Monday, July 10, 2023

11/7/2023

Thằng bé gọi tôi. Nó cứ hỏi đi hỏi lại “...would you help?”. Việc của người lớn, không hiểu sao nó cứ suy nghĩ lẩn thẩn lo lắng. Nó làm tôi nhớ tới tôi. Hồi bé tôi cũng hay suy nghĩ lẩn thẩn lo lắng những việc của người lớn như thế.

Hồi bé, tôi ở với bác và bà ngoại trên Hà nội. Bố mẹ tôi ở Phủ Lý. Vài tháng một lần bà ngoại tôi lại đi xe khách về Phủ Lý một lần. Bà góp họ nên về lấy như nào đó tôi cũng không rõ. Bà về còn để lấy tiền mẹ tôi gửi mang lên Hà nội góp tiền ăn với các bác và đóng học cho tôi. Hồi đó làm gì có chuyển khoản ngân hàng nhanh veo véo như bây giờ đâu.

Tôi thường mong ngóng bà quay lại. Thỉnh thoảng bà sẽ mang theo thư tay mẹ tôi viết. Lũ em tôi thì mải chơi, chúng chẳng bao giờ viết thư cho tôi. Nhưng ngồi say sưa nghe bà kể chuyện chúng nó là cũng đủ mường tượng. Bà còn hay mang đu đủ từ dưới Phủ Lý lên. Cây đu đủ tôi trồng từ một cái hạt. Thực ra không phải tôi cố tình trồng mà chỉ là ăn xong vứt hạt ra vườn, hạt tự mọc thành cây, đứng cạnh bể nước mưa. Chẳng tưới bón bao giờ mà cây cho quả sai trĩu trịt, rất to và ngọt. Mỗi lần về bà hay mang lên Hà nội vài quả đu đủ chín cây. Những chuyến xe chen chúc ngột ngạt khiến cho đu đủ tới nơi luôn bầm dập, nhưng không hề gì, nó vẫn siêu to và siêu ngon. Cây đu đủ cứ sai quả từ gốc tới ngọn, quả siêu to siêu ngon như thế đến tận khi một cơn bão làm nó đổ ngang. 

Góc vườn nhà tôi còn có một cây trứng gà. Nó đứng nép vào một góc giữa nhà tôi và nhà bác hàng xóm. Giờ nghĩ lại thấy nó cũng ngon ngọt, nhưng hồi bé tôi lại ruồng rẫy nó, chỉ vì có lần đang ăn thì thằng hàng xóm bảo trông như ăn cứt. Hồi bé tôi hay dao động chứ không kiên định bướng bỉnh như lúc lớn lên.

Quay lại chuyện tôi ngóng bà quay lại mang theo thư của mẹ tôi, bà còn mang theo những câu chuyện về bố mẹ tôi, hai thằng em trai tôi, con chó con mèo của tôi, chuyện cây cối trong khoảnh vườn bé như chiếc chiếu, chuyện vài người hàng xóm…

Chỉ có điều bà hay thở dài và bảo “Mẹ mày túng lắm cháu ạ. Tháng này lại không có tiền đưa bà…”.

Mãi sau này bố mẹ tôi mới sa sút chứ hồi đó, so với mặt bằng chung xã hội nghèo khổ đói ăn, bố mẹ tôi rất khá. Bố tôi là cửa hàng trưởng cửa hàng thực phẩm, có thời gian còn thấy cả ô tô con đưa đón. Mẹ tôi làm kế toán ở một cửa hàng xây dựng làm ăn phát đạt. Thời đó, xã hội có gì bố mẹ tôi có đầu tiên. Nhà mái bằng, xe máy, áo lông, quạt trần, nồi áp suất, đài cassette. Trong nhà tôi có căn buồng nhỏ nơi mẹ cất trữ các loại thực phẩm trong từng bình vò chum vại và hòm lớn. Tôi còn nhớ từng bó quế dài mẹ cất trong hòm, rất thơm và rất cay. Thỉnh thoảng tôi lại lẻn vào bẻ một thanh, vừa để nhá cho vui mồm vừa để chia với lũ bạn hàng xóm. Mỗi tết mẹ tôi gói hàng chục chiếc bánh chưng luôn luôn bị quá to vì nhiều thịt nhiều đậu và sên mứt dừa, mứt cà rốt, mứt cà chua, mứt bí, mỗi thứ một chậu to tướng. Làm sao bố mẹ tôi nghèo được.

Là mãi sau này lớn lên tôi mới biết, đặc biệt sau một lần tình cờ, mẹ tôi bảo “tháng nào mẹ cũng gửi bà tiền ăn cho con”. Nhưng lúc còn trẻ con, nghe bà nói tôi chỉ thấy lo thắt ruột. Có lẽ bà không muốn tôi cậy bố mẹ dư dả mà trở nên kiêu căng, đòi hỏi, học hành chểnh mảng, nói không nghe lời.

Nhưng có lẽ bà không biết những lời bà nói khiến đứa trẻ con chả biết gì là tôi buồn bã thế nào. Nhiều giờ ra chơi, bạn bè chơi đùa vui vẻ, tôi ngồi buồn so, lo nghĩ vẩn vơ, sợ em thiếu thốn, sợ mẹ vất vả quá lại đánh mắng em. Rồi cái mặc cảm bố mẹ không có tiền gửi nuôi tôi khiến tôi chẳng dám cả gắp thức ăn trong bữa…

Cậu tôi không ít lần phải cảm thán "trẻ con gì mà mặt cứ khó đăm đăm".

Tôi không trách bà vì những tháng ngày buồn bã. Bà muốn tốt cho tôi, ngày đó người lớn quan niệm yêu cho roi cho vọt. Vả lại, cuối cùng thì, cũng nhờ những buồn bã đó, lớn lên tôi luôn có thể giảm nhu cầu vật chất của mình xuống mức tối thiểu, cho khỏi phải cảm thấy cần kíp điều gì. Tôi ăn ít, ngủ ít, đồ dùng lâu hết và ít hỏng, không có nhu cầu trưng trổ, không thèm thuồng cái gì của ai. Nhờ vậy tôi tránh được rất nhiều rắc rối…

Tôi bảo thằng bé “Cháu cứ học hành chăm chỉ, ngoài giờ học thì giúp việc nhà, sau đó chơi đùa vui vẻ với bạn, đừng nghĩ chuyện của người lớn”.

Nó ở xa tôi quá, nếu không tôi sẽ rủ nó đi chơi. Sẽ nói chuyện ngô nghê như nó, với nó. Việc của người lớn kệ mọe người lớn, việc của trẻ con là vui. Không vui lúc này thì còn vui vào lúc nào nữa chứ. Càng trưởng thành những niềm vui càng khó đến. 

Ảnh: hoặc hơi tí cũng đủ vui. Ví dụ như khi thấy dây mướp lên. Viễn cảnh bắc võng đọc sách dưới giàn mướp cùng lũ chuồn chuồn là có thật, các cụ ạ. Mỗi tội ở chốn nhà quê nhà cún chỉ thấy mỗi chuồn chuồn ngô chứ chưa thấy con chuồn chuồn ớt nào. 

17 comments:

  1. It is so unfair for you then. I would love the lonely girl then and admire the lady now

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không sao em ạ. Phải thế thì mới có sức chịu đựng. Cũng tương tự như người không quen lao động nặng, phải làm cái gì hơi nặng là ê ẩm cả người, trong khi với người đã quen lao động nặng thì chả vấn đề gì.

      Delete
  2. Mình ngày nhỏ mỗi lần vào bữa ăn cũng cứ nhìn nồi cơm mà lo lắng rằng nếu như mình xới bát cơm cho mình mà đầy đến miệng thì 2 đứa em mình có khi không có đủ để ăn. Thế là mình chỉ xới đến lưng bát và mỗi bữa chỉ ăn 2 lần như thế. Và sau thói quen ăn ít vận vào người cho đến tận bây giờ. Đó cũng là điềm may.
    Ôi! Cún sắp được nằm ngắm hoa mướp vàng có ong, bướm lượn trên đầu rồi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hoa mướp vàng để ngắm và cũng để cho lũ ong bướm và chuồn chuồn kiếm chác, bóng râm của giàn mướp để đọc sách và ngủ, quả mướp non để ăn, quả mướp già lấy xơ rửa bát, còn lá mướp thì để bón vườn. Kinh tế thế chứ lị hihi.
      Tui cũng có thói quen ăn ít. Mà thực ra tui ăn như lạc đà ý. Thấy ngày dài, nhiều việc nặng phải làm, phải tiêu hao nhiều năng lượng, thì tôi ăn một bụng no kềnh. Nếu không thì tôi ngồi gẩy gót kiểu như ăn một thìa cơm hoặc hai cọng mỳ. Thỉnh thoảng nghĩ đến câu bà Nuôi nói "lúc chết chôn vừa vào bao diêm" lại buồn cười :-))))))

      Delete
  3. Đọc bài thấy G có ký ức tuổi thơ vừa đẹp vừa thương ghê luôn

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nhưng mà đẹp nhiều hơn. Ký ức tuổi thơ đẹp nhất là đi mò mẫm ngoài đồng, chui rúc bụi rậm, bờ sông, để hái hoa bắt bướm/chuồn chuồn/bọ ngựa, thậm chí khoắng cả cống rãnh để bắt giun về cho cá cảnh ăn.

      Delete
  4. Hồi đó vì sao chị lại phải sống xa bố mẹ thế ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Kể ra thì dài nhưng vắn tắt lại là chỉ vì chuyện hộ khẩu hihi.

      Delete
  5. Có post nào trước đây nàng nói tính lạnh lùng của nàng chẳng phải chảnh chọe gì đâu mà là những tổn thương chưa biết cách chữa lành... đại loại thế. Đọc mà thương gì đâu. But all those stories have made you the way you are. And it is wondeful.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Người thấy toẹt vời, đàn ông thấy khủng khiếp. Tui thì thấy tui thì cơ bản cũng là người tốt thôi nhưng đúng là khủng khiếp thật.

      Delete
  6. sau vụ đấy là đến lúc đánh tư sản gì đó nên bố mẹ Giang mới sa sút nhể. Thật là tuổi thơ buồn quá, sống xa gia đình, ở với họ hàng dù có quý biết bao nhưng cũng không bằng bố mẹ được.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aì ài, đánh tư sản là thời của ông bà chứ. Riêng vụ đánh tư sản thì chuyện của nhà mình có thể viết được thành sách. Còn bố mẹ mình sa sút dần từ hồi bắt đầu mở cửa kinh tế, khoảng năm 90 gì đó.

      Delete
  7. Em mới đi làm văn phòng có rất nhiều cái chưa thích nghi, lại còn làm ở nơi văn hóa giống như nhà nước cẩn thận từng chữ lời ăn tiếng nói, trên dưới thứ bậc. Không biết các chị với chị giang có thể cho em chút kinh nghiệm làm việc với giao tiếp trong môi trường công sở được không ạ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vồn vã hay chuyện quá người ta biết nhiều và đưa chuyện. Lạnh nhạt người ta bảo kiêu. Cứ bình thường, làm đúng công việc, chịu khó học hỏi, tránh xa thị phi công sở.

      Delete
    2. Người ta bảo cây ngay không sợ chết đứng. Sau khi đi làm gần 30 năm tôi thấy cây ngay vẫn chết queo như thường. Bạn còn trẻ, kiệm lời nơi công sở sẽ tốt.

      Delete
  8. Mình có nguyên tắc là đi làm chỉ nói chuyện công việc, k có thói quen buôn chuyện hay tâm sự gì cả.

    ReplyDelete
  9. Có bạn viết note cho em đại ý là tôi sẽ đánh đổi tất cả mọi thứ để trưởng thành cùng bạn vì bạn nghe em kể về tuổi thơ được rong chơi chạy nhảy, khi hư thì trốn để mẹ khỏi đánh, có lẽ bạn thấy tuổi thơ như vậy nhiều màu sắc. Trước đây em hay buồn man mác khi nghĩ về tuổi thơ nhưng đọng lại vẫn luôn là cái gì trong trẻo, đẹp và buồn. Cái sự suy tư của tuổi nhỏ em đồng cảm lắm vì từ bé em đã hay nghĩ rùi nhạy cảm, nên là còn là trẻ con thì cứ vui vì lớn lên thì phải gạn đục khơi trong để vui. Cuộc sống hối hả này chỉ cần 1 cuốn sách mắc cái võng ngắm lũ chuồn chuồn nhẩn nha cũng đã thật nha chị. Em đã về lại Hà Nội và đi ăn ngay chè Thái, lại vào guồng quay cuộc sống, mỗi ngày em cố gắng tìm một điều trong trẻo để vui hihi.

    ReplyDelete