Thursday, June 27, 2013

Ba người đàn bà (3)


Giờ đến câu chuyện của người đàn bà thứ ba, người chán chồng.

Mẹ tôi và bố tôi không đẹp đôi. Mẹ tôi trắng ngọc ngà, xinh đẹp, học giỏi, hát hay, chơi thể thao giỏi, bây giờ chắc được gọi là hot girl. Bao nhiêu anh danh giá hồi đó theo đuổi. Toàn những anh vừa đi du học về, bút máy cài túi áo, dép tông lào hay dép tổ ong gì đó tôi không nhớ chính xác, đạp xe Peugeot (pơ giô) lóc cóc đến tán mẹ tôi. Hồi đó được như thế là oách xà lách lắm. Bà tôi đuổi hết, vẫn là “nhà họ thành phần cơ bản, nhà mình lý lịch tư sản, vào nhà họ rồi họ khinh cho”. Mẹ tôi cũng chẳng phản đối bà tôi. Bản tính mẹ tôi vô tư, thích rong chơi, thích sách, văn hóa văn nghệ, du lịch, không quan tâm mấy đến chuyện chồng con.

Bố tôi nhà quê, nghèo khổ, da đen lắm, đen hơn cả tôi, đen đến mức đã cộng với mẹ tôi trắng nõn nà mà vẫn ra tôi đen hơn củ súng. Chỉ được mỗi cái học rất giỏi và làm thơ hay. Quan trọng nhất là trong lý lịch bố tôi cũng bị phê hàng chữ “con nhà địa chủ”, và vì hàng chữ này mà bố tôi, đáng nhẽ được cử đi học nước ngoài, phải ngậm ngùi học đại học trong nước. Mẹ tôi cũng có số phận tương tự. Một lần lên phòng thầy hiệu trưởng hỏi điểm, mẹ tôi đã tình cờ nhìn thấy học bạ của mình để mở trên bàn với dòng phê “con nhà tư sản, không cho học lên đại học”. Cánh cửa đại học đã đóng lại với mẹ tôi như thế.

Kỵ nội tôi là địa chủ. Năm xảy ra phong trào cải cách ruộng đất, ruộng đất thì bị tịch thu, người thì có nguy cơ bị đấu tố, bị xét xử, kỵ nội tôi một mình ra vườn, xiết cành cây vào cổ tự vẫn. Bố tôi học giỏi nhất tỉnh, được tỉnh cử sang Liên Xô học, nhưng không qua được vòng lý lịch. Mùa hè, bố tôi hay dẫn chúng tôi về quê. Tôi không nhớ nhiều về quê nội. Hồi bé thích về quê chỉ vì về quê thì được đi chăn trâu. Con trâu khi đói hai hông hóp lại, lúc gặm cỏ no nê hai hông phình căng ra như bị bơm hơi. Tôi có lần chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho một buổi chăn trâu hoành tráng trên đồng, nón lá, roi tre, sau lưng lại còn để nải chuối chín thơm phức phòng khi đói bụng. Thế mà vừa đi vào một khúc quanh, con trâu quành lụa quá thế nào mà cả nải chuối của tôi rơi tòm xuống ruộng. Tiếc đứt ruột mà không dám nhảy xuống mò vì sợ đỉa. Bọn trẻ con nhà quê không sợ đỉa. Bị đỉa bám vào cẳng chân thò tay dứt ra như không, cười hề hề nhìn máu chảy thành dòng.

Nhà ông nội trước sân có mảnh vườn nhỏ để các chậu cây cảnh và mấy lồng chim, có con đường nhỏ dẫn ra cánh đồng, một bên là ao cá bên kia là vườn cây ăn quả, tất cả ngăn với cánh đồng bằng bụi tre dày và con mương. Nhà 3 gian 2 chái, lúc nào cũng u u tối, giường cạnh cửa sổ chấn song gỗ nhìn ra vườn chuối xanh rượi, gió phe phẩy, là nơi ngủ trưa rất thích. Giếng nước nước hơi đục nhưng mát lạnh, trên có giàn mướp, là nơi có lần tôi ngồi nhìn dì đãi con gì trông như con hến nhưng bé như một cái vảy màu trắng, luộc lên, vỏ mở hết, đãi lấy ruột, nấu lên một món canh ngọt thẳm. Vườn là nơi ông nội hái cho tôi quả ổi bị chim rỉa méo mó rám nắng nhưng ngọt nhất trên đời. Bếp là nơi tôi nhìn thấy các dì tôi vội vã mút mát đám xương cá và ăn ngấu nghiến chỗ cơm thừa canh cặn từ mâm cỗ bưng từ nhà trên xuống….

Ảnh minh họa cho làn da đen hơn củ súng ;-)
 

13 comments:

  1. Da chị đen nhưng rất mịn màng! Nhìn đấy sức sống đấy chứ chị!!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Da đã đen thui rồi lại còn loang lổ nữa chắc chị ế chồng mất :-))))

      Delete
  2. Ở quê G chị/em gái của bố được gọi là dì à?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không, tớ nhầm, phải gọi là cô mới đúng. Chẳng hiểu sao tớ lẫn lộn cứ gọi là dì :-D

      Delete
    2. với cả không hiểu chỗ chị thế nào (Phủ Lý hả chị), chứ kỵ là ông/bà của ông rồi chị ạ. Em thấy miền Bắc chỉ gọi đời trước đời ông bà mình là cụ thôi :)

      Delete
    3. Ừ đúng rồi, phải là cụ chứ không phải kỵ. Tiếng Việt của chị bắt đầu linh tinh rồi đây :-)

      Delete
  3. Nhớ lại những kỷ niệm này chị có thấy chút nào tiếc nuối hay là buồn ko chị?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không, chị không tiếc nuối hay buồn gì hết. Nhưng có gì để tiếc nuối hay buồn đâu nhỉ? Chị đơn giản chỉ ghi lại nếu không về già sẽ quên hết.

      Delete
    2. Khi lớn lên mình mới hiểu là sao lúc nào ánh mắt của mẹ và nhữngcô dì chú bác trong nhà lúc nào cũng buồn và u uất thế ! Đó là hậu quả của những tháng năm dài bị đè nén , phải nhẫn nhịn để được " tồn tại " ( chứ không phải là " sống " ) ! Một nỗi buồn không thể nào tả nổi vì thấy một xã hội ngày càng thụt lùi về văn hóa , khi mà " cóc nhái cứ nhảy lên đĩa hàng đống , sâu bọ lên làm người " ( trích nguyên văn lời bác Cả nhà mình - hoa khôi đẹp nhất vùng thời ấy ).

      Delete
    3. Nhà tớ thì rất thịnh hành câu “nông dân 3 đời ăn củ chuối”. Buồn cười không chịu nổi

      Delete
  4. Hic, chết người ở cái nước da đen giòn ấy đấy ! :-) MÌnh kết Bạn Giang nhất vì bạn " nổi bần bật " ! Nhìn hình là thấy bạn đầu tiên , vô cùng mặn mòi và duyên dáng ! Hehehe, khỏi tốn tiền nhuộm da nhé ! Châu Á thì cứ khoái trắng ( trắng nhe , trắng nhởn , trắng lóa cả mắt . trắng như bạch tạng ... ) , đua nhau đi chích thuốc gì đó làm cho trắng ra ! Chung qui chỉ nhằm 2 chữ " đổi đời " ( ???? ) Mình bó tay không thể nào hiểu nổi !

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tớ cũng thích cả da trắng. Tớ thấy nhiều người có làn da trắng mịn, hồng hào, đầy sức sống, rất đẹp. Nhưng tiêm thuốc để có làn da trắng ép thì tớ không thấy đẹp. Tiêm thuốc như vậy rất hại gan và thận, tớ nghĩ chỉ những người điếc không sợ súng mới làm.

      Delete
  5. Em thích đọc câu chuyện Ba người đàn bà của chị ghê.. Cứ như được xem một thước phim ngắn quay chậm về thời xưa. Đọc văn của chị hay vì như vậy đấy. Vừa đọc vừa tưởng tượng được rất rõ ràng.

    ReplyDelete