Tuesday, July 21, 2009

Chưa có dấu hiệu kết thúc

Chưa bao giờ đi dọc con phố Madison của Manhattan lại thấy nhiều cửa hiệu đóng cửa như vậy. Chỗ thì đóng cửa để chuyển sang địa điểm khác rẻ hơn, chỗ thì đóng cửa vĩnh viễn. Con phố Madison phần upper East là khu phố thương mại đắt nhất New York, những nhãn hiệu thời trang đầu bảng đều có cửa hàng ở đây.
Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến cho những mặt hàng xa xỉ mất vị trí đáng kể trong ngân sách tiêu dùng của người dân, và đó cũng là lý do những cửa hàng trên ko trụ nổi trong thời khó khăn khi khách mua thì ko có mà tiền thuê cửa hiệu hàng trăm nghìn đô la mỗi tháng thì vẫn phải nộp đủ.
Bị ảnh hưởng mạnh nhất trong cơn bão này ko phải là những đại gia trên thị trường chứng khoán sau một đêm tỉnh dậy thấy cả khoản tiền khổng lồ của mình bốc hơi cùng với sự mất giá cổ phiếu (vì những người giàu thì vẫn rất giàu) mà là tầng lớp trung lưu Mỹ. Đây là những người có công việc ổn định, thu nhập khá. Vì có thu nhập khá và ổn định nên họ thường vay ngân hàng tiền để mua nhà và có hợp đồng trả góp trong vài chục năm.
Cứ lấy ví dụ thế này, một cặp vợ chồng tại New York city tổng thu nhập khoảng 10,000us/tháng, thế là đã ở mức ổn. Họ mạnh dạn vay tiền ngân hàng mua một căn hộ trong Manhattan, trả góp cả vốn lẫn lãi 2000usd/tháng liên tục sau 30 năm thì căn hộ sẽ thành của mình. Ngoài ra thì họ còn phải trả 2000usd/tháng cho tòa nhà (các loại chi phí bảo dưỡng, thang máy, thuế má, chi phí người gác cửa vv). Họ lại phải trả bảo hiểm nhân thọ cho cả hai vợ chồng, gọi cho là 1000usd/tháng, nhỡ đâu có tai nạn xảy ra mất sức lao động thì còn được bảo hiểm bồi thường. Như vậy trong tổng số thu nhập 10,000usd/tháng thì đã mất 5000usd vào những chi phí cố định. Còn lại 5000usd thừa đủ cho họ xông xênh, thỉnh thoảng đi ăn nhà hàng, đi xem Broadway, du lịch một năm một lần, và tiết kiệm.
Nhưng đùng một cái anh chồng mất việc, chỉ còn thu nhập của chị vợ 5000usd/tháng, mà hợp đồng trả góp kể trên mới bắt đầu được 2 năm, còn 28 năm nữa, ko cố sức mà tiếp tục thì mất nhà, mất toi hai năm trả mortgage, rồi phải đi thuê nhà còn tốn kém hơn. Nhưng mà cố thế nào, lương thì chỉ có thế, mà riêng những chi phí cố định đã hết cả lương. Thế là các chi phí hàng ngày phải cấu vào tiết kiệm. Còn chưa kể đến việc chị vợ phải vay tiền ngân hàng để học thạc sĩ và giờ vẫn phải trả lãi.
Mình cứ thương vợ chồng cậu bạn mình. Cậu ta là kiến trúc sư, trong giai đoạn này lại càng ko thể tìm được việc mới vì ngành xây dựng cần vốn lớn toàn là vay tiền ngân hàng để làm, giờ ngân hàng ko cho vay nữa thì cũng chẳng ai dám giở ra xây dựng, tức là cũng chẳng ai cần tới kiến trúc sư xây dựng. Cậu ta bảo “chúng tôi có bao nhiêu là kế hoạch, mà giờ thành tan biến hết”. Mình hiểu là cậu ta muốn nói tới kế hoạch có con, vì cậu ta đã hơn 50 tuổi, chị vợ trẻ hơn đến hơn 20 tuổi. Cậu ta khao khát có con vô cùng, lần nào đến chơi cũng xoắn lấy Lê La hàng giờ đồng hồ.
Có lẽ vì những áp lực nói trên mà càng ngày dân các nước phát triển càng trì hoãn việc cưới xin và nhất là có con. Chính ra thế ở nhà mình lại sống khỏe, ở nhà bố mẹ, tháng góp tiền ăn, con đẻ ra tài chính thiếu thốn một tý thì họ hàng mỗi nơi giúp một ít cũng vừa.

No comments:

Post a Comment