Thursday, July 10, 2025

Nazareth

Sau lần cả nhà mình đi nghỉ trên đảo Sao Tomé, mình cứ nhớ mãi Nazareth. Nazareth là người làm của ông chủ nhà, đến trông coi vườn tược và giúp khách thuê nếu cần. Lúc nhà mình chuẩn bị trả lại nhà, thấy Nazareth cứ thập thà thập thò chỉ để xin mấy chai nước 5 lít mình mua ở siêu thị. Nước đã uống hết. Nazareth muốn xin vỏ chai để đi kín nước ở suối.

Đi khỏi Rome 8 năm, năm 2020 quay về thấy dãy thùng rác dưới nhà, ngoài thủy tinh, nhựa, giấy, kim loại, đồ ăn thừa và rác thải không tái chế được, như thường lệ, thì đã thêm một thùng rác mới to cao hơn tất cả những thùng rác còn lại, dùng cho đồ quần áo giày dép thậm chí cả túi xách cũ. Chỉ trong vòng mấy năm, fast fashion đã thay đổi mọi thứ. Các tủ quần áo đầy ặc lên toàn đồ rẻ mua không kịp mặc đã lỗi mốt. Những tấm áo manh quần nhìn long lanh trong cửa hàng mà giặt được hai lần nhìn đã như giẻ rách. Những cái quần còn mới nguyên nhưng lại lủng một lỗ, mà tầm này hiếm ai bỏ công ngồi mạng lại. Giới trung niên thì mải kiếm tiền, giới trẻ thì mải hưởng thụ. Thế là hê hết ra thùng rác.

Nếu để ý thì sẽ thấy bi quan với sự tùy tiện lãng phí của những xã hội tạm gọi là giàu có.

Có lần nhà mình đến ăn tối ở nhà một cặp vợ chồng. Đứa bé con họ làm vỡ một cái cốc thủy tinh trên bàn. Chị ấy tức tốc chạy lấy cuộn giấy bếp và bắt đầu xé phủ lên mấy mảnh vỡ, chắc để cầm vào cho khỏi đứt tay. Thì cũng là bình thường nếu không vì đống giấy bếp lồng phồng đã cao ngất lên rồi mà chị ý vẫn tiếp tục xé thêm. Hết đúng nửa cuộn giấy bếp. Cuộn giấy bếp thì rẻ thôi, nhưng mỗi thứ lãng phí một tí thì lại cũng thành nhiều tí, chưa kể cả một ôm giấy to tướng bọc mấy mảnh cốc vỡ, nhét vào thùng rác một cái là đầy ặc lên, lại phải buộc túi rác (nhựa) mang đi vứt. Từng ấy thứ vứt vào môi trường chỉ vì mấy mảnh cốc vỡ, trong khi khéo léo dùng tay nhặt mảnh vỡ cho thẳng vào thùng rác thì có mất công gì.

Cũng nhà chị kia, đi nghỉ cùng nhà mình, chất đồ vào máy rửa bát, cả cái chảo to tướng cũng cho vào máy rửa bát, chiếm trọn một tầng. Nhiều khi đợi mãi máy rửa bát mới rửa xong, thấy tít tít xong một cái là vội mở ra ngay để còn rửa đợt tiếp theo. Hăm hở mở máy ra một cái, chưng hửng, tầng trên là một chảo, tầng dưới là hai cái bát tô. Những món to cồng kềnh, linh hoạt rửa ở ngoài một tí mất gì mà cũng phải quẳng vào máy rửa bát cho đúng quy trình.         

Có lần có khách thuê nhà mình để tổ chức sinh nhật 40 tuổi gì đó. Họ đi rồi, mình vào kiểm tra mà phải choáng vì cái sự lãng phí của họ. Đồ ăn đồ uống thừa mứa kinh khủng khiếp đã đành, mà đĩa nhựa cốc nhựa dao dĩa nhựa khăn giấy, mua nhiều quá dùng không hết, mới nguyên mà họ vứt thành đống dưới sàn.

Mà đó là những lãng phí có thể tránh được, còn những lãng phí không thể tránh được thì không biết cải thiện cách nào.

Như mình, nấu có bữa ăn 5 người mà phải vứt ra một đống vỏ hộp. Khúc cá hồi đựng trong hộp nhựa. Salad rong biển đựng trong hai hộp nhựa. Cá ngừ trong hộp thiếc, vứt vào thùng rác 4 hộp thiếc. Gạo đựng trong cái túi nhựa. Hai quả bơ cũng trong cái vỉ nhựa. Mớ rau thì buộc chun cao su và đựng trong túi nhựa. Tóm lại, bữa cơm ăn xong vài giờ là trôi cống hết, trong khi đống rác thải ra thì không biết bao năm mới phân hủy được. Cứ nói mang tái chế nhưng thực ra nếu đồ nhựa và đồ thiếc mà không tráng cho sạch thì cũng không tái chế được.

Còn cả chuyện quà cáp được tặng, đựng trong những chiếc hộp rất đẹp có thể dùng cả đời không hỏng. Nhưng nhà nào đủ to để chứa hộp không. Thế là hộp nhựa, hộp bìa cứng, hộp gỗ, hộp thiếc, đẹp đến mấy, nhìn bền đến mấy, cũng phải một bước là ra hết thùng rác.

Thế, mỗi lần nhìn thấy lãng phí, thấy những thứ hê vào thùng rác thực ra vẫn có thể dùng tiếp rất tốt mà buộc phải vứt đi vì không có cơ hội dùng, mình lại nhớ tới Nazareth. Hồi mình đến thì Sao Tomé vừa cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để bắt đầu đón người tàu vào. Đài Loan họ giúp cho quốc đảo ấy bao nhiêu thứ, nhất là nhờ họ mà bài trừ được nạn sốt rét, thế mà chỉ vì ham những lời hứa hẹn đầu tư của tàu khựa mà cắt quan hệ với họ. Gần chục năm đã trôi qua, chắc hòn đảo xinh đẹp đó giờ đã ngập rác hàng tàu. Nazareth chắc không cần phải đi xin vỏ chai nhựa như trước…

 

1 comment:

  1. Em mong những bài viết như này của chị. Em cũng học được cách tối giản trong đồ đạc và tối giản trong ăn uống của chị ạ.

    ReplyDelete