Thursday, March 28, 2024

28/3/2024

Một ngày cuối tuần mình đặt lịch massage cho mình và con La. Massage xong, nó cương quyết nhảy lên taxi về vì không muốn đi bộ ra tàu điện ngầm, bất chấp mẹ bảo hôm nay trời nắng đẹp. Ở nhà thì nằm ườn, ra đường thì một bước nhảy lên xe, xong lại nã bố mẹ tiền mua thẻ tập gym.

Nhảy lên cái taxi tối om thể nào từ lúc đi tới lúc đến cũng dán mắt vào màn hình điện thoại, không buồn ngẩng lên nhìn ra ngoài đường lấy một giây. Ngày nắng đẹp hay mưa dầm đều như nhau.

Mà có phải mỗi điện thoại đâu, còn nhét tai nghe để nghe nhạc nữa mới tài chứ. Mang con đi du lịch mà con chả nhìn cũng chả nghe phố phường náo nhiệt, chỉ chăm chăm điện thoại và tai nghe nghe nhạc. Trẻ ranh đã thế. Người già hói đầu cũng không hơn. Trong nhà với nhau mà luôn trong tình trạng hoặc là mắt dán vào màn hình điện thoại hoặc hai tai nghe lấp ló hai lỗ tai hoặc combo cả hai. Ngày xưa cứ thi thoảng lại thấy ngoài đường có ai đó đeo máy trợ thính. Là hai cái cục nhỏ nhỏ nhét vào tai, thỉnh thoảng nó kêu ò ò ý các cụ. Mình bảo lão trông anh như đeo máy trợ thính ý, thì lão còn câng mặt lên bảo “ừ đấy”. Không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì, do đó cũng không có nhu cầu nói gì. Đúng chuẩn mù, câm, điếc, từ người lớn tới trẻ con. Sau đó lại than buồn, mất phương hướng, mất kết nối và ca bài đời tui cu đơn, rồi lại rủ nhau đi chữa lành. Đúng là loài người là giống giỏi nhất trong việc gây ra vấn đề rồi lại mất thời gian đi giải quyết.

Thế là mình đi bộ ra tàu điện ngầm một mình. Đó là một ngày mùa đông im gió, nắng vàng, tuyết trắng phau lộng lẫy. Ngang qua một công viên nhỏ, có con chó nhỏ lưỡi thè lè mặt mũi hí hửng rối rít chạy trước một cô bé con mặc bộ áo liền quần màu hồng ngang một trảng tuyết trắng tinh khôi. Con chó ngập lút đầu trong tuyết xốp nhưng vẫn chạy như phát cuồng, lôi cô bé ngã sấp ngã ngửa, đúng kiểu chó dắt người đi dạo. Tuyết bắn lên lóng lánh trong ánh mặt trời. Cô bé cười như nắc nẻ. Bà nó đứng đợi ở phía bên này cũng cười. Người qua đường là mình và một bà cụ nữa cũng đứng lại nhìn và cười hihi. Lúc này con chó đã chạy tới nơi. Bà nó bế bổng nó lên, nựng nịu, phủi tuyết trên đầu trên lưng, rồi đưa nó lại cho cô bé. Cô bé ngồi xệp xuống ôm ấp hôn hít, tuyết ngập lên đến nửa người. Thật là một cảnh tượng vui vẻ.

Trên tàu điện ngầm, mình đang ngồi lơ đãng thì nghe có tiếng Việt cất lên bên cạnh. Nghe giọng có vẻ như người miền trung. “...chẳng có tiền. Vừa vay được 500 rúp mua đồ ăn...”. Đang định đợi anh ý xong điện thoại thì hỏi han vài câu nhưng nghe được nội dung ở trên thì thôi, không muốn làm anh ý ngại. Anh ý xong điện thoại, nhìn cậu trẻ trẻ ngồi đối diện, hỏi vẻ quan tâm “...đi thêm hai ga nữa là về đến nhà, mày có tự đi được không?”. Chắc cậu kia mới sang, nhìn mặt mũi bỡ ngỡ, tay cầm cái bọc nilon. Xuống khỏi tàu, anh kia rảo chân đi nhanh, cậu ta cứ chạy theo líu ríu. 500 rúp thì chắc được hơn 100 nghìn ở nhà.

P.S: Mùa đông năm nay tuyết rơi nhiều. Sống ở Nga thì phải quen với việc tuyết là một phần của cuộc sống. Ăn tuyết, ngủ tuyết, chơi tuyết. Cần nước chạy ra ngoài múc một xô tuyết. Tuyết mới rơi nhìn trắng phau tơi xốp êm ái như một cái đệm dày nhưng đừng có đổ người cái rầm xuống tuyết như trong phim vì có thể dưới tuyết là lớp băng lưu cữu vập mặt xuống đấy vì vỡ mặt. Tương tự nhìn tuyết trắng phau trên vỉa hè nhưng bên dưới là lớp băng mỏng trơn trượt, dẫm lên là trượt như trượt băng mỗi tội không nghệ thuật. Con bạn mình, vui chơi một hồi con bé con nó nóng quá, nó đặt con đứng dựa lưng vào tuyết cho mát còn nó bỏ đi uống cà phê.

Nhưng cuối cùng thì mùa đông dài dặc băng tuyết lạnh giá có vẻ cũng qua. Mấy ngày nay không thấy tuyết rơi. Các cửa hàng trên phố đã bắt đầu bán hoa xuân. Mùa đông dài và lạnh quá nên các lễ hội đón xuân rất háo hức náo nhiệt. Từ hơn tuần nay đã phải đi dự hai lễ hội Maslenitsa, nhảy múa và chơi các trò chơi dân gian tưng bừng, sau đó ăn bánh bliny là một dạng bánh crepe rất mềm phết thêm mật ong, sữa đặc và các loại mứt, rồi đốt hình nộm đuổi mùa đông đi đón mùa xuân về.

Trong tâm trạng mùa xuân phơi phới, tối nọ đi xem vở La Bohème ở Bolshoi, quyết định mặc váy lụa màu hồng phấn và dùng trang sức ngọc trai. Ai dè trời vẫn còn lạnh quá nên váy lụa dính hết cả vào người. Nói mùa xuân cho sang chứ thực ra vẫn lạnh ngang đại hàn ở nhà.   

Monday, March 11, 2024

Thằng bé và con bé, cộng một Thị Nở

Thằng bé và con bé gặp nhau trong một dịp đi hái nho. Các đồn điền của Pháp đến mùa thu hoạch nho thường gọi các cô cậu trẻ trẻ đến hái nho hộ. Hái nho thì chả cần bằng cấp hay trình độ. Hình như không có tiền lương hoặc lương lậu chỉ tượng trưng nhưng ăn ở và đi lại thì chủ bao hết. Chủ đồn điền thì có được nguồn lao động rẻ. Thanh niên thì có dịp làm việc, giao lưu, thăm thú nơi mới, coi như được đi du lịch bao ăn ở. Thằng bé và con bé quen nhau như thế.

Hẹn hò vài tuần, nho hái xong, thằng bé trở lại Ý. Hai đứa chúng nó tiếp tục nhắn tin qua lại.

Cho đến một ngày, không ai ngờ, không báo trước, con bé xuất hiện trước cửa nhà thằng bé. Không có tiền đi máy bay, nhưng tình yêu tuổi trẻ đã khiến nó đi được suốt cả chặng đường vài nghìn cây số hoàn toàn bằng quá giang xe.

Từ đó con bé ở lại luôn nhà thằng bé. Chúng nó thành một cặp, đi đâu cũng thấy có nhau.

Chúng nó mơ ước một cuộc sống tối giản, không phải nai lưng kiếm tiền, không phụ thuộc vào vật chất, tự cung tự cấp, sống gần gũi hài hòa chấp nhận thiên nhiên vv và vv. Chúng có ý tưởng mua một khu vườn ô liu, đào cái giếng để tự cung tự cấp về nước, thằng bé học nghề mộc để tự làm đồ mộc trong nhà vv và vv.

Mình đang tìm người. Biết thằng bé và con bé không có việc làm nhưng mình cũng không có ý định nhờ 2 đứa nó. Mình vốn không đánh giá cao các cô cậu đầu óc lửng lơ, cả ngày chỉ nằm dài nhưng rặt một giọng cao siêu vô hình. Nếu thế hệ trung niên cao niên làm việc cật lực để có tiền chi cho những tiêu xài nhiều khi vô ích, nhiều khi cảm thấy mình bị buộc vào những nhu cầu của gia đình và bản thân như con lừa bị buộc vào cối xay, cứ đi thành vòng tròn không có điểm dừng không có đích đến, thì thế hệ trẻ bây giờ, như một lẽ tự nhiên, phản lại xu thế ấy, thích sống tối giản để đỡ phải còng lưng làm việc. Vấn đề là không làm việc thì ai làm việc cho các cô cậu nằm mơ mộng mới được chứ. Tiền trợ cấp xã hội, trợ cấp thất nghiệp cho cô cậu là tiền thuế của những người phải làm việc cật lực khác.

Nhưng thằng bé và con bé lại chủ động tìm mình xin việc. Mình thích những người muốn làm việc và thường cố gắng tạo điều kiện cho họ. Thời gian ở Ý của mình vô cùng eo hẹp, thế mà mình bỏ hẳn vài tiếng để hướng dẫn mọi việc cho chúng nó. Mình bảo mùa đầu tiên tôi sẽ trả lương cho cô cậu ở mức tối thiểu theo luật định, nếu cô cậu làm việc tốt, đến mùa thứ hai tôi sẽ tăng ngang bằng những người có kinh nghiệm khác.

Thằng bé và con bé xin về nhà suy nghĩ. Đến hôm sau, gặp lại mình, con bé bảo nó muốn lương cao hơn vì “thời gian của chúng cháu rất quý báu”. Thế là mình thôi.

Vấn đề không phải là tiền. Vấn đề là tư duy của các cháu hỏng rồi. Chắc tại hút cỏ hơi nhiều. Thời gian quý báu hãy để cho những người trăm công nghìn việc trên đời họ nói. Chứ các cháu thất nghiệp nằm dài cả ngày, thỉnh thoảng đi thu hoạch hộ cho nông dân rau này trái nọ, được họ trả công bằng nông sản, còn lại sống cầm hơi bằng tiền trợ cấp xã hội, chưa kể bằng cấp còn chả có, kinh nghiệm làm việc thì chả có gì ngoài hái nho, mà lại cứ tưởng mình tài ba nguy hiểm, thì chủ nào mà thuê các cháu thì chủ đó chắc bét ra cũng chập mạch.

Chuyện xảy ra từ tháng 11 năm ngoái. Tháng 3 năm nay, thằng bé và con bé đi du lịch Madagascar. Ở đó, chúng nó tình cờ mua được một cái tàu cũ với giá bằng nửa, và đang tính chuyện tự giong buồm từ Madagascar về lại nước Ý. Vừa đi vừa câu cá ăn qua ngày chả cần đến tiền. Thật là thoát tục.

Mình còn biết một Thị Nở, đâu cũng hơn 40 rồi chứ cũng không trẻ trung gì, hàng ngày làm mỗi cái việc sửa chính tả bản thảo trước khi in, đâu 2 hay 3 tiếng một ngày, tức là làm việc cầm hơi. Cũng tuyên bố muốn sống gần gũi thiên nhiên, không phụ thuộc vật chất, không cần tiền. Gần đây thị quyết định đi đến một xứ khỉ ho cò gáy nào đó chăn bò để được hòa mình tuyệt đối vào thiên nhiên. Mỗi tội trước khi đặt vé đi thì còn cẩn thận đặt cả vé về để đảm bảo có rỗng túi cũng vẫn quay về được xã hội loài người thay vì bị chết kẹt giữa thiên nhiên. Quay về thì cũng không có mục đích cao cả gì ngoài moi tiền bà mẹ già hơn 80 tuổi sống một mình chả ai chăm sóc. Moi được một mớ thì lại tiếp tục đi chăn bò hay đi chốn nào đó sống cuộc đời gần gũi thiên nhiên tiếp.

Thôi thì, đời ngắn, ai vui được chừng nào thì cứ vui. Muốn vui được trong đời thì phải vô tri. Để vô tri được thì cần rất nhiều sự vô lương. Không phải ai cũng vô lương được như vậy....

Monday, March 4, 2024

5/3/2024

Mình đang ngồi ăn tối. Lão và lũ trẻ con đã ăn xong. Chuông điện thoại reo. Lại thằng bạn hẩu. Nó tỉ phú thời gian và chuyên gọi vào giờ này. Chắc nó hỏi mày đang làm gì vì nghe lão trả lời “tao đang cho bát đĩa bẩn vào máy rửa bát” rồi lúc sau lại nghe giọng lão ỉu xìu xìu “vợ tao không đồng ý”. Sau đó hạ giọng thầm thì “Nhưng tao vừa mới đi về. Thôi đợi một thời gian rồi tao lại xin nó tiếp, hy vọng sẽ được...”.

Mình ăn xong, tót vào phòng oánh răng rửa mặt định đi ngủ sớm kệ lão cùng đủ loại ham hố nên phải bày ra đủ kiểu mưu mẹo của lão. Nhưng tự nhiên trong đầu nảy ra một ý tưởng, bèn chạy ngược trở ra. Lão lúc này đã xong nhiệm vụ bát đĩa và đã lê ra nửa nằm nửa ngồi trên sofa, vẫn đang tán chuyện rủ rỉ với thằng bạn hẩu. Mình bảo “Em có một giải pháp như này. Anh muốn đi chơi tháng 5 này, anh chuyển vào tài khoản của em 10k euro”. Lão nghe xong la hoảng vào điện thoại “ối mày nghe vợ tao vừa nói gì chưa, mày nghe chưa?”. Thằng bạn đòi nói chuyện với mình.

-          (mình giọng tỉ tê) F ơi, chồng em như một đứa trẻ 6 tuổi ý anh ạ…

-           (thằng kia chơi đòn tâm lý, giọng thẽ thọt ra vẻ ân cần cảm thông lấy lòng) Anh biết, G ơi anh biết.

-          (đổi giọng tỉnh bơ lập tức) Nhưng mà em không phải 6 tuổi, em 46 tuổi rồi anh ạ. Vợ chồng em vẫn còn một món nợ phải trả và em muốn trả hết trong năm nay.

-          (tỏ vẻ hiểu biết) Nhưng món nợ đó rất ít so với tài sản của bọn em…

-          (ngắn gọn) Ít chắc trả dễ, dễ thì trả cho hết đi rồi đi chơi.

-          (kiên trì không bỏ cuộc) thôi nào, G, chồng em kiếm ra tiền, số tiền nó bỏ ra đi chơi chả đáng bao nhiêu so với số tiền nó kiếm được.

-          thì em có nói gì đâu, em chỉ bảo trả hết nợ đi rồi đi chơi bao nhiêu cũng được. Chứ như bây giờ, em tiết kiệm mọi thứ để hai vợ chồng trả nợ mà nợ trả mãi không xong vì chồng cứ liên tục tiêu tiền và trì hoãn trả…

-          (đổi giọng nài nỉ) nhưng mà 10k thì đắt quá, nó có tiêu hết từng đấy tiền cho chuyến đi đó đâu, bọn anh cắm lều ngủ, không tốn tiền ngủ khách sạn em ạ.

-          (thật sự chứ ngủ đâu kệ mọe các ông éo ai quan tâm) Thay vì mất công thuyết phục em thì anh nên đi thuyết phục bạn anh mới phải. Số tiền đó anh ý có. Nếu anh ấy thực sự muốn đi chơi với người bạn tốt là anh, thì anh ấy sẽ chuyển khoản cho em, nhất là khi anh ấy biết rất rõ toàn bộ số tiền em giữ đều là để dành để trả nợ và để cho con đi học, chứ bản thân em thì không có nhu cầu tiêu tiền…

-          (còn nước còn tát) Thôi em giảm giá tí đi…

-          10k, không bớt một xu. Bao giờ trả hết nợ thì em chỉ lấy market price. Còn bây giờ chưa trả hết nợ thì I state my price.

Sự nghiệp mặc cả chấm dứt tại đó. Mình có phải dạng ngặt nghèo kìm kẹp không cho lão tận hưởng cuộc sống gì đâu. Đợt nghỉ giáng sinh vừa rồi cả nhà đã đi nghỉ ở Maldives, bố con lão ăn chơi tĩ tã. Đi Maldives về, ngồi chưa ấm chỗ đầu tháng 2 lão đã nhao về Ý đi lượn xe máy và ô tô đâu hơn 2 tuần. Vừa chân ướt chân ráo từ Ý về, lại tiếp tục lên kế hoạch đi lượn xe máy với thằng bạn hẩu vào tháng 5, trong khi cuối tháng 6 cả nhà đã có kế hoạch đi nghỉ hè. Trong khi đó, có cái món nợ cỏn con hai vợ chồng chung nhau nghiến răng một phát là trả hết mà nói lão cứ không chịu, cứ muốn giữ tiền mặt xông xênh để còn nảy ra ý tưởng trái khoáy nào là có thể thực hiện được ngay, kể cả là nửa đêm gà gáy.

Mình hồi trước suốt ngày khổ sở vì chồng liên tục cúng tiền cho ô tô xe máy và thợ sửa xe. Đến mức mình còn tâm linh rằng kiếp trước chồng mình làm gì có lỗi lớn với ai đó làm nghề thợ sửa xe nên kiếp này phải trả nợ. Ai đời cứ rước xe đi hết chỗ này đến chỗ khác, sau đó lén lút viết séc trả tiền. Vài nghìn mỗi lần chứ có ít đâu mà xe hỏng vẫn hoàn hỏng. Cứ người bòn người đãi, cãi vã bao lần không ăn thua. Cuối cùng mình nghĩ ra giải pháp toẹt vời là lão chi bao tiền mua xe hay viết séc trả thợ sửa xe thì sẽ phải chuyển vào tài khoản của mình đúng số tiền tương ứng. Từ khi có giải pháp đó thì đời mình nở hoa. Từ chỗ mặt nặng mày nhẹ khi thấy lão vung tiền vào xe cộ, gắng sức khuyên bảo và bất lực khi thấy lão giả ngớ giả điếc không hiểu, thì giờ cứ lâu lâu thấy lão im ắng mình lại nhắc dạo này anh không đi sửa xe à, sửa đi chứ không để lâu lại hỏng :-))))))

À vụ Bắc cực, mấy ngày sau lại thông báo với vợ “anh không đi Bắc cực, nhưng là không đi trong năm nay thôi em nhé, chứ năm sau thì anh ĐANG SUY NGHĨ”. Đi thì cứ việc đi, nhưng Bắc cực giá dĩ nhiên phải cao hơn giá về Ý phượt xe máy dồi. Cao như nào thì mình cũng ĐANG SUY NGHĨ!