Hồi bé, Trung thu nào các bác tôi cũng dẫn
lũ trẻ con đi Hàng Mã, 3 anh chị họ và tôi nữa là bốn, bốn đứa trẻ con dung
dăng dung dẻ trong cả biển người tấp nập. Hồi đó, Hàng Mã vào Trung Thu đúng là
một thế giới kỳ diệu. Đèn cù, đèn ông sao, đèn kéo quân lung linh, con chó làm
bằng múi bưởi hồng hồng có cái chót mũi bằng một cái cúc màu đen, và các loại đầu
sư tử, mũ miện hoàng hậu công chúa bằng giấy rắc kim tuyến.
Trong một lần đi Hàng Mã như thế thì mắt
tôi đã sáng lên trước một cái lẵng tre xinh xinh có 3 con chó bằng bông trắng
nõn nằm gọn ghẽ, xung quanh rải những sợi kim tuyến lóng lánh. Tôi thích cái
lẵng đó đến mức cứ đứng ngẩn ra nhìn, ai gọi cũng không đi. Bác trai tôi hỏi
giá, hai bác tôi nói chuyện với nhau, rồi lưỡng lự dắt tôi đi khỏi.
Không hiểu mặt tôi buồn so ra sao mà một
lúc sau bác trai tôi ngần ngừ rồi quyết định dắt tôi quay lại. Cái lẵng tre
xinh xẻo có 3 con chó bé tí tẹo bằng bông trắng muốt, cặp mắt như hai hạt vừng
đen, vẫn còn đó. Bác tôi trả tiền, và tôi hồn nhiên sung sướng nhận cái lẵng từ
bà bán hàng, không biết rằng 100 đồng là một món tiền không nhỏ với hai bác tôi
hồi đó.
Bác dâu tôi không hài lòng. Mặt bác không
vui và tôi sợ lấm lét. Tôi có cảm giác hai bác tôi cãi nhau vì chuyện cái lẵng,
khá lâu sau vẫn cãi nhau. Có lần, hai bác tôi vừa ngồi nhặt gạo ở nhà trong vừa
tranh luận rất nhỏ tiếng. Hồi đó gạo rất nhiều sạn, đang ăn mà nhai phải cục
sạn nhiều khi ê cả răng. Bác trai tôi lại bị dạ dày nên gạo cứ đong về là phải
ngồi nhặt thật sạch sạn. Tôi ngồi ở nhà ngoài, chỉ loáng thoáng nghe bác dâu tôi
đang nói bác trai tôi gì đó, nói qua nói lại ngày càng gay gắt, cuối cùng bác
trai tôi nổi điên đấm cái thình xuống mâm gạo đang nhặt dở và quát lên rất to “đã
bảo nó là trẻ con, cứ nói mãi”. Bác dâu tôi im bặt.
Từ đó, tôi không bao giờ đòi quà nữa. Tôi
nhạy cảm, sự nhạy cảm pha chút mặc cảm của một đứa trẻ biết mình đang ở trong
một ngôi nhà không phải nhà mình, và đang được cưu mang bởi những người họ hàng
thực ra cũng không dư dả đến mức có thể cưu mang được người khác dễ dàng. Chỉ
là bác trai tôi thương em gái, tức là mẹ tôi. Nhiều lúc, nhìn anh chị em họ tôi
vòi vĩnh người lớn mua cái này cái kia, tôi chỉ im lặng thèm thuồng. Ai hỏi có
muốn gì không tôi chỉ lắc, tự nhủ với mình không sao, không có cũng không sao. Lâu
dần, tính tôi trở nên lạnh lẽo, thờ ơ với mọi chuyện.
Tôi không trách bác dâu tôi. Nếu là tôi
chắc tôi cũng không hài lòng. Các bạn biết đấy, thời đó chúng ta đang bận tiến
lên xã hội chủ nghĩa, quần áo lành còn không có mà mặc, một tháng vài bận ăn
độn khoai sắn, còn gạo tấm dính viện trợ của Ấn độ thì ăn triền miên. Thịt cá
đường sữa bánh kẹo là những danh từ xa xôi và xa xỉ. Bác dâu tôi là một người
phụ nữ hiền lành đơn giản, nhưng 100 đồng làm được bao nhiêu việc thiết thực,
cụ thể là một bữa ăn tươi cải thiện cho cả gia đình đang xanh xao vì thiếu
chất, thay vì mua cái lẵng vô bổ kia.
Cái lẵng đúng là vô bổ thật. Vì hào hứng
ngắm nghía được mấy ngày, tôi chán, chẳng đoái hoài gì đến nó nữa. Cái lẵng
được bác tôi để lên nóc chiếc tủ bích phê. Lâu ngày, bụi bám, những con chó
bông không còn trắng nõn nữa, những đôi mắt đen như hạt vừng cũng ngả màu bụi.
Rồi tôi cũng không biết cái lẵng bị vứt đi khi nào.
Tôi vẫn cứ thích những cái lẵng. Tôi thích
đọc những truyện ngắn của Nga hay có cô bé tóc tết bím đi trong rừng, tay cầm
một lẵng quả thông, gặp chú hươu có hai đốm sao long lanh trên lưng. Ngay cả
bây giờ, nếu đi ở đâu đó, nhìn thấy một lẵng hoa, tôi vẫn dừng lại ngắm nghía,
thậm chí còn xách thử. Gần đây, tôi dừng lại rất lâu trước một cái lẵng bằng
gỗ, mơ mộng sẽ để vào đó rất nhiều hoa, và xách nó đi từ vườn vào nhà, và đặt
nó trên bậu cửa, chỗ có thật nhiều ánh sáng. Chồng tôi bảo “em thích thế sao
không mua?”.
Không, đến một lúc nào đó, không phải cứ
muốn gì là phải có nấy cho bằng được, anh ạ.
:)
ReplyDeleteđọc xong thấy có một khoảng lặng! Trong một buổi sáng trong lành mà được đọc một cái entry nhẹ nhàng và một chút gì đó mà không có từ để diễn tả thì cảm giác thật nhẹ nhàng nhưng có chút man mác!
ReplyDeleteTớ sắp về VN chơi nên dạo này rảnh là ra Toys R Us lùng sục đồ chơi cho 2 đứa cháu. Thấy nhiều món vô bổ quá mà mắc đến ngạc nhiên. Rồi ngẫm lại mình đến từ 1 tuổi thơ thiếu thốn đồ chơi, sống trong những mơ ước bị kiềm chế, nên không hiểu được niềm vui của bọn trẻ bây giờ. Niềm vui khi mân mê trên tay 1 con Hello Kitty bằng bông không có mồm. Mình đã là 1 người lớn, nhìn đời thực tế, cầm 1 món đồ chơi lên thấy nó chẳng có công dụng gì là thấy phí tiền.
ReplyDeleteÔng ảnh rể tớ rất hay dẫn bọn trẻ đi chơi vớ vẩn, chúng thích gì là mua ngay cái nấy dù về nhà chơi 1,2 ngày là chán. Thằng con anh ấy vừa rồi viết bài tập làm văn, đề tài "em có cảm thấy mình may mắn được sinh ra trên đời này không". Nó viết: "Em thấy mình may mắn, vì có một người cha tài năng, cho mình hưởng thụ" ;-(
Thằng cu con đấy hay đấy chứ, có phải đứa nào cũng viết được thế đâu.
DeleteTớ cho rằng hạnh phúc là một khái niệm rất tương đối, không phải cứ có nhiều mới hạnh phúc, và có ít là không hạnh phúc. Bọn trẻ con bây giờ đầy đủ mọi thứ nhưng đảm bảo là cũng không hạnh phúc hơn mình ngày xưa chẳng có gì.
Đúng chị ạ. Không phải những thứ mình thích đều phải mua.
ReplyDeleteNhưng mà chị đang nói nghĩa rộng hơn rất nhiều đấy nhé :-)
DeleteVâng ạ. Lúc đọc bài này, em đang buồn buồn vì lúc đó (và ngay cả lúc này) em đang dự định nhiều thứ nhưng mà thấy mọi thứ nó có vẻ xa vời vì nó khá là ngoài tầm kiểm soát của em. Em còn 4 tháng nữa tốt nghiệp trường dược ở Mỹ , muốn đi học tiếp sau tốt nghiệp nhưng mà bị từ chối xiểng liểng, đc cái phỏng vấn ở bệnh viện veteran thì em nervous quá nên lắp bắp nên đi tong. Ba mẹ em cả đời ở nhà không hẳn là cái nhà vì dột nước mưa , nên cả gđ mong mỏi em học xong đi làm sẽ có thu nhập và cùng nhau dồn tiền mua một cái nhà đàng hoàng để ở , giá nhà ở Mỹ lên nhanh và nhà cũng bị bán nhanh quá. Chuyện nhà cửa thì có thể khắc phục được bằng cách đi làm sau vài năm. Nhưng chuyện đáng buồn nhất là khó đi học sau tốt nghiệp được vì em rất mong làm clinical pharmacist hơn làm retail pharmacist trong CVS hay Walgreens . Nên tự nghĩ những gì mình thích chưa hẳn là mình có được...
DeleteEm Quỳnh
Tức là giờ em muốn đi làm ở bệnh viện để có thu nhập dành tiền mua nhà hay muốn đi học tiếp, chị không hiểu? Em đừng giống mẹ chị, xem 3 phim một lúc trên 3 kênh khác nhau, và phàn nàn “đời tao khổ, xem 1 bộ phim cũng không được trọn vẹn” đấy nhé :-D
DeleteEm đang đứng trước kỳ vọng quá lớn của gia đình và trách nhiệm của bản thân khiến em chấp nhận kỳ vọng đó. Em ham học, thương bố mẹ, là rất tốt. Nhưng nếu ước mơ xa quá, sớm quá, so với khả năng của mình, thì sẽ thành gánh nặng. Nhiều người vì những ước mơ quá khả năng của mình mà tìm cách đi đường tắt không tốt chút nào. One thing at a time, em ạ, chị nói lại mặc dù biết em biết rất rõ điều này.
Ngoài ra, chị tin rằng nếu một cô gái đã chăm chỉ, cầu tiến, kiến thức tốt, lại ăn vận trang nhã, nói năng đi đứng dịu dàng lịch sự nhưng tự tin, có khuôn mặt tươi cười, tính tình tốt bụng, thì đời nhất định sẽ cho cô ấy cơ hội. Đời biết nhìn người lắm, em cứ kiên nhẫn :-)
Em muốn đi học post-graduate chị ạ. Nó giống như post-doc cho nhưng mà học xong PhD nhưng mà với tụi em đi học xong doctor of pharmacy, doc of dentistry va medical doctor thi post-graduate hay gọi là residency. Đi làm réidency thì tiền chỉ bằng 1/3 khi đi làm ngay lập tức ở community pharmacy (CVS, Walgreens...) chị ơi. Có điều đi học tiếp sẽ được nhiều kinh nghiệm hơn và xong năm 1, nộp đơn residency sẽ đi vào specialty. Em sắp 30 tuổi rồi mới sắp xong sự nghiệp học hành. Em cám ơn chị đã động viên em nhiều :).
DeleteViệt Nam mình có nhận viện trợ gạo của ấn nữa hả chị. nghe ghê quá. :(
ReplyDeleteChị nhớ là như thế. Gạo này chỉ còn lõi, phần bên ngoài đã bị gọt hết. Hình như gạo này để cho gia súc ăn. Mình đói quá nên họ viện trợ cho mình hay sao đó. Nó toàn tấm là tấm, nấu lên rất dính, nên gọi là gạo tấm dính. Được cái rất thơm :-)
DeleteĐọc xong sao thấy buồn quá chị. Chắc tại vì nhớ lại một thời nghèo đói mà lúc đó còn bé quá ko biết mình nghèo đó. Em lúc nhỏ cũng chả bao giờ đòi ba mẹ mua gì vì biết có đòi cũng ko dc. Nhà em hồi đó gần mấy chỗ bán sinh tố, mỗi lần đi ngang là vô cùng thèm thuồng mà ba mẹ chả bao giờ cho ăn, lâu lâu vào một trong những ngày cúp điện dc ba mẹ cho đi uống nước mía là mừng hết lớn
ReplyDeleteTự nhiên nhớ lại tuổi thơ thiếu đói mà thấy ngậm ngùi. Em chẳng bao giờ tiếc vì mình ko có nhiều đồ chơi (thực ra chơi với mấy đứa hàng xóm còn bày ra khối trò) mà thấy thương mình mình vì thèm thuồng thiếu ăn những thứ bình thường nhất
P
Nghĩ lại, chị mừng vì tuổi thơ của mình không có đồ chơi. Không có đồ chơi thì buộc phải sáng tác ra đồ chơi từ những nguyên vật liệu trong tự nhiên, đồng nghĩa với việc kích thích sự tìm tòi, sáng tạo, và cũng giữ cho môi trường sạch sẽ trong lành. Như vậy hay hơn đồ chơi điện tử hoặc chạy pin hoặc đồ nhựa rởm bây giờ nhiều chứ em.
DeleteCòn về chuyện thiếu ăn, đúng là mình thiếu dinh dưỡng nên thể trạng nhỏ bé, còi cọc. Nhưng bọn thừa ăn cũng không sung sướng gì đâu em ạ, chúng nó có đủ thứ bệnh mà mình không có. Nhờ chế độ ăn nhiều rau bất đắc dĩ mà dân mình hầu như ai cũng thích ăn rau, hình thành một thói quen rất tốt cho sức khỏe. Các loại bánh kẹo đồ ngọt chỉ có hại cho sức khỏe chứ không có ích lợi gì hết. Nói chung là nên nhìn vào mặt tích cực của vấn đề như thế :-)
Đúng là 1 thời kỷ niệm chị Giang nhỉ!
ReplyDeleteĐồng ý là ko phải muốn gì là có nấy nhưng đặt trường hợp bây giờ trẻ con đòi mua đồ chơi mà mình ko mua thì chúng nó cũng sẽ ghi nhớ đến tận già như mình ko nhỉ? Cái này cũng khá là nan giải đây!
Mình không phải cấm tiệt đồ chơi, vì như thế con mình lại thành kỳ quặc so với bạn của nó. Nhưng chị rất hạn chế mua đồ chơi, và đã mua là suy nghĩ thật kỹ, mua đồ chơi tốt, có tính giáo dục cao.
DeleteChị ghi nhớ chuyện cái lẵng có 3 con chó bông vì cảm thấy tại mình mà hai bác mình cãi nhau, trong khi nếu không mua cái lẵng đó thì mình cũng có sao đâu.
Hugs!
ReplyDeleteSao cô này lại hug tôi? Ý tôi là trên đời này hầu hết những ham hố của chúng ta rất tầm phào, không có cũng không thiếu thốn gì hết mà lại làm cho cuộc sống nhẹ hơn rất nhiều :-)
DeleteHug la vi doan nay :)
Delete"Từ đó, tôi không bao giờ đòi quà nữa. Tôi nhạy cảm, sự nhạy cảm pha chút mặc cảm của một đứa trẻ biết mình đang ở trong một ngôi nhà không phải nhà mình, và đang được cưu mang bởi những người họ hàng thực ra cũng không dư dả đến mức có thể cưu mang được người khác dễ dàng. Chỉ là bác trai tôi thương em gái, tức là mẹ tôi. Nhiều lúc, nhìn anh chị em họ tôi vòi vĩnh người lớn mua cái này cái kia, tôi chỉ im lặng thèm thuồng. Ai hỏi có muốn gì không tôi chỉ lắc, tự nhủ với mình không sao, không có cũng không sao. Lâu dần, tính tôi trở nên lạnh lẽo, thờ ơ với mọi chuyện. "
Bây giờ Giang lớn rồi, và ở trong vị thế có thể thoả mãn hết những ước muốn đồ chơi nho nhỏ của con, nên nhìn lại thấy chuyện đó không có gì. Chuyện một đứa trẻ thích đủ thứ, dù nó đang có cả 1 nhà búp bê, nhưng lại thèm 1 cái popsicle stick trên tay thằng bé đường phố có thể là bình thường, vì lòng "tham" của con người là vô tận. Nhưng 1 đưá bé phải mặc cảm tới độ không dám nói ra ước muốn, và tự an ủi mình - không có cũng không sao - nó làm mình nhói lòng Giang ạ!
DeleteMình luôn dạy cho con tiết kiệm. Rất nhiều đồ chơi nó muốn, mình thấy vô bổ là mình giảng giải cho nó này kia, không mua. Nhưng 1 lần nó đi ngang tủ đồ chơi và nói rằng nó "chỉ nhìn thôi, chứ mình không cần mua, mình sẽ không mua." thì lại làm cho mình nhói lòng quá, và phải tự nhìn lại mình có nên khe khắt với con như thế không...
Bạn ơi, mình muốn con mình thay vì chơi khẩu súng nhựa made in China, nó chạy ra vườn tìm một đoạn cành cây giả làm súng, hoặc thay vì chơi đồ hàng bằng chuối nhựa táo nhựa made in china, nó ra vườn lấy hoa lá giả làm đồ ăn.
DeleteNhư vậy, nó vừa không phải tiếp xúc với những món đồ độc hại (bạn biết đấy, nhiều món đồ tàu cầm lên mà có cảm giác nó đang mủn ra trên tay mình), lại vừa có cơ hội phát triển khả năng suy tưởng, tưởng tượng, sáng tạo, khiến cho tâm hồn phong phú. Một người có tâm hồn phong phú thì rất dễ sống thiện.
Đúng là mình có khả năng mua cho con mọi thứ nó muốn. Nhưng mình muốn dạy nó tính biết đủ. Bởi vì ai biết được, tiền có hôm nay, biết đâu ngày mai lại không có nữa? Chính vì mục đích đó mà mình phải chấp nhận đôi lúc rất xót con.
Còn về chuyện mình kể trong entry, đúng là một đứa trẻ phải tự an ủi bản thân kiểu đó thì cũng đáng thương. Nhưng điều quan trọng là mình lớn lên không ngắm nhìn, ganh tỵ hay thèm thuồng của cải của người khác. Điều đó với mình là một lợi thế. Thôi thì, bất lợi lúc nhỏ, rồi lợi thế lúc lớn lên, vẫn rất tốt, đúng không? :-)
Em rất thích cách nhìn này của chị, cũng đang cố gắng cho con của em được như vậy, dù đôi khi thấy nó thiệt thòi, lại muốn mua cho 1 món đồ chơi.
DeleteEm thích cả cách chị nói "Ngoài ra, chị tin rằng nếu một cô gái đã chăm chỉ, cầu tiến, kiến thức tốt, lại ăn vận trang nhã, nói năng đi đứng dịu dàng lịch sự nhưng tự tin, có khuôn mặt tươi cười, tính tình tốt bụng, thì đời nhất định sẽ cho cô ấy cơ hội. Đời biết nhìn người lắm, em cứ kiên nhẫn :-)"
Em sẽ kiên nhẫn :P