Sunday, May 3, 2015

3/5/2015


Vừa đi trong mall vừa lấy tay chải tóc. Gội đầu xong chỉ kịp sấy nhoắng nhoằng rồi chạy đi luôn không muộn hẹn. Con bạn ơi hời mãi không được cuối cùng giở bài than vãn kể lể tao buồn quá nhớ mày quá, làm mình đành phải hẹn chị gái đi uống cà phê nói chuyện. Chính là con bạn cho mình cây bao báp chứ đâu.

Hai vợ chồng con bạn là điển hình của chính sách thuế khắc nghiệt đánh vào dân có tài sản ở Ý. Chồng là kiến trúc sư, vợ là họa sĩ. Hai vợ chồng đều có bất động sản từ đời bố mẹ để lại. Đặc biệt anh chồng có khoảnh đất mình chẳng nhớ mấy hay mấy chục héc ta trồng 50 nghìn hay 500 nghìn cây ô liu, ép ra loại dầu ô liu hảo hạng. Anh chồng có niềm say mê sản xuất dầu ô liu, không quan tâm chi phí sản xuất, chỉ cần ra thành phẩm hảo hạng nhất. Thế là hàng tháng, thuế thu nhập, thuế bất động sản, thuế đất nông nghiệp, cộng thêm tiền nuôi giấc mộng ô liu, tiền kiếm được cứ thế không cánh mà bay.

Được một thời gian, chịu hết nổi, cô vợ chuyển sang Dubai. Khoản tiền tiết kiệm được do khỏi phải trả thuế thu nhập cũng đủ để sống ở Dubai thoải mái. Còn anh chồng vẫn vướng mấy công trình ở Ý nên chưa sang được. Nhưng vấn đề là tuổi thì ngoài 40, tiếng Anh thì không biết, con cái không có, mới sang nên cả việc và bạn đều chưa có nhiều, quanh đi quẩn lại thì chỉ có ra biển nằm phơi nắng hoặc đi lượn mall, nên chỉ một thời gian ngắn là hoảng loạn. Thế nên mới có cái màn ơi hời than thở khiến mình phải bỏ việc mình chạy đi gặp nó xem sao. Trời ơi, người thì rỗi quá phát rồ, người thì bận quá cũng phát rồ luôn đây.

Ở Ý, nếu là ngôi nhà đầu tiên, nhà mình sử dụng hàng ngày, thì tiền thuế phải trả không đáng là bao. Thậm chí vay ngân hàng để mua cũng được mức lãi suất ưu đãi. Nhưng từ ngôi nhà thứ 2 trở đi thì thuế cao hơn hẳn, cao từ lúc mua bán đến lúc phải trả thuế hàng năm. Mà nếu nhà được liệt vào hạng luxury villa, chính phủ đã ngửi thấy hơi tiền, thì thuế phải gọi là méo mặt. Mình cũng đang hơi lo lo. Thuế má đã cao sẵn thế này, tình hình kinh tế thì khó khăn, dân nghèo càng ngày càng đông lên, người có tiền chạy được là chạy hết, chả biết rồi còn nảy ra thêm kiểu thuế nào mới nữa. Thuế như này hàng năm đã méo mặt, thêm thuế nữa chắc bán tháo hết đi cho rồi.

Lại có chuyện một bà bạn của bà bạn mình, chồng chết, để lại cho vợ mấy căn hộ nho nhỏ cho thuê thì cũng đủ sống. Ai ngờ người thuê nhà thì cứ ở lì mà tiền thì không trả. Luật pháp Ý chậm chạp nên nhiều người lợi dụng để trục lợi. Giờ để đuổi được người thuê ra thì phải rao bán nhà. Nhưng giá nhà đang thấp bán đi thì mất tiền. Kiện thì cũng chẳng có tiền mà thuê luật sư. Mà giả sử có cố thuê luật sư để kiện, rồi thắng kiện nhưng nếu thằng kia chẳng có tiền đền thì cũng hòa cả làng. Thế nhưng thuế bất động sản thì vẫn phải trả cho nhà nước đều đều. Bà góa khóc lên khóc xuống.
Hôm nào rảnh rỗi phải gọi điện hỏi thăm một con bạn khác. Chồng nó đồng sở hữu một tòa lâu đài ở miền Bắc Ý.Chẳng có tiền tu bổ nhưng bán đi thì không nỡ vì tòa lâu đài là tài sản của dòng tộc từ lâu lắm rồi. Lại một trường hợp khác của việc lương có bao nhiêu mang đi trả thuế bất động sản hết, đến lúc nào không trả nổi nữa thì đành phải bán, hoặc tặng lại cho nhà nước.  Nói chuyện thuế má này mới nhớ ra, có lần mình đi đâu đó gặp hai cô cậu người Bỉ. Hai cô cậu thất nghiệp, được hưởng trợ cấp xã hội nên đi du lịch sang Dubai. Mình nghe xong phải ngồi đực mặt một lúc mới tạm gọi là hiểu cô cậu nói gì. Hay nhề, giới luật sư, bác sĩ, thương gia, và những ngành nghề ra tiền khác, làm việc mửa mật, đóng thuế mửa mật, cứ thò cái gì ra là bị chính phủ vặt cái đấy, để hội ăn trợ cấp xã hội này thảnh thơi đi du lịch, thì hình như chính sách trợ cấp xã hội của tư bản giãy chết bị sai ở chỗ nào rồi?

29 comments:

  1. Đọc bài này sướng quá. Thành ra là mấy nước Bác Au có một bộ phận thu nhập trên trung bình, mà được tăng lương thì phải xin giảm lương xuống, lí do là làm nhiều thì đóng nhiều chứ phần minh chả được bao nhiêu. Tiền cho nhà nước đã đành, cho dân thất nghiệp còn tiếc và xót hơn. Bài này hay quá c ạ.

    Em cũng chả biết nó sai chỗ nào, chỉ thấy tức tức. Như kiểu đi làm ko phải cho một minh mà cho hai ba mình ấy, rồi cái tiền thuế vào lũ bia rượu cờ bạc thất nghiệp lông bông :(

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị nghĩ phải đóng thuế là chuyện thường thôi, muốn xã hội càng phát triển, càng có phúc lợi cao thì dân càng phải đóng thuế nhiều. Chỉ có điều nhiều khi quay cuồng vì thuế má các kiểu, bất cứ khoản thu nào, hoặc nhất cử nhất động nào đều phải đóng thuế, thì rất xót ruột. Đặc biệt nhiều người họ có công việc tốt, có tiền, vì họ đã cày cuốc học hành thật lực, và mua được cái nhà là do họ dành dụm thật lực, chứ có phải tiền từ trên trời rơi xuống đầu họ đâu. Thuế má nặng quá khiến mình có cảm tưởng có tiền có tài sản như là một cái tội trong xã hội tư bản. Còn người không có việc tốt, không có tiền, do đó được coi là nghèo, cần xã hội trợ cấp, thì lý do chỉ đơn giản là trong lúc người khác cày cuốc học hành thì họ lười nhác, lêu lổng, chứ chẳng phải do hoàn cảnh đen đủi gì mà xứng đáng được trợ giúp.

      Delete
  2. Người giàu cũng khóc - Người giỏi có nỗi khổ của người giỏi mà nàng :-), nhưng không lẽ lại chọn dốt với nghèo ? Thôi thì cứ cày trên cánh đồng của ta vậy :-)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, đúng đấy bác Sấu. Chúng ta cứ cày cuốc thật lực, dành dụm thật lực, rồi hàng năm nhìn một khoản thu nhập lớn của gia đình đội nón đi sang sở thuế, rồi lại nghe dân Ý nghèo chửi dân Ý giàu và chính phủ sợ làm người nghèo nổi giận nên lại càng bóp cổ người có tiền hơn nữa, thì thấy đời cũng hơi bị bất công của nó.
      Năm ngoái nhà em dính tí mua bán bất động sản, nói chung không dám tổng kết đã trả bao nhiêu tiền thuế vì sợ biết con số thì lại khó ở. Thôi quên đi là hơn.

      Delete
  3. Chuyện thuế thu nhập thì em ko biết, nhưng về thuế bất động sản thì em nghĩ nó cũng có lý của nó. Thuế như thế để hạn chế người có tiền đầu tư quá nhiều vào bất động sản, đẩy giá nhà cao quá người dân ko mua nổi.
    Như giá bất động sản ở Việt Nam cao gấp mấy chục lần thu nhập bình quân, trong khi đấy bao nhiêu dự án hoang, biệt thự hoang vì đại gia găm giữ, lãng phí vô cùng.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị nghĩ tư bản đánh thuế bất động sản không nhằm mục tiêu điều tiết thị trường mà nhằm mục tiêu tăng thu cho nhà nước. Muốn tăng thu thì phải bám vào đứa có tóc chứ không ai bám vào kẻ trọc đầu. Như vậy, theo logics của họ, đứa nào đã đủ lực để mua cái nhà thứ hai thì tức là đứa có tóc, do vậy phải bóc lột nó thật lực. Không chỉ trong lĩnh vực bất động sản mà cả trong những lĩnh vực khác, ví dụ cái xe đầu tiên thì không sao, đến cái xe thứ hai, đặc biệt là xe thể thao, xe sưu tập, thì cũng bị lôi lên thớt.
      Giá bất động sản của VN như vậy ngoài việc quản lý kém của nhà nước ra thì còn do thói quen và tâm lý của người VN nữa. Một sếp chị ngày trước nói rằng “người VN chúng mày có cách tính giá trị bất động sản rất lạ. Chúng mày chỉ cần nghe nói khu đó giá mấy nghìn một mét vuông, thế là chúng mày lấy mẩu giấy, tự nhân lên với số mét vuông chúng mày có, ra một con số rất vô lý nhưng chúng mày cứ đòi nằng nặc con số ấy, và người khác cũng ào ào tin theo”

      Delete
  4. Đợt trước ở Pháp cũng có phóng sự về những lâu đài làm khổ con cháu như vậy. Sau khi Chính phủ thấy nguy cơ mất lâu đài vào tay các con buôn Nga, Trung đông, Trung Quốc nhiều quá, bèn ra lệnh hạn chế mua bán sao đó. Ngoài ra họ còn hay sửa lại để cho thuê theo dạng hotel nữa, nhưng có vẻ cũng không phải là 1 good business. Nhưng đúng là quá đau lòng khi làm lụng cả đời, để lại cho con cháu miếng ngon nhất thì nó lại ko giữ được.

    SS.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chính phủ Pháp còn có chính sách như vậy chứ hình như chính phủ Ý không có chính sách như vậy đâu. Họ quan niệm thị trường tự do, ai cần tiền thì bán, ai có tiền thì mua. Chồng bạn chị chắc sớm muộn cũng phải bán hoặc tặng cho nhà nước tòa lâu đài của nó thôi, vì chắc chắn không bao giờ đủ tiền để tu sửa, mà để như thế thì càng ngày càng xuống cấp, chỉ còn là cái xác nhà chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần chứ chẳng có ý nghĩa gì về mặt kinh tế, thuế thì vẫn phải trả đều.

      Delete
  5. Nàng ơi, tớ muốn hỏi thăm nàng chút đây. Tớ đang định bọn trẻ con nghỉ hè cả nhà sang Salento nghỉ khoảng 2 tuần. Nàng làm ơn tư vấn giúp tớ với, ở vùng nào là đẹp, có thể vừa tắm biển vừa dã ngoại, phương tiện đi lại ở đó như thế nào, thuê ô tô tự lái có tiện không, từ sân bay gần nhất đi về đó ra sao. ..Tớ cũng có tìm hiểu qua anh google nhưng vẫn mơ hồ quá. Có nàng người thật việc thật ở đây phải chớp lấy hỏi ngay. Cảm ơn nàng nhiều.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn đi nghỉ ở Salento thì phải thuê xe tự lái vì hệ thống giao thông công cộng chỉ kết nối những địa điểm lớn. Puglia dài và hẹp, đi từ biển bờ đông sang biển bờ tây chỉ 30 km thôi. Một khi đã lên xe đi thì 10 hay 20 km cũng không khác gì nhau, thế nên bạn có thể thuê nhà ở bất kỳ nơi nào bạn muốn chứ không cần phải băn khoăn chuyện có gần biển không.
      Trong vùng Salento của Puglia, nếu bạn muốn ở giữa thiên nhiên thì bạn nên chọn ở vùng hạ Salento, vùng hạ đẹp hơn vùng thượng vì vùng nông thôn đẹp hơn, nguyên sơ hơn. Nhìn trên bản đồ nó ở khoảng thị trấn Maglie trở xuống. Thuê một căn nhà nhỏ ở vùng nông thôn, hàng ngày đi ngắm cảnh nông thôn, hoặc lên xe ra biển, mỗi ngày đi thăm thú một bãi biển khác nhau, hoặc vào thăm một thị trấn tỉnh lẻ yên tĩnh nào đó. Nhiều thị trấn đẹp vô cùng. Ngoài ra, bạn có thể thuê một căn hộ nhỏ ở thủ phủ Lecce, thành phố này rất đẹp, tiện ăn uống mua sắm. Từ sân bay Brindisi về tới Lecce chỉ khoảng 45 phút, bạn dựa vào đó để ước lượng những khoảng cách khác.
      Biển ở Puglia, nếu bạn nhìn vào bản đồ, bờ biển bên phải là bờ biển đá, bên trái là bờ biển cát. Nếu bạn muốn ở gần biển cát hợp hơn cho trẻ con thì tìm nơi ở gần Pescoluse, Torre Pali, gần chỗ đó có bãi biển được mệnh danh là Maldive của Salento.
      Nói chung đây là một khu còn hoang sơ nên phải đi sục sạo thám hiểm khắp nơi, thấy chỗ nào hay thì dừng lại. Chúc bạn và gia đình một kỳ nghỉ vui vẻ.
      À nếu bạn muốn đổi hình thức giải trí cho trẻ con, bạn search Puglia for kids. Có nhiều công viên nước và suối khoáng lắm, nhưng mình chưa thử bao giờ.

      Delete
    2. Cảm ơn nàng nhiều lắm. Nàng chỉ dẫn chu đáo tận tình quá. Cần gì tớ lại ới nàng tiếp nhá :)

      Delete
    3. Ok, bạn đi về phát biểu cảm tưởng cho mình biết nhé ;-)

      Delete
  6. Tớ ở Đức, một trong những nước phải đóng các loại thuế và bảo hiểm cao nhất và nhà tớ luôn phải đóng ở mức khá cao . tớ thấy việc đóng thuế, trợ cấp xã hội, bảo hiểm thất nghiệp,...và các thể loại bảo hiểm của nhà nước khác là hợp lý hợp tình và văn minh dù có thể có điểm nọ điểm kia chưa thưc sự phù hợp với thực tế. Còn như ở nhà mình ai ai cũng lo dấu diếm luồn lạch đút túi riêng thì thế nào nàng biết rồi đấy.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tớ cũng không phản đối việc đóng thuế. Tớ coi đó là trách nhiệm đối với xã hội. Nhưng thuế để mang đi nuôi nhiều đối tượng khỏe mạnh mỗi tội lười nhác tớ thấy không hợp lý lắm. Tớ cũng chúa ghét những chính trị gia thực dụng, biết dân ít tiền đông hơn dân có tiền, nịnh dân ít tiền thật lực bằng cách o ép dân có tiền, hoặc thậm chí hứa những lời hứa biết thừa là hão, mục đích là kiếm phiếu bầu bằng mọi giá, điển hình là Pháp và Hy lạp.
      Riêng Ý, ngoài sưu cao thuế nặng thì luật pháp còn được soạn từ thời cộng sản, tức là dân vô sản sẽ được bênh vực hơn dân có tài sản. Bạn ở Đức hệ thống luật pháp nhanh nhạy hơn, người dân có ý thức hơn, chắc sẽ khó tưởng tượng những ca thậm vô lý trong đó mình đúng hoàn toàn mà đành phải chịu thua ở Ý.

      Delete
  7. Em ko biết các nc C. Âu thế nào, nhưng mà chỗ em thì c/s trợ cấp thất nghiệp cũng đâu đến nỗi vô lý. Họ làm thế này chị à: trợ cấp thất nghiệp 6 thg thôi (sau 6 thg mà chưa có việc cũng bị cắt), mà em nghe nói là được trả theo tuần, tuần nào cũng phải gọi vào báo cáo là đã nộp đơn xin việc những đâu, thì tuần đó mới có check gửi về. Mà hình như cũng ko đc full pay chị ạ. Trợ cấp thất nghiệp này cũng từ những ngày mình có việc làm góp vào quỹ an sinh XH. Chứ mới làm đc vài thg mà bị laid off thì cũng chưa có đủ credit mà xin.
    Còn những ng thu nhập thấp thì chỉ đc food stamp thôi ạ. Ko đổi ra tiền mặt để đi chơi hay mua rượu bia đc. Em thấy ng ăn xin ngoài đường hiếm khi em cho chị ạ, vì họ xin để mua rượu và thuốc lá thôi.
    2 anh chị ng Bỉ ở trên, em nghĩ có khi ngoài tiền trợ cấp, họ cũng có tiền để dành. Rồi trong lúc thất nghiệp rảnh rỗi thì tranh thủ du lịch thôi đó à. Chứ lúc đi làm thì tg đâu mà đi du lịch.
    Còn thì em hiểu vụ đánh thuế chị nói. Em cũng thuộc dạng đủ ăn thôi nên đành kiếm job thứ 2 để kiếm thêm. Lương job này, làm thì cực mà bị đánh thuế gần hết (vâng, net pay chỉ còn vài đồng, cuối năm khai thuế vẫn phải đóng thêm) vì bị nó nâng thu nhập em lên 1 bậc mới. Em vừa chán vừa bực nên bỏ luôn. CPVN cứ nói tư bản bóc lột ng nghèo chứ mà ngược lại thì có. Chính ra chế độ +sản mới là bóc lột dân nghèo, bóc lột giai cấp vô sản mà nó đại diện. Thôi chết em dính tới ch.trị rồi, em xì top chị ạ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Kiwi đang ở đâu? Các nước Bắc Âu có chế độ trợ cấp tốt hơn các nước khác nhiều mặc dù với tình hình hiện nay thì sớm hay muộn cũng phải xiết lại thôi.
      Hai cô cậu người Bỉ kia đi du lịch bằng tiền gì thì chị cũng thấy nực cười. Bằng tiền trợ cấp thì chứng tỏ trợ cấp hào phóng quá. Bằng tiền cá nhân thì chứng tỏ bản thân vẫn còn khá chán, chưa cần tới trợ cấp của xã hội. Nhìn kiểu hai cô cậu đấy thì có thể đoán là người làng nhàng, an phận, trước đây có việc làm nhúc nhắc nên xã hội may không phải trợ cấp cho, chứ nhất định không phải là người có khả năng đóng thuế ra tấm ra món cho nhà nước và giờ đen đủi mất việc thì được nhà nước đền đáp lại. Tóm lại, ý chị là trong xã hội tư bản, chỉ cần ỳ ra, không sợ mất mặt, là được cõng luôn bởi những người chăm chỉ, có ý thức, có chí tiến thủ. Nói một cách đơn giản, em chăm chỉ, cẩn thận, em quét nhà sạch, thế là em được mẹ giao nhiệm vụ quét nhà vĩnh viễn, trong khi chị em lười và ẩu thì lại không phải quét nhà vì “Nói mãi nó mới thèm quét và nó quét xong người khác toàn phải quét lại”. Em có khả năng sẽ ức chế và suy nghĩ rằng em ngoan, chăm chỉ, cẩn thận hóa ra ra lại là bất lợi, lại thành cái tội, thà ẩu và lười còn hơn. Và ở vị trí của mẹ em thì có lẽ phải rèn cho chị em trở nên chăm chỉ cẩn thận hơn thay vì đổ hết lên đầu em như thế.
      Em nói rất đúng ở chỗ tư bản giãy chết mới toàn lấy của người giàu chia cho người nghèo, còn các xứ thiên đường vu cho người khác thì giỏi lắm, nói thì hay lắm mà làm thì dở như hạch, dân nghèo vừa bị bóc lột tận cùng vừa chẳng có được chế độ phúc lợi nào ra hồn.

      Delete
  8. Em đồng ý là chính sách trợ cấp thất nghiệp (ít nhất ở Đức nơi em sống - biết đến đâu chỉ dám nói đến đấy) có tạo điều kiện cho nhiều người ì ạch, không chí tiến thủ, không chịu phấn đấu học hành lao động - được sống "phởn phơ".

    Tuy nhiên, đấy chỉ là mặt bị lạm dụng của chính sách thôi, chứ về căn bản bọn làm chính sách nó cũng xiết rất chặt, để mọi nhu cầu của người lĩnh trợ cấp bị dí xuống mức tối thiểu.

    Đơn cử như vụ đi du lịch. Theo luật ở Đức, dân ăn trợ cấp vẫn có quyền được nghỉ vacation, nhưng chỉ vỏn vẹn đúng 21 ngày trong một năm, trong thời gian đó vẫn được lĩnh tiền trợ cấp như thường. Muốn đi phải lên xin giấy phép trước, nó cho phép mới được đi. Kể từ ngày thứ 22 mà không ló mặt về trình diện là nó cắt sạch sành sanh cả tiền ăn, tiền nhà. Đi về phải trình toàn bộ các giấy tờ liên quan: vé tàu xe, book nhà nghỉ các kiểu, rồi tiền đâu ra mà trang trải chi phí...Cũng chẳng dễ chịu gì.

    Thế nên em vẫn cho rằng ai nỗ lực học hành lao động cật lực hơn người, đến lúc hưởng thụ cuộc sống cũng sẽ hưởng thụ hơn người.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vấn đề chính là ở khái niệm “tối thiểu” ấy đấy. Tối thiểu thì chỉ nên là đói có ăn, khát có uống, ngủ có nhà, trời lạnh có nước nóng, có nhà ấm, và có quần áo mặc. Chứ thêm khoản du lịch vào là nghe không thuyết phục rồi. Thực ra xét về mặt kinh tế, chính phủ cho phép đi du lịch có lẽ là vì họ ở nhà thì cũng tốn của chính phủ chừng đó tiền. Nhưng ý chị muốn nói là đang thất nghiệp thì phải tập trung vào xin việc, trình độ thấp quá thì phải học để nâng cao đặng còn xin được việc, và còn đồng nào là phải tiết kiệm thật lực ngộ nhỡ còn lâu mới xin được việc mới. Chứ đang ăn trợ cấp xã hội mà lại đi chơi thì chắc là vẫn chưa đến hồi thực sự lo lắng cho tương lai của mình, tức là chưa cần trợ giúp của xã hội. Tiền thuế dân có hạn thôi, phải chi cho những người thực sự cần.

      Delete
    2. nói về việc thế nào là tối thiểu, em thấy nó khó. như ở pháp, em thấy có ngườihọ xin mãi không ra việc, họ đànhsống với những gì xã hội cho, kiểu liệu cơm gắp mắm, nhà thuê từ nhà trợ cấp của nhà nước (vẫn đầy đủ lò sưởi, gas, cửa ra vào có camera, nhấn nút ở trên lầu là ở dưới nó mở, cái này nó hiện đại hơn 1 căn hộ 10tỷ ở sàigòn hôm bữa tết emvề chơi, chủ nhà phải đi thang máy xuống mở cửa cho khách lên). Mà thấy nói chínhphủ cho đi học xong, học lại rồi vẫn ko có việc, emcũng ko hiểu sao. kiểu vậy ở Việt Nam chắc ở nhà lá rồi, xách cái mẹt rachợbán rau mà chắc không có chỗ bán chạy tới chṣy lui a. Thì ở đây người ta vẫn sống nhẹ nhàng được, nên ng ta dễ bị ỳ hoặc kén chọn, việc không ưng là không đi làm vội.

      Delete
    3. Em thấy không, kẻ không có tiền không ưng việc thì không đi làm, nhưng kẻ có tiền dù có không ưng thì vẫn cứ phải xì tiền trả thuế. Em cứ phải còng lưng nuôi một thằng rất khỏe mạnh nhưng không đi làm vì không ưng việc thì em có chịu nổi không? Chị không nói tới những người trình độ cao, không có việc thích ứng với trình độ của họ nên họ phải chấp nhận thất nghiệp tạm thời, mà chị đang nói tới mấy người làng nhàng, an phận, ỉ lại vào sự bao bọc của nhà nước. Chị ủng hộ việc trợ giúp cho những người thực sự cần. Nhưng những người vẫn còn kén cá chọn canh được thì họ chưa cần.

      Delete
  9. em thấy vụ này chị Giang lo tài lao rồi: chính phủ họ cũng không bị mù câm điếc để cướp của những ng lao động cật lực chia cho những kẻ lười nhác lao động đâu. Họ cũng cân đo đong đếm từng đồng khi trợ cấp một ai đó, mà số tiền đó cũng chỉ đủkhông đói rách thôị, chứ không dư để mua 1 cái vé xemphim chobả thân chứ đừng nói là đi dulịch. giống như họ đảm bảo là dù thế nào thì c̃ng có căn hộ ấm áp trong mùa đông thế thôi, chứ có thu nhập thì tự lo đi. Căn bản là ai khai thuế thật ra hết và ai trốn đi được bao nhiêu. mấu chốt là ở đây. em nghĩ thế. Ý thì em giao dịch vài lần, họ cũng prefer cash giống châu á lắm, còn đương nhiên người có nguyên 1 cái laâu đài người ta phải biết cách khaithuế của ng ta.em nghĩ thế.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Là em không biết đó thôi chứ hiện tượng người ăn trợ cấp xã hội đi du lịch rất phổ biến, toàn dân tây ba lô vật vờ. Chị đã nghe từ lâu nhưng lần đó mới có cơ hội chứng kiến.
      Về việc trốn thuế, có những nghề chị nghĩ có thể trốn thuế thu nhập được, ví dụ những ngành nghề giao dịch bằng tiền mặt hoặc những ngành nghề kinh doanh điều chỉnh sổ sách kế toán thế nào đó chị không biết. Nhưng có những ngành nghề không thể trốn thuế thu nhập được, ví dụ những công chức được nhà nước trả lương trực tiếp vào tài khoản, nhà nước lấy thuế trước rồi mới trả lương. Những giao dịch mua bán tài sản cũng không thể trốn thuế được vì tài sản đổi chủ phải đăng ký vào hệ thống quản lý tài sản của nhà nước.
      Ngân hàng cũng quản lý chặt phần tiền mặt để hạn chế rửa tiền hoặc tiền trốn thuế. Ví dụ ở Ý, bất kỳ giao dịch nào quá 1000e theo luật đều phải thực hiện qua ngân hàng chứ không được dùng tiền mặt. Do đó, em không thể rút quá 1000e hay cho vào tài khoản quá 1000e một lần. Tuy nhiên, dân Ý nhiều người giao dịch tiền mặt không giấy tờ để trốn thuế hơi nhiều, chị cũng không biết họ làm cách nào nhưng chị nghĩ chắc chắn rủi ro cao vì nếu bị lật kèo thì biết kiện ai? Nhà nước thất thu thuế, thu không đủ chi, thì lại tìm cách tăng thuế vào những người có tài sản và thu nhập cao.

      Delete
  10. mấy anh trung quốc hay trung đông mà sở hữu lâu đài ớ châu âu phè phỡn được là do anh ấy trốn thuế thôi, không thì anh ấy cũng bỏ của chạy lấy người thôi. đúng không chị?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không thể trốn thuế được. Khi em thực hiện giao dịch mua bán bất động sản, hợp đồng giao dịch sẽ được đăng ký chính thức với chính quyền, nhờ chính quyền xác tín cho, chứ không đơn thuần là bản thỏa thuận giữa người mua và người bán. Với tư cách là người mua đặc biệt là người nước ngoài, việc này bảo vệ cho quyền lợi của em. Ví dụ, em là người Qatar mua nhà bên Ý, em tự thỏa thuận, thảo hợp đồng, với người bán và chuyển tiền, chỉ thông qua khâu môi giới mà bỏ qua khâu chính quyền, thì khả năng em sẽ bị lừa, người bán cho em giả mạo giấy tờ chứ không phải là chủ sở hữu của tài sản em định mua, hoặc tài sản đó đang bị tranh chấp hoặc gán nợ ngân hàng mà họ giấu em. Một khi đã bỏ tiền triệu vào một bất động sản, em thà thuế bao nhiêu trả bấy nhiêu chứ không muốn bị rủi ro kiểu này.
      Một khi tài sản đã được chuyển sang tên em, thuế bất động sản hàng năm em sẽ phải trả. Em không trả chính quyền nơi có tài sản sẽ liên lạc với đại sứ quán nước họ đặt ở nước của em, đại sứ quán sẽ liên lạc với chính quyền nước em để tìm ra em cho bằng được. Rất mất thời gian nhưng họ sẽ lần ra được.

      Delete
  11. Ở pháp có rất nhiều ng ăn thất nghiệp và đi chơi như bác kể, phần lớn là những người vừa thất nghiệp, tiền trợ cấp chưa bị giảm dần và còn kha khá tiền tiết kiệm. Có một số bộ phận đã thất nghiệp lâu nhưng vẫn đi chơi đc, trong đó có khá nhiều ng Việt Nam, thường họ đi về Vn khoảng 1-2 tháng sau đó phải quay lại trình diện, nói chung là quỹ bảo hiểm, quỹ thất nghiệp, quỹ lương hưu chả mấy mà vỡ đến nơi rồi, nhiều abuses quá.
    Tuy nhiên vụ mua lâu đài ở Pháp lại là một hình thức để giảm thuế của ng giàu, vì tiền bỏ ra tu sửa sẽ đc trừ đi trong số tiền phải đóng thuế thu nhập, ngoài ra còn có một số chính sách khác như giảm thuế đất hay ko đánh thuế tiền cho thuê trong một khoảng thời gian. Đây chính là động thái của chính phủ để gìn giữ các bds đc xếp hạng, ko thể gọi là trốn thuế. Chắc bên Ý ko có luật như thế, chứ ko số tiền bác bỏ ra sửa ngôi nhà bên đấy có thể đc trừ thuế.
    Còn vụ cho thuê nhà mà ko đòi đc thì bên này cũng khổ ko kém như bác kể, nhiều vụ vãi lúa lắm còn bị bọn nó chuyển lén vào ở ko đuổi đi đc. Chính vì vậy mà bây giờ đi thuê nhà nhiều chỗ đòi lương phải cao hơn 3, 4 lần tiền thuê, rồi có người bảo lãnh đủ thứ mới đc thuê :-/

    ReplyDelete
    Replies
    1. A cô Chi đây rồi, cho bác hỏi thế anh Hollande lúc đang tranh cử có dọa sẽ đánh thuế những người giàu nhất lên tới 75% hay 90% thu nhập bác không nhớ, làm dân nghèo nức hết cả lòng còn dân giàu nổi giận, giờ đã thực hiện được chính sách thuế đó chưa?
      Còn việc trùng tu lâu đài, các hình thức khuyến khích như em nói của chính phủ chỉ nhằm mục đích dùng tiền tư nhân trùng tu lại di tích xếp hạng vì dù sao chính phủ cũng không có tiền làm việc đó, chứ không phân biệt ai sở hữu, bán cho ai cũng được, người Pháp hay người nước ngoài, đúng không?
      Bác không có lâu đài nên không biết sự vụ ở Ý ra sao. Nhưng bác biết nếu sửa nhà hoặc trùng tu bất động sản thì có được hoàn thuế. Nhưng chỉ được hoàn thuế trên một số tiền nhất định do chính phủ quy định, bất kể thực tế em chi bao nhiêu. Ở Ý khung trần là 100k euro. Em có chi hết 500k sửa nhà thì chính phủ cũng chỉ tính số hoàn thuế dựa trên con số 100k kia thôi. Thuế em vẫn phải trả hết trong năm em sửa nhà còn số tiền hoàn thuế sẽ được trả lại dần dần cho em trong vòng 10 năm sau. Nói chung vẫn chỉ là chính sách trợ giúp cho những người ít tiền, chứ bọn đã mua villa hạng sang hoặc lâu đài thì phải chi gấp chục lần đến vài chục lần 100k để tu bổ chứ 100k không thể làm được cái gì cả. Nó cũng như kiểu thôi tao lột của mày 1 tỷ tiền thuế và lì xì lại cho mày mấy chục nghìn cho mày đi uống cà phê cho sướng ;-)))))

      Delete
    2. Vụ thuế 75% vừa hết đầu năm nay thôi bác ơi, nó kéo dài trong 2 năm, dự tính chỉ đem lại tầm 260mio trên tổng số 70bio tiền thuế thu nhập, nói chung là muối bỏ biển và chỉ tổ làm điên tiết những người tài giỏi. Hầu hết ng giàu đều chạy sang Anh, Bỉ, Thụy sĩ, Luxembourg cả. Đầu tiên luật này bị bác bỏ vì vi phạm hiến pháp, sau khi sửa chữa lằng nhằng thì đc thông qua khi ko chạm đến giới luật sư, bác sĩ, nghệ sĩ nữa, giới footballer thì là do club trả phần thuế đấy (!!). Đại loại là một trò mị dân, mà em nghĩ dân nó cũng chả ngu đến mức ko hiểu động đến chủ thì chả mấy chốc động đến bát cơm của nó, chỉ là dân anti sarkozy quá nên anh Hollande mới thắng.

      Vụ lâu đài thì các chính sách giảm thuế đều chỉ dành cho những ng đóng thuế thu nhập ở pháp, với mục đích khuyến khích nhà đầu tư ng pháp. Lâu đài, di tích thì hình như ko có khung trần bác ạ, còn nhà bình thường thì có khung trần và đc hoàn thuế dần như bác nói, thôi thì giảm đc đồng nào hay đồng đấy, dắt cạp quần đi uống cà phê :))

      Delete
    3. Haiz, thì hóa ra chính sách thuế 75% vào thu nhập của người giàu của anh Hollande bên Chi cũng tương đương chính sách tặng 80euro cho người nghèo mỗi tháng của anh Renzi bốc đồng bên chị. Khoản 80 euro nịnh người nghèo mỗi tháng nó cũng chả giúp được người nghèo là bao, trong khi những thành phần (thiểu số) bị cắt giảm lợi ích, bị tăng thuế, để dôi ra được khoản ngân sách tặng số người nghèo đa số kia, thì bị thiệt hại nặng nề.

      Delete