nhiều. Mà thực ra tôi chẳng nghe gì nhiều. Kiến thức về âm nhạc của tôi dễ đến 10 năm nay không cập nhật.

Lâu lắm, sau này, tôi nghe bản The lonely shepherd bằng sáo bè của Zamfir, cảm giác cũng đúng như vậy: mình, ngồi, buổi sáng mùa thu trong veo, mặt hồ nước lạnh, một giọt nước nhỏ toong xuống, gợn biết bao nhiêu gợn tròn.

Còn một nơi nữa theo tôi cũng lý tưởng để nghe sáo. Đó là khi đi ngang một bình nguyên lộng gió. Chỉ có tiếng gió, và tiếng sáo lẩn khuất, trong sự im lặng của những ngọn núi.

Tuesday, July 10, 2012

10/7/2012

    

Đã đến ngày dọn nhà thứ hai. Ngày đầu đến hội thợ hoan hỉ lắm vì thấy nhà cửa đồ đạc thưa thớt, nhoắng cái đã thấy gần xong. Đến lúc mở các tủ và các kho ra thì mới tá hỏa. Cả ngày hôm nay vẫn dậm chân tại mấy cái tủ để gói ghém bát đĩa cốc chén khăn trải bàn dao thìa dĩa các loại khay ga gối khăn trải giường và sách.

Tình hình rất là tình hình vì nhà cửa ngổn ngang đồ đạc và thùng hộp lỏng chỏng mà bọn Lê La Na vẫn lái xe đạp và xe một bánh lượn vòng vèo được mới tài.

Con Anna trèo vào một cái hộp và giơ cái chân béo định đi, cái hộp ngã chổng kềnh, kéo theo cả người. Cái hộp dài và hẹp khiến con ranh ko cựa quậy để rút chân ra được, nằm kêu cứu ầm ĩ, mặt mũi tức tối.  

Hôm nay là ngày đám thợ phải khuân bớt hộp đã đóng đi để còn lấy chỗ đóng tiếp. Hộp to hộp nhỏ kìn kìn kéo ra khỏi nhà. Được một lúc thì dòng hộp chững lại vì ông con trai đã kịp chăng dây ngang cửa ra vào.

Cái sofa chình ình giữa nhà chính ra phải đóng ngay cho rộng chỗ. Nhưng cái mặt tai ngược của con ranh nằm khểnh cố tình trên sofa khiến chú thợ chỉ dám rón rén đóng gối đệm lặt vặt xung quanh. Mẹ bảo “Lila, con ra chỗ khác cho chú đóng cái sofa” thì bị lườm đứt mặt.

Lũ bợm phá phách ko chịu nổi. Mình buộc phải nhờ con bạn đến mang bọn trẻ con cùng bà Nuôi đi bảo tàng trẻ con gần nhà. Bà Nuôi mắc bệnh sợ đi ra ngoài. Sợ ốm, sợ nám, sợ đủ thứ. Tóm lại bà Nuôi chỉ thích ở trong nhà, điều hòa mát lạnh, đồ ăn đồ uống sẵn sàng đầy đủ. Mỗi lần mình bảo bà ấy đi ra ngoài là bà ấy cằn nhằn than thở nghe phát mệt, trừ khi thấy mình mang máy ảnh theo. Hồi trước mình còn ngại, thấy cằn nhằn một cái là thôi, ko ép nữa, mình tự đưa con mình đi vậy. Sau mình chả ngại nữa, không muốn đi cụ cũng phải đi, mình bảo “cô đi trông trẻ mà lại ko muốn đi ra ngoài chỉ muốn ở trong nhà là sao, ở bên này nuôi chó nuôi mèo còn phải mang nó ra ngoài hàng ngày nữa là nuôi trẻ con”. Thế là cụ đành phải đi, tất nhiên là vẫn lầu bầu “chắc chết quá”.

Haiz. Tuần sau, xong hẳn việc chuyển nhà, mình sẽ nói chuyện với bà Nuôi. Mình chẳng trông mong cuộc nói chuyện này tí nào vì nói cho cùng cũng thương bà ấy. Hôm nọ bảo đi ra ngoài bà ấy than thở quá mình mới bảo “cô chắc ko sang Dubai với nhà cháu được đâu cô ạ. Nóng ở đây cô đã kêu thế này thì sang Dubai chịu làm sao nổi”, thì bà ấy bảo “thì lúc đấy lại chịu được chứ có sao đâu”. Nhưng mình kinh nghiệm bà Nuôi lắm rồi, lúc này thì bà ấy bảo thế, sang được rồi lúc đấy mới kêu ca, bảo đi đâu ra ngoài cũng viện lý do thoái thác, thì mình đến xì choét mà chết mất. Đợt đi nghỉ vừa rồi, bà ấy kêu rên liên tục, kêu phòng bà ấy xa phòng mình bà ấy sợ, kêu nhà gì mà ko có điều hòa, kêu tiếng ve kêu nhức đầu, dế kêu phát khiếp, kêu nắng nóng thế này ra biển làm gì, kêu đèn gì mà tù mù, thậm chí kêu cả việc ai dốt trồng cây hoa hồng trước cửa làm bà ấy đi qua vướng vào rách cái áo mồi

Sunday, July 8, 2012

Thế là nào?

Một ngày cuối tuần hai vợ chồng rủ nhau đi xem hoa nở trên bình nguyên Castelluccio di Norcia. Hai vợ chồng lội vào một ruộng hoa tím. Mình tưởng được chồng chụp ảnh cho, thế mà thấy ông trịnh trọng chìa cánh tay đeo đồng hồ chụp lấy chụp để. Chụp một hồi chừng như chưa thỏa, ông tháo đồng hồ để xuống ruộng và lom khom chụp tiếp. Mình tạo dáng mãi ko được chụp chán quá quay ra ngắm hoa ngắm cỏ. Muốn được ngài chụp ảnh cho thì phải ngoan ngoãn xếp sau xe và giờ là đồng hồ, mình đã kinh nghiệm rồi.

Ngắm hoa ngắm cỏ chụp ảnh chán hai vợ chồng đi về. Đường đồng khúc khuỷu, nhìn tưởng gần mà đi chân thấp chân cao, bở hơi tai không tới. Gần về đến xe, mình thở ra đằng tai, vừa đói vừa khát vừa mệt mà nước và đồ ăn lại để trong xe. 1h trưa, nắng như đổ lửa.

Thế rồi các bạn tưởng tượng xem chuyện gì xảy ra? Ngài hốt hoảng nhìn cổ tay, đập đủ một túi áo và 4 túi quần, NGÀI ĐÃ ĐỂ QUÊN ĐỒNG HỒ GIỮA RUỘNG. Đang mải chụp ảnh đồng hồ chắc lại nảy ra một ý tưởng nào đó nên tót đi thực hiện luôn, ko nhặt đồng hồ lên. Nghe hung tin mình suýt té xỉu.

Mình tuyệt vọng hỏi “cái đồng hồ có đắt tiền ko anh, nếu ko thì thôi bỏ luôn”. Ngài đau khổ “đắt tiền em ạ”. Thế này mà lần nào giấu diếm mình mua đồng hồ cũng bảo “rẻ thôi mà em”.

Không còn cách nào khác, hai vợ chồng quay lại tìm. Ruộng hoa mênh mông, nhìn mà não lòng. Cứ rà soát qua lại như thế hơn một tiếng. Nắng, nóng, đói, khát, mệt. Cuối cùng con người may nổi tiếng đã tìm lại được chiếc đồng hồ yêu dấu. (Hôm sau ngài lấy đồng hồ khác ra đeo, ngài bảo con đồng hồ này deserves a rest/xứng đáng được nghỉ ngơi sau khi bị thui mấy tiếng trên đồng).

Tìm được đồng hồ hai vợ chồng dắt díu nhau ra về. Ngài phải kéo mình vì mình mệt quá đi không nổi. Ngài tâm sự vẻ hối lỗi “Được cái là mỗi lần thế này anh lại rút kinh nghiệm em yêu ạ”. “Không anh yêu ạ, anh chẳng rút kinh nghiệm tí nào. Nếu không thì trong vòng một tháng anh đã không mất chìa khóa, mất điện thoại, ngã rách quần, mất bàn chải, ngồi lên kính làm gẫy gọng, ngã thang và giờ thì quên đồng hồ giữa ruộng”. Vào ngày mình viết entry này, tức là một ngày sau, buổi trưa hai vợ chồng ra câu lạc bộ ăn trưa. Người ăn vận như chú rể, áo sơ mi trắng muốt thẳng nếp, quần beige, giày lười da nâu bóng lộn. Mình quần đùi áo phông bị ngài lườm “em ăn mặc thế này là quá casual khi đến câu lạc bộ đấy nhé”. Ngài chọn món ngao hấp, tay bưng lóng ngóng thế nào đổ cả đĩa nước sốt ngao vào người, từ ngực xuống đến tận chân, nước ngao tụ thành vũng trên giày, lại cả hai chiếc mới tài. Chú rể của mình ngồi ăn mặt mũi chán đời, nước ngao lấm tấm nhom nhem từ ngực áo xuống đến tận gấu quần.

PS: Kể thêm chuyện ngồi lên kính làm gẫy gọng. Cái kính râm thì mỏng mảnh, ngài mắt mũi thế nào ngồi ịch lên một cái, gẫy rời ra, gọng một nơi mắt một nẻo. Ngài phát chán vì cứ khoảng hai tháng phải mua kính mới một lần, nên lần này quyết ko mua kính mới nữa mà lấy dây xâu vào lỗ, buộc lại và đeo tiếp. Hỉ hả vô cùng.

À quên, trên đường từ ruộng trở về xe sau khi tìm được đồng hồ, ngài lại còn lầu bầu “thể nào em cũng viết một entry về sự cố đáng tiếc này đưa lên blog”

Friday, July 6, 2012

Chúa lạy tôi

Ngồi tỉ mẩn cho từng đôi giày vào đúng hộp của nó. Phải bỏ đi rất nhiều đôi tích cóp qua năm tháng mặc dù vẫn hầu như mới nguyên. Lý do là chân đã to ra tầm một cỡ rưỡi.

Có hai thứ trên người có thể to ra theo năm tháng bất luận khổ chủ có tăng cân hay ko. Không phải mông, không phải ngực, mà là mũi và bàn chân. May mình vẫn chưa to mũi. Hay do mình ngắm mặt mình suốt ngày nên có to ra mình cũng ko biết? Đời thật là khó sống.

Hôm qua, lọ mọ trèo lên cái kho trên trần nhà để lôi thùng hộp xuống xếp. Cái kho vừa nóng vừa bụi vừa thấp tè, ngồi phải khom lưng, sức thì yếu mắm môi mắm lợi lôi mãi cái hộp ở trong ra không nổi, đành phải dỡ hộp ở ngoài xuống hết rồi mới lôi được nó ra rồi lại xếp hộp ở ngoài lên. Một việc thành bốn việc. Đã thế còn tí ngồi phải đinh. Miếng ván ốp tường long ra, dính đinh nham nhở. Mình bảo ngài vứt đi mà ngài tiếc của giấu lên trên kho, mặt phải úp xuống mặt có đinh ngửa lên. Ngài mà đang lởn vởn xung quanh lúc mình suýt ngồi phải đinh thì chắc chắn là ngài tai họa. Nhưng người số xuân thì xuân đủ đường, lúc đó toàn vắng mặt. Tối về thì mình đã hạ hỏa.

Trong nhà có 6 cái kho. Một kho để đồ ăn, một kho để các loại hóa chất tẩy rửa và giấy vệ sinh cùng các thể loại thang, túi kéo đi chợ vv, một kho để tranh, một kho để vali và quần áo trái mùa, một kho để các thể loại báo tạp chí ô tô tích cóp hàng chục năm của ngài, kho dưới tầng hầm khá lớn dùng để tiếp tục để các loại báo tạp chí ô tô, các thể loại đồ lỉnh kỉnh và mấy cái xe đạp. Hồi chuyển vào mình xếp mấy cái kho này rất cẩn thận, để lúc nào cần lấy gì thì ngay cả để ở trong cùng cũng lấy được chứ ko phải dỡ tất cả mọi thứ ở bên ngoài ra. Sau gần 3 năm, lên mở kho, rơi nước mắt vì ngài đã kịp chất đống tất tật mọi thứ linh tinh xà bần ở bên ngoài, chắn tất cả các thùng hộp mình xếp gọn ghẽ bên trong. Toàn đồ vứt đi ngài tiếc của ngài giấu giếm mình giúi lên trên ấy.

Hôm trước khi đi nghỉ, ngài hăng hái leo lên kho lấy vali xuống hộ vợ. Thế nào mà mình thấy ông chồng quý hóa của mình ngã nhào từ trên đỉnh thang xuống. Thang đổ một nơi, người nằm một nẻo. Người nằm bất động chân tay người ngợm dán chặt xuống nền nhà, mắt tròn xoe. Mình chân tay rụng rời tưởng ông gẫy xương sống rồi, Lê La Na vỗ tay cười khanh khách. Nằm một lúc ngài tập tễnh đứng dậy đi mất. Lê La Na vẫn chưa hết cười. Chồng với chả con.

Lê La Na không phải đi học, ở nhà chí chóe suốt ngày bắt mẹ phân xử. Đường cùng mình phải bật hoạt hình lên cho chúng nó xem. Vẫn chưa thoát vì phim Lê thích thì La không thích, phim Lê La cùng thích thì Na lại sợ. Kết quả: bà Nuôi phải ngồi xem cùng, còn mình tự lấy đồ tự xếp một mình.

Vừa làm vừa ghi những việc nảy ra trong đầu vào quyển sổ để ngay cạnh. Làm thì xong chậm, mà list thì dài nhanh. Mong cho qua cái đận này .

Wednesday, July 4, 2012

Lan man

Cô hỏi tôi, giọng cô không giấu nổi vẻ tự hào “mày thấy con gái cô xinh không?”.

Con bé không xấu, nhưng cũng chẳng đẹp, ít nhất theo quan niệm của tôi. Mắt có mí, mũi to, lông mi thưa ngắn, môi vừa phải, da trắng, điệu bộ Hàn quốc. Một khuôn mặt như bất kỳ khuôn mặt nào gặp ở ngoài đường Hà nội. Dáng nó chính ra cũng ổn, mỗi tội lưng hơi khom và lúc đi chân tay cứ lõng thõng, guốc lê lẹp kẹp lộc cộc. Không hiểu sao cô phải cho nó son phấn, ăn mặc sexy, guốc cao, sớm thế? Đứng giữa đám bạn thấp tè, tóc buộc túm, quần xanh áo trắng đồng phục, trông nó nổi bật như con công đứng trong đàn gà mái.

Hồi về Hà nội, có người, là phụ nữ, bảo tôi “mày chắc chẳng dám cho chồng mày về VN đâu nhỉ, mất chồng ngay”. Trong mắt cô ấy tôi đen đúa, xấu xí, nhiều tuổi, làm sao sánh nổi với những đứa con gái trẻ trung, cao ráo, trắng đẹp như Hàn Quốc xung quanh. Tôi bảo “vầng, mất thật”. Thế là may quá câu chuyện dừng ở đó. Trông điệu bộ cô kia có vẻ đắc chí vì đã phát ngôn ra cái lý có chân.

Cứ về nhà là nghe bài ca “mất chồng”, mệt cả người. Chồng thì cũng bình thường thôi, ko chồng này thì chồng khác, hoặc thậm chí ko chồng, chứ có vương tôn công tử gì đâu mà suốt ngày quắn lên lo mất.

Ngày của tôi rất bận bịu, gia đình, con cái, nhà cửa, và những việc tôi muốn làm cho bản thân, tỉ như nghe nhạc, viết lách, đọc sách, học ngoại ngữ, khiêu vũ, tập thể dục, cà phê với bạn bè, chừng đó đủ để tôi chẳng có giây phút nào nghĩ ngợi suy diễn tưởng tượng chồng đang làm gì, đang đi với ai, có cơ hội gặp những ẻm nào, để mà ghen bóng ghen gió. Gia đình là do cả hai phải giữ, mình tôi giữ sao nổi. Tôi lấy người lớn chứ có lấy trẻ con đâu mà suốt ngày phải lo giữ ko sợ nó đi mất.

Tôi đầu óc treo ngược cành cây ở đâu nhưng trong hôn nhân tôi rất thực tế. Tôi marry up, tôi thà ở một mình còn hơn marry down. Diễn nghĩa ra thì là, với tôi hôn nhân cộng điểm mạnh trừ điểm yếu phải ra điểm cộng, tức là phải mang lại lợi ích. Lợi ích bao gồm: tinh thần, vật chất, sự kết hợp vợ chồng tạo ra những đứa con mạnh khỏe đáng yêu, người chồng có nhân cách thái độ khiến cho tôi trở thành một người tốt hơn, ở bên cạnh người đó cuộc sống của tôi nhẹ nhàng vui vẻ, sự kết hợp với người đó ko kéo tôi xuống trong thang bậc xã hội vv và vv. Tóm lại, phải ra điểm cộng, ra điểm trừ là giải tán. Người đàn ông có yêu tôi bò lết trên mặt đất, ra điểm trừ cũng giải tán. Tình yêu là tình yêu. Hôn nhân là tình yêu cộng thêm một cơ số thứ khác. Hôn nhân là sự kết hợp của hai người để tạo thành một gia đình, gia đình đó gắn kết với nhau bằng thứ keo gì là tùy tính nết từng người.

Nói vòng vo thế để trả lời câu hỏi của một em: nếu phát hiện chồng chị ngoại tình thì chị có ly dị ko. Câu trả lời là: nếu chồng tôi ngoại tình, tôi xét thấy sự kết hợp của hai vợ chồng vẫn ra điểm cộng, thì tôi sẽ thử thách bản thân một thời gian, nếu tha thứ được tôi sẽ tha thứ, nếu ko tha thứ được (tức là sự kết hợp đã thành điểm trừ) thì sẽ giải tán. Còn nếu thấy ngay sự kết hợp ấy ko còn ra điểm cộng nữa thì thôi giải tán luôn khỏi phải thử thách gì hết. Đời thì không dài mà giai lại nhiều.

Ảnh: nhiều gió, gió lại thuận nên con diều cú vọ cứ tự bay phần phật, mình chỉ việc đứng giữ cho nó khỏi bay mất. Diều một dây thả không thích bằng diều hai dây. Nhớ hồi bé thả diều giấy, xé vở làm diều, dán bằng hồ đặc quánh, lọ mọ vài tiếng mới xong mà có khi con diều lại bị lệch nên thay vì bay lên thì nó cứ lạng lạng rồi đâm xuống đất, gặp hôm nào gió to thì diều còn đứt cả đuôi.

Tuesday, July 3, 2012

Down the road runs Mary...

 

Mẹ ngắm nghía con gái “Bé có biết mẹ buồn vì cái sẹo trên mặt bé thế nào ko?”, thế là bị trả lời tắp lự “Mamma có biết La buồng…(ngập ngừng một lúc vì chưa biết từ cái sẹo)…vì mamma thế nào ko?”.

Hôm lâu lâu tháo chỉ, mẹ dặn con gái nằm yên. Nhiều mối khâu bị lút ở trong thịt, bác sĩ phải co kéo để cắt, con gái nước mắt cứ chảy lặng lẽ mà ko kêu tiếng nào. Tháo chỉ xong, con gái ngồi dậy, mẹ thấy cả một vũng nước mắt be bé trên cái giường khám. Mẹ thương con gái quá. Khám xong đi lon ton theo mẹ ra ngoài, con gái mặc cả luôn “mamma, La ngoang mamma phải đi mua cho La”.

Thế mà chỉ đến hôm sau, đưa con gái đến trường, mẹ đang quay ra xe thì hết hồn thấy con gái đã kịp trèo lên một chiếc xe đạp rất cao, được một thằng con trai đẩy đằng sau, đang phi xuống dốc vun vút, mồm cười the thé thích chí. Cuối cái dốc là một bức tường, lại đâm vào đấy rồi ngã lộn ra. Mẹ đã mang con đến bệnh viện ko nhớ bao lần và mẹ biết sẽ còn phải mang đến nhiều nữa. Chỉ nhìn thôi thì ko ai ngờ con gái nghịch ngợm thế. Bà Nuôi thường gọi con gái là “tiểu thơ đài các”. Còn bác cả thì thích con gái lắm, cứ gặp là trầm trồ “trông nó nhẹ nhàng như đang nhảy múa trên một cái vỏ trứng”.

Hôm nọ không biết con gái làm gì mà mẹ giận, mẹ bảo “Lila, con có biết mẹ cáu con lắm không?”. Con gái mặt cúi gằm tay vân vê tà áo, mắt liếc ngang liếc dọc rồi quyết định nguýt một cái rõ dài “không, La không biếc”. Trong nhà con gái chỉ thua mỗi con Anna. Tử vi bảo mình có con ương gàn khó răn dạy, cuối cùng ứng đúng vào hai cô con gái.

Sau hôm thứ hai liên tiếp tè ướt quần ở lớp thì mẹ buộc phải hỏi con gái tại sao. Lý do hóa ra là “mamma, La phải trông cái xẻng xúc cát, nếu La đi pee pee thì bạn sẽ lấy mất cái xẻng của La”. Mẹ chán nản “thế là vì ko muốn mất cái xẻng mà con sẵn sàng tè ra quần phải không Lila?”, và bị con gái trả lời “Có”. Từ hôm mẹ nhờ cô giáo trông hộ cho cái xẻng thì chuyện tè dầm mới không xảy ra nữa.

Hôm nọ cầm cổ tay dắt con gái xuống cầu thang, cái cổ tay mỏng mảnh như sậy, mẹ bảo “sao con gầy thế hả Lila?”. Mấy tuần trước con gái lại vào chu kỳ mất ngủ, mặt lại trắng bệch ra, lại gầy tong teo hơn nữa. Cánh tay bằng một nửa cánh tay bạn, mông thì chỉ bằng 1/3.

Gầy thế mà nói luôn mồm, ăn luôn mồm. Tiếng Anh lau láu mặc dù đọc shark là shoác, star là stor. Tiếng Ý rất giỏi, giọng ko accent. Tiếng Việt thì “mamma thổi cho Lila một con bóng” hoặc “mamma, La phải nói với mamma một cái đồ”???

Hôm lâu lâu mẹ dẫn con gái đi xỏ lỗ tai, mặt con gái mọng lên vì đau mà không dám khóc. Cô dược sĩ chìa một bảng hoa tai cho con gái chọn. Con gái không ngần ngại chỉ thẳng vào hai viên kim cương to oạch, viên này nếu thật thì phải đến 5carat, mà hai cái dái tai thì bé tí. Cô dược sĩ cố nín cười. Chưa chi đã thích kim cương thế này thì một số người khóc ra tiếng mán rồi đây.

Ảnh: down the road I look and there runs Mary, hair of gold and lips like cherry, it’s great to touch the green green grass of home…