Friday, December 5, 2014

Cancel that violin class? (hết)

Gần đây chị bạn tôi kể, chị ấy có ông con 14 tuổi, học giỏi, tennis giỏi, bóng đá bơi lội giỏi hết, lại chơi được cả piano rất khá, chỉ mỗi tội chưa bao giờ xa gia đình. Chị ấy bảo chị ấy thu hết can đảm gửi con sang nhà một người bạn ở Monte Carlo mấy tuần. Ông con lần đầu tiên phải bắt xe bus đi đây đó chứ không được tài xế mẹ đưa đón tận nơi, lần đầu tiên tự mình đi bộ sang đường, phấn chấn đến độ tuyên bố Monte Carlo là nơi lý tưởng nhất trên thế giới và muốn ở lại đó luôn khỏi về nhà nữa.

Một chị bạn khác của tôi có đứa con trai 17 tuổi, nhạc, họa, thể thao, văn hóa, giỏi hết mà chẳng có kỹ năng sống gì ra hồn. Vợ chồng chị ấy bèn ghi tên cho con học một khóa “Sống sót trong sa mạc”, định cho nó dạn dày sương gió lên chứ bấy bớt quá ra đời sống làm sao. Tưởng gì chứ sa mạc ở đây lại hơi sẵn. Thế là ông mãnh và mấy ông mãnh khác được huấn luyện một số kỹ năng sống sót cơ bản rồi mang thả ra ngoài sa mạc. Mỗi người chỉ có một chai nước nhỏ, phải nhìn mặt trời mà xác định phương hướng tìm đường ra tới đường cái và xin đi nhờ xe về nhà. Chị bạn ở nhà hoan hỉ đợi, tưởng con sẽ về được tới nhà. Ai dè vài tiếng sau ông con gọi điện khóc tu tu, rằng thì là nước thì đã uống hết từ đời nào, giữa sa mạc chang chang đã đi bộ mấy tiếng mà vẫn không xác định được phương hướng, cả lũ sắp chết khát hết rồi. Thế là gấu mẹ vĩ đại tức tốc gửi trực thăng đi giải cứu. Từ đó ông con lại ăn ngon ngủ kỹ trong phòng máy lạnh, biệt thự kín cổng cao tường, người làm ra vào nườm nượp, một bước ra đường là có tài xế, chả kỹ năng sống sót thì đừng.

Chúng ta cứ cắm đầu dốc sức xây một cái tổ thật êm để làm gì, nếu sau đó phải lo lắng vì cái tổ êm quá?

Và tôi cũng cứ sợ như trường hợp gia đình của người họ hàng bên nhà chồng tôi. Bố mẹ cũng khá giả nên cho ông con học đủ thứ ngay từ hồi 4, 5 tuổi, đàn, bóng rổ, bóng đá, đấu kiếm, tennis, bơi, và cả trống, học thử đủ món để cho ông tự khám phá ra món ông thích. Sau vài năm thử đủ món, cuối cùng thì ông chốt lại món trống. Bố mẹ mua cả bộ trống hoành tráng, làm cả phòng cách âm cho ông con tập trống. Thế rồi trái với mong ước của bố mẹ là tạo điều kiện cho con chơi một nhạc cụ như một thú vui, ông con trở nên mê trống như điếu đổ, bỏ bê học hành. Lê lết vật vã mãi mới xong lớp 12, không muốn đi học đại học nữa mà muốn đi đánh trống, ai nói cũng không nghe, mặc dù ngoài đam mê ra thì không có tài trống đặc biệt. Nhưng ngoài việc các ông tụ tập đánh trống với nhau ra thì chẳng có chỗ nào thuê đánh trống. Thế nên ngoài 20 tuổi rồi mà cứ nằm khểnh ở nhà, không học, cũng chẳng làm, đầu óc nghệ thuật bay bay không vướng bụi trần, bố mẹ già vẫn còng lưng nuôi, chẳng thấy tương lai ở đâu. Tôi không sợ con phiền mình, nhưng sợ nó không đủ lực để trụ được trong một thế giới càng ngày càng khó sống theo mọi nhẽ.

Thế nên là tôi cứ lưỡng lự. Được cái bọn trẻ con nhà tôi đi học thì thôi chứ về nhà không thấy chúng nó ngồi không hay buồn chán giây nào. Và cái trường chúng nó theo học, dù là một trường bình thường, cô giáo cô thì dịu dàng, cô thì cắm cảu, nhưng chúng nó rất hào hứng và luôn luôn học được nhiều thứ mới.

Ảnh; quả trứng con chim nào đó đánh rơi ngoài vườn sáng nay. Sau khi hoài hơi vừa hót chiếp chiếp vừa chỉ chỉ tay cho chim xuống lấy mãi mà chim chả buồn xuống lấy, Lê La Na bèn nảy ra sáng kiến bày một cái tổ, đánh dấu bằng vài bông hoa đỏ cho chim dễ tìm.
(và bây giờ thì chúng đang xếp lego trong phòng chơi, anh chị đang bảo con em im đi vì con em đã chân tay lóng ngóng không xếp được cái gì ra hồn mà mồm lại cứ tía lia chỉ đạo)

37 comments:

  1. Mình lại nghĩ khác bạn Giang ở một số điểm.

    Chẳng hạn, ví dụ cậu con trai mê đánh trống.
    Đành rằng cậu ấy có thể tài năng chưa tới, chưa đủ để làm nên sự nghiệp riêng với đam mê của cậu ta, nhưng cái quan trọng là cậu ta thực sự đam mê với những gì cậu ta thích. Bây giờ cái thú vui ấy có thể chưa giúp cậu ta "kiếm ra tiền", (vì tài năng chưa đủ, cơ hội chưa có ...), nhưng ít ra cậu ta biết sống hết mình với niềm say mê của bản thân. Làm nghệ sĩ, nhất là để thành danh, có tên tuổi, lúc nào cũng khó so với những nghề khác, nhất là những nghề mang tính ổn định cao tháng tháng lĩnh lương như nhân viên văn phòng, công chức, bác sĩ ... Thế nên nghệ sĩ hay bị người đời gọi là bọn "xướng ca vô loài". Trước kia mình cũng có suy nghĩ tương tự, nhưng khi sống ở nước ngoài, mình có điều kiện được xem, được khám phá nhiều hơn về giới nghệ sĩ (cả những nghệ sĩ thành danh lẫn ít tên tuổi), mình đã thay đổi quan niệm. Cuộc đời có trăm ngả rẽ, nghìn lối đi. Sự lựa chọn một nghề nghiệp ổn định lĩnh lương đều đều mỗi tháng chưa chắc đã hẳn là một lựa chọn tốt hơn làm nghệ sĩ, dù là nghệ sĩ ít tên tuổi đi nữa. Nếu con mình sau này lớn lên nó muốn trở thành một nghệ sĩ, mình sẽ tôn trọng quyết định của nó, chỉ giúp nó có thêm những yếu tố để cân nhắc, suy nghĩ, lựa chọn tốt hơn cho con đường đi của nó. Miễn là con mình thật sự say mê và hài lòng với sự lựa chọn của nó.

    Vấn đề của cậu con trai mê đánh trống kia thực ra chưa đến nỗi lo lắm, bởi cậu ta còn trẻ, mới ngoài 20. Mất vài năm loay hoay tìm hướng đi khi còn trẻ là điều bình thường. Nếu bố mẹ cậu ta có điều kiện, vẫn có thể nuôi và giúp cho đến khi cậu ta tự lập được. Tại sao không ? Đến những nghệ sĩ tên tuổi, thành đạt vẫn phải cần có những "mạnh thường quân" rộng rãi sẵn lòng tài trợ để có thể thăng hoa trong sự nghiệp của mình.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mình nghĩ những gì bạn nói về mặt lý thuyết thì hoàn toàn đúng. Mình cũng ủng hộ, vì phải thế thì mới có những nghệ sĩ thành danh cho mình thưởng thức những thành quả lao động nghệ thuật của họ.
      Hồi ở New York, đi ăn tối mình thường xuyên gặp diễn viên đi làm bồi bàn để nuôi mộng Broadway. Đã đi vào con đường này, cả nghìn người có khi không có nổi một người tỏa sáng, nhưng ít nhất họ cũng đủ thực tế để biết rằng họ phải tự thân vận động trước khi thần may mắn mỉm cười với họ. Và ngay cả khi không có được may mắn này, nếu họ không hối hận thì họ vẫn đáng được khen ngợi cho sự dám hết mình vì đam mê của họ.
      Chứ còn cậu bé này, nằm khểnh ở nhà đầu không chạm trời chân không chạm đất, cứ như may mắn sẽ mặc nhiên đến, cũng như bố mẹ thì mặc nhiên phải chu cấp cho mình, thì đơn giản chỉ là người được bao bọc quá mức nên không hiểu giá trị đồng tiền cũng như công sức của bố mẹ.
      Còn riêng cá nhân mình, con mình mà muốn theo con đường nghệ thuật thì mình không vui, mình sẽ ước con mình theo nghề khác, vì mình tự biết con mình không có gene nghệ thuật. Nhưng nếu nó quyết thì mình cũng không cấm được. Nhưng mình sẽ khuyến khích nó đi làm thêm một nghề khác để nuôi giấc mộng nghệ thuật của nó, kể cả làm bồi bàn, hoặc ra điều kiện muốn được mình tiếp tục tài trợ cho con đường nghệ thuật thì phải đạt tấm bằng luật sư chẳng hạn. Chứ còn cứ nằm nhà, thậm chí còn không buồn học tiếng Anh để mở rộng cơ hội tìm kiếm trên thị trường quốc tế, thì mình buồn lắm.

      Delete
    2. Mình nghĩ bố mẹ của cậu bé có lẽ có vấn đề trong cách giáo dục con từ nhỏ. Bọn trẻ con tây nói chung rất tự lập, nhất là những đứa có cá tính, có đam mê riêng. Do đó, việc cậu bé ham mê chơi trống như thế, nhưng lại sống ỉ lại vào bố mẹ thì kể cũng hơi lạ. Có lẽ do được nuông chiều từ bé, bố mẹ sẵn lòng chiều theo mọi yêu cầu sở thích mà lại ít giáo dục con về tính tự lập, sự chăm chỉ lao động. Khi đứa trẻ có được những gì nó muốn một cách quá dễ dàng thì nó dễ coi việc bố mẹ giàu có luôn sẵn tiền bao bọc nó mà không cần phải làm việc là chuyện đương nhiên.

      Thêm nữa có vẻ như bố mẹ cậu bé tuy nuông chiều con, nhưng lại không thực sự hiểu con mình, không nắm được tâm tư nguyện vọng của nó và cũng không chia sẻ, trò chuyện được với nó dù luôn sẵn lòng chiều theo mọi ý thích của nó, dẫn đến việc nó làm mọi việc theo ý thích của nó; bất chấp ý kiến của cha mẹ. Mình không chắc cha mẹ cậu bé đã từng cổ vũ cậu bé chơi trống, đi xem con mình biểu diễn và trò chuyện với con về sở thích của nó thay vì chê trách, la mắng nó khi nó không chịu nghe lời đi học đại học mà cứ mải mê chơi trống. Theo mình, cha mẹ thành công là cha mẹ làm bạn được với con mình, được on tin tưởng, chia sẻ và trò chuyện để nắm bắt được tâm tư của nó, cho nó những lời khuyên cần thiết mà không cần phải ép buộc, chê trách hay gây sức ép lên con mình.

      Delete
    3. Về chuyện định hướng nghề nghiệp cho con trở thành nghệ sĩ hay luật sư thì cha mẹ thường có xu hướng áp đặt (một cách tự nhiên, vô thức hay cố ý) mong muốn của bản thân lên con cái, muốn nó cũng đi theo con đường của cha mẹ (kiểu như cha mẹ là bác sĩ muốn con trở thành bác sĩ, cha mẹ là giáo viên thì muốn con là giáo viên v.v). Nhưng mỗi đứa trẻ sinh ra là một thực thể khác độc lập với cha mẹ, có những tâm tư nguyện vọng riêng, điểm mạnh điểm yếu riêng của nó mà cha mẹ cần phải tính đến. Có thể định hướng cho con, nhưng cũng khó sống thay cuộc đời của con mình được. Nếu nó sinh ra với thể chất, tính khí của một nghệ sĩ (dù có thể chỉ là nghệ sĩ nửa mùa thôi), việc phải đi học đại học, lấy được tấm bằng luật sư có khi lại là một cực hình đối với nó :)

      Mình biết một số người cũng từng là luật sư, doanh nhân, nhưng đến một lúc nào đó họ không còn thấy hứng thú với nghề nghiệp, họ tìm kiếm những giá trị khác với những gì họ đã làm trước tới giờ. Và họ chuyển sang làm ... nghệ sĩ đấy! Cũng thành công ở một mức độ nhất định. Làm nghệ sĩ quả là gian khổ, nghìn người mới có một người thành danh. Nhiều người phải lăn lộn làm đủ nghề khác như bồi bàn, DJ, trực đêm khách sạn ... để chờ cơ hội đổi đời. Nhưng mình cũng biết nhiều nghệ sĩ tuy không phải là những ngôi sao lớn kiếm hàng chục triệu đô mỗi năm nhưng họ sống thoải mái được với nghề. Họ cũng không cần nổi đình đám như những ngôi sao hàng đầu, mà bằng lòng với những gì họ có.Và quan trọng là họ hạnh phúc và yêu nghề lắm. Bảo họ đánh đổi sự nghiệp lấy một nghề kiếm nhiều tiền hơn thế, họ cũng không đổi đâu. Khi mình có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với họ, mình hiểu vì sao họ yêu nghề đến thế.

      Tóm lại là vấn đề không phải ở chỗ cho con đi học đàn, học trống rồi nó đâm ra ham mê theo đuổi sự nghiệp đàn, trống, nhất quyết không muốn làm theo nguyện vọng của bố mẹ, mà là ở chỗ bố mẹ đã giáo dục, định hướng cho con như thế nào từ lúc nó còn nhỏ.

      Delete
    4. Bạn gì ở trên nói rất đúng là vấn đề là bố mẹ quá nuông chiều và bao bọc. Mà thanh niên ở đâu tự lập chứ thanh niên Ý thì không tự lập vì Italian mothers nổi tiếng là bao bọc con. Ngay cả bây giờ, thanh niên ngoài 20 tuổi cứ nằm nhà mà không ai dám bắt nó đi tìm việc ngay cả việc quét dọn hoặc hầu bàn.
      Thêm một vấn đề nữa là có nuôi mà không có dưỡng. Nhiều người ngại spend time với con, cứ quẳng con vào một cái lớp nào đó mặc dù bản thân mình với kinh nghiệm sống và kiến thức của mình có thể dùng thời gian đó để thừa sức dạy cho con những điều tương tự hoặc thậm chí bổ ích thiết thực hơn. Nuôi trẻ con đâu phải cứ quẳng tiền vào là xong, hoặc thuê giúp việc là xong, hoặc tống nó vào một cái trường điểm là xong.
      Nhưng mà mình chỉ muốn nói chung chung chứ cũng không muốn bình luận quá nhiều về phương pháp của một bậc cha mẹ nào đó cụ thể. Mình biết rằng trẻ con còn bé thì còn ngoan, còn nghe lời, chứ đến tuổi dậy thì lại nổi cơn hâm lên thì cũng chưa biết đâu được. Mọi lý thuyết đều là màu xám.

      Delete
    5. Về chuyện định hướng nghề nghiệp cho con, mình nghĩ đó là điều cần thiết. Định theo hướng nào thì phải liệu cơm mà gắp mắm. Gene di truyền, công việc của bố mẹ, những quan hệ xã hội bố mẹ có, khả năng tài chính gia đình, và đặc biệt là quan sát của bố mẹ đối với đứa trẻ vv và vv. Nhưng mình sẽ chỉ định hướng âm thầm bí mật bằng cách khuyến khích và củng cố cho nó những môn mình biết sẽ là thế mạnh của nó, và cũng âm thầm bí mật cắt đi những râu ria có khả năng sẽ phân tán nó. Chứ oạch ra một cái lại tuyên bố “con sẽ phải trở thành luật sư” thì khả năng lớn sẽ bị nó bảo “bà thích luật sư thì bà đi mà làm luật sư” thì lại hỏng hết cả cơm cả cháo.
      Không loại trừ khả năng gặp phải đứa con black sheep thích sống mạo hiểm và làm những điều mình thích ngay cả khi nó hoàn toàn tréo ngoe. Mình sẽ không vui nhưng cũng không thể ép, miễn nó biết chính xác nó muốn gì, khả năng tới đâu và có kế hoạch cụ thể để thực hiện điều đó.

      Delete
  2. To thi chua thay dua tre nao cai gi cung gioi ma lai thieu ky nang song, ma nguoc lai dua ma cai gi cung gioi thi ky nang song cung thanh thuc luon. To chi thay dua nao tai nang dac biet mot linh vuc nao do thi moi mac benh nay, kieu chung no hoi bi tu ky lam sao ay.
    Cac truong hop cau ke tren day thi la loi tai bo me chung chu dau phai tai chung. Hai truong hop dau tha chung ra la chung lam duoc, to chac chan luon. Tha cang som thi cang tot. Chua tha bao gio ma doi tha ra ngay sa mac thi cha di ma don ve :) Truong hop thu 3 nguoi ho hang nha cau, song song voi viec tu do phat trien so thich ca nhan nhung neu duoc bo me dinh huong thi to nghi la se phat trien rat tot. To quan sat thay, o Tay co moi truong tot, neu tre con co mot dam me thuc su thi gan nhu bo me se khong phai lo lang gi ve su tu lap cua no trong cuoc song sau nay. Phai nhan manh mot lan nua la vai tro cua bo me trong viec giao duc tu nho rat quan trong, neu tre khong hoc thi lam sao nen nguoi duoc.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Kỹ năng sống có được là do cọ sát với thực tế. Trẻ con bây giờ học nhiều quá, bị đưa từ lớp này sang lớp khác, thời gian chơi không có, lý thuyết có thể giỏi nhưng ra đời toàn gà gô cả lượt. Tớ lấy ví dụ, cậu muốn con cậu học giỏi và chơi đàn giỏi, việc nhà cậu không cho nó đụng tay vì muốn nó tập trung cho hai việc trên. Con cậu chơi đàn cực giỏi, học văn hóa rất tốt, nhưng chưa bao giờ phải nấu cơm, thì làm sao nó biết nấu được, hoặc chẳng được tiếp xúc mấy với thiên nhiên, làm sao biết con gì cây gì nên chạm vào, con gì cây gì không. Tất nhiên nếu nó thông minh, đến lúc phải làm là nó sẽ học được nhanh thôi.
      Lỗi không phải tại trẻ con, tớ đồng ý với cậu lỗi là tại bố mẹ. Nhưng vấn đề là nhiều khi mình cứ nghĩ rằng đó là điều tốt nhất, và dốc sức đi theo hướng đó, để nhiều năm sau mới nhận ra điều đó không phải tốt nhất. Lúc đó lại cuống lên sửa mà chẳng hiểu là có kịp không.

      Delete
  3. Mới cho đi thử "Sống sót giữa sa mạc" có một lần mà cả bà mẹ lẫn đứa con nhụt chí, lại tiếp tục sống kiểu "công tử bột cớm nắng" như trước thì ... phải xem lại chính bản thân họ :). Bọn trẻ bây giờ nhiều đứa giỏi và táo bạo lắm, đi khắp hang cùng ngõ hẻm chả sợ gì cả. Thời của các "công dân toàn cầu" mà.

    Còn cậu bé ham đánh trống thì bố mẹ cậu ta cần nói chuyện nghiêm chỉnh xem cậu ta dự định thế nào, có muốn theo đuổi nghề drummer một cách chuyên nghiệp không ? Nếu muốn sống chết với nghề mà tài năng cũng chỉ có hạn thôi thì cậu ta hoặc chấp nhận ở mức làng nhàng, hoặc chuyển sang một công việc khác phù hợp hơn. Bố mẹ chỉ có thể nuôi cậu ta đến 25 tuổi thôi. Đặt ra một thời hạn rõ ràng như thế để cậu ta có trách nhiệm với chính mình, chứ có khi bố mẹ chiều quá, lại thấy nhà khá giả nên nghĩ không cần phải lo kiếm sống làm gì. Định hướng cho con cũng cần nghiêm khắc, rành mạch là vậy.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ông con công tử bột bị đi thực tế một lần dã man quá, về nhà lăn ra ốm một trận, bà mẹ sợ phát khiếp ;-)))))
      Còn ông quý tử drummer kia, ông ấy đã tuyên bố là làng nhàng cũng được vì ông ấy chỉ cần được chơi trống, không cần tiền. Tại bố mẹ ông ấy cái gì cũng cung phụng cho con đầy đủ, tắp lự, nên chắc ông ấy không hiểu là để sống mà chơi trống được thì cần phải kiếm được đủ tiền để trả tiền nhà, tiền ăn, tiền điện nước, tiền quần áo, thậm chí cả tiền thay trống khi trống thủng dùi gẫy, tức là cũng cần phải kiếm khá khá tiền.
      Hình như luật Ý quy định con trên 18 tuổi nhưng vẫn sống trong nhà cùng bố mẹ thì bố mẹ vẫn phải nuôi hay sao đó, nuôi đến tuổi nào thì mình không rõ lắm.

      Delete
  4. em thấy cái bọn huấn luyện thật là ngu, chương trình gì cầm chai nước lang thang trong sa mạc bảo tự sống sót. thế thì bố ai cung ko sống sót được chứnói gì bọn trẻ con. Trẻ càng học năng khiếu nhiều thì bọn nó thường rất tự tin vào bản thân, hoạt bát và năng nổ hơn đứa không học chứ. sao em thấy chị mô tả ngược.
    Mìnhcho con học để con hiểu, còn tương lai con thế nào: làm nghề gì kiếm sống, thành công hay thất bại. mình chịu.
    Em có con bạn, con gái duy nhất của 1 chủ doanh nghiệp, gia đình hướng từ đầu là học kinh doanh để thừa kế của ba mẹ. mà nó chỉ thích đàn piano thôi. đi học mỹ haysing gì nó cũng chơi đàn. và giờ gần 30 tuổi, nó là cô giáo dạy đàn, nó rất yêu công việc của nó, chị nhìn nó là chị biết nó ko thể kinh doanhgì được. Gia sản của ba mẹ thì vậy thôi, chứ thậtbsự ngoài kh̉ả năng chị à

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị nghĩ chương trình huấn luyện đó khó nhưng tất nhiên là khả thi, chẳng qua là các ông gà gô quá nên mới bị bể trận. Vì khi làm chương trình tất nhiên họ phải tính toán nên thả chỗ nào, giờ nào, cho bao nhiêu nước để cầm cự. Chị cho rằng trẻ con bị học nhiều quá sẽ bị mất đi nhiều bản năng sinh tồn tự nhiên vốn chỉ có thể phát triển khi chúng được tiếp xúc với thiên nhiên.
      Học năng khiếu nhiều nếu trẻ tự tin hoạt bát năng nổ thì theo chị không phải nhờ môn học năng khiếu mà là nhờ nó được tiếp xúc với nhiều trẻ khác và được kích thích, khuyến khích nên bạo dạn và cởi mở hơn những đứa trẻ suốt ngày bị nhốt trong nhà làm bạn với máy tính. Mà như chị đã nói ở entry trước, việc này hoàn toàn có thể được thay thế bằng một vài việc đơn giản ít tốn kém hơn nhiều mà vẫn cho kết quả tương tự. Nhưng chị không phản đối học năng khiếu. Chị chỉ cho rằng quan niệm cho trẻ đi học búa xua cho nó học được từng nào thì học không phải là quan niệm đúng đắn vì nó làm mệt trẻ con một cách không cần thiết và có khả năng làm trẻ bị động. Tức là không có người hoạt náo, bày trò, chỉ dẫn, mua vui (tức là cô giáo ở lớp năng khiếu), thì trẻ không biết làm gì vì không quen chơi một mình. Theo chị, cân bằng được giữa thời gian học cái mới và thời gian nghỉ ngơi của trẻ con là một bài toán khó của bố mẹ.

      Delete
  5. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  6. Sau này, nếu có con, em mong chúng được nuôi lớn trong 1 môi trường mà chúng không cần phải biết quá nhiều thứ không cần thiết chỉ để khỏi cảm thấy thua thiệt trong cuộc đua với các bạn cùng tuổi.
    Ở VN bây giờ, thật sự rất khó khăn để nuôi dạy trẻ con theo cách mà chúng nên được nuôi dưỡng.
    Bây giờ người ta còn bày trò thi vào lớp 1. Lại còn mấy đứa vào lớp 1 đều đọc chữ vanh vách. Tội cho trẻ con.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em có phải là Cinnamon trẻ tuổi nhưng nhiều ưu tư không đới?
      Nuôi trẻ con ở nhà đúng là khó. Vì trường lớp mắc bệnh thành tích, xã hội quá nhiều bất cập không biết phải khắc phục từ đâu, và văn hóa thấy ai khác mình là ném đá. Ở bên ngoài bị thế nên trong nhà bố mẹ phải làm gương cực tốt cho con, em ạ. Được cái những đứa trẻ lớn lên trong điều kiện như thế có nhiều ưu thế mà bọn trẻ con tư bản không có được. Như mình cũng có lớn lên trong điều kiện lý tưởng đâu mà cuối cùng vẫn ổn đấy thôi. Lạc quan lên, đừng lo xa quá ;-)

      Delete
    2. Dạ vâng. Đi học lười - ưu tư. Về nhà chán - ưu tư. Ra đường thấy xe nhiều quá - ưu tư. Lâu lâu thấy mình dở hơi quá - ưu tư. Vào bếp càng ưu tư và chờ entry chị lâu quá em cũng ưu tư nốt. May mà không phải tương tư bao giờ :))

      Delete
    3. Trời ơi nó đã được 20 tuổi chưa mà lại lắm ưu tư vậy trời. Theo quan sát của mình, người nào lúc trẻ càng ưu tư thì lúc già càng nhí nhảnh, và ngược lại.

      Delete
  7. Em chưa có con nên không dám bình luận về việc nuôi dạy trẻ. ^^ Khi tiếp xúc với trẻ con, em đánh giá cao những đứa trẻ biết cảm nhận cuộc sống theo cách riêng của mình, biết vui trước niềm vui của người khác, biết chia sẻ khi thấy những người xung quanh gặp chuyện buồn, nhạy cảm trước những điều bình thường quanh chúng. Em thích cách Lê-La-Na đánh dấu bằng hoa màu đỏ cho chim "nhìn thấy", thích quan sát cây nấm che mưa cho bọn kiến, nhìn giọt sương đọng trên cỏ buổi sớm, muốn chia sẻ khi nhìn thấy bạn nào đó nghèo khổ, bệnh tật... Với em, đấy là cuộc sống. Cho đến bây giờ, em vẫn giữ nguyên được cảm xúc với những thứ đơn giản như thế dù chưa từng qua một trường dạy nhạc, mỹ thuật hay dạy văn nào cả. Chúc các bé luôn có tuổi thơ vui, khỏe và thích khám phá! ^.^

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không biết có phải đánh dấu bằng hoa đỏ được cái đẹp nhưng sai lầm không mà hai ngày rồi mà quả trứng vẫn nằm vô thừa nhận giữa vườn, uổng công Lê La Na cứ chạy ra chạy vào kiểm tra liên tục.
      Chị cũng như em, thích những chi tiết nhỏ nhặt nhưng làm cuộc sống của mình đẹp đẽ lên, thích sự trong trẻo nhẹ nhàng mà thời gian hay những bộn bề của cuộc sống không khiến nó bị mất đi. Những niềm vui nho nhỏ này sẽ giúp trung hòa được những bất đắc ý khác trong cuộc sống. Tuy nhiên cũng phải cẩn thận, vì gặp kẻ võ biền chúng lại bảo “chả có gì mà cũng cứ hót lên cứ như là đời ngon lắm” ;-))))))

      Delete
  8. Trong bài trước, chị có nhắc đến những đứa trẻ khi ở một mình thì không biết làm gì. Em thấy người lớn cũng vậy, nhất là những người trẻ. Cảm giác như ở trong họ có một sự trống rỗng lớn mà họ cứ phải đi kiếm tìm giao tiếp, nhằm lấp đầy. Hễ ở trong hoàn cảnh vắng người, thiếu giao tiếp là họ thấy khổ sở vô cùng. Họ cứ muốn có "kết nối" với bên ngoài, không trực tiếp face to face thì lại text, facebook. Chị Giang có lời khuyên gì cho người cần phải học cách sống với sự cô độc một cách hòa hợp và vui vẻ không? Vì em nghĩ cảm giác cô độc và một mình là thứ rất khó tránh được trong đời sống của một con người

    ReplyDelete
    Replies
    1. Lời khuyên thì thiếu giề, vấn đề là hình như không có tác dụng. Vì chị đây cũng có một thanh niên tóc bạc cứ phải ở một mình là cuồng chân cuồng cẳng lồng lộn kiểm tra điện thoại liên tục xem có thằng nào rủ rê mình đi chơi không, không có thằng nào thì lại quay ra quấy vợ. Chồng chị cũng không có kỹ năng ở một mình.
      Chị nghĩ chơi một mình/ở một mình cũng là một kỹ năng phải thực hành nhiều mới được. Ví dụ, đứa trẻ quen chơi một mình với cái vườn, khi ra vườn nó tức khắc cảm thấy đây là thế giới của nó, góc này nó biết có loại cây có thể lấy lá nấu súp, góc kia có cái đệm kéo xuống là nhảy tưng tưng trên đó được, góc kia nữa có chậu hoa hay có hoa héo mà nó thường chơi trò tìm hoa héo ngắt đi, góc nữa có cái xe đạp ba bánh. Tương tự, khi nó hay chơi một mình trong phòng của nó, nó có thể nói chuyện với con búp bê này, nấu ăn cho con búp bê khác, làm nốt một cái giường chăn đệm đầy đủ cho gấu bông hôm trước đang làm dở, hoặc dựng một cái lều bằng chăn và ghế. Nó là một thế giới riêng, bận bịu, luôn tiếp diễn, cho đứa trẻ. Trong thế giới đó nó tha hồ tưởng tượng, sáng tạo, và chủ động điều khiển, mà không cần phải có người lớn bày trò cho nó làm theo. Theo chị đây là một khoảng lặng cần thiết giúp nó xây dựng một thế giới nội tâm phong phú. Miễn là nơi nó chơi sạch sẽ, thoáng đãng, có ánh sáng tự nhiên, và mẹ phải chú ý nghe ngóng. Chứ nó lủi thủi trong một cái phòng bẩn thỉu ngột ngạt tối tăm thì rất tội.
      Nếu bố mẹ luôn cố gắng lấp đầy khoảng lặng này sợ con buồn, bằng các thể loại lớp học và play dates rộn ràng, thì chị e rằng khi một mình nó sẽ bám dính lấy bố mẹ vì không biết phải làm gì.
      Còn cái sự trống rỗng ở người trẻ như em nói, chị nghĩ một là do thiếu kỹ năng “ở một mình” như chị đã nói ở trên. Hai là do tuổi, tuổi trẻ háo hức muốn xông ra đường kết bạn cũng là điều dễ hiểu, nó mà cứ ru rú ở nhà không cần ai thì còn sợ hơn. Ba là do tính người. Nhưng túm cái quần lại, lý do nào cũng liên quan tới thế giới nội tâm cả.

      Delete
    2. Em thấy cũng khó ghê. Vì rõ ràng nhiều người lúc bé rất có khả năng tự chơi, trí tưởng tượng phong phú, cho nó cái hoa cái lá nó cũng tự tưởng tượng ra thành cả một thế giới để chơi. Nhưng khi lớn lên, nó lại trở nên thay đổi rất nhiều, cảm thấy lúc nào cũng cần có người, có trao đổi, giao tiếp xung quanh. Hoặc có nhiều khi đứng giữa đám đông mà họ vẫn thấy cô độc, kiểu như không biết làm sao lấp đầy khoảng trống bên trong. Mà oái oăm là nhiều khi những người này lại rất ít bạn bè, rất ít những mối liên lạc với xung quanh nên họ lại càng có vẻ khao khát "kết nối". Nhiều lúc nghĩ thấy như thể họ có gì đó hỏng hóc, trục trặc trong tâm hồn trong quá trình lớn lên và trưởng thành. Thật không biết sửa chữa hỏng hóc từ đâu...

      Delete
    3. À không, nếu thế thì lại là vấn đề khác, không liên quan tới những gì chị nói ở trên. Nếu em đang ở tuổi rất trẻ, từ tuổi teen đến ngoài 20, thì những xáo trộn về tâm sinh lý, kiểu nhìn thấy chiếc lá rơi cũng buồn, cũng liên tưởng đến nhiều thứ chả liên quan, hoặc cảm thấy cô đơn lạc lõng giữa đám đông, hoặc một chút xíu sự vô tình của người khác cũng làm em cảm thấy tổn thương khủng khiếp, hoặc đùng đùng nổi loạn hoặc đóng cửa từ chối giao tiếp vì cho rằng không ai hiểu mình, vv và vv, đều là do hormones, em ạ, chị tin là thế. Qua giai đoạn này, tâm sinh lý của em sẽ cân bằng trở lại và sẽ không có xu hướng trầm trọng hóa sự việc như trước nữa. Quan trọng là em vẫn phải đủ sáng suốt để tiếp tục học hành và đặt những nền móng đầu tiên cho sự nghiệp, thay vì cứ xoáy sâu vào suy nghĩ rằng mình hỏng hóc.
      Em đã xem phim The big Wednesday chưa? Trong giai đoạn này người trẻ rất cần một điểm tựa, một người lớn đủ sáng suốt để giúp họ không lạc lối. Điểm tựa này thường là gia đình nhưng không phải người trẻ nào cũng may mắn có một gia đình vững. Trong phim, điểm tựa của các cậu bé là người đàn ông bán ván trượt. Ông ấy nói một câu rất đáng nhớ “Growing up is hard”.
      Nếu ngoài cái tuổi này rồi mà vẫn không có được cái nhìn cân bằng thực tế với cuộc sống, vẫn cứ bé xé ra to, đau khổ bi quan thái quá, thì chị cho rằng một là người này kỹ năng xử lý vấn đề kém, hai là có vấn đề thật. Vấn đề này có vẻ nhỏ, vì người bị vẫn sống bình thường như mọi người, ăn ngủ làm chơi lập gia đình đẻ con như tất cả mọi người, chỉ có điều họ không happy và do vậy hay làm khổ người xung quanh. Ở các nước phát triển là người ta coi đó là một vấn đề lớn, đi bác sĩ tâm lý ngay. Ở nhà thì chị không biết giờ ra sao, khả năng lớn là người bị vẫn phải tự chịu một mình và thậm chí còn không biết mình bị.
      Chỉ là suy nghĩ của chị ;-)

      Delete
    4. Trong psy test, có cái test personality (tên gì mà viết tắt của 4 chữ cái - em ko thể nhớ nổi), 2 trong 4 chữ đó: 1 là hướng ngoại, 2 là hướng nội.

      Họ nói là có nhiều người nhìn ngoài tưởng hướng ngoại vì cũng hòa đồng, nhanh nhẹn, nhưng thực chất, chỉ có mình họ có những lúc cảm giác lonely trong 1 đám đông... thì vẫn là người hướng nội. Những người này thường che giấu cảm xúc lonely đó nên lại hay cố gắng "kết nối"...

      Chắc bạn A ở trên thuộc tuýp này.

      Delete
    5. Cái test đó là MBTi.

      Delete
  9. Mình thich cái series "Cancel this violin class?" này quá bạn G à. Bạn G làm mình nổi hứng viết luôn một bài về the piano teacher. :) trên blog nhà minh.

    An Lâm
    www.songomy.blogspot.com

    ReplyDelete
    Replies
    1. Làm mình lọ mọ chạy sang đọc ngay. Blog cậu làm sao mình không comment được. Mình cũng thích những giáo viên nói thẳng ra cho mình nhờ, nhất là những thứ cần rất nhiều tâm sức thì lại càng phải biết con mình thực sự đứng ở đâu để còn có những định hướng đúng đắn hiệu quả. Như nền giáo dục phương Tây ca ngợi khuyến khích quá đà cũng không tốt. Mà nền giáo dục phương Đông ép uổng yêu cho roi cho vọt cũng không nên. Làm sao để cân bằng được giữa hai phương pháp này cũng là bài toán khó.
      Mình rất thích âm nhạc và nếu con mình thích thì mình rất vui lòng. Nhưng để cho nó đi vào con đường chơi nhạc thì không. Mình biết con mình không có năng khiếu hoặc ít nhất thế mạnh của nó là ở chỗ khác. Mình nghĩ mình sẽ khuyến khích nó học chơi một nhạc cụ nào đó khi nó lớn. Lúc đó âm nhạc sẽ chỉ có thể là một môn giải trí lúc nó rảnh rỗi chứ khó có thể thay đổi con đường học hành đã rõ ràng trước mắt của nó.

      Delete
    2. Mình thích bài viết của bạn An Lâm. Cũng tâm đắc với câu nói của cô giáo dạy piano :" Dù mục tiêu của bạn là gì, dù bạn có “năng khiếu” hay có trình độ “thẩm âm” hay không, tôi nghĩ bạn/ con bạn xứng đáng có một cơ hội để biết như thế nào là real music- âm nhạc thực sự- là gì. You should give yourself/ her/him a chance to know real music”.", dù không tán thành lắm với cách cô nói thẳng (hơi thẳng quá) với tụi học trò rằng chúng nó không có năng khiếu âm nhạc :) (cô có thể nói điều đó với các phụ huynh, còn với các em học sinh còn nhỏ, điều đó dễ làm chúng cụt hứng, thậm chí tự ti về bản thân. Sự khích lệ và tự tin vào bản thân là điều rất cần thiết cho tụi trẻ để chúng có hứng thú học hành, cho dù chúng không có năng khiếu trời cho đi nữa.

      Khi ra nước ngoài, mình mới nhận ra rằng khi còn nhỏ, dù được học hành cẩn thận, nhưng tuổi thơ của mình vẫn còn thiếu nhiều thứ quá, cụ thể là được dạy để cảm nhận cuộc sống một cách đẹp hơn, tự do hơn, sáng tạo hơn. Một trong những thứ có thể mang lại cho tụi trẻ con những điều ấy, đó chính là âm nhạc. Nhìn tụi thanh niên Tây có phong cách sống rất tự nhiên, khoáng đạt, tự do và rất hiểu biết, mình thấy chúng nó được như vậy chính là nhờ đã được thừa hưởng một nền giáo dục nghệ thuật khá tự do, cởi mở ngay từ lúc còn bé. Chúng nó nhiều đứa vẽ đẹp (mà không phải con nhà nòi), chơi được một nhạc cụ nào đó (không chỉ piano, violin mà đủ loại : kèn, trống, bộ gõ điện tử, mandoline, sáo, v.v), hiểu cặn kẽ về lịch sử âm nhạc và từng dòng nhạc, thậm chí sáng tác được và có ban nhạc riêng hẳn hoi. Trong khi bản thân vẫn theo đuổi những ngành học chẳng liên quan gì đến nghệ thuật cả (kỹ sư, ngành y, tin học, thậm chí là ... triết học).

      Tóm lại là chúng nó phát triển tự nhiên như những cái cây non trong vườn được chăm bón vừa đủ mà không cần quá nhiều rào che chắn, uốn nắn. Chúng được tự do làm những gì chúng thích. Sai thì làm lại. Không thích hay không phù hợp thì lại chuyển sang cái khác. Kể cả việc chọn nghề cũng thế. Bố mẹ chúng không can thiệp quá nhiều vào sự lựa chọn riêng của chúng, chỉ đưa ra những lời khuyên và cam kết.

      Tóm lại là mình vẫn mong muốn con mình lớn lên được làm những gì nó thích, nó say mê và phù hợp với nó nhất, kể cả nó không phải là đứa kiếm được nhiều tiền, không phải là đứa thành đạt theo tiêu chuẩn chung của xã hội đi nữa. Nhưng mình muốn nó sẽ là một con người hiểu biết, khỏe mạnh, bản lĩnh và độc lập. Muốn vậy, mình cần phải chuẩn bị những kỹ năng cần thiết cho nó từ khi nó còn nhỏ : ý thức tự lập, rèn luyện thể thao, thuần thục một hoặc hai ngoại ngữ (để có thể làm "công dân toàn cầu" nếu cần), học một môn nghệ thuật tùy ý thích (chỉ một là đủ, nhưng nếu nó thích nhiều hơn một thì tùy nó chứ không ép). Cái khó là làm sao luôn tạo hứng thú cho con mình trong những hoạt động đó từ khi nó còn nhỏ, chứ không phải ép buộc hay rèn kỷ luật sắt.

      Delete
  10. Bạn G, tớ chả hiểu tại sao có người không comment được có người không. Mình đồng ý với bạn G trong việc cho lũ trẻ một cơ hội.

    Bạn anonymous, welcome to my blog. Cô giáo này người Nga và người Nga thì bạn biết rồi, nói thẳng tuột và làm người khác đau lòng không phải là việc mà họ kiêng kỵ...:)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mình ủng hộ give a chance nhưng không phải chance nào mình cũng give. Bọn này chúng thích nhiều thứ lắm, nhiều khi cứ làm bố mẹ quắn hết cả lên trong khi thực ra không có thì cũng không sao. Cái này mình đã quan sát thấy nhiều.
      Mình biết tương lai sẽ có những chance đòi hỏi rất nhiều tiền bạc, rất nhiều lòng kiên nhẫn, và mình sẽ phải give bất chấp rủi ro bởi vì con mình thực lòng muốn thử. Nếu nó thuyết phục được mình về khả năng và nhất là đam mê của nó, mình sẽ ủng hộ nó bằng mọi giá.
      Nhưng mình muốn mình đủ lực cho lúc đó. Để có đủ lực, mình buộc phải cắt đi những gì mình cho là râu ria từ bây giờ. Mình có 3 con, hầu như mình không bao giờ có lợi thế gửi được chúng nó vào trường công vừa tốt vừa rẻ như nhiều người khác. Do vậy làm gì cũng phải tính. Bạn An Lâm ở Mỹ chắc chắn sẽ tưởng tượng được cho 3 đứa trẻ đi học trường tư hoặc trường quốc tế thì mỗi năm sẽ phải chi bao nhiêu tiền.
      Nhưng An Lâm ạ, mình rất may mắn vì tuy không được học đàn, hát, múa, vẽ, như rất nhiều đứa trẻ khác, con mình vẫn rất vui vẻ, nhảy nhót hát cười suốt ngày, và là những học sinh ngoan ngoãn sáng dạ ở trường. Mình sẽ cố cho chúng được chơi đùa hồn nhiên vô tư lự trong thời gian lâu nhất có thể ;-)

      Delete
    2. Vậy thì tốt quá G ạ. You must be doing something right. To me it all boils down to what I can afford to do for my kids in a very limited amount of time/energy/effort/meants that I have. :)

      Delete
  11. Bạn G tớ vừa mới bỏ Google Plus trong phần comment, cậu thử try to comment xem có được không. Tớ chả rành cái bọn gút này lắm. Cảm ơn cậu.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em vẫn không comment bên nhà chị được chị An Lam ạ. Vào nhà chị nó cứ qua Google plus và bắt đăng nhập lằng nhằng lắm. Chị cứ để simple như chị Giang nè, dễ tám hơn.

      SS

      Delete
    2. I just reset it. Try again em. Thank you.

      Delete
    3. Máu bà 8 nổi lên em cũng le te chạy sang đọc the piano teacher :D. Có một điều ngạc nhiên là em chưa bao giờ nghe xét trình độ thẩm âm như thế, theo em hiểu thì phải đánh một chuỗi vd do re mi fa sol la, biết là nốt đầu tiên là do rồi, sau đó giáo viên mới dọc dictée vd do mi la re sol xem có viết lại chuẩn đc ko. Chứ hình như rất rất ít nguoi nghe liền một nốt biết đấy là nốt nào, và theo thầy giáo em nói thì việc đấy cũng ko quan trọng. Kiểu như biết tính nhẩm giỏi chưa chắc đã giỏi toán ý.
      Về việc học năng khiếu, em vẫn ủng hộ bố mẹ cho con cái học đàn, học võ etc.. Nhưngx lơij ích khác mọi ngưowif đã kể cả hết rồi, thêm nữa nhiều khi việc học đấy mở ra một môi trường mới với nhiều mối quan hệ khác thú vị hơn việc chỉ ngày ngày lên lớp học. Đấy là cho trẻ con, còn cho người lớn nhiều khi các mối quan hệ công việc đến từ những nơi như một buổi nghe nhạc, một ngày đi lặn biển etc.. Vì dù sao giới Elite cũng có mặt nhiều trong những hoạt động đấy. Nói thế ko phải là ghét nước mà vẫn phải cố sống cố chết đi lặn :D, và theo quan sát của cá nhân em nếu ko có niềm yêu thích thực thụ thì hầu như ai cũng sẽ sớm nhận ra ngay.

      Delete
  12. Bản thân em thấy thì học được cách "nhận thức bản thân" và "kiên định" là điều cần thiết. Mai sau em có con, đó là thứ em muốn nó học nhất :)

    ReplyDelete