Friday, May 29, 2015

Thiếu phụ và con mèo


Cái nhà đang làm dở thì trộm vào. Trộm hình như chỉ có mục đích phá hoại chứ không có mục đích ăn trộm, vì các thể loại bảng điện hộp điện máy móc có giá trị trộm không đụng tới mà chỉ cắt vài đường ống và thó vài đoạn dây.

Thế là tháng 5 đã bận bỏ bu còn phải bỏ ra gần một tuần để về xử lý. Ngài bận quá chẳng đi được, vợ ngài phải đi một mình. Vấn đề là ở chỗ trộm đã cắt cụt một số đoạn ống chờ nằm lộ thiên. Giờ cụt ngủn thế này làm sao nối với các thể loại máy móc thiết bị? Chắc phải hàn nối dài ống. Nhưng nếu thế thì các hãng bán máy móc thiết bị có khả năng sẽ không bảo hiểm cho mình vì ống bị hàn làm sao đảm bảo bằng ống nguyên. Tức là mình sẽ phải đào nền đục tường đặt ống lại từ đầu. Giờ chưa biết giải quyết sao đã đành, mà đang nhiên mình phải thuê công ty bảo vệ đi tuần tra cái nhà không cũng tốn một khoản giời ơi mỗi tháng. Mệt.

Một buổi chiều mình quyết định gác các thể loại lo lắng sang bên, ra quảng trường Duomo ngồi đọc sách. Trong tiếng chuông nhà thờ ngân nga, nắng vàng, gió mát, những ngôi nhà kiến trúc Baroque của thành cổ Lecce, trời xanh ngắt ở trên đầu, và ngụ ngôn Aesop.

The lion, the mouse and the fox

A lion was lying asleep at the mouth of his den when a mouse ran over his back and tickled him so that he woke up with a start and began looking about everywhere to see what it was that had disturbed him. A fox who was looking on thought he would have a joke at the expense of the lion, so he said “Well, this is the first time I’ve seen a lion afraid of a mouse”. “Afraid of a mouse?” said the lion testily. “Not I! It’s his bad manners I can’t stand”.

Trước khi đi mình đã dặn ngài đứt lưỡi rằng thì là “món mặn em đã nấu để trong tủ đá hết rồi, pasta thì cô giúp việc nấu, anh chỉ có mỗi việc đi mua rau cho con ăn vì em bận quá không kịp đi. Anh mua bí, đậu, cà chua, bắp cải, rau lá, gì cũng được nhưng không được mua cà rốt và dưa chuột. Hai loại đó cứng, bọn trẻ con vừa ăn vừa cười hóc một cái nghẹn thở cô giúp việc không biết cách cấp cứu. Anh nhớ nhé, KHÔNG ĐƯỢC MUA CÀ RỐT VÀ DƯA CHUỘT”. Ông bảo không cần nói nhiều, đừng lo. Sau một tuần mình về, cô giúp việc bảo cả tuần ông đi chợ đúng một lần, mua đúng cà rốt và dưa chuột!!!.

Thế là, tủ lạnh trống trơn phải đi mua đồ ăn trữ vào. Một núi quần áo chăn màn rèm cần phải phân loại và giặt. Sách vở con phải kiểm tra. Nhà cửa phải chuẩn bị vì ngay hôm sau có tiệc cho 60 người, ướp lạnh đồ uống, dặn dò người làm, chuẩn bị bát đĩa và các loại khăn khố. Cộng thêm lễ quốc khánh cuối cùng đã lên tới 1500 người sẽ diễn ra sau 3 ngày, lần này do chính ngài host tại Dubai.

Giang ơi, đừng sợ.

Ảnh; thiếu phụ và con mèo ngồi chơi với nhau rất thân tình đến tận khi con mèo quyết định bấu vuốt vào quần thiếu phụ để leo lên lòng ngồi. Thế là thiếu phụ, yêu súc vật là thế, lảng luôn. May quá cảnh giác nên không hỏng cái quần.

 

Thursday, May 21, 2015

Mộng lòng chưa dứt

Mấy hôm trước, ở một event tối, mình đang nói chuyện với mọi người thì thấy có một anh chàng mắt xanh cứ nhìn nhìn. Mình không để ý vì cứ tưởng là ai đó biết mình nên muốn nhìn mình để chào. Lúc sau đã thấy anh ta tiến lại và nói luôn “Tôi đã nhìn thấy một chiếc nhẫn rất xấu xí trên tay trái của cô”. Ờ, vậy mà còn cố mò tới làm quen, chắc hy vọng tui đeo nhẫn nhầm ngón tay hử. Anh ta là kỹ sư hạt nhân, mới tới được gần năm để xây nhà máy hạt nhân cho Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Nói chuyện về hạt nhân một hồi, tự dưng anh ta bảo “tôi có thể bỏ ra một triệu để mua đồ trang sức cho cô”. Mình bảo “Giờ anh ra đứng ra giữa phòng, nói anh sẵn sàng bỏ ra 1 triệu để mua đồ trang sức cho cô gái nào anh thích, tôi đảm bảo sẽ có rất nhiều cô cho anh chọn”. Anh ta nhìn mình chăm chăm và lắc đầu “Tôi không thích họ”. Còn mình thì không đủ can đảm để nói với anh ta rằng 2 tiếng trước mình vẫn còn ở ngoài bể bơi với con, chở con về còn phải tắm cho con rồi nấu ăn, nấu ăn xong mặc quần áo chạy vội đi, tóc vẫn còn ướt nước bể bơi không có thời gian gội sấy phải tết tạm lại cho gọn giờ gặp điều hòa đang nhức hết cả đầu, còn lòng dạ nào mà cân nhắc mấy câu giả định của một anh chàng dân kỹ thuật.
Sáng mang bọn trẻ con đi học. Lúc quay ra cô giáo đang đứng canh cửa, khá trẻ, người nước nào loanh quanh đây thôi, tự dưng nói rất nhanh “I love your body” làm mình, đang quần cộc áo phông, chân tay mới đầu hè đã kịp bắt nắng đen thui, phải bất ngờ một lúc mới cảm ơn cô ấy được. Rồi tự dưng thấy lòng có một sự ngậm ngùi không hề nhẹ.
Về nhà, đứng ngắm mình trước gương. Tay nhão, đùi nhão, mông xệ. Cộng thêm móng chân móng tay không sơn phết, toàn tranh thủ tự cắt lúc ngồi hễu nghe con ê a đọc sách, tóc tai cả năm giỏi lắm cắt được hai lần, uốn nhuộm sấy kiểu lại càng không dám mơ, nắng thế này cũng chẳng buồn che đậy cho da bớt cháy tóc bớt đuôi bò, spa không đi, gym không đi, chẳng có thời gian và cũng chẳng còn tâm trí nào ngồi nho nhã cà kê săn sóc sắc đẹp ở những nơi ấy. Hôm nào trước khi đi event có thời gian gội đầu, thả tóc, thay vì búi vội lên như thường lệ, thì được chồng khen xinh. Tóc thường bị búi chặt nên cứ tháo búi ra là đứt lả tả. Chỉ sợ lúc mọi việc đã đâu vào đấy, con đã lớn, tương lai đã xong xuôi, thì quần thể di tích đã tã đến mức chả spa nào gym nào bác sĩ thẩm mỹ nào trùng tu cứu vãn nổi, nhề.
Nghĩ thế thì bụng cũng hơi lo lo. Bèn mò vào nhà tắm đứng nghệt ra ngắm cái túi bùn đắp mặt biển Chết, bỏ xó từ dạo hết hồn với cái mùi cống rãnh chết chóc, rồi tặc lưỡi quay ra bật Chế Linh Mười năm tình cũ, và vừa ngồi nhìn tán phượng chỉ qua mấy ngày đã đỏ chói vừa ăn một quả ổi.
PS Có lần, có người đàn ông đã bảo tôi “Anh từng nhìn thấy những đứa trẻ chân đất, lấm lem, nhặt đồ ăn giữa bãi rác và những con ác là. Em đừng khóc nữa. Chúng mình là những người may mắn. Vì chúng mình còn được ước mơ, còn được hy vọng…”.
Tôi thuở đó còn rất ngây thơ, và quen có mọi thứ lòng mình muốn, không hiểu những gì anh nói. Ước mơ, hy vọng, ai muốn ngồi mơ chả được, cần gì phải may mắn? Tôi đang mất anh, tôi đang hoảng sợ, nỗi bất hạnh của kẻ khác thì liên quan gì đến tôi, nhất là lúc này?
Con đường anh đi được vạch ra bằng lý trí và một bản lý lịch hoàn hảo, anh đã đạt được nó và tôi biết, anh sẽ còn tiến xa hơn nữa. Đó có phải là ước mơ và hy vọng anh đang nói tới, từ thuở rất xa xôi nào?
Những ước mơ và hy vọng mà trong đó chỉ có một phần nhỏ xíu, nhỏ đến thống khổ,  dành cho tôi…

Saturday, May 16, 2015

Những cô ếch





Một em nhắn tin than thở về một cô bạn gái cũ của chồng, rằng thì là mà giờ người ta vợ con đề huề rồi mà cô ấy cứ nhắn tin í ới tâm sự than thở, mà chẳng bao giờ ỏ ê gì tới vợ người ta, cứ như vợ người ta không tồn tại.
Haiz, ca này khó nhể, vì cứ để yên thì cô ex này được đằng chân lại lân đằng đầu, từ nhắn tin tâm sự than thở tới nhắn tin rủ rê cũng gần, mà ra tay thì chả hóa ra phải dùng dao mổ trâu để cắt tiết ruồi, vừa chả bõ công mình, lại vừa bị nó đổ cho tội ghen.
Không cần sân si với nó làm gì, em. Em đừng cho nó cái vinh dự ấy. Đàn bà có giá thì chả cần làm gì đàn ông chúng cũng tự kéo đến như ruồi. Cái kiểu đàn bà phải chèo kéo, mà lại chèo kéo đàn ông có vợ, cố đấm ăn xôi, thì có giá đến đâu nó tự hiểu. Khi nào nó quá đà, thì em chỉ việc dịu dàng duyên dáng đặt nó về lại vị trí của nó là được. Đàn bà chỉ lừa phỉnh được đàn ông chứ đàn bà không bao giờ lừa phỉnh được đàn bà, nó khỏi phải điêu trá chiêu trò mất công.
Nói chung xã hội giờ nhiễu nhương, mật ít ruồi nhiều, rất nhiều quy tắc ứng xử chỉ trông chờ vào lòng tự trọng. Gặp người không có lòng tự trọng thì chịu, coi như là mình xui xẻo. 

Bình loạn của cún béo; ex girlfriends are like bad …, you can’t not get rid of them.
Đố các bạn điền được từ nội trợ đang nghĩ vào dấu ba chấm. 

PS. Mình dạo này thảm quá. Mới đầu hè mà đã đen như châu Phi. Lại còn bị ho. Ho rũ rượi uống sirop tì tì chả khỏi. Sáng nay tuyệt vọng quá bèn lấy dầu cao con hổ bôi nhoắng nhoằng. Ơ, cơn ho chấm dứt như có phép lạ. Ngồi mãi không thấy ho lại, mình bèn thử ho lên một tiếng xem sao. Đúng là không cái dại nào giống cái dại nào, mình lại bị ho tiếp rồi các bạn ạ. Giờ mình ngồi nhà, tóc buộc túm, mặc quần đùi của chồng, người nồng nặc mùi cao con hổ, và lại ho như chó sủa. Ôi tôi tuyệt vọng quá có ai tuyệt vọng như tôi.

Monday, May 11, 2015

11/5/2015


Những cây phượng trong vườn, trút lá vào tháng 3, bật chồi vào tháng tư, và đầu tháng 5 tán cây phía nắng đã đỏ gắt gỏng. Đã tháng 5 rồi sao? Ối, đã giữa tháng 5 rồi sao?

Tháng 5, cậu thợ bình lọc nước lại chuẩn bị gọi điện để đến thay lưới lọc. 6 tháng 1 lần. Cậu ấy gọi 2 lần như thế là hết một năm. Có những event tổ chức mỗi năm một lần, ngoảnh đi ngoảnh lại lại thấy giấy mời, lại hiểu là đã qua một năm.

Ngày đã nóng lên. Mình dành hẳn một buổi sáng để dọn quần áo cho bọn Lê La Na, cất đồ mùa đông đi, lấy đồ mùa hè ra, loại đi những cái đã chật, và sửa sang vá víu những cái bị thủng lỗ, sứt chỉ, hoặc chật chỗ nào đó sửa tí là lại mặc tiếp được. Loại ra nhiều đồ còn rất mới và đẹp, gói ghém lại đợi mấy hôm nữa có thời gian mang ra cho vào thùng đồ màu vàng do một tổ chức từ thiện nào đó đặt ngay gần nhà, chuyên thu thập quần áo giày dép cũ nhưng vẫn còn tốt để mang cho trẻ em những nước nghèo quanh đây. Những món đồ này mình mua từ hồi còn ở New York, đi trên 5th và Madison cứ cửa hàng nào đẹp là rẽ vào. Bây giờ, bọn trẻ con đi học hết, mặc đồng phục cả ngày, còn ở nhà thì lăn lê bò toài đến cuối ngày là nhem nhuốc như móc từ dưới cống lên mặc đồ đẹp cũng phí đi. Thế nên cả năm mẹ chỉ rút ví mua sắm cho vài bộ củ mặc lúc đi chơi. Cũng chỉ có Lê và La là được đồ mới, còn em Na khổ thân toàn bị mặc lại. Em được cho cái váy cũ mèm của con chị mà cứ sướng run hết cả người.

Ngày nóng lên rồi nên sáng sớm chỉ mở cửa sổ mấy phút đổi không khí trong nhà rồi đóng lại ngay, hạ bớt rèm cho mát. Tháng năm còn nhiều việc phải làm hơn tháng tư. Một buổi lễ tân lớn tại nhà và vất vả nhất là phải chuẩn bị cho lễ quốc khánh hơn 1000 người sẽ diễn ra ngay đầu tháng 6. Phải sau buổi lễ này thì mới rảnh rang mà nghĩ đến hè được. Thôi cố lên. Bận rộn thế này cũng có cái tốt. Vì nhiều việc phải làm quá, nhiều mục tiêu phải đạt được quá nên phải viết xuống giấy cho khỏi quên. Rồi bẵng đi, một thời gian sau tình cờ mở ra xem lại, việc đã làm xong, mục tiêu đã đạt được, mọi chuyện đã thành chuyện rất cũ chả còn vương vấn giề, chỉ còn mỗi việc hồng hộc hướng tới tương lai.

PS Vợ mua được mớ mận cơm xanh lè cứng đơ, ngồi ăn quần quật. Chồng thấy vợ lấy muối chấm mận, rồi nhăn nhó vì vẫn chua quá thì băn khoăn “muốn bớt chua sao lại chấm muối, sao em không chấm đường?”. Chồng từ hơn chục năm nay vẫn không thể hiểu nổi có dân tộc nào trên đời lại có thể thích những loại quả xanh, giòn, chua loét kiểu mận và cóc. Với chồng, đã gọi là quả là phải mềm lụn bại, ngọt rơi răng. Haiz, có ai lấy vợ Việt nam mà chẳng biết cái giề như chồng tôi???

Ảnh; em thắng bộ vào, đội cả mũ tề chỉnh. Em đang hy vọng mẹ em sẽ thay đổi quyết định, không mang cho cái vái đẹp của em.

Sunday, May 3, 2015

3/5/2015


Vừa đi trong mall vừa lấy tay chải tóc. Gội đầu xong chỉ kịp sấy nhoắng nhoằng rồi chạy đi luôn không muộn hẹn. Con bạn ơi hời mãi không được cuối cùng giở bài than vãn kể lể tao buồn quá nhớ mày quá, làm mình đành phải hẹn chị gái đi uống cà phê nói chuyện. Chính là con bạn cho mình cây bao báp chứ đâu.

Hai vợ chồng con bạn là điển hình của chính sách thuế khắc nghiệt đánh vào dân có tài sản ở Ý. Chồng là kiến trúc sư, vợ là họa sĩ. Hai vợ chồng đều có bất động sản từ đời bố mẹ để lại. Đặc biệt anh chồng có khoảnh đất mình chẳng nhớ mấy hay mấy chục héc ta trồng 50 nghìn hay 500 nghìn cây ô liu, ép ra loại dầu ô liu hảo hạng. Anh chồng có niềm say mê sản xuất dầu ô liu, không quan tâm chi phí sản xuất, chỉ cần ra thành phẩm hảo hạng nhất. Thế là hàng tháng, thuế thu nhập, thuế bất động sản, thuế đất nông nghiệp, cộng thêm tiền nuôi giấc mộng ô liu, tiền kiếm được cứ thế không cánh mà bay.

Được một thời gian, chịu hết nổi, cô vợ chuyển sang Dubai. Khoản tiền tiết kiệm được do khỏi phải trả thuế thu nhập cũng đủ để sống ở Dubai thoải mái. Còn anh chồng vẫn vướng mấy công trình ở Ý nên chưa sang được. Nhưng vấn đề là tuổi thì ngoài 40, tiếng Anh thì không biết, con cái không có, mới sang nên cả việc và bạn đều chưa có nhiều, quanh đi quẩn lại thì chỉ có ra biển nằm phơi nắng hoặc đi lượn mall, nên chỉ một thời gian ngắn là hoảng loạn. Thế nên mới có cái màn ơi hời than thở khiến mình phải bỏ việc mình chạy đi gặp nó xem sao. Trời ơi, người thì rỗi quá phát rồ, người thì bận quá cũng phát rồ luôn đây.

Ở Ý, nếu là ngôi nhà đầu tiên, nhà mình sử dụng hàng ngày, thì tiền thuế phải trả không đáng là bao. Thậm chí vay ngân hàng để mua cũng được mức lãi suất ưu đãi. Nhưng từ ngôi nhà thứ 2 trở đi thì thuế cao hơn hẳn, cao từ lúc mua bán đến lúc phải trả thuế hàng năm. Mà nếu nhà được liệt vào hạng luxury villa, chính phủ đã ngửi thấy hơi tiền, thì thuế phải gọi là méo mặt. Mình cũng đang hơi lo lo. Thuế má đã cao sẵn thế này, tình hình kinh tế thì khó khăn, dân nghèo càng ngày càng đông lên, người có tiền chạy được là chạy hết, chả biết rồi còn nảy ra thêm kiểu thuế nào mới nữa. Thuế như này hàng năm đã méo mặt, thêm thuế nữa chắc bán tháo hết đi cho rồi.

Lại có chuyện một bà bạn của bà bạn mình, chồng chết, để lại cho vợ mấy căn hộ nho nhỏ cho thuê thì cũng đủ sống. Ai ngờ người thuê nhà thì cứ ở lì mà tiền thì không trả. Luật pháp Ý chậm chạp nên nhiều người lợi dụng để trục lợi. Giờ để đuổi được người thuê ra thì phải rao bán nhà. Nhưng giá nhà đang thấp bán đi thì mất tiền. Kiện thì cũng chẳng có tiền mà thuê luật sư. Mà giả sử có cố thuê luật sư để kiện, rồi thắng kiện nhưng nếu thằng kia chẳng có tiền đền thì cũng hòa cả làng. Thế nhưng thuế bất động sản thì vẫn phải trả cho nhà nước đều đều. Bà góa khóc lên khóc xuống.
Hôm nào rảnh rỗi phải gọi điện hỏi thăm một con bạn khác. Chồng nó đồng sở hữu một tòa lâu đài ở miền Bắc Ý.Chẳng có tiền tu bổ nhưng bán đi thì không nỡ vì tòa lâu đài là tài sản của dòng tộc từ lâu lắm rồi. Lại một trường hợp khác của việc lương có bao nhiêu mang đi trả thuế bất động sản hết, đến lúc nào không trả nổi nữa thì đành phải bán, hoặc tặng lại cho nhà nước.  Nói chuyện thuế má này mới nhớ ra, có lần mình đi đâu đó gặp hai cô cậu người Bỉ. Hai cô cậu thất nghiệp, được hưởng trợ cấp xã hội nên đi du lịch sang Dubai. Mình nghe xong phải ngồi đực mặt một lúc mới tạm gọi là hiểu cô cậu nói gì. Hay nhề, giới luật sư, bác sĩ, thương gia, và những ngành nghề ra tiền khác, làm việc mửa mật, đóng thuế mửa mật, cứ thò cái gì ra là bị chính phủ vặt cái đấy, để hội ăn trợ cấp xã hội này thảnh thơi đi du lịch, thì hình như chính sách trợ cấp xã hội của tư bản giãy chết bị sai ở chỗ nào rồi?